Một số nhà nghiên cứu cho rằng băng trong băng bó là từ mượn âm tiếng Pháp. Thanh Nghị (1967:89), Vương Toàn (2011:66) quy về panser; Nguyễn Quảng Tuân (1992:59) quy về bander. Hoàng Trọng Ngôn (2000), tức Cao Xuân Hạo cho rằng gốc của băng là một từ Hán Việt ( 繃). Từ này cũng có nghĩa là quấn lại, buộc lại.
Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) không có băng của băng bó. Nhưng gần như cùng thời ấy, Gustave Hue (1937:32) lại có một mục từ như thế này:
BĂNG C) 繃 (Vplr: Banh), Bande, bander, panser: ─ bó, ─ buộc : id.; ─ đái: bandes.
Tức là theo Gustave Hue, băng của băng bó cũng là từ gốc Hán.
Cũng cùng thời ấy Nam Phong Tạp Chí lại dùng băng trong ngoặc kép như một từ mượn âm tiếng Pháp:
Kẻ thanh-niên theo đảng Phi-xi (fasciste) gặp khi ra chiến-đấu mà bị thương, thời trên cái “băng” buộc vết thương đó có viết một câu: “Ta chẳng cần gì”, câu ấy có ý-nghĩa sâu-xa lắm, không những là tỏ ra cái thái-độ can-đảm đối với sự đau-đớn, lại là tiêu-biểu cho một cái chủ-nghĩa không những là thuộc về chính trị mà thôi, chính là một cách đoàn-luyện người ta để ra chiến-đấu với đời, cam-tâm chịu hết một sự nguy-hiểm; có thể cho là một lối sinh-hoạt mới cho dân tộc nước Ý. (Nam Phong số 177, 1932:334,T-C)
No comments:
Post a Comment