Monday, 21 October 2013

Ký ức những ngày đi chiến dịch (Phạm Hồng Cư - Quân Đội Nhân Dân)


Ký ức những ngày đi chiến dịch
QĐND - Thứ Bẩy, 03/11/2012, 18:54 (GMT+7)
Đánh thắng trận mở màn
QĐND - Sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về trận tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ còn in đậm trong tâm trí chúng tôi, những cựu chiến binh của Đại đoàn Quân Tiên Phong - 308, đơn vị đảm nhiệm trọng trách tiến công Phân khu Nghĩa Lộ, mở màn chiến dịch Tây Bắc thu đông 1952. Trung đoàn Thủ Đô (e102) tiêu diệt địch ở Pú Chạng, Trung đoàn Tu Vũ (e88) tiêu diệt địch ở Nghĩa Lộ phố, Trung đoàn Bắc Bắc (e36) tiêu diệt địch ở Cửa Nhì.
Phân khu Nghĩa Lộ là một trong bốn phân khu của giặc Pháp cùng với các Phân khu Sông Đà, Phân khu Sơn La, Phân khu Lai Châu hợp thành Khu tự trị Tây Bắc (gọi tắt là ZANO), chiếm đóng miền Tây Bắc của ta.
Chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ là viên quan tư Ti-ri-ông (Tirillon), một tên ác ôn thực dân cáo già từ thời kỳ Pháp thuộc, y nói được tiếng Thái, có mặt ở Tây Bắc từ năm 1940.
Tại thung lũng Nghĩa Lộ, chính giữa là thị trấn, cuối thị trấn về phía tây nam là cứ điểm Nghĩa Lộ (còn gọi là Nghĩa Lộ phố) xây dựng trên vị trí trại lính khố xanh cũ, có khoảng 500 quân đồn trú. Sân bay dã chiến của phân khu trải dài từ cứ điểm Nghĩa Lộ đến gần dãy núi Pú Chạng. Cứ điểm Pú Chạng (còn gọi là Nghĩa Lộ đồi) có 300 quân chiếm đóng ở một địa thế cao. Với hệ thống công sự vững chắc, với địa thế hiểm hóc, lại có vành đai các tiền đồn bảo vệ, khi bị uy hiếp, lại có quân tăng viện bằng nhảy dù, nên viên quan tư Ti-ri-ông cho rằng, Việt Minh không có khả năng đánh Nghĩa Lộ. Y không biết số phận của y sắp được định đoạt.
Một đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu vị trí chiến đấu trên sa bàn. Ảnh tư liệu   
Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nhận nhiệm vụ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao trong Hội nghị của Bộ Tổng tư lệnh họp từ ngày 6 đến ngày 9-9-1952. Ông nhận rõ trách nhiệm rất nặng nề: Trận đầu phải thắng! Đó là truyền thống của quân đội ta. Ông giao cho Trung đoàn trưởng 36 Hồng Sơn đi trinh sát đồn Cửa Nhì, còn ông dẫn đầu đoàn cán bộ đi vào Nghĩa Lộ. Phương án tác chiến sơ bộ hiện ra trong đầu ông: “Giao cho Trung đoàn 102 đánh Pú Chạng, Trung đoàn 88 đánh Nghĩa Lộ phố”. Trong đoàn cán bộ, ai cũng biết Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ tuổi cao, mắc bệnh đau dạ dày nặng; Trung đoàn trưởng 102 Vũ Yên đang bị lên một cái nhọt ở bắp đùi, Trung đoàn trưởng 88 Thái Dũng bị cụt bàn tay phải, trèo đèo leo dốc hay bị ngã…
Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đến Nậm Mười thì gặp đồng chí Sinh, Phó bí thư Huyện ủy Văn Chấn từ vùng địch ra cung cấp tình hình. Đồng chí Sinh là người mà tên Boa Lô (Boileau), chỉ huy phó Phân khu Nghĩa Lộ đặt giá cái đầu bằng một tạ muối. Được vài ngày, đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường cạn lương thực, đồng chí Phách cán bộ địa phương đã kịp thời vận động nhân dân bản Hẻo tiếp tế cho đoàn. Lúc đoàn rút ra thì đại đội trưởng súng cối Mạnh Trung lên cơn sốt ly bì, một số chiến sĩ trinh sát dầm sương, ngâm nước, nhịn đói, cũng bị ốm nặng. Đồng chí Phách đề nghị với Đại đoàn trưởng để các đồng chí ốm ở lại bản Hẻo...
Đêm 7-10-1952, đại quân vượt sông Thao. Đại đoàn 308 và pháo binh qua bến Âu Lâu, các đơn vị khác qua các bến Mậu A, Cổ Phúc. Chỉ trong một đêm, nhân dân Yên Bái chở hết quân của Đại đoàn 308 và pháo binh sang sông. Thật là một kỳ tích! Người chèo thuyền số đông lớn tuổi, lại có những em gái 15, 16 tuổi, bóng nhỏ vai gầy, cúi rạp xuống dưới sức nặng của mái chèo. Nam nữ thanh niên Yên Bái đi bộ đội, đi dân công hết cả rồi chăng? Một kỳ tích nữa là cả một tập đoàn chiến dịch gần 5 vạn quân vượt sông Thao tiến vào Tây Bắc mà địch không hề hay biết. Cho tới 10 ngày sau đó, khi quân ta nổ súng tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ, Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội vẫn đinh ninh là Việt Minh sẽ tấn công hướng đồng bằng Bắc Bộ.
Qua sông, Trung đoàn 102 và Trung đoàn 88 ở mũi tiến công chính theo đường mòn xuyên rừng vượt Khau Vác tiến vào Nghĩa Lộ; Trung đoàn 36 theo đường 13 vượt đèo Bụt tiến vào Cửa Nhì.
Dân công gồng gánh lương thực, đạn dược theo sát bộ đội, đường trơn mưa ướt, có lúc ùn tắc không nhích được nửa bước vẫn cứ gánh gồng trên vai không dám đặt xuống. Đường mòn nhão bùn như vữa, bốc lên mùi tanh của lá mục rừng già, muỗi vắt hàng đàn, bàn chân bị nước ăn trắng bệch, có chỗ rộp phồng. Nhưng không một ai lùi bước.
Ngày 14-10-1952, chiến dịch Tây Bắc mở màn. Để tạo thế cho Đại đoàn 308 vào sâu chiếm lĩnh trận địa bao vây tiêu diệt Sở chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ, các trung đoàn của đơn vị bạn đánh trước một số vị trí: Trung đoàn 174 đánh Ca Vịnh, Trung đoàn 141 đánh Sài Lương, quân địch ở các vị trí này bỏ chạy. Trung đoàn 98 tiêu diệt vị trí Gia Phù.
Ngày 15, Ti-ri-ông chỉ huy trưởng Phân khu Nghĩa Lộ đưa một đại đội Ta-bo (lính Ma-rốc) vừa được tăng cường đi sục sạo ở Khau Vác, bị một đơn vị của Đại đoàn 312 tiêu diệt gọn tại Nậm Mười.
Ngày 16-10, các vị trí địch ở Thượng Bằng La, Ba Khe rút chạy. Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội thấy tình hình nghiêm trọng vội ném tiểu đoàn dù số 6, do Bi-gia (Bigeard) chỉ huy xuống Tú Lệ để chặn đường tiếp tế của quân ta, giữ Sơn La và giải tỏa cho Nghĩa Lộ. Chúng cũng tăng cường Tiểu đoàn 3 Lê dương lên Nà Sản để bảo vệ Sơn La.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho Đại đoàn 308 nhanh chóng tiến vào bao vây chặt quân địch ở Nghĩa Lộ, không cho chúng rút chạy về Sơn La và nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Ngày 17-10, hai Trung đoàn 102 và 88 từ đỉnh cao 1.500m đổ xuống tiến vào chiếm lĩnh trận địa, bao vây Nghĩa Lộ.
Lợi dụng sương mù, Trung đoàn 102 cùng với pháo binh và súng phòng không chiếm lĩnh những điểm cao đối diện với Pú Chạng, đợi lệnh nổ súng; Trung đoàn 88 chờ trời tối sẽ tiến vào Nghĩa Lộ phố. Trong lúc đó, Trung đoàn 36 đã bao vây Cửa Nhì.
14 giờ 30 phút, pháo binh ta bắn phá trận địa pháo 105mm của địch ở Nghĩa Lộ phố, tạo điều kiện cho Trung đoàn 102 từ 3 hướng chia làm nhiều mũi tiến đánh Pú Chạng.
Ba tốp máy bay Hen-cát và một tốp B26 xuất hiện trên bầu trời, ném bom na-pan và bom phá vào đội hình xuất phát xung phong, làm 34 cán bộ, chiến sĩ bị thương, trong đó có Trung đoàn phó Hùng Sinh. Bộ đội phòng không nghênh chiến, bắn rơi 2 chiếc Hen-cát. Đại đội chủ công 267 lọt vào đồn, nhanh chóng thọc sâu chia cắt quân địch. Đến 20 giờ, Trung đoàn 102 tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Pú Chạng, bắt sống 177 tên địch, trong đó có viên quan tư Ti-ri-ông. Trong lúc quân ta thu dọn chiến trường, máy bay địch lại ném bom xuống trận địa, Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương hy sinh ngay dưới chân đồi.
Tôi rất quen biết Vũ Phương, một cán bộ trẻ tuổi, thông minh, dũng cảm đã đánh thắng trận Bình Ca năm 1947. Khi ấy tôi là chính trị viên tiểu đoàn, đã kết nạp Vũ Phương vào Đảng ngay sau chiến thắng. Rồi Vũ Phương đánh thắng trận Non Nước và lần này đánh thắng trận Pú Chạng, nhưng đã anh dũng hy sinh.
Cứ điểm Pú Chạng bị tiêu diệt sớm, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ ra lệnh cho Trung đoàn 88 chiếm lĩnh trận địa dưới ánh pháo sáng và đèn dù của máy bay địch, đến 3 giờ sáng ngày 18-10 thì nổ súng. Giai đoạn mở của đột phá diễn ra rất gay go. Bộ đội ta vừa đối phó với máy bay vừa khẩn trương diệt các ổ đề kháng của địch trong cứ điểm. Đến 8 giờ sáng ngày 18, Trung đoàn 88 tiêu diệt hoàn toàn vị trí Nghĩa Lộ phố, bắt 235 tên địch, trong đó có cả tên Đại úy Bác-be, chỉ huy quân tăng viện. Ta thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng, trong đó có 2 khẩu pháo 105mm và hàng nghìn viên đạn pháo.
Tại Cửa Nhì, địch cũng dùng máy bay thả bom na-pan xuống trận địa bao vây của ta. Có người trúng na-pan lăn mình dập lửa rồi tiếp tục vây ép địch. Nắm đúng thời cơ lúc quân địch chuẩn bị rút chạy, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn ra lệnh tấn công. Trận đánh diễn ra nhanh, gọn. Trong đêm 18, Trung đoàn 36 diệt đồn Cửa Nhì, bắt sống 80 tên địch, trong đó có 2 tên sĩ quan chỉ huy.
Đại đoàn 308 đã hoàn thành nhiệm vụ. Cả 3 trung đoàn đều lập công xuất sắc.
Tại Cửa Nhì, Tiểu đoàn phó Tường (có biệt hiệu là Tường kính) hy sinh. Đó là một cán bộ trẻ, có cặp mắt tươi cười sau cặp kính trắng, rất có năng lực, đầy triển vọng. Anh vấp phải mìn khi đi trinh sát. Trong khi Đại đoàn 308 tiêu diệt Sở chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ thì trên các hướng khác, Trung đoàn 98 tiêu diệt Sở chỉ huy Tiểu khu Phù Yên; địch ở Vạn Yên rút chạy.
Trên hướng Bắc, dưới áp lực của Đại đoàn 312, quân địch ở Gia Hội rút chạy về Tú Lệ, nhập với tiểu đoàn dù tháo chạy về phía sông Đà. Trung đoàn 165 đuổi địch suốt 5 ngày đêm, diệt và làm tan rã hàng trăm quân địch. Ngày 23-10, Đại đoàn 312 đã có mặt ở bờ sông Đà.


