Saturday, 20 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Nhật đảo chính Pháp (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 14

 

NHẬT ĐẢO CHÍNH PHÁP.

          T ối hôm đó là 9-3-1945, trong lúc bọn chúng tôi đang cùng nhau ngồi chơi bài tam cúc, thì một loạt súng lớn nổ ầm vang, kèm theo những tiếng nổ lẹt đẹt của súng nhỏ, từ bên kia sông Hồng, phía thành phố Namđịnh. Mọi người đều ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì. Mãi đến sáng ngày hôm sau, có người ở bên Namđịnh sang cho biết, đó là tiếng súng của quân đội Nhật đảo chính lính Pháp. Rồi trưa ngày hôm đó, người ta thấy một anh Tây cao lớn, mắt xanh mũi lõ, hớt hải chạy từ bờ sông vào làng Hội Kê, về phía nhà tôi, mặt mũi nhớn nhác, ra hiệu xin cho được tạm thời ẩn náu. Anh Tây này mặc quân phục, đeo lon đại úy. Chúng tôi ở đó không ai nói được tiếng Pháp, nên chẳng ai hiểu được anh ta muốn gì. Sau đó chúng tôi dẫn anh ta vào nhà trong – chỗ cha tôi ở - vì ông đang là Tiên Chỉ của làng và lại nói được tiếng Pháp. Anh ta ngỏ ý muốn được tạm thời ẩn tránh vì đang còn đánh nhau, chưa ngã ngũ hẳn. Rồi sau nếu cần, anh sẽ ra trình diện quân đội Nhật. Trong lúc ngồi nói chuyện với cha tôi, tôi thấy anh ta lấy ra từ trong túi áo một bọc thuốc lá Bát-tô (Bastos), loại để hút ống vố, vo tròn một búi tổ bố, lớn bằng trái táo ta, bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến rồi nuốt một cách ngon lành. Thì ra anh ta nghiện thuốc lá rất nặng, phải nhai nuốt thuốc để thay cho hút. Cha tôi cho tuần mời lý trưởng làng (ông Lý Tỉnh) tới và giao người Tây này cho lý trưởng xử lý. Ông Tỉnh lại cho người gọi trương tuần là Trương Chỉ tới để đưa người Pháp này đi giữ an ninh ở một chỗ nào đó. Sau mấy ngày, tôi thấy anh Tây này lại trở sang Namđịnh, có lẽ để trình diện quân đội Nhật, và sau đó hình như được đưa lên Hànội và được trở về Pháp an roàn. Từ đấy cũng chẳng còn ai lưu tâm đến vấn đề này nữa.

          Sau ngày quân đội phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương, xóa bỏ nền bảo hộ của Pháp ở đây và trao trả quyền tự trị cho ngưởi Việt Nam, vua Bảo Đại cho vời Cụ Trần Trọng Kim ra làm Thủ tướng, lập chình phủ mới của nước Việt Nam tự trị. Thế là chính phủ Trần Trọng Kim ra đời. Cụ Trần Trọng Kim vốn là một nhà giáo và là một học giả uyên bác, tác giả nhiều bộ sách rất giá trị như Việt Nam Sử Lược, Nho Giáo, Phật Học, Văn Phạm Việt Nam (chung với Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm), Truyện Kiều (chung với Bùi Kỷ), và nhiều sách khác nữa như bộ sách Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư dùng cho bậc Tiểu học thời Pháp thuộc trên toàn cõi Việt Nam. Những ai đã đi học hồi nhỏ thời Pháp hẳn chưa quên.

          Tôi không nhớ hết những thành viên trong chính phủ của Cụ, chỉ còn nhớ hai nhân vật nổi danh nhất là học giả Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Cụ Hoàng Xuân Hãn là người đã có công đóng góp lớn cho nền giáo dục Việt Nam, qua quyển Danh Từ Khoa Học, một công trình dịch thuật những thuật ngữ Khoa học và Kỹ thuật từ tiếng Pháp sang tiếng Việt lần đầu tiên, để giảng dạy trong chương trình Việt được bắt đầu từ ngày ấy.

          Ngày nay, những từ Việt mà chúng ta đang sử dụng đây, chính là những từ mà chúng ta đang được thừa hưởng từ công trình của Cụ ngày đó.

