Saturday 5 December 2015

TỰ BẠCH CỦA THIỀU CHỬU NGUYỄN HỮU KHA (Anh Ba Sàm)

6039. TỰ BẠCH CỦA THIỀU CHỬU NGUYỄN HỮU KHA

Posted by adminbasam on 05/12/2015
Ngày 27-9-2015, trang Ba Sàm có đăng lại bài Một công án mang tên “Thiều Chửu” cho trí thức trẻ Phật giáo, từ trang Triết học Đường phố. Theo ông Nguyễn Hải Hoành, người cháu gọi cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha là chú ruột, cho biết, bài viết này có một số thông tin không chính xác. Đây là bài viết của ông Nguyễn Hải Hoành, được nhà giáo Phạm Toàn gửi tới đăng, nhằm cải chính một số thông tin. Ông Phạm Toàn cho biết, ông Nguyễn Hải Hoành là “cháu nội cụ Nguyễn Hữu Cầu, con trai thầy Nguyễn Hữu Tảo, và là cháu gọi cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha là chú ruột”. Trong bài, có bức Thư tuyệt mệnh của cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha gửi ông Hồ Chí Minh. Phần chính bài này đã in trong sách Thiều Chửu-Nguyễn Hữu Kha do NXB Tôn giáo xuất bản năm 2008.
____
Nguyễn Hải Hoành
5-12-2015
H1Năm nay tôi 53 tuổi rồi; gẫm lại cái đời quá khứ của tôi, chẳng biết vì sao mà nó lại như một chuỗi đau khổ dài dặc như thế! Nghe mẹ tôi kể cho biết rằng khi mẹ tôi 1 có mang tôi, sốt rét 6 tháng trời người chỉ còn cái da bọc cái xương, bụng to vượt mặt mà vẫn phải cố dậy lăn cái cối đá thủng để đập lúa chiêm. Vì thế nên khi tôi ra đời đã là một đứa trẻ tiên thiên bất túc, mềm yếu như cái dải khoai. Được 7 ngày đã bị chứng cam ám mục, mủ ở trong mắt phòi ra, đắp lá mãi mới khỏi. Ngoài 7 ngày, cứ mờ mờ sáng mẹ tôi cho tôi bú một bữa no, lấy tã quấn chặt đặt nằm trên giường, trên bụng chèn một cái gối. Tôi nằm ngủ yên, thức dậy đói, khóc chán, mỏi mồm lại nằm yên; cho đến 11 giờ trưa mẹ tôi đi làm đồng về mới lại ôm con lên, chùi sạch cứt đái rồi cho bú. Buổi chiều cũng lại sống một cảnh ấy từ 1 giờ đến 7-8 giờ tối, chỉ có đêm là được nằm với mẹ suốt đêm.
Hoàn cảnh nhà tôi lúc đó chị tôi lên 4, anh tôi lên 2, còn bé cả. Mẹ tôi đi làm thì đem gửi bà tôi coi hộ, cách đấy độ 3 sào ruộng. Bố tôi 2 đi trọ học, nhà nghèo không đủ lương ăn, nhưng sức học khá, nên được một người ở làng Kim Lũ 3, làm tri huyện, có một con trai tên là Cả Khoan học dốt, mới nuôi bố tôi làm bạn dạy cho con hắn; nhờ đó mà bố tôi học được. Cả nhà tôi lúc đó sống chỉ nhờ của bà tôi chia cho 6 sào ruộng, mẹ tôi thuê thêm mấy sào nữa để cấy. Trong số 6 sào có đến 3 sào vườn 4, mẹ tôi trồng cau và rau; có một con bò, thuê một người cày vụ, phải trả công mất một số thóc. Khi tôi biết bò, mỗi khi mẹ tôi đi làm đồng cũng đem gửi bà tôi. Nhà gần ao; bà tôi già và loá, sợ cháu xuống ao, đem nhốt tôi trong một cái cối đá thủng. Tôi khóc chán lại cười, ỉa đái ra bốc ăn rồi lại giơ lên cười. Mỗi khi mẹ tôi kể đoạn này thì mẹ tôi tỏ vẻ thương con quá; mà tôi thì cảm thấy một nỗi đau khổ sâu xa, đồng thời nảy ra một tư tưởng oán hờn cha mẹ, đẻ con ra như thế chỉ là gây cái khổ cho con. Cho nên mỗi khi tôi khổ vì bệnh tật thì tôi lại càng thương thân lúc bé quá. Tôi tuy yếu nhưng sáng dạ, nghe ai nói gì cũng nhớ ngay, lên ba tuổi đã nhớ được cả câu văn của bố đọc.
Tôi lại là một người giầu tình cảm quá. Tôi còn nhớ năm tôi lên 5 tuổi, mẹ tôi sinh một em trai tên là Niêm được 7 tháng đã biết đi, khôi ngô và khoẻ lạ. Một buổi chiều hôm ấy, giặc Pháp mở cái trại nuôi ngựa 5 ở gần nhà tôi, nó cắm ruộng của đồng nhà tôi vẫn cấy thâm canh. Mẹ tôi bế em tôi ra xem nó cắm ruộng thì em tôi cảm gió rồi sài uốn ván chết. Tôi thương em tôi, cho đến bây giờ tôi cũng vẫn nhớ như in cảnh tượng lúc đó. Tối hôm em tôi chết, bố tôi nằm võng cho tôi nằm bên, hát một câu rằng: “Làm người trước phải hiếu thân, Cám ơn cha mẹ ân cần với con. Một ngày lỗi đạo thần hôn, Hổ mang khăn áo tự tôn làm người 6. ” Mỗi khi nhớ đến, tôi càng thương cảm. Có đêm rét mướt, tôi nằm quây xung quanh bố, nghe bố tôi kể chuyện căm thù giặc Tây, có hát đùa một câu rằng: “Thằng bố cu Tây bắn súng đùng. Chim, cò, sáo, vạc chạy lung tung. Ai mà giết được thằng Tây ấy, Phong tước cho mình đến quận công ” Tôi nghe thấy nhớ luôn và tấm lòng căm thù giặc hình như nó cũng nẩy mầm từ lúc đó. Năm tôi lên 6 tuổi, bố tôi thi đỗ, bác tôi thi đỗ 1. Theo lệ làng, phải khao. Các anh em mừng hàng mấy trăm câu đối; suốt ngày tôi nghe chị tôi, anh tôi ngâm câu đối, bài thơ, tôi cũng ngâm theo. Do đó tôi nhận được nhiều mặt chữ Nho, đến giờ tôi cũng còn nhớ được cả hình ảnh lúc đó. Rồi từ đó tôi cũng tập làm thơ, làm câu đối. Lại có ông bác tôi hiếm hoi 2 yêu tôi, tối tối gọi vào ngủ và ra câu đối ứng khẩu. Nhờ đó khiếu làm văn của tôi nở sớm, 7-8 tuổi đã làm văn tế cóc tế ruồi, mà thích những lối văn bi cảm lắm. Bố tôi đỗ rồi không ra làm quan với Pháp, chuyên hoạt động cách mạng, bắt đầu từ Đông kinh nghĩa thục, chẳng mấy lúc ở nhà nên chúng tôi thất học từ bé. May nhờ bà tôi 3 biết ít chữ Nho nên ngày ngày dạy cho mấy chữ; đó là cái vốn học của cả đời tôi.
Nhà nghèo quá, lúc đó mẹ tôi đã sinh đến 6 con. Nhiều con, càng túng thiếu nhiều. Chị em tôi 7-8 tuổi đã phải tập làm rồi: chăn bò, cắt cỏ, gánh nước bằng lọ, thổi cơm, nấu cám lợn; chả làm được cũng phải làm, con đàn ai chiều? Mười tuổi đã phải tát nước, 12 tuổi đã tập cày bừa. Nhà có con bò chết dịch mất; mẹ tôi, chị tôi kéo cho tôi bừa, thật là nhọc nhằn quá. Năm tôi 14 tuổi, bố tôi bị giặc Pháp bắt, khép án mười năm 4 bị đầy ra Côn lôn. Bắt được hai tháng thì mẹ tôi sinh em út tôi. Con ra đời không biết mặt bố; lúc bố về, con lạ khóc oà lên. Mẹ tôi lúc này khổ quá, đẻ được 3 ngày đã phải đi làm, đi thăm bố tôi. Tôi cũng suốt ngày đứng rình ở cửa nhà pha Hà nội, hễ thấy giặc giải bố tôi đi ra toà án binh xử thì chạy theo, bị lũ mật thám đánh đập rất khổ. Căm thù tủi nhục, thân hèn biết làm gì được. Đọc chuyện ba vị anh hùng Ý Đại Lợi 5, thấy ông Gia Phú Nhĩ 6 nói với bạn làm mối vợ cho ông rằng: “Ý Đại Lợi là vợ, Ý Đại Lợi là con”, từ đó tôi đã nảy cái ý muốn là cũng muốn học ông một điểm đó. Năm 1915, nhân đi chợ Hà Đông, trưa về nắng vào nghỉ ở dưới gốc cây bên đường, thấy phía bên đường làng Mọc có cái trại đẹp, mới lần vào xem; thì ra là cái lăng tên đại Việt gian Lê Hoan, làm tay sai cho giặc đánh ông Hoàng Hoa Thám 7, được giặc phong làm khâm sai 8. Tôi có đề một bài thơ bằng chữ Nho rằng 9:      
晨吊九原 種種幽情
世態競富貴 趨銀仙
公仇拜额上 義務放
Sau đó, tôi không hề nghĩ đến cái đời riêng của tôi nữa; người ta cho là tôi tin đạo Phật mà không lập gia đình, có biết đâu uẩn khúc của tôi từ thuở còn thơ dại. Lúc đó nhà tôi tuy nghèo nhưng cả nhà chịu vất vả để lo cho anh tôi1 đi học trường Pháp-Việt. Bố tôi e giặc Pháp ngờ anh tôi, nên cho anh tôi nhận bác tôi làm bố nuôi để đi học. Mờ mờ sáng, anh tôi ăn ba bát cơm, đi học trường cách xa nhà 4 cây số. Lúc lên tràng 2 trung học (trường Bưởi), cách xa nhà 8 cây; đi từ 4 giờ sáng, 8 giờ tối mới về đến nhà, mỗi buổi trưa được 1 xu ăn quà. Còn giấy bút thì làm thuê bài cho các bạn nhà giầu học kém. 4 năm ròng rã như thế, đủ thấy cảnh khổ nhà tôi là thế nào! Vì sao mà khổ đến thế? Trước tôi cũng lầm tin là số phận. Ngày nay được học chính sách mới biết rằng chẳng có số phận nào cả, chỉ tại thực dân, đế quốc và địa chủ phong kiến mà thôi. Tôi còn nhớ như in: một hôm vào buổi chiều năm tôi lên 4, em An tôi lên 2, tôi thấy một mụ độ ngoài 30 tuổi béo, đen, mặc áo vải rồng, tới nhà tôi, cùng ngồi với mẹ tôi ở một cái chõng con. Tôi trông mặt mụ ấy rất hung ác, mỗi lúc nó lại ngồi xích gần đến mẹ tôi, trợn mắt, trợn mũi, chỉ trỏ và nói những gì gì tôi không hiểu. Mẹ tôi thì mặt buồn thỉu. Lúc đó bố tôi mới đi về, mệt nằm ngủ, sực dậy thấy tình cảnh đấy, bố tôi hình như hiểu ra và căm tức nộ nạt mấy câu. Con mụ béo ấy khoác tay mẹ tôi chạy thẳng ra cổng rồi tắt cánh đồng đi Hà nội, mãi đến sáng hôm sau mẹ tôi mới về. Em tôi vắng mẹ, thèm sữa khóc thâu đêm. Tôi cũng nhớ mẹ, ngủ rồi hoảng dậy, chẳng hiểu là cái gì cả. Sau khi lớn lên, tôi hỏi mẹ, mới biết con mụ ấy là con dì con già, họ với mẹ tôi; mẹ tôi vay tiền của nó đến hạn chưa giả nên nó lôi đi. Làng tôi 3 có một mụ nữa, người làng Cự Đà lấy lẽ người làng tôi tên là Hai Sốp, nó chuyên cho vay lãi, hễ mà ai túng thiếu là tự nó đến, nó dỗ cho vay. Rồi lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con thành lãi mẹ, nó cứ rút dần, chẳng ai quỵt nổi nó. Nó thấy nhà tôi hoạn nạn, nó cho mẹ tôi vay 15 đồng mà trả đến mấy chục năm chưa xong, cho đến lúc anh tôi và tôi kiếm được tiền, mẹ tôi cũng vẫn chưa hết nợ. Tôi hỏi mẹ tôi, mẹ bảo rằng còn phải trả lãi cháu lãi chắt nữa đã xong đâu. Ôi! Sự bóc lột của bọn địa chủ tàn ác biết nói làm sao cho xiết.
Sinh kế nhà tôi ngặt quá, mẹ tôi thấy tôi không được học, lại phải làm vất vả quá, muốn tìm cho tôi một lối sống khác. Nhân lúc đó có một người anh con cô tôi, tên là Tường, lấy vợ, làm một người thông lại ở huyện An Dương, giới thiệu cho biết rằng ở Đồ Sơn dân cư trù phú, nhiều người xuống đấy chỉ bán kẹo cũng giầu. Mẹ tôi tin lời, trù tính cho tôi đi. Nhà không một đồng, lấy đâu ra vốn mà buôn. Mẹ tôi phải nói khó với một người giàu trong làng, tên là Lý Diễn bảo lĩnh lên vay một phú hộ ở làng Đào, tên là Lý Hai. Vay có 50 đồng bạc mà phải lễ hai cân giò lụa, một cái văn tự 6 sào ruộng làm bảo chứng, mẹ cặp chỉ con ký, lý trưởng áp triện 4, người bảo lĩnh ký; chầu chực như ăn mày từ sáng đến chiều mới được cầm tiền về, nhục nhã quá! Vì một việc này tôi thề rằng đời tôi hễ ai thiếu thốn cái gì muốn nhờ tôi, chưa hé miệng tôi đã vâng, có thì giúp, không thì vay giúp, nếu không giúp được thì lòng tôi đau khổ cũng như người không vay được. Tôi mà còn một bát gạo, ai đói hơn, tôi cũng nhường ngay thà tôi chịu nhịn, và chính tôi đối với sự nhịn hai ba bữa là thường lắm 5. Năm mươi đồng bạc sắm đồ lề với thuốc, vì nhà tôi từ trước vẫn làm thuốc, tôi cũng biết võ vẽ nên mới quyết làm để thêm vào. Sắm mất một nửa, còn một nửa buôn các thứ bánh khách và kẹo. Một đứa trẻ 16-17 tuổi đầu, từ trước chưa ra khỏi làng, ngày nay đi tha phương cầu thực, tôi thật là liều mà mẹ tôi vì con mà lại liều quá. Tôi xuống Đồ Sơn vào hồi tháng Ba, bắt đầu mùa tôm cá, làm thuốc bán kẹo cũng chạy hàng. Anh em làm nghề chài lưới, tiền rừng bạc bể, tiền tiêu như rác; bốn tháng đầu cũng dễ chịu. Đến tháng Tám, tiết thu hơi lạnh, hết mùa tôm, nhân dân 90% hết ăn; cảnh tiêu điều hiện ra, so với mùa tôm thật chả khác hai thái cực. Từ đó uống thuốc chịu, ăn kẹo chịu, nói nay mai giả, rút cục hết vốn chẳng thấy ai giả. Vì phong tục ở đây như thế mà tôi ngu dại không biết. Nhà nghèo, có 6 sào ruộng cầm lấy tiền buôn; ngày nay hết vốn, thật là tôi giết cả nhà tôi, nếu sau không nhờ bà tôi một món tiền ruộng riêng ở Trung Lập 1 để trả nợ mẹ con nhà Lý Hai. Tôi hết vốn đâm lang thang, lúc theo đi đánh cá, lúc theo đi vét tôm, đêm giăng đi mò cua bắt ốc ăn trừ bữa. Lúc gạ vào giúp việc thợ may, vì tôi có ý khéo tay bắt chước, chóng làm được các việc như đính cúc thùa khuy nên cũng có ngày có việc thì được một bữa ăn. Đói dễ truỵ lạc; lúc đó tôi buồn, hay gạ các con bạc đi ké một vài xu. Được thì mua rượu uống, lúc mới còn cay, sau thấy ngọt lừ, vì cảnh buồn thảm với rượu vẫn có duyên gần lắm. Có khi tôi theo nhân dân đi bán cá khô, bán mắm tôm, kéo thuyền, đẩy xe bò; gặp cái gì gạ được dăm ba xu thì làm, đời sống nhầy nhụa quá. Có lần bị đắm tầu, hai ngày không ăn, tôi đã phải cắm mặt đi ăn xin. Đi sà lúp 2 từ Hải Phòng sang Kiến An, vé có 4 xu, tôi cũng không có, cứ đi liều. Lúc người soát vé hỏi vé, tôi không có tiền, còn một cái khăn rách đội trên đầu trật xuống gạ bán cho hai bà cụ nông dân cùng đi. Hai bà cụ cho tôi 4 xu và nói: “Đây, tôi đãi bác, chứ tôi lấy khăn làm gì “. Từ đó tôi yêu quý các cụ nông dân vô cùng; và suốt đời đi xe hoả, tầu thuỷ, không bao giờ tôi ngồi với người ăn mặc sang trọng, mà chỉ tìm đến ngồi gần các cụ, tôi thấy có cái cảnh êm đềm như gần mẹ tôi vậy. Có tiền có đồ gửi các cụ, chạy lăng quăng hết mọi nơi, chả lo gì mất cắp.
