Tuesday, 18 December 2012

MÃO là thỏ hay mèo (Đương Thời số 29 , 3-2011).

Tết Tân Mão ở Việt Nam là năm con Mèo nhưng ở Trung Quốc và một vài nước Đông Á khác thì lại là năm con Thỏ. Còn tại sao lại như thế thì trước nhất xin giới thiệu lời giải thích của Philippe Papin, nhà sử học người Pháp của EPHE (Ecole Pratique des Hautes Etudes), đã được nhiều người/nguồn dẫn lại trên mạng từ sau ngày mồng một. Theo Radio-Canada.ca ngày 3-2-2011 thì Papin đã giải thích nguyên văn như sau:
Mão en chinois (lapin) se rapproche de mèo en vietnamien (chat). Il s'agit d'un glissement du sens en suivant la pente du son, comme souvent.”
Mão (thỏ) trong tiếng Hán gần (âm) với mèo trong tiếng Việt. Ở đây, do cái đà (trớn) của âm thanh mà ta có một sự trượt nghĩa, như vẫn thường thấy.]
Thế có nghĩa là, theo Papin, thì vì mèo (của tiếng Việt) gần âm với mão là thỏ (của tiếng Hán) nên năm Mão mới trở thành năm con mèo. Về âm thì đúng như thế và thực ra nếu nhà sử học người Pháp này biết đến âm Hán Việt xưa của chữ Mão  là Mẹo thì ông sẽ thấy cái dốc (pente) kia càng “đứng” hơn, nghĩa là cái đà kia càng làm cho người ta dễ trượt hơn. Nhưng về nghĩa  ông lại sai ngay từ đầu vì đã khẳng định rằng trong tiếng Hán thì Mão 卯 có nghĩa là “thỏ”. Không, Mão 卯 không có nghĩa là “thỏ” vì thỏ chỉ là sinh tiếu 生肖, nghĩa là con vật cầm tinh của chi Mão mà thôi. Cái mà hiện nay một số nhà khoa học đang muốn chứng minh về mặt ngữ nghĩa thì lại là: Mão có nghĩa là mèo (chứ không phải thỏ). Đây là một trường hợp sinh động gợi ý cho ta rằng một sự nghiên cứu liên ngành bao giờ cũng hữu ích: nhà sử học đâu có nhất thiết cũng là một nhà ngữ học, càng khó là một nhà ngữ học cừ khôi!
Trở lên là cách giải thích của Philippe Papin thuộc EPHE. Rõ ràng là nó vô căn cứ. Còn sau đây là ý kiến của tác giả bài “Năm Mão và con Mèo qua thơ văn”, đăng trên tờ Hồn Việt số 43 (Tháng 1.2011):
“Chữ 兔 (thỏ) lại viết giống chữ 免 (miễn), chỉ có thêm một nét để chỉ cái đuôi. Hai chữ này không có khác biệt trong văn tự cổ thời Xuân Thu (770 – 476 trước CN) theo cuốn Ngữ lâm thú thoại cho nên chữ miễn một dạng cổ của chữ mãn trong tiếng Việt cổ đã có nghĩa là con mèo (…) Chính vì tiếng Việt còn duy trì con mèo cho chi mão/mẹo mà ta có thể lập luận rằng nguồn gốc tên 12 con giáp chính là từ tiếng Việt cổ nhất vào thời Tiên Tần.”
Lời giải thích của tác giả này cũng sai. 
Thứ nhất, câu “hai chữ  (thỏ) và  (miễn), không có khác biệt trong văn tự cổ thời Xuân Thu” chỉ có nghĩa là lúc bấy giờ hai chữ đang bàn bị dùng lẫn lộn về mặt tự dạng , nhưng cũng chỉ riêng về mặt tự dạng mà thôi chứ về mặt từ vựng thì thố (thỏ và miễn  vẫn là hai từ hoàn toàn riêng biệt và độc lập đối với nhau. Từ miễn có thể được ghi bằng tự dạng của chữ thố (thỏ nhưng nó phải  được đọc thành miễn với nghĩa “truất bỏ”, “tha cho khỏi”, v.v.; cũng như từ thố có thể được ghi bằng tự dạng của chữ miễn  nhưng nó phải  được đọc thành thố với nghĩa “thỏ”. Không thể nào khác hơn thế được. Tác giả kia đã không thấy được điểm này. 
Thứ hai là ta tuyệt đối không thể nói như tác giả đó rằng “chữ miễn (là) một dạng cổ của chữ mãntrong tiếng Việt cổ đã có nghĩa là con mèo”. Đây là một chuyện “râu ông nọ, cằm bà kia” cực kỳ thô thiển: miễn  là chữ Hán thì làm sao có thể là “một dạng cổ của chữ mãn trong tiếng Việt cổ”? Huống chi, nếu miễn  là “một dạng cổ của chữ mãn trong tiếng Việt cổ” thì đâu là dạng cụ thể chính xác của nó trong tiếng Việt hiện đại?
Điểm thứ ba cũng là một đại nghịch lý: tác giả đã lấy nghĩa của từ mãn (= mèo) trong tiếng Việt mà gán cho từ miễn  của tiếng Hán, trong khi miễn 免 không bao giờ chỉ động vật. Chữ miễn 免 này chỉ có thể dùng thay cho miễn 勉 là cố gắng, nổ lực và miễn 娩 là đẻ con. Thế thôi.
Ngoài tác giả trên, một vài tác giả khác đã đưa ra hàng loạt “hóa đơn, chứng từ” mà độ tin cậy chẳng có sức thuyết phục để cố giành cho bằng được  bản quyền đối với chi Mão và con mèo về cho người Việt. Dè dặt và mang nhiều tính khách quan là bài của tác giả Phạm Thị Hảo trên số Hồn Việt đã dẫn nhan đề “Năm Mão – Tết con mèo của Việt Nam và Tết con thỏ của Trung Quốc”. Tuy nhiên chúng tôi cũng muốn xin phép trao đổi thêm với tác giả này đôi điều vì chưa thật an tâm với lập luận bà đã nêu trong đoạn mà chúng tôi trích dẫn dưới đây:
“ Tổng hợp và tiếp thu sự gợi ý của một số ý kiến, chúng tôi xin nêu cách nghĩ sau đây: Có lẽ sự chuyển đổi từ con thỏ của chi “mão” Trung Quốc sang con mèo của chi “mão” Việt Nam là do sự nhầm lẫn về chữ viết và sự biến đổi về ngữ âm. Chữ “Thố 兔 ” (Thỏ) gần giống với chữ “miễn 免, chỉ khác một dấu chấm.
“ Người Trung Quốc có khi dùng chữ nọ viết thay cho chữ kia nếu chúng giống nhau. Hiện nay còn thấy trong một số văn bia đời Hán viết chữ “miễn” thành “thố” và ngược lại.

