Friday 1 March 2013

TỪ NGỮ GỐC CHĂM TRONG TIẾNG VIỆT - Lý Tùng Hiếu & Lê Trung Hoa

TS. LÝ TÙNG HIẾU - PGS.TS. LÊ TRUNG HOA
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM)

Quá trình tiếp xúc ngôn ngữ với tiếng Chăm trong suốt hai ngàn năm lịch sử, đặc biệt là trong thời kỳ trung đại, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tiếng Việt Trung Bộ và Nam Bộ. Cùng với các sản phẩm văn hoá, một loạt từ ngữ tiếng Chăm đã đi vào tiếng Việt ở Trung và Nam Trung Bộ, và được lưu dân Việt chuyển tiếp vào Nam Bộ. Vì vậy, trong tiếng Việt ở Trung Bộ và Nam Bộ có thêm một bộ phận từ vựng gốc Chăm, chưa kể các địa danh, góp phần làm nên sự khác biệt của các phương ngữ tiếng Việt ở Trung Bộ và Nam Bộ so với phương ngữ Bắc ở địa bàn Bắc Bộ. Điều đó phản ánh mức độ ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Chăm đối với văn hoá Việt trên vùng đất phía nam.
Đây là một bộ phận từ vựng của tiếng Việt ở Trung Bộ và Nam Bộ mà cho đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến, trong khi các từ ngữ gốc Khơ-me, gốc Hoa, gốc Pháp, gốc Mỹ đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu.
ooOoo
Nội dung ngữ nghĩa của bộ phận từ vựng gốc Chăm này đại để có thể chia thành năm nhóm, phản ánh năm bình diện văn hoá mà cư dân Việt ở Trung Bộ và Nam Bộ đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của người Chăm:
- Cách thức hoạt động sản xuất: các giống cây trồng, các giống vật nuôi, ky thuật canh tác, công cụ...
- Cách thức ăn, mặc, ở, đi lại: ẩm thực, trang phục, cư trú, giao thông vận tải...
- Cách thức tổ chức xã hội cổ truyền: con người, quan hệ thân tộc...
- Tín ngưỡng, phong tục, lễ hội.
- Ngôn ngữ: cấu tạo đại từ, động từ, tính từ.

Bảng so sánh từ vựng tiếng Chăm và
từ vựng gốc Chăm trong tiếng Việt Trung Bộ và Nam Bộ
Tiếng Chăm Ninh Thuận
và Bình Thuận
Tiếng Việt Trung Bộ
và Nam Bộ
Cách thức hoạt động sản xuất
blang "sân, láng"
láng
c`hak`ăc "chà gặt"
chà gặt
kađung "(lúa) cà đung"
(lúa) cà đung
karu(ng "rộng (cá)"
rộng (cá)
kruăk "(cá) rô"
(cá) 
k`ai p`ô "cây vồ"
cây vồ
palao "đảo, cù lao"
cù lao
(pat`ai) bareng "(lúa) ?"
(lúa) bà rên
(pat`ai) ia parak "(lúa) nước-?"
(lúa) bà rịa
(pat`ai) ia patău "(lúa) nước-đá"
(lúa) bà tâu
(pat`ai) kuprauk "(lúa) ?"
(lúa) cu tró, (lúa) cổ chó
(pat`ai) ôik mưh "(lúa) nàng-vàng"
(lúa) ối mứ
(pat`ai) ôik pô "(lúa) nàng-chủ"
(lúa) ối bô
(pat`ai) p`hông "(lúa) đỏ"
(lúa) hồng ngự
(pat`ai) rai "(lúa) rụng, (lúa) rài"
(lúa) rài
pat`ang "loại đất nhiễm mặn, có muối nổi trên mặt"
cà dang (Trung Bộ)
rato(ngrito(ng"(cá) lòng tong"
(cá) lòng tong
ri(n "cá linh"
(cá) linh
tak`alào "bằng lăng"
thao lao
tiong"(chim) yểng"
(chim) nhồng
Cách thức ăn, mặc, ở, đi lại
chai "nhựa, tinh dầu, dầu chai"
chaidầu chai
đuơng "dòi"
đuông (ăn đọt dừa, cau, chà là)
kađauk "đụt (mưa)"
đụt (mưa)
kakeh "cạy"
cạy (động tác chèo)
karah "nhẫn"
cà rá
klek "(cái) trách"
trách
k`ai patok "cây chống xe"
cây tó
k`e "ghe, bè, đò"
ghe
k`lah "(cái) trã"
trã
k`ok om "niêu, nồi nhỏ"
om (nồi đất nhỏ)
lôi "bơi, lội"
lội
pro(ng "lớn"
(nước) rông
p`ăk "kéo"
bác (động tác chèo)
p`lu "(cái) lu"
lu
ratăng "cà tăng"
cà tăng
thro(k"vơi, rút, ròng, rặc"
(nước) rặc
traik"(cây) dầu rái"
(cây) dầu rái
t`ăng "đứngdừng"
(nước) nhửng
Cách thức tổ chức xã hội cổ truyền
anưk rineh"con trẻ, trẻ con"
con nít con nôi
Chăm "Chàm, Chăm"
ChàmChăm
(Chăm) Hroi "(Chăm) Hroi"
(người, ma, ru) Hời
(Chăm) Hroi "(Chăm) Hroi"
(thành, muối) Lồi
halai "(con) thứ hai trở đi"
(con) rạ
kachua "(con) đầu lòng"
(con) so
kamay "đàn bà, nữ, gái"
(đàn ông) gà mái
likay "đàn ông, nam, trai"
(đàn bà) lại cái
muk"bà, mụ"
mụ (Trung Bộ)
mưnuih"người"
nậunẩu
ông"ông"
ôông (Trung Bộ)
rak "hắc lào"
lác
takai"chân"
cẳng
Tín ngưỡng, phong tục, lễ hội
dang "thần"
dàng (trời)
patao ia "thuỷ thần"
ma da
ikankan "cá"
(Đại) Càn (Nam Hải Đại Vương)
PôDang Inư Nưk`ăn "Thần-Mẹ-Xứ sở, Bà Chúa Xứ"
Thiên Y A NaBà Chúa Xứ
Ngôn ngữ
băng "lần, lượt"
bận
bông "trắng, sạch"
(trắng, sạch) bong
bông baik "sạch sành sanh"
(sạch) bách
chăn văn "bận rộn"
xăng văng
haluh, luh "cùn, mòn"
lụt
hap "đẹt, cằn"
(già, chín) háp
kêrê kăknan "bất hòa"
ke re cắc rắc
khiăk "cháy, khét"
khét
k`alè(c "cù"
cù lécchọc lécthọc léc
k`amrằm "quạu quọ"
càm ràm
k`anằn "kiêu ngạo"
cà nanh
k`anik "chật, hẹp"
(chật) ních
k`at "gạt, dối, lừa"
gạt
k`inòng "giận"
(giận, tức) cành hông
k`ơng"(già) khằn"
(già) khằn
lit`i lit`ia "rề rà"
cà rịch cà tang
miêt"mãi"
miết
nek"né, tránh"
praih praihkraih kraih "rỉ rả, rả rích"
lai rai
p`arằng p`arằng "mọi vật, mọi sự"
(trăm thứ) bà rằnghằm bà lằng
rah p`ah "quanh quẩn, loanh quanh"
cà rà
ralô panôik "ba hoa, lắm chuyện"
bô lô ba la
ray"vậy"
ri (Trung Bộ)
re ro"rón rén, lân la, lò mò"
rị mọ
rik "kéo cho khít"
(khít) rịch
ri(k "cổ, xưa"
(cũ) rích
ro ro "trơn tru"
ro ro
s`ao rào"chộn rộn, xôn xao"
chạo rạochộn rộn
truh "trui, tôi"
trui
t`ăng săng "đứng sững"
đứng chựng
t`êh"đó, nọ, kia"
 (Trung Bộ)
xit / axit "nhỏ, bé, tí"
(nhỏ) nhít
(Nguồn: Lý Tùng Hiếu & Lê Trung Hoa, Văn hoá Việt Nam qua ngôn ngữ, giáo trình nội bộ, Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, 2011)

