Monday 23 July 2012

Từ nguyên của «bù nhìn» (An Chi Huệ Thiên)

by An Chi on Saturday, June 30, 2012 at 5:20am ·
                                                                                                                      Huệ Thiên

Ngày nay, chẳng ai lại có thể tin rằng bù nhìn là do «Bố Nhiên» (tên của một ông lão gác ruộng dưa) mà ra như Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã chú giải trong Nam thi hợp tuyển. Không kém phần hồn nhiên và tự nhiên là ý kiến trong quyển Ngữ pháp tiếng Việt, «biên soạn dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam»[1], cho rằng bù nhìn là gốc ở một phương ngữ của Trung Quốc giống như mạt chược, xì dầu và ca la thầu.
Tỏ ra khoa học hơn là ý kiến sau đây của Lê Trung Hoa: «Trong từ điển của A. de Rhodes có ba dạng: bồ nhin, bồ din và mồ dìn, đồng nghĩa với bù nhìnBồ hay , theo Đỗ Hữu Châu trong Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, có nghĩa là «con» (bồ cóc: con cóc). Bồ cũng được đọc bù, mồ, mù. Ở thế kỷ XVII những từ nhân (người) còn đọc và viết nhin (...) Vậy bồ nhìn vốn có nghĩa là «con người» vì hình dạng con bồ nhìn là hình dạng con người. Còn nhin biến thành nhìn là do thanh huyền của từ bồ đã đồng hóa thanh ngang của từ nhin»[2].
Rất tiếc rằng lập luận trên đây không thể đứng vững được. Trước nhất, xin nói về tiếng bồ. Lê Trung Hoa đã cả tin mà nói theo Đỗ Hữu Châu rằng bồ có nghĩa là «con». Thực ra, sau khi nêu lên một số thí dụ trong đó có bù nhìn, bồ các và bồ hóng, tác giả này chỉ viết một cách ngắn ngủi và đơn giản như sau: « hoặc bồ có nghĩa là con (bồ cóc: con cóc)»[3] mà không hề chứng minh hoặc biện luận. Một kết luận «chay» như thế không thể được xem là có căn cứ. Huống chi bồ trong bồ cóc lại là một hình vị tiếng Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 鳧 mà âm Hán Việt hiện đại là phù, có nghĩa là con le le. Tiếng Việt đã từng mượn nguyên vẹn cái cấu trúc phù ông 鳧翁, có nghĩa là con le le trống, và đã đọc thành bồ ông để chỉ một giống «chim có mỏ dài», như đã được ghi và được giảng trong Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh của A. de Rhodes. Phù bồ là một hiện tượng hoàn toàn bình thường (so sánh: phù công anh = bồ công anh hoặc bồ công đinh) đối với ngữ âm học lịch sử về các yếu tố Việt gốc Hán. Hình vị bồ đã đi vào tiếng Việt rồi trở thành một hình vị chỉ chủng loại (générique) như có thể thấy trong: bồ chao, bồ các, bồ cắt, bồ câu, bồ cóc, bồ nông (và bồ ông). Vậy không thể nói một cách võ đoán như Đỗ Hữu Châu rằng bồ có nghĩa là «con» một cách chung chung được vì đó phải và chỉ có thể là con... chim mà thôi. Lê Trung Hoa đã dựa vào Đỗ Hữu Châu mà đánh đồng người với... chim thì oan cho người đấy. Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai, Lê Trung Hoa nói rằng «bồ cũng còn được đọc bù, mồ, mù» nhưng rất tiếc rằng người ta chẳng bao giờ nói «mù chao», «mù cắt», «mù câu», «mù nông»,... Lý do rất đơn giản: bồ trong các cấu trúc chỉ chim trên đây không đồng nhất với bồ trong bồ nhìn. Chỉ có hình vị sau cùng này mới có các biến thể bù, mồ, mù.
Thứ ba, với cách giải thích của mình (bồ nhìn = con người), Lê Trung Hoa đã mặc nhận rằng nhìn là một hình vị độc lập. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự thật: trong lịch sử tiếng Việt, nhìn > nhin > nhân bao giờ cũng là một hình vị ràng buộc.
Thứ tư, Lê Trung Hoa cho rằng nhin trong bồ nhin biến thành nhìn trong bồ nhìn là do «thanh huyền của từ bồ đã đồng hóa thanh ngang của từ nhin». Điều này cũng trái ngược với kết quả của ngữ âm học lịch sử về các yếu tố Việt gốc Hán: trong mối quan hệ có tính chất nguồn gốc giữa thanh 2 với thanh 1 thì thanh 2 bao giờ cũng xưa hơn. Thí dụ: – dùng trong duyên dùng (của phương ngữ Nam bộ) xưa hơn dung 容 trong dung mạo; – dầm trong mưa dầm xưa hơn dâm trong dâm vũ; – liều trong liều lĩnh xưa hơn liêu 聊 trong liêu thả, v.v... Vì vậy mà bồ nhìn phải có trước bồ nhin. Thì làm sao có chuyện «thanh huyền của bồ đồng hóa thanh ngang của nhin »?
Vì bốn điểm trên đây nên chúng tôi mới nói rằng lập luận của Lê Trung Hoa không thể đứng vững được. Ngoài cách giải thích của tác giả này, trước đây, N. V. Xtankêvich đã có đưa ra một cách giải thích rất đáng chú ý. Bà đã viết như sau: «Hiện nay, ít ai nghĩ đến việc liên hệ nhìn trong bù nhìn (...) với động từ nhìn (như trong mắt nhìn) vì ai cũng nghĩ đơn giản rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên về mặt ngữ âm. Thật ra đây vốn không phải là hiện tượng thuần túy đồng âm đâu. Theo ông Nguyễn Bạt Tụy cho biết, ở ngôn ngữ dân tộc ít người còn có thể tìm được cứ liệu cho thấy rõ  có nghĩa làtrông nhìn (...) và bù nhìn (...) vốn là kết cấu gồm hai yếu tố đồng nghĩa đẳng lập với nhau. Như vậy nhìn trong bù nhìn (...) vốn đúng là động từ với nghĩa như trong mắt nhìn (...). Sở dĩ người ta không dễ dàng nghĩ đến điều đó chỉ là vì chúng được đặt vào trong những kết cấu có ý nghĩa đã chuyển đi xa, mà việc chuyển nghĩa đi xa trong quá trình kết hợp với yếu tố khác là một hiện tượng không lạ lùng gì đối với ngôn ngữ học»[4].
Hoàn toàn đồng ý với N. V. Xtankêvich rằng «việc chuyển nghĩa đi xa trong quá trình kết hợp với yếu tố khác là một hiện tượng không lạ lùng gì đối với ngôn ngữ học», chúng tôi vẫn không cho rằng cách lý giải của bà về nguồn gốc của danh từ bù nhìn là thỏa đáng. Lý do của chúng tôi như sau:
Một là tất cả những quyển từ điển tiếng Việt quen thuộc đều giảng đại ý rằng bù nhìn là «vật hình người» – điều này tất nhiên là hoàn toàn đúng – cho nên liên hệ yếu tố nhìn, tiền thân của nhin, rồi của nhân, với cái nghĩa «người» thì hợp lý hơn là nói rằng nhìn là một hoạt động liên quan đến thị giác.
Hai là dựa vào , một yếu tố đã mất nghĩa – hoặc cũng có thể chỉ là kết quả của biện pháp âm tiết hóa yếu tố thứ nhất của một tổ hợp phụ âm đầu – để luận ra nghĩa của nhìn, một yếu tố chưa biết nghĩa, thì có sợ là đã làm một chuyện nghịch lý hay không?
Ba là, huống chi, nếu nhìn có quả là một động từ chỉ hoạt động của mắt, thì bù cũng không nhất thiết có nghĩa là «trông nhìn» như Nguyễn Bạt Tụy đã phát hiện. Nghĩa của nó hoàn toàn có thể là ngược lại: biết rằng bù nhìn cũng nói thành mù nhìn, vậy  có thể =  = mất khả năng nhìn. Có lẽ cũng do một sự liên hệ như thế mà người ta đã có câu đối (xuất) Thằng mù nhìn thằng mù nhìn, thằng mù nhìn không nhìn thằng mù chăng? Xét theo lý thì cách giải thích này và cách giải thích kia đều có giá trị ngang nhau.
Bốn là, huống chi, hoàn toàn không nhất thiết hễ trong ngôn ngữ của một dân tộc ít người nào đó ở Việt Nam (hoặc Đông Dương) có một từ có nghĩa là «nhìn» mà lại có dáng dấp ngữ âm từa tựa như  thì  trong bù nhìn tất nhiên phải có nghĩa là «nhìn». Lý do rất đơn giản: muốn khẳng định như thế, thì ít nhất và trước nhất, phải chứng minh được rằng trong quá khứ xa xôi, giữa tiếng Việt và ngôn ngữ hữu quan đã chắc chắn có một cội nguồn chung mà lại là trực hệ chứ cũng không phải bàng hệ. Mà ngay cả nếu có chứng minh được lối liên quan trực hệ thì cái động từ có nghĩa là «nhìn» trong tiếng Việt và thứ tiếng kia cũng không nhất thiết phải là những từ cùng gốc. Vậy dựa vào tiếng nói của một dân tộc ít người nào đó để luận ra rằng  trong bù nhìn có nghĩa là «trông nhìn», là đã làm một việc mạo hiểm.
Năm là đứng về cấu tạo từ trong tiếng Việt mà xét thì cái kiểu dùng một cấu trúc đẳng lập gồm hai động từ vốn có nghĩa là «trông nhìn» để tạo ra một danh từ chỉ thằng bù nhìn là một kiểu cấu tạo hoàn toàn lạ lẫm. Đây là chuyện rất khó tin.
Tóm lại, cách giải thích của Lê Trung Hoa và cách giải thích của N. V. Xtankêvich là không thỏa đáng. Về phần mình, chúng tôi xin đưa ra các nguyên từ (etymon) sau đây cho từ nguyên của từ bù nhìn.
1. Trước nhất, một thân hữu có thông báo cho chúng tôi rằng đó là bồ nhân 蒲人, nghĩa là cái hình nhân kết bằng cỏ bồ. Đây rõ ràng là một nguyên mẫu lý tưởng rất đẹp cho từ bù nhìn. Cá nhân chúng tôi cũng đã ấp ủ cái ý tưởng ấy. Thằng bù nhìn là một thằng người giả kết bằng cỏ bồ dùng để dọa chim chóc hầu góp phần bảo vệ mùa màng thì nghe ra rất có lý. Tiếng Hán gọi bù nhìn là cảo nhân. Vậy đã nói được cảo nhân thì sao không nói được bồ nhân? Hiềm một nỗi, chúng tôi tìm mãi mà không ra được chứng cứ bằng văn liệu hẳn hoi của hai chữ bồ nhân. Bồ đoàn, bồ điếm, bồ luân, bồ phiến, bồ tịch, bồ tiên, bồ xa, v.v... , thì có mà bồ nhân thì không. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là cái cấu trúc bồ nhân đã không hề tồn tại trong tiếng Hán. Tuy nhiên, vì bản thân mình chưa tận mắt nhìn thấy nó nên trong trường hợp này chúng tôi đành phải nghĩ đến câu nói của J. Vendryes, rằng cáivraisemblable không phải bao giờ cũng vrai.
2. Chúng tôi muốn đưa ra cấu trúc danh từ tính tiếng Hán phù nhân 符人(= người bùa), căn cứ theo nghĩa của các cấu trúc bồ nhin, bồ din và mồ dìn mà A. de Rhodes đã cho trong Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh: «Những hình làm bằng rơm được các thầy phù thủy dùng để làm hại người khác» và «Hình bằng rơm mà các thầy phù thủy dùng làm bất cứ điều ác nào họ muốn để nhờ ma quỷ làm hại người khác»[5].
Cứ theo những lời giảng trên đây thì bù nhìn rất có thể có nghĩa gốc là «người bùa», tức là cái thứ hình nhân có công dụng như A. de Rhodes đã nói, rồi về sau mới chuyển nghĩa như đang được hiểu hiện nay. Bùa, âm cổ của phù 符, chuyển thành bồ/bù là chuyện có thể xảy ra, còn nhìn hẳn hoi là âm xưa của nhân. Vậy bù nhìn phù nhân không phải là chuyện không hợp lý. Tuy nhiên chúng tôi cũng chưa tìm thấy được sự hiện diện của cấu trúc phù nhân trong thư tịch nên cũng phải dè dặt mà tạm gác trường hợp này lại.
3. Có thể đây là trường hợp của cấu trúc mạo nhân 冒人 (= người giả). Giả thiết mù là âm xưa của mạo hoàn toàn có thể tin tưởng được (so sánh: mạo 帽 ~ ) còn nhìn thì, như đã thấy, là âm xưa của nhân. Vậy mù nhìn (> bù nhin) ~ mạo nhân. Cấu trúc này đã được tiếng Tày-Nùng vay mượn thành mào nhền, cũng dùng với nghĩa là bù nhìn. Ngoài ra, ngôn ngữ này còn có cấu trúc mào làng, có nghĩa là hình nhân, trong đó làng là lang 郎 còn mào cũng mạo 冒. Nhưng chúng tôi cũng chưa tìm thấy cấu trúc này trong thư tịch bằng tiếng Hán.
4. Bù nhìn mù nhìn cũng thực sự thích hợp về nghĩa với mộc nhân 木人 (đồng nghĩa với mộc ngẫu – tượng gỗ) là một cấu trúc dễ dàng tìm thấy trong thư tịch. Sự chuyển nghĩa từ «tượng gỗ» sang cái nghĩa thường dùng của hai tiếng bù nhìn hiện nay hoàn toàn có thể giải thích được.
5. Nhưng cuối cùng, cái nguyên từ của bù nhìn mà chúng tôi chính thức lựa chọn là môn nhân 門人 , có âm xưa là mùn nhìnMùn là âm xưa của môn, một chữ thuộc vận bộ hồn (mà nhập thanh là một 没), một vận bộ gồm có nhiều chữ mà phần vần xưa cũng là -unđun (= đẩy) là âm xưa của đôn 敦 trong đôn đốc; đùn (= đẩy cho tụ lại thành đống), của đồn 屯 trong đồn tụđụn, của độn 囤 (nơi chứa thóc quay bằng phên liếp); hùn trong hùn hạp, của hỗn 混 trong hỗn hợpmút  trong mút mắt, của một 没 trong một thế (= suốt đời); đụt (yếu kém về trí khôn), của đột (đồng nghĩa với độn 鈍); ngút trongngút ngàn, của ngột 兀 (= cao); ... Trở lên là nói về mối quan hệ un - ôn giữa mùn và môn, còn về quan hệ thanh 2 ~ thanh 1 giữa hai yếu tố này thì cũng giống như trường hợp nhìn > nhin (nhân) đã nói trên kia. Cuối cùng mùn nhìn → mù nhìn chẳng qua là do một sự dị hóa phụ âm cuối của âm tiết thứ nhất từ [n] thành zéro vì trong cấu trúc này có đến bốn âm mũi (m-, -n, nh-, -n) trong đó âm cuối của tiếng thứ nhất và tiếng thứ hai đều là n.
Trên đây là nói về ngữ âm. Còn về ngữ nghĩa thì sự chuyển dịch từ cái nghĩa «người gác cửa» của môn nhân sang cái nghĩa «hình người bằng rơm đóng vai trò của người trông coi ruộng nương để dọa chim chóc» của mù nhìn không phải là điều gì khó hiểu trong ngữ học.
Từ trên đây suy ra, mù nhìn có trước bù nhìnmù nhìn và bù nhìn có trước mồ nhìn và bồ nhìn còn mù nhìn thì bắt nguồn từ tiếng Hán 門人 mà âm Hán Việt xưa là mùn nhìn. Ý kiến của chúng tôi về từ nguyên của bù nhìn là như thế, xin mạo muội nêu ra để thỉnh giáo ở các nhà chuyên môn. ●
(Tháng 2-1998)
* Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên - Huế, số 1-1998.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 223-232.
[1] Nxb. KHXH. Hà Nội, 1983. tr.65
[2] Nguồn gốc các từ thằn lằn, bồ nhìn, tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 12 (26), 1997, tr.26.
[3] Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1981, tr.33.
[4] Loại hình các ngôn ngữ, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1982, tr.167.
[5] Bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb. KHXH, 1991.

Sunday 22 July 2012

Vẫn cứ là “lính nhà binh” (Năng Lượng Mới số 139 , 20-7-2012) - An Chi / Huệ Thiên

Vẫn cứ là “lính nhà binh” (Năng Lượng Mới số 139 , 20-7-2012).

by An Chi on Friday, July 20, 2012 at 1:58pm ·
Bạn đọc : Trong bài “Không là lính thì là gì?” (Năng Lượng Mới số 135, thứ sáu 6-7-2012), ông đã khẳng định rằng từ “soldats” của Alexandre de Rhodes, chỉ có nghĩa là lính, chứ không phải “chiến sĩ truyền giáo” như GS Đinh Xuân Lâm đã dịch. Nhưng tôi thấy có người đã nhắc đến bài “Ông Alexandre de Rhodes (1491-1560)” của  Hoa Bằng và Tiên Đàm, đăng trên tạp chí Tri Tân năm 1941, trong đó hai tác giả này đã viết : “Compagnie de Jésus là một cơ quan do Ignace de Loyola (1491-1556), một võ quan Tây Ban Nha sáng lập. Người đứng đầu hội đó được kêu là «Đại tướng» (général), còn các hội viên thì là «lính của Jésus» (soldat de Jésus)”. Tôi thiển nghĩ vì chữ «Đại tướng» (général) ở đây không phải là nhà chỉ huy quân sự, nên đối ứng với nó, chữ “soldat(s)” cũng đâu phải dùng để chỉ “lính nhà binh”. Xin ông cho biết ý kiến.

