Thursday, 14 June 2012

Gắng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (Vũ Khúc)

Gắng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

E-mailPrint
There are no translations available.

 
Tôi được giao nhiệm vụ biên tập các bản thảo gửi đến Tạp chí Địa chất đã được 20 năm nay (từ 1986, Phó Tổng biên tập). Ngay từ những tháng ngày đầu làm công việc này, trong tôi luôn vang lên câu nói mang tính kêu gọi của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Hãy gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt!". Trong hai mươi năm qua, tôi luôn cảm thấy tính thời sự, cũng như tính cấp thiết của lời kêu gọi này, ngay cả đến ngày nay, khi đã hình thành một thế hệ chuyên gia địa chất trẻ được đào tạo cẩn thận, đã trưởng thành và dần nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nghiên cứu địa chất và điều tra khoáng sản ở nước ta. Nhưng các bản thảo gửi đến Tạp chí vẫn có nhiều điều phải nói đến, để sao cho Tạp chí ta luôn đi theo lời kêu gọi của Cố Thủ tướng.

I. Hãy tránh viết giọng văn dịch

Có lẽ do được đào tạo ở nước ngoài, hoặc đọc sách báo ngoại ngữ nhiều, lời văn ở bản thảo của một số tác giả do chính tác giả viết ra, diễn đạt một ý của chính mình, mà cứ như là dịch từ lời văn của người nước ngoài. Có thể lấy ví dụ: "Các phần của đứt gãy mà nó được phát triển trong pha thứ nhất…"; có lẽ tôi phải lấy danh dự ra mà đảm bảo là tôi đã trích dẫn nguyên si, thì các bạn mới tin là có tác giả đã viết như vậy. Cái đoạn "mà nó được phát triển" sao mà nặng nề và "tây" đến thế? Nó làm ta liên tưởng ngay đến cách viết: "that was developed…". Phổ biến hơn, các tác giả thường viết tính động từ đi kèm với từ "được" làm cho câu văn rất nặng, ví dụ như: "các mặt cắt lấy mẫu được phân bố dọc theo quốc lộ 6…", "sự nâng lên của khối này được xảy ra…", "đá bazan được lộ ra…", "bản đồ được thành lập bởi…", v.v. Dân ta vẫn thường nói: "Thịt bò ăn ngon quá!". Tất nhiên, ai cũng hiểu là chúng ta ăn thịt bò, và thịt bò được chúng ta ăn, nhưng các bạn xem, chẳng có ai nói là: "Thịt bò được ăn ngon quá!", càng không có ai nói: "Thịt bò được ăn bởi vợ tôi!". Có lẽ phải sang hay mới được nghe cách nói như vậy. Nếu chúng ta viết: "các mặt cắt lấy mẫu phân bố dọc theo quốc lộ 6…" hay "đá bazan lộ ra…", v.v. thì có đưa đến hiểu lầm gì đâu nhỉ? Mà câu văn rất thoát. Thêm nữa, ta nên quen với cách viết: "bản đồ do X và nnk. thành lập…", "phương pháp do Nagibian đưa ra…", chứ không nên viết: "bản đồ được thành lập bởi X và nnk.…", hay "phương pháp được đưa ra bởi Nagibian…". Về nghĩa không có gì khác nhau, nhưng câu văn kiểu thứ hai rất "tây" và nặng nề lắm. Đấy là giọng văn dịch, và là dịch vụng.
Ngoài ra, một vài thuật ngữ nước ngoài có nhiều nghĩa quốc ngữ, nhưng người viết chỉ dùng có một nghĩa, nên đưa đến các trường hợp rất sái. Ví dụ như một số tác giả rất hay dùng từ "lãnh thổ" không đúng chỗ, như "lãnh thổ Nam Trung Bộ", thậm chí " trong lãnh thổ tỉnh Điện Biên". Về trường hợp này, có lẽ các tác giả đó đã hiểu "territory" chỉ có một nghĩa là "lãnh thổ"; nhưng theo Từ điển Anh-Việt [5], "territory" có 2 nhóm nghĩa: 1) đất đai, địa hạt, lãnh thổ; 2) khu vực, vùng, miền. Như vậy, phải viết là: "miền " và "trong địa phận tỉnh Điện Biên" thì mới thích hợp. Vì theo Từ điển tiếng Việt [2], "lãnh thổ" là "đất đai thuộc chủ quyền của một nước". Việc hiểu theo một nghĩa làm ta lại nhớ đến một thời, có một số người ở nước ta hiểu (hay cố tình hiểu) "academy" chỉ có một nghĩa là "viện hàn lâm", mà báo chí đã từng nói đến nhiều. Nếu bạn đến số 7, Lý Thường Kiệt, Hà Nội sẽ thấy Học viện Tài chính có tên tiếng Anh là "Academy of Finance", mà ở đó chắc là chẳng có "Viện sĩ" nào. Khi ta dùng từ gì, nếu có chút ngờ ngợ, nên tìm hiểu kỹ nghĩa của từ đó trong các từ điển.

II. Hãy quan tâm tới văn phạm

Không hiểu sao, trong khoảng vài năm gần đây, một vài tác giả hay dùng một cách viết rất sai văn phạm, kể cả trong các nhật báo phổ thông. Đó là cách viết "Dựa vào các kết quả phân tích cho thấy…"! Hoặc là "Qua quan hệ địa tầng vừa trình bày cho thấy…"! Cái gì cho thấy? Rõ ràng là "các kết quả phân tích" hay "quan hệ địa tầng" không thể đóng vai trò chủ ngữ của "cho thấy", vì nó đã đứng sau và phụ thuộc "dựa vào" và "qua" để tạo nên một mệnh đề phụ cho câu. Tại sao lại không viết một cách đơn giản: "Các kết quả phân tích cho thấy…" và "Quan hệ địa tầng vừa trình bày cho thấy…"; hay là "Dựa vào các kết quả phân tích, ta thấy…" và "Qua quan hệ địa tầng vừa trình bày, ta thấy…", thì câu văn sẽ không có gì sai phạm. Tôi cho là trong trường hợp này, người viết đã không quan tâm tới vấn đề văn phạm của câu mình viết ra.
Cũng gần đây, thường xuất hiện cách viết kiểu này: "Trong vùng X lộ ra hai khối magma. Trong đó, khối nằm ở phía nam có thành phần axit". Cái dấu chấm đứng trước "Trong đó" sao mà vô duyên thế! Các bạn cứ thử đọc lại riêng một câu thứ hai, thì thấy nó rất cụt. Thực ra, đó chỉ là một câu "Trong vùng X lộ ra hai khối magma, trong đó khối nằm ở phía nam có thành phần axit", và "trong đó" là một liên từ thường không được dùng để mở đầu một câu, khác với "tuy nhiên", "tuy vậy", "nhưng"… Việc thay đổi một dấu ngắt trong câu cũng có ý nghĩa quan trọng, không nên xem thường.
Một số tác giả viết hoa một số từ chưa được đúng luật của quốc ngữ. Từ khi còn ngồi ghế nhà trường, chúng ta đã được dạy là chỉ có tên người và địa danh phải viết hoa toàn bộ, còn các loại tên khác chỉ viết hoa từ thứ nhất; ví dụ tên các cấp phân loại động vật: Tay cuộn, Bọ ba thuỳ,…; tên các cấp phân loại địa tầng: Cổ sinh, Trung sinh,…; tên các thiên thể: Thiên vương tinh, Mộc tinh, Trái đất,…; tên các tổ chức: (Bộ) Tài chính, (Tổng cục) Thống kê,… Tuy nhiên, vẫn có tác giả viết: "Đệ TamĐệ Tứ, Trái Đất",… Một số tác giả còn viết hoa cả các phương, như: "phía Đông sông Hồng, nằm ở Đông Bắc núi Ông,…". Rõ ràng các phương là danh từ chung, có phải là danh từ riêng đâu mà viết hoa? Chẳng có nước phương tây nào viết hoa các phương cả. Chỉ khi nào chúng trở thành địa danh mới viết hoa chúng, như: "miền Bắc, miền Tây Bắc Bộ, trũng Đông Phú Khánh, bể Côn Sơn…". Cả những danh từ chung khác, khi đã trở thành tên riêng cũng phải viết hoa, như: "đứt gãy Sông Hồng, khối granit Núi Pháo, khối nâng Núi Con Voi…". Đôi khi, có tác giả còn viết hoa cả các ký hiệu đã được quy định rõ ràng và dạy từ cấp tiểu học, như kilomet (km) cứ viết tắt là "Km".
Vất vả nhất đối với việc sửa bản thảo là việc sửa cách viết số lẻ, nhất là khi bài báo đưa ra các bảng thống kê dài dằng dặc. Theo kiến thức phổ thông thì dấu chấm dùng để biểu thị hàng nghìn và dấu phẩy để thể hiện số lẻ, ví dụ: bản đồ tỷ lệ 1:50.000, hay bán kính Trái đất ở xích đạo là 6.378,25 km. Đây là cách viết của các nước thuộc hệ ngôn ngữ Rôman. Nhưng ở các nước Anh, Mỹ thì ngược lại: dấu phẩy biểu thị hàng nghìn, còn dấu chấm để thể hiện số lẻ. Cho đến nay, theo truyền thống, nước ta vẫn dùng cách thứ nhất, thì các cá nhân đừng tự tiện thay đổi nề nếp chung, có thể dẫn đến hiểu lầm, mất chính xác không đáng có. Và chúng tôi phải sửa từng con số, vất vả lắm.
Về việc dùng i và y, gần đây có từ điển chủ trương dùng thống nhất i, trừ trường hợp đứng trong các vần -yên, -yết, -yêu (ví dụ, Từ điển Việt-Pháp của Lê Khả Kế và Nguyễn Lân [3]). Tất nhiên, khi đã viết "mì sợi, mí mắt" mà lại viết "mỹ nhân, mỹ thuật", hay viết "ti hí, tí ti" mà lại viết "tỷ lệ, tỷ trọng" thì thiếu tính thống nhất quá. Tuy nhiên, cuốn từ điển nói trên vẫn giữ cách viết "y nguyên, ý nghĩa", có lẽ do nếu viết là "i nguyên, í nghĩa" trông cộc quá. Như vậy, cách làm này vẫn chỉ là quy ước. Trong hoàn cảnh hiện nay, Nhà nước chưa đưa ra quy định gì về vấn đề này, nên chúng tôi vẫn giữ cách viết cũ, nghĩa là vẫn để "tỷ lệ bản đồ,  thuyết kiến tạo,…". Đáng chú ý là các từ vần -uy không có gì thay đổi, kể cả trong từ điển kể trên. Cách viết "qui hoạch, đá quí,…" chúng tôi coi là không thuận và phải sửa là "quy hoạch, đá quý".
Về địa danh, có thể nói là hiện nay trên các báo và cả trên mặt tivi còn viết rất lung tung, và Tạp chí Địa chính đang mở cuộc thảo luận nhằm đi đến một phương án viết thống nhất để đề nghị lên các cơ quan có thẩm quyền. Quan điểm của cá nhân tôi là các địa danh trên lãnh thổ Việt phải viết theo luật của chữ quốc ngữ; điều đó thể hiện chủ quyền của nước ta đối với vùng đất đó [7]. Không nên để một cái xã mà người dân gọi là Ya Mơ lại viết là "Ya Meur", viết như thế này đọc theo quốc ngữ không phải là Ya Mơ. Cũng như không nên lo tài nguyên của một tỉnh bị "cạn kiệt" mà viết tên tỉnh đó là "Bắc Kạn".
Trong tóm tắt tiếng Anh của bài báo, không hiểu sao khi viết tên riêng của mình và địa danh, các tác giả cứ bỏ hết cả dấu thanh. Trong quốc ngữ, dấu là một hợp phần không thể thiếu của một từ, vì nếu thay dấu thì từ đó thay đổi nghĩa hoàn toàn. "Ngô" đang là thứ ăn được mà thêm dấu sắc vào thì thành "ngố" ngay. Báo Việt Nam News, cơ quan chính thức của Nhà nước ta, luôn viết tên người và địa danh Việt đủ dấu. Tên của anh em trẻ chưa quen biết lắm trên mặt báo, hay địa danh các vùng sâu, vùng xa mà bỏ dấu đi thì rất khó nhận biết được tên thực, ví dụ: cô Uông Thị Đại, hay đảo Hòn Trứng Lớn mà viết bỏ dấu đi thì có Trời mà đoán được tên thật là gì!

