I- Tình hình, đặc điểm các chi bộ nông thôn ở vùng mới giải phóng
Các chi bộ nông thôn vùng mới giải phóng (bao gồm cả ba vùng: tạm bị chiếm, du kích và cǎn cứ du kích) về số lượng đảng viên tuy có sút nhiều, trung bình sút tới 50%, có nơi 80%, 90% so với hồi phát triển mạnh nhất, đôi nơi tan rã hẳn, nhưng thực tế vẫn còn phức tạp rất nghiêm trọng. Qua việc nghiên cứu tình hình chi bộ vùng mới giải phóng trong phát động quần chúng giảm tô đợt 6 và đợt 7 ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Bình đã thấy rõ:
1- Quá trình từ lúc thành lập, xây dựng đến khi địa phương bị địch tạm chiếm đóng, chi bộ cũng bị giai cấp địa chủ lũng đoạn hoàn toàn giống như vùng tự do cũ.
2- Đến khi địch tạm chiếm, chi bộ vốn đã bị bọn địa chủ lũng đoạn, lại bị thêm bọn đế quốc, đảng phái phản động tấn công. Chúng tìm mọi cách cấu kết với nhau chui vào Đảng ta để phá hoại cơ sở, phá hoại kháng chiến, đàn áp nhân dân. Vì thế trong chi bộ, ngoài số địa chủ ra, còn có những tên nội gián, phản động, những phần tử đảng phái phản động. Như ở Hà Nam, trong số 121 chi bộ thì 37 chi bộ phát hiện rõ ràng là có cơ sở Quốc dân Đảng, 23 chi bộ còn hiềm nghi. Số Quốc dân Đảng nằm trong chi bộ cũng chiếm một tỷ lệ khá đông, có chi bộ 50% đảng viên là Quốc dân Đảng, có chi bộ tới gần 90%.
Ngoài ra còn có một số lớn đảng viên trước sự khủng bố, doạ nạt, lừa phỉnh, mua chuộc của đế quốc đã nằm im, chạy dài, đầu thú, đầu hàng, khai báo, thậm chí có một số ít đi đến phản bội. Có một số đã bị địch bắt, chưa rõ thái độ và hành vi khi đứt liên lạc với Đảng, đã được những phần tử xấu trong chi bộ tập hợp và vẫn còn sinh hoạt Đảng cho đến nay. Tình hình đó làm cho chi bộ càng thêm phức tạp nghiêm trọng.
Trong chi bộ cũng có một số đảng viên đã anh dũng bền bỉ chiến đấu chống địch. Nhưng số đảng viên này lại thường bị hy sinh trong chiến đấu hoặc cấp trên điều đi nơi khác, nên còn lại rất ít, thậm chí có nơi không còn.
3- Cơ quan lãnh đạo của chi bộ lại càng phức tạp. Thí dụ: 57 chi bộ của Bắc Giang, Sơn Tây có tới 25,67% tổng số chi uỷ viên là địa chủ, phú nông, nội gián, phòng nhì hoặc đã tham gia các tổ chức phản động. ở Hà Nam, Bắc Giang có nơi Bí thư và chi uỷ viên của chi bộ Quốc dân Đảng đồng thời lại là Bí thư và chi uỷ viên của chi bộ Đảng ta. Có chi bộ từ khi thành lập đến khi phát động quần chúng đã qua 10 khoá chi uỷ, có tất cả 23 chi uỷ viên đều là Quốc dân Đảng và Bí thư chi bộ từ trước đến nay đều do thành phần phú nông nắm giữ.
Trong một số chi bộ có một vài đảng viên tốt được đề bạt vào chi uỷ thì riêng đối với mặt lãnh đạo du kích có ít nhiều tác dụng, đối với các mặt khác vẫn bị bọn địa chủ, bọn phản động tay sai đế quốc lũng đoạn.
4- Do hoàn cảnh vùng tạm bị chiếm, chi bộ phải tổ chức phân tán, hoạt động bí mật; đảng viên ít được sinh hoạt, học tập, kiểm điểm phê bình. Vì vậy lập trường tư tưởng và tác phong của đảng viên có nhiều sai lầm, ý thức Đảng và trình độ chính trị rất kém, nhất là nhận thức về nhiệm vụ chống phong kiến và cả về nhiệm vụ chống đế quốc còn rất mơ hồ.
