Thursday 14 February 2013

KẺ là một từ Việt gốc Hán (Kiến Thức Ngày Nay số 229, 01-12-1996) (An Chi / Huệ Thiên)



                                                                                        
  ĐỘC GIẢ: Trên KTNN số 225, ông có viết: “Các từ làng, chạ và kẻ (...) là những từ Việt gốc Hán: làng là âm xưa của chữ trang 莊 (...) chạ là âm xưa của chữ  社 , kẻ là âm xưa của chữ giới 界 .” Làng là âm xưa của trangchạ là âm xưa của  thì còn tạm chấp nhận được vì dù sao thì vẫn còn gần âm chứ kẻ mà lại là âm xưa của giới thì thật là khó tin. Vả lại, các học giả đã chứng minh rằng kẻ là một từ thuần Việt thì làm sao nó lại có thể là một từ Việt gốc Hán được?

AN CHI: Vấn đề thực ra không phải là ở chỗ gần âm hay không mà lại là ở chỗ tương ứng ngữ âm có đúng quy luật hay không. Các hình thái như haryrhawrharkh của tiếng Armenia là cùng một nguồn gốc với các hình thái patêrpatrospateres của tiếng Hy Lạp (lần lượt theo thứ tự đã ghi): đó đều là danh cách số ít, sinh cách số ít, danh cách số nhiều của danh từ có nghĩa là “cha” trong hai thứ tiếng đó, bắt nguồn từ một từ Ấn-Âu chung. Đây là một sự thật mà tất cả các nhà Ấn Âu học đều nhất trí thừa nhận mặc dù các hình thức tương ứng đó rất xa nhau về ngữ âm.

Bây giờ xin đề cập đến từ kẻThời đại Hùng Vương của Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng (KHXH, Hà Nội, 1973) đã dành ra hơn 3 trang để bàn về từkẻ này. Vì đây là một quyển sách thừa hưởng và tổng hợp những kết quả của 4 cuộc hội nghị quy mô lớn về thời kỳ “Hùng Vương dựng nước” nên chúng tôi xin lấy ý kiến trong sách này làm cơ sở để thảo luận cho thuận tiện (Phần bàn về từ kẻ là do Nguyễn Linh viết).

Nguyễn Linh cho rằng “những tên nôm với yếu tố kẻ rất nhiều: hầu hết xã thôn Việt-nam ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, bắc Trung bộ (khu IV cũ) đều có. Nhưng đi quá vào Nam Trung bộ, Nam bộ thì ít dần đi rồi không thấy nữa. Ở vùng thượng du Bắc bộ cũng thấy rất ít, hầu như không đáng kể” (tr.49). Ý tác giả cho rằng vì vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ cùng với Bắc Trung bộ là địa bàn cổ xưa của người Việt nên mới có những địa danh mang yếu tố kẻ còn Nam Trung bộ và Nam bộ là vùng đất mới nên không có địa danh mang yếu tố đó. Từ đây suy ra, kẻ là một yếu tố thuần Việt đã được sử dụng tại địa bàn cổ xưa của người Việt. Thực ra sở dĩ “đi quá vào Nam Trung Bộ và Nam Bộ việc sử dụng yếu tố kẻ ít dần đi rồi không thấy nữa” thì chỉ là vì khi lưu dân người Việt bắt đầu vào đến vùng đất mà ngày nay là miền Nam Trung Bộ thì từ kẻ đã không còn thông dụng nữa mà đang trở thành một từ cổ. Còn sở dĩ ở vùng thượng du Bắc Bộ cũng thấy rất ít thì vì đó là vùng cư trú của các dân tộc thiểu số chứ không phải của người Kinh (Việt). Vậy nguyên nhân của sự vắng mặt của yếu tố kẻ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ và nguyên nhân của sự vắng mặt của nó ở thượng du Bắc Bộ là hai nguyên nhân hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng làm một được.

Nguyễn Linh khẳng định rằng “trong nhiều tên làng Việt-nam, từ kẻ trong những tên nôm được phiên âm ra tên Hán-Việt bằng từ cổ (viết như chữ “cổ” trong “cổ đại”). Ở Lưỡng Quảng, những địa danh có chữ cổ đứng đầu rất phổ biến, rất tập trung. Nhìn rộng ra toàn Trung-quốc thì địa danh có chữ cổ còn thấy rải rác ở Cam-túc, Tứ-xuyên, Quý-châu, Vân-nam, nhưng tập trung nhất là ở vùng Lưỡng Quảng” (tr.49,50). 

