Saturday 1 February 2014

Sứ giả của Việt Minh (Lê Trọng Nghĩa)


QĐND - Gọi ông là “sứ giả của Việt Minh” vì rằng trong cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội, ông là đại diện của cách mạng thực thi hàng loạt các cuộc thương thuyết quan trọng với Khâm sai Phan Kế Toại, Thủ tướng Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và tướng Tổng Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật ở Đông Dương... Kết quả của các lần tiếp xúc đó đã góp phần trực tiếp làm cho cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi rực rỡ và không đổ máu. Người “sứ giả” ấy là Đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo, nguyên Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ.
“Đêm trước” của cách mạng
Tháng 3-1945, ngay sau khi trốn khỏi Hỏa Lò cùng Bí thư Xứ ủy Trần Đăng Ninh, Xứ ủy viên Trần Tử Bình… Lê Trọng Nghĩa được đồng chí Lê Đức Thọ bắt liên lạc và giao nhiệm vụ sang phụ trách Đảng Đoàn ở Dân chủ Đảng. Đầu tháng 8-1945, tình hình Hà Nội biến động dồn dập. Phong trào cách mạng sục sôi, nóng bỏng đang lan nhanh từng ngày. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo trong Trung ương và Xứ ủy đều được triệu tập lên Tân Trào. Hai Thường vụ Xứ ủy được phân công ở lại gồm: Nguyễn Khang, phụ trách Hà Nội và Trần Tử Bình, trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc (Hà Đông), theo dõi 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. 
Với sự giới thiệu của Khâm sai Phan Kế Toại, ông Nghĩa với danh nghĩa một cán bộ Việt Minh (bí danh giáo sư Lê Ngọc) đã chủ động có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng bù nhìn Trần Trọng Kim để thăm dò khi ông ta đang ra Hà Nội thị sát tình hình. Trong lúc chuẩn bị khởi nghĩa, việc tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền bù nhìn là một việc làm đầy nguy hiểm, hệ trọng nhưng cũng hết sức tế nhị. Vì vậy, ngay sau cuộc gặp, Lê Trọng Nghĩa đã tức tốc vào An toàn khu ở Hà Đông báo cáo ngay với Xứ ủy. Nghe xong, đồng chí Nguyễn Khang nói:
- Cậu hành động như thế là tốt nhưng hơi… liều vì chúng ta chưa báo cáo và xin ý kiến của Trung ương về cuộc gặp này. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì cậu vẫn cứ phải theo hướng đó mà làm. Tôi sẽ chịu trách nhiệm và báo cáo Trung ương sau.
Chiều ngày 15-8, khi nhận được tin Nhật đã chính thức đầu hàng Đồng minh, hai ông Nguyễn Khang và Trần Tử Bình đã hội ý và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội do Nguyễn Khang làm chủ tịch và các ủy viên: Nguyễn Quyết, Lê Trọng Nghĩa, Trần Quang Huy và Nguyễn Duy Thân. 
Đại tá Lê Trọng Nghĩa: “Mỗi khi có dịp nhớ lại những sự kiện trong cuộc khởi nghĩa của Thủ đô Hà Nội lúc ấy, trong tôi bao giờ cũng hiện lên những hình ảnh sáng láng không thể nào phai mờ...”. 

Cũng trong ngày hôm đó, đồng chí Nguyễn Khang đã gặp riêng ông Nghĩa, phổ biến nhiệm vụ:
- Để tranh thủ khả năng êm thấm giành thắng lợi cho cách mạng, ta đã có chủ trương gặp Khâm sai Phan Kế Toại. Cậu là người đã có đầu mối, cơ sở ở Dinh Khâm sai và cũng đã từng gặp ông Toại, Xứ ủy giao cậu chủ động liên hệ để chúng ta tiếp xúc với ông ấy ngay trong ngày mai.
Ngày 16-8, ông Nghĩa cùng đồng chí Nguyễn Khang và Trần Đình Long (tham gia với vai trò “cố vấn”) đúng hẹn vào gặp ông Phan Kế Toại. Do không có phương tiện, các ông đành “cuốc bộ” từ trụ sở của Dân chủ Đảng (trên phố Trần Hưng Đạo) đến Dinh Khâm sai. Ông Toại và Chánh văn phòng, cùng các cộng sự đón mời từ tiền sảnh và bày tỏ thái độ tôn trọng, cầu thị. Khâm sai đặt vấn đề: “Chúng tôi muốn mời Việt Minh tham chính”. Không đồng ý với đề xuất này, ông Khang và ông Nghĩa đề nghị Khâm sai nên đứng về phía Việt Minh, nhanh chóng giao vũ khí và chính quyền cho cách mạng. Không đạt được đồng thuận, đoàn Việt Minh ra về. Lúc chia tay, với vẻ chân thành, Khâm sai Phan Kế Toại còn bày tỏ: “Tình hình căng lắm rồi, chúng ta cần sớm gặp lại nhau để bàn tiếp”.
Chiều ngày 17-8, Tổng hội công chức chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Thành ủy chỉ đạo phải phá cuộc mít tinh này. Hàng vạn người đứng đầy đường Paulbert (nay là phố Tràng Tiền) và các phố lân cận theo lời kêu gọi của Việt Minh đã biến cuộc mít tinh của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng. Từ thực tế chuyến khảo sát tình hình Hà Nội, đồng chí Nguyễn Khang đã trao đổi với đồng chí Trần Tử Bình và quyết định: Dựa trên chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và diễn biến hiện nay, lập tức tiến hành cho Hà Nội khởi nghĩa mà không cần chờ tới lệnh của Trung ương. 
Ngày 18-8, khi hội nghị cán bộ của Hà Nội đang họp để bàn việc thực hiện chủ trương Tổng khởi nghĩa thì nhận được tin, đại diện của Chính phủ Trần Trọng Kim là ông Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đến trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa (số 101 Trần Hưng Đạo ngày nay) xin gặp Việt Minh vì “có việc khẩn cấp”. Trong hội nghị có người băn khoăn, lo lắng vì không hiểu ý đồ của đối phương thế nào. Họ đến “đại bản doanh” của ta để nắm tình hình hay thăm dò thái độ? Ông Nguyễn Khang chỉ thị: Đồng chí Lê Ngọc (bí danh của ông Lê Trọng Nghĩa-TG) thay mặt Việt Minh ra tiếp ông Hoàng Xuân Hãn để nhanh chóng xem có vấn đề gì.