Ngoài ra, hiện nay còn có một số đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, đang mong chờ thái độ của Đảng.
II- Mấy vấn đề chủ yếu trong chỉnh đốn chi bộ vùng mới giải phóng
Tình hình các chi bộ vùng mới giải phóng cũng phức tạp nghiêm trọng như các chi bộ vùng tự do cũ, nên mục đích yêu cầu cũng như phương châm chính sách và phương pháp tiến hành của công tác chỉnh đốn chi bộ trong phát động quần chúng giảm tô ở vùng mới giải phóng cǎn bản không có gì thay đổi khác với tinh thần Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 29-12-53. ở đây chỉ thêm bớt và cụ thể hoá một số điểm trong yêu cầu và chính sách cụ thể đã nêu trong Chỉ thị đó cho thích hợp:
A- Xử trí đảng viên
Chỉ thị số 59-CT/TW về việc chỉnh đốn chi bộ trong phát động quần chúng giảm tô đã nêu rõ: đối với những phần tử địa chủ, phần tử Việt gian, phú nông phản động, phần tử đầu hàng địch, phản bội và những phần tử mất lập trường nghiêm trọng kiên quyết chống cuộc phát động quần chúng, đã trải qua giáo dục mà không sửa chữa thì kiên quyết khai trừ ra khỏi Đảng.
Chính sách đó áp dụng đối với các đảng viên ở vùng mới giải phóng vẫn thích hợp, nhưng cần quy định cụ thể thêm mấy trường hợp cho sát hoàn cảnh hơn.
1- Trường hợp đầu thú, đầu hàng, phản bội, khai báo
a) Những trường hợp đầu hàng, phản bội theo như Chỉ thị số 59-CT/TW đã quy định, nghĩa là đều khai trừ đảng tịch.
b) Trường hợp khai báo trước địch mà việc khai báo đó đã giúp cho địch có tài liệu để phá hoại cách mạng, phá hoại cơ sở nói chung thì khai trừ đảng tịch. Trường hợp vì bị địch uy hiếp mà khai báo, nhưng việc khai báo đó chưa gây nên tác hại cụ thể và sau đó vẫn tiếp tục hoạt động thì tuỳ theo tính chất nặng nhẹ của việc khai báo mà có thể giữ nguyên đảng tịch hoặc lưu lại trong Đảng một thời gian để xem xét. Nhưng nếu sau khi khai báo lại không chịu hoạt động và đến nay trong phát động quần chúng vẫn không tích cực công tác thì khuyên họ xin ra Đảng.
c) Trường hợp đầu thú có tính chất thông thường không làm gì hại cách mạng, hại nhân dân sau đó lại tiếp tục công tác thì vẫn được giữ nguyên đảng tịch.
Trường hợp khuất phục về chính trị như ký giấy cam đoan không hoạt động cách mạng nữa hoặc tuyên bố ǎn nǎn hối lỗi với địch, nhưng không khai phá cơ sở hoặc chỉ khai cho người đã chết, đã vào vùng tự do xa, v.v., sau đó lại tiếp tục công tác, biểu hiện khá thì có thể giữ nguyên đảng tịch. Nhưng nếu sau đó công tác không tích cực, trong phát động quần chúng tỏ ra không tiến bộ thì khuyên họ xin ra Đảng.
2- Trường hợp tham gia các tổ chức phản động và các tổ chức tôn giáo mê tín
a) Tham gia nguỵ quân, nguỵ quyền:
- Những phần tử thuộc thành phần giai cấp bóc lột và tay sai của chúng, trong thời gian địch tạm chiếm đóng, đã tham gia nguỵ quân, nguỵ quyền thì khai trừ ra khỏi Đảng.
- Những đảng viên thuộc thành phần lao động đã tham gia nguỵ quân, nguỵ quyền trong một thời gian ngắn, quần chúng không có ý kiến gì phản đối, sau khi tham gia vẫn tiếp tục lao động và tiếp tục hoạt động, trong phát động quần chúng biểu hiện tích cực thì được giữ nguyên đảng tịch.
