Friday, 8 November 2013

“Án sai phải sửa, oan phải đền, không thể lẩn trách nhiệm” (P.Thảo - Q.Phong - Dân Trí)


“Án sai phải sửa, oan phải đền, không thể lẩn trách nhiệm”


(Dân trí) - “Có người nói VKS, tòa án thống nhất tái thẩm để lẩn tránh trách nhiệm. Đã xác định oan sai, sai phải sửa, oan phải đền. Về trách nhiệm pháp lý, giám đốc thẩm hay tái thẩm đều như nhau”, Trung tướng Trần Văn Độ - Phó Chánh án TAND tối cao khẳng định.
 >> Vụ án oan 10 năm tù: “Nếu ép cung, phải xử lý hình sự”
 >> Chủ tịch nước: Khẩn trương minh oan, đền bù cho người chịu án oan 10 năm

Việc hung thủ Lý Nguyễn Chung xuất hiện được Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ đánh giá là một tình tiết mới mà trước đó, trong quá trình điều tra, xét xử vụ án, cơ quan tố tụng không biết. Nhấn mạnh quan điểm không gọi nhân vật này là “hung thủ mới” của vụ án giết người xảy ra 10 năm trước, ông Độ cho rằng đây là tình tiết mới. Nếu tình tiết đó là sự thực khách quan khi CQĐT chứng minh được là đúng với thực tế xảy ra thì sẽ làm thay đổi bản chất vụ án.
Có ý kiến cho rằng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú không phải là tình tiết mới vì việc Chung gây án đã xảy ra cách đây 10 năm, không hề mới, chỉ là CQĐT không phát hiện ra. Bác bỏ ý kiến này, ông Độ phân tích: “Rõ ràng không có thông tin nào trong quá trình từ xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm cho rằng Lý Nguyễn Chung là người phạm tội cả nên đây rõ ràng là một tình tiết mới”.
Trung tướng Trần Văn Độ: Án oan sai, sai thì phải sửa, oan thì phải đền. (Ảnh: Việt Hưng)
Trung tướng Trần Văn Độ: "Án oan sai, sai thì phải sửa, oan thì phải đền". (Ảnh: Việt Hưng)
“Yếu tố quyết định ở đây là bản tự thú của anh Chung. Qua đó, các cơ quan chức năng xem xét lại, có thể có những vi phạm nhất định về tố tụng mà lúc này chưa thể khẳng định được sai phạm ở khâu nào. Nhưng tất cả những sai sót đó, về nguyên tắc, tòa án phải hủy đi để điều tra lại một cách rõ ràng, cẩn trọng” – ông Độ nhận định.
Về băn khoăn khả năng “xóa án” cho ông Chấn khi phiên xử tái thẩm cũng chỉ là tuyên hủy án để điều tra lại chứ không tuyên ngay là người ngồi tù oan 10 năm không phạm tội, ông Độ trấn an: “Đã xác định anh Chung là người phạm tội thực sự, có bản tự thú như thế, nếu chứng minh được thông tin đúng khớp với sự thật thì rõ là ông Chấn vô tội”.
Tuy vậy, với giả thiết, nếu Lý Nguyễn Chung không đầu thú, ông Chấn sẽ không có cơ hội được giải oan, tướng Độ vẫn cho rằng có thể có những ngoại lệ, phát sinh các tình tiết mới khác mà cơ quan tố tụng có thể xem xét. Ví dụ như có nhiều đơn từ nói về việc thủ phạm là người khác. Ông Độ khẳng định, nếu có những việc phát sinh như vậy đều có thể xem xét lại án vì việc minh oan cho một người bị kết tội không có hạn định, có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào.