Friday 15 February 2013

Việt Nam Cộng Hòa có chế độ đa đảng không?

Các từ điển Nguyễn Như Ý (1999), Hoàng Phê (2006) không có mục từ đa đảng. Nhưng nếu hiểu đa đảngnhiều đảng thì chế độ Việt Nam Cộng Hòa có đa đảng. Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng là những đảng có từ trước khi xuất hiện Việt Nam Cộng Hòa và tiếp tục tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa cùng với  các đảng hậu sinh: Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng (thời đệ nhất Cộng Hòa), Đảng Dân Chủ (thời đệ nhị Cộng Hòa), Đảng Tân Đại Việt, Đại Việt Cách Mạng Đảng...

Thursday 14 February 2013

KẺ là một từ Việt gốc Hán (Kiến Thức Ngày Nay số 229, 01-12-1996) (An Chi / Huệ Thiên)



                                                                                        
  ĐỘC GIẢ: Trên KTNN số 225, ông có viết: “Các từ làng, chạ và kẻ (...) là những từ Việt gốc Hán: làng là âm xưa của chữ trang 莊 (...) chạ là âm xưa của chữ  社 , kẻ là âm xưa của chữ giới 界 .” Làng là âm xưa của trangchạ là âm xưa của  thì còn tạm chấp nhận được vì dù sao thì vẫn còn gần âm chứ kẻ mà lại là âm xưa của giới thì thật là khó tin. Vả lại, các học giả đã chứng minh rằng kẻ là một từ thuần Việt thì làm sao nó lại có thể là một từ Việt gốc Hán được?

AN CHI: Vấn đề thực ra không phải là ở chỗ gần âm hay không mà lại là ở chỗ tương ứng ngữ âm có đúng quy luật hay không. Các hình thái như haryrhawrharkh của tiếng Armenia là cùng một nguồn gốc với các hình thái patêrpatrospateres của tiếng Hy Lạp (lần lượt theo thứ tự đã ghi): đó đều là danh cách số ít, sinh cách số ít, danh cách số nhiều của danh từ có nghĩa là “cha” trong hai thứ tiếng đó, bắt nguồn từ một từ Ấn-Âu chung. Đây là một sự thật mà tất cả các nhà Ấn Âu học đều nhất trí thừa nhận mặc dù các hình thức tương ứng đó rất xa nhau về ngữ âm.

Bây giờ xin đề cập đến từ kẻThời đại Hùng Vương của Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng (KHXH, Hà Nội, 1973) đã dành ra hơn 3 trang để bàn về từkẻ này. Vì đây là một quyển sách thừa hưởng và tổng hợp những kết quả của 4 cuộc hội nghị quy mô lớn về thời kỳ “Hùng Vương dựng nước” nên chúng tôi xin lấy ý kiến trong sách này làm cơ sở để thảo luận cho thuận tiện (Phần bàn về từ kẻ là do Nguyễn Linh viết).

Nguyễn Linh cho rằng “những tên nôm với yếu tố kẻ rất nhiều: hầu hết xã thôn Việt-nam ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, bắc Trung bộ (khu IV cũ) đều có. Nhưng đi quá vào Nam Trung bộ, Nam bộ thì ít dần đi rồi không thấy nữa. Ở vùng thượng du Bắc bộ cũng thấy rất ít, hầu như không đáng kể” (tr.49). Ý tác giả cho rằng vì vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ cùng với Bắc Trung bộ là địa bàn cổ xưa của người Việt nên mới có những địa danh mang yếu tố kẻ còn Nam Trung bộ và Nam bộ là vùng đất mới nên không có địa danh mang yếu tố đó. Từ đây suy ra, kẻ là một yếu tố thuần Việt đã được sử dụng tại địa bàn cổ xưa của người Việt. Thực ra sở dĩ “đi quá vào Nam Trung Bộ và Nam Bộ việc sử dụng yếu tố kẻ ít dần đi rồi không thấy nữa” thì chỉ là vì khi lưu dân người Việt bắt đầu vào đến vùng đất mà ngày nay là miền Nam Trung Bộ thì từ kẻ đã không còn thông dụng nữa mà đang trở thành một từ cổ. Còn sở dĩ ở vùng thượng du Bắc Bộ cũng thấy rất ít thì vì đó là vùng cư trú của các dân tộc thiểu số chứ không phải của người Kinh (Việt). Vậy nguyên nhân của sự vắng mặt của yếu tố kẻ ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ và nguyên nhân của sự vắng mặt của nó ở thượng du Bắc Bộ là hai nguyên nhân hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng làm một được.

Nguyễn Linh khẳng định rằng “trong nhiều tên làng Việt-nam, từ kẻ trong những tên nôm được phiên âm ra tên Hán-Việt bằng từ cổ (viết như chữ “cổ” trong “cổ đại”). Ở Lưỡng Quảng, những địa danh có chữ cổ đứng đầu rất phổ biến, rất tập trung. Nhìn rộng ra toàn Trung-quốc thì địa danh có chữ cổ còn thấy rải rác ở Cam-túc, Tứ-xuyên, Quý-châu, Vân-nam, nhưng tập trung nhất là ở vùng Lưỡng Quảng” (tr.49,50). 