“ Vậy khi lịch pháp “can chi” truyền sang Việt Nam, chi “mão” bị đọc nhầm thành “miễn”. Rồi do sự biến âm của tiếng Hán trong đó có trường hợp nguyên âm iên biến thành an (thí dụ: yên → an; phiên → phan; phiền → phàn; kiền → càn…) nên “miễn” biến thành “mãn”. Sang tiếng Việt cổ, “mãn” là “mèo”. Thế là trong “thập nhị chi”, “mão” có vật biểu trưng là “mèo”.
Trên đây là lời của bà Phạm Thị Hảo và chúng tôi xin lưu ý rằng chỉ có chữ miễn 免 và chữ thố 兔 mới bị dùng lẫn lộn chứ chữ mão 卯 và chữ miễn 免 thì khác hẳn nhau. Do đó,   mão 卯 không thể nhầm thànhmiễn 免 để biến âm thành mãn mà hiều là mèo được. Điều cốt yếu mà chúng tôi hoàn toàn nhất trí với bà Phạm Thị Hảo là: mười hai chi là gốc của Trung Hoa  chứ không phải vay mượn từ phương Nam, như chúng tôi đã nói rõ trong bài “Thử nêu một cái hướng để đi tìm nguồn gốc của thập nhị chi”, đăng lần đầu tiên trên Kiến Thức Ngày Nay số 375 (Xuân Tân Tỵ, 2001).
“Nghĩa gốc của từng tên trong thập nhị chi từ Tý đến Hợi vẫn còn là một vấn đề chưa được giải quyết dứt khoát vì trước đây hình như người ta đã đi không đúng hướng, chẳng hạn đã cho rằng chữ thìn có hình của một thứ nông cụ, chữ dậu có hình của một thứ đồ đựng dùng trong việc tế lễ, chữ mùi có hình của một bông lúa, v.v.. (1). Gần đây đã có một cái hướng tìm tòi hợp lý hơn của một vài tác giả cho rằng mỗi chi là tên của một con vật vẫn được truyền thống xem là tương ứng với chi đó. Tý là chuột, Sửu là trâu, Tuất là chó, Hợi là lợn, v.v.. và chính vì thế nên người sinh năm Tý mới cầm tinh con chuột, người sinh năm Sửu mới cầm tinh con trâu, v.v.. Có điều là nghĩa của từng tên chi đó đã tuyệt tích từ lâu nên việc khảo chứng sẽ không phải là một công việc dễ dàng. Chúng tôi hoàn toàn tán thành hướng tìm tòi này nhưng chỉ tiếc rằng các tác giả kia lại cho rằng thập nhị chi là mười hai tên mà người Hán đã tiếp thu từ một/những ngôn ngữ thuộc dòng họ khác ở phương Nam. Còn chúng tôi thì tin rằng thập nhị chi là những “đặc sản” 100% made in China.
“Vẫn biết rằng văn minh Trung Hoa không phải, vì không thể, là một nền văn minh khép kín; hoàn toàn “tự cấp tự túc” – quan niệm này đã quá lỗi thời – nhưng thật khó mà tin rằng chủ nhân của nó lại phải đi mượn tên của 12 giống vật ứng với thập nhị chi từ một/những ngôn ngữ nào đó của phương Nam khi mà chính họ đã thuần dưỡng được ít nhất đến sáu giống (lục súc) từ nhiều ngàn năm trước.”
Cách đây đúng 10 năm, chúng tôi đã viết như thế và tất nhiên đến bây giờ chúng tôi vẫn tiếp tục chủ trương như thế. Và với chủ trương này thì mão 卯, mà âm xưa hơn là mẹo, chính là tên của giống mèo, mà cho đến nay người Việt vẫn còn giữ đúng trong hệ thống mười hai con giáp, trong khi ở ngay Trung Quốc và một vài nước khác thì mèo đã bị thỏ truất ngôi. Về vấn đề này thì, thực ra, cách đây 16 năm, trên Kiến Thức Ngày Nay số 184 (1.9.1995), chúng tôi đã phân tích kỹ như sau:
“Đối với người Trung Hoa thì ứng với chi Mẹo lại là con thỏ chứ không phải con mèo. Những tộc người nói các ngôn ngữ Tày-Thái chịu ảnh hưởng văn hóa của người Trung Hoa từ xa xưa cũng đã theo họ mà xem con vật ứng với chi Mẹo là con thỏ. Trong ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ văn học của tiếng Lào, con thỏ gọi là ka tài. Nhưng ứng với chi Mẹo, thì con vật đó lại không được gọi là ka tài mà lại được gọi là thó. Và pi thó là năm con Thỏ (pi là năm). Trong tiếng Xiêm, tức tiếng Thái Lan, con thỏ gọi là kra tài nhưng năm con thỏ thì cũng là pi thó như trong tiếng Lào (Đây là hai ngôn ngữ đồng tộc Tày-Thái và có ý kiến cho rằng người nói tiếng Lào và người nói tiếng Xiêm có thể hiểu nhau đến hơn 70%). Thó của tiếng Lào và tiếng Xiêm bắt nguồn ở một từ tiếng Hán ghi bằng chữ 兔 mà âm Hán Việt xưa là thỏ còn âm nay là thố (Marc Reinhorn trong Dictionnaire laotien-français, Paris, 1979, đã nhầm khi cho rằng thó của tiếng Lào bắt nguồn từ tiếng Việt). Các ngôn ngữ Miêu-Dao cũng có chịu ảnh hưởng của tiếng Hán và văn hóa Hán nên cũng có hệ thống năm, tháng, ngày, giờ tính theo thập can và thập nhị chi. Chẳng hạn, trong tiếng Dao ở Việt Nam thì tên của chi Mẹo là Mão và ứng với chi này cũng là con thỏ mà tiếng Dao gọi là thù (Dẫn theo Bế Viết Đẳng và các tác giả khác, Người Dao ở Việt Nam, Hà Nội, 1971, tr.321-322). Đây cũng là một từ Dao bắt nguồn từ tiếng Hán đã nói trên đây.
“ Ngộ nghĩnh hơn nữa là trong tâm thức của mình, nhiều người Việt Nam lại còn vô hình trung đồng nhất con thỏ với con mèo mà đoạn trích dẫn sau đây là một bằng chứng cụ thể:“Trong số 28 vị tinh tú quán xuyến 4 phương, trên, dưới, trước sau, có các nguyên thần tính, biểu hiện cho thời khắc của một ngày đêm cũng được vẽ trên tranh: Hư nhật thử (con chuột - giờ Tý - nửa đêm), Mão nhật kê (con gà - giờ Dậu - hoàng hôn), Tinh nhật mã (con ngựa - giờ Ngọ - trưa) và Phòng nhật thỏ (con mèo - giờ Mão - rạng đông)” (Phan Ngọc Khuê, “Tranh Đạo giáo ở Việt Nam”, Mỹ thuật thời nay, số 37, 1993, tr.4).
“Thử là con chuột, kê là con gà, mã là con ngựa, đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Đến như thỏ mà lại là con mèo thì không có gì ngược đời bằng. Chẳng qua vì người Trung Hoa cho rằng con thỏ ứng với chi Mão (Mẹo) còn người Việt Nam thì lại cho rằng đó là con mèo nên mới sanh ra cái đẳng thức phản thực tế kia mà thôi.
“Nhưng trên đây chỉ là xét theo hiện đại chứ nếu xét theo lịch đại thì rất có thể là thoạt kỳ thủy, trong tâm thức của người Trung Hoa, con mèo mới đúng là con vật ứng với chi Mão (Mẹo) vì:
– Mèo chính là âm xưa nhất của chữ Mão, xưa hơn cả Mẹo;
– Thập nhị chi chính là tên của mười hai con vật tương ứng (sinh tiếu) chứ không phải là gì khác.”

Monday, 17 December 2012

CÂU ĐƯƠNG là gì? (Kiến Thức Ngày Nay số 150, 9-1994)

ĐỘC GIẢ: Hai tiếng “câu đương” có nghĩa là gì? Có phải đó là một chức sắc hay không?
AN CHI trả lời: Nhà dân tộc học Trần Từ đã viết về hai tiếng câu đương như sau:
Câu đương: Riêng từ này hoàn toàn tối nghĩa, nếu chỉ quy về tiếng Việt hiện đại. Phải chăng đây là một từ cổ (gốc Nam Á hay Nam Đảo?) chỉ còn đọng lại trong trường hợp đang bàn, và một trường hợp khác tương tự trong hội đồng hương chức của làng Việt ở Nam bộ trước năm 1904 (tức trước năm người Pháp tiến hành cuộc “cải lương hương chính” đầu tiên trong miền này), chức câu đương giữ nhiệm vụ giải quyết các trường hợp kiện cáo lặt vặt giữa dân làng với nhau.
“Giáo sư Trần Quốc Vượng còn nhắc chúng tôi rằng, nếu căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư, bộ sử ra đời hồi thế kỷ XV, dưới triều Lê, thì chức câu đương vẫn còn có mặt trong bộ máy chính quyền ở cơ sở ít nhất cũng cho đến thế kỷ XIII, dưới triều Trần: bấy giờ, thái sư Trần Thủ Độ có lần đi kinh lý các xã đã kiểm tra sổ sách, kiểm tra xong thì cho cử “câu đương”. Vẫn theo anh Vượng, văn cảnh của đoạn sử ấy không cho phép người đọc ngày nay định rõ chức năng cụ thể đương thời mà chức viên đó đảm nhiệm.”
(Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền
ở Bắc Bộ, Hà Nội, 1984, tr.142, chth.28).
Có đúng câu đương là một từ cổ có gốc “Nam Á” hoặc “Nam Đảo” như Trần Từ đã giả định hay không? Hoàn toàn không vì đó là một từ Việt gốc Hán mà chữ viết là 句當, đã được Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu giảng như sau: “(...) người phải liệu biện một công việc gọi là cấu đương. Ta quen gọi là câu đương”. Việt Hán thông-thoại tự-vị của Đỗ Văn Đáp phiên là câu đương và giảng là “cáng đáng công việc”. Hán-Việt tân từ-điển của Nguyễn Quốc Hùng cũng phiên là câu đương và giảng là “sắp xếp giải quyết công việc”. Tuy âm chính thức của chữ  trong trường hợp này phải là cấu vì thiết âm của nó là “cá hậu thiết” (X. Từ nguyênTừ  hải) nhưng Từ nguyên còn chú rõ là có thể đọc thành câu (“dịch đọc bình thanh”). Vậy cấu đương cũng đọc là câu đương. Từ này có nghĩa là liệu biện, xử lý công việc. Nhưng ngoài nghĩa trên, Từ hải có cho biết thêm rằng câu đương còn là một chức danh đặt ra từ đời Tống nữa. Khi Tống Cao Tông lên ngôi (1127) thì vì kỵ húy của ông vua này (húy của Tống Cao Tông là , chữ viết tuy khác nhưng cũng đọc là cấu) nên mới đổi mà gọi cấu (câu) đương thành cán biện(Đây là trường hợp thay thế từ bị kiêng kỵ bằng một từ đồng nghĩa với nó).
Xét về cấu tạo thì câu đương và cán biện đều vốn là những ngữ động từ đẳng lập (gồm hai động từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với nhau) được chuyển loại thành danh từ để chỉ một chức danh. Danh từ này đã được người Việt Nam mượn để chỉ một chức dịch ở làng. Chức dịch này đương nhiên có thể không giống với chức viên câu đương của Trung Hoa (Nhiều từ Việt gốc Hán khi đi vào tiếng Việt thì lại có thêm nghĩa khác mà chúng đã không hề có trong tiếng Hán).
Trần Từ đã không đúng khi ông khẳng định rằng câu đương là một từ “hoàn toàn tối nghĩa nếu chỉ quy về tiếng Việt hiện đại”. Thực ra ta không nên vì chính mình không biết được nghĩa của một từ mà bảo rằng nó tối nghĩa hoặc không có nghĩa. (Tiếc rằng hiện tượng này đang là thời thượng trong giới Việt ngữ học). Chỉ có thể nói rằng mình không tìm được hoặc chưa tìm được nghĩa của nó mà thôi. Vả lại chỉ có cách diễn đạt tối nghĩa, câu văn tối nghĩa chứ không có từ tối nghĩa. Từ mà tối nghĩa thì sự giao tiếp sẽ trở nên hỗn loạn.
Tóm lại, cứ theo Trần Quốc Vượng thì câu đương là một chức dịch ở cấp xã còn tồn tại đến thế kỷ XIII, thời nhà Trần. Cứ theo chính Trần Từ thì đó là một chức dịch “giữ nhiệm vụ giải quyết các trường hợp kiện cáo giữa dân làng với nhau” trong hội đồng hương chức ở nông thôn Nam Bộ trước năm 1904. Còn cứ theo Đại-Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của thì đó là “chức việc làng coi sóc các việc trong làng” (X. chữ câu), là “chức làm lớn trong làng coi lãnh các việc” (X. chữ đương). Cuối cùng, cứ theo Từ điển Việt-Bồ-La của A. de Rhodes thì câu đang (chữ  cũng đọc là đang) là “người quản lý công việc” (X. chữ câu), là “người quản lý được trao phó công việc” (X. chữ đang). Ít nhất người ta cũng có thể biết được như trên về từ câu đương, xưa còn đọc là câu đang, chứ đây không phải là “một từ gốc Nam Á hay Nam Đảo”, càng không phải là một “từ tối nghĩa”.

