Vǎn kiện Đảng toàn tập Tập 23 (1962) Nghị quyết của Bộ Chính trị số 39-NQ/TW, ngày 20 tháng 1 năm 1962, về việc tăng cường đấu tranh chống các bọn phản cách mạng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà
Cập nhật lúc 14h13 - Ngày 15/10/2015
I- Nhận định tình hình và âm mưu của địch
đối với miền Bắc nước ta
1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc nước ta đang ra sức
lao động quên mình để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, xây dựng miền
Bắc vững mạnh làm cơ sở cho cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống
nhất nước nhà. Quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa
xã hội ở miền Bắc trước sau vẫn là một cuộc đấu tranh giai cấp phức
tạp, gay go, quyết liệt, lâu dài giữa lực lượng xã hội chủ nghĩa với
các lực lượng chống đối lại chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình đấu tranh đó, ngoài
những phần tử phản cách mạng từ trước vẫn làm tay sai cho bọn địch
chống lại kháng chiến, nay lại xuất hiện những phần tử chống đối cách
mạng xã hội chủ nghĩa do chỗ quyền lợi giai cấp của chúng bị đụng chạm.đối với miền Bắc nước ta
Trong điều kiện cụ thể của miền bắc nước ta, nội dung cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ lại có những đặc điểm riêng của nó. Do tính chất của xã hội Việt Nam trước đây, do kết quả của cuộc đấu tranh cách mạng trong mấy chục năm nay, do nước ta còn tạm bị chia làm hai miền và kẻ thù nguy hiểm nhất hiện nay của nhân dân ta là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, cho nên tính chất gay go, quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp ở miền Bắc trước hết biểu hiện ở mặt đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và bè lũ phản cách mạng tay sai của chúng là bọn gián điệp, biệt kích, phỉ, bọn phản động phá hoại hiện hành, v.v.. Cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng ở nước ta không những mang tính chất đấu tranh của các giai cấp lao động chống lại các tầng lớp bóc lột phản động, mà còn sẵn có tính chất đấu tranh dân tộc chống bọn đế quốc và bè lũ tay sai.
Từ ngày hoà bình lập lại, bọn Mỹ - Diệm đang thống trị ở miền Nam nước ta vẫn ra sức tăng cường hoạt động gián điệp phá hoại miền Bắc và ráo riết chuẩn bị gây chiến tranh xâm lược hòng thôn tính miền Bắc và tiêu diệt chế độ dân chủ nhân dân của ta. Đó là âm mưu thâm độc lâu dài có tính chất chiến lược của chúng. Thêm vào đó, các nước đế quốc, tư bản có quyền lợi ở khu vực Đông Nam á đều không muốn cách mạng Việt Nam tiến lên, vì vậy cũng không ngừng hoạt động tình báo phá hoại miền Bắc nước ta.
2. Nhìn chung âm mưu cụ thể của kẻ địch đối với miền Bắc nước ta bao gồm mấy mặt như sau:
a) Điều tra tình báo để phục vụ cho âm mưu phá hoại trước mắt chống chế độ ta, đồng thời để đánh giá lực lượng miền Bắc, hiểu nội bộ xã hội miền Bắc, phục vụ cho âm mưu lâu dài gây chiến tranh xâm lược miền Bắc. Hướng điều tra
của chúng trước hết nhằm tìm hiểu lực lượng quân sự, kế hoạch quốc phòng, tình hình chính trị và tình hình xây dựng kinh tế ở miền Bắc.
b) Phá hoại về các mặt, cả về tinh thần và vật chất, bằng những hoạt động như: tiến hành "chiến tranh tâm lý", phao đồn tin nhảm, xuyên tạc sự thật, phản tuyên truyền hòng gây tâm lý hoang mang, không ổn định; phá hoại việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, phá hoại sản xuất, phá hoại việc cải thiện đời sống của nhân dân, phá hoại công cuộc củng cố quốc phòng, hòng làm chậm bước tiến của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
c) Gây cơ sở bí mật ở miền Bắc, tổ chức bọn tay sai của chúng được cài lại, thúc đẩy và hướng dẫn bọn này hoạt động, và ra sức tung thêm nhiều gián điệp, biệt kích để tổ chức lực lượng phỉ vũ trang hòng lập những khu căn cứ để hoạt động phá hoại, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng và nhằm phối hợp trong ngoài khi có chiến tranh nổ ra.
Đối với các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị vũ trang, nhất là đối với các cơ quan đầu não và các cơ sở quan trọng, kẻ địch rất chú trọng lôi kéo, mua chuộc những người lập trường không vững để dùng làm tay sai cho chúng và tìm mọi cách cho bọn tay sai chui vào nội bộ; đồng thời đối với các trường đại học, trường chuyên nghiệp, chúng tìm cách cho người vào học và cố gắng để được cử đi học nước ngoài, hòng leo cao, đi sâu và phá ta lâu dài.
3. Các lực lượng thù địch ở miền Bắc nước ta bao gồm bọn gián điệp các nước đế quốc và tư bản, và các thế lực phản cách mạng khác.
- Trong các loại gián điệp thì bọn gián điệp của Mỹ - Diệm là kẻ thù nguy hiểm nhất đối với miền Bắc nước ta. Bọn gián điệp Mỹ là bọn gián điệp rất xảo quyệt, thâm độc, có nhiều thủ đoạn nguy hiểm, nhiều phương tiện kỹ thuật hoạt động. Bọn gián điệp Pháp cũng không kém phần nguy hiểm đối với chúng ta.