Trung tướng Trần Văn độ cũng gạt thẳng nghi ngại hướng kháng nghị tái thẩm dẫn đến cách hiểu ông Chấn chịu án oan không phải do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng mà do yếu tố khách quan, bất khả kháng. Theo ông Độ, đã là án oan thì việc xác định oan sai như thế nào, chỗ nào là trách nhiệm của các cơ quan, không thể chối bỏ.
Khẳng định vấn đề này, Phó Chánh án phân tích, hệ quả pháp lý về vấn đề trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong 2 trường hợp tái thẩm và giám đốc thẩm đều giống nhau, xác định oan sai, sai thì phải sửa còn oan thì phải đền. Án sai thì phải hủy và đình chỉ vụ án đối với người bị oan.
“Tôi thấy cũng có người ý nói rằng tái thẩm để lẩn tránh trách nhiệm thì không phải, không có chuyện đó. Về trách nhiệm pháp lý thì giám đốc thẩm hay tái thẩm đều như nhau” – ông Độ nhắc lại.
Từ vụ án oan này nhìn lại, Phó Chánh án TAND tối cao cũng cho rằng, có nhiều cách để hạn chế “rủi ro” cho công dân trong tố tụng như nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, nâng cao trình độ của lực lượng điều tra, kiểm soát, xét xử. Và quan trọng, mọi người dân phải luôn xác định ý thức tố giác tội phạm.
“Như trong vụ án này, một số người biết ngay từ đầu hung thủ là người khác nhưng cuối cùng không tố giác, không khai báo, không làm gì cả dẫn đến quan điểm nhận định sai lầm về vụ án” – ông Độ bày tỏ.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: tái thẩm hay giám đốc thẩm, sai phạm vẫn bị xử lý
Trung tướng Trần Văn Độ: Án oan sai, sai thì phải sửa, oan thì phải đền. (Ảnh: Việt Hưng)
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình: "Tái thẩm hay Giám đốc thẩm, thì những vi phạm (nếu có) của các cơ quan thực hành tố tụng vẫn bị xử lý" (ảnh: Việt Hưng).
Cũng trao đổi với báo chí về vụ việc liên quan đến án oan 10 năm tù của ông Nguyễn Thanh Chấn tại Quốc hội hôm nay, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tái thẩm hay giám đốc thẩm, thì những vi phạm (nếu có) của các cơ quan thực hành tố tụng vẫn bị xử lý. Nhưng sai ở giai đoạn nào, đặc biệt những vụ án có kết quả cuối cùng thì việc xem xét trách nhiệm cá nhân và tập thể tham gia quá trình tố tụng đều bị xử phạt, thậm chí xử lý nghiêm.
“Như vậy, không thể có chuyện tái thẩm thì tránh được, đến giám đốc thẩm mới đặt ra (trách nhiệm tập thể, cá nhân tham gia quá trình tố tụng - PV). Còn tại sao cần phải tái thẩm vụ ông Chấn là vì có tình tiết mới và tòa không biết những tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. Cụ thể ở đây xuất hiện đối tượng Lý Nguyễn Chung và khả năng phạm tội của Chung là khá rõ ràng, dù tòa chưa tuyên”, ông Bình phân tích.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng kể cả giám đốc thẩm hay tái thẩm thì kết luận của tòa án đã được luật pháp quy định bác kháng nghị, chấp nhận kháng nghị hoặc hủy án trả lại điều tra bổ sung.
“Các kết luận của tái thẩm và giám đốc thẩm đều giống nhau. Và cũng không phải tái thẩm có thể kết luận khác, giám đốc thẩm có thể kết luận khác. Không bao giờ xảy ra chuyện đó trong luật pháp”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
P.Thảo - Q.Phong

Thế nào là nhất bên trọng, nhất bên khinh?


