Wednesday, 4 April 2012

Từ cảm hứng xuất hiện trong tiếng Việt khi nào?


Năm 1916, trên Đông Dương Tạp Chí số 52 Nguyễn Văn Tố dùng từ cảm hứng để dịch tựa bài L’enthousiasme của bà de Stael:
Người ta có thể nói chẳng ngoa rằng trong mọi sự cảm-giác cái cảm-hứng là cái dễ làm cho ta được sung-sướng thực, dễ khiến cho ta chịu được cái số-mệnh làm người, dù gặp cái cảnh-ngộ thế nào mặc lòng.
On peut le dire avec confiance, l’enthousiasme est de tous les sentiments celui qui donne le plus de bonheur, celui qui en donne véritablement, le seul qui sache nous faire supporter la destinée humaine, dans toutes les situations òu le sort peut nous placer.
Nguyễn Văn Tố (1916:417)

Năm 1917 Phạm Quỳnh trong một bài biên khảo về thơ Baudelaire trên Nam Phong Tạp Chí dùng từ cảm hứng với một nghĩa khác:
Đã có cảm-hứng thì tức tìm được âm-điệu xứng-đáng ; không có cảm hứng thì dẫu âm-điệu hay, chẳng qua cũng mới là thợ, chưa gọi là thơ được.
(Phạm Quỳnh, 1960:186)

 Quãng những năm 30, từ cảm hứng được ghi nhận trong từ điển. Đào Duy Anh (1950:859), dùng từ này để để dịch từ inspiration của tiếng Pháp. Trước đó inspiration được dịch là yên sĩ phi lý thuần, hoặc có khi gọn hơn là yên sĩ. Cả yên sĩ phi lý thuầncảm hứng đều là từ mượn của tiếng Trung Quốc, nhưng đọc bằng âm Hán Việt. Từ cảm hứng cạnh tranh với yên sĩ cả chục năm không bứt lên nổi.

Lê Thanh trong bài báo “Từ việc dùng những danh-từ mới đến sự tiến-hóa của việt-ngữ” đăng ở Tri Tân Tạp Chí số 11 (1941:2) cho biết:
Từ trước tôi đã thấy người ta theo Lương-Khải-Siêu bên Tàu mà dịch âm tiếng inspiration ra tiếng hán-việt là yên-sĩ-phi-lý-thuần. Bây giờ tiếng này đã phổ-thông lắm. Nhưng không phải là một cớ để ta giữ nó mãi mãi. Vì một lẽ là ta có thể tìm được một tiếng khác có giá-trị về phương-diện từ ngữ hơn: cảm-hứng.

Monday, 2 April 2012

Xuất xứ của hai tiếng niết bàn (An Chi - Năng Lượng Mới số 10 ,14 - 4 - 2011).

