Saturday, 26 May 2012

Tiếng Việt hôm nay: Sợ hơn bão táp (Cao Xuân Hạo)

Nhiều cán bộ lãnh đạo nền giáo dục của ta đã thấy tính vô hiệu quả của cách dạy tiếng Việt ở nhà trường: vào đại học, nhiều sinh viên chưa biết viết một bức thư cho đúng ngữ pháp và chính tả; đến nỗi Bộ phải ra quyết định buộc sinh viên năm thứ nhất tất cả các trường phải học “Tiếng Việt thực hành”, và nhiều giáo sư văn học đã phải thốt lên: “Mong sao sau 12 năm học phổ thông con tôi vẫn còn nói và viết được tiếng Việt như trước khi đi học!”. Một ông bạn cũ lâu năm gặp lại, nay là hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở, khi biết tôi đang dạy và viết về tiếng Việt, liền tái mặt và van xin tôi tha thiết: “/i>Anh chớ viết thêm cái gì mới nữa đấy ! Chỉ thay đổi xoành xoạch như mấy năm nay giáo viên dạy tiếng Việt trường tôi cũng đã đi Biên Hoà [*] mất hai người rồi ! “. Và tôi cũng đã được nghe chính người thầy cũ của tôi (một Nhà giáo Nhân dân) phát biểu trong một cuộc hội nghị do Bộ tổ chức là nên bỏ hẳn môn tiếng Việt ở trường phổ thông để “dành thì giờ học những môn có ích hơn hay ít ra cũng không có hại bằng”.
Dĩ nhiên khi nghe những lời như thế tôi và các bạn đồng nghiệp không khỏi thấy lòng đau như cắt, thấy danh dự của mình bị xúc phạm sâu xa, và ví thử vị giáo sư nói trên không phải là thầy tôi, thì tôi đã không ngăn được một cử chỉ phản ứng hỗn xược. Nhưng chỉ một giây sau, tôi, cũng như bất cứ ai có chút lương tri, phải tự nhủ rằng câu nói phũ phàng ấy hoàn toàn có đủ căn cứ.
Thế nhưng trong khi các giáo sư toán lý hoá luôn luôn thấy mình cần ra sức rút ngắn cái khoảng cách giữa mình và khoa học tiên tiến của thế giới, thì chúng tôi, các nhà giáo của khoa ngữ văn, lại không có giây phút nào thấy mình cần làm việc đó. Không những thế, mà trong chúng tôi còn có không ít người thấy mình vượt lên phía trước rất xa so với các nước khác, đến nỗi trong một cuộc họp khoa tôi đã tai nghe mắt thấy một bạn đồng nghiệp yêu cầu các giảng viên ngữ học khuyên sinh viên từ nay trở đi không dẫn các tác giả ngoại quốc nữa, vì thế giới ngày nay đã lâm vào một cơn khủng hoảng trầm trọng về khoa học xã hội; duy có Việt Nam làm thành một ốc đảo còn có được một nền khoa học ngữ văn lành mạnh!
Hiện tượng này không đáng lấy làm lạ, vì ở ta có hai ngành mà nhiều người quan niệm là không cần học một chữ nào cũng có thể làm được: đó là Văn và Ngữ. Cách đây bốn chục năm, bản thân tôi đã từng được triệu tập đến nghe bốn buổi (14 tiếng đồng hồ) giảng về ngôn ngữ học, trong đó diễn giả chưa từng đọc một trang sách báo nào về ngôn ngữ và ngôn ngữ học, cho nên nói toàn những chuyện mà ở trường, ngay khi giảng những buổi đầu, chúng tôi đã phải dặn sinh viên đừng bao giờ nghĩ và nói như thế, vì đó chính là những sự ngộ nhận thô thiển nhất của người ngoại hàng mà bốn năm học ngôn ngữ học ở trường sẽ giúp họ thanh toán triệt để.
Cho nên tình trạng lạc hậu trong các ngành học này là điều khó tránh khỏi. Lạc hậu mà biết mình lạc hậu (như bên các ngành khoa học chính xác) thì không sao: chỉ cần chăm chỉ đọc sách mới là chẳng bao lâu sẽ bắt kịp người ta; nhưng bên chúng tôi thì không phải như thế. Thấy rõ mình lạc hậu không phải dễ: phải hiểu người ta tiến xa đến đâu đã, rồi mới ước lượng được cái khoảng cách giữa người ta với mình. Nhưng làm sao hiểu được điều đó khi bản thân mình còn sa lầy ở một giai đoạn mà người ta đã bỏ xa từ hơn nửa thế kỷ trước ? Một số lớn trong chúng tôi không hề thấy mình lạc hậu chính vì lạc hậu quá xa, nhìn về phía trước không còn thấy mô tê gì nữa. Vả lại khi đã có đủ những học hàm học vị hằng mong ước rồi, rất ít người có thể tưởng tượng rằng mình mà lại cần đọc sách mới làm gì nữa, nhất là sau khi thử đọc một trang mà không hiểu nổi lấy một dòng.
Một trong những cái tội lớn nhất của thực dân Pháp là nền giáo dục mà họ đã áp đặt cho dân ta. Nền giáo dục ấy không nhằm đào tạo một đội ngũ trí thức. Nó chỉ nhằm đào tạo ra một lớp nha lại. Ngay như môn tiếng Pháp họ cũng không thèm quan tâm sửa đổi cho kịp với sự tiến bộ của khoa học. Cái ngữ pháp tiếng Pháp mà họ dạy cho học sinh của ta là thứ ngữ pháp cổ lỗ của thời đại chiến thứ nhất, vốn không tiến xa hơn những tri thức có từ thế kỷ thứ XVIII. Điều này rất rõ đối với bất kỳ ai đã từng so sánh sách dạy tiếng Pháp ở đông Dương năm 1945 với sách dạy tiếng Pháp ở Pháp cũng vào năm ấy (mà chỉ có một số rất ít học sinh Việt Nam học trong trường Pháp được học).
Di hại của chủ trương ngu dân ấy cho đến ngày nay vẫn còn rõ mồn một. Sở dĩ việc dạy ngữ pháp tiếng Việt trong nhà trường của ta hoàn toàn thất bại là vì nội dung được đem ra dạy chính là ngữ pháp tiếng Pháp được miêu tả theo một lối cổ lỗ, chứ không phải ngữ pháp tiếng Việt tuy dùng toàn thí dụ tiếng Việt. Chỉ nhờ một sự trùng hợp tình cờ mà tiếng Việt có những kiểu câu có thể phân tích theo ngữ pháp tiếng Pháp (của nhà trường Pháp trước Đại chiến : chủ ngữ, động từ, tân ngữ…), nhưng tiếc thay, những kiểu câu ” Pháp-Việt đề huề ” như thế chỉ chiếm khoảng 20% trong số kiểu câu của tiếng Việt, còn các kiểu câu không hoàn toàn giống tiếng Pháp thì một là khi phân tích người ta tìm cách đảo lại cho giống tiếng Pháp [như đảo câu Tôi tên là Nam thành Tên (của) tôi là Nam] ; hai là cắt bớt cái phần không giống tiếng Pháp đi (bỏ chữ Tôi trong câu trên ra ngoài “nòng cốt cú pháp”); ba là không phân tích những kiểu câu ấy, coi đó là “câu đặc biệt”; trong khi ít nhất có 70 % kiểu câu như thế trong vốn văn học dân gian, trong văn học cổ điển và hiện đại; cũng như trong tiếng nói hàng ngày mà ta vẫn nghe thường xuyên.
Trong khi đó, trong 12 bộ sách tiếng Việt dạy cho các lớp phổ thông khó lòng tìm ra được lấy một chục câu nêu rõ các quy tắc ngữ pháp (tiếng Việt) mà học sinh phải vận dụng thành thạo để viết cho đúng, nếu không kể vài ba trường hợp may mắn mà ngữ pháp tiếng Việt giống như ngữ pháp tiếng Pháp (chẳng hạn như trong câu Em đi học, phải nói em trước, rồi mới đến đi, rồi mới đến học). Còn hàng trăm quy tắc khác, cũng cơ bản và cần thiết không kém, thì chẳng có sách nào nói lấy một câu. Cũng may mà 12 năm học tiếng Việt vẫn không đủ để tiêu diệt hết cái cảm thức về tiếng mẹ đẻ mà mỗi học sinh, nhờ sống trong lòng nhân dân, vẫn còn giữ nguyên bất chấp các sách giáo khoa, cho nên vẫn nói đúng trong những điều kiện sinh hoạt tự nhiên, tuy có thể viết sai rất nhiều, vì khi viết và nhất là khi dịch từ tiếng châu Âu người ta lâm vào những điều kiện khác hẳn, thành thử cái cảm thức kia không còn chi phối hành vi ngôn ngữ nữa, và nhiều khi người ta viết ra những câu mà thường ngày người ta không bao giờ nói và nghe người Việt nói, và nếu có ai nghe ai nói như thế thì người ta phải bật cười. Lẽ ra một người làm ngôn ngữ học hay làm phiên dịch chuyên nghiệp phải luôn luôn nhớ mình và đồng bào mình nói năng như thế nào.
