Saturday 28 September 2013

Một biểu hiện của lòng yêu nước (Vũ Hạnh - Hồn Việt)


Một biểu hiện của lòng yêu nước

Vũ Hạnh (Nhà văn)

Hình ảnh của Một biểu hiện của lòng yêu nước
Trong các vị lãnh tụ trên thế giới này, từ xưa đến nay, hẳn không một ai biết nhiều ngoại ngữ như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng về tiếng Hoa, không chỉ nói thông viết thạo, Người còn có những sáng tác giá trị, nhưng Người từng gọi “người dân quân gái” thay vì là “nữ dân quân”. Khi chính sách phòng hỏa, cứu hỏa đưa lên cho Người phê duyệt, Người đã vội vàng sửa ngay là “phòng cháy, chữa cháy”. Những chuyện như vậy rất nhiều, thể hiện rất rõ quan điểm của Người là không nên lạm dụng tiếng nước ngoài và chỉ“những chữ ta không có sẵn và khó dịch đúng thì cần phải mượn (…) Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc (…) Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”(1).
Trong Hồ Chí Minh toàn tập đã có trích dẫn khá nhiều những lần Người đã khuyên bảo là nên bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, khiến ta nhớ lại câu nói của một nữ văn sĩ Pháp “sử dụng đúng đắn tiếng nói của dân tộc mình là một biểu hiện của lòng yêu nước”(2).
Khốn nỗi, hiện nay không chỉ trên các đường phố mà trên báo, đài những tiếng nước ngoài đã được sử dụng hết sức tràn lan. Ngoài những ô kêbái bai loạn xạ, còn là cực hottuổi teen nhan nhản và nhiều bảng hiệu vẫn rặt thứ tiếng nước ngoài. Lòng tự trọng dân tộc – thông qua lời nói, cách nói – đã bị thương tổn nặng nề. Ngày trước, dưới chế độ cũ, đa số những người chủ chốt trong các cơ quan đã được đào tạo nhiều năm ở Mỹ, gọi là “tổ hợp trí tuệ” (brain-trust), nhưng trong đời sống và trên báo đài, tiếng Mỹ rất bị hạn chế, và chẳng hề nghe nói đến em xi (MC), nói đến hót (hot)hoặc là huau, huau (wow) cùng nhiều từ ngữ khác nữa rất là buồn cười vì nó nhí nhố một cách thảm hại. Ai cũng thừa hiểu học tiếng nước ngoài là để mở rộng giao tiếp đồng thời tiếp thu cái hay, cái đẹp của người thiên hạ, chứ không để làm cho văn hóa mình trở thành tồi tệ, lai căng. Về vấn đề này, Bác Hồ cũng đã nhắc lại câu nói của ông bà ta “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” và ta lại nghĩ đến giải Nobel mà không ít người – gọi là có học – trong xã hội ta lên tiếng với niềm khao khát, mà quên hẳn rằng cái giải rất lớn lao ấy là một công cụ văn hóa để Mỹ mở rộng quyền lực của mình, và phải đáp ứng điều kiện từ yêu cầu ấy mới là “thí sinh” của giải. Vì vậy, dù được trao giải Nobel, nhưng người Việt Nam – cụ Lê Đức Thọ – đã từng chối từ, không nhận.
---------
(1)  Trang 615, tập X, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, 1996.
(2) Bà Lucie Delarue-Mardrus – báo Liberté (Tự do), năm 1933.

Friday 27 September 2013

Điệp viên A14 - một thời oanh liệt (Thùy Linh - Công An Nhân Dân)

Phóng sự - Tư liệu 
Sau điệp vụ nổ Thông báo hạm hạng nhất Amyot D'Inville ông Kim Sơn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng khẩu súng ngắn mà hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Công an nhân dân - số 1 - phố Trần Bình Trọng - Hà Nội.
Đã ở độ tuổi ngoài 80 - cái độ tuổi mà không phải ai cũng dám mơ đến, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn hoạt bát như cái thời đầy nhiệt huyết, hăng hái, say sưa với những mạo hiểm, phong lưu của thời trai trẻ. Trong cuộc đời làm điệp báo, ông đã từng lập nên nhiều chiến công làm cho quân đội Pháp ở Đông Dương lúc đó hoang mang, bị động, không kịp trở tay. Một trong những chiến công điển hình là tạo vỏ bọc trong lòng địch: "Đại úy hộ phòng ngự lâm quân" của Chính phủ Bảo Đại và với tấm "Giấy chứng nhận" do Phòng Nhì Pháp cấp, ông đã tung hoành một thời trong chính giới của Chính phủ Bảo Đại và sự bảo hộ của Pháp.
Để có được những kỳ công ấy ông đã phải trải qua biết bao nhiêu gian truân, nguy hiểm, những lần thử thách của địch và cả sự hy sinh một mất một còn trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, đơn độc trong lòng địch. Ông là Nguyễn Kim Sơn, điệp viên A14 trong tổ điệp báo A13 của Công an Hà Nội năm xưa.
Tổ điệp báo A13 (từ trái qua phải Kim Sơn, Hoàng Đạo, Chu Duy Kính) trực tiếp đánh Thông báo hạm Amyot D'Inville của thực dân Pháp tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá (27/9/1950).

Sinh năm 1928 trong một gia đình buôn giàu có tại Sài Gòn hoa lệ, Nguyễn Kim Sơn sống chủ yếu tại Campuchia cùng gia đình bằng nghề buôn bán. Ông tốt nghiệp trung học tại Campuchia. Đầu năm 1945, tình hình chính trị ở Đông Dương có những biến động lớn. Nhật đảo chính Pháp. Ông cùng gia đình trở về Sài Gòn. Khi về đến quê hương, ông bắt gặp không khí sôi động của phong trào cách mạng. Với trí thông minh, thích mạo hiểm, và rất đào hoa, Nguyễn Kim Sơn nhanh chóng đến với cách mạng. Ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn và là nhân viên Quốc gia tự vệ cuộc quận Phú Nhuận - Sài Gòn.
Ngày 23/8/1945, Sài Gòn và các tỉnh miền Nam lần lượt bị thực dân Pháp tái chiếm. Thực hiện chỉ thị của Đảng, ông cùng một số cán bộ tập kết ra Bắc và được cử theo lớp Công an trung cấp Liên khu III tại Chợ Dầu thuộc Phủ LýNam Hà.
Trong lễ bế giảng, vì khâm phục tài diễn của Kim Sơn trong vở kịch do chính Kim Sơn viết kịch bản lại trực tiếp đóng 3 vai, ông được đồng chí Nguyễn Phủ Doãn (tức Nguyễn Tạo, tức Trần Châu Phong) lúc đó là Trưởng "Ty tập trung tài liệu" Nha Công an Trung ương để ý và quyết định chọn ông về làm việc tại Chi Lam Điền -  Nha Công an Trung ương, với nhiệm vụ tiêu diệt tề điệp, ác ôn trên tuyến quốc lộ số 5 Hà Nội - Hải Phòng.
Cũng tại đây, tài năng của Kim Sơn được ông Lê Văn Lăng - Trưởng Chi Lam Điền - Nha Công an Trung ương xây dựng một kế hoạch lâu dài hoạt động ngầm trong lòng địch thu thập tin tức tình báo phục vụ kháng chiến.
Bằng những cú lừa ngoạn mục, Kim Sơn đã trở thành nhân vật vô cùng quan trọng trong âm mưu lôi kéo những người kháng chiến ly khai quay về phục vụ chính quyền Bảo Đại mà thực dân Pháp đang rắp tâm thực hiện. Ông trở thành đầu mối quan trọng duy nhất trong việc "đưa đại đội độc lập thuộc Trung đoàn 48 của đại đội trưởng Hồng Quân, một nhân vật người Nam Bộ" được ông thủ vai để đánh lừa địch. Sau những thành công bước đầu, ông hào hứng chuẩn bị cho vai diễn của mình trong một điệp vụ mới.
Sau thất bại chiến dịch Thu - Đông năm 1947, Thực dân Pháp tăng cường hoạt động thu nạp những người không cộng tác với Chính phủ Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện sách lược "dùng người Việt đánh người Việt" trong kế hoạch mở rộng vùng chiếm đóng, âm mưu đánh chiếm khu IV (vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh), vì chúng biết đây là khu vực căn cứ cung cấp lương thực, thực phẩm và nhân lực cho kháng chiến của ta, do đó chúng dự định tìm kiếm, lợi dụng những tổ chức chống đối để tấn công căn cứ Việt Minh.
Cũng thời điểm này, một tổ điệp báo mang bí số A13 do Công an Hà Nội chỉ đạo đã tiến hành những cuộc thương thuyết giữa "Phục quốc Việt Nam" gọi tắt là "Phục Việt" (do Hoàng Đạo, Trưởng ty Công an Thanh Hoá làm "đảng trưởng") với Phòng Nhì Pháp và đi đến kế hoạch thống nhất: "Phục Việt" sẽ khởi nghĩa ở Khu IV cướp chính quyền từ tay Việt Minh, sau đó Pháp sẽ đổ quân hỗ trợ cho Phục Việt, tiến tới khởi nghĩa của các đảng phái phản động trong toàn quốc. Kế hoạch được trù tính vào khoảng cuối năm 1949 ngay sau Đại hội của tổ chức Đảng Phục Việt.
Tình hình chính trị lúc này có những yêu cầu đòi hỏi phải bảo toàn lực lượng, cấp trên yêu cầu phải chấm dứt vai trò của tổ. Trước khi rút, tổ điệp báo được phép tìm mục tiêu đánh một trận thật lớn gây tiếng vang cho cuộc kháng chiến của ta, làm tiêu hao sinh lực địch.
Với vai trò là một "Đại úy hộ phòng ngự lâm quân", hộ tống trực tiếp Hoàng Đạo - "Quốc vụ khanh của chính phủ Bảo Đại", cùng Quốc trưởng Bảo Đại và nội các Trần Văn Hữu vào Nam ra Bắc bằng chuyên cơ Dakota, trong đầu óc phiêu lưu của Nguyễn Kim Sơn một kế hoạch bắt cóc nội các được hình thành. Song không thể thực hiện được bởi tính an toàn cho đồng đội không khả thi. Ông không nản chí mà nghĩ ngay đến một dự định táo bạo nhưng đảm bảo hơn.