***

QĐND - Phía mũi vu hồi chiến dịch đánh vào sau lưng địch ở Lai Châu, Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148) từ Lào Cai tiến vào Quỳnh Nhai đánh tan một tiểu đoàn ngụy và một tiểu đoàn Ta-bo tới cứu viện.
Sau 10 ngày đêm chiến đấu (từ 14-10 đến 23-10-1952), ta đã giải phóng một khu vực rộng lớn vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ con đường 13 nối liền Yên Bái với Nghĩa Lộ. Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên bị tiêu diệt. Ta diệt 500 tên địch, bắt sống hơn 1000 tên, trong đó có 300 lính Âu Phi, nhiều sĩ quan, chỉ huy các cấp.
Đợt một chiến dịch kết thúc thắng lợi.
Bảo vệ vững chắc hậu phương
Mở màn Chiến dịch Tây Bắc, chỉ trong mười ngày, quân ta đã tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ, Tiểu khu Phù Yên, giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, áp sát sông Đà, chuẩn bị vượt sông tiến sâu vào Tây Bắc.
Quân Pháp đối phó quyết liệt. Một mặt chúng lập phòng tuyến hữu ngạn sông Đà, tăng quân lập tập đoàn cứ điểm Nà Sản; mặt khác, chúng huy động lực lượng mở cuộc hành binh Lo-ren đánh lên hậu phương chiến dịch ở Phú Thọ nhằm triệt đường tiếp tế, tàn phá làng mạc, kho tàng, hòng kéo lực lượng ta về để giảm nhẹ áp lực ở Tây Bắc.
Bộ đội hành quân luồn rừng đi chiến dịch. Ảnh tư liệu
Trong các chiến dịch quân sự mà quân Pháp đã tiến hành cho tới lúc đó ở Đông Dương, thì Lo-ren là cuộc hành binh lớn nhất. Lực lượng gồm: 4 binh đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn dù, 5 đội com-măng-đô, 2 tiểu đoàn thiết giáp, 2 đại đội chiến xa hạng nhẹ và thiết giáp trinh sát, 2 thủy đoàn xung kích, 2 cụm pháo binh cùng các đơn vị công binh, tổng số quân lên đến 30.000 người. Cuộc hành binh Lo-ren do Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, Đờ Li-na-rét lập kế hoạch và trực tiếp chỉ huy.
Ngày 28-10-1952, quân địch từ Trung Hà, Việt Trì theo đường sông và đường số 2 đánh lên thị xã Phú Thọ. Ngày 8-11-1952, chúng cho quân nhảy dù xuống Đoan Hùng.
Sự kiện này xảy ra không ngoài dự kiến của Bộ Tổng tư lệnh. Trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Ta đã dự kiến khi mở cCiến dịch Tây Bắc, địch có thể đánh lên Phú Thọ, nên đã bố trí tại đây Trung đoàn 176 một tiểu đoàn của Trung đoàn 146 cùng bộ đội địa phương với nhiệm vụ ngăn chặn quân địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ kho tàng".
Bộ Tổng tư lệnh quyết định giữ vững quyền chủ động tiếp tục thực hiện đợt hai chiến dịch Tây Bắc, vượt sông Đà tiến vào giải phóng Sơn La, chỉ rút khỏi đội hình chiến dịch một trung đoàn, nhanh chóng quay về tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, cùng với bộ đội chủ lực và địa phương phá âm mưu địch đánh vào hậu phương ta. Đơn vị được trao nhiệm vụ là Trung đoàn 36, một trung đoàn giỏi đánh vận động, do tiền phương Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Thời gian nổ súng đánh địch ở Phú Thọ được quy định chậm nhất là ngày 14-11-1952, trước khi đợt hai chiến dịch bắt đầu.
Tại Phú Thọ, nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng đã được lệnh sơ tán vào rừng. Quân và dân Phú Thọ sẵn sàng nghênh chiến. Giặc Pháp bước chân vào huyện Tam Nông đã bị chặn đánh, chết 40 tên. Du kích một xã ở Lâm Thao một ngày ba lần đánh bật địch ra khỏi xã, diệt 20 tên. Du kích thị xã Phú Thọ giật bom tiêu diệt một trung đội địch. Dân quân Thanh Ba diệt 10 tên giặc. Dân quân Phù Ninh bám đường số 2 đánh mìn, diệt một xe... Tuy chỉ một, hai xe cơ giới bị lật đổ, vài tên giặc gục xuống, nhưng hiệu quả lớn hơn nhiều: Binh lính địch gờm sợ, không dám tiến sâu vào hai bên đường, đốt nhà, phá phách. Tuy vậy, chúng cũng phá được 3 kho gạo, 1 kho muối, 1 kho vũ khí hơn 100 tấn ta chưa kịp di chuyển.
Sau nửa tháng hành quân, cuộc hành binh Lo-ren với 3 vạn quân Pháp đánh lên Phú Thọ không mang lại cho chúng kết quả mong đợi. Ở Tây Bắc, quân ta vượt sông Đà, tiếp tục tiến công địch.
Ở đồng bằng Bắc Bộ, nắm thời cơ lúc đại bộ phận quân cơ động bị địch giam chân ở Phú Thọ, hai Đại đoàn 320 và 304 tiến sâu vào vùng hậu địch trống rỗng như trong Chiến dịch Hòa Bình cuối năm 1951. Trong vòng 10 ngày, từ 5 đến 15-11-1952, chỉ riêng bên tả ngạn sông Hồng đã có tới 34 vị trí từ một trung đội đến một đại đội địch bị quân ta tiêu diệt, 16 vị trí rút chạy và 29 vị trí bị bao vây. Sáng 14-11-1952, quân ta đánh vào Phát Diệm, bắn chìm 3 tàu địch và tiêu diệt 3 đại đội đồn trú.
Bộ chỉ huy Pháp ở vào tình thế buộc phải rút quân về cứu nguy cho đồng bằng Bắc Bộ. Cũng có thể chúng đã phát hiện có một bộ phận chủ lực ta ở Tây Bắc đã quay về.
Chiều 14-11-1952, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tướng Sa-lăng ra lệnh rút quân.
Lúc này, Trung đoàn 36 đã kịp về đến đất Phú Thọ sau một cuộc hành quân thần tốc đi liên tục 4 ngày 3 đêm từ Cửa Nhì về Phú Thọ. Bộ đội hành quân thâu đêm suốt sáng, chân bước vội vã như chạy, như bay. Điều gì thôi thúc chiến sĩ như vậy? Đó là các tin tức: "Địch đánh lên Phú Thọ!"... "Chúng chiếm Thái Ninh rồi!"... "Chúng nhảy dù Phú Đoan!".
Theo kế hoạch ban đầu, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn đã thống nhất với Chỉ huy trưởng Mặt trận Phú Thọ Vũ Hiển, Trung đoàn 36 sẽ đánh đồn địch ở Vân Mộng. Qua sông Hồng, trung đoàn đi đến khu vực Tăng Mỹ, giấu quân bí mật, không chạm trán với quân địch đi càn quét, tích cực chuẩn bị cho trận đánh đồn Vân Mộng diễn ra vào tối 16-11-1952.
Đúng ngày 16-11-1952, trung đoàn nhận được tin địch rút. Điện của tiền phương Bộ Tổng tư lệnh: "Địch bắt đầu rút. Sơn Đông tìm cách đánh ngay" (Sơn Đông là bí danh của Trung đoàn 36 trong Chiến dịch Tây Bắc). Trinh sát của Trung đoàn 36 phái đi trước quay về báo tin: Từ sáng đến chiều 15-11, có 90 xe địch từ Đoan Hùng về Phú Hộ.
Trung đoàn trưởng Hồng Sơn chỉ huy trung đoàn đã nhiều năm, biết rất rõ năng lực của trung đoàn: Tích cực chủ động, cơ động linh hoạt, đã đánh là thắng, đã đánh là quyết định chiến trường. Đó là truyền thống Quân Tiên Phong. Trung đoàn trưởng chuyển quyết tâm tác chiến từ đánh đồn sang phục kích đánh địch rút lui. Thời gian rất gấp, phải đánh ngay sáng hôm sau (17-11), không để cho địch rút quá xuống dưới, địa hình trống trải khó đánh. Khu vực được chọn để phục kích là đoạn đường số 2 từ Chân Mộng đến Trạm Thản.
Cán bộ quân sự đi trước, vừa đi vừa hình thành kế hoạch tác chiến, vừa đi vừa giao nhiệm vụ; Tiểu đoàn 80 chặn đầu, Tiểu đoàn 89 khóa đuôi, gọi Tiểu đoàn 84 về làm dự bị.
Địch chốt 3 đồn ở Vân Mộng, Châu Mộng, Năng Yên. Đoàn cán bộ quân sự do Trung đoàn trưởng Hồng Sơn, các Tiểu đoàn trưởng Cao Lưu, Mai Xuân Tân dẫn đầu đang tìm đường mòn ra đường số 2 thì từ một bụi cây, một ông già tay cầm rìu xuất hiện, nói khẽ: "Bộ đội đi đâu? Đồn Năng Yên kia! Nói to nó nghe thấy?". Đó là cụ Nguyễn Văn Kính quen gọi là ông già "Lán than", chuyên chặt củi đốt than. Cụ dẫn đoàn cán bộ tránh đồn địch, đi ra đường số 2. Trung đoàn trưởng chỉ khu vực bố trí cho các đơn vị, giao nhiệm vụ tại thực địa. Ông già “Lán than” dắt Tiểu đoàn trưởng Cao Lưu và Tiểu đoàn 89 ra nơi ém quân. Phía tiểu đoàn 80 có đồng chí Bình, dân quân xã dẫn đường. Những người đi sau cùng xóa sạch dấu vết. Trận địa phục kích được hình thành trước 5 giờ sáng. Tiết đông lạnh lẽo, trời đầy mây, gió thổi rào rạt. Các chiến sĩ 36 thu mình dưới tán lá rừng đào công sự, chờ giặc đến. Chỉ có vài tổ cảnh giới bí mật bám đường.
Về phía địch, binh đoàn lính dù do Đơ Cuốc-nô chỉ huy đã rút an toàn về tới Việt Trì chiều 15-11. Lực lượng còn lại tập kết tại Đoan Hùng, sáng 17-11 bắt đầu rút, GM4 đi đầu do Kéc-ga-va-rat chỉ huy. GM1 đi sau do Bát-tia-va-ni chỉ huy. Mỗi đơn vị đều có pháo binh, có xe tăng thiết giáp yểm trợ riêng.
Đoàn cơ giới địch nặng nề rời Chân Mộng đi vào thung lũng. Chúng xua đẩy một số đồng bào ta bị bắt đi đầu làm bia đỡ đạn. Chờ cho số đồng bào và bộ phận đi đầu vượt qua trận địa, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn hạ lệnh đánh. Kèn lệnh vang lên, toàn trận địa nổ súng. Địch bị hoàn toàn bất ngờ. Ngay từ loạt đạn đầu, hàng chục xe địch bốc cháy, hàng trăm tên địch trúng đạn. Quân ta từ các cánh rừng hai bên đường số 2 tràn xuống, xông vào đội hình xe và binh lính địch đang hoảng loạn, diệt địch. Đội hình địch bị đánh vào khúc giữa. Số xe đi đầu (40 chiếc) chạy thoát về Phú Hộ. Số đi sau chùn lại ở đồn Chân Mộng. Ta đánh nhanh rút nhanh, bắt tù binh, thu vũ khí. Đốt xe xong, ta lui quân, chỉ để lại một lực lượng nhỏ kiềm chế. Suốt ngày 17-11, địch co lại ở đồn Chân Mộng không dám cựa, đến sẩm tối, chúng bí mật rút chạy, nhưng thật bất ngờ, đúng lúc đó, Tiểu đoàn 84 xuất hiện.
Tiểu đoàn 84 đi đánh địch ở Đồn Vàng, nhưng địch ở đó đã rút. Tiểu đoàn trưởng Sơn Mã cho hành quân cấp tốc theo hướng có tiếng súng nổ. Gặp đoàn xe đi cuối, Sơn Mã ra lệnh đuổi theo trong đêm. Đường số 2 đầy xác lính địch và xe cháy làm cho Tiểu đoàn 84 càng hăng say truy kích. Tiểu đoàn trưởng Sơn Mã dẫn đầu bị trúng đạn hy sinh. Chiến sĩ Trần Văn Thoa căm thù đuổi theo dùng thủ pháo diệt xe. Tiểu đoàn 84 đuổi kịp địch, đánh vào những xe đi cuối ở Trạm Thản. Trận phục kích Chân Mộng-Trạm Thản kết thúc lúc 9 giờ tối 17-11-1952. Kết quả: Ta diệt 400 địch, bắt sống 84 tên, bắn cháy 44 xe cơ giới có 17 thiết giáp, thu 1 xe tăng còn nguyên vẹn.
Lúc ấy, tôi là Phó chính ủy Trung đoàn 36 cùng với Ban Chỉ huy trung đoàn nhanh chóng đưa Trung đoàn từ Tây Bắc quay về Phú Thọ đánh thắng trận Chân Mộng-Trạm Thản, tham gia bảo vệ hậu phương chiến dịch.
Sau đó trung đoàn ở lại Phú Thọ giúp đồng bào khắc phục hậu quả cuộc hành binh Lo-ren của giặc Pháp. Chúng tôi không tham dự đợt hai Chiến dịch Tây Bắc.
Đợt hai Chiến dịch Tây Bắc, đêm 15 và 16-11-1952, đại quân ta vượt sông Đà. Sau gần một tháng chiến đấu, ta đã giải phóng toàn tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản) và một phần quan trọng tỉnh Lai Châu.
Ngày 10-12-1952, Chiến dịch Tây Bắc kết thúc, giành thắng lợi to lớn. Chiến thắng Tây Bắc Thu đông 1952 đã mở đường cho chiến thắng Thượng Lào, giải phóng Sầm Nưa tháng 5-1953, chiến thắng giải phóng Lai Châu tháng 12-1953 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5-1954./.
---------


Sunday, 20 October 2013

Trung tá Bi-gia và “cuộc rút lui Tú Lệ năm 1952” (Thủy Trường - Quân Đội Nhân Dân)



Nhật ký chiến tranh
Trung tá Bi-gia và “cuộc rút lui Tú Lệ năm 1952”
QĐND - Thứ Bẩy, 19/11/2011, 17:48 (GMT+7)
QĐND - Không học qua trường quân sự nào, năm 1945 với quân hàm đại úy, Bi-gia (Bigeard) đã đến Việt Nam, được cử lên Tây Bắc thành lập “xứ Thái” trong 18 tháng, sau đó được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù, bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ, trở về Pháp trước khi nghỉ hưu là Đại tướng. Năm 1994 Bi-gia có đến thăm lại Điện Biên Phủ. Ông là tác giả cuốn sách “Cuộc chiến tranh Đông Dương của tôi”, NXB Hachette, 1994.
Sau đây là những trang nhật ký của Bi-gia trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
Bìa cuốn sách “Bi-gia – cuộc chiến Đông Dương của tôi”