III. Hãy cố gắng dùng tiếng Việt trong những trường hợp có thể

Việc mượn các thuật ngữ nước ngoài trong khoa học là chuyện khó tránh, nếu không muốn nói là "bất khả". Ngay các nước thuộc khối Anh ngữ cũng mượn "melange" (thể xáo trộn), "en echelon" (dạng bậc thang) của tiếng Pháp, và các nước thuộc khối Pháp ngữ cũng mượn "dyke" (thể tường) của tiếng Anh. Thế nhưng, đối với chúng ta là dân một nước phương đông, rất nên hạn chế việc này, và nếu bất đắc dĩ phải dùng cũng cần phải chuyển sang dạng viết của quốc ngữ theo nguyên tắc viết thế nào, đọc thế nấy, nghĩa là bỏ các nguyên âm và phụ âm câm (không đọc đến), ví dụ: granit, anđesit. Không nên bê nguyên si cách viết của nước ngoài (granite, andesite) vào (theo quy định của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trong các Quy chế đo vẽ bản đồ địa chất [1]). Vả lại, các thuật ngữ phải vay mượn nên hạn chế ở phạm vi khoáng vật, thạch học, vì chúng thường có gốc từ những từ ngữ, như La Mã, Hy Lạp, là ngôn ngữ gốc của quốc ngữ một số nước thuộc nhóm ngôn ngữ Rôman khá phổ biến ở Tây Âu.
Gần đây, tác giả các bài viết về động đất thường hay sử dụng nguyên si thuật ngữ "magnitude", mà thay vào đó, có tác giả dùng thuật ngữ quốc ngữ là "chấn cấp", "cấp độ" hay "cấp độ mạnh". Thuật ngữ này, theo từ điển Larousse, bắt nguồn từ tiếng Latinh "magnitudo" là "độ lớn". Theo chúng tôi, hoàn toàn có thể thay nó bằng một thuật ngữ quốc ngữ tương đương, và trong 3 phương án quốc ngữ kể trên nên dùng "chấn cấp", tức là "cấp độ chấn động", vì nếu dùng "cấp độ" thì chung chung quá, và "cấp độ mạnh" thì trùng nghĩa với "cường độ" (intensity), không phải là "magnitude" nữa.
Các tác giả viết về khoáng sản lại hay dùng cụm từ "các đai mạch". Từ "đai" ở đây là để phiên thuật ngữ "dyke", nhưng từ này ở Từ điển Anh–Việt Các khoa học Trái đất [4] cho 2 thuật ngữ tương đương là "thể tường, đaikơ". Tất nhiên, phiên là "đaikơ" không hợp lý, vì chữ -e cuối cùng là nguyên âm câm, ở các từ khác đã bị bỏ (như granit, ryolit [6]). Vậy thì chỉ còn cách dùng "thể tường, đaik", chứ nếu viết là "đai" thì trùng với một khái niệm khác, tương đương với "belt" (cấu trúc dạng dải kéo dài), như "đai Thái Bình Dương". Theo chúng tôi, nên dùng "thể tường".

IV. Đôi điều cần chú ý trong bản thảo

Như các bạn đã biết, bài báo gửi Tạp chí Địa chất bao giờ cũng phải có một tóm tắt nội dung bài báo. Tóm tắt này phải trình bày ngắn gọn những nội dung chính của bài báo, nhưng một số tác giả lại chỉ viết dưới dạng giới thiệu sơ lược, như: "Bài báo mô tả những tai biến địa chất xảy ra dọc sông Hồng ở đoạn phía nam Việt Trì và đề ra những biện pháp phòng tránh." Các tai biến đó gồm có những loại gì, các biện pháp phòng tránh như thế nào, nhất thiết phải trình bày ngắn gọn trong Tóm tắt. Tóm tắt bằng ngoại ngữ để ở cuối bài chính là bản dịch của Tóm tắt tiếng Việt ở đầu bài. Vậy, muốn cho đồng nghiệp nước ngoài biết nội dung công trình của mình, hãy viết tóm tắt đầy đủ như đề nghị bên trên.
Cuối bài báo, Tạp chí yêu cầu các tác giả lập danh sách Văn liệu tham khảo. Thời gian qua, chúng tôi khá vất vả trong việc hiệu đính mục này, do các tác giả không chú ý cách lập Văn liệu của Tạp chí Địa chất. Rất mong các tác giả chú ý các điều sau: 1) Chỉ đưa các văn liệu đã tham khảo và trích dẫn trong bài báo; 2) Xếp các văn liệu theo thứ tự chữ cái của họtác giả, hay họ tác giả đầu tiên trong tập thể tác giả (đừng xếp theo thứ tự của tên tác giả). Còn nội dung và cách diễn đạt từng văn liệu, xin tham khảo mục Văn liệu của bài báo này.
Chúng tôi cũng muốn lưu ý các tác giả là, khi các bạn đã gửi bản thảo của mình cho một xuất bản phẩm khác, xin đừng gửi tiếp cho chúng tôi. Đôi khi vì sơ xuất, không biết bài đó đã được đăng ở chỗ khác rồi, Uỷ viên biên tập của chúng tôi duyệt cho đăng bài đó và chúng tôi đăng, vô tình phạm lỗi. Xin tránh cho chúng tôi điều này.

Lời kết

Nhìn chung, trong thời gian qua, Tạp chí Địa chất đã ra mắt độc giả được đều đặn, với nội dung có chất lượng cao và hình thức đứng đắn của một tạp chí khoa học, được Cục Báo chí thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin đánh giá cao. Có được điều đó, nhất định phải có sự cộng tác nhiệt tình và tín nhiệm của các nhà địa chất nước ta, gửi bài đều đặn cho Tạp chí, và mạng lưới Biên tập viên có trình độ chuyên môn sâu hoạt động trong Ban biên tập của Tạp chí. Bài báo của tôi cũng chỉ là một sự rút kinh nghiệm nội bộ giữa người làm báo và người viết, với lòng mong muốn chung là ngày càng nâng cao chất lượng và uy tín của Tạp chí. Rất mong được sự quan tâm của các bạn có bài gửi đến Tạp chí.

VĂN LIỆU

  1. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (2001). Quy chế tạm thời về lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000. Bộ Công nghiệp, Hà Nội, 184 trang.
  2. Hoàng Phê (chủ biên, 1998). Từ điển tiếng Việt. Viện Ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng, 1130 trang.
  3. Lê Khả Kế, Nguyễn Lân (2001). Từ điển Việt–Pháp. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1280 trang.
  4. Nhà xuất bản Khoa học & Kĩ thuật (1978). Từ điển Anh–Việt Các khoa học Trái đất. 678 trangg.
  5. Viện Ngôn ngữ học (1975). Từ điển Anh–Việt. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1960 trg.
  6. Vũ Khúc, Trần Văn Trị, Đào Đình Thục (1993). Tiến tới ổn định cách phiên thuật ngữ nước ngoài trong địa chất học. Tạp chí Địa chất, A/214-215, trang 51–58.
  7. Vũ Khúc (2005). Viết địa danh ở nước ta vẫn còn nhiều lộn xộn. Tạp chí Địa chính, 3/2005, trang 45–51.
Vũ Khúc

Nguồn: http://ngonngu.net/index.php?p=333 

ĐI TÌM LÝ GIẢI KHOA HỌC VỀ CON SỐ HƠN BỐN NGÀN NĂM LỊCH SỬ VN (Phan Anh Dũng)

