Showing posts with label địa danh. Show all posts
Showing posts with label địa danh. Show all posts

Sunday 1 August 2021

Những suy diễn không cần thiết trong tập “Trời cao đất thấp chúng ta thì…” (Phan Chính - Báo Bình Thuận)

 

Những suy diễn không cần thiết trong tập “Trời cao đất thấp chúng ta thì…”

BT- Đây là tập tùy bút của tác giả Trần Hữu Ngư, dày 340 trang, phụ bản Đỗ Hồng Ngọc do nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành tháng 12.2015. Nội dung gồm các bài viết ngắn, tản mạn về tình yêu âm nhạc nhiều hơn cả. Trong đó có một vài bài mang nỗi niềm ký ức của tác giả qua một thời với quê hương La Gi, Hàm Tân, Tân Thành (Bình Thuận)… cũng là điều đáng quý. Nhưng rất tiếc, qua đó tác giả đã bộc lộ sự vội vàng và sa vào những vấn đề tưởng là phát hiện độc đáo. Do giới hạn của một bài báo, chỉ xin giới thiệu một vài chỗ dễ gây nhầm lẫn cho người đọc.

Bài “Gió Tết” trang 126, tác giả viết về địa danh La Gi mượn từ một giai thoại: “…trong thời Pháp thuộc, người Pháp đến Lagi, lúc bấy giờ vùng đất này còn hoang vu, người Pháp hỏi thông ngôn: Nơi đây tên là gì? (dịch). Người thông ngôn nghe không rõ hỏi lại người bên cạnh: Là gì? Thằng Pháp “quất” vào “Là gì”. Và nó chết tên từ đó”. Tiếp đến là: “Trước 1975, La Gi viết dính liền nhau (Lagi), nay không hiểu dựa vào đâu mà người ta viết Lagi rời nhau thành hai chữ”. Thật ra, tác giả nên chịu khó tìm hiểu về quá trình hình thành một địa danh, nhất là một địa danh hành chánh của một địa phương phải dựa trên nhiều cơ sở vì đó là một phạm trù lịch sử, có tính khoa học. Không thể nào từ thái độ “lấc cấc” của một anh thông ngôn mà tên lính Tây lấy đó đặt tên cho vùng đất đã định danh trên bản đồ từ dưới thời phong kiến. Vậy người Pháp đặt chân đến La Gi đầu tiên là khoảng thời gian nào để tác giả coi đó là cái mốc ra đời địa danh La Gi. Nếu đọc Đại Nam nhất thống chí quyển 12 (Bình Thuận) do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn xong năm 1882 và được Tu Trai Nguyễn Tạo dịch vào năm 1963, thì địa danh La Gi đã có rồi và được dịch từ chữ Hán ra quốc ngữ là La Di. Kể cả trên “Bình Thuận toàn đồ”, phần Nam phủ Hàm Thuận, vẽ sau năm 1832 ghi bằng chữ Hán tên hai con sông là Maly (Sông Phan) và Sông La Di (Sông Dinh). Hoặc qua biểu dâng vua của Nguyễn Thông trong châu bản “Doanh điền biểu văn” năm 1877 cũng nêu rõ vị trí quan trọng của cửa tấn La Di trên đường vận chuyển sản vật rừng, lúa gạo phía Nam của tỉnh ra Phan Thiết. Do cách ghi chép theo phiên âm nên các văn bản hành chánh thời Pháp lúc là La Di, lúc là Lagi nhưng vẫn cho thấy địa danh La Gi đã có từ lâu trước khi dấu chân người Pháp đến đây. Địa danh La Gi trở thành thiêng liêng, máu thịt của một địa phương không thể nào được khai sinh từ một câu chuyện “hề” vô vị. Thêm nữa, đến bây giờ mà tác giả còn thắc mắc và lại khẳng định trước 1975 địa danh La Gi đều viết liền nhau (Lagi) mà nay lại viết rời ra. Là một địa danh hành chánh, dù tên gọi xuất xứ, nguồn gốc thế nào, nhưng khi được Việt hóa phải viết đúng với âm ngữ đó. Các văn tự, địa chí, chứng thư dưới chế độ cũ trước 1975 khá kỹ càng đều ghi La Gi rời ra, lại còn có cả gạch nối đối với những danh từ kép và nhất là cách viết về địa danh (La-Gi). Tất nhiên cũng có một vài văn bản, bài báo viết như tác giả làm căn cứ, kể cả bây giờ nhưng không phải phổ biến.