Đến những năm 50 còn có thêm một nhân tố nữa làm hỏng hẳn cách suy nghĩ và viết lách của các nhà Việt ngữ học. Đó là cái nguyên tắc lấy “khả năng kết hợp”, được hiểu một cách thô sơ thành sự phân biệt giữa “độc lập” và “hạn chế”, làm “tiêu chuẩn khách quan” để phân biệt đủ thứ (từ hay không phải là từ, có nghĩa hay không có nghĩa, thuộc từ loại này hay từ loại khác, v.v…).Những nguyên tắc này vốn do phái miêu tả của Mỹ đưa ra trong thập kỷ 30 và chỉ sau đó mấy năm đã bỏ hẳn, vì khi thực sự dùng vào việc phân tích, nó dẫn đến những kết luận cực kỳ phi lý. Thế nhưng nó đã được các nhà Việt ngữ học đi theo Lê Văn Lý dùng làm nguyên lý chủ đạo trong mọi lĩnh vực, kể cả những tác giả không tiếc lời mạt sát nền ngôn ngữ học Mỹ. Sở dĩ như thế là vì cái “tiêu chuẩn” này miễn được cho nhà ngữ học nhiều công việc rất khó chịu như việc quan sát tỉ mỉ lời ăn tiếng nói của người Việt và suy nghĩ kỹ càng về ý nghĩa của từ ngữ và câu cú Việt Nam.
Rốt cuộc, ngoài việc phân biệt “độc lập / hạn chế” ra, người viết sách ngữ pháp Việt Nam không còn biết đến một nguyên tắc làm việc nào khác [nếu không kể cái định kiến cho rằng tiếng Pháp (hay tiếng Nga, tiếng Anh) như thế nào thì tiếng Việt "dĩ nhiên" phải thế ấy]. Kết quả là sách ngữ pháp tiếng Việt hoàn toàn thoát ly tiếng Việt, và nếu bỏ các thí dụ bằng tiếng Việt đi thì ta sẽ có một chân dung tiêu biểu của một thứ ngôn ngữ Ấn-Âu điển hình, trừ một số đặc trưng hình thái học (như “chia động từ”, “biến cách” v.v… không phải ngôn ngữ Ấn-Âu nào cũng còn giữ). Sách ngữ pháp của ta là một tập hợp những “sắc lệnh” võ đoán mà người học phải chấp nhận như một giáo lý thiêng liêng hơn cả những sự thật hiển nhiên mà họ (và người ban bố sắc lệnh) có thể quan sát mỗi ngày mấy trăm lần trong tiếng nói của toàn dân và của chính mình. Những “sắc lệnh” ấy là do những bộ óc siêu quần chợt “ngộ” ra trong những khoảnh khắc loé sáng của thiên tài chứ không phải là kết quả của những năm lao động miệt mài nghiên cứu lời ăn tiếng nói của dân tộc. Không có lấy một nhận định nào được nêu rõ căn cứ, không có lấy một khái niệm, một thuật ngữ nào được định nghĩa một cách nghiêm túc, nghĩa là đủ minh xác để cho học sinh và giáo viên có thể tự mình biết là cái khái niệm, cái thuật ngữ ấy ứng vào những từ ngữ nào, thành thử ít có giáo viên nào dám tự mình đưa thêm một vài thí dụ ngoài các thí dụ trong sách. Những cách định nghĩa như “chủ ngữ là ngữ làm chủ” không cho ai biết thêm được chút gì để tự mình tìm ra một thí dụ về chủ ngữ, càng không giúp ai sử dụng khái niệm này để hiểu thêm tiếng Việt.
Cái lợi duy nhất của cách soạn ngữ pháp ấy là các tác giả tha hồ thay đổi giáo trình tuỳ theo cảm hứng, cứ một vài năm lại “cải cách” một lần bằng cách đưa ra một nhận định ngược với nhận định năm trước mà không cần phải chứng minh gì cả (vì cái nhận định năm trước cũng có hề được chứng minh gì đâu ?). Dù năm trước có nói con mèo là hai từ, thì năm sau cứ việc nói con mèo là một từ nếu nảy ra cái ý thích nói như thế : cần gì biết giáo viên ăn nói ra sao với học sinh, học sinh ăn nói ra sao với cha mẹ ? Khổ thân nhất là những học sinh có cha mẹ hay chú bác có chút văn hoá đủ để biết thế nào là một quy tắc, một khái niệm, một thuật ngữ khoa học, và thế nào là một câu tiếng Việt tử tế: cái vốn văn hoá ấy mà dùng vào việc “phụ đạo” cho con cháu chắc chắn sẽ làm cho chúng ăn điểm 1 điểm 2 suốt đời, vì sách giáo khoa tiếng Việt không hề căn cứ vào một cái gì mà người Việt có văn hoá phải biết cả.
Sau khi học ngôn ngữ học từ các giáo sư và tác giả người Âu (đó là cách duy nhất để học lý thuyết ngữ học), lẽ ra các nhà ngôn ngữ học Việt Nam có thể góp phần vào cái quá trình khắc phục những định kiến “dĩ Âu vi trung” [européocentisme] bằng cách nêu lên những chỗ mà ngữ học Âu châu không có hiệu lực khi đem ứng dụng vào tiếng Việt, hay ít nhất cũng theo dõi cái quá trình khắc phục ấy và lần lượt tiếp thu những kết quả của nó để hiểu tiếng mẹ đẻ đúng hơn và sửa đổi cách dạy tiếng cho có hiệu quả hơn. Tiếc thay, ngày nay Việt Nam đang là cái pháo đài cuối cùng và cực kỳ kiên cố của chủ nghĩa “dĩ Âu vi trung” cực đoan trong ngôn ngữ học. Giá như không tác hại đến như vậy đối với hàng chục thế hệ thì cũng chắng nói làm gì, để đến nỗi kinh động đến giấc ngủ đang yên lành của các tác giả sách giáo khoa và của các vị hữu trách ở Bộ giáo dục, và chuốc lấy cái tiếng xấu là “ném bùn vào mặt mọi người” như một bạn đồng nghiệp đã từng mắng tôi.
Tôi không ném bùn vào ai hết. Tôi chỉ nói lên sự thật thuần tuý mà đã mười mấy năm nay chưa từng có lấy một người nào dám nói hay viết dù chỉ một câu để bác bỏ. Nếu có gì đáng cho tôi tự trách mình, thì đó là nói chưa đủ mạnh để thức tỉnh những bạn đồng nghiệp đang ngủ quá yên giấc.
Và tôi tuyệt nhiên không phải là người đầu tiên. Cách đây bốn mươi năm đã có một bậc đàn anh của ngành Việt ngữ học, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, đem từ Liên Xô về một báu vật vô giá: lý thuyết âm tiết – hình vị (slogo-morphema) của một trong những nền ngôn ngữ học ưu tú nhất của nhân loại, lý thuyết duy nhất có thể giải đáp được những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt (và nhiều ngôn ngữ phương Đông khác) đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại, và từ đó vạch ra một con đường đúng đắn để khắc phục chủ nghĩa “dĩ Âu vi trung”. Nhưng tiếc thay, hồi ấy không mấy ai hiểu ông. Ngược lại, người ta cố ý nhìn sang hướng khác, cố sao viết cho khác ông, để tỏ ra mình không đi theo ông, không phải là môn đệ của ông, nghĩa là thua kém ông. Cái không khí không lành mạnh ấy vẫn tồn tại cho đến bây giờ.
Tôi biết rằng những điều tôi viết trên đây không có bao nhiêu sức thuyết phục, và sẽ không thiếu gì những bạn đọc không tin tôi nói thật, hay ít nhất cũng cho rằng tôi vẽ ra một bức tranh quá ảm đạm, và những nhận định của tôi là cực đoan và còn thiếu căn cứ. Tôi rất tiếc là trong một bài báo không thể nêu ra những luận cứ khoa học đủ minh xác để biện hộ cho những nhận định của mình. Vì thế tôi đã phải đợi cho đến hôm nay khi cuốn sách Tiếng Việt, Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa của tôi đã được xuất bản và phát hành (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998). Cuốn sách này tập hợp một số khá lớn những bài giảng, những bài tạp chí, những báo cáo khoa học của tôi.Cùng với cuốn Tiếng Việt, Sơ thảo ngữ pháp chức năng (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1991), cuốn sách này được viết ra để chứng minh một cách có luận cứ nghiêm túc rằng tiếng Việt không phải là tiếng Pháp, và tuy khác với tiếng Pháp về nhiều phương diện, nhất là về ngữ pháp, nó vẫn là một thứ tiếng trong sáng, chính xác, tinh tế, đẹp đẽ hoàn toàn xứng đáng được dân ta quý trọng và nâng niu, chứ không ghê sợ như những cố gắng kiên trì của nhà trường phổ thông và đại học đã làm cho học sinh ghê sợ, không cần phải nhào nặn và cắt xén cho vừa cái khuôn của ngữ pháp tiếng Pháp như sách giáo khoa của ta đã nhào nặn và cắt xén, không đáng bị coi khinh như các cơ quan truyền thông của ta vẫn coi khinh khi hàng ngày truyền bá một thứ tiếng Việt dịch từng chữ một từ tiếng Anh ra, bất chấp mọi quy tắc nói năng và viết lách của dân tộc.
[*] Chỉ bệnh viện tâm thần ở Biên Hoà – Đồng Nai.
(Theo Văn Nghệ, số 4, 22.1.2000)

