Monday 1 September 2014

Hồi ức của một người thư ký (Đống Ngạc - Thanh Niên)


Thứ tư, 04 Tháng tư 2007, 23:19 GMT+7
  • Cỡ chữ

Hồi ức của một người thư ký


Hoi uc cua mot nguoi thu ky
Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc điếu văn truy điệu tại lễ tang Bác Hồ - Ảnh: Tư liệu
Tháng 6.1997, trên chuyến xe từ Tuy Hòa về Nha Trang, Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa khi đó là Phan Thông cho tôi biết: Ông già phúc hậu ngồi ngay trước tôi là cựu thư ký của Tổng bí thư Lê Duẩn.
Tên ông là Đống Ngạc, sinh ngày 2.4.1925, quê Tam Kỳ, Quảng Nam. Tham gia cách mạng năm 1945 tại Huế, ông đã chiến đấu tại chiến trường Khánh Hòa trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau làm công tác thanh niên rồi Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc khu V. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, từng đảm nhận chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (khóa II). Trong cuộc trò chuyện với tôi, ở ông luôn toát lên vẻ điềm tĩnh, cách diễn tả mạch lạc, khúc chiết và khiêm tốn...
* Xin ông cho biết, ông đã đến làm việc với Tổng bí thư Lê Duẩn vào lúc nào?
- Ông Đống Ngạc: Tháng 2.1962, tôi đang công tác tại Trung ương Đoàn thì được Ban Tổ chức Trung ương Đảng gọi giao nhiệm vụ mới: Hoặc chuyển sang công tác ngoại giao hoặc làm thư ký cho anh Ba Duẩn. Nghĩ mình không đủ khả năng làm hai việc này, hơn nữa lại có thời theo dõi phong trào thanh niên nông thôn, tôi đề đạt nguyện vọng xin chuyển sang công tác nông nghiệp. Nhưng đại diện Ban Tổ chức Trung ương Đảng cho biết không có con đường thứ 3. Cuối cùng tôi về Văn phòng Trung ương Đảng, giúp việc cho anh Ba.
Hoi uc cua mot nguoi thu ky
Ông Đống Ngạc (phải) và tác giả
* Thưa ông, hẳn ở người thư ký của Tổng bí thư phải có những khả năng đặc biệt?
- Ông Đống Ngạc: Không, tôi không có khả năng gì đặc biệt. Có lẽ tôi được chọn vào công việc này là do đã qua công tác văn phòng, có biết chút ít việc tổng hợp tình hình, ghi chép, biên tập.
* Làm thư ký cho Tổng bí thư không đơn giản, thưa ông?
- Ông Đống Ngạc: Dĩ nhiên là không đơn giản. Thời chống Mỹ, cả nước tiến hành hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền. Nhiệm vụ đó rất mới mẻ, nặng nề. Giúp việc Tổng bí thư có nhiều thư ký như các anh Trần Quỳnh, Đậu Ngọc Xuân và một số đồng chí nữa... Công việc rất nhiều và khẩn trương. Nên lúc nào chúng tôi cũng làm việc không kể ngày nghỉ. Làm thư ký là phải luôn luôn sẵn sàng, phải phục vụ vô điều kiện.
* Thưa ông, có khi nào thư ký đề đạt ý kiến với Tổng bí thư về những vấn đề "quốc gia đại sự"?
- Ông Đống Ngạc: Mọi đường đi, nước bước của cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ đều xuất phát từ những bộ óc thiên tài Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, từ trí tuệ tập thể của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Là người giúp việc, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ thể hiện ý tưởng của anh Ba dưới dạng văn bản. Viết là công việc chiếm nhiều thời giờ và công sức nhất. Trừ các diễn văn, báo cáo, các tác phẩm ra đời nhân các dịp lễ lớn, phải được biên tập một cách hoàn chỉnh, còn các bài nói khác của anh Ba, thường chúng tôi chuẩn bị theo kiểu gạch đầu dòng, nêu lên những ý chính. Sau khi anh Ba nói, chúng tôi mới biên tập lại. Để thể hiện chính xác ý tưởng của anh Ba, thư ký phải nắm được quan điểm của anh trong mỗi vấn đề...
* Thưa ông, điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch, từng làm xúc động hàng triệu trái tim đồng bào, chiến sĩ cả nước và bầu bạn năm châu. Vậy thư ký của Tổng bí thư có góp phần chấp bút áng văn bất hủ ấy?
- Ông Đống Ngạc: Tôi có tham gia chấp bút. Song điếu văn được viết và hoàn chỉnh theo sự chỉ dẫn của anh Ba và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư góp ý kiến sửa chữa. Đó là sản phẩm trí tuệ của tập thể. Tôi nghĩ không nên nói về phần đóng góp của cá nhân.
* Điếu văn truy điệu Bác Hồ là một áng văn mang dấu ấn lịch sử. Việc ông tham gia chấp bút là một sự thật lịch sử, thiết nghĩ để cho mọi người biết về điều đó có gì là không nên, thưa ông?
- Ông Đống Ngạc (suy nghĩ hồi lâu): Viết điếu văn là việc quan trọng nhất trong các khâu chuẩn bị lễ tang Bác Hồ. Công việc đó đã được giao cho các cơ quan khác đảm trách. Tối 6.9.1969, khoảng 21 giờ 30, vừa đi họp Bộ Chính trị về nhà riêng, anh Ba cho gọi anh Đậu Ngọc Xuân và tôi lên phòng làm việc của anh. Đưa cho chúng tôi bản Di chúc của Bác Hồ và hai điếu văn dự thảo, anh bảo: "Hai bản này không được Bộ Chính trị thông qua. Hai chú giúp tôi chuẩn bị một điếu văn khác. Ngoài việc tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp, công ơn trời biển của Bác, điếu văn cần nêu bật những tư tưởng lớn của Người để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thấu suốt và tiếp tục phấn đấu biến thành hiện thực.
Bác nêu cao chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc vì giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Bác gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, dìu dắt đồng bào ta phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, vì ấm no hạnh phúc của mọi người.
Bác dày công xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi toàn dân thực hiện, coi đó là bí quyết thắng lợi của cách mạng nước ta.
Bác kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế cách mạng, cổ vũ nhân dân ta làm tròn nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế.
Bác là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để mọi người học tập, noi theo.
Lời lẽ cần phải trang trọng, sâu sắc, cô đọng. Các chú cố gắng làm xong trong đêm nay được thì tốt, vì ngày tổ chức truy điệu đã được ấn định, thời gian không còn nhiều".
Nhận nhiệm vụ anh Ba giao, chúng tôi rất lo vì công việc thật sự nặng nề, vượt quá sức mình. Song chúng tôi tự nhủ phải hết sức cố gắng để không phụ lòng tin cậy của anh Ba.