Ở bài “Ngày ấy, Phan Thiết” trang 213, tác giả Trần Hữu Ngư viết: “Đi cho đến hừng đông thì Camp Edépic đã hiện ra trên một động cát có doi đất chòi ra phía biển. Ngày đó dân làng tôi đâu biết chữ tây chữ u gì, nghe Cam Edépic thì đọc Căn a-sơ-bíc”. Rồi còn giải thích rất tự tin “Người ta bỏ chữ Ed- épic đằng sau mà chỉ đọc đơn giản là Căn”. Đó là tác giả viết về trại lính Pháp đóng trên phi trường Phan Thiết và cũng là một địa danh gắn với lịch sử chiến tranh nổi tiếng của Bình Thuận mà lại viết không chính xác và không hiểu nghĩa của từ đó là gì? Thực ra căn cứ này thường được viết tắt và gọi là Camp ESEPIC (tức gồm các chữ đầu của Ecole Superieure d’Education Physique de Indo-Chine (Trường cao đẳng Thể dục thể thao Đông Dương) và Camp có nghĩa là trại (lính), đồn (binh). Như vậy không biết tác giả dựa vào đâu để có “Camp Edépic” ? Cũng không thể đổ cho lỗi bản in vì được lặp lại nhiều lần. Không những chừng đó mà còn dễ gặp trong tập sách nhiều “lợn cợn” khác.

Ra đời được một tác phẩm phải có sự đầu tư bằng tất cả tâm huyết, niềm đam mê chưa đủ mà còn cần đến những yêu cầu cơ bản khác. Có như vậy mới  mong đem đến người đọc những điều thú vị, bổ ích. Nhưng nếu áp đặt bằng sự chủ quan, thiếu cân nhắc của mình, dù chỉ đôi bài thì chính tác giả tự đánh mất đi giá trị của tác phẩm.

PHAN CHÍNH
(http://www.baobinhthuan.com.vn/van-hoa/nhung-suy-dien-khong-can-thiet-trong-tap-troi-cao-dat-thap-chung-ta-thi%E2%80%A6-84240.html)


Sunday 1 March 2020

Ô có phải là cái vũng?

Trung Hoa (“Từ địa phương chỉ địa hình trong địa danh Nam Bộ”, Tạp Chí Ngôn Ngữ số 4, 2012, tr. 32-38) ở trang 34 giảng ôvũng, bàu rồi cho ví dụ là Ô Môn, Ô Cấp và Ô Ma. Ô Môn thì không biết, nhưng Ô Cấp và Ô Ma  đều là từ mượn âm tiếng Pháp. 



Ô Cáp [au] Cap St-Jacques. đi ~ aller au Cap St-Jacques.[i]

Ô Cắp [au] Cap St-Jacques. đi ~ aller au Cap St-Jacques.[ii]

Ô Cấp [au] Cap St-Jacques. đi ~ aller au Cap St-Jacques.[iii]

Ô Ma aux Mares. nông trại ~  ferme des Mares ; thành lính tập ~ (Sài Gòn xưa) Camp des Mares (*caserne des tirailleurs annamites).[iv]



Ngoài Ô Cấp và Ô Ma còn có Ô Quắn:
Ô Quắn Au Vent. bãi ~ Vũng Tàu {Plage/Pointe} Au Vent.[v]