                                                                                               Hồ Thanh Hải, TP Vũng Tàu.
An Chi : Xin nói ngay rằng danh từ “général” mà Hoa Bằng và Tiên Đàm đưa ra tuyệt đối không dính dáng gì đến khái niệm “tướng” bên quân đội cả.  Liên quan đến khái niệm này, Le Grand Robert đã cho tại mục général:       
“I.N.m.ǀǀ1° (Sans désignation de grade). Celui qui commande en chef une armée ou quelque unité militaire importante (…) Alexandre, Hannibal, César… comptent parmi les plus fameux généraux de l’antiquité.” [I.Danh từ giống đực. ǀǀ1° (Không chỉ rõ quân hàm). Người tổng chỉ huy một quân đội hoặc một đơn vị quân sự quan trọng (…) Alexandre, Hannibal, César thuộc hàng danh tướng thời cổ đại].
“ǀǀ 2° Officier du plus haut grade commandant une grande unité. Général de brigade (2 étoiles), de division (3), de corps d'armée (4), d'armée et commandant en chef (5).” [ Sĩ quan mang quân hàm cao nhất chỉ huy một đơn vị lớn.  Tướng [chỉ huy] lữ đoàn (2 sao), sư đoàn (3 sao), binh đoàn (4 sao),quân đoàn và tổng tư lệnh (5 sao)].
Còn cái  nghĩa mà Hoa Bằng và Tiên Đàm đã đưa ra thì chỉ liên quan đến lời giảng sau đây của Le Grand Robert:
“I.N.m.ǀǀ1° (…) –Par anal. Celui qui est à la tête d’un ordre religieux” [I.Danh từ giống đực. ǀǀ1° (…) –Theo loại suy. Người đứng đầu một dòng đạo].
Hiện nay, “général” thường đi đôi với “supérieur” thành “Supérieur général”, mà người Công giáo Việt Nam gọi là Bề trên Tổng quyền, cũng gọi là “Père général” (Cha Tổng quyền) hay ngắn gọn là “Général” ([người] Tổng quyền). Vậy thì ở đây, ta tuyệt đối không thể nào dịch “général” thành “đại tướng” và vì thế cho nên cũng không có cơ sở nào để bào chữa cho A. de Rhodes mà suy luận rằng “soldats” và “général” chỉ là “chiến sĩ và đại tướng của Jesus”. Không, ở đây “soldat” vẫn là lính, đương nhiên là “lính nhà binh”.
Văn cảnh cũng giúp ta khẳng định điều này. Xin nhắc lại câu của A. de Rhodes :
J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout L’orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos pères et nos maitres en ces Églises.
Chúng tôi đã dịch như sau:
“ Tôi tin rằng, (vì) là vương quốc sùng đạo nhất thế giới, nước Pháp sẽ cấp cho tôi nhiều binh sĩ lên đường chinh phục toàn cõi Phương Đông để bắt nó quy phục Jesus Christ, và đặc biệt là ở đó tôi sẽ tìm ra cách để có được các Đức Giám mục, từng là các cha  và các thầy của chúng ta tại các giáo đoàn đó.”
Nếu danh từ “soldats” ở đây là “chiến sĩ truyền giáo” thì hiển nhiên nó là một tập hợp mà “évêques” (cũng là“chiến sĩ truyền giáo”) là một phần tử. Và, trong điều kiện này, nếu đây là câu của một cậu học trò làm construction de phrases (đặt câu) thì ông thầy sẽ phải sửa lại cho chặt chẽ hơn thành:
J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout L’orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’en avoir d’autres, qui fussent nos pères et nos maitres en ces Églises.
Dịch nghĩa :
“ Tôi tin rằng, (vì) là vương quốc sùng đạo nhất thế giới, nước Pháp sẽ cấp cho tôi nhiều chiến sĩ truyền giáo lên đường chinh phục toàn cõi Phương Đông để bắt nó quy phục Jesus Christ, và đặc biệt là ở đó tôi sẽ tìm ra cách để có được những chiến sĩ truyền giáo khác, từng là các cha  và các thầy của chúng ta tại các giáo đoàn đó.”
Ở đây, “en” là đại từ nhân xưng (pronom personnel) thay thế cho “soldats” (= chiến sĩ truyền giáo), còn “(d’)autres” thì tương đương với “évêques” (= giám mục – cũng là chiến sĩ truyền giáo), góp phần làm cho câu văn chặt chẽ hơn. A. de Rhodes đâu phải không thể tự mình sửa câu văn của mình cho chặt chẽ hơn theo cái hướng mà đại đa số các thầy giáo sẽ phải sửa. Hiềm một nỗi, ông ta đâu có muốn diễn đạt khái niệm “chiến sĩ truyền giáo” bằng danh từ “soldats”. “Soldats” của ông ta là lính, dĩ nhiên là “lính nhà binh”. Vậy nếu bạn tin vào cách dịch của Hoa Bằng và Tiên Đàm là bạn đã bắt rễ nhầm nên cũng không thể từ đó mà xâu chuỗi sang cái nghĩa  “chiến sĩ truyền giáo” cho danh từ “soldats” được.

Chín muồi hay chín mùi?


Chín muồichín hết mức. Nhưng hiện nay nhiều người hay viết là chín mùi. Ngay cả từ điển của Nguyễn Kim Thản (2005:1077) cũng định nghĩa muồi là.... chín mùi, nói tắt.

Saturday 21 July 2012

Không là lính thì là gì ? (Năng Lượng Mới số 135 ,6-7-2012). An Chi / Huệ Thiên

Không là lính thì là gì ? (Năng Lượng Mới số 135 ,6-7-2012).

by An Chi on Friday, July 6, 2012 at 9:50am ·
      Bạn đọc : Chung quanh việc ông cố đạo Alexandre de Rhodes muốn xin người bằng từ “soldat”, xin ông An Chi cho hỏi : “Soldat” là lính hay là thừa sai? Tôi để ý trên các báo ông cộng tác, thấy hình như ông chưa góp ý kiến về chuyện này.
                                                                                                    (Một người bạn ở Hà Nội).
        An Chi : Trước nhất, xin chép lại cái câu hữu quan của Alexandre de Rhodes trong cuốn Divers voyages et missions (Cramoisy, Paris,1653):
J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout L’ Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos pères et nos maitres en ces Églises.
Xin dịch như sau:
“ Tôi tin rằng, (vì) là vương quốc sùng đạo nhất thế giới, nước Pháp sẽ cấp cho tôi nhiều binh sĩ lên đường chinh phục toàn cõi Phương Đông để bắt nó quy phục Jesus Christ, và đặc biệt là ở đó tôi sẽ tìm ra cách để có được các Đức Giám mục, từng là các cha  và các thầy của chúng ta tại các giáo đoàn đó.”
“Soldat” ở đây hiển nhiên là lính. Nhưng, để chống chế cho A. de Rhodes, một số tác giả đã suy luận theo chủ quan hầu chứng minh rằng ông cố đạo này chỉ xin thêm người truyền đạo, chứ không xin lính tráng. Điển hình là ý kiến của GS Đinh Xuân Lâm, mà tác giả Chương Thâu đã tường thuật như sau trong bài “Từ một câu chữ của A. de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau”:
“Cũng vào thời gian cuối tháng 3-1993, tại một cuộc Hội thảo “Tưởng niệm A. de Rhodes, nhân 400 năm ngày sinh của ông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hội trường Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, có nhiều nhà khoa học tham dự, đọc tham luận. Trong đó Giáo sư sử học Ðinh Xuân Lâm, một lần nữa lại đề cập “câu chữ” trên đây của A. de Rhodes và dịch lại (theo đúng văn cảnh, bối cảnh lịch sử thế kỷ 17) cụm từ plusieurs soldats là “chiến sĩ truyền giáo”, và coi như “lần cuối cùng đính chính lại sự lầm lẫn” (dịch soldat là lính chiến, là quân lính đi xâm lược) như trước đây trong một số giáo trình lịch sử Việt Nam đã dẫn dụng.”
                                                                                 (Công giáo và Dân tộc, ngày 15.3.1996).
GS Đinh Xuân Lâm là người “lần cuối cùng đính chính lại sự lầm lẫn” còn ông Chương Thâu thì khẳng định đó là “dịch lại theo đúng văn cảnh, bối cảnh lịch sử thế kỷ17”. Thực ra thì, dù là ở thế kỷ XVII, danh từ soldat của tiếng Pháp cũng tuyệt đối không có nghĩa là “chiến sĩ truyền giáo”. Xưa nay, nó vẫn chỉ có nghĩa là lính mà thôi. Về các tư liệu cùng thời với A. de Rhodes, trên tongiaovadantoc.com  ngày 28-1-2012, tác giả Bùi Kha đã đưa ra dẫn chứng từ hai cuốn : A Dictionarie of the French and English tongves của  Randle Cotgrave (London, 1611) và Le Dictionnaire de L’Académie Françoise (1ère édition, 1694). Cuốn trước cho :  “Soldat: m. A soldier; one that followes the warres”. Cuốn sau thì : “Soldat : s.m. Home de guerre, qui est à la solde d’un Prince, d’un Estat”. Nhưng Bùi Kha chỉ đơn giản diễn ý của hai cuốn từ điển đó là “chữ soldat: giống đực, số ít, có nghĩa là binh lính, người có súng.” Trên cơ sở sự trích dẫn của ông, chúng tôi mạn phép phân tích thêm như sau :
Trong lời giảng của quyển trước thì “soldier” hiển nhiên có nghĩa là “lính” còn “one that followes the warres” là tiếng Anh thế kỷ XVII mà nếu diễn đạt theo tiếng Anh hiện đại thì sẽ là “one who follows the wars”. Ngoài quyển từ điển Bùi Kha đã dẫn, ta còn có thể thấy ngữ đoạn vị từ “follow the wars” tại hồi V, cảnh II trong vở The Dutchess of Malfi của John Webster. Nếu vào “John Webster's The Duchess of Malfi: text, notes, and commentary” của Larry A. Brown, ta sẽ thấy “follow the wars” được giảng là “become a mercenary”, nghĩa là “ trở thành lính đánh thuê”. Vậy, với quyển từ điển trước thì “soldat” là “lính; lính đánh thuê”. Còn với quyển sau thì đó là “ chiến binh, (kẻ) hưởng lương của một hoàng thân, một quốc gia”. Không có bắt cứ một nét nghĩa lớn, nhỏ nào liên quan đến các khái niệm “thừa sai” hoặc “ truyền giáo”, như một số tác giả, đặc biệt là GS Đinh Xuân Lâm, đã gán ghép cho từ “soldat”.
Chúng tôi thiển nghĩ không ai cấm cản nhà sử học vận dụng cứ liệu ngữ học làm chỗ dựa cho việc nghiên cứu của mình; chỉ xin nhấn mạnh rằng đó phải là cứ liệu chính xác của ngữ học, còn nếu là của chính nhà sử học thì ông ta phải là người có kiến thức ngữ học chắc chắn. Về danh từ “soldat” thìDictionnaire Hachette, édition 2005, đã cho tại nghĩa 3 như sau : “figlitt. Celui qui se bat pour une cause, un idéal. Soldats de la foi.” ([nghĩa] bóng, văn chương. Người chiến đấu cho một sự nghiệp, một lý tưởng. [Thí dụ]: Những chiến sĩ của đức tin). Chỉ cần nhạy bén một chút xíu, ta cũng có thể thấy rằng danh từ “soldat” cần phải có một “complément de nom prépositionnel” (CdNP – bổ ngữ của danh từ được kết nối bằng giới từ ), ở đây là “ de la foi” (của đức tin), thì mới có thể mang cái nghĩa đó. Điều này đã được tác giả Lý Đương Nhiên chỉ ra một cách chí lý :
“Tôi đã lớn tuổi, có đọc sách hiểu rằng chữ “chiến sĩ” đứng một mình có nghĩa chỉ về quân đội. Chữ “chiến sĩ” muốn có thêm nghĩa bóng hoặc văn vẻ thì phải thêm chữ chỉ nghĩa vào đằng sau, như: chiến sĩ văn hoá, chiến sĩ tự do, chiến sĩ Phúc Âm...” (“Chữ ‘plusieurs soldats’ thời A. D. Rhodes”,sachhiem.net, ngày 14-3-2009).
Cái mà Lý Đương Nhiên diễn đạt bằng hai chữ “nghĩa bóng” chính là chú thích “fig” (figuré) trongDictionnaire Hachette, cái mà ông nói là “văn vẻ” thì chính là chú thích “litt” (littéraire) trong quyển từ điển này còn cái mà ông gọi là “chữ chỉ nghĩa [thêm] vào đằng sau” thì chính là cái mà chúng tôi gọi là CdNP. Chỉ hiềm một nỗi là thay vì “soldat”, Lý Đương Nhiên lại viết  “chiến sĩ”, đồng thời cách diễn đạt của ông cũng không thật sự “chuyên môn” về ngữ pháp. Nhưng ý kiến của ông, một người “lớn tuổi, có đọc sách” thì hoàn toàn chính xác. Vấn đề lại càng rõ hơn, khi ta mở Le Petit Robert ra ở mục “soldat”. Tại nghĩa 3 của nó, ta đọc được : “ FIG. Celui qui combat pour la défense ou le triomphe de ( une croyance, un idéal). Un soldat du Christde la liberté.” (Người chiến đấu vì sự bảo vệ [đối với] hoặc cho sự chiến thắng của [một đức tin, một lý tưởng]. Một chiến sĩ của Ki của tự do). Sự có mặt của giới từ “de” ở cuối lời giảng bằng tiếng Pháp cho phép ta khẳng định rằng nếu chỉ được dùng một mình (không có CdNP đi theo) thì “soldat” tuyệt đối không thể có nghĩa là “chiến sĩ truyền giáo”. Mà ngay cả khi có CdNP đi theo thì nó cũng đâu có nhất thiết có nghĩa đó. “Soldat de la liberté” (chiến sĩ của tự do), “soldat de la science” (chiến sĩ của khoa học), “soldat de la paix” (chiến sĩ [đấu tranh vì] hoà bình), “soldat des droits de l’homme” (chiến sĩ [đấu tranh vì] nhân quyền), v.v., chẳng hạn, thì dính dáng gì đến truyền giáo! Chỉ có khi nào nói rõ “soldat de l’Évangile” (chiến sĩ Phúc âm) thì đó mới là “chiến sĩ truyền giáo”.
Nhưng để cho càng rõ hơn nữa, xin dẫn Le Grand Robert.  Sau những phần giảng giải cực kỳ chi tiết và những thí dụ phong phú  về từ “soldat”, quyển này có một mục phụ rất ngắn gọn:
Soldat de …, qui combat pour la défense ou le triomphe de …” (người chiến đấu tranh để bảo vệ cho hoặc vì chiến thắng của …).
Cái “khuôn đúc” “soldat de …” chỉ rõ rằng nếu không có CdNP đi theo sau nó thì từ tổ này tuyệt đối không thể có cái nghĩa “ qui combat pour la défense ou le triomphe de …”. Từ đây suy ra, dịch “soldat(s)” (không có CdNP) trong câu văn của A. de Rhodes thành “chiến sĩ truyền giáo”  thì không thể xem là đã dịch đúng.

Friday 20 July 2012

CHẾ ĐỘ THẾ TẬP VÀ NGUYÊN LAI CÁC TÊN GỌI THƯỜNG DÙNG CHO HOÀNG ĐẾ VÀ HOÀNG TỘC (Võ Minh Hải)

