Sunday, 10 February 2013

Do đâu có địa danh Sóc Trăng ?


Sóc Trăng là phiên âm của Srok Khléang tiếng Khơ me. Sroklàng; khléang nghĩa là kho tàng.
(Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, “Khảo về tiếng ta”, Tri Tân Tạp Chí số 125, 1943:5) 

Saturday, 9 February 2013

THÔNG TƯ VỀ VIỆC THÀNH LẬP ĐỘI PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY CHUYÊN NGHIỆP KHU, THÀNH PHỐ, TỈNH

BỘ NỘI VỤ******
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
Số: 06-NV
Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 1962 


Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh
Điều 4 Nghị định số 220-CP ngày 28/12/1961 của Hội đồng Chính phủ quy định ở các khu, thành phố, tỉnh có đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp. Thông tư này hướng dẫn các địa phương trong việc thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh.
Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh là đơn vị chiến đấu và công tác đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và trực tiếp của Ủy ban hành chính đồng cấp.
Về mặt kỹ thuật và nghiệp vụ, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Cục phòng cháy và chữa cháy thuộc Bộ Nội vụ.
Nhiệm vụ quyền hạn của các đội này đã được quy định trong điều 6 của Nghị định số 220-CP nói trên. Trong khi thi hành nhiệm vụ của mình, đội trưởng đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh được sử dụng quyền hạn của Sở trưởng, Ty trưởng phòng cháy và chữa cháy nói trong Pháp lệnh, và được dùng con dấu riêng.
Tổ chức và biên chế của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh quy định như sau:
- Một đội trưởng phụ trách chung.
- Có thể có một hay nhiều đội phó giúp đội trưởng chỉ huy đội và có thể được phân công phụ trách từng phần công tác hay từng khu vực.
- Một số cán bộ kiểm tra giúp đội trưởng hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các cơ sở kinh tế, văn hóa và khu đông dân cư. Số cán bộ kiểm tra quy định từ 2 đến 5 cho các khu, tỉnh. Riêng đối với các thành phố lớn có thể nhiều hơn.
- Đội chữa cháy chuyên nghiệp (cho những nơi có xe chữa cháy).
 Biên chế của đội chữa cháy chuyên nghiệp quy định theo số xe và theo đội hình chiến đấu, có điện thoại viên và quan sát viên giúp việc.
Đội chữa cháy chuyên nghiệp có 1 xe chiến đấu có két nước thì xe đó có 2 tiểu đội luân phiên làm việc theo kíp gồm có 2 tiểu đội trưởng, 2 lái xe, 8 chiến sĩ cộng là 12 người. Nhưng nếu là xe bơm thì xe đó có 2 tiểu đội gồm có 2 tiểu đội trưởng, 2 lái xe, 12 chiến sĩ cộng là 16 người. Nếu đội đó có thêm một xe dự trữ thì xe dự trữ không có biên chế. Để tiết kiệm nhân lực, các chiến sĩ thường trực kiêm nhiệm điện thoại viên. Nơi nào có đài quan sát ở ngay tại doanh trại hay gần doanh trại thì thêm 2 chiến sĩ luân phiên làm công tác quan sát. Nhưng nếu đài quan sát ở cách xa doanh trại 3 cây số trở lên thì biên chế cho đài quan sát sẽ là 4 người.
Để bảo đảm cho sự sẵn sàng chiến đấu của đội, chữa cháy chuyên nghiệp, đề phòng các trường hợp đau ốm đi nghỉ phép, đi học… phải có lực lượng dữ trữ không quá 10% tổng số biên chế của đội chữa cháy chuyên nghiệp.
Nếu đội chữa cháy chuyên nghiệp có từ 2 xe chiến đấu trở lên thì ngoài số tiểu đội biên chế cho các xe chiến đấu ra, phải có thêm 2 trung đội trưởng và một tổ trưởng lái xe. Trung đội trưởng thường trực chỉ huy chiến đấu, tổ trưởng lái xe phụ trách chung các xe, và khi cần thay thể người lái xe của kíp thường trực bị ốm.
Để việc điều động lực lượng và phương tiện chiến đấu khi có cháy được nhanh chóng, bảo đảm công tác phối hợp chiến đấu của các đội chữa cháy có hiệu quả, đội chữa cháy chuyên nghiệp có từ 2 chiếc xe chiến đấu trở lên, các chiến sĩ phải đi chữa cháy không kiêm nhiệm giữ điện thoại được thì phải có 2 điện thoại viên chuyên môn luân phiên thường trực.
Đối với những thành phố lớn tập trung cơ sở kinh tế, văn hóa và dân cư sống đông đúc, có thể có nhiều đội chữa cháy chuyên nghiệp phụ trách từng khu vực của thành phố như trường hợp của Hà Nội, Hải Phòng, thì đội phó đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp kiêm nhiệm đội trưởng của đội chữa cháy ở khu trung tâm, còn các đội chữa cháy khác có thêm 1 đội trưởng. Trong trường hợp này đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp có thể có bộ phận văn thư quản trị nhỏ, còn nói chung, các đội phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp không có bộ phận văn thư quản trị.
Để hợp lý hóa tổ chức và chuyên môn hóa công nhân, Hà Nội có tổ chữa máy để sửa chữa xe chung cho các địa phương.
Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh căn cứ vào những nguyên tắc chung nói trên, ra quyết định thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp cho địa phương mình, ấn định con số biên chế cụ thể, và báo cáo cho Bộ biết.
Việc bổ nhiệm đội trưởng và đội phó của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh làm theo thủ tục bổ nhiệm Sở trưởng, Sở phó, Ty trưởng, Ty phó hiện nay. Ủy ban hành chính đề nghị, Bộ ra quyết định bổ nhiệm.
Về chế độ phục vụ, phù hiệu, cấp hiệu của đội phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp khu, thành phố, tỉnh, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu quy định và trình Hội đồng Chính phủ duyệt.


KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 


 

Lê Tất Đắc

Từ văn minh xuất hiện trong tiếng Việt khi nào?


Từ văn minh xuất hiện trong tiếng Việt quãng năm 1900. Các nhà nho nước ta mượn chữ Hán 文明, đọc theo âm Hán Việt. Từ文明lại do người Trung Quốc mượn của tiếng Nhật. Người Nhật chế tác từ chữ Hán, đọc là bunmei, để dịch từ civilisation trong các tiếng Anh, Pháp
 (Thượng Chi, “Văn Minh luận”, Nam Phong Tạp Chí số 42, 1920:432)

Sunday, 3 February 2013

Súng kíp (An Chi / Huệ Thiên)


            AN CHI: Trên KTNN 379; chúng tôi đã trả lời về nguồn gốc của từ kíp đại khái như sau:
            Kíp là một từ mà người Việt đã mượn ở tiếng Thái Tây Bắc, có thể là do các tay thợ săn hoặc những người Việt lưu lạc ở Tây Bắc trước kia đã đem nó từ vùng thượng du về miền xuôi. Còn nguyên từ của kípthì được người Thái đọc là kép và đây là một từ mà họ đã mượn từ tiếng Lào (cũng đọc là kép) sau khi người Lào đã mượn từ người Xiêm (Thái Lan - cũng đọc làkép). Còn kép là một từ mà người Xiêm đã mượn ở danh từ cap của tiếng Anh, nói tắt từ percussion cap, có nghĩa là cái kíp nổ. Người Tày cũng mượn của người Thái ở Tây Bắc mà đọc thành kép chứ không phải kípnhư người Việt.
            Tuy trả lời như thế trên KTNN 379 nhưng chúng tôi vẫn phân vân, không biết tại sao người Việt lại không phát âm thành kép như người Xiêm, người Lào, người Thái Tây Bắc và người Tày, mà lại phát âm thành kíp. Bây giờ thì chúng tôi đã tìm được câu trả lời.
            Quảng Châu thoại phương ngôn từ điển của Nhiêu Bỉnh Tài, Âu Dương Giác Á và Chu Vô Kỵ (Thương vụ ấn thư quán, Hồng Kông, 2001) có ghi nhận một chữ mà các nhà biên soạn ghi là ''gib1” và giảng là kíp nổ. Xin lưu ý rằng ở đây ''g” chính là [k] còn ''b'' chính là [p]. Vậy gib1 chính mà kíp mà người Quảng Đông phiên âm từ tiếng Anh cap trongpercussion cap nhưng vì tiếng Quảng Đông không có vần -ep nên mới phải thay nó bằng -ip.
            Người Việt Nam đã mượn từ kíp của tiếng Quảng Đông, sau khi nó vượt biên giới Việt Trung qua ngõ Móng Cái để vào khu mỏ Hồng Quảng mà nơi có nhiều người Hoa gốc ở Quảng Đông sinh sống.
            Vậy danh từ cap của tiếng Anh đã vào Đông Nam Á qua hai ngả khác nhau;
            1. kép: Xiêm (Thái Lan) → Lào → Thái Tây Bắc Việt Nam → Tày.
            2. kíp: Quảng Đông → Việt Nam.

