Wednesday 14 June 2017

từ nguyên của "NHÀ CẢ" trong thơ Nôm Nguyễn Trãi (Trần Trọng Dương)

Từ nguyên của "NHÀ CẢ" trong thơ Nôm Nguyễn Trãi

nhà cả ◎ Nôm:
dt. dịch chữ đại trạch大宅, nghĩa là “trời đất, kiền khôn, vũ trụ” [Từ Nguyên: 0358]. Sách Hậu Hán thư phần Phùng Diễn liệt truyện: 游精神於大宅兮 (thần khí chơi khắp vũ trụ chừ).
Đống lương tài có mấy bằng mày, Nhà cả đòi phen chống khoẻ thay. (Tùng 219.2).

Trong bài thơ, rõ ràng là cả đống lương (phẩm chất kẻ trượng phu) và nhà cả đều được dùng với nghĩa bóng. Không có chuyện gỗ tùng có thể chống nhà lớn. Vì nếu đã làm cột thì lấy đâu cội rễ bền, còn dâu “nhuốm tuyết sương”. Tác giả đem đến cho ta một hình ảnh tùng trực diện giữa trời đất thiên nhiên và một biểu tượng về đại trượng phu tùng trong ngầm ý so sánh với chính phẩm cách mình, tâm trạng mình [Nguyễn Hùng Vỹ 2005: 34].
(Trích Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển)


Nhân đây xin đăng lại toàn văn bài của Nguyễn Hùng Vỹ.


Hai chữ NHÀ CẢ trong bài thơ “Tùng” của Nguyễn Trãi
Nguyễn Hùng Vĩ

“Tùng” là một bài thơ hay nằm trong di cảo thơ Nguyễn Trãi. Nó không bị lẫn vào các thơ Nôm Lê Thánh Tông, Tao Đàn hay thơ ca thời Lê- Trịnh. Các nhà sưu tập thơ Nguyễn Trãi đều để tâm đến bài thơ này khi phiên âm và chú giải nó. Bùi “Tùng” đã vào sách giáo khoa và được chú thích, bình giảng nhiều lần. Song rất tiếc, có hai chữ trong bài thơ này chưa được hiểu cặn kẽ, thậm chí còn được hiểu sai lệch. Đó là hai chữ “nhà cả” trong câu thơ:
Nhà cả đòi phen chống khỏe thay.
Các tác giả cuốn “Nguyễn Trãi toàn tập” (Nxb.KHXH, 1976) chú thích về hai chữ này: “nhà cả: chữ Hán là đại hạ. Có câu thơ “nhất mộc chi đại hạ” (một cây đỡ tòa nhà). Câu này có ý là mình đã từng đôi phen làm cái việc lớn ấy.
Chúc thích này cung cấp cho ta những thông tin sau:
- Nhà cả là dịch từ chữ đại hạ.
- Đòi phen được hiểu là “đôi phen”.
- “Tòa nhà lớn” được hiểu là “triều đình”, “đỡ tòa nhà lớn” là làm việc triều đình, làm làm lương đống cho quốc gia.
Có lẽ từ chú giải này, sách giáo khoa dần dần chỉ hiểu rằng cây tùng cây tùng có thể làm rường cột để xây dựng ngôi nhà lớn cũng như người quân tử có thể làm lương đống cho nước nhà.
Trước đây, khi tiếp xúc với văn học Nguyễn Trãi, chúng tôi đã có ý nghi ngờ chú giải cho rằng, gỗ tùng có thể là vật liệu khỏe để xây dựng nhà cửa. Trong quan sát văn hóa truyền thống, ở Việt Nam, hầu như chúng tôi chưa thấy người ta dùng thông làm rường cột chịu lực bao giờ. Gỗ thông mềm, dọc thớ, dễ choác, dễ mục. Ngay cả việc dùng nó làm ván vách trwcs đây cũng cực kỳ hiếm hoi. Như vậy, ắt hẳn hai từ “nhà cả, trong bài thơ không thể hiểu là ngôi nhà lớn, cụ thể như nhiều người vẫn hieur. Nguyễn Trãi khi sáng tạo ra bài thơ này đã không dùng với nghĩa đó.
Trong Quốc âm thi tập , chúng tôi thấy tất cả các kết cấu có gắn liền với từ cả đều có dấu ấn của sự chuyển dịch từ những ẩn ngữ Hán. Ví dụ như:
- Liêm cần tiết cả (đại tiết) tua hằng nắm.
- Ẩn cả (đại ẩn) lọ chi thành thị nữa.
- Người xưa ẩn cả lọ lâm tuyền.
- Tự nhiên cả muốn (đại dục) chúng suy nhường.
- Kìa ai cây cả (đại thụ) nhàn ngồi tựa.
- Hằng lấy đạo trung làm nghĩa cả (đại nghĩa).
- Cả lòng (đại lượng) mượn lấy đắp hơi cùng.
- Tài đống lương cao ắt cả dùng (đại dụng).
Tất cả các từ trên đều được các từ điển và các chú giải thơ ca giải thích nghĩa ẩn dujg của nó. Ngay cả trường hợp từ cả đứng một mình trong câu thơ sau:
Nước càng tuôn đến bể càng cả.
Thì cũng gợi ý ta nhớ về thành ngữ quen thuộc “tràng giang đại hải”. Rõ ràng là trong việc xây dựng ngôn ngữ thơ ca, văn học Việt Nam đã tiếp thu tinh hoa một nền văn chương kỳ cựu nhất thế giới, một nền thơ ca giá trị nhất thế giới để làm giàu có cho mình.
Có thể hai từ “nhà cả” trong câu thơ của Nguyễn Trãi là chuyển dịch từ hai từ đại hạ như tác giả NTTT đã chú vì hai từ này có nghĩa bóng rộng hơn là ngôi nhà lớn. Song chúng tôi cho rằng hợp lý hơn cả là Nguyễn Trãi đã chuyển dịch từ hai từ “đại trạch”.
“Trạch” trong từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải thích nghĩa là “nhà ở, mồ mả, ở”. Từ nguyên giair thích “đại trạch” nghĩa thứ nhất, phổ biến là “thiên địa”, nghĩa thứ hai là ngôi nhà lớn dành cho các vua chư hầu. Đến đây đọc lại đoạn thơ của bài Tùng ta thấy tác giả đã dùng từ nhà cả rõ ràng với nghĩa “trời đất”, “thiên địa”, “vũ trụ|:
Đống lương tài có mấy bằng mày
Nhà cả đòi phen chống khỏe thay
Cội rẽ bền rời chẳng động.
Tuyết sương đã thấy đặng nhiều ngày.
(Năng lực, phẩm cách làm lương đống có mấy ai bằng được tùng
Bao phen đứng ”chống trời chống đất” vững vàng thay.
Thế mà cội rễ vẫn bền chuyển chẳng hề lay
[Vì đứng giữa đất trời nên] thấy nhiều ngày nhuốm trải tuyết sương).
Trong bài thơ, rõ ràng là cả đống lương (phẩm chất kẻ trượng phu) và nhà cả đều được dùng với nghĩa bóng. Không có chuyenj gỗ tùng có thể chống nhà lớn. Vì nếu đã làm cột thì lấy đâu cội rễ bền, còn dâu “nhuốm tuyết sương”. Tác giả đem đến cho ta một hình ảnh tùng trực diện giữa trời đất thiên nhiên và một biểu tượng về đại trượng phu tùng trong ngầm ý so sánh với chính phẩm cách mình, tâm trạng mình, một con người đâu chỉ ẩn dật, khách lâm tuyền mà còn là một đấng trượng phu như sách Mạnh tử nói: phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.
Viết đến đây, tôi thoạt nhớ đến câu thơ của Mai Nham Trần Bích San:
Tiếu hàn nhiên hậu tri tùng bách
Nhân bất phong sương vị lão tài.