- Ngoài bọn gián điệp của Mỹ - Diệm và của các nước đế quốc, tư bản khác, còn có những lực lượng phản cách mạng khác ở miền Bắc nước ta. Trong số này phải đặc biệt chú ý bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa. Bọn này trước kia cũng như hiện nay vẫn là những tay sai đắc lực và nguy hiểm của chủ nghĩa đế quốc ở nước ta. Cũng phải rất chú ý bọn phản động trong số những người trước kia là tề nguỵ, phỉ hoặc đã tham gia đảng phái phản động cũ, trong các giai cấp bóc lột cũ, do quyền lợi của chúng gắn liền với quyền lợi của bọn đế quốc, do ý thức chống đối nhân dân trước đây, cho nên chúng căm thù sâu sắc chủ nghĩa cộng sản và hoạt động chống lại cách mạng.
Trong những bọn phản động này, hiện nay có bọn đã liên hệ chặt chẽ với đế quốc, nhưng có nhiều tên hiện nay chưa có liên lạc với đế quốc. Quy luật chung là bọn gián điệp đế quốc ra sức tìm hiểu, tập hợp, lợi dụng các lực lượng chống đối chủ nghĩa xã hội trong nước để làm tay sai thực hiện âm mưu phá hoại của chúng; ngược lại, những bọn phản động này cũng tìm cách bắt liên lạc với bọn Mỹ và bọn đế quốc khác, liên lạc với bọn Ngô Đình Diệm để có chỗ dựa, có nguồn tiếp tế tiền tài, vũ khí, phương tiện. Bọn gián điệp đế quốc rất nguy hiểm, nhưng bọn phản động trong nước cũng là những lực lượng có thể gây cho ta những thiệt hại to lớn.
4. Trong tình hình hiện nay trước đà lớn mạnh của phe xã hội chủ nghĩa, của phong trào giải phóng dân tộc và của phong trào cách mạng ở các nước tư bản chủ nghĩa, đế quốc Mỹ một mặt tăng cường chuẩn bị chiến tranh hạt nhân, chiến tranh cục bộ và chiến tranh chống du kích, nhằm đàn áp phong trào cách mạng ở các nước; mặt khác cho tay sai thâm nhập lãnh thổ các nước xã hội chủ nghĩa để tiến hành quấy rối, phá hoại.
Ở nước ta, trước đà tiến mạnh của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trước tình hình phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam chống Mỹ - Diệm lên cao, trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, đế quốc Mỹ ra sức "viện trợ" cho bọn Diệm về quân sự, kinh tế, v,v.. Chúng đưa thêm cố vấn và nhân viên quân sự, đưa cả một bộ phận không quân vào hoạt động ở miền Nam và chuẩn bị dư luận để đưa quân đội vào trực tiếp đàn áp phong trào cách mạng miềnnam. Sau khi Giônxơn, Stalây, Taylo, v.v. sang miền Nam Việt Nam thì kế hoạch can thiệp của đế quốc Mỹ đối với miền Nam Việt Nam cũng toàn diện hơn và tích cực hơn. Một bộ phận quan trọng trong kế hoạch đó là bọn Mỹ - Diệm càng ra sức tăng cường hoạt động để phá hoại miền Bắc một cách tích cực hơn và táo bạo hơn,chúng càng cố gắng tung nhiều tên gián điệp, biệt kích ra miền Bắc (thậm chí chúng có thể hành động liều lĩnh điên cuồng, dù chúng không hy vọng đạt được thắng lợi, dù chúng chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết), gây các cuộc khiêu khích ở biên giới, giới tuyến và bờ biển, nhằm kích động các lực lượng phản cách mạng ở miền Bắc thực hiện âm mưu phá hoại miền Bắc để hòng gây khó khăn cho ta và gây tình hình căng thẳng ở Đông Nam á. Do đó, một mặt chúng ta phải rất bình tĩnh, nhưng mặt khác phải rất cảnh giác, kiên quyết, khẩn trương đối phó với âm mưu phá hoại của kẻ địch.
5. Âm mưu của địch tuy to lớn và thâm độc, nhưng phi chính nghĩa. Cho nên, trong điều kiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày càng thu được thắng lợi, chính quyền của chúng ta ở miền Bắc ngày càng vững mạnh, nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Đảng, thì kẻ địch không thể dễ dàng thực hiện được những âm mưu đen tối của chúng.
Vấn đề kẻ địch có thể thực hiện được âm mưu của chúng đến mức nào tuỳ thuộc ở địch thì ít mà tuỳ thuộc ở ta thì nhiều.
Trong thời gian tới, nếu chúng ta kiên quyết động viên quần chúng, tích cực bảo vệ nội bộ chặt chẽ, kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, thì chúng ta có thể đánh bại mọi âm mưu phá hoại của chúng. Nhưng nếu sự cố gắng của ta không đầy đủ thì kẻ địch vẫn có thể gây được một số lực lượng phỉ, gây được bạo động ở một số khu vực, tập hợp và kích động được một số quần chúng lạc hậu gây rối trị an, xây dựng được cơ sở bí mật, tiếp tục tiến hành phá hoại trên các mặt, thậm chí có thể gây cho ta nhiều tổn thất nghiêm trọng.