Anh Xuân và tôi xem kỹ Di chúc của Bác và hai bản thảo anh Ba vừa đưa, cùng nhau vạch một dàn bài và trao đổi về cách viết, nhằm làm sao diễn đạt được tốt nhất những điều anh Ba chỉ dẫn. Anh Xuân đề nghị tìm đọc mấy bài điếu văn nổi tiếng để tham khảo. Đó là điếu văn của F.Ăng-ghen đọc trước mộ Các Mác, điếu văn Xtalin đọc trong lễ truy điệu Lê-nin, điếu văn của Bác Hồ trong lễ tang cụ Hồ Tùng Mậu.
Dàn bài đã vạch, nội dung tư tưởng anh Ba chỉ ra đã rõ, song quá 12 giờ đêm, chúng tôi vẫn ngồi cắn bút, chưa viết được đoạn nào. Khoảng 1 giờ sáng, chẳng may anh Xuân bị cảm. Anh đã thức mấy đêm liền, nên mệt quá gục xuống bàn. Tôi bảo anh cứ nằm nghỉ, tôi sẽ cố viết, khi nào xong, sẽ gọi anh dậy để cùng nhau sửa sang, hoàn tất. Tôi tiếp tục công việc đến gần sáng thì tạm xong bản thảo. Xem lại, thấy còn một số chỗ viết chưa tốt, diễn đạt chưa sâu sắc ý của anh Ba, nhưng tôi chưa vội sửa. Tôi đẩy cửa bước ra sân. Vừa lúc đó, ở tầng một, anh Ba cũng đẩy cửa sổ phòng ngủ hỏi vọng xuống: "Chú Ngạc đó hả, xong chưa chú?". Tôi vội đáp: "Dạ xong rồi". Anh hỏi tiếp: "Chú thấy có được không?". Tôi đánh bạo trả lời: "Dạ, đã cố gắng thể hiện những ý anh chỉ dẫn, hy vọng là được ạ".
Anh Ba bảo tôi đem bản thảo lên đọc cho anh nghe. Lúc đó khoảng 5 giờ sáng ngày 7.9.1969. Nghe xong anh bảo: "Về cơ bản thế này là được. Song cần suy nghĩ thêm về sự cân đối giữa các đoạn nói về tư tưởng của Bác, về nội dung năm lời thề; cần rà soát các câu trích lời Bác cho thật chính xác; có một số từ ngữ chưa chuẩn, cần cân nhắc thêm. Cuối cùng phải kết thúc điếu văn bằng một trong những khẩu hiệu mà Ban Tuyên huấn Trung ương đã trình với Bộ Chính trị". Dừng lại giây lát, anh nói tiếp: "Nhưng thôi, chú thức suốt đêm, chắc là mệt lắm, hãy cứ để thế cho đánh máy, rồi đề nghị Văn phòng Trung ương mời các anh trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp để cho ý kiến, sau đó sẽ sửa chữa một thể".
8 giờ sáng ngày 7.9, Bộ Chính trị và Ban Bí thư họp chung. Anh Xuân và tôi ngồi ở phòng ngoài, bắt đầu sửa những chỗ anh Ba đã cho ý kiến. Khoảng 11 giờ trưa, anh Tố Hữu và anh Hoàng Tùng từ phòng họp bước ra cho biết bản thảo điếu văn đã được Bộ Chính trị chấp nhận; rồi các anh kéo hai chúng tôi lên phòng họp trên gác để cùng nhau sửa chữa. Tất cả các nhận xét, gợi ý của các anh có mặt trong buổi họp đều được thu thập, đối chiếu, cân nhắc; từng ý, từng câu, từng đoạn trong bản thảo đều được xem xét, rà soát nhằm lựa chọn những lời hay, ý đẹp, những từ ngữ chuẩn xác, những cách diễn đạt trong sáng. Chúng tôi làm việc rất khẩn trương. Đến 13 giờ công việc tạm xong. Đó là lần sửa quan trọng nhất, nhưng chưa phải là lần cuối cùng. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo kết quả sửa chữa lần thứ nhất, anh Ba đồng ý và dặn phải gửi bản sửa đó cho các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Hoàng Tùng để các anh xem lại, cho ý kiến sửa chữa thêm cho thật chặt chẽ, hoàn hảo. Đồng thời anh chỉ thị phải gửi ngay bản sửa lần đầu cho Ban Đối ngoại để dịch cho kịp ra 5 thứ tiếng nước ngoài. Khoảng 20 giờ ngày 7.9, bài điếu văn mới được hoàn thiện sau bốn lần rà soát, sửa chữa tiếp.
Sáng ngày 8.9, chúng tôi trình anh Ba bản điếu văn chính thức, báo cáo với anh những chỗ thêm, bớt so với bản sửa lần đầu. Anh cầm bài điếu xem rồi nói: "Giọng của tôi, đồng bào ngoài Bắc nghe không rõ, tôi phải tập đọc trước mới được". Rồi anh ngồi trong phòng làm việc đọc to lên. Nhưng anh không ngăn được xúc động, có nhiều đoạn anh nghẹn lời, nước mắt chảy nhòa cả kính. Thấy anh Ba khóc nghẹn ngào, chúng tôi càng thấu hiểu tình cảm sâu nặng của anh đối với Bác Hồ. Mấy anh em chúng tôi có mặt hôm đó không ai cầm được nước mắt...
Xin ông nói thêm đôi điều về lời văn của bài điếu?
- Ông Đống Ngạc: Cuộc đời vĩ đại, công đức cao dày của Bác Hồ nhiều người Việt Nam đều biết. Vì thế, anh Xuân và tôi bàn nhau viết về thân thế, sự nghiệp của Bác, không nên diễn đạt dài dòng, nhất là phải tránh sáo mòn, công thức. Lời văn phải giản dị, súc tích, trong sáng, dễ hiểu, không dùng từ ngữ to tát nhưng phải nói được ý lớn. Tôi nghĩ rằng lời văn bài điếu đã đạt được yêu cầu đó. Bài điếu đã phản ánh được phần nào bản sắc dân tộc, có nhạc, có hồn, có sức truyền cảm, toát lên tấm lòng sâu thẳm, bao la của Bác Hồ với dân, với nước, đồng thời thể hiện được tình sâu nghĩa nặng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Bác muôn vàn kính yêu.
* Gần 25 năm giúp việc cho Tổng bí thư Lê Duẩn, điều gì để lại trong ông ấn tượng sâu sắc nhất?
- Ông Đống Ngạc: Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là được thấy ở anh Ba một con người rất giản dị, nhân hậu, rất gần cuộc sống đời thường; một con người có bộ óc vĩ đại, kết hợp nhuần nhuyễn tình cảm cách mạng cháy bỏng với tri thức cách mạng sâu sắc; một nhà chiến lược kiệt xuất, có sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, có tư duy năng động, sáng tạo thể hiện nổi bật tinh thần độc lập tự chủ rất cao của Đảng ta. Kháng chiến chống Mỹ là một việc cực kỳ khó khăn. Có độc lập tự chủ, Đảng ta mới vượt qua được những sức ép của các bạn đồng minh, đồng thời giữ vững chính sách đoàn kết quốc tế đúng đắn, tranh thủ sự giúp đỡ nhiều nhất có thể được của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới; nhờ đó tạo ra được sức mạnh tổng hợp cần và đủ để đánh thắng. Có độc lập tự chủ, ta mới dám chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với Mỹ, đồng thời mới tìm ra cách đánh, cách thắng tên đế quốc siêu cường. Chúng ta đã biết mở đầu cuộc chiến một cách khôn khéo. Chúng ta đã điều khiển cuộc kháng chiến một cách chủ động, sáng tạo. Chúng ta đã kết thúc chiến tranh đúng thời cơ lịch sử, giành được thắng lợi hoàn toàn. Đó là một thắng lợi trọn vẹn, có lợi nhất cho cách mạng nước ta và cả cho cách mạng thế giới.
Sau Bác Hồ, anh Ba là người có công lớn nhất đối với sự nghiệp hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc...
* Câu hỏi cuối cùng: Ông có ý định viết hồi ký về những năm tháng làm thư ký cho Tổng bí thư Lê Duẩn không?
- Ông Đống Ngạc: Tôi chỉ là một người bình thường như nhiều người khác, nên tôi chưa nghĩ đến điều đó.
* Xin cảm ơn ông.
X.H
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

