Friday, 20 November 2015

Môn Lịch sử đứng trước "thách thức chưa từng có"? (Lê Hà - Nhân Dân)

(Ảnh: Thu Hà)
(Ảnh: Thu Hà)
Môn Lịch sử đứng trước "thách thức chưa từng có"? 
NDĐT - Đại diện Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết Hội sẽ kiến nghị lên các lãnh đạo cấp cao nhất để "bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông. Trong khi đó, Ban xây dựng chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng, nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.
Thách thức chưa từng có
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là địa điểm được Hội khoa học lịch sử Việt Nam lựa chọn để tổ chức hội thảo "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông", vào sáng 15-11 tại Hà Nội. Chủ đề "nóng" về đổi mới môn lịch sử đã khiến hội trường của Bảo tàng đã không còn một chỗ trống, với sự tham dự của đông đảo chuyên gia Giáo dục, Lịch sử, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, giáo viên Lịch sử tại các trường ĐH, học viện, trường THPT.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đại diện một số vụ, cục, cơ quan Bộ GD-ĐT, Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
"Giáo dục môn Lịch sử trong trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sa sút nhiều đã gây nỗi lo âu trong toàn xã hội", GS Phan Huy Lê nói. Ông giải thích: "Tình trạng xuống cấp của môn lịch sử có nhiều nguyên nhân, trước hết là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thu và đo kiến thức. Truy nguyên lên cao hơn là do chương trình, nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học"
Trước băn khoăn về "số phận" môn Lịch sử trong kết cấu của chương trình GDPT mới, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phân tích, trong Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể liên quan đến môn Lịch sử ở THPT có các môn, phân môn, chuyên đề: 1.Môn lịch sử tự chọn, 2.Phân môn Lịch sử trong Khoa học xã hội, 3. Phân môn Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc, 4. Các chuyên đề Lịch sử.