Đã đăng tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển, No. 5(82)/2010


Tóm lược: Bài này đi từ các cứ liệu lịch sử cổ địa chất của vùng đồng bằng Bắc bộ, và suy luận với tư duy khoa học để loại bỏ các phần hoang đường trong các truyền thuyết, đi đến khẳng định Việt Nam đã có gần 5000 năm lịch sử chứ không phải chỉ hơn 4000 năm.
(Bài đã đăng tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, No 5(82),2010.)
I. Tìm hiểu về hiện tượng biển tiến Flanđri
Xin trích một số đoạn bài viết [1] của DOÃN ĐÌNH LÂM [1] về hiện tượng biển tiến Flanđri và có mô tả quá trình diễn biến khá cụ thể trên khu vực đồng bằng Bắc bộ:
“… Cuối Pleistocen[2] muộn, do đợt băng hà Wurm nên mực nước đại dương trên toàn cầu hạ thấp xuống. Tại thời điểm 18.000-20.000 năm BP mực nước đại dương đứng tại độ sâu -100, -120 m so với mực biển trung bình hiện tại.”
“… Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của một số công trình cho thấy vào đầu Holocen[3] sớm (10.000-8000 năm BP), biển tiến Flanđri đã bắt đầu tràn ngập đồng bằng sông Hồng. Tốc độ dâng của mực nước biển trong giai đoạn này là khá cao (9-12 mm/năm). Đợt biển tiến này đạt đỉnh cao tại thời điểm xấp xỉ 6000 năm BP và độ cao của mực nước biển đạt tới 3-4 m trên mực biển trung bình hiện tại. Sau thời điểm khoảng 6.000 năm BP, mực biển bắt đầu rút xuống theo nguyên tắc dao động con lắc đơn tắt dần.”
“… Trong phạm vi châu thổ sông Hồng, mực nước biển dâng cao cực đại vào khoảng trên dưới 6000 năm BP đã nhấn chìm hầu hết diện tích đồng bằng châu thổ sông Hồng. Các tài liệu nghiên cứu ngấn nước biển tại các vùng đá vôi Hạ Long, Ninh Bình cho thấy tại thời điểm 5.000-6.000 năm BP, mực nước biển đứng tại 5-5,5 m trên 0 hải đồ (5-5.5 A.D). Như vậy trên phạm vi châu thổ sông Hồng, tại thời điểm khoảng 6000 năm BP, toàn bộ vùng trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng đã bị ngập chìm trong nước biển.
“… Sự có mặt của các thành tạo aluvi Holocen dưới-giữa (aQ21-2 yl) chứng tỏ trong một thời gian tương đối dài, mực nước biển hầu như ít thay đổi, nếu có thì cũng không đáng kể.”
“… Vào khoảng đầu Holocen giữa (khoảng 7700 BP)[4], mực biển hạ thấp dần theo nguyên lí con lắc đơn tắt dần. Lúc này tốc độ bồi tụ vùng cửa sông lớn hơn tốc độ lún chìm. Châu thổ bắt đầu phát triển mạnh. Vùng trước kia là cửa sông thì nay bị dần dần lấp đầy, trở thành châu thổ và dịch chuyển nhanh kể từ khi mực nước biển rút xuống sau thời điểm khoảng 6.000 năm BP.”
“… Giai đoạn aluvi bắt đầu từ cuối Holocen giữa (khoảng 3850 BP)[5], khi đồng bằng châu thổ đã hình thành và trải dài ra biển. Khi đồng bằng châu thổ phát triển ra phía biển thì nó để lại đằng sau một bề mặt bằng phẳng, rộng lớn, tương đối thấp.”
“… Trong điều kiện đó, hoạt động của các sông đã tạo nên tầng trầm tích aluvi, phủ lên trên các thành tạo châu thổ trước đó. Quá trình này kéo dài cho tới ngày nay.
Trong các kì lũ lụt, bề mặt đồng bằng châu thổ bị ngập chìm trong nước lũ. Nước chảy tràn trên bề mặt châu thổ để lại các lớp trầm tích hạt mịn gồm chủ yếu là sét, sét bột. Hàng năm có sự xen kẽ giữa mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô đồng bằng châu thổ bị phơi ra, còn vào mùa mưa thì bị ngập nước. Quá trình ngập nước định kì như vậy đã phủ lên bề mặt châu thổ một lớp trầm tích hạt mịn với chiều dày thay đổi từ 0,5 đến 2-3 m.”
Tóm lại: biển tiến Flanđri bắt đầu từ khoảng năm 9000BP, đạt mức cực đại - cao hơn mực nước hiện nay 5m – vào khoảng 6000BP, đã làm chìm ngập toàn bộ khu vực đồng bằng Bắc bộ cổ, sau đó biển thoái tới ngày ngay, đồng bằng cũ hiện ra đầy đủ vào khoảng 4000 BP, đề nghị người đọc ghi nhớ các con số quan trọng này vì sẽ nhắc tới ở dưới.
II. Ý kiến thứ nhất: Mô típ truyền thuyết về Đại hồng thủy của nhiều dân tộc chính là phản ánh của sự kiện biển tiến Flanđri.
Căn cứ tài liệu [1] nói trên thì cực đại của biển tiến Flanđri vào khoảng năm 6000 BP, có một số thông tin trên mạng khi lý giải về nạn Hồng thủy trong Kinh Thánh cũng đưa ra con số khá gần, rằng có sách nêu ra Đại hồng thủy là vào khoảng 7000BP và với sai số lớn. Chúng tôi cho rằng Đại hồng thủy chính là lúc biển tiến Flanđri tràn tới vùng cư trú của những dân tộc phát triển sớm ở các vùng đồng bằng gần biển, đẩy họ phải chạy lên những vùng đất cao hơn, hay di cư bằng thuyền sang một vùng đất mới. Theo hình dung của chúng tôi, khi đó những vùng bình nguyên, bãi cát hay đồng cỏ cũ sẽ biến thành đầm nước mặn khá nông (có chỗ chỉ xăm xắp mắt cá hoặc đến đầu gối) nhưng rộng lớn mênh mông hàng chục hay hàng trăm km, đó đây nổi lên những gò cao, rừng cây ngập mặn hay những khu nhà cũ của con người đã bỏ lại. Đó cũng chính là hình ảnh đồng bằng Bắc bộ trải qua cho đến thời điểm biển tiến Flanđri đạt cực đại (6000 BP).
Với mức nước lên lớn nhất chỉ khoảng 12mm/năm, rõ ràng hình ảnh Đại hồng thủy khắc vào tâm khảm con người thuở xưa chủ yếu là do sự rộng lớn mêng mông mô tả ở trên và cái thế nước lên lừng lững không thể cưỡng được, chứ không phải do độ sâu, tốc độ nước lên hay cảnh tượng chạy lụt náo loạn của những đợt lụt do mưa thông thường. Nên để ý thêm là vùng đất của người Do Thái (Ixraen), đất cội nguồn của Kinh Thánh, vốn ít mưa, nên hồng thủy chắc không phải là lụt do mưa. Nếu Hồng thủy là lụt do một đợt mưa lớn có thể chỉ vài ngày vào mùa mưa, như thường thấy ở nước ta, thì làm sao Nôê kịp đóng một con thuyền lớn như trong Kinh thánh nói ? Một bằng chứng khoa học khác cho nhận định này chúng tôi tình cờ phát hiện ra ở cuốn Từ điển Chăm Việt [6] trong đó ghi rõ “Hồng thủy” trong tiếng Chăm nghĩa đen là “nước biển sôi” (xem ảnh chụp mục từ đó dưới đây).
Hình 1: Mục từ “hồng thủy (nước biển sôi)” chụp lại từ cuốn từ điển Chăm-Việt.
Hình ảnh
Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ [7] cũng có câu “Nước lụt thời vua Nghiêu chưa rút, vạc thời vua Vũ chưa đúc, mênh mang biển quế…”, từ Nghiêu qua Thuấn đến khi Vũ trị thủy là 2-3 trăm năm vậy không thể là kiểu lụt ngắn hạn do mưa.
6000 BP là khoảng cuối đại đồ đá [8] cũng là khoảng thời gian phù hợp đủ để một số dân tộc cổ đại đã định cư lâu dài hàng trăm hay hàng ngàn năm, khiến họ phải lưu luyến khi phải rời bỏ miền đất cũ. Chứ nếu cực đại của biển tiến Flanđri sớm lên trước 8000 BP thì nhiều dân tộc còn chưa định cư, vẫn giữ cuộc sống du canh – du cư, hiện tượng thiên nhiên này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến họ, họ sẽ không lưu lại trong kí ức. Còn nếu cực đại biển tiến trễ lại sau vài ngàn năm nữa, khoảng 3000-4000 BP thì đã gần đến lúc con người sáng tạo ra chữ viết có thể ghi chép mô tả rõ ràng, không còn là truyền thuyết nữa.
III. Ý kiến thứ hai: Số hơn 4000 năm lịch sử của dân tộc Việt Nam là có cơ sở khoa học – đó là lúc đồng bằng Bắc bộ vừa tái xuất hiện sau biển tiến Flanđri, và người Việt tràn xuống khai thác.
