Thursday, 11 April 2013

Một tai hoạ dịch thuật (cây gạo = plant rice) (Nguyễn Văn Tuấn)

Một tai hoạ dịch thuật (cây gạo = plant rice)
InEmail
Thứ tư, 10 Tháng 4 2013 23:44
Một tai hoạ dịch thuật đã xảy ra. Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Hà Nội (HUSTA) làm “Lễ công nhận Cây di sản Việt nam Cây Gạo Đền Mõ, Hải Phòng” vào năm 2011. Sẽ không có gì để nói nếu như không xảy ra chuyện dịch cây gạo này thành một thứ tiếng Anh rất khó hiểu. Cây gạo đại thụ được dịch là Plant Rice University Acceptance. Không dừng ở đó, người ta còn dịch chữ Giáp Thân là Body Armor. Không lẽ học thuật ngày nay tệ như thế sao?
Việc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh có khi rất nan giải và khó khăn. Trước đây cũng xảy ra một tai nạn chuyển ngữ trong vài bài nhạc (có đề cập ở đây). Ấn tượng nhất là câu you inside me after class mà người dịch muốn nói em bên tôi một chiều tan lớp. Tưởng rằng đó chỉ là tai nạn hi hữu, ai ngờ một hiệp hội khoa học kĩ thuật mà cũng mắc phải một lỗi lầm rất ư sơ đẳng về dịch thuật. Tấm bia dưới đây ghi rõ cây gạo đại thụ mà người ta dịch là Plant Rice University Acceptance. Nói cách khác, dịch từng chữ:



Cây = plant (nghĩa thật là cây hay trồng trọt)
Gạo = rice (gạo) 
Đại = university (đại học) 
Thụ = Acceptance (chấp nhận) 
Thoạt đầu, tôi không nghĩ ra tại sao người ta có thể dịch như thế, nhưng một bạn đọc chỉ ra rằng đó là sản phẩm của google translation. Thật vậy, khi tôi truy cập trang http://translate.google.com.au/#vi/en/ và gõ “Cây Gạo Đại Thụ” thì được kết quả “Plants Rice University Acceptance”. Nhưng nếu tôi gõ “cây gạo đại thụ” thì được kết quả “giant rice plants”! Khi tôi gõ “Giáp Thân” thì google translate cho biết đó là “Body Armor”. Như vậy thì đã quá rõ ràng, người dịch chỉ đơn giản dùng google translate. Thật là một tai hoạ!
Một bạn đọc cho biết cây gạo có tên khoa học là Bombax ceiba. Có lẽ nên dùng tên này, chứ không nên dịch là “cây gạo”. Do đó, tôi nghĩ cây gạo đại thụ chắc nên dịch là An Ancient giant Bombax ceiba. Bạn nào am hiểu thực vật có thể đề xuất một cách dịch khác hay hơn.
N.V.T

Phóng sự ảnh: Lễ công nhận Cây di sản Việt nam Cây Gạo Đền Mõ, Hải Phòng

Phóng sự ảnh: Lễ công nhận Cây di sản Việt nam Cây Gạo Đền Mõ, Hải Phòng 

(Nguồn: Diễn Đàn Trí Thức Thủ Đô)
Sáng 16/3/2011, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt nam (VACNE) đã tổ chức Lễ công nhận cây gạo cổ thụ hơn 700 tuổi ở khu vực đền chùa Mõ, thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc là Cây Di sản Việt Nam.




Văn nghệ chào mừng



Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc




Ông Nguyễn Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, Trưởng ban Quản lý di tích đền chùa Mõ



TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT VIệt Nam đọc Quyết định công nhận Cây di sản



Đại diện Lãnh đạo Đảng uỷ và UBND xã Ngũ Phúc nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam



Mở băng khánh thành Bia công nhận Cây Di sản Việt Nam
Từ trái sang phải: GS.TS. Vũ Hoan, Chủ tịch LHH KH&KT Hà Nội; Ông Vũ Văn Sắt, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Phúc; TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội BVTN&MTVN;
Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc;   TS. Đào Viết Tác, Chủ tịch Hội BVTN&MT Hải Phòng



Chụp ảnh kỷ niệm






Toàn cảnh Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam








Thi đấu vật















Hậu cung Đền thờ Quỳnh Trân Công chúa

- VACNE

AN XÁ - CƠ XÁ - PHÚC XÁ LỊCH SỬ MỘT TÊN LÀNG GẮN VỚI LỊCH SỬ THĂNG LONG - Nguyễn Xuân Hòa & Nguyễn Hữu Tường

22. AN XÁ - CƠ XÁ - PHÚC XÁ lịch sử một tên làng gắn với lịch sử THĂNG LONG (TBHNH 2002)
Cập nhật lúc 14h50, ngày 03/04/2007

NGUYỄN XUÂN HOÀ

Tiến sĩ. Hội Ngôn ngữ học Hà Nội

NGUYỄN HỮU TƯỞNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

         Từ Hà Nội đi qua cầu Chương Dương rẽ trái theo đường đê, qua gầm cầu Long Biên thì tới xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Đi thêm khoảng 1 km nữa, rẽ trái xuống phía bờ sông Hồng dăm chục mét là đến khu đình chùa thôn Bắc Biên, xã Ngọc Thụy. Cụm đình chùa này là nơi thờ tự chung của dân thôn Bắc Biên và dân bãi giữa Phúc Xá. Đình thờ thành hoàng là Lý Thường Kiệt gần đây đã bị dỡ bỏ do quá xuống cấp(1). Hiện chỉ còn ngôi chùa cổ An Xá 安 舍 được bảo tồn khá tốt. Năm 1980, thực hiện chủ trương giải phóng lòng sông, toàn bộ dân bãi Phúc Xá chuyển vào khu định cư phía trong đê thuộc xã Ngọc Thụy, lấy tên mới là thôn Trung Hà(2). Hiện tại dân hai thôn Bắc Biên và Trung Hà vẫn cùng quản lý và thờ tự khu đình chùa này.

         Trên gác chuông trước cửa chùa An Xá còn lưu giữ một quả chuông đồng với bài minh văn chữ Hán nhan đề An Xá tự chung 安舍寺鍾. Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2002 chúng tôi đã hai lần đến chùa An Xá làm thác bản, chụp ảnh quả chuông và tìm hiểu những thông tin thực địa có liên quan tới vấn đề chúng tôi quan tâm. Quả chuông cao 1m 20, đường kính đáy 0m 65, đường kính thân 0m 55, núm hình rồng rất đẹp. Trên bốn khuông lớn ở trên và bốn khuông nhỏ ở dưới xung quanh thân chuông, kể cả các rãnh phân chia các mặt chuông đều khắc kín chữ Hán. Ở bốn ô to phía trên khắc lại các lệnh chỉ của các triều vua Lê nhắc lại và bổ sung các ưu đãi đã có từ thời vua Lý Thái Tổ đối với dân bãi Phúc Xá, ta tạm gọi là bài minh văn 1; còn bài minh văn ở bốn ô vuông nhỏ phía dưới thì miêu tả cảnh đẹp của chùa và ca ngợi đạo Phật, ta tạm gọi là bài minh văn 2.

        Đọc tại chỗ và sau đó đọc lại thác bản, chúng tôi nhận thấy đây là một tư liệu lịch sử rất quý cần được khai thác. Nội dung minh văn trên bia cung cấp khá nhiều tư liệu lịch sử cho các nhà nghiên cứu. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới hai vấn đề qua tư liệu mà minh văn cung cấp: Một là lai lịch của làng cổ An Xá - Cơ Xá - Phúc Xá (安 舍 -機 舍 -福 舍) liên quan đến lịch sử Thăng Long. Hai là, quê hương Lý Thường Kiệt, người anh hùng dân tộc thống lãnh công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống thế kỷ XI.

         Trong lệnh dụ Vua ban ngày 22 tháng ba năm Thịnh Đức 2, tức năm Giáp Ngọ (1654) có đoạn viết:

Phiên âm:

         “... Thịnh Đức nhị niên tam nguyệt nhị thập nhị nhật lệnh dụ: sơ lập An Xá tự châu thổ san chung tự.

         Cẩn án vương chính chi bản, nhất khuê điền dĩ nguyên quân tử; Tam bảo thổ dĩ cung Phật tự. Thiết kế An Xá tự: danh lam cổ tích. Thực ấp Thăng Long ngạch tại nội điện, chuẩn cư trung giang thị Cơ Xá châu. Khâm phụng Lý triều Thái tổ lập đô dĩ lai, ngự chỉ chuẩn tại giang trung, dân vô cốc điền, dĩ tàm tang vi nghiệp. Tái đệ tiến quan biểu, hệ đệ niên tịnh vô tang căn tân độ thuế ngạch tịnh bồi trúc trúc lập đê lộ cập binh phân hộ phân tân độ sưu sai các dịch chuẩn nhiêu trừ nguyên thổ dĩ lập đế điện, tái dĩ cung Phật tự sở.

         Hạnh thiên tâm quyến hựu, tổ địa đốc sinh Ngô Quảng Châu thị bồi duy ác chi trung, cẩn tấu phục khâm sắc chỉ hệ tu chí ký chư đông tây nam bắc ý như điền bạ tịnh vô thuế lệ, dĩ vi vạn thế bản châu chi cơ nghiệp. Thị tổ địa Trung thư giám Trung thư xá nhân, Đình uý sứ, Quảng Châu hầu phong tứ quốc quốc tính Lý Thường Kiệt, thụy Quảng Châu phủ quân, đệ niên phúc điền dĩ vi tổ địa lập dã. Tích ngã Đại Việt tự Lý triều lập đô, lịch chí Lê triều Thái Tổ ngự chỉ chuẩn trừ bản châu các dịch như nguyên tiền lệ...

