Friday, 13 April 2012

CÁC THUẬT NGỮ “CHƯỞNG”, “TRI”, “KIÊM”, “THỰ”, “HÀNH”, “QUYỀN" TRONG CHỨC QUAN THỜI XƯA - Đinh Khắc Thuần


TB

Chưởng 掌: chỉ người có chức quan cao quý nắm nha môn thấp như Trung quân Đô đốc phủ chưởng phủ sự Thái bảo Lân Quốc công, hoặc Binh bộ Thượng thư chưởng bộ sự, Thái bảo Kiến Dương bá…
Tri 知: lấy quan chức của cùng nha môn đảm nhậm thêm việc của nha môn sở thuộc, tức là quan bản nha coi việc thuộc quyền mình gọi là tri, chẳng hạn Hộ bộ Tả thị lang tri Độ chi Thanh lại ty (Thanh Lại ty thuộc bộ Hộ); hoặc Quân khí doanh tạo sở sứ tri Đan tác tượng,…
Kiêm 兼: lấy chức này kiêm nhiệm chức khác bất kể cao thấp, một lúc đảm nhận hai việc, như Binh bộ Tả thị lang kiêm Quốc tử giám Tế tửu (chức quan cao kiêm nhiệm thêm chức thấp), hoặc Tả Xuân phường Tả thứ tử kiêm Hộ bộ Thượng thư (chức quan thấp kiêm nhiệm chức quan cao).
Thự 署: chỉ vị quan có phẩm hàm thấp mà tạm đảm nhận việc bản nha, gọi là thự, như Hàn lâm viện Thị độc thự Hàn lâm viện sự; hoặc chức quan thấp tạm thời đảm nhận chức vị cao như Ngự dụng giám thự Giám sự.
Hành 行 : người có chức vụ cao đảm nhận công việc của phẩm hàm thấp, như Hàn lâm viện Thừa chỉ Vũ Vĩnh Trinh hành Hải Tây đạo Tuyên chánh sứ ty Tham tri, năm 1464 (Đại Việt sử kí toàn thư, Bản Chính Hòa, Bản dịch, 1998, tập 3, tr.196); hoặc trên là hàm tản quan dưới lại là chức quan như Anh liệt tướng quân, Tổng tri của một vệ…
Quyền 權 : phẩm trật thấp nhưng quyền (có quyền hạn) chức vị cao, như Hàn lâm viện Thừa chỉ quyền Hộ bộ Hữu thị lang Nguyễn Tư Đạo năm 1464 (Đại Việt sử kí toàn thư, tập 3, tr.197); hoặc trên chỉ có chức quan, dưới mang hàm tản quan, như Kinh Bắc đạo Giám sát Ngự sử (chức quan) Tiến công thứ lang (tản quan), Kiến Huân vệ Tráng phong trung sở quản lãnh (chức quan) Phấn lực tướng quân (tản quan).

(Theo Quan chế điển lệ 官 制 典 例 , A.56/1, tờ 5a)
Đinh Khắc Thuân sưu tầm, chú giải.

Thursday, 12 April 2012

Bổ sung cho câu trả lời về danh từ lạc xoong trên KTNN 345 và danh từ l’Auction trên KTNN 357. - An Chi (Huệ Thiên)


Nhà thư tịch học kỳ cựu Đỗ Văn Anh đã có nhã ý thông báo thêm cho chúng tôi về nguồn tư liệu liên quan đến danh từ “l’Auction” mà chúng tôi đã bổ sung trên KTNN 357. Đó là một đoạn tuy ngắn nhưng rất quan trọng trong thiên chuyên khảo của Ant. Brébion nhan đề “Monographie des rues et monuments de Saigon” đăng trên hai kỳ Revue indochinoise, 10 & 11, 1911 (*). Đoạn này nằm trong trang 368 của số 10, nguyên văn tiếng Pháp như sau:
“Au no 201, rue Catinat, suy l’emplacement de l’actuel magasin de l’Omnium, don't la construction a été achevée en 1908, se trouvait, à deux mètres en retrait de l’alignement, un assez vaste hangar vitré occupé par la Salle des Ventes saigonnaises – l’Auction – transférée là, vers 1880 pan les Commissaires - priseurs Bernard Fleith et Laplace. Il y avait ventes régulières aux enchères publiques tous les dimanches matin”.
Xin dịch như sau:
“Ở số 201 đường Catinat, tại vị trí của cửa hàng Omnium hiện nay (1911 - AC), xây cất xong năm 1908, trước kia là một cái lán hàng khá rộng lắp kính, thụt vào trong hai mét so với dãy mặt tiền, dùng làm nơi tọa lạc của Hội trường bán đấu giá Sài Gòn, cửa hàng Auction, do các ủy viên bán đấu giá Bernard Fleithe và Laplace dời đến đó vào khoảng 1880. Tại đây, sáng chủ nhật nào cũng có bán đấu giá đều đặn”.
Đoạn văn trên đây của Ant. Brébion đo ông Đỗ Văn Anh cung cấp giúp xác nhận điều mà chúng tôi đã suy đoán trên KTNN 357, rằng có thể là tại đường Catinat lúc bấy giờ từng có một cửa hàng bán đấu giá mà chủ nhân đã dùng tiếng Anh “auction” để vừa làm tên vừa chỉ hoạt động của cửa hàng. Chẳng riêng gì cửa hàng này mới được đặt tên bằng tiếng Anh mà sau khi nó dọn đi nơi khác (về sau lại có một Salle des Ventes tại đường Lagrandière, nay là Lý Tự Trọng, nhưng không biết có phải cũng chính là cửa hàng đó hay không) thì doanh nghiệp mới dọn về đó cũng được đặt tên bằng một từ tiếng Pháp gốc Anh: Vâng, Omnium là một từ Pháp gốc Anh, mượn theo nguyên dạng chính tả; danh từ tiếng Anh này bắt nguồn từ sinh cách số nhiều của tiếng La Tinh omnis, có nghĩa là “tất cả”.
Từ trên đây suy ra, quả chẳng có gì lạ nếu Hội trường bán đấu giá Sài Gòn đã được đặt tên bằng tiếng Anh “Auction”. Và việc Nguyễn Liên Phong ghi nhận trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (1909) rằng “(nhà) lạc-xoong” là do l’Auction” mà ra cùng với việc Ant. Brébion khẳng định trong Monographie des rues ét monuments de Saigon (1911) rằng tại đường Catinat đã từng có một cửa hàng mang tên “(l)Auction” hai việc đó là những bằng chứng không thể chối cãi được về nguyên từ của hai tiếng lạc-xoong. Đó là những cứ liệu “ngôn ngữ chi ngoại” (extra-linguistique) rất quan trọng và hoàn toàn bất ngờ (ít ra là cho đến hiện nay) để khẳng định điều mà có một tác giả thường nghiên cứu về từ nguyên đã bác bỏ. Tác giả này đã lập luận rằng “Về ngữ âm, l’Auction rất ít khả năng cho ra lạc xon (tức lạc-xoong - AC). Về ngữ nghĩa “bán đấu giá” (auction = bán đấu giá - AC) chỉ áp dụng cho những vật giá trị, đắt tiền, còn lạc xon chỉ dùng cho những vật rẻ, cũ”.
Xin có đôi lời nhận xét về lập luận trên đây. Trước nhất, về ngữ âm, không phải bao giờ yếu tố vay mượn cũng được phát âm y chang như tiếng gốc vì một lẽ đơn giản là nói chung thì hệ thống âm vị của ngôn ngữ đi vay mượn thường khác với hệ thống âm vị của ngôn ngữ được vay mượn. Huống chi, cũng về mặt này, cái mà người bản ngữ quan tâm khi vay mượn là cố uốn nắn các từ được vay mượn sao cho nó phù hợp với hệ thống âm vị của tiếng mẹ đẻ chứ không phải là ép tiếng mẹ đẻ của mình phải tuân theo hệ thống âm vị của ngôn ngữ được vay mượn. Dĩ nhiên đây là nói về sự vay mượn các từ ngữ diễn đạt những sự vật hoặc hiện tượng thuộc phạm vi sinh hoạt thông thường chứ không phải là thuật ngữ khoa học. Mà ngay cả thuật ngữ khoa học nhiều khi cũng bị gò theo đặc điểm ngữ âm của tiếng mẹ đẻ. Nếu cứ nhất nhất đòi “trung thành” với nguyên ngữ như tác giả kia thì làm thế nào mà infirmier có thể trở thành “phạm nhe”, cellule có thể trở thành “xà lim” và police có thể trở thành “cú lít”, v.v.
Còn xét về ngữ nghĩa thì rõ ràng là người ta không thể trông đợi vào việc ngôn ngữ vay mượn bao giờ cũng tuyệt đối theo sát cái nghĩa thông dụng của từ ngữ được vay mượn như nó vốn có trong nguyên ngữ. Xin đơn cử một thí dụ. Hẳn là chẳng có nhà từ nguyên học nào lại không thừa nhận rằng tiếng Việt xà-lách là do tiếng Pháp salade mà ra. Nhưng người Pháp lại không dùng danh từ salade để chỉ riêng thứ rau (trong Nam gọi là “cải”) mà người Việt gọi là xà-lách. Lý do là trong tiếng Pháp thì salade lại vốn có nghĩa là món ăn trộn giấm, nghĩa là món ăn gồm có một (vài) thứ rau trộn với dầu, tiêu, muối và giấm. Đây là nghĩa gốc và từ nghĩa gốc này danh từ salade mới có nghĩa phái sinh là thứ rau dùng để trộn giấm như chicorée (rau diếp xoăn), cresson (cải xoong), laitue (đây mới chánh cống là rau “xà-lách”), v.v… Rõ ràng là trong tiếng Việt thì nghĩa của hai tiếng xà-lách đã bị thu hẹp một cách tối đa để chỉ còn tồn tại một cách tối thiểu, nghĩa là chỉ còn dùng để chỉ độc một thứ mà tiếng Pháp gọi là “laitue” mà thôi. Từ điển Pháp Việt của UBKHXHVN do Lê Khả Kế làm tổng biên tập (ACCT, 1981) đã không đúng vì đã ghi và dịch như sau:
“salade. 1. xà lách, rau sống (...)”.
Dịch salade thành “xà lách” là đã thu hẹp phạm vi ngữ nghĩa mà danh từ đó vốn có trong tiếng Pháp, là đã vô hình trung Việt hóa danh từ salade vì chỉ ấn định cho nó có cái nghĩa duy nhất là “laitue” (= xà lách) mà thôi. Dịch salade thành “rau sống” thì, ngược lại, là đã mở rộng phạm vi ngữ nghĩa của nó một cách vô giới hạn, nghĩa là vô nguyên tắc: có phải bất cứ thứ rau sống nào cũng được người Pháp gọi là salade đâu và rốt cuộc thì cái nghĩa gốc của danh từ salade (món rau trộn giấm) trong tiếng Pháp đã bị các nhà biên soạn của quyển từ điển trên đây... “đánh rơi”.
Sở dĩ chúng tôi phải dài dòng như trên chẳng qua chỉ là để khẳng định điều quan trọng sau đây: Trong nhiều trường hợp, người ta không thể trông chờ người bình dân theo sát cái nghĩa vốn có trong nguyên ngữ của từ ngữ được vay mượn, đến các nhà trí thức biên soạn từ điển có khi cũng còn không theo sát nữa là...
Trở lại với danh từ “auction”, xin nhấn mạnh rằng không có gì lạ nếu nó vốn “chỉ áp dụng cho những vật giá trị, đắt tiền” mà cuối cùng lại “dùng cho những vật rẻ, cũ” vì cái lý do tối quan trọng đã nói ở trên. Huống chi ở đây người bình dân lại còn có một lý do tối quan trọng khác nữa của họ. Họ thấy các món hàng bán đấu giá và đồ lạc xoong cùng có một đặc điểm chung là đồ cũ nghĩa là đồ đã được dùng qua (hàng bán đấu giá cũng là đồ cũ đấy chứ). Vậy họ có đầy đủ lý do chính đáng để xài hai tiếng lạc-xoong theo ẩn dụ mà chỉ các món hàng đã xài qua nay được đem ra bán theo giả có trừ tỷ lệ hao mòn, như đã nói trên KTNN 345.
Thực ra, trên đây cũng chỉ là nói cho... cùng kỳ lý, chứ riêng cứ liệu của Nguyễn Liên Phong trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca và cứ liệu của Anh. Brébion trong Monographie des rues et monuments de Saigon tự chúng cũng đã là những điều kiện cần và đủ để khẳng định một cách dứt khoát rằng nguyên từ của hai tiếng lạc xoong chính và chỉ là danh từ “l’Auction” mà thôi. Tiếc rằng học giả Vương Hồng Sến, được xem là quyển từ điển sống về cổ tích và cổ tịch của đất Sài Gòn và học giả Lê Ngọc Trụ, nhà từ nguyên học kỳ cựu, đều đã không phát hiện được các cứ liệu trên đây nên cũng đã giải thích sai về xuất xứ của hai tiếng lạc-xoong.
Một lần nữa, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn ông Đỗ Văn Anh đã cung cấp cho chúng tôi những tư liệu thú vị và bổ ích. Không có những tư liệu này, chắc là người ta sẽ còn lạc bước lâu hơn và xa hơn trong việc truy tầm từ nguyên của hai tiếng lạc-xoong.
* Xuất xứ của thiên chuyên khảo này lại được Sơn Nam ghi như sau: “Revue Indochinoise, q.XVI, tháng 7-12 năm 1911. (Bến Nghé xưa, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 1981, tr.88, chth. số 16).


