Wednesday, 11 April 2012

CHỮ "CHỚ" TRONG QUỐC ÂM THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI - Cao Hữu Lạng

Trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi có khoảng 20 chữ "chớ" mang mã 渚(1). Chữ "chớ" này, nghĩa thông thường là đừng. Như ở các câu: "Chớ cậy sang mà ép nề" (44.1) "Bầu bạn cùng ta nghĩa chớ vong" (178.3) thì giảng là "đừng" là thoả đáng. Song ở một vài bài khác, nếu cũng giảng chữ "chớ" theo nghĩa đó thì hình như không thông. Như câu "Dứt vàng chăng chớ câu Hy Dịch", chữ "chớ ở đây nếu hiểu là đừng thì câu thơ không có nghĩa.
Để tiện trình bày, xin được dẫn bài thơ ra đây:

Bầu bạn cùng ta nghĩa chớ vong.
Người kia phú quí nỡ quên lòng
Dứt vàng chăng chớ câu Hy Dịch
Khinh bạc màng ngâm thơ Cốc Phong.
Quân tử nước giao âu những lạt
Hiền nhan rượu thét họ là nồng
Một phen bạn đến còn đằm thắm.
Hai bữa mừng nhau một mặt không.
Đây là bài thứ 51 trong mục Bảo kính cảnh giới.
Bài thơ là những lời khuyên về tình bạn. Câu đầu, tác giả nêu lên đạo lý của tình bạn, nghĩa tương tự như câu chữ Hán "Bầu tiện chi giao bất khả vong". Thừa tiếp ý trên, câu 2, chê những kẻ khi giầu sang đã nỡ quên tình bạn. Câu 3, mượn câu Kinh dịch "nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim), nghĩa là: hai người đồng lòng, có sự sắc bén chặt được vàng, ý khuyên người ta phải biết kết bạn để làm những việc lớn. Xét về cấu trúc ngữ pháp thì chữ "chớ" ở câu này phải mang chức năng động từ, và có nghĩa là "trái" (đạo). Nghĩa câu thơ là: Chẳng (đừng) trái câu "dứt vàng" (đoạn kim) trong Hy Dịch. Như thế mới hợp với nghĩa câu sau: Đừng mong ngâm thơ khinh bạch trong Cốc Phong (khinh bạc màng ngâm thơ Cốc Phong)(2).
Cũng như thế, câu 7 trong bài Giới Sắc (Phu phụ đạo thường chăng được chớ" (190.7), chữ "chớ" này cũng phải hiểu là "trái". Toàn câu thơ có nghĩa là: "Không được trái đạo vợ chồng". Hiểu như thế câu thơ mới có nghĩa và mới liền mạch với câu thơ sau: "Bối tông hoạ phải một đôi khi".
Trường hợp nữa là "chớ" trong câu:
Cơm kẻ bất nhân ăn ấy chớ
Áo người vô nghĩa mặc chẳng thà...(3)
(Trần Tình, bài thứ 3)
Chữ "chớ" này cũng nên hiểu nghĩa là "trái" (đạo). Cả câu nghĩa là: "Ăn cơm của kẻ bất nhân là trái (đạo)" (chữ "ấy" có nghĩa như chữ "là"). Hiểu như vậy, vẫn bảo đảm được tinh thần bài thơ và giữ được vẻ trang nhã của câu thơ.
Thơ Nguyễn Trãi cổ điển, tinh nghiêm, từ ngữ bình dị nhưng chính xác, tập trung phục vụ cho chủ đề. Thơ Ông, chữ Hán cũng như Quốc âm, là những tứ cao diệu, tần, kỳ. Có điều thơ Quốc âm của Ông đến với chúng ta ngày nay qua một khoảng thời gian khá dài, nhiều từ ngữ đã mất đi lâu rồi mà các từ thư, từ điển không còn ghi lại được.
Việc tìm ra nghĩa của những từ cổ như chữ "chớ" sẽ làm giàu cho kho kiến thức từ ngữ Việt cổ, và giúp cho hiểu được những áng văn thơ cổ phong phú và chính xác.
CHÚ THÍCH
(1) Theo bản in Phúc Khê, năm 1868.
(2) Cốc phong: một thiên trong Kinh Thi, đại ý chê người đàn ông phụ bạc, có mới nới cũ.
(3) Câu sau: “áo người vô nghĩa mặc chẳng thà”, chẳng thà ở đây tương đương với nghĩa chẳng thèm
(4) Bài viết có tham khảo ý kiến cụ Nguyễn Si Lâm, xin ghi lời cảm ơn.

2 comments:

  1. Văn chương chữ nghĩa thì chỉ "có mấy chữ lẻ". Vậy mà lúc nào đọc về Nguyễn Trãi cũng cảm động. Ai viết về Nguyễn Trãi mình cũng quí người ấy luôn. Ai quí Nguyễn Trãi, mình cũng thích người ấy dù chưa biết họ là ai.

    ReplyDelete