Friday, 25 May 2012

Giải phóng là từ của ai?


Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) chưa có giải phóng. Ít năm sau đó từ giải phóng được mượn từ tiếng Trung Quốc và xuất hiện trong các từ điển Pháp Việt để dịch các từ émanciper, délivrer, libérer... (Đào Duy Anh, 2005:293; Đào Duy Anh, 1950:943; Gustave Hue 1937:326): libérationsự giải phóng, libérateurngười giải phóng, guerre libératricechiến tranh giải phóng... Trong thời gian đất nước có chiến tranh các từ điển song ngữ và từ điển tường giải ở cả hai miền đều đối xử với giải phóng như một từ bình thường của tiếng Việt.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân lịch sử, từ giải phóng được thâm dụng ở miền Bắc và các vùng do chính phủ lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam kiểm soát. Trong các vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, từ này hầu như không có dịp xuất hiện trừ khi cần phải nói về đối phương (Mặt Trận Giải Phóng). Từ giải phóng vì thế mà trở thành từ của Việt Cộng. Cũng như các dấu hiệu nhận dạng cá nhân trên thẻ căn cước, người ta có thể dựa vào tần số xuất hiện của từ giải phóng mà biết được tác giả hay tác phẩm đó thuộc về Việt Cộng hay không.
Phải chăng vấn đề ở đây chỉ là vấn đề cách sử dụng. Nghĩa là ở ngữ cảnh. Chỉ ở ngữ cảnh? Từ giải phóng hiển nhiên là từ của Việt Cộng trong các tổ hợp Mặt Trận Giải Phóng, bộ đội giải phóng, anh Giải Phóng, ngày giải phóng miền Nam... nhưng khi ở trong các ngữ cảnh khác như giải phóng kho bãi, giải phóng mặt bằng, giải phóng mặt đường... chẳng liên quan gì đến Việt Nam Cộng Hòa cả thì có hết chất Việt Cộng được không? Việt Cộng dùng từ giải phóng một cách thoải mái hơn nửa thế kỷ qua trong khi những người chống Cộng không muốn dùng nó và cũng không có dịp để dùng. Bỗng dưng người Mỹ đứng ra tiến hành hai, ba cuộc chiến tranh giải phóng, thế là vốn từ của người chống Cộng tự nhiên hẫng hụt. Không dùng từ giải phóng thì quả thật:
 Không có chữ gì khác. Dùng riết, trong bối cảnh ấy, chữ “giải phóng” bỗng trở lại nguyên nghĩa của nó. Mà như thế, kể cũng phải. Đứng một mình, chữ ấy hoàn toàn trong sáng. Và trong sạch.
Từ ngữ nào đứng được một mình, có nghĩa một mình, không cần đến ngữ cảnh và không cần đến bối cảnh xã hội? Thôi thì cứ cho là từ giải phóng do các học giả đầu thế kỷ 20 chứ không phải Việt Cộng tạo ra nhưng nếu Việt Cộng không cố công giữ gìn từ giải phóng trong hơn nửa thế kỷ qua thì bây giờ các ông ấy lấy đâu ra từ ngữ để dùng và để người khác có thể hiểu được các ông ngay? Không ai lạ gì số phận của những từ ngữ bị Việt Cộng chê, không dùng: xuất tiến tuyến, đường thông thủy, trường võng mạc... Vậy có gì đáng xấu hổ khi phải sử dụng từ ngữ của Việt Cộng? Việc gì phải chối?

Thursday, 24 May 2012

GIAN NAN LÀ NỢ (An Chi - KTNN 245, ngày 10-5-1997)