Dịch nghĩa:

         “... Theo lệnh dụ ngày 22 tháng 3 năm Thịnh Đức 2 dựng lại chùa An Xá và khắc bài văn chuông.

         Kính xét: gốc của nền vương chính phải thống nhất ruộng đất để giữ cội nguồn cho muôn dân; Ruộng tam bảo để cúng dâng đức Phật. Trộm nghĩ, chùa An Xá là một danh lam cổ tích. Ấp ta xưa nằm tại khu xây dựng nội điện thành Thăng Long nên vua Lý Thái tổ dời ấp để lấy chỗ xây dựng kinh đô đến nay, vì dân ở bãi giữa sông không có ruộng cấy cày chỉ sống dựa vào nghề trồng dâu nuôi tằm nên vua chuẩn cho được miễn trừ mọi khoản thuế khoá, thuế đò cùng các sưu sai đóng góp việc đắp đê, làm đường, việc quân, việc dân để bù vào phần đất để nhường lại để xây dựng cung điện nhà vua, và hương khói cho chùa.

         May mà lòng trời thương đến, đất quê xưa sinh ra ngài Ngô Quảng Châu theo hầu việc quân, đã kính xin vua ban sắc chỉ định rõ địa giới đông tây nam bắc đất mới theo địa bạ và không phải đóng góp các khoản thuế má, ổn định cơ nghiệp muôn đời đất bãi quê ta. Đất quê ta được ban làm phúc điền hàng năm thờ phụng quan Trung thư Xá nhân Trung thư giám, Đình úy sứ, Quảng Châu hầu được ban quốc tính Lý Thường Kiệt. Từ khi triều Lý lập kinh đô đến thời vua Lê Thái Tổ đều có sắc chỉ chuẩn cho miễn trừ mọi khoản đóng góp theo như lệ trước...”.

         Qua đoạn văn trên ta thấy hai ý quan trọng:

         1a. Năm Thịnh Đức 2 (1654), vua ra lệnh dụ dựng lại chùa An Xá và cho khắc bài văn chuông. Có lẽ đây cũng là năm đúc chuông.

         1b. Làng cổ Phúc Xá vốn trước đó là làng An Xá ở trong khu nội điện thành Đại La. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, dân làng đã vâng mệnh vua rời làng ra bãi sông Hồng nhường lại đất làng để vua xây dựng kinh đô nên dân làng được vua cho miễn trừ mọi khoản thuế khoá, sưu sai. Tên An Xá của chùa hiện nay đã giữ nguyên tên làng cổ trong kinh thành Thăng Long. Về lịch sử tên làng An Xá - Cơ Xá - Phúc Xá, chúng tôi lại tìm được một tư liệu khá thú vị. Trong lời tựa quyển gia phả họ Lê quê gốc tại Phúc Xá được biên soạn lại năm Tự Đức 28 (1875) có đoạn viết:

         “... Nhà có phả cũng như nước có sử vậy. Làng ta nguyên ở đất Thăng Long (ở phả cũ, đoạn chép về việc này đã bị rách nát), vốn thuộc làng An Xá, tổng Tam Bảo, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây. (Có thuyết nói ở vào chỗ chùa Một Cột phía cửa Tây). Lý Thái Tổ dời làng ra ở bãi giữa sông.

        Thời nhà Lý có con trâu rất lớn không biết lạc đi đâu mất. Vua sai sứ đi tìm thì thấy ở khu chùa làng ta. Vì vậy vua đổi tên chùa thành chùa Súc Sinh(3), sau lại đổi thành chùa Phúc Sinh. Lúc đó có con chó sinh được 8 con, ứng với tám đời vua Lý. Nay điện Kính Thiên ở vào chỗ đền thờ của làng. Từ khi dời ra bãi sông, vua cho dân đất ở, trên từ Quỳnh Giao (nay là Phú Gia, Phú Xá), dưới xuống đến Đống Mạc, (nay là Ông Mạc). Trong ngoài đều sát chân đê. Các bến đò trên dưới dọc theo đê đều cho thu tiền để phụng thờ đền thờ thần. (Tới nay trong thể lệ thờ thần vẫn chuẩn cho thu tiền đò để chi dùng. Xem thêm trong hương ước). Nhà Hậu Lê cũng đóng đô ở đây. Đến thời vua Quang Trung cướp ngôi mới phá chùa này làm nhà ngục. Làng từ khi ra ở bãi sông hàng năm thường bị lũ lụt. Một hôm vua Lý Thần Tôn hoàng đế (1128-1132) cưỡi thuyền rồng đi ngắm cảnh nơi đây thấy các nhà trong dân đều làm sàn để ở nên lấy chữ Cơ () đặt tên cho. Tên Cơ Xá bắt đầu có từ đây. Về sau hương ước, gia phả đều chép theo...(4)

         Như vậy làng An Xá dời ra bãi sông sau hơn 100 năm mới đổi làm Cơ Xá. Tên Phúc Xá có lẽ liên quan đến tên chùa Phúc Sinh. Từ Cơ Xá đổi sang Phúc Xá khi nào thì hiện chúng tôi chưa có tư liệu tìm hiểu. Còn mối liên quan giữa thôn Bắc Biên, nơi toạ lạc chùa An Xá hiện nay, với Phúc Xá như thế nào hiện chưa có tư liệu làm rõ. Phải chăng làng Bắc Biên cũng chính do những người dân An Xá vượt sông dựng lên và tên Bắc Biên (bãi bờ bắc sông) để phân biệt với bãi bờ nam sông vốn dân cùng gốc làng An Xá?

         2 - Đất An Xá (làng cổ trong thành Đại La, nay là khu quanh chùa Một Cột) chính là quê xưa của Lý Thường Kiệt. Tên chính của ông là Ngô Quảng Châu, còn Lý Thường Kiệt là họ tên được vua ban cho sau khi đã lập công lớn đại phá quân xâm lược Tống. Nhà vua đã lấy chính tên ông để phong tước hầu cho ông: Quảng Châu hầu. Ông chính là người xin vua định ra địa giới của bãi Phúc Xá, cùng những ưu đãi về thuế khoá binh dịch cho Phúc Xá. Việc dân làng thờ ông làm thành hoàng là dựa trên cơ sở ông là người cùng quê, có công lớn với đất nước nhưng cũng có công lớn với riêng dân làng(5).

         Như vậy cái tên của một làng An Xá - Cơ Xá - Phúc Xá không chỉ đơn thuần là một địa danh mà nó gắn liền với lịch sử Thủ Đô, lịch sử đất nước. Vào dịp khác chúng tôi sẽ công bố toàn văn minh văn chuông chùa An Xá.

Chú thích:
(1) Hiện việc thờ phụng, lễ hội của đình tạm thời tiến hành tại hội trường thôn được xây dựng ngay trong khuôn viên đình. Chính quyền và nhân dân địa phương đang có kế hoạch xây dựng lại ngôi đình.
(2) Trung Hà là tên phụ của bãi Phúc Xá. Theo chúng tôi nên khôi phục lại tên Phúc Xá cho khu định cư để giữ lại một giá trị lịch sử của địa phương nói riêng và Hà Nội nói chung.
(3)Súc sinh nghĩa là nuôi dưỡng sinh linh.
(4) Bản chính quyển gia phả hiện lưu giữ tại nhà ông Lê Đôn Tá, phố Hàng Than, Hà Nội. Năm Minh Mệnh 21 (1840), chi này rời bãi Phúc Xá về thôn An Thuận, nay trở thành một chi họ Lê ở nội thành Hà Nội.
(5) Về vấn đề này xin xem thêm:
- Trần Văn Giàu. Văn hoá Thăng Long thời đại Lý Trần. Trong sách: Hà Nội những vấn đề ngôn ngữ văn hoá. VHTT, Hà Nội, 2001, tr 9-33.
- Lê Văn Lan. Về lai lịch một người Thăng Long gốc: Lý Thường Kiệt. Tập san Thăng Long Hà Nội ngàn năm, số 7, 5-2002, tr 35-36.
- Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh.
Đại cương lịch sử Việt Nam. Tập I, Giáo dục, Hà Nội, 2002, 488 tr.
- Nguyễn Văn Thành. Chuông chùa An Xá đúc năm Canh Ngọ (1690) liên quan đến quê hương Lý Thường Kiệt. T/c Nghiên cứu lịch sử, số 3 (262) – 1992, tr. 87-88 và 90.
Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.196-201

Wednesday, 10 April 2013

"Tiệm nước " - Phong vị một thời (Phương Kiều - Báo Cần Thơ)

"Tiệm nước " - Phong vị một thời
Thứ bảy, 04/06/2011 21 giờ 58 GMT+7
Không biết hai tiếng “tiệm nước” xuất hiện ở nước ta từ khi nào. Có lẽ chúng xuất hiện từ thế kỷ thứ 17 hoặc 18, khi những lưu dân người Hoa theo chân nhóm di thần nhà Minh (Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch ở miền Đông Nam bộ và Mạc Cửu ở Hà Tiên, Kiên Giang) sang Việt Nam. Tuy nhiên với người Nam bộ, dù giàu dù nghèo, dù nông thôn hay thành thị, “tiệm nước” đã in sâu vào ký ức và trở thành một sinh hoạt, một dấu ấn văn hóa của vùng đất phương Nam.
Trong khi người Tiều (Triều Châu, Quảng Đông) vào các phum, sóc có đông đồng bào Khmer cư ngụ, mở các tiệm chạp phô (tạp hóa), làm rẫy, lập chành (vựa), mua bán lúa thì những người Quảng (Quảng Đông) vốn là dân thành thị định cư tại các thị xã hoặc thành phố lớn buôn bán các mặt hàng thu nhiều lợi nhuận hơn. Người Quảng hầu như chiếm đa số trong việc mở hàng quán. Có lẽ từ tiệm nước bắt đầu từ khi đó. Theo tiếng Quảng là khà thỏi (có nghĩa là cái bàn nhỏ uống trà), lâu ngày nó đã được Việt hóa một cách dân dã là “tiệm nước”.
Tiệm nước thường là tầng dưới một căn phố, được bố trí khá đơn sơ. Trước cửa tiệm phía trên treo tấm bảng hiệu bằng thiếc hoặc đắp chữ nổi xi măng, sơn màu, thường là màu vàng chữ đỏ. Các bảng hiệu ngắn gọn, đơn giản, chân phương với chữ cuối thường là “Ký” hoặc “Lạc”. Thật ra hai chữ “Ký” hay “Lạc” không mang ý nghĩa là “tiệm nước”. Xưa kia, bảng hiệu người Hoa, trong đó có “tiệm nước”, thường được viết chữ Việt nằm giữa hai chữ Hoa. Sau năm 1954, ở miền Nam, hiệu tiệm được viết chữ Việt lớn bên trên, còn chữ Hoa nhỏ hơn nằm bên dưới.

