Saturday 19 May 2012

Cấp giấy chứng minh cho bốn chữ cái (Nguyễn Đức Dương, Tuổi Trẻ 7/5/2012)

Hôm 3-5, TS giáo dục học Lê Vinh Quốc có bài viết nhận xét “bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành” là thiếu “chính xác và nhất quán”.
Do đâu mà bộ ký tự hết sức ổn định gồm 29 chữ cái hiện hành, một công cụ vừa tiện dụng vừa khoa học để ghi lại một cách trung thực bộ mặt ngữ âm của tiếng Việt và từng được nhiều nhà ngữ học tên tuổi cả trong lẫn ngoài nước (như Cao Xuân Hạo, Laurence C. Thompson, các giáo sư Hoàng Phê, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Văn Lợi...) đánh giá rất cao lại bị chê trách nặng lời đến thế?
Câu trả lời chắc tự nó sẽ đến nếu chúng ta không hiểu công dụng chủ chốt của các bảng chữ cái và giá trị của bốn ký tự “bị dùng lậu” F, J, W và Z, như TS Quốc từng hiểu.
Thật thế, theo TS Quốc thì “tính khoa học” và “tính nhất quán” của một bảng chữ cái vốn được thể hiện rõ nhất và cơ bản nhất qua khả năng đánh số thứ tự các hàng ghế trong rạp hát hay rạp chiếu bóng, trong toa xe hay trên sân vận động, cũng như qua khả năng đánh số thứ tự các đề mục/tiểu mục trong những báo cáo khoa học hay công tác, hoặc qua khả năng gọi tên hình này hình nọ ở môn hình học.
Trong khi đó giới ngữ học lại quen đánh giá tính khoa học và tính nhất quán của một bảng chữ cái qua khả năng ghi lại đủ chân thực, đủ chân xác bộ mặt ngữ âm của các từ ngữ trong một thứ tiếng, vì theo họ hình dung đây mới là công dụng chủ chốt nhất và hệ trọng nhất của các bảng chữ cái. Cách nhìn nhận vấn đề khác nhau tất đưa đến các kết quả đánh giá khác nhau. Đó là điều dễ hiểu, cho nên chắc hẳn chúng ta khỏi phải bàn nhiều. Bởi thế, tiếp theo đây có lẽ chúng ta nên dành thì giờ để bàn đến chuyện: làm cách nào để cấp “giấy chứng minh” cho bốn chữ cái “bị dùng lậu”?
Thực tế ngôn ngữ cho thấy từ mấy thập niên gần đây, trên các văn bản viết bằng chữ quốc ngữ, bốn ký tự F, J, W, Z đã được dùng công khai và ngày một nhiều để ghi các ký hiệu trong mấy môn vật lý, hóa học, toán học... (F, J, W, Hz...), để viết các dạng tắt tên riêng của các tổ chức nước ngoài (FAO, WHO...), để viết các thuật ngữ khoa học - công nghệ (kim loại wonfram, định dạng file, các trang web), để viết các nhân danh/địa danh nước ngoài (California, Zagreb, Washington...), để ghi các từ ngữ nước ngoài dùng trong giao tiếp thường nhật (quần jeans áo jacket, võ judo...).
Trong các cuộc thảo luận về việc sử dụng bốn ký tự trên trong văn bản tiếng Việt thì hầu hết ý kiến đều tán thành việc dùng những ký tự ấy cho ba trường hợp đầu, nhưng dùng cho hai trường hợp cuối lại gây nên lắm cuộc tranh luận sôi nổi mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, ngay từ bây giờ chúng ta nên cấp “giấy chứng minh” cho bốn ký tự ấy thì hơn, bởi sớm muộn nước ta cũng sẽ hội nhập ngày càng sâu thêm vào cộng đồng thế giới, và các thế hệ đi trước càng đón đầu sớm bao nhiêu thì các thế hệ đi sau càng đỡ thiệt thòi bấy nhiêu.
NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

Có bị kỳ thị hay không (An Chi - Năng Lượng Mới số 121 ,18-5-2012)