Thực ra, làm sao mà một nguyên âm hàng trước không tròn môi như e lại có thể được phiên âm bằng một nguyên âm hàng sau tròn môi như ô? Một cuốn sách có nhiều thiếu sót trong phiên âm như An Nam dịch ngữ (X.bản do Vương Lộc giới thiệu và chú giải, Hà Nội - Đà Nẵng, 1995) cũng không hề có trường hợp nào lại phiên âm một cách bất hợp lý đến thế (X. các từ: bé, bẻ, mẹ, nghe, xé, the, chè, sẽ lần lượt ở các trang 115, 143, 150, 157, 158, 166, 169, 183). Cổ không hề là hình thức phiên âm của kẻ. Lê Văn Hòe đã chứng minh rằng nhiều địa danh Hán-Việt có yếu tố cổ 古 đứng đầu đã được đặt ra vào thời quân Minh xâm chiếm rồi cai trị nước ta mà không hề phiên âm từ một tên nôm nào bắt đầu bằng yếu tố kẻ. Ông viết: “Nghiên cứu lịch sử thời này, ta thấy có đặc điểm là quân Minh rất sính dùng chữ Cổ (là cũ, là xưa, là không theo ngày nay) để đặt tên thành, tên huyện. Ví dụ: Lộ Đông-đô có các huyện Cổ-bảng, Cổ-giả, Cổ-lễ; lộ Lạng-giang có Cổ-dũng, Cổ-lũng; lộ Đà-giang có Cổ-nông, lộ Long-hưng có Cổ-lan; lộ Hải-đông có Cổ-phí; trấn Thanh-đô có các huyện Cổ-đằng, Cổ-hoằng, Cổ-lôi, v.v.. Khi đổi tên các huyện cũ ra tên mới, họ thích lấy chữ Cổ mà đặt, như đổi huyện Đỗ gia làm Cổ-đỗ, huyện Đặng-gia làm Cổ-đặng, huyện Tư-nông làm Cổ-nông, v.v.. Sang thời nhà Lê, sau khi đánh đuổi quân giặc, giành lại đất nước, triều đình ta đã bỏ hết các tên huyện bắt đầu bằng chữ Cổ. Kiểm điểm hàng mấy trăm tên huyện thời Lê Nguyễn, ta không thấy có tên nào có chữ Cổ trên đầu” ("Góp ý với ông Đào-duy-Anh về vấn đề Loa-thành", Nghiên cứu lịch sử, s.86, 5-1966, tr.43-44).

Tóm lại, việc dùng từ cổ làm yếu tố đầu trong địa danh là một cách làm của quân Minh ở nước ta cũng như của người Hán bên Trung Hoa. Chính vì vậy mà từ cổ mới hiện diện trong nhiều địa danh ở Cam Túc, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và Lưỡng Quảng như Nguyễn Linh ghi nhận.

Nguyễn Linh còn khẳng định rằng “Từ kẻ có thể thay thế bằng từ làng (...) nhưng (...) không thể thay thế bằng từ  là một từ Hán Việt, cũng như không thể đặt trước một tên Hán Việt. Có thể gọi Kẻ Noi (Cổ-nhuế) hay Noi hoặc làng Noi, nhưng không ai gọi kẻ Cổ-nhuế cả” (tr.51). Thật ra tác giả Nguyễn Linh đã không điều tra cẩn thận và chưa thống kê đầy đủ nên mới không biết được rằng kẻ chẳng những có thể tương đương vớixã mà lại còn có thể đi chung với địa danh Hán Việt chánh cống, thậm chí địa danh Hán Việt hai âm tiết nữa. Sau đây mới chỉ là một số dẫn chứng ít ỏi bước đầu thấy được ở tài liệu viết tay năm 1632 của Gaspar d’Amaral: làng Kẻ Tranh XuyênKẻ Lương Trung xã,kẻ An Lãngkẻ Vĩnhkẻ Mộckẻ Giánkẻ Vĩnh Cang, v.v.. (Dẫn theo Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Ra khơi, Sài Gòn, 1972, tr.57-63). Vĩnh, MộcGiánTranh XuyênLương TrungAn LãngVĩnh Cang là gì nếu không là những địa danh Hán Việt? Và nếu kẻ không tương đương với  thì làm sao lại có thể nói được “Kẻ Lương Trung xã”? Đó là chỉ mới nhờ vào những trang viết tay của Gaspar d’Amaral mà biết được; nếu đi sâu vào thư tịch Hán Nôm của các địa phương thì chắc chắn là sẽ còn phát hiện được thêm nhiều chứng liệu hơn nữa về hiện tượng kẻ đi chung với địa danh Hán Việt hai âm tiết.

Còn nếu chỉ cần đến cấu trúc “kẻ + địa danh Hán Việt đơn tiết” thì riêng tác giả Lê Trọng Khánh cũng đã cung cấp cho chúng ta quá nhiều dẫn chứng khi muốn chứng minh rằngkẻ là một yếu tố “thuần Việt”, rằng “địa danh có từ kẻ hình thành từ khi dựng nước Văn Lang”! Sau đây chỉ là một số nêu làm tin vì Lê Trọng Khánh đã đưa ra quá nhiều: kẻ Đãngkẻ Anhkẻ Amkẻ Bìnhkẻ Đậukẻ Địnhkẻ Độkẻ Đườngkẻ Hoàngkẻ Lãm, kẻ Lãngkẻ Lễ, kẻ Lôi, kẻ Luyệnkẻ Nôngkẻ Pháp, v.v.. (Từ cứ liệu địa danh ngôn ngữ có từ “kẻ”, suy nghĩ về không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Nghiên cứu lịch sử, s.2, 1983, tr.38-39).

Tóm lại, khẳng định rằng từ kẻ chỉ đi chung với địa danh “thuần Việt” là đã đưa ra một ý kiến hoàn toàn không đúng với thực tế. Chúng tôi cũng rất tiếc rằng trong đoạn lập luận trên đây, Nguyễn Linh lại còn nhầm lẫn hiện tượng đồng đại với hiện tượng lịch đại. Khi từ kẻ còn thông dụng thì chữ 汭 còn được phát âm thành Noi nên tất nhiên người ta chỉ có thể nói kẻ Noi mà không thể nói thành “kẻ Nhuế” được. Đến khi chữ 汭 được đọc là thành Nhuế thì kẻ đã trở thành một từ cổ nên tất nhiên cũng chẳng có ai ghép hai từ đó lại với nhau mà nói thành “kẻ Nhuế”. Trong khi đó thì từ lâu cấu trúc “kẻ Noi” đã trở thành một từ tổ cố định trong lời ăn tiếng nói của dân gian. (Xin lưu ý rằng noi là âm xưa còn nhuế là âm nay của chữ Hán đang xét).

