Sunday 10 February 2019

Đã (Nguyễn Vân Phổ - Ngữ Pháp Tiếng Việt: Ngữ Đoạn và Từ Loại, Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, 2018)


Đã

Đã là một tác tử tình thái đánh dấu ý nghĩa hiện thực hoặc tính có thật (có tác giả gọi là “đã xảy ra”) xét ở thời điểm quy chiếu của sự tình được miêu tả ở ngữ đoạn theo sau nó. Thông thường một câu “trần thuật khẳng định” sẽ diễn đạt sự tình hiện thực mà không cần đánh dấu, thậm chí cũng không cần viện đến vai trò của tình huống giao tiếp hoặc văn cảnh. Chẳng hạn, khi A nói với B một câu “đơn độc” “Anh Nam tặng hoa hồng cho cô Lan” thì nhân vật B chỉ có thể hiểu đó là một sự tình hiện thực (trước thời điểm phát ngôn) chứ không có cách hiểu nào khác. Nếu thực cách của sự tình được đánh dấu bằng đã (“Anh Nam đã tặng hoa hồng cho cô Lan”) thì bao giờ cũng kèm theo một tình thái riêng, có thể được nhìn nhận trong sự đối lập với chưa/không với hàm ý “trước đây thì chưa/không” (có lẽ không có người bản ngữ nào cho rằng sự tình này thuộc về “quá khứ”, nghĩa là đã kết thúc, đã chấm dứt, không liên quan gì đến hiện tại)([1]). Như vậy, câu “Nam đã ăn sáng”, có thể hiểu là “Nam có ăn sáng” (trước thời điểm nói), với hàm ý rằng “Bây giờ Nam đang no”, “Bây giờ Nam không muốn đi ăn sáng nữa”, v.v.; với câu “Nam đã sống ở Nhật hai năm” hiểu là “Nam có sống ở Nhật hai năm” (trước đây) có thể có hàm ý “Thời gian hai năm ở Nhật của Nam đã qua, bây giờ Nam quay về”, “Thời gian hai năm ở Nhật của Nam đã qua, Nam chỉ còn một năm nữa”, “Nam có biết về nước Nhật”, v.v. và v.v..

Ý nghĩa tình thái hiện thực của đã thể hiện rõ nhất là ở các sự tình trạng thái; so sánh: “Nó khỏe” – “Nó đã khỏe”, “Cô ấy có chồng” – “Cô ấy đã có chồng”, “Bố tôi già” – “Bố tôi đã già”, v.v.. Tất cả cho biết một trạng thái bắt đầu từ trước thời điểm nói và vẫn hiện tồn, kèm theo tiền giả định rằng trước đây chưa/không có trạng thái đó. Cao Xuân Hạo đã chỉ ra rằng với những vị từ trạng thái ở hai cực tạo thành một quá trình tự nhiên một chiều thì đã bao giờ cũng đi với vị từ bên phải: nhỏ-lớn, trẻ-già, sống-chín, còn-hết, sớm-muộn, v.v. (CX Hạo 1999: 487): *đã nhỏ – đã lớn, *đã trẻ – đã già, *đã còn – đã hết, v.v., dĩ nhiên có thể không đúng trong một thế giới khác.

Điều vừa nói trên giải thích tại sao đã liên quan đến “quá khứ” có thể xuất hiện trong các phát ngôn biểu hiện sự tình hiện tại (ngay tại thời điểm nói) hoặc tương lai([2]), chẳng hạn:

(1)   a. Ồ, cảm ơn chị. Tôi đã hiểu. (// Trước đây chưa hiểu)

b. Bây giờ đã khuya, mọi người đã ra về.

c. Một tiếng nữa thì chị đã làm xong việc.

d. Cuối năm sau anh đã nghỉ hưu.

e. Chúng ta sẽ có tiền khi họ đã nhận được hàng.

Có thể định nghĩa, đã là một tác tử tình thái miêu tả một sự tình hiện thực ở trước thời điểm quy chiếu (thời điểm được chọn làm mốc hoặc thời điểm nói) nhưng có liên quan hoặc để lại kết quả ở thời điểm quy chiếu.

