Tuesday, 23 April 2013

Món ăn của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long (Trần Ngu Lạc - Báo Cần Thơ)

Món ăn của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ bảy, 25/02/2012 19 giờ 56 GMT+7
Mắm là món ăn hết sức đặc trưng của người Khmer. Đó chính là kết quả tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên, lấy những nguyên liệu từ tự nhiên để chế biến thành một món ăn theo cách riêng. Đối với bà con Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, mắm không chỉ là một món ăn không thể thiếu trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày mà nó còn là một thứ gia vị đặc biệt, đôi khi mang tính bắt buộc trong việc chế biến một số món ăn.
Mắm pro-hốc là món ăn điển hình. Mắm pro-hốc có thể được làm từ nhiều loại cá nhỏ, như: cá sặt, cá chốt, cá lòng tong... Hoặc những loại cá lớn, như: cá trê, cá lóc... Người ta lựa những con cá lóc còn tươi đem đánh vẩy, mổ bụng ra rồi rửa cho sạch nhớt đem ngâm nước lạnh một đêm, vớt ra đem phơi nắng cho ráo nước. Sau đó người ta ướp muối, trộn với cơm nguội, đem cho vào hũ, hoặc khạp, rải muối hột vào rồi gài cứng, đậy nắp lại, để khoảng từ bốn tháng đến sáu tháng là ăn được. Có thể để nguyên con đem kho, hoặc ăn sống; hoặc cho vào ít lá chanh, lá gừng xắt nhỏ, ớt, đường, và chanh chưng. Còn có loại mắm chua gọi là pò-ót, được làm từ tép mòng - một loại tép rất phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khi ăn, người ta trộn với đu đủ, riềng hoặc gừng non. Pò-ót làm khoảng 10 ngày là ăn được.
Mắm pro-hốc có hai loại: mắm cá nhỏ gọi là pro hoc trey changvar, gồm tất cả các loại cá trắng, đen, như các loài: sặt, trèn, chốt, lòng tong, cá chạch đất,...; mắm cá lớn gọi là pro hoc trey thom gồm các loại cá lóc, cá bông, đặc biệt là cá trê vàng.
Bánh thốt nốt của người Khmer. 
Để làm mắm pro-hốc đầu tiên là làm sạch cá: đánh vảy, chặt kỳ, mổ bụng bỏ sạch ruột. Để cá chảy hết máu rồi rửa nhiều lần, chừng nào thấy nước trong mới thôi. Nếu cá làm không sạch, còn máu hoặc nhớt, vảy dơ cá sẽ thối, đắng ăn không được.
Cá làm sạch cho vào cái vịm nước (vật dụng làm bằng sành, sứ - như cái thau) ngâm nước một đêm, sau đó vớt ra rổ để ráo nước và đem phơi nắng một ngày.
Muối hột rửa cho trắng (bỏ tạp chất làm cho muối có màu đen, sẫm), cho vào cối giã nhuyễn rồi trộn với cá. Lượng muối nhiều hay ít là do kinh nghiệm của người làm. Chất lượng mắm cũng từ đó mà xác định. Bỏ ít muối (lạt muối) thì cá sẽ sình, hoặc ngược lại bỏ nhiều muối mắm quá mặn.
Trộn muối với cá xong, bỏ cá vào cối quết nhẹ bằng chày cây. Khi quết cho thêm cơm nguội vào tán nhừ, ước chừng một tô mắm thì hai muỗng cơm. Quết xong, múc cá ra rổ để cho nước rỏ xuống. Phía trên mắm lót ít lá chuối tươi, lấy gạch đá dằn lên khoảng một ngày đêm cho nước trong mình cá chảy ra hết. Ngày sau, người ta xếp mắm vô hũ hoặc tỉn đã rửa sạch để khô, nhận ém thật cứng, phía trên gài bằng mo nang dừa, trên cùng gài mắm bằng các dọc dừa già chẻ vừa mặt dụng cụ nhận mắm. Trên đổ nước muối. Quan trọng là phải ém mắm cho kỹ không để nước muối lọt xuống thấm vào mắm. Khoảng từ 4 đến 6 tháng trở lên giở mắm ra là ăn được. Mắm pro-hốc để càng lâu, càng ngon.
Mắm pro-hốc được người Khmer dùng nêm cho gần hết các món ăn. Hoặc ăn riêng thì chưng, kho, chiên,... Một nồi xiêm lo, một nồi nước lèo thì đồ nêm tất nhiên không thể thiếu mắm pro-hốc!
Xiêm lo cũng là một món canh tiêu biểu trong văn hóa ẩm thực của người Khmer khác với tất cả các loại canh của người Việt hay người Hoa. Nấu món canh này người ta dùng thịt, cá tươi và rau ngổ, chuối rém, hoặc trái đu đủ non và được nêm bằng mắm pro-hốc. Canh xiêm lo còn được nấu với nhiều loại rau như: lá bồ ngót, lá bình bát dây, bông điên điển, đọt bí, đọt bầu, cùng với măng, mướp, khoai môn, khoai lang, bầu, bí đao, rồi rau đắng... Canh xiêm lo cũng có nhiều loại khác nhau như xiêm lo mít, xiêm lo bình bát... Mỗi loại canh đều thể hiện sự phong phú, tài khéo léo của bà con Khmer.
Bà con Khmer còn có một số món canh độc đáo khác, như: canh chua nấu với trái chuối xiêm xanh. Người ta tước bỏ vỏ chuối xiêm xanh, xắt hơi dày, nấu với cá và thịt gà, thêm cơm mẻ và các loại rau om, tần dày lá, ngò gai, sả và mắm pro-hốc. Canh chua nấu bằng bắp chuối thái mỏng với cá khô và lá me non...
“Người nội trợ Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long còn nhớ rất nhiều món canh quen thuộc của dân tộc mình, đặc sắc nhất là các món canh xiêm lo ko-kô tức canh thập cẩm, được nấu với nhiều loại rau rừng và rau đồng như rau cỏ chai, cải trời, rau đắng, rau ngổ, rau chóc, rau chay, rau bợ, rau chuối, khổ qua, đu đủ non... cùng các loại tôm, thịt, cá và các thứ gia vị như sả, ớt, thính, củ gừng, củ riềng, bột cà ri, dừa khô, mắm pro-hốc... Hoặc như món xiêm lo prohơ cũng là một loại canh nấu với thịt hoặc cá với gia vị là mắm pro-hốc, sả, ớt, ăn với gỏi đu đủ, dưa leo chấm với nước chua là cơm mẻ (một loại vi khuẩn trong cơm nguội để lên men)v.v...”1