Năm tôi 19 tuổi, cha tôi hết hạn ở Côn Lôn về 3 . Tôi lần mò về, bố con gặp nhau, nỗi mừng khôn xiết mà nhìn cảnh nhà tiêu điều, nghĩ đến cái tội phá hoại của tôi thì tôi lại càng đau khổ quá. Ruộng không đủ làm, cha con tôi mới thuê một gian nhà ở Ngã Tư Sở thuộc tỉnh Hà Đông làm thuốc Bắc, thuốc Nam 4. Cha tôi có tiếng là ông cử, lại có tuổi; tôi cũng là người vừa thất bại đau đớn quyết chí phục thù cải tạo lại con người để chuộc tội lỗi. Hết sức cần kiệm. Hàng thuốc khá đắt; nhưng tình thương người bởi thương thân kia nó đã sâu lắm, nên tôi chỉ dấu diếm bố tôi giúp đỡ người nghèo. Ba năm trời chỉ đủ ăn, chẳng thừa được đồng nào.
Tôi là người ốm yếu, đa cảm, lại bị toả chiết 5 sớm; thêm vào đó là sự học hành nhờ bà nhiều, nên lòng lành được vun bón nhiều. Khi bà tôi mất, lúc đó tôi 15 tuổi, thương quá, thấy bố mẹ tôi mời sư về tụng kinh 6. Sư bảo tôi: “Nếu chú tụng được thì tụng cho Bà được nhiều công đức“. Vì lòng thương và biết ơn Bà, tôi leo lên ghế tụng thật. Sư bảo tôi tụng kinh Lương Hoàng đến đoạn Phật Thích Ca bỏ ngôi thái tử đi tu khổ hạnh, lúc đắc đạo vào hàng ngũ khổ cùng, giác ngộ cho người cùng khổ nhất để nâng dắt lên trên giai cấp phong kiến… Phật lại nói: “Nhân dân là cha mẹ bao đời kiếp của ta, ta phải hiếu kính cúng dàng; cho đến muôn vật cũng có tính Phật cả, bình đẳng với ta cả; ta phải làm thế nào cho thảy đều bình đẳng cả tình cũng như trí“. Vì cái động cơ đó mà tôi cứ mỗi tuổi 1đi gần với đạo Phật. Nhưng tôi đi sâu vào trong nhà chùa, tôi thấy sự tổ chức không đúng một tý nào, trái lại toàn rập theo khuôn khổ phong kiến, chia giai cấp rất khắc nghiệt, hưởng thụ xa xỉ, bỏ mất hẳn cái tinh thần trọng lao động, không theo đúng quy chế: “Một ngày không làm, một ngày nhịn ăn” của Phật Tổ. Lại còn dùng thuật mê tín vẽ ra đàn tràng cúng kính, đục khoét đến xương tuỷ nhân dân để mà sống một đời nhàn rỗi no đủ. Vì thế tôi nhất định không theo chế độ đó, cho đến ngày nay tôi cũng chỉ là một tín đồ tín ngưỡng triết lý mà thôi. Hơn nữa, nếu có dịp, tôi sẽ đánh đổ cái chế độ mục nát ấy; nên sau đó tôi có theo đuổi vào công việc chấn hưng Phật giáo.
Năm 1929-1930, chị lớn tôi lấy chồng nhà giàu, nhưng bị nó đàn áp khổ, phải ra ở riêng, sinh kế rất thiếu thốn. Tôi biết ơn chị tôi đã tận tuỵ giúp mẹ tôi nên anh em tôi mới sống được, nên tôi quyết nghỉ bớt việc làm thuốc, lên ở Hà nội trông nom giúp chị tôi cho thuê xe đòn đám ma. Hai năm tận tuỵ, khi chị tôi đã có cơ sống được, tôi mới thôi. Lúc đó có một em con chú họ là Hiền, mồ côi cha mẹ, ở với dì ghẻ; dì ghẻ ác nghiệt đuổi vợ em Hiền về với bố mẹ, còn em Hiền thì ngày ăn hai bữa lêu lổng chơi bời. Tôi lại đứng lên thu xếp với dì ghẻ cho vợ em Hiền về. Tôi vay được 500 bạc mua cái máy in đạp chân của nhà in Phù Văn về. Anh em thuê nhà, sắm đồ và rủ thêm vài em sắp chữ. Tôi tập làm máy in rồi ký giấy với hãng buôn giấy Cáp Pha, mua chịu giấy về kẻ làm vở bán và mở thêm một cửa hàng sách nhỏ ở nhà 36 phố Sinh Từ 2, vừa bán sách vừa bán hàng quà cho học sinh; tháng tháng chạy tiền thuê nhà méo mặt, nhất là lo nộp thuế môn bài bằng đi sứ. Tất cả đến 7-8 anh em lao động cùng làm cùng sống lay lắt qua ngày.
Đến cuối năm 1935, Hội Phật giáo thành lập có rủ tôi 3 . Tôi có hỏi bố tôi, bố tôi bảo cho biết đó là cái Hội thằng Tây nó lợi dụng. Tôi cũng biết cả Ban Trị sự, đa số là tay sai đắc lực như Nguyễn Năng Quốc 4, Trần Trọng Kim v.v… Nhưng tôi cũng không sợ, vì dù sao tôi cũng có thể lợi dụng thực hành cái chí của tôi là đánh đổ chế độ hiện hành thối nát của nhà chùa. Tôi vào giúp việc Hội; được ít lâu, tôi để hiệu sách cho em Hiền. Tôi cho Hội mượn cả máy in và Hội sắm một cái máy nhỏ nữa, tổ chức thành nhà in sách báo nhà Phật 5. Tôi làm quản lý nhà in, viết kinh viết báo nhiều nhất; mục đích chính vẫn nhằm về chỗ bài trừ mê tín, đề cao tinh thần lao động. Sách báo không chạy mấy, nhất là báo; tờ Đuốc Tuệ trước ra 3000 số rồi sụt xuống 1000 không hết; người mua không chịu trả tiền. Lỗ vốn nhiều mà kinh tế thì Hội khoán trắng cho tôi, nên đời sống của anh em nhà in chúng tôi cũng gieo neo lắm. Ngoài kinh sách nhà Phật, tôi in rất nhiều các sách như Đạo đức phổ thông, Lịch sử Phổ thông, Vệ sinh Phổ thông, Cách trí Phổ thông v.v.. . để tặng các bạn nghèo học lớp Truyền bá Quốc ngữ. Tôi cũng cố gắng về việc học. Ngoài lớp các tăng ni học, tôi còn mở rộng dạy các em ngoài, không lấy tiền; tôi đã bị tên cẩm 6 Hàng Trống bắt giữ ở bóp nửa ngày. Tôi đã đề nghị cho Ban Quản Trị nhận lấy trách nhiệm mở rộng lớp học quốc ngữ, cử hết tăng ni làm giảng viên, lấy chùa làm trường học, cam đoan một năm tín đồ Phật giáo hết nạn mù chữ; nhưng Ban Quản trị họ tìm đường thoái thác không dám làm, tôi lấy làm ức lắm.
Năm 1936, tôi vào giúp việc Hội Tế Sinh do cụ Cả Mọc 1 sáng lập bằng tinh thần tự lập, không nhờ Pháp trợ cấp. Ban Trị sự toàn người sốt sắng như các ông Hoàng Đạo Thuý, Trần Duy Hưng 2 v. v… nên công việc Hội lúc mới cũng khá phát triển. Riêng tôi với cụ Cả Mọc thì nghĩa là đồng chí mà tình như mẹ con 3, vì tôi với cụ cùng thờ một lý tưởng không cần lo cho mình mà chỉ cần lo cho người, biết sống dưới quyền của giặc là nhục, nên làm việc gì cũng không phô trương, chỉ cần có lợi thực tế cho giống nòi, không cần giặc biết. Thằng Bảo Đại thưởng Kim Tiền 4, Cụ tôi gửi trả lại. Tên Thống sứ Tô-Năng 5 bảo khai tên Ban Trị sự để cho mền đay 6, Cụ tôi chỉ vào cái hòm công quỹ nói: “Ông cứ bỏ đầy cái hòm này còn hơn“. Nguyễn Năng Quốc, Hội trưởng Hội Phật giáo hai lần đem xe ô tô đến mời tôi và bảo tôi khai lý lịch để sớ 7 vào thằng Bảo Đại cho tôi phẩm hàm, tôi bảo: “Tôi chỉ thích làm người bạch đinh thôi. Lý phó làng tôi khuyên tôi bỏ ra 6 đồng bạc để mua nhiêu 8 cho khỏi đi tuần, tôi cũng đồng ý cứ gọi đi tuần thì đi chứ không mua nhiêu. Nếu cứ ép xin phẩm hàm, tôi sẽ vào rừng.” Cũng vì chung một chí nguyện chịu khổ sở nhọc nhằn để giúp đỡ đồng bào, cả đời không ăn ngon mặc đẹp, chỉ kéo đôi guốc cũng đẽo lấy mà dùng, không ai có gia đình riêng, nên chúng tôi được nhiều người tin lắm. Rất nghèo mà tiền bao nhiêu cũng có. Năm 1937, lụt tràn hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Ngoài sự góp sức vào cơ quan cứu tế, tôi cùng cụ Cả Mọc còn vận động đi lấy tiền lấy áo; rồi tôi cùng ông Thuý, ông Hưng hàng ngày đem thuốc, đem tiền, đem áo đi tới từng nhà nạn nhân giúp cho đến sống thực. Gần khắp hai huyện Quế Dương, Lang Tài, không còn sót mấy nhà mà chúng tôi không tới hàng bốn năm lượt, ròng rã ba tháng như thế cho đến lúc lúa chín. Chúng tôi nhận thấy số các em nghèo ở bãi Phúc Xá rất nhiều, định mở thêm một nơi trông nom các em nữa, đã nhiều lần đưa giấy cho tên Đốc lý Hà nội là Viếc-Gi-Ty, nhưng nó có ưa gì chúng tôi mà nó cho. Chúng tôi đành phải tìm ra nơi khác. Vì thế mới mưu tậu cái ấp Phú Ninh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc của con một nhà phong kiến là Nghị Hoành. Lúc này tài chính của Hội ngày một eo hẹp, vì số chi tăng mà số thu chỉ trông có 500 hội viên, mỗi tháng góp 5 hào với 3 hào. Chúng tôi phải cầm cái họ 9 và vay tạm các nhà buôn, tậu cái ấp hơn 100 mẫu với giá tiền hơn 1000 đồng (hơn một nghìn). Những tưởng tậu ruộng để thêm nguồn kinh tế cho Hội, nào ngờ ruộng thì xấu, tá điền bị địa chủ bóc lột nghèo quá, chúng tôi lại phải vận động ở Hội chính lên giúp thêm. Ba năm đầu chúng tôi hết sức hô hào, làm được một cái trường học, 5 gian nhà dưỡng lão, 3 gian các em ở và một ngôi chùa nhỏ. Dân ấp cũng khá dần, đã làm được cái chuồng trâu công cộng bằng gạch, dài 10 gian. Công việc giúp đỡ già cả tàn tật cũng khá dần, tre ấp đã tốt, dân ấp đã đông thì phát xít Nhật tới cấm ấp.
Về bên Phật giáo 1, thì từ năm 1943 đến 1945, tôi cùng các đồng chí xây được một cái trường học ở làng Mọc cách thủ đô 5 cây số, trù tính làm xong chứa được 500 học trò nghèo. Năm 1944, làm xong 1/4, tôi đã mở 4 lớp tiểu học dạy theo tiểu học không kèm theo Phật giáo tý nào. Ai trả tiền cũng lấy, mà chú trọng là giúp các em nghèo. Cách trường học độ 500 mét, tôi lại lập một cái am 2 đặt là am Tế Độ, để các hội viên ốm yếu nghèo ngặt khi ốm có chỗ dưỡng bệnh. Đằng sau mở một khu nghĩa trang để tiện người có giúp không 3 người nghèo.
Năm 1944, nạn đói bắt đầu chớm ra, tôi cùng cụ Mọc đã lo mua khoai khô, sắn khô để dành và đã ăn hạn chế. Năm 1945, nạn đói khủng khiếp. Tôi cùng cụ tôi thật là chạy bợp đầu. Người đói đầy đường, ai giúp được hết. Chúng tôi không dám mở to, cứ chiều chiều nắm từ 3 – 400 nắm cơm, nhờ các anh em Hướng đạo 4 đeo đi các ngả đường, dúi vào bọc cho từng người. Tối thì đốt nhiều đống củi ở Hội quán 5 cho đồng bào sưởi. Sau ngày Nhật đảo chính, nó lấy gạo của Pháp nấu cháo cho đồng bào ta đói, nó nhờ chúng tôi đi làm giúp. Trường học tôi trông nom, nó lấy làm nơi phát cháo. Nó viết mấy chữ lớn: “Bát cháo của người Nhật”. Nó cho một cách rất khinh bỉ: cho một bữa lại bỏ bẵng hai ba ngày. Đồng bào kéo đến đông, kêu gào thảm thiết. Tôi vừa tức vừa thương, quyết tâm tự mình hô hào các nhà từ thiện góp tiền góp gạo; tôi tự nấu cháo mời đồng bào vào ăn. Quân Nhật tưởng tôi ăn cắp gạo của nó, cho người xuống điều tra hăm doạ tôi. Tôi không sợ cứ làm mãi; tới 16-6-1945 là 93 ngày, số người ăn một bữa 2 bát cháo là 38.600 bữa, gạo hết 30 tạ. Thằng Nhật xuống, thấy tôi làm được, nó lườm một cách ghen ghét rồi bỏ đi. Tiếp theo nạn đói, tới luôn nạn sốt định kỳ. Trường học, Am Tế Độ đều đầy người ốm. Tính trung bình mỗi ngày tôi phải chôn 15 em chết; ít lâu sau chật cả 2 sào đất, hôi thối sặc sụa. Rồi quân của thằng Tưởng Giới Thạch kéo sang chết, nó cũng chôn bừa vào nghĩa trang của Hội tôi. Hàng ngày tôi sống chung với người ốm và người chết, càng khổ bao nhiêu càng căm thù tụi thực dân bấy nhiêu. Lúc đó chưa học chính sách, chưa biết thù địa chủ phong kiến. Đời tôi lao đao và cảm súc sầu thảm nhất là ở lúc này.
Tính đã đã đa cảm, lại sống trong cảnh sầu thảm nhiều, nên tôi hết bệnh nọ đến bệnh kia. Năm 25 tuổi, tôi mắc bệnh khạc huyết thành lao sái, 8 năm mới khỏi. Năm 40 tuổi, lại mắc bệnh thần kinh suy nhược, đầu lúc nào cũng réo như sáo diều, đêm khó ngủ, tai điếc dần. Bác sĩ Trần Huy Hưng và bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết 6 hết sức chữa cho cũng không khỏi. Cho đến ngày nay bệnh càng nặng, năm nay lại thêm bệnh hà sống mũi; với cái chết thật là dễ dàng, nếu không gắng tập thể dục và và điều độ cẩn thận.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, phát xít Nhật đầu hàng, tôi lại cùng Cụ Mọc lên sửa lại ấp Phú Ninh cùng anh Hồ Trọng Lý lúc bấy giờ làm quản lý cho Hội Tế Sinh. Còn ở Hội Phật giáo, tôi lại xin khai giảng trường học; số lưu học sinh 7 được trên 10 anh, học trò ngoài trên 30 em. Tôi lại xin Chính phủ Kháng chiến tạm giao cho tôi khai thác cái bãi cỏ trước thực dân Pháp chiếm của làng Phương Liệt để nuôi ngựa, gần 8 mẫu, xung quanh có ngòi nước. Tôi cùng hơn 10 em trên 15 tuổi thoát chết đói làm mấy gian nhà, tậu một con trâu và sắm cày bừa, cùng nhau giẫy cỏ, cầy vỡ, đắp bờ làm ruộng, trồng khoai, gieo mạ để cấy chiêm. Công việc mới hơi gọn mắt thì thực dân Pháp xâm lăng, tôi cùng các em đánh trâu, vác cày bừa tản cư. Chính con trâu tôi làm bây giờ 1 là đã cùng tôi tản cư trên 8 năm nay.