[i] * Vì nói Hưng-yên (hải cảng Phố-hiến đời hậu Lê) thuộc về thượng du thì cũng chả khác bảo Saigon làm trên núi, hay rủ nhau đi Cà-mâu ăn nem Thụ-đức, hay tắm biển Ô-cáp ở Tây-ninh. Phong Hóa Tuần Báo số 70 (1933:14, Nhát-Dao-Cạo)
* Nói đến đây, ta lại nhớ đến cuộc tập trận Ô CÁP (cap. St Jacques) cách đây mấy năm, khi đô-đốc Godefroy mang hạm-đội tuần-dương từ Pháp sang ghé bến SAIGON. Tri Tân Tạp Chí số 5 (1941:13, Nguyễn Huyền-Tĩnh)
[ii] Trong Nam-kỳ nói đi chơi «  Ô-Cắp » (Au Cap) cũng là một cách phong-lưu lịch-sự như ngoài Bắc nói đi tắm Đồ-sơn vậy. Nam Phong Tạp Chí số 58 (1922:257, Phạm Quỳnh)
[iii] * Khỏi Ô-cấp tàu đi vụt vụt,
Những mênh mông trời nước một màu. Trung Lập Báo số 12 (1924:3, Tứ-Linh)
* Tên gọi “Ô Cấp” để chỉ Vũng Tàu được Việt hóa từ cụm từ Aller au Cap (có nghĩa là đi ra đất mũi để nghỉ mát và tắm biển) được rút gọn lại thành “Au Cap”, có lẽ ra đời cùng với nhu cầu đi nghỉ cuối tuần của người dân Sài Gòn, và rộng hơn cho cả người miền Đông Nam Kỳ và đồng bằng sông Cửu Long. Thạch Phương & Nguyễn Văn Minh (2005:119)
* Rồi đến Ô Cấp vào Sài Gòn lên Tân Đáo ở xóm Chiếu. Tô Hoài (2007:100)
VHS (1999:60)
[iv] * M.... làm quan một, tại đội binh thứ nhứt, lính tập Annam ở tại ô ma (Mares) vào đơn cách vài bữa rày mà thưa một tay anh chị lớn mật dám cỡi xe máy cũa ổng để đâu đó, mà cúc mất. Trung Lập Báo số 61 (1924:4)
* Như hồi ngày hôm qua đây lối ba giờ rưởi chiều tên Trần-Cư là sốp-phơ xe hơi số 1042 của chệt  Trần-Châu bán đồ tạp hóa ở con đường Cách-ti-na đụng đứa nhỏ Nguyển-văn-Cu là enfant de troupe học tại trường Ô-ma, tại nơi góc đường Frère Louis và Nguyển-Tấn-Nghiệm. Trung Lập Báo số 161 (1924:4)
* Vụ lấy trộm 2 cây súng liên-thanh, 4 cây súng trường và đạn ở đồn Ô ma, tháng giêng năm 1930; Nam Phong Tạp Chí số 184 (1933:514)
* Ánh sáng xanh của những nụ đèn điện hai bên đường Frère Louis về vùng Ô-ma đã buồn hơn, và đã lạnh hơn, nhưng thấm xuống từng dưới mặt đường nhựa. Tri Tân Tạp Chí số 175-178 (1945:11, Đông-Hồ)
* Miễu-Hiển-Trung do đức Cao-Hoàng dựng lên để thờ các công-thần khai cơ dựng nghiệp, trong có bài-vị mấy trăm cái, gồm có một bài vị thờ người thủy-binh Pháp matelot Manuel, miễu Hiển-Trung vốn ở trong vòng thành Ô-Ma (camp des mares, nay là trụ sở trung ương Cảnh-sát) Vương Hồng Sển (1969:70)
* Sau năm đảo chính 1945, binh Pháp trở lại chiếm cứ thành Ô-Ma, và dỡ bỏ miễu Hiển-Trung, về sau này không còn nhìn được xưa ở chỗ nào. Vương Hồng Sển (1969:70)
* Chỗ bán bánh đập ở một khoảng đất trống, bàn ghế kê la liệt ngoài trời, ở cuối đường Frères Louis (nay là Võ Tánh), giáp đường Cây Me (nay là Nguyn Trãi) và gần đồn Ô-Ma của nhà binh Pháp (sau là khu Ủy hội Quốc tế). Nguyễn Vỹ (1970b:334)
* Còn tại thành lính tập Ô Ma (Camp des Mares) thì có miếu thờ các công thần nhà Nguyễn, lập năm 1804, chữ gọi “Hiển Trung Từ”. Vương Hồng Sển (1990:155)
* Miếu Hiển Trung do đức Cao Hoàng dựng lên để thờ các công thần khai cơ dựng nghiệp, trong có bài vị mấy trăm cái, gồm có một bài vị thờ người thủy binh Pháp Matelot Manuel, miễu Hiển Trung vốn ở trong vòng thành Ô Ma (Camp des mares, có lúc là trụ sở trung ương Cảnh sát). Vương Hồng Sển (2004:87)
* Sau năm đảo chánh 1945, binh Pháp trở lại chiếm cứ thành Ô Ma, và dỡ bỏ miếu Hiển Trung, về sau này không còn nhìn được xưa ở chỗ nào. Vương Hồng Sển (2004:87)
* Chỗ bán bánh đập ở một khoảng đất trống, bàn ghế kê la liệt ngoài trời, ở cuối đường Frères Louis (nay là Võ Tánh), giáp đường Cây Me (nay là Nguyễn Trãi) và gần đồn Ô Ma của nhà binh Pháp (sau là khu ủy Hội Quốc tế). Nguyễn Vỹ (2006:826)
LNT (1993:666)
[v] Lộ trình chuyến đi đã được tính trước, nguyên ngày thứ bảy tắm ở Long Hải và nghỉ ở nhà mát của ngành quan thuế gần Dinh Cô, sang hôm sau qua Vũng Tàu tắm ở bãi Ô Quắn, ăn cơm trưa xong rồi về. Nguyễn Đông Thức (2006:43)
LNT (1993:667)

