Tuesday 14 May 2013

Những chặng đường tiếp nhận thơ Tố Hữu của tôi (Trần Đình Sử)



Những chặng đường tiếp nhận thơ Tố Hữu của tôi

Trần Đình Sử
Trong cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu viết năm 1985, xuất bản năm 1987, tôi có nhận xét rằng: Xét về sức tác động trực tiếp đối với công chúng thì thơ Tố Hữu có thể sánh với bất cứ hiện tượng thơ kiệt xuất nào trên thế giới. Đó là một sự thực mà không ai có thể phủ nhận khi chứng kiến sức thu hút của thơ Tố Hữu trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Hầu như mọi tầng lớp nhân dân, từ cán bộ đến chiến sĩ, từ thanh niên đến thiếu nhi trong kháng chiến không ai là không thuộc và không yêu một số bài thơ, câu thơ Tố Hữu. Bản thân tôi cũng yêu và thuộc thơ Tố Hữu từ tấm bé. Từ khi năm tuổi tôi đã nghe bố tôi đọc: “Hỡi những con khôn của giống nòi, những chàng trai quý gái yêu ơi. Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước, Chọn một dòng hay để nước trôi?” Trong cuốn sổ tay chép thơ của anh tôi, người đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, bên cạnh các bài Nhớ của Hồng Nguyên, Viếng bạn của Hoàng Lộc,Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, có bài Bầm ơi, Sáng tháng Năm của Tố Hữu. Lớn lên tôi thích bài thơ : “Đi, bạn ơi đi sống đủ đầy, Sống trào sinh lực, bốc men say. Sống tung sóng gió, thanh cao mới, Sống mạnh, dù trong một phút giây…” “Đã vay dòng máu thơm thiên cổ, Phải trả ta cho mạch giống nòi…”. Những vần thơ ấy luôn luôn khích lệ tôi phấn đấu, sống cho có ích với đất nước. Những năm hòa bình mới lập lại sau năm 54, các bài thơ Ta đi tới, Việt Bắc thật sự làm say đắm lòng người. Đến tập Gió Lộng Tố Hữu mở ra những giòng thơ đẹp, sáng và lôi cuốn. Có thể nói tôi thuộc hầu hết thơ Tố Hữu. Khi tập Từ ấychưa in lại năm 1959 với bài Tựa nổi tiếng của Đặng Thai Mai, tôi đã chép đầy đủ cuốn thơ Tố Hữu bản in năm 1946. Có thể nói không ngoa rằng thơ Tố Hữu có tác dụng giáo dục, động viên cả một thế hệ người lớn lên trong kháng chiến chóng Pháp, chống Mĩ và ước mơ xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những bước đầu tiên, trong đó có tôi.
Khi đã tốt nghiếp đại học, làm giảng viên đại học, tôi bắt đầu chú ý những ý kiến phê bình thơ Tố Hữu, người đọc nhận thấy có những câu thơ ngộ nghỉnh, chưa trong sáng như kiểu “Thịt với xương tim óc dính liền” trong bài Ta đi tới… Tự tôi cũng phát hiện thấy những câu thơ khó thuyết phục, như mấy câu thơ về Stalin : “Yêu biết mấy nghe con tập nói, Tiếng đầu lòng con gọi ông Lin”, “Thương cha thương mẹ thương chồng, Thương mình thương một thương ông thương mười.”  Nhà thơ đã nói quá sự thật, khó tin, không có thật. Tự tôi cũng phát hiện câu thơ trong bài Sáng tháng Năm: “Mỗi khi ta lòng xao xuyến rung rinh, Môi ta thầm kêu Hồ Chí Minh” thì chữ “rung rinh” đi với “lòng” nghe không được thuận, bởi chữ rung rinh chỉ hớp với trạng thái của vật thể, không hợp với trạng thái của nỗi lòng. Câu tiếp theo sau đó: “Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi” thì hai chữ phấn khởi quá mòn sáo, là ngôn ngữ đời thường, không phải ngôn ngữ thơ. Tôi tự hỏi nhà thơ Tố Hữu tài nghệ cao siêu tại sao lại để xảy ra các trường hợp vụng về đến thế? Và tôi tự trả lời: Đó là do thơ ông muốn viết kịp thời, lại cố viết cho có vần, hợp với tâm lí tiếp nhận của số đông, nên ông phải tự hi sinh yêu cầu của thơ.  Khi tập Gió lộng ra đời, nhà phê bình Lê Đình Kỵ nhận thấy thơ Tố Hữu ít tìm tòi về câu chữ mới lạ. Điều đó khiến cho tôi suy nghĩ. Một mặt thơ Tố Hữu rất hay, đi vào lòng người, mặt khác thơ lại ít tìm tòi câu chữ mới lạ. Tố Hữu hình như không quan tâm vấn đề đổi mới thơ.
Trong Thi pháp thơ Tố Hữu tôi tim hiểu tự giải đáp cho mình cái mâu thuẫn ấy. Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị, thơ tuyên truyền cách mạng. Thơ tuyên truyền cốt đi nhanh, đi thẳng tới tâm hồn người đọc, do đó cần nói bằng những lời giản dị nhất, chân thật nhất như Bầm ơi, Bà bủ. Những tìm tòi câu chữ mới lạ sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả tuyên truyền. Lại thêm Đề cương văn hóa đã quy định phương châm dân tộc hóa, đại chúng hóa, thì tất nhiên phải học tập ca dao, cách ăn nói của quần chúng và không thể chạy theo thị hiếu của thi ca “tư sản” như các thứ thơ vị lai, siêu thực, tượng trưng… mà ông Trường Chinh đã khẳng định là các thứ nấm độc sặc sở mọc trên cây gỗ mục. Là ngọn cờ, Tố Hữu phải trung thành với quan điểm văn nghệ của Đảng và nhiệm vụ tuyên truyền của mình. Nhưng đến Gió lộng Tố Hữu đã không còn lạm dụng ngôn ngữ ca dao, dân gian nữa, mà đã có những cách biểu đạt mới, phong phú, đa dạng, tươi mới  như trong bài Em ơi, Ba Lan, Mẹ Tơm hay Người con gái Việt Nam…Từ cuối tập Việt Bắc Tố Hữu đẫ thiên về thi ca cổ điển. Từ Ra trận trở đi ông hầu như hoàn toàn trở về với hình thức cổ điển. Đến Một tiếng đờn thì thơ Tố Hữu không có gì để nói nữa.
Sau này, khi cách mạng chuyển qua giai đoạn mới, tôi lại có dịp nhìn nhận lại thơ Tố Hữu. Thơ trũ tình chính trị, hay là thơ tuyên truyền của Tố Hữu không tránh khỏi còn có nhiều hạn chế hơn nữa về nội dung.
Làm thơ tuyên truyền cốt ở kịp thời. Sáng tác phải kịp thời, công bố kịp thời, cho nên Tố Hữu phải công bố tác phẩm khi chưa được nhuận sắc hoàn chỉnh. Vì thế ông là người thương xuyên sửa chữa thơ mình, trước hết vì nội dung chính trị, sau nữa vì nâng cao chất lượng nghệ thuật. Có môt số bài không sửa được cho nên ngoài bản in trên báo, ông không đưa vào tập. Nhưng ông có tài ứng biến sáng tác kịp thời rất thành công. Nhiều bài viết một lần là được, như Người con gái Việt Nam, Thù muôn đời muôn kiếp không tan, Ba mươi năm đời ta có Đảng…Nhưng cũng nhiều khi sửa lại người đọc thấy không thích bằng.
Làm thơ chính trị, tuyên truyền tư tưởng nghị quyết của Đảng khiến cho Tố Hữu bao giờ cũng vẽ ra các viến cảnh huy hoàng, tươi đẹp, hướng người đọc nhìn về phía trước, hướng đến ngày mai chiến thắng. Thơ của ông hầu như chỉ viết về ngày mai, về viễn cảnh, tương lai, mà ít khi viết về thực tại. Nếu có bài thơ viết về một ít hiện tại hay quá khứ cũng là để hướng tới ngày mai. Vì thế thơ ông phần nhiều căn bản là thơ lãng mạn mà ít chất hiện thực.
Làm thơ chính trị Tố Hữu cũng nhiều phen hệ lụy. Tố Hữu là nhà thơ viết nhiều bài về Trung Quốc hay nhất như Tiếng sáo Ly Quê, Đường sang nước bạn, Nhật kí đường về…trong đó ngợi ca chân thành, hình ảnh Trung Quốc hiện lên thân thiết và rất đẹp. Nhưng chỉ một bài thơ nhắc đến chuyện Mỵ Châu, “Trái tim lầm chỗ để trên đầu, Nỏ thần vô ý trao tay giặc, Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” ông liền bị giới cầm cân nẩy mực Trung Quốc chụp cho cái mũ “nhà thơ chống Trung Hoa” (“phản Hoa thi nhân”) ghi trong Từ điển bách khoa văn học thế giới dưới mục từ Tố Hữu. Tố Hữu chỉ nhắc nhở một bài học lịch sử của dân tộc mình mà thôi, nào có chống ai đâu. Trái tim lầm chỗ là nguy hiểm lắm. Chỗ này ta cần ghi điểm son cho Tố Hữu.
Làm thơ tuyên truyền thì phải ngợi ca lí tưởng, biểu thị niềm tin, nhưng lịch sử thực tế lại không đi một mạch theo lí tưởng, mà có những con đường quanh co khuất khúc. Ông đã ca ngợi Liên Xô hết lời, coi đó như là thành trì không thể lay chuyển của chủ nghĩa xã hội. Nhưng rồi Liên Xô sụp đổ một cái rụp không ngờ, thế là những lời hứa hẹn chắc nịch năm xưa bổng nhiên lỡ làng, vô nghĩa. Hoặc như trong bài Tiếng hát sông Hương ông hứa với người con gái bán hoa trên sông Hương đương thời như đinh đóng cột : “Răng không cô gái trên sông. Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài. Thơm như hương nhụy hoa lài, Sạch như nước suối ban mai giữa rừng. Ngày mai bao lớp đời dơ, Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay…” Nhưng những năm 80, 90, những kiếp “đời dơ” ấy hình như lại sinh sôi gấp bội cả trong Nam ngoài Bắc vao khi cả nước quá độ đi lến chủ nghĩa xã hội. Có người đem chuyện ấy nói với ông, ông cười, nói: Không khéo phải lên xanh làm cách mạng một lần nữa”. Chúng ta hiểu cách mạng phải lâu dài, không ngon lành như lời hứa của người thanh niên tốt bụng ngây thơ, chỉ mới thấy nói qua sách vở vội đem đi tuyên truyền.
Làm thơ tuyên truyền có cái hay là động viên nhân dân kịp thời, nhưng có điều tuyên truyền thì phải dùng nhiều khẩu hiệu, nhiều khi khó tránh nói quá, dễ đại ngôn. Chẳng hạn thời chống Mĩ cứu nước ông viết: “Vui gì hơn làm người lính đi đầu, Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa.” Tôi nghĩ đó chắc  đó là suy nghĩ của ai, chứ không phải là tâm tư nguyện vọng của những người bất đắc dĩ đem máu xương hy sinh vì Tổ Quốc.
Làm thơ tuyên truyền nhà thơ buộc phải biến các nhân vật của mình thành nhân vật của tranh cổ động, tranh áp phích, và nhà thơ ít khi cảm nhận nhân vật của mình như những con người bằng xương bằng thịt. Tôi nhớ trong bài thơ Những người không chết viết về anh Nguyễn Chí Diễu trong giờ phút sắp lâm chung. “Anh nghe thu rứt lá gọi đời đi, Tôi thấy cả một mùa xuân bước lại”. Nhà thơ của chúng ta hầu như không chút xúc động với giây phút vĩnh biệt cuộc đời của người đồng chí, mà say sưa đắm mình vào tương lai huy hoàng của cách mạng, có cái gì bất cận nhân tình. Nhà thơ Tố Hữu là người viết rất nhiều về Bác Hồ, viết rất chân thực, xúc động, nhưng chủ yếu là viết những phẩm chất cao đẹp cuả Người, nhằm xây dựng một tấm gương, trong khi đó con người cá nhân, riêng tư rất chân thật của Bác Hồ, cái phần đời tư chân thật của một con người mà thiếu nó thì hình tượng nghệ thuật chưa trọn vẹn, lại hầu như không được Tố Hữu đề cập đến. Chúng ta biết có những cái Tết Bác Hồ thấy cô đơn, mời mấy mẹ con nghệ sĩ Ái Liên đến ăn tết với Người, chứng tỏ Người cũng thấy thiếu thốn những tình cảm thông thường của con người, muốn sum họp trong không khí gia đình đầm ấm ngày tất niên. Nhưng với Tố Hữu ông vẫn cứ chỉ viết: “Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau, Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu, Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ, Cho hôm nay và cho mai sau.” “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta, Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa, Chỉ biết quên mình cho hết thảy, Như dòng sông chảy nặng phù sa.” Tố Hữu chỉ nhìn Bác có một phía. Tôi tin rằng Tố Hữu  biết rất nhiều, thấy rất nhiều, nhưng thơ tuyên truyền thì phải viết như vậy, không thể khác.
Vậy tại sao thơ Tố Hữu lại có sức tác động diệu kì một thời như vậy? Hiệu ứng ấy theo tôi đến từ hai phía, phía sức hấp dẫn của thơ Tố Hữu và phía trạng thái tâm hồn của công chúng đang hào hứng đứng lên, đón chào lí tưởng. Người đọc đọc thơ ông vừa đọc thơ, vừa đọc chính tâm hồn mình. Người đọc như hát cùng thơ ông, cho nên hầu như không mấy ai để ý đến câu chữ trong đó. Đến giai đoạn sau, trạng thái tâm hồn ấy không còn nữa, người ta đọc thơ Tố Hữu thuần túy chỉ bằng phẩm chất của thơ ông, lúc này một số khiếm khuyết của thơ ông tự nhiên hiện ra lồ lộ.
Tôi cho rằng làm thơ cách mạng cũng là một sự hi sinh. Khi đã tự nguyện biến thi ca của mình thành vũ khí tuyên truyền cho cách mạng thì nó không được, không thể được ứng xử như là thơ thông thường. Nó phải làm nhiệm vụ mà vũ khí đòi hỏi. Bằng tài thơ của mình Tố Hữu đã góp phần tạo nên một nền thơ cách mạng trong nền văn học cách mạng Việt Nam. Và các nhà thơ khác, như Xuân Diệu, Chế Lan ViênNguyễn Đình Thi…tất cả đều phải có phần hi sinh như thế.  Thế hệ các nhà thơ trẻ trong chống Mĩ cứu nước như Phạm Tiến DuậtNguyễn Khoa ĐiềmXuân QuỳnhHữu Thỉnh…đã vượt qua được những trói buộc ban đầu để thơ họ vẫn có phần tuyên truyền chính trị, nhưng không phải hoàn toàn là thơ chính trị, Nhưng đó là một đề tài khác. Thơ Tố Hữu đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của nó. Thơ ông sẽ còn là  đề tài bàn đi bàn lại nhiều lần. Đó sẽ là cuộc sống mai hậu không bao giờ dứt của thơ ông.
Hà Nội, ngày 3 tháng 12 năm 2012
NguồnBài viết trong Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu

Sunday 12 May 2013

TIẾNG VIỆT: CÓ CÒN TRONG SÁNG? (Phạm Văn Tình)


TIẾNG VIỆT: CÓ CÒN TRONG SÁNG?


                                             PGS.TS. PHẠM VĂN TÌNH

     Kể từ khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động công cuộc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (Tạp chí Học tập, s. 4-1966) cho đến nay đã tròn 44 năm. Phong trào này đã được toàn xã hội, đặc biệt là giới Việt ngữ học hưởng ứng với một “lộ trình”  lúc lên, lúc xuống, lúc rầm rộ, lúc âm ỉ… Nhưng chưa bao giờ vấn đề giữ gìn và bảo vệ tiếng Việt lại được dư luận quan tâm nhiều như thời gian vừa qua.

Tiếng Việt đang ở đâu?
      Tiếng Việt đang là ngôn ngữ chính thức của nước CHXHCN Việt Nam, có hơn 86 triệu dân (mà người Việt chiếm đa số). Với một diện tích hơn 329 ngàn km2, kéo dài trên một dải đất hình chữ S, tiếng Việt phân nhánh ra nhiều vùng phương ngữ khác nhau (tiêu biểu là 3 phương ngữ Bắc, Trung, Nam). Nhưng dù đã qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, tiếng Việt vẫn là một ngôn ngữ thống nhất, giữ vai trò là công cụ giao tiếp quan trọng trong một cộng đồng cư dân rộng lớn, đa dạng…  Tiếng Việt chính là một nhân tố không thể thiếu được làm nên đặc thù và bản sắc văn hoá Việt Nam.
      Nhưng ít có ngôn ngữ nào chịu sức ép từ các nhân tố lịch sử - địa lí mạnh mẽ như tiếng Việt. Lịch sử bốn ngàn năm của chúng ta “lên bổng xuống trầm” mà dấu ấn rõ nét nhất là chúng ta phải chịu gần 1.000 năm Bắc thuộc và hơn 80 năm đô hộ của Pháp. Không thể nói là ngôn ngữ (một hiện tương xã hội đặc biệt) lại đứng ngoài những biến cố đó. Trái lại, chính ngôn ngữ lại là nhân tố đầu tiên đứng trước sự đồng hoá. Chính phủ ngoại bang nào cũng muốn áp đặt các thiết chế quyền lực, trong đó có chính sách ngôn ngữ đối với quốc gia họ vừa thôn tính. Và thực tế, nhà nước phong kiến Việt Nam đã dùng chữ Hán trong các văn bản hành chính quốc gia trong suốt quá trình tồn tại. Tiếp đó, khi các giáo sĩ phương Tây vào truyền giáo rồi thực dân Pháp xâm lược, chữ Quốc ngữ xuất hiện và đây là bước thay đổi quan trọng trong tiến trình phát triển ngôn ngữ Việt. Cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Hán cùng tồn tại nhưng đó chỉ là một dạng “tam ngữ bất bình đẳng”. Tiếng Pháp dần dần giữ vai trò độc tôn, đẩy chữ Hán vào miếu đường cổ hủ của các nhà Nho và coi chữ Quốc ngữ là một văn tự “không chính thống”, sống “kí sinh” trong lòng tiếng Pháp.
      Một trong những sự khác biệt rõ rệt của mỗi dân tộc chính là ngôn ngữ. Tiếng Việt với sức sống kì lạ, lâu bền của mình đã trường tồn cùng lịch sử. Giờ đây, ta vẫn nhận chân được giá trị của tiếng Việt ngàn đời qua các tác phẩm còn lưu truyền của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… và vô vàn những tác phẩm dân gian truyền khẩu (ca dao, dân ca, tục ngữ…). Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận một điều: Dấu ấn của văn hoá Hán và tiếng Hán, văn hoá Pháp và tiếng Pháp còn biểu hiện rất rõ trong tiếng Việt. Hơn 60% từ Việt có gốc Hán (theo thống kê của H. Maspéro, 1972) và quãng hơn  2.000 từ gốc Pháp (thống kê của Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Đức Dân, 1992). Gần đây, tiếng Việt thu nhận thêm nhiều từ ngoại lai nữa (chủ yếu là tiếng Anh). Từ điển từ mới  (Viện Ngôn ngữ học, 2002) đã thu thập khoảng 3.000 từ mới các loại trong vòng 15 năm (1985-2000). Đây là hệ quả của nhiều năm mở cửa, đổi mới, hội nhập. Và không chỉ tiếng Việt, nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới (kể cả các ngôn ngữ mạnh như tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung) cũng phải “gồng” lên chống đỡ cơn bão tiếng Anh thổi khắp hoàn cầu. Yếu tố kinh tế, thương mại trong bối cảnh hoà nhập vô hình trung đã biến tiếng Anh thành ngôn ngữ “number one (số 1)” trên thế giới.

