Tuesday, 15 October 2013

Ai ngẩng đầu tạ ơn bao giờ?

Tạ ân  là dùng lời nói hoặc việc làm để đáp lại cái ơn mà người khác làm cho mình (Thiều Chửu). Có thể tạ ơn hay tạ lỗi đều được miễn là bày tỏ điều đó một cách trân trọng (Hoàng Phê, 2006:882). Khi đi phúng viếng, ta phải nghiêng mình, cúi đầu, thậm chí phải quỳ lạy vì đó là những cách thể hiện sự kính trọng với người đã khuất. Thân nhân người đã khuất cũng phải lạy tạ (chứ không ngẩng đầu tạ ơn) người đi viếng. Không có lý do gì để tạ ơn tổ tiên mà lại ngẩng đầu. Có thể ngẩng (cao, rất cao) đầu khi tự hào, kiêu hãnh. Nhưng tự hào ở đâu, khi nào chẳng được mà đến trước mặt tổ tiên lại không thể nhún mình xuống một chút? Dù trước khi ngẩng đầu tạ ơn đã xin phép cẩn thận, chắc gì tổ tiên đã cho? Khi xin phép phải ngẩng đầu, ngóc đầu, hất mặt hay cúi đầu đây?

Monday, 14 October 2013

Vợ đi đâu rồi?


Đoạn văn sau được sách Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, Đặng Việt Thủy(chủ biên), nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, 2008, trang 142 dịch từ Alfred Schreiner, Abrégé de I’histoire D’ Annam, 2è Éd. Sài Gòn, 1906.
Đồn Rạch Giá bị tấn công lúc 4 giờ sáng ngày 16 tháng 6 năm 1868. Trung úy hải quân kiêm thanh tra địa phương, người ở đây gọi là Chánh Phèn, vì bộ râu vàng hoe, là một trong những người bị giết trước tiên. Trung úy Sauterne chỉ huy đồn lính bị giết chết sau một chập chống trả mãnh liệt. Đồn này gồm 30 người, ngủ say cạnh những khẩu súng của họ đều bị hạ sát. Khoảng 12 người họp lại mở vòng vây chạy tản mác vào làng. Vì lạ người lạ cảnh, họ bị giết lần lượt bằng chĩa ba, chỉ trừ Duplessis, tên này chạy trốn trong lùm bụi và được một ông lão và một người đàn bà Việt Nam cho ăn. Một viên chủ của sở thâu thuế tự vệ một lúc lâu bằng súng, cuối cùng cũng bị hạ sát với đứa con gái và đứa con trai nhỏ. Mấy tên thông ngôn và viên chức Việt nam làm việc cho người Pháp bị bắt và bị giết vừa lúc quân Pháp vừa lúc quân Pháp trở lại (phản công). Lúc Pháp tái chiếm Rạch Giá, những người Cao Miên quanh vùng dẫn tên Duplessis cho Thiếu tá Ausart và bắt đầu lục soát tìm bắt nghĩa quân.
.

Câu Một viên chủ của sở thâu thuế tự vệ một lúc lâu bằng súng, cuối cùng cũng bị hạ sát với đứa con gái và đứa con trai nhỏ ứng với câu sau trong nguyên bản
Un préposé de la régie se défendit longtemps à coupd de fusil, il finit aussi par être tué avec sa con-gái et son petit enfant (Alfred Shreiner, 1868:297)
Nhưng Tây không gọi đứa con gái của mình là con-gái. Con-gái là từ mà bọn thực dân sang nước ta dùng để gọi những người đàn bà con gái Việt Nam chịu đi lại với chúng. Tên nào cặp được với con-gái thì được gọi là être encongaїé.  Alfred Shreiner (1906:297) chỉ nói rằng gã nhân viên thương chính kia bị giết cùng với người “vợ” Việt và (một) đứa con nhỏ. Chỉ một đứa con thôi.

Sunday, 13 October 2013

Cách phát âm các tên riêng tiếng Pháp tận cùng bằng -ault


Cách phát âm các tên riêng tiếng Pháp tận cùng bằng -ault.