          Luật sư Phan Anh cũng là người đã có công gây nên được một Phong trào Thanh niên yêu nước thời đó. Phải nói rằng Phong rào Thanh niên xã Quần Hiền chưa bao giờ sôi nổi như vậy.

Friday, 19 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Một thoáng quê hương xưa (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 13

 

MỘT KỶ NIỆM KHÓ QUÊN.

          Thời gian này, tuy là vào nhà trong ở với cha tôi, nhưng tương đối tôi vẫn được tự do : lúc ở nhà trong, khi ở nhà ngoài tùy thích. Có ngày tôi đã đi về như con thoi giữa hai nhà trong và nhà ngoài (nhà trong là nhà ở trong giữa làng, còn nhà ngoài là nhà phía bên ngoài, sát bờ sông). Những lúc mà tôi thích du hý, thì tôi ra nhà ngoài để chơi tam cúc với chị tôi (cô Ngọc) và mấy đứa nhỏ cùng xóm nữa. Có khi ngủ lại đêm ở nhà ngoài để còn ra ngồi ngắm tàu, thuyền chạy trên sông. Hồi đó, dầu hôi rất hiếm và rất đắt. Người ta phải nghĩ ra cách dùng những cây que bằng nhựa trám, trộn lẫn mạt cưa để làm thành cây hương (cây nhang) đốt thay đèn. Những que trám này cũng cháy thành lửa tạm đủ sáng, nhưng chóng tàn và tỏa ra rất nhiều khói đen, đến nỗi ngồi gần một lúc, thò ngón tay vào ngoáy mũi thì ngón tay đã đen xì.

          Nói đến tam cúc, tôi lại nhớ đến một kỷ niệm khó quên giữa bà chị lớn của tôi (cô Báu) và thằng nhóc em là tôi hồi đó. Bà chị tôi đã dạy tôi cách chơi bài tam cúc và sắm riêng cho tôi một bộ bài. Khi tôi đã đủ bản lãnh để chơi bài, bà cho tôi cùng đánh tay đôi để luyện ngón nghề. Bộ bài Tam Cúc có 32 lá, giống hệt như 32 quân cờ tướng, gồm có TướngTượngXePháoTốt. Cả bộ bài có hai phần, phần màu đỏ và phần màu đen. Thứ tự cao thấp trong bài như sau : Tướng trên Sĩ, Sĩ trên Tượng, Tượng trên Xe … và cứ thế cho đến quân cuối có tên là Tốt. Nếu quân Tốt này lại có màu đen thì sẽ là quân bài TỐT ĐEN có giá trị thấp nhất. Vì vậy nên trong ngôn ngữ Việt Nam mới có từ TỐT ĐEN để nói một cách miệt thị là hạng người ít có giá trị hơn cả. Thí dụ như nói : « Hắn ta chỉ là tên TỐT ĐEN thôi » là vậy. Bài Tam Cúc, người ta còn gọi đùa là Bài Tam Tức vì lối chơi bài này dễ làm cho người ta nổi giận hay « tức mình » lắm. Còn cái kỷ niệm khó quên vừa nói ở trên là kỷ niệm thế nào ?

          Chuyện như sau đây : Hồi đó bà Báu và tôi chơi tam cúc tay đôi. Như ta đã biết, bộ bài tam cúc có 32 lá, nếu chơi tay đôi chia làm hai phần, mỗi phần 16 lá. Như vậy, giữa hai người chơi bài, người nào cũng biết bài của đối phương có những lá bài gì ? Bài của tôi ván đó rất đẹp, gồm toàn những lá bài có giá trị cao và hợp thành những bộ đôi, bộ ba rất đắc lực, hầu như tôi đã cầm chắc phần thắng trong tay. Bà Báu đã áp dụng cách chơi « phá trận » và lợi dụng thế chủ động (được làm nhà cái để đưa ra lệnh gọi xuất bài) làm cho bài của tôi bị xé nát, rơi vào thế tan rã, chì còn « chui và chui », kết cục là hoàn toàn thất bại nặng nề. Bà Báu ra vẻ vui thích làm tôi bị chọc tức đến cực điểm, và thế là tôi đã « Tạc zăng nổi giận », không còn kìm hãm được nữa, chồm lên cắn vào cổ bà một phát khá đau, rất may là chưa đến nỗi thành thương tích về sau. Sau khi đã nư, thỏa đuợc nỗi tấm tức, tôi lặng lẽ bỏ đi chỗ khác và bắt đầu cảm thấy ân hận là đã làm một việc cực kỳ lố bịch, rồi âm thầm rút lui ra nhà ngoài (cũng là nhà tôi, nhưng ở phía ngoài bến sông) để tị nạn.  Kế đó, cha tôi cho tìm gọi tôi đến để kể lại chuyện này ông nghe. Tôi đã tỏ ra thành khẩn, hối hận, và xin được tha thứ. Cha tôi đã chỉ quở mắng qua loa và bắt tôi phải xin lỗi chị tôi. Bà Báu cũng như tôi đều đã hoan hỉ làm việc này. Kết quả là, ngay hôm đó, mọi việc giữa chị tôi và tôi lại trở lại bình thường như trước. Nhưng có một điều còn lại, là sự ân hận của tôi vẫn chưa hết, thật là một kỷ niệm khó quên !