Nguồn: Bách Khoa Tri Thức

Nguồn gốc của hai tiếng “lạc-xoong”. Đồ lạc – xoong thực chất là đồ gì? - An Chi (Huệ Thiên)


Độc giả: Xin cho biết nguồn gốc của hai tiếng “lạc-xoong”. Đồ lạc – xoong thực chất là đồ gì?
An Chi: Về nguồn gốc của hai tiếng lạc-xoong, có người đã cho rằng lạc xon (theo cách viết của tác giả này – AC) là một tổ hợp đẳng lập (tức là tổ hợp gồm hai yếu tố đồng nghĩa hoặc gần nghĩa) gồm có lạc là một từ Hán Việt và xoong là một từ gốc Ấn – Âu. Lạc ở đây, theo ông, có nghĩa là “rơi, rớt, rụng” như có thể thấy trong từ tổ lạc giá, có nghĩa là “rớt giá”, tức hạ giá, giá rẻ. Còn xon cũng theo ông, là một từ gốc Pháp bắt nguồn ở danh từ solde trong en solde mà ông đã căn cứ vào Dicionnaire françai – Vetnamien do Lê Khả Kế làm tổng biên tập để dịch là “bán xon, bán hạ giá”.
Tác giả này đã làm một cuộc xe duyên “đẳng lập” nhưng rất tiếc rằng lạc và xon không phải là từ vì chỉ là hai âm tiết vô nghĩa dùng để phiên âm mà thôi. Huống chi, nếu có là những từ đích thực thì lạc cũng không thể gần nghĩa với xon được. Lạc là “rơi, rớt, rụng” còn xon lại là hàng hạ giá (“rớt giá”) nên chỉ có từ tổ lạc giá mới gần nghĩa với xon mà thôi.
Như vậy khó có thể chấp nhận lạc xon là một tổ hợp đẳng lập.
Điểm thứ hai là dù cho tác giả có viết âm tiết thứ hai của từ lạc-xoong trong đồ lạc-xoong thành “xon” nhưng hễ đã là dân Sài Gòn cố cựu, kể cả người Trung lẫn người Bắc thì ai cũng nói thành  chứ không bao giờ nói thành . Ngược lại, đối với chữ “xon” trong “đồ xon” thì ngay cả dân Sài Gòn gốc Nam Kỳ chánh cống cũng luôn luôn phát âm thành  chứ không bao giờ “ngờ” hóa phụ âm cuối “nờ” của nó (nghĩa à biến [n] thành [ŋ] mà đọc thành . Sở dĩ họ làm như thế là vì trong ý thức của họ, cũng như trong thực tế, đồ lạc-xoong và đồ xon là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Vâng, ai có ở tại Sài Gòn lâu năm cũng biết rằng:
- Đồ lạc xoong có trước đồ xon rất lâu (ít nhất là vài thập kỷ) vì mãi đến giữa thập kỷ 1950 thì đồ xon mới “đổ bộ” xuống lề đường Bonard (nay là Lê Lợi, Q.1) và Rue des Marins (nay là Trần Hưng Đạo, Q5), đoạn từ Jaccaréo (nay là Tản Đà) đổ về Tổng đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm).
- Đồ lạc xoong là đồ đã xài rồi còn đồ xon là đồ chưa ai xài đến trước khi đem ra bán.
- Đồ lạc-xoong có thể nằm trong tiệm từ năm này sang năm khác mà không khiến cho chủ tiệm phải lo lắng chứ đồ xon thì hễ đã tung ra thị trường là để lấy lại vốn cho nhanh chóng mà thường thì thiên hạ cũng chen nhau mua… ào ào nên chẳng mấy chốc mà hết (dĩ nhiên cũng có khi ế).
Đồ lạc xoong nói chung là đồ từng món (vì thế nên Vương Hồng Sển mới viết trong tự vị tiếng Việt miền Nam rằng “nhiều khi với mắt tinh đời, sẽ gặp đồ cổ quí, Minh, Khang Hi, ẩn tàng trong đám bạc son chợ trời”) còn đồ son thì nói chung là đồ cùng loại và cùng mẫu mã đem bán hàng loạt.
Đồ lạc xoong không phải là đồ hạ giá mà chỉ đồ bán theo giá có trừ tỉ lệ hao mòn do đã sử dụng (nhưng đó chỉ là nói chung chứ có thứ rất đắt vì là hàng độc đắc”) còn đồ xon thì mới chánh cống là đồ hạ giá vì hàng tuy vẫn mới nhưng lại bán theo giá thấp hơn giá đã định ban đầu để thanh toán cái stock cũ cho mau lẹ (stock: lượng hàng đang có).
Tóm lại, đồ lạc-xoong không phải là đồ hạ giá càng không phải là đồ xon. Về phương thức bán xon; để minh họa thêm, chúng tôi xin trích dẫn bài ghi nhanh của Thanh Hà nhan đề “Hàng xon Hà Nội” đăng trên trang 3 của báo Tuổi trẻ ngày 27.1.2000: “Bán xon không còn lạ với người Sài Gòn, song với dân Hà Nội chợ xon mới mọc được xem là “sự kiện” với nhiều ngỡ ngàng, lạ lẫm. Từ ba tối nay khu phố Hàng Đào, Hàng Ngang bỗng trở nên tấp nập, ồn ào đến tắc đường với những đống hàng bán xon. Trên vỉa hè, cứ cách vài mét lại có một tấm biển viết vội trên giấy các tông “đại hạ giá” “đại đại hạ giá” gắn tạm trên gốc cây, cánh cửa, cột đèn, còn bên dưới là quần áo đồ len, túi xách; rồi đồng hồ đeo tay loại rẻ tiền, cặp tóc, vớ, găng tay (…) Hàng bán đổ đống hoặc chất trên ghế xếp, khách thoải mái tự bới chọn (...) và (theo lời một người bán hàng – AC) trong mấy ngày bán hạ giá, vợ chồng anh đã “đẩy” được quá nửa lô hàng ế, bằng bán cả mấy tháng trời trong tiệm”.
Đấy, đồ xon và phương thức bán xon đại để là như thế. Còn bây giờ, xin nói thêm đôi chút về đồ lạc-xoong rồi trở lại với hai tiếng lạc xoong. Chủ tiệm lạc-xoong chánh tông (có môn bài hẳn hoi) trước đây, đặc biệt là 1954, đều là người Hoa (do đó mới có mấy tiếng “chệch lạc-xoong” thuộc bang phước Kiến, chí thú làm ăn mà cũng rất “chịu chơi” trong nghề mua bán đồ cũ. Một chủ tiệm lạc-xoong đã từng “rinh” cả một cái nồi súp-de của đầu máy xe lửa về kho hàng của mình để “chờ giá”, chứ chẳng cần vội vàng (cho nên nói rằng đồ lạc xoong là đồ hạ giá thì kể như là chỉ mới biết sơ sơ về thứ đồ này mà thôi).
(KTNN 357 10-7-2000). Vậy thì đâu là nguồn gốc của hai tiếng “lạc-xoong” Ông Đỗ Văn Anh, nhà thư tịch học kỳ cựu của Sài Gòn, đã có nhã ý thông báo cho chúng tôi rằng xuất xứ của hai tiếng này đã được ghi chú rõ ràng trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong, cuốn thứ nhất, do phát Toán Libraire - Imprimeur ấn hành tại Sài Gòn năm 1909. Lời ghi chú đó nằm trong đoạn lục bát sau đây:
Chực đường cớ trẻ cu-li (coolie)
Kêu đâu sẳng đó đem đi lẹ làng.
Lớp thời xuống bến Nam-vang,
Lớp qua Khánh Hội, lớp sang Nhà Rồng.
Lớp xe về lối ngoài trong,
Lớp đi theo dõi mấy ông dọn nhà.
Nhà-in, nhà-thuốc, nhà-chà,
Nhà hàng ăn ngủ với nhà Lạc-xon (l'auction)
(Sđd, tr.30)
Lạc-xon chính là lạc-xoong và đấy cũng chính là âm của từ l’auction mà Nguyễn Liên Phong đã có công ghi lại cho ta một cách rạch ròi. Đoạn lục bát trên đây nói về đường Catinat. Có thể là lúc bấy giờ trên con đường này đã có một cửa hàng bán đấu giá mà chủ nhân lấy tên bằng tiếng Anh auction (sự bán đấu giá). Người Pháp đã giữ nguyên dạng mà thêm quán từ vào thành l’auction rồi người Việt Nam thì phát âm thành lạc-xoong. Lạc-xoong ban đầu là cửa hàng bán đấu giá. Về sau người ta mới dùng hai tiếng này theo nghĩa hiện hành và sự chuyển nghĩa này không phải là chuyện không thể giải thích được.