Bạn đọc : Nói về bảy chữ cái Ă, Â, Đ, Ê, Ô, Ơ và Ư, trong bài “Những chữ cái bị kỳ thị” đăng trên Tuổi Trẻ  ngày 3-5-2012, TS Giáo dục Lê Vinh Quốc viết:
“Nếu chỉ sử dụng để đánh vần (hay ghép vần), đọc, viết hay biên soạn từ điển thì những chữ biến thể này dường như không có vấn đề gì phải bàn. Nhưng khi sử dụng chúng trong những trường hợp khác lại có vấn đề phát sinh.”
Xin hỏi ông An Chi có nhận xét gì về “những trường hợp có vấn đề phát sinh” mà TS Lê Vinh Quốc đã nêu.
                                                                                      (Nguyễn Hữu Huỳnh Đức – Thành phố Vũng Tàu).
An Chi : Về “những trường hợp có vấn đề phát sinh”, TS Lê Vinh Quốc đã viết như sau:
“Khi cần sắp xếp một hệ thống nào đó theo vần chữ cái, người ta chỉ dùng các chữ cái Latin gốc mà không dùng đến các chữ biến thể đó. Chẳng hạn, khi dùng bảng chữ cái để ghi ký hiệu các hàng ghế của hội trường, nhà hát, rạp chiếu bóng, sân vận động hay tàu xe, người ta đều ghi theo thứ tự như sau: A, B, C, D, E, G (...) O, P, Q (...), T, U, V, X, Y... Như vậy tức là các chữ biến thể (Ă, Â, Đ, Ê, Ô, Ơ, Ư) đã hoàn toàn bị loại bỏ.
“Khi cần trình bày các luận điểm theo thứ tự vần chữ cái, người ta cũng thản nhiên bỏ qua những chữ đó. Trong các môn học ở nhà trường, khi cần dùng bảng chữ cái để trình bày các ký hiệu hay công thức, những chữ này không bao giờ được áp dụng. Chẳng hạn ở môn hình học luôn có các tam giác A - B - C, nhưng chưa bao giờ có tam giác A - Ă - Â!”
Về ý kiến trên đây của TS Lê Vinh Quốc,  nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã châm biếm nhẹ nhàng:
“Theo TS Quốc thì “tính khoa học” và “tính nhất quán” của một bảng chữ cái vốn được thể hiện rõ nhất và cơ bản nhất qua khả năng đánh số thứ tự các hàng ghế trong rạp hát hay rạp chiếu bóng, trong toa xe hay trên sân vận động, cũng như qua khả năng đánh số thứ tự các đề mục/tiểu mục trong những báo cáo khoa học hay công tác, hoặc qua khả năng gọi tên hình này hình nọ ở môn hình học.
“Trong khi đó giới ngữ học lại quen đánh giá tính khoa học và tính nhất quán của một bảng chữ cái qua khả năng ghi lại đủ chân thực, đủ chân xác bộ mặt ngữ âm của các từ ngữ trong một thứ tiếng, vì theo họ hình dung đây mới là công dụng chủ chốt nhất và hệ trọng nhất của các bảng chữ cái.” (Cấp “giấy chứng minh” cho bốn chữ cái, Tuổi Trẻ, ngày 7-5-2012).
Nhưng TS Quốc thì kết luận: “Nếu xét về tính khoa học của một ngôn ngữ thì việc 7/29, tức gần 1/4 số chữ cái không được sử dụng trong các trường hợp nêu trên lại cho thấy sự không bình thường của bảng chữ cái chính thức: những chữ cái biến thể không được coi là bình đẳng với những chữ khác.”
Nếu ta được phép diễn ra cho rõ cái ý châm biếm của nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương thì “các trường hợp nêu trên” lại thuộc những lĩnh vực phi ngôn ngữ nên ở đây chẳng làm gì có chuyện “những chữ cái biến thể không được coi là bình đẳng với những chữ khác”.
Đó là ta còn chưa nói đến sự nhầm lẫn nghiêm trọng của TS Lê Vinh Quốc khi ông viết:
“Đến nay, các nhà ngôn ngữ học vẫn không hiểu vì sao khi sáng tạo ra chữ quốc ngữ, linh mục Alexandre de Rhodes đã loại bỏ bốn chữ cái gốc Latin nêu trên (tức bốn chữ F, J, W, Z – AC) để rồi phải dùng PH thay cho F, dùng GI thay cho J và dùng D để ghi cái âm đáng lẽ thuộc về Z; rồi lại phải chế ra chữ Đ để ghi cái âm vốn thuộc về D?”
Thực ra thì chính TS Quốc không hiểu chứ đâu phải “các nhà ngôn ngữ học vẫn không hiểu”. Trước nhất, và sai từ gốc, là TS Quốc không biết rằng A. de Rhodes không phải là người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Vâng, không hề. Thứ đến, là về sự chế tác các chữ hoặc chữ kép PH, GI, D (thay cho Z) và Đ (để ghi cái âm vốn thuộc về D), ông cũng nói sai.
Về PH, chính A. de Rhodes đã viết như sau:
“F, hay đúng hơn là ph, bởi vì không đòi phải giề hai môi như của chúng ta, nhưng đúng hơn là, trong khi đọc hay phát âm, thì nhếch môi cách nhẹ nhàng với một chút hơi thở ra, vì thế trong từ điển chúng tôi không dùng chữ f, mà dùng chữ ph, bởi vì các sách đã chép từ lâu đều sử dụng như vậy.” (Từ điểnAnnam-Lusitan-Latinh, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch (phần “Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh”, tr.6), Nxb Khoa học xã hội, 1991).
Khi mà “các sách đã chép từ lâu đều sử dụng như vậy”, như chính A. de Rhodes đã thừa nhận, thì hiển nhiên chữ kép PH cũng đâu phải do ông ta đặt ra. Và sự chế tác này có lý do ngữ học thực tế và xác đáng của nó, như chính A. de Rhodes đã giải thích và như sau đó 344 năm, Nguyễn Tài Cẩn đã chứng minh và khẳng định:
“ Lên đến thế kỉ 17 ta chỉ thấy cách phát âm tắc bật hơi Ph. K.J. Gregerson đã nghiên cứu kĩ cuốn từ điển 1651 (tức cuốn của A. de Rhodes – AC), đối chiếu cách miêu tả của A. de Rhodes với các văn bản Quốc ngữ cổ, với các cách nói địa phương, và đã đi đến kết luận như vậy.” (Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Sơ thảo), Nxb Giáo dục, 1995, tr.96).
Vậy cho đến thời của A. de Rhodes thì PH dùng dể ghi phụ âm tắc bật hơi chứ đâu có phải là một phụ âm xát  vô thanh mà TS Quốc đòi những người đặt ra chữ kép đó phải thay nó bằng F.
Về GI thì A. de Rhodes cho biết như sau khi nói về chữ G :
“G được sử dụng giống như chúng ta, thí dụ gallina (con gà mái); tuy nhiên cần ghi nhận điều này, khi viết ghe và ghi thì chúng tôi theo lối chính tả của Ý vì nó tiện lợi hơn cho ngôn ngữ này,cũng thế cả những tiếng giagiogiơgiu và giư đều phải phát âm theo kiểu Ý, vì như vậy, xem ra tiện lợi hơn. Vả lại trong các sách đã biên soạn thì thói quen đó đã thịnh hành (…)”. (Chỗ đd, tr.6-7).
Rõ ràng, như chính A. de Rhodes đã thừa nhận, cách ghi GI cũng chỉ là do chính ông ta đã làm theo những người đi trước và trong trường hợp này thì họ đã mượn cách ghi âm của chữ Ý là GI. Bảng chữ cái chính thức của tiếng Ý không có J nên đòi phải dùng chữ này thay cho GI là một điều không thực tế.
Về chữ D, mà TS Quốc cho là dùng để ghi cái âm đáng lẽ thuộc về Z, thì ý kiến của ông cũng sai nốt. Vào cái thời tương ứng với lúc (hoặc trước lúc) chế tác chữ quốc ngữ thì Nguyễn Tài Cẩn cho ta biết D có hai nguồn gốc : một là từ *t của tiếng Hán và hai là từ thanh mẫu dương (hay di) với âm trị là *j. (Sđd, tr.63). Dĩ nhiên là *t không thể ghi bằng Z đã đành mà cả *j cũng không thể ghi bằng Z. Đáng chú ý là hiện nay, trong Nam vẫn phát âm D thành [j].
Còn về mối quan hệ “anh em” giữa D và Đ thì Nguyễn Tài Cẩn đã chứng minh để khẳng định rằng xưa kia chúng vốn có cùng một nguồn gốc (Sđd, tr.63). Vậy cũng không có gì lạ nếu mấy ông cố đạo đã ghi hai cái âm cùng gốc bằng hai chữ cái cùng một “khuôn hình”.
Tóm lại, bài của TS Lê Vinh Quốc là một bài không có chất lượng về phương diện ngữ học; đặc biệt việc ông đưa ra “những trường hợp có vấn đề phát sinh” thì lại là những trường hợp tuyệt đối chẳng liên quan gì đến việc sử dụng “bảy chữ cái bị kỳ thị” về mặt ngôn ngữ.

Friday 18 May 2012

Bản chất của loạn phiên âm hiện nay là gì?


Có vẻ như tình trạng phiên âm tên riêng (nhân danh và địa danh) trên sách báo hiện nay đã loạn đến mức các nhà ngôn ngữ học cảm thấy cần phải lên tiếng can thiệp. Có hai quan điểm chính:
-          Một là không nên phiên âm. Cụ thể hơn, có người đề nghị phải giữ nguyên ngữ nếu đó là ngôn ngữ dùng hệ chữ cái La Tinh; với các ngôn ngữ không dùng chữ La Tinh thi áp dụng biện pháp chuyển tự sang hệ chữ La Tinh.
-          Nếu phải phiên âm thì cần thống nhất cách phiên âm theo hướng khoa học và hiện đại hóa. Cụ thể hơn, phải có cơ quan có thẩm quyền đứng ra chủ trì công việc này, có sự bàn bạc dân chủ với các chuyên gia đầu ngành (tức là thường dân ngoại đạo xin tránh xa ra).

Cả hai quan điểm đều không có gì mới mẻ.
Người chủ trương quy tất cả về bộ chữ La Tinh thừa biết đó không thể là giải pháp hoàn hảo, chưa bao giờ được chính thức xem là một giải pháp khả dĩ và chắc chắn là sẽ không có cơ hội được chấp nhận trong hoàn cảnh hiện nay. Với các từ gốc Anh, Pháp dĩ nhiên không vấn đề gì, nhưng thế giới ta đang sống không chỉ có hai nước Anh và Pháp. Viên đại tá mới bị lật đổ cách đây không lâu bên Li-bi có tên được ghi bằng cả chục cách trên sách báo Anh, Pháp: Kadhafi, Gaddafi, Qaḏḏāfī, Qadhāfy... Biết chọn cách ghi nào đây? Đã chẳng giải quyết được loạn phiên âm trong nước, ông Việt nào có can đảm đứng ra làm công việc san định cách phiên âm, chuyển tự của các ông Tây?
Chuyện dựng lên một cơ quan có thẩm quyền chủ trì công việc phiên âm cũng lại là một ước mơ không tưởng khác, ngắc ngoải suốt mấy mươi năm qua cùng với huyền thoại về sự trong sáng của tiếng Việt, lâu lâu lại trỗi dậy để nhắc nhở rằng không có chính quyền ra tay là không xong. Nhà văn, nhà báo, thầy cô giáo, sinh viên, học sinh... hãy đợi các chuyên gia đầu ngành chọn ra cách phiên âm tốt nhất rồi nhà nước sẽ ra pháp lệnh cho quý vị sử dụng. Bóng ma của cung cách hoạch định chính sách ngôn ngữ học thời Xta-lin vẫn còn vất vưởng đâu đây. Hãi quá.