Đặc biệt, món bún nước lèo của người Khmer được cả người Việt và người Hoa ưa thích - đã trở thành một đặc sản chung của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, được nhiều du khách phương xa thưởng thức và nhớ mãi. Để nấu món này, người ta dùng tôm, cá nấu nhừ lấy nước cốt, đem cá ra rút hết xương, nước cốt của cá được nêm muối ớt, sả... và hai món nêm không thể thiếu là ngải bún giã nhỏ và mắm pro-hốc. Nước cốt sau khi nêm và nấu kỹ đã trở thành một thứ nước lèo rất tuyệt hảo.
Cũng như các dân tộc khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, người Khmer cũng có nhiều món bánh. Bánh ngọt có mặt gần như hầu hết trong các dịp lễ hội của người Khmer. Tiêu biểu các loại bánh: bánh củ gừng, bánh tai yến... nhưng đặc sắc hơn cả có thể nói là bánh thốt nốt. Đó là, nguyên liệu được làm từ trái thốt nốt, mà trái thốt nốt chỉ có nhiều ở những khu vực đông đảo người Khmer sinh sống. Người ta bẻ trái thốt nốt xuống, sau đó đem chà vào rổ để lấy bột, rồi đem bột này trộn với bột gạo, thêm chút dừa nạo, sau đó lấy lá thốt nốt gói lại, rồi sau đó đem hấp. Bánh có màu vàng ươm, có mùi thơm hết sức đặc biệt vị ngọt tinh khiết, vị béo của dừa rất ngon. “Người Khmer từng tự hào về các loại bánh ngọt cổ truyền của dân tộc mình vì nó chiếm một số lượng khá phong phú, lại vô cùng độc đáo. Bánh ngọt giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống của người Khmer vì nó không thể vắng mặt trong tất cả các dịp lễ, Tết, cúng bái theo phong tục.”2 Bánh ngọt của người Khmer gồm một số loại tiêu biểu sau:
* Num còn khuyên
Người Việt gọi Num còn khuyên là bánh rế. Bánh làm bằng đậu xanh, đậu nành và nếp. Mỗi thứ lấy trọng lượng bằng nhau, vo sạch, để ráo rồi đem rang riêng. Rang để lửa nhỏ, đến khi vừa vàng thì đổ ra, sau đó trộn cả ba thứ vào chung, vọt nát như xây thín.
Nước đường thốt nốt thắng đến rít lại, bỏ bột đã vọt nhuyễn vào quậy đều như nhân bánh ít, đem ra nắn hình tròn như cá mâm có chân, gọi là bánh rế.
Lấy bột gạo, ít nhiều tùy theo kinh nghiệm của người làm bánh, trộn trong thau, cho bột nghệ xay vào để tạo màu vàng, đổ nước vào quậy sền sệt, đem từng cái bánh rế nhúng vào rồi chiên với mỡ. Bánh vàng, vớt ra để ráo, ăn giòn ngon.
* Num Crọp Khnô
Num Crọp Khnô nghĩa là bánh hột mít. Bánh làm đậu xanh nấu mềm, đãi bỏ vỏ, giã nhuyễn trộn với đường thốt nốt như nhân bánh ít. Sau đó, dùng tay vắt viên tròn như hột mít, lăn vào tròng đỏ trứng vịt, gà. Sau đó, đem chiên giòn. Ăn khi ráo mỡ.
* Num chô
Bánh làm bằng gạo trắng vọt sạch, để ráo rồi cho vào cối vọt nhừ nát, khi vọt dùng sàng rây nhiều lần để giã lại cho thật nhuyễn, bột càng nhuyễn, bánh càng nổi to. Nước đường thốt nốt thắng đến rít lại, bỏ bột gạo vào quậy đều như nhân bánh ít, đem ra nắn từng cái hình tròn hay vuông, dẹp lớn nhỏ tùy ý. Sau đó, bỏ vào chảo mỡ chiên. Bánh sẽ nổi lớn như bánh tiêu của người Tiều (Triều Châu). Bí quyết độc đáo của loại bánh này nằm ở lượng đường ngào, nếu không ngọt thì bánh sẽ tan trong chảo chiên, ngược lại ngọt quá, bánh sẽ chai, không nổi, ăn không ngon.
* Num Khnhây
Num Khnhây là bánh gừng. Nếp trắng vo sạch, để ráo đem quết thành bột, khi quết dùng sàng rây nhiều lần để giã cho thật nhuyễn, bột càng nhuyễn, bánh càng nổi lớn. Bột giã xong, đem phơi cho thật khô. Sau đó, lấy lòng trắng trứng vịt đánh nổi, cho bột vào quậy đến sền sệt, sau đó nắn thành hình củ gừng (có người nắn hình cá, hình chim, cua, tôm,...). Bánh gừng chiên bằng mỡ. Bánh nổi lớn, sau đó ngào với nước đường thốt nốt thắng sền sệt. Bí quyết của cách làm bánh này là khi cho bột vào lòng trắng trứng vịt sau cho vừa phải liều lượng thì bánh mới nổi đều. Khi chiên phải lẹ tay lật bánh qua lại.
Bánh gừng thường không thể thiếu trong đám cưới của người Khmer.
* Num Niềng Nóc
Num Niềng Nóc nghĩa là bánh của Nàng Nóc, theo các bậc trưởng thượng thì Nóc là tên người đầu tiên làm thứ bánh này. Người Khmer sau đó lấy tên người đặt cho tên bánh như để ghi công cho nàng. Gạo đem vo sạch, ngâm trong nước độ một đêm, sau đó quết thành bột, đổ nước sền sệt, lấy màu vàng của nghệ, màu đỏ của gấc pha vào cho đẹp mắt.
Nhân làm bằng đậu xanh quết nhuyễn trộn với đường thốt nốt, nước cốt dừa.
Bắc chảo lên bếp, cho mỡ vào. Đợi mỡ gần sôi thì lấy bột nhúng vào kéo lên, kéo xuống, tréo qua, vắt lại cho đến khi bột giòn thì nắn thành hình hộp như hộp thuốc lá, để nhân ở giữa. Chiên tiếp cho vàng, vớt ra, ăn khi ráo mỡ.
Nhìn chung, các món ăn của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long tuy không cầu kỳ, nhưng nó phản ánh khá rõ nét đặc điểm văn hóa trong ẩm thực của cộng đồng tộc người này. Đó là quá trình thích ứng, tương tác và tận dụng đối với môi trường thiên nhiên mà đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long dễ chế biến ra nhiều món ăn phong phú, mang bản sắc riêng.
Trần Ngu Lạc