Ông Nghĩa bước ra ngoài phòng khách thì đã thấy ông Bộ trưởng quần áo chỉnh tề đứng đợi. Rồi rất bất ngờ, ông cho biết ông Phan Kế Toại đã từ chức, Chính phủ Trần Trọng Kim đã cử ông Nguyễn Xuân Chữ làm Khâm sai Bắc Kỳ. Cũng theo tin mới nhất, quân đội Đồng minh đã bắt đầu lên đường chia nhau vào nước ta. Ông Hãn bày tỏ: “Đất nước đang có nguy cơ đe dọa lại bị xâm chiếm và chia cắt một lần nữa. Chúng ta nên tiếp tục thương thảo, nói chuyện. Việt Minh các ông cứ nắm tất cả các vùng nông thôn nhưng nên để Chính phủ tiếp tục quản lý các thành phố lớn, cốt để có danh nghĩa mà nói chuyện với Đồng minh”. Ông Nghĩa khéo léo từ chối đề xuất này và khẳng định: 
- Lúc này chỉ có Việt Minh mới duy nhất có đủ tư cách, danh nghĩa và khả năng để đối phó với tình hình và chúng tôi đã sẵn sàng…
Biết không thể thay đổi được lập trường của Việt Minh, ông Hoàng Xuân Hãn buồn bã ra về…
Ngày 19-8 và hai cuộc điều đình với Nhật
Theo đúng mệnh lệnh Ủy ban khởi nghĩa, từ sáng sớm ngày 19-8, hàng chục vạn quần chúng đã theo các ngả đường tiến về Hồ Gươm, Nhà hát Lớn. Đâu đâu cũng vang lên tiếng hô các khẩu hiệu cách mạng và lời bài hát “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít”… Đúng 10 giờ, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng đã diễn ra tại quảng trường Nhà hát Lớn. Đại diện Việt Minh tuyên bố: “Đến giờ phút này, yêu cầu đồng bào hãy cùng Mặt trận Việt Minh tiến lên nắm lấy và tự giải quyết vận mệnh của mình”. Với khí thế như thác đổ triều dâng, lực lượng quần chúng nhanh chóng chia làm hai hướng tấn công Dinh Khâm sai và Trại Bảo an binh. Cũng thời điểm ấy, một số huyện ngoại thành của Hà Nội cũng nổi dậy chiếm các trung tâm hành chính.
Trên hướng Trại Bảo an binh - nơi tập trung lực lượng quân sự mạnh nhất, quân Nhật kéo xe tăng tới bao vây, đe dọa lực lượng cách mạng. Ông Nguyễn Quyết và bộ chỉ huy hội ý và quyết định cử ông Nghĩa ra điều đình với chỉ huy Nhật. Ông Nghĩa phóng xe Limuzin đen của Khâm sai có cắm cờ Việt Minh phóng thẳng đến khu vực quân Nhật kiểm soát. Sau phút tiếp xúc căng thẳng ban đầu, ông Nghĩa nói với viên chỉ huy Nhật: 
- Trại Bảo an binh thuộc quyền phủ Khâm sai người Việt, mà người Nhật sắp về nước rồi. Vậy không nên can thiệp vì chúng tôi không động chạm gì tới người Nhật.
Quân Nhật chịu rút quân về doanh trại nhưng yêu cầu Việt Minh phải gặp cấp trên của chúng. Thế là Trại Bảo an binh, Dinh Khâm sai, Tòa Thị chính đã về tay quần chúng. Những người cầm đầu của chính quyền cũ đã được tạm giữ hoặc thu phục. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã giành thắng lợi mà không phải đổ một giọt máu.
Tối hôm ấy, Thường vụ Xứ ủy họp và tiếp tục cử Lê Trọng Nghĩa và Trần Đình Long đi gặp và đàm phán với viên tướng Tổng Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật ở Đông Dương. Vì không có mối liên lạc sẵn với các quan chức Nhật, hai ông phải tìm đến một người phụ nữ, vợ chủ hiệu kem Nhật Bản ở chợ Hôm nhờ nói với chồng là sĩ quan Nhật làm trung gian đưa đến gặp các quan chức cao cấp Nhật. Đến giờ hẹn, hai ông cùng đồng chí tự vệ phóng chiếc xe từ Dinh Khâm sai có cắm cờ Việt Minh tới Tổng hành dinh quân đội Nhật. Hai người phỏng đoán, có khả năng sẽ bị đe dọa, uy hiếp nhiều hơn là bị cầm bắt nên chuẩn bị một thái độ thận trọng, thăm dò. Ông Long dặn ông Nghĩa: “Khi nói chuyện không nên động chạm đến thất bại của Nhật và hai quả bom nguyên tử của Mỹ vừa thả”. Viên Toàn quyền đã đợi sẵn ở phòng khánh tiết. Ông Nghĩa từ tốn: “Chúng tôi rất xúc động nhận được tin Thiên Hoàng chính thức ban lệnh đình chiến và đã đồng ý cho các ngài rút quân khỏi Đông Dương…”. Vừa nghe hai chữ “Thiên Hoàng”, thái độ của viên tướng Nhật và cộng sự thay đổi hẳn. Không khí cuộc gặp trở nên trang trọng, gần gũi hơn. Sau một hồi thương thảo, phía Nhật chấp nhận án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh. Đổi lại, binh lính Nhật sẽ được bảo đảm an toàn, không bị Việt Minh tấn công. Cuộc đàm phán thành công không chỉ làm cho cách mạng tránh được cuộc đụng độ với quân Nhật mà điều quan trọng là đã buộc các nhà chức trách Nhật phải thừa nhận chính quyền mới, dập tắt những hy vọng của các lực lượng chính trị khác tại Hà Nội khi đó.
Rời Tổng hành dinh của quân đội Nhật, hai ông trở về trụ sở Ủy ban khởi nghĩa khi đã nửa đêm. Thường vụ Xứ ủy rất phấn khởi khi nghe các ông báo cáo kết quả cuộc đàm phán với Toàn quyền Nhật và thông qua quyết định thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc Bộ do Nguyễn Khang làm chủ tịch, Lê Trọng Nghĩa là ủy viên, phụ trách công tác đối ngoại. Chính quyền mới sẽ ra mắt nhân dân vào ngay sáng ngày 20-8-1945…
(Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Trọng Nghĩa)