II- Nhận xét về công tác đấu tranh chống
bọn phản cách mạng trong mấy năm qua
Trong mấy năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác trấn áp phản cách mạng đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Về
mặt đấu tranh chống bọn gián điệp, chúng ta đã khám phá và trừng trị
nhiều vụ gián điệp, biệt kích, hạn chế, ngăn chặn các hoạt động phá hoại
của chúng. Đối với bọn phản động trong nước, chúng ta đã khám phá và
trừng trị nhiều tổ chức phản động, ngăn chặn được một số vụ gây rối
loạn, phá hoại trật tự an ninh. Việc tìm hiểu tình hình địch trong mấy
năm qua cũng đã có nhiều tiến bộ. Công tác bảo vệ nội bộ có nhiều cố
gắng. Chúng ta đã bắt đầu chú ý giáo dục cán bộ và quần chúng nâng cao
tinh thần cảnh giác cách mạng và tích cực tham gia đấu tranh chống các
hoạt động phá hoại và tham gia vào việc cải tạo những người trước kia là
tề nguỵ, v.v.. Phong trào bảo vệ trị an có tính chất quần chúng đã được
phát động trên toàn miền Bắc. Kết quả chủ yếu của các mặt công tác nói
trên chính là ở chỗ đã góp phần làm cho tình hình trật tự, trị an được
giữ vững ở toàn miền Bắc (ngay trong những lúc tình hình chung có gặp
những khó khăn) và làm cho tình hình ngày càng ổn định hơn.bọn phản cách mạng trong mấy năm qua
Công tác đánh địch đạt được những thành tích nói trên, chủ yếu là nhờ ở nhiệt tình yêu nước, giác ngộ chính trị của cán bộ và nhân dân ta, nhờ ở sự lãnh đạo của Đảng ta, nhờ ở sự cố gắng của các công cụ chuyên chính của Đảng và của Nhà nước.
Nhưng nhìn chung, công tác đánh địch vẫn còn nhiều nhược điểm và thiếu sót.
Hiện tượng phá hoại còn xảy ra nhiều, mà ta tìm ra thủ phạm còn ít; nhiều vụ nghi phá hoại mà chưa kết luận được. Một số tổ chức phản động đã có khả năng phát triển. Việc trừng trị những bọn phản cách mạng vẫn còn yếu, không kịp thời, thiếu sắc bén. Việc chỉ đạo công tác đánh địch ở thủ đô và ở các địa bàn xung yếu chưa được thật chặt chẽ. Việc tập trung lao động cải tạo đối với các phần tử nguy hiểm tiến hành chậm chạp, thiếu khẩn trương. Việc cải tạo các tầng lớp tề nguỵ cũ chưa được chú ý thường xuyên và đúng mức.
Việc bảo vệ nội bộ còn nhiều sơ hở. Việc chấp hành các chỉ thị của Trung ương về bảo vệ nội bộ chưa được nghiêm chỉnh. Nội quy ra vào cơ quan, bảo quản tài liệu, giữ gìn bí mật nhà nước chưa được chấp hành nghiêm ngặt. Tình trạng mất mát tài liệu còn xảy ra nhiều. Việc tuyển dụng người mới vào cơ quan, xí nghiệp chưa thật chặt chẽ. Việc quản lý nội bộ còn lỏng lẻo. Các tổ chức bảo vệ cơ quan, bảo vệ xí nghiệp chưa được tăng cường đúng mức.
Việc nắm tình hình địch và tình hình nội bộ chưa vững và sâu.
Việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tính cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng chưa được các cấp uỷ đảng thường xuyên chú ý. Trong chương trình học tập của trường Đảng và chương trình chính trị các trường đại học và chuyên nghiệp cũng chưa có môn giáo dục về nhà nước chuyên chính dân chủ nhân dân, về tính cảnh giác cách mạng. Việc phát động quần chúng tích cực đấu tranh chống bọn phản cách mạng còn chưa sâu sắc và thường xuyên, liên tục.
Khi có những trường hợp đột xuất xảy ra, chúng ta vẫn còn lúng túng, bị động. Các lực lượng bảo vệ và đánh địch của ta chưa thật mạnh và sắc bén. Các công cụ chuyên chính, nhất là cơ quan công an, chưa được tăng cường đúng mức. Sự phối hợp và sử dụng lực lượng giữa các công cụ chuyên chính chưa được chặt chẽ.
Do chỗ công tác đối phó của ta còn nhiều nhược điểm như trên, cho nên đứng trước âm mưu phá hoại của kẻ địch hiện nay, chúng ta chưa thật hoàn toàn an tâm.