Một  chiếc xe mì - hủ tiếu trước “tiệm nước”.
“Tiệm nước” chính là bán thức uống, nhưng cũng có vài món ăn bình dân. Trước cửa, nơi hàng ba thường để chiếc xe hình chữ nhật, gọi là “xe mì - hủ tiếu”. Chiếc xe này ngoài việc “bắt mắt” khách qua đường còn quyến rũ họ bởi mùi thơm lan tỏa trong không khí mùi hấp dẫn của thùng nước lèo nóng hổi tỏa hơi. Xe mì - hủ tiếu thường bằng gỗ, có nhiều tấm kiếng tráng thủy, sơn vẽ hình ảnh màu trích từ truyện tích Trung Hoa, phản ánh những nhân vật “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, chắc là để thực khách nhìn cho vui mắt. Tuy nhiên, khi thưởng thức những món ăn thức uống khách nhìn tranh ngẫm ngợi về cách đối nhân xử thế. Trong xe có nhiều ngăn chứa thực phẩm cùng gia vị cần thiết được sắp xếp gọn gàng. Trên mặt thùng xe phủ thiếc hoặc nhôm, bên trái là thùng nước lèo đặt trên cái lò. Xưa kia người ta nấu bằng củi hoặc than, về sau người ta dùng dầu lửa bơm hơi cho ngọn lửa cháy mạnh, gọi là “bếp khè”. Phần còn lại của mặt bàn là cái thớt bự. Bên hông xe, phía thùng nước lèo, máng cái vá thưa màu vàng để trụng hủ tiếu, mì, cùng vá chan nước lèo.
Các tiệm nước lớn thì có quầy pha chế bên trong tiệm. Quầy là hai cái kệ xây bằng xi măng dán gạch bông sạch sẽ nằm vuông góc. Trên mặt một quầy có một chiếc lò bên trên là nồi nước lèo. Mì, hủ tiếu, thực phẩm cùng một số gia vị được đặt gọn gàng trong chiếc tủ kiếng bên trên kệ có phủ vải the. Trên mặt kệ có một tấm thớt lớn, dầy và một con dao rất nặng để sắt thịt “ngọt”. Kệ còn lại dùng để pha chế cà phê với những chiếc vợt máng nơi thuận tay cùng những hộp cà phê xay, hũ đường cát và mấy hộp sữa khui sẵn... Khi pha cà phê, người thợ cho cà phê bột vào một cái vợt, cho vợt vào trong cái siêu đất (sau này bằng chiếc bình nhôm hoặc inox) rồi từ từ chế nước sôi. Cái siêu cà phê lúc nào cũng được đặt trên nồi nước sôi để giữ nóng. Khách kêu cà phê, ông ta cầm cái siêu nghiêng miệng vòi chế cà phê vừa vào ly đúng mức “chệt khắc” (vạch giữa ly), đặt lên dĩa, cho phổ ky (chạy bàn) đem ra.
Hai bên tường trong “tiệm nước” treo một số tranh hoa lá chim chóc... cùng bảng giá món ăn, thức uống. Hai dãy bàn chữ nhật đặt song song từ ngoài vào trong cùng những chiếc ghế đẩu. Có nhiều tiệm, bàn và ghế bằng gỗ, sử dụng lâu năm, “lên nước” láng bóng, tường tiệm nước thường ám khói.
Tiệm nước thường bắt đầu mở cửa vào lúc khuya (tùy theo địa điểm kinh doanh), chủ yếu phục vụ điểm tâm. Tiệm nào cũng có mấy người phổ ky phục vụ. Phổ ky thường vận quần Tiều (như quần xà lỏn nhưng ống dài tới gối), áo thun có tay, chiếc khăn lau bàn vắt trên vai. Khách vào vừa an vị, phổ ky đến vừa lau bàn vừa hỏi dùng món gì. Sau khi nghe khách yêu cầu, anh ta liền rao lớn vọng vào tay có ca có kệ nghe rất êm tai. Một phổ ky khác, chuyển thông điệp này vào bàn pha chế. Bàn pha chế lặp lại đúng như vậy trước khi làm món.
Trên mỗi bàn, đặt sẵn hũ đường, chai xì dầu, chai giấm đỏ, hũ tiêu, hũ tăm, ống đũa muỗng, dĩa đựng mấy miếng chanh, hũ ớt, hũ tỏi. Đặc biệt, còn có mấy dĩa bánh ngọt... Khi khách kêu hủ tiếu (có nơi gọi củ tiếu) hoặc mì thì phổ ky bưng một tô hủ tiếu ra rồi dọn tiếp dĩa bánh bao, chén nhỏ xíu mại, dĩa dầu chéo quảy. Các thứ này để khách ăn thêm, như xé dầu chéo quảy hoặc xíu mại cho vô tô hủ tiếu. Hoặc ăn dầu éo quảy với xíu mại... Có khách còn ăn thêm một cái bánh bao cho bụng thật no. Khách không ăn thì phổ ky vui vẻ dọn vô. Ăn mì (một, hai hoặc ba vắt), hủ tiếu hoặc hủ tiếu mì, nếu khách yêu cầu sẽ được đem thêm một dĩa giá hẹ sống hoặc trụng. Hủ tiếu của tiệm nước là loại có cọng hơi lớn bản, ăn mềm, không phải loại dùng nấu hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho cọng nhỏ, hơi cứng, được làm bằng bột lọc dai dai. Mì có hai loại: mì cọng tròn và mì cọng dẹp, được làm theo bí quyết gia truyền. Hủ tiếu và mì được bán hai dạng: khô hoặc nước. Tô hủ tiếu có đủ thịt nạc miếng, nạc băm, tim, gan, phèo, phổi... cắt miếng dầy, ngoài hành lá xắt nhuyễn còn có tang xại (được làm bằng cọng cải thảo và bắp cải ướp muối, xì dầu hảo hạng). Tô mì có thêm miếng chả tôm, ăn giòn giòn rất khoái khẩu. Đặc biệt, mì khô thường được phổ ky dọn theo một dĩa nhỏ đựng mù tạt. Mù tạt trộn vào tô mì hoặc dùng để chấm thịt, lòng heo. Khách ăn xong, có thể uống cà phê đen, cà phê sữa nóng hoặc cà phê đá, cà phê sữa đá hoặc chí ít cái “tẩy” (ly lớn đựng đá đập) để làm trà đá,... Khách kêu tính tiền, phổ ky chỉ cần liếc qua là biết khách đã dùng những món chi. Tính tiền xong, dọn ngay muỗng, dĩa, đũa để không lầm lẩn nữa. Phổ ky nạp tiền nơi quầy thâu ngân.
Nhà thơ Trần Tiến Dũng trong bài “Không gian văn hóa tiệm nước” đã hồi tưởng đến nước thuở nào:
“Trong những sớm mai, trời nổi gió hay thấm đẫm hơi sương, thỉnh thoảng cha tôi dắt tôi ra tiệm nước. Lần nào cũng vậy, tôi thường dụi mắt liên tục để xua cơn ngái ngủ và để thu hết vào đôi mắt thơ ngây cái ánh sáng đèn mờ hơi nước sôi, những nhộn cảnh sinh động của cái tiệm nước ở những con đường thường là trước chợ, bến xe, bệnh viện.
Tôi không hiểu vì sao những cụ ông cụ bà người Minh Hương luôn ngồi quay mặt ra đường với cái nhìn xa vắng; vì sao những người dân có mức sống khác nhau nhưng thường có cùng vẻ mặt lo âu trước một ngày mới, nhưng tất cả họ đều có chung phong cách hồn nhiên khi bưng cái dĩa nhỏ và húp ngon lành những giọt cà phê nóng hổi, cái cách uống cà phê trong dĩa, trước sau tôi chỉ thấy có trong tiệm nước. Tôi không biết nguyên cớ mà cũng không cần biết làm gì. Tôi chỉ muốn lưu giữ hình ảnh dòng cà phê ngút khói, rất hào sảng, từ cái ấm sành chảy ra tràn miệng những cái cốc tuôn xuống dĩa lênh láng như lòng thật thà không cần kìm giữ”.
Phần nhiều “tiệm nước” bán suốt ngày. Buổi trưa, người ta tới uống ly cà phê đen nóng, nhấm nháp một vài cái bánh ngọt. Có khi khách chỉ nhấm nháp mấy cái bánh ngọt rồi nhẩm xà (uống trà). Một số mgười kêu một ly xây chừng chẩu (cà phê đen nhỏ có rượu) uống. Xế chiều, khách ghé lại kêu một tô hủ tiếu hoặc tô mì xào giòn ăn cho ấm bụng. Cuối ngày, đóng cửa, hủ tiếu và mì tươi cùng các loại thực phẩm tươi còn dư tiệm loại bỏ hoàn toàn để duy trì danh tiếng.
***
Ngày nay, hình ảnh “tiệm nước” đã ngày một vắng bóng, có lẽ lớp người Hoa trẻ không thích bận bịu với cái nghề “bình dân” này. Người có nhiều tiền thì mở nhà hàng, khách sạn... Dù vậy, ở Cần Thơ “tiệm nước” vẫn còn những tiệm có tiếng tăm từ thời xa xưa. Hình như con cháu không muốn làm mất thương hiệu cha ông dầy công gầy dựng. Tuy nhiên những cái “tiệm nước” bây giờ hiện đại hơn, không còn vách tường đen đúa do bếp củi, bếp than, bếp dầu lửa khè đóng khói, nhờ sử dụng bếp ga hoặc cẩn gạch men trên tường cao đến đầu. Hiếm lắm mới bắt gặp chiếc xe mì – hủ tiếu bày phía trước. Đã không còn hình ảnh anh phổ ky quần đùi áo thun với chiếc khăn lau bàn vắt vai cùng giọng ngân nga kêu món cho khách. Khách tới “tiệm nước” bây giờ cũng ăn uống cho mau rồi đi làm chứ không nhàn nhã nhâm nhi ly cà phê đen hàng mấy tiếng đồng hồ nói chuyện xa chuyện gần. Có lẽ, “tiệm nước” đã mất cái hồn dân dã nên không còn là “trung tâm văn hóa, trung tâm thông tin của một vùng” - (Nguyễn Văn Trấn, “Chợ Đệm quê tôi”), và nó không còn là nơi “nhiều người đến không chỉ để thưởng thức cà phê, bánh bao, hủ tiếu mà còn tắm mình trong không gian, không khí quen thuộc ấm áp” - (Bình Nguyên Lộc, “Hồn ma cũ”).
“Tiệm nước” đang tiến gần đến mức “cổ tích”!
Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Tuesday, 9 April 2013

