Monday, 9 July 2012

Ông Bùi Trọng Liễu muốn chờ đợi đến bao giờ?


Ông Bùi Trọng Liễu trong bài Có nên trả cho tên gọi “tiến sĩ” vị trí cũ của nó (http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/tien-si-xua-va-nay/) cho rằng dịch docteur sang tiếng Việt thành tiến sĩkhông biết thực chất cái học vị docteur là gì:
Tên gọi tiến sĩ (Hán học) tồn tại đến năm 1919 (Khải Định năm thứ 4), khoa thi hội thi đình Hán học cuối cùng triều Nguyễn dưới thời Pháp thuộc; Hán học chấm dứt từ đó. Sau đó, một số người Việt Nam sang Pháp du học, rồi làm luận án, bảo vệ để có được học vị “docteur” (trong các ngành không phải là Y): học vị đó, vào những khoảng năm 1920, 30 trở đi được dịch là “tiến sĩ” (trong ngành Y thì dịch là “bác sĩ”), có lẽ vì với một số người Việt Nam, đó là tên gọi học vị cao nhất. Vì trót dịch như thế rồi, thì thành ra thói quen, chứ trên thực tế, cách học, cách đào tạo, tiến hành thi cử hoàn toàn không có gì liên quan với nhau cả.
Sự ngộ nhận nếu có, không phải là đối với người Việt Nam và cũng không phải đến những năm 1920, 30 mới xảy ra. Génibrel (1898:753) đã dịch tiến sĩ docteur. Trước đó, Le Grand de la Liraye (1868:145) thì ghi tiến shĩ / tấn shĩdocteur. Trước đó nữa Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị in năm 1838 dịch tiến sĩ sang tiếng La Tinh là doctor (Taberd, 2004:518) Lúc đó chưa người Việt nào nhìn thấy mặt mũi cái bằng doctorat ra sao. Các ông Tây thế kỷ 19 thừa biết tiến sĩ Việt khác với docteur Tây, nhưng họ đã tham khảo học chế của nhiều nước trong khu vực để xem tiến sĩ tương đương với docteur chứ không phải là licencié hay agrégé hay bất cứ cái gì khác.
Sự ngộ nhận chỉ xảy ra ở người ít học, ít chịu tìm hiểu đến nơi đến chốn, nhất định đem cái hiểu biết hạn hẹp của mình ra dạy khôn cho thiên hạ, vừa dạy vừa kêu trong khi chờ đợi một sự thay đổi, tôi vẫn phải dùng từ ngữ như hiện nay, dù nó phi lý. Người trong nước không ngu si đến nỗi đụng đâu thay đó mỗi khi một vị khoa bảng Việt kiều thắc mắc về từ ngữ mà không biết hỏi ai, đọc sách nào.
Ông Bùi Trọng Liễu làm ra vẻ rất nghiêm túc:
Tôi đặt câu hỏi và không có ý “kiến nghị tiếu lâm”, vì phải vô trách nhiệm lắm mới đem việc trọng đại của dân tộc (giáo dục đào tạo) ra làm chuyện đùa bỡn, trong cách phát biểu, hay hơn thế nữa, trong cách tiến hành.
Không kiến nghị tiếu lâm, không vô trách nhiệm thì là gì?

Sunday, 8 July 2012

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba... ngáo ộp ! (Nguyễn Dư)

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba... ngáo ộp ! (Nguyễn Dư)

Ngày xửa ngày xưa. Ôi ! Cái thời... loanh quanh ở nhà với mẹ. Biết ngày nào khôn ? Khôn hay dại thì phải chờ hỏi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trẻ con làm sao biết được. Trước mắt chỉ nghe mẹ quát :- Trẻ con đi chỗ khác chơi!
Đi đâu mẹ ơi ? Cái phòng vừa làm buồng ngủ, vừa làm chỗ ăn, chỗ tiếp khách, chỗ học bài, làm gì còn chỗ để chơi. Cái sân, cái bếp thì hai ba gia đình chung đụng. Người vào, người ra từ sáng đến chiều... Chỉ có ngoài đường mới vắng vẻ. Cây to bóng mát. Năm 1948, 1949, phố Bà Triệu rộng thênh thang ! Dăm ba cái xe đạp, xe xích lô đủng đỉnh qua lại. Thỉnh thoảng mới có một cái ô-tô nhà binh, hay cái " bình bịch " hiến binh Pháp, một mình một chợ, phóng ầm ầm. Hè phố Hà Nội của mấy năm mới hồi cư còn rộng rãi, quang đãng, sạch sẽ. Trẻ con chơi đùa... như chỗ không người.
Thằng con chợt hiểu ám hiệu của mẹ. Cám ơn mẹ. Giờ tháo cũi xổ lồng đã điểm. Hỡi đám tiểu yêu hè phố đang chờ ta... Ta cùng nhau đi... lêu lổng cho vui. Nhưng này, " hỡi các cậu bé con, trong lúc tuổi còn non", các cậu phải coi chừng. Không được lêu lổng... vô trật tự, hỗn quân hỗn quan. Lêu lổng cũng phải kết bè, chia phe cho đàng hoàng. Rồi lại phải cãi nhau chí choé chọn trò chơi. Đánh đáo, bắn bi, bịt mắt bắt dê, lò cò là lêu lổng của đám đàn anh, đàn chị. Những tay anh chị đã từng được đào tạo, rèn luyện ở trường này, trường nọ. Tay nào cũng xuất sắc, chơi giỏi hơn học. Còn bọn hỉ mũi chưa sạch, chưa biết i tờ là cái quái gì thì quanh đi quẩn lại chỉ có hú tim, chạy đuổi, hò hét. Đàn em lêu lổng không cần phải đến trường. Chẳng cần tinh mắt, khéo tay. Cứ ồn ào như vỡ chợ là được rồi. Nào, ta cùng nhau chơi đùa...
1) Ngáo Ộp

Ngáo Ộp là ai, là cái gì ? Đừng thắc mắc phí thời giờ. Cứ chơi đi. Chơi xong rồi thắc mắc cũng chưa muộn. Mau mau bắt cái xem đứa nào phải làm Ngáo Ộp nào. Mau lên !
Đứa làm Ngáo Ộp cho hai ngón tay giữa vào miệng, kéo xệch về phía mang tai...

