Câu chuyện anh hùng - Bài 2: “Tiểu Long nữ” thế kỷ 20
Có một nữ chiến sĩ biệt động người Việt gốc Hoa chuyên trà trộn trong
đám đông rồi bất ngờ rút súng “bắn tỉa”, ám sát hàng loạt sĩ quan Mỹ.
Cô được người Sài Gòn lúc đó trìu mến gọi bằng biệt danh “Tiểu Long nữ trên đường phố”.
Người nữ Hoa kiều đặc biệt này tên thật là Phùng Ngọc
Anh, hiện sống lặng lẽ cùng người cháu gái trong khu chung cư nghèo ở
quận 11, TP.HCM. Mỗi lần nhắc lại quá khứ, bà lại rưng rưng nước mắt nhớ
tới một thời hào hùng kháng chiến.
Trộm thư Cộng sản
Bà Ngọc Anh kể: “Tôi sinh ra ở huyện Gò Quao, tỉnh
Kiên Giang. Hồi nhỏ, đây là vùng sôi động của Việt Minh nên tôi bị ảnh
hưởng bởi các cô chú kháng chiến. Trong kháng chiến chống Pháp, vùng đất
này hứng nhiều bom đạn nên cả gia đình tôi phải lưu lạc lên Sài Gòn
sinh sống. Lúc bấy giờ có nhiều nữ sinh trung học như tôi quay trở lại
Trung Quốc làm lưu học sinh để tránh chiến tranh. Riêng tôi năm 1961
cũng được gia đình vận động nhưng tôi quyết định sang Hong Kong học tập.
Năm 1964, báo chí nước ngoài thường nhắc tới chiến tranh ở miền Nam
Việt Nam. Lúc đó tôi nghĩ Việt Nam đang hồ hởi chống Mỹ mà mình chạy
trốn như thế không đành nên gom góp tiền bạc để về Sài Gòn hoạt động”.
Lúc bấy giờ gia đình Ngọc Anh đang nuôi giấu một cán
bộ cách mạng có tên Tư Bình trong nhà. Vừa thấy Ngọc Anh, ông Tư Bình
hơi dè dặt vì cô trở về từ Hong Kong. Bên đó tự do muốn nói gì thì nói,
còn ở đây chỉ cần Ngọc Anh hé răng nửa lời thì không những nguy cho cán
bộ cách mạng mà còn ảnh hưởng tới cơ sở. Hiểu được tâm tư của người cán
bộ, Ngọc Anh không nói nhiều. Đêm đó, cô lẻn vào phòng và ăn cắp được
một mớ tài liệu, trong đó toàn là thư cảnh cáo các tên ác ôn có tiếng
của Sài Gòn. Cô lặng lẽ rời nhà trong đêm và mang tới các địa chỉ ghi
trong thư bỏ vào nhà họ. Thấy tài liệu bị mất, ông Tư Bình hoảng hồn.
Lúc bấy giờ Ngọc Anh mới phân trần: “Tui ăn cắp đồ của anh và tui không
làm bậy. Tui đi gửi họ rồi”.
Tấm ảnh “Tiểu Long nữ” Phùng Ngọc Anh sau khi bị
địch nhúng tay vào hóa chất do một nhà báo Mỹ chụp năm cô bị địch bắt
được cô sinh viên người Mỹ Molly gửi tặng sau hơn 40 năm. (Ảnh tư liệu)
Từ đó ông Tư Bình đã hướng dẫn và đào tạo Ngọc Anh
tham gia vào lực lượng võ trang do đồng chí Phùng Sinh phụ trách, chuyên
đi phát truyền đơn, theo dõi và vạch kế hoạch ám sát những tên ác ôn.
“Tiểu Long nữ” trên đường phố
Sau đó một năm thì bệnh tim của ông Phùng Sinh trở
nặng, cấp trên đặc cách cho ông được phép lui về tuyến sau hoạt động.
Toàn bộ trách nhiệm chỉ huy, đôn đốc anh em đội võ trang giao lại cho
Ngọc Anh lo liệu.