Đồng Nọc Nạn - Di tích cuộc đấu tranh của nông dân Bạc Liêu (Trần Kiều Quang"

Đồng Nọc Nạn - Di tích cuộc đấu tranh của nông dân Bạc Liêu
Thứ bảy, 23/07/2011 20 giờ 10 GMT+7


Mô hình nông dân ở đồng Nọc Nạn bị đàn áp.
Nọc Nạn là tên một con rạch chạy dài từ phía Tây Bắc xã Phong Thạnh đổ ra kinh xáng Bạc Liêu - Cà Mau ngang quốc lộ 1. Cánh đồng ven rạch về phía Đông gọi là đồng Nọc Nạn thuộc ấp 4, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Nơi đây trước kia là một vùng sình lầy rộng lớn đầy rừng tràm, choại, dớn, sậy chen chúc nhau mọc đầy. Quanh năm nơi đây chỉ có chim rừng và rắn độc trú ẩn. Những lưu dân vào Nam khai phá buổi ban đầu không thể cất nhà như trên vùng đất khô được mà phải chặt cây làm nọc đóng xuống sình rồi gác nạn bên trên để làm nhà nhằm tránh thú dữ và rắn độc. Vì vậy, nơi đây được gọi là Nọc Nạn.(1)
Đồng Nọc Nạn nằm về phía Tây Bắc huyện Giá Rai, cách huyện lỵ khoảng 1.500m đường chim bay, cách quốc lộ 1 khoảng 800m về phía Bắc. Sự kiện Nọc Nạn năm 1928 là một bằng chứng, chứng minh tính đặc thù của chế độ thực dân cướp nước và bọn quan lại tay sai. Nó đã gây ra sự căm phẫn trong lòng nhân dân Bạc Liêu nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Cuộc đấu tranh của nông dân vùng Nọc Nạn tuy không lan rộng thành một phong trào rộng lớn nhưng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo những tên cường hào ác bá, cậy thế thực dân để hòng cướp đất của nông dân lao động.
Mặc dù sự kiện đã trải qua hơn 80 năm nhưng cánh đồng Nọc Nạn vẫn còn đọng lại khúc ca bi tráng ngày nào. Sự kiện ấy đã đi vào thơ ca, hò, vè và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác với hình tượng người nông dân Bạc Liêu chất phác thật thà mà đầy nghĩa khí.
* * *
Sự việc xảy ra sau khi tổ tiên của gia đình Mười Chức cùng với những người nông dân khác đã đổ bao mồ hôi nước mắt để khẩn đất sình lầy thành đồng ruộng. Trong khi mọi người đang yên ổn làm ăn trên đồng Nọc Nạn thì có một cường hào ở vùng Giá Rai đã lợi dụng thời cơ, dựa vào thế lực của thực dân Pháp vận động đứng ra lập sổ để một người tên là Mã Ngân đứng làm tấm bình phong, rồi xin đóng thuế với thực dân Pháp để cướp đoạt đất đai do công lao của gia đình Mười Chức tạo ra. Sau đó, tên cường hào cùng tên Mã Ngân đem lính tráng vào đồng Nọc Nạn, tự tiện cắm trụ đá làm ranh đất, bắt hết thảy đám nông dân có công khai hoang phải ký giấy làm tá điền mướn ruộng.
Trong số người không chịu được sự áp chế có anh em Mười Chức và một đám nông dân. Họ đã nổi lên dùng gậy gộc, dao mác chống lại viên cò Pháp Tournier cùng đám lính mã tà, vì ăn tiền của tên cường hào mà biến thành tay sai, hằng ngày kéo vào đồng Nọc Nạn uy hiếp dân quê để cướp lúa ruộng.
Cuộc đấu tranh của gia đình Mười Chức chống lại sự trấn áp của bọn thực dân Pháp đã xảy ra đẫm máu vào ngày 17-2-1928. Khoảng 7 giờ sáng, hai tên cò Tây là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay với hương chức làng mà thi hành lịnh án của tòa, đong số lúa trên phần đất của anh em Biện Toại. Hai tên cò này không được cho biết là sẽ gặp khó khăn. Cùng đi với họ đến đống lúa có hương thân, hương hào và hương quản làng sở tại.
Anh em của Biện Toại cất nhà rải rác hơi xa nhau, sát bờ rạch. Đống lúa thì ở ngoài ruộng, cách nhà họ chừng 500 thước.
Dọc đường, khi đi ngang nhà Biện Toại hương hào bèn kêu réo để mời chứng kiến việc đong lúa nhưng không ai trả lời. Nhà cứ đóng cửa. Lập tức, hương hào bèn đến nhà Biện Toại và đến nhà bà mẹ là bà hương chánh Luông. Chẳng ai chịu đến cả.
Đến gần đống lúa, tên cò Tournier yêu cầu hương chức làng phải mời một người trong gia đình, thí dụ như một người em của Biện Toại đến chứng kiến việc đong lúa.
Mười lăm phút sau một cô gái đi ra, hướng về đống lúa: cô Nguyễn Thị Trọng, em của Biện Toại, theo sau là cháu gái của Trọng tên là Tư, 14 tuổi. Cô Trọng yêu cầu sau khi đong lúa thì phải giao biên nhận cho cô, cò Tournier tát cô Trọng. Cô Trọng rút con dao nhỏ trong người ra đâm tên cò Tournier, tên cò này lấy báng súng đập cô ngất xỉu, sau đó lính mã tà trói cô lại.
Từ trong xóm, anh em Biện Toại chạy ra mang theo nào là súng, gậy gộc để chống lại tên cò Tournier. Khi Mười Chức chạy đến, tên cò Tournier bắn chỉ thiên một phát, nhưng Mười Chức cứ tiến tới và tên cò lại nhắm ngay Mười Chức mà bắn. Tuy bị thương rất nặng, Mười Chức vẫn cầm mác gượng nhào tới, đâm trúng bụng tên Tournier rồi cả hai đều ngã xuống.
Anh em của Mười Chức tấn công bọn lính mã tà và tên cò Bouzou. Cò Bouzou rút súng lục bắn làm bị thương nặng bốn người.
Kết quả, về phía gia đình Biện Toại thì có bốn người chết (ba đứa em ruột và một người em dâu là vợ Mười Chức). Về phía đối phương chỉ có tên cò Bouzou chết. Bọn hương chức hội tề đã nhanh chân bôn tẩu từ khi thấy tình hình quá căng thẳng.(2)
* * *
Để ghi lại sự kiện bi thương và cũng đầy dũng khí này, UBND tỉnh Bạc Liêu đã cho xây dựng khu di tích tại cánh đồng Nọc Nạn năm xưa. Di tích là chứng tích lịch sử thể hiện công cuộc đấu tranh của nông dân Bạc Liêu nói riêng, nông dân Nam bộ nói chung chống lại những tên địa chủ, thực dân cướp đoạt ruộng đất của nhân dân.
Khu di tích đồng Nọc Nạn được xây dựng trên một khuôn viên rộng lớn bao gồm nhiều hạng mục, công trình, tái hiện những cảnh sinh hoạt và cảnh đấu tranh của nông dân Bạc Liêu năm xưa. Bên ngoài di tích là cổng tam quan to cùng hàng rào bao bọc khuôn viên di tích. Từ cổng đi vào là một khoảng sân bao la rộng lớn, gồm bãi cỏ được thiết kế theo dạng công viên và nhiều hạng mục khác, như: Nhà lưu niệm - nơi trưng bày các hiện vật trong cuộc chiến đấu năm xưa; Mô hình cánh đồng - tái hiện lại cảnh sinh hoạt của nông dân Bạc Liêu thuở ấy; Mô hình đấu tranh của nông dân Bạc Liêu chống bọn địa chủ và thực dân - tái hiện lại sự kiện Nọc Nạn năm 1928. Và phần còn lại là khu nhà mồ của gia đình Mười Chức.
Khu nhà mồ thờ ông bà Tám Luông rộng 30m2 tường xây cao 1,20m cửa quay về hướng Nam được xây bằng gạch thẻ chừa ô khoảng cách 1-1. Tường bao từ mặt đất lên hàng gạch trống được xây kín, cao 40cm, gạch thẻ xây vuông 30x30 - hai bên cổng cách mặt đất 40cm xây táp lô đúc sẵn hình chữ thọ, mỗi cạnh 20cm. Phần trong cùng là bàn thờ có mái che uốn cong đúc bê tông cốt thép 20x20, bệ thờ cách nền 50cm. Bài trí đơn giản, nền được lát gạch bông 20x20 màu đỏ - vàng xen kẽ. Bên trong tường là hai ngôi mộ ông Tám Luông (phía Tây) và bà Tám Luông (phía Đông) quay ra hướng cổng (phía Nam). Kích thước 2m x 0,8m x 1,05m (hai ngôi mộ bằng nhau) nấm xây tròn là khối hình thang cạnh trên 0,80m, cạnh dưới 1m - mặt trước ghi tên, năm mất. Trang trí xung quanh hoa văn đắp nổi chạy dọc gần 4 đường xung song song. Hai ngôi mộ cách nhau 1,5m.(3)
Sự kiện đồng Nọc Nạn năm 1928 đã gây tiếng vang lớn góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi ruộng đất của nông dân Nam bộ nói chung, nông dân Giá Rai - Bạc Liêu nói riêng; tạo nên làn sóng dư luận lên án bọn địa chủ, thực dân cướp đất, cướp lúa. Tuy cuộc đấu tranh của nông dân vùng Nọc Nạn là một cuộc đấu tranh tự phát sớm bị dập tắt nhưng cuộc đấu tranh ấy thể hiện được tinh thần kiên cường và nghĩa khí của người nông dân Nam bộ. Tinh thần đó đã góp phần hun đúc cho truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Di tích đồng Nọc Nạn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 30-8-1991.
Bài, ảnh: TRẦN KIỀU QUANG
(1) Huỳnh Minh, Bạc Liêu Xưa và Nay. Tác giả xuất bản 1966. Tr.85-86.
(2) Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam. NXB Trẻ - 1997. Tr.428-432.
(3) Helenkhanhvy’s Blog

