Bạn đọc : Có người nói rằng thổ mộ là cách đọc Việt hóa của từ “t’ủ mỏ”, tức độc mã (một ngựa), đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông. Xe thổ mộ tức xe (một) ngựa. Xin cho biết có đúng không.
An Chi : Chúng tôi không biết “t’ủ mỏ” là cái thứ tiếng gì nhưng chắc chắn đó không phải là âm Quảng Đông của hai chữ độc mã, mà chữ Hán là 獨馬. Âm Quảng Đông của hai chữ này là:
– dug6 ma5 (Nhiêu Bỉnh Tài chủ biên, Quảng Châu âm tự điển, Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, in lần thứ 26, 1997, tr.232 & 260);
– ‐duk ͵ma (Hoàng Tích Lăng, Việt âm vận vựng [A Chinese Syllabary Pronounced According to the Dialect of Canton], Trung Hoa thư cục, trùng bản, 1973, tr.1 & 49);
– tục mạ (Hà Thủ Văn, Việt Quảng ngữ đối chiếu, Chin-Hoa, Chợ Lớn, 1965, tr.53 & 105).
Tuy cách phiên âm của mỗi sách một khác nhưng âm được phiên thì hoàn toàn thống nhất : tục mạ, theo cách dễ đọc nhất cho người bình thường của Hà Thủ Văn trong Việt Quảng ngữ đối chiếu. Và cứ như trên thì người kia đã sai ở ba điểm căn bản : – một, phụ âm đầu của chữ 獨 là [t] (viết bằng “t”) chứ không phải [t’] (viết bằng “th”); – hai, cách đọc thành “t’ủ” của người đó không có âm cuối vần trong khi chữ 獨 có âm cuối vần là [k]; – và ba, nguyên âm chính của chữ 馬 là [a], một nguyên âm không tròn môi chứ không phải “o”, là một nguyên âm tròn môi.
Cứ theo ba điểm hoàn toàn chắc chắn trên đây thì ta có thể dứt khoát khẳng định : – “t’ủ mỏ” không phải là âm Quảng Đông của hai chữ độc mã 獨馬; – do đó, thổ mộ tuyệt đối chẳng có dây mơ rễ má gì về mặt từ nguyên vói hai chữ mà âm Quảng Đông đã bị “chế biến” như trên. Huống chi có phải chỉ có xe thổ mộ mới do một con ngựa kéo đâu! Bởi vậy tác giả Cao Tự Thanh mới nói rằng thứ từ nguyên dân gian ấy dùng để tào lao thì được chứ nếu tưởng là học vấn thì chỉ làm cho con cháu ngu đi mà thôi.
No comments:
Post a Comment