Saturday, 2 February 2013

''Rã bành tô” là gì? (An Chi / Huệ Thiên)


            AN CHI: Cơ sở của lối nói rã bành tô chính là ngữ vị từ rã bành, mà theo chúng tôi, thì Phải viết thành rả bành (chữ rả với dấu hỏi) mới đúng. Bành là một từ Việt gốc Pháp, bắt nguồn ở danh từ balle, có nghĩa là kiện hàng. Rả bành là một ngữ vị từ tương ứng với động từ déballer của tiếng Pháp, có nghĩa là tháo kiện hàng để lấy các món hàng ra. Còn emballer thì có nghĩa là đóng kiện, mà thực ra tiếng Việt cũng từng có hình thức đối dịch thích hợp là đóng bành.
            Thế là ta có: emballer đóng bành;
            và déballer rả bành.
            Rả là tách ra, tháo ra, gỡ ra, cắt ra; thí dụ: rả máy xe, rả xấp vải, rả súc thịt, v.v.. Thực ra thì chữ rảnày vốn cùng gốc với  trong tan rã, rã đám. Xét về nghĩa thì rã là rời ra từng bộ phận còn rả chẳng qua là làm cho rời ra từng bộ phận nên hai từ này vốn chỉ là một. Sự phân biệt rã ≠ rả thực tế chỉ xảy ra ở trong Nam và sự ra đời của chữ rả (dấu hỏi) chẳng qua chỉ là kết quả của một thao tác siêu chỉnh (hypercorrection),một hiện tượng mà chúng tôi cũng vừa mới đề cập trên KTNN 526. Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên thu nhận chữ ''rả'' có lẽ cũng chỉ là do đã theo cách viết ở trong Nam (chẳng hạn trong Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức) chứ, theo chúng tôi thì ngoài Bắc không có từ ''rả'' theo nghĩa đang xét (mặc dù vẫn có rảtrong ra rả, rả rích, v.v.).
            Vậy nếu ta thừa nhận rằng cái từ gốc đã phân hóa thành hai, một mang thanh điệu 4 (dấu ngã) và một mang thanh điệu 3 (dấu hỏi) thì ta phải viết rả bành với chữ rả dấu hỏi. Sở dĩ một số quyển từ điển, chẳng hạn như Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức hoặcTừ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên (Nxb TP.HCM, 1994) viết rã bành với chữ rã dấu ngã, theo chúng tôi, chỉ là vì đã loại suy theo ngữ vị từrã bèn, nghĩa là rời cánh, rụng cánh (nói về hoa). Chính vì loại suy theo rã bèn mà viết rả bành thành rã bànhnên người ta cũng đã hiểu ngữ vị từ sau theo nghĩa của ngữ vị từ trước mà cho rằng rã bành là ''tan vỡ, tan rã, tan tành", như đã giảng trong từ điển do Nguyễn Văn Ái chủ biên. Đây cũng là một thí dụ khác về hiện tượng gọi là sự lấy nghĩa (contamination de sen) mà chúng tôi đã nói đến trên KTNN 524 (tr.51, c.1).
            Thế nhưng tại sao lại còn nói ''rã bành tô”?Và bành  là gì? Bành tô là tên một kiểu áo mà ta đã phiên âm từ tiếng Pháp paletot (chứ không phải do "manteau” như có chuyên gia ngữ học đã khẳng định).Bành tô là ''loại áo Âu phục cổ kín, có nhiều túi, choàng bên ngoài", như đã giảng trong Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam của Lê-Ngọc-Trụ (Nxb TP.HCM, 1993). Thế thì bành trong bành tô chỉ là một tiếng đồng âm vớibành trong rã bành chứ có đồng nhất đâu mà lại ghép thành rã bành tô? Nhưng vấn đề lại chính là ở chỗ này: người ta lợi dụng tính đồng âm mà ghép như thế để tạo ra sắc thái đùa tếu cho lối nói đang xét. Cũng giống như tiếng nghệ trong văn nghệ đâu có phải là tên của một giống thực vật nào nhưng người ta vẫn đồng nhất nó với tên của củ nghệ mà nói văn nghệ văn gừng. Tiếngtrị trong chính trị; mà người Bắc phát âm thành chị,đâu có liên quan gì với danh từ chị trong chị em nhưng người ta vẫn đồng nhất hai tiếng đó với nhau mà nói thành chính chị (trị) chính em. Điển hình cho lối nói mang sắc thái đùa tếu này có lẽ là cấu trúc tuyệt cúmèo. Ai có để ý đến chữ Hán cũng có thể biết rằngtuyệt với cú trong  mèo là tên một loài chàm mà nói thành tuyệt cú mèo! Rã bành tô chính là một lối nói như thế và chính vì thế nên nó không hề mang sắc thái trung hòa. Nhưng nó chỉ có tính chất đùa tếu chứ không mang tính xấu nghĩa (pejorative).
            Tóm lại, rã bành tô là một lối nói mang tính chất đùa tếu, ít nhất cũng là không nghiêm chỉnh, có nghĩa là tan vỡ, tan rã, tan tành, không còn gì. Còn xuất phát điểm của nó thì lại là ngữ vị từ rả bành, tương ứng với động từ déballer của tiếng pháp.

