Saturday, 10 May 2014

Sài Gòn từng nhìn cuộc xâm chiếm Hoàng Sa thế nào? (Nguyễn Đình Đầu)


26.3.2013-18:50
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu




NVTPHCM- “Tôi đã nghĩ là Trung Quốc chiếm hộ rồi trao lại cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhiều người trong Nam vẫn nghĩ những người cộng sản Trung Quốc và những người cộng sản miền Bắc là anh em với nhau.”- cuộc trò chuyện của nhà nghiên cứu bản đồ Nguyễn Đình Đầu về quá trình xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Lợi dụng giải giáp quân Nhật, Trung Quốc bắt đầu chiếm Biển Đông

* Theo nghiên cứu của ông, các thế hệ cầm quyền ở Trung Hoa lục địa đã bắt đầu quá trình chiếm hữu Biển Đông từ bao giờ?
- Có lẽ câu chuyện chiếm các hòn đảo trên Biển Đông, như họ đang chiếm giữ bây giờ, thực tế chỉ bắt đầu khi Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, với tư cách là một nước trong phe Đồng Minh, giải giáp quân đội Nhật chiếm đóng trên đó. Và, từ đó, để hợp pháp hoá việc chiếm hữu, họ đã cho vẽ trên bản đồ cái "đường lưỡi bò".
Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 có dính đến Á Đông, bởi Nhật Bản ở Á Châu trong phe trục, nên ở Á Châu phe Đồng Minh đã kéo Trung Quốc (Trung hoa Dân quốc), tuy là nước lớn nhưng non yếu, tham gia liên minh kháng Nhật. Chính vì vậy, Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch trở thành một trong 5 cường quốc, sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ Hai kết thúc, thuộc bên chiến thắng.
Trước đó, khi Pháp xâm chiếm nước ta, họ đã điều đình với triều đình Nhà Thanh để quốc gia phương Bắc này thôi không coi Việt Nam là nước phải triều cống. Đổi lại, Nhà Thanh đã lợi dụng đòi cắt một số phần đất ởphía Bắc của chúng ta. Tuy rằng hiện nay chúng ta vẫn công nhận cái biên giới lịch sử do Pháp và Nhà Thanh quyết định với nhau, nhưng phải khẳng định rằng khúc đó mất khá nhiều.
* Tại sao ông lại đoan chắc như vậy?
- Tôi đã nghiên cứu lịch sử phát triển của dân tộc này, mà ta quen gọi là Nam Tiến. Đặc biệt là từ 1611, khi Nguyễn Hoàng đặt ra phủ Phú Yên. Cho đến 1698, các Chúa Nguyễn nâng diện tích nước mình lên gấp đôi.
Nhưng chính trong thời gian nội chiến, khoảng 300 năm, nước mình rất là phát triển. Nghiên cứu các bản đồ đó với các bản đồ sau này, nước ta thời đó to hơn nước ta trên bản đồ Đông Dương của người Pháp. Chúng ta phải tôn trọng biên giới lịch sử, nhưng trước khi có biên giới lịch sử ấy, nước ta to hơn nhiều.
Đến năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng, phe Đồng Minh phân công quân đội Tưởng Giới Thạch giải giáp quân đội Nhật ở bắc vĩ tuyến 16, còn Anh ởnam vĩ tuyến 16. Tưởng Giới Thạch nhân cơ hội đó thực hiện mưu đồ chiếm các hòn đảo trên Biển Đông, bởi vì tham vọng chiếm lãnh thổ trên đất liền không thực hiện được.
* Lý do?
- Lúc đó, người Pháp đã thoả thuận với người Anh để quay trở lại Đông Dương, và tiếp tục chiến tranh.
* Sau cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, nước Việt Nam đã bịtạm chia làm 2 phần, theo Hiệp định Geveva 1954. Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam Cộng Hoà quản lý. Trong khoảng thời gian đó, việc thực thi chủ quyền của chính quyền Việt Nam Cộng hoà như thế nào?
- Ngay từ đầu, ông Ngô Đình Diệm có ý thức rất lớn về lãnh thổ, lãnh hải. Ngay khi lên cầm quyền, năm 1956 ông Ngô Đình Diệm đã thực hiện ngay việc thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, thay thế cho Chính phủ Bảo Đại. Ông cho quân đội khai thác phân chim ở Hoàng Sa. Cùng năm đó, quân đội Sài Gòn cũng đến đóng ở Trường Sa.
Hãy quay ngược lại thời kỳ chiến tranh chống Pháp, khi cụ Hồ Chí Minh còn ở An toàn khu, có một hội nghị quốc tế ở San Fransisco vào năm 1951. Thủ tướng của chính quyền Bảo Đại, do Pháp bảo trợ, là Trần Văn Hữu công bố Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâuđời. Không có nước nào phản đối, kể cả Trung Quốc. Tức là chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa được công nhận theo luật pháp quốc tế.
Đến đầu năm 1973, hiệp định Paris được ký, để Mỹ rút quân, và thực hiện hoà giải hoà hợp dân tộc. Năm sau, Trung Quốc chiếm nốt nhóm đảo Hoàng Sa của quần đảo này. Rồi sự kiện đầu năm 1988, khi họ lại tiếp tục dùng vũ lực chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì chắc anh rõ rồi, tôi không phải nhắc lại nữa.

Tôi từng nghĩ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa cho Bắc Việt Nam

