Thursday 2 May 2013

Vài suy nghĩ về tiểu thuyết tình dục chữ Hán của Việt Nam (Phạm Tú Châu)


Vài suy nghĩ về tiểu thuyết tình dục chữ Hán của Việt Nam

E-mailPrint
There are no translations available.

Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam(1) vừa xuất bản là một công trình đồ sộ về tiểu thuyết cổ của nước ta từ trước tới nay, giúp cho bạn đọc trong và ngoài nước thấy được cả một kho tàng tiểu thuyết vô cùng phong phú và đa dạng. Điều đáng nói không chỉ vì chúng ta hầu như có đầy đủ thể loại, từ chí quái, truyền kỳ, truyện ký danh nhân, tiểu thuyết lịch sử cho đến tiểu thuyết diễm tình, tiểu thuyết công án..., mà còn vì bên cạnh tiểu thuyết với mục đích cao cả là biểu dương lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, thức tỉnh lòng yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc, thì chúng ta cũng đã bắt đầu có tiểu thuyết không ngại đề cập đến tình ái riêng tư, thú vui "nam nữ" của con người. Số lượng tiểu thuyết loại này còn hiếm, Tổng tập mới chỉ ra duy nhất một truyện là Hoa viên kỳ ngộ tập, lại thiếu mất phần cuối, nhưng tác phẩm lại là cái mốc đánh dấu sự biến cách lớn trong quan niệm tiểu thuyết đương thời, hé một cánh cửa cho thấy nhu cầu viết về tình dục của tác gia nhà Nho Việt Nam.
Theo đoán định của GS. Phan Văn Các, người dịch và giới thiệu Hoa viên kỳ ngộ tập thì truyện ra đời vào cuối đời Lê, không ghi tác giả. Điều này khiến chúng tôi liên tưởng tới một sự kiện có liên quan khác vào cuối đời Lê, đó là chuyến đi sứ của đoàn sứ giả nước ta kéo dài từ năm 1760 đến cuối năm 1761, đoàn có mua một số sách để đọc lúc rỗi và đem về, trong đó có cuốn Tham hoan báo(2). Giờ đây với những tư liệu do Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam cung cấp và do đồng nghiệp nước ngoài tận tình giúp đỡ(3), chúng tôi thấy cần điều chỉnh và bổ sung một số nhận định đã công bố trước đây sáu năm.
Trước hết, xin nói về Tham hoan báo. Tham hoan báo do Tây Hồ Ngư ẩn Chủ Nhân đời Minh viết, tiểu sử chưa tường. Sách vốn có tên Hoan hỉ oan gia, đời Thanh đổi tên thành Tham hoan báo, sau lại đổi thành Diễm kính và lược bỏ, rút ngắn lại khá nhiều. Sở dĩ có việc đó vì trong 24 truyện của sách, có đến 13 truyện tả cảnh làm tình rất trắng trợn của những cặp ngoại tình "tham hoan" và tất nhiên sau đó bị quả báo xứng đáng. Truyện viết rất hấp dẫn do nhiều tình tiết li kỳ như trong các tiểu thuyết công án. Để tiện làm rõ nhận định của bài viết, chúng tôi cũng xin trích dẫn một đoạn trong truyện Hương Thái Căn cải trang gian mệnh phụ. Truyện kể Tiến sĩ Trương Anh làm quan ở bộ Hình, góa vợ, lấy Mạc thị, con gái Mạc giám sinh ở Dương Châu làm vợ kế. Mạc phu nhân ở nhà vắng vẻ, lên chơi chùa, bị lái buôn ngọc Hương Thái Căn trọ trong chùa nhìn thấy, lập mưu thông gian. Gã này trẻ tuổi, mỏng mày hay hạt như phụ nữ, được nhiều phụ nữ theo đuổi nên quen thói trăng hoa. Gã cải trang thành phụ nữ đem ngọc đến dinh quan Ngự sử chào hàng cùng phu nhân, rồi cố ý để tuột cả chuỗi ngọc, tìm mãi không đủ số. Trời tối, phu nhân giữ lại ngủ cùng, vì "mụ" cũng góa chồng, lại học được cách dùng một "vật" khiến các bà góa vui vẻ. Phu nhân nghe "mụ" kể như vậy thì cũng ngứa ngáy, tuy nằm ngủ mà lửa tâm ngùn ngụt, chỉ muốn được "mụ" làm thử:
"Hương Thái Căn cởi hết quần áo, nhẹ nhàng chui vào trong chăn thơm, kẹp chặt cái vật của mình lại, ngoảnh vào phu nhân nằm im. Thấy "mụ" nằm im, phu nhân hỏi: "Này bà lái, bà ngủ chưa đấy?". "Mụ" đáp: "Con đâu dám ngủ. Con chưa từng được gặp đại phu nhân nên không dám to gan. Nếu được phu nhân cho phép, con xin hành sự in hệt một người đàn ông, không tránh khỏi trước hết sờ mó vày vò thì mới có hứng"... Phu nhân đưa tay sờ "mụ", không thấy có gì khác, bèn hỏi: "Bà cất cái vật ấy ở đâu vậy?". "Mụ" đáp: "Con giấu nó ở trong người con, có bé chút xíu nhưng có "nhân tính" lắm. Nếu nó hứng lên thì từ trong vươn ra, không khác gì vật của đàn ông vậy."....