CHẾ ĐỘ THẾ TẬP VÀ NGUYÊN LAI CÁC TÊN GỌI
THƯỜNG DÙNG CHO HOÀNG ĐẾ VÀ HOÀNG TỘC
          1. Vài nét về chế độ thế tập trong lịch sử Trung Hoa
          Chế độ quân chủ của ba triều đại Hạ 夏, Thương 商 và Chu 周 sau khi vua lên ngôi đều xưng Vương 王. Trong Giáp cốt văn  甲骨文, chữVương được viết theo hình thể của chữ 大, với ý nghĩa tượng trưng cho tư thế của một người ngồi ngay thẳng, chính diện ở đại điện. Đến nhàThương, vua Tổ Giáp 祖甲 đã tự nhận mình là vua của một nước. Địa vị đáng tôn sùng ấy cần phải có mũ miện. Vì thế, trong Giáp cốt văn, chữVương có thêm một nét ngang trên đầu và nó trở thành tự dạng như chữNgọc 玉. Điều này chứng minh rằng, biện pháp chính trị nào của thời quân chủ chuyên chế cổ đại cũng đều hướng đến việc củng cố và tôn sùngVương vị 王位. Ông vua là chủ tể của quốc gia, là đại biểu cho tất cả quý tộc chủ nô. Đấy là đặc trưng chủ yếu đầu tiên của chính thể chuyên chế Hạ, Thương, Chu.
Về mặt chính trị, hoàng quyền được thể hiện ở chỗ, vua cũng chính là thủ lĩnh tối cao của lực lượng vũ trang, có quyền quyết định việc quân cơ, chinh phạt, sinh sát. Thứ đến, mọi quyết định, kết luận của vua đều là pháp lệnh, là chủ nhân của toàn bộ nô lệ và tuyệt đại bộ phận đất đai của cả nước. Do vậy, tầng lớp quý tộc thực hành ráo riết chế độ thế cập chế 世及制. ThiênLễ vận 禮運 trong sách Lễ Ký 禮記 có câu: “Đại nhân thế cập dĩ vi lễ 大人世及以為禮” (Bậc đại nhân lấy thế cập làm lễ). Khổng Dĩnh Đạt 孔穎達 chú giải rằng, vua và các chư hầu đem quyền vị giao cho thành viên của gia tộc mình. Cha truyền cho con gọi là Thế 世, anh truyền cho em gọi là Cập及. Phương pháp kế thừa huyết thống của loại quyền vị đó, là một đặc trưng trọng yếu của chế độ quân chủ chuyên chế.
          Hai triều Hạ và Thương không còn văn bản khảo chứng cụ thể. Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cổ đại, ở triều Hạ, việc kế thừa ngôi vua cha truyền con nối là chủ yếu, được 14 đời, cả thảy 17 vua. Triều Thương truyền được 17 đời, tổng cộng 31 vua. Riêng nhà Chu đã thực hiện một cách khá triệt để chế độ Tông pháp 宗法制, không riêng gì vua, từ các chư hầu đến bậc sĩ khanh đại phu đều chủ yếu truyền cho đích tử con của vợ cả. Sau khi Chu Vũ Vương 周武王 diệt Thương và dựng độ ở Cảo Kinh 鎬京 (nay là vùng phụ cận thành phố Tây An 西安市- Tỉnh Thiểm Tây 陝西省), gọi là Tông Chu 宗周. Để xác lập nên vương triều Chu đối với toàn quốc và củng cố vùng căn cứ lấy Tông Chu làm trung tâm, vương triều nhà Chu đã thực hiện chế độ phân phong trong vùng đất rộng lớn đã chinh phục được, thiên tử nhà Chu tiến hành Phong bang kiến quốc 封邦建國, phong tước kiến địa 封爵建國 trên quy mô cả nước (tức toàn cõi Trung Hoa lúc bấy giờ), gọi là Chư hầu quốc 諸侯國, lập nhiều Chư hầu quốc như vậy là nhằm sử dụng họ làm phên giậu bảo vệ cho Tông Chu.
Trong trước tác của mình, Tuân Khanh 荀卿 đã chỉ rõ rằng: Thời kỳ đầu của nhà Chu, việc phân phong các chư hầu chủ yếu là anh em trong vương tộc nhà Chu. Ông cũng nêu ra con số cụ thể, trong 71 nước, chư hầu họ Cơ 姬 chiếm tới 53 nước. Học giả Cố Đông Cao 顧東翱 sau khi dẫn nhiều sử liệu trong sách Xuân Thu đại sự biểu 春秋大事表 nêu lên con số là 51 nước của họ Cơ trên tổng số 71 nước. Trong đó xác định cụ thể như sau: con của Văn Vương 文王 là 15 người, con của Chu Công 周公là 06 người, con của Vũ Vương 武王 là 03 người. Đó là kể cả huyết thống. Nếu xét theo phương diện khu vực địa lý, đất đai phong quốc thì cụ thể có thể kể ra như sau: tỉnh Sơn Đông 山東 có 08 nước, tỉnh Hà Bắc 河北 có 02 nước, tỉnh Sơn Tây 山西 có 08 nước, tỉnh Thiểm Tây 陝西 có 09 nước, tỉnh Hà Nam 河南 có 20 nước, tỉnh Hồ Bắc 胡北có 02 nước, tỉnh Tứ Xuyên 四川nay có 01 nước, tỉnh Giang Tô 江蘇 nay có 01 nước. Còn các nước khác là công thần hoặc thông gia của nhà Chu. Trong số các chư hầu đó, họ Khương 姜氏được phân phong tới 12 nước là nhiều nhất.  
Những chư hầu được phong đất đều được ban tước phẩm và quan phục của nhà Chu. Về Tước 爵, đại biểu cho ngôi thứ cao thấp, bao gồm ngũ tước như: Công 公, Hầu 侯, Bá 伯, Tử 子, Nam 男. Về phẩm phục 品服 (còn gọi là quan phục 官服) thể hiện ý nghĩa về việc ban cấp đã thực hiện là nặng hay nhẹ về thuế má, cống phẩm. Ở các nước chư hầu này cũng phải thực hiện chế độ thế tập. Có thể nói rằng, chế độ tông pháp 宗法 ở nhà Chu đã hoàn bị, chặt chẽ và phát huy tác dụng khá tốt trong việc quyết định sự tồn tại của mạng lưới chính trị thời kỳ đó.
2. Nguyên lai các tôn hiệu dành cho Hoàng đế
2.1. Nguồn gốc của tôn hiệu Hoàng đế 皇帝
Sau thời kỳ Chiến Quốc 戰國時期, Trung Quốc bước vào xã hội phong kiến 封建 社會, Tần Doanh Chính 秦嬴政 thống nhất toàn quốc, uy đức và công tích đã vượt qua lịch sử, truyền thuyết của thời đại Tam hoàng 三皇, Ngũ đế 五帝. Ông ta không thể dùng từ Vương 王 để tự xưng nữa mà phải dùng một tên gọi mới là “Hoàng皇” và “Đế 帝” kết hợp lại. Vì thế, từ đời Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 trở về sau, các triều đại phong kiến quân chủ, các ông vua đều dùng danh xưng hoàng đế.
Thời cổ, chữ Hoàng 皇 có hàm nghĩa là thiên thần 天神 hoặc quân chủ君主. Sách Nhĩ Nhã 爾雅 và Bạch Hổ Thông 白虎通 đều định nghĩa “Hoàng” là vua (quân 君). Ví dụ Tam hoàng 三皇 là nhân quân人君. Đế 帝 chỉ thiên thần, cách gọi gộp hoàng đế cùng mấy vị khác là Ngũ đế五帝, biểu thị sự tôn sùng của người xưa đối với các bậc đế vương. Nay, Doanh Chính kết hợp cả hai chữ tượng trưng cho quyền uy và sự tôn sùng đó, dùng làm tên gọi cho mình và vì ông ta là người đầu tiên nên mới tự xưng là Tần Thuỷ Hoàng Đế 秦始皇帝 và quy định con cháu của ông ta phải xưng là Nhị Thế 二世, Tam Thế三世…đến Vạn Thế 萬世, truyền đến vô cùng. Lịch sử gọi ông ta là Tần Thuỷ Hoàng秦始皇. Bắt đầu từ Tần Thuỷ Hoàng đến cuối đời Thanh 清朝 là kết thúc tên hiệu hoàng đế được dùng hơn 2000 năm ở Trung Quốc.
Có thể nói rằng, đối với chế độ chính trị Trung Hoa, với đời sống xã hội, văn hoá tư tưởng đều sản sinh những ảnh hưởng vô cùng sâu sắc. Trong khoảng trên 2000 năm ấy, hoàng đế là người có quyền lực tối thượng, là người thể hiện quyền lực chuyên chế của chế độ phong kiến, là chân mệnh thiên tử 真命天子, là con trời, là chủ nhân duy nhất của thiên hạ, vì thế người ta còn gọi ông là Nhân chủ 人主. Đó là thứ quyền lực đã hấp dẫn biết bào người, là nguồn gốc của vô vàn cuộc tranh chấp. Đối với hoàng đế, cái quyền lực chuyên chế ấy, khoa học chính trị gọi nó là Hoàng quyền 皇權.
2.2. Tên gọi tự xưng và tôn xưng của Hoàng đế
Trong quan niệm quốc gia thời xưa ở Trung Quốc, người ta nhận thức, người thống trị tối cao của quốc gia là quân chủ 君主, là đại diện của Thiên đế天帝 hay còn gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế玉皇上帝 nên nhà vua còn được gọi là Thiên tử 天子 (con trời). Vì có địa vị của con trời ở tận trên cao nên lại dùng một chữ Thượng 上. Từ Thiên tử bắt gặp đầu tiên trong bộ tổng tập ca dao đầu tiên của Trung Hoa là Thi kinh 詩經. Trong Thi kinh詩經 phần Đại Nhã大雅, bài Gia Lạc 假樂 (chương VI) có câu:
Chi cương chi kỷ            之綱之紀
Yến cập bằng hữu                    晏及朋友
Bách bích khanh sĩ         百辟卿士
Mỵ vu thiên tử                媚于天子
Bất giải vu vị                  不解于位
Dân chi du hí (kí)            民之攸塈
          Tạm dịch:
                   Vua chăm sóc việc nước được ổn định.
                   Thì các bề tôi nhờ đấy mà được bình yên
                   Hằng trăm bực chư hầu và quan khanh sĩ
                   Đều thương mến nhà vua.
                   Không lười biếng trong chức vị của mình,
                   Thì dân chúng được yên ổn nghỉ ngơi.
          (Theo Khổng Tử 孔子, Thi Kinh詩經, tập 2 (Tạ Quang Phát dịch chú, GS. Bửu Cầm khảo cứu), Nxb Văn học, 2004, tr. 608 - 609).
          Chữ Thượng上 bắt gặp đầu tiên trong sách Quân tử - Quân thần 君子 - 君臣 và có thể đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử phát triển văn tự Trung Hoa. Về sau, Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 đã định ra tôn hiệu Hoàng Đế 皇帝, không kể các mỹ hiệu như Thiên tử, Thượng đều là những mỹ từ phiếm xưng ông vua, một loại người có quyền thống trị tối cao đối với mọi thân dân. Thời Hán 漢, Ban Cố 班固 trong bài phú Đông Đô 東都賦 đã sáng tạo ra hai từ mới đó là Thánh hoàng 圣皇và Thánh thượng 圣上, cụ thể như sau: “于是圣皇乃握乾符,阐坤珍,披皇图,稽帝文,赫然发愤,应若兴云,霆击昆阳,凭怒雷震 … 于是圣上亲万方之欢娱,又沐浴于膏泽,惧其侈心之将萌,而怠于东作也,乃申旧间,下明诏,命有司,班宪度,昭节俭,示太素。Vu thị thánh hoàng nãi ác càn phù, đan khôn trân, bạt hoàng đồ, kê đế văn, hách nhiên phát phẫn, ước nhược hương vân, đình kích côn dương, khanh nộ lôi chấn…. Vu thị thánh thượng thân vạn vạn chi hoan ngụ, hựu mộc dục vu cao trạch, cụ kỳ xỉ tâm chi tướng manh, nhi đãi vu đông tác dã, nãi thân cựu gián, hạ minh chiếu, mệnh hữu ty, ban hiến độ, chiêu tiết kiệm, thị thái tố…”. Nhà văn Lục Cơ 陸機 thời Tây Tấn 西晉 trong một bài thơ dâng tán tụng Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung 晉惠帝 - 司馬忠 là Hoàng Thượng 皇上. Tư Mã Thiên 司馬遷 trong bộ Sử ký 史記, mục Thái sử công tự tự 太史公自序, gọi vị vua đương thời đang ở ngôi tức Hán Vũ Đế - Lưu Triệt 漢武帝 - 劉徹  là Chủ Thượng主上, ông viết “Chủ thượng minh thánh, nhi đức bất bố văn, hữu tư chi quá dã… 主上明聖而德不布聞有司之過也” (Đức hạnh của nhà vua mà không ban bố cho khắp thiên hạ được biết, quan Hữu Tư phải tự cho là tại lỗi của mình…).
          Từ Vạn tuế 万歲 vốn là từ dùng chúc nhau thời cổ, khi người ta uống rượu, không phân biệt trên dưới, sang hèn, ai ai cũng dùng được. Đến thời Xuân Thu - Chiến Quốc 春秋 - 戰國, do được lưu hành trong cung thất của các chư hầu, dần mở ra xu thế độc chiếm của nhà vua. Mùa thu năm đầu tiên của niên hiệu Nguyên Phong 元封 (năm 110 TCN), Hán Vũ Đế 漢武帝 lên núi Trung Sơn 中山, quan binh chào đón nhà vua bằng tiếng tung hô vạn tuế.  Qua thời Đông Hán 東漢, tiếng Vạn tuế là lời chúc tụng nhà vua. Về sau, từ chúc tụng lại trở thành  một đại từ xưng hô, hoàng đế được gọi tắt là vạn tuế. Vì thế, từ vạn tuế có 02 ý nghĩa, một là “muôn tuổi”, hai là nhà vua. Mấy đại từ Thánh thượng, Hoàng thượng, Vạn tuế, trong bất kỳ tấu chương nào cũng có quyền sử dụng. Từ Kim thượng 今上là tôn xưng do các đại thần của Vũ Đế tôn tặng, nó có ý nghĩa chỉ định vị hoàng đế đang tại vị, cũng là một từ tôn sung, hàm ý của nó là đương kim hoàng thượng 當今皇上.
          Ngoài mấy đại từ xưng hô trên, chúng ta còn thấy trong lịch sử, người ta còn dùng từ Bệ hạ陛下. Chữ Bệ 陛 nghĩa gốc của nó là “bậc thềm lên xuống trong cung đình”. Nó cũng là một từ phiếm chỉ các cận thần nơi cung khuyết cùng các thị vệ trong hoàng cung. Sách Độc Đoán 獨斷 của Sái Ung 蔡雍 (Đông Hán) giải thích rằng: “gọi là Bệ hạ, là lời nói với thiên tử của quần thần, không dám trực tiếp nói thẳng với thiên tử, mà phải gọi những kẻ hầu đứng dưới bậc thềm thay cho tên gọi thiên tử, từ cái ý kẻ thấp hèn biểu đạt lên bậc chí tôn, trên sách vở cũng viết như thế”. Điều đó chúng minh rằng, thời xưa, kẻ bầy tôi không được gọi thẳng nhà vua, chỉ có thể lấy những kẻ hầu hạ dưới thềm để gọi. Từ Bệ hạ về sau lại trở thành một từ tôn xưng của hoàng đế và đi vào các văn bản cung đình như Tấu chương 奏章,, Chiếu lệnh 詔令. Đến như từ Gia 爺 trong Vạn tuế gia 萬歲爺, Lão Phật gia 老佛爺 là một kiểu tôn xưng vua và thái hậu của cung nữ, thái giám trong nội cung.
          Bên cạnh đó, hệ thống từ xưng hô của hoàng đế còn có những từ thường dùng như cô 孤, quả 寡 trong cụm từ xưng cô đạo quả 稱孤道寡. Thực ra, cụm từ này xuất hiện sau này. Ngay từ khi vua Thành Thang 成湯của nhà Thương đánh vua Kiệt 桀, theo các tài liệu khảo chứng trongThang Thệ 湯誓, Thang Cáo 湯誥, vua Thang thường dùng cụm từ “Dư Nhất Nhân 予一人”. Đó có lẽ là cụm từ thường dùng thời bấy giờ. Trong sách Lão Tử 老子, khi chép về những khiêm từ của bậc vương hầu đều ghi là cô quả 孤寡, bất cốc 不穀…, đó là những đại từ khiêm xưng nhằm thể hiện là người ít đức độ, thường được dùng ở các nước chư hầu nhỏ. Cụm từ quả nhân 寡人 (rút gọn từ quả đức chi nhân 寡德之人) chưa bao giờ là từ chuyên dùng cho bất kỳ vị quân chủ nào cả. Nàng Trang Khương 莊姜, vợ vua Vệ Trang Công 衛莊公 cũng tự xưng là quả nhân. Có lẽ đây là một mỹ từ khiêm xưng trong giao tế thời cổ vậy. Căn cứ vào những khảo chứng của Triệu Dực趙翼 trong Cai Dư tùng khảo 該輿叢考, từ thời Đường 唐 trở về sau, từ quả nhân mới được thông dụng cho vương hầu, dần dần trở thành từ chuyên dụng cho vua. Về chữ Bất Cốc 不穀, nghĩa cổ của chữ Cốccó nghĩa là thiện 善, bất cốc có nghĩa là người bất thiện, tức kẻ ác. Vì ý nghĩa ấy, về sau từ này ít được thông dụng.
          Tương tự như từ quả nhân, từ Trẫm 朕 vốn cũng là từ xưng hô, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (Tôi, ta). Trước thời Tần Thuỷ Hoàng thứ 26, chữ này là chữ thông dụng trong giao tiếp. Trong Sở Từ 楚辭, Khuất Nguyên 屈原 cũng đã viết: Trẫm hoàng khảo viết Bá Dung 朕皇考曰伯庸 (hoàng khảo (tức là cha đã mất) của ta gọi là Bá Dung). Từ đời Tần Thuỷ Hoàng thứ 26 về sau, ngoài việc sử dụng từ hoàng đế, ông còn tuyên bố sử dụng từ Trẫm như một từ chuyên dùng riêng cho vua. Các triều đại về sau tiếp nói theo truyền thống ấy. Do đó, sau khi Tần Thuỷ Hoàng đổi lại danh hiệu thì từ bách quan đến trăm họ không ai dám dùng từ này nữa. Xem xét lại ngữ lục trong Bắc sử, ngoài các hoàng đế Trung Hoa, các vị Hoàng hậu 皇后, Hoàng Thái hậu 皇太后 khi buông rèm thính chính cũng xưng trẫm. Điển hình như Lã Thái hậu 呂太后 thời Tây Hán 西漢, Đậu Thái hậu 竇太后 thời Đông Hán 東漢, Hồ Thái hậu 胡太后 thời Bắc Nguỵ 北魏. Đến Võ Tắc Thiên 武則天, vị nữ hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc khi xưng hô, hạ chiếu, ban sắc cũng xưng là Trẫm.
          3. Danh xưng của hoàng tộc
          Quan hệ xưng hô của những người thân thuộc huyết thống hoặc phi tử của hoàng đế đều khác với tầng lớp bình dân và quý tộc đương thời, mỗi một quan hệ đều có cách xưng hô đặc biệt. Cụ thể có thể giới thuyết như sau:
          Thái Thượng hoàng 太上皇 là từ tôn xưng thân phụ của hoàng đế đang tại vị. Tần Thuỷ Hoàng truy phong cho cha là Tần Trang Tương Vương 秦莊襄王 là Thái Thượng hoàng. Từ đời Hán về sau, danh xưng này cũng được dùng để chỉ cho những người cha còn sống của nhà vua tại vị, ví dụ như Vũ Thành Đế 武成帝 thời Bắc Tề 北齊, Đường Cao Tổ 唐高祖, Tống Huy Tông 宋徽宗, Thanh Cao Tông 清高宗. Sau khi truyền ngôi cho con, vua cha đều được tôn là Thái Thượng hoàng.
          Thái hậu 太后: là tiếng tôn xưng cho mẹ của thiên tử và chư hầu. Thời Chiến Quốc, mẹ các vua chư hầu đều tôn xưng là thái hậu. Thời Tần, Hán về sau xưng là Hoàng Thái hậu 皇太后,  đời Thanh 清 gọi là mẫu hậu 母后, thánh mẫu 聖母.
          Thái phi 太妃: là tôn hiệu tôn xưng các phi tần của thân phụ hoàng đế, còn gọi là Hoàng Thái phi 皇太妃.
          Thái hoàng thái hậu 太皇太后: là từ tôn xưng bà nội của vua. Chẳng hạn, Vương Chính Quân 王正昀 thời Hán được tôn là Thái Hoàng Thái hậu.
          Hoàng hậu 皇后: từ xưng hô vợ chính của vua. Đời Chu, vợ chính của vua là hậu 后. Sau Tần Thuỷ Hoàng điều chỉnh và gọi là hoàng hậu, là người được tôn sùng là mẫu nghi thiên hạ 姆儀天下.
          Phi 妃: tức là thiếp của hoàng đế, từ này còn là cách xưng hô với vợ chính của thái tử, gọi là Thái tử phi 太子妃. Thiếp của vua được gọi là Phi bắt đầu từ đời Chu. Thời Tần gọi là Hoàng phi 皇妃. Thời Nam Bắc triều 南北朝 gọi là Quý phi 貴妃. Đời Minh mới có danh hiệu Hoàng quý phi 皇貴妃. Từ đó về sau, đẳng cấp phi có 03 bậc: Hoàng quý phi – Quý phi – Phi.
          Thái tử 太子: là tiếng xưng hô người sẽ kế vị ngôi chính thống, còn được gọi là Hoàng thái tử 皇太子. Thời Chu, con trưởng chính thất của vua mới được gọi là thái tử. Từ Tần Hán về sau, người được chọn kế thừa ngai vàng được gọi là thái tử với một nghi lễ tấn phong khá phức tạp. Cung thất của thái tử được đặt ở phía đông hoàng cung nên còn được gọi là Đông cung thái tử 東宮太子.
          A Ca 阿哥: Tên gọi chung cho các con trai của hoàng đế nhà Thanh. Hoàng tử được sinh hạ cứ thứ tự mà gọi, Đại A ca, Nhị a ca, Tam A ca… khi đến tuổi lập phủ đệ, nạp phi thì căn cứ theo tước vị mà xưng hô không còn gọi là A ca nữa.
          Công chủ (thường gọi là công chúa) 公主 : tên gọi của con gái hoàng đế. Trước thời Xuân Thu được gọi là Vương Cơ 王姬. Thời Chiến Quốc mới gọi là Công chúa, đời sau cứ theo đó mà gọi. Vì sao gọi là công chủ? Nguyên do là khi công chúa hạ giá, nhà vua thường giao cho các vị trong vương công trong hoàng tộc làm chủ hôn. Đến triều Tống 宋, việc chủ trì cưới gả do vua đích thân quyết định và làm chủ hôn nên đổi thành Đế Cơ 帝姬. Đến thời Nam Tống 南宋 thì khôi phục lại tên gọi công chúa.
          Trưởng công chúa長公主: Tên gọi xưng hiệu của chị gái hoặc em gái hoàng đế.
          Đại trưởng công chúa 大長公主: Tên gọi xưng hiệu của cô hoặc dì của hoàng đế. Từ triều đại nhà Hán về sau, từ này được sử dụng phổ biến.
          Hoàng Thái tôn 皇太孫: là tiếng xưng hô người cháu trưởng của hoàng đế. Đây là trường hợp thái tử bị chết hoặc bị phế truất nên lập con thái tử làm hoàng thái tôn, người thừa kế ngôi hoàng đế sau này.
          Hoàng tôn 皇孫: tên gọi chung cho các cháu của hoàng đế, cách gọi này bắt đầu từ triều Tấn 晉. Con của hoàng tôn, tức đời thứ tư gọi là Hoàng tằng tôn 皇曾孫, đời thứ năm gọi là Hoàng huyền tôn 皇玄孫.
          Quốc cữu 國舅: tên gọi xưng hiệu của cậu hoặc anh em vợ của hoàng đế. Triều Liêu 遼朝 thường dùng danh xưng này đặt trước các tước vị như: quốc cữu thái sư 國舅太師, quốc cữu thái uý 國舅太尉…
          Phò mã 附馬: xưng hiệu của con rể hoàng đế. Thời Nguỵ Tấn 魏晉, đây vốn là tên một chức quan. Thời Hán Vũ đế 漢武帝 đặt chức phò mã đô uý 附馬都尉 chuyên nắm giữ phó xa 付車 (xe dự bị của vua do ngựa kéo). Vị trí này phần lớn do người trong hoàng thất phụ trách. Đến đời Tam quốc 三國 Tào Nguỵ 曹魏, Hà Yến 何燕là con rể vua đảm nhận chức vụ này, rồi Đỗ Dự 杜譽 lấy con gái Tư Mã Ý 司馬懿 là An Lục công chúa 安綠 公主, Vương Tế 王濟 lấy con gái Tư Mã Chiêu 司馬昭 là Thường Sơn công chúa 常山公主 đều nhậm chức Phò mã đô uý, gọi tắt là Phò mã. Từ đó thành thường lệ, người đời sau gọi con rể vua là phò mã.
          Cách cách 格格: Từ xưng hô cho con gái hoàng tộc triều Thanh. Trong tiếng Mãn 滿語 có nghĩa là tiểu thư. Con gái vua thì gọi là Cố luân cách cách 雇侖格格 (Cố Luân trong tiếng Mãn là quốc gia), con gái thân vương 親王 hoặc Phi Tần 妃嬪 thì gọi là Hoà Thạc cách cách 和碩格格 (Hoà Thạc trong tiếng Mãn là một địa khu cụ thể), con gái quận vương 郡王 gọi là Đa La cách cách 多羅格格. Con gái của Bối Lặc 貝勒 được phong Quận quân 郡君, cũng gọi là Đa La cách cách. Con gái của Bối tử 貝子phong Huyện quân 縣君, còn gọi là Cố Sơn cách cách 雇山格格. Con gái của Trấn Quốc công 鎮國公, Phụ Quốc công 輔國公 được phong là Hương quân 鄉君, gọi là cách cách 格格.
          Ngạch Phò 額附: danh hiệu của chồng công chúa. Địa vị và vị trí trên tước Hầu 侯, Bá 伯.
          Thân Vương 親王: chỉ những người trong huyết thống nhà vua được phong vương. Trong các tước vị, Thân vương là đứng đầu.
          Quận vương 郡王: tên một tước vị, đất phong ở một quận.
          Thế tử 世子: tên gọi con trưởng của thân vương.
          Phúc Tấn 福晉: chỉ vợ của các bậc vương công đại thần. Trong tiếng Mãn, Phúc Tấn có nghĩa là vợ con.
          Bối Lặc 貝勒:  tên tước phong cho tôn thất của nhà Thanh. Bậc thức 5 trong tổng số 14 bậc. Tên đầy đủ là Đa La Bối Lặc.
          Bối Tử 貝子: tên tước phong tôn thất nhà Thanh. Tên đầy đủ là Cố Sơn bối lặc. Vị trí đứng thứ 6 trong tổng số 14 bậc.
                                     Quy Thành, Quý Xuân Nhâm Thìn
                                                         ThS. Võ Minh Hải

