Thursday, 21 April 2022

Ai dám đứng chung với Trotsky?

Trốt-xki và Xta-lin hục hặc với nhau từ thời nội chiến sau Cách Mạng Tháng Mười. Sau khi Lê-nin mất (1924), Trốt-xki thất thế dần rồi bị Xta-lin đuổi ra khỏi Đảng năm 1927.

Ở Pháp, Thư Điếm Lao Động (Librarie du Travail – viết tắt là LdT) không theo Xta-lin (Đệ Tam Quốc Tế) mà theo Trốt-xki (Đệ Tứ Quốc Tế). Năm 1935 LdT còn dám in quyển La bureaucratie stalinienne et l’assassinat de Kirov của Trốt-xki tố cáo tệ nạn quan liêu của triều đại Xta-lin và vụ ám sát Ki-rốp.

LdT ra được khoảng 150 đầu sách từ năm 1918 đến 1939. Tôi không có danh sách xuất bản phẩm của Ldt trong ba năm hoạt động cuối cùng nhưng trong số 128 ấn phẩm của LdT trong giai đoạn 1918-1936 có ba tựa của Lê-nin, tám tựa của Trốt-xki và không có tựa nào của Xta-lin. Riêng năm 1926, đang lúc rất khó sống với Xta-lin ở Nga, Trốt-xki vẫn có sách in ở LdT. Cũng trong năm này LdT in Les Procès de la Colonisation Française (tức Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp) cho Nguyễn Ái Quốc.

Wednesday, 20 April 2022

Mình hạt sương mai hay mình hạc xương mai?

Phú Đức (Lữa lòng cuốn thứ tư, trang 104) đối xương mai với vóc liểu. Trong cùng một câu Phú Đức có năm lỗi chính tả theo chuẩn thời nay, nhưng người đọc năm 1928 không thấy vấn đề gì (cạng, giãi, liểu, lữa, thõa). Người Nam thời ấy khi nói về thân thể có thể viết xương mai / sương mai không phân biệt, nhưng đều hiểu đó là khung cốt chứ không hiểu là hạt sương.


 

Monday, 18 April 2022

Phốt nào là phốt nào ?


Phốt 1 nghĩa là lỗi (gốc tiếng Pháp là faute). Có các loại phốt như phốt lơ đễnh (faute d’inattention), phốt nặng (faute lourde), phốt nghiêm trọng (faute grave), phốt nhẹ  (faute légère).  Có phốt / dính phốt nghĩa là có lỗi (avoir {fait / commis} une faute).[i]

Phốt 2 nghĩa là cái hố (gốc tiếng Pháp là fosse). Bể  phốt (fosse d’aisance) còn gọi là hố xí.[ii]

Phốt 3 gốc tiếng Pháp feutre (có khi được phiên là phớt).  Thay phốt nhớt là thay cái gioăng phớt (remplacer le joint [en] feutre pour la jauge à huile).[iii]

Phốt 4 từ chỉ thành phần kết nối tay lái với khung/sườn xe. Tiếng Pháp là potence, còn được phiên phốt tăngpô tăng.


[i] * Mục-đích sự học Cao-đẳng là để mở mang trí-thức cho người ta, nên không có hạn-định gì, những nghĩa-lý rất cao-thâm, những tư-tưởng rất mới lạ, thường giảng-giải đến luôn, thày giáo chỉ chủ phát-minh lẽ phải, khám-phá sự thực, học trò phải lĩnh-lược được hết cái tinh-thần ; chứ không phải là chỉ dạy cái hình-thức câu văn, viết văn không mất « phốt » mà thôi. Nam Phong Tạp Chí số 73 (1923:90)

* Hai cụ chỉ chữa cho vài cái « phốt » chữ tây vô-ý không biết, còn thời nhất-định quyết rằng nghe được, không những nghe được mà lại có cái giọng nhiệt-thành bạo-dạn, chắc sẽ có ảnh-hưởng, không đến nỗi là những lời không-ngôn. Nam Phong Tạp Chí số 93 (1925:223, P. Q.)

* Tao mất ba « phốt »... Nam Phong Tạp Chí số 96 (1925:553, T.-V.)

