Saturday 28 April 2012

Bàn về khái niệm từ Việt cổ (Nguyễn Đông Hưng)

Chữ Nôm là một sáng tạo độc đáo của dân tộc ta được chế tác trên chất liệu chữ Hán. Cứ liệu lịch sử cho thấy, những chữ Nôm đầu tiên chủ yếu được dùng để ghi tên người tên đất trong các bi kí, mộ chí, gia phả,... Sau đó, khi đã phát triển đến một mức độ tương đối hoàn thiện thì chữ Nôm được dùng để sáng tác văn học, ghi chép văn hóa dân gian, diễn âm các tác phẩm chữ Hán. Rõ ràng, chữ Nôm ra đời đáp ứng nhu cầu rất lớn của dân tộc ta về nhiều phương diện như ghi chép, giao tiếp, biểu đạt thái độ, tư tưởng, tình cảm,… Ngày nay, tuy chữ Nôm không còn được sử dụng rộng rãi như trước, nhưng vẫn không thể phủ nhận vai trò của nó, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân tộc. Vì thế, trước nay đã có nhiều công trình nghiên cứu có tính chuyên sâu về chữ Nôm, trong đó, quyển Lí thuyết chữ Nôm văn Nôm(1) là một trong những công trình được xem là tương đối hoàn chỉnh, có hệ thống, đồng thời cũng có ý nghĩa(2) và giá trị rất cao!

Đương nhiên, bên cạnh giá trị và đóng góp, công trình nghiên cứu nào cũng có thể mắc một vài khuyết điểm cần sự bổ sung, sửa chữa của nhiều người. Lí thuyết chữ Nôm văn Nômcũng vậy, những ai đọc qua quyển sách ấy sẽ dễ dàng nhận thấy giá trị và đóng góp to lớn của nó, còn ở đây, chúng tôi với tư cách là độc giả tâm đắc của quyển sách, cũng là người có chút tâm đắc với thứ văn tự xa xưa của dân tộc, xin mạn phép trình bày đôi điều chưa thỏa đáng (theo chúng tôi) trong sách.
Những điều chúng tôi trình bày dưới đây xuất phát từ mục Các từ Việt cổ trong văn thơ Nômbắt đầu từ trang 348.
Trước tiên, xin xác định khái niệm từ cổ trong tiếng Việt và từ Việt cổ.
1. Khái niệm từ cổ trong tiếng Việt
Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, mục cổ ngữ (tức từ cổ-NĐT): tiếng nói ngày xưa;
Hiện đại Hán ngữ từ điển, Lã Thúc Tương (chủ biên), Thương vụ ấn thư quán xuất bản, Trung Quốc, 1998, mục cổ ngữ: cổ đại đích từ ngữ (từ ngữ xưa);
Tác giả Nguyễn Ngọc San cũng đưa ra nhận định về từ cổ như sau: “Từ cổ theo quan niệm truyền thống không phải là những từ có lịch sử lâu đời nhất trong một ngôn ngữ, mà là những từ đã được lưu lại trong các văn bản viết cổ hay văn bản miệng cổ (ca dao, tục ngữ) mà hiện nay không còn được sử dụng nữa, và để hiểu được chúng, người ta phải dùng đến các loại từ điển từ nguyên và các từ điển điển cố…”(3)
Qua ba định nghĩa trên, chúng ta thấy từ cổ là những từ ngữ (hoặc tiếng nói) được sử dụng vào thời xưa trong ngôn ngữ của một dân tộc. Tuy nhiên, ba định nghĩa trên vẫn chưa xác định đầy đủ tiêu chí của khái niệm từ cổ. Trên thực tế, khái niệm này “vốn là một khái niệm không được rõ ràng”(4). Theo chúng tôi, từ cổ theo nghĩa chung phải là những từ được sử dụng vào thời xưa của một dân tộc, có nguồn gốc bản xứ hoặc vay mượn từ một / các ngôn ngữ khác (cùng hệ hoặc không cùng hệ) và hiện nay không còn được sử dụng trong ngôn ngữ của dân tộc đó. (Đúng là để hiểu được chúng, người thời nay “phải dùng đến các loại từ điển từ nguyên và từ điển điển cố”.)
