Wednesday, 25 November 2015

GS. TS Trần Thị Vinh"Chúng tôi không thể đảm đương nhiệm vụ tích hợp môn Lịch sử" (Thu Hà - Quân Đội Nhân Dân)

GS. TS Trần Thị Vinh
"Chúng tôi không thể đảm đương nhiệm vụ tích hợp môn Lịch sử"
QĐND - Thứ ba, 17/11/2015 | 18:25 GMT+7
QĐND Online – Trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT), Lịch sử sẽ không còn là môn học riêng ở giáo dục phổ thông mà được tích hợp vào những môn học khác như Khoa học xã hội (KHXH), Công dân với Tổ quốc. Đây là chủ đề gây tranh cãi nhất giữa một bên là Bộ GD-ĐT với ý kiến cho rằng việc tích hợp sẽ tạo ra một giá trị mới, khiến học sinh học Lịch sử tốt hơn, còn bên kia là các nhà khoa học nghiên cứu lịch sử bảo vệ quan điểm Lịch sử phải là môn học độc lập, bắt buộc đối với tất cả học sinh.
GS. TS Trần Thị Vinh.
Cách tiếp cận thiếu cơ sở khoa học
Nhận xét về vấn đề này, GS. TS Trần Thị Vinh (Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, để giải quyết xung đột này, tất cả chúng ta cần phải đối thoại một cách nghiêm túc và có cơ sở khoa học cùng nhau.
Trong dự thảo Chương trình tổng thể của Bộ GD-ĐT, môn Công dân với Tổ quốc bao gồm 3 phân môn: Giáo dục Đạo đức, Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng – An ninh và được coi là một “điểm mới”, GS.TS Trần Thị Vinh nêu vấn đề. Tuy nhiên, theo GS Vinh những người soạn thảo chương trình đưa ra 4 căn cứ để xây dựng môn Công dân với Tổ quốc là: Truyền thống giáo dục, xu thế và kinh nghiệm quốc tế, yêu cầu giáo dục chính trị - tư tưởng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Cách tiếp cận này đã bỏ qua những tiêu chí căn bản nhất trong việc xây dựng môn học mới là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và tính khả thi của triển khai chương trình. Việc tích hợp môn Lịch sử như một phân môn trong môn học mới Công dân với Tổ quốc, trên thực tế là sự lắp ghép thiếu cơ sở khoa học, không khả thi và chưa có tiền lệ.
Dẫn chứng về vấn đề này, GS. TS Vinh cho rằng môn Lịch sử có đối tượng, mục tiêu, phương pháp, nội dung giảng dạy hoàn toàn khác. Mục tiêu quan trọng nhất của môn Lịch sử là giúp cho học sinh thông hiểu rõ những tri thức lịch sử cốt lõi, có hệ thống về toàn bộ tiến trình phát triển nhân loại, lịch sử dân tộc, xây dựng cho học sinh kỹ năng tư duy lịch sử. Như vậy môn Lịch sử không chỉ bao gồm là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, mà còn rất nhiều vấn đề: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Với ý nghĩa đó, lịch sử sẽ là môn khoa học mang tính bản lề.
Nếu xét kỹ hơn, chúng ta thấy môn Giáo dục Quốc phòng – An ninh là môn học có tính thực hành cao và có tính chất rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, kỹ năng phòng thủ dân sự. Môn Đạo đức công dân chủ yếu là giáo dục đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, nặng về những kỹ năng. Ba môn học có những mục tiêu, nội dung, định hướng khoa học khác nhau, hoàn toàn không có cơ sở để lắp ghép với nhau.
GS.TS Vinh cho rằng, trong chương trình, Bộ nói rất coi trọng môn Lịch sử nhưng với cách nhìn của người trong cuộc, môn Lịch sử có nguy cơ bị “xóa sổ”, với tư cách là một môn học độc lập.