Saturday 10 June 2017

Vông mồng gà (Đông A)

Vông mồng gà

Photobucket

いろみえて
うつろふ物は
世中の
人の心の
花にそありける

iro miede 
utsurou mono wa 
yo no naka no 
hito no kokoro no 
hana ni zo arikeru 

Ono no Komachi

Sắc ngoài không phai
mà vẫn biến đổi
là hoa trong lòng 
của người từng trải
ở cõi đời này

Lần đầu tôi thấy cây hoa này ở một con phố nhỏ ở Hà Nội. Tôi không biết cây hoa có tên là gì, hỏi những người bạn đi cùng cũng không ai biết. Về nhà tra Google mới biết là cây vông mồng gà, có tên khoa học là Erythrina crista-galli. Nhìn bức ảnh tôi chụp ở trên, bạn có nhận ra đặc điểm gì đặc biệt của Hà Nội không? Bụi. Bụi bám trên những chiếc lá. Hà Nội của tôi bụi bặm, đông đúc và ồn ào. Không gian ngột ngạt, chỉ còn những chùm hoa như những ngọn lửa trên cây, như phương Tây gọi cây là cây bông lửa (flame tree), và không biết đến bao giờ chúng mới bùng cháy cả Hà Nội này, và tôi chợt nhớ tới bài thơ của Akhmatova mà tôi đã từng dịch:

... Và tôi cảm thấy những ngọn lửa cháy rực
Bốc cùng tôi cho tới tận rạng đông
Và tôi vẫn chưa làm sao dò ra được 
Chúng màu gì, những con mắt đó lạ lùng
Tất cả vừa run run vừa ca hát bốn phương
Lẫn cả tôi không nhận ra, ngươi kẻ thù hay bè bạn
Và mùa đông hay mùa hạ ở đây.

Thiết mộc lan (Đông A)

Thiết mộc lan

Photobucket

夜の蘭 香にかくれてや 花白し
yoru no ran ka ni kakurete ya hana shiroshi
Buson

Dạ lan
trong mùi hương ẩn giấu
màu hoa trắng

Bài haiku của Buson viết về một loài hoa lan nở trong đêm. Trong bóng đêm chúng ta không nhìn thấy sắc hoa nhưng ngửi thấy hương hoa, cứ như là cây giấu hoa của mình trong mùi hương. Hương vị che giấu màu sắc là một cảm nhận rất vi tế.

Thiết mộc lan có tên khoa học là Dracaena fragrans, không phải là một loài hoa lan. Hoa của thiết mộc lan cũng nở vào buổi tối và hương cũng rất thơm. Thiết mộc lan rất dễ trồng và rất dễ sống. Đây cũng là loại cây có tác dụng lọc formaldehyde trong không khí, và theo nghiên cứu của NASA là một trong top 10 loài cây lọc không khí tốt nhất, và như vậy rất có ích trồng ở trong nhà. 

Xích đồng (Đông A)

Xích đồng

Photobucket

桐の花咲くや都の古屋敷
Kiri no hana saku ya miyako no furuyashiki
Shiki

Hoa đồng nở
ngôi nhà cổ kinh đô
bày ra

Cây xích đồng (hay mò đỏ) có tên khoa học là Clerodendrum japonicum. Tên gọi xích đồng khá thống nhất với tên gọi trinh đồng của người Trung Quốc và phi đồng (higiri) của người Nhật Bản [xích, trinh, phi đều có nghĩa là màu đỏ]. Tuy cũng gọi là "đồng" nhưng cây không có liên quan với cây ngô đồng mùa thu lá rụng. Bài haiku của Shiki nói về cây ngô đồng. 

Trúc Nhật (Đông A)

Trúc Nhật

Photobucket

稲妻にこぼるる音や竹の露
inazuma ni koboruru ota ya take no tsuyu
Buson

Trong tia chớp
tiếng rơi khắp
những giọt sương lá trúc

Tia chớp lóe lên nhưng không nghe thấy tiếng sấm, mà nghe thấy tiếng những giọt nước rơi khắp trên cây trúc, nhìn ra thì lại là những giọt sương. Trong ánh chớp đấy, những giọt nước mưa trên lá trúc trông giống như những giọt sương, long lanh, tròn trịa, nhưng lại khác những giọt sương ở chỗ chúng tạo ra âm thanh, như một hệ quả của tia chớp.

Cây trúc Nhật có tên khoa học là Dracaena surculosa. Cái tên trúc Nhật là một cách gọi tùy tiện của dân gian, kiểu cũng giống như trúc Pháp, lan Ý. Những cây này hoàn toàn không có nguồn gốc riêng biệt từ Nhật, Pháp hay Ý. Tuy gọi là trúc, chi Dracaena không có liên quan gì tới tre trúc. Trái lại, cây trúc Nhật khá gần gũi với thiết mộc lan hay cây phất lộc (phát lộc, Dracaena sanderiana). Người Việt còn gọi cây trúc Nhật là trúc Quan Âm, trong khi đấy người Trung Quốc, Nhật Bản gọi cây trúc Quan Âm là cây trúc mây. Người Nhật gọi cây trúc Nhật là tinh thiên niên mộc, còn người Trung Quốc gọi là du điểm mộc, cho thấy cả người Nhật lẫn người Trung Quốc đều không coi cây trúc Nhật thuộc loại tre trúc. Vì cây trúc Nhật thuộc chi Dracaena nên hoa của nó hoàn toàn không giống hoa tre trúc cũng như hoa cau, cọ. Chúng nghiêng về phía thiết mộc lan

Tử đằng (Đông A)

Tử đằng

Photobucket

Hoa tử đằng này có tên khoa học là wisteria floribunda. Hoa này còn gọi là tử đằng Nhật để phân biệt với hoa tử đằng Trung quốc cùng chi (wisteria sinensis). Tiếng Đức gọi hoa tử đằng là Blauregen, mưa tím, bởi vì hoa rủ xuống như làn mưa màu tím chảy xuống từ mái hiên. Cái tên vừa đẹp lại vừa man mác buồn. Màu tím đã man mác buồn lại thêm mưa. Cứ theo kiểu Việt Nam loại hoa này dễ bị gọi là lan hay phong lan. Nhiều khi tôi không thể nào hiểu được cách gọi tên hoa của người Việt. [Bổ sung: tiếng Việt gọi hoa này là dây sắn tía]. Loại hoa tím gọi là tử đằng, loại hoa trắng gọi là ngân đằng. Quảng quần phương phổ chép rất nhiều loại cây đằng. Đằng là tên chung chỉ loại cây có tua rủ xuống.