Tuesday 19 November 2019

PGS.TS Hoàng Dũng: Không thể tùy tiện lên án người xưa như thế (Hoàng Dũng - Tuổi Trẻ)



TTO - PGS.TS Hoàng Dũng đã thể hiện quan điểm riêng của mình như thế, quanh bản kiến nghị loại bỏ tên hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes ra khỏi danh sách đặt tên đường, trường học ở Đà Nẵng.



PGS.TS Hoàng Dũng: Không thể tùy tiện lên án người xưa như thế - Ảnh 1.
Đường Alexandre De Rhodes tại quận Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
PGS.TS Hoàng Dũng có bài viết gửi cho Tuổi Trẻ.
Công lao đã được khẳng định
Bản kiến nghị mà 11 người gửi có nêu ba lý do: Alexandre De Rhodes không phải là người chế tác chữ quốc ngữ; Alexandre De Rhodes công kích Nho, Lão, Phật và Alexandre De Rhodes "âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta". Tôi sẽ lần lượt bàn về cả ba lý do đó.
Với lý do thứ nhất, ngày nay giới nghiên cứu dễ dàng đồng ý với nhau rằng chữ quốc ngữ không phải là sản phẩm của Alexandre De Rhodes và Từ điển Việt Bồ La của ông đã thừa hưởng công lao của những giáo sĩ đi trước. Nhưng không có nhà nghiên cứu hiểu biết nào lại sổ toẹt công lao của Alexandre De Rhodes đối với chữ quốc ngữ. Từ điển Việt Bồ La đã ghi một cái mốc quan trọng trong lịch sử chữ quốc ngữ, nhất là trong điều kiện hai cuốn từ điển Việt Bồ của Gaspar De Amaral và Bồ Việt của Antonio Barbosa đã thất truyền. Đó là sự thực mà chỉ những ai cố tình nhắm mắt trước lịch sử mới có thể phủ nhận.
Còn về lý do thứ hai mà các vị trên viện dẫn, tôi đồng ý rằng quả nhiên Alexandre De Rhodes có chê bai nặng lời các tôn giáo khác. Nhưng đó là hạn chế khó tránh không phải chỉ riêng Alexandre De Rhodes. Cần nhớ ông sống cách đây 400 năm và đừng đứng trên quan điểm của thế kỷ 21 để gò người xưa vào khuôn khổ tư tưởng ngày nay. Có lẽ nào chúng ta không cần biết ơn một người do họ có hạn chế về tư tưởng?
Dịch sai, hiểu sai!
Về lý do thứ ba, các tác giả bản kiến nghị dẫn một đoạn viết của Alexandre De Rhodes trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), xuất bản tại Paris năm 1653 với lời dịch của giáo sư Hoàng Tuệ: "Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ", từ đó khẳng định: "Alexandre De Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông" là sai.
Với câu trích đề cập trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu từng dịch: "Tôi tin rằng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để chinh phục toàn phương Ðông và đặt dưới quyền trị vì của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt tại Pháp, tôi sẽ tìm cách có được giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi tại các giáo hội này" (tức là Ðàng Ngoài và Ðàng Trong). Ông Nguyễn Ðình Ðầu nói thêm: "Nếu đọc nguyên đoạn trích trên đây, ta mới hiểu chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai (đối với giám mục là cha và thầy họ). Còn "chinh phục toàn phương Ðông" là để cho "nước Cha trị đến", chứ không phải để cho Pháp đến thống trị. "Chinh phục" hiểu theo nghĩa tôn giáo, chứ không phải chính trị.
Còn theo Hồng Nhuệ (trong cuốn Hành trình và truyền giáo do Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TP.HCM xuất bản năm 1994, ở trang 263, 289) thì đoạn trích phải được dịch: "Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về quy phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn". Và Hồng Nhuệ chú thích từ chiến sĩ ở đây: "Nói chiến sĩ Phúc Âm tức là các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xâm lăng".
Do đó, tôi cho rằng 11 người ký tên không thể tùy tiện dựa vào cách hiểu của mình lên án người xưa như thế.
Tóm lại, tất nhiên các vị giáo sĩ chế tác ra chữ quốc ngữ chỉ để truyền giáo, nhưng lẽ nào người Việt được hưởng ích lợi của chữ quốc ngữ lại tỏ ra vô ơn sao?

