. Nguyên tại làng Thượng Hộ, xuôi về phía hạ lưu sông Hồng, có nổi thêm một khu đất bồi, rồi thành một khu bãi tiếp theo với một khu đất của làng Thượng Hộ và được ghi danh là MA-KÊ-XỨ với một diện tích khá rộng. Ma-Kê nghĩa là gì không ai hiểu rõ, chỉ đoán chừng là một nơi có trồng nhiều vừng và kê. Khu đất Ma-Kê-Xứ này trước đó chỉ là một xóm của làng Thượng Hộ, và hiện nay thuộc về đất làng Gia Lạc, giáp với Mả Cả gần đình Gia Lạc hiện giờ. Ta cần nhớ rằng ở vùng này, trước kia cũng như bây giờ, Thượng Hộ là làng lớn nhất vùng, nên đã một thời được lấy tên để đặt cho tổng. Đó là tổng Thượng Hộ. Ngày nay, đơn vị hành chính không còn tổng nữa, chỉ có thôn, xã rồi huyện, tỉnh chứ không còn tổng và phủ nữa. Người đang viết đây còn nhớ rất rõ, hồi nhỏ đi học phải khai lý lịch như sau : Nguyễn văn Mỗ, làng Hội Kê, tổng Thượng Hộ, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Phải khai đầy đủ như vậy mới được coi là trúng cách.
Khi được phép thành lập làng, các tổ phụ chúng ta đã đặt tên làng mới là HỘI KÊ. Theo sự diễn tả nôm na thì HỘI có nghĩa là sự hội họp của bốn họ sau đây :
1. Nguyễn Hữu 3. Nguyễn Huy 2. Nguyễn Đình 4. Lương Huy
Sau này có thêm một họ nữa là họ Trần ở bên kia sông Hồng thuộc Tảo Môn, Phương Trà, lúc đầu đến ngụ cư và sau này mới chính thức là dân làng, và Kê là địa danh của khu đất của xã Thượng Hộ, phía trên khu đất tân bồi. Nhưng sự thật bên trong, chữ Hội Kê còn hàm ý nghĩa rất sâu xa, chỉ con cháu dòng họ Nguyễn Hữu mới được nhắc nhở và hiểu rõ ý nghĩa. Ngày xưa, thường khi đặt tên cho một làng mới, các cụ đều có dụng ý sâu xa, ngầm nói lên được nguyện vọng của mình và để nhắc nhở, thúc đẩy tinh thần con cháu sau này luôn luôn nhớ đến trách nhiệm đối với tổ tiên.
Theo chữ Nho thì chữ HỘI còn được đọc là CỐI. Vậy HỘI KÊ cũng có thể đọc là CỐI KÊ mà người đặt tên cố ý đọc là HỘI KÊ để che đậy thâm ý khỏi bị triều đình nghi kỵ.
Cối Kê là nơi Việt vương Câu Tiễn bị quân nước Ngô đánh bại phải chạy về đó (thời Đông Chu liệt quốc). Câu Tiễn thế cùng lực kiệt phải đầu hàng nước Ngô và cả hai vợ chồng Câu Tiễn bị bắt giam lỏng ở đó. Hằng ngày Câu Tiễn phải đi chăn ngựa và có khi phải đi dắt ngựa cho Phù Sai khi cưỡi ngựa đi chơi. Còn vợ thì đi cắt cỏ cho ngựa. Người ta kể rằng Câu Tiễn phải nuốt nhục chịu đựng và đã có lần phải chịu nhục nếm phân cho Phù Sai khi Phù Sai đau để đoán bệnh, cốt để lấy lòng tin yêu của Phù Sai. Câu Tiễn đã đạt được ý nguyện và được vua Ngô tha cho về nước. Câu Tiễn liền về Cối Kê, chọn nơi này làm kinh đô nước Việt. Ở đây, Câu Tiễn nuôi chí phục thù, và sau một thời gian nằm gai nếm mật, ra sức chiêu binh mãi mã, tạo được một đội quân hùng mạnh. Rồi Câu Tiễn mang quân diệt được nước Ngô, trả được mối thù xưa. Sau này trong văn chương, người ta dùng chữ CỐI KÊ để chỉ sự nằm gai nếm mật, nuôi ý chí phục thù, khôi phục lại cơ đồ sự nghiệp như hai câu thơ nổi tiếng sau đây :
“Cối kê cựu sự quân tu ký
Hoan, Ái do tồn thập vạn binh”.
(Bạn hãy nhớ lại việc cũ ở Cối Kê. Hai châu Hoan và Ái, tức là vùng Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay hãy còn mười vạn quân).
Hai câu này nói về nước Việt Nam, mỗi khi bị quân Tàu xâm lăng, lúc đầu quân Việt thường là bị thua, nhưng sau khi đã rút được vào rừng Hoan, Ái, dựa vào địa thế địa lợi, củng cố lại được thực lực, sau cùng cũng đánh bại được quân xâm lăng, khôi phục được chủ quyền đất nước. Tổ phụ ta ngày trước dụng ý đặt tên làng là CỐI KÊ (ngụy trang là HỘI KÊ) là cốt để con cháu mai sau đoàn kết lại, hầu khôi phục lại cơ đồ sự nghiệp. Ngày nay lịch sử đã đổi thay, mục đích của hai chữ CỐI KÊ đã không còn nữa, vì nước Việt cả Nam lẫn Bắc đều bị quân Pháp xâm chiếm và thống trị. Sự khôi phục lại quyền tự chủ cho đất nước, là đánh đuổi thực dân Pháp cũng đã hoàn thành.
Nguyễn Hữu Quyền di cảo
(Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa)
No comments:
Post a Comment