Monday, 22 April 2013

THỬ LÍ GIẢI NGUYÊN NHÂN SỰ BIẾN ĐỔI VÀ CÁCH ĐỘC HÁN VIỆT QUA VÀI CỨ LIỆU ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH Ở HẢI PHÒNG (Nguyễn Kiên Trường - Thông Báo Hán Nôm Học)

Nguyễn Kiên Trường
49. Thử lí giải nguyên nhân sự biến đổi và cách đọc Hán Việt qua vài cứ liệu địa danh hành chính ở Hải Phòng (TBHNH 1996)
Cập nhật lúc 16h47, ngày 12/12/2007
NGUYỄN KIẾN TRƯỜNG
Trung tâm Biên soạn Từ điển Bách khoa
Địa danh là một trong những nguồn cứ liệu có giá trị để tìm hiểu cách đọc và sự biến đổi âm Hán - Việt. Những điều ghi chép trong các thư tịch cũ cho biết không nhiều, không chi tiết về các đơn vị hành chính thời cổ của Hải Phòng, trừ một vài địa danh như Câu Lậu, Kê Từ, An Định v.v… nhưng dù sao cũng là một chỗ dựa để lần trở lại vài thông tin về lớp tên Hán cổ còn hoặc không còn tồn tại đến ngày nay. Bài viết này đề cập vài nét về sự biến đổi lớp địa danh Hán Việt qua cứ liệu điều tra điền dã ở Hải Phòng.
Từ những đơn vị cư trú cổ xưa với những trang, trại, động, giáp, trang… (phổ biến ở vùng núi Thủy Nguyên), quá trình ghi chép địa danh bằng chữ Hán đã làm biến đổi về cơ bản hệ thống địa danh cư trú - hành chính. Nếu như lớp địa danh hành chính trước thời kỳ độc lập tự chủ chỉ có châu, huyện, xã v.v… thì những tên làng xã(1) cổ xưa đã có thêm những tên gọi mới song hành tồn tại với tên cũ: loại tên chính thức trong văn bản, dùng để khai báo; loại tên dân gian, ở đây thể hiện một phương diện về hai nền văn hóa. Văn hóa, ngôn ngữ bản địa có sức sống lâu dài qua tên Nôm; Sự ứng xử linh hoạt, có tiếp thu và sáng tạo của người Việt qua sự chuyển đổi từ Nôm sang Hán với cách đọc Hán - Việt ở mỗi thời kì. Các thế hệ nhà nước Việt Nam đã cố gắng chứng minh được phần nào tính độc lập, tự chủ của mình trong khuôn khổ có thể có được bên cạnh chính quyền phong kiến phương Bắc, nhưng không hoàn toàn bứt khỏi ảnh hưởng của văn hóa khu vực đó. Đặc biệt, xét trên lĩnh vực địa danh, lối đặt tên chữ theo kiểu dập khuôn (nổi rõ từ thời Minh Mạng) đã làm cho quá trình “văn tự hóa” mang trong mình nhiều lớp khá dày những địa danh Hán - Việt. Chủ thể sáng tạo những địa danh này thường là các tầng lớp Nho sĩ, được đào tạo theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, khi đặt địa danh, họ không tách biệt khỏi đời sống văn hóa của làng xã, trong nhiều trường hợp, họ “nói thay, viết hộ” bà an.
1. “Làng” là hiện tượng thuần Việt. Trong các văn bản và thư tịch hành chính của nhà nước phong kiến, chỉ có xã và thôn, trên là tổng, huyện và châu, phủ v.v.. Các đơn vị châu, phủ, chỉ v.v.. tồn tại đến năm 1945, còn các làng xã cũ đổi thành thôn, nhiều thôn hợp lại thành xã.
Để có thể hình dung phân nào diễn biến tên gọi theo thời gian, chúng tôi xin ra ví dụ về một đối tượng địa lí tên gọi huyện Cát Hải hiện nay mới có từ cuối thế kỷ 19, trước đó là cả một lớp tên gọi khác.

Phương pháp đào sâu
Địa danh và biến đổi
Thời gian xuất hiện, tồn tại

CÁT HẢI
NGHIÊU PHONG
(kiêng húy)
Từ cuối thể kỉ 19
Nửa sau thế kỉ 19
(Các lớp đào và “tầng văn hóa”
HOA PHONG
CHI PHONG
với nghĩa “chi phái”
với nghĩa “cỏ chi”
(giữ âm đổi nghĩa)
TƯ PHONG
(lầm tự dạng)
ÂN PHONG
Trước 1861
Thế kỷ 17-18
Trước thế kỉ 17-18
Trước 1469

