Phốt 1 nghĩa là lỗi (gốc tiếng Pháp là faute). Có các loại phốt như phốt lơ đễnh (faute d’inattention), phốt nặng (faute lourde), phốt nghiêm trọng (faute grave), phốt nhẹ (faute légère). Có phốt / dính phốt nghĩa là có lỗi (avoir {fait / commis} une faute).[i]
Phốt 2 nghĩa là cái hố (gốc tiếng Pháp là fosse). Bể phốt (fosse d’aisance) còn gọi là hố xí.[ii]
Phốt 3 gốc tiếng Pháp là feutre (có khi được phiên là phớt). Thay phốt nhớt là thay cái gioăng phớt (remplacer le joint [en] feutre pour la jauge à huile).[iii]
Phốt 4 là từ chỉ thành phần kết nối tay lái với khung/sườn xe. Tiếng Pháp là potence, còn được phiên phốt tăng và pô tăng.[i] * Mục-đích sự học Cao-đẳng là để mở mang trí-thức cho người ta, nên không có hạn-định gì, những nghĩa-lý rất cao-thâm, những tư-tưởng rất mới lạ, thường giảng-giải đến luôn, thày giáo chỉ chủ phát-minh lẽ phải, khám-phá sự thực, học trò phải lĩnh-lược được hết cái tinh-thần ; chứ không phải là chỉ dạy cái hình-thức câu văn, viết văn không mất « phốt » mà thôi. Nam Phong Tạp Chí số 73 (1923:90)
* Hai cụ chỉ chữa cho vài cái « phốt » chữ tây vô-ý không biết, còn thời nhất-định quyết rằng nghe được, không những nghe được mà lại có cái giọng nhiệt-thành bạo-dạn, chắc sẽ có ảnh-hưởng, không đến nỗi là những lời không-ngôn. Nam Phong Tạp Chí số 93 (1925:223, P. Q.)
* Tao mất ba « phốt »... Nam Phong Tạp Chí số 96 (1925:553, T.-V.)
* Hồi năm 1926, nhà in ấy in xong trọn bộ Kinh-thánh quốc-ngữ, suốt cả 327 trang giấy, người ta khó tìm lấy được một phốt in nào. Tri Tân Tạp Chí số 49 (1942:4, Hoa Bằng)
* Moa biết rất rõ toa là người có tầm cỡ chiến lược, để toa phụ trách một quân đoàn cũng phí lắm ; nhưng hiện nay toa đang có « phốt » và hồi toa ở dưới đồng bằng thiên hạ cũng dị nghị về toa ghê gớm lắm. Nguyễn Khắc & Lê Kim (1976:61)
* Duy còn những tờ báo in bằng chữ Nhật là còn phải xếp chữ, sửa phốt trên bản kẽm mà thôi, nhưng công việc này tổ chức cũng mau lẹ chớ không kéo dài như ở nước ta. Vũ Bằng (2003t:331)
* Vạn sợ cái “phốt” ấy đấy, cái phốt Vạn trót sờ tý mụ hôm mụ sang xin muối. Dương Hướng (2004:286)
ĐVT (1950:565), LVĐ (1970b:1169), NQT (1992:328), TTA (2009:97)
[ii] * Ở những nhà xây dựng sau này, phương pháp phổ biến là xây bể “phốt” nhiều ngăn để xử lý phân theo kiểu “tự hoại”. Đinh Anh Tuấn (2006:27-28)
* Nhưng thợ vừa đến đào bể phốt ngay dưới chân cầu thang trời thì chủ căn hộ cạnh đầu cầu thang cấm. Trần Đĩnh (2014-2:323)
* Giọng run rẩy, nghẹn lại nói tiếp, sáu mươi năm làm cách mạng không đào nổi cái phốt cứt! Trần Đĩnh (2014-2:323)
CBT (2006:14), TTA (2009:97)
[iii] TTA (2009:97)
No comments:
Post a Comment