- Những đảng viên thành phần tốt nhưng lịch sử phức tạp, trong thời gian tham gia nguỵ quân, nguỵ quyền có tội ác với nhân dân, thì khai trừ đảng tịch. Nhưng nếu thời gian tham gia không có tội ác, sau khi thôi làm nguỵ quân, nguỵ quyền tích cực công tác, qua học tập kiểm thảo biểu hiện tốt thì giữ nguyên đảng tịch, nếu biểu hiện không tốt thì có thể lưu lại trong Đảng một thời gian để xem xét hoặc khuyên họ ra khỏi Đảng.
b) Tham gia tổ chức chính trị phản động:
- Những đảng viên trước Cách mạng Tháng 8-45 đã tham gia các tổ chức chính trị phản động nhưng trong khi tham gia không có tội ác, sau này về tổ chức đã cắt đứt quan hệ với tổ chức đó từ lâu, về tư tưởng đã cải tiến, đã triệt để kiểm thảo và báo cáo rõ ràng với Đảng, thì có thể được giữ nguyên đảng tịch. Trường hợp hiện nay về mặt tổ chức và tư tưởng chưa cắt đứt quan hệ với các tổ chức ấy thì khai trừ đảng tịch.
- Sau Cách mạng Tháng 8, những đảng viên đã tham gia các tổ chức chính trị phản động, nói chung đều khai trừ đảng tịch. Trường hợp cá biệt có đảng viên thành phần và lịch sử tốt vì bị lừa dối hoặc uy hiếp mà tham gia các tổ chức chính trị phản động nhưng thời gian tham gia ngắn, chưa có hành động gì tác hại và sau đó đã cắt đứt, trong phát động quần chúng biểu hiện tốt thì có thể được giữ nguyên đảng tịch.
c) Những đảng viên đã tham gia các tổ chức tôn giáo mê tín thì tiến hành giáo dục, nâng cao tư tưởng. Nếu đã hoạt động phá hoại cách mạng hoặc tàn hại nhân dân thì khai trừ đảng tịch.
3- Đối với đảng viên thuộc giai cấp bóc lột
a) Đối với địa chủ và con cái họ thì theo như Chỉ thị số 59-CT/TW.
b) Những đảng viên thuộc thành phần nhân dân lao động, trong kháng chiến đã lập được nhiều thành tích, nhưng vì trình độ giác ngộ thấp, bị bọn địa chủ mua chuộc, dụ dỗ mà đã có những hành động che chở cho bọn chúng, cản trở phong trào phát động quần chúng thì kiên trì giáo dục cải tạo.
Trường hợp đã gắng công cải tạo, giáo dục nhiều lần nhưng trong cả quá trình phát động quần chúng vẫn kiên quyết bao bọc, che chở cho địa chủ, chống phát động quần chúng thì khai trừ ra khỏi Đảng.
Ngoài ra còn một số trường hợp cần phải có thái độ thích đáng:
1. Đối với trường hợp cá biệt một vài phú nông và con cái họ, qua đấu tranh chống đế quốc đã lập được nhiều thành tích, trong phát động quần chúng lại nghiêm chỉnh chấp hành chính sách của Đảng thì cần được chú ý giáo dục và sau đó điều đi công tác nơi khác để tranh thủ cải tạo.
2. Đối với số đảng viên có nhiều hiện tượng hiềm nghi hoạt động cho các tổ chức phản động thì phải đình chỉ sinh hoạt chi bộ và tiến hành thẩm tra thêm.
3- Những phần tử bản chất xấu đã nằm im, chạy dài, bị địch bắt rồi thả ra hoặc tự ý thoát ly Đảng một thời gian, đã được những phần tử xấu trong chi bộ cho sinh hoạt Đảng từ trước hoặc sau ngày địa phương được giải phóng thì nay không công nhận là đảng viên.