Bạn đọc : Xin vui lòng cho biết xuất xứ của hai tiếng niết bàn. (Hải Vân).
An Chi : Niết bàn là dạng tắt của niết bàn na 涅槃那. Đây là ba tiếng đọc theo âm Hán Việt của ba chữ Hán mà người Trung Hoa đã dùng để phiên âm danh từ hữu quan bằng tiếng Sanskrit. Đoàn Trung Còn đã cho xuất xứ của danh từ niết bàn như sau:
 “(Do tiếng Sanskrit) Nirvâna. Viết trọn: Niết-bàn-na (...) Niết (nir): Ra khỏi. Bàn hay Bàn-na (Vâna): Rừng. Tức là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não” (Phật-học từ-điển, q.II, tr.335).
Dấu mũ ( ۸ ) trong chữ nirvâna của Đoàn Trung Còn là một ký hiệu thay thế cho dấu gạch ngang ngắn (-) bên trên chữ cái ghi nguyên âm để thông báo rằng đây là một nguyên âm dài. Vậy từ đây xin đổinirvâna thành nirvāna. Nhưng nirvāna cũng không phải là xuất xứ của niết bàn vì xuất xứ đích thực của danh từ này trong tiếng Sanskrit lại là nir-vāa. Âm đầu của âm tiết thứ ba là phụ âm óc (cerebral consonant)  chứ không phải là nNir-vāa là một danh từ phái sinh từ động từ nir-VĀ. (Theo truyền thống Phạn ngữ học của phương Tây, người ta in căn tố động từ bằng chữ in hoa). VĀ là căn tố động từ có nghĩa là thổi, là nổi gió, là tỏa hơi ra, là xông mùi. Còn nir là biến thể hình thái học của tiền động từ (preverb) ni chỉ ý biến mất, không còn, v.v.. Vậy nir-VĀ là ngừng thổi, ngưng gió, là tắt, kể cả tắt tự nhiên lẫn bị thổi tắt. Và nir-vāa là trạng thái ngừng thổi, trạng thái tắt ngấm, do đó còn có nghĩa phái sinh là sự tiêu tan, sự tịch diệt, là cái chết, là sự thoát khỏi kiếp trầm luân để vãng sanh cực lạc, v.v.. Dictionnaire sanskrit-français của N.Stchoupak, L.Nitti và L.Renou (Paris, 1932) đã giảng nir-vāa là: “ extinction (sự tắt ngấm), mort (sự chết), néant absolu (hư vô tuyệt đối), béatitude (cực lạc), [...]”. Vậy niết bàn không có liên quan gì đến “rừng” mà liên quan đến sự tắt ngấm, sự ngừng thổi, hiểu rộng ra là sự tắt thở và cái chết. Có thể so sánh cấu trúc ngữ nghĩa của danh từ nir-vāatrong tiếng Sanskrit với cấu trúc ngữ nghĩa của danh từ anima trong tiếng La Tinh để làm cho vấn đề sáng tỏ hơn. Danh từ La Tinh này có các nghĩa sau đây: 1. không khí; 2. luồng hơi, gió; 3. hơi thở; 4. linh hồn; 5. sinh vật, con người; 6. tâm hồn, tấm lòng. Vật có hơi thở, nghĩa là động vật, kể cả con người, thì được gọi là animal (cũng cho ra tiếng Pháp animal = động vật), phái sinh từ anima. Vậy sự sống và cái chết đều có liên quan đến luồng hơi, đến hơi thở. Tắt hơi, tiếng Sanskrit là nir-VĀ, tức là chết. Tóm lại, xét theo nguồn gốc thì khái niệm niết bàn chỉ liên quan đến hơi thở chứ chẳng có liên quan gì đến cảnh rừng cả.
Sở dĩ Đoàn Trung Còn liên hệ niết bàn với rừng là do đã nhầm vāna (= rừng) với a trong nira. Thực ra, trong tiếng Sanskrit thì  và n là hai phụ âm khác nhau cho nên nếu không phân biệt chúng với nhau thì sẽ dễ dàng đi đến nhầm lẫn về mặt ngữ nghĩa. Thí dụ: au là mịn, nhuyễn, mỏng, yếu v.v. nhưng anu thì lại có nghĩa là về sau, đằng sau, v.v.; caa là đậu mỏ (pois chiche) còn cana thì lại là một tiểu tố có tác dụng phiếm chỉ hóa một số đại từ; a là món tiền đặt trong canh bạc nhưng pānathì lại là nước giải khát, v.v..
Tương ứng với tiếng Sanskrit nirvāa là tiếng Pāli nibbāna mà Concise Pāli-English Dictionary của A.P. Buddhadatta Mahāthera (Colombo, 1957) dịch là “extinction (of a fire); emancipationthe final bliss”. Nghĩa đã cho bằng tiếng Anh trong Concise Pāli-English Dictionary cũng trùng với nghĩa đã cho bằng tiếng Pháp trong Dictionnaire sanskrit-français. Căn tố động từ trong cả nirvāa lẫn nibbāna đều là VĀ (v trở thành b trong nibbāna là do biến thể saṃdhi) với nghĩa đã nói ở trên. Vậy niết bàn (nirvāa,nibbāna) chẳng có liên quan gì đến “rừng” cả.

