Thursday 12 April 2012

Nguồn gốc của hai tiếng “lạc-xoong”. Đồ lạc – xoong thực chất là đồ gì? - An Chi (Huệ Thiên)


Độc giả: Xin cho biết nguồn gốc của hai tiếng “lạc-xoong”. Đồ lạc – xoong thực chất là đồ gì?
An Chi: Về nguồn gốc của hai tiếng lạc-xoong, có người đã cho rằng lạc xon (theo cách viết của tác giả này – AC) là một tổ hợp đẳng lập (tức là tổ hợp gồm hai yếu tố đồng nghĩa hoặc gần nghĩa) gồm có lạc là một từ Hán Việt và xoong là một từ gốc Ấn – Âu. Lạc ở đây, theo ông, có nghĩa là “rơi, rớt, rụng” như có thể thấy trong từ tổ lạc giá, có nghĩa là “rớt giá”, tức hạ giá, giá rẻ. Còn xon cũng theo ông, là một từ gốc Pháp bắt nguồn ở danh từ solde trong en solde mà ông đã căn cứ vào Dicionnaire françai – Vetnamien do Lê Khả Kế làm tổng biên tập để dịch là “bán xon, bán hạ giá”.
Tác giả này đã làm một cuộc xe duyên “đẳng lập” nhưng rất tiếc rằng lạc và xon không phải là từ vì chỉ là hai âm tiết vô nghĩa dùng để phiên âm mà thôi. Huống chi, nếu có là những từ đích thực thì lạc cũng không thể gần nghĩa với xon được. Lạc là “rơi, rớt, rụng” còn xon lại là hàng hạ giá (“rớt giá”) nên chỉ có từ tổ lạc giá mới gần nghĩa với xon mà thôi.
Như vậy khó có thể chấp nhận lạc xon là một tổ hợp đẳng lập.
Điểm thứ hai là dù cho tác giả có viết âm tiết thứ hai của từ lạc-xoong trong đồ lạc-xoong thành “xon” nhưng hễ đã là dân Sài Gòn cố cựu, kể cả người Trung lẫn người Bắc thì ai cũng nói thành  chứ không bao giờ nói thành . Ngược lại, đối với chữ “xon” trong “đồ xon” thì ngay cả dân Sài Gòn gốc Nam Kỳ chánh cống cũng luôn luôn phát âm thành  chứ không bao giờ “ngờ” hóa phụ âm cuối “nờ” của nó (nghĩa à biến [n] thành [ŋ] mà đọc thành . Sở dĩ họ làm như thế là vì trong ý thức của họ, cũng như trong thực tế, đồ lạc-xoong và đồ xon là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Vâng, ai có ở tại Sài Gòn lâu năm cũng biết rằng:
- Đồ lạc xoong có trước đồ xon rất lâu (ít nhất là vài thập kỷ) vì mãi đến giữa thập kỷ 1950 thì đồ xon mới “đổ bộ” xuống lề đường Bonard (nay là Lê Lợi, Q.1) và Rue des Marins (nay là Trần Hưng Đạo, Q5), đoạn từ Jaccaréo (nay là Tản Đà) đổ về Tổng đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm).
- Đồ lạc xoong là đồ đã xài rồi còn đồ xon là đồ chưa ai xài đến trước khi đem ra bán.
- Đồ lạc-xoong có thể nằm trong tiệm từ năm này sang năm khác mà không khiến cho chủ tiệm phải lo lắng chứ đồ xon thì hễ đã tung ra thị trường là để lấy lại vốn cho nhanh chóng mà thường thì thiên hạ cũng chen nhau mua… ào ào nên chẳng mấy chốc mà hết (dĩ nhiên cũng có khi ế).
Đồ lạc xoong nói chung là đồ từng món (vì thế nên Vương Hồng Sển mới viết trong tự vị tiếng Việt miền Nam rằng “nhiều khi với mắt tinh đời, sẽ gặp đồ cổ quí, Minh, Khang Hi, ẩn tàng trong đám bạc son chợ trời”) còn đồ son thì nói chung là đồ cùng loại và cùng mẫu mã đem bán hàng loạt.
Đồ lạc xoong không phải là đồ hạ giá mà chỉ đồ bán theo giá có trừ tỉ lệ hao mòn do đã sử dụng (nhưng đó chỉ là nói chung chứ có thứ rất đắt vì là hàng độc đắc”) còn đồ xon thì mới chánh cống là đồ hạ giá vì hàng tuy vẫn mới nhưng lại bán theo giá thấp hơn giá đã định ban đầu để thanh toán cái stock cũ cho mau lẹ (stock: lượng hàng đang có).