Lời điếu làm rung động triệu triệu con tim (Nguyễn Đức Quý - Công An Nhân Dân)

Chủ Nhật, 09/08/2009 - 3:49 PM
Ông Đống Ngạc.
“Tôi không dám nghĩ rằng Bác Hồ đã mất và hình dung trước mặt là hình ảnh của Người. Người đã làm rạng rỡ dân tộc và non sông đất nước ta. Trong tôi dâng trào niềm tiếc thương và xúc động vô hạn. Nó đã giúp tôi có cảm xúc mạnh mẽ để viết và hoàn thành bản thảo”, ông Đống Ngạc, nguyên Thư ký giúp việc của Tổng Bí thư Lê Duẩn, người chấp bút Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam để đọc tại lễ truy điệu Hồ Chủ tịch, kể lại.
Tròn một phần tư thế kỷ là thư ký giúp việc cho Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong quá trình phấn đấu công tác, ông được đề bạt là Phó Văn phòng Trung ương ĐCS Việt Nam và sau này giữ chức Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản Sự thật. Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia biên tập nhiều đề tài tổng kết lịch sử rất quan trọng, trong đó có đề tài được đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông chính là Đống Ngạc, nguyên Thư ký giúp việc của Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Ông Đống Ngạc sinh năm 1925, tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, quê hương giàu truyền thống cách mạng. Năm 14 tuổi, ông vào học tại Trường Quốc học Huế. Học hết chương trình tú tài phần một, ông quyết định xếp bút nghiên đi theo cách mạng.
Tháng 9/1945, ông được tuyển vào Quân đội và biên chế về Đại đội 4, Chi đội do đồng chí Võ Quang Hồ chỉ huy (đồng chí Võ Quang Hồ sau này là Phó Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu - Quân đội nhân dân Việt Nam).
Tháng 10/1945, đơn vị ông tham gia đoàn quân Nam tiến, cùng quân và dân Khánh Hoà chống thực dân Pháp bảo vệ thành phố Nha Trang. Ông không may bị thương. Vì vết thương quá nặng nên ông được trở về quê hương.
Theo đề nghị của Ủy ban Việt minh xã, người thanh niên đất Quảng quyết tâm vượt lên thương tích nhận nhiệm vụ làm chính trị viên dân quân xã, đồng thời gia nhập Đoàn thanh niên cứu quốc. Công tác ở xã được nửa năm, ông được cử đi dự Đại hội Đoàn Thanh niên cứu quốc huyện Tam Kỳ và được bầu làm Bí thư Huyện đoàn. Và từ đó, làm công tác đoàn thanh niên, ông đã phấn đấu lên đến chức Thường vụ Trung ương đoàn, phụ trách công tác nông nghiệp.
Tháng 4/1962, ông Đống Ngạc được tổ chức phân công về công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng, làm thư ký giúp việc cho đồng chí Lê Duẩn từ đó (ngày ấy đồng chí Lê Duẩn là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam). Về kỷ niệm ngày đầu giúp việc đồng chí Lê Duẩn, ông Đống Ngạc kể lại:
"Được về giúp việc cho anh Ba (tên gọi thân mật của đồng chí Lê Duẩn) nhà lãnh đạo kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi rất vinh dự nhưng cũng rất lo lắng không hiểu có hoàn thành nhiệm vụ anh Ba giao cho hay không. Nhưng làm việc với anh Ba, tôi thấy anh là một con người giản dị, nhân hậu, rất gần gũi cuộc sống đời thường; một con người biết kết hợp nhuần nhuyễn tình cảm cách mạng cháy bỏng với tri thức cách mạng sâu sắc; một nhà chiến lược có sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, có tư duy năng động sáng tạo, thể hiện tinh thần độc lập tự chủ rất cao. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng anh thường xuyên quan tâm động viên, hướng dẫn tôi rất cụ thể, tỉ mỉ về công việc của người thư ký giúp việc anh.
Hai mươi nhăm năm được sống và làm việc bên anh Ba, tôi có rất nhiều kỷ niệm với anh. Nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất là lần tôi được anh Ba giao nhiệm vụ chấp bút Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam để đọc tại lễ truy điệu Hồ Chủ tịch.
Những ngày cuối tháng 8/1969, tình hình sức khoẻ của Bác có chiều hướng xấu đi. Tập thể giáo sư, bác sỹ mang hết tinh thần trách nhiệm, nghị lực và tình cảm kính yêu đặc biệt đối với Bác để quyết thắng căn bệnh hiểm nghèo của Người. Trong những ngày ấy, anh Ba và các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng vào thăm sức khoẻ của Bác. Sáng sớm ngày 2/9/1969, anh Ba vào thăm Bác rất sớm, ở lại bên giường Bác mãi đến trưa mới về nhà. Tôi linh cảm có điều gì rất hệ trọng đã xảy ra. Nghe tiếng còi xe, tôi ra cổng đón anh. Anh Ba bước xuống xe, mặt buồn rười rượi, đôi mắt đỏ hoe, tôi hiểu ngay rằng cái điều hệ trọng không ai mong muốn đã đến: Bác Hồ của chúng ta đã ra đi theo cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các bậc đàn anh khác.
Mấy ngày hôm đó, vòm trời Hà Nội cũng như cả nước trĩu nặng một nỗi buồn, thiên nhiên như cũng đau nỗi đau của con người. Công tác chuẩn bị tang lễ Bác diễn ra hết sức dồn dập. Những người giúp việc anh Ba, nhất là bộ phận thư ký chúng tôi đều ứng trực cao độ. 9h tối 6/9/1969, vừa đi họp ở Bộ Chính trị về, anh Ba cho gọi tôi và anh Đậu Ngọc Xuân, trong tổ thư ký lên phòng làm việc của anh ở số 6 - Hoàng Diệu. Anh trầm ngâm đưa cho chúng tôi bản Di chúc của Bác Hồ (văn bản mà Bộ Chính trị quyết định công bố trong lễ truy điệu Hồ Chủ tịch), hai dự thảo điếu văn do bộ phận khác chấp bút (hai bản dự thảo này không được Bộ Chính trị thông qua) và giao nhiệm vụ:
 - Hai chú chuẩn bị giúp tôi bản điếu văn khác để đọc tại lễ truy điệu Bác.