Hôm nay, Tuổi trẻ có đăng bài ""Gian nan là nợ" của Phạm Xuân Nguyên, nói về thắng lợi 1 - 0 của Tuyển VN trước Tuyển Singapore. Vì đồng cảm với PXN và cũng vì quá vui, AC đưa lên đây một câu  liên quan đến mấy chữ GIAN NAN LÀ NỢ, trả lời cách nay 13 năm, Để các bạn FB đọc chơi cho vui.
ĐỘC GIẢ 1: Cụ Đào Tấn có viết: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng, Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.Nhưng sóng thì ở dưới nước còn tùng thì ở trên núi, vậy làm sao sóng vỗ được ngọn tùng? Chẳng có lẽ cụ sơ ý? Hay là cụ dùng ẩn dụ nào mà chúng tôi chưa biết được? Gần đây, theo thông tin trên một vài trang báo, người ta vừa tìm ra một loại cây quí hiếm có tên là thủy tùng. Phải chăng đây là một loài rong loài tảo nào mà cụ Đào Tấn muốn nhắc đến trong hai câu thơ của cụ? ĐỘC GIẢ 2: Trong một bài viết vào những năm 70 mà tôi đã quên tên tác giả và xuất xứ, người viết có tả cảnh mình được ngắm từ trên cao cánh rừng thông trong một ngày có gió. Nhìn ngọn cây rừng nhấp nhô lên xuống như những con sóng khi gió thổi qua, tác giả nhớ đến hai câu thơ của cụ Đào Tấn: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.Tác giả nói rằng nhờ được ngắm cảnh trên nên mới thấy được cái đẹp của câu thơ, cái độc đáo của cụ Đào khi cụ liên hệ nỗi gian nan của người anh hùng với cảnh cây tùng bị sóng gió vùi dập. Rồi năm 1990 tôi có mua một cuốn lịch bàn của Nxb Văn hóa, trong đó có một tờ cũng in hai câu thơ trên đây của cụ nhưng chữ “tùng” đã bị đổi thành “trùng”. Lao xao sóng vỗ ngọn trùng, Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.Xin gởi kèm theo đây tờ lịch đó để làm bằng (tờ ngày thứ sáu, 6 tây tháng Bảy nhằm ngày 14.5 âm lịch). Gần đây tôi lại được đọc bài “Ghi chép ở từ đường Đào Tấn” của tác giả Thúy Vi đăng trên báo Sài Gòn giải phóng ngày 28.5.1994, trong đó tác giả cũng có dẫn hai câu thơ trên như sau: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng, Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.Lại xin gởi kèm theo đây mẩu báo có in hai câu thơ trên đây để làm bằng, trong đó chữ thứ 6 của câu sau rõ ràng là chữ “tùng”. Vậy cụ Đào đã dùng “tùng” hay “trùng” trong hai câu tuyệt tác trên đây? ĐỘC GIẢ 3: Xin cho biết trong hai câu thơ lục bát của cụ Đào Tấn nói về cây tùng và người anh hùng, có phải cụ muốn nói đến cây tùng cụ thể nào mọc gần nước mà cành nhánh sà xuống thấp nên mới bị sóng vỗ hay không (nếu ở trên núi cao thì làm sao có sóng vỗ). Lại nói đến câu tám, cụ có dùng chữ “vay”: tại sao không là “nợ phải trả” mà lại là “nợ phải vay”? Có phải là vì âm điệu hay không?
AN CHI trả lời: Nguyên văn của cụ Đào Tấn là:“Lao xao sóng vỗ ngọn tùng,Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.Người làm lịch năm 1990 của Nxb Văn hóa, vì không biết được xuất xứ của chữ tùng trong hai câu thơ trên đây nên mới tự tiện thay nó bằng chữ “trùng”, ngỡ rằng phải sửa như thế thì câu thơ mới hợp lý mà không ngờ rằng chính mình đã làm cho nó trở thành vô vị và tầm thường. Đúng thế, nếu hiểu “trùng” ở đây là “trùng dương” và “ngọn trùng” là “ngọn sóng” thì ý của câu thơ chỉ là sóng vỗ ngọn sóng lao xao mà thôi. Nhưng "sóng vỗ sóng" thì có liên quan gì đến chuyện người anh hùng phải gánh nợ gian nan? Thực ra, ở đây cụ Đào đã dùng chữ tùng vì cây tùng, ngoài việc tượng trưng cho tuổi thọ, lại còn được dùng để tượng trưng cho sự chịu đựng nữa. Chẳng thế mà tiếng Hán lại có câu “tiết tháo phương tùng quân” nghĩa là tiết tháo (kiên cường) như cây tùng và (dẻo dai) như cật tre.Truyện Kiều, câu 901 cũng có hai chữ “tùng quân” (Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân). Vậy chữ tùng của câu sáu trong hai câu lục bát của Đào Tấn đã gây liên tưởng rất hợp lý đến người anh hùng trong câu tám và thể hứng kết hợp với thể tỉ (trong ca dao) đã được cụ thực hiện một cách rất đắc địa trong hai câu thơ tuyệt cú đã trở thành phương châm, thậm chí nguyên tắc sống cho nhiều đấng nam nhi.Nhưng trở lên, chúng tôi mới chỉ làm chuyện “cãi lý” mà thôi, còn sở dĩ cụ Đào Tấn lại dám để cho sóng vỗ lên cao tới tận ngọn tùng ở trên rừng trên núi là vì thực ra cụ đã nắm vững từ ngữ ở trong tay: tiếng Hán có từ tổ chính phụ cố định “tùng đào” 松濤, có nghĩa đen là “sóng trên ngọn cây tùng”, mà văn thơ Trung Hoa đã dùng để chỉ tiếng gió rì rào qua những cây tùng trong rừng trên núi. Hai tiếng đó đã được Từ hải giảng là “tùng lâm phong động chi thanh” (tiếng gió lay động rừng tùng) còn Mathews’ Chinese-English Dictionary, nơi chữ tùng, thì dịch là “the soughing of the wind in the pines compared with the roar of the surf” (tiếng rì rào của gió qua những cây tùng, so sánh với tiếng gào của sóng cồn) hoặc, nơi chữ đào, là “wind in the pines” (gió qua những cây tùng). Thơ Âu Dương Nguyên Công đời Nguyên có câu:“Hạ liêm nguy tọa thính tùng đào", nghĩa là:Buông rèm ngồi nghiêm lắng nghe tiếng sóng tùng.” Sóng tùng ở đây chính là tiếng gió thổi qua những ngọn tùng.Vậy “sóng” của cụ Đào Tấn chính là “gió”, nghĩa là danh từ sóng cũng được cụ dùng theo ẩn dụ như trong câu thơ trên đây của họ Âu Dương, chứ không phải là theo nghĩa đen. Do đó câu:“Lao xao sóng vỗ ngọn tùng”chẳng có gì là phản luận lý hay phi luận lý cả. Và ở đây cũng chẳng có cây tùng cụ thể nào mà cành nhánh sà xuống sát mặt nước cả vì hai tiếng “tùng đào” chỉ là một lối nói đã trở thành ước lệ. Đến như cây thủy tùng, mà tên khoa học là Codium macronatum – loại cây này thực ra cũng đã được biết đến từ lâu – vốn chỉ là một giống tảo, thì làm sao địch nổi với cây tùng, cây bách trên rừng trên núi, và làm sao xứng đáng để so sánh với người anh hùng trong cuộc đời! Bây giờ xin nói về chữ “vay”, chữ “trả”. Vâng, cũng có thể là do âm điệu vì nếu dùng “trả” thì câu:“Gian nan là nợ anh hùng phải trả”đâu còn là thơ nữa. Nhưng vấn đề là dùng “trả” thì lại không hay bằng dùng “vay”: trong những người không muốn mang công mắc nợ thì nhiều người đã chủ động không vay để khỏi trả. Còn cụ Đào Tấn thì khẳng định:“Gian nan là nợ anh hùng phải vay”cho nên dứt khoát phải trảkhông trả không được vì đó là định mệnh. Đã sinh ra là anh hùng thì phải chấp nhận gian nan. Đó là cái hay của chữ “vay” vậy!

Wednesday, 23 May 2012

Mấy nhận xét về chữ Quốc Ngữ (Cao Xuân Hạo)