- Đằng ấy rửa tay chưa?
... dùng hai ngón tay trỏ kéo vành mắt xuống Kéo cho lòi tròng trắng mắt...
- Hèn gì mắt đằng ấy lúc nào cũng có dử.
... miệng há hốc, thở phì phì như người say rượu.
- Đằng ấy sún răng từ bao giờ vậy ?
Ngáo Ộp là một con yêu méo mồm, mắt trợn ngược, gầm gừ đi bắt trẻ con. Ai trông thấy mà chả sợ. Thế là cả bọn hét rú lên, chạy tán loạn. Tìm gốc cây mà nấp cho mau. Đứa nào bị Ngáo Ộp bắt thì phải làm Ngáo Ộp. Cứ thế mà chơi, chán thì thôi.
Ngáo Ộp là cụ nào, ông nào mà đến trẻ con chưa biết gì cũng phải sợ vậy ? Xin nhờ người lớn trả lời giùm.
Từ điển xưa của ta, của tây không có Ngáo Ộp. Chỉ có Ngáo thôi.
Tự điển Huỳnh Tịnh Của (1896) cho biết Ngáo là tên riêng một người mạnh mẽ đời xưa, lấy lưng đỡ nổi một chiếc thuyền, thường hiểu ra nghĩa ngơ ngáo, lảng lơ, như ngốc như dại. Thằng ngáo là thằng ngốc.
Thằng ngáo của Huỳnh Tịnh Của không đáng để trẻ con phải sợ. Ngáo này không phải là Ngáo Ộp.
Tự điển Génibrel (1898) có nhiều từ Ngáo. Nhưng không có từ nào dính dáng đến người hay yêu tinh, ma quỷ.
Tự điển Jean Bonet (1900) định nghĩa Ngáo là nhân vật thô lỗ (personnage grossier), ngốc (sans esprit, sans raison), dã man (brute). Ngáo của Bonet vẫn chưa phải là Ngáo Ộp.
Cả 3 cuốn tự điển xưa này đều không có nhân vật nào tên là Ộp hay Ngáo Ộp.
Mấy chục năm sau, Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931), Tự điểnViệt Nam của Nhà Sách Khai Trí (1971) đưa ra định nghĩa mới : Ngoáo là vật tưởng tượng đặt ra để doạ trẻ con. Riêng Tự điển Việt Nam còn nói thêm Ngoáo ộp  là ngoáo lớn.
Thế là lại thêm một thắc mắc khác. Nếu Ngoáo Ộp là ngoáo lớn thì phải gọi ngoáo con là gì? Gọi là lũ... ngổ ngáo chăng ? Ngoáo Ộp to con nhưng bị khập khiễng, đứng không vững. Tuy vậy, Khai Trí cũng đã có công đưa Ngoáo Ộp vào tự điển, mở đường cho sau này.
Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1988) cho biết Ngoáo Ộp là tên gọi một quái vật bịa ra để doạ trẻ con ; thường dùng để ví vật đưa ra để doạ dẫm, uy hiếp tinh thần.
Phải công nhận một điều là người lớn " chơi " chưa lại trẻ con. Người lớn " chậm tiến " quá. Trẻ con Hà Nội biết Ngáo Ộp từ ngày xửa ngày xưa.
Trở lại nguồn gốc của Ngáo Ộp.
Truyện cổ tích của ta, của Tàu không có nhân vật này. Thế nhưng, bộ tranh dân gian Oger (Hà Nội, 1909) lại có tấmNgáo Ộp doạ trẻ. Chẳng lẽ Ngáo Ộp lại là Tây à ? Nghi ngờ, thắc mắc, biết hỏi ai bây giờ ? Có người mách thử hỏi ông Tây Charles Perrault (1628-1703), tác giả của nhiều truyện nổi tiếng như Cô bé quàng khăn đỏ (Le petit Chaperon Rouge), Cô bé lọ lem (Cendrillon), Thằng bé tí hon (Le Petit Poucet), Yêu Râu Xanh (Barbe-Bleue), v.v. Đọc truyện của Perrault mới vỡ lẽ. À, thì ra thế !
Thằng bé tí hon kể truyện một gia đình tiều phu nghèo, sinh được bảy đứa con trai. Thằng út thông minh nhất nhà. Nhưng thân hình thì thấp bé tí hon. Nhà nghèo quá, không nuôi nổi đàn con, vợ chồng bác tiều phu quyết định đem bỏ chúng trong rừng. Một hôm anh em thằng bé tí hon đến gõ cửa một nhà kia để xin ăn. Không ngờ rơi vào nhà của một cặp yêu tinh và bảy cô con gái yêu. Cả nhà ai cũng thích ăn thịt tươi. Nhất là... thịt trẻ con. Thằng bé tí hon phải dùng mưu mẹo mới cứu được mấy anh em. Nó còn lấy được đôi hia bảy dặm và vàng bạc của yêu tinh.
Bảy anh em tìm trở về nhà cha mẹ. Vợ chồng con cái bác tiều phu lại được đoàn tụ. Bắt đầu một cuộc sống sung túc.
Yêu tinh ăn thịt trẻ con của truyện Thằng bé tí hon tiếng Pháp gọi là Ogre (Ô-gờ-rờ). Ogre theo chân thực dân sang Việt Nam, được Việt hoá thành Ộp.
Đúng ra thì Ngáo của ta và Ộp của tây là hai nhân vật khác nhau. Tiếng Việt đã có sẵn thằng ngáo, thằng ngố, thằng ngốc. Ộp sinh sau đẻ muộn nhưng là... con tây, nên không bị gọi là thằng Ộp. Trái lại, người ta ghép Ngáo (hay Ngoáo) với Ộp thành ông Ngáo Ộp.
Trẻ con quen gọi là Ông Áo Ộp.

2) Mẹ Mìn
Tiếng Việt không có Bà Ngáo Ộp (Ogresse). Bù lại, tiếng Việt có Mẹ Mìn.Ngày xưa, thời Pháp cai trị nước ta. " Nạn mẹ mìn ghê sợ. Trẻ ra chơi bờ hè, nhất là con gái hay bị bắt đem bán ở Móng-Cáy hay Hạ-Long. Nó dùng cả thuốc mê bắt phụ nữ ". (Hoàng Đạo Thuý, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hà Nội, 1971, tr. 79).
Ngáo Ộp (Ogre) là yêu tinh ăn thịt trẻ con. Yêu tinh chỉ đi bắt trẻ con nhưng không ăn thịt thì tiếng Pháp gọi là Croque-mitaineCroque-mitaine được Việt hoá và rút gọn thành Mìn. Đàn bà đi bắt trẻ con là Mẹ Mìn.
Gustave Hue định nghĩa lẫn lộn Ngáo ộp là croquemitaine. Hãi như trẻ con trông thấy ngáo ộp (épouvanté comme des enfants qui voient un croquemitaine).
Thời nào yêu ma ấy. Thời Pháp, Mẹ Mìn bắt trẻ con, phụ nữ. Thời kinh tế thị trường, Mẹ Mìn phải nhường chỗ cho Má MìMá Mì " khôn " hơn Mẹ Mìn, chỉ bắt con gái lớn, có khả năng hành nghề. Lao động bất kể ngày đêm.
Chồng của Má Mì là Ma Cô (maquereau). Cặp yêu ma này chuyên bắt con tin (teen). Dạy nghề đấu hót (hot), tiếp khách. Thôi mà thầy Hai. Xếch (sex) mé hoài ! Mời thầy vô chơi.

3) Ba Bị

Yêu Râu Xanh (Barbe-Bleue) là một đại gia, có bộ râu quai nón màu xanh. Xấu xí khủng khiếp.Xấu xí nhưng lúc nào cũng có em chỉ mong được " hoàng tử đẹp trai " rước về làm vợ. Hi vọng được hưởng cái gia tài kếch sù kia. Nhưng phiền một nỗi là em nào về làm vợ hắn cũng chỉ được một thời gian ngắn là mất tích... Cho đến một ngày kia, cô vợ trẻ sau cùng khám phá ra một căn phòng bí mật của lâu đài chứa ngổn ngang xác chết đàn bà... Sắp đến lượt em... chết bỏ mẹ, bỏ cha rồi anh Hai ơi. Cứu em với ! Hồi hộp, gay cấn. Người kể bắt đầu nổi da gà. Xin tạm ngưng. Có dịp sẽ kể tiếp...
Pháp có Barbe-Bleue. Việt Nam có Ba Bị.
- Ba bị : tên gọi một người có hình thù quái dị bịa ra để dọa trẻ con. Xấu xí, tồi tàn : bộ quần áo ba bị. Thiếu nhân cách, lăng nhăng, chẳng ra gì. Anh chàng ba bị, đồ ba bị (Hoàng Phê).
- Ba bị : Giống quái lạ người ta bịa ra để doạ trẻ con : Ba bị chín quai mười hai con mắt : nghĩa bóng là tồi tàn, xấu xí : đồ ba bị. (Khai Trí Tiến Đức).
- Ba bị chín quai mười hai con mắt : Tả một con ngáo ộp để doạ trẻ con (Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam,1989).
Ba Bị của Việt Nam cũng có hình thù quái dị, xấu xí. Ông Ba Bị của tranh Oger cũng có râu quai nón. Barbe-Bleue và Ba Bị giống nhau như anh em sinh đôi. Thì ra, Barbe-Bleue của Perrault đã nhập tịch Việt Nam, lấy tên Việt là Ba Bị.
Ngày xưa bên nước Lang Sa
Có chàng Ba Bị xấu là xấu ơi !
Thế mà nhiều gái mê tơi
Hiến dâng... tưởng được của rơi, của chìm !
Không hiểu tại sao các bà các cô lại đẩy người tình Barbe-Bleue râu ria, lông lá của mình sang cho đám trẻ con ? Đem ông Ba Bị ra làm cái bung xung doạ trẻ con. Ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con. Thật ra, Ba Bị không hề bắt trẻ con mà chỉ bắt mấy con nai tơ " nghèo mà ham ". Mơ mộng được đạp trên " vàng lá " rơi đầy sân lâu đài.Tuy nhiên, định doạ trẻ con nhưng chính người lớn lại bị rơi vào mê hồn trận. Nhiều người tìm cách giải thích câu nói vu vơ Ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con. Dĩ nhiên là càng giảng giải, càng sai. Sai lầm thứ nhất là tách Ba Bị(tên riêng) thành hai từ : ba (số 3) và bị (cái túi, cái giỏ). Sai lầm thứ nhì là cố bóp méo sự thật cho... phù hợp với câu nói không có nghĩa. Génibrel giải thích : Bị chín quai là bị của ăn mày (besace du mendiant). Mang bị chín quai nghĩa là đi ăn mày (aller mendier). Gustave Hue cũng đồng ý rằng Ông ba bị chín quai là... ông già đeo 3 cái bị chín quai (le vieux aux trois sacs et neuf anses).
Nước ta không có bị chín quai. Tranh Oger có nhiều tấm vẽ ăn mày. Bị của ăn mày là bị thông thường, chỉ có một quai. Tranh Ông Ba Bị vẽ một người râu xồm, đeo 3 cái bị một quai. Oger gọi Ông Ba Bị là Ogre (quái vật thích ăn thịt trẻ con trong truyện Thằng bé tí hon).
Các từ điển của ta không rơi vào cái bị 9 quai nhưng thỉnh thoảng cũng bị lúng túng vì câu nói vu vơ.
Không ngờ Thằng bé tí hon và Yêu Râu Xanh của Pháp lại chơi thân với trẻ con Việt Nam đến như vậy. Mấy anh lớn thích chơi bi (billes), mấy chị lớn thích chơi bịt mắt bắt dê (colin-maillard) , lò cò (marelle). Trẻ con Hà Nội năm xưa chơi đùa như... Tây con !
***
Tôi vốn yếu bóng vía.Thuở bé sợ Ngáo Ộp, Ba Bị, Mẹ Mìn. Sợ... yêu Tây. Sợ cả ma xó, quỷ nhập tràng. Nghĩa là sợ cả... yêu ta. Sợ toàn những cái mắt chưa thấy bao giờ.
Lớn lên, bố mẹ cho đi tây ăn học. Ăn và học. Phải bớt ăn mới có thì giờ học. Dạ vâng. Dạ dạ, vâng vâng như vậy nhưng ăn thì luôn nhớ, học thì hay quên. Dù sao thì đi tây cũng là một dịp được học ăn học nói, tập tành bạo dạn hơn lên. Hết sợ yêu. Tưởng là yên thân. Không ngờ bây giờ, tự dưng lại đổ đốn. Đôi lúc... sợ người ! Sợ cái khoảnh khắc hoang mang, rờn rợn. Nhìn trời, trời chạng vạng, nhá nhem. Các cụ gọi là lúc " nhọ mặt người ".
Nguyễn Dư
(Lyon, 8/2011)