Thursday, 18 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Một thoáng quê hương xưa (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 12

 

MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG XƯA.

Từ ngày Cụ Nguyễn Hữu Hân làm Chánh tổng Thượng Hộ, có xảy ra những việc sau đây :

1.- Hồi đó, tổng Thượng Hộ có nhiều việc công ích cần làm, nhưng ngân sách của tổng lại không có. Cụ Nguyễn Hữu Hân là người đứng đầu, có trách nhiệm trong việc này. Cụ đã nghĩ ra kế để kiếm tiền cho tổng bằng cách bán quan chức trong tổng cho những ai muốn mua, để làm ngân sách cho tổng. Đầu tiên, Cụ đã khuyến khích ông em út trong nhà lả Cụ Nguyễn Hữu Lục ghi danh mua chức Tổng Hàm (có danh là Chánh Tổng), và sau đó được dân làng gọi là Cụ Tổng Lục. Kế đến là ông Trưởng nam của Cụ là ông Nguyễn Hữu Hưởng, sau đó cũng có tên là ông Tổng Hưởng, rồi đến ông con rể lớn của Cụ, người làng Gia Lạc, là ông Bùi Song Kiểm hay Bùi Đan Quế, sau đó gọi là ông Tổng Quế Gia Lạc, và rồi đến ông con rể thứ hai của Cụ là ông Nguyễn Hữu Thứ, làng Phú Hậu, sau đó tất nhiên cũng được gọi là ông Tổng Thứ. Như vậy, sau việc này, tự nhiên tổng Thượng Hộ có thêm ra bốn ông Chánh tổng. Những ông Tổng này, thực ra chỉ là Tổng Hàm, nghĩa là chỉ có tên gọi là Tổng, chứ không hề giữ chức vụ của một ông Chánh tổng ngày nào. Tuy không làm công việc của Chánh tổng, nhưng thế giá của các vị này cũng nhờ đó mà gia tăng. Cũng cần nên lưu ý, là về sau có những vị trong các vị này ra làm việc thực sự ở trong làng, như là Chánh Hương hội, một chức vị đứng đầu Hội đồng Hương chính của làng, thì lại gọi là ông Chánh mà không gọi là ông Tổng nữa, như trường hợp của hai ông Chánh Hưởng và Chánh Quế, mà không nghe thấy gọi là Tổng Hưởng và Tổng Quế nữa. Có nhiều người không hiểu, khi thì gọi thế này, khi thì gọi thế khác, chẳng biết tại sao ? Chánh Hương hội là chức vị ngang với Lý trưởng trong làng, cũng như ông Chủ tịch Quốc hội có ngang chức vị với Tổng thống hay Chủ tịch nước.