Friday, 1 February 2013

Bia là một danh từ mà tiếng Việt phiên âm từ tiếng Pháp bière (An Chi - Huệ Thiên)


            ĐỘC GIẢ: Trên KTNN 523, ông đã viết:
            ''Dùng để chỉ một loại thức uống có độ cồn nhẹ, bia là một danh từ mà tiếng Việt phiên âm từ tiếng Pháp bière. Nhưng cũng chính vì thế mà nó chỉ có nghĩa trong những cấu trúc như. bia bọt, - bia Tig r - bia hơi, v.v. Chứ nếu, với hai câu
                        Trăm năm bia đá thì mòn
                        Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ
mà ai đó lại bắt từ bia của tiếng Việt phải gánh cái nghĩa của từ bière trong tiếng Pháp thì thật là buồn cười."
            Tôi đã rất tâm đắc với đoạn trên đây. Nhưng mấy người bạn đã làm tôi cụt hứng. Họ rất giỏi tiếng Anh. Và họ khẳng định với tôi rằng bia là kết quả phiên âm từ danh từ beer của tiếng Anh/ Mỹ chứ tiếng Pháp bière chỉ đem đến cho tiếng Việt hai chữ lave mà thôi.
            AN CHI: Khi làm từ nguyên, chúng tôi luôn luôn tâm niệm câu sau đây của J.Vendryes:
            “Tous les sosies ne sont pas den parents”.
            (Không phải tất cả những kẻ giống hệt nhau đều là bà con (với nhau)).
            Thoáng nghe, và nếu chỉ nghe không mà thôi, thì rõ ràng là bia rất gần với beer [biә] của tiếng Anh mà chỉ là một người bà con xa với bière [bjεr] của tiếng Pháp. Nhưng, may thay, đó chỉ là một cách nhìn (nghe) quá bác học! Chứ nếu ta chịu gần người bình dân hơn thì ta sẽ thấy vấn đề hiện ra rất khác. Ai có theo dõi giải Bóng đá ngoại hạng của Anh cũng đều biết cây làm bàn của câu lạc bộ Arsenal là Thierry Henry. Thế nhưng một số người bình dân Việt Nam đâu có chịu gọi cái first nam của ngôi sao này là [tjεri]. Họ cứ phát âm một cách rất chi là Việt Nam thành ''tia-ri”. Thậm chí bình luận viên đài truyền hình có khi vì bình quá say sưa và gấp gáp cũng đã phát âm như thế. Vậy thì đâu có chi đáng lấy làm lạ - và càng chẳng có lý gì để chống lại - trước việc họ phát âm bière thành ''bia''.
            Nhưng vấn đề đâu chỉ có thế. Vấn đề là từ bia (<bière) đã có mặt trong từ vựng của tiếng Việt từ hồi còn mồ ma thực dân Pháp, nghĩa là rất lâu trước khi thứ tiếng American English đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, theo chân của lính Mỹ. Chẳng thế mà Nguyễn Tuân đã xài ''bia'' trong Quê hương từ năm 1943. Thì đây, Ngũ Ân Tuyên của chúng ta đã viết thế này:
            ''Bạch mời thầy Ba Bạc Liêu vào một băng thất uống bia và nói chuyện.''
            (Dẫn theo Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn ĐỨC Dân,
Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp,
TPHCM, 1992, tr.67).
            Khi Nguyễn Tuân xài ''bia'' như thế thì người Việt Nam hãy còn gọi dân đảo quốc sương mù là Hồng Mao, Ăng-Lê chứ danh xưng ''Anh'' thậm chí còn chưa được dùng chính thức, càng chưa được dùng một cách thống nhất và phổ biến như hiện nay. Chúng tôi tuyệt nhiên không nói rằng lúc bấy giờ chẳng có người Việt Nam nào biết tiếng Anh. Nhưng hồi đó, thứ tiếng này chẳng có thớ mà cũng không có thế để ''nhập” bia vào kho từ vựng của tiếng Việt. Chỉ có tiếng Pháp mới là một thứ tiếng ''ngon lành'' để đưa đến cho tiếng Việt nhiều từ vay mượn mà thôi. Thậm chí nó còn đưa đến cho tiếng Việt cả những từ Pháp gốc Hồng Mao nữa, đặc biệt là trong khẩu ngữ, chẳng hạn trong môn bóng đá (P. = Pháp, A. = Anh):
           