Loạn phiên âm về bản chất là nội loạn xã hội và chính trị. Không có một trung tâm quyền lực nào đủ mạnh để áp đặt quan điểm của mình lên toàn bộ xã hội. Nhưng cũng không nhóm lợi ích nào chịu nhượng bộ.
Người ta dễ đạt được đồng thuận với những từ ngữ kêu boong boong như thống nhất, khoa học, hiện đại, dân tộc, trong sáng, chuẩn hóa... Không thể nói khác. Nói khác là nó đập mình chết tươi. Nhưng hiểu khác thì không sao. Có anh hiểu hiện đại là sao chép nguyên ngữ, nhưng không tiện nói trắng ra là sao chép tiếng Anh. Mấy ông cốp cả đời gắn bó với Nga, với Tiệp... sẽ không vừa ý  Vì vậy anh chỉ nên nói là hệ chữ La Tinh cho nó lành. Bao giờ toàn xã hội đồng loạt quy phục Mỹ, tự khắc sẽ viết theo Mỹ cả, khỏi phải nói nhiều. Còn nếu chẳng may Trung Quốc nó sang, cũng khỏi phải nói tương lai sẽ ra sao.
Bây giờ các ông đầu ngành có ngồi lại với nhau cũng không thể giải quyết được việc gì vì các ông chỉ có thể đại diện cho một số nhóm lợi ích / quyền lực nào đó mà thôi, không thể nói thay cho các nhóm lợi ích khác. Có người đại diện cho ý muốn của đảng cầm quyền hoặc một phe nhóm nào đó trong đảng. Có người không thích Liên Xô / Mỹ / Trung Quốc/ bần cố nông / đại gia mới phất..... Có người từ trước đến nay chỉ quen tư duy theo kiểu chuẩn là tốt, lệch chuẩn là không tốt. Có người lại nghĩ rằng trừ khi dí súng vào đầu hay cắt sổ gạo, sổ dầu, không ai có thể bắt người ta nói/viết như mình muốn được. Triệu triệu tên người, tên đất chờ được các vị thống nhất xong cách phiên âm có lẽ đã trở thành lịch sử mất rồi, như tên ông Gà bên nước Li-bi là một bằng chứng.

Dẹp loạn phiên âm giống như gãi ngứa ngoài da. Làm cách nào cũng chỉ là trị bệnh ở ngọn, không đụng gì tới gốc. Xã hội càng ngày càng phân hóa sâu sắc, phân cực gay gắt: giàu/nghèo, sang/hèn, kẻ mạnh người yếu không thể có chung tiếng nói. Cần tìm ra thuốc chữa được căn bệnh đó trước đã.  

Wednesday 16 May 2012

Kí ninh là từ gốc Pháp hay gốc Hán?


Đào Tiến Thi (2010) trong bài “Bàn tiếp về chuyện i ngắn y dài” cho rằng kí ninh là từ mượn âm Hán Việt nhưng gốc Ấn Âu. Từ quinine trong tiếng Pháp, tiếng Anh ứng với 奎寧tiếng Trung, âm Hán Việt là khuê ninh, không phải kí ninh. Không có văn bản nào cho thấy người Việt mượn âm kí ninh từ sách vở Trung Quốc.
Kí ninh xuất hiện trong tiếng Việt trước năm 1922:
 Nhà nước có lệ phát các thứ thuốc (như nước rửa mắt, tanh-tuya-ri-ốt, kí-ninh) không lấy tiền, Ấu-trĩ-viên dược viện theo lẽ ấy.
Nam Phong Tạp Chí số 61 (1922:4)
Theo ví dụ trên thì có vẻ như là  kí ninh được phiên âm từ tiếng Pháp cùng loạt với tanh-tuy-ri-ốt (teinture d’iode).
Ấy là khoa y-học Âu-tây ngày nay đã vào thời-kỳ phát-đạt lắm; biết bao nhiêu nhà bác-học đã chịu lao-tâm tổn-trí để nghiên-cứu mà bệnh phong cũng chưa thể trị được một cách hoàn-hảo, vì chưa tìm được thứ thuốc nào chuyên-trị công-hiệu như thuốc “ký-ninh” trị bệnh “sốt-rét”, thuốc “thủy-ngân” (水銀) và thuốc “thạch-tín” (石信) trị bệnh “dang-mai” vậy.
Nam Phong Tạp Chí số 80 (1924:107, Đỗ Uông)
Nếu ký-ninh được mượn từ tiếng Trung Quốc, có lẽ Đỗ Uông đã kèm chứ Hán bên cạnh như đã làm với các từ thủy ngânthạch tín.
Quinine có lúc được phiên âm khá sát là kí-nin:
 Người Mường ở đất Mường chưa hiểu phép vệ-sinh, ít khi dùng kí-nin mà nào có mấy khi kêu sốt-rét. Nam Phong Tạp Chí số 95 (1925:436, Nguyễn Văn-Ngọc)