* Hồi năm 1974, trong Sài Gòn nhìn nhận cuộc xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc như thế nào?
- Riêng tôi, tôi nghĩ là Trung Quốc chiếm hộ rồi trao lại cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhiều người trong Nam vẫn nghĩ những người cộng sản Trung Quốc và những người cộng sản miền Bắc là anh em với nhau, giữa những người cộng sản với nhau tình thương còn hơn giữa những người cùng một nước, tức là tình đồng chí còn cao hơn tình đồng bào.
* Thế đến bao giờ thì ông mới ngã ngửa ra rằng Bắc Kinh họ cướp Hoàng Sa không phải cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà?
- Khá lâu. Giải phóng xong rồi, dân chúng vẫn không được thông tin công khai là Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Chỉ đến khi xảy ra hiệpđịnh hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô, và cuộc chiến biên giới phía Bắc đầu năm 1979, thì lúc đó tôi mới hiểu rõ mối quan hệ phức tạp giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Lúc bấy giờ tôi mới hiểu thực ra Trung Quốc đã quay lại chủ nghĩa Đại Hán ngày xưa. Tức là họ lại muốn bành trường.
* Tôi có nói chuyện với một số cựu phóng viên chiến trường Mỹ, trong đó có một người quen của ông là Mike Morrow (một trong hai sáng lập viên của Dispatch News Service - hãng tin đầu tiên phanh phui ra vụ thảm sát Mỹ Lai - TG). Họ đều nói rằng chỉ khi Mao Trạch Đông bắt tay Nixon ởThượng Hải, họ mới thực sự tin rằng cuộc chiến tranh do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến hành là để thống nhất đất nước, chứ không phải là một cuộc chiến tranh được uỷ nhiệm bởi Liên Xô và Trung Quốc.
Hồi đó, thấy báo chí đưa tin về cái bắt tay lịch sử này, ông có suy nghĩ gì không?
- (Cười) Tất nhiên, hồi 1972, tôi cũng có một mối lo ngại nào đó, nhưng mơ hồ thôi. Nhưng đến ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hoà thì có một sự việc khiến tôi thấy nghi ngờ mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Anh còn nhớ cái vai trò nho nhỏ của tôi trong những ngày đó chứ gì?
* Vâng ạ. Ông đã được Tổng thống Dương Văn Minh cử vào trại David để thương thảo chuyện ngừng bắn với phía bên kia.
- Sáng 30.4.1975, tôi và ông Huyền (Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền)đến gặp ông Dương Văn Minh tại Phủ Thủ tướng tại số 5 đường Lê Duẩn bây giờ. Lúc đó, Tướng Pháp Francois Vanussème, Tuỳ viên Quốc phòng và An ninh của Toà Đại sứ Pháp tại Sài Gòn, cũng có tới gặp ông, và hỏi rằng liệu có thể giữ được trong vài ngày không, bởi đã có đường dây liên lạc với Bắc Kinh, ngay tại toà đại sứ Pháp, để người Trung Quốc can thiệp, ngăn cản Bắc Việt giải phóng Sài Gòn.
Ông Minh đã trả lời rằng "ngày xưa đã bán đất cho Mỹ, nay lại còn bán đất cho Trung Cộng nữa à?"
* Tôi muốn khẳng định lại là ông chứng kiến chuyện đó, hay nghe ông Dương Văn Minh kể lại?
- Tôi có mặt ở đó mà.
* Trong tay của ông, những bản đồ của Trung Quốc không có phần Hoàng Sa và Trường Sa trên đó được vẽ vào thời gian nào?
- Khoảng từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20. Ngay chính Đô đốc Trịnh Hoà dong buồm đi về cũng nói rằng đây là nước Giao Chỉ, biển này là biển Giao Chỉ.
Tôi có trong tay đầy đủ bản đồ mới dám tuyên bố công khai như vậy chứ. Đây là chuyện khoa học mà.
* Nghe nói có hai lần ông tổ chức triển lãm bản đồ cổ, trong đó có những bản đồ cổ về Biển Đông?
- Đúng vậy. Tôi tổ chức triển lãm mang tính khoa học, để cho mọi người biết là cho đến đầu thế kỷ 20, điểm cực nam của Trung Quốc vẫn chỉ làđảo Hải Nam.

Trung Quốc lợi dụng cách gọi của phương Tây

* Gần đây, trên báo chí, ông có khẳng định lại là nguyên gốc của từ"Đông Dương" không phải là "Indochine", như cách người Pháp giải thích. Xin ông giải thích rõ ràng hơn.
- Đông Dương chính là Biển Đông. Trong bản đồ Trung Quốc vẽ về Việt Nam, vẽ năm 1842, thì đề là Đông Dương Đại Hải. Trước nữa thì có những bản đồ gọi Biển Đông là Đông Hải, Giao Chỉ Hải, hay Giao Chỉ Dương. Nhưông cha mình gọi người phương Tây là người Tây Dương (Biển Tây), còn Việt Nam là Đông Dương (Biển Đông).
Nhưng khi người Pháp sang đô hộ Việt Nam, họ không nói tới biển, mà nói tới đất. Từ đó người ta không hiểu Đông Dương là Biển Đông nữa, màĐông Dương là gồm 3 nước Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia. Người Pháp lại không dịch Đông Dương là Biển Đông nữa mà dịch là Indochine (tức là ẤnĐộ - Trung Quốc), tức là vùng tiếp giáp giữa hai nền văn hoá lớn này.
Chính cái cách dùng từ của người Phương Tây rất là tai hại, khiến cho ông Tàu ông ấy lợi dụng. Chẳng hạn, ông ấy bảo rõ ràng Tây bảo BiểnĐông là Biển Trung Hoa, rồi cụ thể hơn là Biển Nam Trung Hoa (South China Sea).
Thực ra, những người phương Tây đầu tiên gọi Biển Đông là Biển Giao Chỉ phía Trung Hoa (Cochichine Sea), suốt mấy thế kỷ liền. Trong đó, Giao Chỉ là chủ từ, còn gần Trung Hoa là túc từ, để chỉ cho rõ Giao Chỉnằm ở đâu. Sau đó, chữ Giao Chỉ bị ăn bớt đi và chỉ còn chữ Trung Hoa (China Sea).
Trên hai trang 11b và 12a trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ dương tới Phi Châu) có vẽ nước ta tuy đơn giản nhưng cũng rõ ràng: Nước Giao Chỉ bắc giáp Khâm Châu Trung Quốc, nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu của Trung Hoa khắc vẽ về nước ta và biển cả thuộc về nước ta từ thế kỷ XV.
Năm 1842, tác giả người Trung Hoa - Ngụy Nguyên xuất bản sách Hải quốc đồ chí mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới và toàn thể năm châu bốn bể, theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩtuyến. Trong sách này, Ngụy Nguyên đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam.
Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần (Việt Nam Đông đô và Việt Nam Tây đô). Ở ngoài khơi phía đông hai phần Việt Nam, Ngụy Nguyên ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức biển Đông rất lớn.
Cũng trong tác phẩm Hải quốc đồ chí, Ngụy Nguyên còn khắc vẽ bản đồAn Nam quốc với đường nét đúng kinh tuyến và vĩ tuyến rất rộng lớn. Ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải, tức là biển Đông Nam.
* Tại sao Giao Chỉ lại phiên sang tiếng Tây là Cochi?
- Hình như bắt đầu từ người Nhật Bản nghe mang máng, rồi gọi Giao Chỉlà Cochi. Mã Lai cũng có địa danh Cochi, rồi Ấn Độ cũng có một thành phốtên là Cochin. Và thế là để phân biệt, họ gọi Việt Nam là Cochichine (Giao Chỉ phía Trung Quốc) để phân biệt, với hàm nghĩa cả nước Việt Nam.
Thế rồi, sau đó, họ gọi Đàng Trong (mới đến Phú Yên) là Cochichine.Đến thời Pháp Thuộc Cochichine có nghĩa là Nam Kỳ, Trung Kỳ là An Nam, còn Bắc Kỳ là Tonkin.
* Đến bao giờ thì chữ Cochi bị mất đi trong bản đồ Tây Phương?
- Thế kỷ 19, nhưng lác đác thôi. Vẫn còn có những bản đồ đề đó là biển Hoàng Sa - Trường Sa, gọi chung là Paracel Sea. Trong trên một trăm bảnđồ tôi có đều ghi Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tôi phỏng đoán có khoảng 1000 bản đồ cổ như vậy chứ không phải ít.
Chữ Indochine xuất hiện từ cuối thế kỷ 19. Bán đảo Đông Dương bao gồm 5 nước là Việt Nam, Lào Căm-pu-chia, Miến Điện và Mã Lai. Còn Đông Dương thuộc Pháp thì chỉ còn ba nước.
* Xin cảm ơn ông.
HUỲNH PHAN
VNN

Friday, 9 May 2014

Xúi xử hay xúi sử?