Tiếng Việt hôm nay: Có còn trong sáng?
      Đứng trước thực trạng thay đổi khá nhanh chóng gần đây của ngôn ngữ, dư luận xã hội, rất nhiều người lo lắng và lên tiếng cảnh báo về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện, cẩu thả làm “vẩn đục” tiếng Việt, thậm chí nhiều người còn cho rằng “tiếng Việt đang bị làm hỏng”, “sự xuống cấp trầm trọng của tiếng Việt” và “chúng ta phải có thái độ kiên quyết và rõ ràng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải hành động trước khi quá muộn”, v.v.
      Những bức xúc như vậy không phải là không có căn cứ. Đó là hiện tượng nói và viết tiếng Việt tuỳ tiện, bừa bãi, trong đời sống hàng ngày và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chả cần bước chân ra ngõ là đã có thể nghe thanh thiếu niên nói bậy, chửi tục, nói trống không, trái với thuần phong mĩ tục… Sách báo thì in sai, in lỗi hoặc để cho nhiều phát ngôn kém văn hoá ngang nhiên tồn tại (ngày xưa báo, nhất là sách lỗi in sai rất ít). Nhưng ngôn ngữ trên mạng mới thực sự là đáng sợ. Nó bát nháo, tuỳ hứng trăm hình vạn vẻ. Từ chuyện nói năng văng mạng (nói cho hả, nói lấy được) đến chuyện viết văng mạng, bất chấp các chuẩn mực chính tả tối thiểu. Đáng lo ngại là hiện tượng nói bậy, viết sai, nói lóng … lại phổ biến trong giới trẻ, ở tuổi học đường. Mà thế hệ này lại chiếm một tỉ lệ lớn trong cơ cấu dân số (chỉ riêng học sinh phổ thông năm 2009-2010 đã xấp xỉ 24 triệu). Họ sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước. Không rõ là cứ với đà này, tiếng Việt sẽ ra sao?
      Theo tôi, muốn nhìn nhận, đánh giá đúng vấn đề này chúng ta phải có cái nhìn biện chứng, toàn cục, phải xuất phát từ quan điểm toàn diện, cụ thể. Và, trước tiên chúng ta phải cùng xác lập một vấn đề: Thế nào là trong sáng?
      Có thể dẫn nghĩa 2, mục từ trong sáng trong Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Phê chủ biên, 2006) là “ở trạng thái giữ được bản sắc tốt đẹp, không có hiện tượng pha tạp” để áp dụng cho tổ hợp “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Một tiếng Việt trong sáng là phải cơ bản thuần nhất, có cách nói, cách dùng từ chuẩn với đại đa số, mang tư duy dân tộc. Tôi chắc là đại đa số mọi người không phản đối cách định nghĩa trên. Tuy nhiên, cách hiểu “thế nào là trong sáng” đang có sự phân hoá, chưa thống nhất. Thể hiện rõ nhất là thái độ đối với việc sử dụng từ nước ngoài.
      Nhiều người cho rằng, phải căn cứ vào nguồn gốc của nguyên ngữ mà dùng từ cho chuẩn. Như vậy, có nhiều từ Hán - Việt ta mượn và dùng đúng theo nghĩa Hán (cả âm và nghĩa). Chẳng hạn, theo quan điểm của một số tác giả,  phải dùng cứu cánh với nghĩa là “mục đích cuối cùng” chứ không dùng như hiện nay là “chỗ dựa, để thoát khỏi một tình trạng không hay”; phải dùng trầm kha (hay bệnh nặng) chứ không được dùng “bệnh trầm kha”, tham quan chứ không phải “thăm quan”, Hợp Chúng Quốc Mỹ chứ không phải “Hợp Chủng Quốc Mỹ”, v.v.  Nhưng có rất nhiều trường hợp, trong quá trình thu nhận và sử dụng, tiếng Việt đã có sẽ điều chỉnh, sai lệch. Chẳng hạn,  vô tình  ít dùng nghĩa “không có tình, bất nghĩa” như tiếng Hán mà dùng “ngẫu nhiên, không chủ định, không cố ý”, khiêm tốn không chỉ với nghĩa chỉ “ý thức và thái độ đúng mực” mà còn dùng chỉ sự “ít ỏi, nhỏ bé” (đồng lương khiêm tốn, chiều cao khiêm tốn…), lẽ ra viết thống kế nhưng từ trước đến nay vẫn viết là “thống kê”, trụ ngụ lại viết là “trú ngụ”, trú sở viết thành “trụ sở”, lẽ ra phải nói tiếng Hán (tiếng Hoa, tiếng Tàu) nhưng hiện nay trong giao tiếp, đa số dùng “tiếng Trung”,… Đó là những lỗi quy về gốc là “sai”. Nhưng hiện tại chúng ta sử dụng trong giao tiếp đã hết sức quen thuộc đến mức không nhận ra lỗi sai và những cái sai đó đã được bình thường hoá (do không có sự hiểu lệch lạc, phù hợp với hiện tại). Ngay cả những cách nói được coi là “thừa” như: đường quốc lộ (lộ: đường), cây cổ thụ (thụ: cây),bà quả phụ (phụ: bà), ngày sinh nhật (nhật: ngày), vius HIV (V = virus),… nhiều khi vẫn được sử dụng (như một “độ dư cần thiết”) để hoặc là làm rõ nghĩa, hoặc là tăng sắc thái biểu cảm (Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ; Ngày sinh nhật Bác nắng đầy tiếng chim; Chúng tôi bước dưới tán cây cổ thụ; Xin mời bà quả phụ X. lên nói lời cảm ơn; v.v.).
      GS Hoàng Phê từng nói rằng: “Khi ta mượn một từ nước ngoài, thì với một ý nghĩa nào đó, chúng ta đã “tạo” một từ mới của ta: từ tiếng Việt này sẽ có một đời sống riếng của nó” (Hoàng Phê, Tuyển tập Ngôn ngữ học, 2008). Tiếng Việt vay mượn khá nhiều. Có từ do áp lực ta phải dùng. Có từ ta chưa có mà phải “vay” (vay muợn thuật ngữ là rõ rệt nhất). Hoặc nhiều  từ ta có rồi nhưng vẫn mượn thêm để làm phong phú hơn cách sử dụng (tiếng Nga, tiếng Pháp là một ví dụ, vẫn mượn thêm từ tiếng Anh, sử dụng song song). Khi ta mượn, có nhiều từ, dựa trên cơ sở âm và nghĩa gốc, người Việt đã uốn nắn lại (la plat = lập là, la clé = lắc lê,mangouste = măng cụt, casserol = xoong,  caporal = cặp rằng, club = câu lạc bộ,…). Từ show (sô)  trong tiếng Anh có nghĩa là “buổi trình diễn nghệ thuật, suất diễn” nhưng hiện tại  tiếng Việt còn thêm nhiều nghĩa: một phi vụ làm ăn (bể sô), một công việc nào đó đòi hỏi luân phiên, nhiều lần (chạy sô đi dạy, chạy sô đám cưới, chạy sô thuyết trình …). Từ hủ hoá, nghĩa gốc tiếng Hán là “thối nát” dùng để chỉ sự “hư hỏng, biến chất, sa đoạ”. Nhưng trong dân gian hay dùng để chỉ chuyện nam nữ “quan hệ bất chính, buông thả” (Anh ta mắc tội hủ hoá, làm cô hàng xóm mang bầu). Như vậy, nếu so sánh nhiều từ, ta thấy âm và nghĩa gốc có khi đã bị “mờ” đi. Đó là sự phát triển tự nhiên của ngôn ngữ vay mượn. Khi mượn một cách đúng mức và có phần sáng tạo, người Việt đã thực hiện một công cuộc Việt hoá triệt để nhiều từ ngữ, người cách nói từ tiếng nước ngoài để làm phong phú vốn từ của mình. Trên báo chí hiện nay, các cách nói: … tại sao không (why not), từ… đến… (from… to…), vấn đề là ở chỗ… (tiếng Nga: delo v tom, chto…)… đã quá quen thuộc và thông dụng. Chúng ta dùng theo cách của ta, hoà vào cách nói chung của tiếng Việt và rõ ràng, câu văn vì thế mà sinh động, uyển chuyển hơn. V. I. Lênin đã từng  nói một ý rất hay: “Cái cốc ở nhà anh dùng để đựng nước. Nhưng sang nhà tôi, nó có thể được dùng  làm cái chặn giấy hoặc để nhốt một con bướm”. Đánh giá việc vay mượn từ ngữ cần phải có một cái nhìn lịch sử cụ thể, theo chiều hướng động. Ta chống việc vay mượn tràn lan, song cũng có cái đáng mượn. Có những cái ta mượn và biến thành “tài sản” của ta, khác đến nỗi “chủ nhân” của nó không còn nhận ra khi gặp lại. Phải nói rằng, tiếng Việt đã “giàu” và sinh động hơn nhờ vay mượn và Việt hoá một cách tuyệt vời một số lượng đáng kể từ ngữ gốc Hán và gốc Pháp.
      Một vấn đề nữa vẫn còn gây tranh cãi, đó là việc nên phiên âm, chuyển tự hay để nguyên dạng tiếng nước ngoài? Tôi không bàn đến việc dùng tiếng Anh trong biển hiệu quảng cáo hay thương hiệu hàng hoá. Tôi muốn đề cập tới việc sử dụng trên báo chí. Vì nhiều ý kiến cho rằng phải phiên cách đọc, như thế mới là trong sáng, phục vụ cho đông đảo quần chúng.
      Giao tiếp ngôn ngữ được thực hiện qua 2 “kênh” khác nhau: nói bằng lời (phát âm truyền qua không gian) và đọc bằng mắt (qua tự dạng, nét chữ). Đọc qua kênh thị giác là một cách cảm nhận văn bản phổ biến đối với mọi dân tộc trên thế giới kể từ khi con người phát minh ra chữ viết. Tiếng Việt văn hoá hình thành từ khi có chữ viết. Tên nước ngoài vào Việt Nam (trừ tiếng Hán sẽ đọc theo âm Hán Việt) thường chủ yếu theo các hệ chữ: Xlavơ (như Nga, Bungari và một số nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ), Latin (gồm các nước nói tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha - ngữ hệ Latin, các nước thuộc Liên hiệp Anh - ngữ hệ Angle-Saxon, Đức - ngữ hệ German), Sanscrit … Với tên riêng viết theo hệ chữ Xlavơ, chúng ta phải chuyển tự (chuyển từ mẫu tự này sang con chữ tương đương ở mẫu tự khác, cụ thể là theo bảng chữ cái Latin có ở hầu hết các máy chữ). Còn với các tên viết theo mẫu tự Latin thì cách tốt nhất là để nguyên dạng.
      Bởi như trên tôi đã nói, giao tiếp bằng mắt phải lấy tự dạng làm căn cứ. Việc phiên cách đọc sẽ dẫn đến hệ quả đầu tiên là đưa ra một cách đọc chủ quan (đúng và sai rất mong manh). Không ai dám chắc là mình sẽ phiên đúng một từ nào đó theo nguyên ngữ (tên của cựu Tổng thống R. Reagan mà người Mỹ cũng còn có 2 cách đọc, Thủ đô Moskva (Nga) sẽ được đọc khác nhau giữa tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung (Moskva, Moscow, Moscou, Moscau). Hệ quả thứ hai là người đọc mất cơ sở để truy tìm. Tôi đảm bảo là nếu phiên âm thì chỉ sau một đêm chúng ta sẽ biến toàn bộ mấy chục cầu thủ 4 đội tham gia tứ kết Cup C1 châu Âu 2010 thành mấy chục cái tên khác. Trừ cái cái tên quá quen (Messi, Ronaldo, Kaka, Rooney, Arshavin…)  phiên ra ta còn nhận được, chứ đa số tên khác, ta rất khó nhận diện (chẳng hạn,Pơ-phap = Pfaff, Cơ-rao = Crouch, Hât-lơ-xtôn-nơ = Huddlesstones…). Để nguyên dạng không làm ảnh hưởng nhiều tới việc cảm thụ. Chính sự nguyên dạng này giúp người đọc theo dõi dễ dàng, không bị gây trở ngại, dùng quen thì điều đó trở nên rất bình thường. Bởi có nhiều tên, do có nhiều cách phiên khác nhau mà người đọc chịu không biết đó là ai. Tôi nhớ năm 2005, Liên hiệp các hội KH&KT VN có tổ chức hội thảo về vấn đề này. Một nhà khoa học đã nói gay gắt: “Các anh cứ ủng hộ việc phiên âm tiếng nước ngoài để phục vụ đa số quần chúng, vì nếu để nguyên dạng thì khác nào đánh đố “dân thường”. Nghĩ như vậy là chúng ta đánh giá thấp quần chúng quá. Quần chúng bây giờ khác xưa rồi. Và ngay cả với những ai còn kém hiểu biết thì thử hỏi các vị phiên âm ra có ích gì? Chẳng có ai đọc báo mà đọc choang choác thành tiếng cả. Nếu cần đọc, họ sẽ đọc theo cách của họ. Có thể chưa chuẩn (mà khó có chuẩn) cũng hề gì. Cứ cho là để nguyên dạng là đánh đố “thằng ít học” đi. Nhưng nếu phiên âm thì vô tình chúng ta đã đánh đố cả “thằng ít học” lẫn “thằng nhiều học”. Ngay các nhà khoa học cũng chẳng biết đâu mà lần”.
      Chúng ta chấp nhận điều này như một “giải pháp tình thế”, giúp cho tiếng Việt ổn định và phát triển đúng hướng. Một văn bản có lẫn vài tên riêng tiếng Anh không hề làm giảm giá trị tiếng Việt mà còn thể hiện tiếng Việt chấp nhận được một biến thể và chứng tỏ trình độ người nói tiếng Việt được nâng cao. Phát triển đúng hướng là tôn trọng những chuẩn mực (từ vựng, ngữ âm, chính tả,…). Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không thể thoát li vấn đề chuẩn hoá. Mà chuẩn hoá có nghĩa là “lựa chọn một biến thể hợp lí trong những biến thể đang tồn tại”. Nhưng thế nào là chuẩn? Đó là một phạm trù mang tính xã hội. Bởi chuẩn của ngôn ngữ tự nhiên không thể căn cứ vào lí lẽ thuần tuý logic, là ý muốn chủ quan, là những áp lực mang tính quyền uy… Chuẩn ngôn ngữ là một quá trình kiểm nghiệm, sàng lọc, chọn lựa. Có những chuẩn cũ bị phá bỏ để thay bằng chuẩn mới và nhiều khi cả 2 chuẩn này song song tồn tại trong một thời gian (lưỡng khả). Chuẩn là cái đã được định hình, truyền thống nhưng có khi nó lại hình thành từ một “sự vi phạm chuẩn”. Sự sáng tạo ngôn từ của các nhà văn, nhà thơ là một ví dụ. Không ít những lối nói “phá cách” của các nhà văn đã đem lại hiệu ứng bất ngờ và trở thành một nhân tố mới, giúp cho ngôn ngữ phát triển đa dạng hơn.
      Chuẩn luôn tôn trọng tính cộng đồng và dân chủ. Tuy nhiên, chính từ cách hiểu “dân chủ” kia mà hiện tại tiếng Việt đang đứng trước nguy cơ của sự vi phạm. Điển hình là cách nói lóng trong học đường. Đầu tiên chỉ nói cho vui, hoặc nói trong phạm vi hẹp, rồi nhanh chóng lây lan trong diện rộng. Thí dụ,  gọi bố mẹ là “tiền bối lỗi thời”, xe máy là “con nghẽo”, tiền bạc là “máu khô, tiền âm phủ”, bạn gái là “gà tóc nâu”, bạn trailà “xe ôm”, bị kiểm điểm là “chào cờ thứ hai”, ăn điểm kém là “vác gậy Trường Sơn”,… Rồi nói tiếp âm các từ với các tên nổi tiếng: yết kiêu vừa chứ, lỗ tấn to rồi, chớ hồng lâu mộng, phí phạm văn đồng, vô lý thường kiệt, không phan đình rót (mà phan đình tu),… Đáng ngạc nhiên (và đáng sợ) hơn cả là ngôn ngữ chat (tán gẫu trên mạng). Nếu ai đã từng vào mạng, xem các trang blog, email… thì sẽ thấy chỉnh tả tiếng Việt biến dạng như thế nào. Có thể nói là bát nháo, thiên hình vạn trạng.
      Nhiều người cho rằng mạng ở nơi nào cũng thế. Sang Mỹ, Hàn Quốc, Nga, giới trẻ có khi còn “quậy” hơn. Ngôn ngữ chat của họ “khủng” hơn nhiều.  Đó là một trò chơi tiêu khiển mà (!). Nhưng dù là giải trí thì cái gì cũng phải có chừng mực. Hơn nữa, cách dùng theo kiểu tự sáng tạo như vậy không khéo sẽ bị lệch lạc. Cái lạ nhiều khi bị giới trẻ nhầm lẫn với cái tôi và “cái sáng tạo”, “cái hay”. Những cái mới lạ đó rất dễ lây lan, khi đã lây nhiễm rồi, nó cứ như một “con đỉa” bám rất chặt, rất khó gỡ bỏ. Thực tế vừa qua, trong một đợt khảo sát bài viết và bài thi của một số trường THPT tại Hà Nội, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều lỗi được cho là “nằm ngoài kiến thức”. Đó là việc viết tắt, viết hoa, viết kèm tiếng nước ngoài vô lối, viết theo ngôn ngữ biến dạng xuất hiện (nhiều ít khác nhau) ở các văn bản học đường đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc trường quy. Và mức độ vi phạm lỗi ngày một tăng.
      Đáng tiếc là nhà trường, giáo viên, bố mẹ các em ít quan tâm và nhắc nhở. Giáo dục ngôn ngữ là một mặt quan trọng của giáo dục tri thức học đường. Thật buồn là một bộ phận giới trẻ chỉ mải mê vào các cuộc giải trí mang tính công nghệ (chat, game online…) mà quên không chịu đọc (và không thích đọc) sách báo nói chung. Phải chịu đọc nhiều, tham gia giao tiếp xã hội, chịu “va chạm”  thì chúng ta mới hình thành một “ngữ năng” ổn định, có khả năng đánh giá sự đúng sai và có khả năng trau dồi sự diễn đạt ngôn ngữ của mình.
      Nhìn lại cả quá trình lịch sử, tiếng Việt hôm nay đã thay đổi rất nhiều về diện mạo: giàu hơn và đa năng hơn trong việc thể hiện công cụ giao tiếp ở mọi lĩnh vực. Tiếng Việt chưa đến nỗi rung chuông báo động, giương “đèn đỏ” về sự “mất trong sáng trầm trọng”. Nhưng rõ ràng, tiếng Việt có nhiều vấn đề phải quan tâm nếu không, ngôn ngữ yêu quý này có nguy cơ bị vẩn đục, do chính thái độ của chúng ta. Không có gì là không thể xảy ra, kể cả điều tốt và cái xấu. “Ngôn ngữ là linh hồn dân tộc”. Câu nói của W. Humboldt cần phải nhắc lại như một lời nhắc nhở về lòng tự hào và bổn phận của tất cả những ai thuộc cộng đồng tiếng Việt hôm nay.