Thursday 19 July 2012

NGƯỜI LẠC VIỆT PHẢI CHĂNG LÀ MỘT NHÓM LAVA CỔ? (Tạ Đức)

 
Tạ Đức
 
(Trích từ mạng talawas)
 
Trong quá trình nghiên cứu về nguồn gốc và sự phát triển của ngôn ngữ và văn hóa Đông Sơn tôi đã đi đến một luận điểm là: người Lạc Việt là một nhóm Lava (Lawa) cổ, và người Âu Việt là một nhóm thuộc khối Thái lai Lava cổ [1] .

Sau đây là hệ thống các bằng chứng bước đầu cho phép đặt ra và chứng minh luận điểm đó.
1. Lava=Lo/Luo Yue=Lạc Việt

Lava-trong sách báo tiếng Anh thường ghi Lawa/Lwa/Lua/Luaq hiện là một tộc ít người sống chủ yếu ở hai tỉnh Chieng Mai và Mae Hong Son thuộc miền bắc Thái Lan. Tuy nhiên các tộc gần gũi với người Lava còn có ở Vân Nam Trung Quốc với các tên gọi Kawa/Wa, Bulang [2] .Về mặt ngôn ngữ, tiếng Lawa thuộc nhóm Palaungic, dòng Môn-Khmer, hệ Nam Á.

Tên gọi Lava được coi là tên được gọi từ người Thái, tức người Xiêm tộc người chủ thể của Thái Lan, trong khi tên tự gọi của người Lava thực ra là Lavua/Lavia/Ss-va/Rave(t) [3] 

Cholthira dẫn Vicit cho biết người Lava còn được gọi là Cao/Lua và người Lào hiện nay chính là người Thái lai Lava[4] . Mặt khác, theo Cầm Cường: người Lào lúc đầu còn được gọi là Thay Lava, sau thành Thay Lao=Người Lào [5].

Condominas cho hay: Loh=tên gọi người Lava từ người Karen-một tộc Tạng-Miến. Một tên gọi khác của họ làMilakkha, thường được hiểu là người man di [6] .

Trước hết, có thể thấy các tên gọi Lavia /Lavua/Lao/Lua/Lo là những biến thể của Lava, trong đó hai tên gọi Lua, Lo hoàn toàn trùng hợp với cách ghi Lo/Lua=Lạc trong tiếng Hoa thuộc dòng Hán-Tạng.


2. Lavaraja-Lạc Vương, Lua-Lạc dân...

Cholthira dẫn Luong Vicit Vaathakaan - một trong các nhà sử học hàng đầu, nổi tiếng của Thái Lan coi các nhóm Khom (Khmer)-Lava-Môn là 3 nhóm người bản địa tương tự nhau của vùng lục địa Đông Nam Á, trong đó người Lava là cư dân bản địa không chỉ của miền bắc Thái Lan mà còn của cả Thái Lan và một số vùng của Lào hiện nay. Ba quốc gia cổ của người Lava trước khi có sự bành trướng và thống trị của người Thái, Khmer là:
  • ang hay Yonok với trung tâm là Mường Ngeun Yang nằm bên sông Mêkông, tức ở phía bắc Chiềng Sén ngày nay, lãnh thổ của Yonok xưa gồm toàn bộ vùng bắc Thái Lan ngày nay.
  • Dvaravati (thế kỉ 4-11) với Nakhon Pathom là trung tâm, Lavo (Lopburi) và Siam (Sukhotai) là hai thuộc quốc [7]chính.
  • Gotarapura/Phanom=Funan (Hán)= Phù Nam (Hán-Việt) có Nakhon Phanom là trung tâm và lãnh thổ bao trùm hai tỉnh Udon Thani và Nakhon Ratchasima ngày nay.
Cũng theo Cholthira, thành phần tộc người của Dvaravati hiện là vấn đề còn gây tranh cãi. Đa số học giả dựa vào những bi kí chữ Môn tìm được trong vùng, từ lâu đã tin rằng coi Dvaravati là vương quốc của người Môn. Kachorn (1964) đoán nhận cư dân Dvaravati là một dạng Proto Thái, nhân tố làm cho người Thái đến sau này dễ dàng thâm nhập vào tầng lớp thống trị và từ đó biến vùng châu thổ sông Menam thành xứ Thái. Tuy nhiên, một số học giả hàng đầu Xiêm như hoàng tử Damrong, Luang Vicit lại coi cư dân cổ nhất, chiếm đa số của Dvaravati là người Lava.

Condominas cũng cho rằng “các tổ chức chính trị Lava có vị trí quan trọng hàng đầu ở vùng bắc Thái lan và nam Miến Điện [8] hiện nay, trước khi người Môn nắm quyền lãnh đạo và trở thành những người duy nhất xứng đáng được ghi lại trong các văn tự chính thức bằng tiếng Pali”. Ratanakul dẫn ý kiến hai học giả Thái khác là Sisavat và Khanthatthatbamrong coi người Lava là chủ nhân của vùng phía bắc bán đảo Vàng (Mã Lai) trước khi người Thái di cư từ Trung Hoa tới [9] ...

Riêng Cholthira cũng cho rằng vương quốc Dvaravati thực tế bao gồm nhiều tiểu quốc Lava bởi tên của thành phố Lop Buri - trung tâm của Dvaravati được ghi trong tiếng Pali là Lavapura=Thành phố Lava cho thấy tộc người chủ thể là Lava. Vị vua của Lop Buri được gọi là Lavoraja/Lavomaharaja (Vua Lava/Vua lớn Lava) trong khi vua của cư dân bị coi là man di phía bắc cũng được gọi là Milakkharaja/Lavaraja (Vua của người Milakkha/Lava). Trong biên niên sử, từ tên vị vua đầu tiên là Pu Cao Lava Cok với vợ là Ya Thao Lava Cok, các con trai cai quản các mường Sathuang, Khvang, Khiak là Lva Kumbho, Dassa Lakkho, Lva Gandha đến tất cả các vị vua của triều đại cuối cùng Lava Canka Raja (năm 638 sau CN), đều gắn với từ Lava và các biến thể của nó.

Mặt khác, cũng theo Condominas, Ratanakul, Lua/Lavia là tên tự gọi đồng thời cũng là từ chỉ tầng lớp bình dân Lava.

Dễ thấy, dù các tên gọi trên đều ít nhiều Pali hóa thì tên gọi tộc người Lava/Lavo/ Lua vẫn được bảo lưu trong tên gọi ông bà tổ/vua chúa, người dân Lava. Điều này tương ứng với các tên Lạc Long (tổ tiên huyền thoại của người Việt), Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân...của người Lạc Việt xưa, dù đã được Hán hóa vẫn bảo lưu yếu tố Lạc. 


3. Yang=(Văn) Lang, Ngan Yang=An Dương (vương), Yunok=Âu Lạc?

Trở lại với tên của 3 quốc gia cổ của người Lava nêu trên, đáng chú ý nhất là tên Yang/Yonok.

Hill coi Yonok=thành phố của người Yuan song cũng giải thích Yonok vốn là từ chỉ người Yuan/Yon/Yan, sau trở thành từ chỉ thành phố, khu vực. Tuy nhiên, ông cho rằng đó là từ Thái lai Pali và chính Yonok, chứ không phải Sukhothai là vương quốc đầu tiên của người Thái ở Thái Lan [10] .

Điều đáng nói là tên nước Yang gợi nhớ đến tên nước Ya Yang chuyển sang âm Hán -Việt là Văn Lang/Dạ Lang/Việt Thường của người Lạc Việt; còn tên gọi Yuan cũng trùng hợp với tên gọi Yuan/Doan/Duôn là một tên gọi người Việt từ người Khmer và các tộc Tây Nguyên. Tên nước Yang cũng có thể liên quan tới tên Dương Việt (Yang Ya) vốn cũng là một tên gọi của nước Âu Lạc từ người Trung Hoa [11] .

Mặt khác, tên thủ đô của vương quốc Yonok là Ngeun Yang cũng gần như trùng với tên hiệu của Thục Phán là An Dương (âm Hán-Việt, H-V)=Ngan-Yang (âm Bắc Kinh, BK), đồng thời tên gọi nước Yonok hay một biến âm của nó là Yonaka rõ ràng rất gần với tên gọi nước Âu Lạc (H-V)=Ou Lo (BK). [12]

Đặc biệt, theo Jumsai trong sử biên niên Thái cổ, Yonok là một quốc gia-thành phố ở đâu đó tận Sipsong Chau Tai (tức Tây Bắc Việt Nam) [13] .

Một câu hỏi đặt ra là: phải chăng Yang-Yonok chính là sự phục hưng, hồi cố lại Văn Lang-Âu Lạc của con cháu vua An Dương khi bị mất nước đã phải chạy về miền trung, qua Lào, sang bắc Thái lan?

Hiện tượng cư dân của một tộc người vì những lí do nào đó phải di cư, di tản đến vùng đất mới lấy lại tên đất nước, nơi ở cũ là hiện tượng phổ biến toàn cầu từ xa xưa cho đến tận ngày nay.

Theo Cholthira [14] người Tai Yuan đã cai trị người Lava từ năm 112 tr CN đến năm 638 sau CN (có lẽ đúng hơn là người Yuan đã lập nước ở vùng này từ năm 112 tr CN) trong khi nước Âu Lạc bị mất vào tay Triệu Đà vào năm 180 tr CN, như vậy Yonok được lập sau khi Âu lạc mất.

Theo Ratanakul [15] một thủ lĩnh Va nói rằng tộc Va/Lava đã hàng ngàn năm trước di cư dọc theo sông Mae Ping về phía bắc và đã định cư từ lâu ở vùng Chiềng Mai ngày nay. Trên bản đồ, chúng ta thấy hạ lưu Me Ping gần với vùng Nghệ An - theo truyền thuyết là nơi vua An Dương sau khi chém Mị Châu đã được thần Rùa Vàng đưa xuống biển và là nơi được nhiều học giả coi là quê hương của nhóm Vietic. Đặc biệt, vương quốc Lava Phanom/Phù Nam có thủ đô Nakhon Phanom với lãnh thổ bao trùm hai tỉnh Udon Thani và Nakhon Ratchasima vùng đông bắc Thái Lan chính là vùng sát với tỉnh Khammuon của Lào nơi có nhiều tộc thuộc nhóm Vietic.


4. Yuan-Mường

Theo Hill [16] người Thái Lanna, tức người Thái lai Lava tự gọi là Khon Yuan và Khon Muang tức trùng khớp với Yuan/Duôn là một tên được gọi của người Việt và Kon Mon /Muan/Mường là tên tự và được gọi của người Mường.

Cholthira khi muốn chứng minh Dvaravati là vương quốc của người Lava hơn là của người Môn đã nêu ra lí do rằng, trong những biên niên sử Lanna đầu tiên, không có nêu tên Mon mà chỉ có Lava và Meng như là hai cư dân bản địa. Nhưng thực ra, Meng/Mang là những biến thể của tên gọi của người Môn và người Mường.

Cụ thể, theo Đặng Nghiêm Vạn, Mang là một tên của người Thái chỉ người Mường dựa vào tên tự gọi của người Mường là Mon, Muan [17] . Trong “Quắm tố mướng” cũng hay nhắc đến “đất Mọi đất Mang”,”người Mọi, người Mang” (lối nói láy trong đó Mọi=Mang). Tên này cũng rất gần với: Rmang/Ramang=một tên cổ của người Môn [18] .

Dù sao, sự trùng hợp các tên gọi trên càng có ý nghĩa nếu đặt nó trong một loạt mối quan hệ giữa Yang-Văn Lang/Nha Lang và Yonok-Âu Lạc. Rất có thể, đó chính là mối liên hệ vừa từ hiện thực lịch sử vừa trong tiềm thức và ý thức của những tộc người cùng cội nguồn.

