Cập nhật lúc 22h51, ngày 22/03/2007
ĐIỂM QUA VỀ TÌNH HÌNH TỪ CỔ TRONG CUỐN TỪ ĐIỂN CHỈ NAM NGỌC ÂM GIẢI NGHĨA
HOÀNG THỊ NGỌ
Tiến sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Hiện nay, vấn đề từ ngữ cổ là một trong những vấn đề nan giải đối với người đọc, người học khi tiếp xúc, tìm hiểu các văn bản Hán Nôm. Không thể hiểu thấu đáo một văn bản nếu không hiểu hết được nghĩa của các từ cổ trong văn bản. Đặc biệt, với các văn bản Nôm càng cổ, vấn đề lại càng đặt ra bức thiết hơn. Cho đến nay, ngày càng có nhiều người quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu này. Nhưng các công trình hiện có chưa thể bao quát được toàn bộ từ cổ trong các văn bản Hán Nôm, cần phải có sự bổ sung, đóng góp công sức của nhiều người, nhiều thế hệ. Trong Hội nghị này, chúng tôi xin điểm qua kết quả tìm hiểu về từ cổ trong cuốn từ điển song ngữ cổ nhất hiện còn là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa.
Trước hết xin nhắc lại về khái niệm từ cổ. Từ cổ là những từ ngữ từng được sử dụng trong lịch sử nhưng qua quá trình phát triển của ngôn ngữ đến nay không còn được sử dụng nữa, nó chỉ còn lưu lại dấu vết ở 3 trường hợp sau:
- Chỉ còn trong các văn bản cổ (ví dụ: áng (cha), nạ (mẹ), mựa (chớ, đừng)...
- Trong các tổ hợp song tiết đẳng lập nhưng ý nghĩa đã bị lu mờ và chỉ được xác định giá trị, ý nghĩa trong mối tương quan với yếu tố kia (ví dụ: han trong hỏi han, nghê trong ngô nghê...).
- Nếu còn xuất hiện trong tiếng Việt hiện đại thì cũng đã có sự thay đổi về ngữ âm, ngữ nghĩa và khả năng kết hợp từ (ví dụ: Phủ phê --> phả phê; xấu thiết tha (chỉ mức độ xấu lắm) --> thiết tha (chỉ tình cảm gắn bó sâu sắc hoặc sự mong muốn, khẩn cầu); con (chỉ người: con bãi, con bợm, con chơi, con mày, con đòi trai... --> chỉ cả đồ vật, vật: con dao, con cá, con lươn...
Với những tiêu chí về từ cổ như trên, từ trước đến nay có thể tra tìm chúng trong một số từ điển như: Việt Bồ La của A. de Rhodes, 1651; Việt - Pháp Sài Gòn của M. Génibrel. 1898, Đại Nam quốc âm từ vị của Huỳnh Tịnh Của; Việt - La tinh của Pigneau de Behaie, 1772; Việt - La tinh của Taberd, 1838... Gần đây, năm 2001 mới thực sự có 2 cuốn từ điển từ cổ: Từ điển từ Việt cổ của hai tác giả Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện và Từ điển từ cổ của tác giả Vương Lộc. Nhưng thực sự các cuốn từ điển trên chưa thể bao quát được toàn bộ số từ cổ có trong các văn bản của kho thư tịch Hán Nôm. Hơn nữa các từ cổ này lại thường được ghi dưới dạng chữa Nôm, sau này một số được ghi bằng chữ quốc ngữ cổ nên việc phát hiện cũng không phải dễ dàng. Nó phải được phát hiện trong từng văn bản cụ thể và được xác định ý nghĩa trong càng nhiều ngữ cảnh càng tốt. Chúng