PGS.TS HOÀNG DŨNG (ĐH Sư phạm TP.HCM)

Tuesday 12 November 2019

Hồng Công hay Hồng Kông?



Viết cách nào cũng được. Cả hai cách viết đều xuất hiện trên sách báo từ đầu thế kỷ 20, hoặc sớm hơn nữa, và đến nay vẫn tiếp tục được dùng phổ biến. Hồng Kông có phần trội hơn.

Hồng Công Hongkong / Hong-Kong / Hong Kong.[i]
Hồng Kông Hongkong / Hong-Kong / Hong Kong. giường ~  lit de Hongkong.[ii]


[i] * Ông nói : Tàu Hồng-công lại thì có hơn ba trăm người khách, hành lý lôi thôi, áo quần sộc-sệch, có lẻ họ đam cũa bên Trung-quấc qua lập nghiệp ở nước Nam đây, Lão-Ngạt tiên-sanh nhỉ ? Trung Lập Báo số 200 (1924:1, Lảo-Ngạt)
* Nghe nói mậu dịch thu mua, da thì vào nhà máy thuộc da, còn ngầu pín để xuất khẩu đi Hồng Công. Tô Hoài (2000 :40)
[ii] * Trên giường Hồng-kông, cậu tham ngủ mệt vẫn không thưa. Phong Hóa Tuần Báo số 15 (1932:3, T. K. G.)
* Tầu Commandant Henri Rivière chạy từ Hồng-kông đi Haiphong trở 200 hành khách Trung-hoa và nhiều hàng hóa, bị bọn giặc khách hơn 30 người đón cướp, lấy chừng 100.000 đô la ở két và lần lưng từng hành-khách để lấy của. Phong Hóa Tuần Báo số 77 (1933:12)
* Thế là ba, bốn trăm bạc bán vòng chỉ nửa tháng sau đã biến thành nào giường hồng-kông, nào sô-pha, nào đi-văng, nào màn ren, khăn ren đủ thứ. Phong Hóa Tuần Báo số 99 (1934:11, Khái-Hưng & Nhất-Linh)
* Nguy đến nơi ! tôi kéo nhanh cái áo va-rơ dạ tím, trong túi có đồng hồ vàng và ví đựng chín mươi đồng bạc Hồng-kông với mười hai đồng bạc ta. Ngày Nay số 9 (1935:5, Trí Dưỡng)
* Bom nổ ở tám nơi, tại Hồng Kông. Đoàn Thêm (1989-1967:168)
* Nhiều trái bom lại nổ ở Hồng Kông. Đoàn Thêm (1989-1967:233)
* Nghe đâu cả bên Hồng Kông và Pari cũng đòi mua gạc mua sừng mát in Đức Sinh!! Nguyên Hồng (2005c:879)

Wednesday 30 October 2019

Tìm hiểu tên địa danh Đà Lạt qua tư liệu Hán Nôm (Nguyễn Huy Khuyến - Báo Lâm Đồng)