Nguồn: Bách Khoa Tri Thức

Wednesday, 11 April 2012

Ria ghi đông hình dáng ra sao?


Râu/Ria ghi đông là bộ râu/ria mép dài và cong như cái cần/tay lái xe đạp. Người Pháp gọi kiểu râu này là moustache en guidon. Người Việt dịch là ria ghi đông.
* Cách mươi hôm sau, quan chánh đi khám, theo hầu có đủ viên chức lý dịch thêm cả bác cai-tuần nước da bánh-mật , bộ râu ghi-đông (guidon) nữa. Tri Tân Tạp Chí số 185-186 (1945:15, Tiên-Đàm)
 Có người râu tự nhiên ra như thế. Có người phải dùng sáp bôi râu (cire à moustache) để tạo dáng cho bộ râu.
* Trên mép lơ-thơ hai khóm râu tôm mà ngài đã vuốt sáp cho nó cong lên như cái “ghi-đông” xe đạp, để lộ hẳn ra một cặp môi thâm sĩ đi đôi với hai con mắt trắng rã của ngài, để biểu dương cho mọi người biết cái tính-nết của ngài là thế nào vậy. Nam Phong Tạp Chí số 195 (1934:308, Lê Đức Nhượng)
Râu/Ria này rất phổ biến trong giới quân nhân Anh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nhưng nay ít người bỏ công nuôi râu/ria ghi đông vì bất tiện quá, không phù hợp với sinh hoạt hiện đại.
Từ ghi đông có lúc bị lên án, khai trừ khỏi vốn từ tiếng Việt cùng hàng loạt từ mượn âm Pháp:
* Tại sao cứ phải nói « juýp », « phờ-ri-dê », « súng đui-xết », « ảnh đờ-mi co, cát-xít », « máy bay B vanh nớp », « pu-lô-vơ », « ghi-đông », « gác-đờ-bu » v.v... mà không dùng: váy, uốn tóc, súng 12 ly 7, ảnh nửa mình, bốn sáu, máy bay B hăm chín, áo len cộc tay, tay lái, cái chắn bùn... ? Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 26 (1957:68, Hồng Giao)

Hồng Giao chính là Nguyễn Kim Thản, năm 1957 vừa từ Trung Quốc trở về, giảng dạy ở khoa Ngữ Văn, Đại Học Tổng Hợp Hà Nội.
Ghi đông xe đạp thành tay lái xe đạp, nhưng râu/ria ghi đông không thành râu/ria tay lái được. Bản thân từ ghi đông gần bốn mươi năm sau lại được Nguyễn Kim Thản (2005 :654) cho vào Từ Điển Tiếng Việt !  

CHỮ "CHỚ" TRONG QUỐC ÂM THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI - Cao Hữu Lạng

Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có khoảng 20 chữ "chớ" mang mã 渚(1). Chữ "chớ" này, nghĩa thông thường là đừng. Như ở các câu: "Chớ cậy sang mà ép nề" (44.1) "Bầu bạn cùng ta nghĩa chớ vong" (178.3) thì giảng là "đừng" là thoả đáng. Song ở một vài bài khác, nếu cũng giảng chữ "chớ" theo nghĩa đó thì hình như không thông. Như câu "Dứt vàng chăng chớ câu Hy Dịch", chữ "chớ ở đây nếu hiểu là đừng thì câu thơ không có nghĩa.
Để tiện trình bày, xin được dẫn bài thơ ra đây:

Bầu bạn cùng ta nghĩa chớ vong.
Người kia phú quí nỡ quên lòng
Dứt vàng chăng chớ câu Hy Dịch
Khinh bạc màng ngâm thơ Cốc Phong.
Quân tử nước giao âu những lạt
Hiền nhan rượu thét họ là nồng
Một phen bạn đến còn đằm thắm.
Hai bữa mừng nhau một mặt không.
Đây là bài thứ 51 trong mục Bảo kính cảnh giới.
Bài thơ là những lời khuyên về tình bạn. Câu đầu, tác giả nêu lên đạo lý của tình bạn, nghĩa tương tự như câu chữ Hán "Bầu tiện chi giao bất khả vong". Thừa tiếp ý trên, câu 2, chê những kẻ khi giầu sang đã nỡ quên tình bạn. Câu 3, mượn câu Kinh dịch "nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim), nghĩa là: hai người đồng lòng, có sự sắc bén chặt được vàng, ý khuyên người ta phải biết kết bạn để làm những việc lớn. Xét về cấu trúc ngữ pháp thì chữ "chớ" ở câu này phải mang chức năng động từ, và có nghĩa là "trái" (đạo). Nghĩa câu thơ là: Chẳng (đừng) trái câu "dứt vàng" (đoạn kim) trong Hy Dịch. Như thế mới hợp với nghĩa câu sau: Đừng mong ngâm thơ khinh bạch trong Cốc Phong (khinh bạc màng ngâm thơ Cốc Phong)(2).
Cũng như thế, câu 7 trong bài Giới Sắc (Phu phụ đạo thường chăng được chớ" (190.7), chữ "chớ" này cũng phải hiểu là "trái". Toàn câu thơ có nghĩa là: "Không được trái đạo vợ chồng". Hiểu như thế câu thơ mới có nghĩa và mới liền mạch với câu thơ sau: "Bối tông hoạ phải một đôi khi".
Trường hợp nữa là "chớ" trong câu:
Cơm kẻ bất nhân ăn ấy chớ
Áo người vô nghĩa mặc chẳng thà...(3)
(Trần Tình, bài thứ 3)
Chữ "chớ" này cũng nên hiểu nghĩa là "trái" (đạo). Cả câu nghĩa là: "Ăn cơm của kẻ bất nhân là trái (đạo)" (chữ "ấy" có nghĩa như chữ "là"). Hiểu như vậy, vẫn bảo đảm được tinh thần bài thơ và giữ được vẻ trang nhã của câu thơ.
Thơ Nguyễn Trãi cổ điển, tinh nghiêm, từ ngữ bình dị nhưng chính xác, tập trung phục vụ cho chủ đề. Thơ Ông, chữ Hán cũng như Quốc âm, là những tứ cao diệu, tần, kỳ. Có điều thơ Quốc âm của Ông đến với chúng ta ngày nay qua một khoảng thời gian khá dài, nhiều từ ngữ đã mất đi lâu rồi mà các từ thư, từ điển không còn ghi lại được.
Việc tìm ra nghĩa của những từ cổ như chữ "chớ" sẽ làm giàu cho kho kiến thức từ ngữ Việt cổ, và giúp cho hiểu được những áng văn thơ cổ phong phú và chính xác.
CHÚ THÍCH
(1) Theo bản in Phúc Khê, năm 1868.
(2) Cốc phong: một thiên trong Kinh Thi, đại ý chê người đàn ông phụ bạc, có mới nới cũ.
(3) Câu sau: “áo người vô nghĩa mặc chẳng thà”, chẳng thà ở đây tương đương với nghĩa chẳng thèm
(4) Bài viết có tham khảo ý kiến cụ Nguyễn Si Lâm, xin ghi lời cảm ơn.