Lý Bạch có bài thơ Tử đằng thụ:

Tử đằng quải vân mộc
Hoa mạn nghi dương xuân
Mật diệp ẩn ca điểu
Hương phong lưu mỹ nhân

Tôi dịch bài Cây tử đằng này thành thơ:

Tử đằng treo chót vót
Lớp lớp tưởng đương xuân
Cánh rậm che chim hót
Hương bay níu mỹ nhân

Tôi bỗng nhận ra ở Việt Nam rất ít hoa mọc trong tự nhiên, hay chính xác hơn, ở thành phố thấy rất ít loại hoa nở ở những nơi công cộng. Có thể rừng Việt Nam có nhiều hoa, nhưng tôi lại chưa bao giờ vào rừng ở Việt Nam. Vào rừng ở Việt Nam có lẽ không an toàn vì dễ có những thứ vắt, rắn, rết. Người Việt chơi hoa không được tự nhiên. Chẳng hạn đào, quất cứ phải thiến đào, đảo quất để ép cây nở hoa hay ra quả vào một khoảng thời gian nhất định. Tưởng là hay, nhưng thực ra rất dở vì không thể nào tạo ra được một phố đào, phố quất. Dịp Tết tôi ra bãi Phúc Xá xem hoa đào, nhưng quả thật không thể nào đẹp bằng một rừng đào hay một bãi đào vì những cây đào ở Phúc Xá đều con con, mang tính bài trí trong nhà hơn là ở ngoài tự nhiên. Cứ tưởng Việt Nam có nhiều loại hoa đào, nhưng thực ra Việt Nam có rất ít loại hoa đào nếu so với các nước khác. Hay là xuân hết lại viết về đào.
Photobucket

Hoa Ưu Đàm (Blog Đông A)

Hoa ưu đàm

Photobucket

優曇華の花待ち得たる心地して   深山桜に目こそ移らね
udonge no  hana machi-etaru kokochi shite 
mi-yama-zakura ni me koso utsurane

In thirty hundreds of years it blooms but once
My eyes have seen it, and spurn these mountain cherries
Tale of Genji

Hoa ưu đàm hay ưu đàm bát la là tên phiên âm kiểu Hán-Việt từ tiếng Pali hay Sanskrit udumbara. Trong tiếng Pali hay Sanskrit udumbara là cây Ficus racemosa, tức là cây sung trong tiếng Việt. Thế nhưng về hoa ưu đàm có nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí mang tính huyền bí. Tại sao? Nguyên do các kinh điển Phật giáo đề cập tới loài cây này, vừa theo nghĩa đen, vừa theo nghĩa bóng với những ẩn dụ mang tính tôn giáo. Nhìn bên ngoài, cây sung vốn được coi là loài cây không có hoa, chỉ có quả. Nhưng về mặt khoa học, điều đó không đúng. Cây sung có hoa, cả hoa đực lẫn hoa cái, nhưng hoa phát triển cùng với hạt trong cùng một khối mà chúng ta gọi là quả sung. Thực chất bên trong quả sung chính là hoa sung. Nhưng dân gian không biết điều đó, cho rằng cây sung không có hoa hoặc rất khó ra hoa. Vì vậy mà cây sung còn có tên gọi là "vô hoa quả". Chính vì đặc tính không có hoa như vậy mà cây sung được ẩn dụ hóa thành một loài cây rất hiếm khi ra hoa, và do vậy cây sung ra hoa là một sự kiện hy hữu, được liên kết với những sự kiện tôn giáo mang tính hy hữu đặc biệt.

Hoa ưu đàm trong các kinh tạng của Phật giáo Nguyên thủy bằng tiếng Pali chỉ hàm nghĩa ẩn dụ như trên, chưa có các đặc điểm huyền bí như sau này. Udumbara trong kinh tạng tiếng Pali khi được dịch ra các tiếng khác, đều dịch là cây sung, kể cả tiếng Việt. Ví dụ như trong Kinh tập của Tiểu Bộ kinh, phần phẩm Rắnkinh Rắn, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch như sau:

"Ai trong các sanh hữu,
Không tìm thấy lõi cây,
Như kẻ đi hái hoa,
Trên cây sung không hoa.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa."

Cây sung không hoa chính là udumbara, tức là ưu đàm bát la. Cũng như vậy trong Thiên Đại phẩmcủa Tương Ưng Bộ kinh, phần Tương Ưng Giác Chi, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch rất rõ udumbara là cây sung:

"Và này các Tỷ-kheo, những cây lớn nào sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác, các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống? Ví như cây Bồ-đề, cây bàng, cây sanh (pilakka), cây sung (udumbara), cây bách hướng (kacchaka), cây kapitthaka; những cây lớn này, này các Tỷ-kheo, sanh từ hột giống nhỏ, có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác. Các cây ấy bị bao trùm, bị phá hủy, bị hư hại, ngã xuống, nằm rạp xuống."

Thế nhưng ngay ở kinh tạng tiếng Pali, udumbara không chỉ hàm nghĩa là một loài cây hiếm khi ra hoa, mà còn hàm nghĩa là loài cây giác ngộ tức là một loài cây bồ đề, thành ra udumbara lại có thể được hiểu thành cây bồ đề. Nguyên do Thế tôn Konagamana giác ngộ dưới cây udumbara. Thực chất, cứ hiểu Thế tôn Konagamana giác ngộ dưới gốc cây sung sẽ chẳng có vấn đề gì, nhưng tôn giáo luôn muốn thần thánh hóa, không muốn gọi là cây sung, mà muốn gọi là cây giác ngộ, thành ra chuyện trở nên rắm rối. Kinh Đại Bổn trong Trường Bộ kinh có đoạn được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch như sau:

"Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây pàtali (bà-bà-la). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Sikhì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây pundarika (phân-đà-ly). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vessabhù, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây sirĩsa (thi-lợi-sa). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Konàgamana, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây udumbara (ô-tam-bà-la). Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây nigrodha (ni-câu-luật-đà). Này các Tỷ-kheo, nay Ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác giác ngộ dưới gốc cây assattha (bát-đa-la)."

Lưu ý trong trích đoạn trên Hòa thượng Thích Minh Châu không dịch udumbara là cây sung như đã dịch trong Tiểu Bộ kinh hay Tương Ưng Bộ kinh mà phiên âm thành ô-tam-bà-la. Chính sự thiếu nhất quán như vậy của những người theo đạo Phật dẫn tới sự rối rắm, không nhất quán về cách hiểu ưu đàm bát la hay ưu đàm hoa.

Về hoa ưu đàm các kinh tạng tiếng Pali viết còn đỡ rắc rối. Sang các kinh tạng tiếng Hán của Đại Thừa, hoa ưu đàm trở nên rắc rối hơn. Diệu Pháp Liên Hoa kinh liên kết hoa ưu đàm với sự ra đời của chư Phật:

"Chư Phật xuất thế
là sự khó có,
vì lẽ lâu xa
mới gặp một lần.
Mà dẫu chư Phật
đã xuất thế rồi,
nói về pháp này
là sự khó có.
Vô số thời kỳ
mới nghe pháp này,
nên sự nghe ấy
là sự khó có.
Và rồi những ai
nghe nổi pháp này,
thì người như vậy
là người khó có.
Như hoa ưu đàm
ai cũng ưa thích,
đến như chư thiên
cũng thấy hiếm có,
vì lẽ thỉnh thoảng
mới trổ một lần.
Những người nghe nổi
pháp như thế này,
nghe rồi hoan hỷ
ca tụng tán dương,
thì dẫu đến nỗi
chỉ phát một lời,
cũng đã hiến cúng
tam thế chư Phật.
Nên người như vậy
hết sức khó có,
khó có hơn cả
hoa thiêng ưu đàm."

Đoạn trích trên do Hòa thượng Thích Trí Quang dịch. Hòa thượng Thích Trí Quang còn dẫn giải:

"... chính trong phẩm 2, Phật nói Nhất thừa hiếm có như hoa ưu đàm. Ưu đàm là ưu đàm bát la (udumbara) mà nay có người nói tên khoa học là ficus glomerata. Ưu đàm là hoa thiêng quí hiếm hay là ficus glomerata thì tôi tồn nghi. Nhưng điều chắc chắn là ưu đàm không thể không liên hệ gì với hoa sen."