            Vậy cái sự giỏi tiếng Anh mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ, để làm từ nguyên học về từ Việt gốc Anh. Nếu chỉ ''trông mặt mà bắt hình dong'' thì ta sẽ dễ dàng cho rằng phom (dạng, kiểu, khuôn, mẫu) là một từ gốc Anh, vì nó được phát âm rất gần với tiếng Anh form  trong khi tiếng Pháp lại là forme , có vẻ như... xa hơn. Nhưng thợ đóng giày người Việt Nam đã dùng ''phom” để đóng giày cho Tây - và dĩ nhiên là cho cả khách hàng người Việt Nam - từ rất lâu trước khi Mỹ đến.
            Vậy xin cứ yên tâm tin rằng bia là một từ Việt gốc Pháp. Chỉ xin nhấn mạnh rằng đây vốn là một từ của tiếng Việt miền Bắc còn la ve, tuy cũng gốc Pháp, nhưng lại là một từ của tiếng Việt miền Nam. Thật vậy, trước đây người Bắc và người Nam vẫn có những cách phiên âm khác nhau đối với một số từ nhất định của tiếng Pháp, chẳng hạn (theo thứ tự: Pháp > Nam - Bắc):
            - balle > banh - ban;
            - crème > cà rèm (lem) - kem;
            - commissaire > cò – cẩm;
            - copier > cọp dê [je] - cóp;
            - gamelle > gà mên - cà mèn;
            - fromage > phô mai - phó mát; v.v..
            Vậy la ve là một từ gốc Pháp của tiếng Việt miền Nam còn bia là một từ gốc Pháp tương ứng của tiếng Việt miền Bắc. Đáng nói là, trong la ve, chỉ có ve mới chánh cống là hình thái phiên âm của bière chứ la thì chỉ là nhại lại quán từ la của tiếng Pháp (vì bière thuộc giống cái nên mới đi với quán từ giống cái la thành la bière) mà thôi.
            Nhưng tại sao lại phiên âm bière thành ve? Chuyện hơi rắc rối và rất đáng nói. Đáng nói là vì nhiều người miền Bắc đã theo đúng chính âm, căn cứ vào chính tả, mà phát âm lave thành [la vε] trong khi người bình dân Nam Bộ không bao giờ phát âm như thế! Họ chỉ phát âm hai chữ này thành [la jε] mà thôi. Một số người Bắc, vì nghĩ rằng [la jε] nếu viết ra chữ quốc ngữ thì sẽ là ''la de" (người Nam Bộ vẫn đọc chữ ''d'' thành [j]), nên mới thực hiện một hành động siêu chỉnh (hypercorrection) mà phát âm hai chữ la ve thành [la zε]. Nhưng người Nam Bộ cũng không bao giờ phát âm như thế này vì, như đã nói, họ chỉ phát âm thành [ra jε] mà thôi. Vậy thì tại sao la bière lại được phiên âm thành la ve chứ không phải *la de?
            Sự thể là như sau: Trong khi người bình dân Nam Bộ phát âm chữ ''v'' thành [j] (sẽ tạm ghi bằng chữ quốc ngữ ''y'') thì người có ít nhiều học thức lại phát âm nó thành [bj] và xem đây là cách phát âm chuẩn. Vì vậy mà nếu những người trước phát âm vội vàng, vui vẻ, v.v… thành ''vội ỳang, ''yui yẻ", v.v., thì những người sau lại phát âm thành "byội byàng, "byui byẻ, v.v.. Thế mà người có học ở Nam Bộ có điều kiện để phiên âm một cách trung thành la biè(re) của tiếng Pháp thành ''la ve" mà họ phát âm thành la bye [la bjε], còn người bình dân thì la ve [la jε]. vậy cách phát âm thành [la vε] hay [la zε] của người Bắc hoàn toàn không đúng với cách nào trong Nam cả, nghĩa là không giống ai.
            Nói tóm lại thì tiếng Pháp (la) bière đã đem đến cho tiếng Việt hai hình thức vay mượn: bia ở ngoài Bắc và (la) ve ở trong Nam chứ không phải chỉ la ve mới có gốc Pháp còn bia thì gốc Anh như những người xịn tiếng Anh kia đã khẳng định. 