(Ảnh: Thu Hà)
Có ý kiến cho rằng thời lượng môn Lịch sử ngang bằng và thậm chí còn nhiều hơn chương trình hiện hành. "Nghe như vậy, người ngoài giới Sử học tưởng nhiều và tốt quá. Đâu phải như vậy" – ông nói.
Ông bày tỏ: "Chúng tôi là những người đã tham gia làm chương trình và viết SGK nhận thấy nếu đầy đủ cả một môn học, hai phân môn và một chuyên đề như trên thì rất khó mà xây dựng được chương trình chắc chắn, thiết thực, sẽ có sự chồng chéo, trùng lặp và phá nát môn Lịch sử".
Cùng chung lo ngại, GS.TS Trần Thị Vinh (Khoa Sử, Trường ĐH Sư phạm HN) cho rằng việc Lịch sử được đưa vào các môn học có tính chất "tích hợp", trở thành phân môn trong môn học mới, cho thấy môn Lịch sử đang "đứng trước nguy cơ xóa sổ" trong chương trình GDPT với tư cách một môn học độc lập, là "thách thức chưa từng có đối với bản thân môn Lịch sử" và cũng "chưa từng có tiền lệ" trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
GS Trần Thị Vinh cũng bày tỏ lo ngại, nếu Lịch sử là môn tự chọn thì sẽ có rất ít học sinh chọn môn này: "Theo tôi thì lớp trẻ hiện nay chạy theo xu thế hiện đại, thực dụng, khoa học xã hội ở vị trí thấp kém, môn Lịch sử càng kém nên học sẽ không chọn môn Lịch sử".
PGS.TS Vũ Quang Hiển đặt câu hỏi: "Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ thế nào nếu Lịch sử không được giáo dục một cách có hệ thống, toàn bộ và toàn diện"? Ông cho rằng những ý tưởng "hòa trộn môn Lịch sử trong nhiều môn học khác" thực chất là coi nhẹ môn học này. "Nếu không chỉnh sửa Dự thảo chương trình tổng thể sẽ là sự "khai tử" môn Lịch sử" – ông kiến nghị. "Cách giải thích về việc ghép môn Lịch sử với một số môn khác cũng như cách lập luận những bộ môn khác nhau đều có thể giáo dục Lịch sử thực chất chỉ là những lời biện hộ cho việc xóa bỏ môn Lịch sử, không hề có cơ sở khoa học", ông nói.
Một số ý kiến của các nhà khoa học, giảng viên Lịch sử khác cùng chung lo ngại nếu tích hợp Lịch sử vào các môn học khác sẽ không thể hiện được tầm quan trọng của giáo dục Lịch sử, đồng thời, sẽ khó tích hợp các mạch kiến thức Giáo dục công dân, giáo dục Lịch sử và Giáo dục Quốc phòng an ninh; trái với yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT; hơn nữa đội ngũ giáo viên hiện nay không dạy được môn học mới này.
Khó đáp ứng yêu cầu đổi mới
Trao đổi về vấn đề này, Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho rằng: Theo định hướng đảm bảo tính thống nhất giữa tích hợp và phân hóa trong giáo dục để người dạy, nhất là người học dễ dàng vận dụng tổng hợp các kiến thức khác nhau nhưng có liên quan để giải quyết vấn đề trong học tập và trong cuộc sống nhằm phát triển phẩm chất và năng lực của người học thì mỗi môn học cần phải đề cập nhiều lĩnh vực kiến thức và mỗi lĩnh vực kiến thức cần được bố trí trong một số môn học khác nhau.
Mỗi lĩnh vực giáo dục được thực hiện qua nhiều môn học, trong đó có một hoặc một số môn học cốt lõi. Nhà tổ chức giỏi phải biết tổ chức nội dung trong từng môn học, cũng như giữa các môn học sao cho các kiến thức được dạy không bị chồng chéo mà lại có tác dụng soi sáng, hỗ trợ lẫn nhau để tăng hiệu quả giáo dục.
Cách sắp xếp các môn học Công dân với Tổ quốc và môn Khoa học Xã hội (hoặc môn) Lịch sử trong dự thảo Chương trình mới là kết quả của việc rút kinh nghiệm nhằm khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của chương trình giáo dục phổ thông một số nước. Việc tiếp theo đây là phải xây dựng chương trình môn học, viết SGK và thực hiện quá trình giáo dục sao cho tốt nhất.
Ban xây dựng cũng nêu quan điểm về tên gọi môn học: "Chúng ta biết rằng, để bảo đảm tầm quan trọng của môn học/lĩnh vực giáo dục nào thì không phải là cần gọi tên môn học đó có một cách “đích danh”, “trực tiếp” (như tên các môn học trong các chương trình truyền thống) mà là: Người học nắm được kiến thức của môn học/lĩnh vực đó ở mức độ nào, bằng cách nào (có hiệu quả không) và kiến thức đó có chuyển hóa thành phẩm chất (hứng thú, niềm tin, đạo đức, thái độ…) và năng lực (vận dụng kiến thức cùng với các phẩm chất cá nhân để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống).
Việc lựa chọn tên môn học chủ yếu dựa vào tính chất của môn học. Ở cấp THPT, có 4 môn học bắt buộc đối với tất cả các học sinh thì 3 môn được đặt tên “trực tiếp” theo truyền thống là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Pháp…), là do tính chất công cụ cho hoạt động của con người và một môn Công dân với Tổ quốc (là môn học có tên mới) do vai trò đặc biệt, có ý nghĩa chính trị trong lĩnh vực giáo dục đạo đức công dân, góp phần quan trọng hình thành phẩm chất công dân, năng lực và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Việc đặt tên như vậy được thực hiện thống nhất với các môn học/lĩnh vực giáo dục khác trong chương trình.
Việc thiết kế môn học tích hợp mới theo các mạch kiến thức dựa theo các môn học truyền thống mà chưa tích hợp thật mạnh (như một số nước phát triển đã làm) là một giải pháp đã cân nhắc đến năng lực dạy học tích hợp còn hạn chế của đa số giáo viên các môn học hiện nay.
Các mạch kiến thức trong từng môn không phải là sự sắp đặt cạnh nhau đơn giản mà có sự tích hợp đến mức độ cần thiết, đảm bảo giáo viên từng môn học hiện nay sẽ dạy được từng mạch kiến thức tương ứng.