          2/ Trong khi Cụ Nguyễn Hữu Hân đang là đương kim Chánh Tổng tổng Thượng Hộ, thì người em kế Cụ là Cụ Nguyễn Hữu Hiên ở Hội Kê, lúc đó cũng đã được triều đình Huế ban cho tước hiệu Bát phẩm văn giai, cùng lúc với một người nữa ở làng Gia Lạc là Cụ Bùi Ngọc Quỹ (nội tổ của ông Bùi Đình Hòe Gia Lạc), nên dân làng gọi là Cụ Bát Gia Lạc và Cụ Bát Hội Kê, vì cả vùng này chỉ có hai cụ Bát mà thôi. Cụ Bát Hội Kê, lúc đầu cùng với anh mình là Cụ Nguyễn Hữu Hân đều là môn sinh của Cụ Bát Gia Lạc một thời (thời Hán học), nhưng sau này cả hai cụ đều là “thông gia” với thày học cũ. Ông Bùi Song Kiểm (tức ông Tổng Quế), con trai thứ hai của cụ Bùi Ngọc Quỹ, và con trai thứ ba của cụ Bùi Ngọc Quỹ là ông Bùi Kim Bảng (ông Lý Bảng), đều là rể của Cụ Nguyễn Hữu Hân. Sau cùng, ông Bùi Vân Thê, con trai thứ tư của Cụ Bát Gia Lạc (ông Chánh Thê  hay Chánh Tư) cũng là con rể của Cụ Bát Hội Kê.

          3/ Khi Cụ Nguyễn Hữu Hân làm Chánh tổng Thượng Hộ thì Cụ Nguyễn Hữu Hiên – em trai Cụ - làm Tiên Chỉ làng Hội Kê. Làng Hội Kê, như trên ta đã biết, là một bãi đất tân bồi tiếp giáp với Ma-Kê-Xứ của làng Gia Lạc. Hằng năm, cứ đến mùa nước lũ sông Hồng, thì nhà cửa, ruộng nương trong làng đều chìm dưới biển nước mênh mông. Để tránh việc ngập lụt này, làng Hội Kê đã phải nghĩ đến việc đắp đê, nhưng là đê tư của làng, cùa địa phương mà không phải là quan đê của nhà nước. Sau khi đắp xong đê, một con đê khá dài đến mấy cây số, vì làng Hội Kê rất rộng, ngân quỹ của làng Hội Kê bỏ ra để đắp đê bị thiếu hụt trầm trọng. Thế là các nhà chức trách trong làng phải tìm ra cách bù đắp lại sự thiếu hụt này. Cụ Nguyễn Hữu Hiên bèn nghĩ ra cách trồng nhãn trên con đê vừa đắp xong. Cụ cho người sang tận Hưng Yên để đặt mua cây nhãn con bên đó về trồng, vì Hưng Yên là địa phương nổi tiếng về nhãn lồng đã được dùng làm nhãn tiến (để tiến vua). Thế là sau đó mấy năm, suốt trên dải đê làng Hội Kê, cứ cách một quãng ngắn lại có một cây nhãn, cành lá xum xuê, đến mùa có quả là trái nhãn nặng trĩu từng chùm trên cây. Đám nhãn này đã mang lại cho làng Hội Kê một nguồn lợi khá lớn. Cũng vì lý do này, mà từ đấy sinh ra một bọn hái trộm nhãn của làng. Cụ Bát Hiên phải lập ra một lệ rất khắt khe, kẻ nào bị bắt hái trộm nhãn của làng là bị phạt đánh đòn rất đau, nhẹ ra cũng phải phạt tiền rất lớn. Một hôm, bà Lý Biền, lúc đó chồng bà – ông Nguyễn Hữu Biền – chưa làm Chánh tổng, mới chỉ là Lý trưởng làng Hội Kê, đi thăm đồng trên đê, qua chỗ cây nhãn sai trĩu quả, đang trưa nóng bức, ghé vào hái một chùm để giải khát, bị tuần làng bắt được quả tang, đem về trình cụ Tiên chỉ. Cụ Bát đã buộc bà Biền (con dâu của Cụ) phải phạt vạ, nộp khoán và buộc phải giết lợn làm một bữa ăn thịnh soạn, mời tất cả các chức sắc trong làng đến dự, để xin lỗi và hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Việc này thực ra đã có sự sắp đặt từ trước. Tuy nhiên cũng vẫn làm xôn xao dư luận trong vùng một thời gian, và kết quả là việc an ninh trật tự trong làng và trong vùng lân cận đã trở nên sáng sủa, ổn định hơn trước.