Sunday, 16 December 2012

Phương ngữ: Từ địa phương chỉ địa hình trong địa danh Nam Bộ (Lê Trung Hoa)

Phương ngữ: Từ địa phương chỉ địa hình trong địa danh Nam Bộ

1. Nam Bộ có đầy đủ địa hình như Bắc Bộ, Trung Bộ: núi, rừng, cao nguyên, đồng bằng, biển đảo. Tuy nhiên, phần lớn nằm trên địa bàn đồng bằng với nhiều dòng chảy.khác nhau. Thực địa này được phản ảnh trong địa danh ở Nam Bộ.
(Ảnh minh hoạ: Bên dòng kênh, Hòn Đất, Kiên Giang, nguồn: http://www.skyscrapercity.com)
2.Địa hình Nam Bộ gồm hai bộ phận chính: địa thế tự nhiên và các dòng chảy.
2.1.Về địa thế, phương ngữ Nam Bộ cũng có những từ ngữ của ngôn ngữ toàn dân, như núi (núi Nhỏ ở Vũng Tàu), gò (Gò Công ở Tiền Giang),  (Mô Súng ở thành phố Hồ Chí Minh), bàu (Bàu Trai ở Long An), đầm (Đầm Cùng ở Cà Mau), hồ (hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh), hố (Hố Nai ở Đồng Nai), gành(Gành Hào ở Cà Mau), đồng (Đồng Xoài ở Bình Phước), ao (ao Bà Om ở Trà Vinh), hòn (Hòn Đất ở Kiên Giang), cồn (Cồn Ngao ở Bến Tre), láng (Vàm Láng ở Tiền Giang), đìa (Đìa Phật ở Đồng Tháp),cù lao (Cù Lao Dung ở Sóc Trăng), hàn (Đá Hàn ở Cần Giờ, tp. HCM)…Bên cạnh những từ phổ thông trên, Nam Bộ còn hàng chục từ chỉ địa hình khác.
Bùng binh là chỗ phình rộng giữa sông rạch, đôi khi có cù lao ở giữa, ghe thuyền có thể quay đầu [3]. Đầu thế kỷ 20, từ bùng binh mới được dùng để chỉ nơi giao lộ trong thành phố, như bùng binhSài Gòn, bùng binh Ngã Bảy. Bùng Binh là rạch ở quận 10 và quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, từ Bộ tư lệnh thành phố đến rạch Nhiêu Lộc, dài độ 500m. Đầu thế kỷ 21, rạch đã bị lấp, làm thành đường phố, mang tên đường Rạch Bùng BinhBùng Binh cũng là rạch chảy xuyên hương lộ 10, đến phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, dài 5km.
Búng là vùng đất thuộc tỉnh Bình Dương. Dòng sông Sài Gòn chảy đến đây tạo thành một chỗ xoáy sâu rất nguy hiểm đối với ghe thuyền. Chỗ đó gọi là búng, sau trở thành tên vùng đất. Búng là “chỗ nước sâu làm ra một vùng” [3].
Bưng gốc Khmer bâng, nghĩa là “vùng đất sâu và rộng ở giữa đồng”. Bưng Môn là địa điểm ở thành phố Hồ Chí Minh; Môn là “cây môn nước”.
Đường Thét là chợ ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đường thét là “đường rất thẳng”, người xưa thường nói thẳng thét “rất thẳng”.
Đường trâu là “đường trâu thường đi tạo thành rạch”. Đường Trâu là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Đường Xuồng là kênh ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đường xuồng là “dòng nước mà các chiếc xuồng thường đi lại”.
Động là “cồn cát”. Ba Động là hai địa điểm ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, tp. HCM - nơi có di chỉ KCH thuộc văn hoá Óc Eo được khai quật năm 1978 - và có nghĩa là “ba cồn (cát)”.
Eo Lói là khúc sông nhỏ chảy từ Băng Cung ra Cổ Chiên, tỉnh Vĩnh Long. Eo lói là “chỗ quanh gắt trên đường, trên sông, có hình cùi chõ”.
Gãnh là “chỗ giồng đất xốp, vốn là bãi biển do phù sa bồi dần” [1]. Khu Vàm Gãnh là nơi cư trú của ngư dân ven biển phía tây của tỉnh Kiên Giang, cạnh ngã ba sông.
Gãy là chợ hiện nay ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nơi gặp nhau giữa 5 con sông và kinh: Kháng Chiến, Tư Mới (tên cũ Quatre Bis), Dương Văn Dương (tên cũ Lagrange), Phước Xuyên, và Đồng Tiến. Thời Pháp thuộc chỉ mới có hai con kinh mang tên Pháp, chúng tạo thành một góc nhọn 30OGãy vì hai con kinh nối tiếp nhau giống như một khúc cây gãy nên địa điểm này mang tên trên.Gãy Cờ Đen là địa điểm có chợ Gãy, tỉnh Đồng Tháp. Gãy cờ đen vì tại đoạn kinh gãy khúc có cắm một lá cờ đen khá cao làm mục tiêu (dân địa phương thường gọi phong tiêu hay bông tiêu) để ngắm theo đó mà đào cho con kinh không lệch hướng [14].
Giáp nước có hai loại: 1.Nơi hai dòng nước từ hai nguồn khác hướng ở hai đầu chảy lại. 2. Nơi hai dòng nước không cùng chiều gặp nhau, tạo thành vùng nước xoáy [7]. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh kiểu này: Cầu Giáp Nước ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau; chợ Giáp Nước ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; vùng Giáp Nước là địa điểm ở phía đông, ngoài khơi tp. Vũng Tàu, nơi rất nguy hiểm đối với tàu bè đi lại.
Ở Nam Bộ có khá nhiều địa danh mang thành tố Giồng: ở thành phố Hồ Chí Minh có giồng Am, rạchGiồng Bầu, ngã ba Giồnggiồng Cá Vồ; ở tỉnh Kiên Giang có huyện Giồng Riềng; ở Bến Tre có huyệnGiồng Trôm;… Giồng là biến âm của Vồng, chỉ “dải đất phù sa nổi cao lên, thường là ở ven sông” [2].
Lung gốc Khmer Ăn Lông, nghĩa là “chỗ trũng quanh năm có nước đọng ở giữa đồng hoặc giữa rừng”. Ở thành phố Hồ Chí Minh có rạch Lung. Ở Vĩnh Long có Lung Chim. Ở Kiên Giang có Lung Sen. Ở Cà Mau có nhiều lung nhất: Lung Âm, Lung Gạo, Lung Lá, Lung Nai, Lung Sậy, Lung Tràm,…
Mỏ cày vốn là tên một bộ phận của cái cày, từ tay nắm đến lưỡi cày. (Dictionaire Annamite – Français của Génibrel dịch là manche d’une charue “cán cày). Mỏ cày hình cong như chữ Z nên những vật có hình dáng tương tự thì gọi là mỏ cày, như sao mỏ cày. Đoạn quốc lộ 1A chạy qua vùng phía bắc thị trấn Mộ Đức của tỉnh Quảng Ngãi cong như cái mỏ cày nên vùng đất hai bên quốc lộ 1A này mang tên Mỏ Cày. Mỏ Cày cũng là huyện của tỉnh Bến Tre vì đoạn sông Hàm Luông ở chỗ này cũng có hình cong như cái mỏ cày. Sách chữ Hán dịch là Lê Đầu giang “sông đầu cái cày”.
Ngọn Én là dòng nước nhỏ ở quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Rạch Ngọn là vùng đất ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ngọn gốc thuần Việt, nghĩa là “dòng nước nhỏ ở đầu sông rạch lớn”. Ngọn Dừalà “dòng nước nhỏ ở đầu sông có nhiều cá dừa – một loại cá giống cá soát nhưng lớn xác và ít ăn tạp hơn”, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long [7].
Nổng là “gò”. Nổng Kè là khu vực ở gần sông Trèm Trẹm, tỉnh Cà Mau, là gò có nhiều cây kè, một loại cây giống như thốt nốt, thân chắc, thường dùng làm cột nhà. Ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau có hai con lộ mang tên Nổng Kè Lớn, Nổng Kè Nhỏ.
Ô là “vũng, bàu”. Ô Môn là quận của thành phố Cần Thơ (Môn là “cây môn nước”). Ô Cấp là tên cũ của Vũng Tàu (Cấp là từ gốc Pháp cap “mũi đất” – Cap Saint Jacques “mũi Thánh Jacques”). Ô Ma là tên một khu trại lính ở thành phố Sài Gòn (Ma bắt nguồn từ tiếng Pháp mare “ao” – Camp des Mares “trại lính nơi có nhiều ao”).
Sống Trâu là cái tắt ở huyện Cần Giờ, tp. HCM, dài độ 3.500m. Sống trâu là thế đất/cát có nhiều đường dọc nổi lên như sống lưng con trâu.
Trấp gốc Khmer Pangtrap, là chỗ trũng, ngập nước, nhỏ hơn bưng. Trấp Bèo là kinh ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Trấp bèo vừa gốc Khmer vừa gốc thuần Việt. Trấp bèo có lẽ trước đây là vùng trũng có nhiều bèo [11].
Ụ là chỗ sâu trên một dòng sông và ăn sâu vào đất liền để ghe thuyền đậu lại, và bờ sông ở đây lài lài để dễ kéo thuyền lên sửa.  là rạch ở giữa Giang Thành và Chiêu Anh Các, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ụ Cây là rạch làm ranh giới hai phường 10 và 11, quận 8, nối kinh Tàu Hủ với kinh Đôi, tp. HCM, dài độ 1.200m. Ụ Cây là đống cây ở gần u, chở từ Tây Ninh, Bình Phước về để sản xuất thành phẩm. Ụ Ghe là bến ở làng Bình Phú, nay thuộc phường Tam Phú, quận Thủ Đức, tp. HCM.
Vàm là rạch ở phường Thạnh Lộc, quận 12, tp. HCM. Vàm gốc Khmer piêm, nghĩa là “ngã ba sông, rạch”.
Xáng gốc Pháp chaland, thường gọi là chiếc sà-lan, trên đó người ta đặt cái máy đào kênh, vét bùn. Kinh xáng là con kinh do xáng đào. Ở Nam Bộ có nhiều con kinh đào mang tên này [5].Kinh Xángchảy qua hai xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, tp. HCM, nối kinh Ngang với sông Chợ Đệm, dài độ 7.000m, được đào dưới thời Pháp thuộc.
2.2. Về tên các dòng chảy, ở Nam Bộ cũng dùng những từ phổ thông ở Bắc Bộ và Trung Bộ, nhưsông (sông Đồng Nai), suối (xã Suối Đá ở Tây Ninh), mương (rạch Mương Chuối ở tp. HCM), kinh/kênh(kinh Bảy Ngàn ở Hậu Giang),…Bên cạnh những từ toàn dân đó, Nam Bộ còn dung hàng chục từ mang tính địa phương rõ rệt.
Cái là từ chỉ các dòng chảy. Ở Nam Bộ có độ 250 địa danh mang thành tố này ở trước, trong đó có độ 200 địa danh chỉ các dòng nước. Yếu tố đứng sau có thể chia làm 6 nhóm: 1. chỉ người; 2. chỉ vị trí; 3. chỉ tính chất; 4. chỉ vật thể; 5. chỉ con vật; 6. chỉ cây cối.