PVT

Saturday 11 May 2013

65 NĂM NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC: THÀNH TỰU “GIỮ GÌN SỰTRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT” VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY (Trần Trí Dõi)


                                                                                                  GS.TS Trần Trí Dõi
            1.Với việc ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945), tiếng Việt lần đầu tiên trong lịch sử trở thành ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam. Và cũng từ đó, ngành Ngôn ngữ học Việt Nam ra đời. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam là nghiên cứu để “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nhằm góp phần đưa tiếng Việt từ vị thế một ngôn ngữ vốn là của một dân tộc nửa phong kiến thuộc địa trở thành ngôn ngữ quốc gia của một nhà nước độc lập dân chủ ở Đông Nam Á. Thực hiện nhiệm vụ này cũng chính là việc ngành Ngôn ngữ học Việt Nam có trách nhiệm đưa tiếng Việt từ tình trạng một ngôn ngữ kém phát triển vươn lên vị thế của một ngôn ngữ toàn đân, ngôn ngữ quốc gia, đáp ứng đầy đủ nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu phát triển cao của đất nước Việt Nam mới.
            Để đáp ứng đòi hỏi này của xã hội, ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã được hình thành cùng với sự hình thành của hệ thống Đại học ở Việt Nam. Tuy ban đầu, tổ chức của nó là một bộ phận nằm trong khối ngữ văn nhưng những nhiệm vụ mà nó đảm nhiệm là hết sức to lơn. Do tiếng Việt giữ vai trò là ngôn ngữ quốc gia nên cùng với chức năng là công cụ giao tiếp hàng ngày của toàn xã hội, nó có trách nhiệm vươn lên trở thành một ngôn ngữ có chức năng giáo dục và chức năng khoa học v.v. Chính ngành Ngôn ngữ học Việt Nam trong suốt 65 năm qua đã góp phần quan trọng nhất trong việc đưa tiếng Việt đáp ứng đòi hỏi cấp thiết ấy của xã hội. Và cho đến hiện nay, không một ai trong chúng ta nghi ngờ gì về vai trò là một ngôn ngữ đáp ứng đầy đủ yêu cầu cao của giáo dục và khoa học v.v trong nhiệm vụ phát triển đất nước của tiếng Việt.
            Chúng ta có thể liệt kê những nét chính về sự đóng góp quan trọng của ngành Ngôn ngữ học Việt Namcho sự nghiệp phát triển đất nước. Trước hết, đó là sự đóng góp cho tính thống nhất trong tính đa dạng phương ngữ của tiếng Việt. Đó là việc cung cấp một hệ thống thuật ngữ đảm bảo cho tất cả các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, chính trị và ngoại giao v.v. hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Và đó là việc đưa tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ thoả mãn nhu cầu giáo dục của đất nước. Nhìn ra nhiều nước lân bang trong khu vực và những nước có hoàn cảnh xã hội tương tự như nước ta trên thế giới, không phải quốc gia nào cũng đã làm được điều mà ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã làm được trong 65 năm qua. Rõ ràng, thành tựu ấy là một kết quả đáng tự hào của những người mở đầu, thực hiện và thực hiện trong tương lai của ngànhNgôn ngữ học Việt Nam.
            Trong suốt 65 năm qua để đáp ứng những đòi hỏi ấy của xã hội, ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã hướng tới một vấn đề bao quát trong mọi hoạt động của ngành ngôn ngữ học. Và người khởi xướng vấn đề bao quát đó là Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đó chính là vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Chính nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã tạo cơ sở cho các nhà ngôn ngữ học, các hoạt động văn hoá xã hội của nước ta có trách nhiệm nghiên cứu để sử dụng tiếng Việt một cách chuẩn mực. Với chức năng “ngôn ngữ là công cụ của tư duy”, sự chuẩn mực của tiếng Việt là cách thức quan trọng để chúng ta chuẩn mực hoá tư duy người Việt, để chúng ta thống nhất hoá trong tính đa dạng bản sắc văn hoá của người Việt. Thiếu đi sự chuẩn hoá tư duy, thiếu đi sự chuẩn mực hoá bản sắc văn hoá người Việt, nhiệm vụ đưa Việt Nam trở thành một quốc gia “dân giầu, nước mạnh …” là một nhiệm vụ không thật dễ dàng.
            Như vậy, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” về thực chất là một mục tiêu phấn đấu trong suốt 65 năm qua của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam nói chung và ngành Ngôn ngữ học ởĐại học Tổng hợp Hà Nội và nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói riêng. Nói một cách khác, đây chính là nhiệm vụ của xã hội giao cho những người nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ học nói chung và tiếng Việt nói riêng. Và sự đáp ứng đầy đủ ở mức độ cao yêu cầu của xã hội mà tiếng Việt đảm nhiệm chính là dấu hiệu cho thấy ngành Ngôn ngữ học Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu của mình. Điều đó đã nói lên rằng những người nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ học nói chung và tiếng Việt nói riêng ở Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ của một người nghiên cứu và giảng dạy. Dù nhìn ở góc độ nào đi nữa, chúng ta cũng không thể không nhận thấy thực tế hiển nhiên ấy.
           
2. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển mới của đất nước là hội nhập quốc tế phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá Việt Nam hiện nay, để tiếng Việt hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó giống như 65 năm qua, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” lại trở nên vô cùng cấp thiết. Và đã đến lúc ngành Ngôn ngữ học Việt Nam cần phát huy những gì đã làm được, chấp nhận những thách thức mới để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ ngày càng khó khăn của mình.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, có rất nhiều những nội dung mới đặt ra cho vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà ngành Ngôn ngữ học Việt Nam phải giải quyết trong điều kiện mới. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện những nhiệm vụ đã được đặt ra trước đây xoay quanh vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt, ngành ngôn ngữ học phải tính đến những xu thế hội nhập xã hội toàn cầu tác động vào từng ngôn ngữ quốc gia.
Chẳng hạn, đó là vấn đề chúng ta làm sao phải “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” để người Việt Nam hội nhập quốc tế mà không làm mất đi bản sắc văn hoá của mình. Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất của giao tiếp xã hội, là công cụ của tư duy. Và cũng chính vì vậy, như V. Lênin đã nói, “công cụ chủ yếu trong các quan hệ thương mại của người ta là ngôn ngữ”[ V. Lênin, 18]. Trong điều kiện kinh tế thị trường toàn cầu, “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” là để làm sao tiếng Việt của người Việt Nam có một vị thế xứng đáng trong bức tranh ngôn ngữ toàn thế giới.
 Đương nhiên, trong một đòi hỏi cao và khắc nghiệt như vậy, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” là phải làm sao phải để tiếng Việt có thể tiếp nhận những yếu tố mới của ngôn ngữ toàn cầu đáp ứng với sự phát triển mới của xã hội trong khi nó phải bắt buộc tiếp tục phải được chuẩn mực hoá. Thiếu đi một trong hai khía cạnh đó, tiếng Việt sẽ không hoàn thành được sứ mệnh là ngôn ngữ quốc gia của mình. Trong một môi trường đa ngôn ngữ của thế giới như hiện nay và mỗi ngôn ngữ lại có sự hậu thuẫn của sức mạnh kinh tế khác nhau, để đảm bảo cho tiếng Việt hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, rõ ràng, nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học nói chung và tiếng Việt nói riêng ở nước ta là không hề đơn giản.
            3. Trong một hoàn cảnh như vậy, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đương nhiên phải được thực hiện ở một hoàn cảnh mới, trên một chất lượng mới gần như khác với những điều kiện lịch sử đã có trước đây. Theo suy nghĩ của chúng tôi để tiếng Việt có thể hoàn thành được sứ mệnh ngôn ngữ quốc gia của một nước Việt Nam công nghiệp hoá, hiện đại hoá đủ sức đưa nước ta hội nhập kinh tế thế giới, đã đến lúc ngànhNgôn ngữ học Việt Nam phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện và kiến nghị Nhà nước ban hành Luật ngôn ngữ của Nhà nước Việt Nam. Chỉ khi có Luật ngôn ngữ của Nhà nước Việt Nam, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” và cùng với nó là sự tiếp nhận để làm giầu tiếng Việt mới thực sự đi vào thực chất. Và đó chính là cách làm khoa học nhất để tiếng Việt thực sự là một ngôn ngữ quốc gia, một công cụ giao tiếp và tư duy hữu hiệu để phát triển đất nước.
            Rõ ràng, tính cấp thiết của việc ban hành Luật ngôn ngữ của Nhà nước Việt Nam là điều hiển nhiên. Vì hoạt động ấy chính là cách “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” một cách đúng đắn nhất, phù hợp nhất với điều kiện phát triển hiện nay của xã hội. Và đó cũng chính là cách mới có thể cấp cho tiếng Việt những điều kiện để nó hoàn thành nhiệm vụ là ngôn ngữ quốc gia của nhà nước Việt Nam hội nhập và phát triển.
            Để chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho Nhà nước ban hành Luật ngôn ngữ, đương nhiên giới nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt ở nước ta có rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn ví dụ, đó là nhiệm vụ “chuẩn hoá chính ta” của tiếng Việt. Chúng ta phải thẳng thắn để thừa nhận rằng, cho đến hiện nay việc chuẩn chính tả của tiếng Việt tuy đã có thành tựu nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi cao của xã hội. Trong những vấn đề thuộc địa hạt chính tả, nhiều nội dung còn bị bỏ ngỏ, còn thiếu đi sự thống nhất cần thiết ngay trong giới nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt chứ chưa nói đến ở ngoài xã hội. Trong một tình hình như vậy, liệu luật ngôn ngữ được ban hành có tác động đến hành vi sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng hay không? Và nếu vẫn không ban hành luật ngôn ngữ thì đến bao giờ sự thiếu thống nhất chính tả ấy mới có thể chấm dứt.
            Hay như cùng với vấn đề chính tả là vấn đề tiếp nhận yếu tố ngôn ngữ nước ngoài. Theo hiểu biết của chúng tôi, giới nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt ở nước ta hiện vẫn chưa đồng tâm xử lý hiện tượng này. Mà những nội dung như thế không thể không đặt ra trong luật ngôn ngữ và những hiện tượng ấy nếu không có luật ngôn ngữ chi phối thì tính tuỳ tiện của việc xử lý sẽ tiếp tục được diễn ra.
            Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu lên hai nhiệm vụ trong nhiều việc mà giới nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt ở nước ta cần giải quyết phục vụ cho nhiệm vụ “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Nói như vậy để thấy rằng còn quá nhiều công việc của bản thân tiếng Việt và ngôn ngữ học Việt Nam phải làm để có thể cho ra đời một bộ luật ngôn ngữ thích hợp với xã hội Việt Nam, giúp cho tiếng Việt thực sự là ngôn ngữ phổ thông, ngôn ngữ quốc gia của một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phồn vinh và hạnh phúc. Rõ ràng, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” phải được gắn chặt với khả năng ban hành Luật ngôn ngữ của Nhà nước Việt Nam. Đó chính là nhiệm vụ đặt ra hiện nay cho giới nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt ở nước ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH.
1.-Trần Trí Dõi(2003), Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
2.Hiến pháp Việt Nam (2002), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 190tr.
3.- Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội những vấn đề cơ bản, Nxb Khoa học xã hội.
4.- Nguyễn Văn Khang (2003), Kế hoạch hoá ngôn ngữ, Nxb Khoa học xã hội.
5.- V. Lênnin (1998), Bàn về ngôn ngữ, Nxb Giáo dục. Hà Nội.
6.- Nanette Gottlieb and Ping Chen (2001), Language planning and language policy East Asian perspectives,Curzon Press, 2001.
7.- Hoàng Tuệ (1996), Ngôn ngữ và đời sống xã hội văn hoá, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8.- Trung tâm biên soạn sách cải cách giáo dục (1983), Chuẩn hoá chính tả và thuật ngữ, Nxb Giáo dục. Hà Nội.
9.- Viện ngôn ngữ học (1993), Những vấn đề chính sách ngôn ngữ ở Việt NamNxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
10.- UNESCO (2006), Giáo dục trong một thế giới đa ngữTài liệu về quan điểm giáo dục của UNESCO, (Bản tiếng Việt, 1/2006).

Friday 10 May 2013

Ai có thể cắm sừng ai?


Cắm sừng, dịch sao phỏng từ tiếng Pháp planter des cornes, là [ông] đi ăn chả hoặc [bà] đi ăn nem. Tương tợ ta có porter des cornesavoir des cornes của tiếng Pháp sang tiếng Việt thành mọc sừng để nói về nạn nhân của sự phản bội.

Bên tiếng Pháp là vậy nhưng ở Việt Nam khi xưa không có chuyện đàn ông ngoại tình mà chỉ có người đàn bà mới bị ghép tội này nên nói cắm sừngnói người đàn bà làm cho chồng phải mang tiếng có vợ lấy trai (Thanh Nghị, 2967b:201). Cho đến nay các từ điển vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cái nếp nghĩ đó, tiếp tục lấy danh dự của người chồng làm điểm xuất phát cho định nghĩa: cắm sừngđánh lừa chồng, ngoại tình (Nguyễn Kim Thản, 2005:228 ; Hoàng Phê, 2006:117), là đánh lừa chồng để có quan hệ ngoại tình trót lọt, dễ dàng (Nguyễn Như Ý, 1999:269).

Thursday 9 May 2013

Plaza, tower… rồi gì nữa? (Nguyễn Đức Dân)



GS.TS.Nguyễn Đức Dân 

Năm 1999 ở Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện Diamond Plaza. Sau đó nhiều cái “plaza” xuất hiện: Windsor Plaza, Dolphin Plaza, Indochina Plaza, Era Royal Plaza…Và những tên “Tây” có cái đuôi center, tower, town, park, garden, land …rộ lên: Sheraton Saigon Hotel & Tower; HC – Saigon Tower; Harbour View Tower, Cao ốc Indochina Park Tower; Sapphire Tower – Saigon Pearl; Saigon Sky Garden; Happy House Garden; Landmark Tower; Hanoi Time Tower; Chelsea Park ; River Silk City; CityLand … Khoảng 70% dự án mới mang tên ngoại. (TT, 16.6.2011)
Đứng trước hiện tượng tràn lan cao ốc ‘ngoại’, các cơ quan chức năng cần can thiệp như đã từng làm với những hiện tượng biển hiệu và quảng cáo. Và những tổ chức xã hội kiểu như “Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng các sản phẩm xây dựng” cũng cần vào cuộc. Vào cuộc can thiệp theo thông lệ quốc tế ngay từ lúc làm giấy khai sinh cho những dự án hiện diện trên đất Việt. Nhưng nhập gia cũng phải tùy tục. Nhiều người người nhập quốc tịch Việt bèn dùng tên Việt: Trần Thị Nhung (bóng chuyền); Đinh Hoàng La (bóng đá)... Cũng không ít người nước ngoài mang thêm tên Việt vì yêu mến Việt Nam: Một người Đức mê nhạc Trịnh Công Sơn bèn lấy tên Trịnh Công Duy. Võ sư Trịnh Công Long không phải là người gốc Việt.
Theo thông lệ quốc tế, cần phân biệt những thương hiệu nước ngoài đích thực với những vỏ ‘Tây’ nhưng ruột nội. 
“Sofitel Hà Nội” nằm trong chuỗi khách sạn Sofitel của Pháp, Hilton Opera Hà Nội thuộc chuỗi khách sạn Hilton của Mỹ, khách sạn Daewoo tại Hà Nội thuộc chuỗi khách sạn của tập đoàn Daewoo, Keangnam Hanoi Tower …là tòa nhà 70 tầng gắn với tên tuổi của tập đoàn Hàn Quốc Keangnam … Đặt tên khách sạn, công trình kiến trúc … gắn liền với thương hiệu tập đoàn là một cách khẳng định chất lượng của khách sạn, của công trình theo thương hiệu của mỗi tập đoàn. Cách đặt tên này là một thông lệ quốc tế. Một số khách sạn Việt Nam được đặt tên tiếng Anh nhằm phục vụ khách quốc tế, cho người nước ngoài dễ nhớ là cần thiết. Métropole, Caravelle, Majestic…là những thương hiệu xứng đáng được tồn tại. 
Cái gốc của hiện tượng nhiều công ty, nhiều trung tâm kinh doanh, xây dựng Việt Nam không hề có phạm vi hoạt động quốc tế dùng tên nước ngoài, như nhiều người đã từng lên án là bệnh người Việt sính thương hiệu nước ngoài, phản ánh tâm lý tự ti của người Việt. Dường như cứ kèm tên “Tây” vào là ngỡ rằng chất lượng hàng hóa cao lên, chất lượng khách sạn, chất lượng căn hộ càng thêm “cao cấp”… Mác Vincom village Hanoi (khu công nghiệp Sài Đồng – Long Biên” oai hơn tên Làng Vincom Hanoi. Họ quên rằng chiếc áo không làm nên thầy tu. Tên tiếng Anh không làm nên chất lượng của công trình, dự án hay thương hiệu… Tất nhiên, việc dùng tên công ty làm tên dự án là điều không cấm.
Có khuynh hướng khá buồn cười là “dịch thô” những khái niệm tiếng Việt ra tiếng Anh hòng hấp dẫn người dùng. Người Việt thích sống trong một ngôi nhà hạnh phúc, thích những “sao”... Ấy thế là sinh ra cái tên các căn hộ Happy House Garden ( khu đô thị mới Việt Hưng, Hà Nội), Five Star (Long An). Xuất hiện Botanic Towers vì chúng ta đang quan tâm tới thành phố xanh. Chủ đầu tư khu đô thị ở một tỉnh, xưa được coi là vùng đồng chiêm trũng nay bèn tự nâng cấp lên “thành phố”, khu River Silk City (Phủ Lý). 
Có những công ty hạng trung rặt Việt đầu tư xây dựng khu chung cư Chelsea Park (Nam Trung Yên, Hà Nội). Chelsea là thương hiệu của một đội bóng đá Anh nổi tiếng với ông chủ Nga Abramovich giàu có, sao lại dùng làm một thương hiệu xây dựng Việt nếu không ngoài mục đích câu khách tiêu dùng? Và tên ngoại nhưng vẫn hở ra ‘cái ruột’ nội: May 10 Plaza là của tập đoàn May 10 Hà Nội.
Khi xác nhận ‘giấy khai sinh’ cho dự án, nhà chức trách nên chú ý tới những đặc điểm tiếng Việt của những tên này. Dù là mang tên nước ngoài vẫn không cần giữ lại những City, Tower, Center.
Chẳng hạn, nên đổi Vincom City Towers (ở Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) thành Tháp Vincom (gọn hơn Tòa tháp Vincom), chỉ cần Tháp Tài chính Bitexco chứ đâu cần Bitexco Financial Tower. Có cần Cao ốc Saigon Finantial Center hay chỉ cần Trung tâm Tài chính Sài Gòn?