Nghe đến đây tôi và anh Xuân nhận thức rất rõ rằng công việc được giao là một vinh dự rất lớn nhưng hết sức khó khăn, vượt quá sức mình. Chưa kịp định thần trước nhiệm vụ được giao thì anh Ba chỉ đạo: "Về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế điếu văn vĩnh biệt Người không nên viết theo công thức. Phải làm sao thông qua điếu văn nêu bật được những tư tưởng lớn của Người để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thấu suốt hơn nữa, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, quyết biến sự nghiệp của Người thành hiện thực.
Thứ nhất, Hồ Chủ tịch nêu cao chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thứ hai, Hồ Chủ tịch gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, dìu dắt đồng bào ta phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, vì ấm no hạnh phúc của mọi người. Thứ ba, Hồ Chủ tịch dày công xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi toàn dân thực hiện, coi đó là bí quyết thắng lợi của cách mạng nước ta. Thứ tư, Hồ Chủ tịch kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế cách mạng. Thứ năm, Hồ Chủ tịch là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để mọi người học tập noi theo. Các chú chú ý đến văn phong, lời lẽ phải trang trọng, sâu sắc, cô đọng; văn chương phải có hồn và đi vào lòng người. Cố gắng làm xong trong đêm nay để kịp sáng mai Bộ Chính trị thông qua".
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh:T.H..
Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi hội ý và xây dựng đề cương khái quát. Quá 12h đêm, chúng tôi vẫn chưa viết được đoạn nào. Mấy hôm đó, chúng tôi đều thức để chuẩn bị phục vụ tang lễ Hồ Chủ tịch. Chắc vì quá mệt, nên anh Đậu Ngọc Xuân gục xuống bàn. Tôi dìu anh vào giường để anh nằm nghỉ và quay lại tiếp tục nghiên cứu để viết.
Lúc này, chỉ mình tôi ngồi đối diện trang giấy trắng. Tôi không dám nghĩ rằng Bác Hồ đã mất và hình dung trước mặt là hình ảnh của Người. Người là lãnh tụ có công lao trời biển và hy sinh cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Người đã làm rạng rỡ dân tộc và non sông đất nước ta. Nay Người đã ra đi! Dân tộc ta đứng trước một tổn thất, một đau thương lớn lao vô cùng. Trong tôi dâng trào niềm tiếc thương và xúc động vô hạn. Nó đã giúp tôi có cảm xúc mạnh mẽ để viết và hoàn thành bản thảo.
Sáng hôm sau, anh Ba dậy sớm hơn mọi ngày và gọi tôi cầm bản thảo lên đọc cho anh nghe. Nghe xong, anh chỉ thị:
- Về cơ bản là được, chú cần suy nghĩ thêm về đoạn nói về tư tưởng của Bác, nội dung 5 lời thề và cân nhắc thêm về từ ngữ.
Dừng lại nhìn tôi, chắc thấy sắc mặt tôi nhợt nhạt, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ mấy hôm triền miên, anh động viên:
 - Nhưng thôi, chú thức suốt đêm chắc là mệt lắm, hãy cứ để như thế cho đánh máy rồi lấy thêm ý kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sau đó sửa chữa một thể.
Theo sự chỉ đạo của anh Ba, tôi đưa bản thảo sang bộ phận văn thư của Văn phòng Trung ương ở 1A Hùng Vương để đánh máy. Chị Vũ Thị Sinh, tổ trưởng tổ đánh máy đọc bản thảo một lần rồi vừa đánh máy vừa khóc, mọi ngày hai bàn tay như múa trên bàn phím mà hôm đó cứ lóng nga lóng ngóng. Tôi động viên chị trấn tĩnh để hoàn thành bản thảo cho kịp thời gian.
8h sáng 7/9/1969, Bộ Chính trị và Ban Bí thư họp để bàn một số công việc, trong đó có nội dung tham gia vào dự thảo điếu văn. Sau khi lấy ý kiến tham gia, tôi và anh Xuân tập trung chỉnh sửa rất khẩn trương và tích cực, đến quá trưa thì công việc tạm xong. Đó là lần sửa chữa quan trọng nhất nhưng chưa phải là lần cuối cùng.
Sau khi nghe chúng tôi báo cáo kết quả sửa chữa lần thứ nhất, anh Ba đồng ý và chỉ thị cho chúng tôi gửi điếu văn cho anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng, anh Tố Hữu, anh Hoàng Tùng… để các anh xem lại, góp ý kiến cho thật chặt chẽ và hoàn hảo. Đồng thời, gửi sang Ban Đối ngoại để kịp dịch ra năm thứ tiếng nước ngoài. Khoảng 8h tối 7/9, điếu văn đã hoàn thiện sau 4 lần rà soát, sửa chữa.
Sáng 8/9, chúng tôi trình anh Ba bản điếu văn chính thức. Anh xem và nói:
- Tôi nói giọng miền Trung, đồng bào ngoài Bắc khó nghe, tôi phải đọc trước mới được.
Đọc được mấy dòng, anh nghẹn lại, hai hàng lệ cứ lăn dài trên gò má làm nhoà cả kính. Nhìn anh Ba khóc, chúng tôi càng hiểu tình cảm của anh với Bác Hồ kính yêu và tất cả chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Ngoài trời mưa tầm tã.
Sáng 9/9/1969, lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể và trang nghiêm với lòng thành kính và biết ơn vô hạn với Bác, trên 33 vạn đồng bào, chiến sĩ cả nước và hơn 40 đoàn đại biểu các nước trên thế giới kính viếng và dự lễ truy điệu Người.
Sau khi anh Ba nghẹn ngào đọc Di chúc của Bác và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: "Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!... Dân tộc ta và Đảng ta mất đi một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại. Phong trào Cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất đi một chiến sỹ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết… Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta…" cả Quảng trường lặng đi rồi oà lên khóc. Các cháu thiếu nhi gục đầu vào lòng các bác lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước khóc nức nở.
Để thể hiện quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, sau mỗi lời thề trước anh linh của Bác, cả rừng cánh tay giơ cao cùng Ban Chấp hành Trung ương xin thề với Bác sẽ làm tròn sứ mệnh mà Người đã tin cậy giao phó, nguyện đi theo con đường mà Người đã vạch ra..."
Nguyễn Đức Quý