Yếu tố sau chỉ người có 2 địa danh.
Cái Tàu là rạch chảy qua vùng có nhiều người Hoa. Cái Tàu là sông chảy từ tỉnh Hậu Giang qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang rồi đổ vào sông Cái Lớn, dài 43km.
Cái Vồn là rạch đổ ra sông Hậu. Tên phiên dịch sang chữ Hán là Bồn GiangCái Vồn còn là thị trấn, huyện lỵ huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Cái Vồn nửa thuần Việt nửa Khmer. Người Khmer gọi Srôk Tà Von “xứ ông Von” [13].
Tiếp theo, yếu tố đứng sau có thể là vị trí.
Cái bát là “sông nhánh bên phải”. Cái Bát là chi lưu sông chính ở hạt Tây Ninh xưa [3]. Cái Bát còn là sông ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Còn cái cạy là “sông nhánh bên trái. Cái Cạy là chi lưu sông chính ở hạt Tây Ninh xưa [3].
Kế đến, thành tố sau có thể chỉ tính chất.
Cái bé là “sông/rạch/kinh nhỏ”; cái lớn là “sông/rạch lớn”. Cái Bé  Cái Lớn là hai sông chảy qua hai tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Cái Lớn còn là sông xuất phát từ cửa Ông Trang chảy ra cửa Bồ Đề, tỉnh Cà Mau.
Cái Ngay là kinh nối rạch Cái Ngay với sông Cái Lớn, tỉnh Cà Mau, Cái ngay là “kinh thẳng”. Cái Quanh là sông ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Cái quanh là “con sông quanh co nguy hiểm” [8].
Cái tắc có dạng gốc cái tắt, là “rạch để đi tắt từ nơi này đến nơi khác”. Cái Tắc là rạch ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Cái xép là “rạch nhỏ”. Cái Xép là xóm nhỏ ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. vì xóm ở cạnh rạch này.
Một số yếu tố đứng sau là các vật thể tại chỗ.
Cái Bè là huyện của tỉnh Tiền Giang. Địa danh này ra đời đầu thế kỷ 18. Cái bè, vì tại rạch này, có nhiều vựa cau khô, trầu rang hoặc vỏ cây dà, cây đước được chở bằng bè tre sang Campuchia bán, sau trở thành địa danh hành chính.
Cái cát là “rạch cát”. Người Khmer cũng gọi Piêm Prêk Ksách “vàm rạch cát” [13]. Cái Cát là cửa sông ở tỉnh Vĩnh Long xưa.
Cái Cối là rạch nằm bên tả ngạn chảy ra sông Bến Tre, nay thuộc xã Mỹ Thạnh An, thị xã Bến Tre. Người Khmer trước đây gọi là Prêk Thbal “rạch cối xay” [13]. Cái cối vì bên bờ rạch có xóm chuyên đóng cối xay lúa.
Cái Muối là sông ở tỉnh Bến Tre xưa. Cái muối là “rạch muối”. Người Khmer cũng gọi Prêk Ambil“rạch muối” [13].
Cái Răng là rạch ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Cái Răng còn là quận của tp. Cần Thơ. Cái vẫn là “rạch”; Răng: có lẽ do Kran, từ Khmer, nghĩa là “cái cà ràng” – loại “bếp lò làm bằng đất nung có đáy rộng ra phía trước để làm chỗ nướng thức ăn, đặt nồi” [2].
Một số thành tố sau là tên các con vật.
Cái Cá là là rạch ở xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Cái cá là “rạch cá” vì dưới rạch này trước đây có nhiều cá sấu.
Cái chồn là “rạch chồn”. Cái Chồn là rạch ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Cái nai là “rạch nai”. Cái Nai là rạch ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Cái Tôm là rạch ở quận Ô Môn, tp. Cần Thơ. Cái tôm là “rạch tôm”.
Sau cùng, đứng phía sau Cái là tên cây cỏ.
Cái Cui là khu cảng ở tp. Cần Thơ, dài 5km. Cái cui là “rạch cây cui”, một loại cây to, lá đơn một phiến cứng. Cây cui còn có tên khác là huỳnh long.
Cái da là “rạch cây da”. Cái Da là rạch ở tp. Cần Thơ.
Cái Dầu là thị trấnhuyện lỵ huyện Châu Phú, tỉnh An GiangCái dầu là “rạch cây dầu”. Người Khmer cũng gọi như thế Srôk Chơ Tál “rạch cây dầu” [13].
Cái Mít là rạch ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cái mít là “rạch mít”, vì Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí đều gọi rạch này là Ba La giang, mà ba la là “cây mít”.
Cái nhum là “rạch có nhiều cây nhum mọc hai bên”. Nhum là loại cây giống cọ nhưng lớn, có nhiều gai. Cái Nhum là huyện cũ của tỉnh Cửu Long. Năm 1977, nhập một phần với các huyện Châu Thành Tây, Tam Bình thành huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cái Nhum còn là thị trấn, huyện lỵ của huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Cái Nhum cũng là rạch ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Cái Sơn là rạch ở tp. Cần Thơ. Cái sơn là “rạch cây sơn”.
Cái Trầu là rạch ở miền Tây Nam Bộ. Cái trầu là “rạch trầu”. Người Khmer cũng gọi thế Srôk Prêk Mlu“xứ rạch trầu” [13].
Lươn hay con lươn là dòng nước nhỏ mà dài như hình con lươn. Rỏng Lươn là rãnh khuyết sâu, nhỏ và dài ở quận 12, tp. HCM. Con Lươn Quyền là rạch nhỏ ở huyện Bình Chánh, tp. HCM.
Cổ là từ gốc Khmer Koh, nghĩa là “đảo. cồn”. Cổ Công / Cổ Cong là đảo nhỏ ngoài khơi vịnh Thái Lan, tây Nam Bộ. Cổ Tron là đảo nhỏ thuộc quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.
Cổ Cò là tên hai con rạch ở tp. HCM và tỉnh Tiền Giang. Cổ cò là “cổ con cò” vì đoạn giữa sông tóp lại như cổ con cò.
Cổ hũ là khúc sông rộng mà có một đoạn tóp lại như cổ cái hũ. Cổ Hũ là dạng gốc của một con kinh ở tp. HCM, bị nói chệch thành Tàu Hủ.
Cổ lịch là dòng nước nhỏ và cong giống cổ con lịch [3] – cùng loại với lươn. Ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có rạch và cầu Cổ Lịch.
Hóc là dạng cổ của hói, chỉ cái xẻo / xẽo, một dòng nước nhỏ. Ở tp. HCM có Hóc Môn (môn ở đây là cây môn nước), Hóc Hươu (nơi hươu trước đây thường xuống uống nước). Hóc Bà Tó ( có lẽ tên người Khmer) là rạch nhỏ ở giữa rừng U Minh, tỉnh Cà Mau, ít người lui tới; từ đó từ tổ hóc Bà Tóchỉ nơi xa xôi, vắng vẻ.
Lòng là từ phổ thông, nhưng ở Nam Bộ, nó còn chỉ dòng sông. Ở Cần Giờ, tp. HCM, có Lòng Giằng Xay là rạch có cây giằng xay, một loại gỗ tạp, dùng làm thuốc dân tộc. Lòng còn kết hợp với tàu để chỉ lòng sông có hình dáng của lòng chiếc tàu. Sông Lòng Tàu ở tp. HCM là tên gọi có lẽ là duy nhất ở Nam Bộ.
Lòng Ống là sông ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Lòng Ống là dòng nước ở giữa sâu xuống.
Ngả là nhánh sông. Nhánh sông bên phía tay mặt gọi là ngả bát; nhánh sông bên phía tay trái gọi làngả cạy. Ở tp. HCM, Hậu Giang, Tây Ninh,…đều có các địa danh Ngả Bát, Ngả Cạy.
Rạch là dòng nước tự nhiên, nhỏ hơn sông. Ở Trung Bộ và Bắc Bộ hoàn toàn vắng mặt từ này. Còn ở Nam Bộ, nó hết sức phổ biến và các nhà nghiên cứu đếu nhất trí là nó có nguồn gốc Khmer prêk. Các địa danh Rạch Giá (giá là loại “cây bụi nhỏ, có nhiều mủ trắng độc, ăn da” [2]); Rạch Dừa là phường ở tp. Vũng Tàu; cầu Rạch Miễu nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Rỏng là rạch ở huyện Hóc Môn, tp. HCM. Rỏng là “đường nước tự nhiên, khuyết sâu xuống, nhỏ hơn rạch, ngả”[4].
Tắt ban đầu đứng sau các danh từ chỉ cách đi băng qua một chỗ nào đó để rút ngắn lộ trình, nhưsông tắt, rạch tắt, ngả tắt, cái tắt,… Sau đó, thường bị nói gọn là tắt, rồi bị viết sai thành tắc.Tắc Cậu là kinh ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tắc Cậu còn là bến cảng ở xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Tắc Cậu có dạng gốc là Tắt Cậu, nghĩa là con kinh (và bến cảng) chảy tắtqua gần miếu Cậu. Miếu Cậu bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Thuỷ Long thần nữ. Tắc Ráng là ấp của phường Rạch Sỏi, tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Tắc Ráng có âm gốc là Tắt Ráng, nghĩa là “dòng nước để đi tắt từ nơi này đến nơi khác, hai bên có nhiều cỏ ráng”. Tại nơi đây, năm 1957, ông Dương Văn Năm là người đầu tiên sản xuất ra loại xuồng nhỏ, chạy rất nhanh, sau người ta lấy tên nơi sản xuất đặt tên cho sản phẩm theo phương thức hoán dụ: chiếc tắc ráng.
Xẻo là “lạch con”. Ở Nam Bộ có khá nhiều địa danh mang từ này: Xẻo Gừa (gừa là loại cây thân lớn, mọc ven bờ nước, có nhiều rễ phụ) ở Sóc Trăng; Xẻo Nga ở Vĩnh Long (nga là tên gọi tắt của nga truật, một loại “củ ngải, vị thuốc trị bệnh huyết ở phần khí, vị cay và đắng, khí âm” [5]; Xẻo Quýt(quýt là tên cây) ở Đồng Tháp; Xẻo Sầm là xóm ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.Sầm có nhiều loại. Chưa biết Sầm ở đây là loại sầm gì. Loại sầm thường dùng làm thuốc là sầm tán, cao 1 - 2m, rễ trị bệnh kinh nguyệt quá nhiều, lá trị lậu, bạch huyết, đau mắt [10].
Xép là bàu ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Xép là “đàng nước nhỏ mà chẹt” hoặc “khu vực của hai con rạch chạy bao quanh hình vòng cung, một con rạch cắt ngang” [7].