Tám giờ tối tháng 11 ngày 26 âm lịch 2 năm 46, tiếng súng nổ ở Thủ đô; tôi thu xếp các em chạy tản cư vào làng Đan Thầm, Hà Đông. Lúc đó, các em do Hội Phật giáo trông nom có tới 90 em, phần nhiều là 5-6 tuổi, lại vì đói ăn mắc các bệnh lỵ và nề rất nhiều; nhiều em phải gánh 3. Trông nom vào đó có 6 sư ni và anh Nguyễn Quý Tán 4 giúp việc dạy các em học. Còn tôi ở lại đến gần Tết âm lịch mới đi, vì lúc đó có anh Đường Thể Châu giúp trách nhiệm tự vệ kháng chiến khu Sinh Từ về bảo tôi in giúp các truyền đơn và bản tin chiến đấu; và nhà in của Phật giáo lúc đó cũng dọn về am Tế Độ. Đến phút cuối cùng thì chúng tôi đập hết máy, đổ hết chữ xuống ao rồi mới đi ; nhà cửa cũng đốt hết 5 . Ngoài số em Phật giáo, lại có 21 em do Hội Hợp Thiện trông nom ở Hàng Bột, lúc tác chiến Hội bỏ các em bơ vơ qua chỗ tôi ở; tôi lại đưa các em về Đan Thầm. Tất cả người lớn trẻ con trên 130 người; lương thực chỉ chạy được trên 10 tạ thóc, và trước lúc tác chiến tôi bán cái máy in của tôi mua riêng được một vạn rưởi đồng đem đi để làm vốn sống. Ở Đan Thầm, tôi theo chính sách đã xin làng ấy 2 mẫu ruộng cấy chiêm; lúa đã có đòng thì lại phải bỏ đi. Số các em đông quá lại ốm yếu, nên đã phải ăn cháo. Tôi chia 20 em đã trên 10 tuổi về chùa Mai Xá, Hà nam; 21 em Hợp Thiện được Hội Hợp Thiện tìm đến chuyển đi. Còn 70 em, tôi chuyển về huyện Phú Xuyên ở làng Trung Lập. Từ đấy chúng tôi đã tham gia vào Bình dân học vụ ở làng đó. Được vài tháng, thấy tình thế cấp bách lắm, tôi mới thảo luận với em Nghiêm tôi 6 và anh Tán, đưa một số 30 em lên phát rừng mở trại ở trong rừng an toàn Cù Vân 7. Còn một số em nhỏ, tôi mua một cái thuyền gỗ đưa các em từ Trung Lập lên Sơn Tây. Suốt ngày tôi cùng em Thành 8 mặc cái quần cộc, cởi trần dìm mình dưới sông kéo thuyền đi. Con sông có trên 30 cái thác, kéo rất vất vả. Đi sáu ngày mới tới Sơn Tây; toàn thân tôi lột hết một lần da mỏng, y như rắn lột, nhọc nhằn không sao tả xiết. Tôi tản cư vào làng Yên Mỹ, trú ở nhà tên Tổng Khuông, một địa chủ cường hào nhất làng. Chật chội quá, tôi làm mấy gian lều lên đồi cho các em ở; rồi cuốc đồi trồng sắn, cấy rẽ của tên Tổng Khuông 2 mẫu. Rẽ chia đôi mà nó còn mắng là lũ ăn mày, tôi tức định không gặt; mẹ tôi khuyên mãi, tôi mới nuốt giận gặt vậy. Ngoài số các em, còn có mẹ tôi già 72 tuổi và hai chị dâu, một em trai, một em dâu và mươi cháu nhỏ. Các em đã ốm lại đi xa, bệnh ngày càng nặng; riêng ở Sơn Tây tôi đã phải chôn một chị dâu, một em dâu và 7 em bé dưới 10 tuổi. Năm 1947, tôi bắt liên lạc sang ấp Phú Ninh. Cụ Mọc tôi ốm nặng, công việc Hội 9 tạm giao cho tôi. Nhưng tôi chưa nhận việc thì anh Hồ Trọng Lý tản cư tới; thế là Cụ Mọc chuyển sang cho anh Hồ Trọng Lý vì anh vẫn trông nom việc ấp từ trước. Còn tôi lại về Sơn Tây. Qua 2 tháng, tôi lên Cù Vân thăm các em, thấy các em ngã nước 1 nặng cả, tôi lại xin phép chuyển cả về ấp Phú Ninh làm lều ở riêng một khu ruộng, cách Hội Tế Sinh 500 thước. Các em yên chỗ, tôi về Sơn Tây để thu xếp sang cả một nơi. Chưa kịp dọn thì giặc tấn công lên Sơn Tây, phải chạy một phen vào rừng ẩn nấp. Cuối năm dọn sang Phú Ninh, tôi cùng các em sang trước, mẹ tôi và em tôi sang sau. Hôm mẹ tôi sang, khi đi ra bến Sơn Tây thì bị giặc quây, bắt em trai tôi (tức là bố cháu Miễn) và một em gái là An 2, còn mẹ tôi già, nó không bắt. Được hơn một tháng, em trai tôi trốn thoát về ở với tôi, còn em gái thì chết mất tích. Năm 1948, vì anh Hồ Trọng Lý biển thủ thóc gạo của các em, lại kéo bè phá Hội, nên lúc đó ông Vũ Ngọc Linh Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Phúc Yên phải về giải quyết, bầu lại Ban Trị sự; tôi chỉ là một chân cố vấn. Ít lâu sau, chúng tôi theo lời ông Linh bảo, phải thảo lại điều lệ xin phép Liên khu I. Trong điều lệ mới, có thêm một phần chính là trông nom con các chiến sĩ tử thương, và chỉ được gửi các em vào các công xưởng lớn, cho các em sau này thành nghề tốt, chứ không được cho các cá nhân nuôi làm khổ các em. Chính vì điều này mà tôi phải chịu rất nhiều oán thù, vì ai thiếu người cũng muốn chiếm một em về làm đứa ở 3.
Ngày 5 tháng 12 năm 1948, chúng tôi được phép thành lập Hội Tế Sinh tỉnh Phúc Yên (Giấy phép số 661/DT). Đầu năm 1949, chúng tôi lại được phép mở một trường tiểu học cho các em trong Hội và các em ngoài Hội học. Kỳ thi Bổ túc, trường Hội tôi được giải thưởng lá cờ danh dự thứ hai.
Ngoài việc Tế Sinh, tôi lại được theo các tăng ni vào Hội Phật giáo Cứu quốc huyện Kim Anh. Ban Chấp hành cùng tôi nghiên cứu mở một lớp học huấn luyện tăng ni. Tài liệu gồm ba phần chính là: 1. Giáo lý; 2. Lịch sử; 3. Kháng Chiến; được Huyện bộ Việt Minh Kim Anh đồng ý, số người dự trên 40 người. Huấn luyện 7 ngày, chúng tôi thực hành giảm ăn; hết khoá học ủng hộ Quỹ Kháng chiến được 500 đồng. Sau đó lại xin mở lớp huấn luyện Bình dân học vụ 7 ngày để các tăng ni học rồi chia nhau đi giúp các xóm trong xã Phú Cường, góp được một phần vào việc thanh toán nạn mù chữ ở các thôn Ninh Bắc, Cầu Đen, Hưng Gia, Thái Phù.
Ở đây, riêng tôi làm được gần 4 mẫu ruộng, trồng hàng mẫu khoai, nên sự sống cũng chỉ kham khổ thôi, không đói lắm mà cũng không ai chết cả. Lúa cấy đã giỗ quạn, có tin dồn dập giặc tấn công, rồi chúng đánh lên đến Phủ Lỗ, cách Hội tôi 5 cây số. Hội tôi tản cư lên Thanh Trí cách đó 4 cây số. Toàn Ban Trị sự họp bàn việc đưa các em tản cư. Không ai chịu gánh cái gánh khó khăn ấy, tôi phải xin gánh và quyết định hãy tản sang Vĩnh Yên. Kẻ gánh người đèo được dăm nồi gạo, dăm nồi đỗ sang chùa Yên Lạc và chùa Lầm. Tôi vừa thu xếp cho các em yên ổn rồi trở về Phúc Yên chuyển nốt thì giặc nhảy dù ngay Hương Canh gần Yên Lạc. Thế là đứt liên lạc. Tôi cùng 3-4 em đánh được con trâu và vác cày cuốc lên ở Phi Đơn, huyện Đồng Hỷ 4. Thu xếp xong, tôi cùng một em vượt đèo Nhe sang Yên Lạc; còn cách 5 cây số tới nơi thì gặp giặc càn tới, lại chạy ngoài đồng suốt đêm. Về Phi Đơn nghỉ một hôm lại vượt qua Tam Đảo. Trời mưa bão, vừa đi vừa lánh giặc càn phá, 3 ngày mới tới. Trong lúc đó thì các em ở Yên Lạc, trong 15 ngày bị giặc càn hai lần, mất hết; mẹ tôi bị gẫy xương đùi. Tôi cùng các em thu xếp sang Thái. Tôi và em Nghiêm tôi cùng cáng mẹ tôi. Các sư và các em đi trước. Đi được 5-6 cây số thì giặc càn tới, chúng tôi cứ đồng lầy chạy tắt, đằng sau giặc bắn đuổi theo, chạy không còn hơi mà thở nữa. Đi suốt ngày, tới chân núi Tam Đảo, lúc đó còn tất cả 38 em, em bé nhất 5 tuổi phải cõng và gánh. Cả đoàn dậy sớm nấu nồi cháo lớn, mỗi người ăn ba bát và cùng hô khẩu hiệu: “Ba bát cháo, đáo 1 Tam Đảo”. Suốt ngày leo trèo, khổ nhất là cáng người què và cõng em bé. Qua cái dốc Tam Đảo, ai có qua mới biết là hiểm trở ghê người, nhiều chỗ phải bò hay ngồi xuống bíu rễ cây mới xuống được. Đi đến tối mới tới chân núi bên này Vĩnh Yên 2, vô sự cả. Về Phi Đơn mấy hôm, chỗ ở chật quá mới tìm vào Lý Nhân cách đó 3 cây số. Tiền hết, gạo hết, phải bán nồi bán xanh 3, lên tận Cù Vân mua sắn về nấu cháo. Hôm nào tôi cũng phải dậy từ gà gáy để giã sắn nấu cháo. Đói quá, khổ quá, hết sắn lại cháo lợn. Cả lớn bé gần 50 người, ngày ăn có 4 bát gạo nấu với một rổ sề lá khoai lang già, y như đồ lợn, nên các em mới đặt cho cái tên là cháo lợn. Lúc đó gạo lên giá cao quá, cảnh đói lan cả đến nhân dân; bộ đội cũng ăn cháo. Một hôm, có một tiểu đội Vệ Quốc đến đi suốt xóm đong không được gạo, chúng tôi phải nhường cho 4 ca; nấu cháo chưa nhừ, bộ đội đã húp vội rồi đi. Chúng tôi cùng các em thấy cảnh thực ấy cảm động vô cùng và tự nhiên thấy như chết gần hết những nỗi oán đói. Chúng tôi bàn nhau chỉ còn một cách vỡ đồi trồng rau và làm gạo sáo 5 là sống ngay, nhưng lấy đâu ra tiền. Tôi liền viết thư gửi lên Bộ Nội vụ và Liên khu I 6. Chưa đầy nửa tháng đã có giấy gọi đi lấy tiền. Uỷ Ban Khu giúp cho một vạn đồng. Sung sướng quá, tôi cùng các em reo lên. Tiếp theo, lại cho mua mấy chục thước vải và 300 ký ninh vàng7, bán bớt đi làm vốn; cả nhà ra sức làm gạo sáo, kiếm được đủ gạo nấu cháo và sắn ăn.
Ở đây chúng tôi tuy đói nhưng đối với công cuộc kháng chiến vẫn cố gắng. Công lương8. được nhân dân miễn, nhưng chúng tôi chịu đói lấy thóc đóng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Giáo dục mở vườn trẻ, tôi cử 5 sư ni 9 đi dự lớp mẫu giáo 15 ngày; lúc về cố gắng cùng nhân dân sở tại mở được một vườn trẻ nhỏ có độ 15 em. Theo phương pháp mới, chúng tôi hết sức săn sóc, các em tiến bộ mau lắm. Sau vì máy bay khủng bố dữ và nhân dân thấy chúng tôi nhịn đói làm việc nên mới xin tạm đình. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi liều quá. Các em trong nhà săn sóc chưa xuể, lại còn săn sóc các em ngoài.
Năm 1950, tôi nhận thấy rõ công cuộc trường kỳ kháng chiến ai cũng phải gánh một việc; các sư ni trông nom các em và vườn trẻ cũng tạm được, còn 3 sư tăng theo tôi tản cư, như anh Quang tôi trông nom cho từ năm 11 tuổi, anh Tuấn, anh Dưỡng đều ở với tôi. Tuy là sư nhưng cũng có đầu óc sáng suốt, nghe tôi hướng dẫn đều hăng hái đi đầu quân. Anh Quang, anh Tuấn vào Cục Thông tin liên lạc10, còn anh Dưỡng vào chuyên môn điện thoại. Nhờ ơn Hồ Chủ Tịch, ơn Đảng giáo dục, anh Quang đã tiến tới chiến sĩ thi đua đại đoàn, anh Dưỡng chiến sĩ thi đua tiểu đoàn, anh Tuấn cá nhân xuất sắc.
Hồi tháng sáu năm 1950, chị Chi, chị Lan 1 đi chợ bán gạo, gặp người quen ở Thủ đô ra, cho biết tin là bố chị Chi chết. Hai chị trốn luôn về Thủ đô 2 độ nửa tháng lại ra. Vừa tới nơi, tôi họp ngay các sư và các em lại kiểm thảo và đuổi hai chị đi. Được 7 ngày, chị Lan đi hẳn, còn chị Chi trở về thú thực là có về Thủ đô, có được bà con cho ít vàng phải bỏ vào lọ tương mới đem ra được, nay biết tội xin cho ở lại, thề không dám về nữa. Tôi bảo các em rằng: “Chúng ta phải tự lực cánh sinh; người tự do 3 không ăn xin người mất tự do. Vàng của ai cho phải trả lại, dứt khoát tôi không dùng“. Việc này có nhiều người biết đều cười tôi là gàn. Tôi vui lòng chịu gàn, miễn là tôi không luỵ ai.
Chúng tôi tới Lý Nhân chưa đầy một tháng thì mẹ tôi chết 4, vì người già đau đớn, thuốc men không có, ngày vài bát cháo, sống làm sao được. Tôi trông thấy mẹ chết thỉu dần mà lòng đau đớn vô cùng. Chao ôi! Thế là bố chết vì giặc, mẹ chết vì giặc, anh chết vì giặc (anh Quế làm cán bộ trước bạ ở Hiệp Hoà, năm 1948 bị giặc tấn công bắt, giặc dụ hàng, anh tôi không hàng, giặc mang về Kinh Môn bắn chết, hiện có một con nhỏ là em Khuê ở với tôi) 5, em gái chết vì giặc, chị dâu, em dâu chết vì giặc. Cái thù không đội trời chung, mà tôi ốm yếu không ra tiền tuyến giết giặc để báo thù, tủi nhục đau khổ là dường nào! Tình cảnh thiếu thốn đã khổ, lại thêm cái sự đối đãi ở xung quanh hà khắc lại càng thêm thương. Các em thiếu thốn đi mót củ khoai, hái ngọn rau, bị chửi mắng nhục, bị đánh rất đau, luôn luôn phải xin lỗi, nhìn nhau bằng con mắt cáu ghét. Còn nhớ rằm tháng 8 âm lịch năm ấy, ông Nhân Phó chủ tịch Huyện Đồng Hỷ có khuyến khích các xã xung quanh đến thăm các em. Nhưng chỉ có một xã Đồng Tiến đến cho hơn 1 nghìn 400 đồng, lại toàn giấy rách không tiêu được; sau chúng tôi lại phải thêm tiền vào cho đủ 5 nghìn để mua công phiếu kháng chiến. Nói đúng ra thì nhân dân cũng thiếu thốn cả, còn lấy đâu mà giúp được. Uỷ ban Tỉnh có uỷ một uỷ viên về thăm 2 – 3 lần, thấy tình cảnh thiếu thốn có thông tri cho huyện Đồng Hỷ đến đón các em để tìm chỗ gửi. Nhưng các em khóc không chịu đi. Uỷ ban huyện lại bảo tôi đưa các em sang Đồng Bẩm nhờ con mụ Cát Thành Long 6 giúp cho vài con bò và mấy mẫu ruộng. Còn đang thu xếp thì giặc tấn công lên. Thật là may, nếu sang Đồng Bẩm thì khó tránh khỏi nanh vuốt của con mụ địa chủ ấy được. Ở đây, anh Quang liều về Phúc Yên dắt được mấy con trâu, bò gửi ở Dóm lên, lạc mất một con, còn một con bán được trên 5000 đ, được thêm ít vốn làm gạo sáo. Tháng 9 năm ấy, giặc tấn công lên. Chúng tôi ở trong vòng vây 12 ngày, suốt ngày đêm chui trong các bụi rậm ngoài đồi núi, nắng dầm mưa dãi, cũng gian khổ lắm. Trước sau chết mất 4 em. Lý Nhân là nơi hẻo lánh; đồng bào tản cư đến đông, mà phần nhiều là đồng bào vùng xuôi tản cư lên; nên trong lúc lánh nạn, các sư ni và các em lớn chắc là có gặp người quen thuộc nên cùng mưu với nhau về tề gần hết. Lúc yên, kiểm điểm lại chỉ còn 15 em, trừ em Kim, em Dậu gửi vào xưởng giấy Đoàn Kết của báo Cứu Quốc, em Hơn và em Mỹ gửi vào hãng thuốc lá Bắc Sơn. Em Hơn sau cũng chết, em Mỹ cũng không thấy đâu nữa.