DẤU TÍCH CỦA CÁC TỔ HỢP PHỤ ÂM ĐẦU KB KM KĐ KN QUA CÁCH GHI CHỮ NÔM CỔ - Hoàng Thị Ngọ

38. Dấu tích của các tổ hợp phụ âm đầu KB KM KĐ KN qua cách ghi chữ Nôm cổ (TBHNH 1998)
Cập nhật lúc 21h04, ngày 26/09/2007
HOÀNG THỊ NGỌ
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Trong tiếng Việt ở thời kỳ đầu của quá trình đơn tiết hóa khá nhiều từ vẫn còn yếu tố tiền âm tiết. Một số tổ hợp phụ âm đầu như bl, kl, tl, ml đã được nhiều người biết đến. Trong bài tham luận này, chúng tôi xin đề cập đến dấu tích của các tổ hợp phụ am đầu với [k*] đứng trước các phụ âm tắc [b], [m], [đ], [n].
Sự tồn tại của các tổ hợp phụ âm kb, km, kđ, kn trong tiếng Việt lịch sử là có thật hay không? Và nếu có thì chúng tồn tại trong giai đoạn nào?
Các cách ghi kb, km, kđ, kn không còn thấy trong các cuốn từ điển từ thế kỷ XVII về sau. Những lưu tích về các cách ghi này chỉ còn thấy rất ít trong một số văn bản Nôm cổ trước và sau thế kỷ XV, đặc biệt là ở bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (gọi tắt Phật thuyết). Sự tồn tại của chúng ta là có thật nếu ta so sánh với những tư liệu thu thập được qua công tác điều tra điền dã ở một số ngôn ngữ dân tộc có quan hệ họ hàng với tiếng Việt, ví dụ: kmắng trong tiếng Bru là kamăng/tơmưng; trong tiếng Mày, Sách, Rục là tamăng; ta còn thấy cả hình thức kz như kzó (gió) trong tiếng Rục, Mã Liềng; Pakatan là kơjo, Tha Vừng là kơju, Poọng là Kδzo… Dấu vết của các tổ hợp phụ âm đầu trên có thể thấy trong chữ Nôm như sau:
- Cách ghi [kb]
Trong Phật thuyết, từ bẵm nghĩa là bế ẵm được dịch từ chữ Hán (bão), xuất hiện 2 lần, đều được ghi là + (cự + bẩm) = kbẵm > bẵm, trong câu.
Nuốt của đắng dả (nhả) của ngọt bẵm ấp nuôi nấng (17b-9)
Áng nạ bẵm ấp mỉm cười chửa hay thốt (33b-9)
Trong một số văn bản đời Lê và đầu đời Nguyễn(1) có một số cách ghi mà chúngtôi cho rằng có thể đây là lưu tích của cách ghi thời cổ còn lại trong chữ Nôm như:
(cá + bị) = kbợ > bợ
貝个 (cá + bối) = kbói > bói
巴个 (cá + ba) = kba > ba
邦个 (cá + bang) = kbương > bương
- Cách ghi [km]
Trong Phật thuyết có trường hợp từ cổ kmắng (mắng) nghĩa là nghe, dịch từ chữ Hán (văn) được ghi dưới dạng 2 dạng mã chữ tách rời và xuất hiện 5 lần trong văn bản. Dùng (mãng) = kmắng > mắng(*) trong các ngữ cảnh:
Được mắng (kmắng) tám đấng tiếng (5b-5)
Kinh dường này A-Nan một no mắng (kmắng) (6b-5)
Đại chúng mắng (kmắng) Bụt thửa thốt (281-1)
Người cùng khác người đấng mắng (kmắng) Bụt thửa thốt (30b-9)
A-Nan mắng (kmắng) lời ấy (8b-7)
Trong Phật thuyết còn một trường hợp nữa là móc được ghi:
木个 (cá + mộc) = kmóc > móc (14b-1)
Từ móc cả 2 thành tố đều nằm trên một mã chữ.
Ở một số văn bản khác cũng thấy cách dùng [km] để ghi như:
- Ghi muống + (cự + mộng) = kmuống > muống (rau muống), trong câu: Ao quan thả gửi hai bè muống (kmuống) (QÂTT, Trang 25a)
- Ghi mẽ + (cự + mỹ) = kmẽ > mẽ (giống như: dáng vẻ bề ngoài), trong câu: Làng kia mẽ (kmẽ) cảnh tiêu tương (QÂTT, trang 17a).
- Ghi mòng +(cự + mộng) = kmòng > mòng (chốc mòng), trong câu: Chốc mòng (kmòng) xin chờ mơ hề (Thiên Nam ngữ lục).
Trong bảng từ vựng của Nguyễn Tá Nhí [83] ở một số các văn bản đời Lê còn tồn tại cách ghi [km] như:
麻个 (cá + ma) = kmà > mà
買个 (cá + mãi) = kmái > mái
免个 (cá + miễn) = kmến > mến
免个 (cá + miễn ) = kmởn > mởn
蔑个 (cá + miệt) = kmệt > mệt
蔑个 (cá + miệt) = kmịt > mịt
某个 (cá + mỗ) = kmõ > mõ
媒个 (cá + môi) = kmối > mối
悶个 (cá + muộn) = kmuộn > muộn
末个 (cá + mạt) = kmượt > mượt
Cách ghi này có thể là lưu tích của cách ghi thời cổ còn lại trong chữ Nôm.
Ngoài các cách ghi [km] bằng 2 mã chữ tách rời, bằng 1 mã ghép 2 thành tố ghi âm, còn thấy trong văn bản Phật huyết cách ghi chỉ giữ lại thành tố thứ 2 (thành tố ghi âm tiết chính). Đó là cách ghi mắng bằng (mãng); xuất hiện 12 lần trong văn bản. (mãng) được tái lập = kmắng > mắng (nghe).
Trong Quốc âm thi tập, ngoài cách ghi muống bằng 夢巨 (cự + mộng) còn có cách ghi cũng chỉ giữ lại yếu tố thứ 2 là (mộng).
(mộng) tái lập = kmuống > muống, trong câu Ao cạn vớt bèo cấy muống (tr.25b)
Từ mòng cũng được ghi bằng cách giữ lại yếu tố thứ 2 (mộng).
(mộng) tái lập = kmòng > mòng (*), trong câu Cảnh cũ non quê nhặt chốc mòng (tr.19b).
- Cách ghi [kđ].
Trong Phật thuyết, dấu vết của tổ hợp phụ âm [kđ] còn thấy ở các trường hợp ghi nátđối:
个怛 (cá + đát) = kđát > nát (43a – 9)
对个 (cá + đối) = kdối > dối (41a – 7)
Trong một số các văn bản khác cũng có cách ghi sau:
Ghi dành bằng 亭巨 (cự + đình) = kđành > dành (QÂTT)
- dựng - 巨登 (cự + đặng) = kđựng > dựng (ĐVTS)
- dưới - 帶巨 (cự + đới) = kđưới > dưới (bia 144470)
Trong những tấm bia không tên ở núi Dục Thúy, Ninh Bình khắc năm 1343, đời Trần Dụ Tông [65] còn thấy ghi các địa danh là: 个低(Cá Đê), 个眈 (Cá Đam).
Trong bảng từ của Nguyễn Tá Nhí lấy tư liệu từ các bản giải âm được in vào đời Lê như: Gia lễ, Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngũ lục, Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, Sô nghiêu đối thoại và một số văn bản in vào đời Tây Sơn như Thi kinh giải âm, Chu địch giải nghĩa diễn ca. Tứ thư ước giải… còn giữ lại được dấu vết của các cách ghi cổ như sau:
Gia đầm bằng 覃个 (cá + đàm) = kđầm > đầm
- đẵng - 等个 (cá + đẳng) = kđẵng > đẵng
- đầy - 待个 (cá + đãi) = kđẫy > đẫy
- đùn - 屯个 (cá + đồn) = kđù > đùn
- đời - 代个 (cá + đại) = kđờ > đời
- Cách ghi [kn]
Văn bản Phật huyết có 3 trường hợp còn giữ lại cách ghi kn, đó là ghi các từ: no, nặng, nang.
Ghi no (là từ cổ, dịch chữ Hán thời, nghĩa là: lúc, khi) dưới 3 dạng chữ: 个奴,个奴,.
Dạng 个奴 (cá nô) = kno > no, viết dưới dạng 2 mã chữ tách rời, xuất hiện 4 lần, trong các ngữ cảnh:
Áng nạ lòng thực dấu tội qua ắt chẳng trật sự no (kno) (13b-3)
No (kno) mẹ chửa con trong mười tháng (17a – 5)
Trăm ngàn đòng bác một no (kno) xẻ tan ra (27a – 5)
Nhiều kiếp chịu khổ chẳng có no (kno) quạnh dừng (29b – 5)
Dạng 个奴 (cá + nô) = kno > no, viết dưới dạng ghép 2 thành tố ghi âm trên cùng một mã chữ, xuất hiện 1 lần (ở trang 16a – 7).
Dạng (nô) tái lập = kno > no. Dạng này chỉ giữ lại thành tố thứ 2, loại bỏ thành tố thứ nhất, xuất hiện 13 lần trong văn bản.