Mạt hạng là gì?


Mạt chữ Hán là , nghĩa căn bản là cái ngọn. Từ nghĩa này sinh ra nhiều nghĩa khác, trong số đó có nghĩa cuối cùng / chót hết trong mạt hạng  (hạng cuối cùng), mạt kiếp (kiếp cuối cùng), mạt thế (đời cuối cùng), mạt lộ (đường cùng), mạt vận (vận cuối)... Một số người miền Nam thường viết nhầm mạt hạng thành mạc hạng, phần vì không nhận thức được rõ ràng nghĩa của từ Hán Việt, phần vì âm [k] cuối âm tiết thường được thể hiện bằng chữ c.

Saturday, 7 July 2012

VĂN HOÁ HÔN NHÂN NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TỪ NGUYÊN HỌC VĂN HOÁ (Võ Minh Hải)


Theo Lễ kinh 禮經, hôn nhân là một trong 04 nghi lễ quan trọng của đời người. Đó là Quan, Hôn, Tang, Tế. Quán 冠 là lễ gia quan (đội mũ), biểu thị sự trưởng thành của nam nhân, bởi lẽ ngày xưa con trai hai mươi tuổi thì phải làm lễ đội mũ. Vì thế, theo Thiều Chửu trong Hán Việt tự điển, con trai trong hai mươi tuổi còn gọi là nhược quan 弱冠.Hôn 婚 (tức nghi lễ thành gia lập thất, duy trì lễ pháp tông đường), Tang 喪 là nghi lễ kết thúc chu trình vòng đời một con người và Tế 祭 là nghi lễ tôn thiên kính địa, lễ bái tiền nhân, tổ tiên của dòng họ, đây là một sự việc cực kỳ trọng đại và liên quan trực tiếp đến đời sống tâm linh của con người. Trong chu trình của một đời người, 04 nghi lễ này đánh dấu sự trưởng thành của con người xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu và lý giải nguồn gốc nghi lễ thứ hai của hai từ góc độ từ nguyên văn hoá.
Trong văn tự cổ Trung Hoa, hai chữ Hôn nhân 婚姻 vốn trước đây được viết không có bộ Nữ 女, bộ thủ này là do người đời sau thêm vào để nhằm giải thích rõ hơn ý nghĩa nội hàm của nó. Trịnh Huyền 鄭 玄, một học giả đời Hán 漢, khi chú thích sách Nghi Lễ 儀禮, thiên Sĩ Hôn Lễ 士 婚禮 đã viết:“ Sĩ thú thê chi lễ dĩ hôn vi kỳ. Nhân nhi danh yên 士娶妻之禮以昏為期因而名焉 (Lễ kết hôn của kẻ sĩ, lấy buổi hoàng hôn làm thời gian. Nhân đó mới đặt tên là Hôn). Hứa Thận 許慎, nhà văn tự, từ nguyên học cổ đại đời Hán 漢, khi soạn bộ Thuyết văn giải tự 說文解字ngay tại mục chữ Hôn 婚, ông cũng cho rằng: “Thú phụ dĩ hôn thời, cố viết Hôn, tùng nữ tùng hôn  娶 婦 以 昏 時 故 曰 婚 從 女 從 昏…” (Lễ kết hôn lấy buổi hoàng hôn làm thời gian tổ chức nên gọi là Hôn, có chữ hôn và chữ nữ). 
Theo các tài liệu khảo chứng về văn hoá cổ đại Trung Hoa, chúng ta có thể nhận biết rằng trong quá khứ, suốt một thời kỳ dài, nghi thức hôn thú đều lấy thời điểm hoàng hôn làm thời gian tổ chức. Ở một số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ở Trung Quốc ngày nay vẫn còn giữ tập tục cổ xưa đó. Như vậy, hôn lễ vì sao lại tổ chức vào lúc hoàng hôn? Các nhà nghiên cứu văn hoá Trung Quốc về cơ bản đều căn cứ vào học thuyết Âm – Dương để giải thích tất cả các vấn đề. Họ cho rằng muôn vật trong vũ trụ đều có sự thống nhất trong sự đối lập và khái quát thành hai khái niệm cơ bản là Âm 陰 và Dương 陽.  Địa 地 (Đất) là âm, thiên 天 (trời) là dương, Nguyệt 月 (mặt trăng) là âm, Nhật 日 (mặt trời) là dương, Dạ 夜 (ban đêm) là âm, Trú 晝 (ban ngày) là dương, nữ 女 là âm và nam 男 là dương. Theo quan niệm cổ xưa, hoàng hôn là lúc mặt trời lặn xuống núi, mặt trăng bắt đầu mọc lên. Ban ngày sắp hết, màn đêm bắt đầu buông xuống và đó cũng chính là lúc âm dương giao hòa với nhau. Cử hành hôn lễ vào lúc này và việc chọn thời điểm âm dương tương giao, hài hòa với nhau là hoàn toàn hợp lý.
Qua khảo cứu thực tế trong thư tịch, chúng tôi cho rằng phương thức giải thích như trên cũng chỉ là một trong số khá nhiều cách lý giải, biện minh cho hiện tượng “Hôn thời hành lễ 昏時行禮” (Tổ chức hôn lễ vào buổi hoàng hôn) của người xưa. Bởi lẽ, bản thân hiện tượng lịch sử này còn mang những nội hàm văn hoá và tư tưởng khác, trước hết nó góp phần phản ánh một tập tục đã có từ rất lâu đời. Thứ đến, nó còn có một nguyên nhân sâu xa khác từ tục cướp hôn có từ xa xưa, do nam nữ không cùng một tập đoàn mà kết hôn với nhau. Ban đầu, người con trai “bị gả” (Giá 嫁) cho thị tộc của cô gái, trở thành thành viên của thị tộc đó. Cả nam và nữ đều mang họ mẹ, và sau khi chết đi mới được đem táng ở nghĩa địa của thị tộc cũ của mình. Các nhà khảo cổ học Trung Quốc, khi khảo sát các di chỉ cổ đã phát hiện, nghĩa địa của thị tộc có hai khu rõ rệt : một khu dành cho nữ giới, một khu dành cho nam giới, ngay cả anh chị em trong một gia đình với nhau cũng không được chôn kề nhau, con gái đã xuất giá sau khi chết cũng không được chôn cùng với chồng mà phải chôn riêng ở nghĩa địa của thị tộc. Khi xã hội nguyên thủy từ thị tộc mẫu hệ quá độ sang thị tộc phụ hệ, lễ tục hôn nhân cũng có sự biến chuyển, thay đổi. Tập tục con trai sang ở rể nhà con gái đã chuyển sang tục mới là đem cô dâu sang nhà trai và có lẽ ngay lúc đó đã vấp phải sự phản ứng của phụ nữ nên mới sinh ra tục “đoạt hôn 奪婚”.
Nghi thức hôn lễ được tổ chức vào lúc hoàng hôn vì trời lúc này bắt đầu nhá nhem tối, ánh sáng không còn rõ nên rất tiện cho việc cướp cô dâu. Chữ Thú 娶(lấy vợ) vốn có nghĩa là Thủ 取 (nhận lấy, cướp lấy). Chữ này vốn được viết từ một chữ hựu  (cánh tay) và chữ Nhĩ  (cái tai). Đó là dấu hiệu văn tự phản ánh hiện tượng bịt tai (tức là không nghe những lời của nhà gái) mà cướp hôn. Sách Thuyết văn giải tự, khi bàn về chữ Thú cũng có viết:“Thú phụ dã, tòng nữ tòng thủ娶婦也從女從取 (chữ thú trong từ giá thú, có chữ nữ và chữ thủ). Căn cứ vào tài liệu trên, chúng ta có thể ước đoán rằng, hôn nhân đối ngẫu ra đời vào thời kỳ quá độ tòng phụ cư 從婦居 sang chế độ tòng phu cư 從夫居. Về sau, cùng với sự củng cố và ràng buộc  chế độ lễ nghi phong kiến, hình thức hôn nhân này càng ngày càng phong phú, phức tạp hơn về nội dung và quy trình thực hiện hôn lễ đỗi ngẫu.
Hôn nhân đối ngẫu ra đời đánh dấu một bước phát triển mới về nhận thức xã hội, chấm dứt  quá trình tạp hôn, đồng thời mang lại những cơ sở sinh lý đảm bảo chắc chắn cho việc tăng trưởng và phát triển của các thế hệ mai sau. Sự ổn định trong quan hệ hôn nhân cũng có những hiệu quả tích cực đối với tâm sinh lý con người. Và khi đó hôn nhân và cuộc sống ổn định sẽ có tác dụng thúc đẩy tốc độ phát triển của văn hoá, xã hội của một cộng đồng dân tộc nói riêng và văn minh nhân loại nói chung.
                                                ThS. Võ Minh Hải
                                          (GV, Khoa Ngữ văn, Đại học Quy Nhơn) 
  Tài liệu tham khảo chính
  1. Đàm Gia Kiện (1993), Lịch sử văn hoá Trung Quốc, NXB KHXH, H.
  2. Hứa ThậnThuyết văn giải tự, Giang Tô Quảng Lăng cổ tịch khắc ấn xã , Giang Tô (bản Trung văn).
  3. Ngô Vinh Chính (2004), Đại cương lịch sử văn hoá Trung Quốc, NXB VHTT, H.