Thế rồi cuộc "hành sự in hệt người đàn ông" diễn ra qua ngọn bút chân thực đến từng chi tiết(4). Phu nhân Ngự sử phơi phới lòng xuân từ tò mò, vô tình mắc bẫy kẻ gian ngoan trở thành kẻ đồng tình thông gian, phản bội chồng, cuối cùng bị Ngự sử phát hiện và bị thẳng tay trừng trị. Như vậy đoạn miêu tả hành vi tình dục trên đây không phải là đoạn xa đề mà gắn bó chặt chẽ với diễn biến tâm lí và tính cách nhân vật, chẳng những không nằm ngoài tình tiết diễn biến của truyện mà còn là phục bút dẫn dắt tới kết cục tàn khốc tất yếu ở phần cuối. Có phần chắc cùng có chung cảm nhận như vậy với tác giả, không coi Tham hoan báo là "hối dâm" nên một thành viên trong đoàn sứ giả nước ta năm ấy là Đào Đăng Dự đã mua, đọc và mang về nước.
Như chúng tôi đã viết trước đây, mặc dù Phó sứ Lê Quý Đôn có làm tờ trình xin Hải quan Trung Quốc đóng tại Quế Lâm đình chỉ việc thu hồi tất cả sổ sách sứ bộ mua mang về, song rốt cuộc đề nghị đó không được chấp thuận. Tham hoan báokhông về tới Việt Nam năm ấy điều này cũng đủ cho thấy, chúng tôi dùng những từ "một cuốn sách lạc lõng trong tiến trình giao lưu văn hóa Việt -Trung" để chỉ Tham hoan báo ở bài viết trước là chưa thật thỏa đáng. Có phần chắc loại sách này từ những thế kỷ trước đã được bạn đọc nhà nho nước ta tiếp nhận theo nhiều con đường khác nhau mà theo phỏng đoán lâu nay có ba đường: do quan lại Trung Quốc đem sang, do lái buôn sách bên kia biên giới đưa tới và do các thành viên trong các đoàn sứ giả mang về. Hai con đường do lái buôn sách và do sứ thần mang về không còn là phỏng đoán nữa mà đã là sự thật.
Thử lật lại một số đoạn miêu tả hành vi tình dục trong tiểu thuyết chữ Hán nước ta, chúng tôi thấy:
Trong Mộc miên thụ truyện (Truyền kỳ mạn lục), Trình Trung Ngộ tới gặp Diệp Khanh rồi giao hoan, truyện viết:
"Nãi khiên thường hí kịch, cực kì hoan nặc = Bèn vén xiêm đùa bỡn mãnh liệt, cực kì vui thú thân mật".
Trong khi đó, ở nguyên tác Mẫu đơn đăng kí (Tiễn đăng tân thoại) cảnh này chỉ được miêu tả là:
"Sinh dữ nữ huề thủ chí gia, cực kì hoan nặc, tự dĩ vi Vu Sơn, Lạc Phố chi ngộ bất thị quá dã = Sinh cùng nàng dắt tay nhau về nhà, cực kì vui thú thân mật, tự cho rằng cuộc gặp gỡ ở Vu Sơn, Lạc Phố cũng không hơn gì."