Việc các học giả không thống nhất chủ nhân của Dvaravati là Môn hay Lava có thể giải thích bằng sự phân hóa Lava-Mon, tương tự với sự phân hóa Việt-Mường vào cùng thời gian đó, chưa hoàn toàn rõ rệt.


5. Nha Lang-Samang, Khun-Cun-Hùng, Thao-Tạo

Theo Kunstadter, samang/khun=dòng họ thủ lĩnh ở một làng Lava nói chung; lam=người già nhất dòng họ cai quản mọi công việc tín ngưỡng của dòng họ-làng [19] .

Condominas [20] cho biết thêm: samang là từ chỉ dòng họ hoàng gia, quí tộc, thày mo cao cấp, người gìn giữ văn hóa Lava. Tuy nhiên, chỉ có một trong số những con trai của một samang được kế thừa danh hiệu samang, những người khác được gọi là kun. Dưới samang là lam-thày cúng cấp thấp. Tương tự, chỉ có một con trai của lam trở thành lam như bố. Dưới lam là lua=bình dân. Đó là 3 đẳng cấp thế tập truyền đời của người Lava...

Theo Cholthira [21] người Lava có ông bà tổ là Pu Cao Ya Thao Cok và Ya Thao Lava Cok; có một vị vua hiệu làKhun Vilanga mà theo Condominas còn được ghi là Kun Luang Wilangka, Virangkha...

Ratanakul [22] dẫn tư liệu của công chúa Thái lan Rangsit theo đó xã hội Lava ở làng Umphai, tỉnh Chiềng Mai vào năm 1969 gồm 4 đẳng cấp: samang=hoàng tộc, lam=chức sắc, korit=thày cúng, lavua=bình dân.

Trong xã hội Mường cổ, theo Trần Từ [23] , Nha Lang=đẳng cấp thống trị; Lang Cun (Kun)=con trai cả chi trưởng trong dòng họ Nha Lang; Lang Tạo /Đạo=con trai cả các chi dưới; Kem=người bình dân giúp việc cho lang/quan của vua Trời trong Mo Mường; Mon=đẳng cấp bình dân-bị trị.

Có thể thấy: (Nha) Lang (Mường) tương ứng với (Sa) mang (Lava) do cùng gốc Ya Yang và tương ứng với Quan (Lang=con trai quí tộc và Mi (Nương /Nang (=Lang(Vua) Hùng (Việt)=(PuKun/Khun (Lava); Kem (Mường)=lam(Lava); Tạo/Đạo (Mường)=Cao/Thao (Lava) liên quan đến phụ đạo (H-V); cách gọi Mon (Mường) tương ứng với tên gọi tộc người -bình dân Lua (Lava) và với Lạc dân (H-V)...


6. Khun Chương-Hai Bà Trưng

Cũng theo Cholthira [24] , vào triều đại cuối cùng của vua Lava Canka Raja (thế kỉ VII), hoàng hậu Mea Ku (Mẹ Cu) đã được giao cho việc trị vì nước Lanna với niềm tin rằng đất nước sẽ chống lại được sự bành trướng của người Miến nếu triều đình gìn giữ truyền thống cổ. Trong lễ lên ngôi vua, một trong tục cổ mà Mea Ku phải tiến hành là làm lễ “phiithii suup chataa Khun Chương”(?) để trở thành Chương, người được tin là có thể giải quyết được cơn khủng hoảng chính trị của đất nước (TĐ nhấn mạnh).

Ta không thể không liên hệ phong tục này với việc Hai Bà Trưng Trắc-Trưng Nhị đã là hai nữ thủ lĩnh-vua đầu tiên lãnh đạo người Lạc Việt đứng lên chống nhà Hán dành độc lập cho nước Việt trước đó 600 năm (39 sau CN), vì không còn nghi ngờ gì nữa, Trưng chính là biến âm của Chương.

Tại nước Việt, cũng với truyền thống đó mà Trương Hống và Trương Hát đã trở thành tên gọi của hai vị thần sông có biểu tượng là rắn nước được nhân hóa với tên dân gian là Ông Dài - Ông Cụt, được phong làm là thần làng của nhiều làng thuộc 172 xã ven sông Cà Lồ, sông Thương, sông Cầu, hay còn được gọi là Thánh Tam Giang. Theo truyền thuyết, hai ông là hai vị tướng của Triệu Quang Phục-tức Dạ Trạch vương/Triệu Việt vương (thế kỉ 6). Khi Triệu Quang Phục bị giết, hai ông không theo Lí Phật Tử và tự vẫn, trở thành thần hiển linh báo mộng-âm phù cho vua Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán, được Nam Tấn vương (951-965) phong là Đô hộ quốc thần vương (Vua thần hộ nước), sau giúp Lê Hoàn và Lí Thường Kiệt đánh Tống (bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư..” được nói là được vang lên trong đền của hai Ngài).

Tạ Chí Đại Trường, khi viết về hai vị thần này cho rằng ”sức mạnh thiên nhiên có công phù trợ nhà nước như thế, đã được nhân thần hóa thì phải mang họ của người và tất nhiên phải là họ tôn quí. Nhưng ông đã ”không hiểu vì sao họ Trương lại là tôn quí lúc bấy giờ”? mà chỉ biết đó là họ tôn quí “qua một bằng chứng của thế kỉ XII: Mùa đông tháng Giêng âm lịch (1129), thái uý Lê Bá Ngọc, người được Lí Nhân Tông vời đến khi hấp hối, được trấn giữ cung điện đề phòng bạo loạn khi Thần Tông-lên ngôi, con người nắm trong tay vận mệnh của dòng họ đương quyền như thế, được phong chức Thái sư và được đổi làm họ Trương” [25]

Một lần nữa ta thấy ý nghĩa tâm linh của danh hiệu Chương/Trưng/Trương-một truyền thống đã được người Việt và người Lava bảo lưu hàng ngàn năm lịch sử.


7. Mị-Mê-Mệ

Vùng bắc Thái Lan, đất cũ của người Lava-Môn đầy các địa danh bắt đầu bằng từ Mae (Me) như tỉnh Me Hong Son, huyện Me Sariang, Me Ping, vùng Me Amlan, Me Cham.v.v. liên quan tới các tên sông có tiền tố Me như Meping, Mekong...Tên gọi Me Ku-nữ hoàng Lava được phong Khun Chương cho thấy Me (Mẹ) ít nhất cũng là từ chỉ hoàng hậu, công chúa Lava tương ứng với Mị của Mị Châu, Mị Nương (công chúa con vua Hùng, Thục); xa hơn tương ứng với Mi được coi là họ (đúng hơn là từ đi trước tên riêng) của người Lạc Việt .

Tên gọi Mê/Mi linh - thành đô của Hai Bà Trưng; tên sông Mạ/Mã ở vùng Đông Sơn rất có thể những hồi âm vang vọng nhất và cuối cùng của việc dùng các từ chỉ Mẹ chỉ địa danh - một truyền thống Môn-Lava.

Sau này, triều đình Huế không ngẫu nhiên dùng từ Mệ để chỉ người trong hoàng tộc cả đàn ông và đàn bà. Cần nói thêm văn hóa Huế còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa Việt-Mường cổ. Trần Từ (1996) đã từng chứng minh món ăn Huế, kể cả món ăn “trong Nội” (trong cung đình) là món ăn Mường, hay có gốc món ăn Mường.


8. Me Ku-Chăm Đêvi-Dương Vân Nga-đạo Mẫu

Hệ thống xã hội Lava là một hệ thống lấy người mẹ - người đàn bà làm trung tâm [26] tức mẫu quyền, mẫu hệ, cư trú đằng vợ... Ya Thao Lava Cok=bà vua tổ Lava là người chia đất phân mường cho các con trai. Như trên đã nói, một hoàng hậu chấp chính Lava có tên Me Ku. Một nhân vật nổi tiếng khác là Chăm Đêvi - nữ hoàng gốc Lava được coi là người đã sáng lập ra kỉ nguyên mới cho vương quốc Môn Haripunjaya (Lamphun) thế kỉ VIII bằng cách tiếp thu Phật giáo...

Truyền thuyết về việc 50 con trai theo Mẹ Âu Cơ ở lại vùng núi, lập nước Văn Lang; về việc Trọng Thủy ở rể nước Âu Lạc và Mị Châu được giữ nỏ thần; hiện tượng Hai Bà Trưng, Bà Triệu cùng các nữ tướng lãnh đạo những cuộc khởi nghĩa đầu tiên dành độc lập; vai trò của nhà vợ Ngô Quyền đối với sự nghiệp của Dương Đình Nghệ; việc Thái Hậu Dương Vân Nga chấp chính thời Tiền Lê trong mối quan hệ đặc biệt với Lê Hoàn...và đặc biệt đạo Mẫu của người Việt rõ ràng đều phản ánh hệ thống đó.


9. Lava-Lao-Giao-Keo-Swa-Java

Condominas [27] dẫn Finot cho biết: có một thời điểm trong lịch sử của Luông Phrabang(?) ”người ta thấy xuất hiện một triều đại của các thủ lĩnh Kha” (tức những người mông muội) do Khun Swa (Java) sáng lập lên, sau đó bị kẻ chinh phục người Thái là Khun Lò cướp đoạt mất(?). Tên của vị vua Kha đó được đặt cho đất nước: Muon Swa hay Java. Nước này cũng còn gọi là Lan Xan, không biết nguồn gốc từ này ở đâu”. Finot còn giải thích Java là tên được ghi trên tấm bia của Rama Khamheng... Dựa trên các nguồn tài liệu Trung Hoa, Tatsuo Hoshino cho rằng Java đó là một nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong lúc giao thời của lịch sử Khmer và rồi người ta gán cái tên Java đó cho một hòn đảo lớn [28] .

Theo Parkin tộc Kala /Hkala thuộc nhóm Palaungic ở Vân Nam và Mianma có tên tự gọi là Ss-va [29] .

Như vậy, Swa=Sawa=Ssva=Java=Lava=Kava=Kala. Vương quốc của người Lava với vị vua mang tên Lava đó chính là tiền thân của nước Lan Xang của người Lào.

Trong khi đó, các tên gọi quận Giao châu, người Giao chỉ, Keo (=người Việt) cũng là những biến thể của Lava/Lao.

Nguyễn Gia Phu đã chứng minh các tên gọi quốc gia cổ ở vùng tây Bắc-Thượng Lào Ai Lao=Lão Qua=Nam Chưởngvà Nam Chưởng=Lan Xang [30] .

Dễ thấy, Lão Qua (cũng như Qua Oa) là một phiên âm Hán Việt của Lava. Đáng chú ý, Nam Chưởng không chỉ gần gũi với Lan Chang mà còn cả với Lạng Chượng=thủ lĩnh /ông tổ Thái Đen và nước Nam Cương trong truyền thuyết “Chín chúa tranh vua”.

Ceodès đã chứng minh ở thế kỉ 16 tên gọi Lan Chang (Lan Xang)=Triệu Voi mới xuất hiện.Tên gọi này tương ứng với Lanna=triệu ruộng - tên nước của người Thái Yuan tức Thái gốc Lava. Theo tôi, rất có thể cả hai tên Lan Chang và Lanna đều là sự Thái hóa cả về âm và nghĩa của Ya Yang/Nha Lang-tên các quốc gia gắn với người Lava-Lạc Việt.


10. Yonok-Âu Lạc-Thục Phán

Nếu vua Hùng/vua Lạc là vua của nước Văn Lang của người Lạc Việt/Lava cùng với người Môn/Mường thì Thục Phán-vua nước Âu Lạc là vua của tộc người nào, từ đâu đến?

Sử sách Trung Hoa và Việt Nam cổ (Giao châu ngoại vực kí, Quảng châu kí, Việt sử lược, Toàn thư) coi Thục Phán là con vua Thục (thời Xuân Thu) từ Ba Thục đến. Học giả Trung Quốc Trần Tu Hòa (1944) cũng cho rằng Thục Phán là con út hoặc con di phúc của vua Thục chạy tránh quân Tần đến Vũ Dương (Tứ Xuyên), rồi từ đó theo theo sông Mân Giang xuống Quí Châu, Vân Nam rồi lại theo sông Lô (Hồng) xuống chiếm Văn Lang. Đào Duy Anh về cơ bản đồng ý với Trần Tu Hòa, nhưng coi Thục Phán là cháu vua Thục còn sót lại sau một thời gian luân lạc ở Quí Châu, Vân Nam [31] ...

Nhưng, việc Lã Văn Lô (1963) công bố bản dịch truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” do Lê Sơn phóng tác dựa trên truyền thuyết của người Tày, Nùng ở Cao Bằng một thời đã làm cho một số sử gia chuyển hướng, coi Thục Phán là vua nước Nam Cương ở vùng Cao Bằng, Quảng Tây của người Tây Âu -tổ tiên của người Tày -Nùng hiện nay(?). Nhưng một số học giả cũng nghi ngờ về điều này.

Dù trong cả hai trường hợp, Thục Phán đều có nguồn gốc Thái (nghĩa rộng bao gồm Tày-Nùng), nhưng chúng ta hiện có nhiều bằng chứng hơn để đoán định rằng Thục Phán là vua của một nước của người Thái lai Lava hoặc Lava Thái hóa (=Lự=Thái Đen=Ai Lao, tức gần gũi với người Lạc Việt) ở Vân Nam tương ứng với nước Tây Thục được ghi trong Hậu Hán Thư. Không ngẫu nhiên, Lua/Lự/Lặc/Lạc là những tên gọi của người Thái Sip song Panna-Vân Nam;La=tên gọi người Thái Đen ở Vân Nam; = họ vua chúa/quí tộc của người Thái Đen, Lào; người Mường gọi người Thái Đen là Rự

Cũng không ngẫu nhiên, dạng nhà Thái Đen có mái hình mu rùa rất gần gũi với nhà Va ở Vân Nam. Izikowitz - nhà dân tộc học Thụy Điển - coi Thái Đen là một nhóm gần gũi với người Lamet được Thái hóa [32] . Diffloth (1980) coi cả tiếng Lamet (hiện thuộc Khmuic) cũng thuộc Palaungic nhưng tên gọi Lamet/Khamet/Khamed cũng như văn hóa Lamet được coi là gần gũi nhất với người Khmu.

Mặt khác, theo Tanabe, Cao Cheng Yong-thủ lĩnh huyền thoại của người Lava thống lĩnh vùng Vân Nam đã trở thành một trong những thần bảo hộ chính của mường Hai -mường lớn thứ hai vùng Thái Lự Vân Nam hiện nay bởi người Thái là tộc người đến sau và đã hòa nhập vào với người Lava là tiền chủ vùng này... Rất có thể, người Côn Minh và tên thành phố Côn Minh hiện nay cũng có gốc từ Con Meng=Người Môn /Mường. [33]

Đáng xem xét ở đây là từ nguyên của Thục Phán.

Trần Quốc Vượng có lẽ dựa vào Cầm Trọng coi Thục Phán có gốc Tuc/To (đánh giặc, mở đất?) + Phắn /Phanh (mở đất mở mường)=thủ lĩnh đánh giặc, mở đất, mở mường trong từ vựng Tày-Thái cổ(?) trong khi Cầm Trọng lại dịch to túc phăn=người thống soái các đoàn quân chinh chiến thời cổ. [34]

Nhưng theo tôi, có nhiều khả năng hơn là Thục Phán=Shu pan (Hán) có gốc Chu Phen trong Chẩu/Chu phen đin/Chẩu phen căm=Chúa Đất/Chúa Người=lãnh chúa lớn cao nhất của người Lự (Chẩu=Chủ/Chúa,phen=1000=tượng trưng số nhiều, đin= đất, căm =người).

Ta biết chẩu/châu=chu, tương ứng với zhu (BK)=chủ (H-V) và có thể đã biến âm thành shu=Thục. Theo Lý Lạc Nghị - Jim Waters [35] chữ Thục (shu) trong Ba Thục có nghĩa gốc-tượng hình chỉ ấu trùng một loài bướm(?!) nhưng lại đồng âm với nhục=ai/người nào. Điều này cho thấy, tên gọi Thục tương ứng với chu/chau =người [36] .

Zhu Chang Li [37] cho biết chau phen din (Lự, Thái Đen)=zhao pian ling (Bái - một nhóm Thái) và trong tiếng Báizhao=vua/tộc người /khu vực /đất/ruộng.

Mặt khác, phen có thể gốc phan/pan/ban=1000 (Sipsong phan/pan na=12000 ruộng), từ đó phanđin=phanna chỉ lãnh thổ.

Như vậy, Thục Phán là vua của một nhóm hỗn chủng Thái-Lava từ phía tây bắc. Không ngẫu nhiên, trong ngọc phả đền Hùng viết Thục Phán là “bộ chúa Ai Lao” là một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Mặt khác, tên gọi An Dương (Ngan Yang) chắc hẳn cũng có quan hệ với các tên gọi nước Nha lang>Văn lang (có gốc Ya Yang); với nước Yelang=Dạ Lang ở tây Quí Châu cũng như đến tên Yuan >Yonok>Âu Lạc...

Có lẽ, điều này cho phép giải thích một loạt các hiện tượng: mối quan hệ thống nhất giữa văn hóa Dạ Lang, Điền (Thục Điền/Điền Việt) hay văn hóa Tấn Ninh ở Vân Nam với văn hóa Đông Sơn; sự tương đồng về cấu trúc giữa thành Cổ Loa và Xam Mứn của người Lự; các yếu tố Thái trong tiếng Việt... Điều này cũng phù hợp với thông tin của Jumsai về mối quan hệ Yonok (Âu Lạc)- Sip Song Chau Tay (12 châu Thái tức vùng Thái ở Tây Bắc Việt Nam); với quan điểm của Kachorn (1964) đoán nhận cư dân Dvaravati là một dạng Proto Thái; với sự trùng hợp tên gọi Yuan của người Việt, Thái Lanna, Lự và một bộ phận người Lào; với việc phần sông Hồng - con sông nối Vân Nam-Tây Bắc-Bắc Bộ Việt Nam ở bên Trung Quốc theo Kempers [38] được gọi là Yuan Jiang=sông Yuan... (ta biết hiện tượng tên sông gắn với tên tộc người rất phổ biến ở vùng Đông Nam Á cổ).