Với tư cách là người nghiên cứu, giảng dạy lịch sử trong vòng gần 40 năm qua, GS.TS Trần Thị Vinh nêu: “Ở cấp tiểu học, môn Lịch sử được đưa vào một môn học có chất tích hợp như Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội. Tôi hoàn toàn thống nhất với chủ trương này. Đây là cách tích hợp có tính khả thi và chúng ta nên tiếp tục theo hướng này. Ở trung học phổ thông, môn Lịch sử được đưa vào như là môn học tích hợp trong môn tự chọn xã hội. Đây là vấn đề tôi còn rất nhiều băn khoăn. Tôi cho rằng đây là một hướng đúng và đúng với xu hướng của thế giới, tuy nhiên để tích hợp thật sự mang tính tích hợp, không chỉ nằm trên giấy, thì chúng ta còn phải làm việc rất nhiều. Và điều rất rõ ràng nhận thấy là khoa học nghiên cứu của chúng ta hiện nay chưa có nhiều điều kiện để hỗ trợ cho việc tích hợp một cách có hiệu quả”.
Chỉ có thể tích hợp dưới 30%
Theo suy nghĩ của GS.TS Vinh, việc tích hợp môn Lịch sử và môn Khoa học xã hội ở cấp trung học cơ sở có lẽ chỉ đạt dưới 30%.
“Tôi đã nhìn toàn bộ chương trình và cho rằng nếu ai đó viết toàn bộ chương trình thì chỉ có thể tích hợp dưới 30%. Tôi đã viết thử một vài bài và cảm thấy rất khó. Nếu việc tích hợp môn Lịch sử được thực thi, phải có sự cố gắng rất nhiều của các nhà nghiên cứu liên ngành, nghiên cứu lịch sử, các thầy cô giáo và phải có sự đào tạo hết sức bài bản để việc tích hợp của chúng ta mang lại hiệu quả”, GS Vinh chia sẻ.
“Ai sẽ là người dạy môn Công dân với Tổ quốc?”, GS.TS Vinh nêu vấn đề và cho rằng, đến nay, các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm vẫn chưa đào tạo giáo viên dạy môn học có tính tổng hợp như môn này. Có ý kiến cho rằng trước mắt cứ có gì dạy nấy, tức là giáo viên các môn học khác nhau cứ đến giờ thì lên dạy. Tôi nghĩ rằng, với cách tiếp cận như vậy, thì tích hợp chỉ mang tính hình thức, chỉ nằm trên giấy và không thực hiện được đúng ý nghĩa của nó. Và chất lượng giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu?
Vấn đề đặt ra tiếp theo là, việc biên soạn sách giáo khoa và tài liệu dạy học cho 3 môn học khác nhau là việc không thể thực hiện được. “Nếu có người đủ tài giỏi để biên soạn tích hợp 3 môn học này, tôi sẽ mang sách vở đến học. Bản thân chúng tôi, những người trong nghề với kinh nghiệm 40 năm, chúng tôi không thể đảm đương một nhiệm vụ quá khó khăn và không có cơ sở khoa học”, GS.TS Vinh khẳng định.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, GS.TS Vinh cho rằng, có sự nhầm lẫn khi đưa môn lịch sử vào phân môn của môn Công dân với Tổ quốc. Theo GS.TS Vinh hai lĩnh vực sử học và giáo dục lịch sử có quan hệ mật thiết với nhau. Chính những thành tựu của nghiên cứu sử học sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục lịch sử.
Như ở nước Mỹ, ban đầu, người ta cũng không coi trọng môn Lịch sử, nhưng cách tiếp cận như vậy đã phải trả giá. Trong thập niên 60, những xung đột và biến động  trong xã hội nước Mỹ diễn ra trong suốt một thập niên. Cuối cùng người ta cũng nhận ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự thiếu hụt kiến thức lịch sử dân tộc, văn hóa và xã hội trong lịch sử nước Mỹ. Sau đó người ta đã nhìn nhận môn Lịch sử đúng với giá trị thực tiễn của nó, GS.TS Vinh nêu ví dụ.
Lịch sử là một môn khoa học cơ bản, được phân hóa sâu ở cấp Trung học phổ thông và là môn khoa học giúp học sinh có được tư duy, phương pháp lý giải hiện thực xã hội ngày hôm nay mà mình đang sống. Do đó, nếu lắp ghép nó vào đâu đó, thì tôi e rằng chỉ giải quyết được một việc, đó là giảm bớt số đầu môn học và không thể không thực hiện được nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của giáo dục là phát triển toàn diện nhân cách con người.
Lịch sử chỉ có thể đạt được hiệu quả khi sử dụng các phương pháp nghiên cứu lịch sử của sử học, đưa các thành tựu của sử học vào trường học để học sinh yêu thích môn Lịch sử; được học môn này bằng phương pháp của khoa học lịch sử đích thực, GS.TS Trần Thị Vinh kết luận.
Bài, ảnh: THU HÀ

No comments:

Post a Comment