Bà Ngọc Anh kể lúc bấy giờ cấp trên giao cho đội một
khẩu súng colt Mỹ cùng 50 viên đạn do bà quản lý. Người Hoa buôn bán ở
Chợ Lớn được nhiều ưu đãi nên tiền bạc không thiếu, duy chỉ có súng đạn
là khan hiếm, còn quý giá hơn cả vàng nên bà quyết tâm phải sử dụng súng
có ích. Bà đề xuất với ông Tư Bình: “Đánh mấy tên ác ôn không sướng
tay, anh cho tụi tui chuyển sang bắn Mỹ đi…”.
Nói là làm, sau đó bà cùng đồng đội nữ xách súng đi
lùng giặc Mỹ. “Lúc bắn đâu biết chúng là ai, cứ thấy Mỹ là bắn thôi. Đến
hôm sau báo Tây đăng mới biết tụi này toàn là tướng tá, sĩ quan cấp cao
của Mỹ”.
Bà kể đội võ trang người Hoa do bà phụ trách phát
triển lên tới tám người, trong đó nhiều người (như Tiểu Yến, Thanh Hồng)
chiến đấu rất dũng cảm. “Để mừng Quốc khánh 2-9-1967, tôi đến rủ Tiểu
Yến: “Hai chị em mình đi lập công đi”. Tôi đưa cho Tiểu Yến thêm một
khẩu súng và một quả lựu đạn, bảo lận ở lưng quần rồi cả hai ra đường từ
lúc 2 giờ chiều cho tới 11 giờ đêm, giết tổng cộng năm tên Mỹ”.
Bà Ngọc Anh nói: “Đánh dễ lắm, cứ đi sau lưng cách nó
tầm 3 m, lấy nón che súng, cứ thế mà nhằm vào cái lưng vừa to vừa dài
của nó nhả hai phát đạn, kiểu gì cũng chết. Có lần tôi cùng Tiểu Yến ra
đường, thấy cái lưng thằng Mỹ to cao nhưng chưa thấy mặt, tôi chạy vọt
lên nhìn kỹ mặt rồi mới quay vòng ra sau và bắn”.
Bà Phùng Ngọc Anh (thứ hai từ phải) đứng cạnh cô sinh viên người Mỹ Molly trong lần gặp mặt tại Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ám sát đại tá Đài Loan
Tháng 9-1967, Mỹ tăng cường đưa mật vụ Đài Loan vào
những khu vực có người Hoa để nắm tình hình và điều tra cơ sở cách mạng.
Phong trào tiêu diệt lính Đài Loan được phát động rầm rộ. Khi đó bà
Ngọc Anh được giao nhiệm vụ ám sát tên Chung Tao, Đại tá đặc vụ trưởng
Đài Loan, ngay tại nhà hắn trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5 bây giờ.
Bà nhớ lại: “Sau nhiều ngày đêm theo dõi đường đi lối
về cũng như giờ giấc của tên đặc vụ, tôi thấy cứ 12 giờ trưa là tên này
đi xe ô tô Mỹ đậu trước hẻm và đi bộ vào. Một sáng cuối tháng 9, tôi
cùng Thanh Hồng đi Honda tới mai phục trước cổng nhà Chung Tao nhưng chờ
hoài không thấy. Đến hơn 12 giờ, một tiếng nổ lớn vang trời tại Đại sứ
quán Đài Loan. Tôi nói với Thanh Hồng chắc đội nào đánh đại sứ quán, có
khi tên Chung Tao chết ở đó rồi cũng nên.
Hai chị em chờ thêm chút nữa đến gần 1 giờ chiều, khi
đã quyết định ra về thì xe Chung Tao xuất hiện. Tên đại tá được hai
người lính đưa về, quần áo xộc xệch, xây xát. Chung Tao cùng hai người
lính đi bộ vào ngay trước mặt. Tôi nói Thanh Hồng nổ máy xe sẵn và đưa
súng lên bắn hai phát vào lưng Chung Tao ngay trước cổng. Chung Tao ngã
nhào, cặp táp của hắn rơi ra ngay sát chân tôi. Nhớ lời cấp trên nếu lấy
được cặp Chung Tao thì càng quý vì trong đó có nhiều tài liệu nên tôi
chạy lại tính cướp xong rồi chạy, nào ngờ Chung Tao chưa chết, dùng chân
đá đúng ngay khẩu súng của tôi khiến cướp cò, “pằng” thêm một phát vào
chân hắn. Súng rơi ra, hai tên lính bảo vệ chạy đến đánh vào đầu tôi đến
ngất xỉu”.