Như phần I đã khẳng định, khi biển thoái Flanđri, các đồng bằng châu thổ trên thế giới đã xuất lộ trở lại và trải dài ra biển từ cuối Holocen giữa, riêng đồng bằng Bắc bộ xuất lộ hoàn toàn khoảng năm 4000BP. Đây là con số cực kì quan trọng, khá phù hợp với truyền thuyết Lạc Long Quân – Hùng Vương: 4000BP tức là khoảng 4000 năm trước, và là 600 năm sau lúc Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển. “Xuống biển” để làm gì nếu không phải để khai thác vùng đồng bằng mêng mông vừa thấp thoáng xuất hiện trở lại sau đợt “Đại hồng thủy” dài hàng ngàn năm ? Xem mục IV ở dưới đây đã tính thì thời Hùng Vương bắt đầu khoảng 4600BP, tức là trước khi đồng bằng Bắc Bộ xuất lộ hoàn toàn 600 năm, nhưng khi đó các vùng đất cao có lẽ đã lộ ra hoàn toàn, chỉ bị ngập vào mùa lụt hay khi thủy triều lên. Thật vậy, tài liệu địa chất cho biết vùng trung tâm châu thổ Bắc Bộ, ở khoảng phía nam Hải Dương địa thế trung bình cao hơn vùng xung quanh khoảng hơn 1 mét, vậy phải nhô lên khỏi mực nước biển trước vùng Hà Nội, mặc dù ở gần biển hơn Hà Nội ! Từ Phong Châu ra vùng đất cao này sẽ phải vượt hàng chục km vũng biển nông hay đầm lầy nước mặn, dùng từ “xuống biển” là hoàn toàn đúng. Con số 600 năm đó cũng phản ánh quá trình lấn biển và trị thủy lâu dài và gian khổ của tổ tiên chúng ta, không phải các ngài chờ cho đồng bằng lộ ra hết rồi mới xuống khai thác !
Nhân tiện nói thêm hơn 4000 năm cũng là tuổi của nền văn minh Aicập, không có gì lạ cả vì có thể đồng bằng sông Nil của Aicập có độ cao gần như đồng bằng Bắc Bộ nên đã xuất hiện trở lại khi biển thoái Flanđri giống như đồng bằng Bắc Bộ, quá trình khai thác diễn ra cùng lúc, thế thôi. Thời đại vua Thuấn sai vua Vũ trị thủy trong cổ sử Trung Quốc là khoảng 4200 BP cũng khớp với đầu thời Hùng Vương, có thể lúc đó vùng đồng bằng sông Hoàng Hà cũng vừa phát lộ trở lại [9]. Tài liệu [1] cho biết không phải nước biển rút đều, mà có lúc lên lại, dạng dao động hình sin tắt dần, công cuộc trị thủy của vua Vũ có thể là đắp đê ngăn một đợt nước lên lại đó chăng?
Có lẽ cũng chẳng cần giải thích thêm vì sao công cuộc khai phá vùng đồng bằng Bắc Bộ lại dẫn tới hình thành nhà nước Văn Lang đầu tiên của người Việt khoảng 4600 năm trước, bởi đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, cần có sự đoàn kết, có tổ chức chặt chẽ, và cần tới những người thủ lĩnh gan dạ, mạnh mẽ và quyết đoán, đó là điều kiện và cũng là tiền đề để tổ tiên chúng ta vứt bỏ hình thức tổ chức bộ lạc nhỏ bé, tiến lên hình thức cao hơn, tức là hình thành Nhà nước Liên minh Bộ lạc, với một vị vua có quyền lực lớn.
Vứt bỏ những phần hoang đường, chỉ vận dụng suy luận lôgíc và thuần túy khoa học, thì Truyền thuyết “Một bọc trăm trứng sinh trăm con” có lẽ chính là phản ánh một sự kiện lịch sử có thực, đó là việc các bộ lạc làm lễ ăn thề, nguyện coi nhau như anh em cùng sinh từ một bọc mẹ, và tôn 1 người con Lạc Long Quân lên làm vua Hùng. Truyền thuyết này còn có thể do Âu Cơ-Lạc Long Quân khá đông con (có thể đến hàng chục, ví dụ như vợ chồng ông cậu ruột của người viết bài này có đến 15 con !), đó là lực lượng chính của lễ hội thề, số còn lại có thể cũng là họ hàng huyết thống gần, được phân làm thủ lĩnh các bộ lạc…
Tổ tiên chúng ta đã rất chân thực khi lưu truyền lại cho con cháu con số hơn 4000 năm, đâu có nói khống nên những con số như 6000 hay 7000 năm cho “ngang vai” với người TQ, mà cũng không nói thấp đi. Vậy mà trên mạng Internet thấy nhiều bạn trẻ học đòi kiểu lập luận khoa học chính xác của phương Tây khẳng định thời Hùng Vương có 18 đời mà dài hơn 2.000 năm là chuyện bố láo. Cũng không thể trách họ vì ngay trong cuốn Từ điển Việt-Hán, xuất bản năm 1960 [10], các học giả đáng kính như Đinh Gia Khánh, Trần Văn Tấn cũng chấp nhận để nhóm biên tập người TQ ghi rằng nhà nước Văn Lang của các vua Hùng là khoảng thế kỷ 8 trước CN đến năm 208 trước CN. Nếu cứ ghi hẳn ra là 26 thế kỷ trước CN, thì vẫn là nói có sách, theo các sách chính sử của ta như Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại, chứ còn con số thế kỷ 8 Tr. CN thì mới thật sự là giả tạo, chẳng thấy sách vở gì dẫn chứng cả.
Con số hơn 4000 năm lịch sử có lẽ đã được nhắc tới từ hàng trăm năm trước, còn hiện tại đã cách xa khoảng 4600 năm, người viết đề nghị từ nay chúng ta nên dùng thành ngữ “gần năm ngàn năm lịch sử”, để mấy nhà “khoa học chính xác” kiểu phương Tây khỏi thắc mắc vì sao cứ “bốn nghìn năm” mãi thế.
IV. Về vấn đề mâu thuẫn: 18 đời vua Hùng dài đến hơn 2000 năm.
Giở lại chính sử như Đại Việt sử ký tiền biên [11] , thì thấy tính thời đại Hồng Bàng -Hùng Vương là từ năm 2879 BC “Từ năm Nhâm Tuất (ngang đời Đế Minh) kết thúc năm Quý Mão (thời Chu Noãn Vương) gồm 2622 năm”. An Dương Vương dứt đời Hùng Vương vào năm 258 BC (258=2879-2622+1) [12]. Nếu tính từ năm nay[13] là 2008, thì đã có 2008+2879= 4887 năm, tức là lịch sử nước ta có gần 5 ngàn năm rồi chứ không phải chỉ hơn 4 ngàn năm đâu !
Đại Nam Quốc sử diễn ca [14] cũng ghi từ Kinh Dương Vương đến hết Hùng Vương là 20 đời, cộng 2622 năm, (trung bình một đời là 131 năm !?), 20 đời là tính 18 đời Hùng Vương, cộng thêm 2 đời Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, nếu cho rằng đời Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân còn ở đất TQ nên không tính thì bớt đi 2/20 của 2622 còn 2360 năm, vẫn hơn 2000 năm nhiều. Chúng ta hãy thử lý giải những con số rõ ràng là vô lý: 18 đời vua Hùng kéo dài khoảng 2360 năm, bắt đầu khoảng 2618 BC, một vua ở ngôi bình quân đến 131 năm, vô lý đến thế mà tổ tiên chúng ta vẫn cứ khăng khăng lưu truyền lại ? Chắc chắn phải có uẩn khúc gì đây ?
Hình 2:
Hình ảnh
Ảnh chụp bản Nôm “Đại Nam Quốc sử diễn ca”, Tự Đức tam thập tứ niên – 1871, phần chú giải chữ Hán lấy từ chính sử.
Phiên: Hồng Bàng thị kỉ. Kinh Dương Vương. Viêm Đế Thần Nông chi hậu, Đế Minh chi tử dã. Sơ Viêm Đế tam thế tôn viết Đế Minh, nam tuần Ngũ Lĩnh tiếp Vụ Tiên nữ nhi sinh tử viết Lộc Tục, thông minh thánh trí, Đế dục truyền dĩ vị, Lộc Tục….”
1- Lịch sử TQ cũng ghi thời ngũ đế: Hoàng Đế, Chuyên Húc (họ Cao Dương), Đế Khốc (họ Cao Tân), Nghiêu, Thuấn, kéo dài từ khoảng thế kỉ 26BC đến TK21BC hoặc 22BC tức là chỉ có 5 vua mà dài đến gần 5 thế kỉ, mỗi vị làm vua đến 100 năm, thì phải thọ ít ra hơn 100 tuổi ! Có thể người Việt xưa đã tính các đời vua Hùng theo cách “thánh nhân hóa” như TQ, nên con số 18 đời không có nghĩa như chúng ta hiểu ngày nay. Hãy chú ý chuyện lạ là trong 5 đời Đế nói trên thì Đế sau không phải con của Đế trước (tích chuyện vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, Thuấn truyền cho Vũ, nhiều người hẳn biết, mãi đến đời vua Vũ mới truyền ngôi cho con, có thể chế độ phụ hệ của người Hán định hình từ khi đó chăng ?). Khi mà TQ chưa lý giải được cách tính số đời kì lạ của họ, thì sao chúng ta lại có quyền nghi ngờ tổ tiên mình ngoa truyền ? Chỉ một chứng lý này cũng đủ để chúng ta không được “sửa sai” sử sách một cách bừa bãi, khi chưa hiểu lý do!