[1]Xem Tạ ĐứcNguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc -biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn”. Hội Dân tộc học và Trung tâm Tiền Sử Đông Nam Á xuất bản. Hà Nội 1999. Bài viết này, do đề tài đặc biệt của nó chỉ là một phần nhỏ rút ra trong cuốn sách, có rút gọn, sửa sang và cũng được bổ sung một số tư liệu mới. Bị tách khỏi tổng thể, bài viết có lẽ sẽ không tránh khỏi gây cảm giác bỡ ngỡ cho ai đó khi lần đầu tiếp xúc. Do đó, để hiểu rõ hơn một số điểm trong bài này (nhất là về mặt ngôn ngữ) mong bạn đọc có dịp đọc cuốn sách trên. Dù sao, mục đích của tác giả chủ yếu là xới lại “một vấn đề rất hay nhưng cũng rất khó” trong lịch sử dân tộc này để cùng tìm hiểu, trao đổi.
[2]Trong tên Lawa, âm w có thể là v/u/o, do đó Lawa >Lava//Lua/Lào. Tôi chọn cách ghi Lava. Tên gọi Lava /Lua/Lao...cùng với tên gọi Việt (Yue) suy cho cùng có gốc Ya cùng với Pu vốn là hai từ chỉ người cổ trong ngôn ngữ Tiền Đông Á có quê hương từ núi Himalaya, từ đó phát triển thành các hệ Hán-Tạng, Thái-Kađai, Nam Á, Nam Đảo. Chính hai từ đó là gốc của Bai Yue =Bách Việt, Bai Pu=Bách Bộc là tên người Hoa dùng chỉ các tộc khác ở Nam sông Dương Tử. Các biến âm của Ya là La/Nha/Ja/Cha/Xa/ Ka/Kha/Ta/Yang/Lang/Rang/ Nhang/ Chang/Yay/ Lay/Tay/Jay... còn lưu lại trong tên tự gọi của nhiều tộc người ở Đông Nam Á.
[3]Điều lí thú là trong tiếng Việt ở Hà Nội của những năm 60-70 có một cặp từ thường chỉ dùng trong giới trẻ để chỉ bố -mẹ là “ông bô-bà via” tương ứng với cặp ông bộc-bà việt (gốc Pu Ya) nếu bỏ thanh nặng và âm cuối c-t. Với từ Lạc Việt nếu bỏ âm cuối c, t sẽ cho La Vie gần đúng với tên tự gọi của người Lava. Tương tự, từ Liệt Ninh (H-V) bỏ hai âm cuối t, h sẽ cho âm Lie Nin gần đúng âm gốc Lenin. Một sự ngẫu nhiên?
[4]Cholthira Satyawadhna, Ethnic inter-trlationships in the history of LannaReconsidering the Lwa role in the Lanna scenario. Tai culture. Vol II, No 2. SEACOM. 1997, tr 15.
[5]Cầm Cường. Tìm hiểu văn học dân tộc Thái ở Việt Nam. KHXH. 1993, tr 23.
[6]Condominas, Georges. Không gian xã hội vùng Đông Nam Á (dịch từ tiếng Pháp). VH. 1997, tr 248.
[7]sub-states
[8]Nay gọi là Myamar - BT
[9]Ratanakul Suriya. The phonology of Lawa in SEA Linguistic Studies presented to A. G. Haudricourt. Bangkok. 1985, tr. (264-309)
[10]Hill Ronald. C. Where and what was Yonok ? in Proceedings of the 4th International Conference on Thai studies. Kunming. 1990, tr 286.
[11]Nguyễn Văn Tố. Đại Nam Dật Sử. Hội Khoa học Lịch Sử VN. 1997, tr 443.
[12]Về tên Yonaka xem Maspero. Eveline. Porée:, Etude sur les rites agraires des cambodgiens. Paris Mouton & Co La Haye.Tome 3 1969, tr 981.Về cách ghi Ngan yang=An Dương xem Aurousseau (1923:212), Chamberlain (1998:14). N.G.Phu (1992) cũng chứng minh Ngai Lao=Ai Lao do ai (Hán phương Bắc)=ngai (Hán phương Nam). Ta biết, ngay trong tiếng Việt Bắc và Nam bộ cũng có sự tương ứng ngoan-oan, nguyễn-uyễn. Trong trường ca Chương Han cũng có tên Mường Ngân Dang=Ngan Yang trùng với tên thủ đô Yonok...
[13]Jumsai Sumet. Naga-Cultural Origin in Siam and the West Pacific Singapore. 1989, tr 24.
[14]sđd:15
[15]sđd: 265
[16]sđd, tr 283
[17]Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái. KHXH 1977, tr 464.
[18]Parkin sđd, tr 61
[19]Kunstadter Peter: The Lua (Lawa)...of Maehongson Province, in Southeast Asian Tribes...Princeton University Press.1967, tr 656.
[20]sđd, tr 252
[21]sđd, tr18
[22]sđd, tr 265
[23]Trần Từ. Người Mường ở Hoà Bình. Hội KHLS VN. 1996, tr 10, 205.
[24]sđd, tr 14
[25]Tạ Chí Đại Trường. Thần, Người và Đất Việt. Văn nghệ -Caliorlia-USA. 1989, tr 57. Lịch sử không chỉ biết đến Hai Bà Chương Trắc Chương Nhị mà còn tới Chương Han, một anh hùng huyền thoại Khmu, Lào, Thái Đen; tới Mơ Trang Lơn (=Po Chương Lơn), một anh hùng Mnông thời chống Pháp. Danh hiệu Chương có quan hệ từ nguyên và ngữ nghĩa với Yang, từ chỉ thần linh trong ngôn ngữ của nhiều tộc người Đông Nam Á. Trong cuốn sách, tôi cũng đã chứng minh trong ngôn ngữ Việt, Chăm, Thái, nhiều từ chỉ dòng họ và họ, đặc biệt là các họ quí tộc có gốc là từ chỉ Người/tên tự gọi tộc người. Họ Trương là một cách chữ nghĩa hoá, từ đó Hán hoá danh hiệu Chương...
[26]matri-centred system
[27]sđd, tr 280
[28]có lẽ là đảo Java ở Indonesia. Không loại trừ người Java là con cháu của một nhóm Lava di cư. Java là đảo ở Indonesia tìm thấy nhiều trống đồng Đông Sơn nhất.
[29]Parkin Robert. 1991. A guide to austroasiatic speakers and their languages. University of Hawaii Press.
[30]Nguyễn Gia) Phu. Tìm hiểu các từ Ai Lao, Lão Qua, Nam Chưởng. NC Đông Nam Á. No 4. .1992, tr 68.
[31]Đào Duy Anh. 
Đất nước Việt Nam qua các đời...
 Thuận Hoá-Huế. 1994, tr 24.
[32]Parkin, sđd, tr 100
[33]Tanabe Shigeharu. Spirits and Ideological Discourse: The Tai Lu Guardian Cults in Yun Nan. Sojourn.Vol 3 No 1. 1988, tr 21.
[34]Cầm Trọng -Phan Hữu Duật. Văn hoá Thái Việt nam. VHDT. HN. 1995, tr 321.
[35]Lý Lạc Nghị & Jim Waters. Tìm về cội nguồn chữ Hán.Thế Giới. HN. 1997, tr 716.
[36]Về mối quan hệ từ nguyên giữa các từ chỉ Người-không gian tộc người (sông, núi, đất, nhà, làng, nước)-đại từ chỉ người-từ chỉ thân tộc-từ chỉ hồn ma-thần linh, tên tộc người-thủ lĩnh -vua chúa... xem Tạ Đức (sđd, phần III).
[37]Zhu Chang Li.. A research on Pong-an ancient Shan state in Proceedings of the 4th international Conference on Thai studies. Vol I-Kunming. 1990, tr 55.
[38]Kempers. A.J.B.. The Kettledrums of Southeast Asia. A. A .Balkema/ Rotterdam.1988, tr 263.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5.2000, Nguồn gốc và sự phát  triển của Kiến trúc-Biểu tượng và Ngôn ngữ Đông Sơn, Hà Nội, 1999. Bản đăng trên talawas có một số bổ sung của tác giả

 11. Thành Ốc: Cổ Loa -Lamphun...

Theo Condominas [1] công trình quân sự được gọi là “lăng mộ Lua” (kơvah Loh trong tiếng Karen) ở vùng bắc Thái Lan mà ông khảo sát có dáng gần gũi với các công trình hình tròn - một dạng thành bằng đất đắp của cư dân Môn-Khmer - cư dân nguyên thủy Đông Dương còn vết tích trên một vùng rất rộng ở Thái Lan, Cămpuchia, cao nguyên Thượng Lào, Nam Việt Nam.

Có thể thấy, thành Cổ Loa, kinh thành của nước Âu Lạc, còn được gọi là Kiển thành (thành hình kén) chính là một dạng thành hình tròn nói trên.

Theo Higham, thành Cổ Loa được dựng cùng thời với các thành đất đắp ở thung lũng sông Mun (Thái Lan) tức vào khoảng 400 năm tr CN đến 200 năm sau CN và giữa hai vùng có sự tiếp xúc trao đổi qua dãy Trường Sơn. Thành có nhiều vòng thành nhất hiện còn là thành Noen U Loke với 5 vòng. Đặc biệt, kết cấu thành Ban Chiang Hian rất gần gũi với thành Cổ Loa [2] . Tên sông Mun cho thấy chủ nhân vùng này là người Mun/Môn tức người Mường cổ.

Về mặt kiến trúc, thành Cổ Loa có lẽ là thành lớn nhất trong số các thành đất đắp hình tròn của cư dân Môn-Khmer cổ còn dấu tích dày dặc ở Đông Nam Á lục địa và Madagasca có niên đại cách đây 1500-2500 năm trong đó nhiều thành có đặc điểm tương tự thành Cổ Loa với sự kết hợp chức năng phòng thủ với chức năng chứa nước, dẫn nước, giao thông...

Vấn đề là, trong các sách tiếng Hán xưa của cả Trung Quốc và Việt Nam như Nam Việt chí (Cựu Đường thư), An Nam chí lược, An Nam chí nguyên, Việt Kiệu thư, Lĩnh Nam chích quái, Dư địa chí, Hoàng Việt dư địa chí, Đại Việt sử kí toàn thư thì thành được ghi bằng nhiều tên Hán Việt khác nhau là: Khả Lũ, Khả Lưu, Loa Thành, Côn Lôn, Tư Long, Quỉ Long...

Về tên gọi thành này có nhiều quan điểm.

Stein, khi xem xét mối quan hệ về mặt từ nguyên giữa các biểu tượng mang tính vũ trụ như quả bầu, hang, núi Côn Lôn trong văn hóa Trung Hoa và Việt đã cho rằng từ Côn Lôn có gốc klong (Tây Tạng)=rộng lớn, một thể hỗn mang, một làn sóng, mọi vật lượn sóng (ví dụ những nếp uốn của vỏ sò), sự rộng mênh mông về không gian và chiều sâu tinh thần, điểm trung tâm... Từ đó, thành Cổ Loa đã được dựng theo mô hình huyền thoại Côn Lôn với hình xoắn của vỏ sò...

Trong một cuốn sách năm 1990, ông cũng đưa ra các bằng chứng về việc Phạm Lãi khi dựng thành cho vua nước Việt Câu Tiễn cũng đã mô phỏng mô hình vũ trụ khởi nguyên - núi Côn Lôn tương ứng với với thiên văn (tượng của trời). Đặc biệt, ở phía mặt lớn của thành, Phạm Lãi còn cho dựng Qui Sơn=Núi Rùa có vai trò là “quái du đài” - tức nơi để xem bói mu rùa và quan sát thiên khí. ...

Cũng theo Steine, trong tâm thức Trung Hoa, núi Côn Lôn, nơi khởi nguồn của sông Hoàng Hà, cũng được coi là ngọn núi khởi nguyên và trong nhiều trường hợp được đồng nhất và chia sẻ nhiều đặc tính với núi Meru của Ấn Độ, núi Sumeru Tây Tạng.

Đặc biệt núi Côn Lôn cũng được quan niệm có 9 tầng (theo chiều dọc) hay 9 vòng quanh co hình xoáy ốc thể hiện 9 khúc quanh co của sông Hoàng Hà (theo chiều ngang). Đó là nơi trú ngụ của các con rồng bay lên trời cũng theo hình xoáy ốc. Tương tự núi Meru, Côn Lôn là cột trụ nối trời với đất, là trục của vũ trụ và của 9 tầng trời được dựng trên lưng rùa, nơi chứa đựng linh khí, nơi thành hôn của Phục Hi và Nữ Oa - cặp vợ chồng khởi nguyên vốn là hai anh em ruột và là ông bà tổ của người Trung Hoa.

Mặt khác, ông cũng vạch ra mối liên hệ giữa truyền thuyết Rùa Vàng giúp việc dựng thành Cổ Loa với quan niệm về vai trò trấn thủy, bảo hộ đê điều của các biểu tượng rùa-trâu-ốc thể hiện qua tục yểm hay ném xuống sông hồ tượng các con vật trên đúc bằng kim loại, tục thờ thần Trấn Vũ (Rùa=Huyền Vũ) ở Trung Quốc và Việt Nam; mối quan hệ biểu tượng và từ nguyên giữa rùa-trâu-ốc sên (rùa có hai cái bướu ở đầu như sừng của trâu và ốc sên, trong tiếng Hán ốc sên được gọi là ốc ngưu (H-V)... [3]

Trong mối liên hệ đó, theo Taylor, việc dựng thành Cổ Loa và truyền thuyết rùa vàng cũng gợi nhớ đến việc nhà Tần xây dựng Thành Đô ở Tứ Xuyên sau khi chiếm nước Thục một thế kỉ trước đó. [4]

Cần nói thêm, hình xoáy ốc tương ứng với hình cuộn tròn của mình rắn cũng chính là hình thế của núi khởi nguyên Meru/Sumeru/Himalaya cũng được coi là mô hình của các đền tháp Ấn Độ và Đông Nam Á cũng như của kim tự tháp của người Indien Aztec ở Mexico. [5]

Rõ ràng, việc dựng thành Cổ Loa theo sử sách có hình xoáy ốc với 9 vòng thành đã nằm trong một truyền thống chung của kiến trúc tiền sử nhân loại. Đó là tạo ra các công trình gắn với các huyền thoại khởi nguyên và mô phỏng một mô hình, một biểu tượng vũ trụ khởi nguyên....

Trong khi đó, Đào Duy Anh [6] , một mặt, coi tên gọi Loa Thành là “do người Trung Quốc đặt ra để gọi thành xưa của An Dương Vương mà tập truyền cho là hình xoáy ốc (loa=ốc), vì thấy nó có vòng trong vòng ngoài, được miêu tả là “có 9 lớp, chu vi 9 dặm”. Từ tên Loa thành đó mới có tên làng Kẻ Loa=người làng có thành Loa, có tên thành là Kẻ Loa rồi sau phiên âm thành chữ Hán là Cổ Loa/Khả Lũ”, mặt khác cũng ngờ rằng Loa thành với Kiển Thành (thành hình kén) do Mã Viện cải tạo là một.

Trần Quốc Vượng, tuy cũng mô tả “thành Cổ Loa gồm nhiều lũy đất quanh co xoáy ốc có kè đá” nhưng lại coi tên gốc của thành là Klủ>Chủ, liên quan tới các từ dân gian gọi Cổ Loa là Kẻ Chủ, thành Chủ; tên An Dương Vương là vua Chủ, trong đó Chủ=Chẩu=thủ lĩnh và tương ứng với vai trò kinh đô, nơi vua ở của thành, còn tên Cổ Loa thì chỉ là”một lời lí giải kiểu ông đồ” [7] ...

Bùi Văn Nguyên [8] khi coi Thành Đông/Loa Thành/Việt Vương Thành có thể ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nơi cũng có đền An Dương Vương lại cho rằng tên Loa Thành =Thành ốc có thể là thành xây bằng gạch vỏ ốc chứ không chắc là thành có hình xoáy ốc vì ở chính vùng này ở dưới đất có nhiều vỏ sò, ốc kết thành tảng có thể dùng để xây tường thành chắc như gạch (!).

Mặt khác, Hà Văn Tấn cho hay: học giả Anh Davidson từ hiện tượng Rùa Vàng là thần bảo hộ cho thành Cổ Loa trong truyền thuyết Mị Châu -Trọng Thủy, cho rằng tên Cổ Loa rất có thể tương ứng với kara (Chăm)=kroa(Giarai)=kula (Proto IN)=rùa=kula/karac (Proto Nam Đảo) = con trai... [9]

Tuy nhiên, được biết: ốc=klo (Khmu)=lo (Proto Va, Lava)=lo (BK)=loa (H-V)... Điều này cho thấy tên thành Cổ Loa cũng như các tên gọi khác như Khả Lũ, Côn Lôn, Tư Long...có nhiều khả năng đều là sự chuyển âm Hán Việt của từ cổ klo với hai âm đầu k-l và nhiều nghĩa trong đó một nghĩa=ốc hiện còn được bảo lưu trong tiếng Khmu. Điều lí thú là nhiều địa danh quanh Cổ Loa như sông Cà Lồ, bến đò Lo, làng Lủ (Việt)= Kim Lũ (H-V)= tên làng Cổ Loa; vùng/huyện Phù Lỗ...và cả tên người làm nỏ thần trong truyền thuyết Loa Thành là Cao Lỗ ... đều có thể có quan hệ từ nguyên với klo.

Có thể thấy, từ klo/lo=ốc có họ hàng với một loạt từ chỉ sông nước, tiếp đó chỉ các con vật gắn với sông nước và trở thành các biểu tượng cho sông nước khác như klung (Tây Tạng cổ điển, Môn)=krong (Bahnar, klo (Karen, Toraja)=klu (Arem)= kung/kang/giang (H-V)=gang (Skr)= sông/kênh; >klu (Tây Tạng)=klu/khú (Mường)=rồng (Việt, Khmer cổ)=long (H-V)=vua rắn nước /cá sấu; klu (Mường)= tru (Việt Trung bộ)=trâu (Việt Bắc Bộ); ro (Mường)=rùa(Việt)=kroa (Giarai); khu (Mường)=cá sấu/rồng...

