Sunday 8 April 2012

ĐỒNG KHÁNH, ĐỊA DƯ VÀ VIỆC BÓC TÁCH CÁC LỚP ĐỊA DANH TRIỀU NGUYỄN - Ngô Đức Thọ

51 . Đồng Khánh địa dư và việc bóc tách các lớp địa danh triều Nguyễn (TBHNH 1998)
Cập nhật lúc 18h16, ngày 26/09/2007
NGÔ ĐỨC THỌ
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
1. Để thực hiện chủ quyền quốc gia trên toàn lãnh thổ, các nước trên thế giới nói chung đều thực hiện quản lý nhà nước theo một hệ thống địa danh bao gồm những địa danh có tính pháp định và những địa danh do người địa phương quen dùng. Địa danh nói chung bao gồm cả tên núi, tên sông, tên cầu đường, bến đò, cửa biển, các trạm tuần tra kiểm soát v.v… Nhưng đặc biệt quan trọng là hệ thống địa danh hành chính gắn liền với từng vùng lãnh thổ do nhà nước hoạch định. Tuy nhiên, do sự hình thành mới của các khu dân cư, các khu vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp – nói chung là do sự phát triển của kinh tế, văn hóa và do yêu cầu khác của chính trị, quân sự v.v.., sau một thời gian nhất định những đơn vị hành chính đó thường có những thay đổi hoặc hoạch định lại. Sự thay đổi càng nhiều, thời gian dồn lại càng lâu xa thì việc nghiên cứu xác định các địa danh trong lịch sử càng trở nên khó khăn, phức tạp.
Không ngoài thông lệ chung, các lớp địa danh trong lịch sử nước ta trải qua các triều đại từ Ngô, Đinh, Tiền Lê… cho đến triều Nguyễn cũng đã thay đổi rất nhiều lần. Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay mới hơn 50 năm mà các địa danh cũng nhiều thay đổi. Còn phải kể thêm các lần sửa đổi địa danh ở các tỉnh Bắc Bộ và Nam Bộ dưới thời Pháp thuộc và các tỉnh miền Nam dưới thời chính quyền Sài Gòn.
Tình hình đó khiến cho việc nghiên cứu lịch sử chung của dân tộc cũng như lịch sử các địa phương, các chuyên ngành (kể cả chuyên ngành quân sự học, lịch sử ngoại giao v.v…) gặp rất nhiều khó khăn. Khi gặp các địa danh cổ xưa, ngôài một số ít được biết chính xác hoặc may mắn tra cứu được, người nghiên cứu phần nhiều đành chịu bỏ trống việc xác định địa danh.
Vì lý do đó, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài từ trước đến nay đã có những cố gắng bền bỉ có thể phát biểu trên các tạp chí khoa học, trong các công trình liên quan về một hoặc một số vấn đề địa danh học Việt Nam. Gần đây cũng đã xuất hiện một vài cuốn như Từ điển địa danh Hà Nội hoặc Sổ tay địa danh Việt Nam. Những sách như vậy nói chung rất có ích cho công việc chung, nhưng một mặt khác nói lên sự cần thiết phải có một công trình khoa học ở tầm cỡ quốc gia mới có thể đáp ứng được yêu cầu tra cứu hiện nay cũng như cho nhiều thế hệ sau nữa. Chúng ta đang cố gắng làm tất cả những gì để gìn giữ truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng không có một vấn đề nào của nó lại không gắn liền với hai đối tượng là đất nước con người. Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có thể làm được, qua nghiên cứu để đi đến những nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn, sâu sắc và khoa học hơn về 2 đối tượng đó đều là hết sức cần thiết để thực hiện đường lối xây dựng văn hóa như Nghị quyết 5 của TƯ Đảng đã định hướng. Vì vậy tôi rất tán thành chủ trương của Viện trong thời gian tới sẽ tổ chức biên soạn Từ điển địa danh Việt Nam như đã được nêu lên trong lời phát biểu của Tân Viện trưởng và hy vọng việc chuẩn bị sớm hoàn tất để có thể bắt tay thực hiện công trình.
