Friday 30 December 2011

Màu đô là màu gì?


Màu đô là màu đỏ của rượu chát boóc-đô (Bordeaux), tức là màu đỏ tươi pha thêm chút xanh hoặc chút tím; mã RGB là (128, 0, 0). Màu đỏ boóc đô, màu đỏ đô, màu boóc đô, màu đô và màu rượu chát là một. Thông dụng nhất là màu đỏ đô.

Thursday 29 December 2011

Bông tu là cái gì?

Trong ngành ô tô - xe máy, bông tu là cây kim của bộ chế hòa khí (bình xăng con). Khi đầu cao su của bông tu bị chai, bông tu đóng không kín thì xe bị chảy xăng. Bông tu này là từ gốc Pháp (pointeau de carburateur). Nó còn hai dạng khác trong tiếng Việt là poăng tupông tu

 Thanh thép nhọn dùng để lấy dấu trên chi tiết cơ khí cũng được một số thợ lớn tuổi gọi là bông tu / pông tu / poăng tu. 

Tuesday 27 December 2011

Sa thải hay xa thải?

Sa thải là một từ Hán Việt (), vốn có nghĩa là đãi cát (sa nghĩa là cát), lấy nghĩa bóng là bỏ cái xấu, giữ cái tốt và do đó thích dụng cho các trường hợp đuổi việc (Đào Duy Anh, 2005:662). Như vậy viết xa thải là sai chính tả.
Khó có thể quy lỗi chính tả xa thải cho phát âm không phân biệt x/s. Trước hết, chữ viết không nhất thiết phải tương ứng 1-1 với âm thanh. Không ai có thể bắt người Bắc phải phát âm xa khác với sa cũng như không ai bắt được người Nam đọc thải khác với thãi. Sau nữa, trong Nam ngoài Bắc đều có người viết đúng, kẻ viết sai, chẳng miền nào hơn miền nào hay kém miền nào.
Nguyên nhân gây ra lỗi chính tả khi viết sa thải thành xa thải là mối quan hệ giữa nghĩa gốc và nghĩa hiện tại bị gián đoạn. Một số người đủ vốn liếng từ Hán Việt để hiểu sa là gì, thải là gì nhưng không nhìn thấy mối liên hệ giữa việc đãi cát với việc đuổi người, do đó không hiểu được tại sao sa của sa thải phải viết với s. Đó là chưa kể phần đông người Việt hiện nay không biết sacát.

Monday 26 December 2011

Bẻ ghi là làm gì?


Ghi trong ngành đường sắt là một từ gốc Pháp (aiguille) chỉ thiết bị chuyển đoàn tàu từ đường ray này sang đường ray khác. Trước đây công việc này hoàn toàn dựa vào sức người bẻ ghi. Hiện nay việc chuyển đường tàu đã được tự động hóa. Nhưng người ta vẫn nói là bẻ ghi mặc dù không thấy ai ra sức bẻ cái gì cả.

Saturday 24 December 2011

Lễ mi xa là lễ gì?


Lễ mi xa là lễ dâng thánh thể Chúa Giê-su để cứu rỗi nhân loại. Khi thánh lễ kết thúc, chủ tế tuyên bố "Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an". Khi hành lễ bằng tiếng La Tinh, câu này là Ite, missa est. Từ missa trong câu đó trở thành tên lễ (trong tiếng La Tinh). Tiếng Bồ Đào Nha gọi là misa. Không biết người Việt mượn âm mi xa từ nguồn nào.

Wednesday 21 December 2011

Vì sao Hội Hồng Thập Tự được đổi tên thành Hội Chữ Thập Đỏ?