Sở dĩ công tác đánh địch của chúng ta còn chưa được mạnh và sắc bén, chủ yếu là do những nguyên nhân sau đây:
a) Nhận thức trong toàn Đảng về chức năng chuyên chính của chính quyền nhân dân đối với bọn phản cách mạng chưa thực sâu sắc, vững vàng. ý thức quan tâm tiêu diệt địch, nhiệt tình bảo vệ thành quả cách mạng trong cán bộ, kể cả cán bộ các cơ quan chuyên chính, còn chưa sâu sắc. Vì vậy, còn bộc lộ rất nhiều biểu hiện tê liệt cảnh giác, rụt rè, hữu khuynh.
b) Các luật lệ hiện hành chưa được bổ sung một cách đầy đủ và kịp thời để đáp ứng yêu cầu công tác đánh địch một cách sắc bén. Pháp quyền của ta còn nhiều chỗ sơ hở, khiến cho kẻ địch có thể lợi dụng được.
c) Các công cụ chuyên chính chưa được tăng cường đúng mức, chưa bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của cuộc đấu tranh (kể cả về mặt tư tưởng, tổ chức và về phương tiện hoạt động).
d) Công tác đánh địch chưa thật quán triệt đường lối "Đảng lãnh đạo, dựa vào quần chúng, kết hợp tính tích cực của quần chúng với công tác nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn". Công tác đấu tranh chống phản cách mạng hiện nay còn có phần bị cô độc.
III- Nhiệm vụ và đường lối trấn áp
phản cách mạng trong thời gian tới
1. Nhiệm vụ trấn áp phản cách mạngphản cách mạng trong thời gian tới
Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng như sau:
"Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên cơ sở liên minh công nông và được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân, phải thực hành chuyên chính với bọn phản cách mạng, nghiêm trị những kẻ chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Phải kiện toàn cơ quan công an nhân dân, toà án nhân dân, cơ quan kiểm sát nhân dân, giáo dục nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng; động viên và tổ chức quần chúng tích cực tham gia giữ gìn trật tự trị an, đấu tranh nhằm trừng trị bọn phản cách mạng và cải tạo những phần tử lạc hậu".
Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội, trong thời gian sắp tới, chúng ta cần phải mạnh bạo động viên toàn Đảng, toàn dân tiến hành trấn áp phản cách mạng một cách kiên quyết, chủ động, khẩn trương, tích cực hơn, kịp thời đập tan mọi âm mưu gây bạo động, phá hoại hoặc khiêu khích của kẻ địch, giữ vững trật tự, an ninh ở miền Bắc, bảo vệ nội bộ cho thật chặt chẽ, góp phần củng cố quốc phòng, tích cực bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Hiện nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành cuộc trấn áp phản cách mạng được tốt: công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã giành được thắng lợi có tính chất quyết định; ta đã thu thập được tài liệu về tình hình địch trong một phạm vi nhất định; ta cũng đã tích luỹ được một số kinh nghiệm đấu tranh trấn áp phản cách mạng qua mấy năm trước đây; do đó, việc phân biệt địch ta được dễ dàng hơn.
Công tác đấu tranh chống phản cách mạng phải theo đúng nguyên tắc cơ bản chung "tích cực bảo vệ mình, chủ động tiêu diệt địch". Có tích cực bảo vệ mình, mới tránh được sơ hở, ngăn chặn không cho kẻ địch có điều kiện để phá hoại và mới dễ phát hiện và tiêu diệt được kẻ địch. Ngược lại, có chủ động tiêu diệt địch, mới bảo vệ được mình một cách chắc chắn.
Để bảo vệ nội bộ cho tốt, cần phải tiến hành thẩm tra nội bộ, xây dựng chế độ, nội quy, pháp lệnh về bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội, xây dựng các tổ chức chuyên trách công tác bảo vệ ở những cơ quan, xí nghiệp quan trọng, giáo dục cán bộ, công nhân nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ, nội quy bảo vệ đã ban hành.
Để chủ động tiêu diệt kẻ địch, một mặt, cần phải quét bọn phản cách mạng đầu sỏ, cốt cán (trừng trị kịp thời bọn phản cách mạng hoạt động hiện hành, tập trung giáo dục cải tạo những phần tử phản động đầu sỏ, cốt cán nguy hiểm); mặt khác, phải thường xuyên tiến hành giáo dục, cải tạo những người trước kia là tề nguỵ và phỉ, những phần tử đã tham gia các tổ chức phản động cũ và các cơ sở xã hội khác mà kẻ địch dễ dàng lợi dụng. Hai mặt nói trên liên quan mật thiết với nhau và đều nhằm mục đích làm tê liệt mọi hoạt động phá hoại và cuối cùng nhằm triệt để quét sạch bọn phản cách mạng.
2. Đối tượng trấn áp và địa bàn trọng điểm
Cần phải nhận rõ thế nào là phần tử phản cách mạng. Nói chung kẻ nào hoặc tổ chức nào căm thù cách mạng, hoạt động phá hoại sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội hay là hoạt động phá hoại chính quyền dân chủ nhân dân, hay là hoạt động chống lại sự nghiệp đấu tranh nhằm hoà bình thống nhất nước nhà thì đều coi là phản cách mạng.
Cụ thể, những phần tử sau đây đều coi là phần tử phản cách mạng hiện hành cần phải trừng trị:
a) những phần tử gián điệp hiện hành;
b) những phần tử phản động lợi dụng đạo Thiên chúa đang hoạt động chống lại chính quyền cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc;
c) những phần tử trước kia là tề nguỵ, phỉ, gián điệp, biệt kích hoặc đã từng tham gia các tổ chức phản động cũ, nay vẫn có thái độ ngoan cố, không chịu cải tạo và vẫn hoạt động chống lại chính quyền cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc;
d) những phần tử phản động ngoan cố không chịu cải tạo trong các giai cấp bóc lột cũ, đang hoạt động chống lại chính quyền cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc;
e) những phần tử khác căm thù cách mạng đang hoạt động phá hoại chống lại chính quyền cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc.