Sau khi giặc rút, có Nguyễn Đức Thuận quen với giáo Đức 1 Hội trưởng Hội Tế sinh, cũng ở Lý Nhân rồi theo con gái về tề, nên có xuống thăm vườn trẻ, về bàn với tên Tâm 2 rồi xuống bảo tôi rằng cứ đưa các em lên Đồng Tâm, Tâm sẽ để ra 20 mẫu ruộng cung cấp cho các em và mở một vườn trẻ ở Đá Gân. Tôi tưởng thật mới gồng gánh lên. Không biết Tâm thấy tôi rồi nhận xét thế nào, hắn lờ đi không nói gì đến chuyện trước nữa. Thực lại là một cái may lớn nữa cho các em: Tâm bảo tôi để các em ở trong ấp, tôi không nghe, ở nhờ cái nhà của Đoàn Nông nghiệp, tức là cái nhà tôi cùng các em sửa sang ở bây giờ. Tâm bảo Thuận ra bảo tôi rằng còn 2 luống khoai mòng 3 ở đầu nhà nay ủng hộ cho các em rỡ lấy mà ăn. Thuỷ chung Tâm không có ra nhà tôi thăm các em lấy một câu. Tôi đã biết ngay thủ đoạn của nó một phần nào. Nó bảo Thuận ra bảo tôi rằng cho vài em lớn vào chăn trâu cho nó, nó nuôi cơm cho. Tôi tức quá, bảo thẳng Thuận rằng: “Các em học được cả đấy, có giúp cho vài học bổng để các em đi học thì tôi đồng ý, chứ không bao giờ tôi săn sóc các em để đi làm tôi tớ cho ai.” Tâm từ đó căm tôi. Tôi vào luôn mấy lần hỏi ruộng và soi4. Tâm chỉ cho 9 sào ruộng, soi thì không có. Tôi lên Đồng Tâm giữa ngày Noel năm 1950. Sang năm 1951, Chính phủ hô hào tập đoàn sản xuất. Tâm cho Thuận rủ ông Du, anh Vân, anh Me, anh Đắc và hai anh em tôi vào tập đoàn nông nghiệp. Hai anh em tôi vào hai suất, tôi giúp việc bình dân học vụ trong xóm và giúp các đoàn viên học. Công việc đang tiến hành, anh em tôi vỡ đất ngoài ven sông, trồng sắn trồng bắp, quyết kế tăng gia. Tháng 4, em Nghiêm tôi đi phục vụ ở công trường Chợ Mới (Cây thị, Bắc Kạn) bị máy bay giặc oanh tạc chết 5. Thế là nhà tôi thêm một tai nạn lớn: 5 cháu mồ côi cả cha mẹ, mới có mình cháu Miễn là nhớn. Tình thế bắt buộc phải tìm đường sống thêm giúp tôi, nên cháu mới theo mọi người xuống Trại Cờ buôn muối gánh về Thái Nguyên bán rồi lân la dám về cả nội thành. Tôi bảo không nên; nhưng tôi không đủ tài nuôi được cả, nên câu nói cũng kém hiệu lực. Tôi thấy tôi cũng hèn quá, biết mà không làm được trọn cái biết.
Tập đoàn lủng củng lắm. Thuận cậy thế Tâm, đàn áp đoàn viên, mấy lần suýt vỡ . Tôi cương quyết bênh anh Đắc mới duy trì được. Vụ mùa thắng lợi, đoàn viên cũng được lợi khá; nhưng rút lại vẫn là mắc mưu tên Tâm, vì nó vào nhiều cổ phần nên vẫn ngồi mát ăn bát vàng. Đoàn thù lao cho tôi 12 nồi thóc về việc học. Tôi hết sức từ rằng: “Tôi giúp người học từ năm tôi 15 tuổi, cho tới ngày nay tôi không bao giờ đòi tiền, không bảo ai gọi bằng thầy, không coi ai là trò, chỉ là người biết trước giúp người biết sau mà thôi. Ngày nay đang lúc kháng chiến, nhân dân đi học là yêu nước; tôi giúp việc học cũng do lòng yêu nước, tôi không nhận thóc.” Đoàn cố ép và bảo tôi cứ nhận cho đoàn làm tròn một việc, còn thóc không dùng lại giúp việc học cũng hay. Tôi đành phải nhận; đồng thời thông qua gia đình 6 là số thóc 12 nồi này là nhà ta không dùng, để tôi sắm sửa vào việc học và để các anh em trong xóm ai thiếu thì lấy, không lấy lãi, bao giờ giả cũng được. Ngoài ra, tôi lại đổi thóc cho các anh em có bắp 7 ăn trước rồi đến mùa bắp đổi bắp cho tôi ; vì tôi tính ăn gạo chỉ được 5 tháng, ăn bắp sẽ được 8 tháng. Việc này tên Tâm đã trù tôi ở một buổi nó gọi tôi vào nhà nó, có cả một vị uỷ viên Huyện Phú Bình và ông Phó Chủ tịch huyện Đồng Hỷ; vì tôi để các anh em dùng thóc không lấy lãi, mà nó thì đầu mùa cho người ta vay 2 nồi, cuối mùa phải trả thành 3 nồi. Tôi nói: “Đó là vì kinh tế, nhà tôi phải ăn bắp nhiều mà không có soi trồng nên phải làm thế.” Nó im thin thít. Cũng vì thế mà năm ấy nó không dám lấy lãi nặng như trước nữa. Số thóc 12 nồi, tôi để các anh em như cụ Dương, cụ Hò, ông Côn v.v.. dùng, và bán một số, sắm sách báo tranh ảnh trang hoàng cho trường học.
Cuối năm 1951, Miễn 1 về nội thành ra nói rằng: tăng già 2 chỉ chuyên làm mê hoặc nhân dân; nạn đàn tràng 3 cúng vái, đồng bóng lại tệ hơn ngày xưa. Đó cũng là một cách gián tiếp giúp bọn thực dân đế quốc dễ bóp chết dân mình. Nghĩ mà thương cho các bạn cùng một tín ngưỡng, tôi mới gửi tập tài liệu giáo dục tăng già của Hội Phật giáo Cứu quốc Kim Anh đã nghiên cứu về cho anh Phạm Xuân Đường (nguyên là con rể nuôi của tôi và cũng đã học tôi mấy năm. Anh trước theo kháng chiến làm huyện đội dân quân ở quê anh thuộc Hải dương, sau anh giả danh vào làm nhà in cho chùa Quán Sứ và hoạt động cho kháng chiến ở khu phố Quán Sứ. Cuối năm 1952, việc bại lộ, anh bị giặc Pháp bắt chưa biết còn sống hay chết) để anh tìm cách giác ngộ cho nhân dân trong nội thành. Trong đó có kèm một bài thơ rằng:
Nhớ Tổ Bách Trượng xưa, Thật thánh thần lao động: Một ngày chẳng làm chi, một ngày cam trống bụng. Chúng ta là hạng nào? Mà không biết tự trọng. Cũng len nhũn lụa mềm. Cũng chè xuân thuốc cống. Cũng xuống ngựa lên xe. Cũng tiền rương thóc đống. Ngũ dục thả cửa chơi; ngũ cái tha hồ hống! Hỏi nguồn ở đâu ra? Đục vào lưng quần chúng. Học chưa quá i tờ. Đạo hoàn toàn ngô ngọng. Hạt gạo nhớn nhường non. Đâu phải là ứng cúng. Cứ theo lẽ chân thường. Ai cũng có quyền sống. Có làm thì có ăn. Biếng lười tất mất giống. Đừng tưởng lầm ngày xưa, Người ta còn mê mộng. Mà dùng cách thôi miên, Mà tính bề lợi dụng. Hết cầu cúng đàn tràng, Lại bùa bèn đồng bóng. Thả săn sắt đòng đong. Bắt cá rô cá bống. Bòn rút hết hầu bao, Để tự cung tự phụng! Dân vì đó suy tàn, Nước vì đó lủng củng. Làm mồi cho thực dân, Dễ bóp cổ bưng họng. Hỡi đệ tử Thích Ca, Đường tu nhằm cho đúng. Trông gương Phật Tổ ta, Như bể trời lồng lộng, Lục Tổ là tri lương, Tứ Nhiếp là tầu súng. Hy sinh vô tận cùng, Phục vụ cho đại chúng. Phúc chí đều như nhau. Viên thành công tu chứng.4
Miễn về quê. Một người trong họ, ở nhà của cha mẹ tôi và hưởng hoa lợi cái vườn nhỏ của cha mẹ tôi, thấy tình cảnh thiếu thốn có đưa cho Miễn một số tiền nhỏ. Miễn đưa cho tôi; tôi trả Miễn và bảo: “Lộc của ông bà để lại cho các cháu dùng cho đỡ khổ”, chứ tôi chẳng dùng đồng nào, mấy lần đều như thế.
Năm 1952, năm nay thêm được hơn mẫu ruộng nữa, năng suất cũng tăng lên 15%; hoa mầu kết quả khá, các em tươi dần.
Tháng 7 năm ấy, cán bộ nông hội tỉnh là anh Ngữ về hướng dẫn nhân dân trong xóm tranh đấu đòi giảm tô đúng mức 25%. Lúc đó tên Tâm còn làm Phó chủ tịch huyện Phú Bình 1; tay sai đắc lực nhất là Nguyễn Đức Thuận làm Hội đồng nhân dân. Anh Ngữ họp kín với anh em tá điền cốt cán tại nhà anh Hạ, có cả tôi. Tôi nhận thấy anh Ngữ đứng hẳn về phe nông dân, nên tin lắm. Họp nửa chừng, Thuận tới chất vấn anh Ngữ rằng: “Chính phủ bảo giảm tô xuống 1/3 hoa lợi thường niên là đúng. Tôi thấy ông Tâm giảm từ 8 nồi xuống 6 nồi rưỡi là quá 1/3 rồi.” Anh Ngữ trả lời rằng: ‘Không cứng nhắc như thế, ruộng xấu làm tốn công, phải giảm đến 50 – 70% cũng có” ; và bảo anh Lâm nông hội xã rằng: “Phải đề phòng kẻ phản động đây”. Cuộc đấu tranh này cũng gay go lắm. Tên Tâm triệu tập anh em tá điền họp luôn 3 tối, dùng đủ mọi cách doạ nạt, dụ dỗ, dằn dỗi, chịu lún ăn xin. Nhưng rút cục nó phải giảm đúng mức và giảm từng hạng ruộng. Trong đợt này có một anh tá điền già là Nguyễn Văn Đa đi sát và ủng hộ cho Tâm và Thuận, đe doạ tôi rằng: “Đa số nhân dân về với ông Tâm rồi, ông mà tranh đấu là gãy đấy” và nói một cách rất hùng hổ rằng: “Chủ điền, tá điền người ta đồng ý là được rồi; cán bộ còn xúi dục đấu tranh làm gì; cán bộ làm thế là làm loạn dân”.
Cuối năm 1952, nghe tin bọn tăng già nội thành ra làm tay sai cho giặc Pháp. Tôi giận quá có viết một bài cảnh cáo chúng gửi về cho anh Đường tìm cách phổ biến. Nội dung bài ấy có hai phần. Phần 1 chỉ rõ tinh thần cách mạng của Phật giáo thuyền tông. Phần 2 chỉ rõ chỗ suy kém của Mỹ, và chỉ cho đường về với kháng chiến (những bản gửi về đều có lưu một bản lại, xin đính kèm theo đây). Từ khi biết tin anh Đường bị giặc bắt, tôi không gửi gì nữa và thuỷ chung tôi cũng không có một lời nào chữ nào với bọn tăng già gian ác cả 2. Chỉ nhận được một tấm ảnh của gia đình anh Đường. Tôi nghe nói anh Đường bị giặc bắt, vợ con khổ sở lắm; tôi có bảo bớt số tiền của người quen tôi gửi cho tôi, đưa cả cho vợ con anh Đường mưu sống (số tiền này chừng độ 1.000 đồng Đông dương).
Đầu năm 1953, tôi đọc báo biết công tác của Chính phủ năm nay có công tác phóng tay phát động quần chúng bắt địa chủ giảm tô. Tôi là một người trong giai cấp bị bóc lột, lẽ ra phải cùng giai cấp đấu tranh. Nhưng thế lực của tên Tâm lúc đó còn mạnh lắm: 1) Tâm còn làm Phó chủ tịch Huyện, cho đến khi bị cách, dân cũng không biết, vẫn tưởng là nó về nghỉ phép. 2) Thuận làm Hội đồng nhân dân, duy trì kinh tế của Tâm, mua chuộc các cán bộ xã riết; ai qua lại đều vào đó cơm nước tinh tươm (vì lúc đó cán bộ đã hiểu Tâm một phần nào rồi nên vào nhà Tâm ít hơn). Thuận lại tóm được cả trưởng xóm là Nguyễn Văn Sinh, công an là Nguyễn Văn Giao (hai người này là hai chú cháu, được Tâm giúp cả thóc và tiền 40 vạn đồng; mãi đến lúc đấu Tâm rồi, họ mới thú và giả nông dân) cũng ra sức doạ nạt đàn áp nông dân để cho khỏi nảy lòng căm thù đấu tranh. Phiên họp xóm nào Thuận cũng nói: “Năm nay Chính phủ thực hành chuyên chính; liệu ốm đòn, tù ốm tử”. Ai có ý thắc mắc về tô tức như ông Xuân, thì Thuận mắng: “Ông phát biểu dè dặt chứ, liệu không lại ốm đòn”. 3) Lý Hốt cùng Đĩnh, Sinh, Giao và mấy người trong xóm ngoài xóm nữa tổ chức một tập đoàn giồng mía, được Tâm cho rất nhiều quyền lợi, lấy cả cây kéo mía của nhân dân bán chịu cho đoàn, nên đoàn ủng hộ Tâm một cách đắc lực lắm, tuyên truyền hăm doạ nhân dân, phân tán tài sản cho Tâm rất nhiều.