Tuesday 26 August 2014

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung Quốc trong những năm 1959-1969 (Tô Vĩnh - Văn Hóa Nghệ An)


Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung Quốc trong những năm 1959-1969

  •   TÔ VĨNH
  • Thứ tư, 01 Tháng 6 2011 00:14

KHI nói đến Hồ Chủ tịch trong mối quan hệ với đảng, chính phủ Trung Quốc (TQ) - hầu như ai cũng nhắc đến hai câu thơMối tình hữu nghị Việt – Hoa/ Vừa là đồng chí vừa là anh em; qua đó, gián tiếp và mặc nhiên khẳng định rằng đối với Bác Hồ, quan hệ Việt – Trung là một điều gì đó đã được mặc định, đương nhiên và, trong suy nghĩ và Tư tưởng Hồ Chí Minh (HCM), đó là sự thiêng liêng không cần phải bàn cãi?!
Có thể nói đây là một mối quan hệ đặc biệt và tế nhị cần phải nghiên cứu một cách kỹ càng. Bài viết nhỏ này trên cơ sở cứ liệu công khai đã có muốn đưa ra một phác thảo nghiên cứu rất nhỏ nhằm làm sáng tỏ những quan niệm - ứng xử - thái độ đúng và đủ của HCM đối với TQ trong một khoảng thời gian không dài nhưng hết sức quan trọng của Người – 10 năm cuối đời, tức là từ 1/10/1959 đến tháng 9/1969.
1. Điều đặc biệt và điềukỳ lạ là suốt 10 năm rất, rất quan trọng đó của sự nghiệp Cách mạng của nhân dân ta, HCM chỉmột lần duy nhất viết bài kỷ niệm ngày quốc khánh của nước CHNDTH – ngày 28/9/1959, nhân chuyến thăm TQ đồng thời kỷ niệm 10 năm ngày thành lập nước Cộng hòa công nông lớn nhất thế giới. Kể từ đó, cho đến khi từ biệt thế giới này, Chủ tịch HCM không bao giờ gửi thư hay điện mừng để chúc mừng quốc khánh nước CHND Trung Hoa.
2. Suốt 10 năm trời, Chủ tịch HCM chỉ một lần bàn về cách mạng TQ trong một bài viết nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng CSTQ, tháng 7/1961. ở bài viết này (báo Nhân Dân, 1/7/1961, số 2.658), Hồ Chủ tịch cho biết Người đã hai lần đứng trong hàng ngũ Đảng CSTQ. Một lần trong những năm 1924-1927, với chức danh là “tuyên truyền đối ngoại”, viết bài về Đảng CSTQ cho một bài báo bằng chữ Anh và, một lần, vừa là binh nhì trong Bát lộ quân, vừa là Bí thư chi bộ của một đơn vị ở Hành Dương (HCM, TT, T.10, tr. 365-368. NXB CTQG, H. 2002). Có một bài viết nữa về TQ nhưng đó lại là bài Trả lời Thư của các đảng phái dân chủ, các nhân sĩ dân chủ không đảng phái và Hội liên hiệp công thương TQ (T.11, tr.385).
3. Một điểm rất cần được nhấn mạnh là trong bài viết duy nhất về cách mạng TQ, Bác Hồ đã thẳng thắn ca ngợi chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô N. Khruchov: “cuộc đi thăm nước Mỹ của đồng chí Khơrútsốp (in liền trong nguyên bản, T.9, tr.511-512, sic) càng làm cho nhân loại tiến bộ nức lòng phấn khởi và tăng thêm tin tưởng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới”. Hầu như ai cũng biết TQ luôn gọi Khruchov là "xét lại" và Liên Xô là "đế quốc xã hội". Thế nhưng, Hồ Chủ tịch vẫn thẳng thắn ca ngợi mối quan hệ Xô - Mỹ - nghĩa là không hề ngần ngại khi đụng chạm vào điều “khó nói” của các nhà lãnh đạo Trung Hoa!
Từ những dẫn liệu trên đây, chúng tôi nghĩ rằng rất nên đặt ra một số câu hỏi để làm rõ hơn về Chủ tịch HCM - đặc biệt, đây là thời điểm mà toàn Đảng toàn dân đang ra sức học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức HCM. Thứ nhất, không thể nói suốt 10 năm trời của cuộc cách mạng đầy nước sôi lửa bỏng của nhân dân ta mà Hồ Chủ tịch lại “quên” không gửi điện chúc mừng quốc khánh nước CHNDTH. Bằng chứng rất rõ là ở chỗ, ngay như những nước Mali hay Ghinê xa xôi, Hồ Chủ tịch vẫn gửi Điện mừng nhân dịp quốc khánh – ngày 1/10/1960 và  2/10/1963(!) (T.10, tr.212 và T.11, tr.143)...
Như vậy, nếu chúng ta đối chiếu với 4 bài viết về TQ trong 3 năm 1922-1924 so với một bài trong 10 năm thì sẽ thấy - hiểu khá rõ rằng, trong quan điểm của HCM, có không ít những điều Người (tuy không nói rõ ra) không đồng tình với cung cách hành xử của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Cách nhìn mẫn tiệp và sắc sâu ấy là điều mà chúng ta cần nghiên cứu và học tập. Không ngẫu nhiên mà những năm 1959-1969 là những năm TQ đang ủng hộ rất nhiều về cả tinh thần và vật chất cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta mà Chủ tịch HCM đã “quên” việc gửi thư cảm ơn hay điện mừng nhân dịp quốc khánh? Cách “quên” của thiên tài HCM buộc chúng ta phải suy nghĩ và, buộc tất cả những nhà nghiên cứu quan tâm tới vấn đề phải nhìn nhận một cách khách quan hơn, đúng đắn hơn. Những dẫn chứng trên phải chăng là những minh chứng về những điều thiêng liêng nhất về trí tuệ và tình cảm của một Nhân cách Vĩ đại - một Tầm nhìn Sắc sâu của một người con đáng kính của Đất Mẹ Việt Nam!

Wednesday 20 August 2014

Tướng Nguyễn Chí Thanh đã trích dẫn những nguồn nào?





Bài nói với cán bộ đảng. quân, dân chính, Liên khu IV, năm 1957 của đại tướng Nguyễn Chí Thanh (báo Quân Đội Nhân Dân, số 316, ngày 8 tháng 2 năm 1957) ở báo điện tử của Đảng Cộng Sản Việt Nam (

http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT30121333265) có năm chỗ trích dẫn các tác giả kinh điển của chủ nghĩa Mác Lê-nin:


Lênin đã nêu lên một số điểm định nghĩa quan trọng về chuyên chính vô sản như sau:

"Chuyên chính vô sản không có nghĩa là đấu tranh giai cấp đã chấm dứt mà là sự tiếp tục cuộc đấu tranh ấy dưới hình thức mới. Đó là cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản thắng lợi đã nắm được chính quyền chống lại giai cấp tư sản đã bị đánh bại, nhưng chưa bị tiêu diệt, chưa thôi chống cự mà còn chống cự hăng hơn. Chuyên chính vô sản là hình thức đặc biệt của liên minh giai cấp giữa giai cấp vô sản, đội tiền phong của những người lao động với đông đảo những tầng lớp lao động không vô sản (tiểu tư sản, tiểu chủ, nông dân, trí thức, v.v...)"1.

1. V.I. Lênin: "Tựa viết cho bản in bài diễn văn Người ta lừa gạt nhân dân bằng những khẩu hiệu tự do và bình đẳng", Toàn tập, tập 29, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1968, tr. 425-426.



Như vậy, ta thấy vấn đề chuyên chính vô sản là một vấn đề khá toàn diện. Dựa theo nguyên lý chủ nghĩa Lênin, Stalin đã phân tích ba mặt của chuyên chính vô sản như sau:

"a) Dùng chính quyền vô sản để đè bẹp bọn bóc lột, bảo vệ đất nước, củng cố những mối liên hệ với giai cấp vô sản các nước khác, phát triển cách mạng và làm cho nó thắng lợi trong tất cả các nước.

b) Dùng chính quyền vô sản làm cho quần chúng lao động bị bóc lột hoàn toàn tách khỏi giai cấp tư sản, củng cố sự liên minh của giai cấp vô sản với những quần chúng ấy, lôi cuốn họ vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho giai cấp vô sản chấp chính nắm được quyền lãnh đạo những quần chúng ấy.

c) Dùng chính quyền vô sản tổ chức chế độ xã hội chủ nghĩa, tiêu diệt các giai cấp, bước sang xã hội không giai cấp...”! 2

2. J. Stalin: Những vấn đề chủ nghĩa Lênin, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1959, tr. 173 – 174.



“Chuyên chính vô sản không phải có nghĩa là bạo lực, mặc dù không thể có chuyên chính mà không dùng bạo lực. Nó còn có nghĩa là một tổ chức lao động cao hơn tổ chức trước kia"3.