Friday, 6 July 2012

Nửa và nữa khác nhau thế nào?

Người miền Nam thường gặp nhiều khó khăn khi phải phân biệt hỏi ngã. Cách giải quyết căn bản là dựa vào nghĩa của từ để nhớ mặt chữ: nửa, nghĩa là 1/2, luôn luôn viết với dấu hỏi, còn nữa nghĩa là thêm, hơn, tiếp tục thì viết với dấu ngã. Có thể đặt ra mẹo để nhớ: gặp phân nửa thì đừng viết ngã nữa

Thursday, 5 July 2012

Những chỗ sai khó ngờ trong «Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam» của Nguyễn Lân (An Chi / Huệ Thiên)

                                                                                                          Huệ Thiên


Quyển Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1989) đã nằm trong tủ sách của chúng tôi ngót mười năm nay nhưng vì công kia việc nọ nên đối với nó chúng tôi cũng chỉ mới làm được chuyện cỡi ngựa xem hoa. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phát hiện ra trong đó rất nhiều chỗ sơ sót mà sau đây là 30 trường hợp chọn lọc; xin mạn phép nêu ra để chất chính cùng tác giả và các bậc thức giả.
1. «Áo cứ chàng, làng cứ xã (Xã là chức dịch trong làng). Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của những người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình!» (tr. 10)
Câu này đã bị tác giả chép sai và vì chép sai nên cũng đã giảng sai hẳn ý nghĩa đích thực của nó. Nguyên văn là «Áo cứ tràng, làng cứ xã» hoặc «Áo cứ tràng, làng cứ lý trưởng». Tràng vốn là cái cổ áo (như đã được giảng trong Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh của A. de Rhodes), nay được hiểu là vạt trước của chiếc áo dài. Nhưng dù có hiểu như thế nào thì đó cũng là một bộ phận của cái áo và đây là một cách hiểu hoàn toàn phù hợp với kiểu cấu trúc ngữ pháp - ngữ nghĩa của câu tục ngữ đang xét. Trong kiểu cấu trúc «A cứ B, C cứ D» này thì B luôn luôn là một bộ phận của A còn D luôn luôn là một bộ phận của C. Trong câu tục ngữ Thuyền cứ mạn, quán cứ vách chẳng hạn, thì mạn là một bộ phận của thuyền còn vách là một bộ phận của quán. Cũng vậy, trong câu tục ngữ đang xét thì tràng là một bộ phận của áo còn  (trưởng) hoặc lý trưởng là một bộ phận của (dân) làng. Vì vậy mà đưa «chàng» (đối với «nàng») vào đây thì rất lạc lõng: làm sao mà «chàng» lại có thể là một bộ phận của cái áo được! Câu tục ngữ thực ra không hề nói lên «tính ỷ lại của người đàn bà cũng như tính ỷ lại của những người dân trong thôn xóm». Nó chỉ nói lên vai trò và trách nhiệm của người xã trưởng (hoặc lý trưởng) đối với làng và dân làng mà thôi.
2. «Ba hoa chích chòe (Chích chòe là một loài chim nhỏ hay kêu chiêm chiếp). Chê những kẻ hay nói lung tung về mọi chuyện linh tinh.» (tr. 22)
Tác giả đã nhầm con chim chích chòe với con chim chích. Chim chích mới đúng là một «loài chim nhỏ hay kêu chiêm chiếp» còn chích chòe thì lại là một loài chim to xấp xỉ con sáo, có bộ lông đen nhánh mà riêng ở bụng thì màu trắng, có tiếng hót rất liến thoắng và láu lỉnh, thỉnh thoảng lại điểm vào mấy tiếng nghe ra như «chích, chòe» nên mới được gọi là chim... chích chòe. Do cái tiếng hót liến thoắng và láu lỉnh của nó mà tên của con chim này mới được đưa vào thành ngữ «ba hoa chích chòe», chứ con chim chích bé nhỏ với tiếng kêu chiêm chiếp kia thì «ba hoa» thế nào được!
3. «Ba mươi sáu chước (Do câu chữ Hán: Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách, nghĩa là trong ba mươi sáu chước, chạy đi là hơn cả). Ý nói là đi trốn là hơn.» (tr. 23)
Nhưng cái ý «đi trốn là hơn» là của mấy tiếng «tẩu vi thượng sách» còn «ba mươi sáu chước» lại là lời dịch của mấy tiếng «tam thập lục kế». Vậy làm sao mà «ba mươi sáu chước» lại nói được cái ý «đi trốn là hơn»?
4. «Chẳng phải đầu lại phải tai. Ý nói: kẻ làm nên tội thì không việc gì, còn người ngoài cuộc lại phải trừng phạt.» (tr. 49)
Nguyên văn câu này là «Chẳng phải đầu cũng phải tai» và ở đây không nhất thiết có việc phạm tội mà nói chung là những chuyện rắc rối, phiền phức. Trong những chuyện phiền phức, rắc rối đó, người trong cuộc hoặc người tò mò đến xem (kể như nhập cuộc) có thể không gặp chuyện phiền phức này thì cũng gặp chuyện rắc rối khác. Câu tục ngữ này hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến người thực sự ngoài cuộc cả.
5. «Chồng chắp, vợ nối. Nói cặp vợ chồng lăng nhăng, không có cưới xin đàng hoàng.» (tr. 58)
Từ điển thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học do Nguyễn Như Ý chủ biên (Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1993) cũng giảng giống như Nguyễn Lân. Nhưng hai tiếng chắp, nối hoàn toàn không nói lên chuyện «lăng nhăng», «không có cưới xin đàng hoàng» mà chỉ nói rằng đây là người chồng đã có ít nhất một đời vợ trước và người vợ đã có ít nhất một đời chồng trước, đúng như đã giảng trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức: «Chắp nối nhau mà làm vợ chồng, không phải một kèo một cột (Không phải lấy nhau lần đầu tiên khi mới lớn lên)».
6. «Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu (Tương là đối lẫn nhau). Khuyên nên nhịn nín để bảo đảm sự hòa hảo.» (tr. 62)
Tác giả đã nhầm: chữ tương ở đây không có nghĩa là «đối lẫn nhau». Tương ở đây, chữ Hán là 鑲 , có nghĩa là thếp, là viền bằng kim loại. «Chữ nhẫn là chữ tương vàng» có nghĩa là «Chữ nhẫn là một chữ thếp vàng (hoặc viền vàng)» đấy. «Nhẫn» ở đây cũng chẳng phải chỉ đơn giản là «nhịn nín để bảo đảm sự hòa hảo». Hình như còn có cả một chút xíu phong vị Thiền ở trong đó nữa. Vì vậy nên mới nói «ai mà nhẫn được thì càng sống lâu».
7. «Cờ ngoài bài trong. Nói người đứng ngoài góp ý cho người đánh cờ, hoặc ngồi xem bài bàn nước đánh với người đánh bài.» (tr. 76)