Tuổi hai mươi được tham gia lật trang sử nước nhà (Kiến Quốc)



63 năm Cách mạng tháng Tám:
TP - Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Ủy viên UBKN HN 1945, Cục trưởng Cục Quân báo đầu tiên năm 1950.
Đã 85 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn, ông chậm rãi kể lại những kỷ niệm của hơn 60 năm trước…
Ông Lê Trọng Nghĩa trước cửa Nhà hát Lớn TP Hà Nội
…Đầu năm 1939, khi đang học trường Gia Long (Hà Nội) thì tôi chuyển về Hải Phòng, tiếp tục học Thành chung năm thứ 3 và 4 ở trường Bonnal do ông Le Mineur, người Pháp, làm Hiệu trưởng.
Ngày mới về nghe đồn trong lớp có một bạn học rất giỏi và tài hoa. Đó chính là Nguyễn Đình Thi. Nhà trường hay tổ chức liên hoan văn nghệ, Thi thường lên sân khấu vừa đệm măng-đô-lin vừa hát. Từ đó chúng tôi luôn bên nhau.
Ở trường, trong giờ Lịch sử, các giáo sư người Pháp giảng cả về Cách mạng Dân chủ  tư sản Pháp cùng tên tuổi các nhà cách mạng, cả về Công xã Ba-lê…
Việc làm này đã hình thành trong đầu óc học sinh chúng tôi những tư tưởng tự do, dân chủ. Ngoài giờ học, anh em hay tham gia sinh hoạt ngoại khóa.
Thi là hội viên Hội Hướng đạo do cụ Hoàng Đạo Thúy đứng ra tổ chức, hoạt động công khai thông qua các sinh hoạt tập thể (cắm trại, dã ngoại…), nêu cao tinh thần yêu nước. 
Tháng 9/1940, Nhật nhảy vào Lạng Sơn, sau đó ném bom Hải Phòng. Dân thành phố Cảng trực tiếp chịu tai họa chiến tranh. Mỗi lần thấy giặc Nhật ngang nhiên chém giết dân ta mà nung nấu chí căm hờn.
Thanh niên, học sinh Hải Phòng ngấm ngầm tìm hiểu sách báo của Tự lực Văn đoàn, Mặt trận Bình dân, của phong trào dân chủ ở Sài Gòn, thậm chí đọc cả sách của Hít-le…
Hiểu biết dần được mở mang. Tôi và anh Thi cùng một số bạn bí mật trao tay những sách báo tiến bộ: “Đông Dương, SOS!”, “Lịch sử Đảng cộng sản Bôn-sê-vich Nga”…
Chúng tôi trăn trở: Thi xong diplome sẽ làm gì? Đi theo con đường nào, cộng sản quốc tế hay giải phóng dân tộc? Theo quốc tế cộng sản thì vấn đề dân tộc Việt sẽ ra sao? Cách mạng xong thì nhà nước được tổ chức thế nào?...
Có tin ở Bắc Sơn, Việt Bắc đang có chiến tranh du kích, rồi tin về Khởi nghĩa Nam Kỳ… Nhất là với tin tức về Mặt trận Việt Minh, chúng tôi đã khẳng định: “Chương trình Việt Minh” kết hợp được 2 vấn đề quốc gia và quốc tế, đồng thời sau khi giành chính quyền sẽ xây dựng nền dân chủ, cộng hòa.
Sau đó, hai anh em quyết định lên Hà Nội, rồi phân công: Thi vào học trường Bưởi, Nghĩa vào trường Thăng Long. Thành ủy Hà Nội suốt mấy năm liền bị khủng bố, bí thư mới về chưa nóng chỗ đã bị đánh bật ra.
Cuối cùng, chúng tôi bắt liên lạc được đ/c Xuyện - cán bộ Ban Cán sự (em trai đ/c Trần Quang Huy, học sinh Thăng Long 1935-40). Thành ủy HN mới được khôi phục lại sau 6 lần bị đàn áp”.
Hai chàng trai cùng tham gia Thanh niên cứu quốc. Ngày 6/1/1942, khi đang rải và dán truyền đơn ở cửa trường Thăng Long và Gia Long để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ra mắt Việt Minh thì 2 anh em bị bắt cùng các đ/c Xuyện, Thường.
Đến tháng 6/1942, Thi được thả, số còn lại bị đưa ra Tòa án Binh. Tôi bị kết án 4 năm, anh Xuyện- 5 năm, anh Thường- 5 năm và bị đưa về giam ở Hỏa Lò cùng Xứ ủy viên Trần Đăng Ninh.
Đêm 11/3/1945, lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, đ/c Trần Đăng Ninh leo tường vượt ngục cùng một số anh em (trong đó có Lê Trọng Nghĩa). Đêm hôm sau, 80 tù chính trị còn lại được đ/c Trần Tử Bình tổ chức trốn ra ngoài theo đường cống ngầm.
Ông Nghĩa kể tiếp: “Hôm sau, tôi tìm về trú nhờ nhà anh Trần Quảng Kiến (bạn trong nhóm học sinh Bonnal) tại 30 Triệu Việt Vương. Vài bữa sau, Nguyễn Đình Thi bấm chuông tìm gặp: “Tôi được “tổ chức” cử tới gặp anh. Anh tranh thủ về quê thăm các cụ rồi lên nhận nhiệm vụ”.
Anh đưa cho 20 đồng bạc Đông Dương cùng một thẻ căn cước giả đi đường. Sau khi từ Quảng Yên lên, tôi gặp đ/c Lê Đức Thọ và được giao nhiệm vụ cùng anh Vũ Quý sang Ban Cán sự của Dân chủ đảng (tổ chức đảng của các nhân sĩ, trí thức yêu nước) ở phía Bắc. Còn Nguyễn Đình Thi trước đã phụ trách báo “Độc Lập” của Dân chủ đảng, nay chuyển về hoạt động ở Hội Văn hóa cứu quốc...”.
Đầu tháng 8/1945, các anh trong Trung ương và Thường vụ Xứ ủy đều lên Việt Bắc,  còn lại 2 ủy viên Thường vụ: Nguyễn Khang trực Hà Nội, Trần Tử Bình trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc, Hà Đông.
Nguyễn Đình Thi được cử đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Còn tôi cùng các anh Trần Quang Huy, Nguyễn Quyết, Nguyễn Duy Thân tham gia vào UBKN HN do anh Nguyễn Khang làm Chủ tịch, anh Trần Đình Long làm cố vấn.
Tôi còn nhớ mãi cái không khí sôi động trong ngày 19/8/1945. Quần chúng nô nức kéo về Bờ Hồ. Khắp nơi hát vang bài “Tiến quân ca”  (Văn Cao) và “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi).
Sáng đó sau cuộc mít-tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, tôi theo chân anh Khang và anh Bình vào Bắc Bộ Phủ. Quần chúng cách mạng dũng mãnh vượt rào vào chiếm Phủ Khâm sai. Đ/c Trần Tử Bình cùng các chiến sỹ tự vệ, thanh niên xung phong tiến đến phòng làm việc của Nguyễn Xuân Chữ, cầm đầu “Ủy ban chính trị”.
Anh Bình lệnh cho tự vệ giải hắn về An toàn khu của Xứ, rồi yêu cầu quay máy cho tỉnh trưởng các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh thông báo ở Hà Nội, Việt Minh đã giành chính quyền và lệnh phải mau chóng giao chính quyền cho Việt Minh, nếu không sẽ bị xử tử.
Bên ngoài, quần chúng hạ cờ quẻ ly, giương cao lá cờ đỏ sao vàng nơi trung tâm hành chính của Bắc Bộ và cả nước. Đoàn biểu tình tiếp tục chiếm toà Thị chính, Kho bạc, Sở Cảnh sát Hàng Trống…”.
Giữa lúc đó, có tin báo cánh chiếm Trại Bảo an binh (đối diện rạp Majestic, nay là rạp Tháng Tám) do đ/c Nguyễn Quyết phụ trách đang gặp khó khăn. Quân Nhật cho xe tăng bít các ngả quanh doanh trại, chĩa súng vào quần chúng. Nhưng lực lượng ta kiên quyết không rời.
Hai ông Bình, Khang cùng ông Long hội ý gấp rồi cử Lê Trọng Nghĩa dùng chiếc xe Limouzine cắm cờ đỏ sao vàng, phóng ra thương thuyết với chỉ huy Nhật.
Chúng chấp nhận rút quân nhưng yêu cầu ta phải đến gặp Tư lệnh quân đội Nhật. Chiều hôm ấy, lực lượng cách mạng chiếm Trại không đổ một giọt máu và thu một kho vũ khí với hơn 1.000 khẩu súng.
Tối hôm đó, Thường vụ Xứ ủy cử ông Nghĩa và cố vấn Trần Đình Long đi gặp Tư lệnh kiêm Toàn quyền  Nhật ở Đông Dương Tsuchihashi. Trước khi đi, ông Long chỉ dặn: “Chớ có động chạm đến việc quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh hay bom nguyên tử đã nổ ở Hyrôsima hay Nagasaky”.
Cuộc gặp mặt mạo hiểm bắt đầu từ 8 giờ. Hai ông được dẫn vào phòng khánh tiết. Thấy trên tường treo lá cờ trắng mà ở giữa là mặt trời đỏ; tướng tá Nhật đứng xung quanh mặt lạnh tanh, súng gươm giắt đầy mình.
Hai ông chủ động chào hỏi rồi tự giới thiệu là đại diện của “cánh dân chúng nổi dậy chiếm Phủ Khâm sai sáng nay”. Như đã bàn bạc, ông Nghĩa lên tiếng: “Nghe tin Nhật Hoàng đã chấp thuận cho các ông rút quân về nước?”.
Vừa nghe 2 chữ “Nhật Hoàng”, nét mặt của đám tướng tá thay đổi hẳn. Sau đó, các nhà chức trách cao cấp Nhật bản xác định thái độ không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt, mặc nhiên thừa nhận nhà chức trách đương quyền tại Bắc Bộ Phủ. Ngay sau đó, Đại sứ Tsukamoto điện báo về Tokyo… 
Như vậy trong ngày 19/8 đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền Khâm sai ở Thủ đô mà không có sự chống đối, xung đột nào, không phải nổ một phát súng, không phải mất một giọt máu; đồng thời đã ngăn chặn được cuộc can thiệp của đội quân Nhật, có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang hoặc đàn áp quần chúng. Và, thắng lợi ở Hà Nội lập tức kéo theo sự rúng động làm tan vỡ hệ thống chính quyền ngụy ở Bắc Bộ.
“Và ngay trong đêm ấy, - ông Nghĩa tiếp lời - khi từ Đồn Thủy trở về, tôi thấy Thường vụ Xứ ủy cùng UBKN HN vẫn đang chong đèn họp. Và sáng hôm sau, ngay tại vườn hoa Con Cóc trước Bắc Bộ Phủ, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời của Bắc Bộ và Hà Nội chính thức ra mắt quốc dân đồng bào.
Có gì tự hào hơn khi ở độ tuổi hai mươi, chúng tôi đã được cùng đồng chí, đồng bào lật cuốn sử nước nhà sang một trang mới!”.
Kiến Quốc

Cuộc hội ngộ của những người từng giúp việc Đại tướng (Nguyễn Hưng)


Cuộc hội ngộ của những người từng giúp việc Đại tướng

Cơn mưa nặng hạt kéo dài suốt buổi sáng 26/8 không thể ngăn những cán bộ lão thành tề tựu về Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp sinh nhật lần thứ 102 của ông.