Ở đây có thể nhận thấy cách hiểu của Hòa thượng Thích Trí Quang. Hòa thượng nghi ngờ ưu đàm bát la không phải là cây sung, mà là một thứ cây linh thiêng gì đó có liên hệ với hoa sen. Lý do tôi nghĩ rằng Hòa thượng Thích Trí Quang đã cho rằng ưu đàm bát la nở khi chư Phật xuất hiện, do vậy nó phải là thứ hoa linh thiêng, và hơn nữa nó được nói tới trong Liên Hoa kinh, do vậy ắt phải có liên quan tới hoa sen. Nhưng nếu nhìn nhận nghĩa ẩn dụ của cây sung là một thứ cây rất hiếm khi ra hoa như trong kinh tạng Pali, và ẩn dụ hóa tiếp tính linh thiêng của nó bằng liên kết với sự xuất hiện của chư Phật cũng không có vấn đề gì. Như vậy có thể thấy từ Phật giáo Nguyên thủy tới Phật giáo Đại Thừa và các pháp môn, hoa ưu đàm đã trở nên rắc rối hơn nhiểu.

Song vấn đề không dừng lại ở đó. Từ Liên Hoa kinh, câu thành ngữ trong tiếng Hán "Đàm hoa nhất hiện" trở nên phổ biến. Nhưng ý nghĩa của thành ngữ này không còn giữ được nghĩa gốc như trongLiên Hoa kinhHán-Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích: "Đàm hoa nhất hiện, ý nói bỗng thấy lại biến đi ngay, tục thường mượn dùng để tả sự mau sinh, mau diệt". Thiều Chửu là một nhà tu hành đạo Phật, ông không thể không biết Liên Hoa kinh, vậy tại sao ông chỉ giải thích ý nghĩa của "Đàm hoa nhất hiện" như vậy? Vấn đề nằm ở chỗ cách giải nghĩa của Thiều Chửu là cách hiểu chính thức trong tiếng Hán. Rắc rối giờ đây nằm ở chính tiếng Hán. Trong tiếng Hán đàm hoa chính là hoa quỳnh trong tiếng Việt Epiphyllum oxypetalum (hoa quỳnh trong tiếng Hán lại là một loài hoa khác, hoa Viburnum sargentii, thành ra nếu ai dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt quỳnh hoa là hoa quỳnh thì đấy không phải là hoa quỳnh trong cách hiểu của người Việt). Đàm hoa hay hoa quỳnh, chỉ nở một lần, tối nở, sớm tàn, thành ra có ý nghĩa "bỗng thấy lại biến đi ngay" của "đàm hoa nhất hiện". Ngay trong Quảng quần phương phổ cũng có hai loài hoa cùng mang tên ưu đàm hoa. Một ưu đàm hoa được giải thích là vô hoa quả, và một ưu đàm hoa là một loài hoa ở Vân Nam được mô tả sắc trắng, hương thơm, trông như hoa sen, có 12 cánh, có nguồn gốc từ Tây Vực. Loài cây đầu có lẽ là cây sung, và loài thứ hai có lẽ là cây quỳnh.

Với tôi hoa ưu đàm chỉ là cây sung, và ý nghĩa điển cố của nó chỉ là một loài hoa rất hiếm gặp. Tất cả những thứ khác được cho là hoa ưu đàm đều là không phải.
 

Wednesday 26 April 2017

"Rửa" vàng bằng cơ chế? (Nguyên Hằng - Thanh Niên)


Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới:
“Rửa” vàng bằng cơ chế ?
Những bí mật của thị trường vàng Việt Nam đã được “kể” ra từ những con số thống kê của Hiệp hội Vàng thế giới.
Thanh niên24/04/2013
Lượng vàng VN nhập khẩu
1
Nguồn: Hiệp hội vàng thế giới -  Đồ họa: Hồng Sơn
Hàng tỉ USD nhập vàng lậu ?   
Theo Hiệp hội Vàng thế giới, chỉ trong hai năm 2011 và 2012, tổng nhu cầu vàng VN đã lên đến gần chục tỉ USD. Trong đó, giá trị vàng nữ trang nhập đã lên đến con số gần 1,3 tỉ USD. Cụ thể, lượng vàng nữ trang VN nhập khẩu năm 2011 là 13 tấn, trị giá 634 triệu USD. Sang năm 2012, ngoại tệ nhập vàng nữ trang còn nhiều hơn. Quý 1 nhập 5 tấn, trị giá 269 triệu USD, quý 2 nhập 3 tấn, trị giá 156 triệu USD, quý 3 nhập 2,5 tấn trị giá 130 triệu USD và quý 4 là 2 tấn, trị giá 111 triệu USD. Tổng cộng, năm 2012 VN đã nhập 12,5 tấn, trị giá 666 triệu USD. Chỉ tính riêng vàng nữ trang, trong 2 năm qua VN đã bỏ ra gần 1,3 tỉ USD để nhập khẩu. Đáng nói, cho đến nay NHNN chưa cấp phép cho bất cứ đơn vị nào nhập vàng nữ trang và nếu đúng thì số vàng nữ trang với khối lượng lên tới trên 25,5 tấn này là nhập lậu hoàn toàn.