Tóm lại, đồ lạc-xoong không phải là đồ hạ giá càng không phải là đồ xon. Về phương thức bán xon; để minh họa thêm, chúng tôi xin trích dẫn bài ghi nhanh của Thanh Hà nhan đề “Hàng xon Hà Nội” đăng trên trang 3 của báo Tuổi trẻ ngày 27.1.2000: “Bán xon không còn lạ với người Sài Gòn, song với dân Hà Nội chợ xon mới mọc được xem là “sự kiện” với nhiều ngỡ ngàng, lạ lẫm. Từ ba tối nay khu phố Hàng Đào, Hàng Ngang bỗng trở nên tấp nập, ồn ào đến tắc đường với những đống hàng bán xon. Trên vỉa hè, cứ cách vài mét lại có một tấm biển viết vội trên giấy các tông “đại hạ giá” “đại đại hạ giá” gắn tạm trên gốc cây, cánh cửa, cột đèn, còn bên dưới là quần áo đồ len, túi xách; rồi đồng hồ đeo tay loại rẻ tiền, cặp tóc, vớ, găng tay (…) Hàng bán đổ đống hoặc chất trên ghế xếp, khách thoải mái tự bới chọn (...) và (theo lời một người bán hàng – AC) trong mấy ngày bán hạ giá, vợ chồng anh đã “đẩy” được quá nửa lô hàng ế, bằng bán cả mấy tháng trời trong tiệm”.
Đấy, đồ xon và phương thức bán xon đại để là như thế. Còn bây giờ, xin nói thêm đôi chút về đồ lạc-xoong rồi trở lại với hai tiếng lạc xoong. Chủ tiệm lạc-xoong chánh tông (có môn bài hẳn hoi) trước đây, đặc biệt là 1954, đều là người Hoa (do đó mới có mấy tiếng “chệch lạc-xoong” thuộc bang phước Kiến, chí thú làm ăn mà cũng rất “chịu chơi” trong nghề mua bán đồ cũ. Một chủ tiệm lạc-xoong đã từng “rinh” cả một cái nồi súp-de của đầu máy xe lửa về kho hàng của mình để “chờ giá”, chứ chẳng cần vội vàng (cho nên nói rằng đồ lạc xoong là đồ hạ giá thì kể như là chỉ mới biết sơ sơ về thứ đồ này mà thôi).
(KTNN 357 10-7-2000). Vậy thì đâu là nguồn gốc của hai tiếng “lạc-xoong” Ông Đỗ Văn Anh, nhà thư tịch học kỳ cựu của Sài Gòn, đã có nhã ý thông báo cho chúng tôi rằng xuất xứ của hai tiếng này đã được ghi chú rõ ràng trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong, cuốn thứ nhất, do phát Toán Libraire - Imprimeur ấn hành tại Sài Gòn năm 1909. Lời ghi chú đó nằm trong đoạn lục bát sau đây:
Chực đường cớ trẻ cu-li (coolie)
Kêu đâu sẳng đó đem đi lẹ làng.
Lớp thời xuống bến Nam-vang,
Lớp qua Khánh Hội, lớp sang Nhà Rồng.
Lớp xe về lối ngoài trong,
Lớp đi theo dõi mấy ông dọn nhà.
Nhà-in, nhà-thuốc, nhà-chà,
Nhà hàng ăn ngủ với nhà Lạc-xon (l'auction)
(Sđd, tr.30)
Lạc-xon chính là lạc-xoong và đấy cũng chính là âm của từ l’auction mà Nguyễn Liên Phong đã có công ghi lại cho ta một cách rạch ròi. Đoạn lục bát trên đây nói về đường Catinat. Có thể là lúc bấy giờ trên con đường này đã có một cửa hàng bán đấu giá mà chủ nhân lấy tên bằng tiếng Anh auction (sự bán đấu giá). Người Pháp đã giữ nguyên dạng mà thêm quán từ vào thành l’auction rồi người Việt Nam thì phát âm thành lạc-xoong. Lạc-xoong ban đầu là cửa hàng bán đấu giá. Về sau người ta mới dùng hai tiếng này theo nghĩa hiện hành và sự chuyển nghĩa này không phải là chuyện không thể giải thích được.


Nguồn: Bách Khoa Tri Thức

No comments:

Post a Comment