Ngày 15-10-1952, 21 giờ
Đại úy Tua-rê (Tourret), phó của tôi (Bigeard) nhảy vào phòng ngủ: “Báo động! Ngày mai chúng ta phải nhảy dù xuống Tây Bắc”. Tôi tìm hiểu tình hình qua sở chỉ huy của Trung tá Đuy-cuốc-nô (Ducourneau) – chỉ huy lính nhảy dù toàn Bắc Kỳ. “Bigeard này, quân Việt đang mở cuộc tấn công lớn vào Nghĩa Lộ, cậu sẽ nhảy dù xuống Tú Lệ, cách Nghĩa Lộ 40km. Nhiệm vụ: “Giữ vững đồn Tú Lệ, tăng cường cho Nghĩa Lộ hoặc Gia Hội”… Các hạ sĩ quan được lệnh rời khỏi phòng chiếu phim, quán “ba”. Suốt đêm, chúng tôi chuẩn bị khí tài và nghiên cứu trên bản đồ.
5 giờ sáng hôm sau, tất cả đã có mặt đầy đủ ở sân bay, lưng thồ những ba lô chất đầy, to, nặng. Đây là lần đầu chúng tôi nhảy dù xuống Tây Bắc. Trời nắng nóng. Sau 3 giờ chờ đợi thời tiết tốt, cuối cùng là khởi hành. Cần đến 30 chiếc máy bay Đa-cô-ta để rải cho hết 700 người của tôi. Vì thiếu máy bay, nên phải “đi” 2 chuyến…
Ngày 16-10, 12 giờ
Tôi lao ra khoảng không. Các dù khác đã nở hoa một cách ngoạn mục. Có hai lính chỉ mở được dù khi cách mặt đất 30m. Còn lại, Tiểu đoàn 6 của tôi đã kết thúc chuyến nhảy tốt. Tập hợp tại vị trí đồn Tú Lệ, mọi người gấp dù… vì cần tiết kiệm…
17 giờ
Máy bay thả khí tài, quân cụ, dây thép gai, thức ăn… giúp chúng tôi có thể lập một đồn lính “truyền thống, cổ điển”: Một hàng rào tre, một số hầm hố trú ẩn… Tôi nhìn thấy Tú Lệ có hai điểm cao: 868 và 831m. Tôi phân công cho hai sĩ quan chốt giữ 868 và 831. Một sĩ quan được giữ lại bên cạnh tôi thay chỉ huy sở với điện đài ra-đi-ô. Suốt đêm, binh lính đào hố, chôn cọc, rải dây thép gai, bố trí hỏa lực… Ban ngày lại tiếp tục củng cố, đổ mồ hôi còn hơn đổ máu. Tôi dự kiến các phương án tác chiến. Liên lạc vô tuyến điện với Gia Hội và Nghĩa Lộ ổn định. Tất cả đều tốt đẹp. Tôi có thể hoàn thành lời giao ước…
Sơ đồ cuộc hành quân rút lui của Tiểu đoàn 6 quân nhảy dù Bi-gia – từ ngày 16 đến ngày 26-10-1952. (1) sông Đà; (2) Đường 41

NGHĨA LỘ THẤT THỦ, MỌI VIỆC TRỞ NÊN LỘN XỘN
Đêm ngày 17 rạng 18 tháng 10(1): Phía đông có vầng sáng. Không nghe được gì, nhưng thấy rõ các ánh chớp, những đường đạn chỉ đường. Đó là đồn Nghĩa Lộ đang bị tấn công. Mong sao các bạn tôi trụ được. Mất liên lạc ra-đi-ô. Không thể làm gì được. Một đêm chờ đợi. Gia Hội có trả lời nhưng chẳng có tin tức gì.
Ngày 18-10, 10 giờ
Một điện ngắn của Hà Nội: “Nghĩa Lộ đã thất thủ”(2). Gia Hội gọi tôi ngay sau đó cho biết quân Việt đang bao vây đồn, nguy hiểm cho họ.
21 giờ
Sở chỉ huy của Bộ chỉ huy Bắc kỳ ra lệnh cho Gia Hội chạy về Tú Lệ. Rối loạn… Cuộc tấn công của quân Việt đã chấm hết cuộc hành trình của chúng tôi. Cách đây 2 ngày. Còn đâu nhiệm vụ đẹp đẽ mà tôi được giao? Một đêm không chợp mắt trôi qua. Sáng sớm, tôi cử người đi đón quân của Gia Hội. Ít phút sau có báo cáo liên lạc điện báo: “Trước mặt, đông người. Có lẽ là người của ta”. Nhưng đó lại là quân Việt. Một trận chạm trán tao ngộ nghiêm chỉnh…
Ngày 19-10, 21 giờ
Tướng Đờ Li-na-rét (De Linares) hạ lệnh cho tôi rời Tú Lệ chạy về phía sông Đà. Không được hỏi lại. Chúng tôi vẫn chờ Gia Hội. Nếu tôi bỏ rơi họ, họ sẽ bị sát hại. Tôi tin vào sự vững chắc của đồn Tú Lệ. Đêm đã xuống. Đã 4 ngày chưa được chợp mắt. Bỗng phía đông có ánh đuốc. Đúng là họ - Gia Hội rồi. Tôi đoán sau lưng họ là quân Việt.
Ngày 20-10, 2 giờ sáng
Màn đêm bị các luồng đạn xé rách tan hoang. Quân Việt tấn công. Chúng tôi trả lời họ đàng hoàng. Liên thanh, súng cối, lựu đạn, súng tự động…
4 giờ sáng
Trận địa yên lặng. Rồi quân Việt lại tấn công ào ào xông lên… Bình minh, trời đã sáng, chúng tôi đếm được 96 xác trên các hàng rào dây thép gai.
12 giờ
Có điện mới của Hà Nội. Trời mù, máy bay không thể hạ cánh. Chúng tôi chôn cất người chết của chúng tôi, đặt các thương binh vào võng dù, cáng… Tôi ra lệnh rút về phía đèo Cao Pha (Khau Pha). Cuộc hành quân bắt đầu. Phải vượt qua 100 ki-lô-mét đường rừng, những đèo núi cao 1.500 mét(3) và đã 4 ngày không được ngủ…
17 giờ
Trời mưa, chúng tôi trượt trên những sườn núi, đồ đạc thấm nước quá nặng. Bỗng từ phía sau truyền lên: “Quân Việt!”. Tôi hạ lệnh: “Ném các vật nặng, vượt nhanh qua đèo”. Mục đích: “Giảm thiệt hại về người”.
Nửa đêm
Đại đội cuối cùng đã tới. Đành phải để lại người bị thương. Chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi một lát. Bố trí phòng ngự đỉnh đèo. Quân Việt không thể làm gì được trong lúc này. 3 giờ yên ổn. Phần đông binh lính của tôi đã quá mệt, không thể đi thêm một bước nữa…
Quân của Bi-gia tiến về phía sông Đà ngày 22-10-1952. Ảnh tư liệu