Người Pháp không phát âm các chữ lt trong tất cả các tên riêng tận cùng bằng–ault

Tên thủ tướng Georges Bidault hồi 1953 được đọc là [ʒɔʁʒ bido], phiên âm làBi-đô sát với thực tế hơn là Biđôn:
Ngày 13 tháng 7 năm 1953, trong cuộc gặp ngoại trưởng Mỹ đa lét (John Foster Dulles) tại Oasinhtơn, Biđôn (Georges Bidault), bộ trưởng ngoại giao Pháp nói: "Chúng tôi không thể tiếp tục cuộc thập tự chinh một mình, tuy nhiên chúng tôi cũng không muốn ngừng lại bằng bất kể cách nào...”
(Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử)

Tên thủ tướng hiện nay là Jean-Marc Ayrault. Họ Ayrault nên phiên là Ê-rô, không nên phiên là Ây-rôn.
Sáng 24-9 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Paris, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean-Marc Ayrauld (Giăng-Mác Ây-rôn).


Tương tự Renault (tên người hay tên xe) đọc là [ʁəno], không nên đọc thànhRờ-nôn:
Chiếc xe Rờ-nôn chật ních người từ từ lăn bánh, đi được một quãng thì dừng lại vớt thêm khách.

Truyện cổ Perrault là truyện của Pe-rô (không phải Pe-rôn), con lắc Foucault là con lắc Phu-cô (không phải Phu-côn)...

Saturday, 12 October 2013

Xpahi là lính gì?

Xpahi (tiếng Pháp là spahi, đọc theo giọng Pháp là [spai], chữ h không đọc) nguyên thủy là kỵ binh bản xứ (cavalerie indigène) thuộc đạo quân châu Phi (Armée de l’Afrique). Lính xpahi lúc đầu được tuyển ở An-giê-ri (spahis algériens), sau đó có cả người Tuy-ni-di (spahis tunisiens) và Ma-rốc (spahis marocains).


Lính Xpahi An-giê-ri từng tham gia đoàn quân đánh chiếm Bắc Kỳ (1885) với ba (đại) đội kỵ binh.

Khi trở lại Đông Dương sau thế chiến thứ 2, trong các đơn vị Xpahi An-giê-ri và Ma-rốc có cả binh lính người Việt do tình hình quân số thiếu hụt và do nhu cầu da vàng hóa cuộc chiến tranh.

Năm 1962 chấm dứt sự tồn tại của các đơn vị kỵ binh người Bắc Phi. Hiện nay chỉ còn một trung đoàn mang danh xpahi nhưng toàn người Pháp (860 quân nhân, trong đó có 50 sĩ quan). Đó là trung đoàn 1 Xpahi – 1er RS, nằm trong binh chủng kỵ binh thiết giáp) đóng quân ở ngay trên đất Pháp (Valence).

Friday, 11 October 2013

Hiến binh sen đầm là gì?


Hoàng Phê (2006:437) định nghĩa hiến binhcảnh sát vũ trang trong quân đội một số nước trong khi sen đầm được Hoàng Phê (2006:856) xem là lực lượng vũ trang đặc biệt chuyên giữ gìn an ninh chính trị ở các nước đế quốc, thuộc địa.

Nhưng cả hai từ hiến binhsen đầm đều tương ứng với từ gendarme của tiếng Pháp. Hiến binhLính giữ hiến pháp. Tức là lính “sen-đầm” (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:236). Sen-đầm chẳng qua chỉ là một từ Việt mượn âm Pháp (gendarme). Hiến binh có sắc thái trang trọng hơn, nhưng vẫn chỉ lính sen đầm mà thôi.

Thursday, 10 October 2013

Quân đoàn tác chiến là gì ?

Với sự giúp đỡ có hạn từ bên ngoài, "quân đoàn tác chiến" (corps de bataille) của đối phương sẽ không vượt qua con số 6 đại đoàn bộ binh đơn thuần.
(Võ Nguyên Giáp – Điểm hẹn lịch sử)

Không phải cứ chỗ nào người Pháp viết corps là chỗ đó người Việt phải dịch thành quân đoàn.


Từ corps trong tiếng Pháp lĩnh vực quân sự có nghĩa là quân đoàn (corps d’armée) chỉ khi nói về một đại đơn vị gồm nhiều sư đoàn. Đây chỉ là một trường hợp riêng của nghĩa lực lượng (được đoàn ngũ hóa).


Corps de garnisonlực lượng / đơn vị đồn trú. Nếu căn cứ nhỏ thì lực lượng này có thể chỉ ở cấp đại đội, tiểu đoàn.