Tuesday, 10 April 2012

CHỮ HÁN CỦA NGƯỜI VIỆT - Vũ Tuấn Sán


TB

I. Nhân một câu trong Truyện Kiều
Không mấy ai không nhớ câu trong Truyện Kiều, khi Thúy Kiều nhận được thư của Sở Khanh:

“Mở xem một bức tiên mai,
Rành rành Tích Việt có hai chữ đề.
Cứ trong ý tứ mà suy,
Ngày hai mươi mốt Tuất thì phải chăng ?”
Sở dĩ Thúy Kiều đoán được như trên, vì phân tích theo cách viết chữ (chiết tự) thì chữ "tích" 昔 gồm chữ "trấp" (nhị thập, tức 20, "nhất" 一 (một) và "nhật" 日 (ngày) ghép lại. Chữ "Việt" 越 gồm chữ "tẩu" 走 (chạy, trốn) và chữ "tuất" 戌 (giờ Tuất). "Tích Việt" rõ ràng có nghĩa: chạy trốn vào giờ Tuất ngày 21. Nhưng tra Khang Hy tự điển (TĐKH), thì chữ "Việt" 越 ở bộ "tẩu" 走 viết bằng chữ "tẩu" 走 cạnh chữ "việt" 戉 (một loại búa rìu thời cổ). Nếu là chữ "tẩu" cạnh chữ "tuất", thì lại là một chữ khác, âm đọc "hứa duật, huân nhập thanh", tức là chữ "huật", và có nghĩa là "chạy" (tẩu). Từ điển còn ghi thêm: "khác với chữ Việt" (dữ việt bất đồng). Tuy nhiên, từ trước, người Việt vẫn quen đọc là "Tích Việt". Và Đại Việt sử ký toàn thư, sách quốc sử của cả nước, nhan đề sách được in với chữ "Việt" gồm chữ "tẩu" bên chữ "tuất" chứ không phải bên chữ "việt". Cuốn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (ĐDA) cũng viết chữ "việt" với chữ "tuất" bên bộ "tẩu". Sách được hiệu đính do hai bậc túc nho nổi tiếng đương thời là Phan Bội Châu (ký tên Hạn Mạn Tử) và Thủ khoa Lâm Mậu (ký tên Giao Tiều - vì nhà ở gần đàn Nam Giao thành Huế) (ghi theo lời khẳng định của nhà học giả Đào Duy Anh khi còn sống). Như vậy có thể cho rằng, chữ "việt" của người Việt không phải là chữ "việt" của người Hán. Các từ điển Hán Việt sau này như Từ điển Trung Việt của Văn Tân (VT), Hán Việt tự điển của Thiều Chửu (TC) viết chữ "việt" đúng như ở KHTĐ, nhưng không có chữ "huật" (tức chữ có bộ "tẩu" bên chữ "tuất". Chữ này thực ra rất ít dùng. Trong TĐKH khi giải nghĩa chữ này, không thấy ghi thí dụ trích ở sách cũ như thường thấy ở những chữ khác. Các từ điển thông dụng của Trung Quốc như Từ Nguyên (TN), Từ Hải (TH), Vương Vân Ngũ Tứ giác đại từ điển (VVN) đều không ghi chữ "huật". Như vậy, mặc dầu KHTĐ, bộ từ điển chính thức của Trung Quốc ghi dưới chữ "huật" khác với chữ "việt", người Việt vẫn viết chữ "việt" với chữ "tuất" bên cạnh bộ "tẩu" mà không cho là viết sai.
Trường hợp vẫn là chữ Hán ghi trong KHTĐ, nhưng được người Việt dùng và đọc theo cách khác, như chữ "việt" nói trên, có thể coi là hiếm. Người viết bài này mới chỉ biết thêm một trường hợp nữa, chữ , viết với chữ tịnh 並 (ngang nhau, gồm) trên chữ kiến 見 (trông, nhìn). KHTĐ có ghi chữ này, nhưng ở phần Dị khảo cuối sách, ghi âm đọc là "cánh", không ghi nghĩa. Trung văn đại từ điển (TV) Q.30, bộ kiến 見 có chữ này và ghi "nghĩa chưa rõ". Sách viết Hán Nôm của ta thường viết chữ này thay chữ 競 (cạnh), có nghĩa là tranh giành, ganh đua. Sách viết tay Lịch triều danh phú (Thư viện Viện Hán Nôm, A.366), ở bài Tần cung phụ nữ, có câu "Sính thuyền quyên ư phấn hạp hương liêm, cạnh tú lệ duy châu ư cẩm trướng" (Lả lơi khách thuyền quyên nơi hộp phấn bình hương, ganh đua vẻ xinh tươi nơi màn châu trướng gấm). Chữ "cạnh" viết theo kiểu này đã khiến GS. Hà Văn Tấn, trong sách Trạng Quỳnh (cộng tác với Nguyễn Đức Hiền, Nxb. Văn học, Nxb. Thanh Hóa, 1987), khi dịch giới thiệu bài phú này đã phiên âm lầm thành "quan" (xem, nhìn), vì không thấy trong các từ điển thông dụng (Xem thêm Tạp chí Hán Nôm số 1-1988, biểu số 1, giữa trang 24-25, trong bài của GS. Trần Nghĩa Văn bản và giá trị học thuật của Hoan châu ký, chữ trên đã được đọc đúng là "cạnh".
II. Chữ Hán viết theo lối người Việt
Trường hợp chữ Hán được Việt hóa theo cách đọc và hiểu nghĩa như trên có thể nói là hiếm. Trường hợp chữ viết theo thể “thảo” nhưng theo cách riêng của người Việt nhiều hơn, có thể thấy ở nhiều sách viết tay hiện chiếm đa số so với sách đã được in ở thời kỳ trước. Sau đây là một số chữ còn thể coi là của riêng người Việt vì không thấy ghi trong sách dạy chữ thảo của người Trung Quốc. (Có nhiều sách thuộc loại này. Bài viết dựa vào Thảo từ vựng của Thạch Thụ Am, sách in tập hợp những chữ thảo của các nhà “thảo thánh” (bậc thánh về môn chữ thảo” từ đời Hán đến đời Minh, lời Hậu tự” cuối sách viết năm Càn Long thứ 52, Đinh Mùi (1787). Người viết xin lỗi nếu có những tư liệu khác về chữ thảo Trung Quốc phủ nhận những nhận xét trong phần viết về chữ thảo của người Việt).
Về vấn đề này, có thể quy vào mấy điểm chính sau đây:
1. Sử dụng hai chấm đặt bên trái và bên phải chữ đơn:
- ... 願 (nguyện), thay chữ “hiệt” (頁) bên phải.
- ... 欲 (dục), thay chữ “cốc” 谷 bên trái.
- ... 御 (ngự), thay bộ “sách” (彳) bên trái và bộ ‘ấp” (阝 ) bên phải.
- ... 秤 (xứng), thay bộ “hòa” 禾 bên trái.
2. Dùng nét 乙 đặt bên chữ đơn:
- ... 擇 (trạch), thay nửa phần trên chữ “dịch” ().
(sương), thay bộ “vũ” 雨 .
- ... 雪 thay bộ “vũ” 雨
3. Một số chữ thông dụng:
: 留 (lưu: giữ lại)
っ : 鄉 (hương: làng)
: 謂 (vị: hảo)
: 寰 (hoàn: bờ cõi rộng lớn)
: 得 (đắc: được)
: 爵 (tước: chức tước)
: 既 (ký: đã).
4. Có những chỗ tưởng chừng không hợp lý, như ở chữ 琷viết tắt của chữ 驢 (lư: con lừa), phần bên phải 卢có thể đọc là 廬 (lư) hay là 虞 (ngu), cả hai chữ đều được chấp nhận, có lẽ theo văn cảnh mà đoán được chữ, cũng như chữ , viết thay chữ 疆 (cương) nhiều nét hơn gấp bội. Đặc biệt có một chữ không hẳn là chữ thảo, có thể gọi là chữ “kép”, chữ () đọc thành hai chữ “quốc gia”, lấy chữ “gia” (nhà) viết trong khung chữ “vi” 囗 , lối viết cổ của chữ “vi” 圍 (vây) sau dùng làm một trong 214 bộ của TĐKH. Thành ngữ về kiến trúc “nội công ngoại quốc” thực có nghĩa: công trình bên trong hình chữ “công” 工 (hai ngôi nhà được nối nhau ở quãng giữa bằng một nhà cầu ngắn, thành hình chữ này), công trình bên ngoài hình chữ “vi” [囗] (hình vuông), ta đã đọc chữ này thành chữ “quốc”.
III. Cách đọc riêng biệt của người Việt đối với một số chữ Hán
Chúng ta ai cũng biết người Việt có cách đọc chữ Hán riêng biệt khác với cách đọc của chính người Hán. Các âm Hán Việt có thể nói tuyệt đại đa số dựa vào cách “phiên thiết” ghi trong TĐKH, tuy nhiên vẫn có một số nét độc đáo so với âm thanh phương Bắc.
1. Có sự phân biệt rõ ràng thanh bằng và thanh trắc, cơ sở của luật thơ, nhất là thơ Đường, đòi hỏi sự tôn trọng chặt chẽ niêm luật. Âm Việt phân biệt dễ dàng thanh bằng thanh trắc, dựa trên cách viết chữ Quốc ngữ, không dấu hay có dấu huyền là thanh bằng, các dấu còn lại là thuộc thanh trắc. Hệ thống âm thanh tiếng Trung Hoa hiện đại không cho phép đọc thuận tiện như vậy. Tỉ như âm “pào” khứ thanh, thuộc vần trắc, gồm bốn chữ, nếu đọc theo âm Việt thì sẽ có hai chữ âm “pháo” thuộc vần trắc là ( ) (to lớn) và 炮 (súng, pháo), nhưng lại có hai chữ âm “bào” thuộc vần bằng lái “泡 (bào: bọt nước) và (bào: mụn nước trên da). Hoặc âm “bao” thanh bình gồm những chữ đọc theo âm Việt: 褒 (bao, khen), 包 (bao: bọc) là hai chữ thuộc thanh bằng, nhưng có cả chữ 剝 âm Việt là “bác” (bóc, lột) tức thuộc thanh trắc (Từ điển Trung Việt, Nxb. KHXH, 1993). Do đó làm thơ Đường luật, người Trung Hoa phải tra Thi vận để biết chữ dùng thuộc thanh bằng hay thanh trắc, còn đối với người Việt thì không cần thiết.
2. Có một số chữ mà âm đọc hoàn toàn là của người Việt, khác với cách phát âm chính thức được ghi trong TĐKH. Thí dụ:
- Từ “Tự lực cánh sinh” Chữ Hán 更 (cánh) có hai cách đọc: “cánh” có nghĩa là “càng” như “cánh hảo” (càng tốt); cũng đọc là “canh” có nghĩa là sửa đổi như “canh tân” (đổi mới). Từ điển Trung văn có thành ngữ “tự lực canh sinh” (bằng sức mình thay đổi cuộc đời). Đương đại Hán Anh từ điển của Lâm Ngữ Đường) (LNĐ) và Hán ngữ từ điển (HN) ghi từ ghép “canh sinh” (geng sheng), không có từ ghép “cánh sinh” (gèng sheng). Nhưng người Việt thường nói “tự lực cánh sinh”, không nói “tự lực canh sinh”. Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê (HP) ghi “tự lực cánh sinh” và giảng: “Dựa vào sức mình để tự giải quyết những vấn đề khó khăn về đời sống, về kinh tế”. Giảng như vậy, thì đúng ra phải nói “canh sinh” hơn là “cánh sinh”.
- Có một chữ âm đọc hoàn toàn do người Việt đặt. Đó là chữ (呆). Chữ này được TĐKH giảng: đọc là “bảo”, dùng như chữ (保 ) (bảo: giữ gìn). Cũng đọc là “mỗ” là chữ cổ của “mỗ” (某) (đại từ phiếm chỉ). Và ghi rõ nay dùng như chữ (獃) “ngai” (ngu ngốc) Trung Hoa đại tự điển (ĐTĐ) cũng ghi như TĐKH. Các từ điển khác như TN, TH, TVĐTĐ đều chung quan điểm trên. Về các từ điển Hán Việt của ta, Đ DA ở vần “Ngai” ghi hai chữ (呆) và (獃) với nghĩa gần như nhau, không ghi âm “ngốc”. Từ điển Trung Việt của Văn Tân (VT) ở bộ khẩu 口 ghi chữ (呆), kèm âm “ai” của Trung văn, và âm “ngốc” của Hán Việt. TC ở chữ này cũng ghi âm “ngốc”. VNTĐ của Khai trí tiến đức (KTTĐ), ở vần “ngốc” ghi chữ Hán (呆 ) tức công nhận âm Hán Việt của chữ này. Có người cho rằng âm này xuất hiện sau khi Bảo Đại lên ngôi, bị giới trí thức Nho học dựa trên chiết tự gọi là “đại ngốc nhân” do chữ bảo (保 ) được viết với chữ (呆) “ngốc” ở bên cạnh chữ “nhân” đứng ( ). Nhưng trước đó, Đại Nam quốc âm ngự vị của Huỳnh Tịnh Của (HTC) in năm 1896, ở vần “ngốc” đã ghi chữ này, kèm ký hiệu “n” tức “coi như chữ Nôm”.
- Về chữ (未) TĐKH cho âm “vị” với hai nghĩa: là “chưa” và là “1 trong 12 chi”. Người Việt giữ âm này (vị) ở cả hai nghĩa, nhưng về nghĩa sau (1 trong 12 chi), thì thêm âm “mùi”, và âm này được thông dụng hơn. Người ta nói “năm Tân Vị” nhưng số đông gọi là năm Tân Mùi. Ca dao có câu: “Người ta tuổi Hợi tuổi Mùi, sao tôi lại chịu một đời tuổi Thân” (coi người tuổi Hợi, tuổi Mùi có số tốt hơn người tuổi Thân bị vất vả). Âm “mùi” không có trong các từ điển Trung Quốc. Từ điển ĐDA ghi âm “mùi” giảng là “vị thứ 8 trong địa chi” cũng đọc là “vị” và “mùi”. Từ điển HTC ở vần “mùi” cũng ghi chữ này với ký hiệu “c”, tức coi đây là chữ Hán. Tại sao lại thêm âm “mùi” bên cạnh âm “vị” ? Có thuyết cho rằng do TĐKH giảng “vị” (未) là (味), âm Hán Việt là “vị” (cảm giác do lưỡi nếm, hứng thú) như nói “thú vị”, “thi vị”, ta thường dịch là “mùi”. Từ điển HTC coi chữ này là chữ Nôm, đọc là “mùi”.
Trên đây là mấy trường hợp điển hình về cách đọc riêng biệt của người Việt đối với chữ Hán. Chắc còn nhiều trường hợp khác, vì từ điển Trung Việt cho thấy, cùng một âm Trung văn, có rất nhiều chữ với âm đọc Hán Việt khác nhau.
Có thể nói rằng người Việt đã coi chữ Hán như chữ của mình, “chữ ta” như tên thường gọi trước đây, nên sử dụng đôi khi khá tuỳ tiện, bất chấp những quy định của những từ thư, từ điển Trung văn (trường hợp chữ “việt”, chữ “cạnh” nói trên). Điều này thấy rất rõ trong cấu tạo chữ Nôm. Ta viết chữ “nói” (吶 ) với chữ khẩu (口 ) bên chữ “nội” (內) mặc dầu đây là chữ Hán âm “nột” với nghĩa “nói chậm”, “nói ấp úng”; viết chữ “tươi” (鮮) cho dù đây là chữ Hán (âm “tiên”, nghĩa là “cá tươi, tươi”); viết chữ “thuở” (課) với chữ Hán vẫn được đọc là “khóa” (thi hạch, thuế), đó là những chữ Hán, ngoài âm Hán Việt, còn được thêm âm chữ Nôm. Trong cuốn Bảng tra chữ Nôm của Viện Ngôn ngữ học (Nxb. KHXH, 1976) ghi khá nhiều chữ coi như thuần Nôm, nhưng lại là chữ Hán có mặt trong TĐKH như “ghế” (椅), “toét” (茋) (toét mắt), “noi” (珁) (noi theo).
IV. Những chữ Hán được Việt hóa về mặt ngữ nghĩa.
Chúng ta không nói tới những từ chữ Hán trong một số bài thơ của Nguyễn Khuyến mà người Trung Hoa dù rất thông thạo cổ văn cũng không hiểu nổi, những “thiền sư” để chỉ thầy đồ ve gái (thiền: con ve sầu), “hòa cước” (“chân lúa” chỉ “chân ruộng lúa” tức độ phì nhiêu của ruộng), “đẩu niên” (“tuổi đấu”, tức dung lượng của đấu, tính bằng bát, mỗi bát là một tuổi)(1).
- Đầu tiên, có những từ Hán đã được dùng không đúng ý nghĩa thật chuẩn xác của nó: như từ “băng hà”, thường được dùng để chỉ cái chết của vua chúa.
Trạng chết chúa cũng băng hà,
Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn.
( Trạng Quỳnh, Nxb. Văn học, Nxb. Thanh Hóa 1987, tr.164).
Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê giảng: “chết” (nói về vua chúa). Nhưng từ vựng Hán ngữ không có từ “băng hà”. Để chỉ vua chết, chỉ có từ đơn “băng” (崩) và từ ghép “thăng hà” (升遐) (xem các từ điển Trung Quốc và VNTĐ của hội KTTĐ). Người Việt đã ghép “băng” với “thăng hà” thành “băng hà”.
- Từ “ưu ái”: từ này được giảng trong VNTĐ của hội KTTĐ: “do chữ ưu quân ái quốc nói tắt. Lo cho vua, thương cho nước”. Chưa rõ lấy thành ngữ này ở sách nào. TVĐTĐ Đài Bắc ở từ “ưu quốc” dẫn câu trong Chiến quốc sách (Tề sách): “Quả nhân ưu quốc ái nhân, cố nguyện đắc sĩ dĩ trị chi” (quả nhân lo việc nước, yêu dân, nên muốn được kẻ sĩ để trị nước). Nói gọn “ưu ái” hay “ái ưu” đều hàm nghĩa cả bốn chữ: “ưu quân ái quốc” hay “ưu quốc ái dân”. Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu thơ:
Ái ưu vằng vặc trăng in nước,
Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa.
Chỉ cách đây ít năm, từ này không còn có nghĩa “lo việc nước, thương dân” hay “lo việc vua, yêu nước”, như trong từ “ái ưu” của câu thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm; và được dùng với ý nghĩa thương yêu và lo lắng cho đối với mọi đối tượng (xem Từ điển HP).
- Từ “thế chấp” (替執) VNTĐ của KTTĐ giảng “gán nợ” kèm thí dụ: “thế chấp tài sản để lấy tiền trả nợ”. Từ này có lẽ nay ít dùng, nên Từ điển HP không ghi. Từ điển HTC không có từ “thế chấp”, nhưng đã ghi sau từ “thế”: “Thế nhà đất: cầm nhà đi mà vay nợ. Nghĩa này của chữ “thế” (替) là của riêng người Việt, các từ điển Trung Hoa chỉ ghi nghĩa “bỏ đi”, “thay thế”. Còn chấp (執) Hán tự chỉ có nghĩa là “cầm giữ trong tay” không có nghĩa của từ “cầm” thuần Việt, “trao của cho người khác làm tin để vay tiền”. Như vậy có thể nói “thế chấp” gồm một từ thuần Việt “thế” có nghĩa “cầm cố” để thành từ ghép “thế chấp” với nghĩa được định trong Từ điển KTTĐ vừa nói ở trên.
- Từ “phương du”, từ này thấy trong Từ điển KTTĐ chua chữ Hán (方 ) với nghĩa “màn che dùng trong đám ma để che cho con cháu tang chủ”. Từ điển Trung Quốc không có chữ “du” () viết với chữ “do” (由) là “bởi đó”, bên chữ “cân” (巾) là “khăn”, chỉ có chữ “du” () ở bộ “phiến” (片) với nghĩa “ván ngăn để đáp tường” (từ điển TC). Ban biên tập từ điển KTTĐ gồm nhiều nhà nho có tiếng đương thời như Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, nên chắc chữ này cũng đã quá thông dụng và là một chữ Hán do người Việt đặt ra.
- Từ “phỏng nghĩ” (放 擬). Trong thư cuối năm 1859 của Tự Đức gửi Napoléon III, Hoàng đế nước Pháp (bản dịch đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 4-1995), nguyên văn có câu “Gia Ô nhị súy phỏng nghĩ”, có nghĩa “việc phỏng nghĩ (Tạp chí Hán Nôm in lầm là “không nghỉ”) của hai chánh súy Gia và Ô”. “Phỏng” chữ Hán chỉ có nghĩa là “bắt chước”. Còn “phỏng” tiếng thuần Việt, có nghĩa là “ước chừng” (Từ điển KTTĐ) hay “ước lượng trên đại thể” (Từ điển HP). ở đây phải hiểu theo nghĩa thuần Việt của chữ “phỏng” (nghĩa này không có trong chữ Hán), nên “phỏng nghĩ” không có nghĩa là “bắt chước nghĩ”, mà là “nghĩ phỏng chừng”, “dự kiến”.
Trên đây là những từ ghép thường được gọi là những từ Hán Việt, gồm hai hay nhiều từ đơn đều là Hán tự (hay tưởng như là Hán tự, như “thế” trong “thế chấp”, “phỏng” trong “phỏng nghĩ” nói ở trên, thực ra đó là những từ thuần Việt. Ngoài ra còn có những trường hợp từ ghép gồm một Hán tự, đi cùng với một hay hai từ thuần Việt, trên nguyên tắc không thể đi liền với nhau, nhưng vẫn được chấp nhận trên thực tế. ở những trường hợp này, người Việt đã coi một số Hán tự như những từ thuần Việt, nên mới có sự ghép từ như vậy.