3. Qua các tên gọi trên, ta thấy các từ chỉ địa hình có quan hệ đến sông nước ở Nam Bộ khá đa dạng. Những từ này làm cho kho từ vựng của tiếng Việt thêm phong phú, bổ sung cho vốn từ của dân tộc ta. Đây là đóng góp đáng trân trọng của phương ngữ Nam Bộ.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, tp.HCM, Nxb Văn nghệ, 1999.
2. Hoàng Phê (cb), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học, 2000.
3. Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.
4. Lê Trung Hoa (cb) – Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003.
5. Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển, Sài Gòn, Khai trí, 1970.
6. Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.
7. Nguyễn Tấn Anh, Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHKHXH – NV, tp.HCM, 2008.
8. Nguyễn Thanh Bình, Nguồn gốc địa danh hành chính tỉnh Sóc Trăng, trong “Tài liệu hội thảo khoa học: Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Sóc Trăng trước 1945”, bản đánh máy, 2000.
9. Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long hay Văn minh miệt vườn , SG,1979.
10.Thanh Chí, Một số địa danh ở Bạc Liêu có nguồn gốc là tên thực vật, Bạc Liêu xưa và nay, Xuân Ất Dậu, 2005, tr. 25 – 26.
11.Trần Hoàng Diệu, Nguyễn Quang Ân (cb), Địa chí Tiền Giang, tập II, Ban Tuyên giáo tỉnh Tiền Giang và Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu Lịch sử văn hoá Việt Nam, 2007.
12.Trương Ngọc Tường, Một số địa danh ở Tiền Giang, Văn hoá nghệ thuật Tiền Giang, tháng 11 – 2000, tr.27 – 31.
13.Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. TS.Thái Văn Chải dịch phần Địa danh.
14.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.

PGS. TS LÊ TRUNG HOA



Friday, 14 December 2012

Nguồn gốc địa danh Mả Lạng, Mả Ngồi , Chợ Đuổi (Sài Gòn Giải Phóng)

Nguồn gốc địa danh Mả Lạng , Mả Ngồi , Chợ Đuổi

Theo www.sggp.org.vn - 5 năm trước
Hỏi: Tại sao ở TPHCM có các địa danh Mả Lạng, Mả Ngồi, Chợ Đuổi?Lưu Chi Lan (Cần Giuộc, Long An)
LÊ TRUNG HOA: Mả Lạng có dạng gốc là Mả Loạn. Những ngôi mộ bỏ hoang, những cái giếng không dùng nữa thì gọi là mả loạn, giếng loạn. Khu dân cư tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, có trên 10 ngôi mộ không ai chăm sóc nên gọi là khu mả loạn, bị nói và viết chệch thành Mả Lạng. Tại thành phố Phan Thiết cũng có một khu mang tên này.
Ở TPHCM có hai địa danh Mả Ngồi và Chợ Đuổi. Mả Ngồi là một ở xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh; một ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Theo người địa phương, tại xã Thái Mỹ có một ngôi tháp của vị tu sĩ Cao Đài, phái Chiêu Minh cách đây trên 60 năm, khi viên tịch ở tư thế ngồi nên đạo hữu và đồng bào chôn ông cũng ở tư thế ấy.
Chợ Đuổi là dạng viết sai chính tả của chợ Đũi. (Trong Sổ tay địa danh Việt Nam, 2005, Đinh Xuân Vịnh cũng viết nhầm). Đũi là thứ hàng dệt bằng tơ gốc, mặt hàng thô. Chợ Đũi đầu tiên ra đời đầu thế kỷ 19 tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 nay, sau dời về góc đường CMT8 và Võ Văn Tần, quận 3.