tôi đã khai thác từ cổ trong một số tác phẩm thông qua sự rà xét chữ Nôm và lần này chúng tôi tiến hành trên văn bản Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Đây là một cuốn từ điển đối chiếu Hán Việt cổ nhất hiện còn, lần đầu tiên được Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm giới thiệu năm 1985. Trong phần khảo cứu, tác giả đã giới thiệu và phân tích, khẳng định một số từ cổ. Dựa vào kết quả phiên âm của Trần Xuân Ngọc Lan, các tác giả của hai cuốn Từ điển từ cổ in năm 2001 cũng đã tìm thêm được nhiều từ nữa. Trên cơ sở chữ Nôm có đối chiếu với phần chữ Hán tương ứng, có tham khảo bản phiên âm, chú thích của Trần Xuân Ngọc Lan, chúng tôi đã tìm được 218 từ cổ, xuất hiện với tổng số 496 lần trong văn bản. Từ đó, chúng tôi đã có một bảng thống kê đầy đủ theo thứ tự, âm đọc, chữ Nôm, nghĩa chữ, tần số xuất hiện, xuất xứ, ngữ cảnh. Trong bài này chúng tôi chỉ xin điểm qua như sau:
Trong CNNÂ có mặt tương đối đầy đủ những từ cổ thường gặp trong các bản Nôm như: áy, ghẽ, ghê, ghín, mựa, chỉn, chưng, đăm, chiêu, đề đa, hoà, kẻ chợ, ngõ ngang, nữa, óc, sốt, tạn, thuở,... những từ này được thống kê đầy đủ nhưng xin phép không đề cập đến ở đây.
Chúng tôi xin nêu những trường hợp chỉ thấy xuất hiện trong CNNÂ. Một số trường hợp tuy xuất hiện chỉ có một, hai ngữ cảnh nhưng ý nghĩa rõ ràng và số ít có ghi trong từ điển của A. de Rhodes.
* Dùng cái và con:
Dùng cái để gọi hầu hết những động vật nhỏ mà sau này được gọi là con như: Cái ba ba, cái bạng, cái bọ hung, cái cáy, cái chả khoang, cái chích choè, cái chim công, cái còng, cái cua, cái cua càng, cái cuốc, cái da, cái dạm, cái dế, cái don, cái dơi, cái dơi vàng, cái đỉa, cái đười ươi, cái giá, cái giun, cái hà đồ, cái hến, cái lươn, cái mại, cái mối, cái muỗi, cái ngan, cái ngao, cái nhặng, cái rùa, cái ruồi, cái sam, cái sắc, cái sên, cái sò, cái sứa, cái tê tê, cái tò vò, cái tôi tôi, cái tôm vàng, cái trai, cái trạch, cái vích, cái vịt.
* Dùng từ con chưa có sự phân biệt rõ tính chất, giới tính, cách gọi rất khác ngày nay, có thể thấy như:
con bợm: con hát nói chung (11 - 11b)
con bãi, con chơi: gái mãi dâm (9 -11b,10 -11b)
con đòi trai: người hầu, người ở là con trai (5 -11b, 13b)
con đòi gái: người hầu, người ở là con gái (12 - 10b)
người con chèo: người lái đò (13 - 31)
con mắt cá tay: mắt cá tay (16 - 15b)
hai chân con ngươi: hai mắt cá chân (4 - 16a)
con sâu: con ngươi trong mắt (7 - 15a)
Từ con đã được dùng để gọi những động vật lớn như:
- Trường nhĩ hiệu là con lừa (1 - 58b)
- Ninh dương, đồng dương con dê (1 - 58b)
- Hoàng mi hiệu óc con nai (2 - 58b)
- Chương kinh chỉn thực con mang (7 - 58b)
Nhưng trong loại Mao trùng lại thấy ghi cái đười ươi.