Có mấy tiểu đoàn Trâu Điên trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa?

Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa mang danh hiệu tiểu đoàn Trâu Điên từ tháng 4/1965. Lính Trâu Điên là lính (tiểu đoàn 2) Thủy Quân Lục Chiến, nhưng không phải lính (Thủy Quân Lục Chiến) nào cũng là lính Trâu Điên. Không hiểu sao báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh tìm được những hai tiểu đoàn Trâu Điên ở cầu Rạch Chiếc và nhà máy điện Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975 trong khi tiểu đoàn Trâu Điên đã tan hàng sáng 29 tháng 3 ở Đà Nẵng.

Tuy nhiên nhà báo Đức Hiển nổ còn thua xa nhà thơ Hữu Thỉnh. Bản trường ca Đường tới thành phố (giải thưởng Hội Nhà Văn 1980) của ông này hồn nhiên hát như sau:
Giặc đổ xuống ba tiểu đoàn “trâu điên”
Bò theo chúng hai hàng máy ủi
Trận đánh lại bắt đầu mới nguyên
Súng lại nổ như chưa từng ác liệt
Quân Giải Phóng đánh nhau với một tiểu đoàn Trâu Điên là đủ điên rồi. Cùng một lúc nổ súng với ba Trâu Điên thì quả là chưa từng ác liệt.

Monday, 8 April 2013

TÊN GỌI CỦA SÔNG HỒNG: DẤU TÍCH BIỂU HIỆN NÉT ĐA DẠNG VĂN HOÁ TRONG LỊCH SỬ NGƯỜI VIỆT (Trần Trí Dõi)

HỘI THẢO QUỐC TẾ VIỆT NAM HỌC LẦN THỨ BA
Hà Nội, 4-7 tháng 12 năm 2008
-------------------------------------
                                                                                 Trần Trí Dõi
                                                                            Khoa Ngôn ngữ học
                                                           Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
                                                                 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI.

1.Sông Hồng và những tên gọi có trong lịch sử.
1.1. Sông Hồng là con sông giữ vị trí văn hoá vô cùng quan trọng không chỉ của riêng thủ dô Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn hiến mà còn của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Ngoài dòng chảy chính đi qua Hà Nội, sông Hồng còn có nhiều chi lưu làm nên một châu thổ trù phú: đồng bằng châu thổ sông Hồng. Cho đến hiện nay, cả trong ghi chép của lịch sử và cả trong sử dụng của dân gian người ta đã nói đến những tên gọi khác nhau của con sông này. Do tính chất quan trọng của con sông trong đời sống cộng đồng dân cư trong vùng, mỗi một tên gọi của nó đều ít nhiều phản ánh dấu vết văn hoá của những chủ nhân đã từng sử dụng những tên gọi đó. Phân tích sự khác nhau của các tên gọi sông Hồng theo nguồn gốc ngôn ngữ và cách cấu tạo, trong một chừng mực nhất định, sẽ giúp chúng ta phần nào làm rõ tính đa dạng văn hoá trong tiến trình phát triển lịch sử của người Việt ở cái nôi hình thành nền văn hoá của dân tộc.
 
        Bản đồ “các tiểu lưu vực của sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam”
           