2Cũng theo thống kê của Hiệp hội Vàng thế giới, trong 2 năm này số lượng vàng thỏi nhập vào VN còn lớn hơn nhiều. Cụ thể, trong năm 2011 vàng thỏi nhập vào VN tổng cộng là 87,8 tấn, trị giá 4,561 tỉ USD. Năm 2012, con số này cũng không kém với tổng cộng là 75,2 tấn, tương đương trên 4 tỉ USD. Riêng với vàng thỏi, trong năm 2011 và 2012, NHNN cũng không cấp phép công ty nào được nhập loại vàng này. Vì vậy, vàng thỏi chỉ có thể vào thị trường nội địa theo 2 con đường. Thứ nhất là NHNN cho phép các NHTM mua trạng thái nước ngoài và thứ hai là vàng thỏi nhập lậu.
Những con số trên nói lên rằng, vàng lậu đã, đang và sẽ tiếp tục tràn vào VN. Đây cũng chính là nguyên nhân gây biến động tỷ giá trong suốt thời gian qua. Điều này hợp lý và lý giải vì sao cầu ngoại tệ “chính thống” của nền kinh tế mấy năm nay không tăng, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh nhưng “sóng tỷ giá” vẫn thỉnh thoảng lại nổi lên. Ngay tại thời điểm này, khi khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới bị đẩy cao lên mức kỷ lục, trên 6 triệu đồng/lượng, thì tỷ giá ngoài thị trường tự do lại bị hun nóng một cách đáng ngờ.
Hợp pháp hóa vàng lậu ?     
Với những biến động tại thị trường vàng, các chính sách xuất – nhập và cuộc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC trong thời gian qua hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để “rửa” số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào VN. Bởi như phân tích trên, ngoài “chui” vào kênh vàng nữ trang, vàng lậu còn có thể được dập thành vàng miếng giả thương hiệu SJC, vàng nữ trang dưới tên gọi phi SJC. NHNN đã chính thức quản lý việc dập vàng miếng thương hiệu độc quyền SJC nên nếu muốn hợp pháp hóa số vàng lậu chỉ có con đường duy nhất là xuất ra rồi nhập trở lại. Và cũng trùng hợp NHNN “bỗng dưng” (nói bỗng dưng là bởi trước đó, NHNN công bố có khoảng 500 tấn vàng đang nằm trong dân và lên phương án huy động. Với lượng vàng trong dân nhiều như vậy, không có lý do gì để nhập vàng) cho phép tạm xuất vàng phi SJC để tái nhập 11 tấn vàng khối về dập vàng miếng SJC. Sự “trùng hợp” này rất dễ tạo điều kiện cho vàng lậu được đưa vào diện phi SJC, sau đó xin phép xuất ra để nhập vào để hợp thức hóa thành vàng chính ngạch. Hay nói cách khác là “rửa vàng” kiếm lợi khủng. Nếu chỉ lấy mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới trung bình là 3 triệu đồng/lượng thì với 25,5 tấn vàng nhập lậu, lợi nhuận từ vàng lậu lên cả trăm triệu USD.
Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Số vàng lậu nhập vào VN trong 2 năm qua,3 như thống kê của Hiệp hội Vàng thế giới, là 25,5 tấn (chỉ tính riêng vàng nữ trang). Đợt “tạm xuất, tái nhập” vừa rồi được 11 tấn vàng và đã được NHNN bán hết sau phiên đấu thầu ngày hôm qua. Như vậy, còn khoảng gần 15 tấn vàng lậu vẫn đang “ẩn” trên thị trường chờ cơ hội hợp pháp hóa. Câu hỏi đặt ra là, liệu có xảy ra thêm một cuộc tạm xuất – tái nhập để chuyển thể về vàng miếng SJC một cách chính danh nữa hay không? Câu trả lời vẫn phải chờ, nhưng những biểu hiện của thị trường vàng hiện nay đang cho thấy điều đó hoàn toàn có thể tiếp tục được thực hiện. Cụ thể, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (lý do lớn nhất để phải bình ổn) đang ở mức kỷ lục, khoảng 6 triệu đồng/lượng, lượng vàng NHNN nhập khẩu trước đó đã bán hết sau 11 phiên đấu thầu… Khả năng tạo những cơn khan hiếm giả gây áp lực xuất – nhập để hợp pháp hóa vàng lậu là rất lớn.
Giá vàng VN trong quá khứ có cao có thấp hơn giá thế giới, nhưng mấy năm trở lại đây luôn cao hơn vàng thế giới rất nhiều. Trong quá khứ, VN có xuất khẩu vàng, nhưng mấy năm gần đây vàng xuất hầu như không có mà vàng nhập thì rất lớn. Đặc biệt, là nhập lậu. Đây là kết quả từ chính sách quản lý thị trường vàng yếu kém, tạo cơ hội cho các đơn vị, giới đầu nậu, giới đầu cơ… thao túng, trục lợi từ ngay trên cơ chế.
Vàng là thủ phạm làm tăng giá USD: Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cũng khẳng định, diễn biến kinh tế vĩ mô chưa cho thấy áp lực căng thẳng quá lớn về đồng USD. Nhưng vừa qua, sự nóng lên của đồng ngoại tệ này chính do các đầu nậu tranh thủ nhập vàng đế “kiếm lời”. Ở các địa bàn như TP.HCM, Hà Nội nhu cầu tiêu thụ vàng bao giờ cũng rất lớn, với mức chênh lệch giá như vừa qua, dễ hiểu giới buôn lậu vàng chắc chắn đã vào cuộc. Một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trên thị trường tài chính cũng nhận định, trong tình hình khó khăn hiện nay, cầu USD cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực sự chưa cao, trong khi đó nhập siêu quý 1 không quá lớn để gây áp lực lên cán cân thương mại, thì có thể thấy nhiều khả năng vàng chính là thủ phạm khiến USD đã tăng giá so với VND.Anh Vũ (ghi)
Nguyên Hằng
Nguồn: Thanh niên

Saturday 8 April 2017

CHỮ HÁN - DẠNG THỂ VÀ CÁCH CẤU TẠO - Thọ Nhân


TB

Chữ Hán ra đời cách đây khoảng 3500 năm. Nhưng cũng có người cho rằng thời điểm xuất hiện chữ Hán còn sớm hơn, từ 2300 đến 2400 năm trước Công nguyên, nghĩa là suýt soát hoặc không mấy muộn hơn so với chữ viết xuất hiện ở lưu vực sông Nil hoặc sông Lưỡng Hà cách đây chừng 5000 năm(1).
Sau khi ra đời, chữ Hán được thể hiện qua nhiều cách viết. Chủ yếu có: Giáp cốt văn, Kim văn, Tiểu triện, Lệ thư, Khải thư, Thảo thư và Hành thư.
1. Giáp cốt văn: thể chữ khắc trên mai rùa hoặc xương thú, được sử dụng vào thời Thương - Chu. Còn gọi là “Khế văn”, “Bốc từ”, “Quy giáp văn tự”, “Ân Khư văn tự”.
“Khế văn” tức chữ khắc bằng “khế đao” - một thứ tiền cổ. “Bốc từ” tức chữ dùng để ghi chép những điều bói toán. “Quy giáp văn tự” tức chữ viết trên mai rùa, “Ân Khư văn tự” tức chữ phát hiện ở vùng Ân Khư, kinh đô cũ của nhà Thương, nay thuộc huyện An Dương, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc. Mỗi cách gọi như trên đều nhằm nhấn mạnh một đặc điểm nào đó của Giáp cốt văn tự.
Số chữ đơn phát hiện được tính đến nay, có khoảng 4500 chữ, trong đó, các nhà nghiên cứu đã giải mã được chừng 1700 chữ.
2. Kim văn: thể chữ khắc hoặc đúc trên đồ dùng bằng đồng thau, cũng được sử dụng vào thời Thương - Chu. Còn gọi là “Chung đỉnh văn”, tức chữ viết trên nồi, vạc...
Kim văn đời Thương có hình thể gần giống với Giáp cốt văn. Kim văn cuối đời Chiến Quốc hình dạng lại gần giống với Tiểu triện.
Trong số 5000 đến 6000 chữ đơn thu thập được, nay phần lớn đều có thể giải mã.
3. Tiểu triện: còn gọi là “Tần triện”, tức thể chữ thông dụng vào đời nhà Tần, được hình thành trên cơ sở Đại triện, tức Trụ văn (còn đọc là Trứu văn), thứ chữ của nước Tần thời Xuân Thu - Chiến Quốc trước đó.
Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc, theo đề nghị của Lý Tư, đã lấy Tiểu triện làm thể chữ chính thức. Từ đây, các cách viết khác với Tiểu triện thuộc các địa phương đều bị bãi bỏ, và như vậy, nhà Tần đã tiến thêm một bước trong việc quy phạm hóa chữ Hán.
Về phương diện hình dạng, Tiểu triện cũng tỏ ra cân đối, ngay ngắn hơn các thể chữ trước đó.
4. Lệ thư: còn gọi là “Tá thư”, “Sử thư”... một thể chữ do các cách viết trước đó diễn biến và đơn giản hóa mà thành.
Đặc điểm của loại chữ này là biến các nét tròn và cong ở chữ Triện thành nét vuông và gãy. Về mặt kết cấu, chuyển chữ theo hình vẽ thành chữ viết theo nét bút, cốt tiện viết, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của chữ Hán. Đó là giai đoạn “Cổ văn tự” chuyển sang “Kim văn tự”.
Thể chữ này bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ vào đời Tần và được sử dụng phổ biến ở các đời Hán, Ngụy sau đó.
5. Khải thư: còn gọi là “Chính thư”, chữ chính thức, hoặc “Chân thư”, chữ viết chân phương, bắt đầu xuất hiện từ cuối đời nhà Hán và được lưu hành mãi cho đến tận ngày nay.
Đặc điểm của loại chữ này là viết ngay ngắn, thẳng thắn, cân đối, nhiều nhà thư pháp đời sau đã nổi tiếng nhờ viết thể chữ này.
6. Thảo thư: thể chữ này xuất hiện trước Khải thư, tức vào khoảng đầu đời nhà Hán. Hồi bấy giờ được dùng phổ biến là loại “Thảo lệ”, tức chữ Lệ viết tháu. Sau dần dần phát triển thành “Chương thảo”. Đến cuối đời Hán, tương truyền nhà thư pháp Trương Chi đã cải tiến Chương thảo bằng cách làm cho nét bút khi viết thoát ra khỏi dấu vết chữ Lệ, để đạt đến một lối viết liền một mạch giữa chữ này với chữ kia, các bộ mạch giữa chữ này với chữ kia, các bộ thủ vay mượn lẫn nhau, gọi là “Kim thảo”, cũng tức là “Thảo thư”. Đến đời nhà Đường, Trương Húc Hoài Tố từ “Kim thảo” đã tạo ra một lối viết phóng túng hơn, nét bút liền mạch, uốn lượn như phượng múa rồng bay, gọi là “Cuồng thảo”.
7. Hành thư: một thể chữ nằm giữa Khải thư và Thảo thư. Nó không hoàn toàn bay bướm như Thảo thư, cũng không hoàn toàn chân chất như Khải thư. Trong khi viết, nếu chất Khải thư nhiều hơn Thảo thư, thì gọi là “Hành khải”. Ngược lại, là “Hành thảo”.
Tương truyền Hành thư đã có từ cuối đời Hán và được dùng mãi cho đến ngày nay.