Xúi xử không phải từ láy mà là từ sai chính tả. Đúng chính tả là xúi sử.
Sử 使 nghĩa là sai khiến trong sử chúng, sử dại, sử dụng, sử khôn, sử lệnh, không phải  sử của lịch sử, sử sách, sử học.

Thursday, 8 May 2014

Vụ án Nhã Thuyên: đính chính tư liệu & quan điểm học thuật (Inrasara)





Inrasara: Vụ án Nhã Thuyên: đính chính tư liệu & quan điểm học thuật


* Sau khi đọc “Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn” của Phan Trọng Thưởng trên báo Văn nghệ- Hội Nhà văn Việt Nam, số 16-2014, tôi viết bài này như là cách phản hồi. Thứ nhất, nói lại với Nhã Thuyên về khẳng định chủ quan “bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay”; thứ hai, như một cách trao đổi mang tính chính thống với Phan Trọng Thưởng. Hi vọng, hai bên mở cuộc đối thoại sòng phẳng, để “có thể nghe ra nhau”.
Tiếc, bài viết không nhận được phản hồi từ BBT báo Văn nghệ, cho nên xin đăng ở đây để rộng đường dư luận.
Inrasara

I. Đính chính: Mở Miệng bị kì thị tới đâu?
Trong bài “Cuộc nổi dậy của rác thải [1], Damau.org (Vanviet.info đăng lại ngày 28-3-2014), Nhã Thuyên viết:
“Ở trong nước, Inrasara, một nhà thơ, nhà phê bình trong Hội nhà văn có tham vọng nhận diện thơ Việt đương đại ở tất cả các khu vực, không kể chính thống/phi chính thống đã từng cố gắng lập lại biên bản(1) về không gian sôi động của thơ ca giai đoạn đó với bài viết Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn, xuất bản trên Tiền Vệ (2005) và được đưa vào cuốn Song thoại với cái mới (2008), “không bị biên tập một chữ” theo lời tác giả – dường như là bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay(Inrasara nhấn mạnh).
Phan Trọng Thưởng làm rõ hơn: “Theo tác giả “cho đến thời điểm này (cuối 2010) các báo chí trong nước vẫn từ chối các bài viết về, hay thậm chí việc điểm danh đến Mở miệng cũng không được chấp nhận” (“Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”, Vanvn.net, 19-4-2014).
Sự thật, có phải vậy không?(2)

1. Liên quan đến Nhóm Mở Miệng, bài đầu tiên được đăng trên báo chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Thơ số 4, tháng 10-2003, do thành viên chủ chốt của Nhóm Mở Miệng (Lý Đợi) viết, là: “Điểm tâm tính danh – hay thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI”.

2. Tiếp đó, Inrasara giới thiệu tập thơ Xáo chộn chong ngày, NXB Giấy Vụn, 2003. Lời giới thiệu in trong tập thơ, có đoạn:
“Tập thơ Xáo Chộn Chong Ngày – phạm thánh, phạm thượng, phạm chữ, phạm nghĩa, phạm cả các khái niệm lâu nay thế giới văn minh tôn sùng như điều không thể phạm. Nhưng hãy dẹp mấy thứ đó cho nhà luân lí, nhà ngôn ngữ, nhà hoạt động xã hội… phán. May: Bùi Chát đã không phạm con người!”.
Bài “Sáo chộn với Bùi Chát” (giới thiệu tập thơ Xáo chộn chong ngày, NXB Giấy Vụn, 2003) post lênTienve.org, ngày 21-12-2003, được tạp chí Thơ (Hoa Kỳ) số mùa Đông 2003 đăng lại. Có lẽ đây là bài viết về [tập thơ của một thành viên] Nhóm Mở Miệng đầu tiên được đưa ra công chúng. Bài viết ngắn, và dù không xuất hiện trên báo chính thống, nhưng đã gây nên một cuộc trao đổi thú vị trên mạng internet.

3Evan (Hà Nội, 2004) viết về thơ trẻ, nhận định về Mở Miệng như sau:
“Có một nhóm sáng tác trẻ tự xuất bản những tác phẩm của họ dưới dạng photocopy, và coi đó như văn bản chính thức. Họ rảo bước qua những đường phố Sài Gòn, những quán cà phê, quán thịt chó, ngày và đêm, ánh đèn, xe cộ, bụi và tiếng ồn… Họ làm thơ. Rồi cả truyện, tiểu thuyết, tiểu luận, trình diễn, sắp đặt, nghệ thuật ý niệm (conceptual art), nghệ thuật thị giác (visual art)… và, họ tuyên ngôn. Tự xếp mình, đúng hơn là tự xem mình nằm trong các trào lưu tiền phong, chẳng hạn như hậu hiện đại, họ đẩy thơ vào “ngõ cụt”, chiếu bí người đọc bằng ý thức đổi mới ngôn ngữ. Họ sẵn sàng thách thức những người làm thơ khác về tính chuyên nghiệp, tính học thuật trong thơ; nhất là, như họ nói thẳng thắn, với lớp nhà thơ bảo thủ, không chịu rời bỏ những sở trường của mình. Và tất nhiên, họ chấp nhận bị thách thức”.
Bài báo sau đó bị xoá cùng với nhiều sáng tác cách tân khác.

4. “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” hay “Biên bản về nhánh thơ ngoại vi TP Hồ Chí Minh”, là tham luận của Inrasara tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tháng 3-2005; đăng trên Tienve.org, ngày 17-3-2005, (in trong Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, 2008). Tôi viết ở đề dẫn:
Một hiện tượng xã hội hay văn chương bất kì, không thể bị dập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở”.
Đoạn đáng chú ý:
“Họ từ các nơi đổ bừa về Sài Gòn. Có mặt ở Sài Gòn, họ từ chối lối mòn quen thuộc: tụ tập quanh tòa soạn báo chí, nhà xuất bản hay các cơ quan Nhà nước có liên quan đến chữ nghĩa – ổn định và an ninh.
Họ là ai? Là Phan Bá Thọ. Là Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán. Các sinh viên tốt nghiệp, ra trường vô công rỗi nghề trong giai đoạn thơ Việt đang kì ảm đạm, “có mặt bằng nhưng chưa có đỉnh cao”, như chúng ta từng dễ dãi nhận định. Họ tự cho mình [vô] trách nhiệm với nền thơ nước nhà, cấp kì lập ra Nhóm Mở Miệng, trưng bảng nhà xuất bản Giấy Vụn và, tuyên xưng! Thế là hàng loạt tập thơ in photocopy xếp hàng mở m[iệng]ắt chào đời”.
Và đoạn kết:
“Đeo vào bộ mặt cực đoan đến quá khích, Nhóm Mở Miệng cùng với sản phẩm thơ của họ như “làn gió thối thổi vào không khí thơ” phẳng lặng hôm nay. Bản thân nó là khủng hoảng. Nó đột ngột xuất hiện và gây sốc, cố tình lôi kéo sự chú ý của chúng ta về khủng hoảng chung của thơ Việt, một khủng hoảng cần được nhìn nhận như tín hiệu tốt lành”.