Những người đã gần 90 tuổi như nguyên Cục trưởng Cục quân báo Lê Trọng Nghĩa, Trung tướng Phạm Hồng Cư… đến sớm gần 30 phút để gặp gỡ, hàn huyên. Trước giờ bắt đầu, căn phòng tiếp khách không còn một chỗ trống. Chiếc bánh sinh nhật với dòng chữ “Kính chúc Đại tướng của nhân dân thượng thượng thọ” trên nền lá cờ đỏ sao vàng đặt trang trọng cạnh những lẵng hoa, trướng chúc thọ khiến nhiều người tấm tắc khen. Phu nhân của Đại tướng, bà Đặng Bích Hà, sức khỏe giảm sút nhiều sau lần tai biến năm trước có mặt từ đầu buổi, vui vẻ nhận lời chúc và cảm ơn những người tới thăm.
TG2-1377508266.jpg
Đại tá Nguyễn Văn Huyên (trái) bắt tay nguyên Cục trưởng Cục Quân báo Lê Trọng Nghĩa và tiếp chuyện cán bộ lão thành tại Văn phòng Đại tướng. Ảnh: Nguyễn Hưng
“Sức khỏe anh Văn tương đối ổn định. Anh vẫn nhận biết được người thân đến thăm và ra hiệu đáp lại”, đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký lâu năm của Đại tướng mở đầu bằng thông tin được nhiều người chờ đợi.
Theo đại tá Huyên, trong dịp sinh nhật 102, bước sang tuổi 103 của Đại tướng, nhiều người bày tỏ nguyện vọng vào thăm, chúc thọ dù chỉ là “đến ngoài cửa nhìn anh Văn”. Đại tá Huyên cho biết các y bác sĩ của Bệnh viện Quân y 108 đang cố gắng chăm sóc Đại tướng không khác gì chăm sóc cho người cha, người ông của mình.
Gói ghém cẩn thận bức trướng để tránh ướt mưa, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh mang đến cuộc gặp mấy câu thơ chúc thọ Đại tướng: Thân dân, yêu nước một lòng son/ Khiển tướng, điều binh thắng trận dồn/ Trận thắng Điện Biên, Tây khiếp vía/ Đêm thua Hà Nội, Mỹ kinh hồn/ Tài kiêm văn, võ, toàn cầu biết/ Đức vẹn nghĩa nhân, cả nước tôn/ Đáng mặt trong mười danh tướng chọn/ Thanh danh muôn thuở vẫn trường tồn.
Vị tướng 97 tuổi này cho hay, từ 4 năm trước, ông và nhiều người đã có thư gửi Bộ Chính trị, trong đó có đề nghị giữ khu Văn phòng Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu làm địa điểm dựng bảo tàng về Đại tướng.
Giáo sư Phan Huy Lê nhiều năm liền không vắng ở bất cứ buổi gặp mặt nào như thế này. Ông cho hay, để giúp gìn giữ, bảo quản các hiện vật, tặng phẩm chuẩn bị cho việc thành lập bảo tàng, các chuyên gia sẽ giúp cán bộ văn phòng. Ông cho biết thêm, để khắc ghi công lao của Đại tướng, sắp tới sẽ đề nghị Hà Nội đặt tên con đường cao tốc hiện đại nối từ sân bay Nội Bài về cầu Nhật Tân là đường Võ Nguyên Giáp.
TG1-1377508266.jpg
Căn phòng tiếp khách chật kín mỗi dịp sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Chia sẻ thêm về dự án “Danh tướng Việt Nam” được nhiều người quan tâm những ngày vừa qua, giáo sư Phan Huy Lê cho hay dự án không chỉ dừng lại ở 4 nhân vật lịch sử là Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này chắc chắn sẽ có thêm Hai Bà Trưng, Ngô Quyền… Việc tập hợp một danh sách các vị danh tướng để cho ra đời những tượng đài với nhiều kích cỡ sẽ góp phần đưa lịch sử vào đời sống cũng như quảng bá ra thế giới một cách thuận lợi…
Nói về thủ trưởng của mình, đại tá Trịnh Nguyên Huân, người thư ký 37 năm của Đại tướng đúc rút, Đại tướng sinh ra không phải là để làm tướng dù có tài năng quân sự thiên bẩm, mà là để trở thành một người xây dựng đất nước. “Đại tướng ít khi nói về những chiến thắng, ông nói nhiều tới bài học. Quan trọng là không phải thắng bao nhiêu trận mà là bài học rút ra, vì chỉ khi rút ra được bài học thì mới không vấp ngã”, đại tá Huân kể.
Trung tá Lê Văn Hải (Văn phòng Đại tướng) cho hay, cán bộ văn phòng đều bất ngờ vì số lượng người tới dự buổi gặp mặt. Theo ông, các cán bộ giúp việc và những người thân cận đều đã cao tuổi nhưng vẫn có mặt rất đông đủ. “Kể cả những người được tiếp xúc nhiều với Đại tướng khi biết tin cũng đội mưa đến chúc mừng. Điều đó khiến chúng tôi rất xúc động”, trung tá Hải nói.
Tại cuộc gặp, nhiều người bày tỏ ý kiến trái chiều về tiêu đề của cuốn sách mới được ấn hành tại Việt Nam của sử gia người Mỹ Cecil B. Currey. Cuốn sách viết về Đại tướng với tiêu đề “Chiến thắng bằng mọi giá”. Theo trung tướng Phạm Hồng Cư, Đại tướng là người quý từng giọt máu của quân và dân nên sẽ không bao giờ dùng “mọi giá” để chiến thắng.
Dịch giả Nguyễn Văn Sự, người dịch nhiều cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đồng ý với nhận định này. Việc giữ tiêu đề là để tôn trọng tác giả và điều này cũng được giải thích trong lời nói đầu của cuốn sách.
Nguyễn Hưng

SẮC LỆNH CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 4-SL NGÀY 1 THÁNG 2 NĂM 1949


SẮC LỆNH
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu Sắc lệnh số 57-SL ngày 3 tháng 5 năm 1946 tổ chức các Bộ;
Chiểu Sắc lệnh số 34-SL ngày 22 tháng 5 năm 1946 và 35-SL ngày 9 tháng 3 năm 1947 tổ chức Bộ Quốc phòng;
Chiểu Sắc lệnh số 47-SL ngày 1 tháng 5 năm 1947 tổ chức Bộ Tổng chỉ huy;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam;
RA SẮC LỆNH:
Điều 1: Nay cử ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng kiêm Chánh Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh, giữ chức Phó Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam;
Điều 2: Ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam chiểu sắc lệnh thi hành.

Hồ Chí Minh
(Đã ký)


Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (Phạm Văn Đồng)



Giữ gìn sự trong sáng của một ngôn ngữ, chuẩn hóa nó, phát triển nó - đây là một chủ đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, cho nên trước hết cần thiết phải có cái nhìn rộng và sâu về vai trò của ngôn ngữ đối với xã hội, đối với con người, đối với sự phát triển của các dân tộc theo hướng đi lên.

I. Tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với lịch sử loài người và lịch sử các dân tộc.

Nhìn vào quá trình phát triển lịch sử của loài người, chúng ta thấy rất rõ vai trò và tác dụng của ngôn ngữ. Trước hết là lao động, sau đó đồng thời với lao động và ngôn ngữ - đó là hai động lực chủ yếu trong sự phát triển của loài người nguyên thủy. Cùng với sự phát triển của tư duy, của ý thức, ngôn ngữ đã góp phần hoàn thiện con người, phân biệt con người với con vật. Dần dần, loài người xây dựng nên các cộng đồng chung về ngôn ngữ từ thấp lên cao về mặt tổ chức xã hội như thị tộc, bộ lạc, dân tộc. Về sau này, khi đã xuất hiện quốc gia, thì ý thức về một quốc gia thống nhất bao giờ cũng gắn bó với ý thức về một ngôn ngữ quốc gia chung. Lịch sử dân tộc Việt Nam ta, kể từ thời dựng nước được thế giới biết đến qua nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ với hiện vật tiêu biểu trống đồng, trải qua hàng năm cho đến ngày nay, nếu xét riêng về mặt ngôi ngữ thì có thể nói rằng đó là lịch sử người Việt Nam, cùng nhau xây dựng, thống nhất và phổ biến tiếng Việt trong cương vị ngôn ngữ dùng chung trên toàn lãnh thổ đất nước ta.