So sánh hai đoạn miêu tả cùng một sự việc trên đây, chúng ta thấy cách miêu tả của Nguyễn Dữ hình tượng hơn, gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ hơn, còn Cù Hựu chỉ dùng điển cố để miêu tả một cách ước lệ .
Trong Tây viên kì ngộ kí, Nguyễn Dữ còn miêu tả kĩ hơn cảnh chăn gối cùng lúc giữa thư sinh Hà Nhân và hai nàng Liễu Nhu Nương, Đào Hồng Nương với những chữ dùng bóng bẩy nhưng chân xác, táo bạo:
"... Thái trích gian, nhị nhân tu hoa khẩn viết: "Thiếp đẳng xuân sự vị am, phương tâm chính khiếp, chỉ khủng hoa tình chiên trạo, liễu nhứ điên cuồng, oán lục tu hồng, giảm liễu phong lưu nhất đoạn dã". Sinh viết: "Cô thí khả nhĩ, bất cảm dĩ vân vũ kiến khốn". Dĩ nhi tiền đăng tựu tẩm, tắc ôi kim ỷ ngọc, tài khi chẩm gian, dĩ bãi toái đào hoa lãng hĩ = ...Trong lúc ngắt hái, hai nàng thẹn thùng nói: "Chúng em việc xuân chưa am hiểu, lòng thơm đang khiếp sợ, chỉ e tình hoa run rảy, tơ liễu điên cuồng, ngượng hồng oán lục, giảm mất một đoạn phong lưu vậy". Sinh đáp: "Tạm thử là được, không dám khiến hai nàng khổ vì vân vũ đâu". Nói xong cắt tàn bấc cho đèn sáng(5) rồi cùng nằm, ghé sát vàng, tựa kề ngọc, vừa nghiêng bên gối đã xô vụn sóng hoa đào".
Ngoài đoạn văn miêu tả giàu hình tượng trên đây, thơ ngâm sau đó của cả ba cũng đều nhằm minh họa thêm cho cảnh lạc thủy mây mưa.
So sánh Tây viên kì ngộ kí với Liên phương lâu kí trong Tiễn đăng tân thoại - một truyện có cảnh vui thú mây mưa cùng lúc giữa Trịnh Sinh với hai chị em ruột Tiết Lan Anh và Tiết Huệ Anh, chúng tôi thấy cảnh này cũng chỉ được tả ngắn gọn, sau đó là những bài thơ minh họa thêm:
"... Kí kiến, hỉ cực bất năng ngôn, tương huề nhập tẩm, tận khiển quyển chi ý yên = Gặp mặt, mừng quá sức không nói được, dắt tay nhau vào ngủ, tận hưởng ý quyến luyến".
Chúng tôi tạm dịch hai bài thơ ứng khẩu của Lan Anh, Huệ Anh sau cuộc giao hoan như sau:
Hai hoa nhà ngọc chạm lan can,
Chưa nở vừa hay lúc gặp chàng.
Yểu điệu chưa quen mưa với gió,
Chúa xuân xin giữ ngọc gìn vàng.
 
(Lan Anh)
Bóng nến nghiêng nghiêng, hương nhẹ bay,
Chặn màn bền chắc, gối màn lay.
Phong lưu nào khác cá vầy nước,
Vừa mới sang đông lại hướng tây.
 
(Huệ Anh)
Đến đây chúng tôi có thể sơ bộ rút ra nhận xét : về thơ minh họa cho lạc thú mây mưa, Tiễn đăng tân thoại - tập truyện mà các tiên nho cho là Nguyễn Dữ có mô phỏng, và Truyền kì mạn lục, có cùng mức độ như nhau; hơn nữa đúng là Nguyễn Dữ có vay mượn một đôi ý trong thơ minh họa nêu trên để đưa vào lời nói của Nhu Nương, Hồng Nương, nhưng phần miêu tả cuộc mây mưa bằng văn xuôi thì Truyền kì mạn lục rõ ràng chi tiết, sắc sảo hơn, có nghĩa là Nguyễn Dữ nếu không tự viết ra nhờ thể nghiệm của bản thân thì cũng là vay mượn câu chữ ở những tình tiết tình dục khác của Trung Quốc như cách miêu tả trong Liêu trai chí dị chẳng hạn. Tuy nhiên phần miêu tả "xuân khuê tình trạng" bằng những "diễm từ tuyệt cú, khúc tận kì diệu" ấy chỉ được ông khuôn trong cuộc mây mưa giữa kẻ "thất phu đa dục". Trình Trung Ngộ, kẻ "đồng tâm đa dục" Hà Nhân với những dâm quỉ, hoa yêu để rồi sau đó lời cảnh giới, qui châm có lợi cho thế giáo mới có dịp phát biểu ở phần lời bình cuối truyện. Do vậy nếu có tình tiết "sex" ở "Truyền kì mạn lục, thì đó cũng thuộc loại "cổ điển": chất "sex" chưa đi vào cuộc tình ân ái gối chăn của vợ chồng có cưới hỏi hẳn hoi.