Friday, 30 March 2012

Ấn tượng Hán Việt là gì?


Ấn tượng Hán Việt là mức độ đậm nhạt của nguồn gốc Hán của một từ ngữ Việt trong nhận thức của người Việt.  Khái niệm và thuật ngữ ấn tượng Hán Việt được nhóm nghiên cứu dưới sự lãnh đạo của ông Bùi Khánh Thế sử dụng lần đầu trong công trình Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại (nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001). Nhóm này (Nguyễn Hoài Thu Ba & Trần Thị Kim Anh, sđd. tr. 151-175) tiến hành điều tra trên 285 sinh viên năm thứ hai khoa Ngữ Văn Anh (Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh, sau đây sẽ gọi là “nhóm sinh viên”) và 167 học sinh lớp 10 trường Phổ Thông Trung Học Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, sau đây sẽ gọi là “nhóm học sinh trung học”) thì thấy:
- 52% học sinh trung học và 74,2% sinh viên cho rằng xa lộ là một từ Hán Việt. Trong danh sách 15 từ ghép được đưa ra khảo sát, xa lộ là từ tạo được ấn tượng Hán Việt cao nhất ở cả hai nhóm. Đồng hạng 2 ở cả hai nhóm là ngôn ngữ (48% học sinh trung học và 74% sinh viên).
-Thường xuyên là một từ Hán Việt chân chính nhưng số người chọn câu trả lời đúng không nhiều: 17,9% học sinh trung học (xếp hạng 13/15) và 29,8% (?) sinh viên (xếp hạng 9/15).
-Hiện naybắt đầu được xếp hạng giống nhau ở cả hai nhóm. Chỉ 5,3 % học sinh trung học và 8,7% sinh viên cho rằng hiện nay là từ Hán Việt (đồng hạng 14/15). Trong khi đó 3% học sinh trung học và 4% sinh viên thấy bắt đầu là một từ Hán Việt (đồng hạng 15/15).
Nói chung, các từ được xếp hạng giống nhau khá nhiều: thủ môn (đồng hạng 4), chương trình truyền hình (đồng hạng 10), lý do (đồng hạng 11), yêu thương (đồng hạng 12). Sự chênh lệch, nếu có, thường không đáng kể: tiêu dùng xếp hạng 6 ở nhóm học sinh và hạng 5 ở nhóm sinh viên; vận động viên hạng 5 ở nhóm học sinh xuống hạng 6 ở nhóm sinh viên; điểm yếu hạng 7 ở nhóm học sinh nhưng xuống hạng 8 ở nhóm sinh viên.
- Có 12,5%  học sinh trung học nghĩ rằng tham gia là một từ Hán Việt (xếp hạng 8) trong khi chỉ 9,8% sinh viên đồng ý với điều này (hạng 13/15). Chênh lệch hạng cũng đáng chú ý ở từ nguyên nhân (hạng 3 ở nhóm học sinh trung học và hạng 7 ở nhóm sinh viên), thế giới (hạng 9 ở nhóm học sinh trung học và hạng 3 ở nhóm sinh viên).

Hợp Chúng Quốc hay Hợp Chủng Quốc?

Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:250) giảng Hợp-chúng-quốc là Nước nhớn do nhiều nước nhỏ hợp lại và cho ví dụ kèm theo: Nước Hoa-kỳ là Hợp-chúng-quốc.
Chúng chính là một từ Hán Việt (
). Ta gặp từ này trong các tố hợp công chúng, quần chúng, chúng sinh... và chúng mày, chúng nó... với nghĩa là đông. Do một sự cố có tính cách ngữ âm chúng đã trở thành chủng trong Hợp Chủng Quốc: chữ Hán  có thể đọc là chúng (chúng thụ, nghĩa là trồng cây) hay chủng  (chủng tộc, nghĩa là giống người). Để cho hợp lý, tên gọi Hợp Chủng Quốc được giải thích là nước gồm nhiều giống (chủng tộc) người hợp thành. Đây là một kiểu vọng văn sinh nghĩa. Dòm lại tên chính thức của nước Mỹ (United States) có từ nào nói về chủng tộc 
đâu?