Không phải bao giờ cũng tìm được niên đại và ý nghĩa của các địa danh khác nhau của một đối tượng như vậy. “Các lớp đào” ở Cát Hải cho ta thấy một phần các “tầng văn hóa” ở đây, nhưng nếu như nhà khảo cổ dùng các phương pháp khoa học chính xác (ví dụ phương pháp C14) để giả định, khẳng định niên đại hay đặc trưng của một đối tượng, vật thể nào đó, thì nghiên cứu địa danh phải dùng các phương pháp gián tiếp. Ân do lầm tự dạng Hán, đó là xét về văn tự “Chi” với hai nghĩa: Lúc đầu với nghĩa “cỏ chi”, sau đổi “chi phái”, đó là giữ âm đổi nghĩa; điều này ta cũng gặp qua ví dụ về “Thăng Long”: a) với nghĩa “rồng lên”; b) với nghãi “thịnh vượng lên”,khi tính chất kinh đô đã mất và thường bị “bạt thấp”). Đổi Chi Phong sang Hoa Phong chưa xác định được nguyên nhân… Theo lệ kiêng húy, ví mẹ vua Thiệu Trị tên Hoa nên phải đổi Nghiêu Phong, nhưng trong khi các địa danh Hoa đổi đồng loạt thành Phương hoặc “đọc trại” Huê thì Hoa đổi Nghiêu lại nằm ngoài hệ thống. Tuy nhiên, từ Ân Phong đến Nghiêu Phong vẫn luôn bảo lưu Phong, một dấu vết cần thiết phải lưu ý: sự biến động là có thực nhưng sự bảo lưu cũng có thực, “động” trong cái “tĩnh”. Đây cũng là hiện tượng thường thấy ở các làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ví dụ về “Bảy làng La…”: La Khê, La Tinh, La Cả (La Nội) La Khê Bắc, La Khê Đông, La Khê Nam, La Khê Tây.
2. Sự biến đổi có thể do nhiều nguyên nhân:
- Về tự dạng, có thể ghi lầm, phiên lầm. Khi chép chữ Hán, đôi chỗ phải dùng lối “giản tự” cho dễ, vì chữ cổ có nhiều nét, ví dụ: thôn An Lư ở Thủy Nguyên (có tên Nôm làng Sưa) được ghi An Các (Yên Các), nhưng huyện này không có làng An Các, có thể lầm chữ Các với chữ vì mặt chữ hơi giống nhau. Thôn Bính Động Thủy Nguyên được ghi Nội Động, vì chữ Nội @ và Bính @ gần giống nhau. Thôn Đốc Hành của huyện Tiên Lãng trước thế kỉ 19 được ghi Giá Hành, ngờ viết lầm Đốc @ và Giá @, vì chùa Hồng Khánh ở thôn này có bia “Hồng Khánh tự điền bi kia” (1589) và “Hồng Khánh tự bi kí” (1629) đều ghi xã Đốc Hành. Thôn Do @ Lễ Thủy Nguyên còn được ghi Khúc @ Lễ, ngờ người sao viết lầm thêm một nét sổ, dây tình trạng tam sao thất bản làm sai lạc tên gọi, xã Minh Nghị @ phiên lầm thành Minh Huyên @ Tiên Lãng, xã Hộ Tư phiên lầm Ngạc Tư(1).
Khác biệt về cách đọc: An Bồ cũng đọc Yên Bồ, thôn Xuân Áng còn đọc Xuân Đám (Cát Hải); làng cũ Cát Bi có thể là “Ba Lộ” thời cổ (đối chiếu với bản chữ Hán thì địa danh Ba Lộ chắc Bi Lộ, sau đổi Cát Bi… “Chữ Bi cũng có thể đọc Ba. Vậy Bi Lộ hay Ba Lộ phải chăng là tên cũ của Cát Bi thời Lý?”(2); v.v…
- Thay đổi tên vì kiêng húy:
Thôn Phương Đôi của huyện Tiên Lãng nay vốn là Hoa Đôi trước thế kỉ 19, cũng đổi tên vì kiêng tên húy mẹ vua Thiệu Trị là HOA. Rất nhiều làng đổi tên như vậy. Thôn Phấn Dũng (Kiến Thụy) có tên cũ Phấn Đường; huyện Thủy Nguyên.
Tên cũ Thủy Đường, nhiều địa danh có chữ Đường đều đổi vì kiêng húy vua Đồng Khánh (Ưng Đường); các địa danh có chữ CHÂN (Chân Đào đổi Trực Đào (An Lão); các địa danh chữ “LAN” (Tá Lan, Văn Lan, phải đổi Quan, Hòa (tháng 11-1961, vua Tự Đức ban nhiều tên húy, trong đó có chữ Lan nên làng Tá Lan Tả Quan (Thủy Nguyên), Văn Lan Văn Hòa (Kiến Thụy), v.v… đều phải đổi vì kiêng húy. Các địa danh có chữ: TÂN, MINH, HƯƠNG… cũng đổi vì lí do này.
- Đổi tên vì lí do chính trị, xã hội:
Làng Đại Lộc (Kiến Thụy) vốn là Thiên Lộc, nhưng triều đình bắt đổi vì đó là “Lộc trời”, dân không có quyền hưởng. Ở Hà Tĩnh, huyện Can Lộc vốn là Thiên Lộc, cũng bị đổi vì nguyên nhân này, v.v…
- Biến đổi tên gọi hay đặt tên gọi mới do đối tượng biến đổi hoặc thay đổi, nảy sinh:
Thôn cũ An Ninh thuộc xã An Sơn (Thủy Nguyên), sau chia làng, ghép thêm các từ chỉ vị trí để khu biệt: An Ninh Nội, An Ninh Ngoại; thôn Phù Lưu: Phù Lưu Ngoại, Phù Lưu Nội (Thủy Nguyên); An Tử; An Tử Thượng, An Tử Hạ v.v
- Sự biến đổi tên gọi không rõ nguyên nhân:
Một số ví dụ: làng An Bồ (Vĩnh Bảo) có tên cũ An Miệt (“Cổ An Miệt, kim An Bồ, kim cổ đồng thanh diệc như nhất”: “Xưa An Miệt, nay An Bồ, trước nay cùng gọi như một”); thôn An Khê (quận Ngô Quyền) thời cổ có tên Tây Khê; tổng An Khoái đổi thành tổng Đôn Lương (Cát Hải); thôn An Hựu đổi thành An Dụ (Tiên Lãng) v.v…
Sự song hành nhiều tên gọi khác nhau do nói tắt, rút gọn (Ngoài cách dùng tên khác gồm tên Nôm, tên dân gian, v.v..)
Có thể nói đây là hiện tượng phổ biến trong thói quen của người Việt.
Trong cách dùng tên, có xu hướng giản tiện, nhưng không gây hiểu lầm về đối tượng.
Tên làng xã phần lớn là Hán - Việt gồm hai âm tiết (ví dụ làng Giáo Mục) hoặc ba âm tiết (ví dụ làng Phương Lang Hạ). Khi sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, những tên gọi đó thường được gọi tắt theo yếu tố đầu: làng Nhân tức là Nhân Vực, chợ Hôm tức chợ Hạ Hôm Vĩnh Bảo, thôn Bàng tức thôn Bàng Động (Đồ Sơn); hoặc có trường hợp gọi tắt theo các yếu tố sau: thôn Vật Cách Hạ được gọi là Cách Hạ, thôn Vật Cách Thượng - Cách Thượng (An Hải) v.v…
- Sự đổi tên có những quy luật nhất định:
Giữ âm đổi nghĩa:
Ví dụ về huyện Cát Hải có tên cũ Chi Phong với nghĩa “cỏ chi”, sau đổi “chi phái” (đã nêu trên).
- Đổi âm giữ nghĩa:
Huyện Tiên Lãng xưa là Tiên Minh (được đọc là Tiên Miêng do kiêng húy). Lúc đầu là Tân Minh, do kiêng húy đổi thành Tiên Lãng (từ đời Thành Thái) được hiểu là “trước sóng” nhưng không hẳn như vậy. Chữ Lãng với nghĩa “sáng” nếu căn cứ vào mặt chữ @. Đổi Tiên Minh thành Tiên Lãng là đổi âm nhưng vẫn giữ được nghĩa cử Minh: “Về cấu tạo chữ, người ta cũng cố giữ nguyên chữ “nguyệt”, chỉ thay đổi một phần, đổi chữ “nhật” bằng chữ “lang”(3). Các địa danh Hoa đổi Hương, sau đổi Phương cũng theo nguyên tắc này: Hoa Đường - Hương Đường - Phương Đường; Hoa Đôi - Hương Đôi - Phương Đôi (Kiến Thụy); v.v… Ví dụ: thôn Hương (An Lão) đổi thành Phương từ đời Minh Mạng, cũng có nghĩa là “thơm”, tuy nét nghĩa có khác: “Phương” là mùi thơm của “cỏ chi”, chứ không phải mùi thơm của hoa nói chung.
Ngoài ra, tên làng có thể đổi vì tránh tên hèm, ví dụ An Hải có các làng Kiều Trung, Kiều Hạ… sau đổi thành Điều có thể vì vùng này thờ Kiều Nương công chúa.
Chú thích:
1. Sự biến đổi của địa danh cư trú - hành chính thời phong kiến. Vài ví dụ về lớp địa danh cư trú - hành chính có nguồn gốc Hán - Việt ở Hải Phòng.
2, 3. Theo tư liệu điền dã
3. Theo tư liệu điền dã.
PT Nguyễn Kiên Trường - Trung tâm Quốc gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (ĐT. 8546367).
Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.447-454 )

Sunday, 21 April 2013

Thiếu gia hay thiếu da?