Nếu đúng như Nguyễn Lân đã giảng, thì vấn đề sẽ trở nên khó hiểu: tại sao lại phải dùng từ ngoài để nói về cờ và từ trong để nói về bài? Thực ra, đánh cờ thì phải bày các con cờ ra cho đối thủ cùng thấy (lối nói này xuất phát từ cờ tướng) còn đánh bài thì phải giấu các con bài của mình cho các tay bài khác không thể biết được. «Cờ ngoài bài trong» là như thế. Còn có một cách hiểu khác nữa là: Với cờ tướng, người ở ngoài mách nước thì sáng hơn người trong cuộc nhưng khi đánh bài thì chính người cầm bài mới nắm vững các con bài của mình hơn người ở ngoài.
8. «Dẫu xây chín bậc phù đồ, chẳng bằng làm phúc cứu cho một người (Phù đồ có nghĩa là cầu nổi). Ý nói: Cứu sống được một người có ý nghĩa lớn lao hơn làm một việc công ích.» (tr. 87)
Thực ra thì phù kiều mới là cầu nổi còn phù đồ lại là cái tháp xây lên để chôn cất xá lợi (tro xương) của đức Phật hoặc các vị cao tăng, đại đức. «Xây chín bậc phù đồ» thực chất chỉ là một lối nói ví để chỉ việc dâng cúng lễ vật, tài sản, tài chính... cho nhà chùa; xem ra cũng chẳng thiết thực bằng việc «làm phúc cứu cho một người». Chứ ai lại đi phủ nhận một cách phũ phàng việc làm công ích có khi đem lại quyền lợi cho hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người bằng hai câu lục bát đó!
9. «Đàn gảy tai trâu. Ý nói: Không có tài thưởng thức âm nhạc.» (tr. 93)
Dùng tiếng «tài» ở đây là đã quá đề cao con trâu rồi đấy. Chúng tôi lạm phép cho rằng nếu cần thì chỉ nên dùng từ «khả năng» là vừa. Nhưng vấn đề ở đây chủ yếu cũng chẳng phải là cái khả năng thưởng thức âm nhạc, mà lại là cái việc nhẹ dạ đem điều hơn lẽ thiệt đi nói với kẻ ngu si, đần độn.
10. «Điệu hổ ly sơn (Nghĩa đen: Đưa hổ xa núi). Tìm cách đưa kẻ ác đi xa mình, để nó không thể quấy rầy mình được.» (tr. 105)
Điệu hổ ly sơn thực ra là dụ cọp rời khỏi núi để diệt nó cho dễ hơn. (Đây chỉ mới nói theo nghĩa đen).
11. «Hoa đàm đuốc tuệ (Đàm do từ Cồ-đàm là họ của Phật và tuệ là tính minh mẫn của Phật). Ý nói: Đèn hương cúng Phật.» (tr. 131)
Cồ Đàm đúng là hình thức phiên âm (đọc theo âm Hán Việt) của tiếng Sanskrit Gautama, họ của Đức Thích Ca. Nhưng đàm trong hoa đàm đuốc tuệthì lại chẳng có liên quan gì đến hai tiếng Cồ Đàm cả, vì hoa đàm ở đây lại là hoa ưu đàm mà tên đầy đủ là ưu đàm ba la, phiên âm từ tiếng Sanskrit udumbara. Tương truyền cây ưu đàm cứ 3.000 năm mới trổ hoa một lần nên việc nó trổ hoa được xem như việc Phật ra đời vậy. Hoa đàm đuốc tuệ là bốn tiếng dùng để nói lên cái tinh hoa của Phật pháp cao siêu và huyền diệu. Đuốc tuệ (tuệ = prajñā) là ánh sáng của Phật soi rọi cõi lòng chứ có phải là sáp nến đâu mà giảng là «đèn hương cúng Phật».
12. «Lúa tốt xem biên, người hiền xem tướng (Biên là bờ ruộng, trong chế độ cũ người thợ cấy thường cấy cẩn thận những hàng lúa ở gần bờ hơn là ở giữa ruộng). Ý nói: chỉ nhìn tướng mạo một người cũng biết đó là người hiền hay người dữ.» (tr. 168)
Tác giả đã chép sai chữ thứ nhất của câu này: Và vì đó là lụa nên câu đang xét còn có một dị bản nữa là Lĩnh tốt xem biên, người hiền xem mặt. Biên là cái mép chạy suốt chiều dài của xấp lụa, ở hai đầu của khổ lụa, được dệt thật chắc để giữ cho các sợi không bị xê dịch. Muốn biết lụa có tốt hay không, người ta thường quan sát biên lụa; biên có săn, có mịn, có đều thì lụa mới tốt. «Lụa tốt xem biên» là như thế. Còn hiền ở đây là hiền tài, giỏi giang chứ có phải là hiền lành đâu mà đem ra đối lập với «dữ» như tác giả đã làm. Đối với người hiền, ở đây, chỉ là kẻ ngu mà thôi.
13. «Mài mực ru con, mài son đánh giặc. Nói các ông đồ ngày xưa ngày thường ngồi dạy học đồng thời giúp vợ làm việc vặt trong nhà, nhưng khi có giặc thì tham gia phục vụ quân sự.» (tr. 172)
Câu này thực ra chỉ ví việc mài mực với việc ru con và việc mài son với việc đánh giặc chứ chẳng có liên quan gì đến việc các ông đồ giúp vợ làm việc vặt hoặc tham gia phục vụ quân sự cả. Ngày xưa người ta dùng mực để viết và dùng son để khuyên, để điểm và để phê. Mực dễ mài hơn son nhiều nên mài mực thì chỉ cần làm những động tác êm nhẹ, còn son là một thứ đá rắn khó mài nên mài son thì phải làm những động tác mạnh và phải mất nhiều thì giờ hơn. Vì vậy nên người ta mới nói «Mài mực ru con, mài son đánh giặc».
14. «Mặc ai lưới, mặc ai te, ta cứ thủng thỉnh kéo bè nghênh ngang (Te là lối đánh cá bằng cách xua cá vào xuồng).» (tr. 174)
Thực ra, te là một dụng cụ thô sơ đan bằng tre, giống như cái nhủi, dùng để xúc bắt cá tôm ở những chỗ nước cạn chứ không phải là «lối đánh cá bằng cách xua cá vào xuồng». Te có thể dùng như động từ nhưng cũng chỉ có nghĩa là dùng cái te để xúc tôm xúc cá mà thôi.
15. «Mượn đầu voi nấu cháo. Cười kẻ hay nói khoác.» (tr. 191)
Nguyên văn câu này là «mượn đầu heo nấu cháo», nghĩa là mượn cái sỏ lợn của người ta về nấu cháo rồi trả lại cho người ta cái sỏ lợn... đã nấu chín. Chuyện «mượn đầu heo nấu cháo» đã trở thành chuyện quen thuộc trong nền kinh tế bung ra của xứ ta hiện nay, có vụ lên đến bạc tỷ. Nhưng người ta vẫn nói «mượn đầu heo» chứ không ai vì con số hàng tỷ mà nâng cái đầu heo lên thành... «đầu voi». Vì đã thay heo bằng «voi» nên tác giả mới giảng cho «thuận lý» rằng câu này dùng để «cười kẻ hay nói khoác».
16. «Nam nhân như chấy, nữ nhân như rận. Lời so sánh thô thiển cho rằng ở nơi nào đó, đàn ông và đàn bà đều rất đông.» (tr. 193)
Đây chẳng qua chỉ là một sự bóp méo mấy tiếng nam nhi chi chí, nữ nhi chi hạnh để đùa tếu chứ đâu có phải là «lời so sánh thô thiển cho rằng ở nơi nào đó, đàn ông đàn bà đều rất đông». Có phải ai có chấy, có rận thì cũng có đầy đầu, đầy mình đâu mà nói là «rất đông».
17. «Nằm giá khóc măng (Theo một truyện trong Nhị thập tứ hiếu, một người con có hiếu đi kiếm măng cho mẹ, không thấy măng, nằm trên tuyết khóc, măng thương tình (!) mọc lên cho anh lấy). Nói người con có hiếu hết lòng vì cha mẹ.» (tr. 196)
Đúng đây là chuyện trong Nhị thập tứ hiếu nhưng lại là hai truyện đã bị tác giả gộp làm một. Anh «nằm giá» là Vương Tường đời Tấn (truyện thứ 18), còn anh «khóc măng» thì lại là Mạnh Tông đời Tam Quốc (truyện thứ 20). Măng thì mọc ở bụi tre để cho Mạnh Tông xắn còn cá thì nhảy lên từ khe nứt của băng (giá) nơi Vương Tường nằm chờ nhưng vì tác giả đã gộp hai truyện làm một nên mới có chuyện măng mà lại mọc trên tuyết!