Có hai vấn đề đặt ra trong lời ông Nguyễn Thanh Chấn tố cáo các cơ quan nội chính ở tỉnh Bắc Giang:

Một là ông Chấn có bị ép cung hay không.
Ông Chấn trừ phi bị bệnh tâm thần rất nặng mới khai nhận một tội ác mà ông không phạm. Nếu không ép cung, dọa đánh, còn cách nào khác để lấy được một bản cung kỳ quặc như vậy? Ta không thể biết, vì các điều tra viên đã leo cao nhờ thành tích phá án tài tình mười năm về trước, bây giờ đang lẩn như chạch:
trực ban Công an huyện Việt Yên cho biết ông Luật và lãnh đạo đều bận họp không thể trả lời.


Câu hỏi thứ hai là các cán bộ Nguyễn Văn Dũng, Ngô Đình Dung, Đào Văn Biên, Nguyễn Trung Thành, Tuyến, Trần Nhật Luật có hành hạ ông Chấn hay không. Chưa có câu trả lời chắc chắn.
Dù sao cũng không thể tin ngay lời ông Chấn.
 Ông Nguyễn Xuân Hồng (chánh văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Việc ông Chấn khai bị ép cung, dọa đánh... thì phải kiểm tra lại và phải có chứng cứ.
Mười năm về trước mà các ông biết kiểm tra lại, biết trọng chứng cớ thì ông Chấn không phải ngồi tù oan, suýt nữa mất mạng. Ông Chấn ngày xưa nếu cũng là trưởng, phó công an huyện thì có lẽ các ông kiểm sát Bắc Giang cũng sẽ thận trọng như đối với ông Luật hôm nay.

Thursday, 7 November 2013

Dũng cảm nghĩa là gì?


Dũng cảm () là có dũng khí dám đương đầu với sức chống đối, với nguy hiểm để làm những việc nên làm (Hoàng Phê, 2006:266).

Đi đường sai luật thì nộp tiền phạt. Đó là việc phải làm. Làm xong thì thôi, không đáng được khen là dũng cảm.

Viện kiểm sát làm sai luật thì viện kiểm sát cũng phải bị phạt. Bây giờ Viện có nhận sai trong việc buộc tội ông Nguyễn Thanh Chấn về trước thì đó cũng chỉ là một việc phải làm. Ở đâu ra sức chống đối, nguy hiểm nào đe dọa mà viện được tiếng là dũng cảm? Người thay mặt viện kiểm sát hôm nay không phải là người của mười năm về trước. Họ chẳng mất gì cả.

Các thẩm phán, các điều tra viên, các kiểm sát viên của mười năm về trước vẫn đang im lặng. Những người đó có lên tiếng thì may ra mới được tiếng là dám nhìn thẳng về cái sai, thấy sai, nhận sai, dám giải quyết cái sai.

Wednesday, 6 November 2013

NGHỊ ĐỊNH LIÊN BỘ BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ MÁY THU, PHÁT, PHỤ TÙNG MÁY PHÁT VÔ TUYẾT ĐIỆN, ĐÈN CÔNG SUẤT VÀ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, SỬA CHỮA, MUA BÁN MÁY THU, PHÁT VÀ PHỤ TÙNG MÁY THU, PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN

BỘ CÔNG AN - BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN******
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc********
Số: 102-NĐ
Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 1959 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN-BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Nghị định số 344-TTg ngày 25/9/1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý máy thu, phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện, đèn công suất và các cơ sở sản xuất, sửa chữa mua bán máy thu, phát và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện;
Để bảo đảm thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện được tốt và để bảo vệ công cuộc kiến thiết kinh tế, đề phòng những phẩn tử xấu lợi dụng phương tiện thông tin vô tuyết điện làm điều phi pháp;
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. - Nay ban hành điều lệ quản lý máy thu, phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện, đèn công suất và các cơ sở sản xuất, sửa chữa, mua bán máy thu, phát và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện kèm theo Nghị định này.
Điều 2. - Các ông Chánh văn phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Bộ Giao thông và Bưu điện, Chánh văn phòng, Giám đốc Vụ trị an dân cảnh Bộ Công an và Ủy ban Hành chính các tỉnh và thành phố có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN




Trần Quốc Hoàn
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN



 
Nguyễn Văn Trân

ĐIỀU LỆ
QUẢN LÝ CÁC MÁY THU, PHÁT, PHỤ TÙNG MÁY PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN, ĐÈN CÔNG SUẤT VÀ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, SỬA CHỮA, MUA BÁN MÁY THU, PHÁT VÀ PHỤ TÙNG MÁY THU PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. - Bản điều lệ này quy định các chi tiết thi hành Nghị định số 344-TTg ngày 25/9/1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý máy thu, phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện, đèn công suất và các cơ sở sản xuất, sửa chữa, mua bán máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện.
Điều 2. - Điều lệ này không áp dụng đối với máy thu phát vô tuyến điện sử dụng vào nghiệp vụ của cơ quan Quân sự, Công an và Bưu điện.
II. KÊ KHAI VÀ XIN GIẤY CHỨNG NHẬN CÁC LOẠI MÁY THU VÔ TUYẾN ĐIỆN (THU THANH, THU TIN, THU HÌNH VÀ KHUẾCH ĐẠI PHÓNG THANH, v.v…)
Điều 3. - Các tổ chức hay cá nhân có các loại máy thu vô tuyến điện (thu thanh, thu hình, thu tin, khuếch đại phóng thanh) dùng đèn điện tử hay chất bán dẫn, cố định hay lưu động (kể cả những máy lắp trên xe hỏa, ô tô, tàu thủy,v.v…) đều phải kê khai và xin giấy chứng nhận tại Sở, Bưu điện tỉnh hay thành phố.
Điều 4. - Thủ tục kê khai và xin giấy chứng nhận như sau:
a) Người có máy (hay người được ủy quyền nếu là máy của một tổ chức) phải tự mình kê khai (theo mẫu in sẵn của Bưu điện) tại Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố để xin giấy chứng nhận;
b) Các tổ chức hay cá nhân nếu ở xa Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố mà có máy thì sẽ kê khai tại các Bưu cục gần nơi mình ở để nhờ chuyển đến Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố xin giấy chứng nhận;
c) Thủ tục phí xin giấy chứng nhận là một hào (0đ10).
Điều 5. - Các tổ chức hay cá nhân nếu có máy trước ngày ban hành điều lệ này thì phải kê khai và xin giấy chứng nhận xong trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thi hành điều lệ. Nếu có máy sau ngày thi hành điều lệ này thì phải kê khai và xin giấy chứng nhận xong trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày mua máy.
Điều 6. - Những máy cố định nếu di chuyển đến một tỉnh hay thành phố khác thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đến chỗ mới, tổ chức hay cá nhân có máy đó phải đưa giấy chứng nhận cũ đến Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố xin đổi giấy chứng nhận mới.
Điều 7. - Các tổ chức hay cá nhân có máy thu thanh thô sơ bằng ga-len được miễn kê khai và xin giấy chứng nhận.
III. ĐẶT VÀ SỬ DỤNG MÁY PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN.
Điều 8. - Các tổ chức hay cá nhân muốn đặt và sử dụng máy phát vô tuyến điện bất luận công suất lớn hay nhỏ, bất luận dùng vào mục đích gì trên lãnh thổ nước Việt nam dân chủ cộng hòa đều phải làm đơn xin phép nộp tại Tổng cục hoặc Sở, Ty Bưu điện để chuyển lên Bộ Giao thông và Bưu điện xét cấp giấy phép. Chỉ khi nào được cấp giấy phép mới được lắp đặt và sử dụng. Giấy phép này thay giấy phép mua phát vô tuyến điện.
Điều 9. - Đơn xin phép đặt và sử dụng máy phát vô tuyến điện phải đầy đủ những điểm sau đây:
- Mục đích đặt máy;
- Vị trí và trụ sở đặt máy (có sơ đồ);