 Bạn đọc : Xin ông An Chi cho hỏi : Thiếu gia có phải là con của đại gia không?     
An Chi : Nhiều người vẫn mặc nhiên hiểu như thế. Chẳng thế mà chúng ta có thể thấy những cách nói kéo theo những cách viết như : “thiếu gia Hà Thành”, “thiếu gia vùng Tây Quan”, “phim thiếu gia”, “thiếu gia chơi”, “bạn gái của thiếu gia”, v.v.. Còn câu văn thì đầy rẫy :
–“Mua một chú chó đắt tiền rồi đưa vào trung tâm huấn luyện thành chó nghiệp vụ đang là một thú chơi mới của các “thiếu gia” Hà thành.” (Dân trí, lấy theo Nguyễn Dũng, VTC).
– “Cảnh sát cho biết, thiếu gia lái xế hộp kéo lê viên thiếu úy cảnh sát quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) rạng sáng 13/3 đã ra trình diện.” (Thu Hà, Người đưa tin, 18-03-2012).
–“Chiều tối 29/2, một đám cưới "siêu khủng" đã diễn ra tại phố núi Hương Sơn, Hà Tĩnh với sự góp mặt của hàng nghìn người, dàn xe rước dâu khủng giá hàng triệu USD. Cô dâu là Lê Thu Loan, sinh năm 1992, con của một đại gia ở Hà Nội và chú rể là Nguyễn Huy Hoàng, sinh năm 1987, một thiếu gia ở phố núi Hương Sơn, Hà Tĩnh.” (Nguyên Khoa – Dũng Bắc, Ngôi sao, 1-3-2012).
–“Vũ Đức Hoàng chính là Phó Giám đốc điều hành Doanh nghiệp vận tải Hoàng Long, đồng thời là con trai của vị Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này, được coi là một “thiếu gia” của đất Cảng.”(Nhà báo và Công luận, 16-2-2012, lấy từ VTC News).
V.v. và v.v.. Cả một rừng “thiếu gia” ở trên mạng …, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ và văn hoá. Người ta mặc nhiên hiểu rằng “thiếu gia” là con của “đại gia” mà không ngờ rằng hai danh ngữ này chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau. Đại gia 大家  là một danh ngữ tiếng Hán, vốn có nghĩa là chuyên gia danh tiếng hoặc thế gia vọng tộc, đã được tiếng Việt hiện đại dùng theo một cái nghĩa rộng hơn : “nhà sản xuất, nhà kinh doanh lớn hoặc người tài giỏi, có tên tuổi trong một lĩnh vực nào đó” ( Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên). Cũng xin nói thêm rằng nhiều năm trở lại đây, nó đã bắt đầu mang tính xấu nghĩa.
Vì không có liên quan gì với “đại gia” về mặt tạo nghĩa nên hai chữ mà bạn hỏi không thể viết thành “thiếu gia”. Tuy tiếng Hán cũng có danh ngữ lão gia 老家 dùng để  chỉ cha, mẹ hoặc bậc trưởng bối trong phương ngữ của tiếng Hán nhưng hai tiếng mà bạn hỏi thì lại liên quan đến danh ngữ lão da 老爺nên phải được viết thành thiếu da 爺 (với d- chứ không phải gi-). Lão da 老爺, là một danh ngữ thời xưa dùng để gọi quan lại, chủ nhà (đối với người làm) hoặc kẻ có quyền thế. Đối với lão da là thiếu da, mà thời xưa, tôi tớ dùng để gọi con nhà chủ,  như có thể nghe, thấy trong nhiều bộ phim Tàu, nhất là phim cổ trang. Liên quan đến chữ da  , ta còn có danh ngữ đại da 大爺 , nghĩa là ông lớn, cụ lớn; cũng dùng để chỉ vai bác (anh của cha) hoặc người đàn ông lớn tuổi hơn mình.
Trở lên, chúng tôi đã nói về từ nguyên của hai tiếng thiếu da mà vì không biết gốc gác của nó trong tiếng Hán, lại thêm cảm nhận chủ quan nên hầu như mọi người đều viết thành “thiếu gia”. Tuy nhiên, có một thực tế đáng chú ý là hiện nay, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc thì hai từ gia và da đều đồng âm. Trong Nam đọc cả hai thành [ja] còn ngoài Bắc thì đọc cả hai thành [za]. Tính đồng âm này trở thành một chỗ dựa thuận lơi cho cách viết sai thành “thiếu gia”, mà chắc là từ nay trở đi, ta không còn hy vọng là có thể sửa chữa được nữa.

Quân đội đứng ngoài chính trị-Khẩu hiệu “giả nhân giả nghĩa” (Nguyễn Mạnh Hưởng - Quân Đội Nhân Dân)


QĐND - Chủ nhật, 21/04/2013 | 18:21 GMT+7
V.I.Lê-nin. Ảnh tư liệu
QĐND - Cách ngày nay 143 năm, ngày 22 tháng 4 năm 1870, V.I.Lê-nin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và những người bị áp bức trên thế giới, người "khổng lồ” của thế kỷ XX - đã được sinh ra. Hoạt động lý luận và thực tiễn sôi nổi, đầy sáng tạo của V.I.Lê-nin đã để lại di sản vô cùng quý báu đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Phát triển sáng tạo và hiện thực hoá những tư tưởng cơ bản của C.Mác, Ph.Ăng-ghen trong điều kiện lịch sử mới; thúc đẩy sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; lãnh đạo và tổ chức thắng lợi cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại - cuộc cách mạng vạch thời địa - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, là những đóng góp to lớn của V.I.Lê-nin đối với giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ, tạo ra tầm vóc "khổng lồ” của Người.
Tư tưởng của V.I.Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân là một tư tưởng quan trọng trong học thuyết Mác - Lê-nin về chiến tranh và quân đội, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn to lớn và vẫn nóng hổi tính thời sự. Cống hiến to lớn của V.I.Lê-nin trong vấn đề này là ở chỗ, Người không chỉ phát triển một cách toàn diện và có hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng quân đội kiểu mới, mà còn trực tiếp lãnh đạo và tổ chức xây dựng Hồng quân công nông vững mạnh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Theo V.I.Lê-nin, sự nghiệp cách mạng “Cần có một quân đội cách mạng vì những vấn đề lịch sử vĩ đại chỉ có thể được giải quyết bằng vũ lực mà trong cuộc đấu tranh hiện đại thì tổ chức vũ lực có nghĩa là tổ chức quân sự”[1]. Sau Cách mạng Tháng Mười, trước sự đòi hỏi cấp thiết của tình hình, V.I.Lê-nin đã ký sắc lệnh thành lập Hồng quân công nông: “Để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn cho quần chúng lao động và trừ bỏ mọi khả năng phục hồi chính quyền của bọn bóc lột”[2]. Người coi quân đội cách mạng là “trụ cột của chính phủ cách mạng”, là công cụ để quần chúng nhân dân sử dụng giải quyết những cuộc xung đột vĩ đại trong lịch sử.
Trong thực tiễn, V.I.Lê-nin luôn quan tâm xây dựng Hồng quân vững mạnh, đặt biệt là về chính trị. Người vạch rõ bản chất phản động của luận điệu “quân đội đứng ngoài chính trị”, coi đó là “cái giáo lý tầm thường”, “giả nhân, giả nghĩa và dối trá”. V.I.Lê-nin khẳng định một cách dứt khoát không có quân đội trung lập về chính trị: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”[3].
Để Hồng quân thực sự là quân đội cách mạng, tuyệt đối trung thành với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa, V.I.Lê-nin yêu cầu, Hồng quân phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phải “thành lập các chi bộ cộng sản trong mỗi một đơn vị quân đội”[4]. V.I.Lê-nin và Đảng Bônsêvich Nga đã thành lập các tổ chức đảng, xây dựng và thực hiện chế độ chính ủy, coi đó là một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Hồng quân.
Trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận của V.I.Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới vào điều kiện cụ thể Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện quân đội ta, một quân đội mang đầy đủ bản chất, tính chất, đặc điểm của quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Gần 7 thập kỷ qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh viết nên truyền thống tốt đẹp "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành; khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cũng đánh thắng", làm rạng rỡ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, thật sự là công cụ bạo lực sắc bén, là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến.
Mới đây, trong góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có người đưa ra kiến nghị: Quân đội phải đứng ngoài chính trị, “chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân”; quân đội “không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, đảng phái nào”; họ yêu sách từ bỏ quy định quân đội phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam v.v..
Đó là những luận điểm vô căn cứ, không đúng với thực tiễn lịch sử, phản khoa học và có dụng ý xấu về chính trị. Thực chất đó là khẩu hiệu "giả nhân giả nghĩa" của các thế lực phản động chống đối, điều mà V.I.Lê-nin đã từng vạch rõ từ đầu thế kỷ XX. Tính chất "giả nhân giả nghĩa" của những kẻ đưa ra quan điểm trên biểu hiện ở chỗ: Thứ nhất, nhằm để đánh lừa người khác, chứ bản thân chúng thừa hiểu quân đội không thể "đứng ngoài chính trị", quân đội phải mang bản chất chính trị và phải phục vụ cho ai; thứ hai, trên cơ sở đó, chúng nhằm "lôi kéo quân đội vào chính trị phản động” chống lại Tổ quốc, chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những người đưa ra các quan điểm trên thông qua việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để thực hiện âm mưu "phi chính trị hóa" quân đội ta, đi đến loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội, xóa nhòa bản chất chính trị - giai cấp, tiến tới làm biến chất, lái chính trị của quân đội ta theo chiều hướng chính trị khác, làm cho quân đội ngả theo các thế lực phản cách mạng, chống lại Đảng và chế độ.
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Quân đội ta không thể đứng ngoài chính trị, đứng ngoài cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Đúng là nhiệm vụ của quân đội là để “bảo vệ người lao động”, là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, nhưng chỉ có Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể làm tròn phận sự trung thành với Tổ quốc Việt Nam, với nhân dân Việt Nam theo đúng nghĩa của nó; mới có thể làm cho sự trung thành với Đảng, Nhà nước, chế độ và với Tổ quốc, với nhân dân gắn bó chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời.    
Chính trị của quân đội ta, quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, là thực hiện chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phục vụ Đảng, Tổ quốc, phục vụ nhân dân, biểu hiện tập trung ở nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Không thể "giả nhân giả nghĩa" nói bừa rằng quân đội đứng ngoài chính trị, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của lực lượng chính trị, đảng phái nào. Lời nhắc nhở của V.I.Lê-nin: Quân đội không thể đứng ngoài chính trị, “không thể và không nên trung lập" vẫn luôn nóng hổi tính thời sự, chúng ta phải luôn ghi lòng, tạc dạ.
PGS, TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự-Bộ Quốc phòng
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 10, Nxb Tiến Bộ, M. 1979, tr. 376.
 [2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb Tiến Bộ, M.1978, tr. 264.  
 [3] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến Bộ, M. 1979, tr. 136.
 [4] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến Bộ, M. 1977, tr. 250.