Như vậy, từ cổ trong tiếng Việt là những từ được dân tộc ta sử dụng vào thời xưa, có nguồn gốc bản xứ hoặc vay mượn từ các nhóm ngôn ngữ Mon-Khmer, Tày-Thái, Mường, Hán (có thể cả ngôn ngữ Châu Âu) và hiện nay không còn được sử dụng trong tiếng Việt.
2. Khái niệm từ Việt cổ
Từ khái niệm rộng về từ cổ trong tiếng Việt như trên, chúng ta dễ dàng đi đến xác định khái niệm hẹp về từ Việt cổ như sau, đó là những từ được dân tộc ta sử dụng vào thời xưa, có nguồn gốc bản xứ hoặc vay mượn từ các nhóm ngôn ngữ cùng hệ (Mon-Khmer, Tày-Thái, Mường) và hiện nay không còn được sử dụng trong tiếng Việt.
Hai khái niệm từ cổ trong tiếng Việt và từ Việt cổ không hoàn toàn trùng khớp với nhau. Chúng không phải là hai vòng tròn giao nhau mà là hai vòng tròn đồng tâm có đường kính khác nhau. Trong quyển sách của mình, Nguyễn Ngọc San đã đánh đồng hai khái niệm trên nên đưa ra danh sách các từ Việt cổ trong văn thơ Nôm nhầm với rất nhiều từ gốc Hán. Chúng tôi xin trình bày cụ thể như sau:
1. Mượn từ Hán Việt
Từ Hán Việt là bộ phận rất quan trọng trong từ vựng tiếng Việt. Theo nguyên tắc, mỗi chữ Hán đều có một hoặc vài âm Hán Việt, nhưng không phải âm Hán Việt nào cũng du nhập vào tiếng Việt trở thành từ Hán Việt. Tuy nhiên, trong các văn bản Nôm, bên cạnh hệ thống từ Hán Việt thông dụng, đôi khi cũng sử dụng cả một số âm / từ Hán Việt không thông dụng trong tiếng Việt hiện đại. Các từ Việt cổ trong văn thơ Nôm có cả hai trường hợp như thế.
1.1 Từ Hán Việt thông dụng:
gián 諫  (can gián, khuyên can): Tính cương ai gián chẳng nghe mọi điều (tr. 391-392);
kham 堪  (cam chịu, chịu đựng): Kham cười anh vũ mắc chưng lồng (tr. 398);
loạn thường亂常  (làm rối loạn cương thường): Xây trồng ra thói trăng hoa loạn thường (tr. 408);
nghiệt孽  (yêu nghiệt, tội ác): Chút còn dư nghiệt ngoài thành khoe khoang (tr. 429);…
1.2. Âm / từ Hán Việt không thông dụng:
chủ quỹ主櫃  (người vợ cả): Hiềm trong chủ quỹ chưa hòa có ai (tr. 370);
mâu眸 (con ngươi, tròng mắt): Mâu tử là đôi con mâu (tr. 371);
na儺  (ôn dịch): Đốt trúc khuơ na dắng lỗ tai (tr. 420);
tẫn mẫu牝牡 (cái và đực): Tẫn mẫu sấp ngửa sắp bày úp che (tr. 452),…
Ngoài ra, còn có thể kể ra nhiều từ khác như đàn hặctiên sàmgia nương,… đều là từ Hán Việt. Nhưng mỗi trường hợp chúng tôi chỉ nêu ra vài ví dụ minh họa. Những từ ngữ trên tuy xuất hiện trong văn bản Nôm nhưng không phải ghi từ Việt cổ mà là những đơn vị từ vựng được ghi bằng chữ Nôm vay mượn cả âm và nghĩa chữ Hán (từ gốc Hán). Những chữ này khi xuất hiện trong văn bản chữ Hán thì chúng hoàn toàn là chữ Hán. Chỉ khi nào chúng xuất hiện trong văn bản Nôm mới được gọi là chữ Nôm. Nếu liệt kê những từ ngữ trên vào danh sách từ Việt cổ thì có lẽ tất cả từ Hán Việt mà hiện nay tiếng Việt sử dụng cũng đều là từ Việt cổ.