Thursday, 29 March 2012

Thống kê hay thống kế?


Đầu thế kỷ 20 người ta vẫn viết là thống kế:
Mãi đến gần đây thống-kế mới dựng thành một khoa-học. Nam Phong Tạp Chí số 13 (1918:20, Ph. Q)
Theo biểu thống-kế về nhân-khẩu ở Đức trong năm 1930, thì số sinh đẻ ở nước ấy sụt kém đi nhiều lắm, cứ tính theo suất-số một nghìn người thì lại kém cả nước Pháp nữa. Nam Phong Tạp Chí số 167 (1931:427)
Cũng theo sổ thống-kế của Hội Vạn-quốc, thì tiền-tệ các nước đều mất giá-trị (monnaie dépréciée) đi nữa. Nam Phong Tạp Chí số 183 (1933:399)

Hán Việt Từ Điển Giản Yếu cho biết là ngay từ thời Nam Phong Tạp Chí đã xảy ra tình trạng thống kếthường đọc thống kê” (Đào Duy Anh, 2005:869). Nhưng thi thoảng người ta mới bắt gặp thống kê trên sách vở, có vẻ như là nhà in quên bỏ dấu:
Theo như sổ thống-kê (statistique) của Hội Vạn-quốc, thì ra mấy năm nay cuộc mua bán trao đổi ở giữa các nước trong hoàn cầu sút-kém nhiều lắm: năm 1929 tổng-cộng lại được 35 ngàn 6 triệu đô-la, thế mà đến năm 1931 sụt xuống còn có 20 ngàn 9 triệu mà thôi. Nam Phong Tạp Chí số 183 (1933:398)
Kế đổi thành là một ví dụ của hiện tượng Việt hóa từ Hán Việt. Từ này (tức kế Hán Việt đã Việt hóa) có nghĩa là kể ra, biên ra: kê đơn hàng, kê đơn thuốc. (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:262), không phải là xa lạ gì với lời ăn tiếng nói nhưng lại không dễ dàng được chấp nhận trong một tổ hợp có tính trang trọng, bác học. 
Các nhà soạn từ điển trong một thời gian dài chỉ công nhận một dạng là thống kế (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:575, Đào Duy Anh, 1950:1684). Đến Đào Văn Tập (1950:696) thì thống kê là mục từ chính với mở ngoặc bên cạnh là kế. Thanh Nghị (1958:1334) dứt khoát gạt thống kế ra ngoài từ điển. Lê Văn Đức (1970b:1591) lại chấp nhận cả thống kếthống kê: thống kế vẫn là mục từ chính thức có định nghĩa, nhưng kèm ghi chú “thường gọi là thống kê”. Bây giờ thì chẳng ai viết hay nói thống kế nữa, chỉ dùng thống kê trong mọi trường hợp (Hoàng Phê, 2006: 953).

Wednesday, 28 March 2012

Từ Hán Việt chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong vốn từ tiếng Việt?