Tóm lại, tất cả những điều mà Nguyễn Linh đã đưa ra để chứng minh rằng kẻ là một yếu tố “thuần Việt” đều không thể đứng vững được. Kẻ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 界 mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là giới, âm Hán Việt hiện đại ít thông dụng hơn là giái còn âm Hán Việt chính thống hiện đại thì lại là cái vì thiết âm của nó trong Quảng vận là “cổ bái thiết”. Giới/cái có nghĩa gốc là lằn ranh giữa hai (hoặc nhiều) vùng đất, rồi có nghĩa phái sinh theo hoán dụ là vùng đất giới hạn trong lằn ranh đó; cuối cùng mới có cái nghĩa rộng là một vùng đất nhất định. Đây chính là nghĩa của từcái trong thành ngữ lạ nước lạ cái (= lạ nơi lạ chốn) và nghĩa của từ kẻ trong kẻ Chợ, kẻ Noikẻ Sặt, v.v.. Giới/cái 界 là một chữ thuộc vận bộ quái 怪, tức vận - ai [aj] mà cách đọc xưa là e [ɛ] (không có âm cuối vần), giống với vận bộ quái 卦 mà âm xưa là quẻ, như Vương Lực đã chứng minh trong Hán ngữ sử luận văn tập (Bắc Kinh, 1958, tr.365-367). Vậy kẻ (vùng đất nhất định) ~ giới/cái 界 cũng giống như: – quẻ (bói) ~ (bát) quái; – khỏe (mạnh) ~ khoái (hoạt); – ghẻ (chốc) ~ giới/cái 疥 (= ghẻ), – đặc biệt hoàn toàn giống như kẻ (trong kẻ ở người đi) ~ giới/cái 介 (= người. Từ hải : 一介 nhất giới/cái = 一人 nhất nhân). Nhưng đặc biệt hơn hết là liên quan đến chữ 界 đang xét, chúng ta còn có:

(thước) kẻ ~ giới/cái (xích)vì giới/cái còn có nghĩa là "kẻ hàng", "gạch hàng" nữa: giới xích là "thước kẻ", giới chỉ là "giấy kẻ (hàng)", v.v..
Tóm lại, kẻ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một nguyên từ ghi bằng chữ 界 như đã nói ở trên.
Cũng xin nói thêm rằng các yếu tố đơn tiết đi sau từ kẻ thường bị ngộ nhận là những địa danh “thuần Việt” trong khi mà chúng hầu hết đều là âm xưa của các chữ Hán hữu quan. Thí dụ tên của làng Chèm, gốc là Trèm, chính là âm xưa của chữ liêm 廉, là một chữ thuộc thanh mẫu lai 來. Về mối quan hệ tr ~ l, người ta có hàng loạt ví dụ: trộm (nghĩ) ~lạm 濫 (lạm phép = trộm phép); tràn (đầy) ~ lan 瀾 (sóng lớn; dậy sóng; lan ra); (từng)trải ~ lý 履 (= đạp, đi); trội ~ lỗi 磊 (= tài giỏi); v.v..

Ai bảo sử gia cứ phải là giáo sư tiến sĩ?



Từ điển Đào Duy Anh (2005:689) định nghĩa sử gianhà viết sử. Hoàng Phê (2006:876) định nghĩa là nhà nghiên cứu và biên soạn lịch sử, nhà sử học. Mấy định nghĩa này không tính đến học hàm, học vị vì những chuyện đó không ăn nhập gì tới danh xưng sử gia hay nhà sử học. 
Cũng theo các định nghĩa trên thì sử gia không cao, không thấp hơn nhà sử học. Chẳng lẽ nhà ngôn ngữ học, nhà toán học kém xa ngôn ngữ học gia, toán học gia? Một nhà-nghiên-cứu-văn-học-dân-gian có cách nào nâng cao địa vị của mình chỉ bằng cách ghép từ gia vào tên chuyên ngành không?

Tuesday 12 February 2013

VÀI NÉT VỀ KINH TẾ XÃ HỘI ĐƯỢC PHẢN ÁNH QUA LUẬT PHÁP THẾ KỶ XI-XIV - Vũ Xuân Hiển

29. Vài nét về kinh tế xã hội được phản ánh qua luật pháp thế kỷ XI-XIV
Cập nhật lúc 15h37, ngày 11/08/2009
VÀI NÉT VỀ KINH TẾ XÃ HỘI ĐƯỢC PHẢN ÁNH QUA LUẬT PHÁP THẾ KỶ XI-XIV