Mũi nhọn đấu tranh trong công tác trấn áp phản cách mạng phải nhằm chĩa trước hết vàobọn tay sai của Mỹ - Diệm. Trong khi trấn áp bọnhoạt động phá hoại lộ liễu phải rất chú trọng phát hiện và kiên quyết trừng trị bọn hoạt động bí mật, ẩn nấp lâu dài, điều tra tình báo và gây cơ sở bí mật ở miền Bắc.
Các cấp lãnh đạo ở trung ương, khu, thành, tỉnh phải nắm chặt chỉ đạo công tác đánh địch và bảo vệ nội bộ, trước hết đối với các địa bàn sau đây:
1. Các cơ quan đầu não ở trung ương, các cơ quan xí nghiệp quan trọng ở các cấp và lực lượng vũ trang thường trực.
2. Thủ đô và các thành phố quan trọng, các hải cảng và cửa khẩu.
3. Các khu vực quan trọng về quốc phòng, kinh tế, chính trị và các đường giao thông chiến lược.
3. Yêu cầu cụ thể của công tác trấn áp phản cách mạng trong hai năm 1962 - 1963
a) Hết năm 1962 sang nửa đầu năm 1963, bảo đảm làm cho các cơ quan đầu não, các cơ quan, xí nghiệp quan trọng, các đơn vị vũ trang thường trực được thuần khiết và được bảo vệ một cách nghiêm mật. Yêu cầu cụ thể đối với các nơi này là:
- Chế độ, nội quy bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài liệu được quy định cụ thể, đầy đủ và được chấp hành nghiêm ngặt.
- Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên được lựa chọn chặt chẽ, được phát động tư tưởng và có ý thức cảnh giác cao, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy.
- Đối với những phần tử hiềm nghi và các phần tử chống đối, phải điều chuyển đi nơi khác không quan trọng. Với một số người nếu vì điều kiện nào đó mà chưa điều chuyển được, thì phải tăng cường giáo dục, đồng thời khéo sử dụng, hạn chế hiểu biết về bí mật nhà nước và phải giám sát chặt chẽ.
- Bộ phận chuyên trách công tác bảo vệ được củng cố và tăng cường đúng mức.
- Chi bộ và thủ trưởng lãnh đạo chặt chẽ công tác bảo vệ nội bộ.
b) Cuối năm 1962, sang nửa năm 1963, bảo đảm làm cho tình hình trật tự, trị an ở Hà Nội, Hải Phòng và những khu vực quan trọng về quốc phòng, kinh tế, chính trị khác được ổn định thật sự.
Yêu cầu cụ thể đối với các nơi này là:
- Nắm vững tình hình địch, phát hiện kịp thời các phần tử có nghi vấn chính trị.
- Quần chúng được phát động, có ý thức cảnh giác cao, tích cực đấu tranh chống mọi hoạt động phá hoại của kẻ địch, tích cực tham gia cuộc vận động giữ gìn trật tự, trị an.
- Điều chuyển những phần tử hiềm nghi và các phần tử chống đối khác đi các nơi khác không quan trọng. Đối với một số tên, nếu vì điều kiện nào đó mà chưa điều chuyển được thì phải giám sát chặt chẽ.
- Đảng bộ lãnh đạo chặt chẽ công tác nắm tình hình địch và công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng.
c) Sau hai năm, căn bản quét được các lực lượng phản cách mạng bộc lộ và tương đối bộc lộ ở miền Bắc. Vì đấu tranh chống bọn phản cách mạng, nhất là chống bọn gián điệp, là một cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, cho nên không thể đặt yêu cầu tuyệt đối và không thể định mức thời gian một cách cứng nhắc. Nhưng căn cứ vào tình hình các lực lượng phản cách mạng hiện nay, cần đặt yêu cầu trong một thời gian nhất định quét xong được những bọn phản cách mạng đầu sỏ, cốt cán hoạt động bộc lộ và tương đối bộc lộ. Còn đối với bọn gián điệp ẩn nấp, hoạt động bí mật, lâu dài là những bọn nguy hiểm nhất đối với ta, thì cần tích cực đi sâu phát hiện để trừng trị kịp thời. Với những tên, vì điều kiện nào đó chưa quét được thì phải có kế hoạch giám sát chặt chẽ.
d) Bảo đảm loại trừ khả năng gây bạo loạn của kẻ địch. Bảo đảm ngăn chặn kịp thời và tiêu diệt nhanh chóng mọi âm mưu gây rối trật tự, gây bạo động, hoặc gây khiêu khích của địch bất kỳ ở đâu.
e) Bảo đảm căn bản nắm được tình hình địch ẩn nấp ở trong nội bộ và ở ngoài xã hội, nhất là ở những địa bàn trọng điểm kể trên. Vì đấu tranh chống gián điệp là một cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, cho nên việc nắm vững tình hình địch ẩn nấp cũng không thể đặt yêu cầu tuyệt đối, nhưng nhất định phải đạt tới mức nắm vững tình hình chính trị phức tạp và phát hiện kịp thời kẻ địch.
4. Phương châm công tác
Trong công tác đấu tranh chống phản cách mạng, chúng ta phải thấu suốt tinh thần "kiên quyết và thận trọng" trong phương châm "nâng cao cảnh giác, không để lọt một kẻ địch; đề phòng lệch lạc, không được làm oan một người ngay".