Cập nhật lúc 08:58, Thứ Năm, 29/06/2017 (GMT+7)
Trong những năm gần đây, vấn đề nghiên cứu địa danh học của các địa phương được nhiều nhà khoa học quan tâm. Đà Lạt, Lâm Đồng, Lâm Viên là những tên gọi tưởng chừng như rất quen thuộc. Tuy nhiên, vấn đề nguồn gốc, trích dẫn trên di tích, hay trên những văn bản cổ vẫn chưa được nhiều người biết đến. Đặc biệt, địa danh tên gọi Đà Lạt được triều đình nhà Nguyễn và nhân dân ghi như thế nào? Cái tên Đà Lạt chỉ thực sự được các nhà nghiên cứu quan tâm trên cơ sở tiếng Pháp và tiếng của người dân tộc bản địa trước đây. Mặc dù vậy, sự thiếu thống nhất trong việc sử dụng chữ Hán để ghi chép địa danh Đà Lạt cũng gây nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu.
Theo bài viết Về nguồn gốc địa danh Đà Lạt của tác giả Thân Trọng Sơn: “Có ý kiến cho là Đà Lạt là cách đọc trại của Đa Lạc, nhiều niềm vui, viện dẫn địa danh của nhiều thôn xóm, khu phố của thành phố này như Đa Lợi, Đa Lộc, Đa Thành, Đa, Đa Thiện... Xem ra đây chỉ là một lý giải dễ dãi, hời hợt, thiếu chứng cứ, ít thuyết phục”. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về mặt ý nghĩa của những địa danh này, chúng tôi nhận thấy tất cả tên gọi trên đều mang ý nghĩa rất sâu sắc. Về ý nghĩa của những địa danh này, chúng tôi sẽ giải thích ở phần sau. Để có căn cứ xác đáng, chúng tôi tập trung đi vào nghiên cứu chữ ghi trên di tích, hoành phi câu đối của một ngôi đình mang tên Đà Lạt, đình này được xây dựng năm Bảo Đại thứ 11.
Ảnh tài liệu Lâm Viên hành trình nhật ký có chữ Đa Lạc
Ảnh tài liệu Lâm Viên hành trình nhật ký có chữ Đa Lạc
Từ ghi chép trong câu đối, hoành phi trên di tích
Có một ngôi đình mang tên địa danh Đà Lạt, đó là đình mà người dân quen gọi là đình Đà Lạt. Trên bức hoành phi treo trên gian chính giữa của ngôi đình ghi là “多樂亭” Đa Lạc đình (Đình Đa Lạc) người dân quen gọi là đình Đà Lạt. Ý nghĩa của ba chữ Hán trên nghĩa là nhiều niềm vui (Đa Lạc).
Ngoài hoành phi ra, thì hai cột chính của đình có cặp câu đối để ca ngợi sự nổi tiếng của Đà Lạt được lưu danh trong vũ trụ.
多樂大名垂宇宙 Đa Lạc đại danh thùy vũ trụ,
亭祠終古掛江山 Đình từ chung cổ quải giang sơn.
Dịch là: Tiếng tăm lớn lao Đà Lạt lưu truyền trong vũ trụ,
Đình, nhà thờ từ xưa đến nay sông núi còn mãi khắc ghi.
Đến ghi chép trong chính sử và nhật ký
Trong Lâm Viên hành trình nhật ký của Đoàn Đình Duyệt có ghi chép về địa danh Đà Lạt. Trong văn bản này, Đoàn Đình Duyệt đã tám lần nhắc đến địa danh Đà Lạt nhưng chỉ dùng hai chữ (多洛). Đa là nhiều, Lạc là tên của con sông Lạc Thủy. Nếu giải thích như vậy, e rằng hai chữ Hán này chẳng ăn nhập gì với ý nghĩa của tên địa danh. Nên có thể tạm hiểu là ông Đoàn Đình Duyệt chỉ mượn âm đọc để ghi tên địa danh mà thôi.
Bản sách bằng chữ Hán Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên thời vua Duy Tân thứ 10 (1916) có một đoạn nói về Đà Lạt như sau: “Tháng 3 thiết lập thị xã Lâm Viên. Lúc đầu vì địa thế Lâm Viên rộng rãi, khí hậu mát mẻ, tương lai có thể thành nơi đô hội đông đúc, đã đặt riêng làm một tỉnh. Lúc ấy nghĩ đặt thêm ở xứ Đà Lạt một thị xã và dinh thự nhà cửa... ”. Hai chữ Đà Lạt ở đoạn này lại sử dụng hai chữ Hán là Đồ Lịch.