1. Trên bình diện ngôn ngữ học lý thuyết, chữ quốc ngữ không phải là một cách viết thích hợp với tiếng Việt. Nó sử dụng tự mẫu La Tinh, một hệ thống văn tự phản ánh cấu trúc âm vị học của các ngôn ngữ biến hình kiểu châu Âu, trong đó đơn vị cơ bản là “tiểu âm vị”, một đơn vị được thể hiện bằng một “âm tố”, trong khi đơn vị cơ bản của hệ thống âm vị học tiếng Việt là tiếng, hay “hình tiết” (morphosyllabème) – vốn đồng thời là đơn vị ngữ nghĩa và ngữ pháp.
Trong cuốn Âm vị học và tuyến tính (Phonologie et linéarité: Réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine, SELAF, Paris, 1985), tôi có chứng minh rằng lý thuyết âm vị học hiện hành chỉ có giá trị đối với các ngôn ngữ “tiểu âm vị” (micro-phonématiques) như các thứ tiếng châu Âu chứ không thể dùng cho những thứ tiếng đại âm vị (macro-phonématiques) như tiếng Nhật, tiếng Malagasi, và nhất là các thứ tiếng đơn lập như tiếng Hán, tiếng Thái, tiếng Việt, trong đó cái đơn vị âm vị học tương đương về cương vị cấu trúc với âm vị Âu châu là âm tiết (tiếng) chứ không phải là âm tố. Một thứ chữ quốc ngữ, chữ “Pin yin” hay chữ “Romanji” che giấu và xuyên tạc cái cấu trúc âm vị học thực của các thứ tiếng sử dụng nó và làm cho các nhà nghiên cứu lạc hướng hoàn toàn.
2. Đó là xét trên bình diện lý thuyết ngôn ngữ học. Còn trên bình diện thực tiễn,
dùng chữ quốc ngữ cho tiếng Việt cũng không có hại bao nhiêu, vì dù sao nó cũng cho phép phân biệt đầy đủ các âm thanh cần phân biệt của tiếng Việt (1). Và mặc dầu việc vay muợn văn tự này, theo ý tôi, là một công việc có phần đáng tiếc, nó vẫn có một thuận lợi khá quan trọng ở chỗ nó đưa nước ta vào cái khối cộng đồng lớn của những nước dùng chữ La Tinh trên sách báo, giấy tờ và biển hiệu. Nhờ đó, một khi “tiếng” đã được tháo rời ra thành âm, các văn bản tiếng Việt có thể sao đúng chính tả của bất cứ từ ngữ nào (đặc biệt là các tên họ) được viết bằng chữ La Tinh hoặc đã được chuyển tự sang hệ chữ La Tinh. Điều này làm cho việc phiên âm các tên họ của người nước ngoài trở nên hoàn toàn vô ích và thậm chí rất có hại, nhất là khi ta biết rằng theo thống kê sơ bộ hơn 90 % các tên họ nước ngoài (kể cả người Pháp và người Anh) bị phiên âm sai chỉ vì người viết không biết đọc các tên họ ấy (chứ không phải vì quy tắc chính tả tiếng Việt không cho phép phiên âm đúng). Vả lại làm sao có thể biết đọc cho đúng tên họ của dăm trăm thứ tiếng trong nhân loại? Trong tình hình văn hoá của thế giới ngày nay, việc truyền thông, trao đổi được thực hiện chủ yếu là qua văn bản, cho nên chính tả quan trọng hơn phát âm rất nhiều. Cái thói phiên âm sinh ra do một định kiến hoàn toàn vô căn cứ (chưa bao giờ được kiểm nghiệm), cho rằng quần chúng ít học và học sinh không thể viết đúng và đọc đúng những từ như volt, watt, ampère hay những tên như Marx, Engels. Thật ra nhiều người trong số chúng tôi đã làm thí nghiệm trên con cái chúng tôi với những kết quả hết sức rõ ràng: chỉ cần chép một vài lần và ôn lại từ ba đến năm lần bằng cách “ám tả” theo trí nhớ là các cháu đủ thuộc vài chục tên riêng cho đến bốn năm năm sau, cùng với vài ba trăm tên khác được học thêm trong những năm kế theo. (2)
3. Kể từ những năm 20 của thế kỷ cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, đã có nhiều người Pháp đề nghị cải tiến chữ quốc ngữ mà họ cho là bất hợp lý. Rồi đến khi miền Bắc được giải phóng, suốt ba năm trời đã diễn ra không biết bao nhiêu cuộc họp, đã in không biết bao nhiêu bài vở và kỷ yếu bàn về cách cải tiến chữ quốc ngữ, rồi cuối cùng người ta mới nhận ra rằng đó là một công việc không những hoàn toàn vô ích mà còn hết sức có hại, lặp lại một cách vô duyên một giai đoạn đã qua của lịch sử chính tả ở châu Âu mà ngày nay người Anh và người Pháp mỗi khi nhớ lại không khỏi cảm thấy bẽ bàng. Số là năm 1897, sau khi Hội Ngữ âm học quốc tế (IPA) ra đời và công bố hệ tự mẫu gọi là Alphabet Phonétique International, một số hội viên và hàng trăm người khác khởi động một phong trào rầm rộ cực lực lên án chính tả Anh và Pháp mà họ cho là hết sức phi lý, cần phải bỏ ngay vì đó là “một nghĩa địa của những hình thái cổ lỗ đã lỗi thời từ lâu” để thay nó bằng một thứ chữ viết phản ánh cách phát âm một cách trung thành và nhất quán, theo nguyên tắc “mỗi chữ ghi một âm và mỗi âm ghi bằng một chữ”.
May thay, với sự đóng góp của những người am hiểu ngôn ngữ hơn, người ta đã nhận ra rằng chữ viết có một chức năng khác với lời nói, chủ yếu là ở chỗ người đọc một văn bản rất khác với người tham gia đối thoại, và chữ viết được đọc bằng mắt chứ không phải nghe bằng tai, cho nên cách nhận diện từ ngữ trên một văn bản rất khác với cách nhận diện từ ngữ khi nghe một lời nói bằng miệng với sự hiện diện của người phát ngôn ngay trong khi đối thoại. Khi một hệ chữ viết đã được dùng trong vài ba thế kỷ, nó trở thành một truyền thống văn hoá. Mỗi từ ngữ dần dần có một diện mạo riêng, một Gestalt mà người ta đã quen thuộc đến mức không thể thay đổi được nữa. Và cái Gestalt thị giác do cách viết tạo nên được liên hội với cái nghĩa của từ ngữ bất chấp cách phát âm ra sao, và nhờ đó mà người đọc phân biệt được các từ đồng âm mặc dầu không có sự giúp đỡ của tình huống đối thoại hay của sự hiện diện của người đối thoại mà người kia có thể hỏi lại ngay khi không hiểu vì không biết người phát ngôn muốn dùng từ nào trong số những từ đồng âm. Đó là chưa nói rằng chính tả còn cho biết khá nhiều điều hữu ích về từ nguyên, và do đó, về nghĩa của những từ dùng căn tố Hy Lạp, La Tinh hay Sanskrit, về gốc gác của những tên riêng, và do đó, về quốc tịch hay tôn giáo của người đương sự. Cho nên từ khi có cái phong trào ”bài xích và cải cách chính tả Anh, Pháp” cho đến nay đã đúng một thế kỷ mà hai hệ thống chính tả này vẫn tồn tại y nguyên, và ngày nay họa chăng chỉ có những người không được bình thường may ra mới còn nghĩ đến chuyện cải cách chính tả Anh hay Pháp, mặc dầu so với chữ quốc ngữ, hai thứ chính tả này còn xa cách phát âm gấp bội.