Đó là việc tổ chức bí mật bắt 3 tên Việt gian (ngày 15/9/1949) khống chế và khai thác (gồm Đinh Xuân Cầu - mật thám của Pháp, Lê Quang Thiện - đại biểu Quốc dân đảng và Nguyễn Văn Hướng - nguyên Tổng bí thư đảng Đại Việt từ vĩ tuyến 16 trở vào) do tuần dương hạm Annamite đưa vào Sầm Sơn bàn kế hoạch đánh khu IV. Để giữ được mạng sống, Đinh Xuân Cầu gửi thư về thông báo với Phòng Nhì về "thắng lợi" bước đầu và yêu cầu chuyển vũ khí, điện đài, quân trang, quân dụng vào cho "Phục Việt".
Kế hoạch đánh Thông báo hạm được Nha Công an Trung ương nhất trí, đồng chí Nguyễn Duy Soạn - Phó Giám đốc Ty Công an Hà Nội được cử vào chỉ huy trực tiếp trận đánh. Theo kế hoạch, công tác chuẩn bị phải được tính tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ngay cả khả năng xấu nhất là Dupra, Barberit hoặc Jacquemin phát hiện ra Kim Sơn còn sống thì thật là nguy hiểm cho tính mạng của cả tổ điệp báo. Song tình hình lúc này không thể khác bởi ngoài Kim Sơn không ai thông thạo tiếng Pháp như anh, do đó buộc phải dựa vào việc hóa trang tài tình của tổ.
Thật may mắn, mọi điều lo ngại đều đã vượt qua. Công việc thuận lợi ngoài sức tưởng tượng. Đúng đêm 26/9/1950, chiếc Thông báo hạm hạng nhất Amyot D'Inville, dài 150 thước, rộng 15 thước - là chiếc tầu lớn nhất của Pháp đã từng lập nhiều "chiến tích" trong Đại chiến thế giới thứ II, đậu ngoài khơi có nhiệm vụ trao cho Phục Việt vũ khí, điện đài và đón "bà Quốc vụ khanh" ra Hà Nội.
Theo kế hoạch, Kim Sơn trong vai thông ngôn của Hoàng Đạo, hộ tống "ông bà Hoàng Đạo" lên tàu (Đồng chí Nguyễn Thị Lợi, nhân viên điệp báo Ty Công an Hà Nội đóng giả vợ "Quốc vụ khanh"). Đồ tư trang của "bà" là chiếc valy quần áo cùng một lượng thuốc phiện (đóng giả, được hóa trang cẩn thận bên trong là khối thuốc nổ) với mục đích mang ra Hà Nội để "lo kinh phí cho Phục Việt".
Kim Sơn hoàn thành xuất sắc vai diễn thông ngôn của mình trong suốt thời gian tiếp xúc với quan thầy Pháp trên Tàu để đồng đội thực hiện kế hoạch đặt chiếc valy thuốc nổ ngay sau khoang lái, bố trí cho "bà Hoàng Đạo" nghỉ trên tàu, sau đó cả tổ rút về bờ an toàn.
Tại núi Độc Cước, thuộc vùng biển Sầm Sơn, tổ điệp báo hồi hộp chờ đợi. Sau hơn 1 tiêng đồng hồ lo âu, thắc thỏm, bỗng, một tiếng nổ long trời lở đất vang lên phía ngoài khơi xa. Một cột nước bốc lên trắng xóa. Chiếc thông báo hạm dần dần chìm xuống biển khơi mang theo gần 200 lính thủy thủ Pháp cùng toàn bộ trang thiết bị phương tiện, vũ khí, điện đài chìm đắm xuống biển khơi. Cả tổ reo lên mừng rỡ bởi chiến thắng. Cũng lúc đó, từ trong sâu thẳm của lòng mình, ông cùng đồng đội bỗng lặng đi vì sự hy sinh cao cả của người nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi. Trong mất mát đau thương ấy, điệp vụ của tổ điệp báo A13 đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi.
Đối với Kim Sơn, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, chắc ông cũng cảm nhận rằng đây là màn kịch lớn nhất trong đời với những ấn tượng sâu sắc không bao giờ nhạt phai. Bởi riêng ông sau điệp vụ này ông còn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng khẩu súng ngắn mà hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Công an nhân dân - số 1 - phố Trần Bình Trọng - Hà Nội.
Bây giờ ở tuổi 82, người cán bộ điệp báo ấy vẫn sống với bộn bề bao kỷ niệm quá khứ của một thời oanh liệt. Còn nhớ, trong dịp ra thăm lại Hà Nội, cũng đúng vào dịp khánh thành Bảo tàng CAND, tháng 8/2000, ông đến tham quan Bảo tàng Công an nhân dân. Đứng lặng hồi lâu trước pho tượng của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi - người đồng đội kiên cường của ông, ông ngắm lại những kỷ vật thiêng liêng của đời mình từng lừng lẫy, phong ba một thời nay đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Ông nghẹn ngào không cất nổi thành lời, một tâm trạng, một cảm xúc lạ kỳ mà chính ông không sao diễn tả nổi
Thuỳ Linh

Chiến công đánh đắm chiến hạm Amyot D'Inville: Chuyện bây giờ mới nói (Nguyễn Quang Phòng -