2a. Hiện nay có thuận lợi là Viện ta đang thực hiện công trình dịch chú để xuất bản bộ sách Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí.
Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí (ĐKĐD) là một công trình địa lý học rất đồ sộ và có giá trị nhiều mặt, nhưng đến nay chúng ta mới có điều kiện tổ chức dịch thuật, chú giải và sẽ chính thức xuất bản lần đầu cùng với toàn văn chữ Hán và đầy đủ 314 bản đồ màu. Học giả Việt Nam chú ý sớm nhất và khai thác rất có hiệu quả ĐKĐD thì phải kể đến Nguyễn Văn Huyên trong cuốn Địa lý hành chính Bắc Ninh, nhưng sách này chỉ mới được công bố vào năm ngoái, trong khi đó thì GS Hà Văn Tấn hơn 30 năm trước đã tham khảo sử dụng nhiều tư liệu trong ĐKĐD trong khi thực hiện công trình chú giải Ức Trai Dư địa chí.
Năm 1970, trong cuốn Tìm hiểu kho sách Hán Nôm T.1, tuy không có mục riêng cho ĐKĐD nhưng cố học giả Trần Văn Giáp đã có một đoạn nói về sách này khi liên hệ với các tài liệu sau Đại Nam nhất thống chí. Trần Văn Giáp đã dẫn tư liệu trong Đại Nam thực lục ghi việc về tháng 4 năm Đồng Khánh thứ 2 (5-1887):
“疆 界 彙 編 書 成 ( 凡 七 卷 并 圖 一 幅 ) 准 董 理 黃 有 秤 實 授 吏 部 侍 郎 銜… 尋 准 有 秤 充 國 史 館 纂 修”
Cương giới vựng biên như thành (phàm thất quyển, tịnh đồ nhất bức). Chuẩn Đổng lý Hoàng Hữu Xứng thực thụ Lại bộ thị lang hàm… Tầm chuẩn Hữu Xứng sung Quốc sử quán toản tu/ Sách Cương giới vựng biên làm xong (gồm 7 quyển và 1 bức vẽ bản đồ). Chuẩn cho Đổng lý Hoàng Hữu Xứng được thực thụ hàm Thị lang bộ Lại… Sau chuẩn cho Hững Xứng làm Toản tu Quốc sử quán” (Đệ lục kỷ, q.6) Không thấy nói gì thêm về việc Sử quán biên soạn sách ĐKĐD. Nhưng sau khi hoàn thành bộ Đại Nam cương giới vựng biên, cả Hoàng Hữu Xứng và tập thể biên soạn được ban thưởng như Thục lục đã ghi, Hoàng Hữu Xứng được sung chức Toản tu ở Sử quán thì việc Hoàng Hữu Xứng được giao trách nhiệm thực hiện công trình này là một điều hợp lý. Công trình biên soạn này, như tên sách đầy đủ được ghi đầu mỗi tập là: 同 慶 敕 製 御 覽 地 輿 志 Đồng Khánh sắc chế…, nghĩa là vua Đồng Khánh sai làm, tức là một công việc rất quan trọng, nhưng Thực lục, bỏ sót không ghi thì phải coi là một thiếu sót. Nhưng lúc đó bộ sách chỉ mới được giao nhiệm vụ biên soạn, và theo cách chép Thực lục có thể nghĩ rằng đến khi sách hoàn thành sẽ truy ghi các chi tiết về sự khởi đầu. Nhưng bấy giờ là thời buổi “quốc phá gia vọng”, nhưng trang cuối cùng của bộ Thực lục triều Nguyễn cũng khép lại vào giai đoạn này. Sau đó các sách vở giấy tờ của triều đình thất tán mất mát dần, mười phần không còn một, thì nhưng chỉ dụ, tấu văn, thư khải liên quan đến bộ sách này tuy vẫn còn hy vọng phần nào nhưng cũng rất ít khả năng tìm lại được.