* Dùng từ song tiết để gọi một số các động thực vật như:
bà cắt: chim cắt (9 - 56a)
bồ cắt: chim cắt (10 - 57b)
bồ cò: con cò (8 - 56a, 57b)
bồ cóc: con cóc (13 - 63a)
bệnh rết: con rết (7 - 66a)
bồ đài: mo cau (10 - 71b)
bồ nâu: củ nâu (7 - 71b)
bồ ngưu: hoa bồ ngưu (5 - 69a)
bồ nông: chim bồ nông (10 - 56b)
bồ cu: chim cu (5 -56b)
lồ mướp: mướp (7 - 77a)
lồ vừng: vừng (7 - 76a)
la đá: đá (6,7 - 6a)
* Dùng những từ rất khác ngày nay để gọi các bộ phận trong cơ thể người, ngoài các trường hợp đã nêu trên như con mắt cá tay, con ngươi (mắt cá chân), con sâu (con ngươi trong mắt), còn có các trường hợp như:
càng hàm : xương quai hàm
cằm ấn đường : xương bên trên chỗ hai lông mày giáp nhau
trái tay: bắp tay (7 - 17a)
trái chân: bắp chân (8 - 16a)
trái trôn: mông (12 - 17a)
* Chỉ các đồ vật:
cang la: cái thúng có quai đeo (13 - 44a)
cũi bát: chạn bát (9 - 44a)
dao tu rích: gươm ngắn (15 - 45a)
đầu lốc: hòn đá chườm (14 - 79b)
lù và: tù và (3 - 53a)
mặt mả: mặt nạ (3 - 55a)
miệt: giầy, dép (16 - 23b)
ống: súng (1 - 52a, 3 - 51a)
* Chỉ cỏ cây, mầu sắc:
gian: mầu, nhiều màu sắc (16 - 22b, 6 - 22a)
mùi tui: rau mùi, rau ngổ (12 - 72a)
cải lú bú: cải củ (9 - 76a, 12 - 78a)
nang: cau (12 - 41b)
nếp ác: nếp đen(12 - 34a)
nếp vang: nếp đỏ (12 - 34a) (12 - 34a)
nghệ máu: nghệ đỏ (11 - 77b)
lòm: đỏ(11 - 75a)
xanh mò: xanh sậm, xanh đen (12 - 66a, 16 - 64b)
* Chỉ mức độ, tính chất, tính cách, tâm lý:
song: lắm (5 - 50b, 1 - 522a)
mèn: nhỏ (6 - 53a)
chan: nhiều (2 - 74b)
hèo: hiệu nghiệm(5,16 - 74a; 8, 11- 79a)
tít: thít, thắt (13 - 70b)
dịu dàng: mịn màng (3 - 24b)
đang dạ: ưa thích (16 - 20a)
yêu đang: yêu đương (6 - 15a, 13 - 69a)
Điểm qua một số các từ ngữ cổ thấy trong CNNÂ, ít thấy trong các văn bản khác, chúng tôi sơ bộ có một số nhận xét sau:
- Với số lượng 218 từ ngữ cổ trong CNNÂ, có thể nói đó là sự bổ sung, góp mặt đáng kể vào các từ điển từ cổ, để từ đó làm cơ sở giải mã những tồn nghi hoặc xác định lại các từ đã bị thay thế khi phiên âm các văn bản từ Nôm ra quốc ngữ. Cũng có thể nói đây là một trong số rất ít những văn bản có sự đậm đặc nhất về từ ngữ cổ. Nhiều từ cổ thấy trong các văn bản: Khoá hư lục, Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi tập... thì cũng được tìm thấy trong CNNÂ. Có nhiều từ ngữ cổ chỉ thấy xuất hiện trong CNNÂ như chúng tôi trình bày ở phần trên.
- Trong CNNÂ có nhiều từ cổ chỉ xuất hiện 1 lần nhưng qua chữ Nôm và đối chiếu với phần chữ Hán tương ứng nên có thể xác định được mặt nghĩa, còn âm đọc thì phải có thêm cứ liệu để khẳng định.
- Những từ ngữ cổ trong CNNÂ đã phản ánh được khá rõ tình hình ngôn ngữ tiếng Việt ở thời điểm văn bản ra đời. Đó là nguồn cứ liệu vô cùng quý giá cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu và là một trong những giá trị lớn của cuốn từ điển cổ nhất này.
Chúng tôi đã sơ bộ điểm qua tình hình từ cổ trong văn bản CNNÂ, xin được trở lại vấn đề này kỹ hơn trong một dịp khác.
Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.404-410
No comments:
Post a Comment