Thực ra, làm sao mà một nguyên âm hàng trước không tròn môi như e lại có thể được phiên âm bằng một nguyên âm hàng sau tròn môi như ô? Một cuốn sách có nhiều thiếu sót trong phiên âm như An Nam dịch ngữ (X.bản do Vương Lộc giới thiệu và chú giải, Hà Nội - Đà Nẵng, 1995) cũng không hề có trường hợp nào lại phiên âm một cách bất hợp lý đến thế (X. các từ: bé, bẻ, mẹ, nghe, xé, the, chè, sẽ lần lượt ở các trang 115, 143, 150, 157, 158, 166, 169, 183). Cổ không hề là hình thức phiên âm của kẻ. Lê Văn Hòe đã chứng minh rằng nhiều địa danh Hán-Việt có yếu tố cổ 古 đứng đầu đã được đặt ra vào thời quân Minh xâm chiếm rồi cai trị nước ta mà không hề phiên âm từ một tên nôm nào bắt đầu bằng yếu tố kẻ. Ông viết: “Nghiên cứu lịch sử thời này, ta thấy có đặc điểm là quân Minh rất sính dùng chữ Cổ (là cũ, là xưa, là không theo ngày nay) để đặt tên thành, tên huyện. Ví dụ: Lộ Đông-đô có các huyện Cổ-bảng, Cổ-giả, Cổ-lễ; lộ Lạng-giang có Cổ-dũng, Cổ-lũng; lộ Đà-giang có Cổ-nông, lộ Long-hưng có Cổ-lan; lộ Hải-đông có Cổ-phí; trấn Thanh-đô có các huyện Cổ-đằng, Cổ-hoằng, Cổ-lôi, v.v.. Khi đổi tên các huyện cũ ra tên mới, họ thích lấy chữ Cổ mà đặt, như đổi huyện Đỗ gia làm Cổ-đỗ, huyện Đặng-gia làm Cổ-đặng, huyện Tư-nông làm Cổ-nông, v.v.. Sang thời nhà Lê, sau khi đánh đuổi quân giặc, giành lại đất nước, triều đình ta đã bỏ hết các tên huyện bắt đầu bằng chữ Cổ. Kiểm điểm hàng mấy trăm tên huyện thời Lê Nguyễn, ta không thấy có tên nào có chữ Cổ trên đầu” ("Góp ý với ông Đào-duy-Anh về vấn đề Loa-thành", Nghiên cứu lịch sử, s.86, 5-1966, tr.43-44).

Tóm lại, việc dùng từ cổ làm yếu tố đầu trong địa danh là một cách làm của quân Minh ở nước ta cũng như của người Hán bên Trung Hoa. Chính vì vậy mà từ cổ mới hiện diện trong nhiều địa danh ở Cam Túc, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và Lưỡng Quảng như Nguyễn Linh ghi nhận.

Nguyễn Linh còn khẳng định rằng “Từ kẻ có thể thay thế bằng từ làng (...) nhưng (...) không thể thay thế bằng từ  là một từ Hán Việt, cũng như không thể đặt trước một tên Hán Việt. Có thể gọi Kẻ Noi (Cổ-nhuế) hay Noi hoặc làng Noi, nhưng không ai gọi kẻ Cổ-nhuế cả” (tr.51). Thật ra tác giả Nguyễn Linh đã không điều tra cẩn thận và chưa thống kê đầy đủ nên mới không biết được rằng kẻ chẳng những có thể tương đương vớixã mà lại còn có thể đi chung với địa danh Hán Việt chánh cống, thậm chí địa danh Hán Việt hai âm tiết nữa. Sau đây mới chỉ là một số dẫn chứng ít ỏi bước đầu thấy được ở tài liệu viết tay năm 1632 của Gaspar d’Amaral: làng Kẻ Tranh XuyênKẻ Lương Trung xã,kẻ An Lãngkẻ Vĩnhkẻ Mộckẻ Giánkẻ Vĩnh Cang, v.v.. (Dẫn theo Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Ra khơi, Sài Gòn, 1972, tr.57-63). Vĩnh, MộcGiánTranh XuyênLương TrungAn LãngVĩnh Cang là gì nếu không là những địa danh Hán Việt? Và nếu kẻ không tương đương với  thì làm sao lại có thể nói được “Kẻ Lương Trung xã”? Đó là chỉ mới nhờ vào những trang viết tay của Gaspar d’Amaral mà biết được; nếu đi sâu vào thư tịch Hán Nôm của các địa phương thì chắc chắn là sẽ còn phát hiện được thêm nhiều chứng liệu hơn nữa về hiện tượng kẻ đi chung với địa danh Hán Việt hai âm tiết.