- Vị trí và quy cách cột thiên tuyến (có sơ đồ);
- Quy cách máy phát;
- Công suất phát;
- Giai tần số hòa mạch;
- Loại nghiệp vụ;
- Đặc tính nguồn điện và công suất cung cấp điện;
- Chương trình hoạt động và phạm vi hoạt động.
Điều 10. - Các tổ chức hay cá nhân có máy phát vô tuyến điện trước ngày ban hành điều lệ này phải làm đơn xin phép và kê khai theo đúng quy định ở điều 8 và điều 9 trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thi hành điều lệ để xét định việc cấp giấy phép. Trong khi chờ đợi xét cấp giấy phép, việc tiếp tục sử dụng sẽ do Bộ Giao thông và Bưu điện quyết định.
Điều 11. - Các tổ chức hay cá nhân được phép đặt và sử dụng máy phát vô tuyến điện, mỗi khi muốn thay đổi một trong những điều quy định ở điều 9 (di chuyển trụ sở, thay đổi vị trí thiên tuyến, thay đổi nghiệp vụ,v.v…) phải được phép của Bộ Giao thông và Bưu điện mới được thay đổi.
IV. SẢN XUẤT, SỬA CHỮA, MUA BÁN MÁY THU, PHÁT VÀ PHỤ TÙNG MÁY THU, PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN
Điều 12. - Các tổ chức hay cá nhân muốn mở hiệu sản xuất, sửa chữa, mua bán máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện đều phải xin phép tại Sở, Ty Công an tỉnh hay thành phố, nơi mở hiệu. Chỉ khi nào được cấp giấy phép mới được mở hiệu sản xuất, sửa chữa, mua bán.
Điều 13. - Thủ tục xin phép phải làm đầy đủ như sau:
- Một đơn xin phép làm nghề;
- Một bản lý lịch người chịu trách nhiệm chính có kèm theo 3 tấm ảnh mới chụp (cỡ 4x6 phân, không đội mũ, nghiêng mặt 2/3 về phía trái);
- Một bản danh sách người làm công trong hiệu;
- Một bản kê khai phương tiện, dụng cụ dùng để sản xuất sửa chữa, mua bán.
Điều 14. - Các tổ chức hay cá nhân được phép mở hiệu sản xuất, sửa chữa, mua bán máy và phụ tùng máy thu phát vô tuyến điện đều phải mở sổ thống kê, sổ xuất nhập hàng theo mẫu hướng dẫn của Sở, Ty Công an tỉnh hay thành phố nơi mở hiệu.
Điều 15. - Nếu trong sản xuất muốn thay đổi mẫu mực, quy cách sản phẩm đã kê khai, thì chủ hiệu sản xuất phải xin phép Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố. Chỉ khi nào được phép mới được thay đổi.
Điều 16. - Các tổ chức hay cá nhân đã mở hiệu sản xuất, sửa chữa, mua bán máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện từ trước ngày ban hành điều lệ này, đều phải làm đơn xin phép như quy định ở điều 12 và 13 và kê khai các loại máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện đã có tại sở, Ty Công an tỉnh hay thành phố nơi mở hiệu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thi hành điều lệ này.
Trong khi chờ đợi xét cấp giấy phép, các hiệu nói trên vẫn được tiếp tục kinh doanh.
Điều 17. - Muốn mua máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất phải làm đúng thủ tục như sau:
a) Mua máy phát vô tuyến điện phải có giấy phép lắp đặt và sử dụng quy định ở điều 8.
b) Những hiệu mua bán, sửa chữa máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện đã được phép mở hiệu kinh doanh, mỗi khi muốn mua máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện, đèn công suất, để bán hay sửa chữa, đều phải mang sổ xuất nhập hàng đến trình Sở, Ty Bưu điện để xét và chứng nhận mới được mua.