Vì đấu tranh chống phản cách mạng là một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, cho nên phải không ngừng nâng cao cảnh giác cho cán bộ và quần chúng, kiên quyết phát hiện và trừng trị mọi phần tử phản cách mạng, không để lọt một kẻ địch. Nhưng lại vì cuộc đấu tranh đó rất phức tạp, cho nên cần phải rất thận trọng và tỉnh táo, đề phòng lệch lạc trấn áp nhầm phải người vô tội. Trong quá trình lãnh đạo, tuỳ nơi và tuỳ lúc, phải luôn luôn chú ý đấu tranh thích đáng trên hai mặt: chống hữu (phê phán, khắc phục bệnh tê liệt cảnh giác, biểu hiện rụt rè, sợ rung động, v.v. ) và chống "tả" (phê phán, khắc phục thiên hướng bắt bừa bãi, mở diện đấu tranh quá rộng, v.v.).
5. Chính sách và sách lược
Chính sách căn bản của Đảng trong công tác trấn áp phản cách mạng là "trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo". Cụ thể tức là: "nghiêm trị bọn chủ mưu, thủ ác, khoan hồng với những kẻ bị ép buộc, lầm đường và những kẻ hối cải; giảm tội hoặc miễn tội cho kẻ lập công, thưởng cho kẻ lập công lớn".
Phải nắm vững yêu cầu chủ yếu của việc thực hiện chính sách là đánh cho đúng, đánh cho vững, đánh cho mạnh.
Trong khi tiến hành trừng trị những phần tử phản cách mạng đang hoạt động và tập trung giáo dục cải tạo những phần tử nguy hiểm, cần phải nhằm đạt mục đích là quét được bọn phản cách mạng đầu sỏ và cốt cán, để làm tê liệt hoạt động phá hoại của chúng. Việc trừng trị phải tiến hành kịp thời, để có tác dụng đánh xẹp khí thế của bọn phản cách mạng và nâng cao khí thế cách mạng của quần chúng. Việc tập trung giáo dục cải tạo những phần tử nguy hiểm phải làm theo từng đợt, nhanh, gọn và trước hết nhằm vào bọn nguy hiểm nhất.
Đối với những bọn can phạm bị giam trong trại giam và những bọn nguy hiểm đã bị tập trung, cần tăng cường công tác giáo dục về chính trị kết hợp với việc bắt buộc chúng phải lao động sản xuất, nhằm cải tạo phần lớn bọn chúng trở thành những người lao động lương thiện. Đối với bọn hết hạn tù, hoặc hết hạn bị tập trung và được tha về các địa phương, cũng cần tiếp tục giáo dục cải tạo và giúp đỡ cho chúng có nghề nghiệp lao động để sinh sống.
Trong khi tiến hành cải tạo những người trước kia là tề nguỵ, phỉ và những phần tử đã tham gia các tổ chức phản động cũ ở ngoài xã hội, cần nắm vững tinh thần "tích cực và kiên trì giáo dục cải tạo" để giáo dục họ trở thành những người lao động tốt. Cần thông qua các cuộc giải thích thời sự và chính sách của Đảng và Chính phủ mà giáo dục họ; không nên có thái độ mỉa mai, đả kích, gạt bỏ họ, đẩy họ trở lại bất mãn và gây thêm khó khăn cho ta. Chỉ đối với một số rất ít, qua nhiều lần giáo dục mà vẫn còn có những lời nói hoặc hành động chống đối và chưa đáng tội bắt, thì có thể dùng hình thức kiểm thảo trước quần chúng hoặc quản chế tại địa phương, nhưng diện này không nên rộng.
Đối với những người trong gia đình bọn phản cách mạng và gia đình những bọn bị tập trung, cần chú ý giáo dục chính sách cho họ, tranh thủ sự đồng tình của họ đối với các biện pháp của ta, và khuyên họ góp phần vào việc giáo dục kẻ phạm tội. Các cấp cần chú ý không nên có thái độ thành kiến, đả kích đối với họ. Đối với những người gặp nhiều khó khăn trong đời sống, địa phương cần chú ý giúp đỡ họ có điều kiện lao động sản xuất.
6. Đường lối công tác
Trong việc trấn áp phản cách mạng, phải thấu suốt đường lối công tác cơ bản là: "Đảng lãnh đạo, dựa vào quần chúng, kết hợp tính tích cực của quần chúng với công tác nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn". Phải thật sự động viên toàn Đảng, phải mạnh bạo và kiên quyết phát động quần chúng đứng dậy đấu tranh chống bọn phản cách mạng. Trong khi thực hành đường lối quần chúng, phải chú ý nắm vững lãnh đạo và phải kết hợp tính tích cực của quần chúng với công tác nghiệp vụ của các ngành chuyên môn. Trong công tác bảo vệ nội bộ phải thực hành đúng nguyên tắc: "Đảng lãnh đạo, thủ trưởng phụ trách, công an hướng dẫn về nghiệp vụ".
Phải thấu suốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo chặt chẽ. Các cấp uỷ phải định kỳ tập thể nghiên cứu tình hình địch, nghiên cứu công tác đánh địch và công tác bảo vệ trong phạm vi mình phụ trách và quyết định những công tác lớn phải tiến hành. Chi bộ phải lãnh đạo công tác này trong từng xã, từng khu phố, cũng như trong từng cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, v.v..