Thursday, 31 January 2013

Người Việt Nam biết uống bia từ khi nào?



Người An-Nam trước khi nhà nước Pha-lăng-sa sang bảo-hộ thì chưa có tiếng sà-phòng (savon), nhà ga (gare), rượu bia (bière), cậu bồi (boy) v.v. (Nam Phong số 170, 1932:293, Vũ Công Nghi)
Bia là thứ thức uống chứa cồn, có vị đắng đặc trưng của húp lông (hoa bia), được người Pháp đưa vào Việt Nam. Nhà máy bia đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam năm 1890 (1892?). Đó là Brasserie de Hanoi (nay là nhà máy bia Hà Nội) ở làng Đại Yên do một người Pháp tên Hommel làm chủ. Để có đất xây nhà máy, Hommel đã phá cả một ngôi cổ tự là chùa Chân Giáo (được xây dựng từ năm 1024). Vào thời kỳ đầu, mỗi ngày ba mươi công nhân của Hommel chỉ sản xuất được 150 lít bia. Dân gian lấy tên ông chủ Hommel để gọi thứ thức uống mới là bia Ô Mền. Sau đó một viên hạ sĩ quan giải ngũ ở Sài Gòn tên Victor Larue hợp tác với Hommel thành lập công ty Brasseries et Glacières d'Indochine (viết tắt là B.G.I.), đặt văn phòng tại số 187 đại lộ Armand Rousseau Chợ Lớn. Năm 1909 bia Larue được đưa ra giới thiệu với người tiêu dùng và thành công rực rỡ.
Người bình dân miền Nam trước 1975 ít dùng từ bia mà hay nói la ve / la de hơn. Sau khi đất nước thống nhất, từ la ve / la de gần như biến mất và được thay thế bằng bia trong mọi hoàn cảnh. Các từ ngữ mới đều được tạo từ bia (bia hơi, bia bốc, bia bọt, bia lên cơn, bia trắng, bia nâu, bia đen, bia vàng, bia ngọt, bia không cồn, bia ôm...).