Wednesday 8 May 2013

VỀ MỘT BÀI KHẢO CỨU ĐỊA LÝ HỌC LỊCH SỬ CỦA VŨ PHẠM KHẢI - Nguyễn Đức Toàn

71. Về một bài khảo cứu địa lí học lịch sử của Vũ Phạm Khải (TBHNH 2005)
Cập nhật lúc 10h33, ngày 12/08/2007
NGUYỄN ĐỨC TOÀN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Từ trước đến nay, vấn đề tìm hiểu các biên chép, khảo cứu về địa chí đã từng được đề cập đến, một số tác phẩm về địa chí đã được dịch công bố, với một số bài nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành. Một trong số những người sớm bước vào khảo cứu về địa lý học lịch sử là GS. Đào Duy Anh với công trình biên khảo rất có giá trị là Đất nước Việt Nam qua các đời. Qua lời dẫn của tác phẩm, chúng ta nhận thấy vấn đề nghiên cứu và quan tâm đến địa lý học lịch sử ở nước ta thực sự bắt đầu được các sử gia quan tâm sâu sắc từ đời nhà Nguyễn. Theo đó GS. Đào Duy Anh có nhắc đến một bài "Nghiên cứu về địa lý học lịch sử" được chép trong Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông(2) đời Tự Đức. Đó là "bức thư của Vũ Phạm Khải gửi cho Tô Trân(3) và Phạm Hữu Nghi(4) là hai sử thần ở Quốc sử quán bấy giờ để bàn về sách Dư địa chí, thư ấy Nguyễn Thông phụ chép ở tác phẩm trên, thì rõ ràng là một bài nghiên cứu về địa lý học lịch sử". Tuy vậy, bên dưới tác giả có một lời chú thích: "Bản in của sách Việt sử cương giám khảo lược hiện có ở Thư viện Viện Sử học lại không có bức thư ấy, chúng tôi đã được đọc bức thư ấy trong một bản ở Thư viện Huế trước Cách mạng tháng Tám". Theo những thông tin mà GS. Đào Duy Anh nhắc đến, chúng tôi đã tìm lại nguyên bản Hán văn bài khảo cứu của Vũ Phạm Khải trong văn bản Dưỡng Trai văn tập, A.429. Bài khảo cứu này, đã được sưu tầm trong công trình Vũ Phạm Khải - Đông Dương văn tuyển, với tiêu đề là Thư bàn về viết sử - Trả lời Tô Trân và Phạm Hữu Nghi. Qua bài viết này, những vấn đề mà Vũ Phạm Khải bàn luận thực không chỉ là bàn về phép soạn sử mà thực chất là bàn về những nghi vấn của ông về vấn đề địa lý học lịch sử và phương pháp biên soạn sách địa chí. Chúng tôi xin được đối chiếu và tham khảo bản dịch của công trình trên để giới thiệu bài viết này cũng như nhận xét về từng vần đề mà ông đã nêu mang tính chất khảo cứu địa lý học. Vũ Phạm Khải đặt ra 10 vấn đề như sau:
1. Vị trí của Tượng Quận(5): Vũ Phạm Khải cho rằng đời Tần nước ta vẫn chưa lệ thuộc hết vào Trung Quốc. Tượng Quận do nhà Tần đặt không hẳn là bao gồm cả nước Việt ta. Theo ông dẫn chứng, thì nhà Tần đặt 3 quận là Quế Lâm, Tượng Quận và Nam Hải, các sách sau chú rằng Quế Lâm nay là Quảng Tây; Nam Hải nay là Quảng Đông còn Tượng Quận bao gồm 1 phần Quảng Đông, 1 phần Quảng Tây và cả nước An Nam. Ông dẫn chứng:
- "Năm đó, nước ta thuộc đời vua Thục An Dương Vương năm thứ 44 (214 TCN). Đất nước ta có vua đứng đầu, nước chia làm 15 bộ. Vậy lẽ nào nhà Tần đặt quận trên đất nước ta! Đó là một điểm ngờ"(6)
- Con sông mà quân Tần cho đào để vận chuyển quân lương, theo sách Hoàn vũ ký thì chỉ đào từ Linh Lăng đến Quế Lâm. "Vậy thì quân sĩ của Đồ Thư(7) sao có thể vượt Quế Lâm mà tiến về phía Nam được ? Đó là điều ngờ thứ hai".
- "Tượng Quận là vùng đất Việt trong Bách Việt, không phải là đất Việt thuộc nước Việt ta. Giả sử quân Tần có vào tới bờ cõi nước ta, chẳng qua cũng chỉ tới một, hai nơi đại loại như vùng đất Lục Châu, Chiêu Tần ở Hưng Hóa mà thôi. Nhưng từ sau khi người Việt đánh giết Đồ Thư, vùng đất này lại thuộc nước ta. Gọi là quận của Tần chẳng qua cũng chỉ chép khống tên gọi, chứ không thể có thực vùng đất Việt ta". "Nay nên chép các tỉnh từ Bình Thuận trở ra Bắc, thuộc đất 15 bộ của Hùng Vương, sau thời Bắc thuộc là 3 quận đời Hán. Không phải nhất nhất lệ thuộc vào các quận đời Tần".
2. Về việc chép phân dã trong các sách địa chí: Theo ông việc phân chia cương vực theo tinh dã, thuộc phận sao gì sao gì, thực còn rất mơ hồ. Như theo "Tiền Hán thư thì nước ta thuộc Dương Việt, Ngưu, Nữ. Theo Đường chí lại thuộc Thuần Vĩ, Dực, Chẩn. Theo Gia Định thành thông chí thì sáu tỉnh Nam Kỳ cũng thuộc địa phận Ngưu, Nữ. Theo Vân Đài loại ngữ của Lê Quế Đường nói nước ta chịu sự phân dã phối hợp của Dực, Chẩn, Tỉnh, Quỷ, Ngưu, Nữ. Như vậy không biết khảo chứng như thế nào ? Nếu căn cứ vào thuyết lấy sông làm phân giới của Nhất Hành(8) đời Đường mà suy thì có người cho rằng từ Tiền Giang trở về đông đến Bắc Kỳ thì lệ thuộc vào sao Thuần Vĩ. Từ Tiền Giang thuộc về tây thuộc sao Thuần Thủ. Không biết có đúng hay không? Quan Thái sử đời xưa vốn là quan chiêm tinh, cho nên phép tính lịch theo các vì sao trình bày rất tinh tường. Ngày nay, người viết sử về tinh văn cung độ rất mơ hồ, không lĩnh hội nổi. Thế mà đưa những sách mà người đời nay chưa đọc, lấy những điều bàn luận chưa dứt khoát của người xưa để mà cao đàm khoát luận, mơ màng mờ mịt thì làm sao có thể tin được?".
Tuy vậy mục phân dã trong địa dư chí là không thể thiếu, ông cho rằng tạm cứ theo Đại Thanh nhất thống chí làm chuẩn. Vùng nào giáp với Trung Quốc thì cứ chép theo sao của vùng đó. "Những nơi tiếp giáp vùng Lưỡng Quảng thì theo phân dã vùng Lưỡng Quảng. Những nơi tiếp giáp vùng Vân Quý thì theo phân dã vùng Vân Quý, sau đó là những vùng lân cận, để cho người ta khỏi cười là cái hũ tương là được"(9). Lại đề cao vai trò của người viết sử trong việc soạn địa chí, quan niệm sử - địa tương thông.
3. Hoài nghi về chuyện cột đồng của Mã Viện: Vũ Phạm Khải cho rằng việc Mã Viện có dựng cột đồng ở nước ta, các chính sử đời Hán đều không ghi, là điều nên để khuyết nghi chưa hẳn đã có. Mà các sách chép về việc này thì không thống nhất nhau. Vì "Căn cứ vào sử sách, nếu đúng Mã Viện lập cột đồng thì đó là vấn đề lớn về đường biên giới. Chính sử lẽ nào không ghi chép. Trong Mã Viện bản truyện, phàm tất cả những sự việc Nam chinh như trống đồng, ngựa đồng đều được ghi lại đầy đủ, chỉ riêng có cột đồng lại không ghi(10). Điều này không thể lý giải được."Thuyết bàn về cột đồng khởi từ sách Quảng Châu ký, nhưng không nói nơi dựng. Rồi ra nhiều lời bàn, lấy ngoa truyền ngoa, ghi chép điều quái lạ, không thể tin được". "Sách sử, sách truyện đã không ghi chép thì cứ để khuyết cũng được. Lý giải khiên cưỡng sẽ là xuyên tạc". Bên cạnh đó ông còn cho rằng, quân của Mã Viện đánh nhau với quân Hai Bà Trưng ở Cấm Khê, Sơn Tây chứ không phải ở Diễn Châu, Nghệ An như một số thuyết.
4. Về xác định địa danh núi Hoành Sơn(11): Vũ Phạm Khải đã chỉ ra rằng Hoành Sơn được nhắc đến đầu tiên trong Tấn sử. Còn việc Ninh Quốc công của họ Trịnh(12) có dựng lũy trên núi ấy thì là sai. Sách Địa chí của Lê Quang Định ghi là có, tại bởi vì sau nhân có Phạm Quý Thích(13) khi đi qua đây, làm thơ có nhắc đến lũy của Ninh Quốc công: "Ninh Quốc danh tồn cố lũy hoang - Ninh Quốc công danh tiếng còn truyền mà lũy cũ đã hoang tàn" ấy là chưa khảo cứu kỹ, lưu truyền nhầm lẫn mà ra. Còn thuyết cũ cho rằng là lũy của người Lâm ấp xây, thì ông theo lời thơ của Bùi Tồn Trai(14) cho là có sự thực: "Thạch thành Lâm Ấp trúc, Sơn lộ Tử Bình khai - Thành bằng đá do người Lâm Ấp dựng; Đường trên núi do Tử Bình mở(15)". Còn như vị trí của Hoành Sơn có hai thuyết. "Một cho là ở vị trí ngày nay; Một cho là ở phía bắc huyện Bố Trạch 200 dặm, còn có tên khác là Lễ Đễ. Đầu đời bản triều có nguyên soái Tôn Thất Hiệp thường tiến quân theo đường này, thấy còn có tên khác là núi Ma Cô. Dẫn Việt sử, năm 1043, vua Lý Thái Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành đã đến núi Ma Cô. Lê Quế Đường soạn sách Tạp lục, cho rằng Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm nói đến Hoành Sơn là núi này chứ không phải Hoành Sơn ngày nay. Không biết thuyết nào đúng ? Xin để cả hai làm tồn nghi".
5. Bàn về đất Nhật Nam(16): Thì ông theo quan điểm là người nước Chiêm Thành tức là nước Lâm ấp xưa thực là một huyện thuộc quận Nhật Nam đời Hán. Sau người trong huyện nổi dậy đánh đuổi quan cai trị mà lập ra nước Lâm ấp. "Hiểu rõ sự việc như thế, thì coi nước Chiêm Thành là miền đất cũ của Nhật Nam ta. Người họ tự cướp lấy mà xưng làm nước. Không thuộc Nhật Nam thì làm gì có đất mà gọi là Chiêm Thành, làm gì có đất mà gọi là Lâm ấp ? Trải các thánh triều ta kinh lý, thì cũng chỉ là khôi phục đất cũ ta do nhà Hán chiếm giữ đặt làm quận huyện, lấy lại bờ cõi cũ của nước nhà, không phải thôn tính đất Chiêm để tự mở mang bờ cõi cho rộng rãi. Sử Trung Quốc chép nước ta thôn tính Chiêm Thành, sử cũ của ta cũng theo đó. Thế là chưa nghiên cứu kỹ sự tích từ đầu đến cuối về Chiêm Thành, sai lầm quá lắm. Tôi trước đây ở Sử quán, cũng đã soạn cuốn Chiêm Thành chí. Nếu có chỗ nào không đầy đủ, mong tiếp tục làm cho rõ, để giúp các nhà chức trách có thêm tài liệu khảo cứu phần nào".