2. Mượn từ Tiền Hán Việt
Từ Tiền Hán Việt cũng là một bộ phận của từ vựng tiếng Việt. Bộ phận này nếu không phân biệt kĩ sẽ dễ nhầm lẫn với từ Hán Việt Việt hóa và nghĩa của chữ. Các từ Việt cổ trong văn thơ Nôm không có sự nhầm lẫn như thế nhưng lại xem lớp từ này là từ Việt cổ.
bượp (âm Hán Việt là phạp 乏: thiếu): Đời bượp văn chương uổng mỗ danh (tr. 362). Phạpvà bượp có mối quan hệ về ngữ âm, chúng biến đổi theo một quy luật ngữ âm nhất định. Chúng tôi xin đưa ra một vài ví dụ tương tự về sự biến đổi ngữ âm giữa từ Hán Việt – từ Tiền Hán Việt để chứng minh cho quy luật này như sau (mỗi từ phía dưới chúng tôi cũng làm giống như vậy):
nạp 納― nợp / nượp (nờm nợp / nườm nượp);
[lâmlạp [林]拉 ― [lườmlượp (đông đảo);
hạp 盒― hộp;
nam 南― nôm / nồm;…
chiềng (âm Hán Việt là trình 呈: tâu trình, tuyên bố): Chiềng làng chiềng chạ thượng hạ tây đông (tr. 368). Ví dụ tương tự:
tỉnh 井― giếng;
kính 鏡― kiếng;
chinh 正― giêng;
chinh 鉦― chiêng;
thinh linh / thanh lanh 清靈 ―thiêng liêng;
thành 城清靈 ― thiềng;… - nàn (âm Hán Việt là nạn 難: điều rủi ro nguy hại): Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương (tr. 422). Ví dụ tương tự:
loạn 亂― loàn;
tự自 ― từ;
nguyện 願 ―nguyền;
dụng  dùng;
niệm 念 ― niềm;
vạn  vàn;
nệ   nề;
cộng  cùng;… - tày / tầy(5) (âm Hán Việt là tề : ngang bằng): Chúc thánh cho tày Nghiêu Thuấn nữa (tr. 451). Ví dụ tương tự:
tê (tê giác)  tây;
thế ― thay(6);
lễ  lạy;
phi  ¯ bay;
thi  thây;…
Các từ bượpchiềngnàntày rõ ràng không phải là từ Việt cổ vì chúng chẳng những có quan hệ về ngữ âm mà còn có quan hệ về ngữ nghĩa với các từ phạptrìnhnạntề trong tiếng Hán. Mặt khác, nếu đó là những từ Việt cổ thì tại sao hiện nay không ít từ vẫn còn được sử dụng trong tiếng Việt (như phàn nàntày trời, hay như đìa (ao hồ), cúng dàngxum vầy,… mà tác giả đã liệt kê trong sách)?
Theo chúng tôi, những từ Hán Việt và Tiền Hán Việt trên đây không phải là từ Việt cổ, riêng những từ hiện nay không còn sử dụng (natẫn mẫubượp,…) chỉ có thể gọi là từ cổ trong tiếng Việt.
