Gắng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
There are no translations available.
Tôi được giao nhiệm vụ biên tập các bản thảo gửi đến Tạp chí Địa chất đã được 20 năm nay (từ 1986, Phó Tổng biên tập). Ngay từ những tháng ngày đầu làm công việc này, trong tôi luôn vang lên câu nói mang tính kêu gọi của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Hãy gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt!". Trong hai mươi năm qua, tôi luôn cảm thấy tính thời sự, cũng như tính cấp thiết của lời kêu gọi này, ngay cả đến ngày nay, khi đã hình thành một thế hệ chuyên gia địa chất trẻ được đào tạo cẩn thận, đã trưởng thành và dần nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nghiên cứu địa chất và điều tra khoáng sản ở nước ta. Nhưng các bản thảo gửi đến Tạp chí vẫn có nhiều điều phải nói đến, để sao cho Tạp chí ta luôn đi theo lời kêu gọi của Cố Thủ tướng.
I. Hãy tránh viết giọng văn dịch
Có lẽ do được đào tạo ở nước ngoài, hoặc đọc sách báo ngoại ngữ nhiều, lời văn ở bản thảo của một số tác giả do chính tác giả viết ra, diễn đạt một ý của chính mình, mà cứ như là dịch từ lời văn của người nước ngoài. Có thể lấy ví dụ: "Các phần của đứt gãy mà nó được phát triển trong pha thứ nhất…"; có lẽ tôi phải lấy danh dự ra mà đảm bảo là tôi đã trích dẫn nguyên si, thì các bạn mới tin là có tác giả đã viết như vậy. Cái đoạn "mà nó được phát triển" sao mà nặng nề và "tây" đến thế? Nó làm ta liên tưởng ngay đến cách viết: "that was developed…". Phổ biến hơn, các tác giả thường viết tính động từ đi kèm với từ "được" làm cho câu văn rất nặng, ví dụ như: "các mặt cắt lấy mẫu được phân bố dọc theo quốc lộ 6…", "sự nâng lên của khối này được xảy ra…", "đá bazan được lộ ra…", "bản đồ được thành lập bởi…", v.v. Dân ta vẫn thường nói: "Thịt bò ăn ngon quá!". Tất nhiên, ai cũng hiểu là chúng ta ăn thịt bò, và thịt bò được chúng ta ăn, nhưng các bạn xem, chẳng có ai nói là: "Thịt bò được ăn ngon quá!", càng không có ai nói: "Thịt bò được ăn bởi vợ tôi!". Có lẽ phải sang hay mới được nghe cách nói như vậy. Nếu chúng ta viết: "các mặt cắt lấy mẫu phân bố dọc theo quốc lộ 6…" hay "đá bazan lộ ra…", v.v. thì có đưa đến hiểu lầm gì đâu nhỉ? Mà câu văn rất thoát. Thêm nữa, ta nên quen với cách viết: "bản đồ do X và nnk. thành lập…", "phương pháp do Nagibian đưa ra…", chứ không nên viết: "bản đồ được thành lập bởi X và nnk.…", hay "phương pháp được đưa ra bởi Nagibian…". Về nghĩa không có gì khác nhau, nhưng câu văn kiểu thứ hai rất "tây" và nặng nề lắm. Đấy là giọng văn dịch, và là dịch vụng.