Mặt khác, việc thiết kế như vậy tạo thuận lợi cho việc thiết kế trong mỗi môn học có thêm những chuyên đề tích hợp sâu, Hiệu trưởng trường phổ thông sẽ căn cứ năng lực thực tế của từng giáo viên để phân công giảng dạy từng chuyên đề cụ thể.
Cũng theo Ban xây dựng chương trình, kết quả cuộc thi giáo viên thiết kế và dạy học các chuyên đề tích hợp trong 2 năm qua đã chứng minh hiện nay những giáo viên giỏi đã tự thiết kế và dạy được một số chuyên đề dạng này. Giáo viên sẽ được tiếp tục bồi dưỡng để sẵn sàng dạy học theo chương trình mới.
Đồng thời, các trường sư phạm phải đổi mới chương trình và đổi mới cách thức tổ chức đào tạo để đào tạo được những giáo viên dạy được toàn bộ các nôi dung trong từng môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông.
Với quan điểm cho rằng, học sinh sẽ không chọn môn Lịch sử đồng nghĩa với việc Lịch sử không tồn tại trong giáo dục phổ thông, Ban Xây dựng Đề án giải thích: Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục Lịch sử trong ít nhất hai môn: Công dân với Tổ quốc và một trong hai môn Lịch sử hoặc môn Khoa học Xã hội.
Ngoài ra, học sinh còn được học Lịch sử trong các môn học khác, nhất là trong môn Ngữ văn và trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; học sinh còn có thể tự chọn thêm các chuyên đề học tập mở rộng hoặc nâng cao về Lịch sử.
Thời lượng bắt buộc dành cho nội dung giáo dục Lịch sử trong chương trình mới chắc chắn sẽ nhiều hơn trong chương trình hiện hành, điều này là rõ ràng vì chương trình hiện hành bắt buộc học sinh học Lịch sử 1,5 tiết/tuần, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể bắt buộc học sinh phải học Công dân với Tổ quốc 3 tiết/tuần, cộng thêm môn Khoa học Xã hội 3 tiết/tuần, hoặc Lịch sử 3 tiết/tuần.
Về lo ngại nếu để kiến thức Lịch sử ở 3 môn Công dân với Tổ quốc, Khoa học xã hội, Lịch sử ở cùng cấp học thì kiến thức Lịch sử bị xé lẻ hoặc chồng chéo nhau giữa 3 môn, Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể khẳng định: Trong chương trình mới, học sinh sẽ học kiến thức lịch sử trong ít nhất hai môn học, nghĩa là kiến thức lịch sử sẽ được sắp xếp theo logic mới chứ không phải là xé lẻ kiến thức.
Việc xây dựng chương trình, viết SGK phải đảm bảo yêu cầu này và phải tránh chồng chéo/lặp lại kiến thức lịch sử giữa môn Công dân với Tổ quốc với môn Khoa học xã hôi, giữa môn Công dân với Tổ quốc với môn Lịch sử; giữa hai môn Khoa học xã hội và môn Lịch sử thì có thể có cùng một số nội dung kiến thức Lịch sử vì hai môn này nhằm đáp ứng hai nhóm học sinh khác nhau.
Thực tế là kiến thức lịch sử hay những vấn đề có liên quan đến lịch sử đang tồn tại trong nhiều hoạt động, quá trình, hiện tượng khác nhau, việc lựa chọn, tách ra và sắp xếp như thế nào trong các môn học là nghệ thuật của nhà giáo dục trong việc chuyển tải nội dung khoa học thành nội dung dạy học, tránh cho môn học không chỉ là bản sao chép, rút gọn một khoa học chuyên ngành, rất đảm bảo logic hình thức, nhưng chính vì vậy mà không tránh được hiện tượng phải có nhiều kiến thức hàn lâm, xa rời cuộc sống, gây quá tải cho học sinh như nhiều môn học hiện nay.
Với đề nghị duy trì Lịch sử là môn học riêng, bắt buộc với tất cả các học sinh, theo Ban xây dựng dự thảo chương trình GDPT tổng thể, việc bố trí các môn học ở cấp THPT cũng như trong toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông mới phải quán triệt yêu cầu đổi mới, phải đặt trong mối quan hệ tổng thể giữa các môn học; Đồng thời, phải tạo thuận lợi cho việc đổi mới cả nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, hướng tới mục tiêu đáp ứng tốt nhất mục tiêu giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, phát triển hài hòa cả thể chất và tinh thần, hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người công dân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ban xây dựng chương trình cho rằng, nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.
Tuy vậy, các ý kiến trong hội thảo thống nhất để khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử cần đổi mới căn bản và toàn diện cả hệ thống giáo dục môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông từ nhận thức, vị thế, yêu cầu giáo dục đến việc xây dựng lại chương trình, biên soạn lại sách giáo khoa, thay đổi cách dạy, cách học, cách thi.
Tổng kết hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, thay mặt cho Đoàn chủ tịch cho biết, các ý kiến đều thống nhất cần đổi mới môn học Lịch sử/giáo dục lịch sử theo tinh thần Nghị quyết 29 là chuyển từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Muốn vậy, phải rất coi trọng việc làm cho giáo dục lịch sử không gây áp lực nặng nề, làm buồn chán học sinh, trái lại, môn Lịch sử phải trở nên hấp dẫn, hứng thú với người học.
GS Phan Huy Lê cho biết với quan điểm khi đưa vào tích hợp "Khoa học xã hội" ở cấp trung học cơ sở và "Công dân với Tổ quốc" ở cấp trung học phổ thông, môn Lịch sử đã bị xé nhỏ, tích hợp tùy tiện một ít nội dung vào hai môn kia, như vậy "Trên thực tế môn Lịch sử đã bị xóa sổ với vị thế và yêu cầu của một môn học trong tính hệ thống và toàn diện của nó", Hội Khoa học lịch sử sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bảo vệ môn lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông.
Tất nhiên, bảo vệ môn Lịch sử cần gắn liền với yêu cầu đổi mới một cách căn bản và toàn diện hệ thống môn học để phát huy hiệu quả giáo dục của môn học.
LÊ HÀ

No comments:

Post a Comment