* Hồi năm 1926, nhà in ấy in xong trọn bộ Kinh-thánh quốc-ngữ, suốt cả 327 trang giấy, người ta khó tìm lấy được một phốt in nào. Tri Tân Tạp Chí số 49 (1942:4, Hoa Bằng)

* Moa biết rất rõ toa là người có tầm cỡ chiến lược, để toa phụ trách một quân đoàn cũng phí lắm ; nhưng hiện nay toa đang có « phốt » và hồi toa ở dưới đồng bằng thiên hạ cũng dị nghị về toa ghê gớm lắm. Nguyễn Khắc & Lê Kim (1976:61)

* Duy còn những tờ báo in bằng chữ Nhật là còn phải xếp chữ, sửa phốt trên bản kẽm mà thôi, nhưng công việc này tổ chức cũng mau lẹ chớ không kéo dài như ở nước ta. Vũ Bằng (2003t:331)

* Vạn sợ cái “phốt” ấy đấy, cái phốt Vạn trót sờ tý mụ hôm mụ sang xin muối. Dương Hướng (2004:286)

ĐVT (1950:565), LVĐ (1970b:1169), NQT (1992:328), TTA (2009:97)

[ii] * Ở những nhà xây dựng sau này, phương pháp phổ biến là xây bể “phốt” nhiều ngăn để xử lý phân theo kiểu “tự hoại”. Đinh Anh Tuấn (2006:27-28)

* Nhưng thợ vừa đến đào bể phốt ngay dưới chân cầu thang trời thì chủ căn hộ cạnh đầu cầu thang cấm. Trần Đĩnh (2014-2:323)

* Giọng run rẩy, nghẹn lại nói tiếp, sáu mươi năm làm cách mạng không đào nổi cái phốt cứt! Trần Đĩnh (2014-2:323)

CBT (2006:14), TTA (2009:97)

[iii] TTA (2009:97)

Sunday, 17 April 2022

Phong cách chính là người vậy

Buffon nói rằng phong cách chính là người vậy (Le style, est l'homme même / Le style, c'est [tout] l'homme).

Đọc đoạn văn sau đây có thể thấy bút lực của người viết thật đáng sợ: 

Ils étaient accoutumés à  boire   un   alcool   qui   présentait    un   certain   goût empyreumatique agréable, dû à la quantité des matières premières que, eux , ils employaient et, parmi lesquelles, un riz des plus délicats : la drogue qu'on ingurgite de force aux Annamites, est fabriquée avec des riz à bon marché, des ingrédients chimiques et a un sale goût.

(Nguyen Ai Quac – Le Procès de la Colonisation Française)

 

Empyreumatique tiếng Pháp nghĩa là khét. Đồng nghĩa với nó là brûlé. Đồng nghĩa nhưng phạm vi sử dụng khác nhau: empyreumatique là từ dùng trong hóa học ; brûlé là từ phổ thông. Tần số sử dụng cũng khác nhau: empyreumatique  chỉ xuất hiện đúng hai (2) lần trong khi brûlé xuất hiện 2123 lần trên các văn bản văn chương của TLF - Trésor de la Langue Française (tổng kích thước khối ngữ liệu là 150 triệu lượt từ). Kết quả thống kê này cho thấy rằng nếu đi hỏi một người Pháp học vấn phổ thông empyreumatique là gì, ta có thể chắc chắn là người đó không trả lời được trong khi xác suất để người đó đã từng nghe/gặp và hiểu brûlé là khá cao (cao hơn cả từ savon, nghĩa là xà bông / xà phòng, có tần số trên các văn bản văn chương là 452).

 

Một người không học hóa học khó có khả năng tiếp xúc với từ empyreumatique, càng không có lý do gì phải sử dụng từ đó để nói với những người không học hóa học, nhất là khi có sẵn một từ ai cũng hiểu là brûlé. Tuy nhiên hai khả năng sau đây có thể xảy ra ở một câu văn dùng từ empyreumatique:

1)     Một người ngoại quốc (Việt Nam chẳng hạn) tra từ điển Việt Pháp thấy mục từ khét = brûlé, empyreumatique chọn hú họa một từ với niềm tin rằng cả hai cách dịch tương đương với nhau. Chuyện này vẫn thường xảy ra ở những người học ngoại ngữ chưa đến nơi đến chốn. Đầu thế kỷ 20 chưa có từ điển Việt Pháp nên nếu phải đi qua nhiều chặng trung gian Việt Hán, Hán Pháp hay Việt Nhật, Nhật Pháp thì khả năng dùng từ ngữ sai phạm vi phong cách càng dễ xảy ra hơn.

2)     Người viết dùng từ ngữ bác học với một ý đồ phong cách nào đó. Một là khoe chữ. Hai là tạo cho câu văn một dáng vẻ khoa học, khách quan với ý định giễu nhại. Hoặc cả hai. Nhưng muốn gì thì cũng phải là người có hiểu biết về hóa học (như Nguyễn Thế Truyền) mới dùng chữ kiểu này được.

 

Lẽ thường phải là như thế. Dĩ nhiên không đúng với các trường hợp thiên tài xuất chúng, không cần học hóa học, không cần học cả tiếng Pháp nhưng vẫn viết được tiếng Pháp như các kỹ sư hóa học.