Chết hụt trong vụ thủ tiêu của địch
Ngọc Anh bị bắt và chịu những ngày dài tra tấn trong
Tổng nha Cảnh sát. Ngày 14-11-1968, Tòa án quân sự Mỹ đưa cô ra xét xử.
Trước khi tuyên đọc bản án, viên thẩm phán hỏi to: “Cô Phùng Ngọc Anh là
người Hoa kiều sống ở Chợ Lớn, chính quyền Việt Nam Cộng hòa luôn có
những chính sách ưu đãi đặc biết đối với người Hoa. Vậy tại sao cô lại
đi làm Việt cộng chống đối chính quyền, phá rối trị an?”.
Trước sự chứng kiến của đông đảo quan chức Mỹ, Ngọc
Anh trả lời dõng dạc: “Tôi là người Hoa kiều nhưng sinh ra tại Việt Nam,
ăn cơm gạo Việt Nam mà lớn lên. Nay đất nước Việt Nam bị Mỹ xâm lược,
tôi có nghĩa vụ cùng nhân dân Việt Nam đứng lên chống Mỹ”.
Sau khi chiến dịch Mậu Thân nổ ra, đêm mùng hai tết,
địch đưa Ngọc Anh cùng anh Trần Văn Kiểu, chị Lê Thị Riêng và một số
người khác lên một chiếc xe chạy từ Tổng nha Cảnh sát ra Chợ Lớn. Trên
đường đi, toán lính thủ tiêu toàn bộ số người trên xe bằng cách xả súng
từ phía sau như một cái cớ bị Việt cộng phục kích trên đường. Toàn bộ tù
nhân trên xe đều hy sinh, duy chỉ có Ngọc Anh sống sót, bị một viên đạn
găm vào đùi ngất xỉu, lúc tỉnh dậy Ngọc Anh thấy chị Lê Thị Riêng nằm
đè lên che đạn thay mình. Cô chỉ kịp với lấy cây kẹp tóc trên đầu chị Lê
Thị Riêng làm kỷ niệm…
Địch chạy xe đến nhà xác của nhà thương Chợ Quán,
Ngọc Anh được một bác sĩ phát hiện còn sống nên đưa tới nhà thương tù.
Đến cuối năm 1969, Ngọc Anh bị đày ra Côn Đảo. Năm 1974, bà được trao
trả tự do.
▲▲▲
Khoảng năm 2000 có người đã gửi đề nghị phong danh
hiệu anh hùng cho “Tiểu Long nữ” Phùng Ngọc Anh. Bà cười khi kể lại
chuyện này và nói: “Anh hùng đâu phải dễ, đến ông Tư Chu, Chỉ huy trưởng
lực lượng Biệt động Sài Gòn, mà đến trước lúc chết ba tháng mới nhận
danh hiệu anh hùng huống hồ gì tôi. Công lao nhỏ bé, văn hóa, chính trị
tôi không bằng ai. Anh hùng ở trong tim thôi. Khi đất nước bị xâm lược
là biết đứng lên, quên mình chống giặc. Tôi chỉ mong được cái huân huy
chương gì đó để khi chết có cái để thờ...”.
Tấm ảnh đi trọn vòng Trái đất
Những năm tháng bị
tù đày, Ngọc Anh bị địch nhúng đôi bàn tay vào một loại hóa chất để kiểm
tra các loại vũ khí đã qua bàn tay cô. Kết quả là đôi bàn tay của “Tiểu
Long nữ” cháy xèo xèo đau đớn.
Bức ảnh chụp bàn tay
cô được một nhà báo Mỹ chụp lại sau đó một năm và đưa về trưng bày
trong kho lưu trữ dữ liệu chiến tranh Mỹ.
Gần 40 năm sau, một
sinh viên Mỹ có tên Molly thực hiện đề tài “Truyền thống người phụ nữ
Việt Nam” đã phát hiện ra tấm ảnh. Cô sinh viên này đã mang tấm ảnh ấy
làm một hành trình nửa vòng Trái đất để lần tìm địa chỉ và gửi tặng cho
bà Ngọc Anh.
|
HÀN GIANG - THÚY HẰNG - PHAN DUNG
(https://plo.vn/plo/cau-chuyen-anh-hung-bai-2-tieu-long-nu-the-ky-20-374811.html)