Khi nhận diện một dân tộc, ngôn ngữ thường được coi là một trong những tiêu chuẩn chính (bên cạnh các tiêu chuẩn khác như tính cộng đồng lãnh thổ, ý thức tự giác dân tộc, các đặc điểm chung về tâm lý, văn hóa, kinh tế...) Ngôn ngữ góp phần làm nên bản sắc của một dân tộc, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trong suốt lịch sử lâu dài đấu tranh vì chủ quyền dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước, chúng ta có thể hình dung dân tộc Việt Nam ta đã phấn đấu gian khổ như thế nào để thoát được hiểm họa diệt chủng về ngôn ngữ và văn hóa, để bảo vệ và phát triển được tiếng Việt, như Bác Hồ nói, "Thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc".

Trong các mặt đời sống của một dân tộc, của một đất nước thì ngôn ngữ gắn bó mật thiết hơn cả với văn hóa. Ngôn ngữ là một trong những nhân tố hợp thành quan trọng, góp phần làm nên cái nền tảng về giá trị, bản sắc, tinh hoa của nền văn hóa dân tộc; bởi lẽ nó liên quan đến ý thức xã hội, ứng xử và giao tiếp xã hội, cũng như các kết quả hoạt động vật chất và tinh thần của con người trong xã hội. Chính tiếng Việt, ở mặt nội dung ý nghĩa của nó, là nơi ghi lại, nơi phản ánh chủ yếu những tri thức, kinh nghiệm, những suy nghĩ, quan niệm v.v... từ ngàn đời của cha ông ta về mọi mặt của đời sống dân tộc, về tự nhiên và xã hội, về vũ trụ và con người. Cùng với quá trình hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam, tiếng Việt cũng hình thành và phát triển, ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ giàu và đẹp, phong phú và độc đáo; đó là một công cụ rất có hiệu lực trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta có ý thức sâu sắc về sự giàu đẹp của tiếng Việt, có tình cảm của người Việt Nam ta biết yêu và quý tiếng nói của dân tộc, nói rộng ra thì đó là ý thức và tình cảm đối với văn hóa dân tộc mình, đối với đất nước mình, nhân dân mình.

Ngôn ngữ nào cũng có hai chức năng chủ yếu, là phương tiện quan trọng nhất trong sự giao thiệp giữa người với người và là phương tiện, là công cụ của tư duy. Trên thế giới, có nhà ngôn ngữ học đã ví ngôn ngữ như là một thứ chất kết dính hết sức đặc biệt, hết sức quan trọng, vì ở đâu cũng thấy có mặt nó, trong kinh tế, trong văn hóa, trong xã hội, trong mọi mặt vật chất, tinh thần của cuộc sống con người, bình thường và quen thuộc như nước ta uống, như không khí ta thở vậy. Vì thế, muốn xây dựng và phát triển con người, xây dựng và phát triển xã hội, xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta không thể không phát triển tiếng Việt, công cụ giao tiếp, công cụ tư duy, công cụ phát triển của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Tại Hội nghị khoa học "Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ" họp ngày 29-10-1979 ở Hà Nội, tôi đã nhấn mạnh vai trò và tác dụng của công việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và chuẩn hóa nó, để phục vụ sự phát triển trí tuệ con người Việt Nam, sự phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Tôi nghĩ rằng đó chính là lý do sâu xa vì sao chúng ta cần phải có sự quan tâm đầy đủ đến tiếng Việt, đặc biệt là hiện nay, ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Tôi dừng lại ở đây là chỗ thích hợp nhất để trình bày một quan điểm rất quan trọng về quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ. Chúng ta còn nhớ Các Mác và Ph.Ăng-ghen, sau khi phác họa học thuyết vĩ đại của mình là duy vật lịch sử và duy vật biện chứng, đã có một câu nói mà tôi cần trích nguyên văn: "Khi hiện thực đã được trình bày như đích thực nó như vậy (bởi các khoa học, và các khoa học ấy chứng minh duy vật biện chứng lịch sử), thì triết học không còn chỗ nào để tồn tại nữa". Ăng-ghen nói rõ thêm: "Khi khoa học tự nhiên và khoa học lịch sử đã thấm nhuần biện chứng thì tất cả các món hàng triết học cũ trở thành đồ thừa, trừ lý luận về tư duy (tức là duy vật biện chứng lịch sử - P.V.Đ)".

ở đây chúng ta phải thấy một cách sâu sắc nhất và phong phú nhất sự liên quan mật thiết giữa ngôn ngữ và tư duy hoặc ngược lại giữa tư duy và ngôn ngữ, bởi cái này là nhân tố của cái kia hoặc ngược lại. Đó là hai cái đòn xeo quý báu không ngừng nâng cao hiểu biết của con người trong quá trình đi lên giải quyết các vấn đề của cuộc sống trên mọi lĩnh vực, từ gần đến xa, từ thấp đến cao, từ đời này đến đời khác. Trong thời đại ngày nay, thời đại của sự phát triển như vũ bão của các ngành khoa học: khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội, sự phát triển tư duy có liên quan đến sự phát triển của toàn cầu hóa cuộc sống mọi con người, mọi dân tộc, thì chúng ta càng thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ và tư duy. Chỉ có đặt vấn đề như vậy thì đề tài của bàI viết này mới có đầy đủ tầm vóc, chiều sâu và chiều rộng của nó, xứng đáng với giá trị của nó. ở đây tôi chỉ gợi mở quan điểm để mở rộng chân trời của vấn đề, từ đó có thể có sự nhận thức mới, gắn liền với tìm tòi mới, hiểu biết mới của biết bao người trong lĩnh vực ngôn ngữ và tư duy của Việt Nam.

II. ý nghĩa và nội dung của công việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt.

Ngôn ngữ phát sinh và phát triển cùng với xã hội loài người, nhưng không phải theo một con đường thẳng tuột, mà trải qua những khúc khuỷu, quanh co. Sự phát triển của các ngôn ngữ trên thế giới đều có tính quy luật chung là từ từ, liên tục, không bùng nổ, không nhảy vọt. Những biến đổi của ngôn ngữ thường diễn ra khi nhanh khi chậm và không đều ở các mặt ngữ âm, từ vựng - ngữ nghĩa, ngữ pháp, trong đó năng động, mạnh mẽ nhất là bộ phận từ ngữ. Ngày nay công nghệ tin học có khả năng xử lý văn bản, dịch máy, phân tích và tổng hợp lời nói, nhận dạng tiếng nói và chữ viết... càng góp phần thúc đẩy ngôn ngữ phát triển.

Trong quá trình phát triển lâu dài, không có một ngôn ngữ nào trên thế giới lại không có sự tiếp xúc, vay mượn với ngôn ngữ khác, cho dù đó là những ngôn ngữ rất lâu đời, rất phát triển như những thứ tiếng của các nước lớn ở châu Âu, châu á, châu Mỹ và khi vay mượn thì bên cạnh cái đúng, cái cần thiết, không tránh khỏi có những cái không hợp lý, thiếu cân nhắc, đôi khi sống sượng... Vì thế, mọi ngôn ngữ đều cần có sự tác động tích cực của con người, của xã hội, của Nhà nước, để bảo vệ và phát huy sự trong sáng vốn có cũa ngôn ngữ đó, trước những hiện tượng vay mượn ồ ạt ngôn ngữ nước ngoài. Tiếng Việt cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy.

Khi nói đến việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt thì trước hết cần thấy rằng đó là một công việc bình thường, tự nhiên và thường xuyên, lâu dài trong suốt cả quá trình phát triển của tiếng Việt từ trước tới nay và từ nay về sau, nhằm bảo vệ và phát huy cái bản sắc, cái tinh hoa của tiếng Việt, không để cho mất đi một cái gì vô cùng quý báu khiến cho tiếng Việt là tiếng Việt.

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy ngôn ngữ nào cũng trải qua những thời kỳ nổi bật lên nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của nó. Như ở Nga, sau Cách mạng Tháng mười vĩ đại, Lê-nin đã kêu gọi mọi người không được "làm hỏng tiếng Nga", "tuyên chiến với việc dùng những từ nước ngoài không cần thiết".