VŨ XUÂN HIỂN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm


Có thể nói pháp luật thời Lý - Trần đã đề cập đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, phản ánh những lĩnh vực của các ngành luật cụ thể. Qua những điều luật còn lại trong chính sử, chúng tôi chỉ nêu lên một số nội dung phản ánh những nét chính của luật pháp thời kỳ này làm sáng rõ thêm tình hình kinh tế, văn hóa xã hội để bạn đọc quan tâm cùng tham khảo.
Trước hết luật pháp xác nhận và bảo vệ quyền tư hữu. Đứng về phương diện tiến hóa, từ sở hữu cộng đồng thị tộc sang chế độ tư hữu là một bước nhảy vọt của xã hội loài người. Ở Việt Nam, tư hữu đã nảy sinh từ lâu, đó chính là nhân tố thúc đẩy sự phân hóa xã hội, hình thành các giai cấp nhà nước. Trong cơ cấu kinh tế tiền tư bản, sở hữu ruộng đất là cơ sở quyết định nhất. Vì thế sự xác nhận quyền sở hữu ruộng đất cũng là nội dung cơ bản của luật pháp thời kỳ này. Chúng ta biết, cho đến thế kỷ X-XIV, bao trùm lên trên tất cả mọi sở hữu ruộng đất ở Việt Nam là sở hữu nhà nước và ruộng đất công của làng xã. Bên cạnh đó, sở hữu tư nhân về ruộng đất cũng dần dần phát triển, sự phát triển của kinh tế hàng hóa và tư hữu nói chung tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chế độ ruộng đất tư v.v... Song ở đây chúng tôi tạm nêu ra những yếu tố thể hiện rõ về tình hình kinh tế, xã hội thời bấy giờ như sau:
I. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị trên cơ sở chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất
1. Vấn đề ruộng đất
Năm 1135, Lý Thần Tông xuống chiếu: “Những người bán ruộng, ao không được bội tiền lên mà chuộc lại, làm trái thì phải tội”(1). Nhà nước đã quy định thành nguyên tắc pháp lý khẳng định và ổn định quyền tư hữu: bán đứt là bán hẳn không được chuộc lại, dù chuộc gấp bội tiền lên. Trong thực tế, nếu tăng tiền chuộc lên cao để lấy lại ruộng đã bán đoạn thì đó là việc mua đi bán lại, mua đắt bán rẻ mà người có ruộng đem bán phải chịu thiệt, nhưng ngay cả hành vi chịu thua lỗ đó cũng không được phép. Chúng ta thấy luật pháp sử dụng hai mức độ để chỉ nguyên tắc này: bán đứt, bán đoạn... Năm 1142, vẫn theo nguyên tắc trên, Lý Anh Tông lại xuống chiếu quy định bổ sung: “Những người bán đoạn ruộng hoang hay ruộng thực đã có văn khế rồi thì không được chuộc lại nữa, làm trái, xử 80 trượng”(2). Nhà nước còn quy định rõ về việc cầm đợ ruộng đất như sau: Ruộng đất đã từng cày cấy đem cầm độ thì được phép chuộc về trong thời hạn 20 năm, quá hạn ấy thì không được chuộc nữa, và người nhận ruộng cầm được phép trở thành chủ sở hữu chính thức. Trong việc tranh giành kiện cáo ruộng đất kéo dài tới 5, 10 năm không xong thì người chủ không được phép kiện nữa. Bằng các điều quy định trên, nhà nước ủng hộ việc chấp chiếm ruộng đất của những người quyền thế. Nó có lợi trước hết cho những kẻ có thế lực. Thậm chí ruộng có chủ hẳn hoi nếu để hoang bị người khác cày cấy thì chỉ được thưa kiện trong vòng một năm, sau đó không được phép kiện nữa, làm trái, xử 80 trượng(3). Chi tiết này phản ánh rằng, nhà nước khuyến khích sản xuất, không để cho ai bỏ đất hoang, song mặt khác cũng phản ánh sự bao che việc chiếm ruộng của người khác thành ruộng tư hữu. Như thế, nhà nước phong kiến khẳng định và bảo vệ quyền tư hữu ruộng đất và còn tạo điều kiện thuận lợi cho tầng lớp trên có quyền thế chiếm đoạt đất đai của dân làm của riêng.
Qua các điều luật trên, chúng ta biết được tình trạng chấp chiếm ruộng đất thời kỳ này khá phổ biến. Việc xét xử, phân giải các cuộc tranh kiện về ruộng đất đã trở thành công việc thường xuyên của các nhà chức trách. Các cuộc tranh kiện ở nhiều mức độ khác nhau: trường hợp đã bán rồi chuộc lại; trường hợp cầm cố chuộc lại hoặc vì một lý do gì đó chủ ruộng đất bị mất đất phải kiện... Từ thực tế đó, nhà nước quy định những căn cứ pháp lý cho việc bán ruộng hay cầm đợ ruộng đất phải làm hai bản giống nhau, mỗi bên cầm một bản. Đến thời Trần (năm 1237) lại quy định cụ thể hơn: “Chúc thư, văn khế nếu là giấy tờ về ruộng đất, vay mượn, thì người làm chứng in dấu vân tay ở ba dòng trước, người bán in dấu vân tay ở bốn dòng sau”(4).
2. Vấn đề bảo vệ sức lao động nông nghiệp
Ngay sau khi mới lên ngôi (1010) Lý Công Uẩn đã xuống chiếu bắt tất cả những người đào vong phải trở về bản quán. Một chính sách khác, có thể nói là một sự mở đầu sáng tạo của triều Lý là chính sách “Ngụ binh ư nông”. Bằng chính sách đó, nhà nước Lý - Trần và các nhà nước sau này vừa đảm bảo sản xuất, xây dựng củng cố quốc gia, mặt khác sẵn sàng có lực lượng đánh bại những cuộc xâm lược của phương Bắc và các cuộc xâm lấn của các quốc gia khác.
3. Vấn đề xây dựng, bảo vệ các công trình trị thủy, thủy lợi
Vấn đề xây dựng, bảo vệ các công trình trị thủy, thủy lợi có vai trò quan trọng trong thời kỳ này. Tác giả Cao Hùng Trưng chép về công việc sửa đắp đê thời đó như sau: "Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu năm các quan coi đê phải lo đốc thúc nhân dân phụ cận, không kể sang hèn già trẻ đều phải đi đắp, chỗ nào thấp thì gia cao lên, chỗ nào lở thì bồi bổ lại...”. Nhà nước trừng trị những quan lại không làm tròn bổn phận để đê điều bị vỡ, làm mất mùa, trôi dạt nhà cửa của dân như theo Cao Hùng Trưng viết: “Vào tháng 6, tháng 7, viên Đê sứ phải thân đi tuần hành, thấy chỗ nào non phải tu bổ ngay, nếu biếng nhác không tròn nhiệm vụ để đến nỗi trôi dân cư, ngập lúa má, sẽ tùy tội nặng nhẹ mà khiển phạt. Do đó trừ được thủy hại, thỏa lòng dân, đất không bỏ hoang”(6). Như vậy ở thời Trần, công việc sửa đắp đê điều hàng năm được coi là nghĩa vụ của toàn dân, kể cả học sinh trường Quốc tử giám và các nhà quý tộc... Ngoài công việc xây đắp và tu sửa đê điều, nhà nước Lý - Trần còn tiến hành hàng loạt các công trình thủy lợi khác như đào vét khơi sông, đào kênh dẫn nước, đắp đê ngăn nước mặn... Nhờ những chính sách tiến bộ, có lợi cho sản xuất nông nghiệp nên trong thời Lý Trần mặc dù chiến tranh liên miên chống ngoại xâm, nông nghiệp vẫn có những bước tiến bộ rõ rệt. Nhiều năm được mùa lớn, nhà nước xá thuế cho dân...