Công an trong lòng dân 
Anh hùng Nguyễn Thị Lợi.
17:00:00 09/12/2009
Thiếu Tướng Nguyễn Quang Phòng
Chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amyot D'Inville đã xảy ra cách đây 59 năm nhưng tấm gương sáng về những chiến sĩ Công an quả cảm trực tiếp làm nên chiến công đó thì còn sống mãi. Đồng chí C.D.K. được tặng thưởng Huân chương Chiến công, liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đó là những phần thưởng rất xứng đáng. Tuy nhiên, gần đây có bài báo nói về sự kiện này với sự tham gia của A14… mà theo tôi trong đó có những đánh giá chưa đúng.
Chiến công của CAND đánh đắm chiếc tàu Thông báo hạm Amyot D'Inville của quân đội thực dân Pháp đêm 26/9/1950 tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, hàng chục năm qua luôn được nói đến để ca ngợi lòng dũng cảm hy sinh của các chiến sĩ Công an của chúng ta. Ngay từ lúc ấy, báo chí ở Hà Nội nói riêng và vùng bị tạm chiếm nói chung đã đưa tin, bình luận rất nhiều.
Trước thất bại đau đớn đó, một số nhân vật chỉ huy quân sự, chỉ huy tình báo của Pháp đã bị cách chức hoặc chuyển đi nơi khác, trong đó có tên Dupra là chỉ huy phòng nhì (2e = BUREAU). Về phía báo chí của ta cũng đưa tin rất sôi nổi. Sau này vụ đánh đắm Thông báo hạm Amyot D'Inville còn được viết thành truyện ngắn, tiểu thuyết hay kịch bản sân khấu, điện ảnh… nhưng tựu trung tất cả những điều đó cũng chỉ là nói lên phần nổi về cuối của một trò chơi nghiệp vụ của CAND với thực dân xâm lược Pháp và chính quyền bù nhìn Bảo Đại hồi đó. Tôi xin nói vắn tắt những điều mà mọi người chúng ta đã được biết như sau:
Vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ 20, thực dân Pháp và chính quyền Bảo Đại thực hiện âm mưu lôi kéo cán bộ của ta chạy về vùng tạm chiếm của chúng, tương kế tựu kế A14 (N.K.S. Công an Hà Nội đóng vai một đại đội trưởng đại đội độc lập (QĐND) và A13 (H.Đ. Trưởng ty Công an Thanh Hóa) dinh tê vào Hà Nội, được thực dân Pháp, Bảo Đại tin cậy, trọng dụng A13 được Bảo Đại phong làm Quốc vụ khanh (như Bộ trưởng không bộ) trong chính phủ bù nhìn A14 được phong làm đại úy hộ phòng ngự lâm quân của Hoàng gia (có cả tên tây gọi là Gioóc-giơ nên bọn Pháp thường gọi thân mật là Capiten Giô-giô).
Thời gian này thực dân Pháp muốn tấn công đánh chiếm vùng tự do khu IV nên rất cần những tình hình tin tức về Thanh Hóa của A13. Bọn cầm đầu các đảng phái phản động ở Hà Nội như Đại Việt, Việt Nam quốc dân Đảng… cũng mong Pháp đánh chiếm được khu IV để chúng phát triển ảnh hưởng của chúng ra vùng tự do của ta.
Giữa lúc ấy A13, A14 nhận được lệnh của trung tâm chỉ huy CAND yêu cầu trở về căn cứ vùng tự do.
A13 đề nghị Pháp và Bảo Đại cho về Thanh Hóa để kiểm tra lại lực lượng cơ sở và nắm thêm tình hình đồng thời thăm gia đình vợ con… Pháp và Bảo Đại đồng ý ngay, chúng còn khuyên A13 đưa vợ con ra Hà Nội sinh sống (mục đích của chúng là nắm chắc vợ con A13 làm con tin).
Ngày 15/9/1949, chiếc tuần dương hạm Annamite của Pháp đưa A13, A14 về Sầm Sơn. Ba tên Việt gian là Đinh Xuân Cầu, mật thám của Pháp; Lê Quang Thiện, quốc dân đảng; Nguyễn Văn Hướng, Đại Việt, tưởng là thời cơ đã đến nên đòi bám A13, A14 ra căn cứ địa ở Thanh Hóa một chuyến cho biết. Lệnh của Trung tâm chỉ huy CAND đồng ý cho 3 tên này ra cùng. Thế là 3 tên Việt gian phản động ấy đặt chân lên Thanh Hóa và bị bắt đưa vào trại giam của ông Lý Bá Sơ để khai thác. Chúng đã thú nhận tội làm tay sai cho thực dân Pháp.
Đúng hẹn chiếc Thông báo hạm Amyot D'Inville từ Sài Gòn ra, đi qua vùng biển Sầm Sơn để đón A13, A14. Tất nhiên lúc đó theo yêu cầu của trên, A13 và A14 không được trở lại Hà Nội nữa. Đối với việc Thông báo hạm đến đón, lúc đầu ta định lờ đi, Thông báo hạm chờ lâu không thấy A13, A14 thì sẽ về Hải Phòng theo lịch trình của nó thôi. Nhưng lúc đó có chị Nguyễn Thị Lợi, một chiến sĩ Công an, có chồng bị Pháp giết hại nên chị rất oán thù giặc Pháp, chị tự nguyện đi theo chiếc Thông báo hạm cùng vali đựng thuốc nổ để đánh đắm nó, đền ơn nước trả thù chồng.
Thế là từ đây một kịch bản mới được dựng lên do sự chỉ đạo của Nha Công an Trung ương và nó đã diễn ra như chúng ta đã biết: Khi Thông báo hạm đến đón, chị Nguyễn Thị Lợi trong vai phu nhân của Quốc vụ khanh ra Hà Nội trước (vì chúng chưa hề biết mặt vợ của A13 nên không sợ bị lộ). Còn A13, A14 viện lý do có công việc quan trọng nên ở lại Thanh Hóa, sẽ ra Hà Nội sau. Kế hoạch đó đã được thực hiện một cách ngoạn mục. Khi chiếc Thông báo hạm đỗ cách bờ biển Sầm Sơn chừng một hải lý, đứng trên bờ, phóng tầm mắt thường cũng thấy thì A13, A14, chị Nguyễn Thị Lợi cùng A15 xách chiếc vali trong đựng quần áo và thuốc nổ, đi thuyền để ra khơi lên tàu.
Khi giáp mạn tàu, lính Pháp thả cầu dây xuống để giúp mọi người lên. A13 giới thiệu với thuyền trưởng và nhờ thuyền trưởng đưa giúp "phu nhân" Quốc vụ khanh ra Hà Nội. Chị Lợi lên tàu lấy lý do bị mệt vì say sóng do đi từ bờ ra nên xin phép được về phòng nghỉ trước. Thuyền trưởng sai lính đưa "phu nhân" Quốc vụ khanh về phòng đã chuẩn bị sẵn. A15 xách vali đi theo "phu nhân", còn A13, A14 vẫn ở lại nói chuyện với viên thuyền trưởng. A15 xếp chỗ nằm cho chị Lợi, đưa vali xuống gầm giường rồi thao tác kỹ thuật đúng hẹn một giờ sau khối thuốc sẽ nổ.
Làm xong mọi việc A15 ra chỗ thuyền trưởng. Anh không quên dặn thuyền trưởng: "Phu nhân" Quốc vụ khanh còn bị say, cần được yên tĩnh, đề nghị không ai đến làm phiền. A14 phiên dịch cho thuyền trưởng hiểu và nói lời cảm ơn rồi cả 3 đi vào bờ. Đúng một tiếng đồng hồ sau, chiếc Thông báo hạm đã nổ tung ngoài biển khơi. Chứng kiến cảnh Thông báo hạm nổ, A13, A14, A15 vừa mừng vì thắng lợi đồng thời cũng vô cùng thương tiếc chị Nguyễn Thị Lợi - một chiến sĩ Công an đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc.
Thông báo hạm Amyot D'Inville.

