ĐỘC GIẢ: Trên KTNN 523, ông đã viết:
''Dùng để chỉ một loại thức uống có độ cồn nhẹ, bia là một danh từ mà tiếng Việt phiên âm từ tiếng Pháp bière. Nhưng cũng chính vì thế mà nó chỉ có nghĩa trong những cấu trúc như. bia bọt, - bia Tig r - bia hơi, v.v. Chứ nếu, với hai câu
Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ
mà ai đó lại bắt từ bia của tiếng Việt phải gánh cái nghĩa của từ bière trong tiếng Pháp thì thật là buồn cười."
Tôi đã rất tâm đắc với đoạn trên đây. Nhưng mấy người bạn đã làm tôi
cụt hứng. Họ rất giỏi tiếng Anh. Và họ khẳng định với tôi rằng bia là kết quả phiên âm từ danh từ beer của tiếng Anh/ Mỹ chứ tiếng Pháp bière chỉ đem đến cho tiếng Việt hai chữ lave mà thôi.
AN CHI: Khi làm từ nguyên, chúng tôi luôn luôn tâm niệm câu sau đây của J.Vendryes:
“Tous les sosies ne sont pas den parents”.
(Không phải tất cả những kẻ giống hệt nhau đều là bà con (với nhau)).
Thoáng nghe, và nếu chỉ nghe không mà thôi, thì rõ ràng là bia rất gần với beer [biә] của tiếng Anh mà chỉ là một người bà con xa với bière [bjεr]
của tiếng Pháp. Nhưng, may thay, đó chỉ là một cách nhìn (nghe) quá bác
học! Chứ nếu ta chịu gần người bình dân hơn thì ta sẽ thấy vấn đề hiện
ra rất khác. Ai có theo dõi giải Bóng đá ngoại hạng của Anh cũng đều
biết cây làm bàn của câu lạc bộ Arsenal là Thierry Henry. Thế nhưng một số người bình dân Việt Nam đâu có chịu gọi cái first nam của ngôi sao này là [tjεri]. Họ cứ phát âm một cách rất chi là Việt Nam thành ''tia-ri”. Thậm
chí bình luận viên đài truyền hình có khi vì bình quá say sưa và gấp
gáp cũng đã phát âm như thế. Vậy thì đâu có chi đáng lấy làm lạ - và
càng chẳng có lý gì để chống lại - trước việc họ phát âm bière thành ''bia''.
Nhưng vấn đề đâu chỉ có thế. Vấn đề là từ bia (<bière) đã có mặt trong từ vựng của tiếng Việt từ hồi còn mồ ma thực dân Pháp,
nghĩa là rất lâu trước khi thứ tiếng American English đổ bộ vào miền Nam
Việt Nam, theo chân của lính Mỹ. Chẳng thế mà Nguyễn Tuân đã xài ''bia'' trong Quê hương từ năm 1943. Thì đây, Ngũ Ân Tuyên của chúng ta đã viết thế này:
''Bạch mời thầy Ba Bạc Liêu vào một băng thất uống bia và nói chuyện.''
(Dẫn theo Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn ĐỨC Dân,
Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp,
TPHCM, 1992, tr.67).
Khi Nguyễn Tuân xài ''bia'' như thế thì người Việt Nam hãy còn gọi dân đảo quốc sương mù là Hồng Mao, là Ăng-Lê chứ danh xưng ''Anh'' thậm
chí còn chưa được dùng chính thức, càng chưa được dùng một cách thống
nhất và phổ biến như hiện nay. Chúng tôi tuyệt nhiên không nói rằng lúc
bấy giờ chẳng có người Việt Nam nào biết tiếng Anh. Nhưng hồi đó, thứ
tiếng này chẳng có thớ mà cũng không có thế để ''nhập” bia vào
kho từ vựng của tiếng Việt. Chỉ có tiếng Pháp mới là một thứ tiếng
''ngon lành'' để đưa đến cho tiếng Việt nhiều từ vay mượn mà thôi. Thậm
chí nó còn đưa đến cho tiếng Việt cả những từ Pháp gốc Hồng Mao nữa, đặc
biệt là trong khẩu ngữ, chẳng hạn trong môn bóng đá (P. = Pháp, A. =
Anh):
Vậy cái sự giỏi tiếng Anh mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ, để làm
từ nguyên học về từ Việt gốc Anh. Nếu chỉ ''trông mặt mà bắt hình
dong'' thì ta sẽ dễ dàng cho rằng phom (dạng, kiểu, khuôn, mẫu) là một từ gốc Anh, vì nó được phát âm rất gần với tiếng Anh form trong khi tiếng Pháp lại là forme , có
vẻ như... xa hơn. Nhưng thợ đóng giày người Việt Nam đã dùng ''phom” để
đóng giày cho Tây - và dĩ nhiên là cho cả khách hàng người Việt Nam -
từ rất lâu trước khi Mỹ đến.