Vào hồi tháng 3 – 4 năm ấy, Thuận về phổ biến cho xóm biết cần phải tổ chức lại các ngành các giới, duy giới Nông hội thì Thuận nói một cách buông trôi. Nhưng anh em nông dân thì chú trọng nhất giới ấy vì luôn luôn chúng tôi đem báo Cứu Quốc và sách Phát động vào đọc cho nhân dân nghe, đã hiểu được phần nào rồi, nhất là cuộc phát động ở Đồng Bẩm 1 ảnh hưởng rất mạnh, nên anh em rất nóng sốt với Nông hội. Chỉ trong một buổi họp có mấy tổ sản xuất liên tịch đã lập được Nông hội, bầu ông Đoán làm trưởng tổ, tôi làm phó. Lúc đó chưa ai được học hành gì cả, chưa biết tổ chức thế nào. Nghe lời Thuận bảo củng cố mà chả hiểu thế nào là củng cố. Điều lệ cũng chẳng có, nhưng anh em nông dân rất hào hứng, có cái tâm lý căm thù sôi sục muốn nuốt sống địa chủ ngay. Thuận biết thế, nên lúc họp bầu, nó chẳng nói gì. Đến lúc bàn đến việc tiến hành, nó mới thắt vào lý là tổ chức sai, không có điều lệ thì làm gì được. Thế là Nông hội kém sút, phiên họp hão ra về còn bị phái Thuận cười là phiên họp “không tiền”. Chúng tôi không nản, cử ông Đoán xuống thôn Đồng Ao hỏi. Ông Đoán không biết chính ông uỷ nhiệm thôn lúc đó là ông Mẹo kiêm cả đại biểu Nông hội, nên không đến hỏi ông Mẹo, lại đến hỏi ông Trung là Nông hội xã. Ông Trung bảo ông Đoán xuống xã trực tiếp với ông Bí thư Nông hội xã, cùng dự buổi họp Nông hội xã một ngày một đêm. Khi về lại triệu tập Nông hội xóm, có phối hợp với chính quyền để bình nghị các nông hộ nghèo, rồi lấy thóc nghĩa thương 2 cho anh em vay để làm thóc giống. Lúc đó, có mấy anh em mới ở nơi khác đến như ông Thứ, anh Bản v.v… đều xin ruộng Tâm, thấy Tâm chỉ cho những người có tiếng hơn như bà Bằng, nên họ đưa ra Nông hội xóm giúp ý kiến. Nông hội nhận thấy lúc đó số ruộng của anh em tá điền cũ giả có tới hơn 20 mẫu, mới quyết định cử ông Đoán và tôi trực tiếp thảo luận với Tâm để số ruộng đó Nông hội bình nghị cho các anh em làm. Chúng tôi tới gặp Tâm. Tâm bằng lòng đưa cả mảnh bản đồ ruộng ấy để Nông hội dẫn ruộng. Sau ba hôm lại họp. Phiên họp này quyết định hai việc: thóc nghĩa thương và bình nghị ruộng. Sắp họp thì thấy Nguyễn Tiến Học Hội đồng nhân dân xã coi việc nghĩa thương, cùng ông Mẹo tới. Trông sắc mặt mấy người, chúng tôi đã đoán biết là có sự gì không hay. Phiên họp này Lý Hốt làm chủ tịch, anh Bản làm thư ký. Ông Mẹo nói qua về việc Nông hội xóm bỏ qua ông đi thẳng với xã là sai nguyên tắc. Đồng thời ông tự nhận vì bận quá nên quên cả nhiệm vụ. Còn Học thì nộ nạt nông dân, bênh vực địa chủ chẳng khác gì bọn quan lại cũ một tý nào. Nó mắng chúng tôi là đội lốt nông hội ăn cướp ruộng, ăn cướp bản đồ của Tâm, nó đe thằng nào dám động đến thóc nghĩa thương, nó phá tan tinh thần giai cấp tương trợ nhau. Thuận ngồi sát cánh thì thầm thụ kế và thỉnh thoảng điểm một câu: “Như thế là phá rối sự an toàn trong ấp… Ông Tâm là địa chủ tiến bộ… có phải là Tây trắng [?] đâu”. Học nói rất nhiều, rồi đến Lý Hốt tiếp hơi mắng anh em nông dân vô ý thức, tổ chức sai, và kết luận: “Ông Tâm vẫn có quyền lấy lại ruộng, vẫn có quyền đuổi dân ra khỏi ấp”. Thế rồi cả tụi đó lấy thế lực đại biểu chính quyền bắt ông Đoán và tôi phải sang xin lỗi thằng Tâm! Thế là Nông hội tan rã. Nông dân bị một thùng nước lã giội vào ngực, tê tái ra về. Hôm sau chúng tôi tới bảo thẳng cho Tâm là cứ việc phát ruộng thu tô, Nông hội chưa làm kịp. Tâm cười khẩy và bè lũ Tâm như Hốt, Da v.v… thì cười rộ và tỏ vẻ kiêu hãnh lắm. Nhưng chúng tôi không sợ, nghỉ một vài hôm lại bí mật tìm tài liệu ngấm ngầm đấu tranh. Tụi chúng biết thế nên cũng cố kết 3 nhau và hành động ráo riết, bằng cách gọi 4 tá điền cũ là cụ cai Tư, cụ Hò, ông Đương và Vượng đến, hứa cho mỗi nhà 4 mẫu ruộng. Hốt thì đi từng nhà tuyên truyền hăm doạ. Sau đó gần một tháng, tôi thấy ông Đoán bảo đi lấy tài liệu bí mật gửi xuống Nông hội thôn… Rồi ông Mẹo lên họp củng cố lại Nông hội. Anh em bầu ông Nguyễn Bá Xuân làm trưởng tổ, tôi làm phó. Từ đó chỉ có một việc tiến hành lấy tài liệu thôi, cũng vẫn chưa có điều lệ học tập. Sau khi chúng tôi củng cố lại, tụi địa chủ Tâm hơi núng, không dám đàn áp như trước nữa. Trong một phiên họp sau khi được củng cố mấy hôm, tụi Thuận có chủ trương phá bằng cách đưa những lý luận hiểm hóc ra để bóp chết nông hội. Thuận hỏi: “Tôi là bạn thân của Tâm, lại là Hội đồng nhân dân xã; từ nay có được vào chơi nhà Tâm không?” Tôi nói: “Trong điều lệ có mục kỷ luật tự giác, chắc ông còn hiểu hơn chúng tôi”. Đỉnh thì đưa ra câu hỏi: “Tôi cũng ở trong đoàn làm mía, tôi thấy giấy giao kèo của Tâm cho đoàn làm mía không thu tô, thế là sai. Vậy xin Nông hội cho biết đoàn làm mía nhận có được không?” Chúng tôi nói: “Việc đó chúng tôi không hiểu rõ, để đợi thỉnh thị”. Đỉnh cười và bảo: “Thế là Nông hội vô giá trị”. Rồi thì Thuận báo cáo về tôi rất nhiều. Sinh cũng báo cáo lung tung. Đã sắp đến ngày được học tài liệu phát động mà giữa tối nhân dân xóm chúc thọ sinh nhật Hồ Chủ tịch, Sinh đứng trước công chúng nói: “Phải thanh trừ bọn quấy rối hương thôn”. Mục đích là đe doạ chúng tôi. Hốt đi tuyên truyền nông dân rằng: “Đã nắm được đủ tài liệu rồi, phen này thì khối thằng phải tù.” Chính anh Ngọc còn sợ và bảo ông Đương như thế. Lớp học bí mật mở ra, phe địa chủ cứ tới, thành ra phải đình ngay và lựa chọn lấy 8 người có tinh thần tranh đấu bền bỉ xuống đền Đá Gân học 7 ngày. Hết khoá lại mở liên tiếp ở xóm 4 khoá. Tôi được anh em cử ra làm hướng dẫn; rồi lựa chọn ban trung kiên, đội chủ lực. Nông dân rất phấn khởi, đoàn kết chặt chẽ. Cuối tháng Năm, tên Tâm trây thuế vụ hạ, bị bắt cả hai vợ chồng đi. Ở nhà, con nó phân tán tài sản tứ tung, nhất là đem xuống nhà anh Ba Lê ở Đồng Tiến, một người có chân trong đoàn làm mía giúp Tâm đắc lực và uy hiếp chúng tôi cũng khá mạnh. Một buổi sớm, anh em trung kiên thấy nhà Tâm phân tán tài sản nhiều, bèn báo xuống xã. Xã uỷ công an và uỷ nhiệm thôn lên giữ lại, làm biên bản xong giao anh Sinh thi hành. Anh Sinh cứ cho đem đi và còn nói anh em nông dân làm thế là sai. Có người (chú Gioóng) trông thấy người đến gánh đường mật ở nhà Tâm, đi báo Sinh, nhưng Sinh lờ đi. Vì những cớ đó mà xã hạ công tác anh Sinh (qua một phiên họp toàn dân xóm đồng ý). Sau đó, tôi được thôn cử làm đại biểu xóm xuống miền giúp việc sưu tầm tài liệu và lập hồ sơ. Dự lớp học miền mở ba ngày. Chúng tôi chả hiểu làm thế nào cả. Xã giao mẫu về thế nào cứ thế mà làm. Tài liệu tên Tâm tôi cùng anh em lấy được cụ thể, phong phú, nên làm cũng tàm tạm dễ. Làm xong đưa lên trên, xã bảo không được, phải làm lại hai lần. Đến lúc đội phát động về lại cho mẫu khác để làm lại. Tôi điếc, họp chả nghe được thủng mấy câu! Đó là một cớ, còn không biết vì những cớ gì nữa mà tôi chả được Đội bảo ban hỏi han gì đến. Chỉ như cái máy biết viết, viết suốt ngày rất vất vả mà tự cảm thấy mình vô vị quá. Lắm lúc muốn thôi, nhưng nghĩ đến công việc dân giao cho đành phải bấm bụng mà chịu.
Đội về gần một tháng thì bắt rễ xâu chuỗi, bỏ rơi Xuân và tôi cho đến cuối cùng mới cho vào Nông hội mới, và Nông hội mới thì bầu cháu tôi là chị Miễn làm trưởng tổ. Tôi như người trong mộng, ngày ngày xuống miền cắm cổ viết hồ sơ thôi. Tôi nhận thấy từ Đội đến Nông hội xã vẫn không tin tôi, có bảo tôi làm bản tự khai lý lịch; tôi làm kỹ lưỡng gửi lên, cũng chả thấy biểu thị ra sao cả. Công việc xâu chuỗi bắt rễ thì do Chi bộ làm. Công việc ấn định thành phần thì chỉ định Địa và Phú thôi, còn Cố, Bần, Trung 1 thì mặc dân. Ở lớp học, chúng tôi học bản qui định hai buổi, rồi ai nấy tự định thành phần, mọi người công nhận, thế là được. Người này trung cũng kéo cả mọi người lên trung. Đói khổ cũng là trung, chỉ căn cứ vào điều không làm thuê, thế là trung. Nhân dân thắc mắc nói với Đội, Đội bảo cứ học nữa đi, thông tự biết. Đến lúc chia quả thực thì chỉ họp dân bình nghị chia làm 3 hạng: nghèo quá, nghèo vừa, kha khá; rồi theo nhân khẩu mà chia, chứ không chú trọng vào thành phần mấy.
Định thành phần trên cũng lạ. Như Nguyễn Đức Thuận, do anh Thành phó phân đội cùng các người thân tín trong chi bộ nghiên cứu cả đêm (tôi cũng như dân, không ai được biết) mới ấn định thành phần địa chủ; quản chế tài sản giữa ngày nó cho cưới con gái, phá tan cả đám cưới. Việc này anh Thanh định, rồi mới hỏi tôi mấy điều, như: Thuận lên đây từ bao giờ, mức sống thế nào thôi. Tôi cũng nói qua là Thuận ở Hà Nội lên thẳng đây từ năm 1946, làm ăn không nhất định, lúc làm ruộng, lúc làm tiểu công nghệ, mức sống cao, bạn chí thân của Tâm v.v… Thế thôi. Đến ngày Đội gần rút, anh Hoàng phân đội trưởng thôn tôi lại bắt họp Nông hội trả lại thành phần, đánh Thuận xuống: nông nghiệp kiêm công thương tiểu tư sản, tay sai hạng hai v.v.. . Sự trả thành phần này, tôi thấy trong nội bộ Đội không đồng ý nhau. Anh Đại đội trưởng và anh Thành phản đối, mà anh Hoàng cứ làm. Sau khi trả thành phần, tối hôm trước anh Hoàng phải đấu dịu với Thuận. Thuận yêu cầu tối hôm sau phải họp xóm tuyên bố cho nó. Hôm sau Thuận và phe Thuận như Hốt, Đỉnh, v.v.. họp nhau ở nhà anh Trung, cháu gọi Thuận bằng chú ruột, bàn cách trả thù và đi tuyên truyền nhân dân để giúp sức. Công an là chú Gioóng báo với Đội, Đội lại cử anh Gia, ông Mẹo về chủ trương buổi họp, đập tan luận điệu của Đỉnh và Hốt, bắt xin lỗi mới trấn áp được; không thì nó còn xoay nhân dân chưa biết đến thế nào.
Công việc đấu sửa soạn có vẻ đường hoàng, khổ chủ được bồi dưỡng cẩn thận, tài liệu phong phú, lý lẽ đúng, đại chúng đông đảo, nên đấu được thành công mỹ mãn. Thanh toán bắt lũ địa chủ trả nợ rất vất vả, nhưng tịnh không dùng nhục hình, kết quả như ý .
Về chia quả thực thì không được thoả mãn, vì dân học chưa thông, cán bộ cũng chịu giải thích rất khó nhọc, nhưng không ai chịu nghe bằng sự thành thực. Như ông Giao đã có lỗi bị địa chủ mua chuộc, đã được chia còn đòi mãi, cán bộ giải thích thế nào cũng không nghe, đến nỗi cán bộ phải tuyên bố rằng: “Các anh em đề cao cảnh giác, kẻo tay sai nó lọt vào nó phá tan đoàn kết đấy”, rồi Giao mới chịu im. Như anh Choòng thì bảo cả cán bộ cả dân là làm sai. Lúc chia quả thực thì anh là trung nông, nhưng anh tranh là bần nông; lúc bình nghị đi dân công cần bần cố nông thì anh nói anh là trung nông, anh không đi. Cán bộ phê bình anh như thế là không tin ở Đảng cũng như nhân dân. Anh cũng cứ cãi không im. Những cớ đó sau này mới thành ra vỡ đoàn kết và đổ cho tại tôi hết. Sự thực là phiên họp nào cũng có cán bộ Đội phát động cả, còn chả làm nổi vậy. Riêng đối với tôi, vì anh Hoàng, anh Gia chỉ ăn ở một nhà chú Gioóng, ở chung với chú Ba Choòng, không thực hành ba cùng, ít tới nhà tôi, không hiểu tôi, chỉ tin ở sự báo cáo của phe địa chủ. Về bên nhân dân, thì có mấy người thiếu trẻ chăn trâu bò muốn bắt các em ở với tôi về nuôi, nên họp riêng mấy người chia quả thực cho tôi 1 cân, cho các em 200 cân, và bảo các em thành phần khác, tôi thành phần khác. Lúc Đội sắp rút, bảo tôi phải phân tán các em mỗi em một cửa 1; tôi chả biết nói thế nào, nhưng sau không thấy nhắc đến. Tôi chẳng hiểu vì cớ gì; chỉ nghe mang máng đâu vì anh Đại đội trưởng không đồng ý. Ôi! Lúc bình nghị cá nhân gương mẫu trong dịp phát động thì tất cả bầu cho tôi, mà lúc chia quả thực thì đập tôi một cách nhục nhã. Hơn nữa còn bắt phải rẽ đàn tan nghé nữa; đau đớn cho tôi biết chừng nào 1! Tình hình ở xóm tôi rất phức tạp: 1/3 là anh em Hoa kiều, 1/3 là nhân dân mới tản cư tới, 1/3 là anh em tá điền cũ, thì trong đó có Lê Quang Vượng trước là tay sai cho Tâm, lúc đó quy định là phú nông; hắn lại nắm được một số cốt cán, khéo dùng nó thì nó đứng vào phe mình, gạt mạnh nó thì nó kéo một số cốt cán ra. Cho nên công việc đấu tên Tâm lúc đó giành được thắng lợi tất cả là một sự khó, nếu không có Hồ Chủ tịch, có Đảng, thì thực chả ai có sức mà đánh gục nó được. Thực tế sau khi phát động, nông dân đều tươi hẳn lên vì ai cũng được chia trung bình 40-50 cân cả.
Sau khi Đội rút, tình đoàn kết nhạt dần. Phe địa chủ nhè chỗ yếu chênh lệch về quả thực nên dễ xuyên tạc. Tôi bị chán ghét cũng vì chia quả thực, mà tai hại nhất thì có hai cớ: 1) Trả lại thành phần Thuận, nhân dân hoang mang ngờ tôi là có ý hại người. Thuận nhân đó càng dễ xuyên tạc. 2) Cháu Miễn tôi được Đội cất nhắc vào Uỷ ban; nhân dân cho tôi là tích cực để luồn lọt cho cháu vào địa vị. Một con nhãi con ở đâu đến lại vào Uỷ ban, trên cán bộ xóm 2. Cho nên cả các anh em trước cùng một chí một lòng với tôi đều trở nên thù ghét tôi cả. Thực ra việc này tôi không biết qua một tý gì, mà tôi không bao giờ có ý định đó. Sự thực là lúc đấu thành công, anh em cán bộ hỏi tôi, có ý muốn đề cử tôi vào Uỷ ban hay Chấp hành Nông hội; tôi đều cố từ, vì tôi tự biết tôi hay ốm, không có tài làm chính trị, sinh kế lại thiếu quá.
Rồi thì con gái lớn tên Tâm ra ở nhà anh Cần, cán bộ thông tin và bình dân xóm. Uỷ ban nông hội xã về họp hai kỳ bảo đuổi cũng không đuổi. Rồi con gái thứ hai tên Tâm ra ở nhà anh Ngọc, phó tổ nông hội xóm. Uỷ ban nông hội xã về họp bảo đuổi còn tự ái cãi lại. Rồi thế lực kinh tế của phe địa chủ dần dần tràn ngập vào nhân dân, tranh nhau mua đồ, cãi nhau đắt rẻ, trong xóm rối loạn, chả ai bảo được ai nữa. Nông hội thì 5 tháng không sinh hoạt được, may còn có Uỷ ban làm việc cứng, không thì nhân dân chưa biết còn bị tai hại đến đâu.
Vụ mùa năm 1953 kết quả tốt, nhất là nhà tôi, ruộng có cái sản lượng 60 nồi 3 một mẫu, tính đồng đều cả tốt xấu lên tới 45 nồi một mẫu, thu hoạch được 130 nồi, ruộng có 2 mẫu 9 sào. Lợn bán được gần 3 triệu tài chính 4, rau bán được gần một triệu. Sang năm 1954, cố tạo ruộng chiêm cấy được 1 mẫu, thu hoạch được 15 nồi, khoai sọ giồng được hơn 4 sào, gặp nắng hạn, tôi đào giếng tưới nên tốt lắm. Nhờ thắng lợi ấy nên nhà tôi sinh kế tiến nhiều, các em đã được dần dần no cơm ấm áo, nhớn nhao khoẻ mạnh trông ra tuồng cả.