Sang tới Hoa viên kì ngộ tập; chất "sex" đã có chuyển biến mới, đó là có trong cả những truyện trộm hương thó ngọc trước rồi mới tiến tới đá vàng sau. Truyện này đồng dạng với Liên phương lâu kí về cấu trúc đại thể và cũng chỉ dừng lại ở thú vui chăn gối "hoa thơm hái cả cụm", không có mấy ý nghĩa xã hội. Chúng tôi thấy trong Hoa viên kì ngộ tập, khi tả Triệu Sinh "ngắt hái" cô hầu tên Hoa, tác giả đã dùng lại mấy chữ thái trích gian trong Tây viên kì ngộ kí của Nguyễn Dữ (mà thực ra là của tiểu thuyết Trung Quốc bởi chỉ Trung Quốc mới dùng thuật ngữ "thái trích" xuất xứ từ lý thuyết "thái âm bổ dương"); cấu trúc đại thể của truyện này và tên hai chị em nhân vật Lan và Huệ là gợi ý của Liên Phương lâu kí của Cù Hựu; còn cảnh "sen vàng nửa dựng, mình ngọc sát kề, mắt lim dim mà đùi ngọc nhịp nhàng, hồn phiêu diêu mà lưỡi như vừa nhú" trong cuộc mây mưa giữa Triệu Sinh và Lan Nương, thì lại từng có trong Tham hoan báo.
Trong sách này, truyện Trần Chi Mĩ xảo kế biển đa kiều (Trần Chi Mỹ dùng kế gian lừa người đẹp) khi tả cuộc mây mưa giữa Trần Chi Mĩ và Do thị, viết:
"...Kim liên bán cử, ngọc thể toàn hiện, tinh nhãn hàm tình, liễu yêu khinh đãng = Sen vàng nữa dựng, mình ngọc toàn phơi, mắt sáng ngậm tình, eo liễu lắc nhẹ".
Cũng trong sách này, truyện Hứa Huyền Chi khiểm xuất trùng tù lao (Hứa Huyền Chi lẻn ra khỏi lao tù) khi tả cuộc mây mưa giữa Hứa Huyền Chi và Dung Nương, viết:
"... Kim liên bán khải, ngọc thể toàn ôi, tinh nhãn dã tà, kiều ngôn đê hoán = Sen vàng nửa mở, mình ngọc sát kề, mắt sáng nghiêng nghiêng, nũng nịu gọi khẽ".
Như vậy chúng ta có thể thấy "kim liên bán khởi, ngọc thể toàn ôi" (sen vàng nửa dựng, mình ngọc sát kề" trong Hoa viên kì ngộ tập từng được dùng nhiều lần trong Tham hoan báo. Còn những từ "nhãn mông lung nhi cổ ngọc tề du, hồn phiêu dao nhi thiệt quang chích thổ" dùng liền với nhóm từ kể trên ở Hoa viên kỳ ngộ tập thì trong Tham hoan báo cũng không ít, chỉ khác là dùng phân tán ở nhiều truyện mà thôi. Điều bất ngờ là câu Triệu Sinh khen đôi nhũ hoa của Lan Nương: "Diệu tai, nhuyễn ôn hảo tự kê đầu nhục" (Tuyệt thật, vừa mềm vừa ấm hệt như thịt đầu gà!) cũng có trong Tham hoan báo.Truyện Quai Nhị Quan biển lạc mĩ nhân cục (Quai Nhị Quan lừa phá kế mỹ nhân) khi Nhị Quan sờ đôi nhũ hoa của Nhị Nương, tác giả hạ hai câu thơ:
Chân cá thị: Nhuyễn ôn tân bác kê đầu nhục,
Nhi hoạt hồn như tái thượng tô
 
(Thật là: Mềm ấm thịt đầu gà mới bóc,
Láng trơn bơ ải khác gì đâu)
Cách so sánh "nhuyễn ôn hảo tự kê đầu nhục" rõ ràng không phải của người Việt Nam, vì vậy đến đây chúng tôi có thể nêu nhận xét sơ bộ: cấu trúc, tình tiết, chữ dùng tả cảnh mây mưa trong Hoa viên kì ngộ tập là tác giả có tham khảo chi tiết cùng loại có trong truyện của tiên nho nước ta và tiểu thuyết sắc tình Trung Quốc, hơn nữa rất có thể truyện này được gợi ý trực tiếp từ truyện Liên phương lâu kí nhưng cốt truyện đã được phát triển để trở nên dầy dặn và táo bạo hơn nhiều.
