Sunday 13 November 2011

Tại sao chỉ có tăng sên mà không có giảm sên?

Tăng trong tăng sên là một từ gốc Pháp (tendre, có nghĩa là căng) . Bản thân sên cũng là một từ gốc Pháp (chaîne, nghĩa là sợi xích của xe đạp). Tăng sên là căng sợi xích. Một số người hiểu tăng sêntăng cái gì đó, sức căng chẳng hạn, cho sợi xích nên ngược với tăng sên phải là giảm sên. Nhưng số người này không nhiều. Vì vậy người ta vẫn nói tăng sên mà không mấy ai nói giảm sên.

Thursday 10 November 2011

Cá héc-mô-ni là cá gì?


Những con cá thần tiên, những con cá kiếm, cá chọi, cá mã giáp, cá héc-mô-ni màu sắc rất lạ, ăn giun tơ thuỷ trần buổi sáng đang hứng khởi phùng mang trợn mắt, vè, xùy, chọi nhau, gây xao động, sóng gió ngay trong cái khối nước con con. (Ma Văn Kháng, 2003III:72)
Cá héc-mô-ni của Ma Văn Kháng chính là cá hắc mô-ly do hiện tượng lẫn lộn /l/ và /n/ ở miền Bắc đã trở nên quá phổ biến. Tên tiếng Anh của cá này là black molly, tiếng Pháp là molly noir, rất được giới chơi cá cảnh ưa chuộng. Cá hắc mô-ly còn có các tên tiếng Việt khác là cá hắc mô-ni, cá trân châu, cá bình tích, cá mố lũy, cá mã lệ, cá hắc bố lũy... 

Tại sao người ta gọi cái túi vải hình chữ nhật có quai đeo vai là túi dết?

Cái túi này được người Pháp đem vào Việt Nam. Tiếng Pháp là musette [myzεt]. Người Việt chỉ giữ lại âm tiết cuối.
Ra ngoài làm việc rừng, lúc nào túi dết Lịnh cũng có sách vở, nhưng chặt xong phần cây hoặc cuốc xong phần đất của mình rồi anh mới chui vào bụi khuất mà đọc mà viết (Nguyễn Tuân, 2006c:229)

Tuesday 8 November 2011

Tại sao mùa Vọng còn được gọi là mùa Át?


Vọng nghĩa là mong đợi: hòn Vọng Phu là hòn đá hình người đàn bà đợi chồng. Mùa Vọng là mùa dân Chúa mong đợi Chúa đến (thời gian bốn tuần trước lễ Giáng Sinh). Mùa Vọng trong tiếng La Tinh là adventus, tiếng Bồ Đào Nha là advento. Từ advento của tiếng Bồ Đào Nha được phiên sang âm Việt thành át biên tô/át ven tồ. Át rất có thể là dạng rút gọn của át biên tô / át ven tồ.

Saturday 5 November 2011

Tại sao chốt bi không có viên bi nào?

Chốt bi là chốt lựu đạn. Từ bi ở đây do gốc Pháp là goupille, do đó không có liên quan gì đến bi (gốc Pháp là bille).

Friday 28 October 2011

Làm thều thào được không?

Thều thào hiện nay thường được hiểu là nói rất nhỏ và yếu ớt (Hoàng Phê, 2006:936).
Trên các văn bản cổ thều thào có nghĩa là hời hợt, qua loa  như ở câu 750 của Thiên Nam Ngữ Lục:
Chính sự thều thào bỏ việc lam nham.
(Vương Lộc, 2001:153)
Nghĩa này vẫn còn được ghi nhận trong các từ điển tiếng Việt thế kỷ thứ 20. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:563) giải thích thều thàosơ lược, nông nổi và cho ví dụ là tính người thều thào. Lê Văn Đức (1970b:1552) cũng giải nghĩa và cho ví dụ y hệt.
Nguyễn Như Ý (1999:1559) có hai mục từ thều thào riêng biệt. Mục từ thứ nhất có nội dung giống với thều thào của Hoàng Phê (2006:936). Mục từ thứ hai quy về từ thểu thảo; từ này được giảng là hời hợt, dễ dãi, nông nổi.

Wednesday 26 October 2011

Rừng có mạch không?

Trung bình cứ 81 người viết tai viết mạch rừng mới có 1 người viết tai vách mạch dừng và người này bị coi là viết sai chính tả! Nhưng từ điển Lê Văn Đức (1970b:309) chỉ ghi nhận tai vách mạch dừng, không có tai vách mạch rừng.


Một quyển từ điển hồi đầu thế kỷ 20 là Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:161) có hai mục từ dứngdừng, xem là cùng nghĩa, và giải thích là nan để làm cốt vách và cho ví dụ là rút dây động dừng (không phải động rừng). Câu tục ngữ Tai vách mạch dừng được ghì ở trang 504 của cuốn từ điển ấy. 


Bây giờ kỹ thuật xây cất nhà cửa đã khác nên dừng trở nên vô nghĩa, rừng nghe hợp lý hơn. Từ điển Nguyễn Như Ý (1999:1482) ghi nhận cả tai vách mạch dừngtai vách mạch rừng. Hoàng Phê (2006:883) chỉ có tai vách mạch rừng.