Vậy xin cứ yên tâm tin rằng bia là một từ Việt gốc Pháp. Chỉ xin nhấn mạnh rằng đây vốn là một từ của tiếng Việt miền Bắc còn la ve, tuy
cũng gốc Pháp, nhưng lại là một từ của tiếng Việt miền Nam. Thật vậy,
trước đây người Bắc và người Nam vẫn có những cách phiên âm khác nhau
đối với một số từ nhất định của tiếng Pháp, chẳng hạn (theo thứ tự: Pháp
> Nam - Bắc):
- balle > banh - ban;
- crème > cà rèm (lem) - kem;
- commissaire > cò – cẩm;
- copier > cọp dê [je] - cóp;
- gamelle > gà mên - cà mèn;
- fromage > phô mai - phó mát; v.v..
Vậy la ve là một từ gốc Pháp của tiếng Việt miền Nam còn bia là một từ gốc Pháp tương ứng của tiếng Việt miền Bắc. Đáng nói là, trong la ve, chỉ có ve mới chánh cống là hình thái phiên âm của bière chứ la thì chỉ là nhại lại quán từ la của tiếng Pháp (vì bière thuộc giống cái nên mới đi với quán từ giống cái la thành la bière) mà thôi.
Nhưng tại sao lại phiên âm bière thành ve? Chuyện hơi rắc rối và rất đáng nói. Đáng nói là vì nhiều người miền Bắc đã theo đúng chính âm, căn cứ vào chính tả, mà phát âm lave thành
[la vε] trong khi người bình dân Nam Bộ không bao giờ phát âm như thế!
Họ chỉ phát âm hai chữ này thành [la jε] mà thôi. Một số người Bắc, vì
nghĩ rằng [la jε] nếu viết ra chữ quốc ngữ thì sẽ là ''la de" (người Nam Bộ vẫn đọc chữ ''d'' thành [j]), nên mới thực hiện một hành động siêu chỉnh (hypercorrection) mà phát âm hai chữ la ve thành
[la zε]. Nhưng người Nam Bộ cũng không bao giờ phát âm như thế này vì,
như đã nói, họ chỉ phát âm thành [ra jε] mà thôi. Vậy thì tại sao la bière lại được phiên âm thành la ve chứ không phải *la de?
Sự thể là như sau: Trong khi người bình dân Nam Bộ phát âm chữ ''v''
thành [j] (sẽ tạm ghi bằng chữ quốc ngữ ''y'') thì người có ít nhiều học
thức lại phát âm nó thành [bj] và xem đây là cách phát âm chuẩn. Vì vậy
mà nếu những người trước phát âm vội vàng, vui vẻ, v.v… thành ''vội ỳang, ''yui yẻ", v.v., thì những người sau lại phát âm thành "byội byàng, "byui byẻ, v.v.. Thế mà người có học ở Nam Bộ có điều kiện để phiên âm một cách trung thành la biè(re) của tiếng Pháp thành ''la ve" mà họ phát âm thành la bye [la bjε], còn người bình dân thì la ve [la
jε]. vậy cách phát âm thành [la vε] hay [la zε] của người Bắc hoàn toàn
không đúng với cách nào trong Nam cả, nghĩa là không giống ai.
Nói tóm lại thì tiếng Pháp (la) bière đã đem đến cho tiếng Việt hai hình thức vay mượn: bia ở ngoài Bắc và (la) ve ở trong Nam chứ không phải chỉ la ve mới có gốc Pháp còn bia thì gốc Anh như những người xịn tiếng Anh kia đã khẳng định.
Tham khảo thêm về chủ đề: bia
ReplyDeleteTham khảo thêm về chủ đề: bia
ReplyDelete