18. «Nữ sinh ngoại tộc. Quan niệm phong kiến coi nhẹ phụ nữ, cho là đàn bà thuộc họ bên ngoại.» (tr. 224)
Đúng là quan niệm phong kiến đấy nhưng quan niệm này cho rằng con gái đã sinh ra thì không thuộc dòng họ của cha mình vì trong tương lai - nếu có chồng - sẽ thuộc về dòng họ nhà chồng. «Ngoại tộc» ở đây là «ngoài dòng họ (của cha)» chứ đâu phải là «họ bên ngoại».
19. «Ôm lòng đòi đoạn (Đòi đoạn có nghĩa là nhiều phen). Ý nói: Nhiều phen đau xót âm thầm.» (tr. 228)
Đòi đoạn là nhiều khúc chứ không phải nhiều phen. Người ta vẫn nói «đau từng khúc ruột». Khúc tức là đoạn đấy.
20. «Quyền thằng hủi (Trong xã hội cũ, người bị bệnh phong bị xã hội ruồng bỏ). Ý nói: Chẳng có quyền hành gì.» (tr. 240)
Đây thực ra chẳng phải quyền hành hay quyền lợi gì cả. Quyền ở đây là cái nắm tay, cái quả đấm. Đây là một hình vị Hán Việt mà Hán tự là 拳. Hình vị này còn được dùng theo hoán dụ để chỉ võ thuật nữa, chẳng hạn: quyền Anh, Thái cực quyền, ... Cái nắm tay của thằng hủi không có ngón thì đấm thế nào được. Vậy quyền thằng hủi là một lối nói dùng để chê những tay võ kém cỏi. Nói rộng ra thì nó được dùng để chê chung những kẻ bất tài mà lại nắm (bằng cái bàn tay không ngón!) những cương vị «ngon lành».
21. «Rắn mai tại lỗ, rắn hổ về nhà (Mai là mai gầm, hổ là hổ mang). Nhận xét cho rằng rắn mai gầm thường ở trong hang, còn rắn hổ mang thì thường ra ngoài.» (tr. 244)
Chuyện chẳng phải như thế vì đây là kinh nghiệm sống chết của những người bắt rắn: hễ bị rắn mai gầm cắn thì thường chết ngay tại hang rắn còn hễ bị rắn hổ mang cắn thì có thể về đến nhà mới chết, vì nọc rắn mai gầm độc và mạnh hơn nọc rắn hổ mang đến 4 lần (theo Nguyễn Ngọc Hải, Từ điển 270 con vật, Hà Nội, 1993, tr. 130). Tất nhiên với người bắt rắn có đem theo thuốc đặc hiệu để trừ nọc rắn thì lại là chuyện khác.
22. «Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Lời kể theo một câu chuyện truyền thuyết về luân hồi.» (tr. 251)
Sự thật ở đây rất đơn giản. Một người đàn ông không thể trở thành cha nếu mình chưa có con, cũng như không thể trở thành ông nếu con mình chưa có con. Vậy sự ra đời của một đứa con là điều kiện tiên quyết để một người đàn ông được làm cha cũng như sự ra đời của một đứa cháu là điều kiện tiên quyết để một người đàn ông được làm ông. Chẳng qua ở đây người ta đã chơi chữ bằng cách đánh tráo khái niệm: sinh trong sinh con, sinh cháu thì mới đúng là «đẻ» còn sinh trong sinh cha, sinh ông thì chỉ là «tạo ra cương vị (cho một người nào đó)» mà thôi.
23. «Thâm đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì nghén. Nhận xét đùa về màu thâm của đầu vú người có mang.» (tr. 267)
Đây thực ra là kinh nghiệm của người xưa: về thời tiết, hễ thấy trời u ám ở phía đông vì mây đen che phủ thì biết trời sắp mưa; về chế biến và sử dụng thực phẩm, hễ thấy dưa bắt đầu sậm màu thì biết là dưa sắp khú; còn về sinh lý phụ nữ, hễ thấy đầu vú thâm lại thì biết là đã có mang. Đâu có phải là chuyện «nhận xét đùa về màu thâm của đầu vú người có mang».
24. «Thờ thời dễ, gửi lễ thời khó. Nói sự băn khoăn của người phải gửi đồ lễ đến cúng cha mẹ hay ông bà ở một nơi nào, không biết gửi bao nhiêu là vừa.» (tr. 274)
Tác giả đã chép sai giữ thành «gửi» do đó mà đã giảng sai hàm ý của cả câu.
Nguyên văn ở đây là «Thờ thời dễ, giữ lễ thời khó». Thờ cúng thì ai cũng thờ cúng được nhưng mà giữ cho đúng nghi lễ mới là việc khó.
25. «Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc. Việc thả cá có lợi là đúng và cần khuyến khích, còn gá bạc thì ngày nay là một tội phạm, vì đó là một việc làm ăn bất chính.» (tr. 277)
«Thả cá» ở đây không phải là nuôi cá ở ao, đầm như Nguyễn Lân đã hiểu, mà là «thách cá, nói trong một độ gà chọi hay cá thia thia, sau khi xem xét kỹ lưỡng con vật rồi, những người cầm chắc con của mình chọn sẽ thắng, bèn thách mọi người bắt số tiền cá của mình» (Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển). Vậy thả cá và gá bạc ở đây là cùng một ca-tê-gô-ri với nhau. Chẳng có việc nào «là đúng và cần khuyến khích» cả.
26. «Thương cung chi điểu. (Nghĩa đen: Con chim bị cung).» (tr. 279)
Chỉ có thành ngữ Kinh cung chi điểu, có nghĩa là «con chim sợ cung» mà thôi. Chẳng làm gì có câu «Thương cung chi điểu». Huống chi, «Thương cung chi điểu» lại là «con chim làm cho cây cung bị thương» chứ nào có phải là «con chim bị cung» như tác giả đã giảng! Tuy từ điển Trung Quốc có quyển có ghi nhận câu này nhưng đây là một câu không chuẩn nên không thông dụng.
27. «Tu là cõi phúc, tình là dây oan. Lời than thở của kẻ đau đớn vì tình và muốn đi tu.» (tr. 299)
Tác giả đã chép sai chữ thứ ba của câu này: «Tu là cỗi phúc» (chứ không phải «cõi»). Đồng thời, đây cũng chẳng phải là «lời than thở của kẻ đã đau đớn vì tình và muốn đi tu» mà là lời của Tam Hợp đạo cô giải thích lẽ đời và lẽ trời cho vãi Giác Duyên nghe tại câu 2658 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Và Nguyễn Du cũng chỉ muốn triết lý như thế trong khi kể về cuộc đời hồng nhan bạc mệnh của nàng Kiều chứ cũng chẳng hề muốn khuyên ai từ bỏ tình yêu mà quy y cửa Phật.
28. «Vạn thủy thiên sơn (Nghĩa đen: Vạn nước, nghìn núi).» (tr. 306)
Thủy ở đây là «sông» chứ không phải là «nước» và «Vạn thủy thiên sơn» là muôn sông nghìn núi.
29. «Vịt già, gà to. Ý nói: Vịt già thì ăn được, còn gà thì phải to béo, chứ gà già thì thịt dai.» (tr. 311)
Ở câu này thì tác giả lại chép sai chữ thứ tư: «Vịt già, gà » (chứ không phải gà «to»). Đây là một kiểu cấu trúc trong đó tiếng thứ hai và tiếng thứ tư trái nghĩa với nhau, kiểu như «Chó già, gà non», «Cơm ráo, cháo nhừ», «Chuối sau, cau trước,... Già mà đối với to ở đây thì e là sẽ chệch choạc chăng?