          Trên đây là những chuyện của người lớn trong quá khứ ở quê cũ của tôi năm xưa. Bây giờ xin kể thêm môt chuyện thật là trẻ con của chúng tôi cũng vào thời điểm đó. Đấy là câu chuyện tang lễ con Sáo Đen của chị em chúng tôi. Tôi có hai bà chị gái, chị lớn là Cô Nguyễn thị Báu và chị thứ hai là Cô Nguyễn thị Ngọc. Cô Báu sau này chính là Bà Phạm Bá Lợi, nàng dâu của gia đình ông Hàn Hòa nói trong chuyện VINH QUY BÁI TỔ của ông NGHÈ THĂNG ở Bách Tính, Thái Bình đã nói ở trên.   

          Chuyện “Tang lễ con Sáo Đen” của chị em chúng tôi (bà Ngọc và tôi) như sau :

          Không biết ai đã đem con sáo đen cho chị em chúng tôi ngày đó. Tôi chỉ còn nhớ rằng chị em chúng tôi đã vô cùng thích thú con sáo đen ấy, và đã kiếm được một chiếc lồng thật đẹp, nan tre sơn vec-ni bóng loáng. Muốn nuôi con sáo này, nhất là để cho nó tập nói, người ta bảo chúng tôi phải lấy giấy báo dán kín chung quanh lồng, mua hai chiếc gương nhỏ để bên trong cho sáo soi gương tập nói. Hằng ngày, mỗi ngày mấy lần,  chị em tôi đều ra thăm xem sáo đã bắt đầu tập nói chưa ? Con sáo cũng có vẻ mến chúng tôi lắm. Mỗi lần chúng tôi đến ngồi coi bên lồng là nó tung tăng, nhảy nhót rối rít, ra vẻ khoái chá vô cùng. Nó ở trong lồng được mười ngày, bỗng nhiên một hôm nó bỏ ăn, rồi lăn ra chết. Thật là chuyện oái oăm ghê gớm, một tai họa lớn lao đến với chị em tôi, không khác gì như một người thân trong gia đình bỗng nhiên mất đi một cách đột ngột. Chúng tôi buồn đến thẫn thờ cả người, quên ăn, mất ngủ. Chị em tôi đã quyết định tổ chức tang lễ cho con sáo một cách long trọng để tỏ lòng thương tiếc. Một vỏ hộp bích-quy LU hình chữ nhật bằng thiếc của Pháp rất đẹp mà chúng tôi đã cất giữ từ lâu, được đem ra để làm quan tài cho sáo. Thi hài sáo cũng được khâm liệm đàng hoàng với những miếng vải vụn trắng mới toanh, xin được của ông Phó Sính, một thợ may thân thiết với gia đình tôi. Lúc khâm liệm cũng có kèn Tàu, cuộn bằng lá chuối và vòng hoa tươi của đám trẻ hàng xóm là Vàng, Hợi (con ông Tròn), và cô Xuân (con ông Trân) mang đến phúng điếu, chỉ thiếu có trống thôi. Cũng có điếu văn đàng hoàng, do tôi đọc : « Em sáo ơi ! Sao em nỡ bỏ chị, bỏ anh mà ra đi sớm thế ! Anh chị chưa kịp nghe em nói lời nào !  Chưa có lời từ biệt nào với anh chị và mọi người chung quanh ! Nhưng thôi, nghĩa tử là nghĩa tận. Sự thương nhớ em sáo biết thuở nào nguôi, thật không lời nào tả xiết v. v … và v. v … ». Chị tôi và các bạn hàng xóm của tôi cũng rất cảm động, bùi ngùi, suýt nữa tôi cũng không cầm được nước mắt. Lỗ huyệt an táng cho sáo cũng được đào theo lối tam cấp, nghĩa là có ba bậc rồi mới đến chỗ đặt quan tài. An táng xong, chúng tôi đắp mộ cẩn thận, có đặt một thánh giá trên đầu cùng với một số hoa tươi, rồi ngày hôm sau, cũng ra viếng mộ và cầu nguyện. Chẳng biết phách hồn của sáo có được siêu sinh tịnh độ, hay linh hồn sáo có được bay về thiên đàng hay không, nhưng sau đó ít hôm, chị em chúng tôi cũng nguôi ngoai dần. Gia lúc đó thì « ông già » của tôi ở nhà trong (nhà tôi có hai nhà, một nhà ở trong làng và một nhà ngoài bến sông) có lệnh phong tôi làm  cận vệ điếu đóm, thế là tôi vào nhà trong bắt đầu một cuộc sống mới với sách vở và với cha tôi như đã nói ở trên.