Văn hoá thì em Vũ học lớp 6; Liên, Khuê học lớp 4 trường Huống; còn mấy em ở nhà thì em Như học tương đương lớp 3; Thị, Báu tương đương lớp 2, bé nhất là em Kiêm cũng đã biết đọc biết viết. Vì thế mà khi đội cải cách mới về được một tháng, đã có một số người tung dư luận ầm lên rằng chính tôi là địa chủ phải đem ra đấu mà chia thóc, chia khoai, chia người 5, chia trâu (?) Tâm lý như thế thực cũng dễ hiểu cái cơ nguy khốn của tôi vậy. Có người hiểu thì nói: “Mấy năm trước các em còn bé, đi đâu ông ấy còn phải gánh, thì chả thấy ai hỏi đến. Ngày nay các em nhớn nhao giúp đỡ được đôi việc thì mưu chiếm đoạt.” Cũng là một luận lý xác đáng
Từ khi tranh đấu giảm tô rồi, tôi làm việc nhiều, lại bị oan ức nên ốm luôn 3 tháng, người suy yếu dần. Nhưng giới phụ lão vẫn tín nhiệm tôi, bầu tôi vào ban chấp hành phụ lão xã, tôi vẫn cố gắng phục vụ. Cán bộ xã như các ông Tâm, Mẹo, Thụ cũng nhận thấy tôi có chút khả năng, nên những việc cần đến như Ban cung cấp lương thực, Ban vận động sản xuất, mua thịt, mua đỗ, chấn chỉnh tổ đổi công, tổ sản xuất, tôi đều cố gắng phục vụ không dám lười biếng. Đối với các cán bộ từ xã đến xóm, việc gì cần đến tôi, tôi biết tôi đều làm giúp. Như việc ruộng của tên Tâm, vì lúc đấu nó, tôi được dự vào việc làm Ban Tịch thu 1/3 ruộng đất, nên tôi hiểu biết ruộng đất. Nông hội xã về chỗ nào không rõ, gọi tôi, tôi chỉ ngay. Nông hội xóm chưa quen ruộng đất tính toán, tôi cũng tính giúp, và cũng giúp sức nhận ruộng không bỏ sót ruộng, và còn tìm thấy được một số ruộng chưa rõ của ai. Như công an xóm không biết chữ, lúc làm tổng kết vệ sinh bảo tôi điền vào mẫu khai, tôi cũng làm giúp 1. Chỉ có thế thôi, ngoài ra không có đi lại cầu thân với ai để cầu danh cầu lợi riêng cho tôi. Cụ thể như nhà ông Tám bí thư chi bộ xã, tôi cũng không biết ở chỗ nào. Cùng làm việc đấu tên Tâm với Nông hội mà tôi chỉ ăn cơm ở nhà anh Sang có một bữa với anh Thìn, anh Niên; tịnh không đi lại với ai nữa. Thế mà lại ghép cho tôi vào tội cấu kết cán bộ, lái tất cả cán bộ từ xã đến xóm. Tôi không thể hiểu được thế nào là lái, mà lái để làm gì vậy. Tôi biết tôi là người ít nói, ít thị phi 3, không cầu thân với cán bộ nào; vì tôi sợ thân cán bộ thì mình hay cậy thế làm lỗi, nên cán bộ muốn cho thân, tôi cũng lảng.
Cuối tháng 5, Đội về 4. Tôi những khấp khởi mừng thầm rằng thế nào Đội cũng đến ba cùng 5 với nhà mình, thế nào mình cũng được phục vụ nhân dân trong cuộc cải cách này. Tôi chủ quan thật vì tôi nhận thấy nhà tôi khổ hơn các anh em bần cố trong xóm nhiều. Anh em chỉ có một nỗi khổ bị địa chủ bóc lột, còn nhà tôi lại thêm cái khổ vì đế quốc thực dân, người nào cũng mất cha mất mẹ mất của mất nhà vì chúng nó. Chính tôi là người đối thủ số một của địa chủ; ở đây tôi không hề dính dáng tý gì, lòng trong sạch, chí căm hờn, tự thấy là đúng, có lẽ nào cán bộ lại chẳng đến nhà mình? Dè đâu sự thực nó không thế. Đội về, tôi được đi họp có hai tối rồi bị bỏ rơi, một mình một nón, mù mịt chả còn biết gì nữa. Nhân dân thì coi tôi như kẻ thù, tôi chào hỏi cũng không thèm giả lời. Rồi dư luận ầm lên tôi có hàng nghìn mẫu ruộng phát canh thu tô, tôi làm quản lý ấp Tế Sinh …, tôi chính là địa chủ. Lúc đầu còn nhiều người còn dám nói sự thật cho tôi, sau cứ dần dần bị chèn phải chịu im. Sự thật tôi không có tư hữu ruộng đất gì cả; chỉ là cố vấn của hội Tế Sinh. Rồi lại cho tôi là bóc lột các em, sống một đời sung sướng trên xương máu của các em, cho vay lãi, mua lúa non, cho nuôi lợn rẽ, bóc lột nhân dân. Cho vay lãi thì tôi tuyệt không, chỉ có nhường cơm sẻ áo thì có; đã nói rõ cái cớ có thóc để anh em dùng ở trên. Sự thật, người nhà tôi 6 có mua của anh Cú 7 nồi lúa non, cùng một lúc với ông Lợi. Ông Lợi mua hơn chục nồi thì không nói, chỉ buộc riêng tôi; tôi thực không biết, biết thì không bao giờ tôi để làm thế. Cho nuôi lợn rẽ, cũng người nhà tôi cho nuôi 4 con; trong xóm cũng nhiều người làm, như chú Gioóng cho anh Còn nuôi, em ông Giao cho cụ Hò nuôi v.v… Lúc tôi biết, tôi bắt rẽ chia ba, để người nuôi hai phần; sự thực có ông Đuơng nuôi lợn rồi. Lại cho tôi biển thủ của thiếu nhi 70 vạn đồng tài chính. Sự thực là tôi lấy số tiền thóc thù lao của tôi giúp các em vốn nuôi lợn; nuôi 3 con chết 1, còn 2 con bán được 70 vạn tài chính, trừ cám bã được lãi mấy vạn ủng hộ Quỹ Thương binh, có biên lai bưu điện. Tôi cày bừa, giúp các em trồng bắp cấy chiêm, mới có tiền làm trụ sở, liên hoan bốn năm lần. Tôi đem cả của và sức lao động mưu cho các em vui, lại bị buộc là lợi dụng và biển thủ. Sự này có sổ sách, có anh Thành phụ trách thiếu nhi biết. Hơn nữa nuôi lợn có lãi không, nông dân ai cũng biết, làm gì có lãi 70 vạn mà biển thủ? Riêng nhà tôi 7 người chết vì giặc, vì đói; các em cùng tôi theo kháng chiến 8 năm, đói rét khổ sở biết bao, ngày nay mới hồi lại dần, đều do phần lớn sức lao động và làm ăn có kế hoạch của tôi.
Ngày 16 tháng 6 năm 1954, Đội cho gọi tôi vào xỉa xói mắng nhiếc luôn ba bốn giờ đồng hồ, vu cho đủ các tội ác, dùng những câu nói rất khinh bỉ hà khắc, chỉ khác đấu một sự là chưa phải quỳ thôi 1. Tôi thản nhiên lòng hỏi lòng không một tội nào tôi có làm, thì tội không phải là tội tôi, mà là ở bên nói sai thôi. Tôi không oán giận gì cả, vẫn một niềm kính mến nhân dân, chỉ xin nhân dân nhận xét kỹ, có lỗi thì giáo dục cho thôi. Tôi không được cãi; vì cãi cũng vô ích, nói vài câu đã cắt đứt, ai nghe lẽ phải nữa mà nói. Tôi vẫn tin tưởng rất sâu sắc vào chính sách của Đảng, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, nhất định nỗi oan kỳ dị của tôi tất có ngày tỏ rõ ra. Cùng chịu khổ với tôi tối hôm ấy có ông Xuân, chỉ có lỗi hay cãi nhau, mà sự cãi nhau đó, theo tôi nhận xét chỉ vì tính ông Xuân nóng, theo lối cổ, đối với người kém tuổi nói như dạy con dạy cháu, mày tao tục tằn, mà phe địa chủ thì lợi dụng tính ấy trêu cho cãi nhau để buộc tội rồi không có tinh thần tranh đấu với nó nữa. Sự thật ông Xuân chỉ vào bậc bần nông, tranh đấu hăng, không dây dưa gì với địa chủ, thế mà cũng bị xử ức đến thế; người sáng suốt nghe thì sẽ hiểu ngay trong đó nó thế nào rồi. Sau tối làm nhục tôi, từ đó nhà tôi y như nhà địa chủ, chả ai dám tới nữa, chỉ còn mỗi anh Bản vì thâm tri tôi là oan nên thỉnh thoảng còn qua lại và trình bày hộ một đôi câu thôi. Giữa mùa cấy, bắt hai người lớn đi dân công, tôi cùng các em cố gắng làm; buồn thảm nhục nhã, sống cũng như chết. Tôi toan tự tử ngay tối 16 2, nhưng nghĩ tới Hồ Chủ tịch sáng như mặt trời, vả lại tôi không có tội thật, tự hỏi lương tâm không thấy hổ thẹn, nên tôi phải gượng sống để đợi ngày sáng tỏ. Đối với tôi, sự chết không có giá trị như người khác, nên muốn chết lúc nào cũng được. Nhưng chết mà có hại cho chính sách thì tôi vẫn không dám coi thân tôi hơn nước, hơn dân; mà sự thực sống oan uổng như tôi thì thường tình mấy ai nhẫn nổi.
Nhận xét qua mấy điểm lớn :
Đứng hoàn toàn về mặt khách quan, đủ sự thực, đủ lẽ chính mà nhận xét, nhất là lúc này, lúc tôi đã không còn quan niệm tử sinh vinh nhục nữa, mà tôi nhận xét cho đúng đáng thì tôi thấy:
1- Về phần tôi: Bố mẹ, anh em, chị em chí thân 7 người chết vì giặc Pháp, vì địa chủ phong kiến. Năm 1945, tôi đã phải chôn hơn 100 em chết đói và sốt định kỳ, phục vụ hàng mấy vạn đồng bào bị nạn đói mà tôi không thực hiện được chí căm thù xông ra tiền tuyến giết giặc để báo cái thù không đợi trời chung, chịu sống loanh quanh ở hậu phương phụ trách trông một số các em, không làm tròn nhiệm vụ, để các em đói rét chết chóc, tội ấy dù chết vẫn chưa hết.
2- Về phần nhân dân xóm Đồng Tâm: 90% bị lung lạc trong lưới kinh tế của địa chủ và bị xuyên tạc, do phe địa chủ chi phối, nên đã cam tâm làm trái lương tâm, sai chính nghĩa; vô hình trung buộc kẻ trung thành với giai cấp, dứt khoát với địa chủ, như tôi, vào cái oan thiên cổ kỳ oan.
3- Về phe địa chủ: Đã tài cám dỗ nhân dân lại khéo luồn lọt vào gia đình cán bộ 1 để đánh lạc hướng đấu tranh của nhân dân và lối chỉ đạo của cán bộ đội công tác xóm (gia đình cán bộ nói đây có rất nhiều điểm nhân dân thắc mắc, nhưng nhân dân chưa hết đầu óc cũ, sợ uy thế không dám nói ra; nếu đội nhận rõ chỗ này có lẽ còn nhiều mánh lới nữa).
4- Về cán bộ đội: Cán bộ đội phát động giảm tô đa số không tin ở nhân dân, chỉ tin cậy ở chi bộ. Làm việc kém khoa học, thiếu dân chủ, không thống nhất ý chí, nên để di hại cho nhân dân nhiều quá.
Cán bộ đội công tác xóm tôi: – Chủ quan: có lẽ đã nghe ai nói sao đó, nên về đến xóm chỉ tìm cách trị tôi, không cần nghe cái phải, chỉ nghe cái trái. Ai phân trần cho tôi thì bác bẻ, làm người ấy phải sợ mà đành bỏ lẽ phải. – Tả khuynh: đúng như lời của cụ C.B. trong báo Nhân Dân số 198. – Bắt rễ: anh Sinh: trên tôi đã nói rõ sự này từ xóm đến xã ai cũng biết. Anh Côn: sát cánh cùng Vượng, đánh chém anh Cú, lại lấy thóc của mẹ anh, phá tình đoàn kết Việt-Hoa; cho đến lúc đội về cũng chưa dứt hẳn… Còn nhiều điều nữa, nhân dân biết cả; nhất là hồi chia quả thực, cụ Hò còn nói toạc ra rằng là nói ngoa để được nhiều hơn. Anh Lợi: nhân dân bình nghị đi dân công thì thù cả xóm; mua nhiều lúa non, còn nhiều điều hơn thế nữa có người biết. – Xâu chuỗi: cho cả Hốt, Đỉnh, Đa, Thiệp (là những người hồi tranh đấu giảm tô đã đứng hẳn về phe địa chủ phản lại quyền lợi nhân dân) vào nông hội, để thành sức mạnh bóp chết mình tôi là kẻ tử thù của địa chủ.
Tôi không hiểu tại sao qua những buổi bình nghị, ai cũng thấy rõ 90% nhân dân đã lạc vào trong tay của phe địa chủ; tội trạng rõ ràng, ai nghe cũng rõ. Chỉ có một nhà tôi không dính dáng gì mà đội xóm vẫn không thấu rõ, lại cứ nghe bên mê mà trị bên tỉnh thì thực là tất cả một sự trái ngược. Có lẽ đúng như trong báo Cứu Quốc 2 số 2626 đã thuật một anh đội công tác hết sa vào tổ kén này lại sa vào tổ kén khác, không biết đâu mà lần nữa chăng?”.
Cái án mà ông Nhạc Phi 3 phải chịu ở đời phong kiến còn có lẽ; ai ngờ đời nay mà chính bản thân tôi lại bị, thì tôi còn biết van vỉ làm sao được nữa.

Nguyễn Hữu Kha

(ấp Đồng Tâm, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên)
Sao lục rất đúng ngày 20 – 7 – 54
M Vũ – X – D –
THƯ TUYỆT MỆNH CỦA NGUYỄN HỮU KHA GỬI HỒ CHỦ TỊCH
Kính thưa Hồ Chủ tịch
Việt nam Độc lập Thống nhất muôn năm!
Hồ Chủ tịch muôn năm!
Đảng Lao động Việt nam muôn năm!
Đội Công tác thành công mỹ mãn!
Thế giới Hoà bình muôn năm!
Tôi hô 5 khẩu hiệu này trước khi vĩnh biệt Tổ Quốc và nhân dân, để tỏ lòng biết ơn Người đã trả được thù nước, thù nhà, thù của giai cấp hàng ngàn năm, trong đó có cả nhà tôi.
Chân thành kính mến kính gửi Hồ Chủ tịch.
Khi cái thư này đến tay Chủ tịch là khi tôi đã vĩnh biệt cõi này. Sở dĩ tôi dám mạo muội gửi bức thư này với Chủ tịch có hai lẽ:
1- Tôi kính mến Chủ tịch và tin sâu Chủ tịch sáng suốt vô cùng.
2- Tôi tin tôi có một điểm dễ thông cảm với Chủ tịch là một lòng với nước với dân như đối với con.
Với chính sách, có hai lẽ:
1- Để thêm kinh nghiệm cho cán bộ biết ở đời cũng có hạng người chân thành đặc biệt, khác hẳn người thường; nếu lấy tình thường mà xét đoán thì nhầm to. Trái lại nên rõ hơn số người để ít dùng chẳng có nhiều mà làm * kẻ gian ngoan nó lừa được, để công cuộc Cải cách ruộng đất chóng thành công, nhân dân được hưởng phúc lành no ấm.
2- Đừng có thành kiến với người có tín ngưỡng.
Tôi dâng thư này hoàn toàn đứng trên quan điểm vì nước vì dân:
1- Tôi không xin tuyệt oan. Vì tôi: bố mẹ chết rồi, vợ con không có, anh em kiến giả nhất phận. Tôi chẳng còn vì ai mà tôi còn vì tôi làm gì nữa.
2- Tôi không cốt trả thù. Tôi chết không oán hận, vì tôi chết nhận lợi nước lợi dân, lúc chết thản nhiên.
Tôi chỉ chí thành kính khẩn cầu Chủ tịch xét cho tôi hai điểm:
1- Bổ xung cho cán bộ khỏi lầm, hại cho chính sách đúng đắn.
2- Cho các em ở với tôi trước vẫn được sống tập thể, được ăn, được làm, được học, khỏi mỗi em một cửa, làm trâu ngựa cho người. Các em với tôi là những người cực khổ cả, thế mà Đội đến thăm nghèo hỏi khổ bỏ hẳn ra ngoài; các em đều ôm một lòng ân hận vô cùng, chỉ mong có ngày gặp Bác ** để tỏ nỗi lòng.
Tâm thành kính chúc Chủ tịch sống lâu, mạnh khoẻ, để dắt dân gian cõi Nam Việt cùng tiến lên cõi sung sướng mãi mãi không ngừng.
Một người dân kính mến Chủ tịch
Nguyễn Hữu Kha ”
Sao lục ngày 20 – 7 – 54, rất đúng.
Ghi chú:
* Chỗ này bản chép tay mờ nhạt không rõ, mất một chữ (chép ngày 20-7-1954, đã gần 50 năm), cho nên câu văn khó hiểu; để tôn trọng tác giả, BBT giữ nguyên không sửa.               ** Bác là Bác Hồ
Thư này có lẽ cụ Kha viết vào đêm 14 (đêm hôm giỗ thân phụ) rạng 15-7-1954. Sớm hôm đó cụ Kha bí mật quyên sinh. Bản gốc thư chưa tìm thấy, ở đây sao lại theo bản chép tay của các học trò cụ Kha.