QUÂN VIỆT Ở NGAY PHÍA SAU
Ngày 21-10, 3 giờ sáng
Phải đi thôi. Tôi tổ chức cuộc rút: Một đơn vị đi sau đón và chặn quân Việt và sẽ rút; một đơn vị khác giấu mình xa hơn nữa, phục kích nổ súng nếu có quân Việt đến. Làm như vậy để làm chậm bước đi của đối phương. Chúng tôi không thể mang theo các bạn bị thương. Chúng tôi đến Mường Chen(4). Mất 8 giờ để chỉ được 15km, mệt mỏi và quân Việt phía sau.
Đồn Mường Chen có 40 lính Thái do chuẩn úy Pê-rôn (Peyrol) chỉ huy. Họ đã biết chúng tôi sẽ đến và cho chúng tôi một bữa ăn nóng. Quân Việt tiếp tục đuổi theo phía sau. Không thể kháng cự tại đây… sinh mạng của hàng trăm con người đang ở trong tay tôi. Tôi không có quyền được mềm yếu. Cuối cùng tôi lệnh: “Tiếp tục rút lui đến It-ong và phải đi trong 14 giờ”.
Pê-rôn ở lại, đối mặt với quân Việt, chặn bước chân của họ càng lâu càng tốt, trong điều kiện có được. Pê-rôn nhận lời ngay, thật là một con người đáng kính trọng. Anh ta hiểu biết kỹ xứ Thái. Chúng tôi được người Thái dẫn đường đi theo lối mòn mà quân Việt không biết.
Ngày 22-10, 19 giờ
Chúng tôi như những con ma, những người máy. Cố một bước, lại bước nữa… Phía sau, Pê-rôn đã nổ súng trong một cuộc chiến tuyệt vọng. Tôi điện cho các sĩ quan: “Nếu tình hình tốt, không cần liên lạc ra-đi-ô”. Chúng tôi vượt qua được vòng vây quân Việt. Họ tưởng là quân mình. Không thể tưởng tượng được. 500 con người giữa một tiểu đoàn địch… Vẫn phải đi. Nhiều người kiệt sức và đã chết. Không kịp một lời cầu nguyện, chỉ kịp lăn họ xuống hố. Đã 48 giờ chỉ có đi và chiến đấu. Một máy bay B-26 bay trên đầu chúng tôi, báo “đồn Mường Chen đã bị tiêu diệt”. Chỉ cần Pê-rôn thoát được!
Ngày 23-10, 14 giờ
Chúng tôi đến It-ong. Có một tiểu đoàn (lính ngụy-ND) đang chờ ở đấy để bảo vệ cuộc rút lui của chúng tôi. Cuối cùng chúng tôi cũng được nghỉ ngơi một ít.
20 giờ
Quân Việt lại đến. Tiểu đoàn lính bảo vệ chúng tôi bị tan rã. Phải tiếp tục đi thôi. Chúng tôi chẳng nghĩ gì hết ngoài một ý tưởng: đứng vững và tiếp tục đi. Chúng tôi đã vứt đi mọi vũ khí nặng: súng cối, điện đài. Chúng tôi cũng phải bỏ lại thương binh. Tất cả chỉ còn là “rút lui”…
Ngày 24-10, 2 giờ sáng
Sông Đà! Mãi mãi là một con sông tuyệt vời! Lính Lê Dương và thuyền bè đã có sẵn ở đấy! Chúng tôi qua sông từng nhóm nhỏ. Tôi đi chuyến cuối cùng. Một lực lượng chiến đấu cần thiết để chờ đón chúng tôi cũng đã được bố trí. Chúng tôi đã được cứu sống!
Ngày 24-10, buổi sáng
Chúng tôi đã đến Ta Bu. Chúng tôi được nghỉ ngơi, được các bác sĩ, y tá chăm sóc. Một chiếc máy bay Mo-ran (Morane) đưa tôi đến Nà Sản(5). Tôi được gặp tướng Đờ Li-na-rét…
Họ tên của tôi và Tiểu đoàn 6 quân nhảy dù thuộc địa chạy dài cùng một lúc trên các trang báo Pháp…
Sách “60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam” (NXB Quân đội nhân dân, 2004) trang 128 viết: “Từ 14-10 đến 10-12-1952, chiến dịch Tây Bắc, bộ đội ta loại khỏi vòng chiến đấu 13.800 tên địch, đánh bại âm mưu củng cố “xứ Thái”, “xứ Mường”, “xứ Nùng tự trị”, giải phóng 25.000km2 với 25 vạn dân Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía tây Yên Bái, nối liền Tây Bắc với Việt Bắc”.

Thủy Trường (lược dịch)
(1) Đây là đợt 1 của chiến dịch Tây Bắc
(2) Theo sách “Đại đoàn 308, Quân Tiên Phong, ký sự hình ảnh”, NXB Lao Động, 2009, trang 57 cho biết: “Đến 20 giờ ngày 17-10-1952, Trung đoàn 102 tiêu diệt hoàn toàn Pú Chạng, chỉ huy sở Phân khu Nghĩa Lộ…”
(3) Theo “Tập bản đồ giao thông đường bộ Việt Nam”, NXB Bản đồ 2011, dãy Khau Pha cao 2088m.
(4) Theo “Tập bản đồ…”, sđd, tên Việt là Mường Chiến
(5) Theo Bi-gia “Ngày 25-12-1952, Tiểu đoàn của ông nhảy dù xuống bản Xom, cách Nà Sản 30km. Tháng 8-1953, Nà Sản rút quân”.

Đại thắng Điện Biên Phủ và Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam (Trương Đức Duy)

Đại thắng Điện Biên Phủ và Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam

