Bản án chế độ thực dân Pháp có ít nhất hai lần gọi
công sứ Darles là anh hàng cháo:
Cái ông Đáclơ ấy
quả là một nhà cai trị có tài. Khoa cai trị của ông ta, ông ta đã học được ở
khu phố latinh khi ông còn là một anh hàng cháo.
(Ce M. Darles
est un administrateur de valeur. Il a acquis sa science politique au Quartier
latin, où il fut marchand de soupe.)
...
Chễm chệ đứng đầu
một tỉnh có hàng vạn dân, và được giao cho quyền hành tuyệt đối, ông ta vừa là
tỉnh trưởng, vừa là thị trưởng, vừa là quan toà, vừa là mõ toà, vừa là người đốc
thuế; tóm lại, ông ta nắm trong tay tất cả mọi quyền hành: Toà án, thuế khoá,
điền thổ, tính mạng và tài sản của người bản xứ, quyền lợi của viên chức, việc
bầu cử lý trưởng và chánh tổng, tức là vận mạng của cả một tỉnh được đặt vào
tay cái anh hàng cháo ngày xưa ấy.
(Confortablement
mis à la tête d'une province de plusieurs milliers d'habitants et investi d'un
pouvoir sans contrôle, il est préfet, maire, juge, huissier, garnisaire, en un
mot, il cumule tous les pouvoirs. Justice, impôt, propriété, vies et biens, des
indigènes, droits des fonctionnaires, élections des maires et chefs de canton,
c'estàdire la destinée d'une province entière est confiée aux mains de cet
ancien popotier.)
Bản dịch này có chỗ không ổn.
Trước hết, cháo
là thức ăn lỏng nấu bằng gạo hay bằng bột
(Văn Tân, 1994:144) và thường thì nói tới cháo là người Việt nghĩ ngay tới gạo
(Lê Văn Đức et al., 1970a:264). Nhưng người Việt thường dùng gạo để nấu thành
cơm, ít khi nấu cháo. Bữa ăn trong
tiếng Việt còn được gọi là bữa cơm.
Ăn cháo là chuyện vạn bất đắc dĩ. Người Việt không ăn cháo nếu không đau ốm hoặc
không quá túng thiếu.
Nhưng ở Pháp người ta không mấy khi ăn cơm. Bây giờ
vẫn thế. Cách đây một thế kỷ chỉ nhà giàu mới rùng rẻng bạc tiền đi ăn cơm Tàu.
Ăn được một bát cháo ở trời Tây còn khó hơn. Làm chủ hàng cháo ở khu phố La
Tinh đại khái cũng giống như mở nhà hàng 5 sao giữa thành phố Hồ Chí Minh bây
giờ.
Các từ marchand
de soupe và popotier trong bản gốc
chỉ nhấn mạnh xuất thân hạ tiện của công sứ Darles, nguyên là một tay bán hàng
ăn bình dân. Không việc gì phải đoán xem soupe
là cháo hay xúp, món nào sang trọng (hay hèn kém) hơn món nào. Xúp là một món
chủ lực của người Pháp nên từ soupe cũng
có nghĩa là bữa ăn, không khác gì
người Việt gọi bữa ăn là bữa cơm.
Theo cùng nguyên tắc này, người Công Giáo Việt Nam không
xin bánh mì khi đọc kinh Lạy Cha:
Xin Cha cho con
lương thực hàng ngày dùng đủ.
Pain trong tiếng
Pháp (Donnez-nous aujourd'hui notre pain quotidien) và panis
trong tiếng La Tinh (Panem nostrum
supersubstantialem da nobis hodie) có
thể là miếng bánh đối với Tây, nhưng là bát cơm của ta. Nó là lương thực, là cái ăn
trong mọi trường hợp.
No comments:
Post a Comment