4. Chữ viết không phải là phiên âm, vì ngôn ngữ không phải chỉ là âm thanh: nó còn có nghĩa nữa. Cho nên một hệ thống chữ viết lý tưởng phải phản ánh, ít nhất là một phần cái nghĩa của từ ngữ. Từ cổ đại, loài người đã có một hệ thống chữ viết gần đạt đến cái lý tưởng ấy: chữ Hán. Một bằng chứng sáng rực của tính ưu việt của chữ Hán là hiệu quả tuyệt vời của việc sử dụng nó cho một ngôn ngữ thuộc một loại hình hoàn toàn khác tiếng Hán: tiếng Nhật, một thứ tiếng đa âm tiết thuộc loại hình chắp dính (agglutinating). Khi dùng cho tiếng Nhật, nếu không kể mợt số rất ít những từ gốc Hán được người Nhật phát âm hao hao như tiếng Hán (các từ Hán – Nhật còn giữ dạng đơn âm hay chỉ biến thành song âm), chữ Hán chỉ biểu thị nghĩa, rồi thông qua nghĩa mà biểu thị âm (khi hiểu nghĩa rồi, người Nhật mới chọn giữa hai ba cách phát âm có thể bằng cách căn cứ vào văn cảnh). Dựa vào những thành quả ngoạn mục của việc dạy tiếng Anh bằng chữ Hán cho các học sinh Mỹ mắc chứng dislexia (không học được cách “đánh vần”), một số nhà ngữ học Mỹ đã thấy rõ tính ưu việt của một hệ thống văn tự phi ngữ âm và đã đi đến chỗ tin rằng đó chính là thứ chữ tương lai của nhân loại. Vả lại ai cũng biết rằng chính là nhờ chữ Hán mà người Trung Quốc, vốn nói nhiều ngôn ngữ khác nhau (về phương diện ngôn ngữ học, tiếng Bắc Kinh, tiếng Quảng Đông, tiếng Triều Châu là những ngôn ngữ khác nhau chứ không phải là những phương ngữ, vì khoảng cách giữa các thứ tiếng ấy xa hơn khoảng cách giữa các ngôn ngữ Salvian như tiếng Nga và tiếng Nam Tư (Serbo – Croatian) hay tiếng Bulgari rất nhiều), có được một công cụ giao tiếp chung. Một nhà ngữ học Pháp gọi chữ Hán là ”một thứ esperanto cho đôi mắt của các thần dân Trung Hoa”. Thứ esperanto này còn có tầm tác dụng vượt xa bờ cõi Trung Quốc: nó còn là phương tiện giao tiếp đắc lực giữa người Hán và cá sứ giả ”man tộc” như người Hàn, người Nhật, người Giao Chỉ, người Hồ, và các thứ ”rợ” khác, vốn thường bút đàm với người Hán (và với nhau) hơn là ngôn đàm.
5. Nói đến đây, tôi chắc chắn các vị hiểu tại sao chính tả tiếng Anh và tiếng Pháp “bất hợp lý” đến thế mà vẫn không thể thay đổi được. Khi lớn tiếng lên án chữ viết đương thời, những người Anh và những người Pháp cấp tiến ngày ấy cũng như những người Việt cấp tiến của thời kỳ 1954 (và ngay đến ngày nay hình như vẫn còn sót lại) chỉ chăm chăm vào một tiêu chuẩn duy nhất: ngữ âm (hay âm vị học). Họ phán xử hệ thống chính tả bằng cách đạt câu hỏi: Nó đã phản ánh thật đúng cách phát âm chưa ? Nó đã nhất quán đi theo nguyên tắc “âm và chữ tương ứng một đối một” hay chưa ? Còn những tiêu chuẩn khác thì họ không cần biết đến. Ở đây tôi chỉ xin nhắc đến tiêu chuẩn “truyền thống” hay “tập quán”. Như trên kia đã nói, khi người ta đã có nhiều thế kỷ để quen với diện mạo văn tự của các từ ngữ, cái diện mạo ấy trở thành cái hồn của chữ nghĩa. Nó biểu hiện ý nghĩa của ngôn từ không cần thông qua cách phát âm (vốn thay đổi tùy theo từng vùng), thành thử mọi mưu đồ cải cách đều là một sự xúc phạm đến truyền thống văn hoá. Viết gia (trong gia đình) thành za hay da, viết lý (trong luân lý) thành lí, viết yêu thành iêu hay iâw, viết qua thành kwa hay cwa trong nhiều thập kỷ nữa vẫn sẽ được tri giác như những lỗi của một lớp người thiếu hiểu biết, nếu không là một lớp người coi khinh hàng chục thế hệ đi trước, trong đó có những bậc thầy đã dựng nên cả một nền văn học hiện đại. Và như thế để làm gì ? Chẳng lẽ chỉ vì muốn tiết kiệm khoảng 2% luợng giấy in sách ? Chỉ cần tiết kiệm cỡ chữ “corps 10″ bằng cỡ chữ “corps 9″ cũng tiết kiệm được gấp mười lần như thế. Dĩ nhiên, một cuộc cải cách như thế sẽ không có hại gì đến mấy triệu học sinh vỡ lòng mới bắt đầu học thứ chữ mới. Nhưng ta cứ thử tính số tiền tổn phí để in lại tất cả các sách vở cần thiết cho các thế hệ học chữ mới. Và thử tính xem có sáu mươi mấy triệu người lớn trở thành mù chữ (hay ít ra cũng thành những người dốt nát chuyên viết sai chính tả do những tập quán cũ và cách đánh vần các văn bản một cách khó nhọc, ít ra là trong dăm bảy năm sau cải cách).
Nhược điểm của chữ quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm vị học, mà chính là ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong trường hợp các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt. Tuy vậy, cũng gần giống như chữ Anh và chữ Pháp, những chỗ bị người ta coi là bất hợp lý chính là những chỗ làm cho nó phân biệt nghĩa và cội nguồn của các từ đồng âm như gia và da, lý và lí (trong lí nhí) (3) v.v.
Đáng tiếc là những trường hợp như thế không lấy gì làm nhiều. Nhưng có vẫn còn hơn không, như khi ta thay chữ quốc ngữ bằng một thứ chữ thuần túy ghi âm. Bỏ chữ Hán và chữ Nôm là một tai họa không còn hoán cải đuợc nữa, nhưng ta còn có thể bổ cứu cho sự mất mát này bằng cách dạy chữ Hán như một môn bắt buộc ở trường phổ thông. Người Việt sẽ không thể giỏi tiếng Việt nếu không thấu đáo nghĩa của các từ Hán-Việt, vốn chiếm tỷ lệ hơn 70% trong vốn từ vựng tiếng Việt.
GS Cao Xuân Hạo