Corps de bataillelực lượng tác chiến, tiếng Anh là field forces. Hồi mới kháng chiến chống Pháp corps de bataille của Việt Minh chỉ có mấy trung đoàn chủ lực. Đến tháng 4 năm 1975 lực lượng đó đã có nhiều quân đoàn. Nói Quân đoàn tác chiến của ta khi đó có quân đoàn 1, quân đoàn 2, quân đoàn 3, quân đoàn 4, binh đoàn 232... là ngớ ngẩn.


Coprs de réservelực lượng / quân dự bị, khác với corps actiflực lượng hiện dịch / quân thường trực. Tương tự, corps d'artillerie không phải là quân đoàn pháo binh mà chỉ toàn bộ quân nhân thuộc lực lượng / binh chủng pháo binh. Corps d'infanterie không phải là quân đoàn bộ binhCorps sanitaire hay corps de santé chỉ toàn bộ lực lượng / ngành quân y.

Corps des auxiliaires féminins chỉ toàn bộ nữ trợ tá trong quân đội, thời Bảo Đại gọi là đoàn nữ trợ tá / phụ tá, sang thời Việt Nam Cộng Hòa là đoàn nữ quân nhân.

Corps expéditionnairelực lượng / đạo quân / đoàn quân viễn chinh. Quy mô của đoàn quân này có thể là một quân đoàn, nhưng cũng có thể chỉ chừng một vài nghìn người như hồi giữa thế kỷ 19 ở Gia Định.

Corps de gardeđội vệ binh / lính canh, không phải quân đoàn vệ binh nào cả.
Corps des officiersbộ khung sĩ quan. Cũng có thể dịch là đội ngũ sĩ quan.

Corps [des officiers] de l'Intendance bộ khung / đội ngũ cán bộ của cục quân nhu.

 
Toàn bộ sĩ quan trong ban tham mưu của một sĩ quan cao cấp được gọi là corps d’état major.
Sau cùng vì việc phong tướng của Pháp rất chặt chẽ, đâu ra đó cho nên người ta có thể nói về đội ngũ tướng lĩnh trong quân đội Pháp (corps des officers généraux) có quy củ, có tổ chức.  

Wednesday, 9 October 2013

Quân cảnh lê dương nào ở Điện Biên Phủ?




Quân cảnh Pháp ở Điện Biên Phủ có một phân đội thuộc đơn vị có phiên hiệu là 3e légion de marche/garde républicaine gendarmerie mobile (viết tắt là 3 LM/GRGM).

Légion có nhiều nghĩa. Trong lĩnh vực quân sự từ này có thể chỉ 1) quân đoàn cổ La Mã 2) quân lê dương Pháp (tức légion étrangère) 3) (trung) đoàn hiến binh. Nghĩa của légion trong phiên hiệu 3 LM/GRGM là nghĩa thứ 3, chỉ một đơn vị cấp trung đoàn của vệ binh cộng hòa & hiến binh cơ động.

Quân cảnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của hiến binh Pháp ở hải ngoại (gendarmerie prévôtale). Cái mà sách vở Việt Nam quen gọi là một bộ phận thuộc tiểu đoàn 3 quân cảnh lê dương ở Điện Biên Phủ thật ra chỉ là một bót quân cảnh / đồn hiến binh (poste prévôtal) ngay bên cạnh bộ chỉ huy của đại tá de Castries. Tháng 1/1954 họ chỉ có 10 người, chỉ huy là viên trung sĩ nhất Salaün. Trước tháng 3/1954 nhiệm vụ của họ rất đơn giản, chỉ là kiểm soát quân nhân, tuần tiễu loanh quanh, điều tra vớ vẩn. Sau đó đồn được bổ sung một hiến binh thuộc địa (gendarme colonial) tên Couetmeur và tám vệ binh cộng hòa (garde républicain) từ trung đoàn 3 dã chiến (3ème légion de marche). Nhiệm vụ của những người này là quản lý tù Việt (gồm cả tù binh Việt Minh), huy động tù đi đào hầm hào, củng cố công sự... Ngoài ra còn có hai hiến binh không quân đến làm công tác điều tra ngày 13/3 rồi kẹt lại luôn. Từ đầu đến cuối không có hiến binh/quân cảnh lê dương nào cả.