Nguyên bản chép tay ĐKĐD gồm 27 tập được lưu trữ tại Nội các triều Nguyễn. Chính với nguyên bản đó mà khoảng những năm đầu thế kỷ XX (chưa rõ chính xác vào năm nào), Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội đã được phép mượn tổ chức sao chép ra bản A.577 hiện lưu giữ tại Viện Hán Nôm nhưng chúng ta đã biết. Còn số phận bản gốc của triều đình Huế như thế nào thì hiện còn chưa rõ. Tuy nhiên quâ thông tin mà tôi theo dõi được bản ấy vẫn được an toàn trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến 1947 mà đến năm 1967 vẫn hiện diện ở Đà Lạt: Đó là năm Tiến sĩ Muriel Texier đã được đọc nó trong kho tài liệu của triều đình Huế do chính quyền Sài Gòn di chuyển từ Huế vào(1). Không rõ nó có bị mất mát trong các lần di chuyền từ 1975 đến nay hay còn được lưu giữ ở đâu đó mà chúng tôi chưa được biết. Có lần, nghe có tin ĐKĐD hiện diện ở Ôxtralia, bằng con đường thư điện tử trên Internet, tôi đã liên hệ hỏi Tiến sĩ Andrew Goseling và đã có phúc đáp là ở Ôxtralia không có sách ấy. Trong khi chờ đợi, tôi mong quý vị gần xa mách bảo cho những tin tức nếu có về bộ bản gốc sách này.
Học giả nước ngoài thì sau các nhà nghiên cứu ở VĐBC đến các học giả Nhật Bản. Từ năm 1933 (Chiêu Hòa 8) người phụ trách Đông Dương văn khố (Toyo Bunko) ở Tokyo Nhật Bản, qua các bài viết của Matsumoto, đã biết được những thông tin về bộ sách mà họ lập tức đánh giá ngay là “có vai trò cực kỳ quan trọng” này. Qua nhiều liên hệ với E.Gaspardone, Codès, cuối cùng đến năm Chiêu Hòa 13 (1938) họ đã thực hiện được việc nhờ một số người thạo việc tại Hà Nội sao chép cho đầy đủ một bản sao ĐKĐD từ bản A.577. Riêng về phần các bản đồ thì việc sao chép có thể là không được thành công lắm, cho nên họ đã phải trở lại Hà Nội để đề nghị cho chụp ảnh bằng bản kính. Bản kính chụp tốt, nhưng vì kỹ thuật đương thời không chụp được ảnh màu, nên người Nhật vẫn rất lấy làm tiếc về việc đó. Vài năm sau khi Toyo Bunko có được bản sao, họ đã tính đến việc xuất bản nguyên văn ĐKĐD. Và 2-1945, chỉ mấy tháng trước khi kết thúc chiến tranh thế giới lấn thứ II bộ ĐKĐD đã được xuất bản bằng nguyên văn tại Tokyo. Riêng các bản đồ được tách sthành phần riêng gồm 2 sách (Thượng, Hạ), khổ 20 x 24cm, chữ trong bản đồ chụp lên khá rõ, nhưng một số bản bị nhòe mờ, soi kíp lúp rõ hơn, nhưng cũng khá khó khăn, đó là do hạn chế kỹ thuật đương thời.