ở ta, từ những năm 50, trong cuốn Sửa đổi lối làm việc, Bác Hồ đã nói đến các thứ "bệnh" ngôn ngữ mà chúng ta thường hay nhắc như: bệnh "sáo", nghĩa là nói và viết theo một cái khuôn mẫu hoàn toàn như nhau bất kể về việc gì, ở cấp nào, cơ quan nào; bệnh "ba hoa", "nói dài, nói dại, nói dai", còn nội dung thì rỗng tuyếch, "ba voi không được bát nước xáo"; bệnh "vẽ rắn thêm chân"; bệnh "nói chữ". Sau này Bác cũng nhiều lần nhấn mạnh "Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều, và nhiều khi dùng không đúng". Bác thường xuyên nhắc nhở "Tiếng nào sẵn có thì dùng tiếng ta" và đồng thời chỉ rõ "Có những chữ ta không sẵn có và khó dịch đúng thì cần phải mượn chữ nước ngoài".

Năm 1966, tại cuộc họp mặt về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (ngày 7 và 10.2), tôi đã nêu ra ba khâu cần phải làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, giữ gìn sự giàu đẹp của nó, và hơn thế nữa làm cho nó ngày càng thêm giàu và đẹp. Đó là: giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta; nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta; giữ gìn bản sắc, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn học, chính trị, khoa học, kỹ thuật...); đồng thời phải có những đổi mới, phát triển, làm cho tiếng ta ngày thêm giàu trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta.

Nếu giữ gìn sự trong sáng của một ngôn ngữ là một yêu cầu lâu dài, thì từng giai đoạn lại có yêu cầu phải chuẩn hóa nó, tức là xác định cái đúng và những quy tắc vồ phát âm, chính tả, dùng từ, đặt câu v.v... của ngôn ngữ đó, được xã hội chấp nhận.

Hiện nay, tiếng Việt của chúng ta đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phản ánh những thay đổi to lớn của đất nước trong sự nghiệp đổi mới mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là về phượng diện khoa học và công nghệ; vì thế chuẩn hóa nó là một nhiệm vụ quan trọng và bức xúc để tiếng Việt có thể phục vụ tốt hơn nữa công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ là phức tạp; một mặt, đời sống của nó gắn với xã hội, nhưng mặt khác, nó cũng sống đời sống bên trong riêng của nó.

Một ngôn ngữ được đánh giá là phát triển khi mà càng ngày có càng mở rộng và phân biệt các phong cách ngôn ngữ khác nhau (như phong cách khoa học, phong cách chính luận, phong cách hành chính sự vụ, phong cách nghệ thuật v.v...) cũng như các chức năng giao tiếp khác nhau trong các phạm vi sử dụng như: trong gia đình, làng xóm; trong các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ; trong hệ thống giáo dục; trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong hành chính Nhà nước; trong quan hệ ngoại giao v.v... Đặc biệt là ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện để ngôn ngữ có bước phát triển mới về chất và làm cho ngôn ngữ có những năng lực mới chưa từng có trước đây.

Một ngôn ngữ được đánh giá là phát triển khi nó ngày càng có tính chất trí tuệ hóa và quốc tế hóa. Điều này rất quan trọng khi ta đặt tiếng Việt trong bối cảnh thời đại ngày nay: thời đại của thông tin, của trí tuệ; thời đại của hội nhập khu vực, hội nhập toàn cầu, và do đó, tiếng Việt phải có những chuẩn bị, những thay đổi, để có đủ thế và lực giao lưu, tiếp xúc với các ngôn ngữ khác trên thế giới mà khưng sợ bị tổn thương đến giá trị, bản sắc, đến sự giàu đẹp của nó.

Chính là trong tinh thần đó mà tôi đã nhiều lần chỉ ra sự cần thiết phải nhìn thấy khả năng phát triển phong phú của tiếng Việt, nhấn mạnh yêu cầu giữ gìn sự trong sáng và cả yêu cầu phát triển, nhìn về tương lai. Cho nên, ở thời điểm hiện nay, trước thềm thế kỷ XXI, cần có nhận thức phù hợp về nội dung của công việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt là: giữ gìn cho tiếng Việt luôn luôn trong sáng trong quá trình phát triển mạnh mẽ của nó.

III. Thực trạng hiện nay và những giải pháp

Thực tế hơn nửa thế kỷ qua, từ 1945 đến nay, đã cho thấy, về cơ bản, sự phát triển của tiếng Việt là lành mạnh, đúng hướng, phù hợp với những biến đổi của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa của đất nước.

Những năm gần đây, đặc biệt từ sau 1975, trong tiếng Việt, bên cạnh những điều mới mẻ và tốt đẹp, có thể thấy không ít những hiện tượng thiếu trong sáng, thiếu chuẩn mực, biểu hiện tập trung ở những mặt sau đây:

a. Trong nhà trường, học sinh, sinh viên nói, viết tiếng Việt còn sai nhiều về chính tả, về cách dùng từ ngữ, về ngữ pháp. Đây là một điều mà chúng ta không thể chấp nhận được, bởi vì việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt của chúng ta cốt yếu là nhằm vào trường học, phải làm sao cho học sinh, sinh viên nói tốt và viết tốt tiếng Việt. Tôi muốn lưu ý rằng không phải chỉ có con em người Việt (Kinh), mà cả con em đồng bào các dân tộc thiểu số cũng phải được dạy và học tiếng Việt một cách nghiêm chỉnh để các em có thể nói, viết tiếng Việt cho đúng chuẩn của nó.

b. Trong đời sống xã hội, có thể nhận định chung rằng: một mặt, khá phổ biến là tình trạng chính tả chữ viết (như viết "i" ngắn "y" dài, viết hoa các danh từ riêng) không thống nhất, cách dùng từ ngữ sai. Mặt khác, đáng lo ngại hơn là tình trạng sử dụng từ ngữ nước ngoài pha vào tiếng Việt hiện nay rất tùy tiện và lạm dụng đến mức báo động. Tôi muốn nhấn mạnh đây là một thói hư, tật xấu đang ngang nhiên lan tràn ở nước ta, đã thành một xu thế dùng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh, thay cho tiếng Việt, gây biết bao chê trách mà ai nấy đều phê phán lúc nói chuyện hay lúc viết trên báo chí về nguy cơ này. Một điều tôi cần nói ở đây là: báo chí tuy đã có người viết bài không tiếc những lời phẫn nộ đích đáng đối với xu thế hư hỏng này, nhưng sau đó có người viết bài khác lại theo ngay cái vết mòn hầu như dễ làm cho người ta sa ngã ấy. Cũng cần phải lên án một cách nghiêm khắc hiện tượng xấu ở các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, bộ mặt của cả nước, cho phép các loại quảng cáo, các biển hiệu cửa hàng, công ty, khách sạn... bằng chữ nước ngoài, thậm chí không cần chữ Việt. Phải chăng là không có ai làm chủ để chăm lo cho bộ mặt cực kỳ quan trọng của thành phố; hay là do ý thức, do trách nhiệm, do trình độ của những người quản lý nó?

Bây giờ tôi nói mấy điểm về biện pháp để bảo vệ và phát triển tiếng Việt. Trước khi nói đến biện pháp, tôi nghĩ phải thấy được nguyên nhân từ phía chúng ta, vì nói đến giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ, chuẩn hóa nó, phát triển nó - là nói đến tác động tích cực của con người vào quá trình phát triển của ngôn ngữ.

Nói đến con người ở đây, trước hết là mỗi người Việt Nam chúng ta, những người dùng tiếng Việt; các nhà giáo, các nhà văn, nhà báo, các nhà ngôn ngữ học, và rất quan trọng là vai trò lãnh đạo, hoạch định các chính sách về ngôn ngữ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong tiếng Việt bây giờ có những biểu hiện không tốt, thiếu trong sáng, sai chuẩn mực, trước hết là do chúng đã coi nhẹ, thậm chí buông lỏng, thả nổi công việc quan trọng này. Chúng ta đã không đầu tư thích đáng trí tuệ, công sức và tiền của để nghiên cứu lý luận và điều tra thực tế về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và phát huy bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt. Việc tổ chức thực hiện nhìn chung cũng chưa tốt. Nhưng ở đây quan trọng nhất vẫn là nhận thức, là tình yêu, là lòng quý trọng và thái độ đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Mỗi người chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ và phát huy sự trong sáng của nó, không thể tùy tiện, càng không thể để mất gốc, để tiếng Việt bị hoen ố, ô nhiễm.