Ngoài ra, một vài thuật ngữ nước ngoài có nhiều nghĩa quốc ngữ, nhưng người viết chỉ dùng có một nghĩa, nên đưa đến các trường hợp rất sái. Ví dụ như một số tác giả rất hay dùng từ "lãnh thổ" không đúng chỗ, như "lãnh thổ Nam Trung Bộ", thậm chí " trong lãnh thổ tỉnh Điện Biên". Về trường hợp này, có lẽ các tác giả đó đã hiểu "territory" chỉ có một nghĩa là "lãnh thổ"; nhưng theo Từ điển Anh-Việt [5], "territory" có 2 nhóm nghĩa: 1) đất đai, địa hạt, lãnh thổ; 2) khu vực, vùng, miền. Như vậy, phải viết là: "miền " và "trong địa phận tỉnh Điện Biên" thì mới thích hợp. Vì theo Từ điển tiếng Việt [2], "lãnh thổ" là "đất đai thuộc chủ quyền của một nước". Việc hiểu theo một nghĩa làm ta lại nhớ đến một thời, có một số người ở nước ta hiểu (hay cố tình hiểu) "academy" chỉ có một nghĩa là "viện hàn lâm", mà báo chí đã từng nói đến nhiều. Nếu bạn đến số 7, Lý Thường Kiệt, Hà Nội sẽ thấy Học viện Tài chính có tên tiếng Anh là "Academy of Finance", mà ở đó chắc là chẳng có "Viện sĩ" nào. Khi ta dùng từ gì, nếu có chút ngờ ngợ, nên tìm hiểu kỹ nghĩa của từ đó trong các từ điển.
II. Hãy quan tâm tới văn phạm
Không hiểu sao, trong khoảng vài năm gần đây, một vài tác giả hay dùng một cách viết rất sai văn phạm, kể cả trong các nhật báo phổ thông. Đó là cách viết "Dựa vào các kết quả phân tích cho thấy…"! Hoặc là "Qua quan hệ địa tầng vừa trình bày cho thấy…"! Cái gì cho thấy? Rõ ràng là "các kết quả phân tích" hay "quan hệ địa tầng" không thể đóng vai trò chủ ngữ của "cho thấy", vì nó đã đứng sau và phụ thuộc "dựa vào" và "qua" để tạo nên một mệnh đề phụ cho câu. Tại sao lại không viết một cách đơn giản: "Các kết quả phân tích cho thấy…" và "Quan hệ địa tầng vừa trình bày cho thấy…"; hay là "Dựa vào các kết quả phân tích, ta thấy…" và "Qua quan hệ địa tầng vừa trình bày, ta thấy…", thì câu văn sẽ không có gì sai phạm. Tôi cho là trong trường hợp này, người viết đã không quan tâm tới vấn đề văn phạm của câu mình viết ra.
Cũng gần đây, thường xuất hiện cách viết kiểu này: "Trong vùng X lộ ra hai khối magma. Trong đó, khối nằm ở phía nam có thành phần axit". Cái dấu chấm đứng trước "Trong đó" sao mà vô duyên thế! Các bạn cứ thử đọc lại riêng một câu thứ hai, thì thấy nó rất cụt. Thực ra, đó chỉ là một câu "Trong vùng X lộ ra hai khối magma, trong đó khối nằm ở phía nam có thành phần axit", và "trong đó" là một liên từ thường không được dùng để mở đầu một câu, khác với "tuy nhiên", "tuy vậy", "nhưng"… Việc thay đổi một dấu ngắt trong câu cũng có ý nghĩa quan trọng, không nên xem thường.
Một số tác giả viết hoa một số từ chưa được đúng luật của quốc ngữ. Từ khi còn ngồi ghế nhà trường, chúng ta đã được dạy là chỉ có tên người và địa danh phải viết hoa toàn bộ, còn các loại tên khác chỉ viết hoa từ thứ nhất; ví dụ tên các cấp phân loại động vật: Tay cuộn, Bọ ba thuỳ,…; tên các cấp phân loại địa tầng: Cổ sinh, Trung sinh,…; tên các thiên thể: Thiên vương tinh, Mộc tinh, Trái đất,…; tên các tổ chức: (Bộ) Tài chính, (Tổng cục) Thống kê,… Tuy nhiên, vẫn có tác giả viết: "Đệ Tam, Đệ Tứ, Trái Đất",… Một số tác giả còn viết hoa cả các phương, như: "phía Đông sông Hồng, nằm ở Đông Bắc núi Ông,…". Rõ ràng các phương là danh từ chung, có phải là danh từ riêng đâu mà viết hoa? Chẳng có nước phương tây nào viết hoa các phương cả. Chỉ khi nào chúng trở thành địa danh mới viết hoa chúng, như: "miền Bắc, miền Tây Bắc Bộ, trũng Đông Phú Khánh, bể Côn Sơn…". Cả những danh từ chung khác, khi đã trở thành tên riêng cũng phải viết hoa, như: "đứt gãy Sông Hồng, khối granit Núi Pháo, khối nâng Núi Con Voi…". Đôi khi, có tác giả còn viết hoa cả các ký hiệu đã được quy định rõ ràng và dạy từ cấp tiểu học, như kilomet (km) cứ viết tắt là "Km".