1.2. Theo bức tranh phân loại ngôn ngữ ở khu vực hiện được nhiều người đồng tình và sử dụng, Đông Nam Á có năm họ ngôn ngữ là Hán Tạng (Sino - Tibetan), Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Austronesian), Thái - Kađai (Tai - Kadai) và Mông - Dao (Miêu - Yao) [TTD, (1999)]. Về ngôn ngữ, địa bàn Việt Nam được coi là “bức tranh thu nhỏ của khu vực Đông Nam Á” nên ở đây cũng là vùng lãnh thổ hiện diện năm họ ngôn ngữ này. Khi xem xét các tên gọi khác nhau của sông Hồng, chúng tôi sẽ xuất phát từ sự phân loại ngôn ngữ nói trên để nhìn nhận tính đa dạng về nguồn gốc ngôn ngữ, qua đó nhận diện tính đa dạng về văn hoá của chúng. Khi mà những cư dân cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (và cụ thể hơn là vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam) sử dụng tên gọi sông Hồng theo cách của “ngôn ngữ mình”, họ sẽ lưu những tên gọi đó lại trong lịch sử. Nhờ đó chúng ta nhận biết sự hội tụ nét đa dạng văn hoá của một vùng lãnh thổ cụ thể: vùng đồng bằng Bắc Bộ và một nền văn minh cụ thể: nền văn minh sông Hồng, một trong những cội nguồn chính làm nên tính đa dạng của nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
1.3. Sông Hồng bắt nguồn từ dãy núi Ai Lao (Ai Lão sơn) thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam nó đi qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định và Thái Bình rồi đỏ ra biển. Trên dòng chảy chính ấy, mỗi một khúc đoạn, nó lại có những tên gọi khác nhau. Ngoài ra, ngay cùng một khúc đoạn trong mỗi một thời gian lịch sử cụ thể nó lại có những tên gọi riêng do cư dân hay điều kiện văn hoá quy định. Và đây chính là nguyên do và cũng là cơ sở để chúng ta, trên cơ sở nhận diện nguồn gốc ngôn ngữ và cách cấu tạo những tên khác nhau của dòng sông chính ấy để qua đó nhận biết sự đa dạng văn hoá theo tên gọi của nó.
            1.3.1. Sử sách của nước ta [QSQTN, t4 (1997), 254] , [NVS,(2003) 349] ghi chép trên phần trên lãnh thổ Trung Quốc sông Hồng có tên gọi từ xưa là Lan Thương, Nguyên Giang, Ma Hà (hay Lễ Xá), Lê Hoa và sông Âu; khi chảy vào nước ta người ta gọi nó là sông Thao. Ngày nay, những nghiên cứu về địa lý cho thấy Lan Thươnglà tên gọi thượng nguồn của dòng Mê Công chảy trên đất Trung Quốc chứ không phải là thượng nguồn sông Hồng như các tài liệu lịch sử cũ đã ghi lại.
            1.3.2. Khi chảy vào Việt Nam sách sử xưa cho biết sông Hồng có các tên là sông Thao, sông Nhị/Nhĩ Hà, sông Phú Lương, sông Bạch Hạc, sông Tam Đới, sông Đại Hoàng, sông Xích Đằng, sông Hoàng Giang và sông hay Lô Giang. Những tên gọi này được sách sử ghi chép lại cụ thể như sau:
            - Sông Thao [NVS, (2003) 349; QSQTN, t4 (1997), 253].
            - Sông Nhị Hà/Nhĩ Hà [QSQTN, t4 (1997), 256]
            - Sông Phú Lương  [QSQTN, t3 (1997), 186]. Thực ra tên gọi Phú Lương này là dẫn theo An Nam chí lượccủa Cao Hùng Trưng.
            - Sông Bạch Hạc [QSQTN, t3 (1997), 186; t4 (1997), 253].
            - Sông Tam Đới [QSQTN, t3 (1997), 186; t4 (1997), 253].
            - Sông Đại Hoàng [QSQTN, t3 (1997), 186; t4 (1997), 253].
            - Sông Xích Đằng hay sông Đằng [QSQTN, t3 (1997), 297].
            - Sông  hay Lô Giang [QSQTN, t4 (1997), 253].
            Theo giải thích của những sách sử nói trên, hai tên gọi Phú Lương và Lô hay Lô Giang xuất hiện sớm hơn cả. Tên Phú Lương có từ thời Cao Hùng Trưng và vào thời Lý nó vẫn và đã được sử dụng. Còn tên gọi  hayLô Giang có từ thời nhà Trần và đã được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư. Những tài liệu lịch sử cũng cho thấy hai tên gọi nói trên có tính kế thừa nhau nhưng không loại trừ nhau trong lịch sử.
            Ngoài những tên gọi được ghi chép đó ra, sông Hồng còn có một tên gọi dân gian là sông Cái. Khi thực dân pháp xâm lược nước ta, con sông Cái này luôn “đỏ nặng phù sa” nên được người Pháp gọi là “rivière rouge” (sông có màu nước đỏ/hồng)  và tên gọi sông Hồng hay Hồng Hà bắt đầu được sử dụng. Có thể nói, tên gọi sồngHồng hay Hồng Hà được dùng phổ biến hiện nay chính thức xuất hiện vào thế kỷ XIX.
            2. Như vây, cả trong sử sách và tên gọi dân gian, sông Hồng có khoảng mười tên gọi khác nhau và một số biến thể của mười tên gọi ấy. Dựa vào cách giải thích “nghĩa” (đúng hơn là lý do hay cách thức) gọi tên, người ta có thể chia chúng làm ba kiểu khác nhau. Mỗi một kiểu tên gọi trong số đó sẽ phản ánh “cách thức đặt tên” hay lý do gọi tên thể hiện nguồn gốc ngôn ngữ của những tên gọi ấy.
            2.1. Nhóm thứ nhất là tên gọi sông Cái, sông Thao, sông Nhĩ Hà/Nhị Hà và sông Hồng/ Hồng Hà. Đây là cách gọi tên thể hiện “tính chất, đặc điểm” của con sông do chủ thể nhận diện sử dụng ngôn ngữ của mình để gọi tên sông.
            - Sông Cái, có nghĩa là sông chính. Những cư dân Việt nói tiếng Việt có nguồn gốc Nam Á (Austroasiatic) là chủ thể của cách gọi tên này. Bởi vì trong tiếng Việt, chúng ta có không ít những từ hay ngữ như “ngón taycái”, “đường cái”, “sông cái”, “cầm cái”v.v có nét nghĩa như thế. Có thể thấy, việc nhận diện sông để đặt tên cho nó là căn cứ vào “tính chất” của sông: con sông giữ vai trò chính ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.
            - Sông Thao, cũng có nghĩa là sông chính. Tên gọi Thao là tên gọi theo cách của người Việt hoặc người Hán bắt nguồn từ tên gọi có nguồn gốc Thái - Kađai là tao (trong “nặm tao”, nghĩa là “sông lớn, sông chính”). Ở Việt Nam, người ta cũng còn gặp một tên gọi kiểu như thế ở vùng Thái Nghệ An: người Thái ở miền đất này gọi con “sông Cả” hay “sông Lam” của người Việt là “nặm Pao” với nghĩa là “sông lớn, chính”. (Năm 2000, trong dịp tham dự hội nghị về ngôn ngữ và văn hoá Thái Áo Hoa do Viện Khoa học Xã hội Vân Nam tổ chức ở huyện tự trị Tân Bình thuộc Ngọc Khê tỉnh Vân Nam Trung Quốc, chúng tôi cũng thấy người Thái ở Tân Bình gọi đoạn thượng nguồn sông Hồng chảy qua đây trên lãnh thổ Trung Quốc là “nặm tao” với nghĩa là “con sông chính” của vùng đất.
            - Sông Nhị Hà/Nhĩ Hà (tức là sông Nhị/Nhĩ) được giải thích là có từ thời nhà Minh chiếm đóng Đại Việt. Sách “Đại Nam nhất thống chí” dẫn lại “Đại Thanh nhất thống chí” ghi rằng “Lại xét về tên Nhị Hà thì Hoàng Phúc nước Minh đắp thành Đại La, thấy nước sông chảy vòng quanh như hình cái vành tai, bèn đặt tên này” [QSQTN, t4 (1997), 186]. Qua lời ghi chép ấy có thể thấy cách gọi Nhị Hà/Nhĩ Hà (sông Nhị/Nhĩ) là để giải thích đặc điểm “nước sông chảy vòng quanh như hình cái vành tai”. Đặc điểm của sông được thể hiện bằng tên gọi theo tiếng Hán và sau đó là tiếng Hán - Việt.
            - Sông Hồng/Hồng Hà có nghĩa là “sông có mầu nước đỏ”. Theo cách ghi của “Đại Nam nhất thống chí” thì đến giữa thế kỷ XIX, tên sông vẫn là Nhị hay Nhị Hà. Đến Việt Nam, với yêu cầu ghi tên sông vào văn bản, người Pháp đã lựa chọn đặc điểm “sông có mầu nước đỏ/hồng” và thể hiện bằng ngôn ngữ của mình với nghĩa như vậy. Người ta cũng có sở khi giải thích rằng cách nhận diện để gọi tên sông là Hồng/Hồng Hà cũng có thể là của người Hán hay người Việt. Nhưng trong sử sách của Việt Nam cho đến thời điểm giữa thế kỷ XIX, tên gọi này không thấy xuất hiện. Với lại, đối với người Việt nếu gọi sông Hồng bằng tên Hán - Việt thì đã có Nhị HàPhú LươngLô GiangĐại Hoàng v.v. Còn nếu gọi theo cách dân gian đã có tên gọi sông Cái quen thuộc. Vì thế, chúng tôi nghiêng về chấp nhận cách giải thích cho rằng sông Hồng/Hồng Hà là cách nhận diện và thể hiện tên gọi của sông theo tiếng Pháp khi họ đến xâm lược Việt Nam.
            2.2. Nhóm tên gọi thứ hai là Bạch HạcTam ĐớiXích Đằng và Đại Hoàng. Những tên gọi theo tiếng Hán hay Hán - Việt này đều có một nét chung là để chỉ “địa danh lãnh thổ nơi con sông chảy qua”. Nói cách khác, những tên gọi sông Hồng này là căn cứ vào “địa điểm, lãnh thổ nơi con sông chảy qua”. 
            - Sông Bạch Hạc, theo “Đại Nam nhất thống chí” dẫn lại An nam chí lược của Cao Hùng Trưng, là tên gọi khi con sông hợp lưu với sông Đà ở ngã ba Bạch Hạc. Sách này chép “Sông Phú Lương, ở địa phận huyện Đông Quan, phủ Giao Châu, có một tên nữa là sông , thượng lưu giáp sông Bạch Hạc châu Tam Đái, chảy qua phía đông phủ thành, thông đến sông Đại Hoàng thuộc huyện Lý Nhân rồi đổ ra biển” [QSQTN, t4 (1997), 186].
            - Sông Tam Đới, cũng theo “Đại Nam nhất thống chí”, là tên gọi con sông khi nó chảy qua châu Tam Đái/Đới. Sách này giải thích “Người ta vẫn theo lệ cũ mà gọi tên sông theo từng khúc một - ví dụ …khúc ở khoảng Bạch Hạc gọi là sông Tam Đới, …” [QSQTN, t4 (1997), 253].