Wednesday, 12 December 2012

Rong chơi miền chữ nghĩa (Người Đô Thị Xuân Canh Dần) _ An Chi

Ngũ tự đồng nguyên.
Hùm là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ , mà âm Hán Việt chính thống hiên đại là hàm, có nghĩa là hổ trắng. Ở đây, ta có một sự mở rộng nghĩa từ hổ trắng thành hổ nói chung. Sự mở rộng hoặc sự thu hẹp nghĩa là một hiện tượng bình thường trong ngữ nghĩa học. Cùng một từ gốc trong các ngôn ngữ Germanic mà Tier của tiếng Đức có nghĩa là động vật nói chung còn deer của tiếng Anh thì chỉ dùng để chỉ hươu, nai. Trong tiếng Hán, bàn có nghĩa là mâm nhưng đi vào tiếng Việt thì nó lại đồng nghĩa với cái vật  mà tiếng Anh, tiếng Pháp gọi là table, trên đó người ta có thể để cái mâm. Vậy thì từ hàm sang hùm, ta không có gì để băn khoăn về mặt ngữ nghĩa.
Ngoài hùm ra, hàm còn có những điệp thức, tức biến thể ngữ âm khác là: hạmhồmhầm. Ở đây, ta có một sự tương ứng thật đẹp về phụ âm  đầu [h] và thanh điệu (thanh 2, dấu huyền) giữa hàmhùm,hồmhầm. Còn về sự tương ứng giữa thanh 2 (dấu huyền) của hàm với thanh 6 (dấu nặng) của hạm, ta có hàng loạt trường hợp tương tự:
          – lề (trong lề thói) ~ lệ (trong luật lệ);
          – loàn (trong lăng loàn) ~ loạn (trong nhiễu loạn);
          – lồ (trong loã lồ) ~ lộ (trong lộ liễu);
          – vì (trong bởi vì) ~ vị (chỉ nguyên nhân); v.v..
Hạm là một từ của phương ngữ Nam Bộ, như đã được ghi nhận trong Dictionarium Anamitico Latinum(viết tay, 1772-73) của Pigneaux de Béhaine, từ điển cùng tên của J.L. Taberd (Serampore, 1838),Đại Nam quốc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, v.v.. Hạm là hổ to, cọp lớn.
Về sự tương ứng giữa nguyên âm “ô” của hồm với nguyên âm “a” của hàm, ta cũng có nhiều trường hợp tương tự để chứng minh:
– bạ (trong danh bạ) cũng đọc là bộ;
– hộp (trong đồ hộp) ~ hạp  (= hộp);
– nồm (trong gió nồm) ~ nam (trong nam bắc); v.v..
Về sự tương ứng giữa hồm với hùm thì, trước nhất, “ô” và “u” đều là nguyên âm tròn môi nên chuyển đổi với nhau là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra; huống chi, thứ đến, cả hồm lẫn hùm đều đã được ghi nhận như là những biến thể trong Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt Bồ La) của A. de Rhodes (Roma, 1651). Điều này chứng tỏ rằng vào giữa thế kỷ XVII thì hồm và hùm vẫn còn đang tranh chấp với nhau một chỗ đứng trong vốn từ vựng của tiếng Việt nhưng cuối cùng thì hồm, xưa hơn, đã bị hùm thay thế.
Cuối cùng, về mối tương ứng giữa hùm và hầm thì ta có một sự thật hiển nhiên: hầm là một biến thể ngữ âm hậu kỳ của hùm, như có thể thấy trong một số bản phiên âm Truyện Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, chẳng hạn bản của Tản Đà. Biến thể này đã tranh chấp với hùm cái chỗ đứng chính thức trong từ vựng tiếng Việt nhưng trong cuộc tranh chấp này thì kẻ hậu sinh là hầm đã không đánh bật nổi bậc tiền bối là hùm nên đến nay chỉ còn sống lây lất trong thổ ngữ của một số địa phương mà thôi.
Thế là ta có một dãy điệp thức (theo thứ tự thời gian mà chúng tôi đoán định) như sau:
–      hồm hàm ~ hạm hùm ~ hầm.
Đây là ngũ tự đồng nguyên, năm chữ cùng gốc, trong đó hàm là âm Hán Việt chính thống trong thư tịch, đồng thời là một hình vị ràng buộc (bound morpheme) còn hạmhồmhùmhầm là âm ngoài thư tịch (nhưng tất nhiên vẫn là âm Hán Việt), đồng thời là những hình vị tự do (free morpheme), là những từ độc lập, có thể (hoặc từng) hành chức một cách bình thường trong lời ăn tiếng nói hằng ngày.
Hùm không phải là một từ của khẩu ngữ.
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên, từ ấn bản 1992 cho đến những ấn bản gần đây, đều khẳng định rằng hùm là một từ thuộc khẩu ngữ. Thật là một sai lầm đáng tiếc. Bất cứ ai có cảm thức chính xác và nhạy bén về tiếng Việt cũng đều có thể thấy rằng giữa hổ và hùm thì hùmthiêng mà hổ thường. “Khẩu ngữ” thế nào được khi mà trong Truyện Kiều, kiệt tác của văn học cổ điển Việt Nam, hùm thì bao sân mà hổ thì bặt vô âm tín: miệng hùm nọc rắn (câu 2016), bán hùm buôn sói(câu 2122), râu hùm hàm én (câu 2167), trướng hùm (câu 2315), hùm thiêng (câu 2516), kề răng hùm sói (câu 2670). Rồi ở ngoài đời thì người dân yêu nước đã tôn vinh nhà yêu nước Hoàng Hoa Thám làHùm thiêng Yên Thế. Còn dân gian thì từ xửa từ xưa đã đúc kết: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Ở đây, nếu ta thay hùm bằng hổ thì câu tục ngữ sẽ mất thiêng. Đã không nói hùm là một từ có tính chất văn chương thì chớ; tại sao lại nói nó là một từ của khẩu ngữ?
Râu hùm thì oai ở chỗ nào?
Thật lòng, chúng tôi cũng không thấy râu hùm thì oai vệ ở chỗ nào cả. Cứ nói cho khách quan thì chẳng qua nó cũng cùng một “mẫu mã” với râu mèo mà thôi. Chẳng qua nó ăn theo cái diện mạo tổng quát của con hổ, với cặp mắt có tác dụng thôi miên (hổ thị đam đam), cái mõm với bốn cái răng nanh to chắc và sắc nhọn, cái đầu với ba màu lông đen, trắng và da bò tạo thành những hoa văn gần như những vòng tròn đồng tâm,  cộng với đám lông nhung trắng xù ra chung quanh làm cho vẻ mặt càng thêm dữ dằn, v. v.. Chứ riêng râu của nó thì …
Khốn nỗi, trong Truyện Kiều, để tả cái uy, cái dũng của Từ Hải, thi hào Nguyễn Du lại viết:
Râu hùm, hàm én, mày ngài;
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào;
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
Tài kể chuyện và kỹ xảo dùng từ của Nguyễn Du đã buộc nhiều người phải suy nghĩ nát óc xem râu hùm thì oai ở chỗ nào… mà hình như vẫn không thấy mấy ai giảng cho ra lẽ. Hễ nói đến râu hùm của họ Từ thì có những tác giả thường hay rẽ sang lối khác. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết:
“ Râu hầm cằm én là bởi chữ yến hạm hổ đầu 颔虎頭,tướng ông Ban Siêu đời Hán, bay mà ăn thịt, cái tướng được phong hầu vạn lý.”
(Dẫn theo Trần Văn Chánh,
Trần Phước Thuận, Phạm Văn Hoà,
 Truyện Kiều tập chú, Nxb Đà Nẵng, 1999, tr.591).
 Đào Duy Anh thì giảng:
“ Râu hùm hàm én do chữ “yến hàm hổ cảnh” (hàm én cổ cọp) là tướng của Ban Siêu đời Hán (cổ như cổ cọp, hàm như hàm én, người ta cho là tướng anh hùng). Nguyễn Du đổi “cổ hùm” thành râu hùm.”
(Từ điển Truyện Kiều,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
1974, tr.329).
 Theo hai tác giả trên thì vô hình trung râu hùm là hai tiếng mất gia phả: vị này nói nó do hai tiếng hổ đầu (đầu cọp), còn vị kia thì nói nó do hai tiếng hổ cảnh (cổ cọp) mà ra. May thay, nó có gia phả hẳn hoi. Bốn tiếng râu hùm hàm én trong câu 2167 của Truyện Kiều là do Nguyễn Du lấy ý và chuyển nghĩa từ thành ngữ yến hạm hổ tu  颔虎须 (hàm én râu hổ) của tiếng Hán, dùng để tả tướng mạo oai phong. Thành ngữ này đã được ghi nhận trong Hán Đại thành ngữ đại từ điển do La Trúc Phong chủ biên (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, 1997). Tam quốc diễn nghĩa (Hồi 1) và Thuỷ hử(Hồi 7) đều có sử dụng thành ngữ này.
Vậy thì râu hùm oai phong lẫm lẫm ở chỗ nào? Thật là khó phân tích cho ra lẽ. Nhưng ta sẽ yên tâm thưởng thức văn chương của Nguyễn Du hơn nếu ta nắm được cái quy tắc ngữ học có liên quan, sẽ nói dưới đây. Như đã nói, xuất xứ của bốn tiếng râu hùm hàm én là thành ngữ yến hạm hổ tu của tiếng Hán. Nói theo danh từ ngữ học thì bốn tiếng trước chỉ là hình thức sao phỏng từ bốn tiếng sau mà thôi.Sao phỏng, tiếng Anh là calque hoặc loan translationCalque hoặc loan translation là một hình thức vay mượn từ vựng (từ một ngôn ngữ khác) trong đó tất cả các yếu tố được vay mượn đều được dịch theo nghĩa đen. Chợ trời, tiếng Pháp là marché aux puces, mà nếu dịch theo nghĩa đen thì sẽ là chợ (mua bán) bọ chét. Người Anh đã mượn danh ngữ marché aux puces của tiếng Pháp theo lối sao phỏng nên đã dịch thành flea market (flea = bọ chét; market = chợ). Nhưng tất nhiên là chẳng có ông, bà Ăng-lê nào ra flea market để mua … bọ chét cả. Huống chi, nếu họ cứ cố tình cố ý hiểu từ ngữ theo nghĩa đen thì chỉ cần nghe đến mấy tiếng flea market là họ cũng đã … ớn da gà. Từ thập kỷ 1990, khi Việt Nam mở cửa, ta bắt đầu sử dụng, rồi càng ngày càng nhiều, hai tiếng trọn gói, sao phỏng từ tiếng Anh package. Ta hiểu rằng đây là chuyện bao trọn từ khâu đầu đến khâu cuối, bao từ A đến Z. Có ai máy móc hoặc ngớ ngẩn đặt vấn đề xem người ta gói bằng vải, bằng giấy hay thậm chí bằng lá chuối, v. v. và v. v.. Vì thế cho nên, hễ cứ gặp các hình thức sao phỏng, thì hợp lý và đúng đắn nhất là cứ bình tâm hiểu nó theo cách hiểu của người nguyên ngữ, nghĩa là của cộng đồng người đã cho ta mượn những hình thức sao phỏng đó. Không nên thắc mắc theo nghĩa đen của những từ, ngữ mà ta đã dùng để sao phỏng vì đây là một việc làm ngớ ngẩn. Vậy thì ta cũng không nên đăt vấn đề xem râu hùm thì oai như thế nào. Ta chỉ cần biết rằng đây là trường hợp Nguyễn Du sao phỏng thành ngữ yến hạm hổ tu của tiếng Hán, mà trong thứ tiếng này thì đó là một thành ngữ nói lên cái dáng vẻ oai vệ của một đấng nam nhi. 
Tùng Hổ - Tranh: Lam Lê