Tương tự, ya (Lê)=ia/ea (Êđê, Jarai)=ayar (Malay)=aek (Tạng -Miến)=he (BK)= (H-V)...=sông/nước >ya(Lê)=tha/xà (H-V)=naga (Skr)= rắn/rồng....

Cần nhấn mạnh rằng, trong ngôn ngữ Đông Nam Á cổ, các từ klu/klo... hay ya/đa/đak/nak... vốn là các từ có gốc từ chỉ Người (Pu-Ya), sau chuyển thành các từ chỉ sông/nước như một dạng không gian cư trú gắn với người, tiếp đó là từ chỉ các con vật biểu tượng cho sông nước rồi dần mới phân hóa thành các từ chỉ rắn, trâu, rùa, cá sấu, ốc, trai, rồng... [10]

Vấn đề là, theo Jumsai [11] , bình đồ của thành phố Hariphunchay (Lamphun) vào thế kỉ 7 và 8 sau CN có hình con ốc. Một biên niên sử Thái có tên gọi là Jamthewiwong cho biết, hai đạo sĩ là Vasuthep (hay Sutheva) và Sukkathanta chính là hai người đã thiết kế và xây dựng thành phố đó. Cả hai đã cùng quyết định coi hình ốc là hình dạng thích hợp nhất cho thành phố và nhờ một đạo sĩ thứ ba có tên là Phra Satchnalai tìm cho con ốc ở tận đáy biển làm mô hình mẫu. Khi thành phố Hoàn thành, hai nhà đạo sĩ mời Jamthevi, một hoàng hậu từ phía nam về cai quản. Sau đó, Jamthevi lại cùng với hai đạo sĩ dựng lên một thành phố khác có tên là Khelangnakhon hay Lampang ngày nay cũng có hình thù giống với vỏ ốc.

Ngoài ra, các thành phố khác trong vùng như Chiang Mai, Phrae cũng có hình vỏ ốc... Khi chuẩn bị xây dựng thủ đô Ayudhya (của người Xiêm), người ta cũng phát hiện được vỏ ốc ở lòng đất chính ở nơi dự định xây, và điều này được coi là một điềm lành. Người Xiêm coi vỏ ốc chính là biểu tượng chiến thắng của Narai, được coi là hiện thân của thần Visnu, vị thần chủ của naga. Cũng ở thời Dvaravati, vỏ ốc được coi là một biểu tượng của nước, sự phồn thực và được dùng trong các nghi lễ lớn của triều đình.

Chính ở đây, chúng ta cũng có thể kết nối từ Klo/Cổ Loa với từ Krung, từ đứng trước từ Ayudhya, tên thủ đô của nước Xiêm từ 1531 đến 1767. Jumsai [12] nhận xét: từ krung có gốc kreung (Môn)= sông/ kênh. Ai thống trị được sông nước cũng sẽ là người thống trị được đất nước và từ krung trở thành đồng nghĩa với nơi trị vì của vua chúa hay thủ đô.

Cũng cần nói thêm, trong khi tên các nhánh sông Hồng như Cà Lồ/Lô tương ứng với Klo thì một tên cổ của sông Hồng là Phú Lương, cũng như tên sông Đuống có thể tương ứng với krung /klung.

Vấn đề là, theo Condominas [13] : Lamphun chính là tên thành và tên một vương quốc của người Lava; Jamthevi, một biến thể của Camadevi/Chamtevi/Camdevi chính là một hoàng hậu gốc Lava (trong khi Coedes coi là người Môn) và đạo sĩ Vasudesa, cũng là người Lava, chính là cha nuôi của nàng; nàng là mẹ của hai vua Môn sau này là Haripunjaya (Lamphun) và Khelanga (Lampang)...

Như vậy, ta lại thấy có sự tương đồng về tính biểu tượng ốc giữa thành Cổ Loa của người Lạc Việt và tiếp đó của người Âu Lạc với những thành trì của người Lava-Môn-Xiêm (Thái lai Môn).

Điều lí thú là theo Parkin [14] Khalo/Kalo một thời cũng là từ người Việt gọi chung các tộc miền núi Quảng Bình thuộc nhóm Vietic và hiện vẫn là tên của một số nhóm Palaungic và Katuic. Như vậy không loại trừ đã có mối quan hệ “đồng thanh tương ứng” giữa tên gọi gốc của thành Cổ Loa là Klo với tên gọi tộc người Klo/Kalo cũng như với tên sông Cà Lồ/Lô của sông Hồng, con sông bồi đắp nền văn minh Việt cổ. Điều này lại cho phép kết nối quan điểm coi tên gọi Lạc=Lo/Lua=Người với các quan điểm: a- của Nguyễn Kim Thản -Vương Lộc (1974) coi Lạc=nác/rác/nước; b- của học giả Nhật Goto Kimpei (1975) coi Lạc=lạch, rạch; c- của học giả Lào Kham Banh (1994) coi Ai Lao có gốc Cẩu Lổng=Cửu Long=Chín Rồng... Cần nói thêm là người Toraja (Indonesia) có dạng nhà gần gũi nhất với dạng nhà sống võng trên trống Ngọc Lũ lại có từ klo=kênh /rạch...

Về Cao Lỗ, Tạ Chí Đại Trường [15] nhận xét: ”Truyện của Việt Điện U Linh... coi Cao Lỗ là bầy tôi của An Dương Vương nhưng (ông) lại là một vị thần được thờ cúng, trong khi An Dương Vương vắng mặt trên đền đài của các triều vua buổi đầu độc lập; ít ra thì tính cách thiêng liêng của Cao Lỗ đã nổi bật hơn, nếu không nói là khuynh loát An Dương Vương, nghĩa là sự thờ cúng Cao Lỗ đã là của truyền thống ăn sâu vào trong thời gian khiến con người quan tâm đến thần linh địa phương như Cao Biền... đã phải lưu ý mà lập đền thờ”...

Mặc dù trong văn cảnh của truyền thuyết, tên Cao Lỗ từng được gắn với Nỗ=nỏ song có nhiều khả năng hơn Cao Lỗ/Cao Thông chính là biến âm của Klo/Klong=tổ tiên-thần bảo hộ thành Cổ Loa có gốc Klo/Klong=sông/nước/ốc/rùa/trâu/rắn/rồng và đồng thanh tương ứng với tên tộc người Lava/Kala/Kalo=Lạc Việt. Không ngẫu nhiên, Cao Lỗ còn được coi là thần rồng đá (Giáp Mão Thạch Long). Sau này, vị thần-tổ tiên đó đã mang tên Hán hóa là Lạc Long Quân...

Ngoài ra, cũng có thể kết nối Cao Lỗ/Cao Thông với các từ Cổ Long, Côn Lôn là các từ trong sử sách Trung Hoa dùng để chỉ vua, quan đại thần, cư dân Phù Nam, Chăm, Khmer, Mã Lai... tóm lại các cư dân khác Hán [16] . Đáng chú ý ở đây là tên gọi này cũng lại trùng khớp với tên núi Côn Lôn...

Mặt khác, suy cho cùng rắn/rùa/ốc/cá sấu..., các hiện thân cụ thể của rồng cũng là các biểu tượng của vua chúa - chủ thành - chủ đất nước và ở trung tâm đất nước. Chính quan điểm này kết nối và thống nhất các quan điểm của Stein - Trần Từ - Trần Quốc Vượng - Davidson về từ nguyên Cổ Loa. Ngoài ra, việc truyền thuyết kể Rùa Vàng giúp Thục Phán xây thành, cho móng làm lẫy nỏ giữ thành cũng là một sự phát triển của mô típ rùa dạy người làm nhà trong huyền thoại khởi nguyên Mường.

Trong mối quan hệ đó, như một truyền thống, nhiều tên gọi thủ đô của nước Việt sau Cổ Loa không chỉ kế thừa truyền thống kĩ thuật mà còn cả biểu tượng rồng thể hiện qua tên gọi như Long Biên, Long Đỗ (Bụng/Rốn Rồng) và nhất là Thăng Long...


12. Trống đồng

Trong một chuyên khảo về trống đồng ở Đông Nam Á, Kempers [17] dẫn tư liệu từ nhiều học giả cho biết:
  1. Trống đồng (yàan) là nhạc cụ quí nhất của người Yuan Kammu (có lẽ một nhóm Yuan Khmu hóa) ở Lào. Từyàan (Kammu) rất gần với từ yang (Karen) và yang deang (dùng ở Thái Lan). Quan niệm phổ biến của người Kammu là trống đồng được mua ở Miến Điện, trống do người Lwa/Lva (Lava) đúc. Tại vùng Yuan ở Lào cũng có một làng Lva ...
  2. Trong đời sống xã hội và tín ngưỡng của người Lamet, trống đồng có vai trò rất quan trọng. Người Lamet tiếp thu từ chỉ trống đồng=klo từ người Karen và mua trống từ vùng bắc Thái Lan. Chắc chắn, người Lamet không tự đúc được trống mà mua nó từ người Niang - có thể là một nhóm Karen - ở Muong Kiem, gần Chiêng Mai Thái Lan...
  3. Người Karen thường nói họ mua những trống đồng cổ nhất từ người Yu ở Vân nam hoặc người Wakawtha (Vakaotha) hay Swa...
  4. Trống Ongbah (loại I Hegerl) được phát hiện ở hang Ongbah - tỉnh Kanchanaburi, vùng giữa hai con sông Me Khwae Noi và Khwae Yai, theo Parkin [18] vùng này là đất của người Lava.

Trong ba trường hợp đầu, tộc người đúc trống đồng được coi là Lva, Niang, Yu và Vakaotha/Swa. Ta đã thấy ở trênSwa=Java=Lua=Lava. Tên gọi Niang Yang của nhóm được ngờ là người Karen cũng gợi tới Lang có gốc Yang tương tự với Yuan>Yunok/Yonok. Tên gọi Yang của người Karen ở bắc Thái Lan cũng nằm trong trường hợp này. Không loại trừ đây là một nhóm Lava Tạng Miến hóa (tiếng Karen hiện được xếp hoặc vào nhóm Tạng Miến, hoặc vào nhóm Tạng-Karen thuộc dòng Hán-Tạng). Đáng chú ý là từ chỉ sông của người Karen, theo Hoàng Thị Châu là klo, rất gần gũi với từ chỉ sông của người Arem là klu cũng như với tên sông Cà Lồ, sông Lô, sông Lừ là những nhánh của sông Hồng gắn với các vùng đất Lạc Việt cổ. Trường hợp cuối cho thấy rất có thể chủ nhân trống đồng Ongbah là tổ tiên người Lava ở vùng đó. [19]

Như vậy Lạc Việt=Lava=Lão=Yang=Yuan là một tộc người có truyền thống đúc trống đồng nổi tiếng ở Đông Nam Á. Điều này lại tương ứng với việc theo Kampers [20] , khu vực Bắc Việt nam liền kề với nam Trung Hoa và Vân nam (đều là đất của người Lava/Lạc Việt xưa) được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho đến nay cho danh hiệu quê hương của những trống loại Heger I cổ nhất. Đáng lưu ý là các từ gọi trống đồng yan/yang/ klo lại gần như trùng khớp với tên gốc tộc người, tên nước, tên sông và tên thủ đô của người Lava-Lạc Việt.


13. Gừng

Cũng theo Cholthira [21] , trong lễ Songkran (lễ gốc Lava-Môn có cả ở người Lự Vân Nam), vua Chiềng Mai/Lanna cùng với triều thần từ hoàng cung ra sông, tới một thủy đình dựng giữa sông Me Ping, xuống sông tắm gội sạch sẽ rồi lên mặc trang phục truyền thống. Sau đó, các quan làm lễ té nước lên người vua cầu phúc. Trong dịp này, người Lava và người Yang (Karen) sống ở Mae Sariang và vùng phụ cận tới dâng tặng vua hoa, thuốc lào và điếu. Nhà vua nhận các lễ vật, hút thuốc. Một lễ vật đặc biệt khác là gừng. Theo quan niệm của người Lava, khi nhà vua nhai gừng và phun bã lên người họ, sẽ đem lại cho họ nhiều điều tốt lành.

Trong Mo Mường có đoạn kể khi đúc trống đồng không được, cho rằng trống bị ma ám, thợ đúc trống phải đi tìm gừng bỏ vào miệng nhai phun vào trống đồng để đuổi ma, nhờ đó mới đúc được trống [22] .


14. Quan hệ Vietic-Palaungic-Bahnaric- Katuic-Monic qua tên gọi tộc người

Theo Haudrricourt, vị trí đúng của tiếng Việt (hay của cả nhóm Vietic) phải là trong họ Nam Á, giữa nhóm Palaung-Wa (Palaungic) ở tây bắc và khối Môn -Khmer ở tây nam. [23]

Diffloth [24] coi nhóm Vietic gồm các tiểu nhóm: bắc (Việt, Mường, Nguồn); tây bắc (Toum, Lihà, Phọng/Cham); tây (Ahoc, Ahao, Ahlao); đông nam (Chứt, Rục, Sách, Mày/Cuối); tây nam (Aten, Thémaru, Arao/Ahao/Ahlao, Makang, Malang, Maleng, To’e); nam (Kri, Phọng, Mlengbrou).

Parkin [25] cho hay: nhóm Palaungic gồm các tộc Palaung, Puman/Bulang, Pouma, Riang/Lang/Yang, Mảng, Danaw, Wa/Va/Vu/Kava/Lave/Ravet/Krak, La, Khalok/Kha lo, Kala, Samtau (Xam tao), Kon Keu hiện ở Thái Lan, Miama, Vân Nam -Trung Quốc, Việt Nam.

Cần nói thêm, theo Nguyễn Văn Lợi [26] người Pơlju ở Quảng Tây có tên tự gọi Pơlju, được người Hán gọi là Lai /Hlai và được các học giả Trung Quốc xếp vào tộc Klao (Chú ý Lao=Lai=Lju và Pơlju=Klao). Tiếng Pơlju được Benedict xếp vào Vietic nhưng được N.V.Lợi và đồng nghiệp xếp cùng nhóm Palaungic cùng với tiếng Mảng.

Có lẽ, khối Môn -Khmer ở tây nam đó trước hết có nhóm Katuic, bởi theo Diffloth, trong hệ Nam Á, Katuic là nhóm gần gũi Vietic nhất và cách đây hơn 4000 năm có một khối ngôn ngữ Vietic-Katuic chung [27] .

Ngoài ra, theo tôi, có thể đưa nhóm Bahnaric vào khối Môn-Khmer ở tây nam trên dựa trên sự gần gũi cuả các từ cơ bản trong họ từ Người của nhóm này với nhóm Vietic.

Mặt khác, tên tự gọi và được gọi Mon /Mwon/Mol/Mwal/Mang của người Mường về cơ bản tương ứng với tên tự gọi của người Môn/Mun/Man (Monic) có gốc rmang/ramang/rmeng/rang/reng [28] cũng như với tên gọi người Mảng (Palaungic).

So sánh các tên gọi tộc người, bao gồm các biến thể và tên các nhóm địa phương của các nhóm Palaungic-Vietic-Katuic-Bahnaric-Monic ta thấy nhiều mẫu số chung:
  1. Từ Nha (Nha Chứt, Nhà Làng (Vietic)-Nha Kur (Monic) -Nha Hon-Langnha (Bahnaric).
  2. Từ Lang (Talaing/Môn = Kriang/Khiang (Katuic) = Taliang /Tariang /Triêng /Prang /Salang (Bahnaric) = Malang/Maleng /Mlengbrou /Nhà Làng /Salang /Xolang (Vietic) =Bulang /Palaung /Riang /Lang /Yang (Palaungic) =Rang (Monic)...
  3. Từ La/Lo và các biến thể của nó: Khalo=Chứt (Vietic)=Kaloq /Nor /Loar (Katuic)= Khalok /Khalo /La /Va(Palaungic) = Laya = Alak = Bri La = Zava = Ro (Bahnaric)...
  4. Từ KuoiCuối (Vietic)=Kui/Kuoy (Katuic)=Keu (Palaungic)=Kuoi/Kuy/Kui/ Kuoy=Người=tên tự gọi của người Pear (Khmerric).

Sự trùng giống tên gọi trong một chừng mực phản ánh một quan hệ cội nguồn, phân tán và đan xen của các tộc người trên.


15. Nhà, làng, giềng, mường

Ta có: nha/nya (Va-Lava)=nhà (Việt, Mường); lang (Lava)=hlang (Proto Va-Lava)=từ loại chỉ nhà (sau chuyển hóa thành từ chỉ làng trong tiếng Việt); yong/yung/yuang/yueng=làng (nhỏ) là gốc của giềng (từ Việt cổ)= làng trong từ ghép láng giềng và liên quan tới bồ chính /bồ đình (H-V)= chánh tổng (liên làng) của người Việt trước 1945 [29] 

Theo Cholthira [30] tên gọi các đơn vị hành chính Lava mà Yaa Thao Laawa Cok (bà tổ của người Lava) chia cho các con trai là Muang Sathuang, Muang Khwang và Muang Khiak.

Như vậy các từ chỉ những đơn vị xã hội cơ bản nhất của người Lava về cơ bản trùng hợp về cả âm và nghĩa với các từ Việt -Mường. Điều lí thú là tên gọi các mường Lava cũng rất gần gũi với tên gọi 3 trong số 4 mường lớn của người Mường ở Hòa Bình là Thang, Vàng, Bi (chú ý sự tương ứng b/p/k/kh).

16. Lúa, ruộng, cơm, gạo, cám, rau, thịt

Cũng theo Diffloth [31] hngo (Proto Va-Lava=PWL)=ngo (Va)=go (Lava)= (Việt Trung Bộ)=lúa (Việt Bắc Bộ); keng(PWL)=kơng (Lava)=ruộng lúa nước, vùng đồng bằng, đất nước; rngko (PWL) = kao /gao (Lava)= gạo; kam=cám;ti=thịt, tau=rau. Theo Ratanakul [32] : kuen som aop (Lava)=con ăn cơm với kuen=con, som=cơm, aop=ăn.

