Friday, 15 February 2019

Sáng sao hay là tối đèn?


Trận Vạn Tường (năm 1965) của người Việt là cuộc hành quân Starlite của Mỹ.

Sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước tập 4 (Viện Lịch Sử Quân Sự, 2013:52) viết:
Sau chiến thắng Ba Gia lần thứ nhất (5-1965), Trung đoàn 1 chủ lực Quân khu 5 về đóng tại Vạn Tường để củng cố, huấn luyện, chuẩn bị cho hoạt động Thu – Đông. Phát hiện được đơn vị ta ở cách Chu Lai 17 km về phía đông nam, Oétmolen  ra lệnh cho lính thủy đánh bộ mở cuộc hành quân mang tên Ánh sáng sao (Starlite) đánh vào Vạn Tường nhằm tiêu diệt Trung đoàn 1 Quân giải phóng, gây uy thế cho quân Mỹ.

Tên gọi cuộc hành quân này vốn là Satellite nhưng vì mất điện, người thư ký gõ thành Starlite (https://www.marines.mil/Community-Relations/Commemorations/Operation-Starlite/). Về sau người ta chế được một loại vật liệu chịu được sức nóng đến một vạn độ C được đặt tên là Starlite (có người dịch là đá sao) nhưng cái tên này không có liên quan gì đến trận đánh ở Việt Nam năm 1965. Không ít tài liệu sửa lại tên cuộc hành quân thành Operation Starlight, rồi người Việt dịch thành Ánh Sáng Sao.

Nhận được tin báo của lực lượng trinh sát của Sư đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ, đóng quân ở vùng căn cứ Chu Lai, phát hiện có đơn vị chủ lực của ta (Trung đoàn 1 mang tên Ba Gia, đơn vị chủ lực của Liên khu 5) đóng quân tại Vạn Tường (xã Bình Thiện, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Oétmolen (Westmoreland) liền ra lệnh cho lính thuỷ đánh bộ mở cuộc hành quân mang tên Ánh sáng sao (Starlite) đánh vào Vạn Tường, nhằm tiêu diệt Trung đoàn 1 Quân giải phóng, gây uy thế cho quân Mỹ.
Nguyễn Ngọc Toán, “Chiến thắng Vạn Tường – Đòn phủ đầu quân viễn chinh Mỹ”, Quân Đội Nhân Dân, http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/70-nam-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-anh-hung/chien-thang-van-tuong-don-phu-dau-quan-vien-chinh-my-261537, 30/11/2014 11:17

Sunday, 10 February 2019

Đã (Nguyễn Vân Phổ - Ngữ Pháp Tiếng Việt: Ngữ Đoạn và Từ Loại, Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, 2018)


Đã

Đã là một tác tử tình thái đánh dấu ý nghĩa hiện thực hoặc tính có thật (có tác giả gọi là “đã xảy ra”) xét ở thời điểm quy chiếu của sự tình được miêu tả ở ngữ đoạn theo sau nó. Thông thường một câu “trần thuật khẳng định” sẽ diễn đạt sự tình hiện thực mà không cần đánh dấu, thậm chí cũng không cần viện đến vai trò của tình huống giao tiếp hoặc văn cảnh. Chẳng hạn, khi A nói với B một câu “đơn độc” “Anh Nam tặng hoa hồng cho cô Lan” thì nhân vật B chỉ có thể hiểu đó là một sự tình hiện thực (trước thời điểm phát ngôn) chứ không có cách hiểu nào khác. Nếu thực cách của sự tình được đánh dấu bằng đã (“Anh Nam đã tặng hoa hồng cho cô Lan”) thì bao giờ cũng kèm theo một tình thái riêng, có thể được nhìn nhận trong sự đối lập với chưa/không với hàm ý “trước đây thì chưa/không” (có lẽ không có người bản ngữ nào cho rằng sự tình này thuộc về “quá khứ”, nghĩa là đã kết thúc, đã chấm dứt, không liên quan gì đến hiện tại)([1]). Như vậy, câu “Nam đã ăn sáng”, có thể hiểu là “Nam có ăn sáng” (trước thời điểm nói), với hàm ý rằng “Bây giờ Nam đang no”, “Bây giờ Nam không muốn đi ăn sáng nữa”, v.v.; với câu “Nam đã sống ở Nhật hai năm” hiểu là “Nam có sống ở Nhật hai năm” (trước đây) có thể có hàm ý “Thời gian hai năm ở Nhật của Nam đã qua, bây giờ Nam quay về”, “Thời gian hai năm ở Nhật của Nam đã qua, Nam chỉ còn một năm nữa”, “Nam có biết về nước Nhật”, v.v. và v.v..