30. «Xập xí xập ngầu (Tức là «thập tứ thập ngũ» đọc theo cách nói của người Quảng Đông).» (tr. 318)
Thực ra, «xập xí xập ngầu» là đọc theo âm của phương ngữ Triều Châu, còn theo phương ngữ Quảng Đông thì lại là: «xặp xi xặp ựng», mà chữ ựng là một âm mũi rất khó đọc đối với người Việt Nam.
* * *
Trở lên là 30 chỗ sai chọn lọc trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân mà chúng tôi đã nhặt ra từ rất nhiều chỗ ghi chú và đánh dấu ở rìa sách. Sau đây là những nhận xét tổng quát thấy được qua 30 chỗ sai đó.
– Một là tác giả đã ghi sai từ ngữ của nhiều thành ngữ tục ngữ nên tất nhiên cũng giảng sai luôn ý nghĩa của chúng, như ở các trường hợp 1, 4, 12, 15, 24, 26 và 29.
– Hai là tuy không ghi sai nhưng tác giả lại giảng sai từ ngữ của nhiều thành ngữ tục ngữ, như ở các trường hợp 2, 5, 6, 8, 11, 14, 18, 19, 20, 25, 28 và 30.
– Ba là tuy không ghi sai, giảng sai từ ngữ nhưng tác giả cũng đã giảng sai ý nghĩa chung của nhiều thành ngữ, tục ngữ, như ở các trường hợp 3, 7, 9, 10, 13, 16, 17, 18, 21, 22 và 23.
Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn nhân tiện nhận xét thêm mấy điểm sau đây về quyển từ điển của Nguyễn Lân.
– Một là có rất nhiều đơn vị nguyên vẹn đã bị tác giả cắt nhỏ ra để làm thành nhiều mục riêng, làm mất hẳn tính hoàn chỉnh của những đơn vị đó, đồng thời cũng làm cho những mục riêng này trở thành lạc lõng, rời rạc. Xin cử một trường hợp điển hình. Trong 8 câu của đơn vị sau đây:
Lỗ mũi em tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.
thì hai câu 3-4 bị tách làm một mục ở trang 102, hai câu 5-6 bị tách làm một mục ở trang 103, còn hai câu cuối cùng thì bị tách làm một mục ở trang 293.
Có những trường hợp thực sự gây sốc cho người đọc, chẳng hạn như mục:
Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em.
Tự nhiên đọc đến mục đó thì độc giả chẳng biết ất giáp gì vì vế trên là: Khó hèn thì chẳng ai nhìn, đã bị tác giả ngắt bỏ.
Những trường hợp như thế rất nhiều không làm sao có thể kể hết ra đây được. Người nói, người viết khi vận dụng thành ngữ tục ngữ có quyền tỉa, tách sao cho thích hợp với dụng ý của mình nhưng nhà từ điển, mà lại là người làm từ điển thành ngữ, tục ngữ thì phải ghi nhận cho bằng được từng đơn vị nguyên vẹn chứ dứt khoát không thể cắt xén như thế.
– Hai là rất nhiều mục từ không phải là thành ngữ, tục ngữ vì đó lại là thơ của Nguyễn Du, hoặc là ca dao, thậm chí có những mục từ chỉ là những hình thức láy từ (loại này rất nhiều), chẳng hạn riêng trang 21 đã có đến 5: ầm à ầm ù, ấm a ấm ớ, ậm à ậm ạch, ậm à ậm ừ, ấp a ấp úng.
* * *
Trên đây là những nhận xét rút ra từ 30 chỗ sai (đã phân tích) trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân. Những chỗ sai của quyển sách đó thì còn nhiều mà riêng nhà giáo hưu trí Văn Phê (Tp. HCM) cũng đã nêu lên hơn 30 trường hợp trong một tài liệu ông đã gửi cho chúng tôi - mà với bút danh An Chi, chúng tôi cũng đã có công bố 8 trường hợp tại «Chuyện Đông chuyện Tây» của Kiến thức ngày nay số 278. Quyển từ điển này của Nguyễn Lân đã được Nxb. Khoa học xã hội tái bản năm 1997 nhưng rất tiếc rằng những chỗ sơ sót đã phân tích (và chưa phân tích) trong ấn bản 1989 (của Nxb. Văn hóa) vẫn tồn tại «nguyên xi»[1]. Điều này làm chúng tôi giật mình rồi sinh ra lo lắng. Lo lắng về hai mặt mà chúng tôi xin giải bày như sau:
Thứ nhất là, cứ cái đà này thì những chỗ sơ sót trong từ điển của Nguyễn Lân sẽ được «nhân bản» lên càng ngày càng nhiều lần hơn. Nếu những chỗ sơ sót đó thực sự trở thành những tín điều được phổ biến sâu rộng thì các thế hệ mai sau sẽ hiểu tiếng Việt như thế nào? Con cháu chúng ta sẽ không thèm nói cầu phao, cầu nổi mà thay thế bằng «phù đồ» cũng không biết chừng! Rồi đến khi mang hương hoa lên chùa lễ Phật, biết đâu chúng sẽ chẳng khấn: «Có chút hoa đàm đuốc tuệ, mong Ngài nhận cho»! Khi đi trẩy hội – lễ hội thanh niên càng ngày càng nhiều – biết đâu để nói đùa về sự đông đảo của nam thanh nữ tú chúng sẽ chẳng vui miệng thốt lên: «Nam nhân như chấy, nữ nhân như rận»!
Tiếng Việt mà tiến hóa kiểu đó thì thật là đáng buồn! Nhưng đó mới chỉ là một mặt của sự lo lắng. Mặt kia thì ngược lại: một số hậu duệ của chúng ta sẽ không chịu nghe theo những chỗ sai trong từ điển của Nguyễn Lân. Chúng sẽ bắt bẻ, chẳng hạn, rằng nếu tích «nằm giá, khóc măng» của Nguyễn Lân mà đúng thì sách Nhị thập tứ hiếu phải đổi tên thành «Nhị thập tam hiếu» vì chỉ có hai mươi ba tích mà thôi. Chúng sẽ nói rằng ông bà chúng ta đâu có cười đùa cái đầu vú của người phụ nữ đang mang thai – ông bà ta «nhân văn» lắm chứ! – vì sự thai nghén là một hiện tượng thiêng liêng. Chúng sẽ nói rằng ông bà chúng ta đâu có sơ ý đến độ đem việc nuôi cá ở ao, đầm mà đặt ngang hàng với việc gá bạc, v.v... Tóm lại chúng không chấp nhận những chỗ mà quyển từ điển đã giảng sai. Nhưng đấy không phải là việc đáng lo vì đó là điều đáng mừng. Đáng lo là chúng trách các bậc tiền bối đã để lại cho chúng, và bạn bè sinh viên người nước ngoài của chúng, một quyển từ điển lẽ ra phải là khuôn vàng thước ngọc thì lại có nhiều điều sai sót làm cho người đọc không thể hài lòng.
Đó là hai mặt của sự lo lắng và sự lo lắng đó đã thúc giục chúng tôi viết bài này. Nếu có sai sót thì xin tác giả và độc giả niệm tình lượng thứ và chỉ bảo cho. ●
                                                                                                  (Tháng 5-1998)
* Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 2-1998.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 391-406.
[1] Từ năm 1993, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có nêu lên những chỗ sơ sót của quyển từ điển này trên tạp chí Kiến thức ngày nay, tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế và các tập chuyên đề về Văn hóa & Đời sống của Nxb. Tp. HCM.