3. V.I.Lênin: "Đại hội toàn Nga lần thứ I của ngành giáo dục ngoài nhà trường", Toàn tập, tập 29, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1968, tr. 416.



“Chuyên chính vô sản không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột, và cũng không phải chủ yếu là bạo lực. Cơ sơ kinh tế của bạo lực cách mạng đó, cái bảo đảm cho sức sống và sự thắng lợi của nó chính là việc giai cấp vô sản đưa ra được và thực hiện được kiểu tổ chức xã hội về lao động cao hơn so với chủ nghĩa tư bản. Đấy là điểm chủ yếu của vấn đề. Do đó mà có lực lượng, mà bảo đảm được thắng lợi hoàn toàn và nhất định của chủ nghĩa cộng sản”4.

4. V.I. Lênin: "Sáng kiến vĩ đại", Tuyển tập, quyển II, phần II, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr. 205.



“Thực chất chủ yếu của nền chuyên chính đó là ở tính tổ chức và tính kỷ luật của đội quân tiên tiến của những người lao động và của đội tiền phong của họ và của người lãnh đạo duy nhất của họ là giai cấp vô sản"5.

5. V.I.Lênin: "Chào mừng công nhân Hunggari", Tuyển tập, quyển II, phần II, Nxb, Sự thật, Hà Nội, 1960, tr. 191.
Tất cả đều là xuất bản phẩm từ năm 1959 đến 1968. Nếu như văn bản này thể hiện đúng phát biểu của tướng Thanh thì câu hỏi là ông đã dựa vào nguồn tài liệu nào.

Tuesday 19 August 2014

Công an là của nhân dân (Chính Nhân - An Ninh Thế Giới)


Công an là của nhân dân

alt
Cán bộ Lớp Trung cấp Công an rất phấn khởi, vinh dự được Bác Hồ đến thăm và chụp ảnh kỷ niệm (1950). Ảnh: Tư liệu.

Thực sự lúc sinh thời, Bác Hồ không nói và viết nhiều về lực lượng Công an nhân dân. Thế nhưng, trong không nhiều những câu chữ Bác dành riêng cho chúng ta lại ẩn chứa rất nhiều những suy tư và tâm huyết về một lực lượng phải gánh vác những “công việc âm thầm nhưng rất quan trọng” (chữ Bác đã dùng trong bài nói chuyện tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956).
Đặc biệt 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong suốt mấy chục năm qua đã luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân, giúp lực lượng CAND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong mọi thời kỳ cách mạng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Các thế hệ cán bộ chiến sĩ CAND đã luôn luôn tâm niệm rằng, học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đồng nghĩa với sự thực hiện nhiệm vụ và lý tưởng của mình.

Cần phải thấy rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh ngay từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” của cách mạng mùa thu năm 1945  đã luôn nhấn mạnh tới tính công bộc của bộ máy nhà nước đối với nhân dân. Là người từng trải, anh minh và mẫn tiệp, đã không chỉ một lần phải “biết mùi hun khói”, Bác Hồ hiểu rất rõ những cảm giác mà các bộ máy chính quyền trong một xã hội có tình trạng người bóc lột người gây nên trong tâm trí dân chúng nên ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, Bác đã rất dày công để tuyên truyền, giáo dục, cổ xuý một hình mẫu chính quyền mới, chính quyền nhân dân. Tháng 10/1945, với bút danh Chiến Thắng, Bác viết: “Non hai tháng trước đây, trước cuộc khởi nghĩa 19-8-1945, nói tới hai chữ Chính phủ người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với Chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn với một niềm tôn kính sâu xa: Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách một địa phương, người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào. Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy... Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân phải tránh”.

Cũng với cách hình dung như thế, Bác Hồ muốn lực lượng CAND phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của những công bộc của dân trong một lĩnh vực hoạt động hết sức đặc thù liên quan tới sự an nguy của cả xã hội, cả chế độ. Đọc xong số nội san Bạn dân của Công an khu XII năm 1948, Bác đã nhắc nhở đồng chí Hoàng Mai (lúc đó là Giám đốc Công an khu VII) rằng: “Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Theo Bác, công an ta luôn luôn phải “lấy lòng” dân (hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này) để  được dân giúp đỡ và có được dân giúp đỡ thì công an ta mới có thể làm việc có hiệu quả. Cách lập luận của Bác rất giản dị nhưng đầy thuyết phục: “Bác lấy một ví dụ: Công an ta có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại...” (trích bài nói tại Trường Công an trung cấp khóa 2,  năm 1951). Nhìn lại thực tế hôm nay, càng thấy những lời Bác dạy thực là chí lý! Nếu không được lòng dân và không được nhân dân thực sự giúp đỡ, tin tưởng, coi như con em của mình thì bao nhiêu cố gắng nắm bắt địa bàn cũng dễ trở thành công cốc. Việc nước rất nhiều (lại vẫn câu chữ của Bác), việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội cũng rất nhiều, chỉ mình lực lượng Công an đảm trách thôi thì không đủ. Phải làm sao để các tầng lớp nhân dân cũng sát cánh cùng lực lượng CAND, chung lưng đấu cật trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và trật tự an toàn xã hội. Công an phải luôn gần gụi với người dân, phải học cách ứng xử  với nhân dân sao cho lễ phép, chân thành. Còn nhớ, trong bài nói chuyện với hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ tháng 2/1962, Bác đã nhắc nhở: “Bác nói một điểm nữa là thái độ đối với nhân dân. Cũng vì mục đích bảo vệ Bác nên các chú không muốn để đồng bào đến gần, cho nên đã xô đẩy đồng bào. Thái độ thế là không tốt. Đồng bào và các cháu nhi đồng muốn đến gần Bác. Nhưng các chú thì lại không muốn. Nó có mâu thuẫn, nhưng phải làm thế nào? Mình là dân chủ. Bác cũng như các chú, đều nói là phục vụ nhân dân. Cho nên phải khéo tổ chức, nếu không khéo tổ chức thì xô đẩy cũng không được; cho nên, phải làm thế nào để vừa bảo vệ được Bác, vừa không xô đẩy đồng bào”. Người Cha già của dân tộc vừa thông tuệ cổ kim vừa nắm rất rõ và tinh tế cả những chi tiết dù nhỏ nhặt nhất của đời thường.