Saturday, 20 April 2013

Một số ý kiến về tên gọi Năng Gù (Vĩnh Thông - Báo Cần Thơ)

Một số ý kiến về tên gọi Năng Gù
Chủ nhật, 01/04/2012 07 giờ 03 GMT+7
Cầu bắc qua sông nối liền cù lao Năng Gù với quốc lộ 91 đang được thi công. 
Năng Gù là một địa danh khá quen thuộc của vùng Long Xuyên - Châu Đốc. Nhưng nhiều người thắc mắc: ở bến phà từ Châu Phú (An Giang) qua Phú Tân (An Giang) có tên là bến bắc Năng Gù, ở huyện Châu Thành (An Giang) cũng có nhà thơ mang tên Năng Gù, vậy Năng Gù là ở đâu?
Năng Gù là vùng đất thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, nằm gói gọn trên địa phận một cù lao nằm giữa ranh giới hai huyện Châu Phú và Châu Thành của tỉnh An Giang, ngày nay có tên hành chính là xã Bình Thủy. Cù lao này chia sông Hậu thành hai nhánh, nhánh nhỏ nằm cặp quốc lộ 91 cũng mang tên theo tên cù lao, gọi là sông Năng Gù. Cù lao Năng Gù được ghi lại trong “Đại Nam nhất thống chí” và “Gia Định thành thông chí” đều có những điểm tương đồng: “Ở phía trước hạ khẩu vàm Nao thuộc Hậu Giang dài 9 dặm, có thôn Bình Lâm ở đấy. Ở đây rừng tre um tùm, đầy dẫy ao cá, dân ở vùng thượng lưu Hậu Giang nhờ khai thác tre và cá tôm làm nghề sinh nhai hàng ngày, ngoài ra còn trồng bông kéo sợi và lúa gạo”.
Địa danh Năng Gù không biết ra đời từ khi nào. Nhưng cách đây hàng trăm năm đã có dân sinh sống. Sử cũ chép tên Năng Gù bắt nguồn từ “Long Cù” (cù hóa long) sau nói trại ra thành Năng Gù, nhưng theo giáo sư Huỳnh Ái Tông thì tên Năng Gù có nguồn gốc từ tiếng Khmer, giống như trường hợp Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng. Chưa biết giả thiết nào chính xác hơn, tuy nhiên tên gọi Năng Gù đã ra đời từ rất sớm, và cũng là một trong những vùng đất được khai phá đầu tiên ở An Giang ngày nay.
Mặc dầu Năng Gù ngày nay là xã Bình Thủy, tuy nhiên trong dân gian còn tồn tại một “miệt Năng Gù”. Cần phân biệt hai khái niệm “cù lao Năng Gù” và “vùng (hay miệt) Năng Gù”.
- Cù lao Năng Gù: cù lao trên sông Hậu thuộc huyện Châu Phú, nằm dưới bến phà Năng Gù, nay có tên gọi hành chánh là xã Bình Thủy.
- Miệt Năng Gù: cù lao Năng Gù và vùng phụ cận, xưa “miệt” nầy bao gồm vùng đất giáp ranh Cái Dầu (Châu Phú) đến giáp ranh Chắc Cà Đao (Châu Thành).
Sở dĩ gọi là “vùng Năng Gù” hay “miệt Năng Gù” lá cách gọi quen thuộc trong dân gian lấy tên một nơi trung tâm để chỉ cho một vùng đất rộng, ví dụ như ta có thể thấy thị trấn Cái Dầu chỉ có diện tích nhỏ, nhưng trong dân gian vẫn tồn tại một “miệt Cái Dầu” bao gồm cả thị trấn ngày nay và một phần xã Bình Long, một phần xã Vĩnh Thạnh Trung ngày nay. Như vậy cù lao Năng Gù là xã Bình Thủy ngày nay, còn những vùng đất khác chỉ là do chịu ảnh hưởng trong dân gian về tên gọi Năng Gù mà thôi.
Ngày xưa địa giới “miệt Năng Gù” không rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn đó là giới hạn vùng đất này rất rộng. Chúng ta có thể khẳng định điều này qua một vài sử liệu:
- Đầu thế kỷ XVIII ông Dương Văn Hóa từ Cần Lố - Vĩnh Long đến khai phá cù lao này, đệ đơn lên xin phép lập làng, thôn Bình Lâm được ra đời trên cù lao Năng Gù, đồng thời quan Tổng trấn Vĩnh (sau này đổi thành trấn Vĩnh Thanh) phong ông chức “Trùm thi thâu” cai quản vùng này, tuy nhiên khu vực mà ông quản lí không chỉ có cù lao Năng Gù mà bao gồm cả vùng “xép” từ Cái Dầu kéo dài xuống giáp ranh Chắc Cà Đao.
- Trong quyển “Tìm hiểu đất Hậu Giang” nhà văn Sơn Nam viết: “Năm 1845, vùng Năng Gù phồn thịnh nhờ sự khai thác của nhóm người Công giáo mới đến”. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu “vùng Năng Gù” trong đoạn này không chỉ riêng cù lao Năng Gù mà cả vùng Bình Mỹ, Bình Long (Châu Phú) đến An Hòa, Bình Hòa (Châu Thành) ngày nay. Vì ở cù lao Năng Gù tín đồ Công giáo rất ít, nhưng ở những vùng lân cận vừa kể trên thì số tín đồ Công giáo khá đông.
Có lẽ các vùng phụ cận của cù lao cũng được gọi là “miệt Năng Gù” vì ngày xưa nơi đây chưa có sự phân định rõ ràng về địa giới hành chánh. Cù lao Năng Gù lại là một trong những vùng đất được khai phá sớm nhứt tỉnh An Giang, chúng ta có thể thấy quyền hạn cai quản của cụ Dương Văn Hóa lúc bấy giờ được cho phép bao gồm cù lao Năng Gù và cả vùng đất rộng lớn nằm ngoài cù lao. Những vùng đất khác (như Bình Long, Bình Mỹ, An Hòa, Bình Hòa... ngày nay) lúc nầy chưa có tên gọi chính thức, nên chuyện được dân gian gọi một cách chung chung là “miệt Năng Gù”.
Như vậy ranh giới “vùng Năng Gù” xưa có thể tạm xác định là kéo dài từ giáp ranh Cái Dầu đến giáp ranh Chắc Cà Đao, càng về sau thì khu vực này càng hẹp dần, khi các vùng đó đã có tên gọi và địa giới rõ ràng thì không còn ai gọi là “miệt Năng Gù” nữa, đến nay tên Năng Gù chỉ còn trong phạm vi xã cù lao Bình Thủy mà thôi.
Từ sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, cù lao Năng Gù có tên hành chính là thôn Bình Lâm, thuộc Vĩnh trấn (sau đổi là trấn Vĩnh Thanh). Lúc bấy giờ trấn này có một phủ là Định Viễn, cai quản 4 huyện, 66 tổng, 353 thôn, thôn Bình Lâm thuộc huyện Vĩnh Định (vì huyện này thưa dân nên chưa chia ra tổng). Năng 1832, Minh Mạng đổi đơn vị “trấn” ra “tỉnh”, lúc bấy giờ An Giang có 2 phủ và 4 huyện, gồm phủ Tuy Biên (cai quản huyện Tây Xuyên và Phong Phú) và phủ Tân Thành (cai quản huyện Đông Xuyên và Vĩnh An). Thôn Bình Lâm thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên.