Như từ “bỗng nhiên” gồm một từ Việt “bỗng” và một từ Hán “nhiên” (có nghĩa như thế, như vậy). Từ ghép này trước đây chưa có, vì đã có những từ thuần Việt như “bỗng chốc”, “bỗng dưng”, “bỗng đâu”... hoặc từ thuần Hán như “đột nhiên”. Từ điển KTTĐ (1931) chỉ ghi những từ “bỗng dưng”, “bỗng đâu”, “bỗng không”, không có “bỗng nhiên”. Nhưng từ điển Thanh Nghị năm 1951 đã ghi từ này, và nó liên tiếp có mặt trong từ điển HP (1988, 1992).
Một trường hợp tương tự là từ “bất” (có nghĩa là “chẳng”) được ghép với nhiều từ thuần Việt, như “bất cần” (không cần), “bất tỉnh” (không tỉnh, bị lên cơn mê sảng). Lại có thành ngữ “bất tỉnh nhân sự”, được ghi trong từ điển Trung Quốc với 2 nghĩa: “không rõ việc đời” và “hôn mê, mất tri giác” (TVĐTĐ). Từ điển HTC còn ghi cả hai nghĩa này. Nhưng hiện nay chỉ có nghĩa thứ hai như ta thấy trong Từ điển HP. Lại có trường hợp khá đặc biệt: “bất” không còn nghĩa chính của nó là “không, chẳng”, như ở từ ghép “bất chợt”, “bất thình lình”, “bất” không có nghĩa phủ định, mà trái lại, có tác dụng nhấn mạnh thêm về ý nghĩa.
Từ “ca thán”: đã có một thời nhiều người phê phán việc dùng từ này, coi như phải nói là “ta thán” mới đúng. VNTĐ của KTTĐ, Từ điển Thanh Nghị không ghi từ “ca thán”. Nhưng nó đã có mặt trong từ điển HP. Thực ra quần chúng nói “ca thán” nhiều hơn là “ta thán” và thiết nghĩ không sai. Đây chỉ là trường hợp ghép một từ thuần Việt “ca” trong “kêu ca” (có nghĩa là phàn nàn, tỏ ý không ưng) với từ Hán “thán” (than thở). Đây là cách ghép từ khá phổ biến trong tiếng Việt hiện đại, coi một số từ Hán như từ Việt, có thể đi với nhau thành từ ghép, như từ “khác biệt”, “in ấn”. Gần đây báo chí và đài phát thanh nói tới “tái lấn chiếm vỉa hè” (không nói lấn chiếm lại), coi “lấn chiếm” như một từ Hán có thể đi với “tái” như “tái tạo”, “tái sản xuất”.
V. Chữ Hán của người Việt và cuốn Từ điển Hán Việt theo đúng ghĩa của nó.
Theo sử, trong thời Bắc thuộc, việc học chữ Hán đã có từ sớm. Thời Hán Linh Đế (168-189) đã có người Giao Chỉ đỗ Mậu tài, Hiếu liêm (tương đương với Tú tài, Cử nhân sau này), và đến thời Sĩ Nhiếp (được cử làm Thái thú vào đầu thế kỷ thứ 2), việc học càng được phát triển mạnh. Nhà sử học Ngô sĩ Liên cho rằng nước ta “thông Thi, Thư; tập Lễ, Nhạc, thành một nước văn hiến” bắt đầu từ thời kỳ này. Sau khi giành lại quyền độc lập, dân Việt đã dùng chữ Hán như một văn tự chính thức, với một hệ thống phát âm được ghi trong các từ điển chính quy phương Bắc, một phần được Việt hóa do ảnh hưởng của ngữ âm bản địa, cũng như trường hợp những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa cổ như Nhật Bản và Triều Tiên. Qua suốt nhiều thế kỷ, dân Việt đã coi chữ Hán như chữ chính của mình. Chính chữ Hán đã được dùng để tuyên cáo và xác nhận quyền độc lập dân tộc trong bài thơ mà Lý Thường Kiệt cho ngâm bên sông Như Nguyệt và trong bài Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi.
Nếu trí nhớ của người viết bài này không lầm, có lần Phan Khôi trên báo Phụ nữ tân văn có nhắc tới câu của một nhà văn Trung Quốc (có phải Lương Khải Siêu?) chê lời văn chữ Hán của mấy nhà nho nổi tiếng của ta thời đó như Phan Bội Châu là “chưa thuần”, tức chưa thật đúng văn phạm Hán ngữ. Điều này nếu đúng thực thì, thiết nghĩ cũng không có gì là khó hiểu. Thứ nhất, văn phạm Hán tự, không như nhiều ngôn ngữ phương Tây, từ trước vẫn không có gì thật chuẩn xác, nhất là với quan niệm được ghi trong sách Mạnh Tử (Thiên Vạn chương) “không vì chữ được dùng mà hại tới lời, không vì lời mà tổn hại chí người làm thơ (chỉ tác giả nói chung), phải lấy ý mình mà suy đón cái chí người đó, như thế mới được” (bất dĩ văn hại từ, bất dĩ từ hại chí, dĩ ý nghịch chí, thị vi đắc chi). Hoặc với quan niệm của Đào Tiềm “đọc sách không cầu hiểu thật tường tận” (tức chỉ chú ý đến sự ứng dụng cho chính mình, có thể không hẳn đúng với ý của sách) (Nguyên văn: “độc thư bất cầu thậm giải” - Ngũ Liễu Tiên sinh truyện). Vả chăng thời trước cũng chưa có những sách chuyên đề về văn phạm ngữ pháp để có những tiêu chí xét đoán trong địa hạt này.
Dù sao vẫn có thể khẳng định có một hệ thống chữ Hán của riêng người Việt, với cách phát âm riêng biệt đối với toàn bộ từ vựng Hán ngữ, và với cách viết, cách định nghĩa đối với một số chữ và từ, như cách viết chữ “việt”, chữ “cạnh”, cách hiểu những từ “băng hà”, “thế chấp”... vừa nói ở trên. Thiết nghĩ chúng ta cần có một cuốn từ điển thực sự là “từ điển Hán Việt”, có phần quan trọng ghi lại “chữ Hán của người Việt”, ngoài việc ghi âm và nghĩa như các từ điển Hán Việt hiện có, còn thêm cả những lối viết chữ, cách đọc và định nghĩa của riêng người Việt, như đã trình bày. Hơn thế nữa, nó còn bao gồm cả các từ ghép và thành ngữ có trong các văn bản Hán Nôm của dân Việt. Chúng ta đã có những bản chú thích khá đầy đủ các tác phẩm Hán và Nôm, những từ ngữ (và điển tích trong đó) sẽ là những từ điều và thí dụ trong cuốn từ điển Hán Việt mới. Và nhất là sẽ có mặt cả những từ ngữ không thấy ở các từ điển Trung văn, mà số lượng những từ điều này không phải là nhỏ. Đơn cử bài thơ nổi tiếng Nam quốc sơn hà do Lý Thường Kiệt cho đọc bên sông Như Nguyệt, chỉ trong bốn câu mà đã có ba từ ghép là “tiệt nhiên”, “nghịch lỗ”, “bại hư” không thấy trong các từ điển thường dùng Trung Quốc như Từ nguyên, Từ hải. Cuốn từ điển Hán Việt mới sẽ ghi các từ ghép trên, cùng những từ khác như “Nam quốc”, “sơn hà”... kèm thí dụ lấy ở văn bản người Việt, và cả ở văn bản Trung Quốc nếu thấy cần (sẽ có ghi dấu hoa thị ở những từ điều coi như của riêng người Việt).
Ngoài ra, về mặt ghi âm đọc ở cuốn từ điển mới, chúng tôi thiết nghĩ:
- Sẽ ghi những âm đọc riêng của người Việt, như ở chữ “cạnh”, chữ “ngốc” nói trên.
- Đối với một số chữ Hán hiện được phiên âm khác nhau trên các từ điển của ta cần tiêu chuẩn hóa để thống nhất cách đọc, giúp cho việc xác định mặt chữ ở những văn bản phiên âm không có điều kiện kèm theo chữ Hán, có thể chua kèm thứ tự của chữ đồng âm được ghi ở cuốn từ điển này, giúp cho người đọc có thể xác định được chữ cần biết.
Một cuốn từ điển như vậy đòi hỏi công sức đầu tư không nhỏ.
Về việc ghi âm đọc, tuy chỉ có một số chữ có âm đọc chưa thống nhất, vẫn cần có một ban chuyên trách tiến hành việc tiêu chuẩn hóa.
Về việc thu thập các từ điều, cách giải thích, tìm thí dụ rút ra từ các văn bản Hán Nôm, việc làm phức tạp hơn nhiều. Cần rà soát lập phiếu cho hàng vạn từ điều, trên cơ sở đó, tiến hành dịch nghĩa và chọn thí dụ thích đáng. Thiết nghĩ nên phân loại các văn bản, chọn một số tiêu biểu nhất coi như thuộc loại A, để tiến hành rà soát và lập phiếu có phương pháp và triệt để. Trên cơ sở đó, có thể có một cuốn được công bố để phục vụ kịp thời và lấy ý kiến độc giả, trong khi vẫn tiến hành rà soát lấy tư liệu ở các văn bản thuộc loại B, loại C v.v... để sách này thêm hoàn chỉnh.
Theo thiển kiến, một công trình như vậy không thể thiếu sự chủ trì và lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong việc biên soạn. Đây sẽ là một đóng góp đáng kể trong việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của một dân tộc vẫn tự hào có một nền văn hiến lâu đời.
V.T.S
CHÚ THÍCH
(1) Xem bài Về những bài thơ Hán Nôm tự dịch của Nguyễn Khuyến, Tạp chí Hán Nôm số 2 - 1990.
* Trong bài này có dùng một số chữ viết tắt sau đây.
1 . Từ điển Tiếng Việt:

HTC: Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của - Sai Gon, 1896
KTTĐ: Việt Nam từ điển - Hội khai trí tiến đức - Hà Nội, 1931.
ĐDA: Hán Việt từ điển - Đào Duy Anh - Hà Nội, 1931.
TC: Hán Việt từ điển - Thiều Chửu. Sai Gon, 1966 (in lần 2).
TNg: Việt Nam tân từ điển - Thanh Nghị - Sai Gon, 1931.
HP: Từ điển Tiếng Việt - Hoàng Phê chủ biên - Hà Nội, 1992.

2. Từ điển chữ Hán:

TĐKH: Khang Hy từ điển, Tựa của Khang Hy, 1716.
TN: Từ nguyên - 1967.
TH: Từ hải - 1967.
ĐTĐ: Trung Hoa đại từ điển - Trung Hoa thư cục, 1951.
HN: Hán ngữ từ điển - Tân Hoa thư cục, 1957.
VVN: Vương Vân Ngũ Tứ giác đại từ điển - Thương Vụ ấn quán, 1930.
TVĐTĐ: Trung văn Đại từ điển, Đài Bắc, 1962-1968.

Văn miếu 文庙 = The Temple of Literature? (bổn cũ đê!!) - Nguyễn Tuấn Cường

Văn miếu 文庙 = The Temple of Literature? (bổn cũ đê!!)




PHIẾM ĐÀM CHUYỆN

DỊCH CHỮ VĂN MIẾU RA TIẾNG TÂY


Tương Quân


Văn miếu – Quốc tử giám Hà Nội là cái tên đã gắn liền với những chứng tích lịch sử văn hoá và giáo dục truyền thống của Việt Nam thời trung đại. Từ khi nhà Lí dựng Văn miếu (1070) thờ Khổng tử và xây Quốc tử giám (1076) để tuyên truyền và thực thi giáo dục Nho học, cho đến ngày 15/5/1919 khi khoa thi Hội cuối cùng của Việt Nam được tổ chức tại Huế, thì Văn miếu – Quốc tử giám Hà Nội (dù trong đời Nguyễn, Văn miếu được dời theo kinh đô vào Huế, và đổi tên thành Văn Thánh miếu) đã trở thành một “thánh địa” đích thực của sĩ phu Nho học Đại Việt. Hãy cứ đọc nội dung những câu đối, đại tự, hoành phi, văn bia… trong khu di tích này, ta cũng đủ biết “thánh địa” ấy thiêng liêng như thế nào. Xin hãy xem câu đối ở Tả bi đình (dù hiện nay nó bị đắp ngược hai chữ ngoại vọng 外望 thành vọng ngoại 望外 (hic!); còn câu đối ở Hữu bi đình thì bố trí lộn vị trí hai vế (re-hic!)):

科甲中来名不朽,
宫墙外望道弥尊。 
Khoa giáp trung lai danh bất hủ,
Cung tường ngoại vọng đạo di tôn.
  

(Những người xuất thân trong hàng khoa giáp đỗ đạt thì danh tiếng mãi không nát. Từ ngoài nhà học ngóng vào bên trong, thấy đạo của Khổng tử càng cao vợi)

Nếu muốn trang bị một tri thức tối thiếu về Văn miếu, thì có lẽ điều đầu tiên ta cần biết là ý nghĩa của tên gọi này. Có gì đâu: văn 文 là văn chương, văn học; miếu 庙 là nơi thờ cúng, đền thờ; vậy Văn miếu 文庙 nghĩa là miếu thờ văn chương (hay văn học)! Cứ luận thế đương nhiên sẽ dẫn ta đến việc dịch hai chữ Văn miếu sang tiếng Tây là The Temple of Literature (Anh) và le Temple de la Littérature (Pháp), y chang cách dịch trong tấm biển đồng lược giới về Văn miếu –Quốc tử giám Hà Nội hiện chôn ngay trước cổng khu di tích, cũng như trong nhiều sách vở tài liệu giới thiệu cho du khách nước ngoài về khu di tích lịch sử văn hoá này (xem ảnh).

Cách dịch trên thật đơn giản, dễ hiểu, dễ giải thích. Chỉ có điều là sai!

Sai thế nào? Trước hết xin điểm dịch một số tư liệu sách vở đáng tin cậy của Trung Quốc, dẫn dụng các mục từ liên quan đến hai chữ Văn miếu 文庙. Để giản tiện, xin lược đi phần phiên âm Hán Việt.

Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 1997) thu thập 11 nghĩa của chữ miếu 庙, trong đó nghĩa đầu tiên cũng là nghĩa mà chúng ta đang bàn tới: “Cái nhà thời xưa dùng để thờ cúng thần vị tổ tiên (tập thượng, tr. 1982). “Văn miếu: Miếu thờ Khổng tử. Triều Đường phong Khổng tử làm Văn Tuyên Vương, gọi miếu thờ ông là Văn Tuyên Vương miếu 文宣王庙. Từ đời Nguyên – Minh về sau gọi tắt là Văn miếu 文庙” (tập trung, tr. 4034).

Hán - Anh đại từ điển (Chinese – English Dictionary) (Ngô Quang Hoa chủ biên, Thượng Hải Giao thông đại học xuất bản xã, 1999, tập I, tr. 1771) cắt nghĩa chữ miếu bằng tiếng Trung Quốc là “Nơi khi xưa dùng để thờ cúng thần vị tổ tông, hoặc thần phật, danh nhân lịch sử”; và dịch ra tiếng Anh là “temple; shrine; joss house”. Ngay tại mục từ này cũng giải nghĩa: “Khổng miếu: a temple to Confucius” (Khổng miếu: miếu thờ Khổng tử).