6. Bàn về đất Thủy Chân Lạp: ở đây ông phân biệt cho mọi người thấy sự khác biệt giữa Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp (chỉ vùng đất thuộc các tỉnh Nam Kỳ). Thủy Chân Lạp là do các vua triều ta vất vả khai thác chứ không phải chiếm đất của nước Chân Lạp. "Nguyên ban đầu vùng đất này thuộc nước Phù Nam xưa" sau bị Chân Lạp thôn tính. Ông dẫn Đường thư "Chân Lạp vốn là nước phụ thuộc của Phù Nam. Năm đầu niên hiệu Trinh Quán (627), Chân Lạp thôn tính Phù Nam. Sau năm Thần Long (705), nước này chia làm hai, nửa phía bắc nhiều núi gọi là Lục Chân Lạp chu vi khoảng 700 dặm. Nửa phía nam giáp biển gọi là Thủy Chân Lạp chu vi khoảng 800 dặm"; "Căn cứ vào hiện tại thì vùng Cao Miên ngày nay tức là thành Trấn Tây, là Lục Chân Lạp. Các tỉnh Nam Kỳ ngày nay là Thủy Chân Lạp. Điều này không còn nghi ngờ gì nữa, vùng đất này thuộc nước ta đã từ nhiều năm, nhiều đời rồi. Các tỉnh Định Biên, Long Tường, An Giang nhân có hàng tướng nhà Minh là bọn Trần Thượng Xuyên(17) từ xa khâm phục uy đức của thánh triều, khai khẩn đất hoang, cùng với biên thần của ta nhiều lần sắp đặt. Còn vùng Hà Tiên bây giờ, cha con Mạc Cửu khai phá, thêm vào nữa là các vùng đất do Lục Chân Lạp đến dâng cống. Đó đều là vùng đất Thủy Chân Lạp, mà Thuỷ Chân Lạp lại là đất Phù Nam xưa, đối với vùng đất Lục Chân Lạp nguyên không có liên can gì. Nếu thiển kiến thì cho rằng ta chiếm đất của Chân Lạp mà không biện luận cho rõ đâu là Thủy Chân Lạp đâu là Lục Chân Lạp, và không rõ ngọn nguồn từ đâu thì thực sai lầm quá lắm. Bờ cõi biên cương trong ngoài là công việc to lớn của nước nhà, không thể không thận trọng được. Khoảng đời Thiệu Trị (1841-1847), vùng biên phía Tây nước ta có chuyện rắc rối. Trong việc xác định sự thay đổi trước sau như thế này, tôi đã hai ba lần hỏi han cho sáng tỏ. Sự trù liệu sâu sa của triều đình thực là rõ ràng. Bản tường trình của tôi trước đây chưa được đầy đủ, rõ rệt, cần được bổ sung đính chính chỗ nào, xin các vị cứ thêm ý".
7. Bàn về các nước láng giềng: Phần này Vũ Phạm Khải tỏ ra là người có cách nhìn nhận rất thận trọng trong các vấn đề biên giới, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác ngoại giao. Cần tìm hiểu kỹ các sự kiện trong lịch sử, cũng như tình hình ngoại giao với các nước lân cận.
- Đối với nước Thanh: "Bờ cõi nước ta tiếp giáp với nước Thanh. Phàm tất cả đường thuỷ đường bộ giữa hai miền Nam Bắc, tên gọi các cửa ải xưa nay cùng với các vùng đất của nước Nam bị cắt cho Trung Quốc thì cứ qua các quốc thư trao đổi giải quyết về việc này ắt rõ đầu cuối mọi sự mà ghi chép lại được rõ ràng. Như 59 thôn ở Cổ Lâu thuộc Châu Lộc ở Lạng Sơn, cuối đời Trần, Hồ Quý Li đã cắt dâng cho nhà Minh. Đời Lê năm Nguyên Hoà 8 (1540) họ Mạc lại dâng 4 động Cổ Lâm, Tư Lẫm, Liễu Cát, Kim Lặc thuộc châu Vĩnh Yên của Quảng Yên để xin nội thuộc nhà Minh. Đầu đời Lê Trung hưng, Mạc Kính Khoan đã cắt 3 động Phố Viên, Hồ Điệp, Ngưu Dương thuộc Vị Xuyên, Tuyên Quang dâng cho nhà Thanh. Thời Cảnh Hưng (1740-1786), bọn thổ tù Đèo Ngọc, Hoàng Công Toản đã cắt dâng 6 động Mãnh Lại, Mãnh Thích, Mãnh Đinh, Mãnh Tuấn, Mãnh Bạn, Mãnh Lộng thuộc châu Chiêu Tấn, Hưng Hóa. Những nơi này đều là những nơi địa đầu quan trọng của bờ cõi".
- Đối với nước Tiêm La, là nước luôn gây cạnh tranh giành ảnh hưởng với ta đối với các nước Chân Lạp, Vạn Tượng. Vũ Phạm Khải phân tích: "Tiêm La là nước Xích Thổ xưa, sau này chia làm 2, là nước Tiêm và nước La Cầu. Đến đầu đời Nguyên thì La Cầu thôn tính nước Tiêm, lấy tên nước là Tiêm La. Đất các nước Vạn Tượng, Chân Lạp đều có quan hệ lệ thuộc với nước ta, là phên dậu của ta nhưng lại gần cận với đất Tiêm, bị người Tiêm khuất phục. Đầu mối các cuộc binh đao nổ ra từ trước tới nay đều do người Tiêm gây hấn. Cho nên việc người Tiêm can thiệp vào đất ta, không thể không biết rõ".
- Với nước Miến Điện: "Nước này có thù địch truyền đời với người Tiêm La, nhưng họ lại thường có ý đi lại tặng quà cho ta. Đầu đời Gia Long đã hai lần sai sứ sang thông hiếu nhưng không đạt. Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), lại sai sứ đem quốc thư, tặng phẩm sang biếu đề nghị ta tuyệt giao với Tiêm, nhưng triều đình chỉ tặng quà hậu hĩ rồi cho về. Năm Thiệu Trị 4 (1843) họ lại sai sứ sang thông hiếu, theo đường Sơn Tây vào, vua giao cho đình thần bàn định, mỗi người một ý. Ta lại phái người sang thành An Hoà nước họ để thăm hỏi tình hình. Đại để ta và Miến Điện không có ơn huệ, cũng không có oán cừu nhưng không thể không để ý. Họ cũng như hai nước Nam Chưởng và Vạn Tượng, nên khảo cứu đính chính cho rõ, xếp vào truyện ngoại giao để tiện tra cứu".
8. Khảo xét về sông núi: Ông nêu bật lên những núi sông đặc trưng của mỗi vùng trong cả nước đáng để tra kê khảo đính. "Địa thế nước Việt Nam ta, trên những nét lớn, các ngọn từ Cao Lạng đến Quảng Yên làm thành đường biên giới lớn giữa ta với nước Thanh. Quãng giữa có Tam Điệp làm đường ngăn giữa Thanh Hóa và Ninh Bình; Dải Na Sơn chia Thanh Hoá với Nghệ An; Dải Hồng Lĩnh là gianh giới giữa Nghệ An và Hà Tĩnh; Hoành Sơn là bức trường thành chia hai miền Nam Bắc. Dải Hải Vân sơn hiểm trở của chốn thần kinh. Còn như Thạch Tân của Nam Ngãi, Cù Mông của Bình Phú, Đại Lĩnh của Thuận Khánh và các ngọn núi ở Bình Thuận là cửa ngõ của đất Biên Hòa trở vào Nam. Đều là những huyết mạch lớn, nhánh vận hành lớn của đất nước. Ngoài ra sông cao núi lớn, các tỉnh đâu đâu cũng thấy".
Nhấn mạnh những nét còn thiếu sót của sách vở ta về các sông núi của cả nước, hoặc thảng có thì lại không đầy đủ. "Khảo cứu sách vở thì thấy nêu được cái nhỏ lại bỏ sót cái lớn, hoặc được cái này để mất cái kia". "Như đầu đời nhà Minh, Minh Thái Tổ lập đàn Giao, đã sai quan đến nước ta xem xét khảo cứu 21 ngọn núi lớn, 12 con sông to, sắp xếp tên gọi theo trình tự, vẽ bản đồ đem về; sau đó sai quan tế lễ và đưa vào điển thờ ở Đàn Giao cùng với các ngọn núi con sông ở Trung Quốc. Sự việc này được ghi chép đầy đủ trong Minh sử, mục Lễ chí... Thế mà sử cũ của nước Việt ta lại không nhắc đến... Than ôi ! Núi sông đất nước ta được thơ cúng ở Bắc triều là một nghi lễ rất lớn, sử sách Trung Quốc đã ghi, thế mà sử nước ta há lại lược bỏ đi ư ? Nên dựa theo tên gọi mà Minh Sử ghi chép, điều tra lại tất cả các nơi đó, rồi theo sự thực mà ghi lại, đặng bổ cứu những chỗ thiếu sót".
9. Bàn về mục Nhân vật chí trong việc biên soạn địa dư chí, ông cho rằng đây là một mục không thể thiếu. Các nhà biên soạn nên tra cứu cho thật đầy đủ, những nhân vật thuộc nước Nam ta có công tích rạng rỡ chớ nên bỏ sót, nếu chưa khảo được thì hãy để tồn nghi, như trường hợp của Tô Hiến Thành. Có ý thức tự hào dân tộc khi nhắc đến những người từng làm quan cho Trung Quốc như Khương Công Phụ, Lý Ông Trọng. Đặc biệt ông thể hiện cách nhìn nhận đánh giá nhân vật lịch sử rất khách quan và công bằng. Như "Thái sư Trịnh Kiểm là bậc công thần đời Lê Trung hưng. Nếu vì con cháu ông cưỡng bức tiếm quyền, mắc tội với nhà Lê mà bỏ không ghi chép công lao của ông, theo nghĩa chữ Trung e rằng không ổn. Bởi vì họ Trịnh đối với nhà Lê cũng như họ Quý đối với vua Lỗ. Trịnh Kiểm đối với vua Lê Trang Tông, Anh Tông cũng như Quý Hữu(18) đối với Lỗ Trang Công, Mẫn Công. Sách Xuân Thu không vì con cháu họ Quý tiếm quyền mà không ghi chép hiền tài của Quý Hữu. Vậy thì sử sách nước ta há vì tội trạng của con cháu họ Trịnh tiếm quyền mà vứt bỏ công lao phù Lê của Thái sư được ư ? Như thế thì không thể biện minh được. Nghĩ rằng ở phần nhân vật chí của Thanh Hóa phải có tên Thái sư Trịnh Kiểm, nhưng ở dưới chú rõ sự trạng tiếm quyền từ Trịnh Tùng trở về sau cho đến Trịnh Sâm. Danh phận từng người phải rõ ràng nghiêm túc, như hòn ngọc mang vết thì không thể che giấu được. Lại như các bề tôi theo vua Lê Chiêu Thống chạy trốn như các ông Lê Quýnh, Nguyễn Giản(19), tuy sự nghiệp chưa khảo rõ ràng nhưng lòng tiết nghĩa của các ông không thể mai một đi được. Hãy nên ghi rõ quê quán, đặng tránh được sự trách cứ của quỷ thần".