*
**
Về mặt cấu tạo, chữ Hán được làm ra chủ yếu bằng sáu cách gọi là “lục thư” sau đây theo sự quy nạp của người xưa: tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, giả tá và chuyển chú.
1. Tượng hình: cách tạo chữ dựa vào hình dáng của vật thể. Thí dụ chữ xa (車) là hình vẽ một cái xe; chữ mã (馬 ) là hình vẽ một con ngựa; chữ vũ (雨 ) là hình vẽ bầu trời và những giọt mưa. Cách cấu tạo này thường dành cho những chữ ghi chép về đồ vật, động vật hoặc hiện tượng tự nhiên.
Chữ tượng hình trở thành nền tảng cho các cách cấu tạo chỉ sự, hội ý, hình thanh.
2. Chỉ sự: còn gọi là “tượng sự” hay “xử sự”, tức cách tạo chữ dựa vào các phù hiệu tượng trưng để chỉ nghĩa. Có thể chia thành hai loại chữ chỉ sự. Loại thứ nhất gồm những phù hiệu thuần tuý, như chữ Thượng (上 ) là “trên”, thời cổ viết (二 ), chữ hạ (下 ) là “dưới”, thời cổ viết ( ). ở đây, vạch ngang dài là phù hiệu chỉ đường chân trời, vạch ngang ngắn là phù hiệu chỉ phương hướng muốn nói. Loại thứ hai được tạo nên bằng cách thêm một phù hiệu chỉ sự vào một chữ Hán có sẵn như chữ mạt (末) là “ngọn” gồm một chữ mộc (木) là “cây” được thêm vào một vạch ngang dài bên trên làm phù hiệu chỉ sự để chỉ bộ phận cây muốn nói: chữ bản (本) là “gốc” gồm chữ mộc (木) là “cây” được thêm vào một vạch ngắn bên dưới làm phù hiệu chỉ sự để chỉ bộ phận cây muốn nói.
3. Hội ý: còn gọi là “tượng ý”, tức những chữ Hán được tạo nên bằng cách ghép mấy chữ đã có sẵn lại với nhau để thể hiện một nghĩa mới. Thí dụ để tạo nên chữ minh (明) là “sáng tỏ”, người ta ghép chữ nhật (日) là “mặt trời” với chữ nguyệt (月) là “mặt trăng” lại với nhau. Hay để tạo nên chữ tung (嵩) là “cao vút”, người ta ghép chữ sơn (山 ) là “núi” với chữ ca (高 ) là “cao” lại với nhau.
4. Hình thanh: còn gọi là “tượng thanh” hay “hài thanh”, chỉ việc tạo chữ bằng cách ghép hai chữ Hán có sẵn lại với nhau, một chữ dùng để chỉ ý nghĩa, gọi là “ý phù” (hình) và một chữ dùng để chỉ âm đọc, gọi là “âm phù” (thanh). Thí dụ chữ luận (論) là “bàn luận” được tạo nên bằng cách ghép chữ ngôn (言) (ý phù) với chữ luân (侖) (âm phù). Trong Hán tự, chữ hình thanh chiếm hơn 80%.
5. Giả tá: có một số từ chưa tạo được chữ riêng, người ta bèn chọn trong những chữ hiện có một chữ có âm đọc giống hoặc gần giống với nó để đại diện cho nó, chữ được vay mượn ấy gọi là “giả tá”. Thí dụ chữ lai (來) nguyên nghĩa là lúa “tiểu mạch”, được vay mượn để ghi từ lai với nghĩa là “lại”. Hay chữ “求” nguyên nghĩa là “áo cừu” được vay mượn để ghi từ cầu với nghĩa là “cầu xin”.
6. Chuyển chú: một chữ do phát triển về nghĩa, dẫn tới sự thay đổi về hình dạng. Như trường hợp chữ lão (老) và chữ khảo (考), ban đầu có cùng một nghĩa và cách viết cũng na ná như nhau. Về sau, hai chữ dần dần khác nghĩa: chữ “lão” dùng để chỉ người già hay kẻ có kinh nghiệm, còn chữ “khảo” thì dùng để chỉ việc sống thọ hoặc người cha sau khi qua đời. “Khảo” từ đó chuyển sang chữ “hình thanh”, và người ta gọi là “chuyển chú”. Có người cho đây là “hình chuyển”. Nhưng cúng có người cho đây là “âm chuyển”, hoặc “nghĩa chuyển”.
Ngày nay, theo ý kiến nhiều nhà nghiên cứu, “giả tá” và “chuyển chú” thực chất chỉ là cách dùng chữ, không liên quan gì tới cách tạo chữ. Mặt khác, trong quá trình phát triển, không ít chữ Hán đã từ cách cấu tạo này chuyển sang cách cấu tạo kia, không phải bao giờ cũng “nhất thành bất biến” - đã hình thành rồi thì không còn thay đổi nữa.

T.N
CHÚ THÍCH
(1) Xem Luc Binyi: Nghiên cứu văn bản mới về chữ Hán khắc trên đồ đồng. Tin Tân Hoa xã, 30-8-1987.

CHIẾT TỰ - MỘT PHƯƠNG PHÁP HỌC, NHỚ CHỮ HÁN ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI VIỆT - Nguyễn Thị Hường


TB

Có lẽ, khi đi học chữ Hán, mấy người không nhắc cho nhau câu:

Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.