Về biện pháp thì hiện nay có hai phạm vi quan trọng nhất là nhà trường và xã hội. ở đây cần có những biện pháp đồng bộ, thiết thực. Cụ thể là cần phải:

Chấn chỉnh việc dạy và học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông và đại học; cũng như việc sử dụng tiếng Việt trên sách báo, truyền thanh, truyền hình, thông tin điện tử; 
Tăng cường việc biên soạn các sách công cụ về tiếng Việt, nhất là sách Ngữ pháp và Từ điển; 
Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về chuẩn hóa, về phát triển ngôn ngữ; 
Tập trung điều tra khảo sát đời sống ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, nhất là chiều hướng phát triển từ 1975 đến nay. 
Riêng đối với Nhà nước thì cần có càng sớm càng tốt một Hội đồng quốc gia về ngôn ngữ, để chăm lo về tiếngViệt, các tiếng dân tộc thiểu số, cũng như về công việc giảng dạy và sử dụng tiếng nước ngoài trên đất nước ta.

Trên đây, tôi đã nêu ra một số suy nghĩ về những vấn đề theo tôi là quan trọng, cần được chú trọng công việc giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt. Để kết thúc một cách có ý nghĩa bài viết "Trở lại vấn đề: Vì sự trong sáng và phát triển của tiếngViệt", tôi muốn liên hệ nó với tình hình hiện nay của nước ta. Tiếng Việt của chúng ta có hai đặc tính rất quý là giàu và đẹp, tự bản thân nó là trong sáng; tiếng Việt sẽ gàu và đẹp hơn nữa nếu chúng ta cố gắng làm tốt việc giữ gìn nó, sử dụng nó và phát triển nó. Với giá trị bản sắc, tinh hoa của nó, tiếng Việt sẽ góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến lên xây dựng từng bước chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, chính công cuộc đổi mới toàn diện mà chúng ta đang tiến hành, nói rộng ra là toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, sẽ tác động trở lại, làm cho tiếng Việt ngày càng phát triển hơn, vậy nghĩa là có mối quan hệ rất khăng khít giữa sự trong sáng của tiếng việt, giữa vai trò và tác dụng của nó trong đời sống xã hội với sự tiến lên của đất nước ta trong thế kỷ tới. Chúng ta cần thấy rõ điều đó để phấn đấu thực hiện cho được một nhiệm vụ cao quý và thiêng liêng là bảo vệ sự trong sáng và phát triển tiếng nói của dân tộc Việt Nam ta.

1. Về các từ "đế chế" và "đế quốc"

Có người dùng những từ ngữ "nước đế quốc", "Chủ nghĩa đế quốc" thay cho từ "đế chế La Mã"; Thí dụ: "Đế quốc La Mã" thay cho từ "đế chế La Mã". Tất nhiên, những từ này đều có chung gốc ngôn ngữ là chữ "đế", nhưng nếu đi sâu vào tìm hiểu về thời điểm lịch sử của chúng, về sự hình thành của chúng, về tính chất và tác dụng của chúng. Thì rất dễ thấy những khác nhau cực kỳ to lớn và sâu xa, không thể nhầm lẫn được. Phải nói là: "đế chế Lã Mã", "đế chế ốttôman", "đế chế Nga", "đế chế Trung Hoa". Có nước như nước Anh vừa là đế chế, vừa là đế quốc.

2. Về các từ "đảng viên" và "quần chúng"

Trước đây khá thông thường bây giờ có ít hơn nhưng vẫn còn nhiều người nói và viết như sau: A là đảng viên; còn B, C, Đ là quần chúng, ý muốn nói rằng người nào không phải đảng viên thì là quần chúng. Tuy nhiên nói như thế có nghĩa là coi quần chúng là dưới đảng viên, hạ thấp vị trí chính trị, ý nghĩa và tác dụng của quần chúng là đông người, nói một người là quần chúng thì không đúng. Phải nói: A là đảng viên; còn B, C, Đ là người ngoài Đảng.

3. Về từ "tên"

Trước đây nhiều người hay dùng, nay có ít hơn, nhưng vẫn còn người dùng từ này với ý nghĩa miệt thị, đặt trước tên riêng của các nhân vật phản động, đối tượng của cách mạng hay những kẻ làm việc xấu xa; thí dụ: tên Hitle. Đáng lẽ chỉ nên gọi Hitle là "Hitle", mà như thế nó vẫn cứ là Hitle với tất cả tội ác của nó trong lịch sử nước Đức và lịch sử của loài người. Lúc tôi viết những cuốn sách đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối viết tên Bác mà không kèm theo chức danh cao quý gì (cũng như chúng ta từ lâu đã quen dùng cách xưng gọi "Các Mác", "Ăng-ghen", "Lê-nin") thì có những đồng chí bày tỏ với tôi tâm trạng nghẹn ngào, khó chịu. Đến ngày nay, nếu nói: Hồ Chí Minh là một vĩ nhân trong lịch sử nước ta và lịch sử thế giới, thì cũng còn có người chưa yên tâm, chưa thoải mái lắm.

4. Về từ "chính xác"

Về từ này người ta không nói và viết một cách không hợp lý, không biết đâu là chuẩn mực, hằng ngày ở đâu cũng nghe từ này với ý nghĩa cơ bản là "đúng", "trúng"... Vừa qua, nhân sinh nhật bác sĩ Phạm Ngọc Thạch do Bộ Y tế tổ chức, trong bài viết của mình tôi có kể lại lối tiếp xúc người bệnh của Phạm Ngọc Thạch. Khi vào Viện lao khám bệnh, Phạm Ngọc Thạch áp tai mình vào ngực người bệnh để nghe chứ không dùng ống nghe, và tôi có viết rằng Phạm Ngọc Thạch làm như vậy để nghe được "thực" hơn. ở đây chữ "thực" tôi dùng có ý nghĩa là trong trường hợp nào đó và trong chừng mực nào đó thì máy móc không "thực" bằng tai của người thầy thuốc. Đối với người thầy thuốc thì "thực" là quan trọng. Nhưng sau đó người ta sửa từ "thực" thay bằng từ "chính xác". Tôi có biết điều này, tuy nhiên tôi không đề nghị đổi lại, mà để hôm nay mới nói; tôi nghĩ viết và nói cho đúng, cho sáng không phải chuyện dễ dàng.

5. Về các từ "lớn" và "vĩ đại"

Nhiều người nói và viết một cách lẫn lộn, không có sự phân biệt hai từ này. Người ta có thể nói và viết: "nhà văn lớn", "nhà khoa học lớn"; bởi lẽ những người đó có trình độ và có cống hiến quan trọng trong nghề nghiệp của mình. Nhưng ở đây nếu dùng từ "vĩ đại" để đánh giá thì không đúng, không phù hợp, vì từ "vĩ đại" chỉ dùng cho một số ít người có cuộc đời và đức độ rất cao đẹp, có trí tuệ, tài năng và những cống hiến có giá trị và tầm cỡ to lớn, đáng kính phục.

6. Về cách ghép từ

Đây là một hướng làm giàu cho vốn từ tiếng Việt mà theo ý tôi nó rất thú vị như: "nuôi trồng", "xây lắp", "truy quét", "sao chụp"... Tuy nhiên không thể tùy tiện muốn ghép thế nào cũng được. Ví dụ: tiếng ta có các từ ngữ "y sĩ", "bác sĩ", "khám bệnh", "chữa bệnh"; nhưng có người lại muốn gán ghép thành: "y, bác sĩ", "khám, chữa bệnh" (hoặc trong các lĩnh vực khác như "chiến thuật", "kỹ thuật"), "kỹ thuật" thành "chiến, kỹ thuật". Mọi người có thể kể ra nhiều ví dụ khác về cách nói, cách viết rất sai như thế. điều này thường gây khó khăn cho người nước ngoài học tiếng Việt; lúc gặp những từ ngữ ghép lại như vừa nói họ phải tra từ điển, nhưng không có cuốn từ điển nào về tiếng Việt có những từ ngữ như vậy.