Ngoài ra, trong Hoa viên kỳ ngộ tập có nhắc đến tên hai cuốn sách mà Triệu Sinh và Huệ Nương cùng có đọc và trao đổi nhận xét, đó là Thiên hương và Lưu Sinh mịch.
Lưu Sinh mịch không phải tên người mà là tên gọi tắt của Lưu Sinh mịch liên ký, tiểu thuyết Minh Thanh, sáu quyển, mười sáu hồi, tác giả là Ngô Kính Sở. Truyện kể Lưu Nhất Xuân tên chữ là Hy Hoàn đến nhà thầy học là Triệu Tư Trí, gặp cháu gái bên ngoại của thầy là Lưu Bích Liên, rất đẹp, đem lòng yêu. Sau Sinh du học, ở trọ nhà ông Kim Duy Hiền, bất ngờ gặp lại Bích Liên, nhà nàng là hàng xóm với ông Kim. Nhờ cô hầu Tố Mai đưa thư, hai người được ngâm vịnh cùng nhau, tình yêu càng nồng. Sau nhiều lần tìm cách, họ ước hẹn được nhân duyên với nhau nhờ hai gia đình đều đồng ý. Cậu của Lưu Sinh là Mã Nhị Cao mới được thăng Phó sứ bộ Binh, gọi Sinh cùng đi theo dẹp giặc. Cô hầu nhà cậu là Vân Hương xinh đẹp cũng có tình với Sinh nhưng chàng không sàm sỡ. Thắng giặc trở về đến Nhạn Lĩnh, Sinh cứu được cô gái Miêu Tú Linh, hứa kết duyên. Chàng lại thu nhận cả kỹ nữ Hứa Văn Tiên làm thiếp. Cậu chàng lại tặng thêm cô hầu Vân Hương, thế là chàng có cả bốn nàng làm vợ. Chẳng bao lâu chàng đỗ Tiến sĩ(6).
Còn Thiên hương cũng là tên gọi tắt của Quốc sắc thiên hương, tiểu thuyết đời Minh, Ngô Kính Sở biên tập. Đây là tên chung một tập truyện, trong đó có truyện Lưu Sinh mịch liên ký cùng 27 truyện khác. Đáng chú ý trong tập này có truyệnTrương Vu Hồ, "chép chuyện một nhà sáng tác từ nổi tiếng đời Nam Tống là Trương Hiếu Tường đến ở nhờ đạo quán Nữ Trinh. Tại đây Hiếu Tường gặp đạo cô Trần Diệu Thường trò chuyện tình cảm, nhưng sau đó lại tác thành cho Trần Diệu Thường và Phan Tất Chính nên mối nhân duyên tốt đẹp". Như vậy, một xuất xứ khác của Truyện Phan Trần chính là truyệnTrương Vu Hồ này(7).