Câu hỏi nhảm, nên chỉ có thể trả lời nhảm thôi: Ai đếm được, ta xin gọi là thầy.
Vấn đề đặt ra trên đây có liên quan đến vài vấn đề con nan giải:
1)      Từ là gì? Anh hùng là một từ hay hai từ? Chủngtrong Hợp Chủng Quốc có phải là chủng của chủng tộc không, hay phải đếm chung nó với chúng của quần chúng, chúng mày, chúng nó?  Nếu công nhận tiếng Việt có từ ghép thì thống kếthống kê sẽ được gom chung vào một từ vị hay sẽ được tính như hai đơn vị riêng biệt? Nói tóm lại là tùy quan niệm của người nghiên cứu, kết quả đếm được sẽ rất khác nhau, dẫn đến những phân số khác nhau.
2)      Từ Hán Việt là gì? Có người hiểu đơn giản là “từ Việt gốc Hán”. Có người hiểu hẹp hơn là “từ Việt gốc Hán trên cơ sở Đường âm”. Trong nhiều trường hợp, xác định gốc Hán cho một từ Việt không phải chuyện dễ; khẳng định đó là âm Hán thượng cổ, trung cổ, hậu Hán Việt... càng phức tạp hơn.
3)      Tiếng Việt là tiếng Việt nào? Người ta thường hiểu ngầm là tiếng Việt hiện đại, không phải tiếng Việt của Nguyễn Trãi hay Quang Trung. Nhưng tiếng Việt hiện đại bắt đầu từ năm nào? Gia Định Báo hay Nông Cổ Mín Đàm có được xem là thuộc về giai đoạn hiện đại không? Tiếng Việt của bọn phản động có được tính đếm không? Nếu chỉ tính xuất bản phẩm dưới một chế độ chính trị nhất định, trong một quãng thời gian nhất định thì có gom tất cả các thể loại không hay chỉ giới hạn ở một phong cách nào đó (thơ, truyện ngắn, truyện dài, luận án...)?
4)      Vốn từ là gì? Chỉ là tập hợp tất cả các đơn vị từ vựng nhận diện được trên văn bản thực (giả sử vấn đề con số 1 đã được giải quyết) hay kể luôn cả những đơn vị có khả năng xuất hiện nhưng ta chưa gặp? Không có cái bộ phận tiềm tàng ấy thì sẽ chẳng bao giờ có cái gọi là “từ mới”, nhưng làm thế nào đo đếm hay ước lượng cái phần chìm của tảng băng?
5)      Ta có sống đủ lâu để nhìn thấy cách giải quyết các vấn đề con đã nêu không?

Sino Vietnamese language là cái gì?


Tất cả các từ điển ngôn ngữ học đều không có một thuật ngữ nào như vậy.
Một người viết blog nổi tiếng là Trương Thái Du tra Google tìm thấy hơn hai trăm ngàn kết quả với  cụm “Sino Vietnamese language, nhưng kết quả này thật ra bao gồm cả những trang viết về “Sino Vietnamese language contact”, bàn về tiếp xúc ngôn ngữ (giữa) Việt (và) Hán. Số còn lại là những trang của Trương Thái Du và những trang Web sao chép lại Trương Thái Du, không kể số trang có tính cách phiếm đàm thoải mái. Không một trang Web nào có uy tín học thuật dùng thuật ngữ “Sino Vietnamese language”.
Cụm từ “Sino Vietnamese language” có lẽ là do ai đó đã dịch sai thuật ngữ “tiếng Hán Việt”. Trong tiếng Việt (Việt ngữ), tùy theo trường hợp, tiếng được hiểu theo nhiều cách khác nhau:
-Có khi tiếng được hiểu là ngôn ngữ (như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Trung..., ứng với language của tiếng Anh ).
-Có khi tiếng được hiểu là từ  (ứng với word trong tiếng Anh), tức đơn vị có chức năng ngữ pháp trong câu.Ví dụ: Câu “Em học toán” có đúng ba tiếng, trong đó họctoán là hai tiếng Hán Việt).
-Có khi tiếng được hiểu là âm tiết (ứng với syllable trong tiếng Anh), nếu xét về phương diện âm thanh. Ví dụ: Câu  “Em học toán” có ba từ, được phát thành ba tiếng rời nhau.
Thuật ngữ “tiếng Hán Việt” chỉ có một thuật ngữ tiếng Anh tương đương là Sino-Vietnamese word (tiếngtừ).