5. Trần Ngọc Hiếu qua “Cuộc nổi loạn của ngôn từ trong thơ đương đại, ghi nhận qua một số hiện tượng”, tham luận trong Hội thảo Văn học sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng trên Talawas.org, 12-5-2005, cũng đã dành một phần bàn đến Mở Miệng.
“Nhưng chúng tôi muốn lưu ý một điểm: sự suồng sã hóa thơ ca, xem thơ ca chỉ như một hình thức trò chơi giải trí, đấy chính là cách các tác giả trong nhóm Mở Miệng tự biến sáng tác của mình thành một đối trọng với thứ thơ “nghiêm túc”vốn được coi là “chính thống,” nhưng đã trở nên già cỗi, thiếu sức sống, nằm chết trong hàng loạt các tập thơ được in ra hay trên các mặt báo mà chẳng mấy ai tìm đọc. Chẳng phải hình thức thơ đang gây được nhiều khoái thú hơn cả trong dời sống hiện nay- thơ Bút Tre – cũng là một hình thức suồng sã, chưa được coi là thơ, theo quan điểm chính thống đó sao? Đi tìm mối liên hệ giữa dòng folklore hiện đại (chuyện tiếu lâm, các kiểu nhại thơ, nhại bài hát, thơ Bút Tre) với những thể nghiệm của nhóm Mở Miệng, là một đề tài có thể khơi lên nhiều điều đáng suy nghĩ mà phạm vi của tiểu luận này chưa cho phép đào sâu.”

6. “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trong tương lai gần”, là tham luận khác của Inrasara tại Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh, 25-8-2006; báo Người Đại biểu Nhân dân, số 184 & 185, 7-2006 và tạp chí Nhà văn, số 3-2008 đăng nguyên văn (in trong Song thoại với cái mới, 2008). Về Nhóm Mở Miệng, tôi viết:
“Có thể nhận định rằng, sau Sáng Tạo những năm 60 của thế kỉ trước, Mở Miệng là nhóm thơ đầu tiên ghi dấu ấn đậm trong dòng chảy của thơ Việt. Chúng ta hi vọng năm khuôn mặt này làm nên cuộc cách tân lớn. Nhưng rồi họ cũng không thể. Tại sao?
Mở Miệng là một nhóm thơ gồm các thi sĩ trẻ sinh hoạt [vỉa hè] chung, cùng quan điểm sáng tác, biết lập ngôn để nói lên quan điểm sáng tác lạ biệt của nhóm mình. Nhưng cái thiếu của họ là: diễn đàn công khai. Dù các sáng tác của Mở Miệng thường xuyên xuất hiện trên báo điện tử cả trong lẫn ngoài nước, nhưng chính diễn đàn công khai mới mang yếu tố quyết định để tạo nên cuộc thay đổi lớn trong văn chương. Mở Miệng không được may mắn như các cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trước đó”.

7. “Thơ hậu đổi mới, và… đang khủng hoảng”, tham luận của Inrasara tại Hội nghị Lí luận – Phê bình lần thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồ Sơn, tháng 9-2006. Tham luận được viết lại thành “Nhập lưu hậu hiện đại không quá độ hiện đại hậu kì”, và đọc ở Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19-2-2008; sau đó đăng ở Talawas.org, 21-2-2008.

8. Tiểu luận “Thơ văn trẻ Sài Gòn ở đâu?” của Inrasara đăng trên báo Văn nghệ trẻ, số 45, 11-11-2007;Tienve.org đăng lại ngày 27-11-2007 (in trong Song thoại với cái mới, 2008). Tiểu luận nhấn về trào lưu văn chương vỉa hè Sài Gòn, dĩ nhiên không thể không đề cập đến Mở Miệng:
“Không đâu hạ sinh hiện tượng thơ văn lí luận vỉa hè như nhóm Mở Miệng cùng sự kiện Nhà xuất bảnGiấy vụn cho ra đời hàng chục tác phẩm photocopy, đã và đang gây ấn tượng sâu đậm đến cuộc sống văn chương như thế… Tuyệt không đâu cả, ngoại trừ đất Sài Gòn. Bao quát cả từ góc độ này, chúng ta mới nhìn ra toàn cảnh thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh. Và chỉ nhìn từ góc độ này thôi, thơ văn trẻ Sài Gòn mới hiện thể đúng thực như nó là thế: luôn chuyển động, sẵn sàng mang mầm mống đổi mới, cách mạng”.

9. Hai bài nghiên cứu dài hơi: “Hậu hiện đại và Thơ hậu hiện đại Việt” đăng trên Vanchuongviet, 21-12-2007, sau đó in lại trong Song thoại với cái mới, và “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại” đăng trên website Khoa Viết văn – Báo chí thuộc Đại học Văn hóa, Hà Nội Vietvan.vn, tháng 3-2009, in lại trongThơ Việt, hành trình chuyển hướng say, NXB Thanh niên, 2014.  Ở đây tôi phân tích cái “hay” của thơ hậu hiện đại Việt, trong đó nhắc nhiều đến tác phẩm của Nhóm Mở Miệng.

10. Cuối cùng, luận án Tiến sĩ “Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại” được Trần Ngọc Hiếu bảo vệ thành công tại Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 9-10-2012, trong đó anh bàn và trích dẫn nhiều thơ của Nhóm Mở Miệng.

Đó là chưa kể các bài báo lẻ, mươi cuộc trả lời phỏng vấn đề cập đến Nhóm Mở Miệng và NXB Giấy Vụn của Inrasara, như: “Phê bình văn học đứng ngoài ’văn hóa đọc’”, Thanh Xuân thực hiện, Vietvn, 23-7-2007; “Inrasara: Cần phải gọi tên đúng sự thể”, Phong Điệp thực hiện, báo Văn nghệ, 24-5-2008; “Điểm mặt thơ Việt hôm nay”, Hiền Hòa thực hiện, báo Giáo dục và Thời đại, số Xuân 2009; “Con đường đi vào văn chương hậu hiện đại Việt Nam”, Trần Thiện Khanh thực hiện, báo Điện tử Tổ quốc, 25-4-2009. Ở bài cuối này, vài đoạn đề cập trực tiếp đến Nhóm Mở Miệng:
“… nhà văn hậu hiện đại giải trung tâm không phải để chính mình trở thành trung tâm. Họ phải giữ thái độ phi tâm hóa thường trực. Thật vô ích và phi lí, nếu tất cả nhà văn Việt Nam đều viết thơ theo kiểu Mở Miệng… Hậu hiện đại làm cuộc phi tâm hóa chỉ với mục đích tạo cơ hội cho mọi trào lưu văn học cùng đề huề tồn tại và phát triển để làm phong phú nền văn học Việt Nam. Ở đó mỗi cá nhân, mỗi bộ phận ngoại vi đều có tiếng nói, có mảnh đất để thể hiện trọn vẹn mọi khả năng của mình.
… Sáng tạo hậu hiện đại Việt Nam [nhất là thơ ca] bị phân biệt đối xử bởi nhà văn nhà thơ thuộc hệ mĩ học cũ, bị kì thị bởi các cơ quan báo chí trong nước, còn các Đại học thì làm ngơ, từ đó các Nhà xuất bản không mặn mà với bản thảo của nó”.