4. Đối với số đảng viên chưa được sinh hoạt chi bộ thì cần chú ý giải thích cho họ tự giác nhận thấy và hoan nghênh việc đình chỉ sinh hoạt và chờ sự thẩm tra của Đảng, mặt khác kêu gọi họ tích cực tham gia phát động quần chúng. Nhất thiết chưa đề ra việc xét và phục hồi đảng tịch cho những đảng viên này trong phát động quần chúng giảm tô.
B- Vấn đề giải tán chi bộ
Đối với những chi bộ cǎn bản xấu, cần phải công khai giải tán và lấy đó mà giáo dục đảng viên và quần chúng, khiến cho đảng viên và quần chúng tiến lên một bước nhận thức được thế nào là Đảng Lao động Việt Nam và người như thế nào mới có thể làm người đảng viên Đảng Lao động.
Những chi bộ cần giải tán là những chi bộ mà trong đó đại đa số đảng viên là phần tử địa chủ, cường hào, phần tử đầu hàng, phản bội, phần tử nội gián hoặc tham gia các tổ chức phản động, trong chi bộ không có đảng viên tốt hoặc cũng có một số ít nhưng không nêu được tác dụng.
Trước khi giải tán, đối với những phần tử xấu có tội ác với nhân dân, với cách mạng, cần khai trừ ra khỏi Đảng. Sau khi giải tán, trải qua theo dõi trong công tác, sẽ tập hợp những đảng viên tốt thuộc thành phần lao động để giáo dục, bồi dưỡng cho họ thành cốt cán của chi bộ mới sau này. Những đảng viên này khi thành lập chi bộ mới, vẫn được tính tuổi đảng từ trước.
Ngoài ra, đối với những chi bộ đã hoàn toàn tan rã, nếu tự động tập hợp lại trước hoặc sau khi địa phương được giải phóng đều không công nhận là chi bộ của Đảng.
C- Vấn đề giáo dục đảng viên
Vì tình hình tổ chức, hoạt động và hoàn cảnh đấu tranh của đảng viên ở vùng mới giải phóng, trước đây có nhiều điểm khác vùng tự do cũ nên việc giáo dục họ trong phát động quần chúng phải được đặc biệt chú ý: không những phải động viên họ tích cực tham gia phát động quần chúng, đấu tranh chống giai cấp địa chủ phong kiến, mà còn phải tǎng cường giáo dục, nâng cao lập trường và tinh thần chiến đấu bất khuất chống đế quốc cho họ nữa, làm cho mọi đảng viên nhận rõ cả hai nhiệm vụ: chống phong kiến, đồng thời phải chống đế quốc, phản động để bảo vệ quyền lợi cho giai cấp và dân tộc.
Muốn đạt yêu cầu nói trên, trước hết phải giải thích kỹ cho đảng viên về chính sách ruộng đất của Đảng, mục đích yêu cầu của chỉnh đốn chi bộ, đồng thời nêu cao thành tích chiến đấu của đảng viên trong thời gian địa phương bị địch chiếm đóng, để ổn định tư tưởng đảng viên.
Suốt trong quá trình phát động quần chúng cần động viên đảng viên thực tế tham gia đấu tranh để rèn luyện và cải tạo họ. Chủ yếu là làm cho đảng viên bước đầu phân rõ ranh giới giữa nông dân và địa chủ để tập trung mũi nhọn chống giai cấp địa chủ, thiết thực phục vụ cho phát động quần chúng thắng lợi. Nhưng đồng thời phải phân rõ ranh giới giữa ta với đế quốc, Việt gian phản động và tẩy trừ ảnh hưởng của chúng trong chi bộ.
Đến bước 5 của phát động sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục thêm một bước bằng cách lấy việc học tập lịch sử chi bộ bị địa chủ lũng đoạn và chi bộ đấu tranh chống đế quốc, lấy việc tổng kết công tác chi bộ trong phát động quần chúng, lấy việc biểu dương các đảng viên có thành tích chống đế quốc, chống phong kiến (kể cả đảng viên đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu) để giáo dục đảng viên; nâng cao thêm một bước về lập trường giai cấp, tinh thần chiến đấu bất khuất chống phong kiến và chống đế quốc cho đảng viên.