QĐND - Thứ Sáu, 01/05/2009, 22:20 (GMT+7)
QĐND Online - Báo điện tử “Hoa Hạ kinh vĩ”(Trung Quốc), ngày 7-4-2007 truy nhập Hồi ức của ba tác giả: Trương Đức Duy, Nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; Văn Trang, Nguyên cán bộ Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt nam; Vương Đức Luân, Nguyên cán bộ Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam công bố nhân dịp 50 năm (7/5/1954-7/5/2004) Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chúng tôi xin giới thiệu Hồi ức trên, qua bản dịch của Nhà báo-Dịch giả Vũ Phong Tạo từ nguyên bản Trung văn, để bạn đọc tham khảo.
Giao thời Xuân Hè năm 1954, địa danh “Điện Biên Phủ” này đã thu hút ánh mắt của nhân dân toàn thế giới.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch quy mô lớn nhất, mang ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Chiến dịch này kết thúc, cuối cùng quân đội nhân dân Việt Nam thắng lợi triệt để tiến công làm chủ Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ binh lực quân đội thực dân Pháp với trên 16.000 tên, đánh một dấu son viên mãn trong cuộc Chiến tranh chống Pháp 8 năm của nhân dân Việt Nam.
Nhớ lại năm xưa, năm nay đúng là Kỷ niệm 50 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc Chiến tranh chống Pháp thắng lợi. Chúng tôi bỗng nhớ lại nội dung bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết bằng Hán văn nói:
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, là do nhân dân Việt Nam giành được, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ tiến hành cuộc Chiến tranh chống thực dân xâm lược Pháp. Thắng lợi này cũng là một thể hiện sinh động của tình hữu nghị chiến đấu của nhân dân hai nước Trung Việt.
Thủ trưởng của Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại mặt trận Điện Biên Phủ: (từ trái sang)Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm, La Quý Ba, Vi Quốc Thanh.Ảnh tư liệu
Năm ấy, chúng tôi vinh hạnh được cử vào Đoàn Cố vấn Trung Quốc, đã tham gia rất nhiều công tác cụ thể của Đoàn Cố vấn, cùng các đồng chí Việt Nam chiến đấu 5 năm dòng, đã kinh lịch vô số sự kiện xúc động lòng người, trực tiếp cảm thụ được tình cảm sâu đậm và chân thành của tình bạn chiến đấu Trung Việt, những hình ảnh ấy khiến suốt đời không thể nào quên.
Năm 1949, khi cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam bước vào giai đoạn cầm cự, cuộc đấu tranh ở vào thời khắc vô cùng gian khổ, nặng nề, cuộc Chiến tranh giải phóng của nhân dân Trung Quốc giành được thắng lợi mang tính toàn quốc, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tuyên bố thành lập. Sự kiện này tạo ra hoàn cảnh vô cùng có lợi cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam, cũng khiến cho Trung Quốc có khả năng ra sức chi viện cho cuộc kháng chiến của Việt Nam.
Hai nước Trung Việt núi liền núi sông liền sông, sướng khổ có nhau. Bắt đầu từ thập niên 20 của thế kỷ trước, những người cách mạng hai nước đã ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ lần nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh và một loạt thanh niên tiến bộ Việt Nam trước sau đã tham gia cuộc Chiến tranh cách mạng và Chiến tranh kháng Nhật của Trung Quốc.
Khi nhận được tin vui nước Trung Quốc mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập tức cử hai cán bộ đắc lực mang theo thư tay bằng Hán văn của Người, chia nhau đi theo hai con đường (đường bộ và đường biển) bí mật đến Bắc Kinh, thỉnh cầu Trung Quốc viện trợ.
Trong thư tay, chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng:
Ân ca, Dĩnh thư (Tức anh Chu Ân Lai và chị Đặng Dĩnh Siêu):
Em đã xa anh, chị mười năm, luôn luôn nhớ nhung, và có rất nhiều việc mới muốn bàn với anh chị. Em xin thay mặt tệ điếm chúc mừng sự phát triển vĩ đại của quý Công ty. Tệ điếm (cửa hàng nhỏ của tôi) mấy năm qua kinh doanh khá tốt, ý muốn tranh thủ thời cơ, đánh thắng đối phương, xin cử hai người nhân viên thân tín, cấp tốc khẩn cầu anh chị giúp đỡ.
Đinh (Bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Tháng 10 (năm 1949), Mao Chủ tịch nói: “Cố vấn thì là cố vấn, trên thực tế chính là tham mưu…”
Tháng 1 năm 1950 sau đó, sau khi đã hoá trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh không từ gian khổ nguy hiểm, vượt núi băng sông, đi bộ tới Trung Quốc, lần lượt cùng với Chủ tịch Mao Trạch Đông và cá đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, v.v… thương nghị vấn đề Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam kháng chiến.
Mao Chủ tịch nói: Cách mạng Trung Quốc đã thắng lợi, có nghĩa vụ giúp đỡ nhân dân ViệtNam đang đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đáp ứng thỉnh cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Việt Nam, Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định ra sức chi viện cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, đồng thời lập tức cử đồng chí La Quý Ba, Chủ nhiệm Văn phòng Quân uỷ Trung ương làm Đại biểu liên lạc của Đảng Cộng sản Trung Quốc đi trước sang Khu giải phóng Việt Nam tìm hiểu tình hình, để cung cấp viện trợ.
Tiếp theo, lần lượt cử Đại tướng Trần Canh thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đoàn Cố vấn Quân sự do Thượng tướng Vi Quốc Thanh đứng đầu và Đoàn Cố vấn Chính trị do đồng chí La Quý Ba đứng đầu, sang Việt Nam giúp đỡ Việt Nam kháng chiến. Trong thời gian này, chúng tôi công tác tại Đoàn Cố vấn lần lượt nhiều lần lắng nghe lãnh đạo Đoàn truyền đạt chỉ thị và căn dặn của Mao Chủ tịch và của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, cho đến nay vẫn nhớ như mới rợi.
Đêm trước khi Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc lên đường sang Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Phó chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Tổng tư lệnh Chu Đức cùng tiếp kiến Cán bộ cấp Đoàn trở lên của Đoàn Cố vấn khi ấy đã đến Bắc Kinh.
Ba vị lãnh đạo đều có chỉ thị và căn dặn quan trọng, nhiều lần nhấn mạnh phải phát huy tinh thần quốc tế chủ nghĩa, thành tâm thành ý giúp đỡ các đồng chí Việt Nam, tôn trọng các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, thực hiện đoàn kết tốt, yêu quý nhân dân Việt Nam.
Mao Chủ tịch nói: “Lần này các đồng chí đi làm cố vấn, là một việc lớn, việc mới. Đảng và Nhà nước, quân đội chúng ta lần đầu tiên cử cố vấn ra nước ngoài. Việc này có ý nghĩa rất trọng đại, là niềm vẻ vang của chúng ta… Nhiệm vụ của các đồng chí đi Việt Nam, đầu tiên phải giúp đỡ đánh trận tốt. Hiện tại họ vẫn là chủ yếu đánh du kích chiến, chưa đánh qua những trận đánh tương đối lớn. Nhưng, chỉ đánh du kích chiến là không ổn, muốn giành được thắng lợi còn phải đánh những trận lớn hơn. Phải có thể đánh công kiên chiến, có thể đánh vận động chiến, mới có thể chuyển vào phản công, đánh bại quân Pháp”.
Về vấn đề làm cố vấn như thế nào, Mao Chủ tịch nói: “Cố vấn thì là cố vấn, nhưng trên thực tế chính là tham mưu, làm tham mưu tốt cho các đồng chí lãnh dạo của người ta. Tham mưu chính là đề xuất chủ trương, nghĩ biện pháp, hiệp tác giúp đỡ lãnh đạo. Cho nên không thể bao biện làm thay, càng không thể làm Thái Thượng hoàng, ra lệnh chỉ huy… Trước mặt quần chúng Việt Nam, không thể biểu hiện ra thái độ kiêu ngạo của chúng ta là người chiến thắng. Phải thực hiện tốt đoàn kết với các đồng chí Việt Nam, đặc biệt là phải thực hiện tốt đoàn kết với những người lãnh đạo Việt Nam. Phải yêu quý bảo vệ từng gốc cây từng ngọn cỏ, từng ngọn núi từng dòng sông ở nơi đó. Phải yêu quý bảo vệ nhân dân ở nơi đó. Phải tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân, tuân thủ ba kỷ luật lớn tám điều chú ý, giống như ở Trung Quốc”.
Những lời căn dặn của Mao Chủ tịch và của các đồng chí lãnh đạo Trung ương như vậy, luôn luôn là tư tưởng chỉ đạo mà chúng tôi thường xuyên tuân theo trong nhiều năm công tác ở Việt Nam.
Chiến dịch Biên Giới: Chiến dịch Biên Giới lần đầu tiên Trung Việt hợp tác, tạo cơ sở vững chắc cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1950, nhằm khiến cho vũ khí trang bị và các loại vật tư do Trung Quốc viện trợ có thể thuận lợi tiến vào Việt Nam, khai thông tuyến giao thông biên giới Trung Việt bèn trở thành nhiệm vụ vô cùng trọng yếu. Vì vậy, khi ấy Trung ương hai đảng Việt Trung thương thảo quyết định mở một chiến dịch tại vùng biên giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn đồng chí Trần Canh mà Người đã quen thân trên 20 năm trước sang Việt Nam hiệp tác giúp đỡ đánh tốt trận này.
Trung tuần tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử đồng chí Trần Canh làm đại biểu sang Việt Nam, giúp đỡ tổ chức thực thi chiến dịch Biên Giới.
Sau khi đến Việt Nam, đồng chí Trần Canh lập tức hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo cáo với Hồ Chủ tịch ý tưởng tác chiến tại biên giới đã suy nghĩ suốt dọc đường, đồng thời lập tức bôn tập ra tiền tuyến cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt nam trù hoạch tỷ mỷ kế hoạc tác chiến.
Kế hoạch tác chiến do Bộ Tổng quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng trước là đầu tiên tấn công Cao Bằng. Kinh qua nghiên cứu tỷ mỷ, đồng chí Trần Canh cho rằng tình hình binh lực, công sự, địa hình của quân Pháp đồn trú ở Cao Bằng, dễ thủ khó công, cộng thêm xem xét về sức chiến đấu của quân đội Việt Nam khi ấy khó nắm chắc giành thắng lợi. Qua bàn bạc với đồng chí Võ Nguyên Giáp, quyết định đầu tiên không đánh Cao Bằng, chuyển sang đánh Đông Khê, điều động quân địch ở Thất Khê, Cao Bằng ra chi viện, để tiêu diệt quân địch tại dã chiến ngoài công sự. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tán thành và căn cứ theo hướng đó đã điều chỉnh lại sự bố trí.