2b. Về thời điểm biên soạn của ĐKĐD:
Thoạt đọc qua tên sách dễ nghĩ ngay là sách được làm xong hẳn trong đời vua Đồng Khánh (1886-1888). Nhưng nếu tính từ tháng 4 năm Đồng Khánh 2 (5-1887), nghĩa là từ khi HHX được điều về làm Toản tu ở Quốc sử quán, cho đến ngày Đồng Khánh mất (18-1-1888) thì thời gian chỉ có chưa đầy 8 tháng: Một thời gian ngắn ngủi như vậy, không ai có thể làm xong được một bộ sách đồ sộ như ĐKĐD. (Trước đó, trong bài biểu dâng sách và cả trong sách Đại Nam cương giới vựng biên không thấy nói đến một bản thảo nào có thể liên hệ xa xôi với ĐKĐD). Đối với một bộ sách như ĐKĐD việc tổ chức biên soạn không thể nào đơn giản được: Sau khi nhận sắc chỉ của vua giao nhiệm vụ biên soạn tất phải tiến hành hàng loạt công việc như soạn thảo quy tắc chung, thông báo cho giao việc cho các quan đầu tỉnh kê khai phần của tỉnh mình theo các biểu mẫu quy định thống nhất cho tất cả 26 tỉnh từ Bình Thuận đến Cao Bằng v.v.. Các quan tỉnh muốn soạn được bản khai đó không thể không họp bàn với các quan phủ huyện để có các bản khai từ cấp dưới lên, tổng hợp tu chỉnh rồi mới gửi về triều đình. Ban biên soạn tại Quốc sử quán tất phải kiểm tra để bổ sung, chính lý tư liệu, tu chỉnh văn phòng cho nhất quán v.v… Phần chính văn đã khá phức tạp, lại còn việc biên vẽ các bản đồ v.v… Nói tóm lại với lượng công việc mà chúng ta có thể hình dung ra phần nào, cho dù số người tham gia chính phụ có đông đến vài chục người, công việc cũng không thể làm xong trong dăm bảy tháng được. Và như vậy có nhiều khả năng có thể khẳng định vua Đồng Khánh chưa bao giờ được “ngự lãm” bộ sách sẽ mang niên hiệu của ông. Khả năng thuận lợi nhất mà ta đã kịp trình lên cho ông được một vài tập nào đó may mắn đã có chuẩn bị từ trước. Nhưng khả năng này rất mong manh nếu không muốn loại bỏ hẳn đi. Vả lại, ngay cả ngày nay chăng nữa, nếu có một bộ sách như vậy thì cũng phải soạn thảo hoàn chỉnh rồi mới trình lên cấp cao, chứ không phải tiện đâu dâng đấy được. Nếu vua Đồng Khánh không chết sớm thì mấy chữ “Đồng Khánh sắc chế ngự lãm…” sẽ được hiểu là “vua Đồng Khánh sai làm và đích thân ngự lãm”, nhưng vì lý do nói trên, nên hiều là: Vua Đồng Khánh sai làm để ngự lãm (hoặc là… để vua ngự lãm). Hiểu (và dịch) thêm một chữ để thì mới khỏi hiểu lầm và hợp với thực tế: vua Đồng Khánh sai làm để xem, nhưng có thể chưa kịp xem. Toàn bộ ĐKĐD chỉ có thể hoàn thành sớm nhất là trong những năm đầu đời Thành Thái. Các chứng cớ chữ huý trên văn bản cũng cho thấy điều đó, như:
- Thôn Hội Vũ (會 武), tên cũ là thôn Chiêu Hội (@ @) sau năm 1890 kiêng chữ Chiêu @ (tên huý vua Thành Thái Nguyễn Phúc Chiêu) (x. NCCH, tr.159), đổi là thôn Hội Vũ.
- Thôn và xã Quang Chiêm (光 瞻): Từ đời Đồng Khánh trở về trước là xã Quang Chiêu (光 昭); sau năm 1890 kiêng huý vua Thành Thái đổi là Quang Chiêm. Văn bản ĐKĐD (T.14, Nghệ An tỉnh) tại vị trí này đã đổi thành Quang Chiêm. - Tổng Chân Lại huyện Tứ Kỳ phủ Ninh Giang chữ Chân 真 (đồng âm với chữ Chân, tên húy của cha vua Thành Thái) (膺 真) Ưng Chận, NCCH, tr.159) được chép bớt 1 nét bên phải 真  -> 真 (bớt 1 nét bên phải)
- Hoàng tử Trần Quốc Chẩn (陳 國 (王真)): Chữ Chẩn (王真) có thiên bàng chữ Chân (真),được chép bỏ phần trên, thành giống như chữ Kỳ (王真=>琪).
(Nhiều nơi khác chữ Chân Chiêu lại được viết nguyên dạng).
Điều đó cho thấy rằng bộ ĐKĐD được vua Đồng Khánh sai làm từ tháng 5-1887 và được hoàn thành trong khoảng thời gian từ đó cho đến mấy năm đầu đời Thành Thái.