Với tư cách là vị từ tình thái, đã có thể rời khỏi vị trí điển hình của nó (trước vị từ ngôn liệu) để chuyển ra sau thuyết hóa một ngữ đoạn danh từ (cấu trúc [số từ + danh ngữ]) hoặc một ngữ đoạn vị từ bổ ngữ. Ví dụ:

(2)   a. Nam về Sài Gòn đã ba ngày. (// Nam đã về Sài Gòn ba ngày.)
b. Nam làm việc đó đã xong. (// Nam đã làm việc đó xong.) 


[1] Câu “Anh Nam tặng hoa hồng cho cô Lan” được dùng để đưa ra một thông tin không cần điều kiện tiên quyết; trong khi đó “Anh Nam đã tặng hoa hồng cho cô Lan” phải có điều kiện, chẳng hạn người nói biết “Nam yêu Lan mà chưa dám tỏ tình” hoặc “Nam tỏ tình với Lan rồi, anh Hà đã chậm chân”, v.v..
[2] Đây là trường hợp thường được giải thích là “quá khứ tương đối”, nghĩa là “quá khứ” khi quy chiếu một thời điểm không phải là thời điểm phát ngôn.

Friday 25 January 2019

Hải quân viễn chinh là thứ lính gì?




Phiên hiệu của đơn vị lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 8 tháng 3 năm 1965 là 9th Marine Expeditionary Brigade. Sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước tập 4 (Viện Lịch Sử Quân Sự, 2013:16) viết:

Ngày 8-3-1965, hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ số 1 và số 3 thuộc lữ đoàn Hải quân Viễn chinh số 9 đổ bộ vào Đà Nẵng.

Thủy quân lục chiến và hải quân là hai trong số bốn quân chủng riêng biệt của Mỹ thời đó. Các nhà sử học quân sự Việt Nam nhầm Marine của Mỹ (thủy quân lục chiến) với Marine của Pháp (hải quân). Hải quân Mỹ là Navy.

Tuesday 22 January 2019

Từ điển Pháp Việt của Hồ Hải Thụy (2002) - Mấy chỗ nên dịch lại (4)

Cách đọc ghi chú như ở bài 1, 2, 3:


341, coke de pétrole, than cốc từ luyện dầu hỏa, cốc dầu mỏ

345, Le colonel commande un régiment dans l’armée de terre, une escadre dans l’armée de l’air, Cấp đại tá chỉ huy một trung đoàn bộ binh, một phi đoàn không quân, Cấp đại tá chỉ huy một trung đoàn (lục quân) hoặc một không đoàn (không quân)

345, la colonisation de la Cochinchine par la France  de 1859 à 1868, sự chiếm làm thuộc địa xứ Nam Kỳ bởi nước Pháp từ 1859 đến 1868, việc người Pháp đánh chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa (1859-1868)

345, une ville colonisée par les touristes, một thành phố bị xâm chiếm bởi khách du lịch, một thành phố nhìn đâu cũng thấy du khách

345, colonnes d’Hercule, thời cổ, eo biển Gibraltar, Những Cây Cột của Héc-quyn (tên thời cổ của núi Gibraltar)

346, colossien, thuộc thành phố khổng lồ (thành phố vùng Tiểu Á, nay đã bị tàn phá), thuộc thành phố Cô Lô Xê (Colossae)

346, Epître de saint Paul aux Colossiens, thông thư của thánh Pôn gửi dân thành phố khổng lồ, thư thánh Pôn (Phao Lồ) gửi tín hữu Cô Lô Xê

346, colporter une nouvelle croustillante, loan truyền chuyện tiếu lâm, loan tin hót hòn họt

346, combustion massique, năng lượng cháy (năng lượng tỏa ra do thiêu đốt nhiên liệu), độ cháy

349, commandant, thiếu tá (cấp thấp nhất trong hàng sĩ quan cao cấp), thiếu tá (bậc thấp nhất của sĩ quan cấp tá)

349, commandant de bord, phi đội trưởng, cơ trưởng