c) Các tổ chức hay cá nhân được phép sử dụng máy phát, khi máy bị hỏng muốn mang đến hiệu để sửa chữa, đều phải kê khai rõ tại Sở, Ty Bưu điện bộ phận hỏng, tình trạng bị hỏng, để xin giấy chứng nhận sửa chữa hay xin giấy chứng nhận mua bộ phận mới.
d) Các tổ chức hay cá nhân có các loại máy thu vô tuyến điện hay các loại máy có dùng đèn công suất gặp trường hợp đèn công suất bị hỏng, muốn mua đèn mới, phải mang đèn hỏng đến nộp cho hiệu bán hay hiệu sửa chữa và đưa giấy chứng nhận, giấy chứng minh để chủ hiệu ghi vào sổ.
Hàng tháng các hiệu sẽ đem số đèn hỏng này nộp cho Sở, Ty Bưu điện.
Điều 18. - Các tổ chức hay cá nhân được phép mở hiệu sản xuất, sửa chữa, mua bán và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện chỉ được mua bán và sửa chữa máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất cho những người có giấy phép đã quy định ở điều 8 và điều 17.
V. DỰ TRỮ, VẬN CHUYỂN MÁY PHÁT, PHỤ TÙNG MÁY VÔ TUYẾN ĐIỆN VÀ ĐÈN CÔNG SUẤT
Điều 19. - Chỉ những hiệu được phép sản xuất, sửa chữa, mua bán máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện mới được dự trữ máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất, số lượng dữ trữ phải phù hợp với số lượng đã xuất nhập hàng và các chứng từ về sản xuất, sửa chữa và mua bán.
Điều 20. - Các tổ chức hay cá nhân có máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất (kể cả đèn công suất dùng trong các loại máy chiếu điện, máy chiếu phim, máy dán ni lông,v.v…) phải kê khai tại Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thi hành điều lệ này để xét định việc sử dụng.
Điều 21. - Muốn vận chuyển máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất, các tổ chức hay cá nhân đều phải xin giấy phép vận chuyển tại Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố. Sau khi có giấy phép mời được vận chuyển.
Những trường hợp sau đây thì không phải xin giấy phép vận chuyển của Sở, Ty Bưu điện:
a) Vận chuyển từ cửa hiệu bán hay sửa chữa về đến nhà thì được dùng giấy phép quy định ở điều 8 và điểm c điều 17.
b) Khi di chuyển trụ sở thì được dùng giấy phép di chuyển quy định ở điều 11.
c) Các cơ quan quân sự, Công an và Bưu điện khi di chuyển máy phát và phụ tùng máy phát thì được dùng giấy chứng nhận di chuyển của cơ quan đó.
VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. - Các Sở, Ty Bưu điện và Sở, Ty Công an tỉnh hay thành phố có trách nhiệm kiểm soát việc thi hành điều lệ này.
Về nghiệp vụ kỹ thuật, Sở, Ty Bưu điện có nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên các máy phát vô tuyến điện đã được cấp giấy phép quy định ở điều 8, để chứng nghiệm các việc cần thiết.
Điều 23. - Các cơ quan Bưu điện và Công an làm nhiệm vụ kiểm soát có trách nhiệm lập biên bản và tạm giữ các máy thu, phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất do việc sử dụng, sản xuất, sửa chữa, mua bán dự trữ và vận chuyển không hợp pháp.
Điều 24. - Những hành động vi phạm đến những điều quy định trong điều lệ này sẽ bị trừng phạt theo điều 5 Nghị định số 344-TTg ngày 25/9/1959 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 25. - Điều lệ này thi hành bắt đầu từ ngày 01/12/1959, các điều khoản quy định từ trước trái với điều lệ này đều bãi bỏ.
Ban hành kèm theo Nghị định số 102-NĐ ngày 6/11/1959 của Liên Bộ Giao thông và Bưu điện và Công an.