Câu chuyện về đánh đắm chiếc Thông báo hạm mà lâu nay mọi người được biết gói gọn lại là như thế. Nhưng có một vấn đề thuộc về chiều sâu của nó có liên quan đến chiến công này thì ít ai được biết đến. Hôm nay tôi xin được nói để mọi người chúng ta biết chính xác, sâu hơn, toàn diện hơn.
Trước hết tôi muốn nói đến vấn đề nghiệp vụ của công tác Công an. Từ trước đến nay, nói đến nghiệp vụ Công an không phải là nghiệp vụ đơn thuần mà là nghiệp vụ chính trị. Mọi công tác của Công an phải đặt lợi ích chính trị của Tổ quốc lên trên hết. Vào những năm cuối thập kỷ 40 đầu thập kỷ 50 của thế kỷ 20, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của chúng ta từ phòng ngự chuyển dần lên cầm cự. Cuộc sống của nhân dân, nhất là đồng bào tản cư gặp rất nhiều khó khăn. Một số người trong đó có cán bộ kháng chiến, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ không chịu được gian khổ, hoặc vì hoàn cảnh hoặc vì thiếu lòng tin đối với cuộc kháng chiến nên đã rời bỏ kháng chiến đi về vùng tạm chiếm (thường gọi là dinh tê), điều này đã gây ảnh hưởng không tốt đến việc động viên tinh thần kháng chiến của quần chúng nhân dân.
Trong lúc đó thì có hai cán bộ của ta được bố trí theo kế hoạch nghiệp vụ vào làm việc cho địch (A13, A14), việc này đã tạo nên tác động xấu, ảnh hưởng tới uy tín của Quân đội và Công an, quần chúng hoài nghi và giảm lòng tin, nhất là khi biết cả hai đều được phía địch trọng dụng.
Xét thấy lợi bất cập hại, Trung tâm chỉ huy Công an đã quyết định rút A13, A14 về căn cứ.
Việc bắt 3 tên Việt gian đi ra vùng Thanh Hóa cũng như việc tổ chức đánh đắm Thông báo hạm Amyot D'Inville là những tình huống đột xuất xảy ra, Trung tâm chỉ huy Công an nhân dân đã nhanh nhậy, tương kế tựu kế, nắm bắt ngay thời cơ, chỉ đạo để tạo nên những kết quả to lớn đó. Trong chiến công đánh đắm tàu Thông báo hạm, người trực tiếp làm nên chiến công đó chính là chị Nguyễn Thị Lợi và A15 (C.D.K.).
Với việc đánh hai đầu mối A13, A14 vào lòng địch, sau đó các cấp Công an liên quan chỉ đạo trực tiếp đã nghiêm túc rút kinh nghiệm theo yêu cầu của trên, kiên quyết khắc phục tư tưởng nghiệp vụ thuần tuý. Trong tình hình lúc đó tuyệt nhiên không được dùng chiêu "giả hàng", "trá hàng", "giả chiêu hồi" để đánh cán bộ của ta vào hoạt động trong lòng địch.
Chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amyot D'Inville đã xảy ra cách đây 59 năm nhưng tấm gương sáng về những chiến sĩ Công an quả cảm trực tiếp làm nên chiến công đó thì còn sống mãi. Đảng, Nhà nước đã khen thưởng những người trực tiếp tham gia. Đồng chí C.D.K. được tặng thưởng Huân chương Chiến công, liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là những phần thưởng rất xứng đáng. Tuy nhiên, gần đây có bài báo nói về sự kiện này với sự tham gia của A14… mà theo tôi trong đó có những đánh giá chưa đúng. Với sự hiểu biết của mình, với quan điểm khách quan tôn trọng sự thật lịch sử, tôi xin nêu thêm cái bề chìm của sự việc mà lâu nay ít ai nói tới, để giúp chúng ta hiểu sự việc đầy đủ hơn

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh)

Gặp lại những người thân của nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi (Thái Thanh - Công An Thanh Hóa)

Thứ ba, 30/09/2008, 16:11 GMT+7

Cách đây 58 năm, ngày 27/9/1950 tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá, Điệp báo Nha Công an Trung ương phối hợp với Công an Thanh Hoá đã lập chiến công vang dội, đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin của thực dân Pháp. Trong trận đánh lịch sử đó, nữ điệp báo CAND Nguyễn Thị Lợi (Bí số A16) đã anh dũng hi sinh. Ghi nhận công lao to lớn đó, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi...
   Tại thị xã Sầm Sơn hiện nay có một ngôi trường và một con đường mang tên Nguyễn Thị Lợi. Tượng đài nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi được đặt trang trọng tại khuôn viên Công an tỉnh và tại trường PTTH Nguyễn Thị Lợi (Thị xã Sầm Sơn). Chiến công vang dội của tổ điệp báo viên và sự hi sinh anh dũng của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi sẽ trường tồn cùng dân tộc. Đó không chỉ là niềm tự hào của lực lượng CAND mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thanh Hoá trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc.
     Sau gần 60 năm do điều kiện chiến tranh gia đình ly tán, do hoàn cảnh cuộc sống và điều kiện công tác, vừa qua những người con, cháu của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi ở Hưng Yên, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mới có dịp về thăm Thanh Hoá, mảnh đất đã từng cưu mang, đùm bọc và là nơi mà bà đã công tác, chiến đấu và anh dũng hi sinh.

Bên tượng đài của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi tại Công an tỉnh

    Địa điểm đầu tiên mà những người thân của Nguyễn Thị Lợi đến thăm là Công an tỉnh Thanh Hoá nơi còn lưu giữ nhiều tư liệu, hình ảnh và hiện vật về chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin và sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi. Dưới trời thu hửng sáng, tượng đài của bà được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong khuôn viên Công an tỉnh Thanh Hoá, thay mặt Lãnh đạo Công an tỉnh, Đại tá Tống Xuân Giáp – Phó giám đốc CA tỉnh và lãnh đạo các phòng chức năng, Ban công tác phụ nữ Công an tỉnh cùng các con, cháu, gia đình nữ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi đã dâng hương tưởng niệm nhớ đến chiến công và sự hi sinh thầm lặng của người nữ điệp báo viên năm xưa.
    Những người con của bà kể cả những người do bà sinh ra và những người con riêng sau này của chồng  bà đều vô cùng xúc động khi nhìn thấy tượng đài Người mẹ cao cả của mình trong khuôn viên công an tỉnh Thanh Hoá với dáng vẻ hiên ngang, dũng cảm, tự tin, nén lại nhớ thương, sẵn sàng đi làm nhiệm vụ cho cách mạng. Những người con của bà giờ đây đều luống tuổi, tóc đã điểm bạc, quây quần, vịn tay và ôm tượng đài mà tưởng rằng mình đang được sà vào lòng mẹ, đang được mẹ âu yếm như những ngày thơ bé.
     Bà Nguyễn Thị Tường Vân người con gái mà Nguyễn Thị Lợi đã gửi lại gia đình trong những ngày Toàn quốc kháng chiến năm nay đã 66 tuổi. Ngày mẹ hi sinh bà mới lên 6 tuổi và đâu có biết gì. Chỉ đến khi, ông Hoàng Đạo – Nguyên trưởng ty Công an Thanh Hoá, Tổ trưởng tổ điệp báo vơí bí số A13 và cũng chính là người chỉ huy trực tiếp, dìu dắt, cưu mang, đưa Nguyễn Thị Lợi trở thành nữ điệp báo viên đã tìm gặp, làm theo đúng ước nguyện của người nữ Anh hùng trước lúc hi sinh thì bà mới hiểu được rằng mẹ bà sẽ không bao giờ có thể quay về với bà được nữa. Giờ đây, đã là bà nội, bà ngoại nhưng quì bên tượng đài, sờ lên tay, lên chân người mẹ anh dũng của mình bà vẫn nghĩ rằng mình còn rất nhỏ bé. Bà thầm hứa với mẹ sẽ nuôi dạy các con, các cháu nên người để sao cho xứng đáng với sự hi sinh cao cả của mẹ.
    Bà Nguyễn Thị Thu Yến là con dâu cả của nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi năm nay đã 72 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, cởi mở, xúc động nói rằng: “Khi tôi về làm dâu thì mẹ chồng đã hi sinh được gần 10 năm rồi. Tôi cũng đi làm cách mạng nên tôi đã hiểu rằng sự cống hiến, hi sinh của mẹ chồng tôi đã góp phần vào sự nghiệp cách mạng của đất nước, chúng tôi rất tự hào về điều đó. Mặc dù chồng tôi cũng đã mất, nhưng tôi vẫn hàng ngày thay chồng tôi thờ phụng bố, mẹ và nuôi dạy các con, các cháu nên người để xứng đáng với mẹ tôi”.
    Ông Nguyễn Quang Hưng nguyên là Giám đốc Công ty Liên doanh Việt Nam – Cu Ba là con thứ 5 trong gia đình và là con riêng của chồng nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi với người vợ sau này đã tự hào nói rằng: “Mẹ tuy không đẻ ra tôi nhưng mẹ là mẹ của các anh, các chị tôi và chúng tôi. Tôi tự hào về mẹ tôi”.
    Cũng nhân dịp này, đoàn cán bộ Công an tỉnh Thanh Hoá, Câu lạc bộ Công an hưu trí Công an tỉnh cùng những người con, cháu của nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi đến thăm gia đình và thắp hương tưởng  nhớ ông Cao Sĩ  Quyết là một trong những dân quân xã Quảng Tiến năm xưa đã lái đò chở người mẹ anh hùng của họ ra chiến hạm Amiôđanhvin của thực dân Pháp để làm nhiệm vụ. Đoàn cũng đã đến thăm, gặp gỡ thầy cô giáo  trường PTTH mang tên người nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi tại phường Trung Sơn, Thị xã Sầm Sơn. Những người thân của người nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi cũng đã đến nơi mà cách đây 58 năm người mẹ, người bà của họ đã giã từ bà con xóm chài Sầm Sơn, xách valy thuốc nổ xuống tầu giặc để cảm tử hi sinh cho Tổ Quốc.
Những người thân của  Nguyễn Thị Lợi đứng trước biển để tưởng nhớ người Anh hùng