3. Nói riêng đối với việc nghiên cứu địa danh Việt Nam, có thể coi ĐKĐD là một đầu cầu rất quan trọng. Những ai quan tâm đến đề tài này đều dễ nhận ra một điều là: các sách Đại dư chí trong di sản của chúng ta phần nhiều chỉ ghi đến cấp huyện. Những sách địa phương chí toàn quốc (hoặc miền) mà có ghi hệ thống địa danh đến cấp xã thôn thì vẻn vẹn chỉ có mấy cuốn. Cổ nhất mà văn bản hiện còn thì có Ô Châu cận lục của Dương Văn An cho ta một hệ thống địa danh đời Mạc của miền đất ngày nay thuộc ba tỉnh Bình Trị Thiên. Cả Lê sơ, Lê Trung hưng và triều Tây Sơn không có cuốn nào. Triều Nguyễn có cuốn Các trấn tổng xã danh bị lãm: tuy không phải là một sách Địa dư chí thực thụ, nhưng sách này cho ta một hệ thống địa danh hoàn chỉnh của các phủ huyện từ Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh) trở ra. Kế đến là Bắc Thành địa dư chí của Lê Chất cho ta địa danh của các tỉnh Bắc Thành đời Minh Mệnh. Rồi đến ĐKĐD. Tất cả chỉ có như vậy. Và tất nhiên chúng ta hiểu rõ những sách đó thật quan trọng trong vai trò làm bàn đạp để một mặt ngược dòng thời gian tìm đến các lớp địa danh triều Nguyễn và lên trước nữa; mặt khác, từ ĐKĐD chúng ta có điều kiện tiếp cận với các lớp địa danh hiện đại vào những năm đầu thế kỷ XX, khi bắt đầu có những bản đồ toàn quốc bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.
3. Trong khi chưa lập đủ bảng tập hợp tất cả 26 tỉnh xuất phát từ hệ thống địa danh của ĐKĐD, chúng tôi kèm theo báo cáo này một bản thống kê tên xã thôn thuộc một tỉnh (Hải Dương cũ, bao gồm một số huyện xã của TP Hải Phòng nay) thay đổi vì lý do kiêng huý triều Nguyễn.
Qua thống kê này có thể nêu lên một số nhận xét như sau:
a/ Trong tổng số 115 tên xã thôn thay đổi trong triều Nguyễn, số thay đổi vì lý do kiêng huý là 72 trường hợp, chiếm tỷ lệ 63%. Tỷ lệ đó có thể lên xuống đối với cá tỉnh khác, nhưng qua đó cho chúng ta thấy có sự thuận lợi rất lớn trong việc vận dụng bảng chữ huý để nhận diện tên xã thôn thay đổi qua từng lớp địa danh.
b/ Trong số 72 xã thôn đổi tên vì lý do kiêng huý triều Nguyễn, thì:
- Số thay đổi vào đời Gia Long là ít nhất (1 chữ, 3 xã thôn) - Số 1-3 trong TKê.
- Số thay đổi vào đời Minh Mệnh nhiều hơn đời Gia Long chút ít (2 chữ, 4 xã thôn) Số 4-7 trong TKê.
- Số thay đổi vào đời Thiệu Trị là nhiều nhất (5 chữ, 34 xã thôn), chiếm đến gần 50% số xã thôn đổi tên. Điều này cũng phù hợp với nhận xét chung là lệ kiêng huý ở đời Thiệu Trị là phức tạp nhất. Số 8-42.