2- Ngoài ra chúng tôi xin đưa ra một giả thuyết sau: Không hề có sách vở gì khẳng định người Việt thời Hùng vương theo chế độ phụ hệ như người TQ cả, mà có thể theo chế độ mẫu hệ nhưng phụ quyền như người Chăm và một số dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ngay trong Đại Việt sử ký tiền biên [7], Ngô Thì Sĩ cũng đã phê phán một số sử đời trước, coi việc theo cha là chính thống nên đã thay đổi lời văn ở cổ sử, cổ sử nói “Âu cơ dắt 50 người con lên ở Phong Sơn, suy tôn người con trưởng làm vua gọi là Hùng Vương”, tức là Hùng Vương không ở trong số 50 con theo cha xuống biển. Chú ý chính Lạc Long Quân tài giỏi hơn các đời Hùng Vương sau thì lại không được tôn làm vua, phải chăng cũng vì cái gốc “ngoại tộc” khi tính theo chế độ mẫu hệ ? Bị che mắt bởi các giáo lý đạo Khổng, trọng nam khinh nữ, thì làm sao còn nghĩ rằng chuyện “ngược đời” như sau lại có thực: Các đời Mị Nương sẽ truyền vương miện cho nhau và Hùng Vương đời sau có thể là chồng hay con trai của một Mị Nương nào đó đời sau chứ chưa chắc là con trai của Hùng Vương đời trước ! Mà một Mị Nương cũng không bắt buộc phải có duy nhất một chồng theo lễ giáo của ông Khổng, ông Mạnh. Mị Nương (hoặc triều đình) có quyền chọn một trong số nhiều người chồng hay con trai của mình để trao cho quyền điều hành đất nước – tức làm vua, nếu vua chết sớm thì có thể chọn một người chồng hay con trai khác thay, nhưng “vương miện” (với nghĩa là biểu tượng nối dòng) thì phải truyền cho một Mị Nương khác ! Có lẽ toàn bộ vấn đề là ở đây chăng ? hãy nhớ lại là người Tây Nguyên theo mẫu hệ lại có tục “nối dây” (chú giải tục này trong bài trích giảng Trường ca Đam San học từ phổ thông: chú chết thì cháu phải lấy vợ chú để “giữ dòng”), nếu vậy tính sao cho đúng một đời Hùng Vương quả là rắc rối.
Khả năng người Việt cổ theo mẫu hệ còn phản ánh rõ qua 2 sự kiện lịch sử: hai cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống quân đô hộ TQ đều do phụ nữ lãnh đạo (Hai Bà Trưng và Bà Triệu), và các bà đều xưng vương hay được tôn vương, các đấng sĩ phu Khổng học có dám nói đó là loạn đạo lý đâu !
V. Tìm hiểu thêm:
1. Vấn đề dòng dõi của Hùng Vương (Hồng Bàng thị).
- Chừng nào chưa có tài liệu với đầy đủ chứng cứ khoa học bác bỏ, thì chúng ta đành phải theo đúng sử sách, dù tâm lý chung chắc nhiều người muốn lờ đi. Sử ta đã ghi rõ Lộc Tục tức Kinh Dương Vương là con của Đế Minh, Đế Minh là cháu 3 đời của Viêm Đế tức vua Thần Nông, Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Hồ quân sinh Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Lạc Long Quân “nam tiến” tới vùng đồng bằng Bắc bộ, lấy Âu Cơ và sinh ra 100 người con là tổ tiên của người Việt Nam hiện nay.
- Vứt bỏ những phần hoang đường đi, thì còn lại một thực tế là có thể có một nhóm người Bách Việt ở vùng hồ Động Đình, phía nam Trường Giang, lãnh đạo là Lạc Long Quân, đã thiên di xuống phía Nam, có thể nhóm này cũng không đông lắm, phải là những trai tráng mạnh khỏe mới vượt qua được dãy núi Ngũ Lĩnh hiểm trở, họ lấy người Việt bản địa, cụ thể là Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, và góp phần xây dựng lên nhà nước Văn Lang. Như phần trên đã nói, nếu khi đó người Việt còn theo chế độ mẫu hệ, thì từ Viêm đế tới Kinh Dương Vương chỉ là “ngoại tổ”, có lẽ vì vậy người Việt thời đó không thấy lấn cấn gì khi thừa nhận gốc gác “bên ngoại” này…
- Hơn nữa, có lý do để tin rằng Thần Nông vốn gốc là dân Bách Việt chứ không phải gốc người Hán ở lưu vực Hoàng Hà, cái tên Viêm Đế (Viêm là nóng ấm, tức phương Nam) có thể là một minh chứng, và nghề nông của Thần Nông chắc bắt nguốn từ phương Nam chứ không phải phương Bắc, (chỉ ở Nam Bộ VN mới có giống lúa trời, không gieo mà mọc). Chính người Hán cũng biết rõ sự thực lịch sử là họ vốn phát tích từ lưu vực Hoàng Hà, đến khoảng đời Chu mới bành trướng đến vùng nam Trường Giang, nơi định cư của các tộc Bách Việt. Nếu họ nhận Thần Nông là người ngoại tộc làm một trong số Tam hoàng đầu tiên của mình thì cũng không có gì ngạc nhiên, người Hán vốn có khả năng đồng hóa cao, họ vẫn chấp nhận nhà Nguyên với Thành Cát Tư Hãn, cùng nhà Thanh là các triều đại chính thống của họ mà.
2. Trước thời đại Văn Lang tổ tiên chúng ta cư trú ở đâu ?
Hãy bỏ qua cái chi tiết “trăm trứng” hoang đường đi, mà xét truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ dưới góc độ khoa học, sẽ nảy sinh một câu hỏi: khoảng 4600 năm trước, trước khi theo Lạc Long Quân xuống khai phá đồng bằng, tổ tiên người Việt đã cư trú ở đâu ?
Đồng bằng thì vẫn còn ngập trong nước mặn, vùng núi Tây và Tây Bắc thì quá hiểm trở, mãi tới thời đã giành lại độc lập là Đinh-Lý-Trần vẫn còn ít người Kinh sinh sống. Miền núi Việt Bắc và Đông Bắc thì khả dĩ hơn, chúng tôi nghĩ là đã có nhiều bộ lạc Thái-Kadai (Tày-Nùng) ở vùng này tham gia vào quá trình tiến xuống đồng bằng, hợp huyết với người Việt cổ.
Nhưng, dựa vào địa bàn cư trú của dân tộc anh em gần gũi với người Kinh là người Mường hiện nay thì có thể tin chắc là người Kinh cổ đại đã cư trú tập trung tại vùng đồi núi Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa, bên cạnh người Mường, khi mà vùng đồng bằng Bắc Bộ còn ngập chìm trong “Đại hồng thủy”. Với các vết tích khảo cổ rất tập trung và phong phú về thời đại đồ đá ở núi Đọ, đồ đồng ở Đông Sơn, đều nằm trong tỉnh Thanh Hóa, cổ hơn cả vùng Phong Châu – kinh đô của các vua Hùng, thì Thanh hóa xứng đáng được thừa nhận là cái nôi của người Việt cổ. An Dương Vương Thục Phán, khi thế cùng đã chạy về bờ biển Thanh Hóa chứ không lên Phong Châu để ẩn vào vùng núi Tây Bắc. Ngay cả vua Trần, dòng họ vốn gốc gác ở Trung Quốc, khi nguy nan vì giặc Nguyên cũng còn thốt nên “Hoan Diễn do tồn thập vạn binh”, coi Thanh Hóa-Nghệ An là căn cứ cuối cùng của mình.
Có thể ước đoán là người Việt cổ đã tiến xống đồng bằng theo con đường từ vùng căn cứ ở Thanh Hóa-Ninh Bình ven theo chân núi qua Hòa Bình-Sơn Tây xuống tập kết ở vùng Phong Châu, Phú Thọ rồi từ đó tỏa xuống đồng bằng, chứ không đi thẳng từ Ninh Bình ra đồng bằng được vì lúc đó chỗ giữa Ninh Bình và Nam Định còn là phần cửa biển của sông Hồng, sâu và rất rộng (tham khảo bản đồ địa hình đồng bằng Bắc bộ ở dưới và tài liệu [1]), ngay cả Hà Nội khi đó có lẽ cũng còn là một vùng đầm lầy chỉ có vài khu đất cao như Núi Nùng mới ở được.
Hình 3: Bản đồ địa hình đồng bằng Bắc bộ, lấy từ maps.google.com
Hình ảnh
[1] DOÃN ĐÌNH LÂM, Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam “TIẾN HOÁ TRẦM TÍCH HOLOCEN CHÂU THỔ SÔNG HỒNG”, xem tại địa chỉ : http://www.idm.gov.vn/nguon_luc/Xuat_ba … 288/a7.htm , có thể tham khảo thêm bài của một nhóm tác giả khác liên quan tới vấn đề này nhưng ở miền Nam Trung bộ :http://www.idm.gov.vn/Nguon_luc/Xuat_ba … 92/a10.htm,
[2] Thế Pleistocen hay thế Canh Tân là một thế địa chất kéo dài từ khoảng 1.806.000 tới 11.550 năm trước ngày nay.
[3] Thế Holocen (còn gọi là thế Toàn Tân) là một thế địa chất bắt đầu vào khoảng 11.550 năm BP và tiếp tục tới ngày nay.
[4] Phần in nghiêng trong ngoặc là người viết ghi chú, dựa trên việc chia khoảng thời gian 11.550 năm của thế Holocen thành 3 đoạn đều nhau: đầu, giữa, cuối. Holocen giữa sẽ ở trong khoảng (7700-3850BP).
[5] (như chú thích trên)
[6] GS Bùi Khánh Thế chủ biên, NXB KHXH 1995.
[7] Đại Việt sử ký tiền biên, Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch thuật, NXB KHXH, 1997. Nguyên bản chữ Hán của tác giả Ngô Thì Sĩ, do con ông là Ngô Thì Nhậm khắc in trong 3 năm 1798-1800, niên hiệu Cảnh Thịnh, thời Tây Sơn. Xem trang 40.
[8] Sự chuyển giao của thời đồ đá qua đồ đồng diễn ra khoảng giữa 6000TCN và 2500TCN đối với đa số dân cư sống tại Bắc Phi, Châu Á và Châu Âu.
[9] Đại Việt sử ký tiền biên viết: “Nước lụt thời vua Nghiêu chưa rút, vạc thời vua Vũ chưa đúc, mênh mang biển quế…” (trang 40)
[10]Từ điển Việt Hán, GS Đinh Gia Khánh hiệu đính, NXB Giáo dục tái bản 2003.
[11] Xem chú thích (7).
[12] Cuốn Từ Điển Việt Hán ở trên thì lại tính năm Hùng Vương cuối là 208 Tr.CN (?)
[13] Bài này viết xong tháng 11/2008.
[14] Bản của người viết dùng là bản Nôm Tự Đức tam thập tứ niên (1871) , Chính Trung Đường tàng bản.