Ý nghĩa tình thái hiện thực của đã thể hiện rõ nhất là ở các sự tình trạng thái; so sánh: “Nó khỏe” – “Nó đã khỏe”, “Cô ấy có chồng” – “Cô ấy đã có chồng”, “Bố tôi già” – “Bố tôi đã già”, v.v.. Tất cả cho biết một trạng thái bắt đầu từ trước thời điểm nói và vẫn hiện tồn, kèm theo tiền giả định rằng trước đây chưa/không có trạng thái đó. Cao Xuân Hạo đã chỉ ra rằng với những vị từ trạng thái ở hai cực tạo thành một quá trình tự nhiên một chiều thì đã bao giờ cũng đi với vị từ bên phải: nhỏ-lớn, trẻ-già, sống-chín, còn-hết, sớm-muộn, v.v. (CX Hạo 1999: 487): *đã nhỏ – đã lớn, *đã trẻ – đã già, *đã còn – đã hết, v.v., dĩ nhiên có thể không đúng trong một thế giới khác.

Điều vừa nói trên giải thích tại sao đã liên quan đến “quá khứ” có thể xuất hiện trong các phát ngôn biểu hiện sự tình hiện tại (ngay tại thời điểm nói) hoặc tương lai([2]), chẳng hạn:

(1)   a. Ồ, cảm ơn chị. Tôi đã hiểu. (// Trước đây chưa hiểu)

b. Bây giờ đã khuya, mọi người đã ra về.

c. Một tiếng nữa thì chị đã làm xong việc.

d. Cuối năm sau anh đã nghỉ hưu.

e. Chúng ta sẽ có tiền khi họ đã nhận được hàng.

Có thể định nghĩa, đã là một tác tử tình thái miêu tả một sự tình hiện thực ở trước thời điểm quy chiếu (thời điểm được chọn làm mốc hoặc thời điểm nói) nhưng có liên quan hoặc để lại kết quả ở thời điểm quy chiếu.

Với tư cách là vị từ tình thái, đã có thể rời khỏi vị trí điển hình của nó (trước vị từ ngôn liệu) để chuyển ra sau thuyết hóa một ngữ đoạn danh từ (cấu trúc [số từ + danh ngữ]) hoặc một ngữ đoạn vị từ bổ ngữ. Ví dụ:

(2)   a. Nam về Sài Gòn đã ba ngày. (// Nam đã về Sài Gòn ba ngày.)
b. Nam làm việc đó đã xong. (// Nam đã làm việc đó xong.) 


[1] Câu “Anh Nam tặng hoa hồng cho cô Lan” được dùng để đưa ra một thông tin không cần điều kiện tiên quyết; trong khi đó “Anh Nam đã tặng hoa hồng cho cô Lan” phải có điều kiện, chẳng hạn người nói biết “Nam yêu Lan mà chưa dám tỏ tình” hoặc “Nam tỏ tình với Lan rồi, anh Hà đã chậm chân”, v.v..
[2] Đây là trường hợp thường được giải thích là “quá khứ tương đối”, nghĩa là “quá khứ” khi quy chiếu một thời điểm không phải là thời điểm phát ngôn.

Friday, 25 January 2019

Hải quân viễn chinh là thứ lính gì?




Phiên hiệu của đơn vị lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 8 tháng 3 năm 1965 là 9th Marine Expeditionary Brigade. Sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước tập 4 (Viện Lịch Sử Quân Sự, 2013:16) viết:

Ngày 8-3-1965, hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ số 1 và số 3 thuộc lữ đoàn Hải quân Viễn chinh số 9 đổ bộ vào Đà Nẵng.

Thủy quân lục chiến và hải quân là hai trong số bốn quân chủng riêng biệt của Mỹ thời đó. Các nhà sử học quân sự Việt Nam nhầm Marine của Mỹ (thủy quân lục chiến) với Marine của Pháp (hải quân). Hải quân Mỹ là Navy.