D- Vấn đề kết nạp đảng viên mới
Tình hình vùng mới giải phóng có nhiều phức tạp; cơ sở Đảng thì non yếu lại bị bọn địa chủ, đế quốc, phản động lũng đoạn nghiêm trọng; quần chúng thì bị địch tuyên truyền lừa bịp, xuyên tạc, nên bị ảnh hưởng xấu khá nặng và ít hiểu về Đảng; phát động quần chúng giảm tô thì tiến hành trong một thời gian ngắn.Việc tìm hiểu, điều tra đối tượng để tuyên truyền, phát triển đảng viên mới gặp rất nhiều trở ngại. Do đó, nói chung chưa đề ra việc kết nạp đảng viên mới trong phát động quần chúng giảm tô ở vùng mới giải phóng. Trường hợp ở những nơi là khu du kích mạnh hoặc cǎn cứ du kích, từ lâu qua đấu tranh thử thách chống đế quốc có cá biệt quần chúng thành phần bần cố nông, đã lập được nhiều thành tích trong chiến đấu, nay trong phát động quần chúng cũng tích cực, có đủ điều kiện là đảng viên, thì có thể kết nạp.
Điều chú trọng hơn hết ở vùng mới giải phóng là phải tuyên truyền gây ảnh hưởng Đảng rộng rãi qua từng bước công tác, bồi dưỡng, giáo dục cho những quần chúng tốt tương đối hiểu về Đảng và có ý thức với Đảng, để chuẩn bị cho việc kết nạp đảng viên mới trong cải cách ruộng đất. Có thể cuối bước 5, đội công tác mở lớp huấn luyện ngắn ngày để giáo dục về Đảng cho họ.
E- Vấn đề tuyển cử chi uỷ, đề bạt đảng viên
Đối với những đảng viên tuy trước đây về tư tưởng lập trường hoặc tác phong, sinh hoạt có sai lầm, nhưng đã tỏ ra bền gan anh dũng chiến đấu chống đế quốc, lập được nhiều thành tích, trong phát động quần chúng lại tích cực công tác thì không những phải chú ý biểu dương và bồi dưỡng giáo dục trong cả quá trình phát động, mà còn phải xét và đề bạt vào các cơ quan lãnh đạo của chi bộ.
Để thích hợp với hoàn cảnh vùng mới giải phóng, đối với số chi bộ có rất ít đảng viên tốt không đủ để lập thành Ban chi uỷ mới, thì chỉ cần cử một Bí thư, một Phó Bí thư cũng được. Tuỳ theo tình hình chi bộ phức tạp nhiều hay ít, tuỳ theo điều kiện từng nơi, không nhất luật phải dùng bầu cử để thành lập các ban chi uỷ. Đội công tác có thể chỉ định, miễn là việc lựa chọn người vào chi uỷ phải thận trọng và phải dựa vào ý kiến của đảng viên tốt và quần chúng tốt.
Chi bộ ở vùng mới giải phóng phức tạp nghiêm trọng; trình độ quần chúng còn thấp kém; thời gian tiến hành phát động quần chúng giảm tô lại ngắn, cán bộ phần lớn lại chưa có kinh nghiệm về phát động quần chúng ở vùng mới giải phóng. Vì vậy các Đoàn uỷ cần tǎng cường lãnh đạo về chỉnh đốn chi bộ: trước hết phải làm cho cán bộ nhận rõ tình hình và đặc điểm của chi bộ vùng mới giải phóng, giải quyết tư tưởng chủ quan cho là chi bộ không có vấn đề gì, đánh giá không đúng tình hình chi bộ; phải tổ chức cho cán bộ nghiên cứu kỹ Chỉ thị này trước khi xuống xã và trong quá trình thực hiện ở xã, Đoàn uỷ phải luôn luôn theo dõi, nghiên cứu tình hình phát hiện ở các chi bộ, đặc biệt luôn luôn theo dõi, nghiên cứu tình hình các tổ chức phản động lũng đoạn chi bộ để có kế hoạch chỉnh đốn cho thích hợp và đôn đốc cán bộ thực hiện.
T/M Ban Bí thư
Lê Vǎn Lương
Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng. |