Các thủ trưởng các ngành các cấp, các ban, các đảng đoàn, có trách nhiệm thi hành các mặt công tác bảo vệ, đánh địch trong toàn ngành mình phụ trách và phải chịu trách nhiệm chính đối với cấp uỷ đảng và đối với cấp trên.
Công an là cơ quan giúp việc đắc lực cho cấp uỷ, có nhiệm vụ hướng dẫn các ngành, các cấp dưới về mặt nghiệp vụ.
Phải tăng cường và phối hợp chặt chẽ các công cụ chuyên chính. Cần có kế hoạch và nguyên tắc phối hợp tốt các lực lượng công an, quân đội và dân quân du kích, để bảo đảm ngăn chặn kịp thời và tiêu diệt nhanh chóng mọi cuộc bạo động, gây rối trị an, hoặc hành động khiêu khích của kẻ địch bất kể xảy ra ở đâu và lúc nào. Phải tăng cường các công cụ chuyên chính: công an, kiểm sát, toà án (về các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và phương tiện làm việc, v.v.), và các ngành này phải phối hợp chặt chẽ để phát huy đầy đủ chức năng chuyên chính mạnh mẽ đối với kẻ địch.
7. Hình thức vận động
Rút kinh nghiệm đấu tranh chống phản cách mạng trong mấy năm vừa qua, trong tình hình chính trị của nước ta hiện nay, không cần thiết phải mở một phong trào vận động quần chúng trấn áp phản cách mạng một cách rầm rộ cùng một thời gian trong toàn miền Bắc mà cuộc đấu tranh chống phản cách mạng ở miền Bắc sẽ tiến hành dưới nhiều hình thức linh hoạt, nhằm đạt được yêu cầu phát động mạnh mẽ khí thế cách mạng của quần chúng và đấu tranh kiên quyết chống mọi hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng.
Hiện nay,hình thức thích hợp nhất và phổ biến nhất ở khắp nơi là tiến hành tuyên truyền giáo dục sâu rộng về tinh thần yêu nước và ý thức cảnh giác cách mạng, để phát huy khí thế cách mạng của quần chúng, động viên quần chúng tích cực tham gia công tác đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ sản xuất, bảo vệ bí mật nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, thể lệ, nội quy đã ban hành. Trong nội bộcác cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội, thì gọi là cuộc vận động "bảo mật phòng gian", còn ở ngoài xã hội thì gọi là cuộc vận động "bảo vệ trị an", theo cách ta đã làm ở xã Yên Phong, huyện Yên mô, tỉnh Ninh Bình (đã nêu trong Chỉ thị số 13 ngày 1-3-1961 của Ban Bí thư).
- Đối với những nơi xảy ra nhiều hoạt động phá hoại của bọn phản động cách mạng, cần tập trung lực lượng, tập trung chỉ đạo, chọn đúng thời cơ, mở cuộc vận động quần chúng đấu tranh với bọn phản cách mạng, kết hợp với việc đẩy mạnh các mặt công tác khác ở địa phương.
- Phải thông qua phong trào bảo vệ trị an có tính chất quần chúng để thường xuyên tiến hành giáo dục cải tạo những người trước kia là tề nguỵ, phỉ, những phần tử đã tham gia các tổ chức phản động cũ và các cơ sở xã hội khác mà địch dễ dàng lợi dụng ở ngoài xã hội.
Trên cơ sở giác ngộ chính trị của cán bộ và quần chúng được nâng cao, khuyến khích cán bộ và quần chúng báo cáo riêng với công an hoặc với cán bộ lãnh đạo những trường hợp nghi vấn về chính trị. Đối với những tài liệu do quần chúng tố cáo thì các cơ quan lãnh đạokhông được vội vàng kết luận mà phải tiến hành xác minh một cách thận trọng để tìm rõ sự thực.
IV- Mấy công tác lớn
1. Phải quy định chức trách và có kế hoạch cụ thể đối với từng cấp để tiến hành điều tra, nghiên cứu, nắm vững tình hình địch và tình hình chính trị phức tạp của từng địa phương, của từng đơn vị, cơ quan, xí nghiệp.2. Khẩn trương tiến hành công tác tập trung cải tạo đối với các phần tử nguy hiểm. Bảo đảm duyệt đúng đối tượng, tiến hành tốt công tác giáo dục, cải tạo những phần tử bị tập trung và làm tốt công tác chính trị trong quần chúng và đối với gia đình họ, tránh gây thêm phức tạp.
3. Tích cực phát hiện, truy lùng và trừng trị kịp thời những bọn gián điệp được địch cài lại hoặc mới phái đến miền Bắc và những bọn phá hoại hiện hành khác.
4. Có kế hoạch cụ thể để tiến hành lần lượt trong từng khu vực trong từng huyện, tích cực đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an để phát huy mạnh mẽ khí thế cách mạng của quần chúng trong cuộc đấu tranh bảo vệ trật tự, trị an trong thôn, xã, chống mọi hoạt động phá hoại. Phổ biến rộng rãi kinh nghiệm xã Yên Phong, Ninh Bình.
Thông qua phong trào bảo vệ trị an mà tiến hành tốt công tác giáo dục cải tạo những người trước kia là tề nguỵ, phỉ và những phần tử đã tham gia các tổ chức phản động cũ ở ngoài xã hội.