10. Phần về hình thắng núi sông, ông phê phán việc coi trọng ghi chép về đồng bằng phì nhiêu mà quên miền núi rừng hiểm trở. Cho rằng dân ta cũng như Trung Quốc, đều từ miền rừng núi mà dần tiến xuống đồng bằng. Đồng bằng ngày một phát triển rộng rãi ra mà miền rừng núi thì ngày một thưa thớt, đó là cái thế phát triển của tự nhiên. Các sách vở chép về Thượng du thì ít mà sơ lược, chép về Hạ du thì nhiều mà rõ ràng. Nếu mà cứ như thế chẳng hóa dần mai một hết mà không biết gì đến chỗ hiểm yếu của núi sông hay sao? Nay xét thấy miền thượng du nước ta, chưa nói đến tài nguyên giàu có mà chỉ về việc "các bậc danh thần tướng văn tướng võ, các bậc đế vương bao đời đã áo vải cờ đào, cơm khe nước vắt muôn nghìn gian khổ tạo dựng cơ đồ như vùng Hoa Lư thời Đinh, Lam Sơn thời Lê, Ai Lao thời Hậu Lê đều là đất dụng võ khởi binh đánh giặc. Những nơi khác như Tây Nhai với họ Hồ, Tuyên Quang với họ Vũ, Cao Bằng với họ Mạc, Trấn Ninh với Lê Duy Mật(20) đều là dựa vào chỗ hiểm trở mà củng cố thế lực". "Việc soạn sách này chủ yếu là bổ sung những điều tai nghe mắt thấy. Nếu chỉ ghi chép chỗ cận gần, không khảo cứu những nơi xa xôi thì người ta sẽ tìm được điều gì trong đó. Huống chi tạo thế hiểm cho một quốc gia, không gì ngoài núi và biển. Nay sao cho các nhân sĩ trung châu được dùng thì ở nơi biển cả không ngại sóng to, được dùng ở rừng núi thì không ngại lam chướng, chân không tới thì mắt phải tới được. Muốn vậy chỉ có nhờ vào sách mà thôi. Sách không ghi chép đầy đủ thì lấy gì để khảo cứu. Bỗng có việc gì xảy ra, dựa vào đâu để xử lý. Cho nên trộm nghĩ rằng các tỉnh miền thượng du cần được điều tra khảo cứu tường tận. Phàm tất cả những chỗ núi non hiểm trở, đường xá xa gần, đất đai rộng hẹp dân cư nhiều ít, cùng những địa điểm mà các tướng văn tướng võ lập công từ trước tới nay, đều phải ghi chép đầy đủ. Như thế há chẳng khiến cho Tiêu Hà chỉ cần mở sách còn hơn Phục Ba tích chứa thóc gạo đó sao(21)".
Bài viết trên chứng tỏ Vũ Phạm Khải là người hiểu biết rất sâu rộng và tường tận về địa lý lịch sử. Có thái độ nghêm túc, đặt vấn đề khảo sát thật chi tiết kỹ càng. Những vấn đề ông đặt ra đều là những vấn đề quan trọng, thiết yếu. Tuy không tránh khỏi hạn chế của quan điểm tư tưởng phong kiến trong việc biện giải cho công cuộc khai phá của nước ta về phương Nam. Lý giải về việc lũy cũ của Ninh Quốc công trên Hoành Sơn còn chưa thuyết phục. Song ông đã nêu ra được các trọng điểm cần lưu tâm khi biên soạn địa dư chí, thể hiện tinh thần tiến bộ khoa học, vì sự phát triển của nước Đại Nam. Đó là:
- Một là ý thức cần khảo cứu thật kỹ về các địa danh lịch sử, như Tượng Quận, Nhật Nam, Đồng Trụ, Hoành Sơn.
- Hai là coi trọng những nơi rừng núi hiểm trở thưa thớt của miền thượng du, coi đó như là nơi trọng yếu không thể bỏ của nhà nước nhằm giữ thế hiểm cho nước nhà. Biên soạn sách phải thật đầy đủ kỹ càng, không bỏ sót một tấc đất của ông cha. Mục đích là lưu truyền tri thức và hữu ích khi có chuyện lớn xảy ra. Điều này, thực tế đã chứng minh giá trị qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta, đều phải dựa vào núi rừng hiểm trở để góp phần làm nên chiến thắng.
- Ba là có thái độ nghiêm túc cẩn trọng khi xem xét về các vấn đề ngoại giao liên quan đến biên cương lãnh thổ. Nhất là các sự kiện cắt đất của ta cho nhà Minh, Thanh trong lịch sử. Đề cao công tác đối ngoại.
- Bốn là tư tưởng tự hào về núi sông đất nước, sánh ngang với các núi sông của Trung Quốc. Có ý thức dân tộc trong đánh giá các nhân vật lịch sử, nhất là cách nhìn nhận rất khánh quan và tiến bộ đánh giá công lao của nhân vật lịch sử đời trước. Không vì lỗi lầm sự thất bại của cá nhân hay dòng họ mà phủ nhận toàn bộ công lao cũng như khí tiết của kẻ sĩ, như đối với Trịnh Kiểm, Lê Quýnh, Nguyễn Giản.
Bài viết này của Vũ Phạm Khải thực sự không chỉ có ý nghĩa về mặt khảo cứu địa lý lịch sử thông thường mà nó còn đặt ra vấn đề phương pháp luận và ý thức trong biên soạn địa dư chí, ý thức trách nhiệm của một kẻ sĩ có đạo.
Chú thích:
(1) Vũ Phạm Khải (1807 - 1872), là văn thần triều Nguyễn hiệu là Đông Dương, quê ở Yên Mô, Ninh Bình, đậu Cử nhân 1831, chức Lễ khoa cấp sự trung, Hồng lô tự khanh, sau vì mâu thuẫn với quyền thần nên bị cách. Năm 1850 bổ chức Thái Nguyên Bố chính, mất khi tại chức, để lại nhiều trước tác văn học có giá trị.
(2) Nguyễn Thông (1827 - 1884), danh sĩ thời Tự Đức, người phủ Tân An, Gia Định, đỗ Cử nhân 1849, chức Huấn đạo sau thăng Hàn lâm biên tu, có tác phẩm là Việt sử cương giám khảo lược khảo các điểm ngờ trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
(3) Tô Trân (1791 - ?), xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang, Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ năm 1826, chức Tuần phủ, sau thăng Toản tu quốc sử quán.
(4) Phạm Hữu Nghi (? - ?) hiệu Đạm Trai, nguyên quán Nghệ An di cư vào Quảng Nam, đỗ Cử nhân năm 1821, từng đi sứ nhà Thanh, chức Hàn lâm điển bạ, có thi tập còn lưu lại.
(5) Tượng Quận: Tấn quận thời nhà Tần đặt. Nhiều thư tịch cổ công nhận nước ta thời Tần thuộc Tượng Quận. Vũ Phạm Khải không cho là như vậy.
(6) Vũ Phạm Khải: Đông Dương thi văn tuyển, Nxb. KHXH, H. 1991 (Sđd). Những đoạn trong ngoặc kép là trích dịch từ nguyên văn chữ Hán bài khảo cứu của Vũ Phạm Khải.
(7) Đồ Thư: Tướng nhà Tần sai di đánh các tộc người Bách Việt. Sai người đào sông để vận lương vào sâu đất Lĩnh Nam năm 214 TCN.
(8) Nhất Hành: một thiền sư thời nhà Đường rất giỏi thiên văn và chiêm tinh.
(9) Ý chê là dốt nát, như hũ tương.
(10) Mã Viện bản truyện trong Hậu Hán thư chỉ thấy chép việc Viện thu trống đồng để đúc ngựa đồng dâng lên vua Hán, vua sai để dưới điện. Mã Viện là người rất giỏi về tướng ngựa, không thấy chép việc lập cột đồng.
(11) Dãy núi xuất phát từ Trường Sơn chạy ra biển, giáp giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nổi tiếng với câu sấm của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”. Tức là vùng núi Đèo Ngang.
(12) Ninh Quận công Trịnh Toàn con Trịnh Tráng, đóng quân ở Bố Chính chống với tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến. Sau bị nghi có lòng khác, gọi về triều xử tội chết.
(13) Phạm Quí Thích, Tiến sĩ triều Lê, là người có học thức và đức độ, nhà Nguyễn nhiều lần trọng dụng ông đều cố gắng thoái thác.
(14) Bùi Tồn Trai tức Bùi Huy Bích hiệu là Tồn Trai, Tiến sĩ thời Lê, có nhiều thơ văn còn lưu truyền, cũng là một danh sĩ có tiếng.
(15) Tử Bình là tướng thời Duệ Tông nhà Trần, từng đi đánh Chiêm Thành.
(16) Nhật Nam: tên quận đời Hán, thực là chỉ vùng đất miền Trung nước ta, thuộc nước Chiêm Thành. Một số sách còn chú là Tượng Quận đời Tần tức Nhật Nam đời Hán, tức là nước ta. Từ cuối thế kỷ XIX thuyết này bị phê phán là không đúng. Nhà Hán chia nước ta thành 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Vũ Phạm Khải cho rằng Nhật Nam vốn là đất nước ta, người Chiêm Thành tự cướp mà lập nước ở đấy.
(17) Trần Thượng Xuyên là tướng của nhà Minh, nhà Minh bị Mãn Thanh diệt, nhiều dòng họ, đại thần nhà Minh bỏ sang nước ta lánh nạn.
(18) Quí Hữu: một trong các học trò của Khổng tử, là một người tài. Thuộc dòng Quí thị, quyền thần của nước Lỗ, là dòng họ lớn chuyên quyền lấn cả vua.
(19) Lê Quýnh, Nguyễn Giản là những cựu thần tòng vong theo Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc. Biểu hiện lòng trung thành của bề tôi.
(20) Đều là những vùng đất căn bản của các dòng họ và dựng nghiệp của các thủ lĩnh quân khởi nghĩa
(21) Tiêu Hà tướng đời Hán Cao Tổ, khi đem quân vào Quan Trung, các tướng sĩ tranh nhau của cải thì Tiêu Hà đi thu gom các văn tịch đồ thư của nhà Tần còn sót lại. Phục Ba là Mã Viện đời Hán Quang Vũ, tích gom thóc gạo để dùng khi việc quân, đều là 2 tướng giỏi. Phân tích lợi hại, đề cao vai trò của thư tịch địa chí.
Tài liệu tham khảo:
1. Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 2002.
2. Vũ Phạm Khải: Đông Dương thi văn tuyển, Nxb. KHXH, H. 1991.
3. Trúc Khê: Vũ Phạm Khải một vị văn học danh thần triều Nguyễn, Tri tân (198-205). H. 1945.
4. Đại Nam liệt truyện, Nxb. Thuận Hóa, 1992.
5. Đại Nam thực lục, Viện Sử học, H. 1964.
6. Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ. Nxb. KHXH, H. 1993.
7. Lập Trai tiên sinh hành trạng lục. S. 1964.
8. . . 1953.
9. , 輿. A.67/1-3; VHv.176/1-3; VHv.2555. VNCHN.
10. . A.429. VNCHN./.
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.594-608)