- Số thay đổi vào đời Tự Đức ít hơn đời Thiệu Trị, chiếm khoảng 30% trường hợp đổi tên vì kiêng huý. Số 43-67.
c/ Trong số thay đổi vì lý do khác, chúng ta có thể nhận ra một số trường hợp đổi tên vì lý do tu từ, như Máu Bộ (血(trên)卯(dưới) 部) đổi thành Châu Bộ (朱 部), Ỷ Khê 猗 溪 đổi thành Nha Khê (牙 溪); Thạch Cốt (石 骨) đổi làm Thạch Hào (石 豪) v.v… Nguyên nhân có nhiều, nhưng có đặc điểm chung là hầu hết người ta chỉ đổi một chữ, còn một chữ vẫn được giữ lại trong tên mới. Điều đó tạo một thuận lợi rất đáng kể cho người nghiên cứu xác định địa danh: Trong một vùng hẹp cùng huyện cùng tổng mà các xã liền kề phần lớn đã biết, thì việc nhận diện một xã thôn chỉ đổi khác 1 trong hai chữ là có thể xác định được. Cũng có trường hợp đổi hẳn cả hai chữ như Nam Triệu (南 兆) đổi thành Đường Sơn (堂 山), nhưng loại này tương đối ít gặp.
Trên đây là kết quả bước đầu của chúng tôi trong việc xuất phát từ hệ thống địa danh của ĐKĐD, vận dụng chìa khoá chữ huý để bóc tách và so sánh các lớp địa danh triều Nguyễn.
Chú thích:
1. Muriel Texier – Le mandarinat au Vietnam au XIX siècle BSEI, NS, XXXVII, 3-1962.- Dẫn theo: R.B. Smith: Sino – Vietnamese sources for the Nguyen period: anintroduction. Bulletin of the School of Orientan and Afican Studies, University of London. Vol. XXX. Part. 3, 1967. Bản dịch của Đỗ Văn Anh. S. Thư viện tập san, số 16-17, 1972.

THỐNG KÊ TÊN XÃ THÔN THUỘC TỈNH HẢI DƯƠNG
THAY ĐỔI VÌ LÝ DO KIÊNG HUÝ TRIỀU NGUYỄN
(ĐKĐD: Đồng Khánh địa dư chí)
(BTĐDC: Bắc Thành địa dư chí)
(CTTX: Các trấn tổng xã danh bị lãm)

TT
Chữ huý
Đd Đồng Khánh & Tự Đức (ĐKĐD)
Đ d Minh Mệnh
(BTĐD)
Đ d Gia Long
(CTTX)
1
LAN
Kim Quan
Kim Quan
Kim Quan/ < -- Lan
2
LAN
Quan Đình
Quan Đình
Quan Đình/ < -- Lan
3
LAN
Quan Khê
Quan Khê
Quan Khê/ < -- Lan
4
ĐẢM
Cổ Chẩm
Cổ Chẩm
Cổ Đam
5
CẢO
Nhật Tảo
Nhật Cảo
Nhật Cảo
6
CẢO
Lệ Tảo
Lệ Bạo
Lệ Cảo
7
CAN
Hu Trì
Cán Trì
Can Trì
8
HOA
Lương Đường
Hoa Đường
Hoa Đường
9
HOA
Phương Khê
Hoa Khê
Hoa Khê
10
HOA
Lai Phương Thượng
Lai Hoa Thượng
Lao Hoa Thượng
11
HOA
Lai Phương Hạ
Lai Hoa Hạ
Lai Hoa Hạ
12
HOA
Phương Đôi
Hoa Đôi
Hoa Đôi
13
HOA
Phương Điếm
Hoa Điếm
Hoa Điếm
14
HOA
Phương Bằng
Hoa Bằng
Hoa Bằng
15
HOA
Phương Xá
Hoa Xá
Hoa Xá
16
HOA
Phương Đường
Hoa Đường