Đến thời Pháp điều chỉnh phạm vi hành chính, chia 6 tỉnh ra 21 tỉnh trên toàn cõi Nam Kỳ. Năm 1901, thôn Bình Lâm đổi thành Bình Thủy thuộc tổng Định Thành Hạ, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Đến 1929 thuộc tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên với 4 ấp: Bình Phú, Bình Hòa, Bình Thới nằm trên cù lao và ấp Bình An nằm bên kia sông. Năm 1956 Bình Thủy thuộc Châu Thành, An Giang cho đến 1975.
Ngày nay xã Bình Thủy thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, có 6 ấp: Bình Phú, Bình Quý, Bình Hòa, Bình Yên, Bình Thới, Bình Thiện. Ấp Bình An (cũ) nằm bên kia sông sát nhập với một phần xã Bình Hòa (Châu Thành) thành xã mới An Hòa.
Trường hợp nhà thờ Năng Gù (ở xã An Hòa, Châu Thành) chúng ta có thể chấp nhận được, bởi vì tên nhà thờ đồng thời là tên giáo xứ, mà giáo xứ Năng Gù ngày xưa bao gồm cả cù lao Năng Gù và vùng phụ cận, nên mặc dù không nằm trên cù lao nhưng nhà thờ vẫn mang tên Năng Gù. Chính vì thế, nên Năng Gù được chọn làm tên đặt cho một giáo xứ rộng lớn.
Riêng bến phà đi từ xã Bình Mỹ (Châu Phú) qua xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân) mang tên phà Năng Gù là hoàn toàn không phù hợp. Ta có thể thấy, việc ta gọi gộp Châu Đốc, Bảy Núi, Cồn Tiên là “vùng Châu Đốc” hay gọi gộp Long Xuyên, Thoại Sơn, Châu Thành là “vùng Long Xuyên” cũng không có gì sai. Tuy nhiên, không thể gọi bến phà Châu Giang là bến phà Châu Đốc, hay bến đò Cần Xây là bến đò Long Xuyên được. Phà Năng Gù cũng trong trường hợp nầy. “Vùng”, “miệt” hay “giáo xứ” chỉ vùng đất rộng, và lấy tên gọi của nơi trung tâm làm tên gọi toàn vùng. Tuy nhiên, “phà” là một địa điểm chính xác, rạch ròi, có điểm đi và điểm đến, không thể gọi chung chung như thế.
Đường đi của phà Năng Gù không hề ghé vào hoặc đi ngang qua địa phận của cù lao Năng Gù, tức là không có dính dấp gì đến cù lao Năng Gù nên nếu gọi là phà Năng Gù là không chính xác.
Giáo sư Huỳnh Ái Tông - một người con của đất Năng Gù, viết: “Ở đầu làng có một ngôi chợ, nơi đó có một bến đò thường gọi là bến đò Năng Gù, về sau gần đó có một bến Bắc (phà), những người phụ xế (lơ) xe đò, không rành về địa phương, thấy bến bắc gần bến đò Năng Gù, nên họ đặt tên là “Bắc Năng Gù”, thật ra chiếc Bắc này đưa người đi từ làng Bình Mỹ sang Hòa Hảo và ngược lại, không dính dáng chi đến cù lao Năng Gù cả. Đây là sự sai lầm mà chúng tôi muốn giải thích nguyên do vì sao có tên là Bắc Năng Gù”.
Xin giải thích đoạn văn nầy của ông. “Ở đầu làng có một ngôi chợ, nơi đó có một bến đò thường gọi là bến đò Năng Gù”, ngôi chợ ở đầu làng mà ông viết nay chính là chợ Bình Thủy vẫn còn nằm ở đầu cù lao ngày nay, và bến đò ngay chợ thường gọi là bến đò Năng Gù nay chính là bến đò Bình Thủy (trên) đối diện với trường THPT Bình Mỹ. Như vậy rõ ràng cù lao Năng Gù thời bấy giờ đã có một bến đò riêng đi qua Bình Mỹ, Châu Phú. Giáo sư viết tiếp: “về sau gần đó có một bến Bắc (phà), những người phụ xế (lơ) xe đò, không rành về địa phương, thấy bến bắc gần bến đò Năng Gù, nên họ đặt tên là “Bắc Năng Gù”, thật ra chiếc Bắc này đưa người đi từ làng Bình Mỹ sang Hòa Hảo và ngược lại, không dính dáng chi đến cù lao Năng Gù cả”. Ở trên chợ và bến đò Năng Gù có một bến phà khác nữa, bến phà đã có từ lâu, trước là đò máy tự phát, chưa có tên. Bến phà nầy không đi ngang qua Năng Gù nhưng do những người xe đò từ xứ khác đến (hoặc có thể là hành khách, chủ quán ven đường...) không hiểu vùng đất nầy, thấy phía dưới bến phà có đò và chợ Năng Gù nên họ đã “đồng hóa” bến phà nầy với Năng Gù. Đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa đã mở rộng, nâng cấp thành bến phà và cũng dùng tên Năng Gù để làm tên gọi chính thức. Ngày nay vẫn sử dụng. Thực chất, phà Năng Gù không hề có liên quan đến cù lao Năng Gù.
Có giả thiết cho rằng xưa kia cù lao Năng Gù rộng lớn, kéo dài đến tận bến phà Năng Gù ngày nay, và bến phà có “ghé” qua cù lao Năng Gù trong lúc chuyên chở hành khách, ngày nay cù lao bị lở dần và lùi xa bến phà gần 1 km. Cho rằng cù lao ngày xưa rộng lớn và kéo dài đến tận bến phà Năng Gù ngày nay là sai, bởi lẽ, cù lao Năng Gù xưa rất nhỏ (chiều ngang 1,5 km và chiều dài hơn 6 km) ngày nay cù lao được bồi đắp và lớn ra hơn (chiều ngang gần 3 km và chiều dài gần 9 km). Như thế, xét về thực địa thì cù lao Năng Gù xưa không thể nằm đến phà Năng Gù được ! Hoặc nếu cù lao có nằm ngang bến phà ngày nay đi chăng nữa thì cũng không có lý do gì lại gọi bến phà là phà Năng Gù được, bởi lẽ phà hình thành khoảng đầu thế kỷ XX và lúc đó thì cù lao Năng Gù đã lở khá xa bến phà rồi !
- Cho rằng phà Năng Gù hình thành từ xa xưa, trước là xuồng chèo, và có “ghé” ngang cù lao Năng Gù. Giả thiết nầy cũng không thuyết phục. Theo sử liệu bến phà nầy do Pháp xây dựng, ngày trước là đò máy và hình thành khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tuyệt nhiên không có chuyện phà đã có từ lâu và “ghé” rước khách ở cù lao Năng Gù được.
***
Chúng tôi - những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cù lao Năng Gù tự hào về tên đất, tên quê, tự hào về ông cha đã khai mở và xây dựng thôn xóm. Ngày nay, khi lịch sử đã được khẳng định lại, nhiều phương tiện thông tin đến với quần chúng, chúng ta cần hiểu rõ về sự lầm lẫn này. Mong sao những nhà nghiên cứu, những cơ quan chức năng vào cuộc để trả lại Năng Gù đúng với nguồn gốc xuất phát từ mấy trăm năm qua của địa phương.
VĨNH THÔNG (An Giang)