    Trước khi chia tay rời Thanh Hoá, những người con, người cháu  của nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi xúc đông, bin rịn và tri ân những đồng đội, những người đã giúp đỡ mẹ, bà của họ làm nên chiến công vang dội trong lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, bầy tỏ sự biết ơn sâu sắc tới Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân và Công an tỉnh Thanh Hoá đã trân trọng, khắc ghi, nâng niu những di vật, hình ảnh của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Lợi để giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu sau này học tập và noi theo./.
Thái Thanh

Những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND Việt Nam (Kỷ Vật Lịch Sử Công An Nhân Dân)


2:22 PM | 28/05/2013
Từ khi thành lập đến nay, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã trải qua những năm tháng chiến đấu và trưởng thành, ghi dấu nhiều chiến công xuất sắc.
Tháng 6.1946, theo Hiệp ước Hoa – Pháp, quân Tưởng rút về nước, để quân Pháp vào miền Bắc thay thế. Bọn phản động tay sai của Tưởng một số thì chạy theo sang Trung Quốc, một số ở lại làm tay sai cho Pháp. Chúng tập hợp lực lượng lập ra Quốc dân đảng Việt Nam do Vũ Hồng Khanh làm đảng trưởng, Trương Tử Anh là thường vụ. Dựa vào Pháp, tổ chức phản động này ráo riết hoạt động nhằm chống phá chính quyền nhân dân còn non trẻ của ta.
Cuối tháng 6.1946, Nha Công an Trung ương đã phát hiện sự câu kết giữa Pháp và bọn phản động Quốc dân đảng Việt Nam. Nha Công an họp bàn kế hoạch quét tất cả trụ sở Quốc dân đảng Việt Nam để khám phá âm mưu của chúng, nhưng Trung ương chỉ đạo việc trấn áp phải có chứng cứ cụ thể để khỏi mắc mưu khiêu khích của địch. Nhận được nguồn tin bọn Quốc dân đảng Việt Nam đang khẩn trương in tài liệu, truyền đơn phản động trong trụ sở 132 Đuy- vi- nhô (nay là phố Bùi Thị Xuân), đêm 12.7.1946, Nha Công an quyết định bí mật đột nhập vào trụ sở để lấy chứng cứ. Tại đây, lực lượng công an đã bắt toàn bộ bọn phản động, tịch thu các loại tài liệu như truyền đơn, khẩu hiệu, thông cáo chúng vừa in xong; đặc biệt là bản tài liệu do Trương Tử Anh viết về “Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh”. Theo kế hoạch, đến ngày kỷ niệm Quốc khánh nước Pháp (14.7.1946), chúng đề nghị Chính phủ Việt Nam cho được diễu binh trên một số đường phố Hà Nội, bọn Quốc dân đảng Việt Nam sẽ ném lựu đạn vào quân lính da đen, gây đổ máu. Lấy cớ đó, Pháp đổ lỗi cho ta không giữ được an ninh, trật tự, chống lại quân đồng minh và quân Pháp sẽ ập ngay vào Bắc bộ phủ bắt giữ các thành viên chính phủ, tuyên bố đảo chính, lập ngay một chính phủ của Quốc dân đảng Việt Nam.
Trước những bằng chứng rõ ràng, lực lượng công an phối hợp với các lực lượng khác tiến công truy quét bọn phản cách mạng tại 40 trụ sở của chúng ở địa bàn Hà Nội. Tại trụ sở nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều), lực lượng công an bắt Phan Kích Nam và đồng bọn, giải thoát cho những người bị chúng bắt chưa kịp thủ tiêu, thu nhiều tài liệu phản động, dụng cụ tra tấn, dụng cụ làm bạc giả, thuốc mê và đào được 6 xác người bị chúng giết chôn ngay trong vườn. Tại nhà số 80 phố Quán Thánh, trong khi lực lượng công an tiến hành khám xét, quân Pháp đưa xe tăng đến can thiệp, uy hiếp. Trước chứng cứ đầy đủ và sự đấu tranh của quần chúng nhân dân buộc Pháp phải rút lui. Lực lượng công an đã thu được nhiều tài liệu phản động và bắt 30 tên phản quốc. Trong cuộc truy quét bọn phản động cách mạng ở Hà Nội, lực lượng công an bắt gần 100 tên, trong đó có nhiều tên nguy hiểm như Phan Kích Nam, Nghiêm Kế Tổ…
Cuộc tiến công thắng lợi trụ sở Quốc dân đảng Việt Nam ở phố Ôn Như Hầu đã đập tan âm mưu của thực dân Pháp câu kết với bọn phản động định lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Cuộc chiến đấu của các lực lượng công an đã góp phần giam chân địch trong thành phố. Đây là những chiến công đầu vẻ vang của CAND Việt Nam. Đánh giá việc khám phá vụ án trên, nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh từng viết: “Mấy cuộc khám bắt vừa đây cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh, uy tín của chính quyền nhân dân. Các báo hoan nghênh Chính phủ và công chúng tán thưởng việc làm của Ty Công an, đã tỏ rằng đồng bào ta đã có ý thức về chính trị…”
Cuối năm 1947, sau khi bị thất bại trong cuộc hành quân lên Việt Bắc, thực dân Pháp chuyển hướng từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang đánh lâu dài, sử dụng “con bài” Bảo Đại lập chính phủ bù nhìn theo “lý tưởng quốc gia”, trao trả độc lập giả hiệu cho Việt Nam.
Nắm được ý đồ đó của địch, Ty điệp báo Nha Công an trung ương đã khéo léo lần lượt đưa các điệp viên Hoàng Đạo, Kim Sơn vào hoạt động trong lòng địch. Mặc dù địch có nhiều thủ đoạn kiểm tra thử thách, nhưng các cán bộ công an đã vượt qua và gây được tín nhiệm cao trong hàng ngũ chỉ huy của cơ quan tình báo quân sự, tình báo chiến lược, Bộ tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và bọn cầm đầu các đảng phái phản động. Với vai trò, uy tín tạo được, các cán bộ, chiến sĩ công an đã bố trí một “chiến khu” giả, mở đại hội “đảng Phục Việt” để mời một số tên cầm đầu “Đại Việt Quốc dân đảng” ra thăm. Pháp và Bảo Đại đặt nhiều hy vọng vào “đảng Phục Việt”. Bảo Đại phong cho Hoàng Đạo chức “Quốc vụ khanh” và Kim Sơn là đại úy “Võ phòng ngự lâm quân”.
Thực dân Pháp có mưu đồ đánh chiếm vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh từ lâu, nay có “chiến khu quốc gia” của “đảng Phục Việt” liền chớp thời cơ để thực hiện mưu đồ đó. Trong cuộc “hội đàm”, Trung tướng A-lếch-xăng-đơ-ri và thủ lĩnh “đảng Phục Việt” là Hoàng Đạo bàn về “giải phóng khu IV”, Pháp đã thỏa thuận cung cấp vũ khí, tiền bạc cho “chiến khu quốc gia” để “đảng Phục Việt” đảm nhiệm cuộc “giải phóng” khu IV. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng chỉ đạo : “Không nên gây cho Pháp một ảo tưởng ở vùng hậu phương của ta lại có một lực lượng ly khai chống lại kháng chiến”. Thực hiện ý kiến của T.Ư Đảng, ngày 26.9.1950, Ty điệp báo Nha Công an Trung ương chỉ đạo tổ điệp báo điều được 3 tên cầm đầu là Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hưởng và Nguyễn Quang Minh ra vùng tự do Thanh Hóa để bắt, khai thác và trừng trị, đồng thời tổ chức đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin của Pháp.
Lúc 3 giờ sáng ngày 27.9.1950, Tổ điệp báo gồm các đồng chí Hoàng Đạo, Kim Sơn, Nguyễn Thị Lợi trong vai “vợ Quốc vụ khanh Hoàng Đạo” và đồng chí Hải mang vali có chứa 30 kg thuốc nổ lên Thông báo hạm để ra Hà Nội. Sau khi bố trí xong vali thuốc nổ, các đồng chí trong tổ chia tay đồng chí Lợi ở lại. 30 phút sau, Thông báo hạm Amiôđanhvin bị nổ tung, 200 lính và sĩ quan Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng bị nhấn chìm xuống vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá. Chiến sĩ điệp báo Nguyễn Thị Lợi đã anh dũng hy sinh trong trận này.
Chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin là một trong những chiến công tiêu biểu của lực lượng CAND, đã góp phần đập tan âm mưu của Pháp và tay sai hòng xây dựng “chiến khu quốc gia” đánh chiếm vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh, phá mưu đồ mua chuộc, lôi kéo những người “kháng chiến ly khai” Chính phủ Việt Minh trở về với chính phủ quốc gia bù nhìn.
Tháng 3.1955, Công an Hải Phòng nắm được nguồn tin một gián điệp tên Đức được Pháp đưa đi nước ngoài, nay thấy xuất hiện ở TP. Hải Phòng. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an biết tên Đức trú tại số nhà 47 phố Ga có quan hệ với tên Lẫm và tên Tiền cùng đi nước ngoài với tên Đức trở về. Chúng thường liên hệ với nhau ở địa chỉ 14 phố Ga, 27 Bờ Sông Lấp và 120G ngõ Đông An. Tại các địa điểm đó, lực lượng công an đều phát hiện có vũ khí, máy thông tin liên lạc cất giấu.
Cùng thời gian trên, tại Hà Nội, lực lượng công an phát hiện tên Cao Xuân Trung (em Cao Xuân Tuyên, gián điệp của Pháp) và các đối tượng Cập (Trần Minh Châu), Riu, Đích thường lén lút đến hiệu cắt tóc của tên Lan ở số 9 Hàng Mành. Chúng đã họp bàn nhiều lần về việc đón đồng bọn từ nước ngoài về, từ Hải Phòng lên; phân công tên Riu và tên Đích về TP. Nam Định họat động.
Thấy rõ hoạt động nguy hiểm của các đối tượng, Bộ Công an đã lập chuyên án đấu tranh với toán gián điệp cài lại nhằm phát hiện âm mưu, tổ chức và họat động của chúng. Khi mạng lưới địch có sự mở rộng, lực lượng công an đã bắt một số tên và bí mật thu một số vũ khí, điện đài của địch; đồng thời cử cán bộ vào tận miền Nam để nắm tình hình về âm mưu và sự chỉ đạo của chúng. Qua nhiều nguồn tin, lực lượng công an biết tình báo Mỹ đã bắt đầu chỉ đạo bọn gián điệp cài lại thực hiện kế hoạch phá hoại. Chúng đã cho mìn vào một viên than dùng cho tàu hỏa ở ga Hải Phòng để phá hoại sự vận chuyển của ta.
Ngày 11.11.1958, Bộ Công an quyết định phá án. Tại Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định, lực lượng công an đã đồng loạt bắt các tên cầm đầu và bọn tay sai của tổ chức gián điệp, thu toàn bộ điện đài, vũ khí và phương tiện hoạt động của chúng. Khai thác những tên gián điệp bị bắt, chúng khai ra từ tháng 9.1954, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã tuyển chọn một số tên phản động trong “đảng Đại Việt” để đưa đi đào tạo tại đảo Guam rồi lợi dụng thời hạn tập kết 300 ngày đưa trở lại miền Bắc Việt Nam hoạt động. Nhiệm vụ của chúng là thu thập tin tức tình hình chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội báo về trung tâm của chúng ở miền Nam Việt Nam; sử dụng vũ khí được địch chôn giấu từ trước để phá hoại, ám sát cán bộ và nổi dậy lật đổ chính quyền khi có điều kiện. Chúng hoạt động thành 3 tổ ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Cầm đầu tổ chức gián điệp này là Trần Minh Châu (tức Cập). Ngày 4.4.1959, ta đã đưa bọn gián điệp bị bắt ra xét xử, trừng phạt thích đáng.
Phá chuyên án gián điệp biệt kích Mỹ
Nhằm gây rối an ninh trật tự ở miền Bắc Việt Nam, ngày 11.5.1961, Tổng thống Mỹ Kennedy ra lệnh triển khai “Chiến dịch chiến tranh bí mật”, thực hiện cái gọi là “đánh vào nguồn gốc xâm lược” từ Bắc Việt Nam.
Đêm 27.5.1961, Mỹ tung toán gián điệp biệt kích đầu tiên mang tên “Caster” nhảy dù xuống điểm cao 828 thuộc bản Hỷ, xã Phiềng Ban, châu Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ (nay là tỉnh Sơn La). Lực lượng công an và dân quân địa phương đã phát hiện và truy bắt toàn bộ toán gián điệp gồm 4 tên do Hà Văn Chấp, dân tộc Thái chỉ huy.
Để tìm hiểu âm mưu, hoạt động gián điệp biệt kích của Mỹ- Ngụy, lực lượng công an đã quyết định thành lập chuyên án (mang bí số PY27) để khống chế, kiểm soát đường liên lạc của toán “Caster” với trung tâm chỉ huy miền Nam. Sử dụng chiến thuật “câu nhử”, lúc 12 giờ ngày 9.6.1961, lực lượng công an đã chỉ đạo toán gián điệp “Caster” liên lạc với trung tâm chỉ huy. Mấy ngày sau, địch đã cho 1 máy bay tiếp tế cho “Caster” nhưng gặp tai nạn rơi xuống nông trường Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ta bắt sống 8 tên, 2 giặc lái bị chết.
Ngày 16.5.1962, địch tung tiếp toán gián điệp biệt kích “Tonbillow” xuống bãi thả ở Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La. Lực lượng công an bắt 8 tên và quyết định lập tiếp chuyên án (mang bí số KS16) đấu tranh với toán gián điệp này. Để gây lòng tin với địch, giữ bí mật cho chuyên án KS16, lực lượng công an đã cung cấp cho địch nhiều tin tức giả và cho toán “Caster” tiến hành phá hoại một số mục tiêu ít quan trọng. Xét thấy chuyên án PY27 đã phát huy kết quả tốt và địch nghi ngờ, ngày 23.12.1966, lực lượng công an quyết định kết thúc chuyên án này nhằm bảo vệ cho chuyên án KS16 tồn tại và phát triển, bảo vệ được địa bàn vùng Tây Bắc. Từ năm 1961 đến 1970, lực lượng công an đã lập 21 chuyên án đấu tranh, bắt 78 toán gián điệp biệt kích gồm 463 tên, thu nhiều tấn vũ khí, chất nổ, phương tiện và lương thực, thực phẩm, thuốc men của địch.
Kế hoạch CM12
Tháng 2.1976, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh- nguyên là sĩ quan ngụy, từng làm gián điệp cho Pháp và Mỹ đã di tản sang Pháp đứng ra lập tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”. Được sự nuôi dưỡng, yểm trợ của nhiều cơ quan tình báo gián điệp nước ngoài và bọn phản động quốc tế, chúng ráo riết tập hợp một số tên phản động người Việt lưu vong để phát triển lực lượng, tìm đường trở về Việt Nam âm mưu gây bạo loạn cục bộ, tiến hành nội chiến, kết hợp với các hoạt động gây sức ép với Việt Nam về chính trị và quân sự từ bên ngoài. Địa bàn hoạt động chính của chúng là các tỉnh Minh Hải, Cà Mau, Kiên Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé và vùng rừng Sác Nam bộ.
Phát hiện được âm mưu, ý đồ đó của chúng, Bộ Công an đã quyết định thành lập chuyên án đấu tranh mang tên “Kế họach CM12”, vừa để tìm hiểu âm mưu chiến lược của các thế lực thù địch, vừa đấu tranh đập tan các hoạt động của chúng, bóc gỡ những cơ sở phản động ở trong nước.
Gần 4 năm liên tục đấu tranh, lực lượng công an đã chủ động đón bắt 10 toán thâm nhập của địch gồm 146 tên, trong đó có 2 tên cầm đầu là Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, thu 143 tấn vũ khí các loại, 16 điện đài, 300 triệu đồng tiền Việt Nam giả và 2 tàu thâm nhập. Ở nội địa, lực lượng công an đã điều tra, phát hiện, phá nhiều tổ chức phản động và bóc gỡ hầu hết các cơ sở của chúng.
Tháng 12.1984, Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa công khai xét xử bọn phản động nói trên tại TP. Hồ Chí Minh, đập tan âm mưu phá hoại và lật đổ của bọn phản cách mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị của đất nước.
Như Lịch (ghi từ nguồn tài liệu của Lực lượng CAND