4. Vấn đề an ninh trật tự, thực hiện pháp luật
+ Xử lý các tội trộm cắp
Để bảo vệ tư hữu nói chung, bên cạnh việc xác nhận tư hữu ruộng đất là nội dung chính, luật pháp thời kỳ này còn có những điều luật nghiêm ngặt đối với những kẻ vi phạm quyền tư hữu tài sản. Tội trộm cắp bị xử rất nặng.
Năm 1117, Lý Nhân Tông ra chiếu chỉ: “Những kẻ trộm và giết trâu xử 80 trượng, đày làm khao giáp, còn vợ thì xử 80 trượng, đày làm tang thất phụ, lại phải đền trâu. Nhà láng giềng không tố cáo thì bị đánh 80 trượng)(7).
Đến thời Trần thì đề ra: Trộm nếu lần đầu đánh 80 trượng, thích chàm vào mặt hai chữ “phạm đạo”. Những đồ vật lấy trộm thì một phần đền 9 phần, nếu không đền được thì bắt vợ con sung làm nô tỳ. Tái phạm thì bị chặt chân tay, phạm lần thứ ba thì bị giết. Trần Phu cũng chép: “Thời Trần, người phạm tội ăn trộm bị chặt chân tay, có khi bị đem cho voi giày”(8). Luật pháp còn quy định: Những trộm cướp trốn bắt được hễ ai dung túng chứa giữ ở trong nhà không dẫn đến quan thì bị xử cùng tội với kẻ trộm hoặc phải xử 80 trượng.
+ Giải quyết việc chuộc tội
Thời kỳ này, cùng với tư hữu và kinh tế hàng hóa, đồng tiền cũng xuất hiện và ngày càng can thiệp sâu vào các hoạt động luật pháp. Lệ chuộc tội bằng tiền đã là một hiện tượng công khai và có những điều quy định chính thức của nhà nước. Những quan lại khi làm nhiệm vụ về luật pháp cũng được phép lấy tiền cước lục (sức chân) và tiền bình bạc (tiền tiêu phí khi xét xử). Năm 1230, Trần Thái Tông xuống chiếu cho phép các giám ngục xét xử được lấy tiền cước lục tùy theo nhật trình xa hay gần. Năm 1241, cho phép các ty xử án được lấy tiền bình bạc khi xét xử... Điều đó chứng tỏ kinh tế hàng hóa và tiền tệ đã phát triển và xâm nhập vào cả những hoạt động luật pháp.
Suy cho cùng, sự phát triển nội tại của nền kinh tế xã hội đưa đến sự ra đời của tư hữu, chế độ ruộng đất tư và kinh tế hàng hóa. Đó là sự phát triển khách quan. Luật pháp phản ánh thực tế đó và về mặt nào đó tạo điều kiện cho nó phát triển.
Song song với việc khẳng định và bảo vệ tư hữu, pháp luật thời kỳ này cũng khẳng định và duy trì sự phân biệt đẳng cấp. Luật pháp của nhà nước thời kỳ này bảo vệ đặc quyền đặc lợi về mọi mặt: kinh tế, chính trị, xã hội cho tập đoàn quý tộc tôn thất và quan lại phong kiến. Sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội thời kỳ này thể hiện rõ rệt qua ba đẳng cấp chính đó là: Đẳng cấp quý tộc tôn thất và quan lại trong chính quyền phong kiến; đẳng cấp những người bình dân - chủ yếu là nông dân các làng xã, một ít thợ thủ công và thương nhân, địa chủ...; đẳng cấp cuối cùng là nô tỳ.
+ Bảo vệ hoàng gia
Cũng như mọi nhà nước của giai cấp bóc lột khác, nhà nước thời Lý - Trần bằng luật pháp của mình bảo vệ đặc quyền đặc lợi của bọn quan liêu quý tộc theo tinh thần “khoan” với tầng lớp trên và “khắc” với nhân dân. Pháp luật quy định 10 tội lớn nhất, bị trừng trị nặng nhất. Đó là những tội vi phạm đến ưu quyền tuyệt đối của nhà vua và hoàng gia. Năm 1150, Lý Anh Tông quy định những điều cấm ở trong cung phủ nhằm mục đích bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhà vua và hoàng gia(9). Năm 1149, vua Lý lại quy định như sau: “Cấm hoạn quan không được tự tiện vào nơi cung cấm; ai vi phạm cấm thì bị trị tội chết, kẻ nào canh giữ không nghiêm cẩn, để cho người khác vào cung cũng sẽ bị tội như vậy. Các quan trong triều không được đi lại tự tiện với các nhà vương hầu; ở trong cung cấm không được hội họp, bàn bạc, chê bai. Không được qua lại ngoài địa đầu hành lang là chỗ để giới khí của quân phụng quốc đô. Ai can phạm sẽ phải phạt 80 trượng và bắt tội đồ; người nào vào trong hành lang ấy thì bị tử hình. Người giữ việc phòng vệ ở hành lang nếu không có chiếu chỉ mà tự tiện cầm khí giới qua địa đầu hành lang thì cũng đồng tội...”(10). Pháp luật thời Trần quy định rằng: “Mưu phản thì phải giết hết thân tộc”(11). Đấy là tội lớn nhất trong 10 tội “thập ác”. Các nhà nước phong kiến nói chung, nhà nước thời Lý - Trần nói riêng luôn luôn phải tiến hành xử các vụ phản nghịch và đối với những tội đó, pháp luật trị rất nghiêm khắc.
Trái lại, những họ hàng tôn thất của vua nếu phạm tội thì bị xử nhẹ, hơn hoặc có thể chuộc tội bằng tiền. Trong lệ nộp tiền chuộc tội của nhà Lý quy định có hai đẳng cấp: Đẳng cấp bình dân (dân) thì phải người già hoặc trẻ con và đẳng cấp những người quý tộc họ hàng với vua để tang nhau từ 9 tháng trở lên(12). Nhờ thế mà Trần Lão mặc dù phạm tội làm thư nặc danh phỉ báng triều đình, được chuộc tội bằng 1.000 quan tiền, đồ làm binh, còn “tên Mãnh” là gia nô của Trần Lão thì bị xử lăng trì ở xã chợ(13).
Sự phân biệt đẳng cấp còn được quy định nghiêm ngặt trong cách trang phục, nhà cửa. Nhà Lý cấm con gái dân gian không được bắt chước kiểu búi tóc như các cung nhân. Nếu vi phạm coi như phạm pháp và bị trị tội.
Như vậy, đối với đẳng cấp thứ nhất - đẳng cấp trên của xã hội, pháp luật ra sức bảo vệ về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội; từ sự an toàn tuyệt đối cho dòng họ vua đến sự khác biệt trong sinh hoạt và khi bị tội thì được quyền ưu tiên hơn trước pháp luật.