Wednesday, 13 June 2012

Lá cải không phải là tabloid (An Chi)

Lá cải không phải là tabloid (Năng Lượng Mới số 127 ,8-6-2012).

by An Chi on Friday, June 8, 2012 at 1:02pm ·
Bạn đọc : Đề nghị học giả cho biết tại sao lại gọi là “lá cải” mà không gọi là lá gì khác? Và xin ông cho biết lịch sử báo lá cải trên thế giới và ở Việt Nam. Xin trân trọng cảm ơn ông.
                                                                                                               N.Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội).
        An Chi : Trên Thanh Niên online ngày 26-4-2012, tác giả Minh Phong đã viết : “Báo lá cải là gì? Tại sao lại là “lá cải” chứ không phải là “lá tre”, “lá ổi”...? Do khổ tờ báo to bằng lá cải? Do báo sau khi đọc xong chả có giá trị gì ngoài việc gói rau và một ngày sau nội dung bốc mùi rau cải? Có một cách giải thích này nghe có vẻ xuôi tai: phần lớn báo chí Sài Gòn trước giải phóng có các bài viết do ký giả tự săn tin và viết thì ít mà do ban biên tập “sưu tầm” từ những nguồn “đáng tin cậy” để dán vào tờ báo, giống như chọn từ mỗi chiếc bắp cải một lá cải đẹp bỏ vào nồi nấu, cho thêm gia vị, rồi bê tô cải “đậm đà hương vị” ra cho thực khách.”
        Trên đây dĩ nhiên là chuyện hỏi đùa đáp vui. Dưới đây là chuyện nghiêm túc. Trong bài “Nguồn gốc cụm từ «báo lá cải» ở phương Tây” (Thanh Niên ngày 1-6-2012), tác giả Hoàng Đình đã viết về lược sử của báo lá cải như sau:
“Trong tiếng Anh, “lá cải” được thể hiện bằng từ “tabloid”. Vào cuối thập niên 1880, từ “tabloid” được hãng dược phẩm Burroughs Wellcome & Co dùng đặt tên cho loại thuốc viên nén, chứ chẳng liên quan gì đến báo chí. Trước đó, hầu hết các loại thuốc đều ở dạng bột nên khá khó uống. Vì thế, loại viên nén (tabloid) ra đời lập tức chiếm ưu thế do dễ nuốt khi uống.
“Mặt khác, vào thập niên 1890 và 1900, một xu hướng báo chí mới ra đời. Xu hướng này không hề đặt nặng những vấn đề “đại sự, vĩ mô” mà chỉ tập trung vào các nội dung đơn giản, dễ đọc để thu hút sự hiếu kỳ của số đông… Vì thế, loại báo chí này trở nên “dễ nuốt” đối với số đông độc giả giống như loại thuốc viên nén (tabloid). Từ đó khái niệm “báo lá cải” (tabloid journalism) ra đời. Bắt nguồn từ Anh và Mỹ, xu hướng này đến nay đã lan rộng trên khắp thế giới.”
Cách giải thích trên đây thú vị ở chỗ nó giúp cho người đọc thấy được  sự chuyển nghĩa bằng ẩn dụ từ “tabloid-thuốc nén” sang “tabloid-báo chí” ngay trong bản thân tiếng Anh, chứ chưa cho biết danh ngữbáo lá cải của tiếng Việt bắt nguồn từ đâu. Đồng thời cách đối chiếu danh ngữ báo lá cải với tiếng Anhtabloid journalism trong ngoặc đơn như trên cũng có thể làm cho một số người hiểu sai mà suy diễn rằng đây là nguồn gốc của danh ngữ đang xét trong tiếng Việt. Trong thực tế, danh ngữ báo lá cảituyệt đối không liên quan gì đến tabloid journalism về mặt nguồn gốc. Nhân tiện, xin nói thêm rằng tiếng Hán hiện đại cũng không có sẵn một đơn vị từ vựng nào tương ứng với tabloid để đối dịch nên chỉ “diễn nghĩa” từ này của tiếng Anh thành “tiểu hình báo” 小型報, thường gọi tắt thành “tiểu báo” 小報 (nghĩa rộng, có trước) và thành “thông tục tiểu hình hoạ báo” 通俗小型畫報, nói tắt là “thông tục tiểu báo” 通俗小報 (nghĩa hẹp, có sau).
Trong nhiều ngày qua, nhiều tờ báo đã bàn về vấn đề “báo lá cải”. Ngay cả một tác giả như Nguyễn Hùng của bbcvietnamese.com cũng có bài “Trả lại tên cho «lá cải»” (Thứ tư, 30-5-2012). Nói chung, dù sơ lược hay tương đối chi tiết, những bài đó đều bổ ích cho việc tìm hiểu sự ra đời rồi sự phát triển của báo chí tabloid. Nhưng tuyệt đối đồng hoá khái niệm “tabloid” của báo chí anglo-saxon với khái niệm “lá cải” của Việt Nam thì lại là một sự nhầm to. Trước nhất là ngay cả hai tiếng “lá cải” cũng đã bị hiểu sai, như  trong bài của Nguyễn Hùng. Khi phân biệt “Đại chúng” (Popular) với “Chất lượng” (Quality) thì nét khu biệt thứ nhất của loại  trước là Tabloid đã được ông Nguyễn Hùng dịch thành “Khổ nhỏ (lá cải)”, đối với Broadsheet là “Khổ lớn”. Ông đã dùng sai danh ngữ “lá cải” trong ngoặc đơn. Tabloid ở đây là một tiêu chí về khuôn khổ (khổ A3), đối với broadsheet là khổ lớn thì không thể phụ chú cho nó bằng hai tiếng “lá cải” như thế được. Lý do rất đơn giản : trong tiếng Việt, hai chữ “lá cải” không bao giờ được dùng để chỉ khổ giấy, dù là khổ A mấy. Ta có thể suy diễn rằng ông Hùng đã mặc nhiên hiểu “lá cải” là hai từ mà tiếng Việt đã dùng theo ẩn dụ để chỉ khổ giấy từ trước, rồi sau đó mới dùng nó theo nghĩa xấu hiện hành (báo dở, báo tồi). Cũng vì một cách hiểu sai như thế mà Trường Thuỷ mới đánh đồng “lá cải” với “báo khổ nhỏ”. Tác giả này viết: “Những năm gần đây, khái niệm “lá cải” hay “báo khổ nhỏ” gần như chỉ được đề cập với góc độ cung cách và chủ đề đưa tin của tờ báo.” (“Thế nào là báo lá cải?”,hcm.24h.com.vn ngày 30-5-2012). Xin thưa rằng sự thật hoàn toàn không phải như thế. “Lá cải” không phải là một đơn vị từ vựng “tự cung tự cấp” của tiếng Việt để cho ta có thể dùng nó mà dịchtabloid của tiếng Anh. Đó là một hình thức sao phỏng từ tiếng Pháp.
Thực ra, nhiều thuật ngữ của nghề báo ở Việt Nam đã bắt nguồn từ tiếng Pháp : co (< corps) trong co chữ, măng-sét (< manchette), sapô (chapeau), tít (< titre), v.v.. Nhưng những trường hợp như thế này thì còn dễ thấy vì dù sao đó cũng chỉ là những hình thức phiên âm. Chứ như hai tiếng lá cải thì ít ai nghĩ rằng nó được mượn từ tiếng Pháp theo biện pháp sao phỏng
Sao phỏng (tiếng Pháp: calque, tiếng Anh: loan translation) là một hình thức vay mượn từ vựng trong đó các yếu tố được vay mượn đều được dịch theo nghĩa đen sang ngôn ngữ đi vay mượn nhưng phải được hiểu theo đúng cách hiểu của người nguyên ngữ. Tin vịt là một danh ngữ sao phỏng từ tiếng Pháp canard, nghĩa là tin thất thiệt, chứ không phải tin tức liên quan đến vịt là một giống gia cầm. Từ thập kỷ 1990, khi Việt Nam mở cửa, ta bắt đầu sử dụng hai tiếng trọn gói, sao phỏng từ tiếng Anhpackage. Ta hiểu rằng đây là chuyện bao trọn từ khâu đầu đến khâu cuối, bao từ A đến Z. Có ai máy móc hoặc ngớ ngẩn đặt vấn đề xem người ta gói bằng vải, bằng giấy hay thậm chí bằng lá chuối, lá dong, v. v. đâu.
Cũng thế đối với hai tiếng lá cải, mà ít ai ngờ rằng nguyên mẫu của nó trong tiếng Pháp lại có dây mơ rễ má với su trong su lơsu hào và su kemSu lơ là do phiên âm từ tiếng Pháp chou-fleursu hào dochou-ravesu kem do chou à la crème. Còn lá cải thì do sao phỏng từ tiếng Pháp feuille de chou, mà nghĩa đen là … “lá cải”. Nhưng vì đây là một hình thức sao phỏng cho nên hễ người Pháp hiểu nó như thế nào thì ta cũng phải theo mà hiểu đúng như thế. Sau đây là lời giảng về feuille de chou trong một số từ điển tiếng Pháp :
Le Petit Larousse Illustré 2002 : Journal  médiocre (tờ báo xoàng);
Dictionnaire Hachette, édition 2005 : Journal de peu de valeur (tờ báo ít giá tri);
Le Grand Robert : Papier, écrit, journal de peu de valeur (bài báo, bài viết, tờ báo ít giá trị); v.v..
Cho đến nay, ngay cả khi tabloid đã thực sự đi vào tiếng Pháp, có khi với cả hình thức “Pháp hoá”tabloïde – nhưng Viện Hàn lâm lại chưa công nhận – thì mấy tiếng feuille de chou vẫn hành chức một cách bình thường trong ngôn ngữ hằng ngày, không những tại Pháp, mà ở cả nhiều nước nói tiếng Pháp khác nữa. Sau đây là một số dẫn chứng :
1.– “Pour conclure, le Bild est une feuille de choux (sic) type tabloïde qui ne peut en aucun cas servir de référence sérieuse en Allemagne.” (Để kết luận, tờ Bild là một tờ lá cải kiểu tabloid không thể dùng để tham khảo một cách nghiêm túc trong (bất cứ) trường hợp nào ở nước Đức). Đây là lời bình luận của Arminius đối với bài “Une personne âgée sur le trottoir, c’est une bibliothèque qu’on assassine” (Một người cao tuổi (sống) ở vỉa hè là một thư viện người ta đang giết đi) trên blog của  Jean-Paul Foscarvel (30-11-2011).
2.– “L’écrivain Heinrich Böll, prix Nobel de littérature 1972, avait déjà, dès 1974, dans son roman Die verlorene Ehe der Katharina Blum  (L’honneur perdu de Katharina Blum), dénoncé les méthodes très contestables de cette feuille de chou.” ( Nhà văn Heinrich Böll, giải Nobel Văn chương 1972, ngay từ 1974, trong tiểu thuyết Danh dự đã mất của Katharina Blum của mình, đã vạch trần những phương pháp rất đáng tranh cải của tờ báo lá cải này (tờ Bild của Đức – AC).” Đây là ý kiến của michelmau trong bài “Le tabloïd Bild devient le 1er site internet d'informations” (Tờ Bild dạng tabloid trở thành trang đứng đầu về thông tin trên internet) trên mạng AllemagnOmax (1-2-2011).
3.– “France Antilles est le tabloid-feuille de chou locale, en situation de quasi-monopole” (France Antilles là tờ lá cải địa phương dạng tabloid, chiếm vị trí gần như độc quền). Đây là câu trả lời của Renaudsechet trên voyageforum.com ngày 24-7-2011 cho câu hỏi “Quels journaux peut-on trouver dans les kiosques en Guadeloupe?” (Có thể tìm thấy những tờ báo nào tại các ki-ốt ở Guadeloupe?).
4.– “Fiddes a raconté au tabloïd britannique The Sun (une excellente feuille de chou) qu'en 2005, Michael aurait voulu faire assassiner un de ses frères, Randy, un ex-membre des Jackson Five.” (Fiddes (cựu vệ sĩ của Michael Jackson – AC) đã kể cho tờ báo dạng tabloid The Sun của Anh (một tờ báo lá cải đặc sắc) rằng hồi 2005, Michael như đã muốn cho ám sát Randy, một trong những anh em của anh ta, một thành viên cũ của nhóm Năm anh em nhà Jackson). Đây là lời kể của Josée Guimond trong bài “Zones de turbulence” (Những vùng náo động) trên  lapresse.ca/le-soleil ngày 19-5-2012.