(Chiết tự chữ đức 德)
Đó là một trong những mẹo nhớ chữ Hán của người xưa thường được gọi là chiết tự.
Chiết tự nảy sinh trên cơ sở nhận thức về hình thể của chữ Hán, cách ghép các bộ, cách bố trí các bộ, các phần của chữ. Trên phương diện nào đó, chiết tự chính là sự vận dụng phân tích chữ Hán một cách linh hoạt sáng tạo. Hơn thế nữa, nó không chỉ dừng lại ở hình thức phân tích chữ Hán thuần túy mà còn chuyển sang địa hạt văn chương và các trò chơi thử tài trí tuệ đầy thú vị và hấp dẫn.
Như chúng ta đã biết, ở chữ Hán luôn có sự kết hợp nổi bật của ba mặt: hình - âm - nghĩa. Và chiết tự trong những chữ Hán đã phát huy đặc điểm cấu trúc ba mặt này để tạo nên nét riêng độc đáo so với chiết tự ở những hệ thống văn tự khác. Chiết tự trong chữ Hán không chỉ chiết về mặt hình thể chữ mà còn liên hệ với cả phương diện âm và nghĩa. Về mặt hình thể, chiết tự dựa trên nguyên tắc phân chữ Hán ra các bộ phận cấu thành của chữ. Về mặt âm, chiết tự sử dụng các tri thức mang tính ngữ âm học như nói lái và phiên thiết. Về mặt nghĩa, chiết tự dựa vào bản chất biểu ý của chữ Hán. Một chữ Hán bất kỳ cũng gồm nhiều nét hay các phần tạo nên. Với chữ độc thể là các nét. Với chữ hợp thể là các bộ phận hợp thành phức tạp hơn về cấu trúc.
Chính nhờ nét riêng độc đáo này, chiết tự trong chữ Hán trở nên đa dạng về hình thức và kiểu loại, phong phú về nghệ thuật ngôn từ. Để dễ nhớ, chiết tự thường được thể hiện dưới dạng thơ hoặc văn vần qua hàng loạt các bài thơ, câu đố chiết tự, rất cuốn hút đối với người học chữ. Những câuchiết tự kiểu như:

Cô kia đội nón chờ ai
Hay cô yên phận đứng hoài thế cô.

(Chữ an 安)
đã trở nên quen thuộc với biết bao thế hệ học chữ Hán (đặc biệt là với trẻ nhỏ). Người ta còn dùng câu đố chiết tự để thử tài chữ nghĩa, thử tài suy đoán của nhau. Nhờ đó, chiết tự có điều kiện đi sâu vào trong đời sống Hán học, dần dần trở thành thói quen khi học chữ.
Chiết tự xảy ra với cả ba mặt hình - âm - nghĩa của chữ Hán, nhưng chủ yếu là ở hai mặt hình nghĩa. Chẳng hạn:
- Đấm một đấm, hai tay ôm quàng
Thuyền chèo trên núi, thiếp hỏi chàng chữ chi ?

- Lại đây anh nói nhỏ em nì
Ấy là chữ mật một khi rõ ràng.

Đấm một đấm hai tay ôm quàng là dáng dấp của bộ miên thuyền chèo là dáng dấp của chữ tất 必, thuyền chèo trên núi, trên chữ sơn 山 có chữ tất 必. Ghép lại chúng ta được chữ mật 密 (bí mật, rậm rạp) (Chiết tự dựa vào hình thể).
Hay như:
Hai người đứng giữa cội cây,
Tao chẳng thấy mày, mày chẳng thấy tao.
Đó là hình chữ lai 來. Chữ lai 來 có hình hai chữ nhân 人 ở hai bên, chữ mộc 木 ở giữa. Thực ra hai chữ nhân 人 này vốn là tượng hình hai cái gai. Lai 來 là tên một loại lúa có gai, sau được dùng với nghĩa là đến. (Chiết tự về mặt hình thể).
Ba xe kéo lê lên đàng, âm vang như sấm.
Đó là chữ oanh 轟. Chữ oanh được viết với ba chữ xa 車 và có nghĩa là "tiếng động của nhiều xe cùng chạy". (Chiết tự về mặt ý nghĩa).
Tây quốc hữu nhân danh viết Phật,
Đông môn vô thảo bất thành "lan".
Câu trên có thể dịch là: "Nước phương Tây có người tên là Phật". Phật Thích Ca là người Tây Trúc (ấn Độ) so với nước ta thì ở phương Tây, chữ Phật được viết với chữ nhân 亻đứng cạnh chữ tây 西 trên chữ quốc 國. Chữ này không thấy có trong các từ điển, tự điển của Trung Quốc (như Khang Hy tự điển, Từ nguyên, Từ hải...) nhưng có mặt trong một số câu đối tại các chùa Việt Nam.
Câu dưới có nghĩa: "Cửa phía Đông không có cỏ không thành lan”. Chữ lan 蘭 (hoa lan) được viết: thảo đầu 艸 (cỏ), ở dưới là chữ lan 闌 (lan can) gồm chữ môn 門 (cánh cửa), bên trong có chữ đông 東 (phương Đông). Trong cách viết chính quy phải thay đông 東 bằng giản 柬 (Chiết tự về mặt ý nghĩa).
Chiết tự về mặt âm đọc trong chữ Hán tiêu biểu nhất là lối phiên thiết phục vụ cho việc chú âm trong các sách học, các tự điển. Nó cũng xuất hiện rải rác trong các câu đố chữ Hán. Ví dụ như:
Con gái mà đứng éo le,
Chồng con chưa có kè kè mang thai.
Đây là câu đố chiết tự chữ thủy 始. Chữ thủy 始 vốn là một chữ hình thanh, có chữ thai 台 chỉ âm, chữ nữ 女 (con gái) nói nghĩa.
Những trường hợp này xuất hiện rất ít và thường thì không chỉ thuần nhất chiết tự về âm đọc mà còn kèm theo cả phần hình thể hoặc ý nghĩa.
Qua những ví dụ chúng tôi vừa dẫn ra trên đây, có thể thấy các câu đố chiết tự này có ý nghĩa không nhỏ đối với việc học nhớ chữ Hán. Dựa vào việc phân tích và mô tả cụ thể, sinh động hình thể chữ Hán, các câu đố chữ Hán đã giúp cho người giải đố có khả năng tái hiện lại những chữ đã học không mấy khó khăn. Đồng thời, nó cũng giống như một bài kiểm tra định kỳ cho người mới học mà việc thuộc lòng đề bài và lời giaỉ là rất dễ dàng (do tính ấn tượng của nó). Chẳng hạn những câu như:
Anh kia tay ngón xuyên tâm.
(Chữ tất 必)
Mặt trời đã xế về chùa.
(Chữ thời 時)
Việc vận dụng các liên tưởng hình ảnh vào hình thể, âm đọc hay ý nghĩa của chữ đã làm cho chiết tự nói chung và chiết tự trong câu đố chữ Hán nói riêng có tính sáng tạo cao. Nhờ đó mà các bộ phận cấu thành chữ Hán trở nên sống động, có hồn.
Trong số 70 câu đố chữ Hán trong kho tàng câu đố Việt Nam mà chúng tôi sưu tập được. có đặc điểm chiết tự khá thú vị. Chẳng hạn:
Dưới đây là một số ví dụ:
- Có tú mà chẳng có tài,
Cầm ngang ngọn giáo, đâm ngoài đít dê.
(Chữ hy 羲)
- Chữ lập đập chữ viết, chữ viết đập chữ thập. (Chữ chương 章)
- Đất thì là đất bùn ao,
Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.
Con ai mà đứng ở đây,
Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào.
(Chữ hiếu 孝)
- Một vại mà kê hai chân,
Con dao cái cuốc để gần một bên.
(Chữ tắc 則)
- Nhị hình, nhất thể, tứ chi, bát đầu,
Tứ bát, nhất bát phi toàn ngưỡng lưu.
(Chữ tỉnh 井)
- Đóng cọc liễn leo, tả trên nhục dưới, giải bơi chèo. (Chữ tùy 隨)
- Đêm tàn nguyệt xế về Tây,
Chó sủa canh chầy, trống lại điểm tư.
(Chữ nhiên 然)
- Con dê ăn cỏ đầu non,
Bị lửa cháy hết không còn chút đuôi.
(Chữ mỹ 美)
- Thương em, anh muốn nên duyên,
Sợ e em có chữ thiên trồi đầu
(Chữ phu 夫)
- Khen cho thằng nhỏ có tài,
Đầu đội cái mão đứng hoài trăm năm.
(Chữ dũng 勇)
- Thiếp là con gái còn son,
Nếp hằng giữ vẹn ngặt con dựa kề.
(Chữ hảo 好)
- Ruộng kia ai cất lên cao,
Nửa vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời.
(Chữ tư 思)
- Đất cứng mà cắm sào sâu,
Con lay chẳng nổi, cha bâu đầu vào.
(Chữ giáo 教)
- Em là con gái đồng trinh
Chờ người tuổi Tuất gá mình vô em.
(Chữ uy 威)
- Ông thổ vác cây tre, đè bà nhật. (Chữ giả 者)
- Đất sao khéo ở trong cung,
Ruộng thời hai mẫu, bờ chung ba bờ.
(Chữ cương 疆)
- Muốn cho nhị mộc thành lâm
Trồng cây chi tử tiếng tăm lâu ngày.
(Chữ tự 字)
- Hột thóc, hột thóc, phẩy đuôi trê,
Thập trên nhất dưới bẻ què lê.
(Chữ pháp 法)
Nhìn chung, các câu đố liên quan đến chiết tự chữ Hán đều dựa vào ba mặt hình - âm - nghĩa của chữ Hán để "chiết" và "đố" chữ. Chúng tôi đã thống kê được 44 chữ chiết tự về mặt hình thể, 28 chữ chiết tự về mặt ý nghĩa, và chỉ có một trường hợp được chiết tự về mặt âm đọc (chữ thủy 始) trên tổng số 73 chữ được sưu tập. Như thế, chiết tự về hình thể chiếm số lượng nhiều hơn. Điều đó có nghĩa là việc nhận biết và nhớ hình thể chữ Hán luôn là yêu cầu đầu tiên đối với người học chữ Hán. Hai bảng thống kê 72 chữ chiết tự về mặt hình thể và ý nghĩa sẽ được chúng tôi để ở phần Phụ lục.
Qua thống kê, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ chữ được chiết tự về mặt hình thể chiếm khá cao, 60% (44 chữ trong tổng số 73 chữ được chiết tự). Trong khi đó, tỉ lệ chữ được chiết tự về mặt ý nghĩa là 38% (28 chữ trên tổng số 73 chữ được chiết tự). Chỉ có 2% còn lại là số chữ được chiết tự về mặt âm đọc. Điều này chứng tỏ khi đem các chữ Hán ra chiết tự, người ta thường chú trọng đến hình thể chữ. Bằng cách chú ý đến hình thể, chiết tự sẽ giúp cho người mới học dễ dàng tưởng tượng và hình dung ra các chữ Hán cồng kềnh, nhiều nét mà họ đã học. Tất nhiên, không ít trường hợp chiết tự đã áp dụng vào tục tự, biệt tự.
Phép phân tích chữ Hán được áp dụng chủ yếu trên cơ sở phân tích các thiên bàng tổ hợp nên hợp thể tự. Các thiên bàng này cũng là những độc thể tự. Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp chiết tự, phép phân tích này còn được tiến hành trên cả độc thể tự qua phương thức mô tả từng bộ phận của chữ. Điều đó rất phù hợp với điều kiện truyền thống, khi chiết tự được thực hiện trên cơ sở phân tích hình thể chữ Hán.
Tỉ lệ chữ độc thể hợp thể được đưa ra chiết tự trong các câu đó cũng không giống nhau. Trong đó, chữ độc thể được đưa ra chiết tự chiếm tỉ lệ thấp, chỉ khoảng 29% (21 chữ trên tổng số 73 chữ được chiết tự). Trong 70% còn lại là chữ hợp thể thì chữ hội ý chiếm đa số.
So sánh hai bảng thống kê, chúng tôi còn thu được những kết quả rất khác nhau về tỉ lệ chữ độc thể. Tỉ lệ chữ độc thể ở bảng 1 cao gấp 2 lần tỉ lệ chữ độc thể ở bảng 2 (36% so với 18%). Kết quả ấy chứng tỏ khi chiết tự, những chữ độc thể chủ yếu áp dụng phương thức tả chữ.
Cũng qua hai bảng thống kê, chúng tôi nhận thấy các chữ Hán được chiết tự đều là những chữ thông dụng, thường dùng trong đời sống hàng ngày qua hệ thống tiếng Hán - Việt của chúng ta. Ví dụ như các chữ thánh 聖, vương 王, thủy 始, tử 子, an 安, điền 田, pháp 法... Vì vậy, tìm hiểu chiết tự còn rất tiện ích cho việc phổ cập tri thức về chữ Hán trong trường phổ thông, giúp người Việt thông hiểu hơn tiếng nói của mình.
Như vậy, từ những ưu điểm đã phân tích ở trên của chiết tự, chúng ta có thể khẳng định lại một lần nữa: chiết tự là một phương pháp học, nhớ chữ Hán độc đáo của người Việt. Đồng thời qua những câu đố chiết tự này có thể tạo sự hứng thú cho việc học, nhớ chữ Hán.
PHỤ LỤC:

Bảng 1: Các chữ được chiết tự về mặt hình thể

STT Âm đọc Chữ Hán Nghĩa
1 An Yên ổn
2 Bát Tám
3 Bất Không
4 Chấn Nhấc lên
5 Chủ Vua chúa
6 Chương Văn chương
7 Dũng Mạnh
8 Ta
9 Điền Ruộng
10 Đoan Đầu mối
11 Đức Đạo đức
12 Giả Trợ từ
13 Giáo Dạy
14 Hán Sông Hán
15 Hầu Chờ chực
16 Hiếu Hiếu thảo
17 Hiểu Buổi sớm
18 Hương Hơi thơm
19 Hy Hơi, khí mây
20 Kỳ Đại từ
21 Lai Đến, lúa lai
22 Mật Rậm, bí mật
23 Nghĩa Nghĩa
24 Niên Năm
25 Pháp Phép
26 Phi Chẳng
27 Phối Phối, sánh
28 Phu Chồng
29 Phú Giàu có
30 Quy Con rùa
31 Sắc Sắc lệnh
32 Tâm Tấm lòng
33 Tất ắt
34 Tắc Thì (liên từ)
35 Thập Mười
36 Thất Mất
37 Thỉnh Xin, hỏi
38 Thụ Nhận
39 Thuỷ Nước
40 Tỉnh Giếng
41 Triêu Buổi sớm
42 Tuỳ Theo, nhà Tùy
43 Nghĩ
44 Tự Chữ

Bảng 2: Các chữ được chiết tự về mặt ý nghĩa

STT Âm đọc Chữ Hán Nghĩa
1 ám U tối
2 Bảo Giữ gìn
3 Cương Ranh giới
4 Hảo Tốt đẹp
5 Hoặc Hoặc giả
6 Khâm Kính
7 Lan Lan can
8 Lan Hoa lan
9 Luật Luật phép
10 Luỹ Bờ lũy
11 Mỹ Đẹp
12 Nhất Một
13 Nhiên Đốt cháy
14 Như Bằng, ví như
15 Oanh ầm ĩ
16 Phật Phật
17 Phụng Vâng, dâng
18 Thánh Tột bậc
19 Thiên Trời
20 Thời Lúc, khi
21 Thủy Bắt đầu
22 Tứ Bốn
23 Tình Tình
24 Tốt Quân lính
25 Tử Con
26 Uy Oai
27 Vương Vua
28 Xuân Mùa xuân

N.T H