Thượng tướng Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Điện Biên Phủ.Ảnh internet
Khi ấy, Đoàn Cố vấn quân sự do đồng chí Vi Quốc Thanh lãnh đạo cũng đã đến tiền tuyến. Trong toàn bộ quá trình chiến dịch Biên Giới, cố vấn Trung Quốc cùng hợp tác mật thiết với cán bộ chỉ quy quân đội ViệtNam, cùng ra tuyến đầu. Quân đội nhân dân không quản mệt nhọc, liên tục tác chiến, giành toàn thắng to lớn.
Kết quả chiến đấu lớn hơn nhiều so với dự kiến. Từ đó, sự phong toả của quân Pháp đối với biên giới Việt Trung bị đập tan triệt để, đường giao thông biên giới giữa hai nước thông thoáng không còn trở ngại, trang bị và vật tư do Trung Quốc viên trợ được ùn ùn vận chuyển liên tục vào Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam cũng giành được kinh nghiệm quý báu về đánh vận động chiến.
Trong mấy năm sau đó, làm những công tác phiên dịch, thư ký, chúng tôi lại hiểu sâu sắc rằng, Trung ương hai Đảng Trung Việt thường xuyên giữ liên hệ vô cùng mật thiết, gặp phải những vấn đề trọng đại vẫn thường trao đổi ý kiến qua lại, do Trung ương Đảng Việt Nam ra quyết định cuối cùng. Quan hệ hợp tác giữa các đồng chí lãnh đạo của Đảng, chính quyền, quân đội của Việt Nam với Đoàn Cố vấn vô cùng ăn ý, có thể nói là quan hệ rất thân mật, rất tín nhiệm lẫn nhau. Tất cả những điều kiện ấy đã chuẩn bị rất tốt cho tổ chức chiến dịch Điện Biên Phủ với quy mô to lớn hơn nhiều.
Chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến dịch động viên toàn dân, là một chiến dịch quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất trong cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam.
Cuối năm 1953, kinh qua trao đổi ý kiến sâu sắc giữa lãnh đạo cao cấp của hai đảng, hai quân đội Việt Trung, Trung ương Đảng Việt Nam ra quyết định trọng đại tiến hành đòn quyết chiến chiến lược với quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Thời gian trôi qua, chiến dịch này tuy cách hôm nay đã tròn 50 năm (Bài viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2004) - ND), song ngày hôm nay hồi tưởng lại vẫn hiện ra rõ mồn một trước mắt.
Trong quá trình chuẩn bị và thực thi chiến dịch, khối lượng nhân lực vật lực mà phía ViệtNam động viên khổng lồ chưa từng có. Quân chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam tập trung đến chung quanh Điện Biên Phủ, đã hình thành thế bao vây lớn đối với quân Pháp.
Sự điều động tập kết vú khí đạn dược, sự bố trí cao độ hoả lực thì khỏi phải nói, sự động viên dân công phục vụ tiền tuyến càng có quy mô chưa từng có từ khi Việt Nam chống Pháp.
Trên con đường hiểm trở quanh co, gập ghềnh đến Điện Biên Phủ, chúng tôi nhìn thấy nam nữ dân công kết thành đoàn đội, từ các khu vực xuất phát, như những dòng sông đổ ra tiến tuyến. Họ có người gồng gánh, có người gùi thồ trên vai, có người đội trên đầu, cứ vậy bằng nhiều cách vận chuyển khối lượng vật tư khổng lồ chi viện cho mặt trận.
Sự hấp dẫn nhất đập vào mắt mọi người là những đội vận tải lương thực bằng xe đạp. Những đội viên xe đạp thồ mỗi người đẩy một chiếc xe đạp đã qua cải tạo để tăng trọng tải, mỗi xe đều thồ được từ 200 đến 300 ki-lô-gam lương thực, hoạt động trên con đường dài mấy trăm cây số, rồng rồng rắn rắn lũ lượt không dứt! Đây là một cảnh tượng của cuộc kháng chiến toàn dân của Việt Nam đặc sắc biết nhường nào!
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận công kiên chiến quy mô lớn. Trang bị vũ khí, bổ cấp đạn dược, tổ chức hoả lực, cung ứng hậu cần, v.v… số lượng đều cực kỳ khổng lồ. Phía Trung Quốc quyết định toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp nhanh nhất.
Nhằm đối phó với ưu thế trên không và pháo hoả mãnh liệt của quân Pháp, Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mệnh lệnh cho Quân giải phóng nhân dân điều động tập kết 24 khẩu lựu pháo 105 tốt nhất, cao xạ pháo và hàng trăm loại hoả pháo, cấp tốc vận chuyển đưa vào Việt Nam. Sườn núi chung quanh Điện Biên Phủ dốc đứng hiểm trở, pháo lớn muốn tiến vào ẩn náu trong trận địa chỉ có thể dựa vào sức người tay kéo vai vác. Chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam quen tác chiến trong điều kiện khó khăn gian khổ, một lần nữa thể hiện rõ tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, kiên cường lao động. Một khẩu lựu pháo nặng mấy tấn, đương nhiên do hàng trăm chiến sĩ dùng mấy dây thừng to lớn buộc vào kéo như trò chơi kéo co, hò dô theo từng đợt nhịp nhàng, chuyển bánh từng bước một, tiến vào trận địa đã được chuẩn bị sẵn. Thực sự khiến mọi người thán phục!
Sự hợp tác thân mật của tình bạn chiến đấu Việt Trung đã được thể hiện đầy đủ nhất trong chiến dịch này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Vi Quốc Thanh là Tổng cố vấn quân sự. Cố vấn quân sự các cấp của phía Trung Quốc ra tiền tuyến dốc toàn lực hiệp tác giúp đỡ.
Sự hợp tác giữa hai bên vô cùng ăn ý, cùng tiến hành nghiên cứu bố trí tác chiến, phương pháp tác chiến, vận dụng chiến thuật, kế hoạch rất chu toàn bí mật.
Đứng trước tình hình quân địch bố phòng nghiêm mật, công sự kiên cố, hoả lực mãnh liệt, cố vấn Trung Quốc đã giới thiệu cách đánh gần, đào giao thông hào sát địch, còn cử những chuyên gia đào hào của Quân chí nguyện từ Triều Tiên về nước sang Điện Biên Phủ, giúp đỡ chỉ đạo thực thi tác chiến hầm hào, thu được hiệu quả rất tốt.
Trước khi tiến công Điện Biên Phủ, bước vào chiến dịch “Véc-đoong ở Đông Nam Á”, quân Pháp còn đầy tự tin. Viên chỉ huy cao nhất quân Pháp tại Điện Biên Phủ - Thiếu tướng Đờ Cát vô cùng kiêu căng ngạo mạn cho máy bay thả truyền đơn thách thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói: “Tôi biết bộ đội của Ngài đã bao vây Điện Biên Phủ, song vì sao không tiến công? Chúng tôi đã không còn kiên nhẫn chờ đợi được nữa rồi. Nếu Ngài có gan, dám phát động tiến công, thì bắt đầu ngay đi! Tôi đang chờ đón sự khiêu chiến của Ngài, quyết sống mái một phen với ngài!”.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mỉa mai nói: “Đồ nhãi ranh, hãy đợi đấy!”.
Đồng chí Vi Quốc Thanh cũng nói: “Tên Đờ Cát thật ngông cuồng! Sau khi chiến dịch mở màn, có lúc nó sẽ phải khóc!”.
Giai đoạn thứ nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu chiến đấu từ ngày 13 tháng 3 năm 1954. Trước khi bộ binh công kích, cuộc đấu pháo của hai bên xé nát bầu trời đêm, ngẫu nhiên còn có đạn pháo bay lên chọi nhau trên không, ánh lửa khói đạn mù trời; mặt đất rung lên tiếng pháo bốn phía, tiếng hô xung phong giết giặc của quân đội nhân dân Việt Nam vang động rừng hoang núi vắng chung quanh.
Trong cuộc chiến đấu này, quân đội nhân dân Việt Nam vô cùng anh hùng dũng cảm, lần lượt công phá ba cụm cứ điểm phòng ngự ở phía bắc Điện Biên Phủ, tiêu diệt gọn 3 tiểu đoàn đủ quân Pháp và nguỵ quân, giành chiến thắng đầu tiên.
Khi giai đoạn thứ hai tiến công khu Trung tâm, hai bên tranh giành vô cùng quyết liệt, trên chiến trường ở vào trạng thái giằng co.
Đứng trước tình hình mới xuất hiện, những người bạn chiến đấu Việt Trung cùng nhau nghiên cứu tiếp tục áp dụng cách đánh đào chiến hào ngang dọc, đánh dũi đánh lấn, chia cắt bao vây, tiêu diệt từng lô cốt quân địch, khi đó gọi cách đánh này là chiến thuật “Bóc măng tre”.
Thế là, các cụm cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ cuối cùng đã bị bóc đi dần từng mảng từng lớp một.
Trải qua trên 50 ngày đêm chiến đấu anh hùng dũng cảm, quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hành tổng công kích vào ngày 7 tháng 5, tấn công tiêu diệt toàn bộ Điện Biên Phủ, giành thắng lợi hoàn toàn.
Lúc một tổ mũi nhọn của quân đội nhân dân xung phong vào Sở chỉ huy quân Pháp, Đờ Cát và nhân viên tham mưu của y kinh hoàng giơ cao hai tay, mặ tái mét, cúi đầu bước ra khỏi hầm cố thủ của chúng. Vẻ ngạo mạn ngông cuồng trước đó đã mất hết sạch sành sanh!
Trong Bộ Tổng chỉ huy của quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng cố vấn Vi Quốc Thanh phấn khởi nắm chặt hai tay, những người bạn chiến đấu Việt Trung xúc động ôm chặt lấy nhau, khắp phòng tràn đầy không khí hân hoan chiến thắng.
Sau khi chiến đấu làm chủ Điện Biên Phủ, một số đồng chí trong Đoàn Cố vấn chúng tôi tiến vào pháo đài “Véc-đoong ở Đông Nam Á” này. Nhướng mắt quan sát bốn phía, trên mặt đất nóng bỏng lửa đạn vừa trải qua cuộc chiến đấu quyết liệt, khói đạn đã tan dần, những tàn tích của chiến tranh vẫn còn nguyên đó: Xác mấy chiếc máy bay, những khẩu lựu pháo 155 chưa bị phá huỷ hoàn toàn và những khẩu súng máy, những mảnh dù loang lổ màu sắc phủ kín mặt đất rộng lớn. Nơi đây chỉ cách hôm nay ít lâu còn được coi là pháo đài vững như bàn thạch, nay đã trở thành những lô cốt nham nhở vết đạn pháo thảm hại ê chề.
Hồi tưởng lại giai đoạn lịch sử khó quên này, chúng tôi càng cảm thụ sâu sắc thêm tình bạn chiến đấu của nhân dân hai nước Trung Việt là do thế hệ lãnh đạo tiền bối Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dầy công vun đắp, kinh qua những người bạn chiến đấu hai nước chi viện lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, không ngừng được củng cố và tăng cường. Đúng như câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thâm tình miêu tả:
Mối tình hữu nghị Việt Hoa,
Vừa là đồng chí, vừa là anh em.
VŨ PHONG TẠO dịch theo Hồi ức của Trương Đức Duy, Văn Trang, Vương Đức Luân (Trung Quốc)