Nguồn gốc địa danh Sa Đéc (Nguyễn Hữu Hiếu)

Nguồn gốc địa danh Sa Đéc

(Nguồn: “Tìm hiểu nguồn gốc Địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết” của Nguyễn Hữu Hiếu)

Sa Đéc ngày nay là một trong hai thị xã của tỉnh Đồng Tháp
Hai tiếng Sa Đéc có lẽ xuất phát từ âm của tiếng Phsa ădek của người Khmer hạ, một vị thủy thần gốc Khmer. Trong sách Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt, phần Tự quán (trang 38-39), có chép:


Chùa Tô Sơn ở địa phận thôn Hưng Nhượng, huyện Hà Dương (tỉnh An Giang), phía tây núi có viên đá hình con rùa. Người xưa truyền rằng: gặp khi trời hạn thì đến đấy cầu đảo ắt có được mưa, thổ nhơn bèn lập đền ở chân núi để thờ, gọi là Sa Đéc (tức là Thủy thần)”.

Trong khi đó trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện sau:
Ngày xưa ở đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu), có một tên chúa đất họ Thạch, vừa giàu có, vừa hung ác. Đất đai cò bay thẳng cánh, con thỏ, con nai ở trong rừng; con cá, con tôm ở dưới sông, con chim ở trên trời… tất cả đều là của họ Thạch. Ai hái, bắt thứ gì mà không nộp một nửa hoa lợi thì đừng hòng thoát khỏi tay y. Đám thuộc hạ của y làm tai mắt ở khắp nơi.
Chúa đất họ Thạch giàu có như vậy mà chỉ có mỗi một mụn con gái. Tên nàng là Phsa-dek, xinh đẹp, tính tình nhân hậu hoàn toàn khác cha. Một hôm, nàng dùng ghe lườn cùng nàng hầu rong chơi trên sông Tiền, chẳng may gặp mưa to gió lớn, ghe bị chìm. Trong lúc chủ tớ đang loai ngoai chờ chết, bỗng đâu có một thanh niên lao xuống cứu được cả hai.
Chàng trai nọ đưa hai người về chòi của mình chăm sóc. Khi tỉnh lại, hai người trò chuyện mỗi lúc mỗi thân mật, gắn bó. Nàng hỏi:
- Chàng đang ở trên đất của ai, chàng biết không?
- Biết chớ, toàn vùng này đều là đất của chúa đất họ Thạch ai mà không biết.
- Chàng không sợ ông ta à?
- Có gì mà phải sợ. Tôi từ phương xa tới đây, đất đai, sông nước là của trời sinh, chỗ nào thích là tôi ở. Ông Thạch đâu có sinh ra đất này hoặc khai khẩn gì đâu mà nói là của ổng.
Phsa-dek không cho chàng biết mình là con gái của chúa đất. Từ đó hai người thường lén lút gặp nhau. Bọn thuộc hạ cho tên chúa đất biết chuyện này. Lập tức hắn nhốt nàng lại và lệnh cho tìm bắt chàng trai nọ cho kỳ được. Bọn thủ hạ truy lùng chàng trai, chàng nhanh chân thoát được, nhưng trúng phải tên độc. Tưởng chàng đã chết, chúng bỏ đi. Nhưng may mắn, chàng được một người đi rừng tình cờ cứu sống. Chàng giữ lại mũi tên có khắc chữ Thạch để mưu tính chuyện trả thù.
Ngày nọ, chàng đột nhập vào dinh cơ tên chúa đất, đốt phá cho đã, rồi bắt hắn mang đi. Bỗng Phsa-dek thấy được, tri hô lên. Đám thuộc hạ ùa tới giải vây cho chủ. Chàng trai quá đỗi sững sờ, ngạc nhiên khi thấy nàng ở đây. Lợi dụng giây phút đó, đám thuộc hạ bắt được chàng và tra tấn rất dã man. Nghĩ rằng tại mình nên người yêu cũng là ân nhân mới gặp nạn, nàng đau đớn ngất lịm đi.
Khi được tin chàng trai bị cột chặt vào bè, rồi phóng hỏa đốt thả trôi sông, nàng Phsa-dek vùng dậy chạy theo nhảy xuống bè để cùng chết chung với chàng, nhưng bị thuộc hạ của chúa đất phóng theo bắt lại.
Phsa-dek bỏ nhà đi tu. Vài năm sau, tên chúa đất họ Thạch qua đời. Nàng trở thành người thừa kế một sản nghiệp đồ sộ của dòng họ Thạch. Một phần tài sản được nàng chia cho dân nghèo, phần còn lại dùng vào việc đắp đường, bồi lộ, dựng cầu và xây một nhà lồng chợ để cho người mua, kẻ bán có chỗ che nắng trú mưa.
Ngôi chợ đó được gọi là chợ Phsa-dek, lâu ngày nói trại thành Sa Đéc đến ngày nay. Còn nàng thì được nhân dân kính cẩn tôn lên hàng nữ thần. Tương truyền nàng rất linh thiêng, nhân dân cầu xin điều gì cũng đều được linh ứng.
Đền thờ thủy thần Sa Đéc trên núi Cô Tô với chuyện này không biết có liên hệ gì với nhau không?, song cả hai đều liên quan đến tên gọi Sa Đéc.
Trong Gia Định thành thông chí (tập hạ) của Trịnh Hoài Đức mô tả chợ Sa Đéc như sau:
Chợ ở đông huyện Vĩnh An. Phố chợ dọc theo bờ sông, nhà hai bên liên tiếp 5 dặm, dưới sông có những nhà bè, gác làm phòng ốc, đậu sát nhau, hoặc bán hàng lụa, khí dụng ở Nam Bắc chở đến, hoặc bán dầu rái, than, mây tre… Trên bờ và dưới sông hàng hóa tốt đẹp, trông khá vui vẻ, thật là nơi thắng địa phồn hoa vậy”.

Như vậy, Sa Đéc quả thật là một chợ nổi, nổi tiếng trên sông nước. Phải chăng chính vì vậy mà người Khmer gọi là Phsa ădek (có nghĩa là chợ nổi) và người Việt phát âm thành Sa Đéc? 

Tuesday, 11 December 2012

Những nét về nguồn gốc địa danh và xứ trà nho-Vĩnh Châu (Vĩnh Châu Online)



Trà Nho” là một địa danh xưa của vùng Vĩnh Châu ngày nay và vẫn còn được dùng trong dân gian (đặc biệt là với người Khmer, Hoa...). Tên chữ Vĩnh Châu có nghĩa là "Hạt châu tồn tại mãi”, thành ra đã có một nhà báo viết về những tiềm năng của vùng đất Vĩnh Châu đã dùng một tiêu đề khá ấn tượng “Để mãi là viên ngọc sáng”. 

Những giả thuyết về tên địa danh Trà Nho

Có nhiều giả thuyết về cái tên “Trà Nho”. Một số thì cho rằng từ Trà Nho là cách đọc trại ra (đọc với phiên âm gần giống” của từ “Chui Nhor” trong tiếng Khmer). Chùi Nhor là tên một loại dây leo có lá nhỏ, trái gần giống trái dưa chuột nhưng chỉ nhỏ bằng đầu đũa, mọc khá nhiều ở vùng đất này thưở trước.