(Tiếng Việt, mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa – NXB Giáo Dục, TP Hồ Chí Minh, 1998)
(*) Báo cáo đọc tại Hội nghị “Chữ quốc ngữ và sự phát triển của văn hoá Việt Nam”, Trường Đại học Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh 1995
(1) Về những cái lợi và cái hại của chữ quốc ngữ, xin xem bài Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn? (Kiến thức ngày nay, số 14, ngày 15-6-1994). Cũng xin xem thêm các mục dưới dây.
(2) Xin xem bài Về cách viết và cách đọc các tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt, cũng đăng trong tập này.
(3) Xem thêm Cao Xuân Hạo, 1996

Monday, 21 May 2012

Một số vấn đề về chuẩn mực hoá ngôn ngữ: Nhu-cầu mượn từ (Hoàng Tuệ)

Hành động mượn từ có thể chẳng có lí do gì chính đáng, chẳng đáp ứng một nhu cầu thực sự nào về ngôn ngữ, mà nhiều khi, chỉ là biểu hiện của ý thức không tôn trọng, không nghiêm túc đối với ngôn ngữ của dân tộc. Ở đâu cũng có sự tình này. Ở ta, rõ ràng là có khi đã như như thế. Thực ra, cái cớ lúc đầu là chưa có sẵn từ trong bản ngữ để đáp ứng ngay một nội dung mới, còn có tính chất ngoại. Thí dụ, chừng nửa thế kỉ trước, cái xe đạp là một trường hợp như thế và có người đã gọi nó là tự hành xa! Thí dụ này đáng chú ý, vì trước đây có lắm người thông tiếng Hán hễ gặp một nội dung mới từ phương Tây đến (đặc biệt là khái niệm trừu tượng về văn hoá, chính trị… nhưng cả khi là sự vật cụ thể cũng thế) thì một mặt, cự tuyệt chất liệu Pháp; mặt khác cũng không chịu tìm chất liệu Việt mà sẵn sàng dùng ngay chất liệu Hán, tức Hán Việt. Sự tình này, như đã nói, có nguyên nhân lịch sử trong quá trình tiếp xúc quá dài giữa tiếng Việt và “chữ Hán”, tức là dạng ngôn ngữ viết của tiếng Hán được tiếp tục dùng ở Việt Nam, từ khi nước ta thoát khỏi ách thống trị của Trung Hoa. Sự tình ấy đã ảnh hưởng khá rõ đến trạng thái chung của từ vựng tiếng Việt. Mặc dù thế, nếu dùng lạm từ Hán Việt, tức là mượn gốc Hán là vẫn gây ra phản ứng chống đối của người Việt Nam. Tự hành xa đã tự lúc đầu tỏ ra là một sự kém cỏi học giả, không chấp nhận được và đã nhanh chóng bị thay thế bằng xe đạp. Từ mượn gốc Pháp cũng có thể gây ra phản ứng đó. Tủ lạnh đã được hoan nghênh để thay thế fri-gi-deTi vi chắc chắn rồi sẽ chịu số phận như fri-gi-de và tự hành xathôi.
Những thí dụ trên đây về sự thay thế từ mượn bằng từ Việt chứng tỏ rằng bản ngữ là một nguồn chất liệu hình thức để thay thế, và xu hướng sử dụng chất liệu đó, một cách triệt để và sáng tạo, có ý nghĩa và tác dụng quan trọng trong sự chuẩn mực hoá bản ngữ. Tuy vậy, những thí dụ như thế trong tiếng Việt còn cho thấy là, tự khi mượn nó tới khi không mượn nữa, tức là tới khi thay thế được từ mượn bằng bản ngữ, thường là có thời gian, để nội dung đủ mức đi sâu vào đời sống và để tìm ra hình thức bản ngữ đáp ứng nội dung đó một cách đáng hài lòng. Sự thực, có khi phải tiếp tục dùng từ mượn, vì lẽ đơn giản là chưa có khả năng thay thế. Không dẫn thí dụ nhưng rất dễ thấy là trong tiếng Việt, có những bộ phận của cái xe đạp hay xe máy đã được gọi bằng từ sẵn có, hoặc từ đặt ra để thay thế từ mượn, hoặc từ mượn đồng hoá, nhưng rõ ràng là còn có những bộ phận phải tiếp tục gọi bằng từ mượn. Đó là những sự vật cụ thể. Khi là những khái niệm, những tư tưởng thì sự thay thế lại càng không phải đơn giản.
Cho nên, trong hành động mượn từ, và thái độ tiếp tục dùng từ mượn, còn phải thấy rằng có trường hợp, nhu cầu là thực sự.
Thường có hai nhu cầu chính: nhu cầu định danh chính xác và nhu cầu gợi cảm.
Tất nhiên, hoàn toàn không có căn cứ để nói rằng từ bản ngữ không đủ sức đáp ứng nhu cầu định danh chính xác. Tuy vậy, có những trường hợp, những phạm vi, khi nội dung có tính chất đặc biệt thì mượn, do chỉ có một nghĩa nên đáp ứng được tốt nhất đòi hỏi phải gọi tên cái nội dung ấy mà không gây ra lẫn lộn. Đó là, chẳng hạn trường hợp từ công-tây-nơ dẫn ra ở trên trong tiếng Việt: từ mượn này, vốn ở tiếng Anh là “container” chỉ cái chứa, cái đựng nói chung, và chỉ một loại thùng đặc biệt chuyên dùng trong vận tải; nếu thay thế nó bằng từ thùngcho đơn giản thì không thoả mãn nhu cầu định danh nói trên, bởi vì không phải loại thùng nào cũng là công-tây-nơ cả. Giống như trường hợp từ can cũng có nghĩa như là thùng và gốc ở tiếng Anh là từ “can“; nhưng để đựng dầu hoả của người này là cái can bằng kim khí hay bằng nhựa hẳn hoi, mà của người khác có thể tạm bợ một cái thùng nào đó không gọi là can được. Cái khác nhau là: chuyện can, chuyện đời sống bình thường, còn chuyện công-tây-nơ quan trọng hơn nhiều; đây là chuyện vận tải hàng hoá, theo tiêu chuẩn quốc tế của một ngành hoạt động kinh tế. Từ mượn công-tây-nơ là một thuật ngữ khoa học, một danh từ chuyên môn hay chuyên danh.
Thiết nghĩ đối với thuật ngữ thì giá trị định danh chính xác mà nó phải có là một yêu cầu cần để lên hàng đầu. Điều mà các nhà khoa học trong các ngành khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và khoa học xã hội đều muốn tránh, là tình trạng một khái niệm được định danh bằng những từ khác nhau, và một từ dùng để định danh những khái niệm không giống nhau. Cho nên, một mặt, nhà khoa học không thể không thấy yêu cầu của xã hội là chớ làm cho ngôn ngữ khoa học trở thành một thứ ngôn ngữ quá tách biệt khỏi ngôn ngữ chung của dân tộc; nhưng mặc khác, xã hội cũng không thể không thấy yêu cầu của nhà khoa học là chớ gây ra, bằng một quan niệm quá dễ dãi về thuật ngữ, những sự hiểu lầm có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của khoa học. Trong tình hình hiện nay, ngành khoa học nào cũng có trình độ chuyên môn hoá sâu của nó cho nên tiếng nói quyết định trong việc xây dựng hệ thống thuật ngữ của mỗi ngành nói chung, và nói riêng, việc nên hay không nên dùng từ mượn, thay thế hay không thay thế từ mượn bằng từ của bản ngữ cần được dành cho các nhà khoa học của mỗi ngành. Tất nhiên, các nhà khoa học nên có sự cố gắng nhìn đến các nguyên tắc chuẩn mực hoá ngôn ngữ, trong khuôn khổ chuẩn mực hoá từ vựng.
Giá trị định danh chính xác của thuật ngữ, hiện nay, cũng có ý nghĩa quốc tế. Một trong các hoạt động của “Hội thuật ngữ học quốc tế” là thu thập thuật ngữ mới, của một số thứ tiếng trên thế giới (trong đó có tiếng Việt) để so sánh và phát hiện những hiểu lầm có thể sinh ra giữa các nhà khoa học ở những nước khác nhau nhưng hoạt động trong cùng một ngành. Tuy vậy, ở diện quốc tế, vấn đề thống nhất hoá hay quốc tế hoá thuật ngữ lại có một khía cạnh tư tưởng đáng chú ý là một số nước đã đi những bước trước trong một ngành khoa học nhất định, có ý muốn dùng thuật ngữ của nước mình là cái cơ sở cho thuật ngữ của những nước khác. Thí dụ, không ít người cho rằng các khái niệm của điều khiển học đã sinh ra và được hoàn chỉnh hoá trước ở Mĩ, cho nên đồng bộ thuật ngữ của ngành này ở bất cứ nước nào cũng nên mượn của Mĩ. Quan điểm ấy không phải đã được tán thành một cách dễ dàng, và cũng không ít người ở những nước khác, những nước có vai vế như Mĩ về mặt khoa học, cho rằng sự tràn lan của những “americanisme” ấy là vô lối, và cần phải nhìn lại. Những quan niệm như thế ở góc độ này hay ở góc độ kia, ở góc độ nào cũng thể hiện quan điểm tư tưởng, với ít hay nhiều màu sắc dân tộc chủ nghĩa, thậm chí sô-vanh chủ nghĩa. Vì thế, một nước đang phát triển về khoa học và đang làm công tác thuật ngữ học, như nước ta, không nên mắc vào sự tranh cãi như thế, và trong trường hợp cần phải dùng từ mượn làm thuật ngữ thì mượn của tiếng nào là chủ động lựa chọn theo tiêu chuẩn về tính chất hệ thống có thể đạt được trong tiếng Việt và theo quan điểm, như đã nói, về sự tiếp xúc ngôn ngữ càng ngày càng rộng mở giữa tiếng Việt với các thứ tiếng khác…
Về nhu cầu gợi cảm, cũng cần thấy rằng không phải chỉ từ mượn có khả năng đáp ứng, mà trái lại, ưu thế ở mặt này nói chung thuộc về từ bản ngữ. Nhưng thế nào là sự gợi cảm của từ? Có thể tạm nói rằng từ mà có sức gợi cảm là khi mà ngoài chức năng định danh, nó còn có thể tạo nên những mối liên hệ đặc biệt giữa ý thức với thực tế, trong một hoàn cảnh nhất định. Như vậy, nhu cầu gợi cảm một từ cũng có thể xem là nhu cầu về phong cách ngôn ngữ, và cũng có thể nhận thấy rằng trong những hoàn cảnh nhất định, từ mượn cũng có tác dụng riêng.
Chẳng hạn, trong tiếng Việt, thường có cách khai thác tác dụng gợi cảm của từ mượn gốc Hán, tức là từ Hán Việt. Thí dụ, từ nguyệt không phải “quốc âm” mà rất Đường thi ấy đã được Nguyễn Trãi dùng năm trăm năm trước, trong một câu thơ mà đọc lên ta cảm thấy không những có trăng, có rượu mà còn có tâm tư, có cả phong độ của một con người: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng nghiêng chén”. Ngày nay, vẫn còn cách dùng từ nguyệt như vậy trong những câu thơ có ánh trăng, tất nhiên với sự thành công không giống nhau, và cả những lí do kĩ thuật có khác nhau, nhưng đều với cái ý thức của nhà thơ là muốn dùng một chất liệu hình thức ngoại, đã có phần đồng hoá, nhưng chưa hoàn toàn, và do đó mà chất liệu nội dung cũng có màu sắc riêng.
Ở những hoàn cách khác hẳn, cũng có thể thấy tác dụng gợi cảm của từ mượn. Thí dụ, trong nhiều ngôn ngữ, ở những hoàn cảnh có nói đến thể thao, đến việc ăn, việc mặc là cứ thấy cái thế mạnh khá rõ của từ mượn, của những từ như: gôn, pê-nan-ti… hay rô-ti, mằn thắn, va-li-de… Thực ra, những từ như thế đã rất gần với từ ngoại.
Trong phong cách khoa học, thì từ mượn dùng làm thuật ngữ do không có tác dụng gợi cảm riêng của nó, nên chính vì thế mà tạo cho phong cách này tính chất trung hoà, túc là ít gợi cảm, là đặc điểm của nó, so với phong cách thơ, phong cách nghệ thuật.
Nếu nói riêng về phong cách báo chí thì có thể khác, bởi vì phong cách này, có khi, cần phát huy tác dụng chiến đấu và thông tin, tức cũng là tác dụng gợi cảm, gợi nhiều mối liên hệ, cho nên loại từ mượn có tính chất thuật ngữ và gần với từ ngoại có thể có giá trị riêng. Thí dụ, nói lại gần như trích dẫn theo bài báo của bọn phản động quốc tế là “nhân quyền“, là “đề-tăng” (hoặc détente) thì thiết tưởng, do khác về chất liệu hình thức, nên khác về chất liệu nội dung, so với quan điểm và cách nói của ta là quyền con người, là làm dịu căng thẳng

Sunday, 20 May 2012

Gá thổ đổ hồ là làm gì?