«Hằm pà làng» và «trăm thứ bà giằn» (An Chi / Huệ Thiên)

by An Chi on Tuesday, July 3, 2012 at 11:14pm ·
 Huệ Thiên

Trong bài «Về mối quan hệ nguồn gốc của các ngôn ngữ Việt Mường» (Ngôn ngữ, số 1, 1979, tr. 46-58), Phạm Đức Dương đã khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng hầm bà làng (theo cách ghi của ông – HT) là một từ tiếng Việt chính tông và nó có thể được «phục nguyên» thành *[mblań]. Theo ông, ba tiếng trên đây vốn chỉ là một từ đơn âm tiết trong đó [m] là một âm vị phụ, cũng gọi là «siêu âm vị», có tính chất tiền mũi; [b] là phụ âm đầu; [l] là âm vị phụ đứng sau phụ âm đầu; [a] là nguyên âm chính; còn [ń] là phụ âm cuối, chữ quốc ngữ viết thành ng. Chỉ về sau nó mới tách ra làm ba tiếng: yếu tố tiền mũi trở thành hầm, phụ âm đầu trở thành  và phần còn lại trở thành làng. Sự thật có đúng như thế không?
Một sự phân tích như trên rõ ràng là  rất thông thái nhưng nó làm cho người ta phải ngạc nhiên vì«hầm bà làng» không phải là tiếng Việt. Đó là tiếng Quảng Đông. Ghi thật chính xác bằng chữ quốc ngữ Việt Nam thì đó là hằm pà làng và hằm pà làng có nghĩa là hết thảy, tất cả. Thí dụ: Hằm pà làng kẻj tố là «hết thảy là bao nhiều?» – Hằm pà làng xám pạc lục xặp mắn là «hết thảy (là) ba trăm sáu mươi đồng», v.v... Đây là một cụm từ đặc biệt, riêng của phương ngữ Quảng Đông mà cả Hán ngữ văn ngôn lẫn phương ngữ Bắc Kinh đều không có. Chính vì thế mà người ta đã phải ghi nó bằng thứ chữ gọi là tục tự Quảng Đông.
Tục tự Quảng Đông có thể so sánh với chữ Nôm của Việt Nam nhưng không làm thành một hệ thống độc lập và đầy đủ vì đại đa số các tiếng của phương ngữ Quảng Đông đã ứng với những chữ sẵn có trong cái kho chữ Hán đồ sộ rồi. Những tục tự này chỉ được đặt ra để ghi những đơn vị từ vựng nào không có chữ Hán tương ứng hoặc không còn được xem là có chữ Hán tương ứng nữa mà thôi. Cũng như trong chữ Nôm một tiếng có khi có thể được ghi bằng mấy chữ khác nhau, ba tiếng hằm pà làng cũng đã được ghi bằng nhiều cách. Chẳng hạn, Thi Đạt Chí thì ghi 冚罷爛 (Nghiên cứu chữ Hán, Chợ Lớn. Không ghi năm, tr. 17) còn Hà Thủ Văn thì ghi 含吧囒 (Việt Quảng ngữ đối chiếu, Chợ Lớn, 1965, tr. 33, mục cả thảy).
Từ nguyên của yếu tố hằm trong cụm từ đang xét vẫn còn hoàn toàn rõ ràng: hằm chính là âm Quảng Đông của chữ 含 mà Hà Thủ Văn đã dùng, đọc theo âm Hán Việt hiện đại là hàm, có nghĩa là bao gồm, chứa đựng. Còn pà làng thì sao? Một sự quan sát tỉ mỉ từ vựng của tiếng Quảng Đông cho thấy nó có một số yếu tố gốc Mã Lai. Riêng pà làng có thể bắt nguồn từ tiếng Mã Laibarang mà nghĩa gốc là đồ dùng. Trong tiếng Indonesia hiện nay, barang barang (số nhiều) là của cải, đồ đạc, dụng cụ, hành lý, ... ; barang bahan là nguyên liệu; barang makanan là thực phẩm;barang pakaian là áo quần; v.v... Tiếng Quảng Đông không có [b] và [r] nên đã thay thế hai phụ âm này bằng [p] và [l]. Vì vậy mà nó đã Quảng Đông hóa barang thành pà làng cũng như nó đã nói Bà Rịa thành Pà Lịa. Vậy hằm pà làng có nghĩa gốc là bao gồm đủ thứ đồ đạc, rồi sau một quá trình hư từ hóa, ngày nay nó mới có nghĩa là hết thảy, tất cả.
Nhưng dù từ nguyên của cụm từ hằm pà làng do chúng tôi trình bày có là đúng hay là sai thì điều sau đây vẫn là chắc chắn: hằm pà làng là tiếng Quảng Đông. Điều này thì người Việt ở Sài Gòn - Chợ Lớn hầu như ai cũng biết. Trong khẩu ngữ, nhất là trong lời nói vui, thỉnh thoảng họ vẫn dùng mấy tiếng hằm pà làng với ý thức rõ ràng là mình đang dùng «tiếng Tàu».
Tiếng Việt có thành ngữ trăm thứ bà giằn mà Từ điển tiếng Việt 1992 giảng là «nhiều thứ linh tinh, lôi thôi». Chúng tôi cho rằng thành ngữ gốc vốn là trăm thứ bà *rằng trong đó bà *rằngcũng bắt nguồn từ tiếng Mã Lai barang và đương nhiên cũng có nghĩa là đồ dùng. Vậy trăm thứ bà *rằng là trăm thứ đồ đạc, đủ thứ đồ đạc. Do nghĩa gốc này mà có nghĩa thông dụng mang thêm sắc thái chê bai, phàn nàn hiện nay như đã trích dẫn trên đây. Hình thức gốc trăm thứ bà *rằng đã bị từ nguyên dân gian biến thành trăm thứ bà giằn một phần do sự lẫn lộn khá phổ biến giữa r với gi, một phần do ảnh hưởng của bà giằn một biến thể phương ngữ của bà chằn có nghĩa là người đàn bà xấu xí, hung dữ. Trong thành ngữ trăm thứ bà *rằng, thoạt đầu bà *rằng đã biến thành bà *giằng, sau đó bà *giằng mới biến thành bà giằn; từ đây ta mới có hình thức trăm thứ bà giằn như hiện nay. Điều đáng chú ý là trăm thứ bà giằn rất gần nghĩa với hằm pà làng.
Tóm lại, theo chúng tôi, pà làng của tiếng Quảng Đông và bà giằn < bà *giằng < bà *rằng của tiếng Việt đều bắt nguồn từ tiếng Mã Lai barang có nghĩa là đồ dùng. Sự xuất hiện của mỗi từ trong từng thứ tiếng trên đây là kết quả của những cuộc giao thương thời xưa đã từng diễn ra ở miền duyên hải Quảng Đông và Bắc Việt Nam; tại đó và trong những dịp đó, tiếng Quảng Đông và tiếng Việt đã thường xuyên tiếp xúc với tiếng Mã Lai. Danh từ barang hẳn phải là một danh từ mà cả người nói tiếng Việt lẫn người nói tiếng Quảng Đông thời ấy đã từng nghe thấy rất nhiều lần và chính họ cũng đã phải dùng đến. Có thể là vào thời xa xưa đó, barang đã từng có nghĩa là hàng hóa nữa. Và tần số sử dụng của nó ngay cả trong tiếng Việt lẫn tiếng Quảng Đông hẳn cũng phải cao. Có thế nó mới nhập tịch được vào từ vựng của hai ngôn ngữ này mà tiếp tục tồn tại mãi cho đến tận ngày nay. ●
* Đăng lần đầu tiên trên Kiến thức ngày nay, số 87, ngày 1-7-1992.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 201-204.