Thế nhưng một số khác lại giải thích rằng: Trà Nho là do hai chữ cũng bắt nguồn từ tiếng Kher “Chrui Yor” với nghĩa là “Vịnh tử thần, vịnh thần chết” - Vì ngày xưa, ở vùng biển Vĩnh Châu, ghe tàu nào vô ý cặp bến Vĩnh Châu không cúng bái thì sẽ bị một hung thần vật chết!? Thuyết này có lẽ dựa trên một hiện tượng tự nhiên thường hay xảy ra ở vùng biển này vào khi mùa chướng về hàng năm, đó là hiện tượng triều cường, sóng lớn hay nổi lên bất ngờ dọc theo ven biển thường xuất hiện bắt đấu từ khu vực Hồ Bể chạy dọc xuống bãi Trà Sết, Hải Ngư làm đắm ghe thuyền chưa kịp vào sâu trong bờ. Thuyết này cũng không phải là không có lý khi trong “Tự vị tiếng Việt miền Nam” của cụ Vương Hồng Sển cũng có một đề mục đề cập đến hiện tượng này.*

Địa danh Mỹ Thanh

Theo huyền sử, chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu đã nhiều lần nghỉ lại ở vùng đất này và đóng quân ở khu vực Cồn Nóc, Xâm Pha (thuộc xã Lạc Hoà hiện nay). Ngày trước ở đây còn di tích một nền đồn lũy bằng đất, giếng nước. Vào những năm 90 của thế kỷ 20, một người dân nơi đây trong khi đào giếng đã lượm được cả một vương miện mà người dân ở đây tin rằng là của “công chúa Mỹ Thanh”, một người con của chúa đã bị bệnh chết ở đây và thi thể cũng được quàn ở khu vực này (tên làng xưa là làng Tân Khánh). Khi quân Tây Sơn truy kích đến đây, chúa Nguyễn ánh buộc phải chạy tiếp thì mộ của công chúa “Mỹ Thanh” được giao cho một người Hoa tên là Yết coi sóc. Sau này khi đã tại vị trên ngôi Hoàng Đế, vua Gia Long (Nguyễn Ánh) đã ban thưởng hậu cho chú Yết và ban cho chức tri phủ, được quyền thu hoa lợi của tất cả các cơ sở đánh cá dọc theo vùng ven biển Vĩnh Châu. Tên vị công chúa này được đặt tên cho cửa sông và khúc sông Cổ Cò đoạn chảy qua đây (**) - sông Mỹ Thanh và cửa Mỹ Thanh.

Ngày nay, nếu đứng ở xóm lưới Mỏ Ó, nhìn sang khu vực Xâm Pha vẫn thấy một ngôi cổ miếu (tương truyền là miếu thờ công chúa Mỹ Thanh) và một xóm lưới khá sung túc với nghề đóng đá, đi ghe cào. Ở khu vực các giồng phía trong, cũng tập trung đông đảo người Hoa rất giỏi về nghề làm rẫy với sản phẩm chủ lực là hành tím, các loại rau đậu...

Hồ Bể

Một vũng nhỏ lùi vào phía trong đất liền nằm gần cửa Mỹ Thanh. Vũng này được tạo thành chủ yếu là cát trắng bồi và những đụn cát trắng thay đổi theo mùa gió và sóng biển. Vào mùa nồm nam, những vành đai cát vươn ra phía biển và có xu hướng đóng lại khi càng ra phía ngoài. Điều này được giải thích là do nguồn nước từ sông Hậu đổ xuống mang theo phù sa bồi đắp và sóng biển chạy dọc từ hướng bãi Trà Sết lên tạo thành. Đến mùa chướng (gió Bấc về bắt đầu khoảng cuối tháng 9-đầu tháng 10 âm lịch), lúc này sóng lớn đập vào chủ yếu là từ hướng bắc xuống, cộng với nước triều cường lại lấy đi (đập bể, làm vỡ ra) những vành hồ bên ngoài vừa được tạo lập trước đó trong mùa nồm nam. Mặt vũng lại mở rộng như trước. Có lẽ đây chính là điều làm nên địa danh “Hồ Bể”. Trong những năm 90 của thế kỷ 20, người viết bài này từng đến vùng này khá nhiều. Khi ấy, muốn ra được Hồ Bể phải vượt qua những “nổng cát” trắng lớn mới ra được bãi biển. Phía trong những nổng cát này, người Hoa, người Khmer trồng cây thuốc cá là chủ yếu.

Xâm Pha

Xâm pha thuộc khu vực gần cửa Mỹ Thanh, xã Lạc Hoà (làng Tân Khánh xưa). Dọc theo vùng này là những cánh rừng đước, mắm chà là làm thành một vành đai phòng hộ cho những xóm làng bên trong. Tuy nhiên vì nằm trực diện hướng ra cửa Mỹ Thanh nên đến mùa chướng, sóng biển từ cửa Mỹ Thanh đập trực diện vào đây nên đất lở hàng năm khá nhiều. Anh Vũ, một cán bộ văn hoá thông tin, đã có lần giải thích với người viết bài này về địa danh “Xâm Pha”: “Đó là kiểu phát âm của từ chữ “Sóng Phá””. Vậy Xâm Pha nghĩa là Sóng Phá!? Cũng là một cách giải thích địa danh? Không biết có còn ai có cách giải thích nào khác hơn xin gửi lên để sung cho thêm phần phong phú về địa danh này.

Bãi Biển Vĩnh Châu

Đến với Vĩnh Châu, nhiều người vẫn nhắc đến bãi biển Vĩnh Châu với những giồng cát trắng chạy dài suốt dọc theo bãi biển gần 30 km từ cửa Mỹ Thanh (khu vực Hồ Bể) đến tận giáp ranh Bạc Liêu. Đầu khu vực Trà Sết là một bãi bồi lớn ăn ra ngoài biển, tạo thành một vành chắn sóng cho suốt một dãy bãi bồi. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi Sóc Trăng chưa có đê biển và trồng rừng phòng hộ dọc theo bờ biển này, bãi biển ven bờ là một giải cát dài chạy suốt từ Hải Ngư đến tận gần cuối bãi Trà Sết (khu vực xã Vĩnh Hải) dài gần chục km. Khi nước xuống, xe Hon-da, thậm chí cả xe du lịch vẫn có thể chạy thẳng một lèo đến tận xã Vĩnh Hải. Phía bên trong là những giồng cát trắng, xen lẫn cát giồng là những vườn nhãn, rẫy hành tím, củ cải.v.v. Những giồng cát trắng nằm dọc ven biển rau muống biển mọc xanh um với những bông hoa tím ngát gần giống như bông Cát đằng. Từ mé cát này, người ta có thể đi thẳng ra ngoài bãi chỉ cách bờ chừng 30-40 m là đã có thể bắt nghêu. Mùa hè, bãi biển Vĩnh Châu vẫn là nơi cắm trại dã ngoại của các cô cậu học sinh. Thời pháp thuộc, ở khu vực Trà Sết còn có một ngôi nhà mát để du khách dừng lại trốn nắng khi đi chơi biển Mỹ Thanh về, nay ngôi nhà mát này không còn vì biển lở, biển bồi qua thời gian đã làm mất đi dấu tích.

Sau thảm hoạ triều cường năm 1992, cùng với đê biển Mỹ Thanh, chương trình trồng rừng phòng hộ ở dọc theo ven biển Mỹ Thanh cũng được tiến hành và đến nay (tháng 3/2005), suốt dọc bãi biển là những cánh rừng mắm xanh tốt, có tác dụng như một lá chắn che chở cho giải đê biển phía bên trong. Phù sa cũng bồi lắng nhiều, đẩy bãi cát ra xa tít non 2 km về phía biển. Chính vậy, chỉ có những ai khoẻ mạnh và “chịu khó” mới siêng ra biển bắt nghêu, nhặt vỏ óc. Còn không thì chỉ dừng lại ở mép rừng, bắt cua con, nhặt ốc len trong rừng. Mỗi khoảnh rừng phòng hộ được phân lô, chưa một ngả đường cho người dân ra biển và đỗ ghe, tàu khi vào bờ. Đây cũng chính là nơi tập trung mua bán các sản vật biển của những người ở biển vào.

Dọc theo triền đê, dưới những cánh rừng phòng hộ là khá nhiều nguồn lợi cho cư dân nghèo trong vùng. Nghề bắt biển cạn ( bắt cua hột tiêu, cua hột me, vớt cá kèo giống, bắt nghêu..) cũng cho thu nhập đáng kể. Trung bình mỗi người “ra biển” một chuyến đi về chí ít cũng có trong tay 15.000 đồng.

Đi dọc theo con đê biển từ Trà Sết về Bạc Liêu, chúng ta sẽ đến với những cánh đồng muối Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, Lai Hoà (vốn ngày xưa chính là đồng muối Bạc Liêu nổi tiếng, nay được chia ra theo chỉ giới hành chính). Mùa tháng 3 kéo dài đến tận đầu mùa mưa chính là mùa “muối rớt hột”.. với một chiếc máy ảnh trong tay, tin rằng bạn sẽ có được nhiều tấm ảnh đẹp từ “hoa muối”.

Trên con đê này, cứ cách khoảng 1.000 m là có một con đường dẫn vào các xóm làng bên trong. Bất cứ con đường nào cũng sẽ dẫn đến lộ (đường) Giồng Biển mà dọc theo hai bên đường là những vườn nhãn cổ. Thứ nhãn “da lu” đặc thù của xứ này.