Ghi nặng bằng 巨囊 (cự + ½ nãng), viết dưới dạng ghép 2 thành tố ghi âm trên cùng một mã chữ, xuất hiện 1 lần trong câu:
Ấy mới thực trả được ơn nặng (knặng) áng nạ (30a – 5)
Tái lập (cự + ½ nãng) = knặng > nặng
Ghi nang (trong 尔 艮nể nang), viết dưới dạng ghép 2 thành tố ghi âm trên cùng một mã chữ, xuất hiện 1 lần trong câu:
Lòng nề nang (knang) trước mặt (42b – 1)
Tái lập 艮个 (cá + ½ nương) = knang > nang
Trong những tấm bia đời Trần ở núi Dục Thuý, Ninh Bình còn thấy hiện tượng ghi các địa danh và tên người bằng:
Đỗ Cá Ni(2)
Đỗ Cá Ni
Nam(3)
Trong bảng từ Nguyễn Tá Nhí còn thấy các văn bản có các cách ghi sau:
Ghi nải bằng 乃个 (cá + nãi) = knải > nải
- nưa - 那个 (cá + na) = knưa > Nưa (núi Nưa)
- nom - 南个 (cá + nam) = knom > nom
- nem - 念个 (cá + niệm) = knem > nem
Trong đây là những dấu vết về các cách ghi [kb], [km], [kđ], [kn] trong chữ Nôm văn bản Phật thuyết và ở các văn bản xuất hiện gần thời điểm với Phật thuyết.
Như vậy có hay không có sự tồn tại của các tổ hợp phụ âm này trong tiếng Việt ?
Theo Nguyễn Ngọc San(4) ở tiếng Tiền Việt Mường đã có một số âm tiết chuyển thành PNP (P = phụ âm đầu, N = nguyên âm, P = phụ âm cuối), chưa có thanh điệu trong khi phần lớn vẫn còn giữ dạng PPNP, tức là dạng điển hình của nó vẫn còn là:
P1 P2 N P3
Trong đó P1 tuyệt đại bộ phận là những âm tắc và những biến thể vang như: p, t, ch, k, đ, b, m, n,… và k là phổ biến hơn cả, P2 là một phụ âm bất kỳ.
Nguyễn Tài Cẩn(5) cũng cho rằng: ở thời Proto Việt Chứt, nếu các tổ hợp phụ âm được ghi là C1C2 (trong đó C2 là phụ âm của âm tiết chính) thì kết luận sẽ là:
C1 thường là phụ âm vô thanh, trong đó tần số xuất hiện cao là k,t,p,c.
C2 vì là âm đầu của âm tiết chính nên có thể là phụ âm bất kỳ.
Ta thấy ý kiến của hai nhà nghiên cứu trên đều thống nhất ở chỗ coi phụ âm thứ nhất có kk là phổ biến, còn phụ âm sau là một phụ âm bất kỳ. Như vậy, từ những kết quả nghiên cứu về những giai đoạn rất xa xưa của tiếng Việt, ta thấy rằng trong tiếng Việt có thể có những tổ hợp phụ âm đầu như: kb, km, kđ, kn. Những tổ hợp phụ âm này đã để lại dấu tích trong chữ Nôm.
Xu hướng phát triển của các tổ hợp phụ âm kb, km, kđ, kn tuân theo quy luật phát triển ngữ âm tiếng Việt.
- [kb] có thể có nguồn gốc từ kp, có thể phát triển theo những xu hướng sau:
Giữ lại P2 như trong các trường hợp: bẵm, bợ, bói, ba, bương, P1 dần bị loại bỏ.
Theo xu hướng sát hóa như thấy trong các trường hợp:
vâng (Đại Việt thông sử)
vua (Một số vấn đề về chữ Nôm)
vừa (Bảng từ Nguyễn Tá Nhí)
(………. - ………)
Dấu vết này còn tìm thấy trong tiếng tha Vừng:
Việt Tha Vừng
vảikpaas
vôi kpuul
Qua đó có thể thấy những lai nguyên của v hiện nay là p, b, kp, kb.
- Tổ hợp phụ âm [km] có thể đã có từ lâu và cũng có thể là kết quả của sự phát triển của kp, kb theo xu hướng mũi hóa. Nó cũng giữ lại P2 và loại bỏ P1 như trong các trường hợp:
muống, mắng, mòng
- Tổ hợp [kđ] có nhiều khả năng bắt nguồn từ [kt] nhưng đó là hiện tượng xẩy ra khá sớm. Theo các nhà nghiên cứu thì: ở trước thế kỷ X, /d/ và /t/ đã nhập thành /t/. Sau này /t/ lại biến đổi thành /d/ và đến thế kỷ XV thì /s/ lại biến đổi thành /t/ để lấp ô trống ở /t/ đã biến mất. Trong khi đó thì /kt/ cũng có thể để rụng yếu tố đầu như hiện tượng: 速个(cá + tốc) ghi tóc.
Qua các văn bản Nôm, tổ hợp phụ âm [kđ] cho thấy có các xu hướng:
* Giữ lại P2 như trong các trường hợp: 覃个 (đầm), 等个 (đẵng), 待个 (đẫy), 屯个 (đùn), 代个 (đời).
* Theo xu hướng xát hóa như trong các trường hợp: 亭个 (dành), 巨登 (dựng), 帶巨 (dưới),…
- Tổ hợp phụ âm [kn] có thể là kết quả của sự phát triển theo xu hướng mũi hóa của [kđ], trong văn bản có: > (no), 艮个 (nang), 巨囊 (nặng),…
Qua các tổ hợp phụ âm nêu trên ta nhận thấy ở đây có sự liên quan giữa các tổ hợp phụ âm [kb], [kđ] và [kn]. Ta thấy có sự tương quan giữa 2 quá trình song song của các cặp:
kb – km
kđ – kn
Ta giả định mối quan hệ này có thể được mô tả theo sơ đồ sau:
Kp----------kb----------b----------v
Km--------m----------m
Kt-----------kđ---------đ-----------d
Kn---------n------------n
Đây mới chỉ là những suy nghĩ ban đầu về các tổ hợp phụ âm kb, km, kđ, kn qua các dấu tích của chúng trong chữ Nôm. Chúng tôi hi vọng rằng cùng với các nguồn tư liệu khác, nguồn tư liệu từ chữ Nôm có thể góp phần làm rõ được bộ mặt của tiếng Việt ở giai đoạn thế kỷ XV về trước.
Chú thích:
1. Theo bảng thống kê của Nguyễn Tá Nhí Viện nghiên cứu Hán Nôm.
(*) Trường hợp này, yếu tố thứ nhất Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cho phải đọc là xa, ở đây sẽ là:
S (δ) năη > mắng. Theo Từ Nguyên, còn có âm là (cửu ngư thiết), chúng tôi chọn âm vì cho rằng đây là cách ghi yếu tố thứ nhất của tổ hợp phụ âm đầu [km]. Dùng âm cư của để ghi yếu tố thứ nhất của một số tổ hợp phụ âm đầu với [k*] khởi đầu đã từng thấy trong chữ Nôm, ví dụ trong [kl] thì [k*] được ghi bằng (cư), (cự), (cổ) như: (trái), 巨僚 (treo), 弄古 (trống), 略車 (trước),… (Quốc âm thi tập). Ngay cả trong Phật thuyết cũng thấy [k*] được ghi bằng (cá) như; (trăm), (trái), (trưa), (trẻ) và đặc biệt được ghi bằng 2 mã chữ như: (cá lung) = klông > trông. Từ trông trong Phật thuyết cũng được ghi bằng 2 mã chữ với (cư) ghi [k*] như 車籠 (cư lung) = klông > trông và dưới dạng 1 mã như 龍車(cư + long) = klông > trông. Chúng tôi thấy rằng [k*] đã được ghi bằng (cá), (cự), (cổ), (cự) đối với [kl] thì đối với [km] yếu tố thứ nhất [k*] cũng có thể được ghi bằng (cư) (xem thêm các ví dụ ở phần giới thiệu về tổ hợp phụ âm [km]).
(*)Âm kmòng chính là do áp lực của các âm [km] trong tiếng Việt vì mòng là từ hán (chốc mòng do từ chúc vọng (祝望) có nghĩa là: mong chờ, mong ngóng), chứng tỏ áp lực của [km] rất mạnh.
2. Bia không tên khắc năm 1343, đời Trần Dụ Tông.
3. Bia Thi tế bệnh điền bi, khắc năm 1385.
4. Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nxb. Giáo dục, 1993 - Nguyễn Ngọc San.
5. Ngữ âm lịch sử tiếng Việt (sơ thảo), Nxb. Giáo dục 1995 - Nguyễn Tài Cẩn.
Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.310-319)