Lá cải không phải là tabloid - tiếp theo (Năng Lượng Mới số 128 ,12-6-2012).

by An Chi on Tuesday, June 12, 2012 at 9:37pm ·
        (tiếp theo) 
 5.– “ (…) Une feuille de choux (sic) telle que The National Enquirer se permet de publier en une un cliché montrant Whitney dans son cercueil ( Một tờ báo lá cải như The National Enquirer tự cho phép mình đưa lên trang nhất bức ảnh Whitney (Houston – AC) nằm trong quan tài). Tin củamusique.portail.free.fr ngày 2-2-2012, liên quan đến đám tang của Whitney Houston.
 Đấy, bên cạnh tabloid tiếng Anh “nguyên xi’ hoặc tabloïde “Pháp hoá”, danh ngữ feuille de chou hãy còn sống mãnh liệt, cường tráng như thế trong tiếng Pháp, nơi nó đã sinh  ra tự bao giờ … Với nghĩa cụ thể và rõ ràng trên đây của nó, từ lâu feuille de chou đã được dịch sang tiếng Việt thành lá cải và được hiểu là:
–“Tờ báo tồi” ( Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967).
–“Các tờ báo ít đọc giả” ( Việt-Nam tự -điển của Lê Văn Đức, Khai Trí, Sài Gòn, 1970).
–“ Ví tờ báo tồi, viết nhảm nhí, không có giá trị,” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nxb Đà Nẵng – Vietlex, 2007).
Trong bài “Tại sao người ta gọi là «Báo Lá Cải» ?” trên trang pcxclubvietnam.com ngày 9-5-2012, Ngoc Tuan đã hiểu nhầm nghĩa của từ feuille ( trong feuille de chou) nên mới viết :“Ở Pháp người ta dùng từ “feuille de chou” (“feuille”: tờ báo và “chou”: cải bắp).” Thực ra ở đây feuille vẫn là lá cây chứ không phải tờ báo vì cả danh ngữ feuille de chou mới được dùng theo ẩn dụ để chỉ báo lá cải. Và cũng chính vì không thấy được xuất xứ đích thực của hai tiếng lá cải là feuille de chou nên tác giả Trường Thuỷ mới viết trên hcm.24h.com.vn: “ Còn vì sao tabloid được dịch qua tiếng Việt là “lá cải” thì cho đến nay chưa có giải thích nào thực sự xác đáng. Có lẽ vì hai lẽ: lá cải nghe giống không khí chợ búa nhộm nhoạm và thứ hai là so sánh tờ báo với cái lá cải nghe ổn hơn là lá tre, lá mít.” Đây chỉ là kết quả của một sự suy diễn … riêng tư. Nhà văn Vũ Bằng thật là sáng suốt khi dùng tabloid nguyên dạng trong Bốn mươi năm nói láo (1969) : “Hằng ngày, chúng tôi ngồi bàn bạc với nhau ra một loại báo giật gân theo kiểu Tabloid(…); có lúc lại bàn làm một tờ báo in giấy màu hồng cho Đồng Minh (…) nhưng rồi kết cục không xong đâu vào đâu cả.”
Vậy cứ như trên thì lá cải của tiếng Việt chẳng có dây mơ rễ má gì về mặt nguồn gốc với tabloid của tiếng Anh. Nhưng tiếng Anh thì lại có từ tương ứng mỹ mãn với feuille de chou của tiếng Pháp và lá cảicủa tiếng Việt. Đó là rag, mà nghĩa gốc là giẻ rách và một trong những nghĩa bóng là … báo lá cải (“báo giẻ rách”). Người ta cũng nói rõ và dài hơn thành rag newspaper. Ngoài ra, còn có gutter-press, trong đó gutter có nghĩa là cặn bã. Nhưng, theo chúng tôi thì rag là từ “xứng lứa vừa đôi” nhất để đối dịchfeuille de chou và lá cải.  
Sự khác nhau căn bản giữa lá cải và tabloid là ở chỗ lá cải không quan tâm đến khuôn khổ của tờ báo và (những) lĩnh vực mà nó đề cập còn tabloid thì được quy định là khổ A3 và nội dung mà nó đề cập thường là chuyện đời tư, chuyện người nổi tiếng, chuyện tai tiếng, chuyện tầm phào, v.v.. Ở đây, ta cần minh định rõ nội dung của từng khái niệm để tránh hiểu nhầm. Ở trên, khi nói về từ tabloid, chúng tôi có nói đến nghĩa rộng có trước và nghĩa hẹp có sau. Nghĩa có trước của tabloid chỉ liên quan đến khuôn khổ tờ báo là khổ A3 (nghĩa 1); nhưng về sau, vì những tờ báo bình dân, chất lượng tầm thường, chạy theo thị hiếu thấp kém của đại chúng, cũng được in theo khổ A3, tức khổ tabloid, nên từtabloid mới có thêm nghĩa sau, và là một nghĩa xấu, để chỉ loại báo này (nghĩa 2). Vì không muốn bị lây “tiếng xấu” nên một số tờ báo nghiêm túc khổ A3 mới tránh từ tabloid (dù chỉ là hiểu theo nghĩa 1) mà tự xem là compact (nén). Cứ như trên thì tiếng Việt lá cải có nghĩa rộng hơn nghĩa 2 của tabloid vì, trên nguyên tắc, nó cũng có thể dùng để chỉ báo khổ lớn (broadsheet – tờ Bild của Đức in broadsheet) hoặc báo không đề cập đến những chủ đề đã nói, miễn đó là báo kém chất lượng. Dù sao đi nữa thì sau đây vẫn là một điều chắc chắn : lá cải chỉ là một danh ngữ dùng để dịch feuille de chou của tiếng Pháp chứ tuyệt đối không liên quan gì đến tabloid về mặt nguồn gốc. Và một phần cũng vì thế mà dùng lá cải để dịch tabloid theo nghĩa 2 là một việc làm thực sự không thích hợp. Chỉ có rag mới là lá cải mà thôi; ở đây cả hai bên đều chỉ là những từ, ngữ thông thường. Còn tabloid (kể cả nghĩa 1) thì có thể xêp vào hàng “thuật ngữ” chỉ một thể loại báo chí, không thể tuỳ tiện dịch thành “lá cải” được.
Đến như lịch sử của báo lá cải ở Việt Nam thì chúng tôi cho rằng nó gắn liền với lịch sử báo chí Việt Nam vì sự xuất hiện của báo lá cải trước đây là cá biệt. Đó chỉ là những trường hợp “trật đường ray” trong cả quá trình hành nghề của làng báo chứ không rộ lên thành một xu hướng chung như báo chí tabloid ở Anh, Mỹ. Chỉ có bây giờ nó mới rộ lên ở nước ta và ai nói rằng Việt Nam không có báo lá cải là nói sai.