Cuối cùng, ngay trong tác phẩm mới nhất: Inrasara, Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (NXB Thanh Niên, 2014) cũng đề cập nhiều đến Nhóm Mở Miệng. Đậm nhất là: “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, “Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại”. Riêng tiểu luận “Thơ Việt, thế hệ hậu hiện đại mới”, có đoạn:
“Thà làm thơ mới dở còn hơn làm thơ cũ hay” là tuyên ngôn lặp đi lặp lại nhiều lần trong tạp chí Thơ ở Hoa Kì. Ở ngoài nước, Nguyễn Hoàng Nam đòi “quyền làm thơ dở”, thì sáu năm sau trong nước, Nhóm Mở Miệng tuyên bố “chúng tôi không làm thơ”. Lý Đợi ném bỏ quan niệm thơ hay/ dở cũ kĩ ở sau lưng, mà nhấn vào thơ thực/ giả. Thơ rác cũng được, miễn là thực; thơ “dở” cũng xong, miễn là mới. Thế là bao nhiêu thơ “rác”, thơ nghĩa địa, thơ hàng tiêu dùng, thơ “dở” được các nhà thơ hậu hiện đại và Mở Miệng xả vào nền thơ Việt Nam. Năm năm, họ đã để lại cả đống hoang tàn đổ nát – hủy phá, sáng tạo và tái tạo, vàng và thau, rác rưởi trộn lẫn với mỏ quặng… – sau lưng”.

Nghĩa là, dù chịu không ít kì thị, cấm cản, bên cạnh “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” “xuất bản trên Tiền Vệ (2005) và được đưa vào cuốn Song thoại với cái mới (2008)… dường như là bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay” (Nhã Thuyên), còn có những tiểu luận, bài trả lời phỏng vấn, bài báo của vài tác giả liên quan đến Mở Miệng đăng ở báo [và được in thành sách] chính thống xuất hiện khá đậm và kéo dài(3).

II. Quan điểm về luận văn Đỗ Thị Thoan và thực hiện thơ của Nhóm Mở Miệng.
Ở bài “Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”, Vanvn.net, 19-4-2014, ở phần kết luận, Phan Trọng Thưởng viết:
“[Luận văn]… không có giá trị khoa học và thực tiễn; sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu; tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy; cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém; miệt thị văn học và văn hóa chính thống của dân tộc; tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước…”.
Để tránh bị coi là “tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước”, tôi xin miễn đề cập đến khía cạnh liên quan đến [cái gọi là] chính trị [thô thiển], mà chỉ nhấn vào ba điểm học thuật: sai lầm trong chọn đối tượng nghiên cứutài liệu không chính thống, và cổ súy cho văn chương tục tĩu, thấp kém.

1. “sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu”.
Việc chọn đề tài nghiên cứu nào đó thì không có gì gọi là sai lầm cả. Tôi từng cho Nhóm Mở Miệng bị “các Đại học thì làm ngơ”. Nay lần đầu tiên, Đại học đã “quan tâm đúng mức”, là tin mừng, sao lại gọi là sai lầm? Đỗ Thị Thoan viết:
“chỉnh thể văn học và văn hóa trong bất kỳ không gian và thời gian nào cũng luôn luôn bao gồm dòng chính và dòng ngầm, trong đó dòng chính được coi là Trung tâm; dòng ngầm được coi là ngoại vi, là bên lề”.
Và chị là người đầu tiên dũng cảm chọn một luồng trong “dòng ngầm” ấy làm đối tượng nghiên cứu khoa học.
Cũng như Trần Ngọc Hiếu qua “Cuộc nổi loạn của ngôn từ trong thơ đương đại, ghi nhận qua một số hiện tượng” (bài đã dẫn), khi dẫn thơ của Nhóm Mở Miệng ra phân tích, không phải anh hoàn toàn đồng tình với nó, qua đó [gọi là] cổ súy cho nó, mà là mổ xẻ và đặt ra nhiều câu hỏi buộc các thành viên kia nhìn lại mình.
Thao tác này tương tự như công việc trước đó tôi từng định danh là “phê bình lập biên bản”, và đã triển khai từ năm 2005. Ngoài “Biên bản Bàn tròn Văn chương” và “Biên bản lập chậm”, tôi đã “lập biên bản” hàng trăm tác phẩm [và tác giả] thơ Việt đương đại thuộc “dòng truyền thống”, “dòng tiếp hiện”, và dĩ nhiên không chừa – “dòng khai phá”. Cả thơ dân tộc thiểu số/dân tộc đa số, nữ hay nam, trong nước/hải ngoại, địa phương/trung tâm văn hóa lớn… cũng được lập biên bản, không chút phân biệt đối xử. Riêng về “dòng khai phá”, tôi viết:
“Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay một chân lí đinh đóng hoặc cái đẹp vĩnh cửu. Cũng không từ lập trường văn học trung tâm, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Tôi đã cố giữ nguyên hiện trường như thế với Nhóm Mở Miệng, với tân hình thức Việt và các tác giả ý hướng cách tân đơn lẻ khác. Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn có thể các quan điểm sáng tác, đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa. Chưa hẳn đồng tình với các quan điểm ấy, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là thế(4).

2. “tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy”.
Khía cạnh này, phần (I) đã thể hiện rõ rồi. Tôi chỉ xin nhấn rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, nhà phê bình văn học còn có thể giữ tâm thế phân biệt trung tâm với ngoại vi, nguồn tài liệu giấy với tài liệu mạng không? Hoặc giả nhà phê bình còn có thể xem các sáng tác, phê bình, nghiên cứu đăng trên báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn hay mạng Hội Nhà văn Việt Nam Vanvn.net, vân vân… thì giá trị và đáng tin hơn Hợp Lưu, ViệtDamau.org, Tienve.org hay Vanchuongviet.org… không? Hơn nữa, nghiên cứu một hiện tượng văn chương phi chính thống mà không sử dụng tài liệu phi chính thống thì dùng tài liệu gì? Bởi có thể nói, chỉ có các tài liệu phi chính thống như Đỗ Thị Thoan đã dẫn phục vụ cho luận văn mới có độ tin cậy cao, chứ không phải ngược lại.
Tự do xuất bản bị hạn chế, người nghệ sĩ/ nhà phê bình ngoại vi tìm không gian khác để thể hiện mình. Ở đó, mạng internet là phương tiện lí tưởng. Nhóm Mở Miệng, bị kì thị, đã mở nhà xuất bản của mình: Giấy Vụn. Và, cho dẫu không kì thị, nhiều nghệ sĩ sáng tạo cũng đã chọn lựa sự tự do. Vũ Thành Sơn với 40km/h (NXB Giấy Vụn, 2007); Đoàn Minh Châu với m-n & z (Minh Châu xuất bản, 2008); Nguyễn Thị Thúy Quỳnh qua Thựcthểmònruỗngtôi (NXB Tùy Tiện, 2009); rồi Trúc-Ty cùng Trước khi thành giấy vụn (NXB Giấy Vụn, 2010) hay Tuệ Nguyên với Mi & Ngôn lời (NXB Tùy Tiện, 2011)… đều là tên tuổi đáng đọc. Sáng tác của họ độc đáo, đầy khai phá và nhất là “lành mạnh”, có thể chui lọt qua cửa nhà xuất bản chính thống nào bất kì mà không phiền đến dao kéo kiểm duyệt. Thế nhưng, họ đã chọn vỉa hè. Là thái độ văn chương của họ.