Tuesday 15 May 2012

Chồng tách vợ ly là sao?


Đây không phải là chồng uống (cà phê hay trà) bằng tách, vợ uống (nước) bằng ly, mỗi người một phách. Cũng không phải là vợ chồng chia lìa nhau (tách ra, ly dị, ly hôn, ly biệt...). Chồng tách (do tiếng Anh technician) và vợ ly (do tiếng Anh assembly worker) là kiểu gia đình Việt Nam thường gặp ở Mỹ những năm 80. Kiểu gia đình này hiện nay không phổ biến như mấy mươi năm về trước nữa. Do đó nảy sinh các cách hiểu khác của chồng tách vợ ly trên cơ sở đồng âm từ vựng.

Monday 14 May 2012

Các cửa ô ở Hà Nội (Nguyễn Vinh Phúc)

CÁC CỬA Ô Ở HÀ NỘI
                                                                                    Nguyễn Vĩnh Phúc
 
 
Ô Cầu Dừa, Ô cầu Dền, Ô Quan Chưởng…
Đây hẳn là những “đặc sản” của Hà Nội, vì khắc các tỉnh thành nước ta chẳng nơi nào có các ô, các cửa ô. Nhất là các cửa ô đó lại đã từng đi vào sử sách. Ví dụ:
Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển XVII có đoạn chép: “Trịnh Tùng qua sông Tô lịch, đến cầu Nhân mục, đóng ở Gò Bán, chia tả quân một vạn đánh Cầu Dừa… hữu quân một vạn rưởi đánh Cầu Dền”… (Bản dịch của Viện sử học). Thượng kinh ký sự của Hải thượng Lãn Ông ở chương Vào phủ chúa có ghi: “Hôm sau quan văn thư theo đường bên tả qua Nhân Mục thẳng qua Hoàng Mai, theo Cầu Dền mà vào thành”. Sách Cổ tích và thắng cảnh thủ đô(bản dịch của Phan Võ) của Sở Bảo có viết về Ô quan Chưởng: “Ngày Pháp sinh sự đánh thành Hà Nội (20-11-1873) chúng đi qua cửa ô này. Viên chưởng cơ chỉ huy quân sĩ chống cự rất anh dũng và hy sinh tại đó. Vì vậy mới có tên gọi là Ô quan Chưởng”.
            Gần đây hơn, lại có một cửa ô đã chứng kiến tội ác của Thực dân Pháp khi chúng quay lại gây chiến năm 1946: tại ngã ba phố Hàng Bún hiện có tấm bia mang những dòng chữ: “khắc sâu căm thù thực dân xâm lược Pháp đã tàn sát đồng bào ta tại nơi đây ngày 17 tháng 12 năm 1946 mở đầu cuộc gây hấn của chúng ở Thủ đô Hà Nội”. Ngã ba đó chính là cửa Ô Thạch Khối ngày xưa. Vào mùa hè năm 1967, hai tên giặc lái Mỹ từ hai máy bay bị quân dân Hà Nội bắn tan đã rơi xuống chỗ ngôi nhà 71 phố Thụy Khuê, thì đấy cũng lại là cửa ô Thụy Chương đời trước.
            Còn như trong thơ ca văn nhạc thì các cửa ô nghiễm nhiên đã trở thành hình ảnh có tượng trưng cho Hà Nội từ lâu rồi. Vậy ô là gì? Cửa ô là gì? Tại sao lại có các cửa ô? và có từ bao giờ?.
 Dưới đây xin trình bày lần lượt về các vấn đề trên.
            Thực ra ngay bản thân cái danh từ “Ô” cũng đã là vấn đề hóc búa! Ô là tiếng Nôm hay tiếng Hán Việt? - trong tất cả những tiếng Hán Việt đọc là “ô” đều không có nghĩa nào phù hợp với thực tế các cửa ô nói trong sách cũ cũng như cửa ô Quan Chưởng còn sót lại kia. Tuy rằng các sách chữ Hán của ta có dùng chữ “ô môn” nhưng thực ra dịch ra đó là dịch chữ “cửa ô” chứ không phải là danh từ vốn có của từ vựng Hán Việt.
            Trong tiếng Nôm thì chữ ‘ô” có nhiều nghĩa. Nhưng xét ra chỉ có cái nghĩa ngăn là có phần phù hợp. Một ô là một ngăn. Ta vẫn thường nói “ô trầu”, “ô thuốc”… Phải chăng là vì các cửa này có những ô, những ngăn ở hai bên cửa chính (như cửa ô quan Chưởng) nên gọi chung là các cửa ô? (Hoặc có thể hiểu một cách đơn giản hơn là cửa có nhiều ô?). Vấn đề này cần nghiên cứu thêm về ngữ ngôn. Có điều đáng chú ý là từ vựng Hán Việt có chữ “ổ” hình như liên quan đến tiếng “ô”. Có thể tiếng nôm “ô” là do tiếng Hán - Việt “ổ” đọc chệch đi chăng?. Vì trong Từ nguyêntập sửu bộ Thổ trang 348 có chữ “ổ” với nghĩa là : “Ụ chắn nhỏ”. Ngoài các thôn xóm đắp đất làm ụ đề phòng giữ, gọi là ổ. Hậu Hán thư chép: Đổng Trác đắp ụ ở Mi, gọi là Vạn tuế ổ”.
            Kể ra cái cửa ô Quan Chưởng kia không phải là “Ụ chắn nhỏ” nhưng thực tế thì rõ là một công trình có ý nghĩa phòng giữ. Kiến trúc cửa ô đó có khác nào một cổng thành: tường khá dày, ba ô cửa xưa kia hẳn còn có cánh cửa khép mở, trên ô chính giữa có vọng lâu để nhìn xa, nhìn bao quát, phát huy tính năng của điểm cao. Xưa kia tại các cửa ô thường xuyên có lính gác, vì hiện nay ở cửa ô Quan Chưởng trên tường cửa chính còn có gắn một tấm bia đá niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1882), ghi lệnh của ông Tổng đốc Hoàng Diệu cấm người canh cửa không được sách nhiễu dân khi đưa đám ma qua ô. Thời Lê Mạt cũng có lính gác các cửa ô. Hải Thượng Lãn Ông trong Thượng kinh ký sự có kể lại quang cảnh của ô Cầu Dền: …“thấy một thành đất, không cao lắm, cạnh có tường. Trên thành là đường xe ngựa đi. Ngoài là hàng rào tre. Dưới chân là hào sâu, có thả đầy chông. Thành có 3 vọng canh, nơi nào cũng có lính sắp hàng gươm dao sáng quắc”. Rõ ràng là các cửa ô có công dụng như các cổng thành, điều đó không nghi ngờ gì nữa. Có điều chúng thuộc về tòa thành nào? Có từ bao giờ?.
            Về câu hỏi thứ nhất, căn cứ vào hai bản đồ tỉnh thành Hà Nội dựng năm 1831 và 1866 - mà ông Trần Huy Bá vẽ lại, đem in trong Lịch sử thủ đô Hà Nội chúng ta có thể giải đáp dễ dàng. Đó là một tòa thành đất (gọi là lũy đất cũng được) có bốn mặt như sau: mặt phía Đông gần chung với đê sông Hồng, từ dốc Yên Phụ đến ngã ba đường Nguyễn Khoái - Lãng Yên, dài khoảng 6.000m. Mặt Nam thì tiếp đó, thành chạy sang ô Đông Mác rồi nối theo con đê lần lượt mang các tên đường Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, La thành, tới ngã ba Giảng Võ dài khoảng 5.000m. Từ ngã ba này thành chạy ngược theo đường Giảng Võ, qua bến ô tô Kim Mã, vượt đường Nguyễn Thái Học ra phố Ngọc Hà, chạy bao quanh phía sau núi Sưa (mà lâu nay thường gọi lầm là núi Khán) tới đầu dốc Hoàng Hoa Thám, dài khoảng 3.000m. Đó là mặt Tây. Còn mặt Bắc thì lại tiếp đấy chạy ngược đường Hoàng Hoa Thám ra đền Quan Thánh, noi theo đường Thanh niên để trở lại dốc Yên Phụ, dài khoảng 2.000m. Tổng cộng chu vi thành này là khoảng 16km.
            Trước đây nhiều người cho đó là thành Đại La của Cao Biền, đắp hồi thế kỷ thứ 9 (như các tác giả Bắc thành địa dư chí, C.Madrolle trong Bắc Đông Dương chỉ nam (Indochine du North - Guide), Nguyễn Bá Chính trong Hà Nội chỉ nam)).
            Ngày nay, tuy tập Lịch sử thủ đô Hà Nội của Viện sử học cũng như các báo đăng rải rác trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (các số 9, 14, 15, 17, 68, 85, 91) đã bước đầu xác định vị trí thành Đại La nhưng trong thực tế, vẫn có đoạn đường mang tên là Đường La thành nên vẫn có thể gây ra sự hiểu nhầm, vẫn có thể có người xem toà thành đất bên trên là thành Đại La. Đến đây, xin phép nhắc lại những tòa thành cũ ở Hà Nội xưa mà sử gọi là La Thành, thành Đại La, thành Thăng Long… Thành Thăng Long đời Nguyễn thì nay ai cũng nhận ra được, nó gần trùng với những con đường Lý Nam Đế (Đông), Phan Đình Phùng (Bắc), Hùng Vương (Tây), Trần Phú (Nam). Bắc thành địa dư chí tờ 1a chép: “Năm Gia Long thứ 4 (1805) sai đắp thành chu vi 1958 tầm 2 thước 5 tấc” (một tầm bằng 8 thước, một thước khoảng 0m40). Vậy thành Thăng Long nhà Nguyễn chu vi khoảng 6.300m. Thành này lại không xê xích gì lắm so với thành Thăng Long thời Lê, vì hành cung của thời Nguyễn xây trên nền điện Kính thiên của thành nhà Lê (điện này cũng như hành cung đều phải xây ở vị trí trung tâm thành). Thành nhà Lê so với thành nhà Lý lại cũng không khác nhau, vì điện Kính thiên của nhà Lê lại xây trên nền đài chính điện của thành nhà Lý vốn là núi Nùng (Nùng sơn chính điện). Vậy mà khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long (khi đó còn gọi là thành Đại La) thì ông cũng không xây thành mới mà dùng luôn thành Đại La của Cao Biền làm Hoàng thành. Thành Cao Biền này dù tính cả đê bọc bên ngoài cũng chỉ khoảng 6.500m là cùng (2125 trượng, mỗi trượng khoảng 3m10) nghĩa là cũng khoảng như thành nhà Nguyễn sau này đó thôi[1]. Vậy tòa thành đất nói ở bên trên kia với 16km chu vi rõ ràng không phải là Đại La thành của Cao Biền. Nó ra đời muộn hơn nhiều. Có lẽ từ đời Lý. Vì Cương mục, chính biên II, có ghi về năm 1014 như sau: “Đắp thành đất ở Thăng Long. Bốn bề xung quanh ngoài kinh thành đều sai đắp thành đất”. Nói là có lẽ, vì lời chép trên không chỉ định cụ thể vị trí và quy mô tòa thành ấy. Có thể hiểu đó là thành lũy ở vòng phía ngoài rộng hơn nữa, từ Nhật Tân qua Bưởi - Cầu Giấy - Ngã Tư sở - Ngã Tư Vọng - Ngã tư Trung hiền tới đê Vĩnh tuy mà nay vẫn còn là đường đi (trước kia Pháp gọi là Route Circulaire). Phải đợi đến thế kỷ 16 vấn đề mới rõ. Sử Toàn thư,Q.XVII có đoạn: “Mậu tý (1588) tháng 2, họ Mạc thấy quan quân (nhà Lê Trung hưng) ngày một mạnh, bèn bàn kế giữ (kinh đô). Hạ lệnh cho binh dân các huyện trong bốn trấn đắp thêm 3 lần lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật chiêu vượt qua Hồ Tây, qua Cầu Dừa, qua Cầu Dền, đến Thanh trì, cao hơn thành Thăng Long vài trượng, rộng 25 trượng đào 3 lần hào, đều trồng tre, dài mấy mươi dặm bọc lấy ngoại thành”. Hồ Tây - Cầu Dừa - Cầu Dền - Thanh Trì, rõ là khớp với tòa thành đất còn thấy vẽ trong bản đồ năm 1831 nói ở bên trên. Như thế là ở bên ngoài tòa thành xây bằng gạch - là nơi ở của vua, hoàng gia và triều đình mà đoạn sử trên kia gọi bằng hai tên lẫn lộn là thành Đại La và thành Thăng Long - thì vua Mạc đã sai đắp một tòa thành ở bên ngoài có 3 lần lũy bằng đất, để che chở cho kinh thành Thăng Long (gần Hoàng thành và khu dân cư 36 phố phường). Và vậy thì rõ ràng là để kinh thành có thể thông với bên ngoài tất phải xẻ ra nhiều cửa. Cho nên vào năm 1592, khi Trịnh Tùng kéo quân ra đánh Thăng Long mới có việc vua Mạc cắt bọn Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn “đem quân bốn vệ giữ Cửa Cầu Dừa, qua Cửa Cầu Muống, thẳng đến cửa Cầu Dền” (Toàn thư, Q.XVII).