Có thể thấy: do sự tương ứng ng/g/n/l (ví dụ: ngáy/gáy, gái/nái) nên ngo=go=ló/lúa; keng /kung /kong có gốckrong/krung=sông và cũng tương ứng với ruộng (Việt) và roong (Mường), tương tự krong (Bana, Chăm)=kong (Hoa Nam cổ)=thông (Tày)=sông /kênh /mương tương ứng với từ kênh (rạch) trong tiếng Việt Nam Bộ. Ta lại nhớ đến một nhận xét của N.Từ Chi rằng “kiểu thủy lợi Nam Bộ (dựa theo chế độ thủy triều) ứng với (kiểu thủy lợi được) miêu tả trong “Thủy kinh chú” của người Lạc Việt” [33] . Không loại trừ do sự tương ứng r/l/d/t/th/s từ tồng (Thái)=đồng (Việt) cũng có gốc krong/rong. Cholthira [34] cũng cho biết cok (Lava)=cuốc (Việt).

Như vậy, từ chỉ các phương tiện sống quan trọng nhất của người Lava cũng rất gần với các từ Việt.

17. Các từ khác

Một sự so sánh nhanh từ vựng Lava/Vaic [35] với tiếng Việt hiện đại (chủ yếu là tiếng Việt Bắc bộ) đã cho thấy khá nhiều sự gần gũi (nhất là ở các trạng từ, tính từ và động từ khá cơ bản) giữa hai ngôn ngữ đã cách biệt hàng ngàn năm với nhiều biến động này. Các từ Vaic/Lava (bên trái) trong nguyên văn được ghi bằng kí hiệu ngôn ngữ học sẽ được chuyển về chữ latinh thông thường. Các từ được chọn là những từ của nhóm khác nhau nhưng gần gũi nhất với tiếng Việt (bên phải).
  • Tính từ và trạng từ: ngom=ngon ngọt, song=đắng, soy=thối, nga=ngấy, saic=(cảm giác) se se, sak=sặc (sụa),snga/sanga=sạch, te/đê= (gần) kề, ngai=xa (ngái), hlong/long=(cao) lồng lộng /(cao) vống, thiơm=thấp, rau=sâu,ngeng=ngắn, cia=xa, sa ngai=(xa) ngái, (c)yong = (nhẹ) nhàng, ngoic=ngột=nóng, long=lạnh, ek/iak=ít,hoen/hoh/hun=hơn (nhiều), yit /et = út /ít, ra/ya=to/lớn, pu=(dày) bự, rga=gày, hril=(mỏng) dính, teo=(bé) teo,nok=no, dem /tem=tém=ngắn, thấp (tóc tém=tóc ngắn) ngieng=ngắn, lang=lằng (nhằng) =dài, ling /lơin=lâu,nok/kro=no, sau=đau, hlat=nhát, ntuk/duk=đui (mù), rang=(rõ) ràng, eit/oet=mệt, hnge=nghén=có mang,hoc/hait=hết, sin=chín, plang=trong (sáng), sngal = xanh, pang=trắng (bong), khuat/kut=khụ= (người) già,soh=khô, tom/sam=đăm=bên phải, jie=dễ, som=đêm (tối), ndơ=(đù) đờ (câm lặng), kle=lười, rwuy/rawuy=(tóc) rối, long=lạnh, soh =khô, nhac=nhả/nhớt (trong cơm nhả=cơm nhão=nhiều nước), taip=thường, o=nỏ (Nghệ Tĩnh) =không, gat=rất, nhơ=nhé/nhớ (Bắc Bộ)=nghe (Nam Bộ)= từ ở cuối câu chỉ sự nhấn mạnh (đi nhé, đi nghe), ư/ơ=ừ/ ờ=vâng /dạ, nih=nghỉ (đợi)...
  • Động từ: ot/aik=ở, mah=là, koe/kay/kuy/koi=có, se=sẽ (trước động từ chỉ hành động trong tương lai),eah/aih=ăn, yu/nyu/nyau=nhậu (uống), tuat/nduat=nuốt, pu/bu=bú (tí), rmo /lomo = mơ (mộng), ho/hu=đi=họ (hiện chỉ còn là từ dùng để giục trâu đi), luen/lun=lượn (đi, lại), coi=quay (đi), ngaom=ngồi, lau/lao=nói,kok/goug=gọi, ke=cãi, mong=mảng (tiếng Việt cổ =nghe), hnge/ngeht=nghe, meh=mến, mong=mong (đợi),kaya=cười, rak=rên, ngan =ngắm, yo=ngó (nhìn), len=(trông) nom, yep/yip=díp (nhắm mắt), hum/haim=tắm,sak=giặt quần áo, gen=găm (giữ), tuk=tóm (tay), vung=vung (ném), len=ném, dơih =đá, dac=đạp (dẫm hạt),ci=xía (chọc), cok=chọc, toh/ta=giã (gạo), jieng=giành (giật), hloh=lấy, poh=mở, nghih =nghiêng, chong=chống (đỡ), kok=gọi, hit/het=hít, hngap=ngáp, mok=mổ, ceh=xé, taic=đặt, tek=đè, yin=ấn, yok/yuak=nhấc, puk=bục,ngom=ngồi, glak=la (liếm), haic=gãi, hok=hơ (làm khô), mok=ho, thok=khạc (nhổ), hol=nôn (mửa), tut=tụt (kéo), lot=rút, sat=(xát) chải, sak=giặt (quần áo), puk/bơk =buộc, jeng=ràng (buộc)= khâu, kah=cởi,jung/chong= dựng/chống, hong=hong (thổi nấu xôi, cơm), tang/tain=đan, peng=bắn, dut =đứt, suet/saviat=(xoắn) xuýt, hlat=nhát/sợ, nghlat=(doạ) nạt, dap=đắp/lợp (đường/mái nhà), kut=cản, kiat=cắn, hui-ik=húc,roh=rú (sủa), way/vay=vay (mượn), ros/roh=(chọn) lựa, hsam/sum=chăm=trồng (cây), da/thia=tãi /thia lia,ream=rẫy (cỏ), =nở (hoa), da=té (nước), so=đổ/xối (nước), pu/pun/peu=bay, mor=bò, gah/kah=(cho) gả,ceh=xé, mơn =mân (mê), klaie=quấy (đảo) ndah=đập, lih=lìa (rơi, đi khỏi), lah=(cắt) lát, haic=gãi, koic=cạo,soh=xới (cỏ), thơi=thắp (ngọn đèn), tuk=tắc (nghẽn), koic=cạo, bo=bỏ (thêm), tak=(tỉa) tót, baih=(được) bào (nhẵn), tok=tựa/giống...
  • Số từ: la/lay=hai, pon=bốn, lua/liah=sáu, satai/tai=tám, tim=chín...
  • Từ loại: ke/ka/kau/kai=cơ thể, từ loại chỉ người, động vật=con/cái /kẻ, plah=lá (loại từ cho các vật mỏng như lá cờ, lá bài).
  • Đại từ: no=nó, ma/me=má/mẹ, ba/pia/phia=ba (bố), me/mi/mai/ may=mi/mày, ta =ông /người già (Mường /Việt Bình Trị Thiên), meng/mouing=(vợ)= mình (trong cách gọi mình ơi), te=tê (Nghệ-Tĩnh)=( cái) kia=đi (từ cuối câu chỉ mệnh lệnh như ăn đi)...
  • Giới từ: ngraum/gruim=dưới, may/mai=mới=(cùng/với), seh=sệ (xuống)...
  • Danh từ chỉ bộ phận cơ thể: tai/tay=tay, kliak=nách, ngeune=ngón (tay), hna=nạ (mặt), mus/muh=mũi,spa/pa=má, kap=cằm, muang/moeng=miệng, tak/lak=lưỡi, ngok=cổ (gốc của từ ngóc cổ?), hak=da,wac/vaik=dạ (bụng), huk=tóc, siang=xương, hmaing/mem=móng (tay), hrang=răng, lmpan/mwa=vai,chuong/cuang=(chân) cẳng, nong=hông (eo), krong /kraung= (sống) lưng, tis/tơs /tơh=tí (=vú trong từ bú tí),viek=ruột...
  • Danh từ chỉ hệ thân tộc: ya=dạ/già (bà), kon/kun/kuan=con (cái), hsau/sou=cháu, o=chị cả (?), mlay/plia=(chàng) trai, ntoi=(trẻ) mồ côi...
  • Các sản phẩm văn hóa: king/kaung/kong=vùng, đồng bằng, ruộng lúa, kmme /lammi /rami=mía, nha/nya=nhà,sato=(lụa) là/sa, kra/kha=(đường) xá, klong/kraung=trống (kl=bl>tr), wic=(dao) nhíp, pleh/piao=lê (trong lưỡi lê)=cái lao, grai=chày, pol=cối, sa=cái (rổ) rá, tom=tấm (gỗ, bảng), mok=mũ, ntay/lai=(cái) váy, nge/ngai=ngày,nơm /num = năm, tang=chuồng (nơi nhốt súc vật), nting/teng=tường (vách), long=săng (quan tài),ramoit/ramaik=mồ/mả, hon=ống...
  • Các sản phẩm tự nhiên: maik=mây, sinum=sấm, rayong=cầu vồng, klong=sông, bing /mbơin =bùn,kte/kate=đất, nong/noung=rừng, doi=đồi (núi), mlong=(núi) non, rang/laang=hang, ka=cá, ktam=(cua) rạm, rich=(con) vích (rùa), so=chó, mok=bò, rok=cóc, sep=rết, tep=(bọ) chét, roy=(con) ruồi, ang=ong, mrung/maruin=rệp,si=chí (chấy), saơng= xởng (Mường) = thạnh (Nghệ-Tĩnh)=(con) rắn, rway/kawai=khái (Nghệ Tĩnh)= hổ,sim=chim, akou /sikau = chim bồ câu, lak/ak=quạ, kong=công, be/pe/le=dê, lik/lơic=lợn, klun/klơn=trăn, ryol = vượn, nga=ngà (voi), reng/rung=sừng, ti/to=thịt, ktom/tom=trứng, ko/kao/kau=cây, kak = cành, ple/plai=trái (quả), hla=lá, lo=vỏ (cây), kat=gai res/reh=rễ, bre/phre=(rừng) rú, khoi = củi (>khói), po=bó, bong=măng,phlo/phlu=trầu, phria/phrua=(cây) dừa, plong=tranh (lợp nhà), to=lỗ/tổ (nghĩa gốc là cái lỗ), sa=(buổi) sáng...


Tạm kết luận

Nguyễn Từ Chi [36] trong một bài nghiên cứu về Vua Chủ (An Dương Vương) từng viết: “Tài liệu hiện có chưa cho phép nói chắc rằng người “cởi trần...xưng vương” ở nước Âu Lạc, cùng cư dân dưới quyền ông (tức người Âu Việt và người Lạc Việt) thuộc khối tộc người nào...”

Tuy nhiên, trong một bài giảng của mình [37] ông cũng viết:“tạm thời có thể kết luận”: trước Bắc thuộc có một cộng đồng người ở xa sông Hồng (có thể là Hán-Thái hay Tạng-Miến) đã đến vùng đầu tam giác châu (thổ sông Hồng), dựng nhà nước, xây thành Cổ Loa, người đứng đầu tự xưng là An Dương Vương [38] .

Về người Lạc Việt, những bằng chứng nêu trên tuy chưa cho phép “nói chắc” nhưng cũng cho phép tạm kết luận nữa rằng: người Lạc Việt (tổ tiên trực tiếp của người Việt) thuộc về khối tộc người Lava cổ, là tộc người chủ thể bao gồm người Môn (là tổ tiên trực tiếp của người Mường) đã dựng nước Ya Yang/Nha Lang/Văn Lang ở vùng Bắc Bộ Việt Nam như một trung tâm của khối Lava-Môn-Khmer của khu vực Nam sông Dương Tử. Trong khi đó, cần nói thêm, tuy người Âu Việt thuộc về khối Thái (có thể coi như là một khối Malay cổ gần gũi và đã Hán -Tạng hóa hoặc như một khối Hán Tạng đã Malay hóa) nhưng trước khi lập nước Âu Lạc đã có sự hòa nhập nhất định với khối Lava -Môn ở Vân Nam, Quảng Tây và là tổ tiên trực tiếp của các tộc Thái Đen, Lào, Lự và cả một số nhóm Tày -Nùng hiện nay [39] .

Đương nhiên, các điều tạm nói trên cần tiếp tục được chứng minh, nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây là, trong việc xác định nguồn gốc tộc người, các tư liệu ngôn ngữ luôn có vai trò quyết định.

[1]sdd, tr 252
[2]Higham Charles.. The bronze Age of Southeast Asia. Cambridge Univesity Press. 1996, tr 217.
[3]Stein Roft. Jardins en miniature dextrême -Orient. BEFEO. XVII. 1937, tr 54,136; The world in miniature. Stanforf University Press. Califorrnia. 1990. Chú ý: trong nguyên văn viết ốc ngưu, theo trật tự từ tiếng Việt (?).
[4]Taylor K.W. The birth of Vietnam. University of California Press. 1983.
[5]Jumsai, sđd, tr 12, 20, 22
[6]sđd: tr 32
[7]Trần Quốc Vượng. Cổ Loa, truyền thuyết và lịch sử, trong Hùng Vương dựng nước, t 4, KHXH 1974
[8]Bùi Văn Nguyên. Dã sử nói về An Dương Vương. KCH.No 2. 1978, tr 67.
[9]Hà Văn Tấn. The citadel of Cổ Loa. Việt Nam News -Avril 4. 1999, tr 5.
[10]Một ví dụ điển hình cho hiện tượng từ chỉ người chuyển thành các từ chỉ không gian sống của người làbanua/panua/wanua/fenua/vanua... (các tộc Nam Đảo)=người /người bình dân /nhà/làng /thị trấn /thành phố /đất/đảo /lục địa /trời/thế giới /vũ trụ. Xem Benedict, Paul.K. 1975-Austro-Thai, Language and culture, with a glossary of roots. HRAF PRESS, tr 416. Waterson. Roxana. The living house-an antropology of architecture in South-East Asia.Singapo.1997, tr 92-3.
[11]sđd, tr 149
[12]sđd, tr 161
[13]sđd, tr 254-6
[14]sđd: 89, 105
[15]sđd: 38
[16]Maspero: sđd, tr 786
[17]sđd, tr 389-401
[18]sđd, tr 108
[19]Hoàng Thị Châu. Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông. Thông báo khoa học Văn học-Ngôn ngữ. T.II. GD. 1966, tr 98.
[20]sđd, tr 213
[21]sđd, tr 9
[22]Vương Anh (chủ biên): Mo Mường. VHDT. 1997, tr 1487.
[23]Haudricourt A.G. 1991. Vị trí của tiếng Việt.... T/c Ngôn ngữ No1.
[24]Dẫn theo Chamberlain. James.R. The origin of the Sek, implication for Tai and Vietnamese History. The International Conference on Tai Studies. Thailand. 1998, tr 9.
[25]sđd:105
[26]Nguyễn Văn Lợi. (đồng tác giả). Vị trí của tiếng Mảng. NN.No 3. 1998.
[27]Dẫn theo Nguyễn Tài Cẩn.. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Giáo dục. 1995
[28]Maspero: sđd, tr 724
[29]Các từ Lava lấy từ Diffloth. G. The Wa languages, Linguistics of the Tibeto-Burman area. 1980, tr 99, 131.
[30]sđd, tr 13
[31]sđd, tr 99, 124, 97, 100
[32]sđd, tr 269
[33]Nguyễn Từ Chi. Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người. VHTT. 1996 , tr 422.
[34]sđd, tr 11
[35]từ tư liệu của Diffloth và Ratanakul.
[36]sđd, tr 168
[37]sđd, tr 423
[38]Từ Chi cũng đã có lần nhắc tới hiện tượng klu là từ chung chỉ loài rắn lớn có mào, được coi là vua nước - thế giới bên dưới của cả người Tây Tạng và Mường. Ta cũng đã thấy klo (Karen)=sông/trống đồng=klu (Chứt)=tên sông Cà Lồ/thành Cổ Loa và sự tương ứng mô hình Cổ Loa-Côn Lôn... Các nhân tố Thái-Hán-ạng-Miến trong việc dựng nước Âu Lạc, thành Âu Lạc chắc không chỉ có thế...
[39]Thực ra, quan điểm coi Lạc Việt=Lão đã là quan điểm có từ lâu của các học giả Trung Quốc, Việt Nam như Trần Tu Hoà, Từ Tùng Thạch, Vưu Trung, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn (theo Nguyễn Linh: Trở lại vấn đề nước Thục... trong Hùng Vương dựng nước, tr. 2, 1972, tr 194). Một khi Lava=Lao=Lão như đã thấy thì Lava=Lạc Việt chỉ là một hệ quả. Xét rộng hơn, tên gọi Lava có quan hệ nguồn gốc với nara (Skr)=người cũng như tên gọi các tộc Malava (Ấn Độ), Malaya, Java, Dayak, (To)raja (Indonesia); tên gọi Mon (Mường) có quan hệ cội nguồn với các tên gọi Munđa (Ấn Độ), Mian (Mianma), Môn, (Yu/Yao) Mien (Dao), Mong/Meo, Mian (quần đảo Banggai, Indonesia) đều có nghĩa đen=Người. Điều lí thú là tên gọi Lava/Lao/Va và Mon tương ứng với hai nửa tách ra từ Malava, Malaya và Yao Mien (ta đã biết tên Keo của người Việt có gốc Giao gắn với tên Giao Châu). Sử Trung Hoa gọi các tộc khác Hán vùng Lưỡng Quảng, Bắc Việt Nam, Vân Nam là Man Lão/Man/Lão, rất có thể là sự phiên âm tên tự gọi của họ là Malava/Mon/Lava/Lao. Ta cũng đã thấy chủ nhân của Dravati được học giả này coi là người Lava, học giả khác coi là người Môn. Rõ ràng, sự tách biệt Lava-Môn hay Việt-Mường đã diễn ra cùng với sự tách biệt tên tự gọi mang ý thức tộc người này.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5.2000, Nguồn gốc và sự phát  triển của Kiến trúc-Biểu tượng và Ngôn ngữ Đông Sơn, Hà Nội, 1999. Bản đăng trên talawas có một số bổ sung của tác giả.