 Ghi chú của người sưu tầm, đánh máy và làm các chú thích cuối trang tài liệu này:
Toàn bộ 22 trang đánh máy trên đây (trừ các chú thích cuối trang) là nguyên văn bức thư Thiều Chửu- Nguyễn Hữu Kha viết gửi Hồ Chủ tịch. Để tiện cho bạn đọc theo dõi, khi công bố, tôi tách riêng phần đầu ra và đặt tên là “Tự bạch”, phần cuối đặt tên là “Thư tuyệt mệnh của Nguyễn Hữu Kha gửi Hồ Chủ tịch”.
Ở đây tôi đánh máy theo nguyên gốc bản sao bức thư cụ Kha viết, để lại và căn dặn các học trò gửi lên Hồ Chủ tịch. Bản sao này do ông Nguyễn Xuân Dương giao cho tôi cuối năm 2001, khi các con cụ Nguyễn Hữu Tảo sưu tầm tư liệu chuẩn bị cho Hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh Thiều Chửu-Nguyễn Hữu Kha.
Có ba người đã chép tay bức thư nói trên; họ là các trẻ em trong đội Tế Sinh được cụ Kha nuôi dạy từ cuối năm 1946 (hồi ấy tôi ở trong đội này hơn nửa năm). Có lẽ vì thời gian quá gấp (sau khi thấy thư, phải nộp ngay cho Đội CCRĐ) nên họ phải chia nhau mỗi người chép một đoạn bằng bút mực tím trên các tờ giấy rời, sau đó ghép lại, đóng bằng chỉ khâu. Ba người ấy có ghi lại tên tắt của mình (MVũ – X – D), có lẽ X. là Nguyễn Xuân Xưởng, D. là Nguyễn Xuân Dương, hai anh em ruột và là cháu gọi cụ Kha bằng bác ruột.
Trong thời buổi “Nhất Đội nhì Trời” ngày ấy, nhất là trong bầu không khí kinh hoàng bao trùm ấp Đồng Tâm sau khi biết tin cụ Kha quyên sinh, việc sao chép bức thư này là một hành động sáng suốt và dũng cảm đáng khâm phục. Người chép thư phải làm việc hết sức khẩn trương, không kịp soát lại. Vì vậy bản sao có vài chỗ nhầm, nhiều chỗ không rõ là điều dễ hiểu. Mặt khác, do người chép không giỏi chữ Nho nên có một số chữ Nho viết chưa đúng (tôi đã sửa lại).
Chắc hẳn bản gốc bức thư đã phải nộp ngay cho Đội CCRĐ sau khi sao chép xong. Trong không khí khủng bố thời ấy, việc chuyển thư này tới Hồ Chủ tịch là rất nguy hiểm và có lẽ thư chẳng bao giờ tới đích.
Cần nói thêm là cụ Kha bí mật trẫm mình tại Thác Huống trên sông Cầu sáng sớm ngày 15-7-1954, không ai trông thấy, sau khi đã thắp hương tạ lễ bốn phương (hương và hoa đồ lễ còn lưu lại trên bờ). Thi hài cụ trôi xuống hạ lưu sông, đội Tế Sinh tìm được và đưa về an táng. Cụ Kha từ lâu đã có uy tín cực cao trong cả nước cũng như tại địa phương tạm trú, vì thế cái chết của cụ đã gây rúng động dư luận, đông đảo người dân địa phương công khai tỏ lòng tiếc thương. Đội CCRĐ kịp thấy sai lầm và mấy ngày sau đã sửa sai bằng cách hạ thành phần cụ từ địa chủ xuống trung nông. Về sau hài cốt cụ được các Phật tử trân trọng rước về an táng tại Hà Nôi, cuối cùng đưa lên Nghĩa trang Thanh Tước (số mộ 170-C3).
Trước khi có bản chép tay kể trên, tôi có nhận được hai bản từng lưu trữ ở nhà ông Nguyễn Hải Đạm (con thứ tư cụ Nguyễn Hữu Tảo, do ông Nguyễn Hải Bằng chuyển cho tôi ngày 9-11-2001). Một bản đánh máy, chữ màu tím trên 17 trang giấy pơ-luya (tôi hiện còn giữ), về cơ bản giống bản chép tay, nhưng thiếu “Thư tuyệt mệnh”, thiếu nhiều dấu chấm câu, bỏ sót một số chỗ và do máy chữ không dấu tiếng Việt nên rất khó đoán đúng một số chữ, nhất là tên người và địa danh, không đánh máy được chữ Nho, giấy lâu ngày đã mục, chạm đến là nát vụn. Bản thứ hai có 7 trang đánh máy, viết dưới dạng phóng tác văn học. Vì ông Đạm đã qua đời năm 2000 nên không thể tìm hiểu nguồn gốc hai bản này. Cuối cùng chúng tôi quyết định dùng bản chép tay do ông Dương cung cấp. Chúng tôi làm thêm các ghi chú cuối trang để giúp người đọc hiểu rõ hơn về các nhân vật và sự kiện có đề cập trong bài viết của cụ Kha. Tài liệu này được gửi tới các học giả nhận lời viết tham luận trong Hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh Thiều Chửu-Nguyễn Hu Kha 1902-2002.
____
Sưu tầm, đánh máy vi tính và chú thích: Nguyễn Hải Hoành (cháu gọi cụ Nguyễn Hữu Kha bằng chú ruột, con thứ sáu cụ Nguyễn Hữu Tảo).   1-2002
1 Tức cụ Phạm Thị Luyến (1876-1949), quê Đông phù, Thanh trì.
2 Tức cụ Nguyễn Hữu Cầu (1879-1946), cử nhân khoa thi Bính Ngọ. N. 1905 bị Pháp bắt và đày Côn đảo
3 Nay là Kim Giang – Đại Kim, Hà Nội.
4 Khu vườn này hiện là nhà ở của các cháu nội cụ Cầu, ở giữa nhà C7 và C8 Khu tập thể Kim Liên; 2 cái ao trong vườn rộng hơn 2 sào, cuối thập kỷ 60 Ban Xây dựng 67 xin gia đình cụ Cầu cho để xây nhà C13.
5 Nay là khu tập thể của Bộ Nông nghiệp, phường Phương Mai, Hà nội.
6 Đạo thần hôn: đạo làm con (phải hiếu với cha mẹ). Hổ: xấu hổ
1 Bố là Nguyễn Hữu Cầu đỗ Cử nhân, hai bác trai là Nguyễn Giáp và Nguyễn Thành đỗ Tú tài, khoa thi năm Bính Ngọ (1906).
2 Tức cụ Nguyễn Thành, anh ruột cụ Cầu, đỗ Tú tài, sinh 1 gái 1 trai.
3 Bà nội cụ Kha (tức vợ cụ Thụy), họ Lê, quê làng Trung Lập (nay thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội).
4 Năm 1915, cụ Nguyễn Hữu Cầu bị thực dân Pháp bắt giam, kết án 5 năm cấm cố và 5 năm quản thúc.
5 Nước I ta li a, ta quen gọi là nước Ý.
6 Tức Camillo Benso Cavour, 1810-1861, quân nhân, nhà chính trị, một trong 3 khai quốc đại công thần của nước Ý độc lập và thống nhất; chủ trương lập chế độ quân chủ lập hiến; là Thủ tướng đầu tiên của vương quốc Sardinia (ở Tây Bắc nước Ý) và Thủ tướng đầu tiên của nước Ý thống nhất (1861).
7 Tức cụ Đề Thám, lãnh đạo Khởi nghĩa Yên Thế (Bắc giang), năm 1913 bị tay sai Pháp ám hại.
8 Được biết Lê Hoan chỉ là Tổng đốc, không phải là Khâm sai.
9 Nguyên văn chữ Hán. Phiên âm từ Hán-Việt là: Thanh thần điếu cửu nguyên. Chủng chủng u tình huyên. Thế thái cạnh phú quý. Nhân tình xu ngân tiên. Công cừu bái ngạch thượng. Nghĩa vụ phóng tâm biên. Nguyễn Hải Hoành dịch: “Tinh mơ qua bãi tha ma, Vong hồn bao kiếp kêu la vang trời. Bon chen phú quý thói đời. Lòng người mê mẩn hướng nơi đồng tiền. Thù chung: trên trán, đưa lên. Nghĩa vụ: canh cánh không quên trong lòng. “
1 Tức cụ Nguyễn Hữu Tảo (1900-1966). Năm 1924 tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, dạy học trường Thành chung Nam định rồi trường Bonnal Hải Phòng. Xem Phả hệ họ Nguyễn Đông Tác.
2 Từ cổ, tức trường học.
3 Tức làng Trung Tự, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông thời ấy; nay là tổ 81 phường Kim Liên, Hà Nội
4 Đóng dấu chứng nhận.
5 Cụ Kha thường nhịn ăn lấy gạo giúp người đói. Khi học trò mình mắc lỗi mà không chịu sửa, cụ Kha cũng thường nhịn ăn và ngồi thiền để suy nghĩ xem tại sao mình chưa thuyết phục được người mắc lỗi.
1 Thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Tây
2 Tầu thuỷ hoặc thuyền máy chở khách
3 Năm 1920.
4 Cụ Cầu mở hiệu thuốc Lợi Nhân ở Ngã Tư Sở lúc đó thuộc tỉnh Hà Đông (ra tù, cụ bị quản thúc 5 năm, bị cấm vào Hà Nội sinh sống). Nhà cụ ở Trung Tự, lúc đó cũng thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông
5 Nhụt chí, nản chí.
6 Lúc đó cụ Cầu đang bị đày ở Côn đảo, có viết văn tế mẹ gửi về nhà.
1 Tức ngày càng.
2 Tức hiệu sách Hoà Ký. Tại đây cụ Kha đã xuất bản một số sách. Phố Sinh Từ nay là phố Nguyễn Khuyến
3 Nguyễn Hữu Kha là một trong mấy người đồng sáng lập Hội Bắc kỳ Phật giáo.
4 Nguyễn Năng Quốc là Tổng đốc về hưu, năm 1934 làm Hội trưởng Hội Phật giáo, NNQ mời Thống sứ Bắc kỳ là Auguste Tholance làm Hội trưởng Danh dự Hội này. Cụ Cầu rất ghét những người làm quan cho Pháp.
5 Tức Nhà in Đuốc Tuệ, đặt tại chùa Quán Sứ, 72 phố Richaud (nay là phố Quán Sứ), Hà Nội. Chú ý: Cụ Kha và các thợ nhà in đều ở nhà cạnh chùa QS chứ không ở trong chùa, như một số tài liệu đã viết nhầm.
6 Cảnh sát trưởng thời Pháp.
1 Tức cụ Hoàng Thị Uyển, chị cụ Hoàng Đạo Thuý (cùng cha khác mẹ).
2 Bác sĩ Trần Duy Hưng, từ 1946 làm chủ tịch Uỷ ban Hành chính Hà Nội.
3 Cụ Cả Mọc hơn cụ Kha 30 tuổi.
4 Một loại huân chương làm bằng vàng hình đồng tiền, vua thưởng cho người có công.
5 Đọc trệch từ tiếng Pháp Tholance, tên viên Thống sứ Bắc kỳ hồi ấy.
6 Mề đay, tức huy chương, huân chương.
7 Báo cáo, làm tờ trình lên triều đình.
8 Một chức vị được miễn tạp dịch, phải bỏ tiền mua. Có Nhiêu sẽ được miễn các việc lao động công ích
9 Vai chủ một bát họ. Họ là một hình thức góp tiền cho nhau vay. Ai cầm cái được thu tiền của cả họ.
1 Tức Hội Phật Giáo.
2 Chùa hoặc miếu nhỏ.
3 Giúp không lấy tiền.
4 Thành viên của tổ chức Hướng đạo (Scout) ngày ấy.
5 Tại chùa Quán Sứ.
6 Hai bác sĩ giỏi và nổi tiếng về lòng nhân ái ở Hà nội thời ấy.
7 Học sinh có ăn ở (lưu trú) tại trường.
1 Tức tại ấp Đồng Tâm, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, Thái Nguyên.
2 Dương lịch là 19-12-1946
3 Chân nề không tự đi được, phải ngồi trên quang gánh để người khác gánh đi
4 Về sau làm Chánh văn phòng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đã mất.
5 Đêm 17-2-1947, bộ đội ta rút khỏi Hà Nội; cụ Kha rút theo và phá máy, đốt nhà in, thực hiện tiêu thổ kháng chiến.
6 Cụ Nguyễn Xuân Nghiêm (1910-1950), em ruột cụ Kha.
7 Thuộc tỉnh Thái nguyên.
8 Một trẻ lớn tuổi trong đoàn Tế Sinh. Đã mất.
9 Hội Tế Sinh.
1 Tức mắc bệnh sốt rét.
2 Là hai em ruột cụ Kha: Nguyễn Xuân Nghiêm (1910-1950), Nguyễn Thị An (1904-1949).
3 Dân ấp Đồng Tâm (nơi cụ Kha đang ở khi đó) hiếm con, nhiều người muốn xin một em trong đoàn Tế Sinh về làm đầy tớ; nhưng cụ Kha không đồng ý, vì thế một số người oán ghét cụ.
4 Thuộc tỉnh Thái nguyên.
1 Đáo là (đi) đến. Khẩu hiệu “Ba bát cháo, đáo Tam Đảo” chứng tỏ quyết tâm của đoàn tản cư.
2 Tức bên Thái nguyên. Dãy núi Tam Đảo chạy giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Yên.
3 Một loại chảo thành đứng, bằng đồng, dùng để thổi nấu như nồi, chảo.
5 Xay thóc, giã gạo, lấy được gạo và cám, trấu; bán gạo có lãi, ngoài ra còn được hưởng cám, trấu.
6 Tức Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Liên khu I.
7 Thuốc viên có mầu vàng, là loại thuốc chữa sốt rét chủ yếu ngày ấy, rất quý hiếm.
8 Tức thóc công lương, một loại thuế thu từ nông dân hồi ấy.
9 Sư Ni là sư nữ. Sư Tăng là sư nam. Tăng Ni là tên gọi gộp sư nam và sư nữ.
10 Cụ Kha khi làm ở Hội Tế Sinh có quen cụ Hoàng Đạo Thuý, sau 1946 phụ trách Bộ đội Thông tin; nên cụ Kha giới thiệu các sư tăng vào bộ đội TT. Ô.Tuấn và Dưỡng đã hy sinh. Ô. Trần Việt Quang nay là đại tá về hưu, rất nhiệt tình giúp vào việc khôi phục thanh danh cho cụ Kha.
1 Là hai sư nữ trong đoàn, quê Hà Nội. Bà Chi mang ra 6 lạng vàng do Thượng tọa Tố Liên ở Hà Nội gửi cho cụ Kha. Cụ không nhận, bắt đem trả TT Tố Liên. Bà Chi bí mật đem vàng cho dân xóm vay lấy lãi. Khi bị dân xóm tố, bà lại nói là cụ Kha bảo làm thế, khiến cụ Kha bị mang vạ.
2 Hà Nội lúc đó đang bị giặc Pháp chiếm đóng.
3 Vùng kháng chiến ngày ấy còn gọi là vùng tự do. Vùng Pháp chiếm gọi là vùng địch tạm chiếm.
4 Cụ Luyến mất tháng 10-1949.
5 Khuê về sau đi bộ đội, đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
6 Đúng ra là Cát Hanh Long, tên thật là Nguyễn Thị Năm, một nhà giàu yêu nước ở Hải Phòng, năm 1946 tản cư theo Kháng chiến chống Pháp, trú tại đồn điền của mình ở Đồng Bẩm, Thái Nguyên. Trong Cải cách Ruộng đất năm 1954, bị đấu tố là địa chủ phạm nhiều tội ác và bị xử bắn. Vụ này ngày ấy được tuyên truyền rầm rộ coi là một cuộc đấu tranh lớn trong CCRĐ, ai cũng căm ghét Cát Hanh Long.
1 Bà Phan Thị Hạnh, có chồng tên là Đức, làm nghề dạy học, nên quen gọi là giáo Đức.
2 Thời thuộc Pháp, Tâm từng làm cai thầu công trình xây dựng đập nước Thác Huống, hắn kiếm được nhiều tiền bèn tậu ấp Đồng Tâm gần Thác Huống, trở thành địa chủ.
3 Khoai môn.
4 Đất ven bờ sông, tương đối mầu mỡ. Vùng này là vùng núi đồi, ruộng đất ít và kém mầu mỡ
5 Cụ Nghiêm về sau được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ, có tên trên Đài Liệt sĩ ở khu tập thể Kim Liên.
6 Ý nói bàn bạc nhất trí với gia đình. Cụ Kha coi tập thể trẻ Tế sinh và các tăng ni cùng đoàn là gia đình mình.
7 Tức ngô.
1 Cháu gọi cụ Kha bằng bác ruột, con gái lớn của cụ Nghiêm. Hiện ở tổ 81, phường Kim Liên, Hà Nội.
2 Các nhà sư. (Từ Trung Quốc, chuyển từ Phạn ngữ, âm Hán Việt là Tăng Già).
3 Đàn dựng lên để làm lễ Phật, nhất là lễ giải oan theo đạo Phật.