Vất vả nhất đối với việc sửa bản thảo là việc sửa cách viết số lẻ, nhất là khi bài báo đưa ra các bảng thống kê dài dằng dặc. Theo kiến thức phổ thông thì dấu chấm dùng để biểu thị hàng nghìn và dấu phẩy để thể hiện số lẻ, ví dụ: bản đồ tỷ lệ 1:50.000, hay bán kính Trái đất ở xích đạo là 6.378,25 km. Đây là cách viết của các nước thuộc hệ ngôn ngữ Rôman. Nhưng ở các nước Anh, Mỹ thì ngược lại: dấu phẩy biểu thị hàng nghìn, còn dấu chấm để thể hiện số lẻ. Cho đến nay, theo truyền thống, nước ta vẫn dùng cách thứ nhất, thì các cá nhân đừng tự tiện thay đổi nề nếp chung, có thể dẫn đến hiểu lầm, mất chính xác không đáng có. Và chúng tôi phải sửa từng con số, vất vả lắm.
Về việc dùng i và y, gần đây có từ điển chủ trương dùng thống nhất i, trừ trường hợp đứng trong các vần -yên, -yết, -yêu (ví dụ, Từ điển Việt-Pháp của Lê Khả Kế và Nguyễn Lân [3]). Tất nhiên, khi đã viết "mì sợi, mí mắt" mà lại viết "mỹ nhân, mỹ thuật", hay viết "ti hí, tí ti" mà lại viết "tỷ lệ, tỷ trọng" thì thiếu tính thống nhất quá. Tuy nhiên, cuốn từ điển nói trên vẫn giữ cách viết "y nguyên, ý nghĩa", có lẽ do nếu viết là "i nguyên, í nghĩa" trông cộc quá. Như vậy, cách làm này vẫn chỉ là quy ước. Trong hoàn cảnh hiện nay, Nhà nước chưa đưa ra quy định gì về vấn đề này, nên chúng tôi vẫn giữ cách viết cũ, nghĩa là vẫn để "tỷ lệ bản đồ, lý thuyết kiến tạo,…". Đáng chú ý là các từ vần -uy không có gì thay đổi, kể cả trong từ điển kể trên. Cách viết "qui hoạch, đá quí,…" chúng tôi coi là không thuận và phải sửa là "quy hoạch, đá quý".
Về địa danh, có thể nói là hiện nay trên các báo và cả trên mặt tivi còn viết rất lung tung, và Tạp chí Địa chính đang mở cuộc thảo luận nhằm đi đến một phương án viết thống nhất để đề nghị lên các cơ quan có thẩm quyền. Quan điểm của cá nhân tôi là các địa danh trên lãnh thổ Việt phải viết theo luật của chữ quốc ngữ; điều đó thể hiện chủ quyền của nước ta đối với vùng đất đó [7]. Không nên để một cái xã mà người dân gọi là Ya Mơ lại viết là "Ya Meur", viết như thế này đọc theo quốc ngữ không phải là Ya Mơ. Cũng như không nên lo tài nguyên của một tỉnh bị "cạn kiệt" mà viết tên tỉnh đó là "Bắc Kạn".