Tóm lại, ở đây tôi muốn đề cập một vấn đề chung là từ ngữ, hoặc một số từ ngữ nào đó có cách dùng thông thường của nó, cách dùng đúng chuẩn của nó, gắn với lịch sử của nó, với bối cảnh xã hội của nó, không thể tùy tiện vượt qua theo ý riêng của mình.

Tuesday 28 January 2014

Ý nghĩa chữ Cochinchine (Nguyễn Lưu Viên)

B. S. Nguyễn Lưu Viên


Nam Kỳ,  Pháp gọi là  Cochinchine,  vậy danh từ Cochinchine có từ đâu ra ?
Theo sách “ Cochinchina : Reassessment of the Origin and Use of a Westernized Place Name “ by Dinh D. Vu, Ph.D. [Vietnamese translation by Dr. Hoang Xuan Chinh] Meadows Place Texas, 2000,  thì:
- Theo Ông Aurousseau (1924), cố Giám-đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ [École Francaise d’Extrême Orient],  thì nước Viet Nam  thời xưa không được người Bồ-đào-nha [Portugais] hoặc người Âu châu biết đến một cách trực tiếp trước năm 1515, do đó sự hiểu biết tên nước đó phải được người Arab giới thiệu với Tây Phương. Ông chứng minh rằng chữ Cochinchina là do chữ Bồ-đào-nha Quachymchyna , mà chữ này lại bắt nguồn từ chữ Arab “Kawci-min-cin”. Theo Ông thì “Kawci” là chữ Arab tương đương với chữ “Kiao-tche” là tiếng Tàu chỉ nước Việt Nam thời đó [Giao Chỉ]. Còn từ ngữ “min-cin” có nghĩa là thuộc Trung Hoa Nhưng Ông Aurousseau đã không đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào về tên Cochin-china bắt nguồn từ chữ Giao-Chỉ. . Hơn nữa, Ông đã không có một bản đồ chính xác nào để hỗ trợ cho giả thuyết của Ông. [tr.2 v]
2 - Mọi người đều đồng ý là danh từ Cochinchina có hai phần là Cochin  và  China.
Chữ China thì không thành vấn đề vì nó được dùng để chỉ định một địa phương đã được biết rõ.  Còn chữ Cochin thì đã đưa đến nhiều giải thích khác nhau.
Vì có điểm giống nhau giữa cách đánh vần chữ Chanocochin và danh từ chỉ một nơi trên bờ biển Malabar Coast của Ân-độ, mà mgười Bồ-đào-nha đã biết đến vào thế kỷ thứ 15 như Colchi,  Cocym,  hay Cochin, ta có thể dự đoán là các nhà vẽ họa-đồ Tây Phương đã mượn những từ ngữ trên. Nhưng sự tiếp xúc trực tiếp giữa Tây phương và VN sau này đã dẫn đến sự thay đổi từ ngữ đó. Trên bản đồ của Ribeiro năm 1529,  người ta đã cố gắng chuyển tên Cửu Chân trong tiếng Việt sang ngôn ngữ Tây phương, Ông  gọi vinh Bắc kỳ [Golfe du Tonkin] là Cauchechina. Cửu Chân là một trong chín quận được thiết lập bởi vua Hiếu Vũ năm 111 B.C.  Danh từ này được đọc là Cẩu Chân theo tiếng Quảng Đông. Biên giới của Cửu Chân được thay đổi theo thời gian, nhưng tên gọi không thay đổi cho tới năm 1407 . Đó là tên độc nhất của một khu vực hành chánh lớn ở VN đã được biết đến suốt 15 thế kỷ. [tr.10 v]
Kể từ năm 1529 từ ngữ Cauchechina bắt đầu xuất hiện thường xuyên. Nó được thấy trên bản đồ của Gastaldi, Ortolio, Homen và Luis dưới dạng Gauchi,  Cauchy,  hay Cauchin. Cho tới năm 1565 ta thấy có dấu hiệu trở lại cách viết ban đầu khi Berteli dùng chữ Cochinchina cho bản đồ của Ông.  Trong nhiều thập niên hai tên kể trên xuất hiện thường xuyên , có khi đứng cạnh nhau cùng trên một bản đồ [hình 4]. Mãi tới thế kỷ thứ 17 thì từ ngữ Cochinchina mới vĩnh viễn thay thế địa danh Cauchinchina.[tr.11 v]
- Vậy, ta có thể dựa vào những bằng chứng nào để phủ nhận giả thuyết của Aurousseau cho rằng Cochin là từ Giao-Chỉ [Chiao-chih,  Kiao-tche] mà ra ?
Giao Chỉ không còn được xử dụng như một địa danh quan trọng ngay trong giai đọan đầu của lịch sử nước ta; Cửu Chân [Chiu-Chen] trái lại được dùng cho tới khi người Tây phương đến.  Hơn nữa cách đánh vần tên cho thấy có sự liên hệ giữa Cửu Chân và Cochin[Cochin/china][tr.11v]
Kết luận:  “Tóm lại, họa đồ và những kiến thức mới về sử địa của VN cho ta có một cái nhìn khác về nguồn gốc và sự xử dụng danh từ Cochinchina . Hình thức sớm nhất, Chanocochim, là sự phối hợp của hai tên: China và Cochin . Nó chỉ một vùng đất ở VN, giống như một miền ở bờ biển Malabar Coast, nhưng dân chúng ở Cochinchina đã có những đặc tính văn hóa giống như Trung Quốc.  Nhờ ở những cuộc tiếp xúc giữa Tây phương và VN sau này, tên Cửu Chân đã được dùng để chuyển dịch sang tiếng Tây phương . Sự dùng từ ngữ Cauchinchina [Cửu Chân của Trung Hoa] được tiếp tục cho tới phần đầu của thế kỷ XVII.  Sau đó nó được thay thế bởi từ Cochinchina, một tên mà các nhà truyền giáo thích hơn và sau cùng được chính quyền Pháp chính-thức-hóa để chỉ 20 tỉnh ở cực Nam của Việt Nam.” [tr. 12 v]
Nói thêm: 20 tỉnh của Nam Kỳ hồi xưa có tên và được sắp xếp theo thứ tự như sau [thành một bài mà học trò lớp Tiểu Học trong Nam phải thuộc lòng] :
Gia, Châu, Hà, Rạch,Trà,
Sa, Bền, Long, Tân, Sóc,
Tây, Biên, Chợ, Mỹ, Bà,
Gò, Thủ, Vĩnh,  Cần,  Bạc.     
Tức là:

  1: Gia Định;    2: Châu Đốc;         3: Hà Tiên;           4: Rạch Giá;     5 : TràVinh; 
  6Sa Đéc;      7: Bến Tre;            8: Long Xuyên;     9: Tân An;       10: Sóc Trăng;  
11: Tây Ninh;   12: BiênHòa;         13: Chợ Lớn;       14: Mỹ Tho;      15Bà Rịa; 
16: Gò Công;   17: Thủ Dầu Một;   18Vĩnh Long;     19: Cần Thơ      20: Bạc Liêu.

Tôi không biết tại sao có thứ tự đó; nhưng trong Nam sông lớn rạch nhỏ chằng chịt với nhau, nên hồi xưa dân thường hay dùng xuồng tam-bản, hay ghe thuyền, để di chuyển và chuyên chở. Người nào có ghe thì phải đóng thuế, nên phải lên tỉnh xin đăng bộ, thì tỉnh cho một cái thẻ có số bắt đầu bằng hai chữ HF [nghĩa là Hydrographie Fluviale] rồi số thứ tự kể trên của tỉnh [như tôi ở TràVinh thì là  HF5-] rồi mới tới số thứ tự trong sổ của tỉnh [thí dụ như: HF5-1357] thì chủ ghe phải vẽ số đó trên ghe của mình.
Làm như vậy còn giúp cho việc giữ gìn an ninh, vì trong làng ông Hương Quản [lo về an ninh] hay ở tỉnh Ông Cò [Chef de police Tây] nhìn thấy số sau chữ HF là biết ghe đó từ đâu đến [như bản xe hơi bên Mỹ] để rồi,  nếu thấy từ xa đến, thì kiểm soát kỹ lưỡng hơn.