Saturday, 19 October 2013

Lính ta-bo là lính gì?



Ta-bo là từ người Việt gọi một loại bộ binh nhẹ người Ma-rốc thuộc đạo quân châu Phi (Armée d’Afrique). Gốc tiếng Pháp là tabor, chỉ đơn vị cấp tiểu đoàn của thứ lính này.

Mỗi tabor có ba goum tác chiến (tương đương đại đội bộ binh) và một goum chỉ huy – trợ chiến. Mỗi goum tác chiến có 181 quân, trong đó có 2 sĩ quan và 10 hạ sĩ quan. Cán bộ các cấp đều là người Pháp.

Về mặt hành chính, tabor là đơn vị thường trực cấp cao nhất. Tùy theo nhu cầu của chiến trường, một số tabor được ghép lại thành liên đoàn (binh đoàn) mang danh G.T.M. (groupement de tabors marocains).  Tuy nhiên, về mặt tổ chức, goum mới là hạt nhân tạo nên bản sắc của đơn vị:

Trong tiếng Ả Rập Ma-grếp, gum vốn có nghĩa là bộ lạc, sau đó được dùng để chỉ những đội kỵ binh mà bộ lạc đóng góp cho quân đội của nhà vua. Pháp chiếm Ma-rốc, dùng từ goum để gọi các đội quân phụ lực người bản xứ được chiêu mộ theo kiểu này. Vì vậy người Pháp gọi lính ta-bo là goumier (lính của goum). Từ goumier cũng được phổ biến trong tiếng Anh (goumier unit, goumier battalion...) trong khi người Việt chỉ chú ý đến đặc điểm hành chính (đơn vị quân ta-bo, tiểu đoàn ta-bo...).