Có đức mới vực được nghề

Làm nghề nào muốn tốt thì cũng phải tinh thông mọi ngón chuyên môn. Làm người công an nhân dân nếu muốn hoàn thành thực tốt  chức phận của mình thì không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn phải là thấm nhuần những tiêu chí đạo đức cách mạng. Đây cũng là một trong những điều mà Bác Hồ từng nhấn mạnh khi viết hoặc nói với lực lượng CAND. Bác phân biệt rất rạch ròi sự khác biệt giữa bộ máy công an của chính quyền cách mạng với cái gọi là ngành công an trong những xã hội còn áp bức, bất công. Bác nói (cũng tại Trường Công an trung cấp khoá 2): “Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân. Chắc các cô chú cũng nhớ chúng nó là bọn đầu trâu mặt ngựa. CAND phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành, chính sách phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. CAND phải thực sự phục vụ nhân dân...”. Mà muốn thực sự phục vụ nhân dân thì không thể không là những người có đạo đức cách mạng thực sự. Chính vì thế nên Bác Hồ  đã đặt lên trên hết mọi sự yếu tố đạo đức trong hoạt động nghiệp vụ của người công an cách mạng. Cũng trong bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai đã nhắc ở trên, Bác nhấn mạnh: “Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức”. Theo Bác, tư cách người công an cách mạng là phải đáp ứng được đủ những yêu cầu sau:

“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tuỵ.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.


Và Bác dạy, muốn giữ gìn, bồi đắp đạo đức cho mình,  những người chiến sĩ CAND hơn ai hết cần phải biết “phê bình nhau”. Ngay trong những ngày đầu của chính quyền dân chủ cộng hòa, Bác cũng đã hiểu quá rõ là những người công bộc mang sắc phục công an nếu không tự xác định được đúng đắn vai trò và nhiệm vụ của mình thì rất dễ mắc phải sai lầm. Tôn vinh sự tử tế nhưng Bác cũng rất nghiêm khắc với những thói hư tật xấu và Bác đã thẳng thắn phê bình: “Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân, nhưng hiện nay các cô các chú đã làm tròn nhiệm vụ ấy chưa? Chưa. Tuy đã có nhiều người tận tâm, cố gắng nhưng lẻ tẻ vài nơi nhân dân còn chê trách đấy!”. Bác nói: “Trong nội bộ, công an cũng phải phê bình nhau. Đối với người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh. Phải làm thế nào cho được lòng dân, phải thực sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như thế thì người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ công an”.

Kẻ thù dai dẳng - chủ nghĩa cá nhân

Trong bài nói tại Trường công an nhân dân ngày 28/1/1958,  Bác Hồ đã gióng lên hồi chuông báo động rằng, người chiến sĩ công an phải thực sự chú trọng tới việc chống chủ nghĩa cá nhân, tức là chống thói so bì đãi ngộ, muốn nghỉ ngơi hưởng thụ, an nhàn... Bác cũng nhắc nhở trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn khóa II của Bộ Công an (ngày 16/5/1959): “Chủ nghĩa cá nhân  không phải chống lại một lần là hết được. Trong lớp này, các cô các chú kiểm thảo thành khẩn là điều tốt, tiến bộ. Nhưng không phải kiểm thảo xong là gột rửa hết chủ nghĩa cá nhân. Ví như rửa mặt thì phải rửa hàng ngày. Vì vậy, kiểm thảo ở đây không phải là xong, là đủ mà còn phải tiếp tục luôn luôn phê bình, tự phê bình, kiểm thảo trong mọi việc”.

Nhìn vào hôm nay, càng thấy những lời Bác dạy năm xưa vẫn có tính thời sự nóng bỏng. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân thực sự vẫn đang còn tiếp diễn. Người chiến sĩ công an không theo thuyết khổ hạnh nhưng ham muốn có một nếp sống không thích ứng với thực trạng đất nước luôn dễ là “ma đưa lối quỷ dẫn đường” đối với những công bộc có vai trò rất quan trọng trong bộ máy chính quyền hành pháp như lực lượng CAND. Điều này hiển nhiên hơn ai hết tất cả những chiến sĩ Công an như chúng ta đều nhớ

   Chính Nhân   Theo ANTG

Friday 15 August 2014

Một tháng đứng đầu sóng ngọn gió không thể nào quên (Trần Trọng Tân - Sài Gòn Giải Phóng)

Kỷ niệm 63 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 - 23-9-2008)
Một tháng đứng đầu sóng ngọn gió không thể nào quên
Thứ hai, 22/09/2008, 23:54 (GMT+7)
Liền sau thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, nhân dân thành phố ta đã phải đương đầu với một liên minh phản động quốc tế: quân của Chính phủ Anh dưới danh nghĩa lực lượng đồng minh; quân phát xít Nhật đã đầu hàng nhưng còn nguyên đội ngũ và được sử dụng để chống lại cách mạng; quân Pháp bị Nhật bắt làm tù binh nay được thả ra cùng với quân Pháp từ chính quốc đưa qua. Ngoài ra còn có các đảng phái phản động từng gắn chặt quyền lợi với thực dân Pháp và chạy theo Nhật trước đây, nay ngóc đầu dậy.

Mưu đồ của Gracey, trưởng phái bộ quân Đồng minh khi vào Việt Nam là sử dụng bộ máy chính quyền do Nhật dựng lên rồi sau đó bàn giao cho thực dân Pháp để tiếp tục cai trị dân ta. Nhưng ngày 8-9-1945, phái bộ Anh, có một đại đội quân Pháp bám gót theo, khi đặt chân đến Sài Gòn thì chính quyền tay sai của Nhật đã bị lật đổ, mưu đồ không thực hiện được nên rất cay cú. Đối với chính quyền cách mạng chúng đã tìm cách liên tục gây rối.

Đến đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp dựa vào quân Anh đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Tính rằng chính quyền nhân dân ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ còn trong trứng nước, chúng có thể đánh chiếm Sài Gòn và mở rộng đánh chiếm các tỉnh Nam bộ chỉ trong thời gian rất ngắn giống như cuộc xâm lược Việt Nam, 76 năm về trước. Nhưng đâu dè, một cuộc phản kích của quân dân thành phố rất quyết liệt đã nổ ra.

Sau lời kêu gọi kháng chiến chiều ngày 23-9 của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu soạn thảo, nhân dân thành phố đã lập tức tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch, làm chướng ngại vật cản bước tiến của địch khắp nơi. Những người già yếu được tổ chức tản cư ra ngoài thành phố. Nhiều máy móc thiết bị được công nhân chuyển ra vùng Dĩ An, An Phú Đông... để lập các công binh xưởng, sản xuất vũ khí đánh địch. Nhiều đoàn quân “nốp với giáo, mang ngang vai” từ các vùng nông thôn tiếp giáp, tiến vào Sài Gòn tham gia chống giặc.

Đồng thời UB Kháng chiến Nam bộ đã hình thành 4 phòng tuyến chặn địch: Phòng tuyến miền Đông do Nguyễn Đình Thâu chỉ huy; phòng tuyến Bắc Tây Bắc Sài Gòn do Nguyễn Văn Tư chỉ huy; phòng tuyến miền Tây do Trần Văn Giàu, sau đó là Nguyễn Lưu chỉ huy; phòng tuyến phía Nam do Nguyễn Văn Trân, sau đó là Dương Văn Dương chỉ huy.