Lực lượng Công an nhân dân 60 năm xây dựng và trưởng thành (Lê Hồng Anh - Đảng Cộng Sản)

Lực lượng Công an nhân dân 60 năm xây dựng và trưởng thành 
18:26 | 31/08/2005
Ra đời trong Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945), trải qua 60 năm chiến đấu trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu giáo dục, rèn luyện, được các tầng lớp nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, Công an nhân dân luôn đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống bình yên của nhân dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 
Quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. 
Vừa mới ra đời, Nhà nước ta đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Ở cả hai miền Nam, Bắc, hàng chục vạn quân Tưởng Giới Thạch và quân Anh tràn vào nước ta, mượn danh tước vũ khí của quân đội phát-xít Nhật bại trận để thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản Việt Nam và xóa bỏ chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập. Vụ án phố Ôn Như Hầu, vụ âm mưu lật đổ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, do Đại Việt và Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp dự định gây ra vào ngày 14-7-1946 bị khám phá là một chiến công to lớn của lực lượng Công an nhân dân, góp phần bảo vệ chính quyền non trẻ. Vụ án phố Ôn Như Hầu đã góp phần vạch trần bản chất bán nước, hại dân của Quốc dân đảng trước dư luận quần chúng; đánh một đòn quyết định vào bọn phản động nấp dưới chiêu bài cách mạng quốc gia, cách mạng hải ngoại; là cơ sở để chúng ta truy kích bọn phản cách mạng chạy trốn ở nhiều tỉnh, giành thắng lợi trong công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân, góp phần quan trọng chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Công an nhân dân đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, đối phó với nhiều loại kẻ thù nguy hiểm; luôn sát cánh cùng toàn dân, toàn quân đập tan mọi âm mưu phá hoại và hoạt động gián điệp, do thám của địch, giữ vững trật tự, an ninh ở vùng tự do, ở các khu căn cứ, bảo vệ an toàn các cơ quan lãnh đạo kháng chiến; luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm, xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành các hoạt động điệp báo, phá tề, trừ gian, diệt ác. Vụ đánh chìm Thông báo hạm A-mi-ô Đanh-vin của quân đội Pháp ở vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) do tổ điệp báo A13 thực hiện thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của lực lượng Công an nhân dân. Chiến công của tổ điệp báo A13 đã góp phần đập tan âm mưu của địch muốn mua chuộc, lôi kéo những người kháng chiến ly khai Chính phủ Việt Minh đi theo Chính phủ bù nhìn Bảo Đại; đồng thời, ngăn chặn ý đồ của thực dân Pháp đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, góp phần đánh thắng thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Công an nhân dân vừa làm nhiệm vụ bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chi viện đắc lực cho an ninh miền Nam đánh địch. Trên mặt trận chiến đấu thầm lặng này, Công an nhân dân đã bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế, văn hóa; đồng thời, bóc gỡ các tổ chức gián điệp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cài lại, ngăn chặn và đập tan âm mưu gây bạo loạn của các tổ chức phản động. Được quần chúng nhân dân hỗ trợ, lực lượng Công an nhân dân đã phối hợp cùng lực lượng Quân đội truy quét và làm tan rã nhiều ổ, nhóm phỉ hoạt động ở các vùng rừng núi dọc biên giới Việt - Trung; tổ chức nhiều "kế hoạch nghiệp vụ" đón bắt gọn và tiêu diệt hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ - ngụy tung ra phá hoại miền Bắc, bảo vệ an toàn các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, lực lượng Công an nhân dân đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, tận tụy tham gia, giữ gìn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, ở những thành phố, thị xã, trên những tuyến đường giao thông trọng điểm..., góp phần hạn chế tới mức thấp nhất sự thiệt hại về người và của, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 
Ở miền Nam, lực lượng An ninh miền Nam đã kiên cường bám đất, bám dân, hoạt động điệp báo trong lòng địch, chủ động diệt ác, phá kìm, làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp và hoạt động "bình định", "chiêu hồi" của địch, bảo vệ phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, bảo vệ an toàn các căn cứ địa kháng chiến của cách mạng, góp phần cùng quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, dân tộc ta lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt vô cùng thâm độc của bọn đế quốc và các thế lực thù địch. Một lần nữa, Công an nhân dân đã phát huy vai trò xung kích trên mặt trận chiến đấu thầm lặng, cùng với toàn quân, toàn dân cả nước xây dựng chính quyền cách mạng, giáo dục, cải tạo hàng chục vạn người của chế độ cũ trở về với nhân dân, kịp thời triệt phá nhiều tổ chức phản động, tiêu diệt bọn Ful-rô, bắt sống nhiều toán gián điệp, biệt kích xâm nhập vào nước ta, đập tan những âm mưu gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước. Việc khám phá vụ án gián điệp lớn do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh chỉ huy và vụ bắt gọn toán gián điệp Võ Đại Tôn xâm nhập qua biên giới Việt - Lào về Việt Nam là một thắng lợi to lớn góp phần tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia. 
Trong công cuộc đổi mới đất nước, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động đổi mới chủ trương và biện pháp công tác, mưu trí, dũng cảm, phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều hoạt động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ an toàn các mục tiêu chính trị, kinh tế quan trọng; khám phá nhiều vụ án kinh tế lớn, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn; triệt phá, kiềm chế hoạt động của bọn tội phạm hình sự, đặc biệt là các băng nhóm "xã hội đen", tội phạm có tổ chức, tiêu biểu như vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn; ngăn chặn tốc độ gia tăng của tình hình tệ nạn xã hội; đập tan âm mưu kích động gây bạo loạn lợi dụng vấn đề tôn giáo - dân tộc của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị - xã hội... Trong cuộc chiến đấu thầm lặng này đã có hơn một trăm cán bộ, chiến sỹ Công an anh dũng hy sinh, hơn năm trăm đồng chí khác bị thương vì sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. 
Sáu mươi năm vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, Công an nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần xứng đáng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa. Công an nhân dân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 9 Huân chương Sao vàng, 63 Huân chương Hồ Chí Minh, 577 đơn vị và 287 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; hàng trăm ngàn đơn vị, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương và các danh hiệu cao quý khác. Phần thưởng lớn nhất mà Công an nhân dân nhận được là lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. 
Lực lượng Công an nhân dân có được những chiến công hiển hách kể trên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, là do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên, yếu tố quyết định những thắng lợi đó là đường lối lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng và Bác Hồ. Đảng và Bác đã sáng lập, giáo dục và rèn luyện, chỉ đạo sâu sát nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng đối với lực lượng Công an nhân dân. 
Đó là bản chất cách mạng, phẩm chất cao quý và truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam. Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ công an đã nêu cao lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản, với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với nhân dân Việt Nam, thấm nhuần lời dạy của Bác: "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Dù bất cứ trong điều kiện, hoàn cảnh nào cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân luôn sẵn sàng xả thân vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự bình yên của cuộc sống và sự phát triển của xã hội. Công an nhân dân luôn quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; luôn đi đầu trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, với bản lĩnh mưu trí, dũng cảm, vượt mọi khó khăn gian khổ, nỗ lực vươn lên, nắm bắt thời cơ để chiến thắng kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 
Đó là mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, đoàn kết nội bộ, luôn luôn đổi mới, cải tiến các biện pháp công tác. Nhờ có sức mạnh của đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân mà lực lượng Công an nhân dân không những phát huy được sức sáng tạo, mà còn tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ to lớn của đông đảo quần chúng nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi, mọi miền đất nước, xây dựng được nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đó là truyền thống luôn kề vai, sát cánh cùng Quân đội nhân dân, các cấp, các ngành, các đoàn thể chiến đấu cho mục tiêu cao cả: Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhờ có truyền thống tốt đẹp này mà lực lượng Công an luôn tranh thủ được sự giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị bộ đội và các tầng lớp nhân dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. 
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến hết sức phức tạp, mau lẹ, khó lường; thuận lợi và nguy cơ luôn đan xen nhau. Các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội càng trở nên nặng nề, đòi hỏi Công an nhân dân cần khắc phục ngay những yếu kém hiện có, tiếp tục phát huy bản chất và truyền thống tốt đẹp của mình, đổi mới về nhận thức và phương pháp công tác, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, trong thời gian tới Công an nhân dân phải tập trung giải quyết một số vấn đề sau đây: 
- Phải xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trước hết, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, phải "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư", không ngừng học tập và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Phải luôn có tinh thần cách mạng tiến công. Mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, trau dồi trình độ về mọi mặt, chủ động mưu trí và sáng tạo trong công tác, chiến đấu. Phải tinh thông về nghiệp vụ, có trình độ khoa học - kỹ thuật khá, trang bị tốt về cơ sở vật chất, các phương tiện kỹ thuật, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và biện pháp nghiệp vụ, bám sát và thực hiện tích cực đường lối chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
- Đẩy mạnh thực hiện các chủ trương công tác lớn của Đảng, của Chính phủ về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, tập trung trấn áp mạnh các loại tội phạm hình sự nguy hiểm khác, tội phạm ma túy... Tăng cường quan hệ quốc tế trong hoạt động tình báo và trong đấu tranh phòng chống tội phạm để ngăn chặn hoạt động khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia. 
- Phải tăng cường đoàn kết, gắn bó với Quân đội nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các cơ quan đoàn thể nhân dân trong hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự. Đẩy mạnh hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo thành thế trận an ninh nhân dân với sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của các cấp, các ngành mà Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. 
- Lực lượng Công an nhân dân tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII và cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong toàn lực lượng Công an nhân dân, xây dựng ngày càng nhiều các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Trước mắt, tổ chức thắng lợi đại hội Đảng các cấp trong toàn lực lượng, góp phần tiến tới thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. 
- Công an mỗi đơn vị, địa phương phải có chương trình, hành động cụ thể trong từng thời gian. Đề cao vai trò trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân, tăng cường công tác kiểm tra giám sát chuyên môn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những vi phạm tiêu cực; đồng thời, biểu dương nhân rộng gương "người tốt, việc tốt", những điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an nhân dân. Nhiều cá nhân tốt sẽ có tập thể mạnh, nhiều đơn vị vững mạnh góp phần làm cho toàn lực lượng lớn mạnh. 
Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam chúng ta có quyền tự hào về những thành tích đã đạt được, tự hào về những truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, được nhân dân tin tưởng, giúp đỡ, được quân đội và các ngành hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, lực lượng Công an nhân dân nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Theo Bộ trưởng Lê Hồng Anh, Tạp chí Cộng sản tháng 8/2005