Đẳng cấp thứ hai chủ yếu gồm nông dân làng xã, thợ thủ công, thương nhân và địa chủ bình dân... Đây là đẳng cấp đông đảo nhất trong xã hội, là lực lượng sản xuất chủ yếu, gánh vác nhiều nghĩa vụ nhất trong xã hội. Trong luật pháp của nhà nước và chiếu chỉ của vua, đẳng cấp này được gọi chung một chữ “dân” hoặc “bách tính”.
Đẳng cấp cuối cùng, bị coi là thấp kém nhất trong xã hội là nô tỳ. Nô tỳ cũng có nhiều loại: nô tỳ làm việc trong nhà quý tộc, quan lại gọi là “gia nô” hoặc “tư nô”; nô tỳ của nhà nước làm đồn điền, làm ruộng và các công việc khác có tính công cộng của nhà nước.
Xét về địa vị kinh tế, chính trị, xã hội của nô tỳ, ta thấy rất thấp kém. Nô tỳ không được phép có tư liệu sản xuất, không có quyền sử dụng chính bản thân sức lao động của họ, hoàn toàn phụ thuộc vào chủ. Nô tỳ bị thích chữ vào mặt mang hàm hiệu của chủ. Năm 1360, nhà Trần xuống chiếu bắt các gia nô của các vương hầu công chúa đều phải thích chữ vào trán chỉ rõ xưng hàm; nếu không bị coi là giặc cướp, tội nặng thì trị, tội nhẹ thì sung làm quan nô(14). Nô tỳ không được quyền kết hôn với con gái nhà bách tính (thường dân - thuộc đẳng cấp thứ hai)(15). Khi chủ chết, nô tỳ còn bị chôn theo. Năm 1117 Hoàng thái hậu nhà Lý chết, làm lễ hỏa táng bắt hai người hầu gái đem tuẫn táng(16). Nô tỳ trong chiến đấu dù có công lớn cũng không được dự vào hàng quan tước trong triều đình. Trường hợp gia đồng của Hưng Hiếu vương thời Trần tức Phạm Tải là một bằng chứng. Về mặt pháp luật, nô tỳ không có quyền trước pháp luật.
Tuy nhiên, sự phân biệt trên không phải là hoàn toàn tuyệt đối. Nhất là trong xã hội thời kỳ này còn đang sơ khai, xã hội còn đang biến động. Điều đó cho phép có sự di chuyển về đẳng cấp, và có thể tạm coi đó là một nét “cởi mở” của luật pháp thời kỳ này. Đối với đẳng cấp thứ nhất thì không có trường hợp bị rơi xuống hàng nô tỳ và nô tỳ cũng không thể tham dự vào đẳng cấp đó được. Còn lại, đẳng cấp những người bình dân, bằng khoa cử đỗ đạt, bằng chiến công trong chiến đấu hoặc bằng con đường hôn nhân có thể tham dự vào đẳng cấp trên. Ngược lại, một số quý tộc vì có tội phản nghịch... bị mất tước trở thành thứ dân... Đặc biệt giữa hai đẳng cấp thứ 2 (bình dân) và nô tỳ có sự giao lưu thường xuyên. Người thường dân có thể được chuộc lại thành dân bình thường (đẳng cấp thứ 2). Năm 1103, thái hậu nhà Lý chuộc những người con gái nhà nghèo đã bán đợ mình đem gả cho những người góa vợ(17). Năm 1192 vua Lý xuống chiếu cho người bán ruộng đất và nô tỳ được phép chuộc lại trong vòng 1 năm(18). Trong điều kiện đất nước luôn luôn có những cuộc chiến tranh ác liệt chống ngoại xâm, một số nô tỳ tỏ sự trung thành với chủ, có những đóng góp đáng kể trong chiến đấu được vua Trần và các tướng đối xử tử tế hơn như trường hợp Yết Kiêu, Dã Tượng nô tỳ của Hưng Đạo vương hoặc thái độ của Trần Nhật Duật đối với nô tỳ là một ví dụ. Song đó chỉ là trường hợp cá biệt trong chiến tranh, còn thân phận nô tỳ trước pháp luật vẫn không có.
Cùng với các điều luật về các mặt kinh tế, chính trị thời kỳ này nhà nước cũng đã quan tâm đến các vấn đề xã hội, phản ánh quan điểm đạo đức thống trị đương thời.
5. Hôn nhân và gia đình
Về mặt pháp luật, hôn nhân đa thê được pháp luật thừa nhận. Xuất phát từ tư tưởng phân biệt đẳng cấp, pháp luật cấm sự kết hôn giữa gia nô và con gái nhà bách tính(19). Tuy nhiên, luật pháp cũng ngăn cấm những hiện tượng không lành mạnh trong xã hội về quan hệ hôn nhân. Những quan hệ bất chính giữa nam nữ được pháp luật nghiêm cấm. Thí dụ tháng 9-1042; nhà Lý quy định: “Kẻ nào đêm vào nhà người ta gian dâm với vợ cả vợ lẽ người ta, chủ đánh chết ngay lúc bấy giờ cũng không phải tội”(20).
6. Bảo vệ con người
Các tội tòng phạm, đánh người, giết người là những tội hình sự bị trừng trị khá nặng. Pháp luật của nhà Lý quy định: Ai che giấu kẻ trộm cướp thì phải xử cùng tội với kẻ cướp hoặc phải xử 80 trượng. Pháp luật nghiêm cấm dân không được dùng tre gỗ và những đồ sắc nhọn đánh nhau; phàm người nào đánh giết người thì bị một trăm trượng, thích 50 chữ và phải tội đó(21).
7. Tham ô đút lót
Nạm quan lại tham ô, ăn đút lót là một nạn khá phổ biến trong các xã hội phong kiến. Pháp luật thời kỳ này đã có những điều luật trừng trị những kẻ thu thuế phù lạm, ăn của đút lót(23). Người thu thuế nếu thu quá lệ, bị xử tội giống như tội ăn trộm. Nhà dân nào cáo tỏ sự thu thuế phù lạm được miễn dịch 3 năm, người kinh thành cáo giác ra thì có thưởng. Nhà Trần trừng trị rất nặng tội ăn của đút lót. Tháng 3 năm 128, Trần Phẫu phải tội lăng trì vì ăn của đút lót 100 lạng vàng và vu cáo Quốc Tuấn mưu phản. Về tội ăn của đút lót, nhà Trần còn quy định cụ thể như sau: Khố ty thu thuế lụa, nếu ăn lễ lấy lụa của người thì cứ mỗi thước lụa phạt 100 trượng, mỗi tấm lụa phạt phối dịch một năm, còn trên số ấy thì cứ chiếu theo số tấm lụa lấy đó mà tăng số năm phối dịch.
8. Tội đánh bạc
Tội đánh bạc cũng bị nghiêm trị. Tháng 3-1269, Nguyễn Húy tước Thượng thẩm đánh bạc phạm pháp, nhà vua bắt đánh bằng trượng cho đến chết (23). Như vậy là các mặt về xã hội đều được pháp luật đề cập đến và trong khi thi hành nhà nước có những điều luật khá cụ thể. Những điều luật đó phần nào ngăn chặn những hành động xấu trong xã hội. Chúng ta chưa biết hiệu lực của các điều luật đó, tác dụng ngăn chặn và trừng trị các tệ nạn xã hội đến mức nào. Song, một điều chắc chắn là nó phản ánh những vấn đề hiện thực của xã hội đề ra cũng như cách giải quyết những vấn đề xã hội đó theo hướng tiến bộ của nhà nước quân chủ thời đó.
II. Bản chất pháp luật trong thời kỳ Lý - Trần