            - Sông Xích Đằng là tên gọi khi sông chảy qua Đằng Châu. Theo ghi chép của “Đồng Khánh địa dư chí” thì “Một dòng sông lớn, tên là sông Nhj Hà, cũng gọi là Xích Đằng (đoạn sông Nhị chảy qua Khoái Châu)” [QSQTN, (2003), 251]. Khoái Châu thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên ngày nay cũng là vùng đất cổ có những địa danh như đềnĐằng Châu, bãi Xích Đằng “là kho của các đời và là chỗ xung yếu then khoá” [PHC (1960), 80].
            - Sông Đại Hoàng là tên gọi sông Hồng từ Hưng Yên đến ngã ba Hoàng Giang hay ngã ba Vường (điểm giao nối sông Hồng và sông Luộc), qua huyện Lý Nhân chảy ra biển. Ở đoạn này, sông còn có một tên gọi khác nữa là Hoàng Giang. Có lẽ vì là khúc sông chảy qua vùng đất Đại Hoàng nên người ta đã gọi sông Hồng nơi đây là Đại Hoàng hay Hoàng Giang [QSQTN, t3 (1997), 340].
            Một điều cần chú ý là các tên gọi thuộc nhóm này thường chỉ thấy chỉ thấy dùng nhiều trong sách vở. Sự “đóng khung” về phạm vi sử dụng hình như phản ánh có lẽ đây là những tên gọi Hán - Việt và mỗi một tên gọi ấy thường chỉ gắn với một khúc đoạn sông cụ thể.
            2.3. Nhóm tên gọi thứ ba là sông Phú Lương và sông /Lô Giang. Đây tuy cũng là những tên gọi Hán và Hán - Việt nhưng tính chất không phải như nhóm thứ hai “là để chỉ địa danh lãnh thổ nơi con sông chảy qua” hay như nhóm thứ nhất “là cách gọi tên thể hiện đặc điểm của con sông”. Mặt khác, những tài liệu lịch sử ghi chép về tên gọi sông Hồng đều cho thấy đây là hai tên gọi cổ xưa nhất, khá chính thống và cũng được nhắc đến nhiều trong lịch sử. Việc không thuộc một trong hai phương thức gọi tên sông đã nói ở trên và tính chất cổ xưa của nó, ở phương diện ngôn ngữ học lịch sử, ẩn chứa nhiều điều thú vị.
            Theo một vài kết quả nghiên cứu về nguồn gốc địa danh nói chung và tên sông nói riêng đã được nhiều tác giả cũng như chúng tôi công bố [TTD (2001), (2005)], có cơ sở để nhận thấy rằng Phú Lương và Lô Giang là cách Hán hoá rồi Hán - Việt hoá những tên gọi thuần Việt xưa có nguồn gốc Nam Á. Nói một cách khác, hai tên gọi sông Hồng này mặc dù hình thức ngôn ngữ thể hiện là tiếng Hán hay Hán - Việt nhưng “ý nghĩa” ban đầu của chúng lại thuần tuý mang nghĩa thuần Việt.
            3. Để nhận thấy hai tên gọi bằng tiếng Hán và Hán - Việt này là căn cứ vào tên gọi thuần Việt rồi ghi chép lại, chúng ta sẽ lần lượt quan sát những vấn đề sau đây.
            3.1. Khi so sánh những địa danh Hán và Hán - Việt có liên quan với một địa danh thuần Việt chúng ta dễ dàng nhận thấy địa danh Hán và Hán - Việt thường có hai âm tiết, còn địa danh thuần Việt (cũng thường gọi là địa danh Nôm) sẽ chỉ có một âm tiết [TTD (2005)]. Trong hai âm tiết của địa danh Hán và Hán - Việt, thường thường một âm tiết có mối liên hệ ngữ âm lịch sử với ngữ âm của âm tiết địa danh thuần Việt. Đồng thời đôi khi giữa chúng cũng có liên hệ về mặt ý nghĩa. Chính mối liên hệ ngữ âm lịch sử giữa hai dạng thức tên gọi này là lý do để chúng ta nhận biết tên gọi Hán hay Hán - Việt dẫn xuất từ tên gọi thuần Việt. Chúng ta có thể nêu lên một loạt tương ứng như thế đối với tên làng, tên sông ở Việt Nam để làm ví dụ:
Thuần Việt                                      Hán Việt
sông Rum                                            Lam Giang
làng Mọc                                       Nhân Mục  
làng Chèm/Trèm                             Từ Liêm
            làng Chấp                                       Cá Lập
            làng Trầu                                        Phù Lưu v.v
            Rõ ràng, người ta có thể chứng minh được giữa các âm tiết thuần Việt Rum, Mọc, Chèm/Trèm, Chấp vàTrầu nói trên có mối liên hệ ngữ âm lịch sử với Lam, Mục, Liêm (Từ Liêm), Lập (Cá Lập) và Lưu (Phù Lưu) dựa vào ngữ âm lịch sử tiếng Việt [NTC (1989), (1995)]. Với lôgíc như vậy, chúng ta có thể thấy rằng trong hai địa danh Hán và Hán - Việt gọi sông Hồng là Phú Lương và Lô Giang mỗi một địa danh sẽ có một âm tiết có thể dẫn xuất từ một tên gọi thuần Việt xưa.
            3.2. Trong hai địa danh Hán và Hán - Việt là Phú Lương và Lô Giang, chúng ta có cơ sở để nhận ra âm tiếtLương và âm tiết  là âm tiết có mối liên hệ ngữ âm lịch sử với dạng thức tên gọi thuần Việt.
            3.2.1.Đối với địa danh Lô Giang, rõ ràng Giang là một yếu tố Hán với nghĩa là “sông”. Vì thế, Lô Giang có nghĩa là “sông ” và nhờ đó chúng ta biết rằng ở địa danh gọi sông Hồng là Lô Giang, âm tiết  là âm tiết có mối liên hệ ngữ âm lịch sử với một tên gọi thuần Việt. Nói cách khác,  Hán hay Hán - Việt này có lẽ dẫn xuất từ một tên gọi thuần Việt xưa dùng để chỉ sông.
            Trong địa danh thuần Việt, dạng ngữ âm  dùng làm địa danh sông không phải là đơn nhất. Chúng ta có sông Lô là nhánh sông nhập vào sông Thao ở Việt Trì để thành dòng chính sông Hồng. Cùng với dạng ngữ âm  là biến thể ngữ âm la nên ta có sông La ở Hà Tĩnh và một vài nơi khác. Dạng ngữ âm gọi tên sông là , theo chúng tôi, còn có biến thể ngữ âm khác là rào. Trong địa danh tiếng Việt, chúng ta gặp không ít dạng ngữ âm rào có nghĩa là sông: rào Quán ở Quảng Trị, rào Nậy (sông Gianh) ở Quảng Bình, cửa rào (cửa sông Nậm Nơn hợp thành với sông Cả) ở Nghệ An v.v.
Nhờ ngữ âm lịch sử tiếng Việt, chúng ta nhận biết lô ~ la ~ rào thực ra có thể là những biến thể ngữ âm của một dạng duy nhất trong lịch sử. Trường hợp biến thể lô ~ la là khá đơn giản. Cả hai âm tiết đều có âm đầu [l], còn nguyên âm là [o] và [a] đều cùng là nguyên âm dòng trước và chỉ khác nhau về độ mở hẹp và rộng. Vì thế chúng ta có thể coi hai biến thể ngữ âm nói trên là thông thường. Và như vậy cũng có nghĩa chúng được dẫn xuất từ một dạng thức cổ xưa hơn.
Riêng biến thể lô/la với rào, tình hình có phức tạp hơn nhưng không phải là không tìm được mối liên hệ ngữ âm lịch sử giữa chúng. Đối với âm đầu của âm tiết, sự tương ứng [l] ~ [r] cũng rất thông thường (tiếng Việt:lim ~ rim, lâm ~ râm, lầm ~ rầm, long ~ rồng, lè ~ rè v.v.). Còn ở trường hợp vần của âm tiết thì tương ứng giữa một vần đơn [o/a] (chỉ có một nguyên âm) với một vần phức [aw] (gồm một nguyên âm và âm cuối bán nguyên âm) cũng không phải là hiếm. Những cặp tương ứng tru, trù, gú, gi, chí, mi v.v ở phương ngữ Bắc Trung Bộ với phương ngữ Bắc Bộ trâu, trầu, gấu, giây, chấy, mày v.v. của tiếng Việt cũng chính là sự tương ứng giữa một vần đơn (chỉ có một nguyên âm) với một vần phức (gồm một nguyên âm và âm cuối bán nguyên âm) giốngnhư ở trường hợp lô/la ~ rào.
 Rõ ràng, nhờ mối liên hệ ngữ âm lịch sử và ngữ nghĩa của chúng, chúng ta có cơ sở để nghĩ rằnglô/la/rào là những biến thể ngữ âm của một âm tiết xưa có thể tái lập ở dạng [*lo], với nghĩa là “sông” mà hiện nay nó chỉ thấy lưu lại ở tên riêng như sông , sông La Giang hay tồn tại ở thành tố chỉ tên chung như rào Quán,rào Nậy, rào Con (ở Hà Tĩnh) v.v. Dựa vào tính chất phương ngữ Việt và phạm vi địa lý sử dụng của các họ ngôn ngữ ở địa bàn Đông Nam Á, dạng thức ngữ âm xưa [*lo] chỉ có thể là dạng thức thuần Việt cổ xưa gốc Nam Á (Austroasiatic).
3.2.2. Trường hợp địa danh Hán hay Hán - Việt Phú Lương có sự khác biệt với Lô Giang. Ở đây, âm tiết thứ hai lương là âm tiết cho thấy có một mối liên hệ ngữ âm lịch sử với tên gọi sông thuần Việt cổ xưa cũng gốc Nam Á là [*klɔŋ/krɔŋ]. Tên gọi cổ xưa này cũng có hai biến thể ngữ âm và hai biến thể sử dụng giống như  vàrào.
Trong tiếng Việt, không chỉ riêng sông Hồng trong tên gọi mang yếu tố lương. Chúng ta có sông Hiền Lương/Minh Lương (sông Bến Hải), khe Lương (ở Vĩnh Linh) tỉnh Quảng Trị, sông Lương (sông Chu) tỉnh Thanh Hoá, sông Phú Lương ở Thái Nguyên v.v. Việc dạng ngữ âm lương trở thành tên riêng của nhiều con sông, vì thế, không phải là ngẫu nhiên. Nó rất có thể chính là dạng ngữ âm có những biến thể khác hoặc là Hán - Việt longtrong sông Hoàng Long ở Ninh Bình và công trong sông Công ở Thái Nguyên, hoặc là rông của sông Đắc Rông (ở Quảng Trị) hay rằng trong tên sông Đà Rằng ở Phú Yên.
Chúng ta biết, âm thuần Việt xưa có nguồn gốc Nam Á [*klɔŋ/krɔŋ] đã biến đổi có quy luật trong tiếng Việt thành hai biến thể. Biến thể thứ nhất *klɔŋ/krɔŋ > sông hiện nay [HTC (1964] và nó trở thành yếu tố tên chung trong phức thể địa danh kiểu sông Hoàng Long, sông Phú Lương, sông Lam Giang v.v. Trường hợp này, hình như, nó cũng giống dạng ngữ âm thuần Việt xưa có nguồn gốc Nam Á [*lo] biến đổi thành rào trong rào Nậy, rào Thanh (một tên gọi khác của sông Bến Hải), rào Con đã được chúng tôi giải thích sơ bộ ở trên. Ở đây, sự biến đổi ngữ âm có quy luật để *klɔŋ/krɔŋ > sông có thể tìm thấy trong những công trình nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt đã dược công bố [NTC (1995)].