Từ nguyên (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1998, tr. 737) ghi: “Văn miếu: miếu thờ Khổng tử. Đời Đường, niên hiệu Khai Nguyên, năm thứ hai mươi bảy [739] phong Khổng tử làm Văn Tuyên Vương, gọi Khổng miếu孔庙 là Văn Tuyên Vương miếu. […] Từ đời Nguyên – Minh về sau thường gọi là Văn miếu”.

Từ hải (Hạ Chính Nông chủ biên, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1989, tr. 1732) ghi: “Văn miếu: Tên gọi khác của Khổng miếu. Thời Đường Huyền Tông, năm Khai Nguyên thứ hai mươi bảy (Công Nguyên 739) phong Khổng tử làm Văn Tuyên Vương, nhân đó gọi Khổng miếu là Văn Tuyên Vương miếu, từ đời Minh về sau gọi Khổng miếu là Văn miếu để đối ứng vớiVũ miếu (miếu thờ Quan Vũ, Nhạc Phi)” (hết trích). Ta biết rằng thời Minh – Thanh gọi miếu thờ Quan Vũ là Vũ miếu 武庙 (hai chữ  viết mặt chữ Hán khác nhau,  羽 trong Quan Vũ 关羽 nghĩa là cái lông, Vũ 武 trong Vũ miếu武庙 nghĩa là võ nghệ), đến thời Dân Quốc phối thờ Quan Vũ và Nhạc Phi chung một miếu, vẫn gọi là Vũ miếu.

Nhân đây thiết tưởng cũng nên giãi bày thêm đôi điều sở đắc, một về “chữ” Confucius, một về “nghĩa” của chữ văn 文.

Thứ nhất là chữ Tây Confucius, chữ này vốn xuất phát từ âm đọc ba chữ Hán “Khổng phu tử” 孔夫子 (Thầy Khổng), âm tiếng phổ thông hiện đại ngày nay đọc là /Kongfuzi/ ghi theo lối pinyin (cách chú âm chữ Hán bằng mẫu tự Latin, được chính thức sử dụng từ năm 1958 tại Trung Quốc, ở đây không ghi thanh điệu), ta đọc na ná như “k’ủng-phu-chử” trong tiếng Việt (với âm /k’/ bật hơi). Người phương Tây do không thể có hệ thống ngữ âm tương ứng tuyệt đối để biểu đạt ba âm tiết ấy, nên họ đã “Tây hoá” nó qua cách ghi “Con – fu - cius” (như trong Anh ngữ), nghĩa là Khổng tử 孔子. Rồi từ đó, căn cứ theo các phương thức tạo từ mới, một loạt từ phái sinh đã xuất hiện: Confucianism (Nho giáo, Khổng học, Khổng giáo, đạo Khổng, đạo Nho);Confucian hoặc Confucianist (Nho gia, nhà Nho, người theo đạo Khổng; thuộc về đạo Khổng/Nho); Neo-confucianism: tân Khổng giáo, tân Nho giáo. Tiếng Pháp cũng có những từ tương ứng: Confucius, Confucianisme, ConfucianisteNéoconfucianisme.

Thứ hai là hàm nghĩa của chữ Văn 文 trong Văn Tuyên Vương 文宣王. Khổng tử được triều Đường phong là Văn Tuyên Vương = Người có tước Vương, có công tuyên truyền cái văn. Vậy Văn có phải là Literature Littérature như cách dịch tên gọi Văn miếu đang dùng ở ta? Xin thưa: không! Chữ Văn này có nội hàm rất rộng, bắt nguồn từ một ý trong sáchLuận ngữ, thiên Tử hãn: “Khổng tử bị người đất Khuông làm cho sợ hãi. Ngài nói: Văn vương đã mất, cái “văn” này chẳng phải ở trong ta hay sao? Nếu trời định làm mất cái “văn” ấy thì kẻ chết sau này không được dự vào cái “văn” ấy. Nếu trời chưa định làm mất nó thì người Khuông phỏng có làm gì nổi ta?”. Chữ “văn” 文 trong đoạn trên trỏ toàn bộ “lễ nhạc giáo hoá, điển chương chế độ (Hán ngữ đại từ điển, đã dẫn, tập trung, tr. 3832), tức tất thảy những hiến chương pháp độ được sử dụng để cai trị xã hội, vậy thì nội hàm của chữ Văn này rộng hơn hẳn so với các từ Literature và Littérature trong tiếng Anh và tiếng Pháp vốn chỉ mang những nghĩa hẹp hơn: văn chương, văn học, văn giới, tư liệu (tham khảo), ấn phẩm, nhạc tập, học vấn… (Literature  Littérature đều bắt nguồn từ litera tiếng Latin, nghĩa gốc là văn tự – xem Webster’s New Dictionary, Promotional Sales Books, USA, 1994, tr. 228). Sau khi Chu công Đán mất, Khổng tử được coi là người truyền bá cái Văn ấy, nên ông được Đường Huyền Tông phong làm “Văn Tuyên Vương”. Điều này cũng minh chứng rằng giả như theo lối “trực dịch” (word by word, mot à mot) mà dịch Văn miếu thành The Temple of Literature và le Temple de la Littérature thì vô hình trung đã thu hẹp nội hàm vốn rất rộng của khái niệm Văn như vừa nói. Ngay tại Đại Bái đườngtrong Văn miếu Hà Nội hiện vẫn còn treo bức hoành phi đề ba chữ “Phúc tư văn” (cái “văn” này phúc thay!).

Đến đây có thể thấy:

1. Miếu 庙 là nơi/nhà thờ cúng thần vị tổ tông, hoặc thần phật, hay danh nhân lịch sử. Khổng tử là một “thánh nhân” (theo lối gọi của nhà Nho truyền thống), một danh nhân lịch sử, một nhân vật tối quan trọng đối với văn hoá truyền thống Trung Hoa,thậm chí cả với các nước khu vực “đồng văn”, vì vậy ông hoàn toàn xứng đáng được đưa vào thờ phụng trong miếu nhằm biểu chương cái đạo của “thánh nhân”.

2. Năm Khai Nguyên thứ hai mươi bảy đời Đường Minh Hoàng (739), Khổng tử được phong là Văn Tuyên Vương, nên miếu thờ ông cũng gọi làVăn Tuyên Vương miếu 文宣王庙. Đến khoảng thời Nguyên - Minh, vừa để gọi tắt, vừa để đối trọng với Vũ miếu (Văn - Vũ), nên Văn Tuyên Vương miếuđược gọi tắt là Văn miếu 文庙.

Như vậy, hai chữ Văn miếu ở dạng đầy đủ phải là Văn Tuyên Vương miếu (Miếu thờ ông tước Vương, có công tuyên truyền cái “văn” – tức Khổng tử), đây là những tên gọi khác của Khổng miếu 孔庙 (miếu thờ Khổng tử). Nếu buộc phải dịch tên gọi Văn miếu thì thiết tưởng nên dùng chữ AnhTemple of Confucius, hoặc “Confucius temple” (Hán - Anh đại từ điển, đã dẫn, tr. 2671, in nhầm là Confucious temple), hay tiếng Pháp là Temple de Confucius, giống như cách hiểu và dịch hai chữ Khổng miếu. Hiện ở Đài Loan cũng dùng tên gọi Khổng miếu, hẳn là để tránh việc hiểu nhầm khái niệm (Văn) như ở ta.

Văn miếu Hà Nội là một sản phẩm văn hoá của Việt Nam, mặc dù ai cũng biết tới cái nguồn gốc ngoại lai của nó. Tuy nhiên, như có người đã nói,Văn miếu của ta cho dù không thể không phỏng theo Trung Quốc, nhưng sự khác biệt giữa hai Văn miếu là rất lớn: Văn miếu của ta không chỉ là một nhà quốc tế, mà còn là một nhà quốc học khi chưa lập Quốc tử giám; bố cục kiến trúc có nét riêng Đại Việt chứ không hoàn toàn rập khuôn theo Tàu… (cụ thể xin xem: Đỗ Văn Ninh, Văn bia Quốc tử giám Hà Nội, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2000, tr.32 - 33). Đã là một sản phẩm văn hoá của dân tộc thì trộm nghĩ, ta nên giữ tên gọi Văn miếu (Van mieu), không nhất thiết cứ hễ thấy bằng tiếng Việt là nhăm nhe dịch sang tiếng này tiếng nọ, hoặc giả chỉ nên đóng mở ngoặc đơn mà cắt nghĩa bằng ngoại văn ở lần đầu xuất hiện khái niệm mà thôi, còn ông Tây bà đầm nào có nhã hứng tìm tòi thêm thì khắc tự mày mò. Kinh nghiệm cho thấy, nếu không giữ tên gọi Ao dai, mà cứ hăm hở dịch thành Vietnamese (long) dress hay gì gì đi nữa, thì cái áo dài truyền thống của các bà các chị nhà ta hẳn đến bây giờ vẫn còn nằm ngoài vùng hiểu biết của tứ hải huynh đệ.

Nếu không sai, thì việc gì mà phải sửa! Nếu sửa mà tốt hơn thì mất gì mà không làm! Nhưng biết và nhận là mình sai lại không đơn giản chút nào! Còn sửa thì dễ thôi, chẳng tốn kém là bao!


Hà Nội, ngày 22/9/2005

Tương Quân




(Phụ chú: bài đã đăng trên Tạp Chí Tia Sáng, số 14/2005 (ra ngày 20/10/2005), trang 5 – 7 với nhan đề Dịch hai chữ Văn Miếu ra tiếng Tây; có phần Đính chính tại số 15/2005 (ra ngày 5/11/2005), trang 5. Ban biên tập Tia sáng đã đổi nhan đề bài viết và cắt bớt một số phần bài viết. Đây là nguyên văn bài viết của tác giả, có bổ sung chữ Hán.)