Tiếp sau bộ đệ lục kỷ thì đến bộ sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ cũng nhiều lần nhắc đến địa danh Đà Lạt: “Tòa Khâm sứ hội thương nói Công sứ Đà Lạt xin cấp quan phòng bằng gỗ (trong khắc Lâm Viên quan phòng)...”. Hai chữ Đà Lạt cũng được ghi là Đa Lạc.
Tuy nhiên, cũng trong sách này ở mục 0207, khi ghi chép về đường đi từ Ninh Chữ đi Đà Lạt lại được ghi chữ Hán là Đà Lặc. Mục 0398 lại sử dụng hai chữ Đa Lạc. Khi so sánh khí hậu Bà Nà sách này chép: “chỗ ấy khí hậu mát mẻ không kém Đà Lạt”. Hai chữ Đà Lạt ở đây cũng được phiên từ Đa Lạc. Đặc biệt, mục 0600 sách này dành hẳn một đoạn dài để ghi chép lời vua Khải Định khi vua nói chuyện với các bề tôi rằng: “Toàn quyền đại thần nghĩ muốn kinh lý đất Đà Lạt để xây dựng một thị xã lớn lệ vào Trung Kỳ mà không thuộc quyền quản trị của Công sứ Lâm Viên, lại nghĩ xây dựng một tuyến đường xe lửa để tiện thông hành. Trẫm cho rằng nếu kinh lý đất ấy thành công thì sẽ rất có ích. Vả lại trẫm từng nghe người phương Tây nói đất Đà Lạt khí hậu rất tốt, hơn hẳn Luzon”... Ngoài ra mục 0760 và 0998 cũng nhắc đến địa danh Đà Lạt và sử dụng cùng chữ Đa Lạc.
Tóm lại, hai bộ sách lớn của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên và Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ dùng sáu chữ Hán khác nhau để phiên âm cho từ Đà Lạt. Đó là hai chữ Đồ Lịch, hai chữ Đà Lặc và hai chữ Đa Lạc. 
Tổng kết từ di tích đến thư tịch chữ Hán của triều Nguyễn, chúng tôi nhận thấy sự khác nhau trong việc sử dụng các chữ Hán để phiên âm cho địa danh Đà Lạt. Ngay cả trong văn bản của triều Nguyễn cũng ghi chép không thống nhất, Đa Lạc, Đồ Lịch, Đà Lặc.
Như vậy, xét về cách phiên âm đã có sự khác nhau không hề nhỏ. Nguyên nhân vì sao lại có sự khác nhau này? Trước hết, ở đây người viết đã dùng hai chữ Hán có âm đọc gần giống với từ Đà Lạt khi đọc cho thuận. Thứ hai, vì chưa có một sự chuẩn hóa từ cho địa danh này nên không có một chữ chuẩn để sử dụng. 
Trở lại những địa danh như Đa Lợi, Đa Lộc, Đa Thành, Đa Thiện...tất cả chữ đầu đều là chữ Đa (có nghĩa là nhiều), ví như Đa Lợi (nhiều lợi), Đa Lộc (nhiều lộc), Đa Thành (nhiều thành ý), Đa Thiện (nhiều điều thiện)... có lẽ những địa danh này bắt nguồn từ chữ Đa trong từ Đa Lạc là hợp lý hơn cả. Những địa danh trên đều mang ý nghĩa sâu sắc mà các vị tiền bối đã gửi gắm vào chữ nghĩa, ngưỡng vọng những điều tốt đẹp cho con cháu mai sau. Đà Lạt, dù có được sử dụng nhiều chữ Hán khác nhau để phiên âm đọc, nhưng thành phố có nhiều niềm vui, giống như lời tiên đoán của vua Duy Tân “đất ấy tương lai có thể thành nơi đô hội đông đúc”, và ngày nay, Đà Lạt thực sự đã trở thành nơi hội tụ đông đúc, là thành phố được sánh như một tiểu Paris, được lưu danh cùng với sông núi, trường tồn cũng vũ trụ. Vậy, có tên nào đẹp hơn nữa khi Đa Lạc, Đồ Lịch, Đà Lặc cuối cũng cũng chỉ để ghi tên Đà Lạt - Thành phố có nhiều niềm vui.
NGUYỄN HUY KHUYẾN