Hoa Đường
17
HOA
Đông Phương
Đông Hoa
Đông Hoa
18
HOA
Phương Khê
Hoa Khê
Hoa Khê
19
HOA
Ngọc Chử
Hoa Chử
Hoa Chử
20
HOA
Phương Duệ
Hoa Duệ
Hoa Duệ
21
HOA
Phương Khê
Hoa Khê
Hoa Khê
22
HOA
Kiến Phong
Hoa Phong
Hoa Phong
23
HOA
Phương Quất
Hoa Quất
Hoa Quất
24
HOA
Phương Lưu
Hoa Lưu
Hoa Lưu
25
HOA
Phương Lăng
Hoa Lăng
Hoa Lăng
26
HOA
Phương Mỹ
Hoa Chương
Hoa Chương
27
TÔNG
Thị Tranh
Tông Tranh
Tông Tranh
28
TÔNG
Thị Đức
Tông Đức
Tông Đức
29
THỰC
Bảo Tượng
Thực Tượng
Thực Tượng
30
THỰC
Lạc Nghiệp
Lạc Thực
Lạc Thực
31
THỰC
Trực Trang
Thực Trang
Thực Trạng
32
TRIỀN
Lý Đông
Triền Đông
Triền Đông
33
TRIỀN
Lý Đổ
Triền Đổ
Triền Đổ
34
TRIỀN
Phạm Lý
Phạm Triền
Phạm Triền
35
TRIỀN
Lý Dương
Triền Dương
Triền Dương
36
TRIỀN
Hán Lý
Hán Triền
Hán Triền
37
TRIỀN
Anh Lý
An Triền
An Triền
38
TRIỀN
Vạn Hoạch
Vạn Tuyển
Vạn Tuyển
39
TUYỀN
Lãng Xuyên
Chương Tuyền
Chương Tuyền
40
TUYỀN
Ngọc Uyên
Ngọc Tuyền
Ngọc Tuyền
41
TUYỀN
Kim Xuyên
Kim Tuyền
Kim Tuyền
42
TUYỀN
Xuyên Đông
Tuyền Đông
Tuyền Đông
43
CHƯƠNG
Mậu Công
Chương Công
Chương Công
44
CHƯƠNG
Khuê Phương
Khuê Chương
Khuê Chương
45
HỒNG
Thanh Lục
Hồng Lục
Hồng Lục
46
HỒNG
Đông Lục
Đông Hồng Lục
Đông Hồng Lục
47
HỒNG
Lạc Thị
Hồng Thị
Hồng Thị
48
HỒNG
La Giang
La Hồng
La Hồng
49
THÌ
Tuyển Cử
Thì Cử
Thì Cử
50
THÌ
Hiếu Hội
Hảo Thì
Hảo Thì
51
THÌ
Mỹ Ngọc
Thì Ngọc
Thì Ngọc
52
THÌ
Thịnh Vạn
Thì Vạn
Thì Vạn
53
THÌ
Hoà Ung
Thì Ung
Thì Ung
54
ĐOAN
Thụy Trang
Đoan Trang
Đoan Trang
55
ĐOAN
Thụy Xuyên
Đoan Xuyên
Đoan Xuyên
56
KÍNH
Dương Nham
Kính Chủ
Kính Chủ
57
THIÊN
Đại Lộc
Thiên Lộc
Thiên Lộc
58
VƯƠNG
An Xá
Vương Xá
Vương Xá
59
NGUYỄN
Thọ Xuyên
Nguyễn Xuyên
Nguyễn Xuyên
60
NGUYỄN
Tứ Xá
Nguyễn Xá
Nguyễn Xá
61
NGUYỄN
Cẩm Khê
Nguyễn Khê
Nguyễn Khê
62
NGUYỄN
Linh Xá
Nguyễn Xá
Nguyễn Xá
63
NGUYỄN
Phúc Giới
Nguyễn Xá
Nguyễn Xá
64
NGUYỄN
Vĩnh Xuyên
Nguyễn Xuyên
Nguyễn Xuyên
65
NGUYỄN
Mỹ Xá
Nguyễn Xá
Nguyễn Xá
66
NGUYỄN
Vụ Nông
Bắc Nguyễn
Bắc Nguyễn
67
NGUYỄN
Vụ Bản
Nguyễn Xá
Nguyễn Xá
68
BÌNH
Bằng Trai
Bình Tề
Bình Tề
69
BÌNH
Bằng Đê
Bình Đê
Bình Đê
70
BÌNH
Bằng Cách
Bình Cách
Bình Cách
71
BÌNH
Bằng Dã
Bình Dã
Bình Dã
72
BÌNH
Bằng Quân
Bình Quân
Bình Quân
Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.399-410)

No comments:

Post a Comment