Biến thể thứ hai của âm thuần Việt xưa có nguồn gốc Nam Á [*klɔŋ/krɔŋ] chính là những dạng thức ngữ âm như lương, long, côngrông  rằng. Đối với những biến thể khác nhau này, người ta vẫn có thể nhận thấy mối liên hệ ngữ âm lịch sử giữa chúng. Trước hết, trong các âm tiết nói trên, tương ứng âm đầu [l] ~ [r], như đã chứng minh, là tương ứng thường xuyên; còn tương ứng âm đầu [l], [r] ~ [k] là do cách xử lý tổ hợp phụ âm đầu nghiêng về nhấn mạnh yếu tố k hay yếu tố l/r trong tổ hợp *kl/kr mà thôi. Như vậy, có thể nói sự tương ứng các âm đầu [l] ~ [r] ~ [k] là tương ứng thoả mãn tính quy luật của sự biến đổi ngữ âm lịch sử. Ở phần vần, nếu như các tương ứng [oŋ] (ông) ~ [ɔŋ] (ong) ~ [ăŋ] (ăng) là bình thường đối với biến đổi ngữ âm lịch sử tiếng Việt thì tương ứng giữa chúng với [ɨəŋ] (ương) tuy có khác biệt về nguyên âm là đơn [o, ɔ, ă]/đôi [ɨə] nhưng vẫn có thể giải thích được lý do.
Chẳng hạn, trong tiếng Việt chúng ta gặp không ít những cách nói nước đôi do sự khác nhau giữa nguyên âm đơn/đôi như giong buồm/giương buồm, đàng/đường, màu hồng/ màu hườngnáng thịt/nướng thịt, nóingọng/nói ngượng, trọng nghĩa/trượng nghĩa v.v. Chính sự hiện diện ở phần vần của âm tiết là nguyên âm đơn với ba nguyên âm có độ mở khác nhau là [o, ɔ, ă] đã minh chứng khả năng đôi hoá nguyên âm của những vần nói trên. Vì thế khi nói rằng âm tiết thuần Việt xưa [*klɔŋ/krɔŋ] có các biến thể ngữ âm hiện nay là như lương, long, côngrông  rằng là có thể chấp nhận được về mặt ngữ âm lịch sử tiếng Việt.
Từ những gì đã được minh chứng, chúng ta có cơ sở để có thể nói rằng yếu tố lương trong địa danh Phú Lương để gọi tên sông Hồng là cách Hán hoá hay Hán - Việt hoá một tên gọi thuần Việt từ thời tối cổ. Dạng thức thuần Việt tối cổ ấy có thể phục nguyên là [*klɔŋ/krɔŋ] và nghĩa của nó là để chỉ “sông” hay “con sông”. Cách thức người Hán dùng chữ Hán ghi lại âm thuần Việt tối cổ rồi sau đó người Việt căn cứ vào chữ Hán của người Hán mà Hán - Việt hoá địa danh xưa trong ghi chép của mình là cách làm thông thường. Do dó, tên sông Hồng được ghi là Phú Lương cũng không phải đơn nhất và không phải là không thể nhận thấy “nghĩa ban đầu” hay “nghĩa khởi thuỷ” của nó. Nói một cách khác, Phú Lương là cách Hán hoá hay Hán - Việt hoá địa danh  sông < [*klɔŋ/krɔŋ] mà có.
4.Như vậy là, qua mười tên gọi khác nhau của sông Hồng và một số biến thể của chúng, có thể nhận thấy những tên gọi ban đầu dường như là những tên gọi có gốc gác Nam Á và Thái - Kađai. Về sau, trừ trường hợp tên gọi “sông Cái”, những tên gọi Nam Á và Thái - Kađai ấy đều bị “Hán hoá” hay “Hán - Việt” để có dạng thức như ngày nay.
4.1. Trước hết, chúng ta nói về tình trạng tên gọi xét theo nguồn gốc ngôn ngữ.
Tên sông Thao < [*taw] là tên gọi gốc Thái - Kađai. Về mặt ngôn ngữ, đây là tên gọi thuộc về một ngữ hệ được coi là có mặt từ thời cổ xưa ở Đông Nam Á nói chung và ở bắc Việt Nam nói riêng. Cư dân chủ thể của họ ngôn ngữ này cho đến hiện nay vẫn sở hữu một nền văn hoá đa dạng, phong phú và đặc sắc. Tên gọi sông Thao, rõ ràng, là tên gọi thể hiện đặc điểm của con sông. Đặc điểm mà người ta sử dụng để đặt tên cho sông Hồng là “to, chính, quan trọng” nhất ở vùng lãnh thổ.
Còn về những tên gọi có nguồn gốc ngôn ngữ Nam Á thì tình hình đa dạng hơn nhiều. Đầu tiên là tên gọi sông Cái. Đây cũng là một kiểu tên gọi thể hiện đặc điểm của con sông. Những người dân thuộc họ Nam Á rõ ràng cũng nhấn mạnh vị trí “to, chính, quan trọng” mà con sông này đảm nhận. Ở đây rõ ràng một bộ phận cư dân nói ngôn ngữ Nam Á đã tri nhận vai trò của con sông tương tự như cách gọi tên của cư dân nguồn gốc Thái - Kađai. Do hai tên gọi “sông Thao” và “sông Cái” đều là loại tên gọi căn cứ vào đặc điểm hay tính chất/vai trò của con sông mà có nên chúng ta có lý do để có thể nói rằng chúng “mới hơn” so với hai tên gọi có dạng Hán - Việt hiện nay là lương và .
Khác với tên gọi sông Cái, tên gọi Phú Lương dẫn xuất từ lương hoặc  long, côngrông,  rằng  <  [*klɔŋ/krɔŋ]. Tên gọi này, như vậy, bắt nguồn từ danh từ chung nghĩa ban đầu là “sông”. Về sau, nó trở thành yếu tố địa danh chỉ tên riêng trong một phức thể địa danh “sông Sông”. Và sau nữa, khi Hán hoá, yếu tố Sông trong phức thể địa danh “sông Sông” chuyển thành Phú Lương và ta có địa danh “sông Phú Lương” như ngày nay. Tương tự như vậy, tên gọi Lô/Lô Giang dẫn xuất từ lô, la, rào < [*lo], một danh từ chung với nghĩa ban đầu là “sông”. Trường hợp này, nó trở thành yếu tố địa danh chỉ tên riêng trong một phức thể địa danh “sông ”. Và khi Hán hoá, yếu tố Lô trong phức thể địa danh “sông ” hoặc chuyển thành song tiết Lô Giang hoặc vẫn đơn tiết là như chúng ta có hiện nay.
4.2. Nếu sự nhìn nhận nguồn gốc ngôn ngữ và cách thức đặt tên của địa danh sông Hồng như trên có thể chấp nhận được, rõ ràng chúng ta có chứng cớ để suy luận về một hiện tượng văn hoá. Nói khác đi, người ta có cơ sở để nêu ra một vài nhận xét thú vị sau đây.
Hình như, trong mười tên gọi sông Hồng hiện đang dùng hay được ghi lại trong sử sách, hai địa danh Hán - Việt Phú Lương và Lô/Lô Giang là dẫn xuất từ dạng thức địa danh có nguồn gốc Nam Á cổ xưa nhất. Thứ đến là địa danh Thao gốc Thái - Kađai và Cái cũng là gốc Nam Á. Những địa danh Hán - Việt còn lại lần lượt xuất hiện về sau và có lẽ Hồng/Hồng Hà là địa danh xuất hiện muộn nhất, gần thời đại chúng ta nhất. Đối với các địa danh sông Phú Lương, sông Lô/Lô Giang, sông Thao và sông Cái việc định vị thời gian như vậy còn được sự ủng hộ củaphương thức cấu tạo địa danh và ý nghĩa của chúng. Ở hai địa danh dầu, phương thức cấu tạo của chúng là “chuyển danh từ chung thành tên riêng” nên tính chất của chúng cổ xưa hơn; còn ở hai địa danh sau, việc đặt tên địa danh là dựa trên “đăc điểm hay tính chất” của nó tự nó cho thấy giá trị thời gian muộn hơn.
Từ góc nhìn văn hoá, người ta thấy rằng tên gọi sông Hồng là một sự hội tụ hay hoà hợp của hai cộng đồng cư dân sử dụng hai hệ ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic) và Thái - Kađai (Tai - Kadai). Trong đó, họ ngôn ngữ Nam Á là họ ngôn ngữ của cư dân bản địa ở vùng Đông Nam Á hiện nay và thuộc vào nhiều nhánh khác nhau; còn đối cư dân họ Thái - Kađai, dường như vào thời cổ xưa, sông Hồng là ranh giới Tây Nam của cộng đồng cư dân này. Về sau, các địa danh của cư dân hai họ ngôn ngữ ban đầu ấy đều bị cư dân  Hán hoá rồi bị Hán - Việt hoá. Rõ ràng, tên gọi sông Hồng là một sự hội nhập, đan xen văn hoá của những lớp cư dân có nguồn gốc ngôn ngữ khác nhau trong lịch sử.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
.
1. Đào Duy Anh (1997), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hoá, Huế 1997,  263 tr.
2. Nguyễn Tài Cẩn (1989), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt, Nxb ĐH&THCN, Hà Nội ; Tái bản Nxb ĐHQGHN (2000), Hà Nội, 354tr.
- (1995), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Sơ thảo), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 348tr.
- (2001), Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá, Nxb ĐHQG Hà Nội, 439 tr.
3. Hoàng Thi Châu (1964), Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông, Thông báo khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tập 3, tr 94-106. 
4. Phan Huy Chú (1960),  Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Sử học, Hà Nội, 352 tr.
- (1997), Hoàng Việt địa dư chí, Nxb Thuận Hoá, Huế.
5. Trần Trí Dõi (1999), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, NXb ĐHQG Hà Nội, 301 tr.( tái bản 2000)
- (2001), Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội, Nxb Văn hoá Thông tin, 266 tr
- (2005), Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội 2005, 268 tr.
- (2005),Tiếp tục tìm hiểu về xuất xứ và ý nghĩa địa danh Cổ Loa (…), Ngôn ngữ 11(198)/11-2005, tr 21-27.
6. Ngô Sỹ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998,
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hoá, Huế 1997, Tập 3, Tập 4.
8.Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đồng Khánh dư địa chí, Nxb Thế giới, Hà Nội 2003.
9. Nguyễn Văn Siêu (1997), Đại Việt địa dư toàn biên, Nxb Văn hoá, Hà Nội.
- (2003), Phương Đình dư địa chí, Nxb Thế giới, Hà Nội 2003.
10. Ngô Thì Sỹ (1997), Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1998.