3. Dịch nghĩa chữ Hán
Xét các mục từ được giải thích trong sách như sau:
con tuyết: kĩ nữ: Cắp cầm con tuyết tình cờ đến (tr. 371);
nhà tĩnh: nơi ở của các sư tăng: Không môn già lam, tĩnh xá:nhà tĩnh (tr. 429);
nước trăng: kinh nguyệt: Tự nhiên phải khí dương âm, nước trăng tự ấy ai cầm chẳng ra (tr. 435);…
Chúng tôi thấy xếp các từ ấy vào dạng từ cổ là chưa thuyết phục. Vì: thứ nhất, chúng không thật sự khó hiểu đối với người hiện nay; thứ hai, chúng là những từ được chuyển dịch từ chữ Hán thì đúng hơn.
con tuyết được dịch từ tuyết nhi雪兒(nhi là ‘con’), nghĩa là người con gái trẻ xoa kem trắng trên mặt, chỉ những cô gái làm việc trong lầu xanh(7).
nhà tĩnh được dịch từ tĩnh xá 靜舍 hoặc tĩnh thất (xá là ‘ngôi nhà đơn sơ’, thất là ‘nhà ở’) nghĩa là ngôi nhà yên tĩnh để tu tập.
- Về từ nước trăng chúng tôi lí giải như sau: kinh nguyệt 經 月 là hiện tượng sinh lí của phụ nữ, có yếu tố nguyệt là trăng, tháng. Kinh nguyệt còn một từ đồng nghĩa là kinh thủy 經 水(8), có yếu tố thủy là nước. Vậy nước trăng là dịch kết hợp từ chữ thủy trong kinh thủy với chữnguyệt trong kinh nguyệtNước và trăng (cũng như thủy và nguyệt) đều là những từ thông dụng hiện nay, và nước trăng chỉ là một cách dịch chữ Hán của người xưa để chỉ kinh nguyệt chứ không phải là từ Việt cổ.
Bên cạnh đó, ngoài từ Hán Việt và Tiền Hán Việt đã nói trên, chúng tôi thấy sách còn thu nhận cả từ Hán Việt Việt hóa, đó là vỗ(9) (âm Hán Việt là phủ ) trong câu Đức muôn vỗ chúng ân ngàn trị dân (tr. 473).
Trên đây chúng tôi trình bày một vài thiển ý mong có thể phần nào làm sáng tỏ vấn đề từ Việt cổ và những từ đ?ợc cho là từ Việt cổ trong Lí thuyết chữ Nôm văn Nôm, nếu có gì sai sót xin quý vị độc giả chỉ giáo để chúng tôi có dịp học hỏi thêm.
Chú thích
(1) Nguyễn Ngọc San, Lí thuyết chữ Nôm văn Nôm, Nxb. Đại học Sư phạm, 2003.
(2) Quyển sách được in với sự tài trợ của quĩ hỗ trợ và phát triển văn hóa Việt Nam-Thụy Điển.
(3) Nguyễn Ngọc San, Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nxb. Đại học sư phạm, 2003.
(4) Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, sđd.
(5) Trong Tiếng nói nôm na (Nxb. Văn nghệ Tp. HCM, 1999), Lê Gia cho rằng chữ này có nguồn gốc từ chữ tài 裁 (cắt cho bằng), đó cũng là điều nhầm lẫn.
(6) Trong Tìm về cội nguồn chữ Hán (Nguyễn Văn Đổng dịch), Nxb. Thế Giới, 1997, Lý Lạc Nghị cho rằng thay là âm Hán Việt Việt hóa của thế.
(7) Trong Bắc mộng tỏa ngôn có ghi câu chuyện khác: Tuyết Nhi là vợ lẽ của Lý Mật, giỏi ca múa. Mỗi khi tân khách có văn chư?ng hay, Lý Mật đều bảo Tuyết Nhi hiệp âm luật để ca múa làm vui.
(8) Theo Từ nguyên, Thương vụ ấn thư quán, Đài Loan, 1963 và Từ hải, Trung Hoa thư cục ấn hành, 1967.
(9) Trong Tiếng nói nôm na, sđd, Lê Gia cho rằng vỗ (vỗ về) có nguồn gốc từ chữ vũ là múa. Theo chúng tôi, như vậy không đúng.
Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ  và Đời sống, số 11 năm 2006




(*) ThS. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tp. HCM.

No comments:

Post a Comment