Còn nếu chỉ cần đến cấu trúc “kẻ + địa danh Hán Việt đơn tiết” thì riêng tác giả Lê Trọng Khánh cũng đã cung cấp cho chúng ta quá nhiều dẫn chứng khi muốn chứng minh rằngkẻ là một yếu tố “thuần Việt”, rằng “địa danh có từ kẻ hình thành từ khi dựng nước Văn Lang”! Sau đây chỉ là một số nêu làm tin vì Lê Trọng Khánh đã đưa ra quá nhiều: kẻ Đãngkẻ Anhkẻ Amkẻ Bìnhkẻ Đậukẻ Địnhkẻ Độkẻ Đườngkẻ Hoàngkẻ Lãm, kẻ Lãngkẻ Lễ, kẻ Lôi, kẻ Luyệnkẻ Nôngkẻ Pháp, v.v.. (Từ cứ liệu địa danh ngôn ngữ có từ “kẻ”, suy nghĩ về không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Nghiên cứu lịch sử, s.2, 1983, tr.38-39).

Tóm lại, khẳng định rằng từ kẻ chỉ đi chung với địa danh “thuần Việt” là đã đưa ra một ý kiến hoàn toàn không đúng với thực tế. Chúng tôi cũng rất tiếc rằng trong đoạn lập luận trên đây, Nguyễn Linh lại còn nhầm lẫn hiện tượng đồng đại với hiện tượng lịch đại. Khi từ kẻ còn thông dụng thì chữ 汭 còn được phát âm thành Noi nên tất nhiên người ta chỉ có thể nói kẻ Noi mà không thể nói thành “kẻ Nhuế” được. Đến khi chữ 汭 được đọc là thành Nhuế thì kẻ đã trở thành một từ cổ nên tất nhiên cũng chẳng có ai ghép hai từ đó lại với nhau mà nói thành “kẻ Nhuế”. Trong khi đó thì từ lâu cấu trúc “kẻ Noi” đã trở thành một từ tổ cố định trong lời ăn tiếng nói của dân gian. (Xin lưu ý rằng noi là âm xưa còn nhuế là âm nay của chữ Hán đang xét).

Tóm lại, tất cả những điều mà Nguyễn Linh đã đưa ra để chứng minh rằng kẻ là một yếu tố “thuần Việt” đều không thể đứng vững được. Kẻ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 界 mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là giới, âm Hán Việt hiện đại ít thông dụng hơn là giái còn âm Hán Việt chính thống hiện đại thì lại là cái vì thiết âm của nó trong Quảng vận là “cổ bái thiết”. Giới/cái có nghĩa gốc là lằn ranh giữa hai (hoặc nhiều) vùng đất, rồi có nghĩa phái sinh theo hoán dụ là vùng đất giới hạn trong lằn ranh đó; cuối cùng mới có cái nghĩa rộng là một vùng đất nhất định. Đây chính là nghĩa của từcái trong thành ngữ lạ nước lạ cái (= lạ nơi lạ chốn) và nghĩa của từ kẻ trong kẻ Chợ, kẻ Noikẻ Sặt, v.v.. Giới/cái 界 là một chữ thuộc vận bộ quái 怪, tức vận - ai [aj] mà cách đọc xưa là e [ɛ] (không có âm cuối vần), giống với vận bộ quái 卦 mà âm xưa là quẻ, như Vương Lực đã chứng minh trong Hán ngữ sử luận văn tập (Bắc Kinh, 1958, tr.365-367). Vậy kẻ (vùng đất nhất định) ~ giới/cái 界 cũng giống như: – quẻ (bói) ~ (bát) quái; – khỏe (mạnh) ~ khoái (hoạt); – ghẻ (chốc) ~ giới/cái 疥 (= ghẻ), – đặc biệt hoàn toàn giống như kẻ (trong kẻ ở người đi) ~ giới/cái 介 (= người. Từ hải : 一介 nhất giới/cái = 一人 nhất nhân). Nhưng đặc biệt hơn hết là liên quan đến chữ 界 đang xét, chúng ta còn có:

(thước) kẻ ~ giới/cái (xích)vì giới/cái còn có nghĩa là "kẻ hàng", "gạch hàng" nữa: giới xích là "thước kẻ", giới chỉ là "giấy kẻ (hàng)", v.v..
Tóm lại, kẻ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một nguyên từ ghi bằng chữ 界 như đã nói ở trên.
Cũng xin nói thêm rằng các yếu tố đơn tiết đi sau từ kẻ thường bị ngộ nhận là những địa danh “thuần Việt” trong khi mà chúng hầu hết đều là âm xưa của các chữ Hán hữu quan. Thí dụ tên của làng Chèm, gốc là Trèm, chính là âm xưa của chữ liêm 廉, là một chữ thuộc thanh mẫu lai 來. Về mối quan hệ tr ~ l, người ta có hàng loạt ví dụ: trộm (nghĩ) ~lạm 濫 (lạm phép = trộm phép); tràn (đầy) ~ lan 瀾 (sóng lớn; dậy sóng; lan ra); (từng)trải ~ lý 履 (= đạp, đi); trội ~ lỗi 磊 (= tài giỏi); v.v..

No comments:

Post a Comment