Lý - Trần là một trong những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử. Nhà nước phong kiến củng cố vững chắc bộ máy quản lý của mình để thực hiện chức năng nội trị, ngoại giao. Nhà Trần trước, trong và sau khi chiến thắng ngoại xâm đề chủ trương pháp trị. Có thể thấy đây là chủ trương đúng đắn và mang tính tiến bộ trong thời kỳ xã hội Việt Nam trong thời kỳ du nhập và hòa đồng ba dòng tư tưởng triết học phương đông là Nho, Phật và Lão.
Chúng ta có thể thấy pháp luật thời Lý - Trần bộc lộ một số đặc điểm cần chú ý như sau:
- Ngoài bản chất giai cấp thể hiện rất rõ qua thống kê các ví dụ ở phần trên, cần nhấn mạnh một vấn đề là: Pháp luật của nhà nước phong kiến thời Lý - Trần không thoát khỏi bản chất giai cấp phong kiến, bảo vệ quyền lợi vật chất, chính trị của nhà vua và hoàng tộc. Việc răn đe, xử phạt chỉ được quy định cho tầng lớp thứ dân với những hình phạt tưởng chừng như bảo đảm an ninh trật tự cho xã hội, thực ra chính để bảo vệ sự an toàn cho nhà vua mà thôi.
- Việc xây dựng pháp luật thời Lý - Trần thể hiện quá trình hình thành và phát triển kỹ năng lập pháp phong kiến. Đặc điểm nổi bật của nó là: tính áp đặt một chiều (các quy định pháp lý do nhà vua ban hành nhằm thỏa mãn ý đồ quản lý của nhà vua); tính không ổn định (áp dụng trong những thời điểm cần thiết); hiệu lực điều chỉnh không thống nhất, không triệt để (chúng ta đều biết có một hình thức điều chỉnh hành vi của công dân trong thời kỳ phong kiến có giá trị lâu dài, nhưng rất phân tán, đó là hương ước). Nhiều khi pháp luật của triều đình không thể điều chỉnh xuống tới tận phạm vi làng xã do gặp phải sức cản của hương ước, theo kiểu " phép vua thua lệ làng".
- Là một đất nước nông nghiệp, ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu, nên ruộng đất được coi như đối tượng, môi trường mà ở đó xảy ra nhưng mối quan hệ xã hội. Vì vây, pháp luật Lý - Trần tập trung việc điều chỉnh của mình vào những mối quan hệ đó trên nguyên tắc: bảo vệ chế độ sở hữu, chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Các hình phạt dùng để răn đe những vi phạm trong xã hội, có thể là muôn hình muôn vẻ, nhưng thực chất chỉ giải quyết vấn đề sở hữu ruộng đất mà thôi. Chính từ quan điểm quản lý này của nhà Lý - Trần, người nông dân càng bị buộc chặt vào ruộng đất để bị bóc lột nặng nề hơn.
Trên đây vừa điểm vài nét pháp luật của nhà nước Lý - Trần về các vấn đề kinh tế, xã hội nói chung. Qua đây có thể thấy, sau khi giành độc lập hoàn toàn khỏi ách đô hộ nghìn năm phong kiến phương Bắc, đất nước bước vào thời kỳ phục hưng về mọi mặt. Đến thời kỳ thế kỷ XI-XIV, quốc gia Đại Việt đã có một quy mô rộng lớn. Trên cơ sở kinh tế đã khá phát triển, một nhà nước trung ương với tất cả mọi cơ cấu từ trung ương đến cơ sở thôn xã đã đạt tới sự hoàn chỉnh, ổn định. Nhà nước đã can thiệp trực tiếp vào các công việc của thôn, xã (hương giáp). Đó cũng là quá trình thiết chế hóa các luật lệ nhằm tăng cường sự thống trị của giai cấp phong kiến. Các nhà nước thời kỳ này đã dần dần xây dựng những bộ luật nhằm bảo đảm một kỷ cương ổn định cho sự thống trị của mình. Vì thế cùng với sự phát triển, củng cố chính quyền trung ương tập quyền, luật pháp cũng ngày càng hoàn thiện.
Điều chắc chắn là pháp luật của thời kỳ này thể hiện quyền lợi của giai cấp thống trị đã hình thành đang trên đường phát triển nên có nhiều nét tiến bộ. Nó phản ánh một xã hội đang phát triển lành mạnh, quy củ, như câu nói của Trần Nhật Duật: “Ở đâu cũng có phép nước”(24).
Chú thích:
(1). Việt sử thông giám cương mục, Q.6, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1975, tr...
(2). Việt sử thông giám cương mục, Q.5, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1975, tr.39.
(3). Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.271.
(4). Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.15.
(5). Cao Hùng Trưng: An Nam chí nguyên, Nguyễn Đổng Chi và Phạm Trọng Điềm dịch, Tạp chí Văn Sử Địa số 20 (8-1956).
(6). Cao Hùng Trưng: An Nam chí nguyên, Nguyễn Đổng Chi và Phạm Trọng Điềm dịch, Tạp chí Văn Sử Địa số 20 (8-1956).
(7). Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.247.
(8). Trần Phu - An Nam tức sự - Dẫn theo Trần Quốc Vương, Hà Văn Tấn, Sđd.
(9). Việt sử thông giám cương mục, Q.5, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1975, tr.4.
(10). Việt sử thông giám cương mục, Q.5, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1975, tr.5.
(11). Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.23.
(12). Việt sử thông giám cương mục, Q.3, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1975, tr.31.
(13). Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.54; (12). Việt sử thông giám cương mục, Q.7, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1975, tr.28.
(14). Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.163. Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1961, T. III, tr.96.
(15). Việt sử lược, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1960, tr.34.
(16). Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1975, Q.4, tr.8.
(17). Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.243.
(18). Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.87.
(19). Việt sử lược, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1960, tr.134.
(20). Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.218.
(21). Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.252.
(22, 22). Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1975, Q.3, tr.4.
(23). Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.252.
(24). Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.139./.