Hồng Thập Tự là một từ mượn của tiếng Hán (红十字会 Hồng Thập Tự Hội, tương ứng với tên tiếng Pháp của tổ chức này là Société de la Croix-Rouge). Từ này vào tiếng Việt từ  đầu thế kỷ 20. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:248) cắt nghĩa hồng thập tựchữ thập đỏ, biểu hiệu của cuộc y tế trong quân đội.
Hội Hồng Thập Tự Việt Nam được thành lập tháng 11 năm 1946 và được hợp pháp hóa bằng quyết định số 77-NV/NĐ (ngày 31 tháng 5 năm 1947) của Bộ Nội Vụ. Cũng chính bộ này ra quyết định 15-NV (ngày 24 tháng 1 năm 1966) đổi tên Hội Hồng Thập Tự thành Hội Chữ Thập Đỏ. Căn cứ của việc thay đổi tên hội là quyết nghị nhất trí của đại hội đại biểu toàn quốc Hội Hồng Thập Tự Việt Nam lần thứ ba (ngày 15 tháng 12 năm 1965). Không phải tự nhiên mà Hội thấy cần phải tổ chức đại hội để thông qua một quyết định có tính lịch sử như vậy.
Do thấy trong một bài báo của Người, Bác viết “Hội Chữ thập đỏ”, báo Nhân dân thấy rất hay liền chữa lại trên một bản tin gửi đến đăng báo. “Hội Hồng thập tự Việt Nam” thành “Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Ngay buổi sáng báo ra, một cán bộ ở văn phòng hội này đến gặp và phàn nàn với Ban thư ký biên tập. Anh ấy nói đại ý: “Các anh làm thế này gây cho chúng tôi không biết bao khó khăn: phải làm lại biển treo ở trụ sở hội, phải bỏ đi và in lại tất cả giấy thư, phong bì và các giấy in sẵn khác, tốn kém rất nhiều! Được phép Ban biên tập, cán bộ Ban thư ký biên tập nói rõ báo Nhân dân làm theo Bác Hồ và thấy như vậy là rất hay, rất đúng văn phong của ta. Anh cán bộ của hội bèn “bớt giận”, rồi tỏ vẻ đồng tình và cảm ơn, ra về!
Tuy nhiên tên gọi Hội Hồng Thập Tự vẫn được lưu hành trong vùng giải phóng ở miền Nam Có thể chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam muốn tránh mọi liên tưởng bất lợi cho vị thế chính trị của mình. Cũng có thể tình thế cách mạng miền Nam chưa đến lúc thuận tiện để gây xáo trộn trong sinh hoạt ngôn ngữ. Hội Hồng Thập Tự Giải Phóng được thành lập từ tháng 10/1962 tiếp tục tồn tại cho đến cuộc hội nghị 31/7/1976 mới bị giải thể và hợp nhất với Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Từ đó chỉ còn một danh xưng thống nhất là Hội Chữ Thập Đỏ. Từ Hồng Thập Tự hiện nay được các từ điển đánh dấu là từ cũ. (Hoàng Phê, 2006:463)

Tuesday 20 December 2011

Màu ghi là màu gì?

Màu ghi là màu xám. Gốc tiếng Pháp gris nghĩa là màu xám.
Đồng Văn Tình ngồi ở ghế bành, đầu chải gôm xanh mượt, râu ria cạo nhẵn, áo sơ mi trắng cài măng séc và caravát màu xanh nhạt, quần gabardine ghi, giầy bottine đánh xi thật bóng. (Tô Đức Chiêu, 2008:45)
Nhưng không phải ai cũng biết màu ghi là màu gì. Vì vậy người ta ghép song song ghi với xám thành ghi xám để giải thích từ mới bằng một từ sẵn có trong tiếng Việt:
Chiếc áo đỏ rực mà Mỏ Neo ép Miên phải thay thế cho màu be và ghi xám nổi bật trên nên vàng rực rỡ. (Nhiều Tác Giả, 2010tn:202, Di Li)
Các từ ghép chính phụ ghi bạc, ghi chì, ghi sáng... là kết quả dịch sao phỏng từ tiếng Pháp gris argent, gris plomb, gris clair...