Thời Báo Kinh
tế Sài Gòn
Xuân Đinh Dậu (2017)
(http://www.viet-studies.net/THDung/THDung_GSTS.htm)
Phiếm luận về danh xưng với học vị, học hàm
Trần Hữu Dũng
Khi mới từ nước
ngoài trở về Việt Nam, không ít người có cảm giác lạ lẫm khi đọc báo
thấy những trí thức khoa bảng luôn được kèm theo danh hiệu Giáo Sư
(GS), Phó Giáo Sư (PGS), Tiến Sĩ (TS), và nhất là khi những danh
hiệu này đi kèm nhau: GS TS, PGS TS.[1]
Thậm chí, nhiều bạn đã có tiến sĩ, là giáo sư ở nước ngoài, cảm thấy
ngượng ngùng, bối rối khi “được” gọi như vậy trên các phương tiện
truyển thông đại chúng, không liên hệ gì đến học thuật, ở Việt Nam.
Hơi ngượng, khá bối rối, nhưng rồi lại không dám yêu cầu báo chí
không gọi là tiến sĩ vì như thế lại e bị hiểu lầm là lập dị, là “kênh
kiệu ngược” (reverse snobbery)
Thực ra, so với
vô số đại sự của quốc gia thì chuyện danh xưng này quả là “nhỏ như
con thỏ”, nhưng nhân dịp Tết nhứt, xin có đôi dòng phiếm luận để
giải khuây cho bạn đọc.
Bằng tiến sĩ
chứng tỏ điều gì và để làm gì?[2]
Ai đã lấy PhD ở
Mỹ đều biết rằng bằng cấp này chỉ là một cái vé vào cửa để được
phỏng vấn khi đi xin việc ở các đại học, các viện nghiên cứu ở nước
ngoài. Thế thôi. Theo nhà kinh tế nổi tiếng Michael Spence (Nobel
2001) thì bằng cấp (do một đại học có uy tín cấp) cốt yếu là một tờ
giấy chứng nhận cho những người
không có cách nào khác để chứng tỏ khả năng (trong đó
có sự kiên trì) của mình. Spence giải thích: Một người có thực
tài, ai nhìn cũng thấy ngay, thì không cần bằng cấp khi đi xin việc!
Nói theo thuật ngữ kinh tế: Bằng cấp là một “tín hiệu cho thị
trường”.
Tiến sĩ là một
bằng cấp tối hậu (terminal degree) của hệ thống giáo dục hiện đại,
nhưng nó chỉ là một (trong nhiều) chỉ dấu của trí thức. Và ngay khi
là chỉ dấu như thế, nó cũng không là chỉ đấu tột bực. Ở các nước có
một nền học thuật lâu đời, bằng tiến sĩ chỉ là một tấm vé để bước
chân vào ngưỡng cửa của cộng đồng nghiên cứu và giảng dạy bậc đại
học. Nó không phải là “vinh quang” tối hậu của một sự nghiệp học
thuật. Uy tín của một nhà nghiên cứu, của một giáo sư tùy
thuộc hoàn toàn vào những thành tựu của người ấy
sau khi đã có tiến sĩ (Einstein, chẳng hạn, không cần ai gọi
mình là GS TS!). Thậm chí, một nhà khoa học xuất chúng, dù không có
bằng tiến sĩ vẫn được xã hội nễ trọng hơn những người có tiến sĩ,
nếu người ấy có một sự nghiệp học thuật tầm vóc.
Đi đâu cũng tự
xưng, hay đòi người khác gọi mình là Giáo Sư Tiến Sĩ (dù là giáo sư
tiến sĩ thật, không phải dỏm), không chỉ là làm dáng, phô
trương, nhưng còn cho mình một cảm giác (thường) sai lầm về những
thành tụu thật sự của bản thân, rằng mình hiện đã đạt đến tột đỉnh
của học thuật, và khó tránh khỏi sự tự mãn đầy kiêu căng. Không gì
“phản trí thức” hơn phong thái ấy.
Tự xưng và gọi
nhau là GS TS thì có hại gì?
Nhiều người sẽ
bảo, dù các cơ quan truyền thông có tâng bốc các giáo sư tiến sĩ,
không bao giờ quên kèm theo học vị học hàm khi viết tên họ, thì có
hại gì ai? Sao không xem đó như phản ảnh sự kính trọng “kẻ sĩ” của
văn hóa Việt Nam? Vâng, nhìn từ một góc cạnh nhỏ hẹp thì quả việc
này là không đáng kể so với những vấn đề trọng đại của đất nước.
Tuy nhiên, nó có thể liên hệ đến những hiện tượng khác làm suy giảm
chất lượng đòi sống của chúng ta. Chẳng hạn như:
Bằng cách tung hô
danh xưng GS, PGS, TS... các cơ quan truyền thông vô tình đơn điệu
hóa thang trí thức học thuật, và từ đó, đến giá trị xã hội.
Bởi, như đã nói, những học hàm, học vị này là chức vụ trong lãnh vực
giáo dục, là một chỉ dấu của khả năng nghiên cứu. Chúng không
nhất thiết có hàm ý nào về giá trị toàn diện của con người (mà phần
chính, hiển nhiên, là đạo đức). Gắn kết học vị học hàm, mà không
một đặc điểm nào khác, với danh tính một người là mặc nhiên đưa nó
lên vị trí hàng đầu. Nói thẳng ra, theo ý người viết bài này,
chính “thói quen” này của giới truyền thông đã giúp duy trì nạn
“sính bằng cấp” trong xã hội Việt Nam.