4 Ngoài ra cụ Kha còn viết cuốn “Con đường học Phật ở Thế kỷ thứ 20” rồi gửi vào Hà Nội nhờ in tại nhà in Đuốc Tuệ (1952).
1 Xin lưu ý : ấp Đồng Tâm ở vào chỗ huyện Phú Bình giáp giới với huyện Đồng Hỷ.
2 Việc cụ Kha gửi thư và tài liệu yêu nước vào Hà nội, về sau bị Đội Cải cách ruộng đất nghi oan là cụ có liên lạc với các tăng già theo địch trong vùng tạm chiếm, trở thành một cái cớ để đấu tố cụ.
1 Chỉ cuộc phát động nông dân đấu Nguyễn Thị Năm ở huyện Đồng Bẩm (Thái nguyên), ngày ấy được tuyên truyền rầm rộ như một phát súng mở đầu cuộc CCRĐ trong vùng kháng chiến năm 1954.
2 Thóc của Quỹ cứu đói thời ấy.
3 Kết lại thành một khối vững chắc.
1 Địa: địa chủ, Phú: phú nông; cả 2 thuộc thành phần trên. Cố, bần, trung: cố nông, bần nông, trung nông.
1 Tức phân tán mỗi em Tế sinh về ở một gia đình dân để làm lao động thuê (cửa ở đây tức là nhà).
1 Cụ Kha không bao giờ muốn các em đoàn Tế sinh bị bóc lột sức lao động. Xem chú thích 3 ở trang 9
2 Uỷ ban chính quyền thôn, chức vụ uỷ viên uỷ ban này cao hơn cán bộ khác trong thôn.
3 Đơn vị đo dung tích, thường dùng để đong thóc gạo, một nồi khoảng 20 lít thóc.
4 Đồng tiền dùng ngày ấy, vì do Bộ Tài chính phát hành, dân quen gọi tắt là (đồng) Tài chính
5 Tức phân chia trẻ em trong đoàn Tế sinh về các gia đình cần người làm thuê.
1 Cụ Kha lúc đó là người có trình độ văn hoá cao nhất ở ấp Đồng Tâm.
3 Thị phi: bàn tán chê bai.
4 Cuối tháng 5-1954 Đội Cải cách Ruộng đất về ấp Đồng Tâm phát động nông dân làm CCRĐ.
5 Ba Cùng là (cán bộ đội CCRĐ) cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với nông dân, nhằm phát động tư tưởng nông dân đứng lên đấu tố địa chủ.
6 Nhà ở đây là nói tập thể đoàn trẻ Tế sinh và một số sư đi theo cụ Kha, cụ coi tập thể này là nhà mình.
1 Trong các buổi họp nông dân đấu tố địa chủ thời ấy, người bị đấu phải quỳ xuống trước mặt dân.
2 Tức 16-6-1954. Cụ Kha tự vẫn ngày 15-7, một hôm sau ngày giỗ thân phụ là cụ Nguyễn Hữu Cầu.
1 Chỉ các cán bộ cấp trên thôn.
2 Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Liên Việt, là một trong vài tờ báo quan trọng nhất của ta hồi ấy.
3 Danh tướng, anh hùng dân tộc (1103-1142) đời Nam Tống, kiên quyết chống giặc Kim xâm lược. Tể tướng Nam Tống là Tần Cối (1090-1155; từng bị giặc Kim bắt, đồng ý làm nội gián cho giặc, sau khi trở về được vua phong làm Tể tướng tới 2 lần, cộng 19 năm) chủ trương hàng giặc; hắn vu oan giá hoạ Nhạc Phi, dùng một tội danh “mạc tu hữu” (cụ Kha viết chữ Hán, nghĩa là “có lẽ có”) rồi bắt giam và giết chết Nhạc Phi cùng con trai. Án Mạc tu hữu là nói vụ án vu oan giá hoạ, không có tội nhưng bị vu là có tội.

Thursday 26 November 2015

Nguồn đào tạo giáo viên dạy Sử sẽ bị “biến mất" (Loan Bảo - Phap Luật Plus)

Nguồn đào tạo giáo viên dạy Sử sẽ bị “biến mất"

Giáo dục - Sức khỏe

(PL+) - Việc “khai tử” môn Sử đồng nghĩa với việc Khoa Lịch sử, Địa lý,… nơi đào tạo đội ngũ giáo viên cũng không còn cơ sở để tồn tại.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Vũ Quang Hiển – Giảng viên khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH QGHN) về hướng đào tạo các bộ môn tích hợp trong Dự thảo Chương trình Giáo dục tổng thể (GDTT) đang gặp phải sự “phản kháng” từ dư luận.
Khoa Lịch sử, Địa lý sẽ không có cơ sở để tồn tại
Trao đổi với Phapluatplus, ông Vũ Quang Hiển cho rằng: “Nếu như chương trình GDTT vẫn được Bộ GD quyết định áp dụng mà không có sự thay đổi, thì sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi cơ cấu lao động.
Đồng nghĩa việc tất cả những trường sư phạm cần phải đào tạo một đội ngũ thầy cô có thể đảm nhiệm được việc đứng lớp độc lập 2 môn học cùng lúc.
Đó là lộ trình cần phải có thời gian dài để đào tạo, chuyển đổi việc làm của các thầy cô.
Nếu như lộ trình đó kéo dài đến năm 2030, thì khoảng 15 năm nữa, tất cả các thầy cô đang dạy môn Lịch sử hoặc môn Địa lý độc lập thì khoảng 1 nửa trong số đó sẽ về nghỉ hưu.
Nửa còn lại, nếu vẫn còn trong độ tuổi lao động thì phải đi đào tạo lại để có thể đảm trách được việc giảng dạy những môn học tích hợp.
Và như vậy, các khoa Lịch sử, khoa Địa lý đào tạo đội ngũ thầy cô cũng sẽ không còn cơ sở để tồn tại nữa, thay vào đó là hình thành nên những khoa mới như khoa Công dân với tổ quốc, khoa Khoa học xã hội,…”
Cũng theo ông Hiển, đây là câu chuyện cần phải làm thí điểm, và trên cơ sở đó nên rút kinh nghiệm xem thành công đến đâu,  rồi sau đó đi đến kết luận là có nên áp dụng khung chương trình GDTT nữa hay không?
Chưa có hệ thống các tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tích hợp
Trò chuyện với Phapluatplus, PGS.TS Trần Đức Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu và Học liệu Giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam), cho biết: “Viết sách tích hợp là một vấn đề rất khó khăn, bởi đội ngũ viết sách tích hợp giàu kinh nghiệm chủ yếu ở cấp Tiểu học.
Còn ở mức độ cao hơn từ cấp THCS thì chúng ta chưa có kinh nghiệm, nhất là việc thiết kế chương trình cho một quyển sách giáo khoa tích hợp.
Thậm chí, lực lượng trẻ viết sách cũng chưa được đào tạo một cách đầy đủ.
PGS.TS Trần Đức Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu và Học liệu Giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam) chia sẻ cùng Phóng viên Phapluatplus. Ảnh: Loan Bảo.
PGS.TS Trần Đức Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu và Học liệu Giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam) chia sẻ cùng Phóng viên Phapluatplus. Ảnh: Loan Bảo.
Thứ nhất, hiện nay chúng ta chưa có quan niệm sâu sắc thế nào là một quyển sách giáo khoa phát triển năng lực, bởi đây là một khái niệm mới.
Sau đó, người ta cần đến mô hình; nghĩa là sách tích hợp đó có chức năng, cấu trúc, sự thể hiện,… như thế nào để phát triển được năng lực của học sinh.
Thứ hai, cần “cái” quy trình để làm ra cuốn sách tích hợp.
Thứ ba là sự chuẩn bị đội ngũ nhân lực để nắm được những vấn đề trên”.
Ông Tuấn nhấn mạnh, đó là chưa kể việc đánh giá sau khi “sản phẩm” sách đã ra đời. Vì muốn đánh giá được và áp dụng vào thực tế, yêu cầu phải có hệ thống các tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tích hợp.
Ông Vũ Quang Hiển nhấn mạnh thêm: “Nếu như Bộ GD-ĐT vẫn quyết định thực hiện Dự thảo mà không hề có đề án chỉnh sửa nào thì từ nay trở đi, Bộ GD xin ý kiến góp ý một chương trình nào đó thì không nên góp ý nữa.
Bởi Bộ GD cứ xin ý kiến góp ý nhưng Bộ lại không tiếp thu sửa đổi bất cứ điều gì, thay vì giải thích và bảo vệ nó”.

Loan Bảo

Wednesday 25 November 2015

GS. TS Trần Thị Vinh"Chúng tôi không thể đảm đương nhiệm vụ tích hợp môn Lịch sử" (Thu Hà - Quân Đội Nhân Dân)

GS. TS Trần Thị Vinh
"Chúng tôi không thể đảm đương nhiệm vụ tích hợp môn Lịch sử"
QĐND - Thứ ba, 17/11/2015 | 18:25 GMT+7
QĐND Online – Trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT), Lịch sử sẽ không còn là môn học riêng ở giáo dục phổ thông mà được tích hợp vào những môn học khác như Khoa học xã hội (KHXH), Công dân với Tổ quốc. Đây là chủ đề gây tranh cãi nhất giữa một bên là Bộ GD-ĐT với ý kiến cho rằng việc tích hợp sẽ tạo ra một giá trị mới, khiến học sinh học Lịch sử tốt hơn, còn bên kia là các nhà khoa học nghiên cứu lịch sử bảo vệ quan điểm Lịch sử phải là môn học độc lập, bắt buộc đối với tất cả học sinh.
GS. TS Trần Thị Vinh.
Cách tiếp cận thiếu cơ sở khoa học
Nhận xét về vấn đề này, GS. TS Trần Thị Vinh (Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, để giải quyết xung đột này, tất cả chúng ta cần phải đối thoại một cách nghiêm túc và có cơ sở khoa học cùng nhau.
Trong dự thảo Chương trình tổng thể của Bộ GD-ĐT, môn Công dân với Tổ quốc bao gồm 3 phân môn: Giáo dục Đạo đức, Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng – An ninh và được coi là một “điểm mới”, GS.TS Trần Thị Vinh nêu vấn đề. Tuy nhiên, theo GS Vinh những người soạn thảo chương trình đưa ra 4 căn cứ để xây dựng môn Công dân với Tổ quốc là: Truyền thống giáo dục, xu thế và kinh nghiệm quốc tế, yêu cầu giáo dục chính trị - tư tưởng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Cách tiếp cận này đã bỏ qua những tiêu chí căn bản nhất trong việc xây dựng môn học mới là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và tính khả thi của triển khai chương trình. Việc tích hợp môn Lịch sử như một phân môn trong môn học mới Công dân với Tổ quốc, trên thực tế là sự lắp ghép thiếu cơ sở khoa học, không khả thi và chưa có tiền lệ.
Dẫn chứng về vấn đề này, GS. TS Vinh cho rằng môn Lịch sử có đối tượng, mục tiêu, phương pháp, nội dung giảng dạy hoàn toàn khác. Mục tiêu quan trọng nhất của môn Lịch sử là giúp cho học sinh thông hiểu rõ những tri thức lịch sử cốt lõi, có hệ thống về toàn bộ tiến trình phát triển nhân loại, lịch sử dân tộc, xây dựng cho học sinh kỹ năng tư duy lịch sử. Như vậy môn Lịch sử không chỉ bao gồm là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, mà còn rất nhiều vấn đề: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Với ý nghĩa đó, lịch sử sẽ là môn khoa học mang tính bản lề.
Nếu xét kỹ hơn, chúng ta thấy môn Giáo dục Quốc phòng – An ninh là môn học có tính thực hành cao và có tính chất rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, kỹ năng phòng thủ dân sự. Môn Đạo đức công dân chủ yếu là giáo dục đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, nặng về những kỹ năng. Ba môn học có những mục tiêu, nội dung, định hướng khoa học khác nhau, hoàn toàn không có cơ sở để lắp ghép với nhau.
GS.TS Vinh cho rằng, trong chương trình, Bộ nói rất coi trọng môn Lịch sử nhưng với cách nhìn của người trong cuộc, môn Lịch sử có nguy cơ bị “xóa sổ”, với tư cách là một môn học độc lập.
Với tư cách là người nghiên cứu, giảng dạy lịch sử trong vòng gần 40 năm qua, GS.TS Trần Thị Vinh nêu: “Ở cấp tiểu học, môn Lịch sử được đưa vào một môn học có chất tích hợp như Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội. Tôi hoàn toàn thống nhất với chủ trương này. Đây là cách tích hợp có tính khả thi và chúng ta nên tiếp tục theo hướng này. Ở trung học phổ thông, môn Lịch sử được đưa vào như là môn học tích hợp trong môn tự chọn xã hội. Đây là vấn đề tôi còn rất nhiều băn khoăn. Tôi cho rằng đây là một hướng đúng và đúng với xu hướng của thế giới, tuy nhiên để tích hợp thật sự mang tính tích hợp, không chỉ nằm trên giấy, thì chúng ta còn phải làm việc rất nhiều. Và điều rất rõ ràng nhận thấy là khoa học nghiên cứu của chúng ta hiện nay chưa có nhiều điều kiện để hỗ trợ cho việc tích hợp một cách có hiệu quả”.
Chỉ có thể tích hợp dưới 30%
Theo suy nghĩ của GS.TS Vinh, việc tích hợp môn Lịch sử và môn Khoa học xã hội ở cấp trung học cơ sở có lẽ chỉ đạt dưới 30%.
“Tôi đã nhìn toàn bộ chương trình và cho rằng nếu ai đó viết toàn bộ chương trình thì chỉ có thể tích hợp dưới 30%. Tôi đã viết thử một vài bài và cảm thấy rất khó. Nếu việc tích hợp môn Lịch sử được thực thi, phải có sự cố gắng rất nhiều của các nhà nghiên cứu liên ngành, nghiên cứu lịch sử, các thầy cô giáo và phải có sự đào tạo hết sức bài bản để việc tích hợp của chúng ta mang lại hiệu quả”, GS Vinh chia sẻ.
“Ai sẽ là người dạy môn Công dân với Tổ quốc?”, GS.TS Vinh nêu vấn đề và cho rằng, đến nay, các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm vẫn chưa đào tạo giáo viên dạy môn học có tính tổng hợp như môn này. Có ý kiến cho rằng trước mắt cứ có gì dạy nấy, tức là giáo viên các môn học khác nhau cứ đến giờ thì lên dạy. Tôi nghĩ rằng, với cách tiếp cận như vậy, thì tích hợp chỉ mang tính hình thức, chỉ nằm trên giấy và không thực hiện được đúng ý nghĩa của nó. Và chất lượng giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu?
Vấn đề đặt ra tiếp theo là, việc biên soạn sách giáo khoa và tài liệu dạy học cho 3 môn học khác nhau là việc không thể thực hiện được. “Nếu có người đủ tài giỏi để biên soạn tích hợp 3 môn học này, tôi sẽ mang sách vở đến học. Bản thân chúng tôi, những người trong nghề với kinh nghiệm 40 năm, chúng tôi không thể đảm đương một nhiệm vụ quá khó khăn và không có cơ sở khoa học”, GS.TS Vinh khẳng định.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, GS.TS Vinh cho rằng, có sự nhầm lẫn khi đưa môn lịch sử vào phân môn của môn Công dân với Tổ quốc. Theo GS.TS Vinh hai lĩnh vực sử học và giáo dục lịch sử có quan hệ mật thiết với nhau. Chính những thành tựu của nghiên cứu sử học sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục lịch sử.
Như ở nước Mỹ, ban đầu, người ta cũng không coi trọng môn Lịch sử, nhưng cách tiếp cận như vậy đã phải trả giá. Trong thập niên 60, những xung đột và biến động  trong xã hội nước Mỹ diễn ra trong suốt một thập niên. Cuối cùng người ta cũng nhận ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự thiếu hụt kiến thức lịch sử dân tộc, văn hóa và xã hội trong lịch sử nước Mỹ. Sau đó người ta đã nhìn nhận môn Lịch sử đúng với giá trị thực tiễn của nó, GS.TS Vinh nêu ví dụ.
Lịch sử là một môn khoa học cơ bản, được phân hóa sâu ở cấp Trung học phổ thông và là môn khoa học giúp học sinh có được tư duy, phương pháp lý giải hiện thực xã hội ngày hôm nay mà mình đang sống. Do đó, nếu lắp ghép nó vào đâu đó, thì tôi e rằng chỉ giải quyết được một việc, đó là giảm bớt số đầu môn học và không thể không thực hiện được nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của giáo dục là phát triển toàn diện nhân cách con người.
Lịch sử chỉ có thể đạt được hiệu quả khi sử dụng các phương pháp nghiên cứu lịch sử của sử học, đưa các thành tựu của sử học vào trường học để học sinh yêu thích môn Lịch sử; được học môn này bằng phương pháp của khoa học lịch sử đích thực, GS.TS Trần Thị Vinh kết luận.
Bài, ảnh: THU HÀ