Ðánh đắm Thông báo hạm A-mi-ô Ðanh-vin (Nhân Dân)


Thứ hai, 08/08/2005 - 12:22 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

Cuối năm 1947, bị thất bại trong cuộc hành quân lên Việt Bắc, thực dân Pháp chuyển hướng từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang đánh lâu dài, sử dụng Bảo Ðại để lập chính phủ bù nhìn theo "lý tưởng quốc gia", trao trả độc lập giả hiệu cho Việt Nam.
Nắm được ý đồ của địch, Ty Ðiệp báo Nha Công an Trung ương đã khéo léo đưa các điệp viên Hoàng Ðạo (A13), Kim Sơn (A14) vào hoạt động trong lòng địch. Mặc dù địch có nhiều thủ đoạn kiểm tra thử thách, nhưng các điệp viên của ta đã vượt qua, gây được tín nhiệm cao trong hàng ngũ chỉ huy của cơ quan tình báo quân sự, tình báo chiến lược, Bộ Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Ðông Dương, bọn cầm đầu các đảng phái phản động, bọn cầm đầu phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa. Các điệp viên của ta đã bố trí một "chiến khu" giả, mở đại hội "đảng Phục Việt" để mời một số tên cầm đầu "Ðại Việt Quốc dân đảng" ra thăm. Pháp và Bảo Ðại đặt nhiều hy vọng vào "đảng Phục Việt". Bảo Ðại phong cho A13 chức "Quốc vụ khanh" và A14 là đại úy "Võ Phòng ngự lâm quân".
Thực dân Pháp có mưu đồ đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh từ lâu. Nay có "chiến khu quốc gia" của "đảng Phục Việt", liền chớp thời cơ để thực hiện mưu đồ đó.
Trong cuộc "hội đàm", trung tướng Alexandrie và thủ lĩnh "đảng Phục Việt" là Hoàng Ðạo (A13) bàn về "giải phóng Liên khu IV", Pháp đã thỏa thuận cung cấp vũ khí, tiền bạc cho chiến khu quốc gia để "đảng Phục Việt" đảm nhiệm cuộc "giải phóng Liên khu IV". Trước tình hình đó, Trung ương có ý kiến: "không nên gây cho Pháp một ảo tưởng ở vùng hậu phương của ta lại có một lực lượng ly khai chống lại kháng chiến". Do đó, cần kết thúc hoạt động của tổ điệp báo.
Thực hiện ý kiến của Trung ương, ngày 26-9-1950, Ty Ðiệp báo Nha Công an Trung ương chỉ đạo Tổ điệp báo điều được ba tên cầm đầu phản động là Ðinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hưởng (Trung ương Ðại Việt) và Nguyễn Quang Minh (Trung ương Quốc dân đảng) ra vùng tự do Thanh Hóa để bắt, khai thác và trừng trị, đồng thời tổ chức đánh đắm Thông báo hạm A-mi-ô Ðanh-vin của Pháp. Lúc 3 giờ sáng ngày 27-9-1950, Tổ điệp báo gồm các đồng chí Hoàng Ðạo (A13), Kim Sơn (A14), Nguyễn Thị Lợi (A16) đóng vai "vợ Quốc vụ khanh Hoàng Ðạo" và đồng chí Hải (A15) mang va-li có chứa 30 kg thuốc nổ ra khơi, lên Thông báo hạm để ra Hà Nội. Sau khi bố trí xong va-li thuốc nổ, các đồng chí trong tổ chia tay chị Lợi ở lại.
Sau 30 phút, thông báo hạm A-mi-ô Ðanh-vin chạy trên biển đã bị nổ tung, 200 lính và sĩ quan Pháp (trong đó có một trung tá, hai đại úy, tám trung úy) cùng hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng bị nhấn chìm xuống vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ðồng chí Nguyễn Thị Lợi, một chiến sĩ điệp báo đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Ngày 11-6-1951, chị đã được Ðảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 3-8-1995, chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
(Theo Tư liệu Bộ Công an)