Nạn sính bằng
cấp, từ đó, sẽ có hậu quả dễ hiểu đến chất lượng tiến sĩ: Khi mà sự
ham muốn bằng cấp không thể được thỏa mãn vì khả năng học tập và
nghiên cứu của “đương sự” là “có hạn” thì tất nhiên sẽ sinh ra những
tiến sĩ dỏm, những luận văn không đáng được gọi là luận văn. Báo chí
đừng gọi họ là tiến sĩ nữa thì chất lượng tiến sĩ sẽ khá lên, vì lúc
ấy chỉ những người thật sự có năng lực, có trí tuệ, đam mê nghiên
cứu, giảng dạy... mới bỏ công dùi mài kinh sách trong một chương
trình tiến sĩ, loại bỏ những “phần tử” “sinh ra không phải để theo
đuổi học thuật” (mà trong một xã hội bình thường là hoàn toàn bình
thường, không có gì để mặc cảm), chạy chọt lấy "tiến sĩ' chỉ vì hám
danh. Gạn lọc những phần tử “không thích hợp” này thì chất
lượng tiền sĩ đương nhiên sẽ khá lên!
“Giải pháp”
Báo chí vô tình
cũng là tòng phạm trong hiện tượng này. Vì thói quen, hay để
“tâng bốc” đương sự, báo chí ít khi quên gọi một giáo sư tiến sĩ là
GS/PGS TS. Bởi vậy, tôi nghĩ, các giáo sư tiến sĩ khi được
phòng vấn, hãy nói thẳng với phóng viên là không cần để là GS TS
trước tên ông/bà.
Song, phải nhìn
nhận, đây là một tập quán khó thay đổi. Nếu một cá nhân muốn
như thế và yêu cầu người phỏng vấn mình làm như thế thì cũng chưa
chắc nhà báo sẽ nghe theo, vì nhà báo cũng muốn được hãnh diện là họ
phỏng vấn một vị “giáo sư, tiến sĩ” chứ không phải “thường dân”!
Vậy, có vài đề
nghị:
(1) Nếu người ấy
có hiện giữ một chức vụ khác (Bộ trưởng, Chủ tịch...) thì chỉ nên
dùng những chức vụ hiện tại, không cần phải thêm là GS TS gì cả.
(2) GS, hoặc TS
là đủ, không cần gọi cả hai (GS TS). Ở các quốc gia có những
danh hiệu này lâu đời, hầu hết giáo sư đều có tiến sĩ, gọi GS TS là
thừa. Nên để ý rằng tiến sĩ có thể không là giáo sư (chẳng hạn
như những nhà khoa học làm việc trong các viện nghiên cứu)
(3) Chỉ tự xưng
là giáo sư hay tiến sĩ trong những hoàn cảnh mà danh hiệu ấy chuyển
tải một thông tin có ich cho người đọc/nghe, và nếu người đối thoại
không biết thông tin ấy.[3]
Theo tôi, chỉ nên gọi giáo sư (hoặc tiến sĩ, không cần cả hai) trong
khuôn viên đại học, viện nghiên cứu, hoặc trong các hội nghị, hội
thảo khoa hoc.
Tôn vinh những
người có đạo đức, thực tâm, thực tài là một điều xã hội nên làm.
Nhưng để tôn vinh những người xứng đáng, và với sự trân quý thật
lòng, xã hội không nên dừng lại ở danh hiệu tiến sĩ mà phải chịu khó
tìm biết xem người ấy có những công trình nghiên cứu, những đóng góp
khoa học nào, dạy ở trường nào, bao nhiêu năm... và thể hiện sự nễ
trọng (nếu thấy họ xứng đáng) bằng cách nghiêm túc lắng nghe ý kiến
của họ, đọc những gì họ viết. Dù rằng việc kiểm chứng ấy sẽ không
dễ đối với đa số không quen thuộc với môi trường học thuật (nhưng
lắm khi Google vài phút là biết ngay!), song đó cũng là một
cách nâng cao kiến thức của mọi người. Một trí thức đích thực
sẽ vô cùng cảm kích khi đối thoại với một người quan tâm đến nghiên
cứu của mình, được nghe những câu hỏi phản ảnh một sự hiểu biết về
công việc và những thành tựu của trí thức ấy. Đó là cách tốt
nhất để tôn vinh “tiến sĩ”!
Trần Hữu Dũng
15/12/2016
[1]
Nhiều quốc gia khác, như Nga, Đức, cũng có phong tục này,
nhưng tôi không biết nhiều về bối cảnh xã hội và truyền
thống lịch sử của họ nên chỉ xin nói về trường hợp Việt Nam.
Đèn nhà ai nấy sáng!
[2]
Xin nói rõ, đây là nói về bằng tiến sĩ “thật”. Dường
như vấn nạn tiến sĩ dỏm, tiến sĩ kém chất lượng, cũng rất
trầm trọng ở Việt Nam, nhưng đó là một vấn đề khác.
[3]
Ví dụ, nếu trên máy bay có một hành khách ngả bệnh, và
nếu bạn là bác sĩ, thì bạn có quyền (đúng ra là bổn phận!)
hô lớn: Tôi là bác sĩ! Nhưng bạn không cần phô
trương học hàm học vị của bạn với người bán cà phê chẳng
hạn!