            Điều đáng lưu ý là tuy có cửa nhưng chưa gọi là cửa ô. Phải đợi trăm rưởi năm sau danh từ này mới xuất hiện. Số là sau khi hạ được thành Thăng Long, trước khi rút về Thanh Hóa, Trịnh Tùng đã theo lời khuyên của hàng tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện, ra lệnh san phẳng tòa thành ngoài nọ (thực ra như vậy là Trịnh Tùng đã mắc mưu Nguyễn Quyện). Non trăm rưởi năm sau, cháu sáu đời của Trịnh Tùng là Doanh lại phải làm lại cái việc của nhà Mạc. Sử Cương mục, chính biên XL, có ghi ý kiến của Trịng Doanh khi y bảo quần thần: “Kinh sư là cội gốc của nước, cung miếu của triều đường, dinh thự của trăm quan đều ở đấy; thế mà đường ngõ bốn mặt đi lại thông thống, thành lũy không thể trông cậy… “Doanh đã hạ lệnh đắp lại thành đất bao quanh kinh thành, đặt tên là Đại độ. Cương mụcghi tiếp: “Khi đắp xong, mở 8 cửa, mỗi cửa đặt hai ô tả và hữu, phân phối binh lính canh giữ…”. Việc này xảy ra năm 1749. Có lẽ danh từ cửa ô ra đời từ đây. Và như vậy tới giữa thế kỷ 18, Hà Nội có 8 cửa ô. Hình thù của chúng chắc không khác cửa ô Quan Chưởng còn lại đến ngày nay là mấy với cấu trúc “mỗi cửa đặt hai ô tả và hữu”. Có điều 8 cửa đó tên là gì và ở vào những chỗ nào so với bây giờ thì không rõ. Tuy nhiên đoạn sử trích lại ở trên cũng lưu lại ba tên: cửa Cầu Dừa, cửa cầu Muống, cửa Cầu Dền. Cầu Muống nằm ở giữa. Vậy mà hiện nay giữa Cầu Dền và Cầu Dừa là cửa ô Đồng Lầm (tên chữ Hán là Kim Liên, giáp giới làng Trung Phụng). Như vậy, cửa Cầu Muống ứng với cửa Đồng Lầm nay[2]. Vậy tòa thành đất vẽ trong bản đồ năm 1831 rõ ràng là thành cũ đắp từ đời Trịnh Doanh còn sót lại. Vì từ năm đắp thành (1749) đến năm dựng bản đồ (1831) trong sử không hề có ghi việc phá thành cũ hoặc đắp thành mới (Những việc này ngày xưa rất hệ trọng nên nếu có sử phải chép). Vả lại Đại Nam nhất thống chí,quyển Hà Nội còn chép rành rành: “Thành Đại La: Trương Bá Nghi đắp đời Đường Đại Hữu, sau Triệu Xương đắp thêm. Đời Đường Ý Tông Cao Biền đắp thêm, quanh co 1982 trượng, có 55 vọng lâu, 6 cửa tò vò, lâu năm đổ lở, không rõ ở chỗ nào. Nay phía ngoài tỉnh thành (Hà Nội) có lũy tre bao bọc bốn mặt hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, có 12 cửa ô là xây đắp năm Cảnh Hưng thứ 10 chính là năm 1749. Chỉ khác một điều là tới năm 1831 thì thành đất đã mở ra tới 16 cửa ô, chứ không phải chỉ 8 cửa như Cương mục chép hoặc 12 cửa như Nhất thống chíchép[3].
            Một vấn đề cuối cùng: Hà Nội thực ra có bao nhiêu cửa ô? Giữa ô và cửa ô có gì khác nhau?.
            Nói “ô” (như ô Yên Phụ, ô Đống Mác) là nói tắt, thực ra phải nói cửa ô. Ví như nói ô Yên Phụ, ô Đồng Lầm là để chỉ những cửa ô xây ở làng Yên Phụ và làng Đồng Lầm. Hoặc nói ô Cầu Dền, hoặc Cầu Dừa là để chỉ các cửa ô xây ở cạnh Cầu Dền cạnh chợ Dừa (hoặc Cầu Dừa, cái cầu ở bên chợ, bắc ngang sông Kim Ngưu cũ).
            Hà Nội có bao nhiêu cửa ô?. Lời đáp không đơn giản vì số cửa ô tùy thuộc từng thời kỳ lịch sử. Đành rằng nhiều nhà văn nhà thơ cho Hà Nội có 5 cửa ô (ví dụ tập Hà Nội thơ in năm 1968 chẳng hạn: “khói đạn trắng trời năm cửa ô” (trang 35); “Những ngày vít giặc năm cửa ô” (trang 103). Nhưng đó là chuyện văn học, chuyện hư cấu. Bên trên đã nêu là vào năm 1749 Hà Nội có 8 cửa ô (hoặc 12 cửa ô) và có hai cửa còn lưu tên đến ngày nay; Cầu Dên, Cầu Dừa. Sau đó sách Bắc thành địa dư chí (tờ 3a) soạn vào những năm đầu thế kỷ XIX cho biết là Hà Nội có 21 cửa ô. Song cách này lại không kể đủ tên các ô đó. Phải đợi đến năm 1831 thì mới được ghi chép cụ thể. Trong bản đồ dựng năm này có ghi lại vị trí và tên gọi của 16 cửa ô. Đó là ô Yên Hoa nay là chỗ ngã ba đê Yên Phụ - đường Thanh Niên; ô Yên Tĩnh nay là chỗ ngã ba đê Yên Phụ - Cửa Bắc; ô Thạch Khối ở đầu dốc Yên Ninh; ô Phúc Lâm ở đầu phố Hàng Đậu; ô Đông Hà nay quen gọi là Ô Quan Chưởng; Ô Trừng Thanh ở đầu phố Hàng Chĩnh; Ô Mỹ Lộc ở vào ngã tư Hàng Mắm - Hàng Muối; ô Đông Yên nay là ngã tư Hàng Tre - Hàng Thùng; ô Tây Luông nay là khu Nhà hát lớn; ôNhân Hòa ở trước cửa viện Quân y 108 đường Trần Hưng Đạo; Ô Thanh Long nay quen gọi là ô Đông Mác, ô Yên Ninh tức là Ô Cầu Dền; Ô Kim Hoa tức Ô Đồng lầm, ở gần Ngã tư Đại Cồ Việt - Kim Liên; Ô Thịnh Quang tức là ô Chợ Dừa nay; ô Thanh Bảo nay ở vào khoảng bến ô tô Kim Mã và ô Thụy Chương nay ở vào khoảng đầu phố Thụy Khuê trên bờ Hồ Tây.
            Như vậy là vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XIX, Hà Nội có 16 cửa ô như đã nêu trên.
            Nhưng đến năm 1866 thì thấy mất một cửa ô. Vì xem bản đồ Hà Nội dựng năm 1866 không còn cửa ô Nhân Hòa nữa. Và điều đáng chú ý là nhiều cửa ô đã mang tên mới: Yên Hòa thành Yên Phụ, Yên Tĩnh thành Yên Định, Thạch Khối thành Nghĩa Lập, Phúc Lâm thành Tiền Trung, Tây Luôngthành Trường Long, Thanh Lãng thành Lãng Yên, Yên Ninh thành Thịnh Yên, Kim Hoa thành Kim Liên, Thịnh Quang thành Thịnh Hào. Chín cửa ô đã đổi tên!. Và chỉ trong có ba chục năm! Nhưng không chỉ có thế, sự thay đổi ấy lại vẫn tiếp tục diễn ra, vì một bài vè xuất hiện sau đó mười lăm năm có những câu sau:
Mười năm ô đứng đường đường:
Yên Ninh,Yên Phụ, Thụy Chương một bề
Tiền Trung, Nghĩa Lập gần kề
Thanh Hà, Ưu Nghĩa dưới là Đông Yên
Cựu Lâu, Mỹ Lộc, Lương Yên
Thịnh Yên, Thanh Bảo, Kim Liên, Thịnh Hào[4].
            Vẫn 15 cửa, nhưng Yên Định lại đã thành ra Yên Ninh, Đông Hà thành Thanh Hà, Trừng Thanh thành Ưu Nghĩa, Trường Long thành Cựu Lâu và Lãng Yên thành Lương Yên. Có sự đổi thay như vậy là do chính các làng có cửa ô đã bị đổi tên. Có lẽ vì hay thay đổi sinh ra khó nhớ, lại dễ lẫn nên nhân dân cứ gọi theo thói tục là ô Hàng Đậu, ô Hàng Mắm, ô Quan Chưởng, ô Cầu Dền, ô Đống Mác… (về cửa ô này, có thuyết giải thích là ở đó, vào một thời xưa, có nhiều gò đống dáo mác hư hỏng nên nhân đó thành tên; có thuyết lại bảo là do chữ Ông Mạc đọc chệch ra. Cũng có thể, vì Toàn thư, Bản kỷ, quyển XVIII có chép: Tháng 11 năm Canh Tý (1600) Trịnh Tùng sai làm cầu phao qua sông Cái ở bến Ông Mạc. Phải chăng thời đó Lương Yên có tên là Ông Mạc?).
            Một điều đáng chú ý nữa là phần lớn cửa ô đều tập trung ở mặt Đông: 11 cửa, trong khi mặt Tây có 2 cửa, và mặt Nam có 3 cửa thôi. Đó là vì mặt Đông thông ra sông Hồng, là nơi tụ hội buôn bán đông đúc. Đặc biệt các làng, các phường ở mặt này đều buôn bán những mặt hàng hoặc gắn với sông nước, hoặc cồng kềnh chỉ có thể chuyên chỏ bằng thuyền bè: chiếu từ Ninh Bình, Thái Bình ra, muối từ Nam Định lên, mắm cá mắm tôm từ Thanh Nghệ tới,tre gỗ từ rừng về xuôi, đồ sành chum chĩnh từ Móng Cái, Thổ Hà…theo các triền sông mà đến và buồm cho mọi thuyền bè.
            Nhưng bên cạnh lý do kinh tế nói trên, mặt Đông với nhiều cửa ô như thế còn có một tầm quan trọng về quân sự. Hẳn rằng khi cho xẻ nhiều cửa ở mặt này, những người thiết kế thành lũy hồi xưa đã không quên các cuộc tấn công thành Thăng Long đều từ phía sông Hồng tràn vào mặt đông kinh thành. Một tòa thành, ở mặt xung yếu, có nhiều cửa thì lợi cả thế công lẫn thế thủ. Công thì có thể bất ngờ xuất quân cùng một lúc bằng nhiều cửa, đánh địch bằng nhiều lối, gây rối loạn cho bên địch. Mà thủ thì sách “Binh Thư yếu lược” mục Giữ thành (trang 273, bản dịch của Viện sử học) có viết rằng: “cách giữ thành chẳng những mở các cổng to, mà ở khoảng giữa hai cửa mở hai, ba cửa nữa cả quanh thành có vài mươi cửa, mỗi cửa đều cho chở thổ mộc từ trong thành ra ngoài, lấp hào làm đường cho quân ta ra vào không trở ngại…”. Ấy là chưa kể do có nhiều cửa thì việc thông tin liên lạc trong và ngoài tất là dễ dàng và thuận tiện hơn.
            Một chi tiết nữa cũng cần phải giải quyết: Vậy còn ô Cầu Giấy, thuộc về thành lũy nào mà chưa thấy nói tới? Chúng tôi cho rằng ô Cầu Giấy cũng vẫn ở tòa thành đất mà ta đang nói tới. Nó chính là cửa ô Thanh Bảo, tức là vào chỗ bến ô tô Kim Mã trên đường Nguyễn Thái Học bây giờ. ít lâu nay, ta vẫn lẫn lộn Cầu Giấy và Ô Cầu Giấy. Trước đây năm sáu chục năm người Hà Nội phân biệt hai địa điểm này rất rõ rệt. Chứng cứ: sách “Hà Nội chỉ nam” của Nguyễn Bá Chính, soạn năm 1923 (Trung Hoa xuất bản) ở trang 131 trong khi chỉ dẫn con đường đi Cầu Giấy có viết :”…xe điện đi khỏi Giám độ 600 thước Tây, khỏi ô Cầu giấy (ô Cầu Giấy và Cầu Giấy khác; đến ô Cầu Giấy rồi còn xa mới đến Cầu giấy) phía cạnh đường có mộ vua Phùng Hưng”… Giám nói trong đoạn văn nói trên là Văn Miếu ngày nay. Đi qua Văn Miếu 600m, qua Ô Cầu giấy là tới mộ Phùng Hưng. Vậy Ô cầu giấy đúng là bến ô tô Kim Mã ngày nay, tức là ô Thanh Bảo ở trên bản đồ năm 1831.
           