3. “cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém”.
Thực hiện thơ [sáng tác, mở nhà xuất bản để in tác phẩm của mình và bạn văn đồng chí hướng, “tuyên ngôn”, trình diễn và sinh hoạt…] của Nhóm Mở Miệng không thuần là “hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém”, mà ở đó – chỉ tính riêng sáng tác – chúng chứa đựng không ít giá trị, dù đứng ở bất kì góc độ nào: thẩm mĩ văn chương hay tác động xã hội. Vả lại, trong rất nhiều trường hợp, “tục tĩu” không phải luôn luôn đi kèm với “thấp kém”, nếu người viết muốn ghép hai khái niệm này với nhau. Sáng tác của Mở Miệng, văn chương vỉa hè hay phi chính thống có khi rất tục [tĩu] nhưng chúng không hề thấp kém, trong khi đó có nhiều trường hợp (đa số) văn chương chính thống tuy không tục [tĩu] nhưng lại vô cùng thấp kém.
Tôi đã từng đề cập đến những “Khóc Văn Cao”, “Xáo chộn chong ngày” (của Bùi Chát), “Một nhà thơ bị đánh chết”, “Những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam” (Lý Đợi), “Liên tưởng”, “Biển kể về nhiều chuyện khác” (Lê Vĩnh Tài), “Tôi là cột điện”, “Cắt” (Lê Anh Hoài), hay “hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng” (Phan Bá Thọ)… như là những tác phẩm mang tính đánh động và gây phản tỉnh đầy sáng tạo. Các tìm tòi và thử nghiệm [có vẻ thấp kém] ấy không giá trị hơn bạt ngàn sản phẩm [ra vẻ cao cả, sang trọng] chẳng có gì đáng nói ngoài lặp lại và nhai lại xuất hiện nhan nhản trên sách báo chính thống sao?
Phê bình lập biên bản [hay nghiên cứu, ghi nhận một hiện tượng văn chương nào đó] là “đi vào trong” hệ mĩ học của sáng tác đó, để nhận diện nó như là thế. Chỉ có thế thôi, ta mới có thể giữ được thái độ công bằng với mọi hệ mĩ học, mọi trào lưu sáng tác, và với mọi tác giả, tác phẩm, qua đó thúc đẩy văn học phát triển lành mạnh.

Sài Gòn, 22-4-2014
_________
Chú thích
(1) Chính xác là: “lập biên bản”.
(2) Xem thêm : Inrasara, “Vài nhận định về Nhóm Mở Miệng và Nhà xuất bản Giấy Vụn”, Tienve.org, 5-2011.
(3) Dĩ nhiên đây là một thông tin chưa đầy đủ. Và tôi cũng không liệt kê các bài báo phê phán Mở Miệng mang tính quy kết chính trị.
(4) “Inrasara: Thiếu tư tưởng nên ăn theo sáng tácMT thực hiện, báo Lao động, số 185, 11-8-2007.

Wednesday, 7 May 2014

Binh lính đồn trú Điện Biên Phủ giải quyết sinh lý bằng cách nào?


Theo Lịch sử đảng bộ tỉnh Lai Châu (1945-2009), trong vòng một tháng sau khi tái chiếm Điện Biên Phủ lính Pháp đã gây ra 158 vụ hãm hiếp phụ nữ. Cùng với sự hình thành tập đoàn cứ điểm, bộ chỉ huy Pháp phải nghĩ đến chuyện giải quyết nhu cầu sinh lý của hơn một vạn quân trú đóng lâu dài.


Trang Web của VietnamCulture Travel viết không đúng:
The French even went to the extent of flying in an entire brothel of French women to keep the soldiers happy!


Không có gái mại dâm người Pháp trong nhà thổ lưu động ở Điện Biên Phủ. Chỉ có gái Việt và gái Bắc Phi (André Galabru, 2006:42 ; Alain Ruscio, 2006:345-346), tổng cộng 18 người. Toán thứ nhất (gái Việt, do một má mì từ Sài Gòn ra, tên Chính, tên khác là Marie Casse-croûte tuyển mộ và phụ trách) theo máy bay từ Hà Nội lên vào giữa tháng 1-1954, được giao cho sĩ quan quân y lê dương quản lý. Toán thứ hai đến Điện Biên Phủ ngày 27-2.

Từ đầu tháng 2, vì sợ Việt Minh pháo kích, một số lính lê dương xung phong đào hầm cho gái (được miễn công tác tu bổ công sự chiến đấu). Hầm được xây dựng khá kiên cố, có đường đi lối lại, trang bị đầy đủ.

Một công văn được gửi ra, quy định ngày giờ mở cửa nhà thổ và thứ tự  luân phiên các đơn vị, riêng các đơn vị ở xa sẽ có gái đến phục vụ tại chỗ. Ai cũng vui, chỉ có các linh mục tuyên úy phản đối chút đỉnh, đòi điều chỉnh thời gian biểu vui chơi sao cho không trùng với giờ đọc kinh hoặc làm lễ rửa tội.


Khi chiến sự nổ ra ác liệt, không ai còn hồn vía để vui chơi nữa. Các gái điếm vẫn thuộc quyền quản lý của quân y, ngưng làm công việc ủng hộ sinh lý để trở thành các hộ lý chăm sóc thương binh (Alain Ruscio, 2006:345-346).

Jacques Dalloz, tác giả quyển La Guerre d'Indochine (Points Seuil) cho rằng Việt Minh giết sạch số gái điếm bị bắt ở Điện Biên Phủ (http://www.liberation.fr/courrier/2004/05/07/les-prostituees-de-dien-bien-phu_478690). Chuyện này hơi khó tin. Có lẽ là các gái điếm người Việt chỉ phải đi cải tạo (http://www.nytimes.com/2004/04/01/opinion/01iht-edpringle_ed3_.html)

Trong một thời gian dài Geneviève de Galard được xem là người phụ nữ duy nhất (seule femme) có mặt ở Điện Biên Phủ đến phút chót. Gần đây để tôn trọng sự thật lịch sử và để tỏ lòng kính trọng những người phụ nữ vô danh lạc loài giữa bom đạn, người ta nói lại rằng Geneviève de Galard  là người phụ nữ Pháp duy nhất (seule Française) (Alain Ruscio, 1985:335-347), với hàm ý rằng Điện Biên Phủ còn những người phụ nữ khác, không phải người Pháp. Nhưng vẫn còn nhiều người không biết những người phụ nữ ấy đến Điện Biên Phủ làm gì.

Tuesday, 6 May 2014

Geneviève de Gallard là ai?