5. Có kế hoạch từng bước thẩm tra nội bộ để hiểu kỹ lịch sử từng người cán bộ, nhân viên và thẩm tra kỹ vấn đề phát triển đảng viên mới (trước hết phải tiến hành thẩm tra ở các cơ quan đầu não và các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị vũ trang trọng yếu).
ở các cơ quan xí nghiệp, phải thường xuyên động viên giáo dục cán bộ và quần chúng nâng cao cảnh giác, giữ gìn bí mật nhà nước, bảo vệ sản xuất, phát hiện và tiến hành đấu tranh chống mọi hành vi phá hoại, xây dựng và bổ sung các chế độ, nội quy bảo vệ và đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành tốt các chế độ, nội quy đó, kiện toàn tổ chức bảo vệ của cơ quan, xí nghiệp.
6. Quy định rõ ràng những khu vực xung yếu về quốc phòng và những cơ quan, xí nghiệp quan trọng và có kế hoạch cụ thể lần lượt làm trong sạch những khu vực và cơ quan, xí nghiệp quan trọng đótheo những yêu cầu cụ thể nói trên.
7. Có kế hoạch sẵn sàng bảo đảm phối hợp nhanh chóng các lực lượng để ngăn chặn kịp thời, tiêu diệt nhanh chóng mọi âm mưu và hành động gây rối trật tự, bạo động, khiêu khích ở biên giới, giới tuyến để bảo đảm tốt trật tự, an ninh bất kể trong tình hình nào.
8. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, nâng cao tính cảnh giác cách mạng và ý thức giai cấp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lao động, làm cho mọi người đều đồng tình và tích cực tham gia công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng. Các ngành tuyên, văn, giáo, huấn phải thường xuyên giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tính cảnh giác cách mạng, lòng căm thù kẻ địch và đường lối, chính sách trấn áp phản cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
V- Tổ chức thực hiện nghị quyết
1. Các cấp uỷ đảng ở khu, thành, tỉnh, các ban, các đảng đoàn phải tổ
chức tập thể nghiên cứu để thấu suốt tinh thần nghị quyết này, liên hệ
với tình hình chính trị của địa phương hoặc ngành mình và đặt kế hoạch
toàn diện thi hành Nghị quyết này trong phạm vi phụ trách của mình.2. Ít nhất ba tháng một kỳ, các cấp uỷ phải kiểm điểm tình hình thực hiện công tác này, tổ chức kiểm tra thường xuyên tận cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh công tác với một tinh thần khẩn trương, vững vàng, và kịp thời uốn nắn những lệch lạc xảy ra.
3. Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm cùng với Đảng đoàn Bộ Công an, Ban Kiểm tra của Đảng, Đảng đoàn Ban Thanh tra Chính phủ, nghiên cứu và đề nghị với Ban Bí thư kế hoạch tiến hành thẩm tra chính trị nội bộ.
4. Ba tháng một kỳ, Đảng đoàn Bộ Công an có trách nhiệm nghiên cứu để nắm vững tình hình địch, theo dõi tình hình chấp hành nghị quyết này để báo cáo tổng hợp và đề nghị các vấn đề cần thiết lên Trung ương.
Vì vậy các cấp uỷ khu, thành, tỉnh, các ban, các đảng đoàn chung quanh Trung ương khi gửi báo cáo công tác thi hành Nghị quyết này lên Ban Bí thư, cần sao gửi một bản cho Đảng đoàn Bộ Công an theo dõi.
5. Đảng đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và đảng đoàn Toà án nhân dân tối cao cần theo dõi tình hình chấp hành Nghị quyết này trong phạm vi phụ trách của mình.
6. Cần tổ chức nghiên cứu toàn văn bản Nghị quyết này đến các huyện uỷ, thị uỷ, đảng uỷ các cơ quan ở trung ương và các cấp bộ tương đương. Sau khi nghiên cứu, các đơn vị phải có kế hoạch công tác cụ thể để chấp hành nghị quyết này trong phạm vi mình phụ trách.
Đối với chi bộ và đảng viên thì Đảng đoàn Bộ Công an cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương soạn một tài liệu để tổ chức học tập trong nội bộ.
*
* *
Đấu tranh chống phản cách mạng để bảo vệ thành quả cách mạng là một
vấn đề thuộc về nguyên tắc của chính quyền chuyên chính dân chủ nhân
dân, thực chất là chuyên chính vô sản. đó là một trong những quy luật
phổ biến của cách mạng xã hội chủ nghĩa và của công cuộc xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở bất cứ nước nào. Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng
đã tổng kết cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng trong những năm
trước đây, và đã đề ra đường lối, phương hướng chung chỉ đạo cho cuộc
đấu tranh trấn áp phản cách mạng từ nay về sau.* *
Trung ương tin rằng, được Nghị quyết của Đại hội lần thứ III của Đảng soi sáng và dựa vào nhiệt tình cách mạng của toàn thể cán bộ và nhân dân, nhất định chúng ta sẽ giành được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng để bảo vệ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và phục vụ tốt cho sự nghiệp đấu tranh nhằm hoà bình thống nhất nước nhà.
Nghị quyết này chỉ phổ biến đến huyện uỷ.
T/M Bộ Chính trị
Trường Chinh
http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/van-kien-dang-toan-tap/doc-5101520152500356.html