Tư liệu như Trung Quốc thông tục tiểu thuyết tổng mục đề yếu cung cấp trên đây chưa thể nói thêm được điều gì, ngoài điều cho thấy tác giả Hoa viên kì ngộ tập có đọc số truyện này trong đó có Liên phương lâu ký. Nếu có thể nói thêm thì đấy là trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam còn một truyện nữa có những chi tiết "sex" đáng để ý, đó là: Thư si truyện. Thư si truyện có nội dung tương tự truyện Thư si trong Liêu trai chí dị, chỉ khác cô gái bày cho chàng Lang Ngọc Trụ biết "công phu chăn gối" là tinh sách Nhan Như Ngọc, còn người phụ nữ dạy cho Lê Hải Học biết cách "vi nhân" lại chính là vợ chàng. Đoạn này Thư si truyện tả mùi mẫn hơn Thư si đã đành mà còn hơn cả một số chi tiết cùng loại trong nhiều tiểu thuyết chữ Hán nước ta, đạt đến độ "sex" chẳng kém gì đoạn tả cuộc giao hoan giữa Triệu Sinh và Huệ Nương trong Hoa viên kì ngộ tập. Thư si truyện còn giàu chất hài hước táo bạo: những câu văn, câu thơ trích trong kinh sách mà Lê Hải Học ghép lại thành bài mừng đám cưới lại chính là những lời bóng gió chỉ chuyện mây mưa. Như vậy Thư si truyện cũng là một cái mốc đánh dấu bước tiến mới của tác giả nhà nho khi đưa "sex" vào chuyện ân ái vợ chồng và dám cả gan dùng chữ sách thánh hiền để minh họa cho thú giao hoan.
Qua số tư liệu bước đầu tìm được như trên, chúng tôi tạm thời có mấy nhận xét chung như sau:
1. Tiểu thuyết tình dục của Trung Quốc du nhập hoặc được đưa về nước ta không ít và không loại trừ Tham hoan báo lại một lần nữa có trong số sách này. Loại sách đó được bạn đọc nhà nho trong nước ta thích thú tìm đọc và khai thác để sáng tác nên tiểu thuyết chữ Hán cùng loại của chính mình. Các tác giả đã đưa "sex" từ tình tiết lan sang cả cốt truyện; từ có trong cuộc mây mưa với dâm quỉ, hoa yêu tiến tới hiện diện trong cuộc tình trước là vụng trộm sau nên đá vàng và cuối cùng là có mặt trong cuộc ân ái vợ chồng.
2. Do đô thị và kinh tế hàng hóa của Trung Quốc phát triển, đời sống xã hội với thế thái nhân tình muôn vẻ cũng bộc lộ rõ, cung cấp nhiều dữ kiện sống động, tươi mới để văn nhân sáng tác nên hàng loạt nhân vật đam mê thú vui nam nữ ở nhân gian, qua đó mà gửi gắm ý tưởng hoặc nêu gương. Trung Quốc còn có lí thuyết âm dương tương bổ, hoặc thái âm bổ dương, hoặc thái dương bổ âm của Đạo gia làm cơ sở lí luận cho công phu gối chăn, vì thế hình thành hẳn một dòng văn học "sex" mà họ gọi là "diễm tình". Chúng ta từng nghe nói đến Nhục bồ đoàn, Kim Bình Mai (bản đầy đủ), nhưng giờ đây lại còn có Cô vọng ngôn 10 tập, cao hơn hẳn Kim Bình Mai một bậc về lí luận, phương pháp, "chiến thuật", thuốc men, kinh nghiệm, tâm lí... trong chuyện chăn gối. Mười tập này cùng với nhiều tiểu thuyết "sex" khác của Trung Quốc, trong đó cóTham hoan báo hợp thành Tổng tập gồm 34 tập xuất bản năm 1997 dưới tên chung Tư vô tà vựng bảo.
3. Tiểu thuyết "sex" bằng chữ Hán của nước ta chỉ có một truyện ngắn và nếu mở rộng hơn, cũng chỉ thêm một Thư si truyện nữa là cùng. Trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tâm thế tác gia nhà nho nước ta vẫn để ở những đề tài liên quan đến vận nước, đời sống của dân mà có thể một thời gian lâu sau này cũng vẫn phần lớn là như vậy. Nhưng dù chỉ có rất ít truyện "sex" cộng thêm nhiều tình tiết "sex" ở một số truyện khác, chúng ta cũng có thể thấy tâm tư, suy nghĩ của các tác giả đồng thời có thể thấy mức độ thể hiện tình dục cùng cách giải tỏa cái libido ấy theo cách riêng của nhà nho nước ta.