Tuesday, 5 November 2013

Nhà xéc các chú là gì ?



Nhà xéc các chú không phải là chuyện lạ thời trước cách mạng:
Mới đây họ tính cổ động rủ hết thảy anh em chị  em nam nữ, mà nhứt là anh em chị em nam nữ thanh niên, hiệp nhau lại để lập câu lạc bộ cũng như kiểu nhà xéc các chú ở Chợ Lớn hay nói cho đúng nữa, như nhà xéc-bót-tip của tây đầm ở vườn ông Thượng Sài Gòn, để mà chi? 
THÔNG REO
Trung lập, Sài Gòn, số 6798 (6. 8. 1932)
Đó là sòng bạc của người Hoa thời Pháp thuộc. Xéc, tiếng Pháp là cercle, từ điển dịch là câu lạc bộ.
Sòng bài vốn là nghề của người Hoa. Khi người Pháp đến Nam kỳ, họ nhanh chóng hiểu ra ngay nhu cầu phải đưa hoạt động này vào tầm kiểm soát của chính quyền (Considérant la nécessité qu’il y a de réglementer les cercles chinois d’une manière uniforme). Nghị định ngày 27 tháng 2 năm 1882 của thống đốc Le Myre De Vilers quy định:
-Muốn mở nhà xéc phải làm đơn xin (điều 1)
-Đơn phải gửi cho quan giám đốc nội vụ (directeur de l’Intérieur) đính kèm danh sách hội viên sáng lập, ghi rõ nghề nghiệp, môn bài của những người này cùng với tên của chánh phó hội trong số hội viên sáng lập, cam kết cùng chịu trách nhiệm tuân thủ pháp luật và ký quỹ 1000 đồng biệt (piastre). Ngoài ra còn phải nộp bản đồ nhà (3 bản), cơ quan chức năng phải đến khám xét và cấp biên bản (2 bản)  (điều 2).
- Không đủ 10 hội viên, không được mở nhà xéc. Không được thu nhận quá 40 hội viên. Người Hoa, nếu là thần dân của ngoại bang, không được làm hội viên. Mỗi nhà xéc được phép có 6 người phục vụ là người châu Á  (điều 3).
- Cửa nhà xéc phải ở mặt tiền, hướng ra công lộ. Nhà xéc được có tối đa hai lối ra vào: một cho hội viên và một cho người phục vụ.
-Hàng tháng nhà xéc phải nộp trước một khoản thuế là 20 đồng biệt (piastre) (điều 6).
-Hội viên có quyền mời khách người Hoa đến nhưng phải báo trước cho cơ quan có thẩm quyền biết (điều 7).
-Nhà xéc chỉ được tổ chức chơi các trò ghi ở điều 8 của nghị định này, bao gồm mạt chược (dominos), xí ngầu (dés), bài tây (cartes en deux couleurs), bài tứ sắc (cartes en quatres couleurs).

Monday, 4 November 2013

Tán binh là gì?



Tán binhlính đi rải rác nhiều nơi, không tập hợp lại một chỗ (Lê Văn Đức, 1970b:1348). 

Đào Duy Anh (1950:1770)  mượn từ tán binh散兵của tiếng Hán để dịch từ tirailleur của tiếng Pháp.

Lê Khả Kế (2001:1654) phân biệt hai loại tirailleur 1) lính biệt kích, lính phân tán 2) lính bản xứ (ở các thuộc địa Pháp). Nghĩa 1 thời Napoléon chỉ tán binh, tức thứ lính đi trước đội hình chính, làm nhiệm vụ bắn quấy rối địch quân (Soldat détaché en avant d'une colonne pour tirer à volonté sur l'ennemi). Nghĩa 2 (bộ binh nhẹ người bản xứ ở các thuộc địa của Pháp - Soldat de certaines troupes d'infanterie, recruté parmi les populations autochtones des anciens territoires ou protectorats français d'outre-mer, encadré par des officiers français) ở nước ta còn có tên gọi nôm na là lính tập. Không nên dùng từ tán binh để gọi loại tirailleur này.