Trong tóm tắt tiếng Anh của bài báo, không hiểu sao khi viết tên riêng của mình và địa danh, các tác giả cứ bỏ hết cả dấu thanh. Trong quốc ngữ, dấu là một hợp phần không thể thiếu của một từ, vì nếu thay dấu thì từ đó thay đổi nghĩa hoàn toàn. "Ngô" đang là thứ ăn được mà thêm dấu sắc vào thì thành "ngố" ngay. Báo Việt Nam News, cơ quan chính thức của Nhà nước ta, luôn viết tên người và địa danh Việt đủ dấu. Tên của anh em trẻ chưa quen biết lắm trên mặt báo, hay địa danh các vùng sâu, vùng xa mà bỏ dấu đi thì rất khó nhận biết được tên thực, ví dụ: cô Uông Thị Đại, hay đảo Hòn Trứng Lớn mà viết bỏ dấu đi thì có Trời mà đoán được tên thật là gì!
III. Hãy cố gắng dùng tiếng Việt trong những trường hợp có thể
Việc mượn các thuật ngữ nước ngoài trong khoa học là chuyện khó tránh, nếu không muốn nói là "bất khả". Ngay các nước thuộc khối Anh ngữ cũng mượn "melange" (thể xáo trộn), "en echelon" (dạng bậc thang) của tiếng Pháp, và các nước thuộc khối Pháp ngữ cũng mượn "dyke" (thể tường) của tiếng Anh. Thế nhưng, đối với chúng ta là dân một nước phương đông, rất nên hạn chế việc này, và nếu bất đắc dĩ phải dùng cũng cần phải chuyển sang dạng viết của quốc ngữ theo nguyên tắc viết thế nào, đọc thế nấy, nghĩa là bỏ các nguyên âm và phụ âm câm (không đọc đến), ví dụ: granit, anđesit. Không nên bê nguyên si cách viết của nước ngoài (granite, andesite) vào (theo quy định của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trong các Quy chế đo vẽ bản đồ địa chất [1]). Vả lại, các thuật ngữ phải vay mượn nên hạn chế ở phạm vi khoáng vật, thạch học, vì chúng thường có gốc từ những từ ngữ, như La Mã, Hy Lạp, là ngôn ngữ gốc của quốc ngữ một số nước thuộc nhóm ngôn ngữ Rôman khá phổ biến ở Tây Âu.
Gần đây, tác giả các bài viết về động đất thường hay sử dụng nguyên si thuật ngữ "magnitude", mà thay vào đó, có tác giả dùng thuật ngữ quốc ngữ là "chấn cấp", "cấp độ" hay "cấp độ mạnh". Thuật ngữ này, theo từ điển Larousse, bắt nguồn từ tiếng Latinh "magnitudo" là "độ lớn". Theo chúng tôi, hoàn toàn có thể thay nó bằng một thuật ngữ quốc ngữ tương đương, và trong 3 phương án quốc ngữ kể trên nên dùng "chấn cấp", tức là "cấp độ chấn động", vì nếu dùng "cấp độ" thì chung chung quá, và "cấp độ mạnh" thì trùng nghĩa với "cường độ" (intensity), không phải là "magnitude" nữa.
Các tác giả viết về khoáng sản lại hay dùng cụm từ "các đai mạch". Từ "đai" ở đây là để phiên thuật ngữ "dyke", nhưng từ này ở Từ điển Anh–Việt Các khoa học Trái đất [4] cho 2 thuật ngữ tương đương là "thể tường, đaikơ". Tất nhiên, phiên là "đaikơ" không hợp lý, vì chữ -e cuối cùng là nguyên âm câm, ở các từ khác đã bị bỏ (như granit, ryolit [6]). Vậy thì chỉ còn cách dùng "thể tường, đaik", chứ nếu viết là "đai" thì trùng với một khái niệm khác, tương đương với "belt" (cấu trúc dạng dải kéo dài), như "đai Thái Bình Dương". Theo chúng tôi, nên dùng "thể tường".