Gá thổ là chăn dắt gái mại dâm. Nhà thổ là nhà chứa gái.
Hồ là cái hộp đựng tiền xâu trong sòng bạc. Đổ hồ là mở sòng bạc.
Đó là những nghề bị ông bà ta ngày xưa xem là bất lương.

Chũ "bị" và con đường Việt hóa các từ gốc Hán (Lê Xuân Mậu)

Tác-giả: Lê-Xuân-Mậu
(Tạp chí Tài hoa trẻ)
Một chút lai lịch
Đúng ra thì phải “vẽ” ra cái chữ Hán này để khỏi lầm với ít nhất là ba, bốn chữ khác cũng đọc là “bị” (theo các ông Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Khôn) nhưng làm thế là không cần lắm với nhiều bà con mình. Cái chữ “bị” nói đến ở đây thực ra có đến ba nghĩa. Hai nghĩa khác ta không đưa vào tiếng Việt là: cái mềm, khắp đến. Còn nghĩa “chịu, mắc phải” xin được nói sau.
Một điều đáng nói nữa là cái chữ này có tới hai cách đọc khi sang Việt Nam theo phát hiện của ông Nguyễn Tài Cẩn (*). Đó là cách đọc “bị” và cách đọc “phải” mà ta thường cho là thuần Việt.
Một bước tiền trạm
Theo ông Nguyễn Tài Cẩn, xưa kia tiếng Việt chưa có hình thức diễn đạt sắc thái đánh giá tiếp nhận tốt xấu, hoặc may rủi. Người ta đã mượn của tiếng Hán yếu tố được một hình thức phát âm một chữ, sau này âm Hán Việt đọc là đắc (đắc thắng, đắc ý, đắc cử…) để diễn đạt sắc thái đánh giá “tốt, may”: được khen, làm được… Và họ mượn yếu tố phải để diễn đạt sắc thái đánh giá xấu, rủi: phải phạt, giẫm phải gai…
Sự việc đó diễn ra trước khi có âm Hán Việt (mượn từ thời Đường) nên thường các chữ “được”, “phải” đều coi như từ thuần Việt. Khi đã có anh em sinh đôi (phải) diễn đạt ý nghĩa đánh giá tiếp nhận “rủi, xấu” thì bị không được mượn vào tiếng Việt nữa (vì không cần). Bị chỉ được mượn vào tiếng Việt với tư cách là một từ tố nằm trong vài từ ghép như bị cáo, bị động, (số) bị trừ, (số) bị nhân…
Đến lúc phải vào
Đó là tình hình trước đây chừng vài ba thế kỷ, sau đó thì bị phải vào, tức là tiếng Việt phải mượn nó để diễn đạt ý nghĩa đánh giá sự tiếp nhận “xấu, rủi”. Tại sao có bước ngoặt ấy?
ấy là vì có sự quá tải của chữ “phải”! Phải làm nhiều việc quá, dễ sinh nhầm lẫn. Phải đã chỉ cái sắc thái chịu sự “rủi, xấu” lại còn phải thể hiện thêm ý nghĩa “cần thiết phải”, “buộc phải làm” (Tôi phải ra ga). Nó lại còn phải thể hiện ý “đúng” (Anh phải, nó trái).
Thế là để khỏi lầm, người ta chuyển giao trách nhiệm diễn đạt sắc thái tiếp nhận “xấu, rủi” sang cho bị là chính. Do đó ngày nay, chủ yếu sắc thái này được thể hiện bằng từ bị: bị phạt, bị đòn, bị đánh, bị ế, bị điểm xấu… Tuy nhiên, do bị ở chữ Hán chỉ đi trước động từ, danh từ… nên vào tiếng Việt nó cũng chỉ ở vị trí đó. Cho nên, “phải” vẫn còn được lưu giữ ở một vài cụm từ đã dùng quen như phải gió, phải biết, phải vạ, phải một bữa đó… Đặc biệt, trong những trường hợp đối ứng với được đi sau động từ thì phải vẫn phải có mặt như kiểu: ăn được/ ăn phải, vớ được/ vớ phải…
Thực sự hòa nhập
Khi đã vào tiếng Việt lâu dài, bị đã hòa nhập cùng cộng đồng ngôn ngữ Việt. Nếu không biết chữ Hán, mấy ai biết cái chữ bị quen thuộc này lại là ngoại lai! Thế cho nên, bị hoạt động cũng thoải mái lắm. Nó không chỉ đi trước các động từ, tính từ, danh từ… mà còn cả các cụm động từ – bổ ngữ, cụm chủ vị (bị đau chân, bị vỡ sọ, bị người ta chê cười, bị vợ ăn vạ…) nghĩa là tất cả kết cấu làm được bổ ngữ chỉ đối tượng trực tiếp của nó.
Chữ bị này hoạt động mạnh mẽ quá nên nhiều lúc dường như nó không còn là một động từ nữa, nó “hư hóa” đi. Nó chỉ như một yếu tố “ngữ khí”, nhấn mạnh cái sắc thái đánh giá: cái áo này bị xanh rồi, lòng luộc bị dai (bỏ đi, nội dung thông báo không khác)…
Đặc biệt gần đây, trong khẩu ngữ còn có lối nói đùa cợt thân mật, trẻ trung và cả hài hước nữa, khi người ta thể hiện một sự đánh giá theo hướng “tốt, may” như kiểu: Cô ấy hơi bị xinh đấy! Giọt nước hơi bị trong!… Chưa biết rồi đây, cộng đồng sử dụng tiếng Việt chúng ta có chấp nhận cái bước ngoặt nghịch ngợm này của chữ bị hay không, xin cứ tạm ghi nhận.
Đôi điều nhận xét
Dõi theo bước đường nhập Việt của cái chữ bị gốc Hoa này, ta có thể thấy có nhiều chữ gọi là “thuần Việt” nhưng thực ra cũng là từ mượn. Chả nên quá phân biệt đối xử để kỳ thị các từ mượn hợp lý. Có một điều rất lý thú là khi mượn từ, người Việt ta có sàng lọc: Không mượn các nghĩa không cần (bị cũng có nghĩa là cái mền), không để lẫn lộn sắc thái tốt, xấu như ở ngôn ngữ gốc (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh còn ghi bị tuyển cử nhân = người được nhân dân tuyển cử).
Điều thứ hai dễ nhận là việc du nhập của các từ mượn được cộng đồng chấp nhận, sử dụng đều do nhu cầu nội tại của hệ thống tiếng Việt và tuân theo các quy tắc khá chặt chẽ (như cần thì mượn, không thì thôi, vừa phải tiết kiệm lại vừa phải phân công giữa các từ để tránh hiểu lầm, khó cho giao tiếp…).
Điều thứ ba là khi đã mượn từ, dân mình rất thoáng, không định kiến, coi bình đẳng như các từ khác để nó thỏa sức hoạt động như con dân tiếng Việt thực thụ.
Vì vậy, chẳng nên như một số trong chúng ta bị phong cách nhà nho gò bó, “chiếu trải không ngay ngắn không ngồi”. Khi gặp từ Hán Việt là giở sách cổ ra đối chiếu chê chỗ này chệch âm, chỗ kia sai nghĩa cũ, và để rồi không bao giờ chấp nhận những cách dùng khá hay, nhưng chưa được ghi vào từ điển, sách ngữ pháp. Rõ ràng như thế là không tôn trọng cái thực tiễn của các từ ngữ sống động trong đời sống.
Lê Xuân Mậu
(Tạp chí Tài hoa trẻ)