                                                                                                                                  HẾT 

                                                                     (Xem tiếp trên Năng Lượng Mới số 129, 15-6-2012)

Những từ thời thượng (Nguyễn Đức Dân)


Những từ thời thượng


GS TS Nguyễn Đức Dân

Xã hội luôn luôn vận động, xuất hiện những khái niệm mới, nổi lên những vấn đề mới là trung tâm chú ý của dư luận. Do vậy hàng loạt từ mới xuất hiện. Có những từ mang hơi thở của thời cuộc.
Tâm lý chuộng lạ và khuynh hướng làm sang trí tuệ
Trong giao tiếp, lời nói có vai trò quan trọng, mỗi người đều có nhu cầu ‘học ăn học nói’… Ngôn ngữ là một phương tiện thể hiện phẩm chất trí tuệ con người. Muốn khẳng định mình qua ngôn từ không ít người thích dùng những từ mới lạ để ít nhất cũng không thua kém người khác. Bởi vậy không tránh khỏi những khuynh hướng lạm dụng từ ngữ mới. Bắt đầu có từ được dùng theo cách rất lạ. Người khác thấy hay, thấy ngồ ngộ, mới lạ bèn đua nhau dùng theo, đua nhau “trưng diện” từ này trong lời nói và bài viết.  Họ sử dụng chúng như là những “mốt” nói mới nhằm tô điểm cho trí tuệ.
Cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, ở Liên Xô (cũ) trên các phương tiện truyền thông đầy rẫy và ra rả từ perestrojka (sự cải tổ). Tiếp đó danh từ “pljuralism” (chủ nghĩa đa nguyên), một danh từ mới nhập từ tiếng Anh (pluralism), tiếng Pháp (pluralisme) thời cải tổ, xuất Cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, ở Liên Xô (cũ) trên các phương tiện truyền thông đầy rẫy và ra rả từ perestrojka (sự cải tổ). Tiếp đó danh từ “pljuralism” (chủ nghĩa đa nguyên), một danh từ mới nhập từ tiếng Anh (pluralism), tiếng Pháp (pluralisme) thời cải tổ, xuất hiện rất nhiều. Chứng cứ cho điều này là trong quyển Từ điển tiếng nga nổi tiếng, bản in năm 1982, của S.I. Ozhegov hoặc trong Từ điển cấu tạo từ tiếng Nga, xuất bản năm 1978 của A.N. Tikhonov đều còn chưa có danh từ pljuralism.
Sau Đại hội IV của Đảng cộng sản Việt Nam, xuất hiện cụm từ “làm chủ tập thể”. Từng có lúc , trên các trang báo nhan nhản những “làm chủ tập thể”. Sau Đại hội VI, “làm chủ tập thể” được dùng ít dần đi; thay vào đó là “đổi mới tư duy” và ‘những việc cần làm ngay’. Ở thập kỷ 70 nếu trong bài viết hoặc đăng đàn diễn giảng ai không nói làm chủ tập thể là “trình độ lý luận còn thấp”. Nửa cuối thập kỷ 80, ở đâu cũng “đổi mới tư duy”. Không nhắc tới cụm từ này là người ta chưa yên tâm, chưa chứng tỏ mình nhạy bén và có năng lực. Bàn về những điều đã thành chuẩn mực cũng cứ cần có chữ đổi mới tư duy.
Nhiều kết hợp lạ là những đặc sản xã hội, gây bất ngờ trong nhận thức và nhanh chóng thành cụm từ mới lạ. Chẳng hạn, từ “khiêm tốn” biểu thị thái độ con người. Có ai đó dùng nó để biểu thị thuộc tính. NQT viết trên báo PN “Tôi là một người có chiều cao hơi khiêm tốn”. Thấy một kết hợp lạ hay hay. Ấy thế là thành ra cái mốt “khiêm tốn”: “đồng lương khiêm tốn”, “bộ quần áo khiêm tốn”, “ngôi nhà khiêm tốn”; số con cháu tôi cũng ‘khiêm tốn”, chỉ 20 đứa…Trong chuyện thường ngày trên TT, ngày 24.9.98 Bút Bi viết: Nhớ hồi quận 3 bắt đầu dọn dẹp bia ôm, con đường kề bên uỷ ban quận này chỉ có một “nhà hàng đặc sản”. Bây giờ con đường này có vô số nhà hàng đặc sản karaoke máy lạnh, tha hồ cho các đấng mày râu đến dự thi … “bàn tay vàng”. Đọc đến đoạn này, sinh viên trường V cười nghiêng ngả. Tôi nghĩ đó là ngày sinh chính thức trên báo chí của “bàn tay vàng”. (Ai biết nó sinh sớm hơn xin chỉ giùm!). Lập tức sau đó trên các trang báo thành phố rộ lên cụm từ châm biếm “bàn tay vàng”.

Xã hội luôn luôn có khuynh hướng vay mượn từ nước ngoài, mặc dù vẫn có những từ ngữ đồng nghĩa. Vay mượn phần vì khuynh hướng chuộng lạ, có yếu tố kích thích, bắt mắt, nhưng còn vì những từ ngữ vay mượn này phản ánh được những sắc thái mới. Trong tiếng Nga đã có từ korennoj (thuộc về gốc rễ, nền tảng) nhưng tiếng Nga vẫn nhập từ radical của tiếng Anh và Pháp để thành tính từ radical’nyj đồng nghĩa với korennoj. Và radical’nyj còn thêm nghĩa cấp tiến mà korennoj không có.
Người Việt cũng vậy. Báo chí Thành phố HCM thời nay dẫn đầu cả nước khuynh hướng “Anh hóa” nhiều từ vay mượn đã được phiên âm. Chúng ta đã từng phiên âm an-bom ( “-Anh ngồi đây, xem quyển an-bom này mà chờ tôi” (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ); chạy sô, sô diễn, sôlô (“Vẫn múa, em tham gia hầu hết các điệu múa và nhiều tiết mục em chọn sôlô hoặc đuy-ô từng đoạn” (NDCN, 04/10/1990)), đăng-xinh, xì-tốp …(“Bỗng Maika la lên: -Xì-tốp! Dừng, mình lại xem trên cây cầu này có chuyện gì mà con người bu đông như con kiến” (TT Cười, 6/1991). Hiện nay người ta thích dùng nguyên ngữ album, solo, show, live show, stop, dancing. Thậm chí “Anh hóa” cả các từ vay mượn đã được Việt hóa: Nói hàng giảm giá, hạ giá… nghe “giảm giá trị” đi. Nói bán xôn, bán xon ( mượn tiếng Pháp solde) cũng xưa rồi. Phải là sale, on sale, sale off mới sang và sành điệu!

Sáo ngữ: những lối mòn
Cái gì quá lạm dụng rồi cũng trở thành bình thường, nhiều quá hóa nhàm, và kết quả là lượng thông tin của từ bị giảm đi, nghĩa bị mòn đi. Những từ mới lạ trở thành sáo ngữ. Khi trung tâm chú ý của xã hội thay đổi thì sáo ngữ cũng nhanh chóng thay đổi. Rồi những từ ngữ mới khác lại xuất hiện.
Cùng thời với “đổi mới tư duy”, trong đường lối hoạch định chính sách rộ lên những từ kinh tế vĩ mô, vi mô; hộp đen, đầu vào, đầu ra, … Không hiểu bản chất của một khái niệm nhưng thấy thiên hạ dùng nhiều thì cũng cố mà dùng cho cỏ vẻ “trình độ”, “thức thời”. “Nói như lời ông Trần Đình Hoan là […] không còn qui hoạch cán bộ theo kiểu “chiếc hộp đen” như trước nữa mà thay bằng “sân chơi bình đẳng”.[…] Ai đá hay thì đoạt quả bóng vàng chứ không chấm trước ai chắc chắn sẽ làm bí thư tỉnh uỷ hay bộ trưởng cả” (TTCN, 01.6.03) GS Hoàng Tuỵ đã phê phán sự lạm dụng từ ngữ này. Từ hộp đen trên báo chí ít hẳn đi, nó được trả lại đúng vị trí trong những bài viết về lí thuyết thông tin.
Lớp từ thời thượng sau Đại hội VII là kinh tế thị trường, kinh tế trang trại , cổ phần hoá… rồi những phần mềm, internet, thị trường chứng khoán, nền kinh tế tri thức … Những từ này nay trở thành bình thường. Mặc dầu từ điện tử đã xuất hiện từ lâu, nhưng từ năm 2002, mới nở rộ lên những “chính phủ điện tử”, “Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn điện tử”, “công dân điện tử” với một “thẻ căn cước thông minh”, “cử tri điện tử” rồi Nghị viện điện tử cho toàn cầu, Quốc hội điện tử...

Mấy từ thời thượng hiện thời
Hiện nay buôn bán phát triển nên “thương hiệu” trở thành mốt. Cái gì cũng “thương hiệu”. Từ này đang bị lạm dụng, đang lan sang nhiều ngành mà ở đó không có chuyện kinh doanh buôn bán gì cả: “Bà đã giúp làm tăng thương hiệu Sarkozy”; ông đã làm nên một ‘thương hiệu Putin”. Những chính khách, những nguyên thủ quốc gia có buôn bán gì đâu (ngoại trừ buôn bán chính trị) mà thương hiệu? Trở thành những con người nổi tiếng, sao không nói “làm tăng tên tuổi Sarkozy”, làm nên ‘tên tuổi Putin”? Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy. Người ta quyết tâm “xây dựng thương hiệu ‘Khoa Báo chí và Truyền thông’, “xây dựng thương hiệu trường chuyên X”... Nhà trường, sao phải xây dựng thương hiệu mà không là xây dựng học hiệu? Không rõ thiên hạ có dùng thương hiệu Havard, Oxford, Cambridge không? Người Việt sao thích thương hiệu quá vậy?
Gần đây nhất là những từ tầm nhìn, tái cơ cấu... Người ta hoạch định những đề án, những công trình, những chiến lược với tầm nhìn 30 năm, 40 năm,…Phải có tầm nhìn 50 năm để làm đường sắt cao tốc. Rồi sách “Việt Nam tầm nhìn 2050”. Tầm nhìn nào cho khu đô thị Trung Yên Hà Nội mới xây hiện đại kiểu Pháp, sau trận mưa lớn (2008) đã biến thành sông hồ? Tầm nhìn nào cho những công trình giao thông vừa bàn giao đã xuất hiện nhiều chục “hố tử thần”?
Chúng ta đang tái cơ cấu Vinashin. Nay mai liệu có ‘tái cơ cấu EVN’ khi Tập đoàn điện lực Việt Nam đang đứng ở “chân tường” (TT, 11.01.2011)? Và còn tái cơ cấu những gì nữa?

Tuesday, 12 June 2012

Bộ chữ Ý không có những ký tự nào?


Bộ chữ Ý chuẩn không có các ký tự sau:  j, k, w, x, và y.  Các ký tự này vẫn được sử dụng để ghi từ ngữ ngoại lai (jeans, whisky, taxi...). Tại sao người Ý không thấy cần phải bổ sung năm ký tự đó vào bộ chữ của họ? Văn hóa, khoa học, công nghệ, kinh tế... của Ý có chịu thiệt thòi gì vì năm ký tự đó vắng mặt trong bộ chữ Ý không? Vậy một số người Việt muốn thêm f, j, w, z vào bộ chữ của mình để làm gì?