Sunday, 3 November 2013

Tây rạch mặt là bọn nào?



Một số Tây đen, tức lính châu Phi da đen (Afrique Noire) trong đoàn quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông có tục rạch mặt vằn vện, trông rất dữ dằn. Người Việt gọi chúng là Tây rạch mặt / Tây gạch mặt / Tây mặt gạch hay lính Xê-nê-ga-le (tirailleur sénégalais).



Bữa nó đưa bố sang gặp thầy Lư tôi mới được nhìn kỹ khuôn mặt người lính viễn chinh này. Môi ông dày và đặc biệt hai bên má đều có vết gạch sâu vào. Ở quê tôi người ta gọi là Tây gạch mặt! 

Tô Đức Chiêu - Đứa con lai


Sau khi Nhật chiếm một thời gian, thì Tây chiếm trở lại. Nhưng lần nầy có nhiềâu "Tây đen Phi châu" như người Maroc và Senegal (còn có biệt danh là "cột nhà cháy" vì nước da đen tuyền, hay "Tây gạch mặt" vì trên mặt của họ có những lằn giống như thẹo do phong tục gạch mặt làm duyên của họ).


GS Nguyễn Hữu Phước - Dòng Sông Định Mạng




Loại lính này thoạt kỳ thủy được chiêu mộ ở Xê-nê-gan năm 1857, do đó có tên gọi là tirailleur sénégalais. Về sau từ tirailleur sénégalais được dùng để chỉ chung bộ binh nhẹ người da đen châu Phi (trừ khu vực Bắc Phi).


Vì giá rẻ nên lính Tây đen được tuyển mộ để đưa sang chiến đấu ở Đông Dương từ tháng 4-1947. Đợt đầu tiên chỉ có 167 người, nhưng đến cuối năm đó đã có 2260 anh Tây đen trên chiến trường Đông Dương. Năm 1948 nhiều tiểu đoàn Xê-nê-ga-le dã chiến (BMTS) được tổ chức và huấn luyện riêng cho chiến trường Đông Dương. Tiểu đoàn 1/24 và tiểu đoàn 2/24 đến Hải Phòng ngày 1/1/1949, tiểu đoàn 26 đến ngày 16/4/1949, tiểu đoàn 27 đến ngày 18/4/1949, tiểu đoàn 28 đến ngày 23/4/1949, tiểu đoàn 29 đến ngày 25/7/1949, tiểu đoàn 30 đến ngày 17/8/1949, tiểu đoàn 32 đến ngày 28/9/1949, tiểu đoàn 31 đến ngày 19/10/1949. Tổng cộng là 12090 người. Khi đến nơi lính Xê-nê-ga-le được phân phối cho các đơn vị có sẵn ở chiến trường như các trung đoàn bộ binh thuộc địa (RIC) số 2, số 6 và số 43, các trung đoàn pháo binh thuộc địa (RAC) số 4 và số 10... và cả trung đoàn bộ binh Ma-rốc (Bắc Phi, không đen). Năm 1951 tuyển được 14600 lính Xê-nê-ga-le. Khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ, số lính Xê-nê-ga-le có mặt ở Đông Dương lên đến 19570 tên, trong đó có khoảng 1000 tên phục vụ trong không quân.

Trong suốt cuộc chiến có khoảng 5500 Tây đen tử trận, mất tích hoặc đào ngũ và 1000 tên khác bị Việt minh bắt. Tây đen có sức khỏe tốt nên thường phải gánh những việc nặng nhọc nhất trong trại tù binh. Khoảng 800 người được trao trả vào năm 1954.
Sau chiến tranh Đông Dương, chỉ một số lính Xê-nê-ga-le đáng tin cậy được chuyển qua các trung đoàn bộ binh thuộc địa (RIC) hoặc pháo binh thuộc địa (RAC). Số còn lại bị cho về vườn.