Hưởng ứng lời kêu gọi khẩn thiết của Đảng và Hồ Chủ tịch, mỗi tỉnh ở Bắc bộ và Trung bộ đã tổ chức từ một đến hai chi đội Nam tiến. Các chi đội đầu tiên đã đến chiến trường kịp thời, trong đó có chi đội đã tham gia chiến đấu rất kiên cường tại mặt trận cầu Bình Lợi. Trong tuần lễ đầu, nhiều quân địch bị thương vong, nhiều xí nghiệp, công sở lớn nhỏ, nhiều kho hàng, cơ sở các chợ, nhiều tàu xuồng, ô tô vận tải, cầu cống và nhiều cơ sở kinh tế đã bị phá hoại.

Hãng thông tấn Anh Reuter sáng 30-9-1945 nhận xét: “…Có khoảng chừng 3.000 quân Anh, một số quân Pháp và 20.000 người Âu ở Sài Gòn hiện đang bị hàng ngàn Việt Minh có khí giới đe dọa. Hiện thời quân đội Anh - Pháp phải chống trả với 7.000 lính Việt Nam có vũ khí và hàng vạn dân quân mang dao, gậy, mác nhất định tử chiến... Sau 7 ngày, tình thế càng nghiêm trọng hơn.

Chúng tôi ở Sài Gòn lâm vào cảnh rất nguy ngập về lương thực, vì trên bộ, quân và dân Việt Nam phong tỏa, còn trên biển thì trước kia quân Nhật thả rất nhiều thủy lôi đến nỗi không một chiếc tàu nào của Đồng minh cập bến Sài Gòn được. Các kho gạo của quân đội Nhật trước đây đều bị người Việt Nam đốt phá, hết nơi này đến nơi khác. Đã hai lần, máy bay Đồng minh thả lương thực xuống. Càng ngày càng khó kiếm thức ăn và nước uống. Rất nhiều người khổ sở vì nạn khát, nếu không nhờ thỉnh thoảng có một trận mưa” (*).

Chịu nhiều tổn thất và gặp rất nhiều khó khăn, Pháp phải nhờ Gracey dàn xếp một cuộc đàm phán với ta, hòng kéo dài thời gian để chờ viện binh. Ta cũng cần có dịp để tỏ rõ chính nghĩa của mình và cũng muốn có thời gian để củng cố lực lượng nên chấp nhận ngưng chiến một tuần lễ để đàm phán.

Ngày 2-10, Cédille, đại diện phía Pháp gặp đoàn đại biểu của ta do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm trưởng đoàn, có tướng Gracey của Anh cùng tham dự. Ta đã họp với đại diện của Pháp 3 lần, nhưng không có kết quả. Riêng phía ta, trong tuần lễ hưu chiến, đã loại trừ bọn phản loạn tính chuyện “lập chính phủ dân quốc lâm thời” để thương thuyết với Đồng minh. Ta đã rước được nhiều cán bộ từ Côn đảo về để tăng cường cho bộ máy kháng chiến trong đó có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng.

Hết hạn ngưng bắn, trên cả 4 phòng tuyến, quân dân ta tiếp tục đánh địch ở nhiều nơi, nổi lên là các trận ở các cầu trên đường ra vào thành phố.

Đêm 17-10, thiếu niên Lê Văn Tám được anh Lê Văn Châu tổ chức, đã tình nguyện bí mật đột nhập vào bên trong mang theo diêm và xăng, đã đốt được kho đạn rất lớn của Pháp, gần cầu Thị Nghè. Khi rút lui bị dính xăng, bén lửa đã cháy thành một cây đuốc sống, nêu tấm gương sáng ngời của thiếu niên Việt Nam xả thân vì nước.

Đến ngày 23-10, quân Pháp được tiếp viện đã lên đến 6.000 tên. Danh tướng Pháp Leclerc tổng chỉ huy, quyết tập trung sức, đã phá vỡ phòng tuyến phía Tây Sài Gòn, theo đường số 4 đánh chiếm Tân An, Mỹ Tho, Gò Công. Quân Anh đánh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một rồi giao lại cho Pháp. Từ đây, cuộc chống giặc Pháp của quân dân thành phố hòa nhập với cuộc kháng chiến Nam bộ và cuộc kháng chiến toàn quốc.

Kỷ niệm ngày 23-9-1945, là ngày mà quân dân thành phố ta có vinh dự được bắn những phát súng đầu tiên vào kẻ thù xâm lược. Đó cũng là ngày mở đầu cho một tháng kiềm chân giặc tại thành phố, với kết quả mang lại là: Làm phá sản kế hoạch đánh mau thắng mau của giặc Pháp; các xã ngoại thành có thời gian để xây dựng lực lượng và bước đầu hình thành vành đai đỏ bao quanh Sài Gòn; các tỉnh ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ có một tháng trời chuẩn bị kháng chiến; góp phần tạo thế cho các cuộc đàm phán của Chính phủ ta với Chính phủ Pháp.

Tuy thời gian ngắn ngủi, chỉ một tháng, nhưng Đảng ta thu được kinh nghiệm vừa đánh vừa đàm, kinh nghiệm sáng tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân chống giặc ở trung tâm đô thị, điều chưa từng có trong lịch sử trước đó của dân tộc ta.

Từ 23-9 đến 23-10-1945 là “Tháng Sài Gòn kháng chiến”, tháng của đội xung kích trong “Mùa thu rồi ngày hăm ba”. Đó là một tháng mà quân dân thành phố ta đã đứng ở đầu sóng ngọn gió, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đó là một tháng không thể nào quên!

(*) Báo Cứu Quốc số 57, ngày 3-10-1945.
TRẦN TRỌNG TÂN

Nam bộ kháng chiến
63 năm trước, vào ngày 23-9-1945, tức là chỉ 21 ngày sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp lại dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa. Chúng nổ súng đánh chiếm Sở Cảnh sát, các trụ sở hành chính, Nhà máy Điện, Kho bạc... mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Nhân dân Nam bộ chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình, lại tiếp tục cầm súng kháng chiến.

Tại khắp nơi trong Sài Gòn, binh lính Pháp vấp phải những trận chiến đấu anh dũng của quân dân ta ở Dinh Đốc Lý, Cầu Ông Lãnh, Ga xe lửa với 320 đội tự vệ bám sát các vị trí chiến đấu.

Ngay trong sáng 23-9, tại một ngôi nhà trên đường Cây Mai, Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp. Một bức điện khẩn được chuyển gấp ra Trung ương xin chỉ thị.

Sáng sớm 24-9, bức điện ngắn của Chính phủ chỉ thị cho Ủy ban Kháng chiến Nam bộ tổ chức kháng chiến. Ngay lập tức, lời kêu gọi đồng bào Nam bộ kháng chiến được phổ biến rộng rãi.

Ngày 26-9-1945, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho đồng bào Nam bộ:

“Hỡi đồng bào Nam bộ!

Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mò lại. Trong 4 năm, họ bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa.

Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”...

Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng...”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp các địa phương Bắc-Trung-Nam sục sôi hướng về Nam bộ. “Cương quyết giành độc lập”, “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam bộ”, phát động “Quỹ ủng hộ Nam bộ”, thanh niên nô nức tòng quân, các chi đội Nam tiến gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu...
B.T.T. (tổng hợp)