4. Hiện tượng nói trên là một hiện tượng văn hóa, cho thấy nhà văn và bạn đọc thời xưa đã bắt đầu không thỏa mãn với tác phẩm thuần nhã mà có nhu cầu nhã tục cùng thưởng thức. Điều này phản ánh xu thế phát triển văn hóa chung của một nước: bên cạnh dòng văn học nhã cao cả còn cần một dòng văn học đại chúng, phản ánh thế thái thường tình. Xưa nay đều là như thế cả.
Nhân đây cũng xin thêm một ý kiến chen ngang: đoạn văn trong bài mừng đám rước dâu của thư sinh Lê Hải Học: "Tấc đất trống không mà nhiều hang và dòng chảy, một mảnh đất nhỏ mà nhiều thảo mộc sinh sôi..." khiến chúng tôi nghĩ tới thơ Hồ Xuân Hương mà từng có ý kiến cho rằng trong đó lẫn một số thơ "đàn ông" trước đây không hẳn đã là vô căn cứ.
5. Là một bạn đọc, chúng tôi hết sức hoan nghênh thành quả nghiên cứu, giới thiệu, dịch thuật tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam của nhiều nhà Hán học trong ngoài Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đặc biệt hoan nghênh bản dịch trung thực,Hoa viên kì ngộ tập, Thư si truyện của dịch giả Phan Văn Các và Lâm Giang. Chỉ có dịch đầy đủ tình tiết "sex" vốn có trong truyện chữ Hán Việt Nam và truyện "sex" cổ Trung Quốc có quan hệ giao lưu, chúng ta mới đánh giá đúng được một mảng tác phẩm quan trọng trong di sản văn hóa nước nhà.
CHÚ THÍCH
(1) GS. Trần Nghĩa chủ biên, do nhiều nhà nghiên cứu trong ngoài Viện Hán Nôm dịch và giới thiệu. Nhà xuất Bản Thế giới, 1997.
(2) Xem thêm Phạm Tú Châu: Tham hoan báo - một cuốn sách bị lạc trong tiến trình giao lưu văn hóa Việt - Trung. Báo Văn nghệ, số chuyên đề về Hán Nôm ra ngày 14-8-1993. Chữ "bị lạc" do biên tập viên sửa chưa đúng, dùng chữ "lạc lõng" thì đúng hơn.
(3) Bắc sứ thông lục. A.179. Sách Tham hoan báo do GS. Trần ích Nguyên, trường Đại học Trung Chính, Đài Loan cung cấp. Nhân đây xin cảm ơn.
(4) Truyện viết: "Khưu ma tức bả phu nhân chi vật tương trung chỉ tiến nội khinh khinh nhi khống, bạt trước hoa tâm, động liễu kỉ hạ, dâm thủy lâm lâm lưu xuất. Tha tiện thượng thâm tấu trước noãn nhãn, nhất tủng tiến khứ, trước thực trừu tương khởi lai:                 ,            便              ”.
(5) Tiễn đăng   là cắt tàn bấc đèn cho sáng song các bản dịch trước đều dịch là " tắt đèn".
(6) Theo Trung Quốc thông tục tiểu thuyết tông mục đề yếu, Nxb. Trung Quốc văn liên, Bắc Kinh, 1990. Lưu Sinh mịch liên ký có trong một tập truyện gồm 12 quyển dưới tên chung Tú cốc xuân dung. Ở đây truyện được gọi là Lưu Hy Hoàn mịch liên ký. Ngoài ra ở tập truyện này cũng có cả Liên phương lâu ký, nội dung như trong Tiễn đăng tân thoại. Trong Đề yếucòn một truyện Lưu Sinh mịch liên ký đứng riêng, nội dung có khác chút ít: Lưu Sinh chỉ lấy có hai vợ, một là Bích Liên, hai là cô hầu nhà cậu là Vân Nương, sau đổi tên Tú Linh.
(7) Theo Cổ đại tiểu thuyết bách khoa đại từ điển, Nxb. Học Uyển, Bắc Kinh, 1992, tr.164. Chỉ tiếc truyện Trương Vu Hồ tóm tắt quá gọn như trên. Trong Đề yếu lại chỉ chép tên truyện mà không nói rõ nội dung. Dù sao cũng là một xuất xứ mới bên cạnh xuất xứ vở hý khúc Ngọc trâm ký như GS. Trần Nghĩa đã công bố trên Tạp chí Hán Nôm, số 1- 1998.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 3(40), 1999

No comments:

Post a Comment