Như thế là sau bảy ngày chiến đấu ròng rã trên chặng đường số 4, từ Đông Khê đến Thất Khê, quân ta tiêu diệt hoàn toàn đạo quân Lơ Pagiơ, gồm có tiểu đoàn Tabo thứ nhất (1er Tabor), tiểu đoàn Tabo thứ mười một (11ème Tabor), một tiểu đoàn lính Marốc trong trung đoàn Marốc thứ tám và một tiểu đoàn quân nhảy dù lê dương (BEP), bắt sống tên quan nǎm Lơ Pagiơ và Bộ tham mưu của hắn ở gần Đông Khê. Làm xong nhiệm vụ quân ta quay lại bao vây và tiêu diệt đạo quân Sáctông gồm có ba tiểu đoàn tinh nhuệ: tiểu đoàn Tabo thứ ba (3ème Tabor), tiểu đoàn thứ ba của trung đoàn lê dương thứ ba và một tiểu đoàn ngụy binh, bắt sống quan nǎm Sáctông và Bộ tham mưu của hắn.




Cùng là bộ binh nhẹ người Ma-rốc nhưng goumier, tức lính ta-bo, sang Đông Dương chiến đấu theo hợp đồng, khác với tirailleur (marocain) là lính quân dịch. Do nguồn gốc xuất thân,  lính ta-bo chiến đấu rất giỏi ở địa hình rừng núi. Có người căn cứ vào đặc điểm này để gọi chúng là lính sơn cước Ma-rốc:


Trung tá Le Page, tư lệnh Chiến đoàn Tabor (Groupement des Tabors Marocains G.T.M) bao gồm các tiểu đoàn sơn cước Ma-rốc: 1er Tabor, 3ème Tabor, 8ème Tabor, 10ème Tabor, 11ème Tabor.
...
Trung tá Charton, tư lệnh phó Trung đoàn 3 Lê Dương (3ème REI), quân trấn trưởng Cao Bằng, tư lệnh Chiến đoàn Charton bao gồm các tiểu đoàn 3 Lê Dương (III/3 REI), tiểu đoàn 3 sơn cước Ma-rốc (3ème Tabor), tiểu đoàn phụ lực quân nhẹ (Bataillon Léger de Supplétifs Militaires B.L.S.M) và pháo đội 105 ly.


Lính Ta-bo nổi tiếng từ Tây sang Đông vì lì lợm khi xung trận, đặc biệt là vô kỷ luật số một và đi đến đâu hiếp dâm đến đó.  Chuyện lính ta-bo cướp bóc, cưỡng hiếp phụ nữ Ý và Đức cuối chiến tranh thế giới thứ hai đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ (tiểu thuyết La Ciociara của Alberto Moravia và bộ phim cùng tên năm 1960,  tiểu thuyết Point of Honor của Mortimer R. Kadish...). Vì lý do đó, phần lớn các đơn vị ta-bo bị giải tán sau năm 1945, từ 4 liên đoàn chỉ còn lại 3 tiểu đoàn (tabor) và 50 đại đội (goum). Khi bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương liên tục xin tăng viện bằng quân ta-bo, bên chính quốc cương quyết từ chối. Mãi đến mùa thu năm 1948 yêu cầu này mới được đáp ứng (Michel Bodin, 2000:20). Từ 1948 đến 1954 có 9 tiểu đoàn ta-bo được gửi sang chiến đấu ở Đông Dương (Michel Bodin, 2000:26).

Ghê như lính Ta-bo của Pháp, ác hơn hổ mà lạc rừng đói lả, ta chỉ cơm nguội nhử cũng ra hàng. 

Friday, 18 October 2013

Lính sơn đá là lính gì?



Sơn đá là lính (soldat) của các đơn vị chính quy người Pháp hồi họ mới đến Việt Nam.

Sơn-đá (soldat) chỗ thành bộ binh,
Ba từng lầu cất phân minh vững bền.
(Nguyễn Liên Phong,1909:32)

Sơn đá là một trong khoảng 100 từ gốc Pháp đầu tiên trong vốn từ tiếng Việt:
Thử xem tiếng Tây là một tiếng rất khác với tiếng ta, tây thì có nhiều vần (polysyllabe, ta thì một vần (monosyllabe), mà trong năm sáu mươi năm nay còn có trên tám mươi tiếng Tây thành tiếng Annam thay! Tỉ như: “xấp-lê” (siffler), nhà “ga” (gare), xà-lúp (chaloupe), xà-lang (chaland), “sơn-đá” (soldat), áo “bành-tô” (paletot), vân vân..., huống chi Tàu với ta nói năng một cách.
(Đông-thành Võ Thanh-Tân, Nam Phong Tạp Chí số 27, 1919:263)

Từ sơn đá có các biến thể là san đá, săn đá, săng đá, sang đá...

Thursday, 17 October 2013

Trung đoàn hành quân hay trung đoàn tân lập?


Sách Bí mật đội quân Lê Dương Pháp của Đào Ngọc Ninh (nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 2007) nhiều lần nhắc đến các trung đoàn hành quân của quân Lê Dương Pháp:
Tháng 10/1915, sư đoàn Ma-rốc rời khỏi tuyến một do bị thiệt hại nặng và do thiếu lính bổ sung, toàn bộ lính Lê dương còn lại được tổ chức thành trung đoàn hành quân Lê dương (Regiment de la March de la Legion Etrangere-RMLE) do trung tá Cot chỉ huy. Trung đoàn RMLE gồm 71 sĩ quan và 3115 binh lính.
...
Các đơn vị Lê dương được cải tổ lại thành các đơn vị chiến đấu hiện đại. Lực lượng chính gồm trung đoàn hành quân Lê dương RMLE (lấy lại phiên hiệu của trung đoàn RMLE thời Đại chiến thế giới thứ nhất) và thành lập lại các trung đoàn 2, 3, 4 và 6 Lê dương tại Si di bel Abbes tháng 7/1943.

RMLE - Régiment de Marche de la Légion Étrangère nguyên thủy là phiên hiệu của một đơn vị tạm lập ngày 11 tháng 11 năm 1915 từ tàn quân của hai trung đoàn lê dương. Bản thân hai trung đoàn này cũng là những dơn vị có tính cách lâm thời. Đó là:
- Phần lớn số 38 sĩ quan và 1233 quân còn lại từ 2e régiment de marche du 1er régiment étranger. Đơn vị này được tổ chức bằng cách lấy quân (2 bán tiểu đoàn, mỗi bán tiểu đoàn có 2 đại đội) từ trung đoàn lê dương số 1 cộng với quân mới tuyển để tạm lập ra một trung đoàn khác mang số 2 (gồm 2 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn 4 đại đội). Trung đoàn mẹ (số 1) còn đẻ ra thêm hai đơn vị tạm thời khác mang số 3 và 4. Cả ba đơn vị con đều chỉ tồn tại trong thời gian trên dưới một năm (1914-1915).
- Phần lớn số quân còn lại (39 sĩ quan và 1910 binh lính) của 2e régiment de marche du 2e régiment étranger. Đơn vị này là đứa con thứ hai của trung đoàn lê dương số 1 (lấy 782 quân, hai tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn gồm hai đại đội, khi đến mặt trận được bổ sung quân số thành 1947 người).. Đơn vị này chỉ tồn tại khoảng một năm (1914-1915).  Đứa con mang số 1 của trung đoàn 1 là 1er régiment de marche  thọ hơn (1907-1918).
RMLE khi mới thành lập có đủ 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn 4 đại đội, khoảng 3000 người. Chỉ sau năm ngày chiến đấu trên sông Somme (4-9/7/1916) đã mất 1368 người. Trận Aubérive (tháng 4/1917) lại mất thêm phân nửa số còn lại. Tháng 9/1918 RMLE được bổ sung quân gần như đầy đủ trở lại (48 sĩ quan và 2540 quân). Sau chiến tranh, phiên hiệu RMLE bị xóa bỏ và được thay bằng 3e régiment étranger, trung đoàn lê dương số 3 (ngày 20/9/1920).

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, một lần nữa các đơn vị đã có tổ chức ổn định lại bị chia tách để thành lập nhiều đơn vị mới. Ngày 15/12/1942, trung đoàn 3 góp hai tiểu đoàn (I/3e REI, III/3e REI), cộng với một tiểu đoàn trộn quân của trung đoàn 3 và trung đoàn 2 để lập ra một trung đoàn mới lấy phiên hiệu 3e REIM (3e régiment étranger d'infanterie de marche). Ngày 1 tháng 7 năm 1943, trung đoàn 3 (mới) 3e REIM sau khi được bổ sung quân số và tái chỉnh trang bằng vũ khí Mỹ, được đổi tên thành trung đoàn lê dương (mới) – RMLE. Phiên hiệu (mới) này đã từng được (tạm) sử dụng gần hai mươi năm trước. Sau chiến tranh, phiên hiệu tạm bị xóa bỏ và trung đoàn lấy lại phiên hiệu chính thức là trung đoàn 3 -3e REI (1/7/1945).

Nếu bây giờ lại có chiến tranh...

Wednesday, 16 October 2013

Đừng chỉ nhìn Đại tướng chỉ là một vị tướng... (Ng. Phong - Thanh Niên)