IV. Đôi điều cần chú ý trong bản thảo
Như các bạn đã biết, bài báo gửi Tạp chí Địa chất bao giờ cũng phải có một tóm tắt nội dung bài báo. Tóm tắt này phải trình bày ngắn gọn những nội dung chính của bài báo, nhưng một số tác giả lại chỉ viết dưới dạng giới thiệu sơ lược, như: "Bài báo mô tả những tai biến địa chất xảy ra dọc sông Hồng ở đoạn phía nam Việt Trì và đề ra những biện pháp phòng tránh." Các tai biến đó gồm có những loại gì, các biện pháp phòng tránh như thế nào, nhất thiết phải trình bày ngắn gọn trong Tóm tắt. Tóm tắt bằng ngoại ngữ để ở cuối bài chính là bản dịch của Tóm tắt tiếng Việt ở đầu bài. Vậy, muốn cho đồng nghiệp nước ngoài biết nội dung công trình của mình, hãy viết tóm tắt đầy đủ như đề nghị bên trên.
Cuối bài báo, Tạp chí yêu cầu các tác giả lập danh sách Văn liệu tham khảo. Thời gian qua, chúng tôi khá vất vả trong việc hiệu đính mục này, do các tác giả không chú ý cách lập Văn liệu của Tạp chí Địa chất. Rất mong các tác giả chú ý các điều sau: 1) Chỉ đưa các văn liệu đã tham khảo và trích dẫn trong bài báo; 2) Xếp các văn liệu theo thứ tự chữ cái của họtác giả, hay họ tác giả đầu tiên trong tập thể tác giả (đừng xếp theo thứ tự của tên tác giả). Còn nội dung và cách diễn đạt từng văn liệu, xin tham khảo mục Văn liệu của bài báo này.
Chúng tôi cũng muốn lưu ý các tác giả là, khi các bạn đã gửi bản thảo của mình cho một xuất bản phẩm khác, xin đừng gửi tiếp cho chúng tôi. Đôi khi vì sơ xuất, không biết bài đó đã được đăng ở chỗ khác rồi, Uỷ viên biên tập của chúng tôi duyệt cho đăng bài đó và chúng tôi đăng, vô tình phạm lỗi. Xin tránh cho chúng tôi điều này.
Lời kết
Nhìn chung, trong thời gian qua, Tạp chí Địa chất đã ra mắt độc giả được đều đặn, với nội dung có chất lượng cao và hình thức đứng đắn của một tạp chí khoa học, được Cục Báo chí thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin đánh giá cao. Có được điều đó, nhất định phải có sự cộng tác nhiệt tình và tín nhiệm của các nhà địa chất nước ta, gửi bài đều đặn cho Tạp chí, và mạng lưới Biên tập viên có trình độ chuyên môn sâu hoạt động trong Ban biên tập của Tạp chí. Bài báo của tôi cũng chỉ là một sự rút kinh nghiệm nội bộ giữa người làm báo và người viết, với lòng mong muốn chung là ngày càng nâng cao chất lượng và uy tín của Tạp chí. Rất mong được sự quan tâm của các bạn có bài gửi đến Tạp chí.
VĂN LIỆU
- Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (2001). Quy chế tạm thời về lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Bộ Công nghiệp, Hà Nội, 184 trang.
- Hoàng Phê (chủ biên, 1998). Từ điển tiếng Việt. Viện Ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng, 1130 trang.
- Lê Khả Kế, Nguyễn Lân (2001). Từ điển Việt–Pháp. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1280 trang.
- Nhà xuất bản Khoa học & Kĩ thuật (1978). Từ điển Anh–Việt Các khoa học Trái đất. 678 trangg.
- Viện Ngôn ngữ học (1975). Từ điển Anh–Việt. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1960 trg.
- Vũ Khúc, Trần Văn Trị, Đào Đình Thục (1993). Tiến tới ổn định cách phiên thuật ngữ nước ngoài trong địa chất học. Tạp chí Địa chất, A/214-215, trang 51–58.
- Vũ Khúc (2005). Viết địa danh ở nước ta vẫn còn nhiều lộn xộn. Tạp chí Địa chính, 3/2005, trang 45–51.
Vũ Khúc
Nguồn: http://ngonngu.net/index.php?p=333