Geneviève de Gallard là một trong số 35 nữ y tá làm nhiệm vụ trên các máy bay tản thương của quân đội Pháp (convoyeuse de l’Air - CVA). Cô gia nhập lực lượng này năm 1953. Tháng 1/1954 cô được phái ra Hà Nội. Theo kế hoạch mỗi ngày có hai nữ CVA được chỉ định theo máy bay lên Điện Biên Phủ đón thương binh. Trong phiên công tác đêm 26 rạng ngày 27 tháng 3 năm 1954, máy bay của Geneviève không đón được thương binh. Cô tình nguyện trở lại vào đêm sau. Máy bay đến Điện Biên Phủ lúc 4 giờ sáng và kẹt luôn ở đó vì bị cao xạ Việt Minh bắn hỏng. Cô được phân công về đội điều trị trung tâm, phụ trách chăm sóc thương binh nặng sau khi họ ra khỏi phòng hồi sức. Cuối tháng 4-1954, chỉ ít ngày trước khi Điện Biên Phủ thất thủ, Geneviève de Gallard, mệnh danh là nữ thiên thần của Điện Biên Phủ (l’Ange  de Dien Bien Phu), được thưởng Bắc đẩu bội tinh và huân chương quân công (croix de guerre).

Trong một thời gian dài sách báo Pháp xem cô là người nữ tù binh duy nhất ở Điện Biên Phủ khi tập đoàn cứ điểm này thất thủ. Sách báo của ta hiện nay cũng không nói khác.

Hơn hai chục bác sĩ và mấy chục nhân viên quân y Pháp cũng bị đói, thân hình gày guộc, mệt mỏi, phờ phạc. Anh Khánh cho biết có người nữ hộ lý duy nhất, tên là Đờ Gala (Geneviève de Galard), đã được những thương binh Pháp coi là "thiên thần". Tôi nói điều ngay tới một đội điều trị kết hợp với nhân viên y tế của Pháp cứu chữa thương binh, có thể cho phía Pháp xuống lấy thương binh nặng như ta đã làm ở Thất Khê trong chiến dịch Biên Giới. Phải tổ chức ngay việc tẩy uế chiến trường để tránh dịch bệnh, cho chuyển thương binh địch từ dưới hầm lên khỏi mặt đất. Và sớm cho cô hộ lý duy nhất tại đây trở về với gia đình.
(Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử)

Chiều mùng 07 tháng 05 năm 1954, quân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ. Hơn 10 nghìn tù binh bị ta bắt sống, trong đó duy nhất có một nữ tù binh, đó là Geneviève de Gallard - cô nữ y tá xinh đẹp chừng hơn 30 tuổi, nguyên là tiếp viên hàng không đến từ Pari, với cái tên “nữ hoàng của mặt trận”.

Là một y tá trong quân đội, cô theo máy bay tải thương lên ĐBP, nhưng do máy bay bị phá hỏng nên kẹt lại khi vòng vây đã bị xiết chặt. Cô bị bắt khi cứ điểm thất thủ trong buổi chiều tháng năm đáng nhớ đó. Cô là người phụ nữ duy nhất trong đám tù binh, vì vậy mà được báo chí của Pháp hồi đó ở Hà Nội làm rùm beng lên. Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cô y tá này được trả sớm cùng với các thương binh ở ĐBP trong những ngày từ 13 đến 28-5.
(http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/8249502-.html)

Monday, 5 May 2014

Âu Phi hay Âu Phi Á?



Sách vở của ta thường phân loại quân địch trên chiến trường Đông Dương theo chủng tộc thành lính Âu Phi (từ châu Âu hoặc từ châu Phi đến) và lính ngụy (người bản xứ).

TRƯỚC khi vào mùa khô 1953-1954, so sánh lực lượng về quân số, địch đã vượt lên ta khá xa. Tổng quân số của địch là 445.000 người, gồm 146.000 quân Âu Phi (33%) và 299.000 quân ngụy (67%). Tổng quân số của ta là 252.000 người. Như vậy, quân địch đông hơn ta: 193.000 người. Riêng quân ngụy cũng đã đông hơn ta: 47.000 người.
(Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử)

Theo cách phân loại này, Điện Biên Phủ chỉ có vỏn vẹn ba tiểu đoàn người bản xứ:

Trừ 2 tiểu đoàn bộ binh Thái và 1 tiểu đoàn dù ngụy là người bản xứ, do những sĩ quan Pháp chỉ huy, số còn lại đều là những đơn vị Âu Phi được lựa chọn trong các binh đoàn cơ động, gồm 5 tiểu đoàn bộ binh và dù lê dương, 4 tiểu đoàn Bắc Phi. Tất cả đều là những đơn vị. có truyền thống lâu đời hoặc đã được thử thách nhiều trong chiến đấu và có chỉ huy tốt.
(Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử)

Thực ra thì trong các đơn vị gọi là Âu Phi lúc nào cũng có người Việt làm nhiệm vụ thông ngôn, dẫn đường và nhiều việc linh tinh khác. Số này không nhiều nên các đơn vị được gọi là Âu Phi trông đúng là Âu Phi. Tuy nhiên, từ năm 1949 trở đi, ngoài số lính Việt đỡ đần chân tay đó ra, trong biên chế của các tiểu đoàn tác chiến (gọi là) Âu Phi đều có 1-2 đại đội người Việt.

Ngày 18 tháng 3 năm 1951, tiểu đoàn nhảy dù lê dương số 1 (1er BEP) số 1 được tái lập tại Hà Nội với đủ 3 đại đội tác chiến, trong đó có 1 đại đội Đông Dương gọi là CIP (compagnie indochinoise parachutiste).

Tiểu đoàn nhảy dù thuộc địa số 6 (6e BPC) của Bigeard khi xuống tàu ở Pháp (tháng 7-1952) chỉ có 352 người, chủ yếu là khung cán bộ, chỉ có một đại đội chỉ huy và một đại đội tác chiến hoàn chỉnh. Khi sang đến Đông Dương nhận 318 lính Việt bổ sung mới hình thành tiểu đoàn có khả năng chiến đấu, trong đó có một đại đội CIP (đại đội 6). Tháng 10-1953 thành lập thêm một đại đội CIP nữa (đại đội 26), tức là trong số bốn đại đội tác chiến của tiểu đoàn này đã có hai đại đội người Đông Dương.

Do việc xin tăng viện từ chính quốc có khó khăn, bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương phải tăng tỷ trọng lính bản xứ trong các đơn vị (gọi là Âu Phi). Tháng 5-1953, tiểu đoàn 2 nhảy dù lê dương có biên chế 980 quân thì số lính bản xứ đã là 481 (về lý thuyết, tiểu đoàn này chỉ được phép có 439 lính bản xứ). Bán lữ đoàn lê dương số 13 (13e DBLE) vào năm 1953 phình ra bằng một lữ đoàn nhờ mộ thêm được lính bản xứ. (Michel Bodin, 2003:11-27).
Tất cả các đơn vị vừa kể trên đều có mặt ở Điện Biên Phủ và được tướng Giáp gọi là các tiểu đoàn Âu Phi.