(Bài in trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 160 (1/1975), tr.60-65)


[1] Đây nói là thành Thăng Long với tư cách là thành nội và thành cấm. Vì ngoài thành nội, thành cấm này, các vua Lý và tiếp đó các vua Trần có phát triển quy mô Hoàng thành về phía Tây và di tích còn lại ngày nay là các lũy, các đê lần lượt mang tên Hoàng Hoa Thám, đê Bưởi - Cầu Giấy, đường Kim Mã.
[2] Ca dao cổ Hà Nội có câu:
                        Trên trời có cái cầu vồng
            Kẻ Chợ có Cầu Muống, Cầu Đông, Cầu Dền…
Ngày nay nhân dân ở làng Kim Liên còn cho biết cái cầu ở chỗ Ngã tư Đại Cồ Việt - Kim Liên trên đường Quốc lộ số 1 vốn xưa là cầu gỗ bắc qua sông Kim Ngưu và có tên là Cầu Muống, cũng như xứ đồng ở nơi này vẫn còn gọi tên là xứ Cầu Muống.
[3]Ô Quan Chưởng cứ tên khắc trên nóc cửa là “Đông Hà môn”. Cách giải thích của ông Sở Bảo về cái tên “Quan Chưởng”, ở phần đầu bài này có nói đến. Trần Huy Bá có đưa ra một cách giải thích khác: Khi xây cửa ô có một khách thương họ Quan tên Chưởng đã bỏ ra nhiều tiền ủng hộ, do đó dân phố tưởng lệ bằng cách ghép tên vào cửa ô (Báo Tổ Quốc, số 12 năm 1963). Về thời gian ra đời của cửa ô này, tấm bia ở đình Thanh Hà (nay mang số 10 phố Ngõ Gạch) dựng năm 1855 do Bùi Tú Lĩnh soạn có cho biết: “Nguyên xưa đình thờ thần xây ở đầu thôn, đến năm Gia Long Đinh Sửu (1817) mở làm cửa ô, ngôi đình thượng bị rỡ để mở đường, nên hương lão mới mời thày xem đất dời đến phía tả La thành …”.
Như vậy thì cửa Ô Quan chưởng này xây năm 1817 và ở vào chỗ đình làng Thanh Hà xưa. Điều nay khẳng định thêm một sự thật là từ lần đắp thành đất năm 1749 đến khi có bản đồ có cự mở mang thêm các cửa ô.
[4] Trích bài 17 trong Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản, 1971.