Saturday, 13 August 2011
Tại sao bộ phận áo ngực che bầu ngực được gọi là cái cúp?
Từ gốc ở tiếng Anh là cup, đọc theo kiểu Việt Nam là cúp. Tiếng Việt có một từ tương đương là quả áo ngực, nhưng chỉ người Bắc dùng từ này thôi. Ở Sài Gòn mà ra chợ hỏi quả áo ngực thì không ai biết là cái gì.
Friday, 12 August 2011
Do đâu có địa danh Ô Quắn?
Mũi Nghinh Phong (Vũng Tàu) thời Pháp được gọi là Pointe au Vent. Người Việt đọc trại hai từ au vent thành Ô Quắn, sau đó lại dịch Pointe au Vent thành Mũi Nghinh Phong.
Thursday, 11 August 2011
Chít ben là làm gì?
Chít ben (và cả chích ben) vốn từ chiết ben mà ra. Chiết trong nghề may có nghĩa là thu hẹp lại (như chiết ống tay áo chẳng hạn). Từ ben không được ghi nhận trong từ điển nào cả. Gốc của nó pince tiếng Pháp, có nghĩa là đường chiết.
Wednesday, 10 August 2011
Chạy cờ tút là làm gì?
Tút là từ mượn âm touche của tiếng Pháp. Cờ tút là cờ của trọng tài biên (tiếng Pháp là juge de touche) trong bóng đá. Công việc của trọng tài này là chạy dọc đường biên (tiếng Pháp là ligne de touche) phất cờ bắt lỗi việt vị hoặc báo hiệu bóng ra ngoài biên.
Tuesday, 9 August 2011
Tại sao áo nịt ngực phụ nữ được gọi là xu chiêng?
Xu chiêng là phiên âm của từ soutien-gorge tiếng Pháp. Từ này vào tiếng Việt có các biến thể khác như xu chiên, xu cheng, xú cheng, xú chiêng....
Thanh Nghị (1967) không ghi nhận dạng nào cả mặc dù thời đó xu chiêng đã phổ biến lắm rồi. Từ điển Nguyễn Như Ý (1999), Hoàng Phê (2006) chỉ ghi nhận dạng xu chiêng. Nói chung, từ này nghe không được tao nhã bằng áo (nịt) ngực mặc dù không phải loại áo nịt ngực nào cũng là xu chiêng.
Cũng chính vì cái tên gọi mơ hồ này mà xu chiêng còn được gọi là cọc xê (hay coọc xê / coóc xê) trong khi đúng ra cọc xê (tiếng Pháp là corset) là loại trang phục lót nịt cả bụng và ngực:
* Cô thò tay trong yếm (năm 1910, cô Ba mặc yếm cũng như các bạn gái ta đời nay mặc coóc-xê vậy) cô rút ra phong thư bằng giấy Tây, mà cô đã viết đêm qua, và đã gấp lại thật nhỏ. (Nguyễn Vỹ, 2006:18)
* Mùa hè, ở bên đó, thiếu nữ toàn mặc váy ngắn, áo hở cổ, lại không có coóc xê. (Bùi Việt Sỹ, 2009:287)
Xu hướng bây giờ gọi xu chiêng là áo bra, nghe “sang trọng” hơn. Các tiệm thời trang chỉ quảng cáo áo bra thôi, không ai rao bán xu chiêng cả.
Monday, 8 August 2011
Nên viết là xốt cà chua hay sốt cà chua?
Từ điển Nguyễn Như Ý (1999) chấp nhận cả sa bô và xa bô (gốc Pháp là sabot), sa lông và xa lông (gốc Pháp là salon), sa tanh và xa tanh (gốc Pháp là satin) nhưng chỉ công nhận xốt (gốc Pháp là sauce).
Trên thực tế cách viết sốt cà chua lại phổ biến hơn.
Đối với người Bắc, viết xốt hay sốt đều phát âm như nhau và khá gần với phát âm gốc tiếng Pháp. Nhưng không có luật nào bắt buộc từ vay mượn phải phát âm giống hệt từ gốc cho nên nếu có ai viết là sốt và phát âm theo kiểu Nam Bộ thì đó cũng không phải là một cái tội đáng để lên án. Cách giải quyết tốt nhất có lẽ là chấp nhận cả xốt và sốt.
Đối với người Bắc, viết xốt hay sốt đều phát âm như nhau và khá gần với phát âm gốc tiếng Pháp. Nhưng không có luật nào bắt buộc từ vay mượn phải phát âm giống hệt từ gốc cho nên nếu có ai viết là sốt và phát âm theo kiểu Nam Bộ thì đó cũng không phải là một cái tội đáng để lên án. Cách giải quyết tốt nhất có lẽ là chấp nhận cả xốt và sốt.
Sunday, 7 August 2011
Xíu mại là món gì?
Xíu mại là âm Quảng Đông của từ Trung Quốc 燒賣.
Từ này có âm Hán Việt là thiêu mại, có nghĩa là nấu để bán. Xíu mại là một món tỉm xắm của người Trung Quốc. Món này trên các thực đơn tiếng Anh được ghi là pork dumplings, tức là há cảo thịt heo.
Món xíu mại của người Việt thực chất là thịt heo viên, trên các thực đơn tiếng Anh được ghi là Vietnamese meatballs, ăn với cơm hoặc kẹp bánh mì. Xíu mại xốt cà chua của người Việt gần giống với món thịt viên Ý.
Subscribe to:
Posts (Atom)