Tiểu đoàn 1 nhảy dù thuộc địa (thiếu một đại đội), đơn vị cuối cùng được ném xuống Điện Biên Phủ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-1954, có thành phần như sau:
-ban tham mưu và đại đội chỉ huy: 48 người (12 Việt);
-đại đội 2: 3 sĩ quan, 17 hạ sĩ quan (1 Việt) và 102 lính (47 Việt);
-đại đội 3: 4 sĩ quan, 16 hạ sĩ quan (2 Việt) và 101 lính (49 Việt);
-đại đội 4: 3 sĩ quan, 11 hạ sĩ quan  và 64 lính (43 Việt);

Các tiểu đoàn (toàn) Phi như Ma-rốc, An-giê-ri, Xê-nê-ga-le... có lẽ vì đặc điểm văn hóa, ban đầu không lập đại đội người bản xứ nhưng rồi vì quân số hao hụt nên đành nhận các đại đội phụ lực. Quân chính quy người bản xứ chỉ dành cho các đơn vị dữ dằn (lê dương, dù...).

Bộ tham mưu liên quân  (EMIFT) đã dự trù đến cuối năm 1953 lực lượng bộ chiến có 158.566 quân (con số thực tế ngày 1/11/1953 là 182.424, chia làm 100 tiểu đoàn bộ binh, 17 pháo đoàn, 40 chi đoàn kỵ binh, 8 tiểu đoàn công binh và một số đại đội binh chủng khác) trong đó số người bản xứ là 53.870  chính quy và 52-58.000 quân phụ lực. Một phần số này là do quân đội quốc gia Việt Nam chuyển qua cho quân liên hiệp Pháp (Lê Văn Dương, 1972:196).


Trong khi đó các đơn vị gọi là ngụy cũng không hoàn toàn là người bản xứ. Cuối năm 1952  (Lê Văn Dương, 1972:226) có 4568 người Pháp (718 sĩ quan) phục vụ trong quân đội quốc gia Việt Nam: 2011 vệ binh cộng hòa (người Pháp) chỉ huy 26.000 vệ binh quốc gia (Việt Nam).  Theo thống kê vào ngày 1/11/1953, trong quân đội quốc gia Việt Nam, (151.020 quân chính quy và 47.025 quân phụ lực người bản xứ) có 3.961 sĩ quan, hạ sĩ quan lục quân Pháp được biệt phái qua làm chỉ huy (Lê Văn Dương, 1972:196).
Tiểu đoàn 5 nhảy dù Việt Nam (5eBPVN) được thành lập ngày 1/9/1953, thực chất chỉ là đổi phiên hiệu của một tiểu đoàn viễn chinh (tiểu đoàn 3 dù thuộc địa - 3e BPC). Tiểu đoàn 3 được giải thể trên giấy tờ trước đó một ngày. Khung cán bộ cùng với hai đại đội CIP số 3 và số 23 được đưa sang cho tiểu đoàn 5 dù Việt Nam. Đây là tiểu đoàn dù ngụy duy nhất có mặt ở Điện Biên Phủ, được tướng Giáp nhắc đến trong đoạn trích hồi ký Điểm Hẹn Lịch Sử đã dẫn ở trên.

Sunday, 4 May 2014

Chiến lược da vàng hóa đã được khởi động như thế nào ?


Theo Michel Bodin (2009):
Do số quân tăng viện từ Pháp sang không đủ đáp ứng yêu cầu của chiến trường, bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương phải nghĩ đến việc tìm kiếm những giải pháp nhiều, nhanh, tốt, rẻ để đối phó với áp lực ngày càng mạnh của Việt Minh và nguy cơ bùng nổ chiến tranh với nước Trung Hoa Đỏ.
.
Năm 1949 các tiểu đoàn biệt kích dù thuộc địa (BCCP) bắt đầu nhận lính chiến đấu người bản xứ, gom vào một đại đội gọi là đại đội Đông Dương (Compagnie Indochinoise Parachutiste), bên cạnh ba đại đội cơ hữu. Ở một số tiểu đoàn biệt kích dù thuộc địa (số 1, số 2, số 3 và số 5) mỗi đại đội chỉ có hai trung đội nên cấp đại đội được lập thêm một trung đội người bản xứ. Người bản xứ chiếm 40% quân số pháo binh, 20 % kỵ binh, 35 % khối cơ quan và tiếp vận. Tỷ lệ người bản xứ tăng nhanh trong bộ binh: 38291 người  (37,6 %) vào tháng 1-1949, 42076 người (tháng 12-1949) với những tiểu đoàn có 60-70% quân số là người bản xứ.

Ngoài các đơn vị chính quy kể trên, bộ chỉ huy Pháp còn huy động 109640 người bản xứ (riêng Nam Kỳ góp 52290 người) tham gia phụ lực quân và vệ binh các loại (Vệ Binh Nam Việt ở Nam kỳ, Việt Binh Đoàn tức Vệ Binh Trung Việt, Bảo Chính Đoàn (Bắc kỳ), Vệ Binh Sơn Cước, Vệ Binh Quốc Gia từ tháng 4-1949).
Người ngoại quốc trong đội quân lê dương từ 11886 người (tháng 1-1949) tăng lên 16952 người (tháng 12) được tổ chức thành 11 tiểu đoàn bộ binh, 1 trung đoàn kỵ binh (1er REC) và các đơn vị binh chủng (công binh, tiếp vận, quân cụ).

Quân Bắc Phi có 24364 người vào tháng 12 (tổng cộng 23 tiểu đoàn, trong đó Ma rốc các loại 12 tiểu đoàn, An-giê-ri 10 tiểu đoàn, Tuy-ni-di 1 tiểu đoàn). Lính Xê-nê-ga-le (Phi Châu da đen / Tây rạch mặt) có 12090 người (9 tiểu đoàn).

Ngay trong năm 1949 lục quân Pháp ở Viễn Đông (FTEO) đã trở thành một lực lượng hết sức đa dạng về mặt chủng tộc. Lính Pháp chính quốc chỉ chiếm 31,1 % tổng quân số ; số hiện diện trong các đơn vị chiến đấu còn ít hơn vì nhiều quân nhân Pháp phục vụ trong các văn phòng hoặc được biệt phái sang các đơn vị bản xứ. Các thành phần chủng tộc còn lại có tỷ lệ như sau: Âu (không kể Pháp) 11,6 %, Bắc Phi 16,7 %, Phi Châu  (da đen) 8,3 %, bản xứ 32,3 %. Việc quản trị nhân sự và yểm trợ hậu cần do đó trở nên phức tạp hơn trước nhiều.

Lính bản xứ rẻ hơn lính từ chính quốc hoặc từ châu Phi đưa qua, lại thông thạo ngôn ngữ và đường đi lối lại, nhưng không đáng tin cậy. Họ không thích phục vụ xa nhà (hễ đưa đi xa thì thường đào ngũ) và hay trở cờ, vác súng chạy sang Việt Minh. Lính bản xứ thường chỉ được giao nhiệm vụ đóng đồn, trấn giữ các tháp canh dọc trục lộ giao thông quan trọng, hoặc đi biệt kích, hoặc đi theo một đơn vị chính quy.