Ngụy binh được phân loại như thế nào vào năm 1953?




Ngày 15 tháng 6 năm 1953, thay mặt ban bí thư trung ương đảng Lao Động Việt Nam Trường Chinh ký chỉ thị về chính sách đối với ngụy binh. Theo chỉ thị này ngụy binh được phân loại đối xử như sau:
a) Đối với nguỵ binh phản chiến
Nguỵ binh phản chiến là nguỵ binh tự nguyện quay về hàng ngũ kháng chiến bằng những hành động như binh biến, nội ứng, tự động bỏ hàng ngũ giặc về với bộ đội ta, hoặc cứ ở trong nguỵ quân nhưng bí mật liên lạc và giúp đỡ kháng chiến. Chính sách của ta đối với họ là khen thưởng và ưu đãi họ về vật chất, khuyến khích họ về tinh thần, giúp đỡ và bầy vẽ cho họ tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến.
Đối với những người phản chiến lẻ tẻ thì sau khi thẩm tra lý lịch, sẽ tuỳ nǎng lực mà sắp đặt công tác cho thích hợp. Đối với những đơn vị phản chiến thì lúc đầu có thể để nguyên tổ chức cũ, phái cán bộ vào giúp đỡ họ học tập chính trị và quân sự; cải tạo tư tưởng cho họ và tranh thủ đưa họ vào quân đội nhân dân. Song nếu có người muốn về nhà làm ǎn thì giúp đỡ cho họ về. Đối với những phần tử chỉ huy cũ, sau khi đã xem xét lý lịch, nếu tương đối tốt và được binh sĩ đồng ý, thì có thể giao cho họ những chức vụ thích đáng; nếu còn lạc hậu thì cho họ học tập, rồi tuỳ tài đức mà giao công tác, hoặc giúp đỡ họ trở về nhà làm ǎn.

b) Đối với nguỵ binh đầu hàng
Tức là những nguỵ binh tự động hạ vũ khí dưới áp lực quân sự và chính trị của ta, hoặc trước sự tấn công của quân đội ta. Đối với họ, chúng ta đối đãi tử tế. Nếu họ đem theo vũ khí, tài liệu quân sự quan trọng và không bị nhân dân oán ghét, thì tùy công khen thưởng. Trải qua một thời gian ngắn điều tra và giáo dục, chúng ta động viên họ tham gia quân đội nhân dân. Những người muốn về nhà làm ǎn hay làm công tác khác thì giúp đỡ họ về.
c) Đối với nguỵ binh bỏ hàng ngũ giặc trở về nhà
Những nguỵ binh trở về nhà, nếu không bí mật làm tay sai cho giặc, đều được hoan nghênh và được che chở. Sau khi họ đã liên lạc và báo cáo với chính quyền hay đoàn thể địa phương, chúng ta phải giáo dục họ; nếu được nhân dân đồng ý thì cho họ hưởng mọi quyền lợi như những công dân khác.
Đối với những nguỵ binh bỏ hàng ngũ giặc trở về nhà, nhưng trước đó đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân, thì ta vẫn không truy tố ngay. Đối với người thành thật hối cải, tích cực phục vụ kháng chiến, được nhân dân đồng ý, thì ta không truy tố nữa và cho hưởng quyền lợi công dân. Đối với người không trực tiếp làm tay sai cho giặc, song vẫn có những hành động, ngôn ngữ có hại cho kháng chiến, thì phải điều tra lấy chứng cớ xác thực và truy tố trước toà án nhân dân.
d) Đối với tù binh nguỵ
Tù binh nguỵ là những nguỵ binh bị bắt và bị tước vũ khí tại trận. Chính sách của ta đối với họ là khoan hồng, chủ yếu không giết, không làm nhục, không ngược đãi họ và cứu chữa những người bị thương. Ngoài việc tước vũ khí, quân dụng và tài liệu quân sự, tất cả đồ vật riêng của họ, kể cả tiền bạc, đều để nguyên cho họ.
Tù binh từ cấp tá trở lên, nói chung không tha, cần tập trung cải tạo lâu dài.
Tù binh cấp uý và nhân viên các cơ quan của nguỵ quân nói chung cần tập trung giáo dục một thời gian nhất định. Những người đã được cải tạo tư tưởng và có trình độ giác ngộ, có nǎng lực chuyên môn thì tuỳ theo khả nǎng mà giao công tác. Ngoài ra, ai muốn về nhà làm ǎn thì cho họ về. Đối với đông đảo binh sĩ (thượng sĩ, trung sĩ, hạ sĩ và binh lính thường) thì sau một thời gian ngắn điều tra và giáo dục, động viên họ tham gia quân đội nhân dân. Những người không đủ điều kiện gia nhập bộ đội ta hay muốn về quê làm ǎn thì giúp đỡ cho họ về.

Đối với bọn gian ác, nhân dân rất cǎm ghét và bọn cố ý chống lại kháng chiến, thì đưa ra toà án nhân dân trừng trị.
Đối với bọn làm mật thám cho giặc, thì giải quyết theo nguyên tắc: trừng trị bọn cầm đầu, khoan hồng với bọn bị bắt buộc, trừng trị những kẻ có nhiều tội ác, khen thưởng những người lập công chuộc tội.